- Lời Ngỏ
- Thầy Tuệ Sỹ: Như Một Vầng Trăng Sáng (Nguyên Giác)
- Giáo Dục Vẫn Là Niềm Tin Sau Cùng Còn Sót Lại (Thích Tâm Nhãn)
- Chén trà lão Triệu mà chưng hoa ngàn (Đỗ Hồng Ngọc)
- Nhân Duyên Tôi Biết Thầy Tuệ Sỹ (Thích Thái Hòa)
- Cây Xanh Trên Triền Núi (Huệ Trân – Hạnh Chi)
- Về Lại Chốn Xưa Thăm Thầy (Nguyên Đạo Văn Công Tuấn)
- Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, Một Bậc Thầy Uyên Bác, Kỳ Vĩ (Thích Nguyên Siêu)
- Tối Trời, Còn Đó Một Vì Sao (Thích Minh Tâm)
- Biết Ơn Ôn Với Tấm Lòng Kính Cẩn (Thích Từ Lực)
- Tuệ Sỹ – Viên Ngọc Quý (Thích Tâm Hòa)
- Bậc Thầy Của Những Vị Thầy (Nguyễn Minh Tiến)
- Thầy Tuệ Sỹ Và Ngôn Ngữ (Pháp Hiền Cư Sỹ)
- Thư Gửi Thầy (Nguyên Túc Nguyễn Sung)
- Thích Tuệ Sỹ, Khuôn Mặt Tiêu Biểu Của Văn Hóa Việt Nam (Trần Hữu Thục)
- Tỳ Kheo Thích Tuệ Sỹ, Một Nhân Cách (Nguyễn Thanh Bình)
- Ghpgvntn, Mái Nhà Để Trở Về (thị Nghĩa Trần Trung Đạo)
- Thầy Tuệ Sỹ – Bậc Thạc Đức Và Nhà Giáo Dục Lớn (Tâm Thường Định)
- Thầy Tuệ Sỹ Đã Chiến Đấu Với Căn Bệnh Ung Thư Như Thế Nào? (Quảng Diệu Trần Bảo Toàn)
ĐÃ CHIẾN ĐẤU VỚI CĂN BỆNH UNG THƯ NHƯ THẾ NÀO?
Quảng Diệu Trần Bảo Toàn
Những ràng buộc của thế gian, giữa ngã và ngã sở, khiến chúng sinh vướng mắc vào những hệ lụy kinh người, lặn ngụp trong vũng lầy sinh tử. Sanh ra để báo ân “làm thân trâu ngựa, đền nghì trúc mai” hoặc để trả nợ “Nợ tình chưa trả cho ai, khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Có những người cận kề sinh tử vẫn không an tâm nhắm mắt vì con cháu, vì gia sản, vì những nguyện vọng chưa thành.
Đối với những “chúng sinh giác ngộ” (Bồ tát) thì sanh và tử là một vec-tor đổi chiều, không thể tách rời trong mỗi sát na. Dù biết điều ấy rất rõ, nhưng vì lòng thương tưởng chúng sinh, lắm khi Bồ tát cũng mang nhiều nỗi băn khoăn giữa việc ra đi và ở lại.
Đức Dalai Lama đã nhiều lần nhận đại lễ cầu trường thọ của chúng Tăng và Phật tử Tây Tạng để tiếp tục trụ thế, dù Ngài biết rất tận tường việc ra đi và trở lại nằm trong quy luật “thành, trụ, hoại, không” theo chiều quay của quỹ đạo thời gian, Ngài đã lập lại quy trình này ít nhất 13 lần trong các kiếp cận đại. Thế nhưng, ngày nay ai sẽ lãnh đạo cộng đồng tâm linh Tây Tạng nếu Ngài trở lại vòng tái sanh mới? Chính vì thế Ngài nhận đại lễ cầu trường thọ dù báo thân đã mệt, cơ thể giả tạm đã nhiều phần hư hỏng.
