HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
Trong lúc diễn giải kinh, chúng ta cần phải cứu xét đến hoàn cảnh trong đó bài kinh được thuyết giảng và thính chúng nào được nghe bài kinh đó. Trong suốt cuộc đời dài hoằng pháp, Đức Phật đã linh động điều chỉnh lời giảng dạy tùy theo khả năng và nhu cầu của thính chúng. Ngài dạy những kẻ hành xử liều lĩnh nên từ bỏ những đường lối tự làm mình thất bại và nên dấn thân làm những việc thiện lành để mang lại kết quả an vui. Ngài dạy những kẻ có khuynh hướng cam chịu đầu hàng số phận rằng nỗ lực của chúng ta trong hiện tại quyết định phẩm chất của đời sống hiện tại cũng như số phận chúng ta trong tương lai. Ngài dạy những người tin tưởng sự hiện hữu của con người sẽ chấm dứt khi chết, rằng chúng sanh vẫn còn tồn tại sau khi thân hoại mạng chung và sẽ tái sanh tùy theo nghiệp của họ. Ngài dạy những người chưa đủ thuần thục để đạt được những quả vị cao hơn nên có nguyện vọng tái sanh vào cõi thiên sống cùng chư thiên, và hưởng niềm hoan lạc huy hoàng của các cõi Thiên.
Tuy nhiên, một cuộc tái sinh hoan hỷ vào cõi thiên không phải là mục đích cuối cùng mà Đức Phật giảng dạy Giáo pháp. Tốt nhất thì đó cũng chỉ là trạm dừng chân ghé tạm. Mục tiêu cuối cùng là chấm dứt khổ đau, và những hỷ lạc của cõi thiên, dù có hạnh phúc đến đâu cũng không giống hạnh phúc của sự chấm dứt khổ đau. Theo lời Đức Phật dạy, tất cả trạng thái hiện hữu trong vòng luân hồi, ngay cả ở cõi thiên, cũng chỉ là tạm bợ, không đáng tin cậy, và vẫn bị khổ đau ràng buộc. Như vậy mục tiêu tối hậu của Giáo pháp không gì khác hơn là giải thoát, nghĩa là hoàn toàn thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Những gì nằm bên ngoài vòng sinh tử luân hồi là một trạng thái vô vi gọi là Niết-bàn (Nibbāna). Niết-bàn siêu việt thế giới hữu vi, tuy nhiên , vẫn có thể đạt được trong thế giới hữu vi, ngay trong chính đời sống này, và đươc trải nghiệm như là sự đoạn diệt của mọi khổ đau. Đức Phật đã chứng đắc Niết-bàn qua sự giác ngộ của Ngài, và trong bốn mươi lăm năm sau đó Ngài đã nỗ lực giúp nhiều người khác được tự mình chứng đắc Niết-bàn.Việc chứng đắc Niết-bàn đến cùng với sự khai mở của tuệ giác và mang lại sự an bình tuyệt đối, một hạnh phúc thuần khiết, và sự an tịnh mọi tâm hành. Niết-bàn là sự đoạn diệt mọi khao khát, sự khao khát ái dục. Đó cũng là hòn đảo bình an giữa những dòng chảy thịnh nộ của già, bệnh và chết.
Để hướng dẫn những đệ tử tu hành thuần thục của Ngài đạt được Niết-bàn, Đức Phật phải hướng dẫn họ vượt qua những phần thưởng hỷ lạc mà họ có thể gặt hái trong đời sống tương lai nhờ thực hành những hành động thiện lành. Ngài làm như vậy qua những phương diện ‘siêu việt’ của Giáo pháp, những phương diện được hoạch định để dẫn dắt đệ tử của Ngài vượt qua ‘tam giới ’ là Dục giới , Sắc giới và Vô sắc giới. Lặp đi lặp lại nhiều lần trong các bài kinh, Đức Phật đã phơi bày thật sắc bén và không khoan nhượng những nguy hiểm tiềm ẩn trong mọi trạng thái hiện hữu thuộc thế giới hữu vi. Ngài lên tiếng báo động rằng tất cả mọi trạng thái hiện hữu đều nguy hiểm và đầy dẫy khổ đau. Ngài nhấn mạnh , rất rõ ràng, rằng niềm hy vọng duy nhất về sự an ổn lâu dài nằm ở nỗ lực thanh tịnh và giải phóng tâm hoàn toàn. Ngài trình bày một con đường chọc thủng vô minh và khát ái trọn vẹn và làm tan biến mọi dính mắc ngay cả với những trạng thái thiền định thâm sâu vi tế nhất.
