BỒ ĐỀ TÂM ĐỒNG VỚI CÔNG ĐỨC
CỦA TẤT CẢ PHẬT PHÁP
Nguyễn Thế Đăng
Bồ đề tâm là phát nguyện và thực hành Bồ tát hạnh để đạt đến giác ngộ trong mong muốn giáo hóa và giải thoát chúng sanh khỏi khổ đau của sanh tử. Như thế Bồ đề tâm gồm hai yếu tố chủ đạo: trí huệ đạt đến giác ngộ và đại bi cứu độ chúng sanh.
Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về Bồ đề tâm trong phần Đức Di Lặc giảng cho đồng tử Thiện Tài về Bồ đề tâm sau khi đồng tử đã trải qua một trăm mười vị thiện tri thức, chỉ còn gặp Bồ tát Phổ Hiền là vị cuối cùng. Đoạn này ở phẩm Nhập Pháp Giới, Kinh Hoa Nghiêm. Đây là sự giảng dạy của Đức Di Lặc và sau đó cho Thiện Tài vào trong lầu gác của ngài để chứng nghiệm cảnh giới sự sự vô ngại, trước khi gặp Bồ tát Phổ Hiền, vị cuối cùng trên con đường nhập pháp giới thành Phật của đồng tử Thiện Tài.
1/ Bồ đề tâm là sự hợp nhất của trí huệ và đại bi
Mở đầu Đức Di Lặc giới thiệu đồng tử Thiện Tài, đầy đủ đại trí huệ, đại từ bi và đại hạnh:
“Đồng tử này xu hướng Đại thừa, đi trong đại huệ, phát đại dũng mãnh, mặc giáp đại bi, dùng tâm đại từ cứu hộ chúng sanh. Khởi đại hạnh tinh tấn ba la mật, làm đại thương chủ hộ trợ các chúng sanh, làm thuyền pháp lớn vượt qua biển các cõi Hữu, trụ nơi đại đạo, tích tập pháp bảo lớn, tu các pháp trợ đạo rộng lớn. Những người như thế rất khó được nghe, rất khó được thấy, rất khó được gần gũi, cùng ở cùng đi.
Tại sao thế? Vì đồng tử này phát tâm cứu hộ tất cả chúng sanh, làm cho tất cả chúng sanh thoát khổ, vượt khỏi các đường xấu ác, lìa hiểm nạn, phá vô minh che tối, ra khỏi sanh tử, dứt luân lạc trong các loài, vượt cảnh giới ma, chẳng nhiễm pháp phiền não thế gian…” (phẩm Nhập Pháp giới, Kinh Hoa Nghiêm).
Bồ đề tâm là ánh sáng trí huệ soi rõ tánh Không, tức là tánh của tất cả các pháp, và đại bi đi cùng, tức là hoạt động cứu độ chúng sanh đang bị cuốn trôi trong dòng sanh tử. Trí huệ và đại bi là hai động lực đi cùng nhau làm năng lượng cho con đường Bồ tát.
Sau đó Bồ tát Di Lặc nói lý do và công đức của việc phát tâm Bồ đề, tức là tâm Giác ngộ vô thượng:
“Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử! Ngươi vì lợi ích tất cả thế gian, vì cứu hộ tất cả chúng sanh, vì siêng cầu tất cả Phật pháp, nên phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Thiện nam tử! Ngươi được lợi lành, khéo được thân người, khéo trụ thọ mạng, khéo gặp Như Lai xuất hiện, khéo thấy Văn Thù Sư Lợi đại thiện tri thức. Thân ngươi là thiện pháp khí được những thiện căn thấm nhuần, được pháp trong trắng giữ gìn, mọi mong muốn hiểu biết đều được thanh tịnh, đã được chư Phật đồng hộ niệm, đã được thiện hữu đồng nhiếp thọ.
Tại sao thế? Vì Bồ đề tâm như hạt giống, có thể sanh tất cả Phật pháp”.
