Thiện Hữu Tri Thức Và Tình Pháp Lữ - Kalyāṇamitra Or Kalyāṇamitta

16/05/20194:05 SA(Xem: 9676)
Thiện Hữu Tri Thức Và Tình Pháp Lữ - Kalyāṇamitra Or Kalyāṇamitta

THIỆN HỮU TRI THỨC VÀ TÌNH PHÁP LỮ -
KALYĀṆAMITRA OR KALYĀṆAMITTA
Tỳ Khưu Ni Pháp Hỷ - Dhammananda

 

Phap Hy
Ni sư Pháp Hỷ

Trong cuộc sống tu hành cũng cần tình cảm và những hộ trợ tinh thần cũng như vật chất. Đức Phật có lần ví mình như một KALYĀṆA-MITTA cho mọi chúng sinh. Như vậy tình pháp lữ không phải chỉ là tình huynh đệ cùng tu tập, mà còn là tình thầy – trò của người xuất gia. Nếu đời sống tu hành mà không được nuôi dưỡng bởi những tình cảm lành mạnh như tình thầy trò và tình huynh đệ - pháp lữ, thì cuộc sống tu tập đó rất dễ bị lụi tàn, chết yểu. Trong một dịp đàm đạo với vua Pasenadi của nước Kosala, ngài Ananda nói rằng thiện hữu tri thức là một nửa của đời sống phạm hạnh. Đức Thế Tôn đáp lại rằng tình pháp lữ không phải là một nửa mà là toàn bộ đời sống phạm hạnh.i Trong những bài kinh khác cũng đề cập đến thiện hữu như ―này các Tỷ-kheo, cái đi trước và điềm tướng báo trước sự sanh khởi của Thánh đạo Tám ngành, chính là bạn hữu với thiện.‖ (Sam. 45.66).

Để nhấn mạnh về tầm quan trọng của thiện hữu tri thức và tình pháp lữ, đức Phật đã nhắc lại với ngài Ananda cũng như với vua Pasenadi như sau:

“Và chính theo pháp môn này, này Ānanda, Ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống Phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du. Này Ānanda, chính vì Ta y cứ, làm bạn với thiện, nên các chúng sanh bị sanh được giải thoát khỏi sanh; các chúng sanh bị già được giải thoát khỏi già; các chúng sanh bị bệnh được giải thoát khỏi bệnh; các chúng sanh bị chết được giải thoát khỏi chết; các chúng sanh bị sầu, bi, khổ, ưu, não được giải thoát khỏi sầu, bi, khổ ưu, não. Và chính theo pháp môn này, này Ānanda, Ông cần phải hiểu như thế nào toàn phần đời sống Phạm hạnh này là thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.‖ Do vậy, này Đại vương, cần phải học như sau: ―Tôi sẽ là thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du‖. Như vậy, này Đại vương, Đại vương cần phải học. Này Đại vương, để Đại vương có thể trở thành thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du, Đại vương cần phải y cứ, an trú vào một pháp, tức là không phóng dật trong các thiện pháp.‖ (SN. 3. II. 18, Không Phóng Dật)

Bạn hữu với thiện, thân cận với thiện có hai nghĩa: một hướng ra ngoài là kết hợp, giao du với người thiện, người có cùng sở trường, cùng tâm nguyện, cùng sở thích và tập tính; hai là hướng nội vào bản chất thiện trong chính con người mình, khơi dậy và làm bạn với các phẩm chất thiện lành này ngay trong nhân cách mình. Trong bài Đại Kinh Hạnh Phúc, những nguyên lý đầu tiên mà đức Phật khuyên chư thiênloài người để xây dựng đời sống hạnh phúc chính là ―hãy tránh xa kẻ xấu ác, hãy thân cận – kết hợp với người có trí, thiện hữu. Trong bài kinh Sigālovādasutta (DN), khi khuyên dạy thanh niên gia chủ Sigala, đức Phật cũng nói rất chi tiết về các lợi ích của bạn lành và những bất lợi của bạn xấu ác. Cũng trong bài kinh này, đức Phật chỉ dạy cho người trẻ tuổi biết cách phân biệt các loại bạn bè giao du, làm sao để phân biệt được bạn tốt bạn xấu trong đời sống thế tục. Giao du với bạn xấu là một trong các nguyên nhân làm cho cuộc đời một người trở nên bất hạnh và thất bại. Còn giao du với người tốt, ở trong hội chúng thiện lương thì cuộc đời mình thăng hoa những cảm xúc lành mạnh & các phẩm chất cao thượng cũng được phát triển lớn mạnh. Khi sống với phần thiện và người thiện thì những hạt giống tốt trong ta được tưới tẩm và có nhiều cơ hội hơn để trưởng thành và định hướng tính cách cũng như cuộc đời của người biết tu dưỡng. Thân cận, nuôi dưỡng & phát triển phần thiện lương cũng là hấp dẫn những điều thiện lành đến trong cuộc sống của mình và kích hoạt những phần tốt đẹp trong các chúng sinh tiếp xúc với mình.

