BẢO TỒN TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM
THÍCH PHƯỚC NGUYÊN
Dẫn khởi:
Trong những thập niên trở lại đây, nhiều giá trị truyền thống trong Phật giáo Việt Nam dần trở nên mai một và bị lãng quên, hoặc thay thế bởi những xu hướng thời thượng của xã hội. Phật giáo không nằm nơi hình thức khuôn khổ, nhưng nếu không có những quy củ và nguyên lý nhất định, thì khó mà giữ bản sắc thuần túy; nhất là khi giá trị vật chất dần len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống dân Việt nói chung, và chùa chiền tăng xá nói riêng, nguy cơ mất hướng và vong bản là điều sớm muộn không thể tránh khỏi. Vì vậy, trong giới hạn của bài viết này, xin được gợi ý một số điểm ngắn gọn của cá nhân, để các độc giả hữu duyên rộng đường tham khảo.
I. HAI ĐƯỜNG CÔNG PHU
Phật giáo truyền vào Việt Nam, thời gian đã tính bằng ngàn năm, nếu không có nền tảng vững chắc, thì há có thể trường tồn giữa một quê hương - dân tộc được thừa hưởng cả hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa với nhiều thăng trầm sâu sắc!? Nghi lễ là một trong những chất liệu tạo nên sự hiện hữu và tồn tại đó, không thể phủ nhận tính nghi lễ giúp Phật giáo dễ dàng đi vào cuộc sống thường nhật của các giới, từ thượng lưu cho đến quần chúng. Do vậy, sự hình thành một thời khóa chuẩn mực trong Thiền môn, không phải một sớm một chiều mà có thể hoàn chỉnh. Hai thời công phu như được thấy sử dụng trong các tự viện Bắc truyền hiện nay, đã trải qua một quá trình lâu dài được soạn thảo, thực hành và thực nghiệm một cách nghiêm túc bởi rất nhiều thế hệ Tăng – tục. Khoan nói đến việc sẽ có người cho rằng ở đây lấy Tổ sư ra làm lá chắn, rồi viện dẫn kinh Kalama để phản bác. Trước hết chúng ta hãy suy nghiệm, mục đích thực sự của hai thời công phu là gì?
Thời công phu sáng: Ở đây có thể gọi chung là “thời Lăng-nghiêm”. Sở dĩ gọi như vậy là bởi vì hành giả khởi điểm thời công phu này bằng tựa - chú Lăng-nghiêm và tiếp sau đó là Đại bi, Thập chú, Bát-nhã tâm kinh và hướng nguyện. Thần chú có phép lạ nhiệm mầu gì đó hay không, tùy thuộc vào niềm tin và lý giải của mỗi người. Ở đây, chỉ muốn nói đến giá trị của thời công phu sáng. Khi hành giả tập trung thân thể, tâm ý, và lời tiếng vào việc trì tụng, toàn thể tâm tư được trôi chảy đều đặn theo lời kinh chú. Tâm thức hành giả cũng từ đó mà được khoáng đạt, giúp nhổ gốc các tâm ý xấu, đoạn dứt những suy nghĩ bất thiện. Nên thời công phu này, hiển nhiên là tu tập ĐOẠN ĐỨC (trong tam đức), nuôi lớn phẩm chất đoạn trừ xấu ác.
Thời công phu trưa: Thời công phu này thường được gọi là thời “Cúng Ngọ” hay “Cúng Phật”. Sự cúng kính không phải để phô diễn hình thức. Cúng Phật một bát cơm trắng hay các phẩm vật tinh khiết, là để bày tỏ tấm lòng thành kính và ngưỡng mộ với Tuệ giác toàn hảo của chư Phật; trên thì cầu thành Phật trí, trung gian thì cầu Thánh trí của chư Tôn giả Đại sĩ, dưới thì mong rằng tất cả chúng sinh cũng đều được trí tuệ như vậy. Sự thực tập thời công phu này, nuôi lớn TRÍ ĐỨC - phẩm chất của trí giác, giúp hành giả thấy rõ con đường đang đi và sẽ đi.