Trong những bài “ từng bước thực hành Giáo pháp”, được thuyết giảng để giới thiệu Giáo pháp cho những người mới tiếp nhận , Đức Phật thường xuyên bắt đầu bằng cách thảo luận những pháp môn như bố thí và giữ giới. Ngài thường ca ngợi nét đẹp của những đức hạnh như là tâm bố thí, tâm vô hại, thật thà, biết tự chế ngự , và giải thích những hành động đức hạnh ấy dẫn đến niềm hoan hỷ của sự tái sanh vào thiên giới. Ở điểm này, Ngài hé lộ ‘ sự nguy hiểm, thấp hèn, và phiền não của những dục lạc giác quan và những phước lành của việc từ bỏ chúng’. Như vậy, sau khi từng bước giúp cho tâm của thính chúng ‘chín muồi ’, tiếp đến Ngài giảng giải giáo lý đặc thù của Giáo pháp , đó là Tứ Diệu Đế : khổ, nguồn gốc của khổ, sự chấm dứt khổ, và con đường diệt khổ. Khi chính Đức Phật giảng dạy Tứ Diệu Đế, mục đích của Ngài không phải là giới thiệu với thính chúng một khóa học về ‘ Phật pháp căn bản’, nhưng là để thức tỉnh ‘ Pháp nhãn’ trong tâm họ, đó là sự nhận thức trực tiếp đầu tiên về chân lý siêu việt sẽ đưa người đệ tử đến với con đường giải thoát không thể đảo ngược được.
Mặc dù đôi lúc chúng ta đọc trong các bài kinh kể rằng có những vị đệ tử đạt được trải nghiệm đầu tiên về giác ngộ chỉ bằng cách nghe Đức Phật thuyết giảng, điều này không có nghĩa là Giáo pháp dễ hiểu. Những vị đệ tử ấy có thể thâm nhập chân lý dễ dàng như vậy bởi vì các căn của họ đã thuần thục, cũng có lẽ là vì họ đã tích lũy được đầy đủ những điều kiện thuận lợi từ kiếp trước. Nhưng trong chính bản chất, Giáo pháp siêu việt này đi ngược lại với tâm lý đời thường. Đức Phật mô tả Giáo pháp như là ‘ tế nhị, thâm sâu, khó hiểu’, và một trong những điểm khiến cho Giáo pháp khó hiểu là luận đề cho rằng hạnh phúc tối thượng không thể đạt được bằng cách chìu theo những khát vọng của con tim, mà chỉ bằng cách dập tắt những khát vọng đó. Luận đề này hoàn toàn đi ngược lại với ý tưởng, thái độ,và hành động của những người hoàn toàn đắm mình trong cuộc sống thế gian. Bao lâu mà chúng ta còn bị mê đắm trong những cám dỗ của dục lạc thế gian, bao lâu chúng ta còn ham thích trở thành người như thế này hay như thế kia, chúng ta sẽ thấy Giáo pháp siêu việt như một điều gì bí ẩn và khó hiểu. Vì vậy, Đức Phật nhận thức rằng thách thức đầu tiên lớn nhất mà Ngài phải đối mặt trong việc thiết lập Giáo pháp siêu xuất thế gian là phải phá vỡ gọng kềm của dục lạc giác quan và những dính mắc thuộc thế gian trong tâm con người. Ngài phải đánh bật tâm ra khỏi sự trì trệ của những tập quán quen thuộc và khởi động tâm trở lại theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Ngài phải lèo lái đệ tử của Ngài tránh xa sức cám dỗ của các dục lạc và những dính mắc thuộc thế gian và dẫn dắt họ hướng về sự nhàm chán, ly tham và giác ngộ.
