PHẬT GIÁO
NGUYÊN THỦY VIỆT NAM
SỬ LƯỢC (TẬP II)
Tỳ-khưu Giới Đức - Sīlaguṇa Bhikkhu (Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Nhà xuất bản Hồng Đức 2021
Từ lâu Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo Nguyên thuỷ nói riêng đang cần có một công trình nghiên cứu kỹ lưỡng về quá trình lịch sử du nhập, hình thành và phát triển của Hệ phái Phật giáo Nguyên thuỷ Việt Nam, nhưng vẫn chỉ có một vài tập tài liệu đơn sơ, nhiều thiếu sót, vì hầu như chỉ là góp nhặt những thông tin cục bộ và rời rạc. Trong khi hậu thế cần biết rõ sự đóng góp của Phật giáo Nguyên thuỷ như thế nào cho lịch sử văn hoá dân tộc và cho đời sống tinh thần của Phật tử Việt Nam.
Nay tôi rất hoan hỷ khi đọc bản thảo hai tập PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ VIỆT NAM SỬ LƯỢC do Hoà thượng Giới Đức nghiên cứu và biên soạn. Hoà thượng đã dày công tập hợp các sử liệu đã có trước đây, đồng thời đích thân đi thực địa, phỏng vấn những chứng nhân lịch sử đương thời - Các vị Cao Tăng tiền bối, các vị tu nữ và cư sĩ lão thành - đã từng ủng hộ hoặc tham gia trong Giáo hội Tăng-già Nguyên thuỷ Việt Nam, để cống hiến cho tủ sách lịch sử Phật giáo Việt Nam càng thêm phong phú.
Tôi chân thành tán dương công đức của Hoà thượng Giới Đức. Cảm ơn Hoà thượng đã giúp cho Phật giáo Việt Nam và Hệ phái Phật giáo Nam truyền có được tập sách quý giá này.
Trân trọng,
Hoà thượng Viên Minh
UV Thường Trực Hội Đồng Chứng Minh TWGHPGVN
Chứng Minh Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, thành phố HCM.
Khái Lược Về Nội Dung
(Thay lời tựa)
Đọc tư tưởng Sử Phật giáo, có lẽ ai cũng biết rằng hệ phái Theravāda (Thượng tọa bộ) cho đến ngày nay vẫn còn giữ được một giáo pháp rất gần với lời dạy nguyên thủy của đức Phật. Sự thật này, dĩ nhiên, đã phải kinh qua “sử tính” và “thời tính”; do vậy, nó đã bị phân hóa và biến đổi nhưng dòng chảy vẫn còn lưu giữ được tinh chất của những giọt nước trong mát tự đầu nguồn…
Tuy vậy, không đơn giản, nó “nhiêu khê” lắm!
Với tựa sách: “Phật giáo Nguyên thủy Việt Nam Sử lược”, tôi muốn cung cấp cho độc giả 6 mục chính của nội dung:
1-Sau khi Phật Niết-bàn, theo thời gian, Phật ngôn, tức Pháp và Luật bắt đầu bị phân hóa. Cuộc kết tập Lần thứ nhất, chỉ sau 3 tháng do một vị tỳ-khưu sơ tu tuyên bố một câu vô kỷ luật. Cuộc kết tập Lần thứ hai, sau 100 năm, do một vài hội chúng tỳ-khưu tự ý canh cải về giới luật. Cuộc kết tập Lần thứ ba, sau 236 năm, quan trọng nhất; vì Theravāda phải so sánh, đối chiếu toàn bộ nội dung cả Pháp và Luật của tất thảy 18 bộ phái (hoặc 20) được tách rời từ Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Sau đó, đại hội phủ quyết 216 điểm sai lầm của họ - trong tập Dị bộ luận (còn gọi là bộ Ngữ tông - Kathāvatthu - nằm trong 7 bộ Abhidhamma). Rồi dựa theo trùng tuyên Pháp và Luật Lần thứ hai để phân thành 3 tạng: Kinh, Luật và Abhidhamma bằng ngôn ngữ Māgadhī (tức Pāḷi).
