Thích Nhuận Đức
Nhà xuất bản Lao Động Hà Nội 2022
Nhẹ Tênh Giữa Dòng Đời
Mục lục
Lời Giới Thiệu
Đã đôi lần bạn muốn tìm đến cảm giác bình yên trong cuộc đời vạn biến? Và dĩ nhiên, hơn một lần trong những lần nghĩ suy đó, bạn không biết làm thế nào để có được hay giữ cảm giác ấy ở bên mình. Bạn thử nghĩ xem, khi tâm trạng bạn buồn nhất, thất vọng nhất, đó chính là lúc bạn cảm thấy cuộc đời mình bồng bềnh nhất có đúng không? Tại vì chính mọi thứ khiến bạn buồn, thất vọng, mệt mỏi,… làm bạn luôn bất an vì thế sự bình yên không còn trú ngụ trong tâm bạn. Dòng đời vạn biến, cuộc sống như những con thuyền quanh năm lênh đênh ngoài biển khơi rộng lớn bao nhiêu khó khăn luôn ẩn giấu trước cuộc đời này, đây là điều không thay đổi được, nhưng thứ mà bạn có thể thay đổi được là chính mình và suy nghĩ của bản thân mình. Hãy thay đổi cách suy nghĩ, cách sống để sự bình yên, niềm hạnh phúc sẽ luôn tìm đến bạn. Nhẹ tênh giữa dòng đời là cuốn sách mang lại cho bạn những phương pháp để có thể thay đổi suy nghĩ, từ đó thênh thang, nhẹ bước giữa dòng đời.
Cuốn sách chia thành 5 chương cũng là 5 lời khuyên mà tác giả đưa ra để một người có thể đối thoại với tâm hồn, trân trọng tình cảm giữa người với người và biết yêu thương bản thân mình và những người xung quanh hơn. Mỗi chương ngoài những thông điệp tích cực, cũng đưa ra nhiều vấn đề để khi gặp khó khăn trong cuộc sống chúng ta có thể lật giở từng trang sách để tìm lời khuyên và sự chia sẻ. Với cách viết giản dị của một nhà tu hành, tác giả mang đến cho người đọc thông điệp hạnh phúc đôi khi tưởng chừng như xa vời, nhưng thực ra nó ở ngay bên cạnh mình. Đừng mải mê theo đuổi những thứ cao xa, hãy nhẹ nhàng từng bước chân và hưởng thụ từng phút giây của cuộc sống. Hạnh phúc là sự hài lòng và biết vui mừng phấn khởi trước hạnh phúc của người khác, biết sẻ chia đồng hành với người không hạnh phúc xung quanh. Nếu ai đã từng vấp ngã, trái tim đã nhiều vết xước khi lĩnh ngộ những kiến thức này đều thấy tâm thanh tịnh, lòng an yên hơn trước bao cơn sóng gió mình đã trải qua. Các bạn trẻ khi cầm trên tay cuốn sách này thì thấy suy nghĩ được đơn giản, bao dung hơn và sẵn sàng chấp nhận mọi thứ sẽ xảy đến trong tương lai.
Nếu bạn là người thích chiêm nghiệm cuộc sống, tìm kiếm sự bình an trong tâm và nhìn nhận bản thân thì hãy giữ cho mình một cuốn và đọc vào những lúc bạn hoàn toàn thư thả, vào những buổi sáng sớm hoặc thời gian bạn rảnh rỗi.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Công ty cổ phần Sách Thái Hà
Lời mở đầu
“Life is like a book. Some chapters are sad, some are happy and some are exciting, but if you never turn the page, you will never know what the next chapter has in store for you”.