Đoạn Kinh này dùng nhiều chữ “thiện”, tốt lành, khéo. Vì sao thế? Vì với Bồ tát thực hành Bồ đề tâm thì có đầy đủ nhân duyên, cơ hội tốt lành: có “tất cả thế gian”, có “tất cả chúng sanh”, có “tất cả Phật pháp”, có “khéo được thân người, thọ mạng”. Trên thì có “chư Phật đồng hộ niệm”, sống và làm việc thì được “pháp trong trắng giữ gìn, các thiện hữu tri thức đồng nhiếp thọ”.
Tóm lại, nói theo ngôn ngữ bây giờ, “nếu một người phát tâm thì được tất cả vũ trụ giúp đỡ”. Chính Bồ đề tâm hạnh hay Bồ tát hạnh khiến cho Bồ tát “tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sanh, nhập Pháp giới”:
Bồ tát Di Lặc nói về Thiện Tài:
“Đồng tử này trong một đời có thể thanh tịnh Phật độ, có thể giáo hóa chúng sanh, có thể dùng trí huệ thâm nhập pháp, có thể thanh tịnh các Bồ tát đạo, có thể đầy đủ những hạnh Phổ Hiền”.
Bồ đề tâm hạnh hay Bồ tát hạnh là sự đồng thời của trí huệ và đại bi, sự đồng thời của lợi mình, lợi người, tự giác và giác cho người khác. Thí dụ, Bố thí ba la mật là một hạnh Bồ tát. Khi bố thí mà không trụ vào các tướng, không trụ vào sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì đây là trí huệ ba la mật (theo Kinh Kim Cương) và bản thân sự bố thí là một hành động từ bi. Thế nên Bồ tát hạnh là sự hợp nhất của trí huệ và đại bi, sự hợp nhất của lợi mình lợi người, sự hợp nhất của tự giải thoát cho mình đồng thời với sự giải thoát cho người khác.
2/ Những ích lợi thực dụng của Bồ đề tâm
Ở đây chúng ta chỉ tóm gọn ý chính của gần 120 câu kinh nói về ích lợi, công hiệu thực dụng của Bồ đề tâm.
“Vì sao thế?
Bồ đề tâm như hạt giống, vì có thể sanh tất cả Phật pháp. Bồ đề tâm như ruộng tốt vì có thể sanh trưởng pháp trắng sạch cho tất cả chúng sanh. Bồ đề tâm như đại địa, vì có thể giữ gìn tất cả thế gian…”
Bồ đề tâm được ví như hạt giống, có thể sanh trưởng, phát triển tất cả thiện căn của Phật pháp. Hơn nữa, Bồ đề tâm còn như môi trường cho các thiện căn phát triển và giữ gìn các thiện căn ấy (như ruộng tốt, như đại địa).
Như thế Bồ đề tâm là tâm chúng sanh hiện giờ của chúng ta, chỉ cần phát Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh được phần nào thì phần ấy dần dần chuyển hóa thành Bồ đề tâm.
“Bồ đề tâm như mặt trời trong sáng, vì chiếu khắp cả thế gian. Bồ đề tâm như mặt trăng sáng, vì những pháp trắng sạch đều viên mãn. Bồ đề tâm như đèn sáng, vì có thể phóng ra quang minh của những pháp. Bồ đề tâm như mắt sáng, vì thấy khắp tất cả các chỗ an, nguy…”
Bồ đề tâm là ánh sáng chiếu cho thấy cái đúng cái sai, chỗ an chỗ nguy. Nếu không có ánh sáng ấy con đường đời chúng ta dễ dàng lạc lối, rơi vào hư hỏng và uổng phí. Bồ đề tâm soi sáng cho chúng ta thấy những ý nghĩa và giá trị của đời sống.