2- Trưởng lão Moggalliputtatissa, chủ tọa cuộc kết tập cùng vua A Dục đã cử 9 phái đoàn truyền giáo mang 3 tạng chính thống của Theravāda đi khắp nhiều nơi ngoài biên cương Ấn Độ. Trong 9 phái đoàn ấy có 2 phái đoàn thành công nhất:
- Là phái đoàn thứ 1: Trưởng lão Mahinda (hoàng tử con của vua A Dục) làm trưởng đoàn, tháp tùng là các vị tỳ-khưu Iṭṭhiya, Uttiya, Sambala, Bhaddasāla, sa-di Sumana cùng với cận sự nam Bhaṇḍuka; và họ đã đến Sri Laṅkā vào thời vua Devānampiyatissa. Tại Sri Laṅkā, sau đó, Theravāda đã có cuộc kết tập Lần thứ tư; Tam tạng Pāḷi và cả Chú giải được khắc lên lá Bối (hay Buông).
Cuộc kết tập Lần thứ năm, tại Mandalay, Myanmar - năm 1863 thì y cứ nơi Tam tạng Pāḷi và Chú giải Lần thứ tư được khắc trên lá Bối tại Tích Lan. Rồi sau đó, đại hội sử dụng 729 phiến đá cẩm thạch khắc Tam tạng và 1774 phiến đá khác, khắc Chú giải.
Và Lần thứ sáu thì y cứ nơi Tam tạng Pāḷi và Chú giải được khắc trên 2503 phiến đá trong cuộc kết tập Lần thứ năm.
Lần thứ sáu được tổ chức tại Yangoon, Myanmar - năm 1956, Trưởng lão Mahāsi Sayādaw được đại hội tôn cử là vị chất vấn từng điểm, từng chi pháp, từng vấn đề trong Tam tạng và Chú giải. Trưởng lão Bhaddanta Vicittasārābhivaṃsa đáp trả những câu hỏi của Trưởng lão Mahāsi. Trong lúc hỏi, đáp Tam tạng và Chú giải như vậy thì Trưởng lão Nyaungyan Sayādaw chủ tọa và 2500 vị tỳ-khưu lắng nghe, nếu ai không đồng ý thì lên tiếng góp lời. Đặc biệt, Trưởng lão chủ tọa là vị làu thông Tam tạng và Chú giải. Chưa thôi, đại hội cũng đem các bản kinh cổ của Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên và Hiệp hội Thánh điển Pāḷi ở Luân Đôn để nghiên cứu, so sánh và hiệu đính. Sau khi đại hội hoàn mãn, Tăng-già Miến Điện cho in ra để phổ biến, tổng cộng là 45 cuốn Chánh tạng và 92 cuốn Chú giải.
Ngôn ngữ sử dụng trong đại hội kết tập nầy gồm có 3 thứ tiếng: Pāḷi, Miến Điện và Anh ngữ.
Trong kỳ kết tập Tam tạng và Chú giải Lần thứ sáu này có mời đại diện 8 quốc gia Phật giáo Nam truyền đến tham dự, trong đó có phái đoàn Việt Nam do Ht. Bửu Chơn, Tăng thống Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam làm trưởng đoàn. Và vinh hạnh thay, trong số 2500 vị tỳ-khưu tham dự thì Việt Nam có Đại đức Hộ Giác nằm trong số 500 vị kết tập Sư thường trực vì ngài nắm vững chắc Pāḷi, Miến Điện và Anh ngữ (3 ngôn ngữ của đại hội).
