Chương 1 – Xuất Gia
MỘT ĐÊM vào cuối thế kỷ thứ sáu TCN, một chàng trai trẻ tên là Sĩ-đạt-đa Cồ-đàm bước ra khỏi ngôi nhà tiện nghi của mình ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) dưới chân dãy Himalaya và cất bước lên đường. Chúng ta được biết rằng Ngài đã hai mươi chín tuổi. Thân phụ Ngài là một trong những nhà lãnh đạo của Kapilavatthu và đã cho bao quanh Cồ-đàm đủ mọi lạc thú mà Ngài mong muốn; Ngài có một người vợ và một đứa con trai mới được vài ngày tuổi, nhưng Cồ-đàm không cảm thấy vui mừng khi đứa bé được sinh ra. Ngài đặt tên cho cậu là Rahula (La-hầu-la, có nghĩa là “xiềng xích”): Ngài tin rằng đứa bé sẽ xiềng xích mình vào một kiếp sống đã trở nên chán ngán. Ngài khao khát một cuộc đời “rộng mở” và “hoàn chỉnh và thanh khiết như một lớp vỏ sò bóng loáng”. Mặc dù dinh cơ thân phụ rất nguy nga sang trọng, nhưng Cồ-đàm lại thấy nó tù túng, “đông đúc” và “bụi bặm”. Một bầu không khí ngột ngạt các công việc vụn vặt và những nhiệm vụ vô nghĩa đã làm vấy bẩn mọi thứ. Càng ngày, Ngài càng thấy mình khao khát một lối sống không liên quan gì đến việc nhà cửa, mà các tu sĩ khổ hạnh Ấn Độ gọi là “sống vô gia cư”. Những khu rừng rậm um tùm bao quanh đồng bằng màu mỡ của sông Hằng đã trở thành nỗi ám ảnh của hàng ngàn đàn ông và thậm chí một số phụ nữ, những người đã xa lánh gia đình để đi tìm điều mà họ gọi là “đời sống thánh thiện” (brahmacariya), và Cồ-đàm đã quyết định nhập bọn với họ.
Đó là một quyết định lãng mạn nhưng lại gây ra nỗi khổ đau lớn lao cho những người Ngài yêu thương. Song thân của Cồ-đàm, sau này Ngài nhớ lại, đã khóc khi chứng kiến đứa con trai yêu quý của mình khoác lên người chiếc áo cà sa màu vàng, đắp y phục các nhà tu khổ hạnh và cạo đầu cạo râu. Nhưng chúng ta cũng được cho biết rằng trước khi ra đi, Sĩ-đạt-đa đã lẻn bước lên lầu, nhìn vợ và con trai đang ngủ lần cuối, rồi rón rén ra đi không một lời từ biệt. Gần như là Ngài sợ, nếu nói lời giả biệt, vợ Ngài có thể khẩn khoản cầu xin Ngài ở lại, và Ngài sẽ không đành lòng dứt áo ra đi. Và đây chính là mấu chốt của vấn đề, bởi vì, giống như nhiều nhà sư trong rừng, Ngài tin chắc rằng chính sự gắn bó của mình với mọi thứ và người thân sẽ trói buộc Ngài vào một kiếp sống dường như sa lầy trong khổ đau và phiền não. Một số nhà sư từng so sánh loại đam mê và bám víu những thứ dễ phân hoại này với “bụi bặm” vốn đè nặng tâm hồn và ngăn cản nó bay vút lên đến đỉnh cao của vũ trụ. Đây có thể là suy nghĩ của Sĩ-đạt-đa khi ngài mô tả dinh cơ của mình là “chốn bụi trần”. Dinh cơ thân phụ Ngài hẳn là rất sạch sẽ, nhưng nó chứa đầy những người Ngài yêu thương và những của cải mà Ngài trân quí. Nếu Ngài muốn sống cuộc đời thánh thiện, Ngài phải cắt bỏ những xiềng xích này và tìm đến tự do. Ngay từ đầu, Sĩ-đạt-đa Cồ-đàm cho rằng cuộc sống gia đình không phù hợp với các hình thức tâm linh cao cả nhất. Đó là nhận thức không chỉ được chia sẻ bởi những thầy tu khổ hạnh khác của Ấn Độ mà còn bởi Giê-su, người sau này từng bảo với các môn đệ tiềm năng rằng họ phải từ bỏ vợ con và từ bỏ người thân già yếu nếu muốn đi theo ngài.
Do đó, Cồ-đàm ắt không thuận tình với chủ trương sùng bái “giá trị gia đình” hiện nay của chúng ta. Một số người đương thời hoặc gần đương thời với Ngài ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như Khổng Tử (551-479) và Socrates (469-399), những người chắc chắn không có đầu óc gia đình, nhưng cũng giống như chính Cồ-đàm, trở thành những nhân vật chủ chốt trong sự phát triển tinh thần và triết học của nhân loại trong thời kỳ này. Vậy tại sao có chủ nghĩa từ chối này? Các kinh điển Phật giáo sau này sẽ phát triển các câu chuyện thần thoại phức tạp về việc Cồ-đàm từ bỏ gia đình và việc “Xuất gia” trở thành kẻ vô gia đình, và chúng ta sẽ xem xét những điều này sau trong chương này. Nhưng những văn bản trước đó của kinh điển Pali đưa ra một phiên bản rõ ràng hơn về quyết định của chàng trai trẻ. Khi nhìn vào cuộc sống con người, Cồ-đàm chỉ thấy một vòng luân hồi khổ đau nghiệt ngã, bắt đầu với nỗi đau sinh nở và tiếp tục không sai chạy đến “lão, bệnh, tử, sầu và hoại”. Bản thân Ngài cũng không ngoại lệ với quy luật phổ quát này. Hiện tại Ngài còn trẻ trung, khỏe mạnh và đẹp trai, nhưng bất cứ lúc nào Ngài suy nghĩ về những khổ đau trên chặn đường phía trước, mọi niềm vui sống và tự tin của tuổi trẻ liền khô héo trong lòng Ngài. Lối sống xa hoa của Ngài dường như vô nghĩa và tầm thường. Ngài không thể chịu đựng được khi nhìn thấy ai đó già yếu hay cơ thể bị biến dạng vì một căn bệnh gớm ghiếc. Số phận tương tự – hoặc thậm chí còn tồi tệ hơn – sẽ ập đến với Ngài và những người Ngài yêu quý. Cha mẹ Ngài, vợ Ngài, đứa con trai nhỏ và bạn bè của Ngài đều yếu đuối và dễ bị tổn thương như nhau. Khi Ngài bám víu lấy họ và dịu dàng trao gửi nỗi niềm thiết tha với họ, Ngài chỉ đang vun bón cảm xúc của mình vào những thứ chỉ có thể mang lại cho Ngài nỗi khổ đau. Vợ Ngài sẽ không còn đẹp nữa, và con La-hầu-la có thể sẽ chết vào ngày mai. Tìm kiếm hạnh phúc trong cõi sinh diệt, vô thường không chỉ là phi lý: nỗi khổ đau dành sẵn cho những người thân yêu của Ngài cũng như cho chính mình đã phủ bóng đen lên hiện tại và lấy đi tất cả niềm vui sống của Ngài trong những mối quan hệ này.
Nhưng tại sao Cồ-đàm lại nhìn thế giới trong con mắt ảm đạm như vậy? Cái chết là một thực tế của cuộc sống khó có thể chịu đựng được. Con người là loài động vật duy nhất phải sống và biết rằng một ngày nào đó mình sẽ chết, và họ luôn thấy viễn cảnh về sự diệt tuyệt này rất khó chiêm nghiệm. Nhưng hầu hết chúng ta đều cố gắng tìm thấy niềm an ủi nào đó trong hạnh phúc và tình yêu vốn cũng là một phần trải nghiệm của con người. Một số người chỉ biết vùi đầu vào cát và không buồn nghĩ về nỗi khổ trần gian, nhưng đây là một hướng đi không khôn ngoan, bởi vì, nếu chúng ta hoàn toàn không chuẩn bị cho phiền não và cái chết, bi kịch cuộc sống có thể hủy hoại chúng ta. Ngay từ rất sớm, con người đã nghĩ bày ra các tôn giáo để giúp họ nuôi dưỡng ý thức rằng sự sinh tồn của chúng ta phải có một ý nghĩa và giá trị tối hậu nào đó, bất chấp những bằng chứng ngược lại đáng thất vọng. Nhưng đôi khi những huyền thoại và việc thực hành đức tin có vẻ khó tin. Thế là, mọi người chuyển sang các phương pháp khác để vượt qua những khổ đau và thất vọng trong cuộc sống hàng ngày: nghệ thuật, âm nhạc, tình dục, ma túy, thể thao hoặc triết học. Chúng ta là những sinh vật rất dễ rơi vào tuyệt vọng, và chúng ta phải làm việc rất chăm chỉ để tạo cho mình niềm tin rằng cuộc sống là tốt đẹp, mặc dù xung quanh chúng ta đều nhan nhản cảnh đau đớn, tàn ác, bệnh tật và bất công. Khi quyết định ra đi, Cô-đàm, ta có thể nghĩ, dường như đã mất khả năng sống chung với các sự kiện khó chịu của cuộc đời và rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề.
Tuy nhiên, thực sự không phải vậy. Cồ-đàm đúng là đã hóa ra chán chường với cuộc sống trong một gia đình Ấn Độ bình thường, nhưng Ngài không mất hy vọng vào chính cuộc sống. Chẳng những thế, Ngài còn tin chắc rằng có một lời giải đáp cho câu đố về cuộc sinh tồn và rằng mình có thể tìm ra lời giải đáp ấy. Cồ-đàm tán thành cái được gọi là “triết học vĩnh cửu”, bởi vì nó phổ biến đối với mọi dân tộc ở mọi nền văn hóa trong thế giới tiền hiện đại.