Ngược lại, khi người ta để cho bản năng sinh tồn và phần ‗con‘ lấn át phần người, chỉ lo tranh đoạt hơn thua mà làm mất tình cảm và những mối liên hệ rất người, rất nhân bản – đó là sự cảm thông & chia sẻ để cùng nhau tiến bộ, nhất là khi tâm giác ngộ giải thoát chưa đủ độ chín, thì cuộc sống nói chung sẽ trở nên khốc liệt và khó khăn & truân chuyên hơn. Theo qui luật hấp dẫn, cái xấu cũng kích hoạt & lôi cuốn cái xấu cùng tần số với nó theo kiểu ―ngưu tầm ngưu, mã tầm mã‖ hay ―birds of the same feathers flock together‖. Trong một chúng (xã hội, cộng đồng, tập đoàn, công ty, vv) mà các thành viên chỉ lo hơn thua đấu đá – cạnh tranh thì rất bất hạnh, không sớm thì muộn chúng đó cũng sẽ tan rã, rồi thì mỗi người mang theo nghiệp xấu mà mình đã gieo tạo cùng nhau trong hội chúng đó.

Khi xuất gia, người ta cứ lo làm cái việc trọng đại của bậc tu hành là ―cắt ái ly thân‖, nhưng đã mấy ai làm được viên mãn? Cuộc sống vốn xô bồ, xô bồ lấn cả vào chốn thiền môn tự viện khi ai cũng muốn xây chùa thật to làm Phật thật lớn, thu nạp thật nhiều đệ tử để gây thanh thế cho bổn tự, tông môn hay tôn chỉ của mình. Cũng vì vậychúng xuất gia, gồm hai trong bốn chúng đệ tử của đức Thế Tôn cũng trở nên phức tạp, vàng thau lẫn lộn. Khi sống trong chúng như vậy quả thật không dễ dàng để theo đuổi con đường phát triển tâm linh, trau dồi giới – định – tuệ để làm hành trang trên con đường giác ngộ giải thoát. Gặp hoàn cảnh như vậy thì thà độc cư, sống một mình hay sống với hội chúng nhỏ nhưng thanh tịnh thì tốt hơn. Tuy nhiên, mới tu là sống một mình tách biệt với hội chúng, lại không có thầy hướng dẫn thì cũng rất dễ ‗sinh tật‘ nên mới có câu ―Hổ xa rừng hổ bại, tăng xa chúng tăng tàn‖.

Khi tâm giác ngộ giải thoát chưa chín muồi thì cái chuyện ―cắt ái ly thân‖ của người xuất gia phải được làm từ từ, có phương pháp và đúng thời gian, đúng địa điểm, không phải muốn mà làm được ngay. Để chuyển hóa những năng lượng cảm tính, việc kết hợp với ai, nói – nghe, đàm luận về điều gì là rất quan trọng. Trong những câu chuyện với bạn lành & người hiểu biết thì mình (người tu tập) sẽ cảm thấy được thấu hiểu, được lắng nghe, được cảm thông và dám sống thực với những tình cảm đang ngự trị, nói thật lòng mà không lo sợ bị phán xét, bị soi mói và bị buộc tội. Trong sự tương tác này mình cảm thấy thoải mái và dám bộc lộ cả những điều chưa tốt để thầy hay bạn bè – huynh đệ giúp mình soi sáng và tu sửa mà không có cảm giác mặc cảm tội lỗi. Được sống thật như vậy, được hiểu và thương như vậy với tình yêu vô điều kiện, mình cũng được giải thoát những phần vốn trói buộc và bị đè nén (các kiết sử) trước đây trong con người mình. Đó chính là an tâm đích thực.