- Là phái đoàn thứ 8: Hai vị Trưởng lão Soṇa và Uttara thì đến các nước thuộc vùng Kim Địa (Suvaṇṇabhūmi) mà nhiều học giả, sử gia đã quả quyết, vùng Suvaṇṇabhūmi là tất cả các quốc gia thuộc Đông Dương cũ, nó gồm Việt Nam, Ai Lao, Cao Miên, Miến Điện, Thái Lan, Malaysia…
Phái đoàn thứ 8 của Theravāda nầy đến Việt Nam (Giao Chỉ) mà dấu tích đã được nhiều sử gia xác định là tại núi Tam Đảo, chùa Địa Ngục (Niraya có nghĩa là “địa ngục” - ngôn ngữ Pāḷi). Và cũng từ sức ảnh hưởng tư tưởng của nhánh truyền thừa này - tuy âm thầm nhưng bền bỉ - mà Phật giáo thời Giao Chỉ được phổ cập trong đại chúng, kéo dài từ thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch cho đến thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch và góp phần hình thành nên Trung tâm Phật giáo Luy Lâu, trước cả Trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Trung tâm Phật giáo Bành Thành của Trung Quốc. Sở dĩ kết luận như vậy là vì hậu bán thế kỷ thứ 2, có ngài Khương Tăng Hội đã hấp thụ vững chắc giáo pháp Theravāda, đã 3 y, một gậy, ôm bát trì bình cùng một số đệ tử (sau đó họ thành lập làng Phật giáo - Phật-đà lý) vượt dặm trường lên Kiến Nghiệp, đất Ngô, giáo hóa Tôn Quyền và cho Tôn Hạo quy y. Từ đấy, Phật pháp mới lan truyền trên lãnh thổ con dân Hoa Hạ (trước đấy, Trung Quốc chưa có Phật giáo).
Phật giáo Theravāda truyền đến Việt Nam Lần thứ nhất là vậy. Rồi sau đó mất tích, không mất tích thì cũng bị pha loãng, xen lẫn tư tưởng của các bộ phái phát triển.
Cho đến thế kỷ thứ 12, tự dưng đâu lại xuất hiện đức vua Trần Nhân Tông, là Hương Vân Đầu Đà thọ trì 12 pháp đầu-đà, mặc y, mang bát đi khất thực tận kinh thành Đồ Bàn của đức vua Chế Mân (Champā) để tìm sự bang giao hòa hiếu giữa 2 nước. Và có phải đây là Lần thứ hai, Phật giáo Theravāda truyền đến Việt Nam? Chứng tích, dấu ấn ấy chính là tượng đá trắng Hương Vân Đầu Đà mặc y vai trái tại chùa Hoa Yên và tượng vàng sừng sững, uy nghi của ngài tại đỉnh non mây trời Yên Tử hiện nay!
3- Phật giáo Theravāda truyền đến Việt Nam Lần thứ ba. Phật giáo Campuchia 95% dân chúng, đức vua và triều đình đều tu học theo truyền thống Theravāda.
Tại đây, có những trí thức người Việt, họ đã thao thức, trăn trở ra sao khi cố tìm cho mình một con đường tu tập chơn chính; và họ đã tìm ra Bát Chánh Đạo! Tại đây, chúng ta sẽ biết về tiểu sử của 4 cư sĩ kiệt xuất, những người đã hấp thụ được giáo pháp chơn truyền, đã tu tập; và đều có tâm nguyện mang giáo pháp ấy về Việt Nam.
4- Sau khi Phật giáo Theravāda đặt chân đầu tiên đến Gò Dưa, Thủ Đức, hình thành nên ngôi chùa Bửu Quang năm 1938, từ Bửu Quang có thêm chùa Giác Quang, rồi chùa Kỳ Viên… sau đó lan dần xuống miền Tây, lên Cao nguyên, ra tận miền Trung, miền Bắc…
Công lao, công đức ấy, trước là từ chư vị tôn túc Thiện Luật (thọ tỳ-khưu 1937), Bửu Chơn (1940), Hộ Tông (1941), đức Tăng trưởng Nārada (1918) - cùng cư sĩ Nguyễn Văn Hiểu - rồi kế thừa, xuất hiện hằng chục vị tôn túc Trưởng lão khác cùng “truyền đèn, nối lửa” (truyền đăng, tục diệm) giáo pháp ngày càng xa rộng.