Bạn luôn mải mê tìm kiếm hạnh phúc trong cuộc sống thực tại? Con người ai cũng vậy, ai cũng thích chạy theo và tìm kiếm hạnh phúc mới lạ. Thế nhưng hạnh phúc không khó kiếm tìm, xa vời vợi như chúng ta nghĩ mà nó chỉ ở quanh ta mọi nơi, mọi lúc, có điều chúng ta chưa đánh thức giấc ngủ của hạnh phúc. Tất nhiên cuộc sống không bao giờ hoàn hảo và trải đầy hoa hồng, thảm đỏ để chúng ta bước đi mỗi ngày. Đôi lúc nó là những quanh co, gấp khúc, gập ghềnh. Vì vậy, mới có hạnh phúc và khổ đau. Nếu cuộc đời của bạn toàn màu hồng thì chúng ta chẳng có gì phải suy nghĩ. Con người thường có khuynh hướng yêu cầu tất cả mọi thứ phải hoàn hảo nhưng điều này là không tưởng, không bao giờ xảy ra trong cuộc sống hiện tại.
Một bản nhạc có những nốt cao, nốt trầm, nếu chỉ toàn nốt cao hoặc nốt trầm thì bản nhạc đó không thể tồn tại được. Vì vậy, chúng ta hãy xem cảm giác buồn bực, cáu ghét, giận hờn, oán trách, chán nản kia… như là những “nốt trầm” góp phần làm nổi bật những “nốt cao” khác để bản nhạc cuộc đời bạn thêm tuyệt vời, sống động hơn.
Hạnh phúc không ở đâu xa mà luôn ở quanh chúng ta, hãy sống THẬT mỗi ngày để tận hưởng hương vị đó, bằng cách biết ơn, yêu thương, trao tặng sự chân thật. Tùy thuộc vào hoàn cảnh mà con người có nhận thức hay cảm nhận khác nhau về hạnh phúc và khổ đau. Với những người nghèo khổ, bất hạnh, không nhà cửa và nơi nương tựa thì hạnh phúc của họ chỉ đơn giản là có được bữa cơm, manh áo để sống qua ngày. Đó là hạnh phúc quý nhất đối với họ. Nếu được đảm bảo các nhu cầu thiết yếu của đời sống như: nhà cửa, công việc, tiền bạc, sức khỏe v.v… thì con người mới nghĩ đến hạnh phúc tâm hồn. Nếu đời sống quá thiếu thốn thì việc tạo ra hạnh phúc từ nơi tâm hồn không phải dễ dàng đối với họ.
Tuy nhiên, nếu tạo dựng một đời sống quá đầy đủ về vật chất thì dẫn đến sự hưởng thụ, sự bất toại nguyện do lòng tham muốn thúc đẩy, từ đó họ sẽ dần phải đối diện với khổ đau. Vậy hạnh phúc không phải ở nơi bạn có được bao nhiêu tiền mà là ở chỗ bạn hiểu được chính mình, hiểu về cuộc đời và vũ trụ. Sự hiểu đó sẽ làm cho bạn thăng hoa về thể chất, tâm hồn và trí tuệ.
Theo tuệ giác của nhà Phật để quán chiếu thì chúng ta thấy hạnh phúc như trên con người tưởng như là tuyệt đỉnh. Tuy nhiên, hạnh phúc ấy dường như rất mong manh, dễ tan biến, vỡ nát như những giọt sương lúc ánh nắng ban mai xuất hiện, bởi vì bản chất cuộc đời là vô thường, duyên sinh vô ngã:
“Hãy nhìn như bọt nước Hãy nhìn như cảnh huyễn Quán nhìn đời như vậy Thần chết không bắt gặp (Theo kinh Pháp cú 170)
Hạnh phúc và khổ đau đến từ góc nhìn của bạn về cuộc sống này. Nếu bạn cho rằng thất bại sẽ khiến bạn khổ đau nhưng đối với người khác nó là niềm vui của kẻ chiến thắng. Thất bại hay chiến thắng, buồn hay vui, khổ đau hay hạnh phúc là hai mặt của cuộc sống. Theo nhà Phật gọi đó là thế giới nhị nguyên, thế giới của sự phân biệt, đối đãi mà sanh cố chấp, thù hằn tạo ra các cảm xúc đối lập trong cùng một con người.
