Nhà đấu tranh tuổi teen Greta Thunberg tố lãnh đạo thế giới phản bội thế hệ trẻ

25/09/20194:15 CH(Xem: 8903)
Nhà đấu tranh tuổi teen Greta Thunberg tố lãnh đạo thế giới phản bội thế hệ trẻ
NHÀ ĐẤU TRANH TUỔI TEEN GRETA THUNBERG
TỐ CÁO LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI PHẢN BỘI THẾ HỆ TRẺ
(TED Talk, Reuters, New Yorker, Wikipedia, CNN) | VOA

Gần đây, thế giới đã phải bật dậy, chú ý lắng nghe tiếng nói của một cô gái trẻ, vừa kêu gọi vừa trách móc người lớn, đặc biệt là các lãnh đạo thế giới, đã thoái thác trách nhiệm bảo vệ trái đất và gìn giữ môi trường sinh sống cho các thế hệ tương lai.

Phát biểu của cô bé 16 tuổi vang lên tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc hôm 23/9, khi cô thẳng thừng phê phán các nhà lãnh đạo thế giới là không làm tròn trách vụ, và chỉ nói lời đãi bôi trước nguy cơ đang ập đến, có thể tiêu diệt cả nhân loại.

“Quý vị đã thất bại, không bảo vệ chúng tôi. Lẽ ra tôi không nên có mặt ở đây, lẽ ra giờ này tôi phải cắp sách tới trường ở bên kia bờ đại duong. Thế mà quý vị lại đặt hy vọng vào giới trẻ chúng tôi. Sao quý vị cả gan làm như vậy? Sao quý vị dám cướp đi ước mơtuổi thơ của chúng tôi bằng những lời sáo rỗng?”

Chưa hết, Greta Thunberg nói tiếp:

“Qúy vị nói quý vị lắng nghe chúng tôi, và quý vị hiểu tính cấp bách của vấn đề… Tôi không muốn tin điều đó, bởi vì nếu quý vị thực sự thấu hiểu tình hình mà vẫn nhất mực không hành động, thì quý vị phải xấu xa lắm. Tôi từ chối, không muốn tin như vậy.”

Cuối bài phát biểu, Greta kết luận:

“Quý vị đã thất bại, nhưng những người trẻ tuổi đang bắt đầu hiểu ra sự phản bội của quý vị. Tất cả mọi con mắt của các thế hệ tương lai đang đổ dồn về hướng quý vị. Nếu quý vị chọn tiếp tục làm ngơ, không thực thi nghĩa vụ đối với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ qúy vị.”

Cô bé tuổi teen đưa ra những lời đanh thép ấy là ai?

Greta Thunberg
Nhà đấu tranh chống biến đổi khí hậu
Greta Thunberg, tại thượng đỉnh Hành động
chống BDKH tại trụ sở LHQ ngày 23/9/2019.

Greta ra đời ngày 3/1/2003 tại Stockholm, mẹ là một danh ca opera nổi danh, Malena Ernman, cha là Svante Thunberg, một diễn viên. Bà Ernman đã xuất bản một quyển sách, viết về những phấn đấu của gia đình vì cả hai cô con gái, Greta và em gái Beata, đều mắc bệnh tự kỷ.

Greta mang Hội chứng Asperger, một hình thức bệnh tự kỷ có chức năng cao. Những người bị Asperger nghe, nhìn và cảm nhận mọi thứ xung quanh khác so với người bình thường, nhưng một số có khả năng vượt trội về toán, ngôn ngữ biểu hiện từ nhỏ. Nhiều trẻ tự kỷ biết đọc sớm và có sự ham thích kỳ lạ với chữ và con số, và có khả năng tập trung cực cao khi ham thích, tìm hiểu hày nghiên cứu một đề tài nào đó.

Einstein, Mozart và Michelangelo, những vĩ nhân của thế giới, đều được cho là có những dấu hiệu của hội chứng Asperger, khiến có người cho Asperger là ‘hội chứng của những thiên tài’.