Thời công phu chiều: Được gọi là thời “Mông sơn thí thực”, hay nôm na thường gọi là “Cúng cô hồn”, tạm hiểu là “cầu nguyện cho những tâm hồn cô độc”. Những chuyện thường bị công kích là hoang đường viễn vông, nhưng lại mang một dáng hình bi nguyện của nhà Phật. Trong thời kinh du dương, vang vọng tiếng mõ chiều, hành giả bày tỏ lòng Từ với tất cả muôn loại hữu tình trong thế gian, ban trải tâm Từ đến muôn loài, xả bỏ lòng xan tham, ôm lấy những mảnh đời cô độc trường kỳ, không có bến bờ nương tựa, cho hữu tình một chút hơi ấm của cửa Phật rộng mở. Thời công phu như thế, hành giả nuôi lớn ÂN ĐỨC. Trải rộng phẩm chất ân nghĩa chí tình đến xa gần: “Lòng nào lòng chẳng thiết tha; cõi dương còn thế nữa là cõi âm”.
Như vậy hai đường công phu phân chia làm ba thời, đầy đủ ba phẩm đức: ĐOẠN ĐỨC, TRÍ ĐỨC, ÂN ĐỨC. Hai thời công phu như vậy, dầu không phải chính do đức Phật thiết định, nhưng được trích lục và tập thành từng những lời dạy trong các kinh tạng và nghi thức của các thế hệ Tăng lữ tiền bối. Nó không những phản ánh quan điểm tu tập, bối cảnh đời sống và nghi lễ của các thời đại quá khứ, mà chứa đựng trong đó là cái khí chất tinh thần uy dũng bất khuất của chư vị Tiền nhân, đã hy hiến cho vận mệnh Phật giáo, bằng máu và nước mắt, bằng tất cả tâm tủy, để chèo chống con thuyền đạo pháp đi giữa chông chênh bão táp ma quân. Do vậy, sự gìn giữ hai đường công phu là giữ gìn trái tim của Phật giáo Việt Nam, mang trong đó hoài bão dựng xây cơ đồ Chánh giáo.
II. PHÁP Y
Nhiều quan điểm kỳ thị y phục Trung Hoa, dẫn tới tẩy chay hoặc biến chế Pháp phục của Tăng lữ sang một hình thái khác thường, nếu không muốn nói là dị hợm. Trong đây, điểm trọng yếu nhất mà bài viết này muốn nói là chiếc Pháp y của Phật giáo Bắc truyền, thường bị các bộ phái Phật giáo khác công kích, cho là sản phẩm “Made in China”.
Chiếc Pháp Y có ý nghĩa gì ở đây?
Chiếc Pháp y dù được chế tác theo truyền thống Nam phương hay Bắc phương, cũng đều mang trong nó một tinh thần phản chiếu và thượng tôn giới luật mà hành giả đã thọ nhận. Chiếc Pháp y, hoặc năm điều, hoặc bảy điều, hoặc chín điều… khi giới tử phát nguyện lãnh thọ giới pháp Tỷ-kheo/ Tỷ-kheo ni, tiếp nhận chiếc Pháp y từ chư vị Giới sư, không đơn thuần là nhận một tấm vải được may vá theo cách thức nào đó, mà cốt lõi là tiếp nhận cả một gia tài của Phật, của Thầy - Tổ. Đó là sự truyền thừa tinh thần và ý chí. Cái ý chí khát khao một đời sống Phạm hạnh trong sạch. Tiếp nhận Pháp y và khoác lên chiếc Pháp y bất kể là truyền thống nào, dưới hình thức nào, cũng mang trong đó một tâm nguyện giữ gìn bản thể hòa hiệp và thanh tịnh của Tăng-già Việt Nam qua nhiều thế hệ truyền thừa, làm sở y vững chắc cho các hàng Phật tử hữu duyên quy ngưỡng.