Niềm vui và nỗi buồn là hai trạng thái khác nhau của cảm xúc nơi con người. Chúng ta không thể ghét bỏ, tức giận, ruồng bỏ mà hãy cùng làm bạn và chuyển hóa nó sang một dạng năng lượng tích cực để giúp bạn có cơ hội cọ xát với hạnh phúc đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại. Do đó, chuyển hóa các nỗi khổ, niềm đau trở thành năng lượng an vui, hạnh phúc là chủ đề mà tất cả chúng ta đều quan tâm. Sống vui, sống tốt và sống đầy ý nghĩa được xem là nỗi khao khát mà bất cứ ai cũng cần đến.
Bạn cảm giác nỗi buồn trong lòng như đôi gánh nặng trĩu trên vai, vậy nỗi buồn đó đến từ đâu? Trước hết, các bạn phải mạnh mẽ, lắng lòng, suy ngẫm và chấp nhận rằng nỗi buồn đó đến từ nhận thức của bạn đối với sự việc.
Hạnh phúc và khổ đau là do góc nhìn, do cảm nhận chủ quan của bạn đối với sự vật, sự việc mà bạn đã và đang đối diện. Do đó, bạn không thể né tránh, căm ghét, bất lực, thù hận trước nỗi buồn mà hãy mở lòng chấp nhận, mỉm cười làm bạn với những hoàn cảnh khó khăn để cuộc sống trở nên nhẹ nhàng chứ đừng oán trách, tức giận do sự bất như ý.
Chấp nhận, đối diện, kết bạn với nỗi khổ không phải là sự lùi bước trước chông gai cuộc đời mà là để chuyển hóa thành mặt tích cực với thái độ chân thành. Nếu bạn dẫm phải cái gai, trước tiên bạn phải tìm cách rút cái gai đó ra khỏi vết thương, sau đó chữa trị và xoa nhẹ nó như dỗ dành một em bé để bớt đau hơn, chứ không nên oán trách, bực bội. Nếu bạn càng tức giận, càng oán trách và tự nhủ lòng “tại sao ông trời lại đối xử với Tôi như vậy” thì nỗi đau càng tăng thêm gấp bội. Muốn cho em bé ăn thì việc dỗ dành chúng sẽ hiệu quả hơn là nạt nộ, mắng nhiếc. Vì vậy, phương pháp trị liệu (theraphy) các cảm xúc tiêu cực bạn cần phải dùng cái Tâm, trải tình thương nơi bạn để ứng xử, không thể dùng bất cứ một tác nhân nào bên ngoài mà có thể chủ động, diệt trừ tận gốc; nếu có thì cũng như đá đè cỏ, một ngày nào đó cỏ sẽ mọc lên, nỗi buồn sẽ lại thêm một lần nữa xuất hiện. Vậy thì sử dụng cái Tâm như thế nào để trị liệu khổ đau. Trước hết, các bạn phải nhận ra hạnh phúc đến từ đâu?
Hạnh phúc chân thật và giá trị đích thực nó không đến từ các tác nhân bên ngoài, không đến từ lời khen, tiền bạc, danh vọng, địa vị, điêu ngoa, mưu lược, thủ đoạn bất hợp pháp, quá lạm dụng hưởng thụ v.v… mà đến từ con tim đầy nhiệt huyết muốn trở thành con người tốt hơn hôm qua và đến từ sự cảm nhận một cách sâu sắc nhất cuộc sống của chính bạn.
Nhận diện được khổ đau dần dần các bạn sẽ đi ra khỏi các vết trượt dài đen tối để hướng đến một đời sống trong sáng, yên bình và hạnh phúc.
Một tâm hồn rộng lớn, trong sáng, lung linh, nhẹ nhàng thư thái không bao giờ hiện hữu nếu có một tâm trí mà quá nhiều mỏi mệt, phiền muộn bởi cuộc sống này. Cuộc sống vốn dĩ đi theo quy luật riêng của nó, biến hoại, sanh diệt, nhưng nếu bạn quá cố chấp, buộc nó phải theo ý của bạn thì điều đó khiến bạn không thể yêu cuộc đời này được dù bạn sống trong cảnh đầy đủ mọi thứ.
