Tư hữu hà lạc

07/02/20199:00 SA(Xem: 11797)
Tư hữu hà lạc

TƯ HỮU HÀ LẠC
Sakya  Như Bảo

 

phuong dongTừ bỏ cuộc sống thế tục, sống đời phạm hạnh viễn ly, an bần thủ đạo là một lựa chọn cao cả mà không phải ai cũng có thể làm được. “Hủy hình thủ khí tiết, cát ái tư sở thân” đã là khó, mà giữ gìn miên mật ngọn lửa tinh tấn, quyết tâm cầu đạo giải thoát, lòng mong mỏi được tu họcphụng sự chúng sanh của sơ tâm ban đầu lại càng muôn lần khó hơn. Không có gì đáng tiếc cho bằng khi một hành giả, vì lý do nào đó, mà đành đoạn phụ bạc chân tâm, quay lưng lại với lý tưởng xuất trần, không còn nhiệt tâm trên con đường đạo và mong ngóng, mơ tưởng về những thứ mà trước đó chính mình đã cương quyết từ bỏ.

Vì muốn cho các Tỳ kheo luôn nhớ đến bổn phận của mình nên Đức Thế Tôn đã luôn nhắc nhở, đôi khi khiển trách, chỉ ra sự sai trái, để hướng các đệ tử trở về với mục tiêu chính yếutu tập giải thoát. Như trong Kinh Pháp cú, Phẩm Không Buông Lung, Đức Phật đã nghiêm huấn và cảnh tỉnh chúng Tỳ kheo như sau:

 “Chớ buông lung, phóng dật
Chớ mê say dục lạc
Người tự chế, thiền định
Mới hưởng đại an lạc.”
(Pháp cú 27)

Đức Phật răn nhắc chúng ta Chớ buông lung, phóng dậtmà phải biết tinh tấn công phu tu tập, thúc liễm thân tâm, phòng hộ căn môn, luôn tỉnh giác chánh niệm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần.

Xưa, Đức Thế Tôn trải 49 ngày đêm thiền định dưới cội Bồ đề, Ngài đã thệ nguyện nếu không đắc đạo thì dù xương tan thịt nát cũng không đứng dậy. Chư vị Tổ sư ngày xưa quyết chí tu hành không kể gì đến thân mạng, xả thân cầu pháp, lội suối băng rừng, ngàn dặm gian nan tầm sư học đạo, chuyên ròng tinh tấn đến không có thời gian để cắt móng tay, suốt đêm đều tham thiền, tĩnh tọa, lúc nghỉ ngơi cũng chẳng dám thẳng lưng hay duỗi chân cho thoải mái vì sợ móng khởi ý niệm buông lung, tham đắm. Chúng ta ngày nay tự thẹn mình nghiệp dày, phước mỏng, căn cơ trì trệ, ý chí bấp bênh, Kinh Luật học trước quên sau, công phu thì mơ hồ tản mác. Lại thêm một số trong chúng ta thích sống tự do, đua đòi, phóng túng, không ràng buộc bởi quy củ thiền môn. Gặp chút khó khăn đã nản lòng, thối chí, khởi tâm bỏ học, thôi tu. Với tâm tư như vậy thì đến bao giờ sự tu học của chúng ta mới có thể được đến nơi đến chốn.

Một khi tâm ý đã buông lung thì rất dễ đắm say vào miếng mồi dục lạc, từ đó dẫn đến sanh tử luân hồi không dứt. Thế nên Đức Phật dạy: “Chớ mê say dục lạc” mà phải thường cảnh tỉnh lấy mình, biết thiểu dục tri túc mới đúng tâm hạnh của người tu sĩ.

