- Lời người dịch
- Lời nói đầu
- Quan điểm của tôi
- Những giai tầng phát triển
- Tịnh hóa tâm thức
- Nghĩ về thân và thù
- Nhận ra thân hữu: Bước thứ nhất
- Đánh giá đúng sự ân cần: Bước thứ hai
- Thói quen ân cần: Bước thứ ba
- Học tập để từ ái yêu thương: Bước thứ tư
- Khác biệt giữa từ ái và luyến ái
- Từ ái yêu thương như căn bản của nhân quyền
- Mở rộng chu vi của từ ái yêu thương
- Năng lực của bi mẫn: Bước thứ năm
- Chí nguyện cố gắng toàn lực: Bước thứ sáu
- Tìm cầu sự giác ngộ vị tha: Bước thứ bảy
- Năng lực vô biên của vị tha
- Hành động với từ ái
- Vài nét về tác giả và dịch giả
Những người mang kính thường bị chọc quê là nhìn đời qua hai mảnh ve chai, bây giờ có lẽ phải nói là nhìn đời qua hai mảnh mi ca. Phải chăng từ khi có tác phẩm “Những cặp kính màu” của Võ Đình Cường, thì lại có câu, nhìn đời qua những cặp kính màu. Kính màu hay kính râm, kính mát. Khi trời chói chang nắng gắt mang kính màu vào thì cảm thấy dịu lại. Kính màu thì có nhiều màu sắc, tùy theo sở thích của người dùng.
Như ánh sáng trắng mà chúng ta thấy thông thường, ngở rằng chỉ một màu, nhưng khi chiếu qua lăng kính thì có những màu đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím của cầu vồng. Dĩ nhiên những cặp kính màu của Võ Đình Cường không phải là kính râm, kính mát, mà là kính tâm lý, kính tư tưởng, kính nhận thức.
Nhận thức ấy tùy theo mức độ của: tuệ trí, từ ái, bi mẫn.
Nhận thức ấy tùy theo mức độ của: vui, buồn, thương, ghét, ganh, giận, sợ hay của thất tình.
Nhận thức ấy tùy theo mức độ của: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến hay của những căn bản phiền não.
Nhận thức ấy tùy theo mức độ: nghiệp duyên của chủ thể tương tác với nghiệp duyên của đối tượng.
Nhưng bản chất của chúng sanh là sáng suốt như tấm gương tròn sáng của đại viên kính trí, đầy lòng thương cảm của từ bi, tùy mức độ của phàm hay thánh, bồ tát hay Phật. Bản chất hay tấm gương ấy chỉ bị bao phủ bởi thất tình, bởi nhiễm ô cua khách trần phiền não khi được lau chùi sẽ trong sáng trở lại, cho nên gọi phiền não tức bồ đề, hay như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói bản chất trong sáng yêu thương ấy như bầu trời bị mây mù che phủ khi mây tan thì lại hiển hiện và không bao giờ bị mai một.
Tìm ra bản chất trong sáng của tuệ giác, yêu thương của từ bi là mục tiêu tu tập của Đạo Phật, như trong quyển sách này có tựa đề là How To Expand Love, Widering The Circle Of Love, hay Rộng Mở Từ Ái Như Thế Nào, Phát Triển Phạm Vi Của Yêu Thương, chính là để khơi lại bản chất sáng suốt của Phật tánh là thể, để đem lại từ bi yêu thương là dụng của Đạo Phật.
Quyển sách này cũng đã được dịch là Bảy Bước Yêu Thương, trong ấy Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảng dạy những lý thuyết và chỉ ra những phương pháp để chúng ta học hỏi và thực hành để chuyển hóa tâm thức, nhận thức của chúng ta từ hẹp hòi đến rộng rãi, từ luyến ái giới hạn đến từ ái vô hạn, từ phàm đến thánh, và đến lòng từ bi yêu thương của một bậc giác ngộ.
Mong rằng những lời dạy của ngài sẽ là kim chỉ nam cho những ai muốn yêu thương và đem lòng yêu thương rộng lớn đến tất cả mọi người.
Xin kính dâng tất cả công đức lên tác giả, và cầu chúc mọi người nghiên cứu và thực hành để đem lại hạnh phúc cho chính mình và những người chung quanh. Xin sám hối nếu những lời chuyển ngữ không diễn tả được chân thật nghĩa của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Uyển – Thích Từ Đức