Vậy kể từ bây giờ, bạn hãy bỏ đi quá khứ tồi tàn ấy và hãy bắt đầu một cuộc sống mới với 5 nguyên tắc sau đây, bạn sẽ cảm nhận được các giá trị mà chúng mang lại:
1. Thành thật - Faithful
2. Tha thứ - Fogiveness
3. Tri ân - Grateful
4. Thói quen - Habit
5. Hy vọng - Hope
THÀNH THẬT với chính mình, THA THỨ để tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, TRI ÂN với cuộc đời, tạo THÓI QUEN tích cực trong suy nghĩ, HY VỌNG khi cuộc sống bị bế tắc. Đây chính là những trải nghiệm của bản thân Tôi để có được hạnh phúc trong mỗi ngày. Tôi xin chia sẻ đến các bạn cuốn sách này dựa trên kinh nghiệm thực tế kết hợp với lời Phật dạy cùng các nghiên cứu khoa học để làm rõ 5 nguyên tắc trên để được an lạc, hạnh phúc mỗi ngày.
Hạnh phúc bao gồm 2 phương diện. Hạnh phúc bên trong và hạnh phúc bên ngoài.
Hạnh phúc bên trong (hạnh phúc nội tại) là hạnh phúc xuất phát từ nơi sự biết vừa đủ, biết tiết chế lòng tham, dục vọng nơi mình, ý thức cảm nhận sự sâu lắng, an bình sâu sắc nhất nơi tâm hồn. Đây là hạnh phúc sẽ giúp cho các bạn làm chủ được cuộc đời đích thực của mình.
Hạnh phúc bên ngoài (hạnh phúc ngoại tại) là hạnh phúc đến từ giàu sang nhà cao cửa rộng, có thân hình đẹp được nhiều người yêu thích, đi đâu thì cũng có nhiều người ngả mũ cúi chào, tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, địa vị, đầy đủ vật chất, mặc đẹp, thỏa mãn của các giác quan đối với thế giới bên ngoài mắt thích cảnh đẹp, tai thích nghe những điều nịnh hót nhẹ nhàng hơn tiếng chua chát v.v… Hạnh phúc này vốn dĩ vô thường, biến đổi nhanh chóng, nay có mai mất, bất toại như ý. Vì vậy, bạn cần phải hiểu rõ loại hạnh phúc này để không quá bị lệ thuộc, chìm đắm bởi nó. Đức Phật dạy:
Này các Tỳ kheo, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
- Là vô thường, bạch Thế Tôn!
- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Là khổ, bạch Thế Tôn.
- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: “Cái này là của Tôi, cái này là Tôi, cái này là tự ngã của Tôi?”
- Thưa không, bạch Thế Tôn. (Anattālak- khanasutta, Samyutta Nikāya)
Nhẹ tênh giữa dòng đời là cuốn sách dành cho những ai muốn khám phá và tìm hiểu HẠNH PHÚC trong cuộc sống hiện đại này.
Hạnh phúc không dựa trên một nguyên tắc cố định nào cả. Tuy nhiên, để đạt được hạnh phúc thì chúng ta cần phải đưa ra các nguyên tắc cụ thể và xem chúng như là một công cụ để hướng đến mục đích.
Mục tiêu của cuốn sách này, Tôi chỉ mong ước góp một phần nào đó trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc của các bạn, không đi sâu vào phân tích ngữ nghĩa nhiều mà chỉ đưa ra một số nguyên nhân, vấn nạn xã hội, phương pháp giải quyết. Nguyên tắc này sẽ được hiểu theo các khía cạnh đời sống thực tế dựa trên lăng kính Phật giáo, giúp cho các bạn nhận diện các phương hướng, cách thức giải quyết vấn đề để thực tập hạnh phúc ngay chính trong cuộc sống hiện tại của mình, nhận ra những điều của thế gian không nằm ngoài Phật pháp (Phật pháp bất ly thế gian pháp) và thực hiện chúng một cách dễ dàng để có một cuộc sống tốt hơn, vui tươi hơn và yêu cuộc đời hơn trong mỗi ngày.