Ở Việt Nam, chúng ta cũng chứng kiến một trường hợp tương tự, đó là trường hợp của Trưởng Lão Hòa Thượng thượng Tuệ hạ Sỹ, vì đại nguyện dẫn dắt chư Tăng, cùng phiên dịch Đại Tạng Kinh ra tiếng Việt cho hàng hậu học về sau, nên thân mang trọng bệnh, tứ đại bất hòa, sinh mệnh chỉ còn mỏng manh như sợi tơ mành, nhưng Ngài vẫn kiên trì chiến đấu với bệnh tật trong suốt năm năm qua để hoàn thành hạnh nguyện.
NHÂN DUYÊN VI DIỆU
Tôi có nhân duyên với Thầy Tuệ Sỹ từ năm 1984, khi Thầy bị bắt và Sư Phụ của Thầy là Hòa Thượng Trí Thủ cũng “vội vã viên tịch”. Hòa Thượng Quảng Thạc, trụ trì chùa An Lạc, là Y Chỉ Sư của Thầy Tuệ Sỹ, đến nói chuyện với ông nội tôi về những đại sự kinh hoàng. “Phật Giáo Việt Nam trong hiện tại có hai Thầy xuất chúng, đó là Trí Siêu và Tuệ Sỹ, việc bắt giam hai Thầy ấy là một tổn thất khủng khiếp cho tương lai Phật Giáo cụ ạ”.
Nghe Hòa Thượng Quảng Thạc nói thế, tôi tò mò chắp tay thưa: “Bạch Ôn, hai Thầy mà Ôn vừa nói xuất chúng ra sao ạ?” “Thầy Trí Siêu đậu ba bằng tiến sĩ tại Mỹ khi mới 26 tuổi. Thầy Tuệ Sỹ là giáo sư cơ hữu Đại học Vạn Hạnh khi mới ngoài hai mươi. Nhưng cả hai người đều làu thông Tam Tạng, cầm kỳ thi họa, triết học Đông Tây Kim Cổ đủ cả”. Hòa Thượng Quảng Thạc trả lời tôi với ánh mắt nhìn vào khoảng không vô định trước mặt và giọng nói hơi lạc đi, tiếc thương người tài gặp nạn. “Con cầu mong sẽ được gặp hai Thầy ấy và bái làm sư phụ”. Một đứa con nít mười mấy tuổi đầu chả nhớ nghĩ gì mà thốt ra như thế.
Những năm đầu của thập niên 90, khi đang là sinh viên tại Đại Học Fribourg, tôi đã tham gia những lần tập hợp hàng trăm ngàn chữ ký để gửi cho Liên Hiệp Quốc và Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) để vận động trả tự do cho hai Thầy.
Ngày 12 Tháng Giêng 2002, tôi chính thức trở thành đệ tử của Thầy Tuệ Sỹ. Thầy quy y, truyền ngũ giới cho tôi tại Thị Ngạn Am, Quảng Hương Già Lam với Pháp danh Quảng Diệu…
CHIẾN BINH BỒ TÁT
Cách đây tám năm, pháp thể của Ôn có những biểu hiện không được khinh an, tôi thiết tha cầu mong ngài nhập viện kiểm tra kỹ lưỡng, nhưng Ôn luôn từ chối. Tôi chỉ có thể xin thân phụ tôi cắt thuốc Bắc để điều chỉnh những khó khăn Ôn gặp phải. Ba năm sau, một buổi sáng sớm tôi nhận điện thoại từ một Phật tử thân tín của Ôn, cô Diệu Liên, báo rằng Ôn đã phải nhập bệnh viện Nhân dân Gia Định với những cơn đau dữ dội. Tôi kinh ngạc vì Ôn mới rời nhà tôi cách đây một tuần để về chùa trong trạng thái bình thường.
Tôi vội vã vào bệnh viện gặp bác sĩ Lê Việt Hùng, người trực tiếp điều trị cho Ôn, để nắm bắt bệnh tình. Bác sĩ Hùng bi quan nói rằng Ôn đã bị ung thư tiền liệt tuyến, di căn qua xương, đã vào giai đoạn cuối, giai đoạn không thể giải phẫu, không thể xạ trị và cũng không còn kịp để hóa trị. Tôi hỏi về phác đồ điều trị, bác sĩ Hùng bảo chỉ có thể dùng thuốc điều chỉnh hormone, thuốc ngăn PSA tăng cao, thuốc chống gãy xương, thuốc giảm đau, thuốc bổ gan do tác dụng phụ của các loại thuốc khác gây ra. Có một liệu trình bá đạo nữa là giải phẫu loại bỏ tận gốc của testosterone, nhưng cả Ôn lẫn tôi đều không đồng ý giải pháp này.
