Bảo vệ môi trường sống: cùng thực hành nguyên tắc bất hại

19/09/20191:00 SA(Xem: 4918)
Bảo vệ môi trường sống: cùng thực hành nguyên tắc bất hại
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SỐNG:
CÙNG THỰC HÀNH NGUYÊN TẮC BẤT HẠI 
Bội Trân dịch

Nhà hoạt động môi trường Stephanie Kaza chỉ ra các giáo lý trong đạo Phật có thể giúp chúng ta chăm sóc hành tinh này để giúp nó phục hồi.

Sống cùng nỗi khổ

Nếu bạn nhìn vào tình trạng của thế giới hiện nay, thì nỗi đau của các loài thực vậtđộng vật, rừng và sông, người dân địa phương và dân bản xứ là rất lớn. Nông nghiệp toàn cầu hóa, đô thị bành trướng và công nghiệp phát triển đã làm mất môi trường sống trên diện rộng, nhiều loài địa phương bị tuyệt chủng, đất và nước suy thoái nghiêm trọng, còn khí hậu thì bất ổn. Trong thế kỷ trước, tốc độ mất mát đã tăng đáng kể, đến mức đe dọa sức khỏe hệ sinh thái và tính tiếp nối của sự sống.


moi truongNhóm chư Tăng hành động vì biến đổi khí hậu tại Washington (Hoa Kỳ)
trong một hoạt động hướng về không gian xanh

Chân lý đầu tiên (trong Tứ diệu đế) bắt đầu với nhận thức rằng nỗi khổ sinh ra từ việc không thể tránh khỏi đổi thay và mất mát (vô thường). Đối mặt với sự đau khổ này và những ảo tưởng mà nó tạo ra chính là nơi để chúng ta bắt đầu thực hành Phật giáo. Trong giới luật nhận thức của dòng tu Tiếp Hiện, Thiền sư Thích Nhất Hạnh thúc giục: “Đừng tránh tiếp xúc với đau khổ hay nhắm mắt trước đau khổ”. Ông đã hướng dẫn các môn sinh có mặt với đau khổ để hiểu bản chất của sự tồn tại. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫnbình tĩnh khi đối mặt với những thực tế khắc nghiệt. Một khu rừng bị chặt phá thành những gốc cây, một dòng sông tươi tốt bị chết vì chất thải hóa học, rặng san hô kia bị nổ tung bởi đánh bắt cá. Không dễ dàng gì để nhìn nhận rằng những hậu quả tệ hại này là do con người gây ra.

Những người phương Tây như chúng ta đây được giáo dục để xem rừng và sông là tài nguyên tiềm năng. Quan điểm lấy con người làm trung tâm là một trong những yếu tố ngăn cản lớn nhất để cùng tồn tại trọn vẹn với các sinh vật khác. Nếu bạn thấy môi trường chủ yếu dành cho con người sử dụng, dù là thực phẩm, nơi trú ẩn, các thú tiêu khiển hay phát triển tâm linh thì bạn không thể biết được các sinh vật khác phải chịu đựng như thế nào dưới sự thống trị của con người.

Sống với đau khổ nghĩa là cần tìm hiểu về những gì đang xảy ra trong cuộc xung đột liên quan đến môi trường. Tứ diệu đế có thể được áp dụng ở đây như một phương pháp chẩn đoán căn bản bằng cách đặt ra bốn câu hỏi, mỗi câu hỏi tương ứng với một trong bốn chân lý: Thứ nhất, vấn đề môi trường hay đau khổ là gì? Thứ hai, nguyên nhân của sự đau khổ là gì? Thứ ba, điều gì sẽ chấm dứt sự đau khổ? Và thứ tư, con đường để thực hiện mục tiêu này là gì? Phân tích này khá đơn giản nhưng rất đúng khi tính đến các dạng đau khổ của con người, động vật, cây cối, loài, môi trường sống và hệ sinh thái.

Gieo trồng tư duy hệ thống

Việc giải quyết các vấn đề môi trường hầu như luôn đòi hỏi một số hiểu biết về các nguyên tắc hệ sinh thái, hay điều mà tôi gọi là suy nghĩ theo hệ thống. Quan điểm tất cả các hiện tượng sự vật và chúng sinh đều phụ thuộc lẫn nhau trong đạo Phật là nền tảng tuyệt vời cho hệ tư duy này. Do đó, vũ trụ được coi là năng động trong mọi chiều hướng và quy mô hoạt động, với mỗi một hành động lần lượt gây ảnh hưởng và tạo ra những hành động khác. 