Đức Phật phải dùng tất cả kỹ năng của một bậc đạo sư để hoàn thành những yêu cầu của nhiệm vụ này. Điều này đòi hỏi Đức Phật sử dụng khả năng của Ngài rất nhiều lần để điều chỉnh thật chính xác lời giảng dạy của Ngài cho phù hợp với khuynh hướng tinh thần của những người tìm đến Ngài để xin được chỉ dạy. Nhiệm vụ này đòi hỏi Ngài phải nói thẳng nói thật, ngay cả khi sự thẳng thắn tạo nên tức giận ở người nghe. Đôi lúc Ngài phải nhập cuộc để tranh luận, mặc dù Ngài vẫn ưa chuộng nếp sống độc cư an tịnh. Nhiều lần Ngài sử dụng những ví dụ, các hình ảnh ẩn dụ, những chuyện ngụ ngôn, bất cứ lúc nào những lời giải thích cụ thể có thể giúp cho lập luận của Ngài có sức thu hút mạnh hơn. Nhiệm vụ này đòi hỏi Ngài mạnh mẽ giữ vững nguyên tắc cho dù những kẻ chống đối Ngài là những nhà tu khổ hạnh thù nghịch hay một tỷ kheo phạm giới trong hàng ngũ giáo đoàn của Ngài (xem phần mở đầu của Trung BK bài 22 và 38, không được đưa vào hợp thuyển này ). Sự thành công của Đức Phật trong việc hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này đã được tính vào những thành tựu tuyệt vời và kỳ diệu của Ngài. Đây là một điểm trong đó Kinh Văn VI, 1 đã minh chứng một cách hùng hồn.
Vào giai đoạn này nhiệm vụ của Đức Phật trong việc giới thiệu giáo lý của Ngài là truyền đạt cho chúng ta một đường lối giáo dục mới lạ cấp tiến trong nghệ thuật nhận thức sự vật. Để đi theo đường hướng Đức Phật muốn dẫn dắt chúng ta, chúng ta phải học cách nhìn bên dưới bề ngoài hào nhoáng của lạc thú, địa vị, và quyền lực thường lôi cuốn chúng ta, và cùng lúc chúng ta phải học để nhìn xuyên suốt những lệch lạc sai lầm của tri giác, ý niệm, và quan điểm vẫn thường che mờ tầm nhìn của chúng ta. Thông thường, chúng ta nhìn sự vật qua lăng kính chủ quan thiên vị của chúng ta. Những thiên vị ấy do khát ái và dính mắc của chúng ta tạo ra và làm vững mạnh thêm. Chúng ta nhìn những sự vật mà ta muốn nhìn, và loại bỏ những gì có vẻ đe dọa hay gây phiền toái cho chúng ta, hay làm lung lay niềm lạc quan của chúng ta, hay đặt lại vấn đề về những nhận định dễ dãi về bản thân và đời sống của chúng ta. Để giải tỏa tiến trình này liên hệ đến một sự dấn thân tìm sự thật mà vẫn thường gây bất ổn, nhưng về lâu dài chứng tỏ là rất an vui và giải thoát.
Đường lối giáo dục mà Đức Phật truyền đạt mang lại cho chúng ta một tầm nhìn thâm sâu về thế giới. Để giúp chúng ta chuyển hóa sự hiểu biết và đạt được tầm nhìn thâm sâu về thế giới, Ngài trình bày cho chúng ta ba quan điểm từ đó chúng ta có thể thẩm định những giá trị mà chúng ta đã sắp đặt cho cuộc sống của mình. Ba quan điểm này cũng tượng trưng cho ba ‘thời điểm ’ hay ba giai đoạn trong một tiến trình khai mở nhận thức, bắt đầu từ những thái độ ý thức thông thường và theo chiến lược tiến lên hướng đến những tri kiến cao siêu hơn, rồi đến giác ngộ và giải thoát. Ba thời điểm là : vị ngọt ( assāda), sự nguy hiểm (ādivana), và sự vượt thoát ( nissarana). Trong Kinh Văn VI, 2 (1)-(3), kế hoạnh này áp dụng cho cả vạn pháp nói chung. Đâu đó trong bộ kinh Nikaya, kế hoạch này áp dụng đặc biệt hơn cho tứ đại ( Tương Ưng BK 14:31-33), ngũ uẩn ( Tương Ưng BK 22:26-28), và sáu