Bác sĩ Lê Việt Hùng – học trò đắc ý nhất của Giáo sư Ngô Gia Hy, chuyên gia hàng đầu thế giới về niệu học – là một bác sĩ tận tụy. Ông đã giúp cho Ôn giảm được những cơn đau, giảm được chỉ số PSA từ 75 xuống còn 6.3, mức gần như bình thường trong vòng một năm thì vấn đề nảy sinh vì kháng thuốc. Loại thuốc chủ chốt là Casodex không còn tác dụng, chỉ số PSA tăng trở lại một cách nhanh chóng. Bác sĩ Việt Hùng gặp tôi và nói đành thúc thủ (bó tay). Ông tiên đoán Ôn chỉ còn từ ba đến sáu tháng nếu không đưa Ôn qua Nhật hoặc Trung Quốc để điều trị bằng tế bào gốc.
Tôi có quen một bác sĩ cực kỳ tài giỏi về điều trị ung thư bằng tế bào gốc, người Hong Kong. Hiện tại ông mở một bệnh viện lớn tại Bắc Kinh, chuyên điều trị cho các quan chức cao cấp và tỷ phú Trung Quốc. Một liệu trình của ông ít nhất là US$2 triệu. Tôi gọi cho ông trình bày bệnh án của Ôn, ông bảo chữa được và vì ông cũng là Phật tử nên xin điều trị miễn phí cho Ôn. Ông bảo đưa Ôn qua Bắc Kinh, ông cho nhập viện và điều trị ngay. Tôi vô cùng mừng rỡ, chạy ngay đến trình Ôn. Niềm vui chợt tắt khi Ôn không đồng ý qua Bắc Kinh chữa bệnh.
Tôi tìm cách liên hệ với bệnh viện ở Nhật, từ Tokyo đến Osaka và cuối cùng chọn được bệnh viện Đại học Y tế Fujita ở Nagoya. Bác sĩ Kiyoshi Takahara là người chịu trách nhiệm điều trị cho Ôn. Đó là bệnh viện đẹp nhất mà tôi từng biết, phòng trong bệnh viện sang như President Suite của Four Seasons, Ritz-Carlton. Về dịch vụ y tế thì không có gì để phàn nàn, họ chỉn chu tới từng milimet.
Ngày 12 Tháng Mười Hai 2019, Ôn nhập viện. Sau khi nghiên cứu hồ sơ y tế từ bệnh viện Gia Định và tiến hành xét nghiệm lại, bác sĩ Takahara kết luận:
“Bệnh nhân Phạm Văn Thương, 76 tuổi, nghề nghiệp Tu sĩ Phật Giáo, bị ung thư tiền liệt tuyến giai đoạn cuối, di căn qua xương toàn thân, điều trị phác đồ hoọc môn chuẩn nhằm giảm PSA bằng Casodex và Dupreline 3.5mg, do kháng Casodex, PSA tăng trở lại đến 54. Bệnh nhân gầy yếu, chỉ định dùng thử Docetaxel, Cabazitaxel trong hai tuần nội trú trong bệnh viện, hoặc điều trị bằng tân dược Abiraterone có thể ngoại trú, tái khám mỗi tháng một lần.”
Để nằm nội trú trong bệnh viện, ngoài chi phí chữa bệnh, phòng nội trú tính thêm US$ 5,000/ngày. Có lẽ Ôn sợ chi phí hơi nhiều cho đệ tử nên Ôn đã chọn phương án điều trị ngoại trú và dùng tân dược Abiraterone từ ngày 14 Tháng Mười Hai 2019. Ôn đến ở tại tùng lâm Đức Lâm, một ngôi chùa lớn, có Hòa Thượng trụ trì người Nhật cực kỳ yêu quý người Việt Nam, luôn đỡ đầu cho các quý thầy cô qua tu học tại Nhật Bản. Nghe thầy Thánh Duyên kể về Ôn, Hòa Thượng trụ trì y áo chỉnh tề đến bệnh viện đón Ôn về bổn tự.