Cuộc sống trần gian rõ ràng là mong manh và bị cái chết làm cho mờ mịt, nhưng nó không cấu thành toàn bộ thực tại. Mọi thứ trong thế giới trần tục đều được cho là bản sao của một nguyên mẫu tích cực, mạnh mẽ hơn của nó trong cõi thần thánh. Tất cả những gì chúng ta trải nghiệm dưới thế gian này đều được mô phỏng theo một nguyên mẫu trong cõi thiên cầu; thế giới của các vị thần là khuôn mẫu nguyên gốc mà thực tại của con người chỉ là một cái bóng mờ nhạt. Nhận thức này đã cung cấp thông tin cho thần thoại, các tổ chức nghi thức và xã hội của hầu hết các nền văn hóa cổ đại và tiếp tục ảnh hưởng đến các xã hội truyền thống hơn trong thời đại của chúng ta. Đó là một quan điểm mà chúng ta khó đánh giá cao trong thế giới hiện đại, bởi vì nó không thể được chứng minh bằng thực nghiệm và thiếu nền tảng hợp lý mà chúng ta coi là thiết yếu đối với chân lý. Nhưng huyền thoại thể hiện cảm thức sơ khai của chúng ta cho rằng cuộc sống không trọn vẹn và đây không thể là tất cả; phải có một cái gì đó tốt đẹp hơn, đầy đủ hơn và thỏa mãn hơn ở nơi khác. Sau một dịp mong đợi căng thẳng và háo hức, chúng ta thường cảm thấy rằng mình đã bỏ lỡ điều gì đó nằm ngoài tầm với của mình.
Cồ-đàm chia sẻ niềm tin này, nhưng với một sự khác biệt quan trọng. Ngài không tin rằng “thứ khác” này chỉ giới hạn trong thế giới thiêng liêng của các vị thần; Ngài tin chắc rằng mình có thể biến nó thành hiện thực chứng nghiệm được trong thế giới phàm trần đầy khổ đau, phiền não và đau thương này.
Vì vậy, Ngài tự lý luận, nếu có “sinh, lão, bệnh, tử, sầu, hoại” trong cuộc sống của chúng ta, thì những trạng thái khổ đau này phải có những đối nghịch tích cực của chúng; phải có một phương thức sinh tồn khác, vì vậy mà Ngài phải tìm ra nó. “Giả sử,” Ngài nói, “ta bắt đầu tìm kiếm sự giải thoát bất sinh, bất lão, bất bệnh, bất tử, bất sầu, bất hoại và tối hậu ra khỏi sự trói buộc này?” Ngài gọi trạng thái hoàn toàn thỏa mãn này là Niết-bàn (Nibbana, tức “dập tắt”). Cồ-đàm tin chắc rằng có thể “dập tắt” những đam mê, chấp thủ và ảo tưởng đã gây ra biết bao đau khổ cho con người, hơi giống như chúng ta dập tắt một ngọn lửa. Đạt được Niết bàn sẽ tương tự như việc “làm mát” mà chúng ta trải qua sau khi ra khỏi cơn sốt: vào thời của Cồ-đàm, tính từ liên quan đến Niết Bàn là nibbuta là một thuật ngữ được sử dụng hàng ngày để mô tả một người bệnh đang hồi phục. Vì vậy, Cồ-đàm đã rời khỏi nhà để tìm cách chữa trị căn bệnh đang hoành hành nhân loại và khiến chúng sinh phải chịu bất hạnh. Nỗi khổ đau phổ quát khiến cuộc sống trở nên quá bực bội và khốn khổ không phải là thứ mà chúng ta phải cam chịu mãi mãi. Nếu trải nghiệm cuộc sống chúng ta hiện tại không ổn, thì theo quy luật nguyên mẫu, phải có một dạng sinh tồn khác không ngẫu phát, thiếu sót và nhất thời. “Có thứ gì đó không sinh ra theo cách thông thường, không được tạo ra và không bị hủy hoại,” Cồ-đàm nhấn mạnh về sau này. “Nếu nó không tồn tại, sẽ không thể tìm ra lối thoát.”
Một người hiện đại có thể mỉm cười trước vẻ ngây thơ của tính lạc quan này, và thấy
huyền thoại về các nguyên mẫu vĩnh cửu hoàn toàn không thể tin được. Nhưng Cồ-đàm quả quyết rằng Ngài đã tìm ra lối thoát và do đó, Niết bàn đã tồn tại. Tuy nhiên, không giống như nhiều tín đồ, Ngài không coi loại thuốc chữa bách bệnh này là siêu nhiên. Ngài không dựa vào sự trợ giúp thiêng liêng nào đến từ một thế giới khác, nhưng tin chắc rằng Niết bàn là một trạng thái hoàn toàn tự nhiên đối với con người và bất kỳ ai tìm kiếm một cách chân chính đều cũng có thể trải nghiệm được. Cồ-đàm tin đã tìm thấy sự tự do mà mình tìm kiếm ngay giữa thế gian bất toàn này. Thay vì chờ đợi thông điệp từ các vị thần, Ngài tìm kiếm câu trả lời trong chính bản thân mình, khám phá những bến bờ uyên áo nhất của tâm và tận dụng tất cả nguồn lực vật chất của mình. Ngài sẽ dạy các môn đệ thực hành điều tương tự, và nhấn mạnh rằng không ai được coi lời dạy của Ngài chỉ là lời ngoải cửa miệng. Họ phải thực chứng các giải pháp Ngài đưa ra một cách thực nghiệm qua trải nghiệm của chính mình và tự mình rút ra kết luận là phương pháp Ngài giảng dạy thực sự có hiệu quả. Họ không thể mong đợi sự giúp đỡ từ các vị thần. Cồ-đàm tin rằng các vị thần tồn tại, nhưng không mấy quan tâm đến họ. Ở đây một lần nữa, Ngài là một nhân vật thời đại và văn hóa của mình. Người dân Ấn Độ từ xa xưa đã thờ các vị thần: thần chiến tranh Indra; Varuna, thần bảo vệ trật tự thiêng liêng; Agni, thần lửa. Nhưng đến thế kỷ thứ sáu, những vị thần này đã bắt đầu rút lui khỏi ý thức tôn giáo của những bậc thâm trầm nhất. Các vị thần không hoàn toàn bị coi là vô giá trị, nhưng các ngài đã không còn là những đối tượng thờ cúng đạt yêu cầu. Càng ngày, con người càng nhận ra rằng các vị thần không thể cung cấp cho họ sự hỗ trợ thực sự và đáng kể. Trên thực tế, những hình thức cúng tế được thực hiện để tôn vinh họ không làm giảm bớt sự khốn khổ của con người. Ngày càng có nhiều đàn ông và phụ nữ quyết định rằng mình phải hoàn toàn dựa vào bản thân.
Họ tin rằng vũ trụ được thống trị bởi các quy luật khách quan mà ngay cả các vị thần cũng phải tuân theo. Chư thiên không thể chỉ cho Cồ-đàm con đường đến Niết Bàn; Ngài sẽ phải phụ thuộc vào nỗ lực của chính mình.
Do đó, Niết bàn không phải là một nơi giống như Thiên đường của Cơ đốc giáo mà một tín đồ sẽ được đền bù sau khi chết. Rất ít người trong thế giới cổ đại vào thời điểm này hy vọng vào một sự bất tử hạnh phúc. Thật vậy, vào thời của Cồ-đàm, người dân Ấn Độ cảm thấy bị giam cầm vĩnh viễn trong chế độ sinh tồn đau khổ hiện tại của mình, như chúng ta có thể thấy từ học thuyết luân hồi, đã được chấp nhận rộng rãi vào thế kỷ thứ sáu. Người ta cho rằng một người nam hay nữ sẽ tái sinh sau khi chết vào một trạng thái mới sẽ được quyết định bởi phẩm chất các hành động (nghiệp) của họ trong kiếp sống hiện tại. Ác nghiệp có nghĩa là bạn sẽ tái sinh làm nô lệ, động vật hay thực vật; thiện nghiệp sẽ đảm bảo một kiếp sau tốt đẹp hơn: bạn có thể tái sinh làm vua hay thậm chí là một vị thần. Nhưng tái sinh ở một trong các tầng trời không phải là một kết thúc có hậu, bởi vì ngay cả chư thiên cũng không trường tồn hơn bất kỳ trạng thái nào khác. Cuối cùng, ngay cả một vị thần cũng sẽ cạn kiệp thiện nghiệp mà nhờ đó họ được phong thần, ngài sau đó cũng sẽ chết và tái sinh vào một cảnh ngộ kém thuận lợi hơn trên trần gian. Do đó, tất cả chúng sinh đều bị cuốn vào vòng luân hồi vô tận, đẩy họ từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Đối với người ngoài cuộc thì nghe có vẻ là một lý thuyết kỳ lạ, nhưng đó là một nỗ lực nghiêm túc nhằm giải quyết vấn đề đau khổ, và có thể được coi là thỏa đáng hơn là quy kết số phận con người cho những quyết định thường xuyên thất thường của một vị thần được cá nhân hóa, một đấng dường như thường cho phép kẻ ác thắng thế. Luật nhân quả là một cơ chế hoàn toàn khách quan áp dụng công bằng và không phân biệt đối xử với mọi người. Nhưng viễn cảnh phải sống hết kiếp này đến kiếp khác khiến Cồ-đàm, giống như hầu hết những người khác ở miền bắc Ấn Độ, kinh hoàng.
