BÀI TOÁN MÔI SINH
Nguyên Cẩn
Vì sao thiên tai?
Theo tin các báo, tính đến cuối ngày 27-6, số người chết, mất tích, bị thương do mưa lũ, sạt lở đất ở các tỉnh phía Bắc tiếp tục tăng lên. Tại các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh, mưa lũ đã làm 22 người chết, 9 người mất tích, thiệt hại tài sản gần 500 tỉ đồng.
Chuyện này không mới vì năm nào cũng thế, điệp khúc lũ, lụt và lở đất cũng diễn ra, có thể nói như một chu kỳ! Đề cập đến nguyên nhân, ngoài yếu tố khách quan do mưa lớn, bão về hay nước sông dâng lên thì yếu tố chủ quan do con người không phải là nhỏ, bắt nguồn từ việc quy hoạch thủy điện.
Theo một đề án nghiên cứu của cơ quan chuyên ngành, hồ thủy điện Hòa Bình làm ngập 6.609 héc-ta, hồ Thác Bà ngập 16.629 héc-ta… Tổng diện tích ngập lụt quy về đất nông nghiệp của các hồ chứa trên sông Đà, sông Lô tham gia chống lũ cho đồng bằng sông Hồng là 47.534 héc-ta. Một số hồ thủy điện đã làm suy giảm, cạn kiệt dòng chảy ở lưu vực sông bị chuyển nước sang lưu vực khác như: hồ thủy điện An Khê - Kanak chuyển nước sông Ba sang sông Kone, thủy điện thượng Kon Tum chuyển nước từ nhánh sông Dak Bla thuộc lưu vực sông Sêsan sang lưu vực sông Trà Khúc. Một số công trình thủy điện khác như: Dak Mi 4, Phước Hòa, Nậm Chiến… đều chuyển gần như toàn bộ lượng nước sau khi phát điện sang lưu vực khác. Việc xây dựng các hồ trữ làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên.
Ví dụ sau khi nhà máy Thủy điện Sơn La được xây dựng và đưa vào hoạt động thì cảnh quan thiên nhiên ở khu vực này thay đổi rõ rệt. Diện tích rừng bị ngập khoảng 2.500 - 3.100 ha (chiếm khoảng 7,02 - 11,2% tổng diện tích đất ngập) làm thay đổi đáng kể cảnh quan thiên nhiên khu vực này. Việc thay đổi dòng chảy của sông dẫn tới sự thay đổi môi trường sống của cá. Theo chương trình Bảo tồn Đa dạng Sinh học và Sử dụng Bền vững các Vùng đất Ngập nước Lưu vực Sông Mê Kông, số lượng loài cá tra dầu và cá heo Irrawaddy quý hiếm đã giảm đáng kể do việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mê Kông.
Các nhà môi trường đã bày tỏ các mối lo ngại của họ về việc các đập thủy điện cỡ lớn có thể gây phân đoạn hệ thống sinh thái. Chúng ta đồng ý rằng đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện để cung cấp nguồn năng lượng cho quốc gia phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Nhưng vấn đề đặt ra là làm sao vừa xây dựng các nhà máy thủy điện nhưng hạn chế thấp nhất việc xâm hại rừng. Theo các nhà môi trường thì việc rừng đầu nguồn bị xâm hại mới chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây lũ lụt chứ không hẳn do các hồ thủy điện.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng: “… thật xót xa trước tình trạng rừng tự nhiên ngày càng bị tàn phá, bị cháy, bị khai thác trái pháp luật diễn ra ở nhiều địa phương gây nên thiên tai nghiêm trọng, tổn hại tính mạng con người. Có nhiều nơi cán bộ kiểm lâm còn tiếp tay cho lâm tặc, chính quyền địa phương thiếu trách nhiệm kiểm tra và tham nhũng, do hệ thống pháp luật về tài nguyên rừng của chúng ta còn nhiều hạn chế, trong đó có Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng”.