Mới lên 16 tuổi, Greta Thunberg đã có một ‘quá trình’ tranh đấu chống biến đổi khí hậu đáng nể.

những người trẻ tuổi đang bắt đầu hiểu ra sự phản bội của quý vị. Nếu quý vị chọn tiếp tục làm ngơ, không thực thi nghĩa vụ đối với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ không bao giờ tha thứ qúy vị.”
Greta Thunberg, nhà đấu tranh chống biến đổi khí hậu tuổi teen


Một đài truyền hình gọi Greta là một “chiến sĩ vì môi trường” đã có công nâng cao nhận thức trên khắp thế giới về những nguy cơ của biến đổi khí hậu, và tính cấp bách của cuộc khủng hoảng này.

Trong một bài phát biểu trên diễn đàn TED vào năm ngoái, 2018, cô bé mới 15 tuổi đã đưa ra những lập luận hùng hồn, phân tích rõ ràng và khúc chiết về nguy cơ của biến đổi khí hậu, và vì sao cô dấn thân hành động.

“Nếu sống qua 100 tuổi, thì vào năm 2103 tôi còn sống. Tới năm 2050 tôi chỉ mới đi được nửa đoạn đường. Tới năm 2078, tôi sẽ mừng sinh nhật thứ 75. Có thể con cháu tôi sẽ nhắc tới quý vị, những người sống thời năm 2018, và có lẽ chúng sẽ đặt câu hỏi tại sao quý vị đã không làm gì khi mà hãy còn thì giờ để hành động. Điều mà chúng ta làm, hoặc không làm bây giờ sẽ tác động tới cả cuộc đời tôi và cuộc đời của con cháu tôi. Điều mà chúng ta làm, hoặc không làm ngay tại thời điểm này, tôi và thế hệ của tôi không thể lật ngược trong tương lai. Thế cho nên tới tháng 8 năm 2018, tôi quyết định tôi đã chịu hết nổi. Vì thế khi đến ngày tựu trường, tôi quyết định bỏ học, tới trước quốc hội biểu tình.”

Nhận thức về mối nguy ‘sống chết’ đối với các thế hệ tương lai đã thôi thúc Greta hành động.

Greta mang tấm bảng ghi dòng chữ “Bỏ học để chống biến đổi khí hậu”, tọa kháng bên ngoài quốc hội Thụy Điển để đòi các nhà lãnh đạo hành động chống biến đổi khí hậu, và yêu cầu chính phủ Thụy Điển thi hành nghĩa vụ theo hiệp định khí hậu Paris.

Sang ngày thứ nhì, Greta không còn đơn độc, và tới tuần lễ thứ nhì, phong trào phản kháng lan nhanh trên các mạng xã hội. Chỉ trong vòng vài tháng, cô bé tuổi teen đã đứng trước các bậc trưởng thượng, phát biểu tại hội nghị về biến đổi khí hậu ở Ba Lan.

Greta Thunberg 2
Greta Thunberg phát biểu tại cuộc tuần hành chống BDKH 2019 tại New York ngày 20/9/2019.
REUTERS/Lucas Jackson

Một tháng sau, Greta mang biểu ngữ, đi xe lửa tới Davos, Thụy Sĩ, cắm trại trong một căn lều, đánh động lương tâm của những nhân vật quyền lực của các nước giàu có nhất trên thế giới về tính cấp bách của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Greta nói tại Davos:

“Người lớn vẫn nói họ có trách nhiệm đem lại hy vọng cho giới trẻ. Tôi không cần hy vọng của quý vị. Tôi muốn quý vị phải hốt hoảng.”

Đối với những người chỉ trích phong trào bãi khóa, khuyên cô bé nên đi học để trở thành một nhà khoa học môi trường hầu có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, cô bé đã có sẵn câu trả lời trong bài phát biểu trên diễn đàn TED:

“Vấn đề biến đổi khí hậu đã được giải quyết rồi, khoa học đã cung cấp cho chúng ta tất cả những chứng cớ và những giải pháp. Điều duy nhấtchúng ta phải làm ngay bây giờ là tỉnh dậy và thay đổi. Tại sao tôi lại phải học hành cho một tương lai mà nay mai sẽ không còn nữa? Khi mà không một ai động một ngón tay để làm bất cứ điều gì hầu bảo vệ cái tương lai đó? Và đi học để làm gì, khi mà những kiến thức quan trọng nhất do nền khoa học tiên tiến nhất cung cấp, rõ ràng chẳng có nghĩa lý gì đối với các chính khách của chúng ta, hay xã hội của chúng ta”.