Điều này có lẽ khó hiểu. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta cảm thấy rằng cuộc sống của mình quá ngắn ngủi và muốn có cơ hội làm lại tất cả. Nhưng điều khiến Cồ-đàm và những người đương thời bận tâm không phải là khả năng tái sinh mà là nỗi kinh hoàng của cái chết tái sinh. Đã đủ tồi tệ khi phải chịu đựng quá trình trở nên già yếu hoặc bệnh tật kinh niên và trải qua cái chết đau đớn, đáng sợ một lần, nhưng việc buộc phải trải qua tất cả những điều này lặp đi lặp lại dường như không thể chịu đựng được và hoàn toàn vô nghĩa. Hầu hết các giải pháp tôn giáo thời đó được thiết kế để giúp mọi người tự giải thoát khỏi luân hồi và đạt được sự giải thoát cuối cùng. Sự tự do của Niết bàn là không thể tưởng tượng được bởi vì nó quá xa vời với kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta. Chúng ta không có thuật ngữ nào để mô tả hoặc thậm chí để hình dung một lối sống trong đó không có thất vọng, phiền muộn hay đau đớn, và không bị chi phối bởi các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng các nhà hiền triết Ấn Độ vào thời Cồ-đàm đã tin chắc rằng sự giải thoát này là một khả năng thực sự. Người phương Tây thường mô tả tư tưởng Ấn Độ là tiêu cực và hư vô. Không phải như vậy. Mà là tính lạc quan đến choáng ngợp và Cồ-đàm đã chia sẻ niềm hy vọng này một cách trọn vẹn.
Khi rời khỏi nhà thân phụ trong bộ y vàng của một nhà sư khất thực, Cồ-đàm tin rằng mình đang bắt đầu một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Ngài cảm thấy sự phấn khích của con đường “rộng mở” và tình trạng “vô gia cư” sáng chói, hoàn hảo. Lúc này mọi người đều nói đến “đời sống thánh thiện” như một nhiệm vụ cao cả. Các vị vua, thương gia và các ông chủ giàu có đều tôn vinh những vị tỳ kheo (“người khất thực”) này và tranh giành với nhau để có được đặc ân cúng dường. Một số trở thành người bảo trợ và đệ tử thường xuyên của họ. Đây không phải là một cơn sốt thoáng qua. Người dân Ấn Độ có thể sống theo chủ nghĩa vật chất như bất kỳ ai khác, nhưng họ có truyền thống lâu đời tôn kính những người theo đuổi tâm linh và họ tiếp tục ủng hộ những người đó. Tuy nhiên, có một sự cấp bách đặc biệt trong
vùng sông Hằng vào cuối thế kỷ thứ sáu TCN Người ta không coi những vị xuất gia là những kẻ yếu đuối bỏ học. Có một cuộc khủng hoảng tinh thần trong khu vực. Loại vỡ mộng và bất thường mà Cồ-đàm đã trải qua đã lan rộng, và mọi người nhận thức một cách tuyệt vọng rằng họ cần một giải pháp tôn giáo mới. Do đó, các nhà sư đã tham gia vào một nhiệm vụ có lợi cho đồng loại, và thường phải trả giá đắt cho chính mình. Cồ-đàm thường được mô tả bằng hình ảnh anh hùng, cho thấy sức mạnh, nghị lực và sự tinh thông.
Ngài được so sánh với một con sư tử, một con hổ và một con voi hung dữ. Khi còn trẻ, Ngài được coi là “một nhà quý tộc đẹp trai, có khả năng làm thủ lĩnh một đội quân thiện chiến hoặc một đàn voi trận”. Mọi người coi những nhà khổ hạnh là những bậc tiên phong: họ đang khai phá các lĩnh vực tinh thần để giúp đỡ cho chúng sinh đau khổ. Do tình trạng bất ổn phổ biến, dân chúng khao khát một Đức Phật, một bậc đã “giác ngộ”, một người đã “đánh thức” toàn bộ tiềm năng của nhân loại và sẽ giúp những người khác tìm thấy hòa bình trong một thế giới đột nhiên trở nên xa lạ và hoang vu.
Tại sao người dân Ấn Độ cảm thấy không hài lòng với cuộc sống này? Tình trạng bất ổn này không chỉ giới hạn ở tiểu lục địa mà còn ảnh hưởng đến người dân ở một số khu vực xa xôi của thế giới văn minh. Ngày càng có nhiều người cảm thấy rằng các thực hành tâm linh của tổ tiên họ không còn phù hợp với họ nữa, và một loạt các thiên tài triết học và tiên tri đầy ấn tượng đã nỗ lực tối đa để tìm ra giải pháp. Một số nhà sử học gọi thời kỳ này (kéo dài từ khoảng năm 800 đến năm 200 TCN) là ‘Thời đại Trục’ vì thời đại đó chứng tỏ là mấu chốt đối với nhân loại. Các đặc tính được hình thành trong thời đại này đã tiếp tục nuôi dưỡng loài người cho đến ngày nay. Cồ-đàm sẽ trở thành một trong những ngôi sao quan trọng nhất và điển hình nhất của Thời đại Trục, cùng với các nhà tiên tri Do Thái vĩ đại của thế kỷ thứ tám, thứ bảy và thứ sáu; Khổng Tử và Lão Tử, những vị đã cải cách các truyền thống tôn giáo của Trung Quốc vào thế kỷ thứ sáu và thứ năm; nhà hiền triết Iran thế kỷ thứ sáu Zoroaster; và Socrates và Plato (khoảng 427-327), những vị đã thúc giục người Hy Lạp đặt câu hỏi ngay cả với sự thật dường như là hiển nhiên. Những nhân vật đã tham gia vào quá trình biến đổi vĩ đại này tin chắc rằng họ đang ở ngưỡng cửa của một kỷ nguyên mới và sẽ không có gì giống như trước nữa.
Thời đại Trục đánh dấu sự khởi đầu của loài người như chúng ta biết ngày nay. Trong thời kỳ này, đàn ông và phụ nữ ý thức được sự tồn tại của họ, bản chất của chính họ và những hạn chế của họ theo một cách chưa từng có. Kinh nghiệm của họ về sự bất lực hoàn toàn trong một thế giới tàn khốc đã thôi thúc họ tìm kiếm những mục tiêu cao nhất và một thực tại tuyệt đối trong sâu thẳm con người họ. Các bậc đại hiền nhân đương thời đã dạy cho con người biết cách đương đầu với bể khổ của cuộc đời, vượt qua sự yếu đuối của mình và sống bình yên giữa thế gian khiếm khuyết này. Các hệ thống tôn giáo mới xuất hiện trong thời kỳ này—Đạo giáo và Nho giáo ở Trung Quốc, Phật giáo và Ấn Độ giáo ở Ấn Độ, thuyết độc thần ở Iran và Trung Đông, và chủ nghĩa duy lý Hy Lạp ở châu Âu—tất cả đều có chung những đặc điểm cơ bản bên dưới những khác biệt rõ ràng của chúng. Chỉ bằng cách tham gia vào quá trình biến đổi to lớn này, các dân tộc khác nhau trên thế giới mới có thể tiến bộ và tham gia tiến bước về phía trước của lịch sử. Tuy nhiên, bất chấp tầm quan trọng to lớn của nó, Thời đại Trục vẫn còn bí ẩn. Chúng ta không biết điều gì đã gây ra nó, cũng như tại sao nó chỉ bén rễ ở ba khu vực cốt lõi: ở Trung Quốc; ở Ấn Độ và Iran; và ở phía đông Địa Trung Hải. Tại sao chỉ có người Trung Quốc, người Iran, người Ấn Độ, người Do Thái và người Hy Lạp trải nghiệm những chân trời mới này và dấn thân vào cuộc tìm kiếm giác ngộ và cứu rỗi này? Người Babylon và người Ai Cập cũng đã tạo ra những nền văn minh vĩ đại, nhưng họ không phát triển hệ tư tưởng của phe Trục vào thời điểm này, và chỉ tham gia vào các đặc tính mới sau này: trong Hồi giáo hoặc Cơ đốc giáo, vốn chỉ là sự trình bày lại xung lực của phe Trục ban đầu. Nhưng ở các quốc gia phe Trục, một số người đã cảm nhận được những khả năng mới và thoát khỏi những truyền thống cũ. Họ tìm kiếm sự thay đổi ở những nơi sâu thẳm nhất trong con người họ, tìm kiếm sự hướng nội sâu sắc hơn trong đời sống tinh thần của họ và cố gắng trở thành một với thực tại vượt lên trên những điều kiện và phạm trù trần tục thông thường. Sau thời kỳ then chốt này, con người cảm thấy rằng chỉ bằng cách vượt qua giới hạn của mình, con người mới có thể trở thành chính mình một cách trọn vẹn nhất.
