BẢN CHẤT CẦU NGUYỆN
Thích Châu Viên
Cầu nguyện là một phương pháp tâm linh giúp chúng ta có thể tháo gỡ phần nào những nỗi khổ niềm đau, những suy nghĩ bế tắc, những thái độ tuyệt vọng bị vấp phải trong đời sống hàng ngày.
Thông qua con đường cầu nguyện, mỗi cá nhân như được tiếp thêm năng lượng để làm cho ý chí kiên định và bản thân có niềm tin hơn vào cuộc sống, khi biết mình đã có bến đỗ bình yên vào một đấng thần linh nào đó. Có thể xem “cầu nguyện” là chất liệu không thể thiếu trong đời sống tâm linh mỗi người, đặc biệt hơn, sinh hoạt đó thường được ứng dụng như một món ăn tinh thần của tín đồ trong các tôn giáo.
Trong đạo Phật, phương pháp cầu nguyện đóng vai trò quan trọng đối với các vị xuất gia cũng như hàng Phật tử tại gia, đó là năng lượng với từ trường vô biên, giúp cho hành giả có thể an tịnh thân tâm và cảm thấy thoải mái, sáng suốt hơn sau những phút giây cầu nguyện. Cầu nguyện trong Phật giáo được xem là sợi dây vô hình, có thể thiết lập cầu nối giữa người cầu nguyện và đối tượng hướng đến trên tinh thần từ bi và vô ngã.
Tuy nhiên, câu hỏi người viết muốn nêu ra ở đây là: “Cầu nguyện có thực sự là con đường cứu cánh để dứt trừ hay tháo gỡ những khổ đau như: khủng hoảng kinh tế, bạo lực gia đình, tình yêu lận đận, tình bạn rạn nứt, cầu về một thế giới xa xôi nào đó sau khi chết…?”. Câu trả lời ở đây chắc chắn là “Không!”, bởi vì cầu nguyện là một phương pháp chữa bệnh tạm thời, nó chỉ giống như một liều thuốc an thần giúp cho bệnh nhân giảm đau tức thời. Cầu nguyện giúp cho chúng ta tạm thời lắng xuống những bất an, sầu muộn, nhưng gốc rễ về nguyên nhân của khổ vẫn chưa được đoạn trừ. Phương pháp này cũng giống như lấy đá đè cỏ, cỏ phiền muộn, cỏ bất an sẽ trỗi dậy khi tảng đá được nhấc lên. Cho nên, mục đích chính yếu của người tu Phật là biết chuyển hóa gốc rễ khổ đau từ bên trong chứ không phải từ bên ngoài.
Ngày nay, rất nhiều người đến lễ Phật với mong ước Đức Phật sẽ mang lại cho mình nhiều may mắn, tiền tài, nhà cửa hoặc con cái, thực ra đây là một quan niệm không đúng với tinh thần của Phật giáo. Việc thờ phượng Đức Phật dưới hình thức một đấng thần linh, mang đậm tính chất tôn giáo làm chúng ta quên mất việc quan trọng chính yếu là tự nỗ lực tu tập, hành đạo, ứng dụng giáo pháp trong đời sống thực tế để giác ngộ và giải thoát.
Nhiều người có quan niệm rằng, cầu nguyện là phương pháp có thể giải trừ hết phiền não, ác nghiệp của họ. Cho nên cứ đến rằm, ba mươi, mồng một thì người đến chùa làm lễ sám hối thật đông đúc, họ tụng kinh và lạy sám hối với một ước nguyện là xin Đức Phật hiển linh, hãy tha thứ tội lỗi cho con và họ thầm nghĩ rằng hành động bất thiện của mình đã được giải trừ. Trên thực tế, khi trở về với đời sống gia đình, họ không tiếc những lời cay đắng dành cho người thân, nói chuyện thị phi làm tổn thương đến người khác, họ không loại trừ dùng những thủ đoạn để vì những lợi nhuận kinh tế cá nhân trước mắt.
Vào thời Đức Phật, thói quen cầu nguyện của người Ấn Độ chẳng khác chúng ta bây giờ. “Một lần, có một người Bà-la-môn, tên Asibandhakaputta đến hỏi Đức Phật rằng: Ngài có thể làm cho một người sau khi chết được sanh lên cõi thiện lành hay không. Đức Phật hỏi lại Asibandhakaputta rằng, giả như có một người sống hay giết hại sinh mạng, ăn trộm, ăn cắp, nói láo, nói gạt, nhận thức sai lầm và làm điều ác, khi chết đi, nhiều người tụ lại để cầu cho người đó được sanh lên cõi thiện lành. Vậy thì người đó có sanh lên cõi thiện lành nhờ được cầu nguyện hay không? Rõ ràng là không”.1
Đức Thế Tôn còn đưa ra hình ảnh minh họa rằng: nếu chúng ta thả tảng đá xuống hồ nước, dù ta ra sức cầu cho tảng đá nổi lên, thì nó vẫn chìm. Cũng như vậy, người sống làm ác, chết sẽ không sanh lên cõi thiện lành được. Ngược lại, chúng ta đổ dầu xuống nước và cầu cho dầu chìm xuống, chúng ta có cầu cách mấy thì dầu cũng không chìm. Cũng như vậy, người sống làm việc thiện, chết sẽ sanh lên cõi thiện lành, dù không cần cầu.
Đức Phật còn dạy:
“Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình làm thanh tịnh,
Tịnh, không tịnh, tự mình,
Không ai thanh tịnh ai”.2
Kinh Phật tự thuyết nhấn mạnh rằng: “Sự trong sạch do rửa bằng nước không bao giờ có. Người nào tắm trong dòng nước chân thật và thiện pháp thì người đó mới là trong sạch”.3 Đức Phật đã khăười trở nên trong sạch, trở thành thánh nhân. Đó mới chính là nước thanh tịnh rửa được vô minh phiền não trong tâm của chúng sinh.