Nhưng nếu có hệ thống pháp luật đầy đủ, lấy gì đảm bảo rằng rừng không bị xâm hại khi gần đây trên VTV 3, có phóng sự rừng bị chặt đốn không thương tiếc ở Dak Lak mà chỗ bị tàn phá ấy chỉ cách trụ sở của một ủy ban nhân dân cấp xã không xa, và trong suốt thời gian rừng bị tàn phá lại không có một cán bộ kiểm lâm nào xuất hiện.
Thống kê mới nhất của Cục Kiểm lâm thì năm 2017 có 1.55,68ha rừng bị chặt phá và 5.364,85ha rừng bị cháy. Diện tích rừng tự nhiên của nước ta đang suy giảm với tốc độ “chóng mặt”. Đặc biệt, độ che phủ của rừng ở khu vực miền Trung đã bị suy giảm nghiêm trọng. Hiện nay độ che phủ của rừng chỉ còn chưa đầy 40%, trong đó diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn khoảng 10%.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu ở Cần Thơ nhận định: “Tôi cho là tốc độ phủ diện tích rừng không bằng tốc độ rừng bị phá. Đâu phải mình trồng lên bao nhiêu là sống bấy nhiêu, tỉ lệ thất bại cũng nhiều. Tôi nghe báo cáo là trên 30%, tùy theo địa phương, có nơi báo cáo là 40%. Những người làm bên lâm nghiệp mà tôi tiếp xúc thì chỉ khoảng hơn 20% thôi”.
Thiên tai là điều không tránh khỏi và có thể xảy ra ở mọi nơi, không ngoại trừ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Việt Nam cũng nằm trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai; nhưng chính yếu tố con người hay còn gọi là nhân tai khiến nguy cơ thêm trầm trọng. Chúng ta xây dựng nhà máy thủy điện vì cho rằng mang lại nhiều nguồn lợi về năng lượng, nhưng luôn sống thấp thỏm lo sợ như thường xuyên phải thực hành diễn tập như gần đây “Điều hành xả lũ khẩn cẩp hồ Hòa Bình và ứng phó bảo đảm an toàn hạ du”. Và người dân miền hạ du ở đâu cũng cảm thấy bất an.
Nguyên lý duyên khởi trong bảo vệ môi sinh
Nhìn rộng ra trong mối tương quan giữa con người và thiên nhiên, chúng ta đã hành xử thiếu suy xét, cân nhắc lúc ban đầu khi chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế mà quên đi nhũng hiệu ứng khác như thiên nhiên, nhân sinh. Chúng ta mải mê sản xuất năng lượng, sản xuất hàng hóa mà không tính đến hiệu ứng nhà kính, khí thải…
Thiền sư Nhất Hạnh từng nhắc nhở: “Có thể nào chúng ta không biết rằng trái đất xanh tươi của chúng ta đang trong tình trạng nguy kịch. Mỗi bước chân ta dẫm lên mặt đất đều có ảnh hưởng đến các loài động vật và cây cỏ. Thế mà chúng ta vẫn sống dửng dưng, như thể chúng ta không có liên quan gì với thế giới chung quanh. Chúng ta sống như những người mộng du, không biết mình đang làm gì và đi đâu”. (Thích Nhất Hạnh - Hướng đi của đạo Bụt cho Hòa bình và Sinh thái)
Nhà Phật với Giáo lý Duyên khởi dạy rằng “Một” hiện hữu trong “Tất cả” và “Tất cả” hiện hữu trong “Một”. Sự ô nhiễm hay phá hoại ở nơi này là ô nhiễm hay phá hoại ở những nơi khác trên mặt đất. Đã có những lời kêu gọi của những nhà môi trường yêu cầu các cá nhân, tổ chức và mọi quốc gia có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ môi sinh cùng lúc vì sự sống còn của nhân loại; hạn chế cái gọi sử dụng năng lượng nguyên tử cho các mục tiêu hòa bình, và tạo ra biện pháp an toàn cho việc loại bỏ các chất thải từ các nhà máy và các xưởng công nghiệp; bảo vệ rừng và các động vật khỏi các sự tàn phá.