III. CHÙA THÁP & TÔN TƯỢNG
*Ảnh: tượng Bổn Sư Phật Thích Ca Niết-bàn trong hoa sen, tôn trí tại Vô trụ xứ am
IV. NGÔN NGỮ
Trong nhiều bản kinh, Đức Phật đã cho phép các hàng đệ tử được tu tập và hành trì bằng chính phương ngữ của mình. Thuật ngữ Hán - Việt Phật học được sử dụng tại Việt Nam từ hậu bán thế kỷ trước trở lại đây, đã đi vào ổn định. Không nên vội vả 'đẻ ra' những ngôn ngữ mới lạ gây nên rào cản cho những người học Phật. Chúng ta nên chấp nhận tính tương đối trong ngôn ngữ và khu biệt tầng lớp độc giả của từng loại hình kiến thức. Dù là sinh viên khoa Mắt của Đại học Y dược, cũng khó mà đọc hiểu sách chuyên ngành Thần kinh học (neurology); cũng vậy, chị dệt vải trồng rau khó mà tiếp cận thuật ngữ Siêu hình học (metaphysics). Như vậy, độc giả sách Phật giáo cũng không khác. Người muốn tìm hiểu đạo Phật phải chấp nhận đi từ cơ bản, tiếp cận những thuật ngữ chuyên môn trong kinh luận. Phật giáo thường được mô tả là “tùy duyên” và “nhập thế”, nhưng cũng không phải vì vậy mà tùy tiện kéo Phật giáo ngang bằng với thời đại, xóa sổ những ngôn ngữ vốn đã định hình nên một hệ thống giáo nghĩa vững chắc cho nền Phật học Việt Nam.
Kết luận:
Về mặt tư tưởng, đã có nhiều nỗ lực phiên dịch kinh điển Phật giáo trực tiếp từ Sanskrit và Pāli, nhằm tránh những ảnh hưởng không cần thiết từ Trung Hoa, nhưng việc nắm vững dụng ngữ Hán – Việt, cũng như truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam qua cách hiểu và sử dụng thuật ngữ Phật học Hán – Việt là điều hết sức quan trọng, giúp thành hình những bản dịch chuẩn mực và trong sáng trong Việt văn.
Phật giáo chỉ là Phật giáo khi độc giả và hành giả thoát ly tất cả ý thức hệ bảo thủ bộ phái, và quan sát một cách toàn diện; tất cả bảo thủ và điểm đứng cá nhân chỉ đưa tới khuyết điểm tâm linh và tụt hậu tri thức, cần phải vượt ra khỏi các rào cản này để nhìn nhận và học hỏi đạo Phật. Phật giáo chỉ thực sự được thể nghiệm toàn diện và toàn hảo khi mà tự ngã cá nhân được loại trừ khỏi tiến trình giải thoát và giác ngộ.
Chủ nghĩa hoài nghi có thể tốt cho những trường hợp nào đó và trong một số khu vực nhất định, mà ở đó tập quán và văn hóa bản địa có thể khác biệt. Tại Việt Nam, khái niệm “xâm thực văn hóa” đã được đề cập rất nhiều, ở đây không cần thiết phải nói dài dòng thêm. Chỉ nói riêng truyền thống Phật giáo Việt Nam, về hình thể và tinh thần cần được đầu tư bảo tồn một cách nghiêm túc. Các thế hệ Tăng-già và Cư sĩ Phật tử lão thành đã có rất nhiều đóng góp cho chỉnh thể tư tưởng Phật học Việt Nam qua nhiều thời đại, chứng tích ghi dấu vẫn còn vẹn nguyên. Trên nẻo về của truyền thống văn hóa Phật giáo Việt Nam, chúng ta đã làm những gì và cống hiến những gì để bảo tồn gia tài vô giá này, di sản Phật - Tổ như thế, rồi sẽ đi về đâu?
Xin mượn thi kệ của sư Đức Thành hội thoại với vua Trần Thái Tông, trong Khóa Hư Lục để kết thúc:
"Bệ-hạ há bảo chỉ Thế-Tôn đắc đạo ư?”
(Khóa Hư Lục, Trưởng lão Thanh Kiểm dịch)
古今無異路
達者共同途
陛下將謂得
道獨世尊麼
Cổ kim vô dị lộ,
Đạt giả cộng đồng đồ.
Bệ hạ tương vị đắc
Đạo độc Thế-Tôn mạ?”
*Dịch:
Xưa nay không khác lối,
người đạt cùng nẻo đường,
Bệ-hạ há bảo chỉ Thế-Tôn đắc đạo ư?”
VÔ TRỤ XỨ AM, 01.9. Kỷ Hợi (2019) by PN.