Có thể chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh ẩn dụ của Phật giáo Đại thừa về viên ngọc của lưới trời Đế Thích (*), thể hiện mạnh mẽ về của sự phụ thuộc lẫn nhau này. Hãy tưởng tượng một tập hợp các đường liên kết với nhau như mạng lưới kéo dài vô tận dọc ngang trong không gian. Sau đó thêm nhiều mạng lưới chằng chịt theo đường chéo. Hãy tưởng tượng vô số những mạng lưới này xuyên qua mọi mặt phẳng của không gian. Tại mỗi mắt lưới có một viên ngọc đa diện, mà mỗi viên sẽ phản chiếu hình ảnh các viên khác trong mạng lưới đó. Không có gì ngoài mạng và không có gì không được phản chiếu lại sự hiện diện của nó xuyên suốt mạng lưới này.

Từ góc độ sinh thái, hình ảnh ẩn dụ này có ý nghĩa rõ ràng: hệ sinh thái chính xác là những tập hợp quan hệ phức tạp như vậy định hình và được định hình theo thời gian bởi các thành viên của hệ thống. Đối với một công dân biết suy nghĩ, tư duy theo mô hình hoặc hệ thống có thể giúp bạn đưa ra những câu hỏi hữu ích trong việc giải quyết các mối quan tâm về môi trường. Bạn có thể hỏi về lịch sử của cuộc xung đột, mô hình của các quyết định chính sách, nhu cầu kinh tế và xã hội của những người liên quan và các mối quan hệ sinh thái đang bị đe dọa.

Các nhà quan sát hệ thống kiệt xuất có thể giải mã các mô hình phản hồi mà qua đó phản ánh các lực định hình quan trọng. Quá nhiều nhiệt, con mèo tìm bóng râm. Quá lạnh, con mèo tìm thấy một chiếc mũ trùm xe hơi ấm để ngủ. Các hệ thống được định hình bằng các cơ chế tự điều chỉnh. Bạn có thể thực hành quan sát điều này trong cơ thể hay tâm trí của mình để xem các kiểu phản hồi như vậy hoạt động ra sao. Cơ thể bạn phản ứng như thế nào với những ngày mưa? Ngày nắng? Lúc đói? Lúc ăn quá nhiều? Khi ngủ đủ giấc? Khi thiếu ngủ? Hãy nhìn lại mọi thứ được phản ảnh như thế nào tại những vùng đất đã nuôi nấng bạn. Đây là những cách thực hành tốt để phát triển tâm thức biết suy nghĩ theo hệ thống.

Liberty Hyde Bailey, một nhà tự nhiên học người Mỹ ở đầu thế kỷ, cho biết: “Cuộc sống hạnh phúc nhất có số lượng điểm tiếp xúc lớn nhất với thế giới, nó có cảm xúccảm thông sâu sắc nhất với mọi thứ như nó là”. Ông ấy được mô tả là nhà tư duy hệ thốngtâm hồn và nhiều trải nghiệm, một người mang lại nhận thức cho mọi mối quan hệ hàng ngày với tất cả chúng hữu tình. Một người Phật tử có thể cảm nhận điều này như một sự hiểu biết sâu sắc về quy luật phụ thuộc lẫn nhau. Quan điểm của tôi là nhận thức đó luôn sẵn sàng cho tất cả mọi người và là nền tảng để thực hiện hiệu quả các công tác liên quan đến môi trường. Nếu bạn tìm hiểu hình dạng của sông và núi ở địa phương, nếu bạn gặp những người trồng thức ăn của bạn, nếu bạn giúp thế giới trở thành một nơi đáng sống hơn, bạn có thể bắt đầu thấy mình không chỉ là một người được tạo hình mà còn là một người định hình nên mạng lưới ngọc của vị trời Đế Thích.

Theo con đường bất hại

Không gây hại, hay ahimsa, là một nguyên tắc trung tâm trong đạo đức Phật giáo. Giới thứ nhất này bao hàm tất cả mọi cam kết đạo đức khác. Hiểu được cuộc sống bị quy định sâu sắc như thế nào bởi nỗi khổ, Phật giáo với mục đích không tạo thêm khổ và giảm bớt đau khổ bất cứ nơi nào có thể, nói cách khác, là gây ra tác hại tối thiểu. Theo nghĩa sâu sắc nhất của ahimsa là không có sự hiện diện dù chỉ là ý nghĩ thôi thúc giết hại. Một động thái từ bi như vậy được cho là phát sinh một cách tự nhiên từ mối liên kết đầy tình cảm rộng mở giữa các chúng hữu tình.

