CHÁNH PHÁP VÀ HẠNH PHÚC
Hòa thượng THÍCH MINH CHÂU 1995
Bình Anson hiệu đính và trình bày Perth, Tây Úc 2/12/2023
Chánh Pháp Và Hạnh Phúc
MỤC LỤC
1. Đức Phật của chúng ta
2. Vai trò của người có trí, của trí tuệ trong đạo Phật.
3. Giới, Định, Tuệ - con đường giáo dục chấm dứt đau khổ sanh tử luân hồi
4. Chánh pháp và hạnh phúc
5. Hội chúng Tỷ-kheo trong thời đức Phật còn tại thế
6. Kinh “Niệm hơi thở vào, hơi thở ra”
7. Kinh Ví dụ con rắn
8. Vấn đề tái sanh
9. Ý nghĩa Phật thành đạo
10. Người Việt Nam thương mẹ kính cha qua ca dao tục ngữ
11. Sống theo lý tưởng Bồ-tát
12. Đạo Phật với nếp sống thiên nhiên
13. Năm giới, một nếp sống lành mạnh, an lạc, hạnh phúc
14. Ý đẹp với mùa Xuân
15. Một nền giáo dục toàn diện
16. Dịch kinh và Đại học
17. Chùa Việt Nam và mối liên hệ với nền văn hóa dân tộc
18. Xuân về với những lời Phật dạy
AN Aṅguttara Nikāya (Tăng chi bộ)
DĀ Dīrgha Āgama (Trường A-hàm)
Dhp Dhammapada (Pháp cú)
DN Dīgha Nikāya (Trường bộ)
It Itivuttaka (Phật thuyết như vậy)
KN Khuddaka Nikāya (Tiểu bộ)
Kp Khuddakapāṭha (Tiểu tụng)
MĀ Madhyama Āgama (Trung A-hàm)
MN Majjhima Nikāya (Trung bộ)
Mv Mahāvagga (Đại phẩm, tạng Luật)
SN Saṃyutta Nikāya (Tương ưng bộ)
Snp Suttanipatta (Kinh tập)
Thag Theragāthā (Trưởng lão tăng kệ)
Ud Udāna (Phật tự thuyết)
Vin Vinaya Piṭaka (tạng Luật)
CHÁNH PHÁP VÀ HẠNH PHÚC
Chúng ta vui mừng và tự hào rằng, Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng của di sản đạo đức và văn hóa quý báu của dân tộc. Chúng ta vui mừng và tự hào rằng, từ khi du nhập vào nước ta đến nay, trải qua bao bước thăng trầm lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn luôn sát cánh với dân tộc, hòa nhập vào dân tộc ta như nước với sữa, đúng theo mấy câu thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh: "Trang sử Phật Đồng thời là trang sử Việt Trải bao độ hưng suy Có nguy mà chẳng mất".
Trong mấy ngàn năm đạo Phật tồn tại ở Việt Nam, mặc dù chịu ảnh hưởng nhiều của Phật giáo Trung Hoa, nhưng Phật giáo Việt Nam vẫn giữ được bản sắc của mình, chính là nhờ khéo thích ứng với hoàn cảnh lịch sử địa lý và văn hóa của dân tộc, biến thành một cái gì gần gũi nhất, thân thương nhất của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam, của đất nước chúng ta, mà một nhà thơ đã ca ngợi. "Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nêp sống muôn đời của tổ tông”.
Rất đẹp hình ảnh hồn dân tộc, nếp sống truyền thống của tổ tiên ta được che chở bởi ngôi chùa, bởi đạo Phật ở nông thôn. Nếp sống và nhịp sống của bà con nông dân từ một thời rất xa xưa đã quyện chặt với nếp sống của nhà chùa, của Phật giáo. Và chất siêu tục, toát lên từ nếp sống đó, hẳn đã giúp cho người dân Việt Nam, khi cần, có thể vượt lên trên những cái tầm thường của đời sống thế tục, như cái danh, cái lợi v.v. hướng tới những giá trị tâm linh cao cả, mà nếu không có chúng thì đời sống con người sẽ trở thành vô nghĩa.
Có thể nói, một trong những đặc sắc rất tốt đẹp của đạo Phật là khả năng thích ứng của một tôn giáo cởi mở, không hẹp hòi, không giáo điều cứng nhắc, tôn giáo của trí tuệ và của tình thương, một tôn giáo thực sự nhân bản, thực sự của con người....
.../....