Lịch sử ghi chép được chỉ bắt đầu vào khoảng 3000 TCN; cho đến thời điểm đó, chúng ta có rất ít bằng chứng tư liệu về cách con người sinh sống và tổ chức xã hội. Nhưng mọi người luôn cố gắng tưởng tượng 20.000 năm tiền sử đã như thế nào và bắt nguồn kinh nghiệm của chính mình trong đó. Trên khắp thế giới, trong mọi nền văn hóa, những ngày xa xưa này được mô tả trong thần thoại, không có nền tảng lịch sử nhưng kể về những thiên đường đã mất và những thảm họa nguyên thủy. Người ta nói rằng trong Thời Hoàng kim, các vị thần đã bước đi trên trái đất cùng với con người. Câu chuyện Vườn Địa Đàng, được kể lại trong Sách Sáng Thế, thiên đường đã mất của người phương Tây, rất điển hình: ngày xửa ngày xưa, giữa nhân loại và thần thánh chưa hề có sự phân chia: Thượng Đế dạo chơi trong vườn dưới cái mát mẻ của ban chiều. Con người cũng không bị chia cắt nhau. A-đam và Ê-va sống hòa thuận, không nhận ra sự khác biệt giới tính của họ hoặc sự phân biệt giữa thiện và ác. Đó là một tình trạng thống nhất mà chúng ta không thể tưởng tượng được trong tình thế sinh tồn bị phân mảnh hơn của chúng ta hiện nay, nhưng trong hầu hết mọi nền văn hóa, huyền thoại về sự hòa hợp nguyên thủy này cho thấy con người tiếp tục khao khát một nền hòa bình và toàn vẹn mà họ cảm thấy là trạng thái thích hợp của nhân loại. Họ đã trải qua buổi bình minh của nhận thức bản thân như một cú ngã xuống đau đớn khỏi sự ân sủng. Kinh thánh Do Thái gọi trạng thái toàn vẹn và trọn vẹn này là shalom; Cồ-đàm nói về Niết Bàn và bỏ nhà đi tìm. Ngài tin rằng con người đã từng sống trong hòa bình và viên mãn này trước đây, nhưng họ đã quên mất con đường dẫn đến nó.
Như chúng ta đã thấy, Cồ-đàm cảm nhận cuộc đời mình đã hóa ra vô nghĩa.
Niềm tin rằng thế giới đang trở nên tồi tệ là nền tảng cho tâm linh xuất hiện ở các quốc gia phe Trục. Những người tham gia vào sự biến đổi này cảm thấy bồn chồn—giống như Cồ-đàm. Họ bị ám ảnh bởi cảm giác bất lực, bị ám ảnh bởi cái chết của mình và cảm thấy kinh sợ và xa lánh thế giới. Họ thể hiện sự khó chịu này theo những cách khác nhau. Người Hy Lạp xem cuộc đời như một bản anh hùng ca bi thảm, một vở kịch trong đó họ cố gắng trở nên thanh khiết và giải thoát. Plato đã nói về sự tách biệt của con người khỏi thần thánh, và khao khát loại bỏ sự ô uế của trạng thái hiện tại của chúng ta và đạt được sự hợp nhất với cái Thiện. Các nhà tiên tri người Hê-bơ-rơ vào thế kỷ thứ tám, thứ bảy và thứ sáu cũng cảm thấy xa cách Đức Chúa Trời tương tự, và coi cuộc lưu đày chính trị của họ là biểu tượng cho cảnh ngộ tâm linh của họ. Các tín đồ của Zoroaster ở Iran coi cuộc sống là một trận chiến vũ trụ giữa Thiện và Ác, trong khi ở Trung Quốc, Khổng Tử than thở về bóng tối của thời đại ông, đã xa rời những lý tưởng của tổ tiên. Ở Ấn Độ, Cồ-đàm và các nhà sư trong rừng tin chắc rằng cuộc sống là dukkha (khổ): về cơ bản nó là “không ổn định”, chứa đầy đau đớn, buồn rầu và phiền não. Thế gian đã trở thành một nơi đáng sợ. Kinh Phật nói về “nỗi sợ hãi, sợ hãi và sợ hãi” mà mọi người trải qua khi họ mạo hiểm ra khỏi thành phố và đi vào rừng. Thiên nhiên đã trở nên đe dọa một cách mơ hồ, đúng hơn là nó đã trở nên thù địch với Adam và Eve sau khi họ sa ngã. Cồ-đàm không bỏ nhà để giao du vui vẻ với thiên nhiên trong rừng, nhưng trải qua một nỗi “sợ hãi và kinh hoàng” liên tục. Nếu một con nai đến gần hoặc nếu gió xào xạc trong lá, sau này Ngài nhớ lại, tóc tai Ngài dựng đứng.
Chuyện gì đã xảy ra? Không ai giải thích đầy đủ nỗi khắc khoải đã thúc đẩy tâm linh của Thời đại Trục. Chắc chắn con người đã trải qua nỗi thống khổ trước đây. Thật vậy, những bảng khắc đã được tìm thấy ở Ai Cập và Mesopotamia từ nhiều thế kỷ trước thời điểm này thể hiện tình trạng vỡ mộng tương tự. Nhưng tại sao trải nghiệm khổ đau lại đạt đến đỉnh cao như vậy trong ba vùng Trục cốt lõi? Một số nhà sử học coi các cuộc xâm lược của kỵ binh du mục Ấn-Âu là một yếu tố chung trong tất cả các khu vực này. Những bộ tộc Aryan này đã ra khỏi Trung Á và đến Địa Trung Hải vào cuối thiên niên kỷ thứ ba, định cư ở Ấn Độ và Iran vào khoảng 1200 TCN, và đã ở Trung Quốc vào cuối thiên niên kỷ thứ hai. Họ mang theo với họ cảm nhận về những chân trời rộng lớn và những khả năng vô hạn, và, với tư cách là một chủng tộc bậc thầy, đã phát triển một ý thức sử thi đầy kịch tính. Họ thay thế các cộng đồng cũ ổn định và nguyên thủy hơn, nhưng chỉ sau các thời kì xung đột đau đớn dữ dội, điều này có thể giải thích cho tình trạng bất ổn của Thời đại Trục.
Nhưng người Do Thái và các nhà tiên tri của họ không có liên hệ gì với những kỵ binh Aryan này, và những cuộc xâm lược này đã diễn ra hàng thiên niên kỷ, trong khi những biến đổi chủ yếu của Thời đại Trục lại diễn ra đồng thời một cách đáng kể.
Hơn nữa, loại hình văn hóa được phát triển bởi người Aryan ở Ấn Độ, chẳng hạn, không liên quan gì đến tính sáng tạo của Thời đại Trục. Đến năm 1000 TCN, các bộ tộc Aryan đã định cư và thành lập các cộng đồng nông nghiệp ở hầu hết các vùng trong tiểu lục địa. Họ thống trị xã hội Ấn Độ đến mức ngày nay chúng ta hầu như không biết gì về nền văn minh bản địa tiền Aryan ở thung lũng Sông Ấn. Tuy nhiên, bất chấp tính năng động của nguồn gốc, Ấn Độ Aryan lại tĩnh và bảo thủ, giống như hầu hết các nền văn hóa tiền Trục. Người dân được chia thành bốn giai cấp riêng biệt, tương tự như bốn giai cấp sẽ phát triển sau này ở châu Âu thời phong kiến. Những Brahmin (Bà-la-môn) là giai cấp tư tế, chịu trách nhiệm về giáo phái: họ trở thành những người có quyền lực nhất. Tầng lớp chiến binh ksatriya tận lực cho chính phủ và quốc phòng; vaisya là nông dân và người chăn nuôi gia súc, những người đã giữ cho nền kinh tế phát triển; và sudras là nô lệ hoặc những kẻ bị ruồng bỏ không thể hòa nhập vào hệ thống Aryan. Khởi thủy bốn hạng người không có tính cha truyền con nối; dân Ấn bản địa có thể trở thành ksatriya hoặc brahmin nếu họ sở hữu những kỹ năng cần thiết. Nhưng đến thời của Cồ-đàm, sự phân tầng xã hội đã có một ý nghĩa thiêng liêng và trở nên bất biến, vì nó được cho là phản ánh trật tự nguyên mẫu của vũ trụ. Không sao thay đổi trật tự này bằng cách di chuyển từ đẳng cấp này sang đẳng cấp khác.
Tâm linh Aryan là điển hình của các tôn giáo cổ xưa, tiền Trục, dựa trên sự chấp nhận hiện trạng, ít liên quan đến suy tư về ý nghĩa cuộc sống và coi chân lý thiêng liêng là thứ đã được ban tặng và không thể thay đổi; không được tìm kiếm mà phải tiếp nhận một cách thụ động. Người Aryan đã trồng loại thuốc soma, loại thuốc này đưa những người Bà-la-môn vào trạng thái xuất thần ngây ngất, trong đó họ “nghe” (sruti) những văn bản tiếng Phạn đầy cảm hứng được gọi là kinh Vệ Đà. Những điều này không được cho là do các vị thần sai khiến mà tồn tại vĩnh cữu và phản ánh các nguyên tắc cơ bản của vũ trụ. Một quy luật phổ quát, chi phối cuộc sống của các vị thần cũng như con người, cũng là một đặc điểm chung của tôn giáo cổ đại. Kinh Vệ Đà không được viết ra, vì chữ viết không được biết đến ở tiểu lục địa. Do đó, bổn phận của những người Bà-la-môn là ghi nhớ và gìn giữ những chân lý vĩnh cửu này từ thế hệ này sang thế hệ khác, truyền di sản trí tuệ này từ cha đến con, vì kiến thức thiêng liêng này giúp con người tiếp xúc với brahman (Đại Ngã), nguyên tắc cơ bản khiến thế giới trở nên linh thiêng và giúp nó tồn tại được. Qua nhiều thế kỷ, tiếng Phạn, ngôn ngữ của các bộ lạc Aryan nguyên thủy, đã bị thay thế bởi các phương ngữ địa phương và trở nên không thể hiểu được đối với tất cả mọi người trừ những người Bà-la-môn – một thực tế chắc chắn đã nâng cao quyền lực và uy tín của giai cấp Bà-la-môn. Chỉ riêng họ biết cách thực hiện nghi lễ hiến tế được quy định trong kinh Vệ Đà, được cho là để giữ cho cả thế giới tồn tại.