Cuốn sách này muốn gửi đến các bạn đọc thông điệp yêu thương, chân thật trong thời đại @ bùng nổ để bạn có thể thênh thang, nhẹ nhàng bước giữa dòng đời. Tất nhiên, cuốn sách sẽ không nói lên hết tất cả nhưng Tôi hy vọng nó sẽ nói lên khía cạnh nào đó của cuộc sống hiện tại để chúng ta cùng suy ngẫm và thay đổi bản thân, để tạo dựng phong cách sống tốt đẹp. Và đây sẽ là hành trình hạnh phúc bạn đang tìm kiếm trong nền văn minh của xã hội hôm nay.
Các kiến thức tích lũy thông qua thế giới khách quan khi được bộ não tiếp nhận và phản ánh qua ngôn ngữ, cảm xúc thì đó không phải là chân lý, nó đã trở thành cái ý chủ quan của con người. Tuy nhiên, trong cuốn sách này Tôi tâm nguyện hướng đến những ai đón nhận, thông cảm với những lời chia sẻ này để cùng nhau học hỏi và tiến đến đời sống an vui trong thời đại mà con người đang đánh mất dần đi tình yêu thương, sự tin tưởng, tha thứ và sự hiểu biết.
Dù Tôi đã cố gắng tóm lược nội dung cô đọng và sử dụng từ ngữ đơn giản để truyền tải các giá trị lời Phật dạy thông qua các vấn đề xã hội hiện đại để độc giả dễ hiểu và dễ mường tượng nhưng sẽ không sao tránh khỏi những sự sai sót nhất định. Tôi rất mong quý độc giả hoan hỷ, đóng góp ý kiến để các tác phẩm sau được hoàn thiện hơn.
Pune, Maharashtra, 14/2/2017
VÀO SÁCH
Lúc xưa, khi còn bên Thầy Tổ, huynh đệ, tôi luôn được Người dạy dỗ, chỉ vẽ thêm những khuyết điểm cần sửa đổi trên con đường tu học của mình. Nay cuộc sống một mình thì càng phải cố gắng nhiều. Sự cố gắng và trăn trở của Tôi đã được đáp lại bằng 5 nguyên tắc để hướng đến an lạc cho bản thân và cộng đồng xã hội. Tôi nghĩ rằng 5 nguyên tắc trên phù hợp với đời sống hiện tại của mình và có thể áp dụng trong việc phát triển nhân cách con người trong thời đại hiện nay.
Trước khi đi vào 5 nguyên tắc để đạt đến hạnh phúc thì chúng ta cần hiểu thế nào là hạnh phúc.
Hạnh phúc chân thật xuất phát từ ý chí muốn hạnh phúc và cảm nhận một cách sâu sắc trong từng khoảnh khắc cuộc sống. Hãy bình tĩnh, nhẹ nhàng quan sát các hành vi, ý nghĩ nơi bạn. Bạn sẽ cảm nhận được nó. Hạnh phúc không phải đến từ một nơi nào khác; mà đến từ sâu thẳm tâm hồn bạn, hạnh phúc thật đơn giản, ở xung quanh đây.
Bởi vì nếu không có ý chí MUỐN HẠNH PHÚC thì dù có bao nhiêu nguyên tắc được đặt ra cũng vô vọng. Các nguyên tắc chỉ là công cụ để chúng ta đi vào con đường hạnh phúc một cách dễ dàng.
