Tâm Huy Huỳnh Kim Quang
Lời Đầu Sách
Khi hiện hữu trong cõi đời này, chúng ta đều cưu mang trong thân phận mình mối tương quan tương duyên trùng trùng điệp điệp với tất cả các pháp, vật chất và tinh thần, trực tiếp và gián tiếp trong khắp cõi pháp giới vô biên.
Đức Phật đã từng dạy trong Kinh Tạp A Hàm rằng, “Cái này có cho nên cái kia có. Cái này sinh, cho nên cái kia sinh.” Từ sinh cho đến già chết, đời người thọ nhận biết bao nhân duyên để hiện hữu, trưởng thành và tồn tại. Đạo Phật tóm tắc những ân nghĩa mà một người con Phật mang ơn trong đời này vào bốn ân đức: Cha mẹ, thầy bạn, đất nước và chúng sinh.
Cha mẹ có ơn sinh ra, nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái. Thầy bạn có ơn giáo dục, khai tâm, mở trí và xây dựng cho ta nên người. Đất nước có ơn làm chỗ dung thân, bảo bọc và cho ta nhiều cơ hội để phát triển tài năng. Chúng sinh có ơn tạo dựng tất cả phương tiện sống cho ta, từ tinh thần đến vật chất. Ân đức ấy không thể trả hết. Cho nên, trong Hội Thứ Bảy của Cư Trần Lạc Đạo Phú, khai tổ Thiền Phái Trúc Lâm là tổ sư Trần Nhân Tông viết rằng: “Cảm đức từ bi để nhiều kiếp nguyền cho thân cận Đội ơn tế độ nát muôn thân thà chịu đắng cay”
Trong các ân đức mà người con Phật thọ nhận, đức từ bi giáo hóa của Đức Phật là cao cả thiêng liêng nhất trong đời. Nhờ lời giáo hóa của Đức Thế Tôn còn để lại trong các Kinh mà người Phật tử có thể nương theo đó học hỏi và hành trì để giác ngộ bản tâm và giải thoát phiền não khổ đau. Nhưng nếu không có Thầy Tổ dạy dỗ và khai mở tâm trí thì chúng ta cũng khó có thể bước vào nhà Như Lai. Cho nên ân đức của Thầy Tổ cũng cao dày vời vợi.
Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình ba đời theo Phật. Thuở nhỏ đã sống dưới mái chùa quê nên có duyên lành được ngày đêm nghe kinh và lạy Phật. Lớn lên được cơ duyên học Phật từ các bậc Ân Sư đạo cao đức trọng mà nay đa phần quý Ngài đã chích lý Tây quy.
Nghiệm lại cuộc đời nay đã qua tuổi “nhĩ thuận” – nghe thuận tai – mà cảm nhận được ân đức lớn của bốn ơn nặng thấm sâu trong từng hơi thở nhịp tim. Nghĩ lại mình vẫn chưa làm gì được để báo đáp thâm ân cho trọn.
Cho nên, gom những bài viết từ trước tới giờ đã từng đăng đâu đó trên các trang mạng toàn cầu và báo chí Phật Giáo về đức Phật, Thầy Tổ, bằng hữu, tổ quốc và chúng sinh để bày tỏ lòng thành tri ân báo đức.
Dù việc làm này chỉ là một hạt cát nhỏ bé trong sông Hằng vẫn xin thành tâm cúi đầu thâm tạ ân đức một đời thọ nhận.
Ngưỡng mong pháp giới chúng sinh đồng thành Phật Đạo.
MỤC LỤC: ¨
Lời Đầu Sách, 4 ¨
Đức Phật Của Thằng Moi, 6 ¨
Tiếng Hú Của Thiền Sư Không Lộ, 10 ¨
Ân Đức Giáo Dục Của Ôn Già Lam, 16 ¨
Điếu Văn Cung Tiễn Giác Linh Hòa Thượng Bổn Sư thượng Vĩnh hạ Lưu, 24 ¨
Cội Tùng Ngã Bóng, 27 ¨
Hòa Thượng Thích Trí Quang và Một Chặng Đường Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, 33 ¨
Một Thoáng “Như Áng Mây Bay”, 43 ¨
Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Châu, Nghĩ Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo Việt Nam, 48 ¨
Một Vì Sao Đã Khuất, 55 ¨
Hương Đạo Hạnh, 62 ¨
Hòa Thượng Thích Hạnh Đạo Trong Ký Ức Tôi, 66 ¨
Đọc Thơ Tù Chữ Hán Của Thầy Tuệ Sỹ, 69 ¨
Theo Dấu Lặng Nghe Điệp Khúc Dương Cầm Của Thầy Tuệ Sỹ, 79 ¨
Giới Thiệu Tác Phẩm “Huyền Thoại Duy Ma Cật” Của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, 84 ¨
Thầy Đi Vội Quá Như Sao Lạc, 97 ¨
Từ Duyên Kiều Đến Duyên Phật, 102 ¨
Theo Chân “Kẻ Gánh Cỏ Khô Trên Đường Thiên Lý”, 109 ¨
Thắp Hương Kính Tiễn Thầy Phạm Công Thiện, 114 ¨
Từ Kinh Phật Sơ Thời Đến Thiền Đốn Ngộ, 118 ¨
Tháng Tư, Đọc Truyện “Cậu Bé Và Hoa Mai” Của Nhà Văn Phan Tấn Hải, 129 ¨
Lang Thang “Trong Những Thoáng Chốc” Với Nhà Văn Vĩnh Hảo, 134 ¨
Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Việt Của Nguyễn Lương Vỵ, 137 ¨
Nguyễn Lương Vỵ, Bến Không Của Thất Huyền Âm, 143 ¨
Vào Cõi Tâm Trong, 147 ¨
Theo Tiếng Vọng Thanh Âm Cuộc Lữ Của Nhà Thơ Hàn Long Ẩn, 156 ¨
Vườn Thơ Vời Vợi Nghĩa Ân Của Bạch Xuân Phẻ, 162 ¨
Hướng Vọng Ngày Về Nguồn, 168 ¨
Về Nguồn Rực Rỡ Sắc Thu Phong, 173 ¨
Vài Hồi Ức Về Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ Lần Thứ 5, 182 ¨
Tuyết Tháng 4 Trên Tu Viện Sơn Tùng, 187 ¨
Người Áo Lam, 193 ¨
Tiễn Mẹ Lên Đường, 201 ¨
Vu Lan Và Niềm Đau Mất Mẹ, 203 ¨
Tháng Bảy, Tưởng Nhớ Người Chị Có Con Mắt Thứ Ba, 209 ¨
Tháng Tư Tìm Người Mất Xác, 214 ¨
Trần Trung Đạo Và Khát Vọng Dân Chủ Việt Nam, 222 ¨
Đêm Nhạc Biển Là Lòng Tôi: Ký Ức Một Thời Di Tản, 228 ¨
Mười Phương Mây Nổi Như Cánh Hoa Trôi, 234 ¨
Những Họa Phẩm ‘Đêm Xanh Mênh Mông’ Của Họa Sĩ Cao Bá Minh, 239
- Từ khóa :
- Cảm Đức Từ Bi