Việc thực hành không gây hại được lý tưởng hóa trong nguyên mẫu Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa Trung Hoa, bậc giác ngộ quay trở lại từ đời này qua đời khác để giúp đỡ tất cả những chúng sanh đang đau khổ. Hạnh nguyện của Bồ-tát là toàn diện, đòi hỏi lòng từ bi vô tận. Những Phật tử sống xanh vì môi trường (Green Buddhists) đã đặt ra thuật ngữ Ecosattva để gợi lên một vị Bồ-tát cam kết chấm dứt sự đau khổ của môi trường. Các Ecosattvas có thể hoạt động trong bất kỳ lĩnh vực nào liên quan đến môi trường như nông nghiệp, ô nhiễm nước, ổn định khí hậu, bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Cơ hội là vô tận. Công việc của họ là mang sức mạnh của hạnh nguyện Bồ-tát giúp đỡ tất cả những người đang đau khổ. Có một lời hạnh nguyện như thế là điểm tham chiếu có thể làm giảm bớt lòng nôn nóng muốn có kết quả nhanh chóng. Trên thực tế, nhiều vấn đề môi trường khá hóc búa và sẽ mất nhiều thời gian, thậm chí có thể là nhiều thế hệ mới có thể cải thiện. Một hạnh nguyện kiên định có thể cho ta điểm neo đậu nền tảng giữa trận chiến rất dài vì sự ổn định của môi trường.

Tôi đặc biệt quan tâm đến lựa chọn năng lượng cho tương lai. Các học trò của tôi biết rằng sản xuất dầu sẽ làm hao mòn cuộc đời của họ và các nguồn năng lượng thay thế phải được phát triển. Nhiên liệu diesel sinh học khá phổ biến, vì nó mang lại một cách thức để tái chế dầu thực vật đã qua sử dụng. Gió và năng lượng mặt trời đều gây ra tác hại tương đối nhỏ đối với môi trường, đặc biệt là so với sản xuất than và dầu. Nhiều người thích sở hữu một chiếc xe hybrid (**) cho phép họ ít phụ thuộc vào nền kinh tế dầu khí. Trong khi “bất hại” có thể không phải là từ khóa của cuộc chuyện trò này, thì hướng đi có vẻ rõ ràng: Tại sao lại gây ra nhiều tác hại cho môi trường? Gây ra như thế đã có đủ chưa? Thảm họa nguyên tử Chernobyl và vụ tràn dầu Exxon Valdez như vậy đã đủ chưa? Sống “lạc hậu”, không phụ thuộc vào các tiện ích đô thị có thể được xem là một lý tưởng đạo đức, một cách để giảm dấu chân sinh thái của bạn và trở thành hàng xóm tốt hơn với phần còn lại của thế giới.

Tiến dần đến bình an

Trong cuốn sách mới của mình mang tên Getting to Peace (tạm dịch: Tiến đến hòa bình), William Ury, một nhà lãnh đạo tầm vóc quốc tế về đàm phán xung đột, đã đưa ra một số nguyên tắc trong việc tìm giải pháp hữu hiệu để bình ổn xung đột chính trị ở nhiều cấp độ. Đối với tôi, dường như những gì ông ấy viết trong cuốn Getting to Peace đều có thể áp dụng tốt cho các vấn đề môi trường, vốn thường liên quan đến xung đột giữa các bên khác nhau và các quan điểm khác biệt. Một số người đã nói rằng chúng ta hiện đang trong Thế chiến thứ ba, không phải là cuộc chiến chống khủng bố, mà là cuộc tấn công chống lại môi trường. Thuốc trừ sâu, chất thải hạt nhân, hóa chất độc hại, rõ ràng là tất cả những thứ này và hơn thế nữa là những cuộc tấn công trực tiếp vào sự sống của nhiều loại sinh vật.

Trong cuốn sách này, Ury chỉ ra một vai trò gọi là bên thứ ba, một bên nằm ngoài cuộc xung đột trực tiếp nhưng với lợi ích lớn cho kết quả hòa bình. Điều này gợi lên một vai trò hữu ích cho các Phật tử quan tâm đến môi trường. Bên thứ ba có thể làm rõ sự khác biệt, bảo vệ các bên bị đe dọa và đem sự giáo dục đến nơi nào cần kiến thức. Một người có sự nhạy cảm của Phật giáo có thể rút ra những phép tu tập mà tôi đã nói trên đây: sống cùng với nỗi khổ, trau dồi lối tư duyhệ thống, thực hành giới luật không gây hại và giúp bình hòa cuộc xung đột đang diễn ra. Khi xung đột leo thang và quan hệ bị tổn hại, một người thực hành đạo Phật có thể được dẫn vào vai trò của người hàn gắn. Một bên thứ ba với cam kết hành động từ bi có thể là một tài sản quý giá trong việc đưa tình huống tiến tới việc phân giải.