nội căn và ngoại căn ( Tương Ưng BK 35:13-18 ). Đức Phật nhấn mạnh sự quan trọng của kế hoạch này với lời tuyên bố mạnh dạn rằng cho đến khi nào Ngài có thể thẩm định vạn pháp đầy dủ theo cách này, ( hoặc, như trong các kinh văn được đề cập trên đây, các đại, các uẩn, các căn ) , Ngài sẽ không tuyên bố rằng Ngài đã đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Để tiến tới một cách có hệ thống qua kế hoạch này, người ta bắt đầu bằng cách công nhận một sự kiện không còn gì để nghi ngờ rằng những pháp thế gian như là đối tượng của giác quan, sắc, thọ cung cấp cho chúng ta một mức độ thỏa mãn nào đó. Sự thỏa mãn này bao gồm lạc thú và vui thích ( sukha-somanassa ) chúng ta cảm nhận khi chúng ta thành công trong việc thỏa mãn những dục vọng của mình. Một khi chúng ta công nhận sự kiện này, chúng ta có thể đào sâu hơn bằng cách hỏi rằng những lạc thú và vui thích ấy có hoàn hoàn thỏa mãn hay không. Nếu chúng ta giải đáp câu hỏi này hết sức thành thật, với tâm vô tư bình thản, chúng ta sẽ nhận ra rằng những lạc thú và vui thích ấy chưa hề đạt tới mức độ thỏa mãn. Trái lại, chúng chất chứa nhiều điểm bất lợi và khuyết điểm, từ những điều nhỏ nhặt đến những khuyết điểm đáng kinh sợ mà chúng ta luôn luôn che đậy với chính mình để chúng ta có thể tiếp tục con đường tìm kiếm sự thỏa mãn mà không bị trở ngại. Đây là sự nguy hiểm của các dục, thời điểm hay là bước quan sát thứ hai. Sự nguy hiểm bao trùm đằng sau bề mặt của những dục lạc thế gian chính là bản chất vô thường ( anicca) của chúng, bị ràng buột bởi khổ đau và bất toại nguyện ( dukkha), và là đối tượng của thay đổi và hủy diệt không thể tránh khỏi ( viparināmadhamma ).
Thời điểm thứ ba, thời điểm vượt thoát, theo sau thời điểm thứ hai. “ Vượt thoát’’ đây không có nghĩa là chủ trương trốn chạy, một từ ngụ ý chỉ một nỗ lực để tránh khỏi phải đối mặt với những vấn đề của con người bằng cách giả vờ xem như chúng không tồn tại và tìm cách tự lãng quên bằng các thú tiêu khiển. Sự vượt thoát đích thực hoàn toàn ngược lại: đó là chuổi hành động thận trọng nhất, hợp lý nhất, lành mạnh nhất mà chúng ta có thể thực hiện khi chúng ta nhận diện chính xác sự nguy hiểm đích thực. Đó là sự tìm kiếm lối thoát để ra khỏi một tòa nhà đang bốc cháy, là việc tìm đến bác sĩ khi chúng ta đang bị hành hạ bởi một cơn sốt dai dẳng, là quyết định bỏ hút thuốc lá khi chúng ta hiểu rằng nó đang hủy hoại sức khỏe của chúng ta. Một khi chúng ta đã thấy những đối tượng tham ái của chúng ta là sai lầm, với những nguy hiểm tiềm ẩn đang tác hại, thì chúng ta nhận ra rằng con đường vượt thoát nằm ở chỗ chấm dứt sự tham ái đối với chúng. Đây là “ sự từ bỏ khát ái và dục vọng” (chandarāga- vinaya, chandarāga-pahāna ) được đề cập trong các kinh văn.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà bình luận Kinh Tạng Pali đã liên kết ba thời điểm ấy với Tứ Diệu Đế. “ Sự Thỏa Mãn” bao hàm Chân Lý thứ hai, vì lạc thú và vui thích làm khởi sinh ái dục, là nguồn gốc của Khổ. “ Sự Nguy Hiểm” tự nó là Chân lý về Khổ. Và “ Sự Vượt Thoát” là Chân Lý về sự chấm dứt Khổ, cũng bao hàm Bát Thánh Đạo, Chân Lý thứ tư, là con đưởng đưa đến chấm dứt Khổ.