Trước khi Ôn chịu đồng ý qua Nhật chữa bệnh, là cả một quá trình đấu tranh kịch liệt trong nội tâm của Ôn, một cao tăng tri sanh liễu tử, cũng như giữa Ôn và đệ tử. Ôn hiểu rằng có sanh tất có tử, có lão thời có bệnh, có bệnh thì mới chết, có chết mới lại sanh cho đến khi bước vào niết bàn tịch tĩnh. Ôn cũng hiểu rằng sở tri và sở học của Ôn còn rất cần thiết cho công trình phiên dịch Đại Tạng, nếu vắng Ôn có thể công trình nghiên cứu có lợi cho tương lai ngàn năm về sau của Phật Giáo Việt Nam bị gián đoạn.
Trọn một đời trau dồi Kinh Điển, hiểu rõ uyên nguyên giáo nghĩa, thông thạo ít nhất 12 ngôn ngữ, trong đó có nhiều ngôn ngữ thuộc tử ngữ, chỉ dùng để nghiên cứu. Ôn có cách làm nghiên cứu, biên soạn vô cùng khoa học. Mỗi đoạn Kinh văn Ôn dịch đều có cước chú, giải thích so sánh chéo giữa các bản Kinh văn bằng Phạn ngữ, Hán ngữ, Tạng ngữ hay Nhật ngữ, qua đó Ôn hiệu đính lại những chỗ thiếu sót của chư vị dịch giả qua Hán văn như bản dịch của ngài Cưu Ma La Thập (Kumarajiva) hoặc của ngài Huyền Trang đời Đường.
Các Kinh Điển được Ôn biên dịch, vì thế luôn tránh được những lỗi thông thường như tam sao thất bổn, sai lầm vì dựa trên sai lầm của người khác, ví dụ người Hoa không phát âm được chữ R, nên đọc Paris thành Bālí, người Việt chúng ta dịch thành Ba Lê, thành ra ta nói ngọng vì người khác nói ngọng. Công trình phiên dịch thiên niên kỷ này chưa hoàn tất và vì những biến thiên của thời đại mà người thừa kế chưa thể có được sở học như Ôn, nên Ôn cần giữ thêm thọ mạng để tiếp tục công việc và ráo riết đào tạo được thêm học trò đủ khả năng kế tục mình. Ôn thường nói rằng trong các học trò của Ôn, cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang là học trò số một, vì thời cuộc nên không thể được Ôn trao truyền y bát trọn vẹn, thật là đáng tiếc.
Không phải đệ tử nào cũng hiểu việc trụ thế của Ôn quan trọng thế nào với Phật Giáo Việt Nam trong hiện tại và lâu mãi về sau, nhưng mọi người đều không thể chịu được khi nhìn hình ảnh vị chân sư khả kính, song gầy yếu của mình bị những cơn đau như sóng biển vùi dập. Nghị lực thiền định của Ôn rất lớn, nhưng những biểu hiện run bần bật, toát mồ hôi lạnh trên gương mặt của Ngài khiến nhiều người bật khóc.
Mọi người đồng lòng cầu khẩn Ôn đi chữa bệnh, bị ép quá có lần Ôn đã vẫy taxi rồi bỏ đi suốt một ngày. Những người biết chuyện đổ xô đi tìm, song Sài Gòn rộng lớn, 15 triệu con người chen chúc, biết tìm Ôn nơi nào? Đến tối muộn Ôn về và đồng ý đi chữa bệnh. Ôn nói: “Nếu bây giờ tôi buông xuôi không chữa bệnh, thì đã phụ lòng mọi người lo lắng, chăm sóc cho tôi suốt thời gian qua, thêm nữa nhân duyên với cõi này chưa dứt, thành ra tôi đồng ý kéo dài thêm thọ mệnh để làm nốt những việc cần làm”.