Người ta nói rằng vào thuở sơ khai, một Đấng Sáng tạo bí ẩn đã thực hiện một lễ hiến tế nguyên thủy để đưa các vị thần, con người và toàn bộ vũ trụ tồn tại. Sự hy sinh nguyên thủy này là nguyên mẫu của những cuộc hiến tế động vật được thực hiện bởi những người Bà la môn, điều này mang lại cho họ quyền lực đối với sự sống và cái chết. Ngay cả các vị thần cũng phụ thuộc vào những vật hiến tế này và sẽ khổ sở nếu nghi lễ không được thực hiện đúng cách. Do đó, toàn bộ cuộc sống tập trung xung quanh những nghi thức này. Những người Bà-la-môn rõ ràng là rất quan trọng đối với giáo phái, nhưng các ksatriya và vaisya cũng có những vai trò quan trọng. Các vị vua và giới quý tộc đã trả chị phí cho các vật hiến tế, và các vaisyas nuôi gia súc làm nạn nhân hiến tế. Lửa có tầm quan trọng lớn trong tôn giáo Vệ Đà. Nó tượng trưng cho sự kiểm soát của loài người đối với các lực lượng tự nhiên và các bà la môn cẩn thận chăm sóc ba ngọn lửa thiêng trong các đền thờ. Mỗi chủ hộ cũng tôn vinh lò sưởi trong nhà của mình bằng các nghi thức gia đình. Vào những ngày “tứ quý” (uposatha) của mỗi tháng âm lịch, người ta dâng những lễ vật đặc biệt cho ngọn lửa thiêng. Vào đêm trước lễ uposatha, các bà la môn cũng như các gia chủ bình thường sẽ nhịn ăn, kiêng quan hệ tình dục và làm việc, và thức đêm bên lò sưởi. Đó là thời điểm linh thiêng, được gọi là ngày upavasatha (bốn lần mỗi tháng âm lịch), khi các vị thần “đến ngự” bên gia chủ và gia đình y cạnh ngọn lửa.
Do đó, đức tin Vệ Đà là điển hình của tôn giáo tiền Trục. Nó không phát triển hay thay đổi; nó tuân theo một trật tự nguyên mẫu và không khao khát điều gì khác biệt. Nó phụ thuộc vào các nghi thức bên ngoài, có tác dụng ma thuật và nhằm mục đích kiểm soát vũ trụ; nó dựa trên truyền thuyết bí truyền, phức tạp mà chỉ một số ít người biết đến. Tâm linh bảo thủ sâu sắc này tìm kiếm sự an toàn trong một thực tế trường tồn và không thay đổi. Nó hoàn toàn khác với đặc tính mới của Thời đạiTrục. Ta chỉ cần nghĩ đến Socrates, người không bao giờ hài lòng với việc chấp nhận những điều chắc chắn trong truyền thống là chân lý tối hậu, cho dù chúng có thể uy nghi đến đâu. Ông tin rằng thay vì tiếp nhận kiến thức từ bên ngoài, giống như kiểu “nghe” Vệ Đà, mỗi người phải tìm ra sự thật bên trong con người mình. Socrates đặt câu hỏi về mọi thứ, khiến những người đối thoại với ông bị lây nhiễm sự bối rối của chính ông, vì sự nhầm lẫn là khởi đầu của nhiệm vụ triết học. Các nhà tiên tri Hê-bơ-rơ đã đảo ngược một số những tín điều trong thần thoại cũ của Y-sơ-ra-ên cổ đại: Đức Chúa Trời không còn tự động đứng về phía dân tộc của Ngài nữa, như trước đây vào thời kì Xuất hành khỏi Ai Cập. Bây giờ Chúa Trời sẽ sử dụng các quốc gia Dân Ngoại để trừng phạt người Do Thái, nên mỗi người Do Thái có trách nhiệm hành động với công lý, công bằng và trung thực. Việc cứu rỗi và sống còn không còn phụ thuộc vào các nghi thức bên ngoài; sẽ có một luật lệ và giao ước mới được ghi khắc trong lòng mỗi người dân. Thiên Chúa đòi hỏi lòng thương xót và lòng trắc ẩn hơn là của lễ. Niềm tin hướng trục đặt trách nhiệm lên cá nhân. Bất cứ nơi nào họ nhìn, như chúng ta đã thấy, các nhà hiền triết và tiên tri của Thời đại Trục đều thấy sự lưu đày, bi kịch và đau khổ. Nhưng sự thật mà họ tìm kiếm đã giúp họ tìm thấy hòa bình, bất chấp sự tàn ác, bất công và thất bại chính trị. Chúng ta chỉ cần nhớ lại sự bình tĩnh sáng ngời của Socrates trong quá trình ông bị cưỡng chế hành quyết. Cá nhân vẫn sẽ đau khổ và chết; không có nỗ lực nào để ngăn chặn số phận bằng các phương tiện ma thuật cũ; nhưng con người có thể tận hưởng sự bình tâm giữa các bi kịch của cuộc đời, điều mang lại ý nghĩa cho sự tồn tại trong một thế giới đầy bất trắc như vậy.
Các tôn giáo mới tìm kiếm chiều sâu bên trong hơn là kiểm soát ma thuật. Các nhà hiền triết không còn hài lòng với sự phù hợp bên ngoài mà đã nhận thức được nội tâm tâm linh sâu sắc đi trước hành động. Điều quan trọng là khao khát đưa những sức mạnh vô thức và những chân lí được nhận thức lờ mờ ra ánh sáng ban ngày. Đối với Socrates, con người đã hiểu biết sự thật, nhưng chỉ như một ký ức mờ mịt bên trong; họ phải đánh thức kiến thức này và ý thức đầy đủ về nó bằng phương pháp đặt câu hỏi biện chứng của ông. Khổng Tử đã nghiên cứu các phong tục cổ xưa của dân tộc mình, những phong tục cho đến nay vẫn được coi là đương nhiên và vẫn chưa được kiểm chứng. Giờ đây, các giá trị mà họ gìn giữ phải được nuôi dưỡng một cách có ý thức để khôi phục lại vẻ rạng rỡ ban đầu. Khổng Tử muốn đưa ra những ý tưởng rõ ràng mà trước đây chỉ đơn thuần là trực giác, và đưa những hàm ý khó hiểu, hoặc hiểu nửa vời thành ngôn ngữ rõ ràng. Con người phải nghiên cứu bản thân, phân tích những nguyên nhân thất bại và nhờ đó tìm ra vẻ đẹp và trật tự trên thế giới không bị sự thật phũ phàng về cái chết làm trở nên vô nghĩa. Các nhà hiền triết của Thời đại Trục đã xem xét kỹ lưỡng thần thoại cũ và diễn giải lại nó, mang lại cho những sự thật cũ một khía cạnh đạo đức cơ bản. Đạo đức đã trở thành trung tâm của tôn giáo. Chính nhờ đạo đức, chứ không phải phép thuật, mà nhân loại sẽ thức tỉnh chính mình và trách nhiệm của mình, nhận ra tiềm năng đầy đủ của mình và tìm thấy sự giải thoát khỏi bóng tối bao trùm mọi phía. Các nhà hiền triết có ý thức về quá khứ và tin rằng thế giới đã trở nên tồi tệ vì các ông và các bà đã quên mất những nguyên tắc cơ bản của sự tồn tại. Tất cả đều tin rằng có một thực tại tuyệt đối vượt lên trên những mê lầm của thế gian này—Thượng Đế, Niết Bàn, Đạo, Đại Ngã—và tìm cách hòa nhập nó vào các điều kiện của cuộc sống hàng ngày.
Cuối cùng, thay vì ôm một sự thật bí mật cho riêng mình như người Bà-la-môn đã làm, các nhà hiền triết Thời đại Trục đã tìm cách truyền bá nó ra nước ngoài. Các nhà tiên tri của Y-sơ-ra-ên đã nói chuyện với dân chúng bằng những bài giảng say mê và những cử chỉ hùng hồn. Socrates đặt câu hỏi cho tất cả những ai ông gặp. Khổng Tử đã đi khắp nơi trong nỗ lực cải tạo xã hội, dạy dỗ người nghèo thấp kém cũng như giới quý tộc. Những nhà hiền triết này đã quyết tâm đưa học thuyết của họ vào thử nghiệm. Kinh điển không còn là tài sản riêng của giai cấp giáo sĩ, đã trở thành một cách truyền đạt đức tin mới cho đám đông. Nghiên cứu và tranh luận trở thành hoạt động tôn giáo quan trọng. Không còn sự chấp nhận hiện trạng một cách mù quáng và không có sự trung thành tự động đối với các ý tưởng tiếp nhận. Sự thật phải được biến thành hiện thực trong cuộc sống của những người đấu tranh để đạt được nó. Chúng ta sẽ thấy Cồ-đàm đã phản ánh chặt chẽ các giá trị của Thời đại Trục như thế nào, và cách Ngài đã sử dụng tài năng đặc biệt của mình để giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan của con người.
Tuy nhiên, sự chuyển hóa của Thời đại Trục đã bắt đầu diễn ra ở Ấn Độ, khi Ngài rời nhà ở Ka-tỳ-la-vệ ra đi. Các nhà sử học và học giả lưu ý rằng tất cả những hệ tư tưởng đổi mới này đều được tạo ra trong bối cảnh thị trường, nơi đã giành được vị trí trung tâm mới vào thế kỷ thứ sáu TCN Quyền lực đang được chuyển từ mối quan hệ đối tác cũ của Vua và Đền thờ sang tay các thương gia, những người đang phát triển một loại hình kinh tế khác.