“Bồ đề tâm như cỗ xe lớn, vì có thể chuyên chở khắp các Bồ tát. Bồ đề tâm như cửa nẻo, vì khai thị tất cả hạnh Bồ tát. Bồ đề tâm như khu vườn, vì ở trong đó dạo chơi hưởng pháp lạc. Bồ đề tâm như nhà cửa, vì an ổn tất cả chúng sanh. Bồ đề tâm là chỗ về, vì lợi ích tất cả thế gian. Bồ đề tâm là chỗ dựa, vì là chỗ dựa nương của Bồ tát hạnh. Bồ đề tâm như từ phụ, vì dạy dỗ tất cả Bồ tát. Bồ đề tâm như từ mẫu, vì sanh trưởng tất cả Bồ tát. Bồ đề tâm chính là chỗ trụ, vì tất cả Bồ tát đều trụ nơi ấy…”
Một vị Bồ tát thì không thể lìa bỏ Bồ đề tâm, vì nó là nhà cửa, chỗ nương dựa, cỗ xe chuyên chở của Bồ tát. Không thể lìa, vì nó là cha mẹ nuôi dưỡng và giáo dục cho mình. Bồ đề tâm còn là khu vườn để dạo chơi và hưởng thụ lạc thú của pháp, khiến cho trần gian dần dần biến thành quang cảnh vui thú, “tam muội tự thọ dụng”.
“Bồ đề tâm như thuốc hay, vì trị được tất cả bệnh phiền não. Bồ đề tâm như hố sâu, vì có thể làm sụp đổ tất cả các pháp xấu ác… Bồ đề tâm như chiên đàn trắng, vì trừ dục nóng bức làm cho mát mẻ. Bồ đề tâm như kiếp hỏa đốt cháy, vì thiêu sạch tất cả các thứ hữu vi. Bồ đề tâm như ngọc rồng, vì tiêu được tất cả độc phiền não. Bồ đề tâm như ngọc làm trong sạch nước, vì có thể lắng trong tất cả mọi dơ đục phiền não…”
Bồ đề tâm là thuốc chữa lành tất cả mọi khổ đau phiền não, làm cháy tiêu mọi tướng hữu vi, có thể tịnh hóa mọi thứ độc, mọi dơ đục trong tâm để tâm trở lại bản tánh thanh tịnh của chính nó.
“Bồ đề tâm như trầm hương đen, vì có thể xông khắp pháp giới. Bồ tâm như thuốc Vô Sanh Căn, vì trưởng dưỡng tất cả Phật pháp. Bồ đề tâm như kho tàng, vì xuất sanh công đức tài bảo không hề thiếu thốn. Bồ đề tâm như suối trào, vì sanh nước trí huệ không cùng tận. Bồ đề tâm như gương sáng rộng khắp, vì hiện khắp tất cả hình tượng pháp môn. Bồ đề tâm như đại dương, tất cả công đức trọn nhập vào đó”.
Bồ đề tâm trùm khắp pháp giới, không hề thiếu thốn, không cùng tận, rộng khắp và hiện khắp, rộng lớn như đại dương. Bồ đề tâm chính là pháp giới, nhập vào Bồ đề tâm chính là Nhập Pháp Giới.
Chúng ta chỉ tư duy một ít về “Bồ đề tâm như thuốc Vô Sanh Căn” Vô Sanh Căn là Gốc Vô Sanh. Gốc vô sanh là gốc tánh Không. Chính tánh Không vô sanh này “trưởng dưỡng tất cả Phật pháp”, nghĩa là tánh Không gồm chứa tất cả Phật pháp, tất cả công đức. Như thế, Bồ đề tâm là trí huệ tánh Không và gồm chứa tất cả công đức. Tích tập trí huệ và tích tập công đức đều đầy đủ trong Bồ đề tâm.
“Bồ đề tâm như lưỡi cày bén, vì có thể dọn sạch tất cả ruộng chúng sanh. Bồ đề tâm như thần kim cương, vì có thể dẹp tất cả kẻ địch ngã kiến. Bồ đề tâm như thương nhọn vì có thể xuyên thủng tất cả giáp phiền não. Bồ đề tâm như dao bén, vì có thể chặt được tất cả đầu phiền não. Bồ đề tâm như gươm bén vì có thể chém đứt tất cả áo giáp kiêu mạn. Bồ đề tâm như cưa bén, vì có thể cưa đứt tất cả cây vô minh…”
Bồ đề tâm là những vũ khí tốt nhất để phá tan tất cả vô minh, phiền não, chấp ngã và chấp pháp che chướng thực tại pháp giới khiến cho Bồ tát thấy và sống được trong pháp giới vốn xưa nay thanh tịnh.