Ngày 6 Tháng Hai 2020, bác sĩ Takahara tái khám cho Ôn, kết quả hết sức khả quan, PSA đã giảm từ 54 (ngày 14 Tháng Mười Hai 2019) xuống còn 13,7. Ngoài Abiraterone 250mg điều trị ung thư, bác sĩ còn dùng Ranmark để chống gãy xương và Duphereline (Androgens) để điều chỉnh hormone. Nhận được kết quả tốt đẹp như thế, ai cũng rất vui mừng, nghĩ rằng có thể chữa khỏi cho Ôn, tuy nhiên chỉ số men gan của Ôn tăng cao do tác dụng phụ của Abiraterone. Ngoài việc duy trì Abiraterone 250mg, bác sĩ phải tăng cường thuốc bảo vệ gan.
Phác đồ điều trị của bệnh viện Fujita mỗi tháng đều cho kết quả tốt hơn về chỉ số ung thư tiền liệt tuyến PSA, đến Tháng Năm 2020, giữa đỉnh dịch tại Nhật Bản, chỉ số này giảm còn 8,14. Tuy nhiên, tác dụng phụ của Abiraterone khiến gan của Ôn bị ảnh hưởng trầm trọng, các loại thuốc trợ gan của Nhật không cải thiện được tình hình, hiện tượng dị ứng da, nổi mụn nước trên tay chân bắt đầu xuất hiện, tiêu hóa kém hẳn, mệt mỏi kéo dài.
Bác sĩ Takahara phải đổi sang dùng loại tân dược khác là Xtandi (80mg + 40mg), loại thuốc này hòa hoãn hơn nhưng hiệu quả không tốt như Abiraterone. Tháng Bảy 2020, bác sĩ Takahara quyết định tăng liều dùng lên 160mg/ngày. PSA chỉ đứng yên một tháng rồi bắt đầu tăng lên 13,129. Bác sĩ Takahara rất buồn khi gọi báo tin cho tôi rằng cả hai loại tân dược mới nhất trên thế giới, mắc tiền nhất trên thế giới để chữa trị ung thư tiền liệt tuyến đều đã chịu thua bệnh tình của Ôn.
Tôi hỏi có phác đồ điều trị nào khác không, bác sĩ Takahara trả lời chỉ còn hóa trị, nhưng sức khỏe của Ôn không thể chịu nổi những hóa chất cực mạnh đưa vào cơ thể. Ông khuyên tôi là nên đưa Ôn về Việt Nam sau 10 tháng điều trị tại Nhật Bản, vì có thể Ôn sống thêm được không quá sáu tháng nữa. Nghe giọng tôi buồn thảm vì thất bại của bệnh viện Fujita cũng gần như là không còn cách nào khác, bác sĩ Takahara khuyên tôi nên thử tất cả mọi loại thuốc truyền thống, thuốc Đông y, biết đâu có hiệu nghiệm và có thể Ôn sẽ sống đến khi người ta kiếm ra loại thuốc mới hiệu quả hơn.
Ôn đến tái khám lần cuối cùng tại bệnh viện Fujita vào ngày 12 Tháng Mười 2020, tôi chuẩn bị để Ôn trở về Việt Nam trong một chuyến bay đặc biệt, phải cách ly hai tuần tại bệnh viện FV (Pháp Việt) tại quận 7 Sài Gòn.
Tôi đón Ôn về nhà vào ngày 5 Tháng Mười Một 2020. Tôi đã nhờ tất cả mọi người để liên lạc với các bác sĩ giỏi nhất Việt Nam về tiết niệu, về ung thư, về dinh dưỡng, về nội khoa… để tiếp tục điều trị, nhưng các bác sĩ đều không tự tin mình giỏi hơn bác sĩ Nhật. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành nói Ôn dùng lại các loại thuốc cũ bắt đầu từ Casodex, nhưng tăng liều lên.
Tuy vậy, Casodex bị các tế bào ung thư đánh cho thảm hại, sau một tháng dùng lại gấp đôi liều Casodex, chỉ số PSA tăng từ 13,129 lên 25. Tôi lại thưa Ôn dùng thử 320mg Xtandi mỗi ngày, Ôn cũng làm theo, như than ôi thuốc quá nặng khiến Ôn không còn ngồi dậy nổi, người luôn lờ đờ và muốn sốt. Sau một tháng, PSA không tăng lên, mà còn giảm được xuống 24.9.