Để thực hiện công việc môi trường đầy thách thức như vậy, điều quan trọng là bạn phải nghĩ mình là một tác nhân tích cực trong mạng lưới trời Đế Thích. Đây là một phần cực kỳ quan trọng của nỗ lực gìn giữ sự bình an. Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi đây là gieo trồng hạt giống niềm vui và hòa bình. Tiếp xúc với thế giới thiên nhiên hoặc thực hành thiền định trong yên tĩnh sẽ làm mới trái tim và thiết lập một điểm tham chiếu tự nội của niềm vui mà nó hoàn toàn độc lập với mọi tình huống.

Đức Đạt-lai Lạt-ma chủ trương một chính sách về sự tử tế cho dù tình hình có khó khăn đến đâu. Ngài nói: “Khi chúng ta nói về việc giữ gìn môi trường, nó có liên quan đến nhiều thứ khác. Cuối cùng, quyết định phải xuất phát từ trái tim con người. Điểm mấu chốt là phải có ý thức thực sự về trách nhiệm phổ quát, dựa trên tình thươngtâm bi mẫn và một nhận thức rõ ràng”.

Điều tôi hy vọng là bất cứ ai làm việc ở bất kỳ cấp độ nào, với tư cách là một công dân bình thường hoặc chuyên nghiệp, ở vai trò phụ huynh hay học sinh, đều có thể tiếp nhận các phương pháp tiếp cận Phật giáo trên và sử dụng chúng tích cực. Đức Phật đã cảm nhận phép thử đúng đắn cho giáo lý của Ngài là liệu chúng có thực sự hữu ích trong đời sống hàng ngày hay không. Những gì tôi đang viết ra đây là cốt lõi cho công việc môi trường của tôi. Tôi hy vọng những điều đó cũng được bạn áp dụng tốt trong bất kỳ hoạt động chăm sóc nào mà bạn đang đảm nhận.

Stephanie Kaza 
Bội Trân
(lược dịch và biên tập từ Lion’s Roar)
_______________________
     
Dr. Stephanie Kaza
Tiến sĩ Stephanie Kaza là Giáo sư Emerita về Nghiên cứu Môi trường tại Đại học Vermont (UVM) và là cựu Giám đốc Chương trình Môi trường UVM. Cô đồng sáng lập Hội đồng môi trường tại UVM và từng là giám đốc giảng viên cho chương trình Nghiên cứu sinh bền vững của Khoa.
Tại UVM, Tiến sĩ Kaza đã dạy các lớp về tôn giáo và sinh thái, công bằng môi trường, chủ nghĩa sinh thái, chủ nghĩa môi trường cấp tiếnchủ nghĩa tiêu dùng không học tập. Bà khuyên sinh viên tốt nghiệp nghiên cứu về năng lượng và sự tham gia của công dân, tăng trưởng thông minh trong quy hoạch thị trấn, tính bền vững của khuôn viên trường, đạo đức nông nghiệp, và tôn giáo và sinh thái.
Năm 2011, Tiến sĩ Kaza đã nhận được giải thưởng Khoa học xuất sắc UVM George V. Kidder vì sự xuất sắc trong giảng dạy. Kaza đã nhận được một giải thưởng khóa học tôn giáo và khoa học uy tín từ Quỹ Templeton cho khóa học về Phật giáo và sinh thái. Cô giảng bài rộng rãi về các chủ đề của Phật giáo và môi trường.
Kaza là một học viên lâu năm của Phật giáo Soto Zen, được đào tạo tại Trung tâm Zen Green Gulch, California, và nghiên cứu thêm với Thích Nhất Hạnh, Joanna Macy và John Daido Loori. Cô được Kobun Chino Ottogawa tấn phong Giáo Thọ Sư vào cuối những năm 1980 và áp dụng sự hiểu biết của mình về Phật giáo với tư cách là thành viên của nhóm Gặp gỡ Thần học Kitô giáo Quốc tế.

 

......................

(*) Indra’s Net: là lưới vô tận của Thần Indra (Đế Thích), tại mỗi mắt lưới có một viên ngọc đa diện phản ánh hình ảnh các viên ngọc còn lại. Đây được hiểu như kết nối của vũ trụ. Dễ hiểu hơn là hình dung một mạng nhện buổi sớm mai đầy sương đọng lại, mỗi hạt sương đều phản ánh hình ảnh của các hạt sương khác. Đây là quan điểm của Phật giáo về vũ trụ trong một hình ảnh, về sự trống rỗng và phụ thuộc lẫn nhau của vạn vật.

 (**) Xe hybrid: Là loại xe lai điện vừa dùng động cơ đốt trong truyền thống vừa dùng động cơ điện để làm lực kéo hoạt động. Đây là một trong những giải pháp để bảo vệ môi trường và tiết kiệm nhiên liệu của ngành sản xuất ô-tô trên thế giới.

(Theo Giác Ngộ)


Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…