Khi đã được giải thoát khỏi những tình cảm rắc rối & mặc cảm, mình mới có thể là bạn lành, thiện hữu tri thức cho người khác. Khi đó mình có thể lắng nghe với tâm không chấp trước, không phán xét theo định kiến or cảm tính, cũng không vội đánh giá theo kiểu ‗chẩn bệnh‘ – nghe để thấu hiểu và cảm thông mà có khả năng làm cho tiêu tan các lo lắng sợ hãibất an – đó là tâm của thiền sư, của người thầy tâm linh. Làm thùng rác và có khả năng biến rác thành phân để nuôi dưỡng cây giác ngộ, làm thành hoa trái giải thoát khỏi các buộc ràng của yêu –ghét, thích – không thích; khỏi những chấp thủ của đúng – sai, phải quấy từ góc nhìn chủ quan phiến diện cảu tâm chưa giác ngộ.

Trong kinh điển Nikaya có nói đến những tình bạn như vậy giữa tôn giả Xá Lợi Phất (Sariputta) và ngài Mục Kiền Liên (Maha Moggalana), giữa tôn giả Ananada và thi sĩ – tu sĩ Vangisa (Thag 21); giữa các vị trưởng lão Anuruddha, Kimbila và Nandiya trong khu rừng Gosinga Sāla-tree Wood (MN. 31). Đời sống phạm hạnh hòa thuận kính nhường, hòa đồng như nước với sữa của các vị này được kể lại như sau: ―- Chúng con sống tốt, bạch Thế Tôn, chúng con thoải mái và không gặp khó khăn gì khi đi khất thực.‖ ― - Ta mong rằng, Anuruddha, các ông sống hòa thuận, thân áitrân trọng nhau, không tranh cãi, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với ánh mắt tương ái tương kính.‖ ―- Đúng vậy bạch Thế Tôn, chúng con sống với nhau hòa thuận, thân áitrân trọng nhau, không tranh cãi, hòa hợp như nước với sữa, nhìn nhau với ánh mắt tương ái tương kính.‖ ― - Nhưng này, Anuruddha,làm sao để các ông sống được như vậy?‖ ― – Bạch đức Thế Tôn, về vấn đề này, con nghĩ ‗Thật là một điều may mắn cho ta, một thuận lợi lớn cho ta, là đang được sống với những bạn hữu như vậy trong đời sống phạm hạnh‘. Con duy trì những hành động từ ái với các bạn tu ở nơi công cộng cũng như nơi riêng tư, con duy trì ái ngữ (lời nói thân ái) với các bạn tu ở nơi công cộng cũng như nơi riêng tư, con duy trì ý nghĩ từ ái với các bạn tu ở nơi công cộng cũng như nơi riêng tư. Con suy xét: ‗tại sao tôi lại không đặt mong muốn của mình sang một bên và làm theo mong muốn của các huynh đệ này?‘ Và rồi con đã đặt mong muốn của mình qua một bên để làm theo mong muốn của các vị huynh đệ đồng phạm hạnh. Chúng con tuy khác nhau về thân thể, thưa ngài, nhưng cùng đồng tâm.‖