Thầy trò đều mừng nói là chắc nó đang lấy đà để xuống, mong Ôn uống tiếp, song giảm xuống còn 240mg cho đỡ mệt. Sau hai tháng nữa, bệnh viện FV gọi cho tôi báo kết quả thử máu, tôi hỏi ngay PSA là bao nhiêu: 29! Tôi ôm đầu chán nản, nhất là khi nhìn hình ảnh Sư Phụ chịu khổ. Những cơn đau lại trỗi dậy, để giảm đau, thay vì sáu tháng truyền một liều, liều lượng sử dụng thuốc tráng xương Zometa giờ chỉ còn bốn tuần một liều. Mỗi lần truyền xong, Ôn lại cần ít nhất ba ngày để có thể ngồi dậy.
Đọc lại toàn bộ báo cáo y học của Ôn từ khi phát hiện di căn, bác sĩ Nguyễn Ngọc Lễ, Phó trưởng khoa tiết niệu của bệnh viện Nhân dân Gia Định quyết định cho Ôn sử dụng liều thuốc mạnh Zytiga [tên khác của Abiraterone (4 x 250mg) = 1000 mg/ngày].
Theo bác sĩ Lễ thì thuốc này sẽ phát huy tác dụng, chưa bị kháng, tuy nhiên vì quá tổn hại gan nên bác sĩ Takahara đã phải cho ngưng. Suy nghĩ của bác sĩ Lễ là có cơ sở, nhưng với 250 mg/ngày, Ôn đã chịu không nổi, bây giờ dùng đến 1000mg, không biết làm sao cứu nổi buồng gan của Ôn.
Tôi đã có những đối thoại gay gắt với bác sĩ Lễ về liều lượng thuốc dùng đến mức ấy. Bác sĩ Lễ nhất định giữ nguyên chủ ý của mình, cuối cùng để bảo vệ gan cho Ôn, tôi đã nhờ người nấu cao nhụy hoa Atiso thuần túy của Đà Lạt, mỗi ngày Ôn uống hai muỗng canh cao đắng ngắt này, nên có uống đến 1000 mg Zytiga chỉ số gan của Ôn vẫn rất ổn định. (Lưu ý trên thị trường có bán nhiều cao Atiso nấu sẵn, nhưng cao ấy nên cẩn thận khi sử dụng, vì có người nhổ cả cây, nấu tuốt thân gốc rễ và cho thêm thuốc ngủ vào cho có hiệu nghiệm để bán ra thị trường. Ta cần khoảng 100 kg nhụy hoa Atiso để có thể nấu ra một kg cao đặc dùng cho Ôn như tôi đã trình bày ở trên).
Sau hai tháng dùng 1000mg Zytiga/ngày, kết hợp cao Atiso, tình trạng của Ôn lại tiến triển tốt, chỉ số PSA xuống còn 21, gan ổn định, ngủ ngon. Tuy nhiên, các cơn đau trong xương đùi có vẻ dồn dập hơn trước, Ôn bị sốt thường xuyên hơn. Sau tám tháng cầm cự với Zytiga liều cao, chỉ số PSA tăng lại, Zytiga chính thức bị kháng.
___________
Có một việc tôi cũng cần nhắc đến là trong suốt những năm tháng lâm trọng bệnh, Ôn càng ráo riết làm việc chăm chỉ hơn, Ôn làm việc xen giữa các cơn đau, cơn sốt. Ôn dạy học, Ôn dịch Kinh, Ôn viết những thông điệp gửi cho tứ chúng và Ôn cũng dành thời gian chỉ dạy các con tôi. Ôn luôn nói rằng thời gian của Ôn không còn nhiều, vậy nên Ôn phải gấp rút làm những việc cần làm trước khi về với Phật.
___________
Vì xót Ôn, xót cho sức khỏe mòn mỏi của Ôn, nên tôi đã nhiều lần tranh luận quyết liệt việc Ôn muốn trở về chùa dạy chúng. Thậm chí có lúc hai thầy trò giận nhau vì tôi không cho Ôn đi gặp Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát ở Gò Xoài, mà đã tự ý mời Thầy quá bộ ghé thăm Ôn. Nhưng rồi mọi việc đều qua đi, Ôn vẫn thương quý tôi như người con trai vất vả của mình.