“Bồ đề tâm như áo lông ngỗng, vì chẳng dính tất cả bụi dơ sanh tử. Bồ đề tâm như sợi bạch diệp vì bản tánh xưa nay thanh tịnh. Bồ đề tâm như lưu ly thanh tịnh, vì tự tánh sáng sạch không có các dơ bẩn. Bồ đề tâm như mặt trời sáng sạch, chiếu soi tất cả thế gian. Bồ đề tâm như núi Tu Di, vì bình đẳng nơi tâm tất cả chúng sanh. Bồ đề tâm như núi Thiết Vi, vì nhiếp giữ tất cả thế gian. Bồ đề tâm giống như hư không, vì có những công đức kỳ diệu rộng lớn vô biên. Bồ đề tâm như cam lồ vì làm cho an trụ cảnh giới bất tử”.
Bản tánh Bồ đề tâm vốn thanh tịnh xưa nay, đó là Bồ đề tâm tuyệt đối hay Pháp thân của Phật bổn nguyên Tỳ Lô Giá Na. Còn Bồ đề tâm mà Bồ tát phát nguyện và thực hành, vì còn giới hạn trong không gian thời gian tương đối nên được gọi là Bồ đề tâm tương đối. Chính nơi Bồ đề tâm tương đối này Bồ tát thâm nhập từng phần vào Bồ đề tâm tuyệt đối, do đó mà có các Địa của Bồ tát.
Sự thực hành Bồ tát hạnh là làm cho Bồ đề tâm tương đối trùng hợp từng phần với Bồ đề tâm tuyệt đối. Trùng hợp được phần nào thì chứng ngộ được Pháp giới vốn thanh tịnh được chừng đó. Như thế con đường Bồ tát là chuyển hóa thế giới này thành Pháp giới thanh tịnh của chư Phật, chuyển hóa thế giới thành “vườn tược vui chơi hưởng thụ pháp lạc”, thành “ngọc như ý, cây như ý”, thành “như Trời Công Đức vì được trang nghiêm bằng tất cả công đức”.
“Bồ đề tâm như mạng căn, vì giữ cho Bồ tát trụ thân đại bi. Bồ đề tâm như tấm lưới lớn, nhiếp khắp tất cả không sót chúng sanh nào. Bồ đề tâm giống như mồi câu, kéo lên các loài ở đáy vực sâu. Bồ đề tâm chính là báu diệu vì làm cho tất cả tâm đều hoan hỷ. Bồ đề tâm như hội đại thí vì làm sung mãn tâm tất cả chúng sanh”.
Bồ đề tâm của Bồ tát luôn luôn bao gồm đại bi nên như tấm lưới lớn cứu vớt không sót một chúng sanh nào, dù là những chúng sanh ở dưới tầng đáy của hiện hữu sanh tử. Bồ đề tâm là ánh sáng trí huệ và nước mát đại bi phát xuất từ Phật tâm nên là báu diệu vì làm cho tất cả tâm chúng sanh đều hoan hỷ, sung mãn.
Đức Di Lặc đã kết thúc đoạn kinh này như sau:
“Này thiện nam tử! Bồ đề tâm thành tựu vô lượng công đức như vậy. Tóm lại, phải biết Bồ đề tâm đồng với công đức của tất cả Phật pháp.
Vì sao thế? Vì do từ Bồ đề tâm mà xuất sanh tất cả Bồ tát hạnh. Ba đời Như Lai từ Bồ đề tâm mà xuất sanh. Thế nên nếu ai phát tâm Vô thượng Bồ đề thì ắt đã xuất sanh vô lượng công đức, có thể nhiếp giữ khắp đạo Nhất thiết trí”.
Bài đọc thêm:
-Bồ Đề Tâm | Bodhicitta (song ngữ) sách PDF (Thiện Phúc)
-Phát Tâm Bồ-đề - Đức Đạt Lai Lạt Ma sách song ngữ PDF
-Khuyên Phát Bồ Đề Tâm Văn (HT. Thích Trí Quang)
-Bài Văn Khuyên Phát Tâm Bồ Đề (HT. Tuyên Hóa)