Những thay đổi xã hội này chắc chắn đã góp phần vào cuộc cách mạng tinh thần, ngay cả khi họ không thể giải thích nó một cách đầy đủ. Nền kinh tế thị trường cũng làm suy yếu hiện trạng: các thương nhân không ngoan ngoãn phục tùng các giáo sĩ và tầng lớp quý tộc. Họ phải dựa vào chính mình và sẵn sàng trở nên khe khắt trong kinh doanh. Một tầng lớp đô thị mới đang hình thành, và nó mạnh mẽ, năng nổ, đầy tham vọng và quyết tâm nắm lấy vận mệnh của mình. Nó rõ ràng phù hợp với các đặc tính tinh thần mới xuất hiện. Đồng bằng xung quanh sông Hằng ở Bắc Ấn Độ, giống như các vùng Trục khác, đã trải qua quá trình chuyển đổi kinh tế này trong thời của Cồ-đàm. Đến thế kỷ thứ sáu, xã hội nông thôn cơ bản vốn đã được thiết lập từ lâu bởi những kẻ xâm lược Aryan đã được biến đổi bởi công nghệ thời đại đồ sắt mới, cho phép nông dân phát quang những khu rừng rậm rạp và do đó mở ra những vùng đất mới để canh tác. Những người định cư đổ vào khu vực này, nơi trở nên đông dân cư và năng suất tăng cao. Các du khách đã mô tả về trái cây phong phú, gạo, ngũ cốc, vừng, kê, lúa mì, và lúa mạch đã mang lại cho người dân địa phương sản lượng vượt quá nhu cầu của họ và họ có thể trao đổi. Đồng bằng sông Hằng trở thành trung tâm của nền văn minh Ấn Độ; chúng ta nghe rất ít về những vùng khác của tiểu lục địa trong thời Cồ-đàm còn sống. Sáu thành phố lớn trở thành trung tâm thương mại và công nghiệp: Savatthi,
Saketa, Kosambi, Varanasi, Rajagaha và Champa, và được liên kết bởi các tuyến đường thương mại mới. Các thành phố là những nơi thú vị: đường phố của chúng đông đúc với xe ngựa màu sắc rực rỡ, những thớt voi khổng lồ chở hàng hóa đến và đi từ những vùng đất xa xôi, và không thiếu cờ bạc, nhà hát, khiêu vũ, mại dâm và quán rượu ồn ào, phần lớn khiến dân làng gần đó bị sốc. Các thương nhân từ mọi miền của Ấn Độ và từ mọi giai cấp tụ tập quanh chợ, tham gia vào những cuộc thảo luận sôi nổi về những ý tưởng triết học mới trên đường phố, tòa thị chính và các công viên sang trọng ở ngoại ô. Thành phố bị thống trị bởi những người mới – thương nhân, doanh nhân và chủ ngân hàng – những người không còn dễ dàng thích nghi với hệ thống đẳng cấp cũ và bắt đầu thách thức các bà la môn và ksatriya. Tất cả điều này rất đáng lo ngại nhưng lại tiếp thêm sinh lực. Cư dân thành thị cảm thấy mình đang ở đỉnh cao của sự thay đổi.
Đời sống chính trị của khu vực cũng đã được thay đổi. Lưu vực sông Hằng ban đầu được cai trị bởi một số vương quốc nhỏ và bởi một số vùng lãnh thổ gọi là cộng hòa thực sự là các đầu sỏ chính trị, dựa trên thể chế của các thị tộc và bộ lạc cũ. Cồ-đàm sinh ra ở Sakka, cực bắc của các nước cộng hòa này, và thân phụ Ngài Tịnh Phạn (Suddhodana) ắt hẳn là một thành viên của Hội đồng Quý tộc cai quản các thị tộc Sakyan (Thích Ca) và gia đình của họ. Tộc Thích Ca nổi tiếng tự hào và độc lập. Lãnh thổ của họ xa xôi đến nỗi văn hóa Aryan chưa bao giờ bén rễ ở đó và họ không có hệ thống đẳng cấp. Nhưng thời gian đã thay đổi. Ka-tỳ-la-vệ, thủ đô của Sakka, giờ đây là một trạm giao dịch quan trọng trên một trong những tuyến đường buôn bán mới. Thế giới bên ngoài đã bắt đầu xâm chiếm nền cộng hòa, nền cộng hòa đang dần dần bị kéo vào dòng chính. Giống như các nước cộng hòa khác Malla, Koliya, Videha, Naya và Vajji ở phía đông của khu vực, Sakka cảm thấy bị đe dọa bởi hai chế độ quân chủ mới là Kosala và Magadha (Ma-kiệt-đà), những quốc gia này đang hung hăng và kiên quyết đưa các quốc gia yếu hơn và lỗi thời hơn vào vương quốc của mình. Đồng bằng Sông Hằng nằm dưới sự kiểm soát của họ.
Kosala và Magadha được điều hành hiệu quả hơn nhiều so với các nước cộng hòa cũ, nơi thường xuyên xảy ra đấu đá nội bộ và nội chiến. Những vương quốc hiện đại này có bộ máy hành chính và quân đội được sắp xếp hợp lý, chỉ tuyên bố trung thành với nhà vua, thay vì với bộ tộc. Điều này có nghĩa là mỗi vị vua có một cỗ máy chiến tranh riêng để tùy nghi sử dụng, giúp ông ta có quyền áp đặt trật tự trên lãnh thổ của mình và chinh phục lãnh thổ láng giềng. Những vị vua hiện đại này cũng có thể giám sát các tuyến đường thương mại mới một cách hiệu quả, và điều này làm hài lòng các thương nhân mà nền kinh tế của các vương quốc phụ thuộc vào. Khu vực này được hưởng một sự ổn định mới, nhưng phải trả giá. Nhiều cuộc sống đã bị xáo trộn bởi bạo lực và sự tàn nhẫn của xã hội mới, nơi các vị vua có thể áp đặt ý chí của họ lên người dân, nơi nền kinh tế được thúc đẩy bởi lòng tham, và nơi các chủ ngân hàng và thương gia, bị nhốt trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, làm mồi cho nhau. Những giá trị truyền thống dường như đang sụp đổ, một lối sống quen thuộc đang biến mất, và trật tự đang thay thế chỗ của nó thật đáng sợ và xa lạ. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người cảm thấy cuộc sống là dukkha, một từ thường được dịch là “khổ đau”, nhưng ý nghĩa của nó được chuyển tải tốt hơn bằng các thuật ngữ như “không như ý”, “thiếu sót” và “tồi tệ”.
Trong xã hội đang thay đổi này, tôn giáo Aryan cổ xưa của những người Bà-la-môn dường như ngày càng lạc lõng. Các nghi lễ cũ phù hợp với một cộng đồng nông thôn định cư, nhưng bắt đầu có vẻ rườm rà và cổ hũ trong thế giới năng động hơn của các thành phố. Các thương gia thường xuyên đi lại trên đường và không thể giữ cho ngọn lửa thiêng cháy, họ cũng không thể tuân theo những ngày uposatha. Vì những con người mới này ngày càng ít thích nghi với hệ thống đẳng cấp, nhiều người trong số họ cảm thấy rằng mình bị đẩy vào khoảng trống tinh thần. Hiến tế động vật có ý nghĩa khi chăn nuôi gia súc là cơ sở của nền kinh tế, nhưng các vương quốc mới phụ thuộc vào cây trồng nông nghiệp. Gia súc đang trở nên khan hiếm và sự hiến tế dường như là lãng phí và tàn nhẫn—quá gợi nhớ đến bạo lực mà bây giờ là đặc trưng
của đời sống công cộng. Vào thời điểm mà các cộng đồng đô thị bị thống trị bởi những người đàn ông tự lập, vốn chỉ dựa vào sức mình, mọi người ngày càng phẫn nộ trước sự thống trị của giới Bà-la-môn và muốn tự kiểm soát vận mệnh tinh thần của chính họ. Hơn nữa, sự hiến tế đã không mang lại kết quả. Người Bà-la-môn xác nhận rằng việc thực hành nghi lễ (nghiệp) này sẽ mang lại cho con người của cải và thành công về mặt vật chất trong thế giới này, nhưng những lời hứa hẹn này thường không thành hiện thực. Trong môi trường kinh tế mới, người dân ở các thành phố muốn tập trung vào nghiệp nào sẽ mang lại một khoản đầu tư tốt đẹp hơn.
Các chế độ quân chủ hiện đại và các thành phố, bị chi phối bởi nền kinh tế thị trường, đã khiến các dân tộc ở khu vực sông Hằng có ý thức cao về tốc độ thay đổi. Cư dân thành thị có thể tự mình thấy rằng xã hội của họ đang chuyển biến nhanh chóng; họ có thể đo lường tiến độ của nó và đang trải nghiệm một lối sống rất khác với nhịp điệu lặp đi lặp lại của cộng đồng nông thôn, dựa trên các mùa màng và nơi mọi người làm những việc giống nhau năm này qua năm khác. Ở các thị trấn, người ta bắt đầu nhận ra rằng những hành động (nghiệp) của họ có những hậu quả lâu dài, mà bản thân họ có thể không trải qua nhưng họ có thể thấy được sẽ ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai. Học thuyết tái sinh, có nguồn gốc khá gần đây, phù hợp với thế giới này tốt hơn nhiều đức tin Vệ Đà cũ. Thuyết nghiệp báo cho rằng chúng ta không có ai để đổ lỗi cho số phận của mình ngoài chính chúng ta và rằng những hành động của chúng ta sẽ vang dội trong một tương lai rất xa. Đúng là nghiệp không thể giải thoát con người khỏi vòng sinh tử khổ đau, nhưng thiện nghiệp sẽ mang lại quả báo có giá trị vì nó đảm bảo một kiếp sau thú vị hơn. Một vài thế hệ trước đó, học thuyết tái sinh là một học thuyết gây nhiều tranh cãi, chỉ được một số ít người ưu tú biết đến. Nhưng đến thời Cồ-đàm, khi người ta đã ý thức về nhân quả theo một cách hoàn toàn mới, thì mọi người đều tin vào nó – ngay cả chính những người Bà-la-môn.