Cố Hòa thượng Thích Chơn Thiện từng nhấn mạnh: “… quan trọng nhất là giúp con người hiểu và kiểm soát dục vọng (lòng khát ái, có nghĩa là tham, sân, si) vốn là nguyên nhân cơ bản của mọi nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi sinh. Có nghĩa là giải thoát sự ô nhiễm tâm thức. Nếu các ham muốn dục lạc, dục tình càng ngày càng gia tăng như đang xảy ra thì sẽ không có cách nào để bảo vệ môi sinh như những điều mà chúng ta học được từ giáo lý Duyên khởi; chỉ còn một điều còn lại: sự tàn lụi, khổ đau và sự hủy diệt đối với các sinh thể trên thế giới”. (TCT, Quan niệm của Phật giáo về môi sinh và đạo đức môi sinh, www.thuvienhoasen.org)
Chúng ta phải hành động như những cá nhân có trách nhiệm, đồng thời thay đổi tâm thức cộng đồng; gần đây có một vài dấu hiệu đáng mừng khi có những nhóm bạn trẻ tự thành lập, đề cao sinh thái và bảo vệ thú quý hiếm như voọc chà vá chân nâu ở Đà Nẵng, một vài nhóm tham gia Mùa hè xanh ở TP.HCM tuyên truyền về ô nhiễm và thực phẩm độc hại; một vài nhà lãnh đạo địa phương ngần ngại khi phê duyệt những dự án gây ô nhiễm. Cụ thể, Tập đoàn TAL Hồng Kông muốn đầu tư Dự án dệt nhuộm tại Khu công nghiệp Bá Thiện 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đến nay dự án này chưa được cấp phép dù đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng ý về chủ trương. Tại Hội nghị khoa học của tỉnh, ý kiến của hầu hết các đại biểu, các nhà khoa học, chuyên gia một số tỉnh lưu vực sông Cầu cũng như chính quyền huyện Bình Xuyên đều nhấn mạnh quan điểm thận trọng khi cấp phép đầu tư các dự án dệt nhuộm.
Chúng ta phải cẩn thận không bị lòa mắt vì sự phồn vinh hay thịnh vượng tức thời mà còn phải nghĩ đến những hiệu quả hay hậu quả sau đó. Điều quan trọng nằm ở chỗ như chúng ta hay nói “phát triển bền vững”. Bàn về phát triển bền vững, một vị lãnh đạo giáo phái Karma Kagyu của Phật giáo Tây Tạng đã phát biểu: “Nền kinh tế thế giới hiện nay trông như một thân cây tươi tốt của sự giàu có to lớn. Chúng ta ngưỡng mộ nhiều những nhánh cây và những chiếc lá xanh bóng của nó, và tin rằng đó là cái cây tuyệt nhất trên đời. Nhưng chúng ta chỉ mới nhìn thấy nửa bên trên của nó thôi, vì nửa còn lại thì nằm dưới lòng đất. Nếu nhìn được bên dưới bề mặt này, ta có thể phát hiện ra rễ của cái cây ấy đang chết vì sự ngược đãi và bỏ mặc. Điều này có thể chỉ là vấn đề thời gian thôi trước khi tình trạng này tác động lên nửa trên của thân cây. Việc ưu đãi với nhánh hay lá cây chỉ là giải pháp tạm thời; cho tới khi chắc chắn rễ cây được khỏe mạnh, chúng ta không thể đảm bảo được một cái cây khỏe khoắn. Vì vậy tôi vô cùng cảm kích ý tưởng về sự phát triển bền vững, được định nghĩa bởi Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (1987) như là ‘đạt được những nhu cầu của thế hệ hiện tại chúng ta mà không phương hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai’. Sau hết, nếu quan điểm về tái sinh được chứng minh là đúng, thì chúng ta chính là thế hệ tương lai”. (Ogyen Trinley Dorje, Walking the Path of Environmental Buddhism through Compassion and Emptiness, https://onlinelibrary.wiley.com)
Ai trong chúng ta chẳng ước mơ sống trong một môi trường xanh-sạch-đẹp; nhưng đề ra luật lệ chưa đủ, chúng ta cần sự tự giác nơi từng người mà về phương diện này, Việt Nam ta đang tỏ ra yếu kém khi mỗi ngày chúng ta vẩn thấy người ta vứt xác chuột ra đường, xả rác bất cứ nơi nào và cứ sau lễ hội thì công nhân vệ sinh lại rất mệt mỏi với những núi rác! Hình ảnh cổ động viên Nhật Bản, dù thắng hay thua, đều ở lại nhặt rác trên sân vận động trong những trận đấu World Cup vừa qua là bài học cho chúng ta, là tấm gương cho toàn thế giới.