Trong Kinh Văn VI , 3 Đức Phật dùng kế hoạch ba giai đoạn này để đánh giá chi tiết ba đối tượng chính của dính mắc : dục lạc giác quan, sắc thân và cảm thọ. Phần lớn bài kinh được dùng để quan sát những nguy hiểm của dục lạc giác quan. Kinh bắt đầu bằng một cái nhìn cận cảnh về những khổ đau mà một ‘ tộc trưởng’ – nghĩa là một thanh niên gia chủ đang theo đuổi một ngành nghề chuyên môn của Ấn độ thời cổ đại -- có thể trải qua trong việc tìm cầu sự thỏa mãn dục lạc giác quan. Như bài kinh lần lượt trình bày, phạm vi quan sát mở rộng từ cá nhân đến tập thể, bao gồm cả những hậu quả chính trị xã hội của cuộc tìm cầu này. Bài kinh đạt đến cao điểm bằng những hình ảnh dữ dội của chiến tranh và sự tàn phá con người theo sau hàng loạt động lực điên cuồng để thỏa mãn dục lạc. ‘Sắc ’ là thân thể . Đức Phật bắt đầu bài học về Sắc bằng cách hỏi các Tỷ kheo hãy quan sát một cô gái đẹp. Rồi Ngài mô tả những giai đoạn tiệm tiến về sự tàn tạ cơ thể của cô ta, qua tuổi già, bệnh tật và cái chết, và cuối cùng là sự phân hủy của tử thi cho đến khi nó trở thành bột xương. Để chỉ sự nguy hiểm của ‘cảm thọ ’, Đức Phật chọn những cảm thọ của một Tỷ kheo đang ở trong những trạng thái nhập định ( jhanas) , nghĩa là thiền định thâm sâu, những trải nghiệm về hỷ lạc và an tịnh vi tế nhất thuộc thế gian. Ngài chỉ rõ rằng ngay cả những trạng thái cảm thọ cao thượng như vậy cũng vô thường, bất toại nguyện và là đối tượng của thay đổi.
Mặc dù những bài kinh tiếp theo không áp dụng kế hoạch ba giai đoạn một cách lộ liễu, sự hiện diện bao hàm bên dưới vẫn rõ ràng. Trạng thái nguy hiểm được nhấn mạnh. Hai bài kinh được trình bày trong phần 4 một lần nữa nhấn mạnh đến những cạm bẫy của dục lạc giác quan, nhưng cũng không khác lắm với bài kinh trong phần trước. Trong Kinh Văn VI, 4 (1) , Đức Phật xuất hiện trong một cuộc đàm thoại với một gia chủ hống hách khoe rằng ông ta đã “ cắt đứt được tất cả chuyện thế tục ”. Để xóa tan sự tự mãn của ông ta, Đức Phật sử dụng một loạt các ví dụ phơi bày tính cách dối trá của dục lạc giác quan để chỉ cho người gia chủ thấy nhóm từ “cắt đứt chuyên thế tục ” có ý nghĩa như thế nào trong hệ thống tu tập của Ngài. Việc sử dụng ví dụ cũng nổi bật trong Kinh Văn VI, 4 (2), trong đó đã thử thách trí tuệ của Đức Phật trước một kẻ theo chủ nghĩa khoái lạc tên là Māgandyia. Ở đây, Đức Phật vẫn giữ lập luận rằng dục lạc giác quan có vẻ như chỉ mang lại khoái cảm thông qua một tri giác lệch lạc, nhưng khi nhìn cho đúng đắn thì chúng giống như ngọn lửa trong một lò than rực cháy – “ sờ vào sẽ đau đớn, nóng, và cháy bỏng ”. Những đoạn kinh này bao gồm một số ví dụ mạnh mẽ nhất trong các bộ kinh Nikaya, và chắc chắn Đức Phật đã không sử dụng chúng một cách nhẹ nhàng.
Việc sử dụng các hình ảnh ẩn dụ cũng là một nét nổi bật trong Kinh Văn VI, 5, mà chủ đề là tính chất phù du của kiếp người. Kinh văn Phật giáo thường khuyên chúng ta suy ngẫm về cái chết như một điều chắc chắn và thời điểm cái chết đến là điều không thể tiên đoán được. Lời khuyên này không phải được đưa ra để tạo một thái độ bị ám ảnh kinh niên về cái chết nhưng là để giúp chúng ta phá vỡ sự tham đắm cuộc đời và phát triển tâm xả ly. Vì lý do đó, quán tưởng về cái chết đã trở thành một trong những đề mục quan trong nhất của thiền định Phât giáo. Đức Phật đã nói trong các bài kinh khác rằng quán tưởng về cái chết “ khi được phát triển và tu tập, sẽ đi vào trạng thái Bất tử và đạt đến đỉnh cao trong trạng thái Bất tử ”.( Tăng Chi BK 7:46; IV 47-48) . Ở đây, tính cách phù du của đời sống được nhấn mạnh bằng cách đếm số ngày, mùa, và thậm chí các bữa ăn trong một đời người.