5- Chúng ta sẽ biết qua về tiểu sử sơ lược của 68 vị Trưởng lão thọ tỳ-khưu sau 3 vị tôn túc ở trên, từ năm 1944 đến năm 1982. Danh sách chư vị tôn túc này, chúng tôi y cứ nơi “Hồ sơ Tăng tịch cũ” đã ghi chép, có năm sinh, có quê quán, có địa chỉ, có hình ảnh lúc mới xuất gia. Có vị đã mất, vị hiện còn, vị hoàn tục, vị xuất ngoại, vị đang sinh hoạt rất năng động; đa phần họ đã đóng góp công sức, tâm huyết cho sự phát triển hay xây dựng chùa, thất còn tồn tại đến ngày nay. Chúng tôi dừng lại nơi năm 1982, vì tất cả chư vị thọ tỳ-khưu năm 1982 này, bây giờ họ đã là Hòa thượng cả rồi theo quy định của hiến chương: 40 hạ lạp, 60 tuổi đời là Hòa thượng.
6- Phật giáo Theravāda lan tỏa trong và ngoài nước.
Phần này, chúng tôi chỉ thống kê và ghi tiểu sử các chùa Nam tông Kinh (tức PGNT), có cả thảy 160 chùa; trong đó, trong nước có 131 ngôi, Hoa Kỳ có 17 ngôi; các nước khác có 12 ngôi. Mỗi chùa, có chùa có tiểu sử đầy đủ, có chùa chỉ tóm tắt, có chùa thì không tìm ra tư liệu. Và chùa nào cũng đưa lên hình ảnh của chùa ấy, ít thì vài ba tấm, nhiều thì mươi, mười lăm tấm hoặc hơn - nếu phong phú, đẹp, nghệ thuật. Dĩ nhiên là chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm, sưu tầm trên mạng, nhiều nguồn khác nhau, nhưng đa phần là từ trang Trung tâm Hộ Tông và tư liệu của cố Tt. Thiện Minh…
Cuối cùng,
Dù đã rất nhiều công sức và tâm huyết nhưng công trình vẫn chưa được như ý muốn vì những lý do: Sưu tầm trên mạng thì rất nhiều nơi là tư liệu cũ, chùa cũ; có nhiều chùa đã trùng tu, xây dựng lại…; thay đổi vị chủ trì hay giám tự…; địa chỉ chùa hay số điện thoại cũng thay đổi luôn…
Mặc dù chúng tôi đã thông tri trên 2 trang FB của chùa là Huyền Không Sơn Thượng và Ngọa Tùng Am… để xin tư liệu nhưng các ngài chỉ “im lặng” hay thông tin chỉ có vài dòng…
Chúng tôi thành thật xin lỗi vì sơ thất, khiếm khuyết khi đâu đó có những sai lạc hoặc không được chuẩn xác...
Sách với tiêu chuẩn quý, đẹp… chỉ in lần đầu 2000 bộ. Nếu chư Tăng, Ni vui lòng bổ túc cho chúng tôi những bất cập như đã nêu dẫn thì lần tái bản, hy vọng sẽ hoàn chỉnh hơn.
Khoản phí ấn tống bộ Sử này, mọi công đức và phước báu xin hộ trì an lành cho gia đình Nữ cư sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy (Hà Nội) cùng một số Phật tử đã hỷ hoan đóng góp tịnh tài. Tôi gởi lời cảm ơn cô Bích Ngọc (Hạnh Minh) đã cung cấp những tấm ảnh cũ xưa quý hiếm của chư vị Trưởng lão. Tôi cũng cảm ơn một số đệ tử của tôi đã làm việc ngày đêm không mệt mỏi trong công việc tìm nguồn, tra cứu tư liệu, sửa lỗi chính tả, tinh chỉnh văn bản lẫn hình ảnh đưa lên trang.
Trân trọng và xin cảm ơn tất cả.
Ngọa Tùng Am, ngày 24/6/2021
Tỳ-khưu Giới Đức
MỤC LỤC
Phật Giáo Nguyên Thủy Sử Lược Tập 2 (Bản Chính Thức)
Phật Giáo Nguyên Thủy Sử Lược Tập I (Bản Chính Thức)
Thư Viện Hoa Sen kính cảm tạ Hòa thượng Giới Đức đã gửi tặng ấn bản điện tử hai tập sách quý này và trân trọng kính giới thiệu đến toàn thể quý độc giả.
.