Tôi nói chuyện với bác sĩ Lê Trọng Phát, Chủ tịch Hội đồng Y khoa FV, người thừa hưởng tất cả tinh hoa của y học Tây Phương từ ngoại khoa đến nội khoa. Ông sống, học tập, nghiên cứu và chữa bệnh tổng cộng 46 năm ở Cộng Hòa Liên Bang Đức. Bác sĩ Phát cho rằng phải thay đổi chiến thuật trị bệnh cho Ôn, chúng ta phải đổi từ điều trị nguyên nhân, qua điều trị triệu chứng.
PSA tăng cao là chỉ số nguyên nhân sinh ra ung thư tiền liệt tuyến, trước đến giờ chúng ta chuyên dùng đủ mọi cách để hạ PSA. Nay tất cả các loại thuốc chữa ung thư tiền liệt tuyến đều đã bị kháng, ta phải đổi qua chữa triệu chứng đau nhức, triệu chứng gây sốt, triệu chứng gây ra gãy xương.
Chính vì vậy, bác sĩ Phát chỉ định cho Ôn xạ trị khu trú (located radioactive treatment) ở xương đùi bên phải, rồi sáu tháng sau xạ trị xương đùi bên trái. Bác sĩ Phát cũng gợi ý để tôi gửi mua nọc bọ cạp xanh của Cuba mang về bào chế với nọc rắn xanh cực độc để điều trị ung thư xương (di căn). Chiến thuật điều trị triệu chứng mang lại những kết quả như ý, những cơn đau thưa dần rồi bớt hẳn. Bộ xương của Ôn trở nên cứng cáp hơn, các bác sĩ đều đồng thuận là Ôn không còn nguy cơ gãy xương gây ra tử vong nữa. Ôn có thể làm việc được nhiều hơn và chất lượng cuộc sống qua đó được nâng cao.
Đã năm năm, trải qua muôn vàn khó khăn vất vả, đau đớn chịu đựng, nhờ nghị lực phi thường của Chiến Binh Tuệ Sỹ, Ôn đã hoàn thành được khá nhiều những công việc cần làm. Đỉnh cao nhất trong thời gian qua là xuất bản được 29 cuốn Thanh Văn Tạng và rất nhiều cuốn sách khác sắp sửa được phát hành.
Không ai có thể phủ nhận được những nhân duyên thù thắng trong quá trình tìm kiếm thuốc men, sự nhiệt tình của các bác sĩ tài ba tại Việt Nam và Nhật Bản, sự chăm sóc tận tụy của quý thầy thị giả như thầy Nguyên An, thầy Quảng Ngộ, cũng như Ni sư Thông Thắng, thầy Thánh Duyên. Không ai có thể ngờ rằng Ôn Tuệ Sỹ đã dùng ý chí kiên định, quật cường của mình mà trụ lại thế gian thêm năm năm vừa qua.
Bài viết này hình thành khi tôi đã đưa gia đình trở về Thụy Sĩ định cư, thời gian tôi rời Việt Nam cũng rơi vào thời gian an cư kiết hạ của quý thầy. Một người nghiêm cẩn giới luật như Ôn luôn khiến tôi lo âu vì lỡ trong thời gian an cư lại xảy ra sự cố về sức khỏe mà Ôn nhất định không chịu nhập viện để điều trị. Nỗi lo của tôi đã thành sự thật, khi xuất hạ, lượng hồng huyết cầu của Ôn giảm xuống dưới 50% và bị viêm phổi nặng. Trở về nhìn Sư Phụ tiều tụy xanh xao, tôi van nài Ôn nhập viện ngay. Cuộc chiến cam go ngộp thở, tranh giành sự sống hàng ngày lại tiếp diễn.
Tôi cầu chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hộ Pháp, chư Thiên từ bi gia hộ cho Hòa Thượng Tuệ Sỹ pháp thể được khinh an, tứ đại điều hòa trở lại.
Thụy Sĩ, Trung Thu 2023
Trích: Kỷ yếu tri ân HT Thích Tuệ Sỹ | Hội đồng Hoằng Pháp ấn hành tháng 10/2023.