Người xuất gia chúng ta ngày ngày thọ dụng tứ sự của đàn na tín thí, không cày cấy mà có cơm ăn, không dệt vải mà có áo mặc, thuốc thang giường chỏng đều do sự nhín ăn bớt mặc của đàn na. Thế nên, mỗi bữa ăn đều phải tam đề ngũ quán, tự răn nhắc mình thấy hổ thẹn mà tấn đạo nghiêm thân. Sao có thể vì chút lợi dưỡng cá nhân mà sanh tâm bỉ thử, dẫn đến ngôn hành thất thố khiến thế nhân chê cười, há chẳng phải là tự ruồng bỏ chính mình hay sao? Ngày chúng ta quyết chí lìa xa thế tục, lập nguyện xuất trần, mang tâm tư thênh thang, hoài bão rộng lớn, chỉ mong một sớm tỏ đạo, sáng tâm, thế thì nay vì cớ gì mà ta phải xuống ghềnh lên thác, mắc cạn trong vũng lầy tài vật? Tranh chấp, giằng co, thị phi nhơn ngã phải đâu là lý tưởng của nếp sống tu hành?

Phải chăng, vì biết trước những áng mây mù sẽ lửng lơ trên bầu trời mạt pháp mà Tổ Quy Sơn từ xưa đã thiết tha răn nhắc:

 “Cập chí niên cao lạp trưởng, không phúc cao tâm, bất khẳng thân phụ lương bằng duy tri cứ ngạo, vị am pháp luật, tập liễm toàn vô, hoặc đại ngữ cao thanh xuất ngôn vô độ (.....) Bất tồn ta ta quỹ tắc, tiểu tiểu uy nghi, tương hà thúc liễm hậu côn, tân học vô nhân phỏng hiệu.

(Đến lúc tuổi đời đã cao, tuổi hạ cũng lớn mà bụng rỗng tâm cao, chẳng chịu nương gần thiện hữu để học hỏichỉ biết một bề kiêu ngạo. Chưa thông kinh luật, sự thúc liễm trọn không, hoặc lớn tiếng to lời nói năng vô độ (.....)  Chẳng gìn mảy may phép tắc, chẳng giữ một chút tế hạnh oai nghi. Lấy gì thúc liễm hậu sanh, hàng tân học nương đâu bắt chước?)

Ở lâu trong đạo lẽ ra mùi tương dưa, rau cháo đà thấm mặn, lẽ nào chỉ có hư danh cao niên mà lòng không bụng rỗng, khăng khăng tự phụ cái sự tuổi tác nên chẳng chịu tham học để tô bồi thiếu sót. Oai nghi khiếm khuyết, chỗ dụng công chẳng màng, hạnh lợi tha lại càng không, nói gì đến xả thân vì đạo, hoằng pháp độ sinh. Kẻ bạch y mở lời vấn đạo thì thảng thốt “diện tường”, mà thị phi tạp thoại, khó dễ hậu sinh, tư lợi cá nhân lại rành rành chẳng sót. Thiển nghĩ, gia sản “đầu tròn áo vuông” của Phật để lại, trải mấy ngàn năm cũng đủ để nuôi thân, lựa phải nhọc lòng sa đà thả mồi bắt bóng?

câu chuyện ngụ ngôn đáng suy gẫm như sau: Một con cáo phát hiện ra cái chuồng gà, nhưng vì quá mập nên con cáo không thể chui lọt qua hàng rào để ăn. Thế là nó nhịn đói suốt ba ngày để bụng tóp lại, cuối cùng cũng vào được. Sau khi đánh chén no nê hết số gà trong chuồng, chiếc bụng của cáo phình to lên không sao chui qua hàng rào được, nó lại phải nhịn đói tiếp ba ngày mới ra khỏi. Thoát được rồi, cáo ta xót xa than thở: “ôi! Ta chỉ sướng cái miệng có một chút, mà phải khổ sở đến thế này!”Gẫm lại, cái họa của tham dục thật đáng kinh, đáng sợ biết bao!

Đức Phật dạy người tu đêm ngày cần phải tư duy thiền quán: :“Người tự chế, thiền định; Mới hưởng đại an lạc”. Quán chiếu để thấu triệt nguyên lý Vô thường, Duyên sanhVô ngã trong vạn pháp và trong chính con người ngũ uẩn của mình. Một khi đã nhìn thấu rõ rồi thì đối với mọi sự trên đời ta sẽ không còn quá tham chấp, bám víu nữa. Dù cho nó đến hay đi, còn hay mất, chúng ta cũng không quá buồn khổ, đau đớn. Được như vậy, thì dù là đi giữa cõi ta bà khổ hải này, chắc chắn chúng ta vẫn sẽ có được niềm an lạctự tại.