Trong Trung bộ kinh, Đức Thế Tôn cũng dạy: “Này thầy Bà-la-môn! Thầy nên tắm, rửa tội thứ nước mà Như Lai đã dạy là: không nói dối, không làm hại chúng sinh khác, không nên lấy của người khác, không nên bỏn sẻn keo kiệt. Tất cả mọi khổ đau hay hạnh phúc đều do chúng ta tự tạo ra và tự nhận lấy kết quả. Ngược lại, tuy thầy có đi đến con sông Gaya và uống nước ấy cũng không lợi ích gì cho thầy”.4
Người Phật tử phải biết lấy giáo lý nhân quả để làm hệ quy chiếu mà hướng về, chứ không chỉ đơn thuần dành thời gian cho việc cầu nguyện suông. Cầu nguyện phải kết hợp với sống, tu tập đúng theo Chánh pháp thì mới là lời cầu nguyện chân chính và thiết thực nhất. Mỗi hành giả hãy xây dựng cho riêng mình một cõi Tây phương Tịnh độ ngay tại nhân gian, thay vì đi tìm những thứ xa xôi hão huyền. Muốn như vậy, hãy ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống để chuyển hóa những tâm lý bất an, nỗi phiền muộn, khổ đau để đạt được hạnh phúc thiết thực trong tự tánh của mỗi chúng ta.
Hơn nữa, thay vì cầu nguyện một cách thiếu tuệ giác, chúng ta cần phải áp dụng chân lý Tứ diệu đế hay còn gọi là Tứ Thánh đế mà Đức Phật đã giác ngộ với tuệ giác của mình để giải quyết vấn đề một cách sâu sắc và thực tiễn:
- Thứ nhất là Khổ đế: Chúng ta phải ý thức rõ được những bế tắc, khủng hoảng mà chúng ta đang bị gặp phải là gì?
- Thứ hai là Tập đế: Nguyên nhân chính và phụ dẫn đến khổ đau là gì?
- Thứ ba là Diệt đế: Để có một đời sống hạnh phúc an vui, thì phải cần tháo gỡ những nỗi khổ niềm đau đó.
- Cuối cùng là Đạo đế: Con đường đưa đến chấm dứt khổ đau và khủng hoảng thông qua Bát chánh đạo. Điều quan trọng ở đây, mỗi hành giả chúng ta cần phải có cái nhìn chánh kiến và có chánh tư duy về những tri giác sai lầm, những hành động chúng ta đang làm và phải có ý thức rằng: điều đó có đúng với tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo hay không? Nếu không, phải nhận diện và chuyển hóa hành động đó theo một chiều hướng tích cực và đúng đắn.
Mặt khác, thay vì ta dành thời gian để liên tưởng những thứ không tốt đẹp trong quá khứ hoặc cầu nguyện về một tương lai xa vời ngoài tầm tay, thì tốt nhất mỗi Phật tử hãy quán chiếu sự sống trong giây phút hiện tại 5, mỗi người con Phật hãy nỗ lực tinh tấn tu tập để chuyển hóa bất thiện nghiệp thành thiện nghiệp và thực tập hạnh bố thí. Bởi vì bố thí là nhịp cầu thiết lập tình thân thương giữa ta và người trên nền tảng hiểu rõ vô ngã sở hữu để đạt được hạnh phúc và giá trị thiết thực cho bản thân, gia đình và xã hội.
Cuối cùng, một điều cần nhấn mạnh đó là, cầu nguyện là vấn đề không thể thiếu trong mỗi tôn giáo nói chung, trong đạo Phật nói riêng. Tuy nhiên, là người học Phật, chúng ta cần hiểu rằng cầu nguyện không phải là phương pháp cứu cánh giải quyết tất cả các phiền não, tuyệt vọng, bế tắc và khủng hoảng do gặp phải trong đời sống hằng ngày. Phương pháp tối ưu nhất là chúng ta phải áp dụng là Tứ diệu đế: thứ nhất ý thức được khổ đau, thứ hai phải nhận diện được nguyên nhân, thứ ba là muốn hạnh phúc an vui phải chuyển hóa được phiền não và cuối cùng là phải ứng dụng con đường Bát chánh đạo để chấm dứt mọi khổ đau.
Thêm vào đó, chúng ta hãy dành thời gian thực tập chánh niệm để nhận diện giây phút hạnh phúc trong hiện tại, thay vì đi cầu nguyện những thứ xa vời mà thiếu đi tuệ giác theo tinh thần nguyên chất của đạo Phật.
_________________
1 Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương VIII, mục 6, kinh Người đất phương Tây
2 Tiểu bộ kinh, kinh Pháp cú 165
3 Tiểu bộ kinh, Phật tự thuyết, kinh Jatila
4 Trung bộ kinh, HT.Thích Minh Châu dịch, kinh Ví dụ tấm vải
5 Trung bộ kinh, HT.Thích Minh Châu dịch, kinh Nhất dạ hiền giả
Bài đọc thêm:
Cầu Nguyện Và Tụng Kinh (Tâm Diệu)
Ý nghĩa của cầu nguyện, cầu an và cầu siêu (Tuyên Pháp)
Ý Nghĩa Của Cầu Nguyện, Cầu An Và Cầu Siêu (Thích Nhật Từ)
Tinh Thần Cầu Nguyện Của Người Phật Tử (Thích Đạt Ma Phổ Giác)
Cầu nguyện trong đạo Phật (Thích Nữ Hằng Như)
- Từ khóa :
- Bản Chất
- ,
- cầu nguyện