GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHÙA VĨNH BỬU
Thôn 1 - Bình Nghi - Tây Sơn - Bình Định
ĐT: 0935 685 730
Thư ngỏ
Kêu gọi góp phần công đức "Quỹ trùng tu, xây dựng chùa Vĩnh Bửu"
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Kính bạch: Chư Tôn Thiền Đức.
Kính gửi: Chư vị thiện tri thức, công ty, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cùng toàn thể bà con Phật tử trong và ngoài nước.
Chùa Vĩnh Bửu chúng tôi có ý định biên thư này từ lâu, nhưng mãi ngại ngùng làm sao đó... Hầu sơ lược trình bày Phật sự này gửi đến bà con tín đồ Phật tử.
Kính thưa Quý vị. Chùa Vĩnh Bửu tọa lạc tại Thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định là địa điểm sinh hoạt tâm linh của bà con Phật tử trong vùng; Ngôi Chùa đã hiện diện và đồng hành với dân làng xã Bình Nghi từ thuở nào.
Tiền thân ngôi Chùa khai sơn trên khu đất "Gò Gai" nằm độc lập ở cạnh đầu làng; Lúc bấy giờ chưa có dân cư, cảnh vật nơi đây còn hoang sơ, tĩnh lặng gợi lên cái hồn quê chứa chan thiền vị.
Trải qua bao nhiêu biến thiên của pháp nạn dồn dập đến với Chùa, trước 1975 đồn giặc quây quanh áp lực nào là khai hoang thuốc súng, hỏa châu đạn pháo quanh năm, những thứ đó kết thành âm thanh động chuyển tàn phá. Hòa bình về dân cư phát sinh đông đúc, tạp nhiễm môi trường khói bụi của công nghiệp lân cận, làm mất đi phong thái thuở ban đầu.
Đã nhiều thập kỷ trôi qua mà ngôi Chùa không có cơ duyên trùng tu tái thiết, cho nên cửa thiền môn rêu mờ ngày càng chìm sâu trong hiu quạnh có nguy cơ hư nát.
Hoàn cảnh Chùa quê sãi khó, nhơn hòa địa không lợi, kinh tế khó khăn, thổ nhưỡng bạc màu không có nguồn lợi thu nhập.
Trụ trì thân sơ, tài hèn, phước mỏng mang tâm hồn của người xuất gia giữ gìn phạm hạnh không củng cố lợi danh, không kiến tạo vật chất, sống cho tâm tư ý nguyện của mình, thế nên "Một cây làm chẳng nên non".
Kính thưa liệt quý vị "Mái Chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của Tổ tông".
Người xưa đã gắn liền với nếp sống đông phương dung hợp, một triết lý siêu việt, vào lòng người hình thành, tôn tạo đình chùa trên quê hương. Là khai triển hình ảnh từ bi tỉnh ngộ đề cao chủ nghĩa tinh thần để cho câu kinh tôn giáo vang vọng tình đời, bồi dưỡng thêm lên một lề lối sinh hoạt làm người trên phương diện luân lý và tâm linh biến thành truyền thống chứa chan thuần hậu...
Bên cạnh những giá trị cao cả của ngôi Chùa làng còn là nơi an trú của những linh hồn chưa siêu thoát, chúng ta phải tích cực góp phần trùng tu tái thiết, trang nghiêm cho dân chúng được thuần lương, xứ sở mới thịnh vượng.
Giờ đây với Phật sự này, công trình sửa sang trùng tu xây dựng cổng ngõ nhà Trù (Bếp), trải đầy những thách thức không thể dễ dàng thực hiện, nếu không có sự hưởng ứng của cộng đồng Phật tử thập phương chung tay đóng góp khó mà thành tựu.
Đáng lý ra chúng tôi không có quyền cầu mong những gì xa hơn thực tế, nhưng đây cũng là mái nhà chung là cơ sở thờ tự có nguy cơ xuống cấp, bổn phận trù trì phải lên tiếng kêu than trình bày; Trước tiên gửi đến bà con dân làng Bình Nghi một niềm hy vọng là điểm tựa hậu phương thân mến trong trái tim tình ái quê hương vì muôn đời vạn kiếp dân làng với chùa Vĩnh Bửu vẫn còn liên hệ lẫn nhau.
Để có năng lực thi công, cho phép chúng tôi ngỏ lời kêu gọi sự quan tâm của Quý vị hướng về ngôi Chùa nghèo sẻ chia góp sức của mọi tầng lớp, mọi hình thức dù trực tiếp hay gián tiếp, dù xa hay gần tạo thành một hợp lực cho công trình thành đạt. Khi những dòng chữ này gửi đến bà con Phật tử, chúng tôi mong rằng Quý vị đừng nỡ phiền trách, cũng là nguồn an ủi, là động lực, là phước duyên cho chúng tôi vững tâm xây dựng.
Trong khi chờ đợi sự đồng tình hưởng ứng của bà con Phật tử trong và ngoài nước, chúng tôi xin nguyện cầu Chư Phật gia hộ cho đàn na thí chủ thân tâm an lạc, Phật sự chùa Vĩnh Bửu được viên thành.
Đồng thời chúng tôi xin Quý vị thứ lỗi cho những sơ suất, khuyết điểm trong Thư ngỏ này./.
Chùa Vĩnh Bửu, ngày 17 tháng 12 năm 2023
Trụ trì
Tỳ kheo: Thích Quảng Hải
Mọi sự ủng hộ cúng dường gửi về
Đệ tử Thích Nhuận Lý,
Tên tài khoản : TRAN VINH KHAI
Vietcombank : 1022208520
thôn 1, xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn,
tỉnh Bình Định, ĐT: 0935008288.
- Từ khóa :
- Thư ngỏ Kêu gọi góp phần công đức