Kinh Văn VI,6 là một phần trích từ Kinh Ratthapāla, kể lại cuộc đời của một đệ tử Đức Phật được gọi là “người đứng hạng nhất trong những người xuất gia vì lòng tin”. Ratthapāla là một thanh niên con nhà giàu đã phát tín tâm sâu xa khi nghe Đức Phật giảng pháp đến nỗi ngay tức khắc anh quyết định chấp nhận cuộc sống không gia đình của một sa môn. Đức Phật bảo anh xin phép cha mẹ, nhưng cha mẹ của anh quá thương yêu gắn bó với đứa con trai duy nhất của mình nên đã không chấp thuận. Ratthapāla nằm xuống đất và không chịu ăn uống, quyết định hoặc là chết tại chỗ, hoặc được phép xuất gia. Cha mẹ anh cuối cùng phải nhượng bộ và cho phép anh ta trở thành một tu sĩ với điều kiện là anh phải trở về thăm họ sau này. Nhiều năm sau, khi tôn giả trở về thăm cha mẹ, họ tìm cách lôi kéo tôn giả trở về đời sống gia đình, nhưng vì tôn giả đã đắc quả A-la-hán, bây giờ tôn giả đã vượt lên trên mọi khả năng hoàn tục. Sau khi rời nhà cha mẹ, tôn giả đi đến khu vườn ngự uyển, nơi đó tôn giả thuyết giảng một bài pháp cho Vua Koravya về “ bốn yếu chỉ của Giáo Pháp”. Bài pháp này truyền đạt tuệ giác thâm sâu của tôn giả về chiều sâu và tính phổ quát của khổ, và giải thích bằng lời lẽ giản dị rõ ràng tại sao tôn giả, cũng như vô số thiện nam tín nữ trong độ tuổi thanh xuân, đã chọn từ bỏ những tiện nghi của đời sống gia đình để bước vào con đường bất định của đời sống không gia đình.
Khao khát dục lạc là một cái bẫy ràng buộc chúng sinh vào vòng luân hồi. Một cạm bẫy lớn khác là kiến chấp. Như vậy, để dọn sạch con đường đi đến Niết Bàn, Đức Phật không những phải dạy chúng sinh xóa bỏ mọi tham đắm dục lạc mà còn phơi bày sự nguy hiểm của kiến chấp. Đây là chủ đề của phần 7.
Tà kiến nguy hiểm nhất là những tà kiến phủ nhận hoặc phá hoại những nền tảng của đạo đức. Kinh văn VI, 7 (1) gom lại một số nguy hiểm do loại tà kiến này gây ra; nổi bật nhất trong số này là tái sinh vào những cõi thấp kém. Tà kiến còn dẫn đến những diễn giải một chiều, thiên vị về thực tại mà chúng ta vẫn chấp chặt và cho rằng chúng chính xác và đầy đủ. Những người bám chặt vào quan điểm của mình về một tình huống nào đó thường xung đột với những người có ý kiến khác trong cùng một tình huống. Như vậy quan điểm khác nhau đưa đến xung đột và tranh chấp. Có lẽ không có văn bản nào trong các tài liệu trên thế giới mô tả sự nguy hiểm trong việc chấp chặt giáo điều có thể súc tích hơn câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng về người mù sờ voi, được đưa vào trong Kinh Văn VI,7 (2).