Lời nói đi đôi với hành động, nhất quyết không đi máy bay vì những nguy hại đối với môi trường, cô bé được hoàng gia Monaco cho mượn một thuyền buồm để tới Hoa Kỳ phát biểu trước Liên Hiệp Quốc. Những hình ảnh tự chụp của cô trong cuộc hành trình trên thuyền buồm đã lôi cuốn thêm hàng ngàn fan theo dõi.

Sự dấn thân của Greta đã gợi hứng cho các bạn đồng trang lứa ở nhiều nước tổ chức các cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu, từ đó dấy lên phong trào bãi khóa để đòi phải có hành động chống biến đổi khí hậu. Phong trào này được gọi là Fridays for Future – bãi khóa mỗi Thứ Sáu cho Tương Lai.

Ngày 15 tháng Ba năm 2019, gần 1,5 triệu trẻ em tại 112 quốc gia trên thế giới bãi khóa để xuống đường biểu tình đòi hành động chống biến đổi khí hậu.

Một số nhà lập pháp Thụy Điển đã đề cử Greta Thunberg cho Giải Nobel Hòa Bình, vì sự dấn thân của cô, dẫn đầu phong trào đấu tranh chống biến đổi khí hậu trong giới trẻ toàn cầu.

Dân biểu Freddy André Øvstegård, một trong những nhà lập pháp đề cử Greta cho Giải Nobel, nói:

“Greta Thunberg đã phát động một phong trào quần chúng mà tôi cho là một đóng góp rất lớn cho hòa bình.”

Tháng Năm 2019, Greta đã lên trang bìa của tạp chí Time, và được giới thiệu là “lãnh đạo của thế hệ kế tiếp”. Mới đây, Greta cũng được đề cử cho Giải Prix Liberté – Giải Tự Do của Pháp và Giải Đồng hồ vàng của Đức. Chắc chắn là trong những ngày sắp đến, và xa hơn nữa, chúng ta sẽ còn được nghe rất nhiều về nhà tranh đấu chống biến đổi khí hậu tuổi teen này.

(TED Talk, Reuters, New Yorker, Wikipedia, CNN)

Tạo bài viết
Bản tin ngày 3 tháng 12/2014 trên báo Global New Light of Myanmar (GNLM) của Bộ Thông Tin Myanmar loan tin rằng Trung tâm Giáo dục Phật giáo Quốc tế (IBEC: International Buddhist Education Centre) đã công bố sự tham gia của IBEC vào dự án Vườn Lumbini (Lumbini Garden) tại Tây Ban Nha, nơi sẽ trở thành Công viên Phật giáo lớn nhất châu Âu. Sáng kiến quan trọng này sẽ có sự đóng góp từ nhiều quốc gia, bao gồm Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào, Sri Lanka, Trung Quốc, Hồng Kông, Nepal, Bhutan và Đài Bắc Trung Hoa (Ghi nhận của người dịch: không thấy Việt Nam). Dự án sẽ có các chương trình giáo dục Phật giáo cấp cao hỗ trợ bởi IBSC (Thái Lan), SSBU, SIBA và IBEC-Myanmar.
Bhutan, vương quốc ở vùng núi Himalaya đã mang đến cho thế giới khái niệm về hạnh phúc quốc gia, chuẩn bị xây một "thành phố chánh niệm" (mindfulness city) và đã bắt đầu gây quỹ từ hôm thứ Hai để khởi động dự án đầy tham vọng này. "Thành phố chánh niệm Gelephu" (Gelephu Mindfulness City: GMC) sẽ nằm trong một đặc khu hành chánh với các quy tắc và luật lệ riêng biệt nhằm trở thành hành lang kinh tế nối liền Nam Á với Đông Nam Á, theo lời các quan chức.
Những phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng là mảnh đất màu mỡ cho đủ loại thông tin, là nơi để một số người tha hồ bịa đặt, dựng chuyện, bé xé ra to và lan đi với tốc độ kinh khủng. Họ vùi dập lẫn nhau và giết nhau bằng ngụy ngữ, vọng ngữ, ngoa ngữ…