Phật giáo là một tôn giáo nhân bản. Đối với người Phật tử, quả đất này là thuộc về mọi sinh loại chứ không phải dành riêng cho loài người. Trước tình trạng biến đổi khí hậu hiên nay, quan điểm này có thể thuyết phục được tất cả mọi người chấp nhận. Và khi ấy, mọi người đều phải biết bảo vệ môi trường sống, cho chính mình và cho các giống loài khác. Có thể nói, chính con người có đủ khả năng và thẩm quyền để quyết định vận mệnh hành tinh chúng ta.
Để làm được điều đó, con người không cần là Phật tử nhưng hãy quán sát lối sống mà Đức Phật đề nghị, trước hết đó là việc giữ gìn năm giới. Giới thứ nhất là không giết hại, nghĩa là bảo vệ sự sống; giới thứ hai là biết bố thí, làm được điều ấy sẽ giảm bất công xã hội; giới thứ ba là sống có trách nhiệm với những người thương yêu; giới thứ tư là nói lời hòa ái và tập lắng nghe, chia sẻ; giới thứ năm là tiêu thụ có trách nhiệm, ăn uống chừng mực, nghĩa là trong chánh niệm.
Trở lại với nguyên lý Duyên khởi, khi hiểu rằng chúng ta và thiên nhiên sẽ cùng tương sinh tương diệt thì chúng ta sẽ đối xử với thiên nhiên bằng sự trân trọng và hòa ái, nghĩa là không trấn áp theo kiểu đắp đập, ngăn dòng, xây thủy điện bừa bãi, phá rừng làm đô thị, bịt dòng chảy kênh mương khiến thành phố, xóm làng ngập lụt, hủy hoại môi sinh bằng các loại hóa chất, thuốc trừ sâu, tàn sát sinh vật để rồi chình chúng ta đào mồ chôn mình một ngày nào đó, nhanh chậm do chúng ta quyết định.
Thiên tai có thể ngăn chặn nếu chúng ta chủ động và có ý thức trách nhiệm cộng đồng. Những hiện tượng bất thường đang diễn ra hiện nay có vai trò của các cấp lãnh đạo và cả từng cá nhân khi không thể bảo vệ sông ngòi, núi non, rừng thiêng không bị tàn phá, ô nhiễm. Nếu mỗi người biết sống hòa hợp và tôn trọng thiên nhiên thì đời sống sẽ bình yên và môi sinh không còn là mối lo của toàn nhân loại dù có biến đổi khí hậu hay thiên tai vì khi ấy con người sẽ chủ động giảm thiểu nguy cơ và sự hòa điệu giữa con người và thiên nhiên lại tái lập. Mong thay!
Nguyên Cẩn | Văn Hóa Phật Giáo số 302 ngày 1-8-2018
Thư Viện Hoa Sen
Bài đọc thêm:
Câu Trả Lời Của Phật Giáo Đối Với Các Thách Thức Về Vấn Đề Khí Hậu (Tiến sĩ Manpreet Sigh Diệu Thủy - Đặng Thị Hồng dịch)
Cùng chung tay bảo vệ khí hậu (Tham luận hội thảo)