Khi bạn đang bước đi, nếu trái tim bạn không có năng lượng an lành thì hành vi, cảm xúc mỗi bước đi ấy cũng chỉ là những điều vô thức. Cũng vậy, nếu bạn đọc những dòng chữ trên một cuốn sách nhưng tâm trí xa lìa quyển sách thì sự học hỏi cũng đang lụi dần. Đây là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy cuộc sống thật bình thường, nhiều lúc sống là để cho hết cuộc đời và thật vô nghĩa.
Tuy nhiên, sự tỉnh thức hoặc chánh niệm (mindfulness) trong Phật giáo sẽ giúp các bạn đang lấy lại năng lượng sống trong mỗi ngày nếu bạn có Ý MUỐN - Ý CHÍ MUỐN đó trong nhà Phật gọi là nghiệp (Karma).
Đa số người thế gian cho rằng Nghiệp là cái gì đó không tốt, tiêu cực đến nỗi chỉ dùng chúng khi những điều không may mắn tìm đến. Theo Phật giáo, Nghiệp là hành động có ý thức, có ý muốn; ngược lại hành động không có ý thức, ý muốn thì không phải là nghiệp.
“Nếu kẻ nào cố ý tạo Nghiệp, ta nói rằng kẻ ấy phải thọ quả báo, hoặc thọ ngay trong đời hiện tại, hoặc phải thọ vào đời sau. Nếu tạo Nghiệp mà không cố ý, ta nói rằng người ấy chắc chắn không phải thọ quả báo.”1
Vậy cái ý thức do Tôi muốn hạnh phúc trong hiện tại tạo nên sự khác biệt tích cực trong cách sống, cử chỉ, hành vi, cảm xúc hằng ngày giữa bạn và người khác.
Các loài hữu tình là chủ nhân của Nghiệp, là thừa tự của nghiệp; nghiệp là thai tạng.
Nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt có ưu.1
Các luận chứng trên do Đức Phật dạy làm căn bản để các bạn thấy rằng, trong quá trình thực tập các bạn sẽ cảm thấy cái gì đó “khác biệt” giữa bạn và người xung quanh, tùy thuộc môi trường bạn sống. Bạn trở nên nhẹ nhàng hơn, điềm đạm hơn xưa, không hấp tấp, nóng nảy như trước kia nữa. Đừng e ngại với những người xung quanh, bạn hãy tiếp tục và tiếp nối sự thanh bình nơi tâm hồn bạn. Từng khoảnh khắc trôi qua một cách nhẹ nhàng và bình yên mà bạn đang cảm nhận sự vui tươi, mát mẻ đó là hạnh phúc đến từ bên trong tâm hồn bạn. Hạnh phúc được tạo ra bởi chính bạn, không phải ai khác.
Mặt trái của vấn đề “khác biệt” này, nếu bạn không khéo léo trong ứng xử thì việc tạo ra bức tường ngăn cách giữa bạn và người khác có thể xảy ra. Bởi vì, bạn nghĩ rằng bạn có tu, người ta không tu, bạn cao thượng còn người ta thì thấp hèn… nên bạn không muốn đến gần họ vì đến gần họ bạn cảm thấy người cao, kẻ thấp và họ cũng càng xa lánh bạn. Đó cũng là hình thức nâng cao cái Tôi trong người bạn. Cái Tôi càng được phóng đại thì khoảng cách giữa bạn và người khác càng lớn. Vì vậy, các bạn hãy xóa bỏ ý niệm phân biệt cao thấp, hơn thua mà sống cho hòa đồng, an nhiên tự tại và tạo ra niềm vui cuộc sống cho chính mình.
Dòng chảy cuộc đời đã trôi đi rất nhanh, vội vàng, hối hả và nó cứ mãi trôi đi như dòng chảy bất tận. Một khi có sự thay đổi trong nhận thức nơi tâm hồn bạn thì đó là bước ngoặt để cuộc đời bạn từ nay bắt đầu đổi thay.
- Từ khóa :
- Nhẹ Tênh
- ,
- Giữa
- ,
- Dòng đời
- ,
- Thích Nhuận Đức