Đó là câu chuyện của các hành giả đã rất tiến bộ trên con đường tâm linh, còn những vị vẫn còn nhiều nghiệp chướng thì sao? Chuyện kể rằng có lần đức Thế Tôn cùng vị thị giả Meghiya đi khất thực về, thấy một vườn xoài khả ái ven đường, vị sư thị giả này xin bậc đạo sư cho mình vào đó tịnh tu. Đức Phật im lặng trước yêu cầu của vị sư này đến lần thứ ba, ngài đành nói: _ Như lai làm gì được khi đệ tử cứ nằng nặc đòi tinh tấn tịnh tu một mình? Và ngài đã cho phép vị đó bỏ y bát xuống và vào rừng tịnh tu. Tuy nhiên suốt cả buổi chiều hôm đó sư Meghiya đã bị các tư tưởng độc hại, những câu chuyện phàm tục quấy nhiễu tâm trí khiến cho sư cứ ‗đánh nhau loạn lên‘ trong tâm tưởng. Ý định & nỗ lực tịnh tu của sư không thành, thất thểu sư đi về tịnh xá gặp đức Phật và kể cho bậc đạo sư nghe về kinh nghiệm thất bại vừa xảy ra. Đức Thế Tôn khuyên sư như sau: ―—Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến thuần thục. Thế nào là năm? Ở đây, này Meghiya, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ nhất đưa đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo có giới, sống được bảo vệ sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhậntu học trong các học pháp. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ hai đưa đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, câu chuyện này có khả năng đoạn giảm (hướng thượng) đưa đến tâm được rộng mở, như luận về ít dục, luận về biết đủ, luận về viễn ly, luận về không tụ hội, luận về tinh tấn tinh cần, luận về giới, luận về định, luận về tuệ, luận về giải thoát, luận về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ ba đưa đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo sống tinh cần tinh tấn để đoạn tận các pháp bất thiện, để được đầy đủ các pháp thiện, nỗ lực, kiên trì không từ bỏ gánh nặng trong các thiện pháp. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ tư đưa đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh và diệt, với Thánh thể nhập đi đến con đường đoạn tận khổ đau. Này Meghiya, với tâm giải thoát chưa được thuần thục, đây là pháp thứ năm đưa đến thuần thục. Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: sẽ sống có giới, được bảo vệ với sự bảo vệ của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Câu chuyện này có khả năng đoạn giảm (hướng thượng) như luận về ít dục... Những câu chuyện như vậy có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Này Meghiya, với Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ sống tinh cần tinh tấn... không từ bỏ trách nhiệm trong các thiện pháp. Này Meghiya, Tỷ-kheo làm bạn với thiện, thân hữu với thiện, giao thiệp với thiện, được chờ đợi như sau: Vị ấy sẽ có trí tuệ... chơn chánh đoạn tận khổ đau. Và này Meghiya, khi Tỷ-kheo ấy đến trú trong năm pháp này, bốn pháp nữa cần phải tu tập: tu tập tưởng bất tịnh để đoạn tận tham ái, tu tập từ bi để đoạn tận sân, tu tập niệm hơi thởhơi thở ra để cắt đứt tầm, tu tập tưởng vô thường để phá hoại ngã mạn. Này Meghiya, với Tỷ-kheo có tưởng vô thưởng, tưởng vô ngã được tồn tại. Có tưởng vô ngã, thời ngã mạn bị phá hoại, ngay trong hiện tại đạt được Niết-bàn.‖ (AN. III,3.)

Tự Viện Liên Hoa, Irving, TX. 15/05/2019,

Mùa Phật Đản Pl. 2563.

Tỳ Khưu Ni Pháp Hỷ - Dhammananda

i SN 3, II. 18 : Tỷ-kheo Ānanda bạch với Ta: ―—Bạch Thế Tôn, quá phân nửa đời sống Phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.‖ Khi được nói vậy, thưa Đại vương. Ta nói với Tỷ-kheo Ānanda: ― —Này Ānanda, không phải vậy. Này Ānanda, không phải vậy. Thật sự, này Ānanda, toàn phần đời sống Phạm hạnh này thuộc về thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du. Từ một Tỷ-kheo làm bạn với thiện, này Ānanda, chúng ta hy vọng rằng vị ấy sẽ tu trì Thánh đạo Tám ngành, làm cho sung mãn Thánh đạo Tám ngành của vị thiện hữu, thiện bạn lữ, thiện giao du.‖ ii Bốn chúng gồm: 1. Bhikkhu sangha – chúng Tỳ Kheo, 2. Bhikkhuni sangha – chúng tỳ kheo ni, 3. Upasika parisa – chúng cận sự nữ & 4. Upasaka parisa - chúng cận sự nam

pdf_download_2
Thiện Hữu Tri Thức Và Tình Pháp Lữ

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.