Nhưng cũng như ở các quốc gia Trục khác, người dân miền bắc Ấn Độ đã bắt đầu thử nghiệm các ý tưởng và thực hành tôn giáo khác dường như phát biểu trực tiếp hơn đến các điều kiện đã thay đổi của họ. Không lâu trước khi Cồ-đàm ra đời, một nhóm các nhà hiền triết ở các vùng phía tây của đồng bằng sông Hằng đã tổ chức một cuộc nổi loạn bí mật chống lại đức tin Vệ đà cũ. Họ bắt đầu tạo ra một loạt các văn bản được bí mật truyền từ thầy sang trò. Những kinh sách mới này được gọi là Upanisads (Áo nghĩa thư), một tiêu đề nhấn mạnh đến bản chất bí truyền của học thuyết cách mạng này, vì nó có nguồn gốc từ tiếng Phạn apa-ni-sad (ngồi gần). Upanisad bề ngoài dựa trên kinh Vệ Đà cũ, nhưng đã diễn giải lại chúng, mang lại cho chúng ý nghĩa tâm linh và nội tâm hóa hơn; sự kiện này đánh dấu sự khởi đầu của truyền thống ngày nay được gọi là Ấn Độ giáo, một tôn giáo lớn khác được hình thành trong Thời đại Trục. Mục tiêu của cuộc tìm kiếm tâm linh của các nhà hiền triết là thực tại tuyệt đối của brahman, bản chất vô ngã của vũ trụ và nguồn gốc của mọi thứ tồn tại. Nhưng brahman không chỉ đơn giản là một thực tại xa vời và siêu việt; nó cũng là một hiện diện nội tại tràn ngập mọi vật sống và thở. Trên thực tế, nhờ các nguyên tắc của Upanisad, người hành lễ sẽ nhận thấy rằng brahman hiện diện trong cốt lõi của con người anh ta. Sự cứu rỗi không nằm ở sự hiến tế động vật, như những người Bà-la-môn đã dạy, mà ở sự nhận thức tâm linh rằng brahman, thực tại vĩnh cửu, tuyệt đối cao hơn cả các vị thần, đồng nhất với Bản ngã sâu thẳm nhất của chính con người (atman).
Ý tưởng về một Ngã vĩnh cửu và tuyệt đối sẽ khiến Cồ-đàm băn khoăn rất nhiều, như chúng ta sẽ thấy. Đó là một nội quán rất đáng chú ý. Tin rằng Bản ngã sâu thẳm nhất của một người đồng nhất với brahman, thực tại tối cao, là một hành động đáng kinh ngạc của niềm tin vào tiềm năng thiêng liêng của nhân loại. Cách diễn đạt cổ điển của học thuyết này được tìm thấy trong Chandogya Upanisad thời kỳ đầu. Bà-la-môn Uddalaka muốn chỉ cho con trai mình là Svetaketu, người tự hào về kiến thức của mình về kinh Vệ Đà, những hạn chế của tôn giáo cũ. Ông ta yêu cầu Svetaketu hòa tan một cục muối trong cốc nước. Sáng hôm sau, muối dường như đã biến mất, nhưng, tất nhiên, khi Svetaketu nhấp một ngụm nước, anh ấy thấy rằng muối đã thấm vào toàn bộ cốc nước, mặc dù không thể nhìn thấy muối. Uddalaka giải thích rằng điều này cũng giống như brahman; bạn không thể nhìn thấy Nó nhưng Nó vẫn ở đó. “Toàn bộ vũ trụ đều có bản chất đầu tiên này (brahman) là Bản ngã của nó (atman). Đó là những gì Bản ngã là; đó là những gì con là, Svetaketu!” Điều này thực sự thách thức; một khi bạn hiểu rằng Đấng Tuyệt đối ở trong mọi thứ, kể cả bản thân bạn, thì không cần gì đến giới tu sĩ ưu tú. Mọi người có thể tìm thấy điều tối thượng cho chính họ, mà không cần những hiến tế tàn nhẫn, vô nghĩa, trong chính con người họ.
Nhưng các nhà hiền triết của Upanisad không đơn độc trong việc bác bỏ niềm tin cũ của người Bà-la-môn. Ở vùng phía đông sông Hằng, hầu hết các nhà sư và nhà tu khổ hạnh sống trong rừng đều không quen thuộc với tinh thần của Upanisad, vốn vẫn là một đức tin bí truyền ngầm tập trung ở vùng đồng bằng phía tây. Tuy nhiên, một số ý tưởng mới đã bị rò rỉ ở mức độ phổ biến. Không có cuộc nói chuyện nào ở phía đông sông Hằng về brahman, điều này chưa bao giờ được đề cập trong kinh điển Phật giáo, nhưng một phiên bản dân gian của nguyên tắc tối cao này đã trở nên phổ biến trong sự sùng bái vị thần mới Brahma (Phạm Thiên), được cho là ngự ở nơi tầng trời cao nhất. Cồ-đàm dường như không nghe nói về brahman, nhưng Ngài biết về Phạm thiên, như chúng ta sẽ thấy, sẽ đóng một vai trò trong cuộc đời Cồ-đàm. Khi Cồ-đàm rời Ka-tỳ-la-vệ, Ngài hướng đến vùng phía đông này, rong ruổi suốt phần đời còn lại của mình ở các vương quốc mới Kosala và Magadha và ở các nước cộng hòa cũ lân cận. Ở đây, sự từ chối tinh thần đối với các truyền thống Aryan cổ đại đã có một bước ngoặt thực tế hơn. Mọi người ít quan tâm đến suy đoán siêu hình về bản chất của thực tại tối hậu và quan tâm nhiều hơn đến sự giải thoát cá nhân. Các tu sĩ trong rừng có thể không quen biết với brahman siêu việt, nhưng họ khao khát được biết atman, Bản ngã tuyệt đối bên trong, và đang nghĩ ra nhiều cách khác nhau để tiếp cận nguyên tắc nội tại, vĩnh cửu này. Học thuyết về Bản ngã rất hấp dẫn bởi vì nó có nghĩa là sự giải thoát khỏi khổ đau của cuộc sống rõ ràng nằm trong tầm tay và không cần đến sự trung gian của thầy tu. Nó cũng phù hợp với chủ nghĩa cá nhân của xã hội mới và sự sùng bái tính tự lực của nó. Khi một nhà sư đã tìm thấy Con người thật của mình, vị ấy sẽ hiểu ở mức độ sâu sắc rằng đau đớn và cái chết không phải là lời cuối cùng về thân phận con người.
Nhưng làm thế nào một nhà sư có thể tìm thấy Bản ngã này và do đó đạt được sự giải thoát khỏi vòng luân hồi vô tận? Mặc dù cái Ngã được cho là ở trong mỗi người, nhưng các nhà sư đã phát hiện ra rằng rất khó để tìm thấy nó.
Tâm linh của khu vực phía đông sông Hằng mang tính dân túy hơn nhiều. Ở phương Tây, các
sĩ cũng được vinh danh là người nổi loạn. Giống như các nhà hiền triết Upanisad, các nhà sư đã bác bỏ đức tin Vệ Đà cũ một cách thách thức. Khi bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình, một người tìm đạo phải trải qua một nghi lễ được gọi là Pabbajja (“Tiến lên”): y đã trở thành một người thực sự bước ra khỏi xã hội Aryan. Nghi thức yêu cầu người xuất gia phải loại bỏ tất cả các dấu hiệu bên ngoài của đẳng cấp mình và ném các dụng cụ dùng để hiến tế vào lửa. Kể từ đó, y sẽ được gọi là Sannyasin (“Người Buông Bỏ ”), và chiếc áo choàng màu vàng của y trở thành biểu tượng cho cuộc nổi loạn của y. Cuối cùng, nhà sư mới nuốt ngọn lửa thiêng một cách nghi thức và tượng trưng, có lẽ như một cách để tuyên bố sự lựa chọn của mình về một tôn giáo nội tâm hơn. Y đã cố tình từ chối vị trí của mình trong thế giới cũ bằng cách từ chối cuộc sống của người chủ gia đình, vốn là xương sống của hệ thống: người đàn ông đã kết hôn giữ cho nền kinh tế hoạt động, tạo ra thế hệ tiếp theo, trả giá cho những hy sinh quan trọng nhất và chăm sóc đời sống chính trị của xã hội. Tuy nhiên, các tu sĩ gạt bỏ những nhiệm vụ này và theo đuổi một sự tự do triệt để. Họ đã bỏ lại phía sau không gian có tổ ấm để lấy những khu rừng còn nguyên sơ; họ không còn phải chịu sự ràng buộc của giai cấp, không còn bị cản trở khỏi bất kỳ hoạt động nào do số phận đặt để từ lúc sinh ra Giống như thương nhân, họ đi lại khắp nơi và có thể lang thang khắp thế gian theo ý muốn, không chịu trách nhiệm với ai ngoài chính mình. Do đó, giống như các thương nhân, họ là những con người mới của thời đại, những người có toàn bộ lối sống thể hiện ý thức chủ nghĩa cá nhân cao độ đặc trưng cho thời kỳ đó.