Có vị Thiền sư một hôm hỏi môn đệ: “Nếu các con phải đun sôi một ấm nước, nhóm lửa đun được một nửa thì phát hiện không đủ củi, vậy thì con phải làm như thế nào?” Các đệ tử người thì trả lời là phải nhanh chóng đi tìm thêm củi, người thì bảo phải đi mượn hoặc đi mua v.v. Vị Thiền sư bình thản nói: “‘Tại sao các con không nghĩ đến việc đổ bớt nước trong ấm ra nhỉ?”

Thật ra, vạn sự vạn vật trên thế gian này vốn chẳng thể nào như ý, có biết “bỏ bớt”, “đổ bớt” thì may ra mới có thể được an nhàn. Chúng ta “vào đời hai tay trắng, lìa đời trắng hai tay”, không ai có thể mang theo được gì, dù là tài sản vật chất, danh thơm tiếng tốt, nhẫn đến thân bằng quyến thuộc. Nên người ta nói: dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại chẳng mua được tuổi trẻ. Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua được mạng sống. Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền không mua được thời gian. Và cho dù dùng hết cuộc đời để có được tài sản của cả thế giới, nhưng cuối cùng, khi nghiệp đến, có đổi hết thảy kho báu trên thế gian cũng không thể cứu ta thoát khỏi vòng đai thép của nghiệp lực. Đúng như lời Tổ Quy Sơn đã nói: “Giả sử bách thiên kiếp, Sở tác nghiệp bất vong, Nhân duyên hội ngộ thời, Quả báo hoàn tự thọ.” Thật vậy, dù có trải qua trăm ngàn kiếp thì nghiệp đã tạo cũng không bao giờ mất. Khi nhân duyên chín muồi thì quả báo tự khắc sẽ tìm tới.

Đã là người xuất gia, chọn con đường nghịch lưu là đã chấp nhận phải đương đầu với hằng ha sa gian khó, mỗi bước đi cần phải đầy thận trọng đâu thể khinh suất qua loa. Chí nguyện tự độ và độ tha phải trải tận hết tâm can phế phủ thì mới mảy mún đền được phần nào ơn Tam bảo. Chính Đức Thế Tôn đã nói rõ trong Kinh Pháp Hoa rằng: giả sử người học đạo chúng ta đội Ngài trên đỉnh đầu trải qua đến hằng ha sa số kiếp hoặc đem thân thể chúng ta để làm sàng tòa đỡ thân Ngài suốt khắp cả cõi tam thiên đại thiên này mà không xiển dương chánh pháp, phổ độ chúng sanh thì trọn cũng chẳng thể nào báo đền được ân đức của Phật.

“Giả sử đnh đới kinh trần kiếp
Thân vi sàng tòa biến tam thiên
Nhược bất hoằng pháp độ chúng sanh,
Tất cánh vô năng báo ân dã.
(Kinh Pháp Hoa)

 

Xuân qua hạ đến, cuộc sống luân lưu biến chuyển trong từng sát na sanh diệt, nào đâu có cái gọi là bất tận trường lưu mà mải miết thương vay khóc mướn cùng năm mãn kiếp nơi cõi phù sinh huyễn mộng. Những thông điệp vô thường vẫn đang liên tục gởi đến dù ta có giả tảng làm ngơ hay bàng hoàng tránh né. Những hồi chuông cảnh tỉnh vẫn đang gióng lên từng ngày để giúp chúng ta ý thức sâu sắc hơn trách nhiệmlý tưởng xuất trần của người tu sĩ, tự chế phục và sách tấn bản thân, thực hành theo lời Phật dạy, noi theo công hạnh của chư Phật, chư Tổ, một lòng cầu giải thoát sanh tử, không dám chểnh mảng, buông lung.

“Thị nhật dĩ quá
Mạng diệc tùy giảm
Như thiểu thủy ngư
Tư hữu hà lạc…”

 

Ngày nay đã qua
Mạng sống giảm dần
Như cá cạn nước
Có gì mà vui…?

 

 

 

 

Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…