Kinh văn VI, 7 (3) phác họa sự tương phản của một cặp quan điểm lệch lạc là chủ thuyết bất diệt ( sassatavāda = thường kiến) và chủ thuyết hư vô ( ucchedavāda= đoạn kiến), cũng còn được gọi là quan điểm về tồn tại ( bhavaditthi ) và quan điểm về không tồn tại (vibhavaditthi) Chủ thuyết bất diệt khẳng định một thành tố bất diệt trong mỗi cá nhân, một cái ngã không thể bị hủy diệt, và một nền tảng bất diệt của thế giới, như là một đấng Thượng Đế sáng tạo toàn năng. Chủ thuyết hư vô phủ nhận rằng không có gì còn lại sau khi chết, tuyên bố rằng một cá nhân sẽ chấm dứt hoàn toàn khi thân hoại mạng chung. Theo Đức Phật, chủ thuyết bất diệt dẫn đến sự tham đắm hiện hữu và trói buột con người vào vòng luân hồi. Chủ nghĩa hư vô thường đi kèm với sự ghê sợ hiện hữu, và nghịch lý thay, lại trói buột những tín đồ của nó vào sự hiện hữu mà họ ghê sợ. Như chúng ta sẽ thấy dưới đây, giáo pháp của Đức Phật về Lý Duyên Khởi sẽ tránh được cả hai kết thúc vô vọng đó ( xem IX, tr. 356-57 ).
Kinh Văn VI, 8 làm nổi bật một vấn đề đặc biệt do thường kiến tạo nên. Những quan điểm đó có thể khơi nguồn cảm hứng cho thiền giả đạt đến những trạng thái hỷ lạc thâm sâu của định, mà họ diễn tả như là sự đồng nhất với một thực tại siêu nhiên hay sự chứng đạt một cái ngã thường hằng. Tuy nhiên, theo quan điểm giáo lý của Đức Phật, những chứng đắc ấy chỉ tạo ra tiềm năng của nghiệp để tái sinh vào một cảnh giới trong đó các trải nghiệm thiền định ấy trở thành điều kiện cơ bản của tâm thức. Nói cách khác, những chứng đắc của các trạng thái thiền định trong cảnh giới loài người sẽ là động lực phát khởi sự tái sinh vào những cảnh giới tương ứng trong sắc giới hoặc vô sắc giới. Trong lúc nhiều tôn giáo nhắm đến một cảnh giới siêu phàm như là câu trả lời cuối cùng cho số phận con người, giáo pháp Đức Phật tuyên bố rằng những cảnh giới đó không đem lại một lối thoát cuối cùng cho tình trạng vô thường và khổ đau của cõi luân hồi ( samsāra).
Bản kinh đề cập ở đây cho thấy một số thiền giả chứng đắc bốn “ trú xứ siêu phàm” (tứ thiền) và tái sinh vào những cảnh giới tương ứng của thế giới Phạm thiên, ở đó họ có thể cư trú lâu đến năm trăm đại kiếp. Tuy nhiên, cuối cùng, họ không thể tránh khỏi cái chết và có thể phải rơi xuống tái sanh vào những cảnh giới bất hạnh. Bài kinh tương tự không được đem vào đây ( Tăng Chi BK 3:114, 4 : 124) cũng nói giống như vậy về các cảnh giới tái sinh tương ứng với các tầng thiền và các tầng vô sắc định.
Hai bài kinh tạo nên phần cuối của chương này một lần nữa nói đến những bất toại nguyện và bất an của sự tồn tại trong thế giới hữu vi, củng cố thông điệp này bằng những hình ảnh đầy kịch tính. Trong Kinh Văn VI, 9 (1) , Đức Phật tuyên bố rằng số lượng nước mắt mà chúng ta đã nhỏ xuống trong lúc lang thang trong vòng luân hồi sinh tử còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Trong Kinh Văn VI, 9 (2) , Ngài nói với một nhóm ba mươi tỷ kheo rằng số lượng máu đã chảy ra khi họ bị giết và tàn sát trong vòng luân hồi sinh tử còn nhiều hơn nước trong bốn đại dương. Theo những nhà kết tập kinh điển, tác dụng của bài thuyết giảng này đối với ba mươi tỷ kheo mạnh mẽ đến nỗi tất cả các vị ấy đã đạt được giải thoát hoàn toàn ngay tại chỗ.
Xem thêm chi tiết các phân mục tại: https://thuvienhoasen.org/p21a26656/gioi-thieu-tong-quat
- Từ khóa :
- giới thiệu
- ,
- tổng quát
- ,
- chương VI
- ,
- tầm nhìn
- ,
- thâm sâu
- ,
- thế giới
- ,
- Hợp tuyển
- ,
- lời Phật dạy