Do đó, khi xuất gia, Cồ-đàm không từ bỏ thế gian hiện đại để theo đuổi một lối sống truyền thống hơn hoặc thậm chí cổ xưa hơn (như các nhà sư ngày nay thường được cho là đang làm thế khi xuất gia), mà là người đi tiên phong trong cuộc thay đổi. Tuy nhiên, gia đình Ngài khó có thể chia sẻ quan điểm này. Cộng hòa Sakka bị cô lập đến mức bị cắt đứt khỏi xã hội đang phát triển ở đồng bằng sông Hằng bên dưới và, như chúng ta đã thấy, thậm chí còn không đồng hóa được các đặc tính của Vệ đà. Những ý tưởng mới dường như xa lạ với hầu hết người dòng Sakyan (Thích Ca). Tuy nhiên, tin tức về cuộc nổi dậy của các tu sĩ trong rừng rõ ràng đã đến nước cộng hòa và khiến chàng Cồ-đàm trẻ tuổi bị kích động. Như chúng ta đã thấy, kinh điển Pāli kể rất ngắn gọn về quyết định xuất gia của Ngài, nhưng có một câu chuyện khác chi tiết hơn về việc xuất gia của Cồ-đàm, điều này làm nổi bật ý nghĩa sâu sắc hơn của Pabbajja (Xuất Gia). Nó chỉ được tìm thấy trong phần tiểu sử và bình luận được mở rộng sau này, chẳng hạn như Nidana Katha, có lẽ được viết vào thế kỷ thứ năm CN. Cho dù chúng ta chỉ tìm thấy câu chuyện này trong các tác phẩm Phật giáo sau này, nhưng nó cũng có thể có nguồn gốc lâu đời như các truyền thuyết Pali. Một số học giả tin rằng phiên bản tiểu sử muộn màng và liên tiếp này dựa trên một câu chuyện cổ được viết vào khoảng thời gian mà Kinh điển Pali hình thành lần cuối, khoảng một trăm năm sau khi Cồ-đàm nhập diệt. Các truyền thuyết Pali chắc chắn đã quen thuộc với câu chuyện này, nhưng họ cho rằng nó không phải của Cồ-đàm mà là của người tiền nhiệm của ông, Đức Phật Ty-bà-thi (Vipassi), người đã đạt được giác ngộ vào thời đại trước. Vì vậy, câu chuyện là một nguyên mẫu, áp dụng cho tất cả các vị Phật. Nó không cố gắng thách thức phiên bản Pali về việc Xuất Gia của Cồ-đàm, nó cũng không có ý định viết chính xác về mặt lịch sử theo thiển ý của chúng tôi. Thay vào đó, câu chuyện thần thoại phổ biến này, với sự can thiệp thần thánh và những sự kiện pháp thuật, biểu thị một cách giải thích khác về sự kiện quan trọng Pabbajja. Đây là điều mà tất cả chư Phật—Cồ-đàm cũng như Vipassi—phải làm khi bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình; thật vậy, tất cả những ai tìm kiếm sự giác ngộ đều phải trải qua trải nghiệm chuyển hóa này khi họ dấn thân vào hành trình tâm linh. Câu chuyện gần như là một mô hình tâm linh của Thời đại Trục. Nó cho thấy làm thế nào một con người trở nên có ý thức đầy đủ về tình trạng khó khăn của mình, theo cách mà các nhà hiền triết Thời đại Trục yêu cầu. Đó là chỉ là khi con người nhận thức được thực tế không thể tránh khỏi của nỗi khổ, y mới có thể bắt đầu trở thành con người hoàn thiện. Câu chuyện trong Nidana Katha mang tính biểu tượng và có tác động phổ quát, bởi vì những ai chưa thức tỉnh thường tìm cách phủ nhận sự khổ đau của cuộc sống và giả vờ rằng nó không liên quan gì đến mình. Sự phủ nhận như vậy không chỉ vô ích (vì không ai miễn nhiễm với nỗi đau và những sự thật này sẽ luôn xảy ra trong kiếp người), mà còn nguy hiểm, vì nó giam cầm con người trong một ảo tưởng ngăn cản sự phát triển tâm linh.
Vì vậy, kinh Nidana Katha kể cho chúng ta rằng khi cậu bé Sĩ-đạt-đa được năm ngày tuổi, thân phụ cậu là đã mời một trăm vị Bà-la-môn đến dự tiệc, nhờ họ kiểm tra cơ thể của cậu xem có những dấu hiệu nào có thể báo trước tương lai của cậu không. Tám vị Bà-la-môn kết luận rằng đứa trẻ có một tương lai huy hoàng: hoặc cậu sẽ trở thành một vị Phật, người đã đạt được sự giác ngộ tâm linh tối cao, hoặc một vị Đại Vương Cái Thế, một anh hùng truyền thuyết nổi tiếng, người được cho là sẽ thống trị toàn thế giới. Ông ta sở hữu một cỗ xe thần thánh đặc biệt; mỗi một bánh xe sẽ lăn theo hướng của một trong bốn phần tư trái đất. Vị Đại Vương này sẽ đi khắp các tầng trời với một đoàn tùy tùng đông đảo binh sĩ, và sẽ “chuyển Bánh xe Chính nghĩa”, thiết lập công lý và lẽ sống trên khắp vũ trụ. Huyền thoại này rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi trào lưu vương quyền mới trong các vương triều Kosala và Magadha. Trong suốt cuộc đời của Cồ-đàm, Ngài sẽ phải đối mặt với định mệnh thay thế này. Hình ảnh của Thánh Vương Sư Tử Hống (cakkavatti) sẽ trở thành cái tôi khác mang tính biểu tượng của Ngài, đối lập với mọi thứ mà Ngài cuối cùng đã đạt được. Cakkavatti có thể hùng tráng và địa vị này thậm chí có thể mang lại lợi lộc cho thế gian, nhưng khi đó Ngài không phải là một bậc giác ngộ tâm linh, vì sự nghiệp của Ngài hoàn toàn dựa vào sức mạnh. Một trong những vị Bà la môn, tên là Kondanna, tin chắc rằng cậu bé Sĩ-đạt-đa sẽ không bao giờ trở thành một cakkavatti. Thay vào đó, cậu sẽ từ bỏ cuộc sống nhung gấm của một gia chủ và trở thành một vị Phật, người sẽ vượt qua sự vô minh và điên rồ của thế gian
Tịnh Phạn không hài lòng về lời tiên tri này. Ông quyết tâm khiến con trai mình trở thành một cakkavatti, điều mà đối với ông dường như là một lựa chọn đáng mơ ước hơn nhiều so với cuộc sống của một nhà tu khổ hạnh từ bỏ thế gian. Kondanna đã nói với ông rằng một ngày kia Sĩ-đạt-đa sẽ nhìn thấy bốn cảnh tượng – một ông già, một người bệnh, một xác chết và một nhà sư – và điều này sẽ thuyết phục Ngài từ biệt gia đình và “Đi xuất gia”. Do đó, Tịnh Phạn quyết định bảo vệ con trai mình khỏi những cảnh tượng đáng lo ngại này: lính canh được bố trí xung quanh cung điện để ngăn chặn mọi thực tế đáng lo ngại, và cậu bé trở thành một tù nhân ảo, mặc dù cậu sống trong xa hoa và có một cuộc sống có vẻ hạnh phúc.
Cung điện khoái lạc của Cồ-đàm là một hình ảnh nổi bật của một cái tâm phủ nhận. Chừng nào chúng ta còn tiếp tục đóng cửa tâm trí và trái tim của mình trước nỗi đau phổ quát, bao quanh chúng ta từ mọi phía, thì chúng ta vẫn bị giam cầm trong một phiên bản chưa phát triển của chính mình, không có khả năng trưởng thành và hiểu biết sâu sắc về tâm linh. Chàng trai trẻ Sĩ-đạt-đa đang sống trong ảo tưởng, vì tầm nhìn của chàng về thế giới không trùng khớp với thực tế của mọi thứ. Tịnh Phạn là một ví dụ chính xác về loại nhân vật quyền lực mà truyền thống Phật giáo sau này sẽ lên án. Ông áp đặt quan điểm của mình lên con trai và không cho cậu tự quyết định. Kiểu ép buộc này chỉ có thể cản trở sự giác ngộ, vì nó gài bẫy một người vào một cái tôi không chân thực và ở trong trạng thái trẻ con, chưa được đánh thức.
Tuy nhiên, các vị thần đã quyết định can thiệp. Họ biết rằng mặc dù cha của Ngài từ chối chấp nhận, nhưng Cồ-đàm là một Bồ tát, một người đã được định sẵn để trở thành một vị Phật. Tất nhiên, các vị thần không thể tự mình dẫn dắt Cồ-đàm đến giác ngộ, vì họ cũng bị cuốn vào vòng luân hồi và cần một vị Phật dạy cho họ con đường tìm đến sự giải thoát một cách nhạy bén như bất kỳ người trần nào. Nhưng các vị thần có thể ban cho Bồ-tát một cú huých rất cần thiết. Khi Ngài hai mươi chín tuổi, họ quyết định rằng Ngài đã sống ở thiên đường của lão già ngốc nghếch này đủ lâu, vì vậy họ cử một người trong nhóm đến công viên giải trí, cải trang thành một ông lão yếu ớt, sử dụng phép thần thông qua khỏi các lính canh của Tịnh Phạn. Khi Cồ-đàm nhìn thấy ông lão hom hem này, lúc đang ngồi xe dạo chơi trong công viên, Ngài đã rất kinh hoàng và hỏi người đánh xe Channa (Xa-nặc), chuyện gì đã xảy ra với ông ta. Xa-nặc giải thích rằng đơn giản là ông lão đã già: tất cả những ai sống đủ lâu đều rơi vào tình trạng suy sụp như nhau. Cồ-đàm trở về cung điện trong tâm trạng vô cùng u ám.
Khi biết chuyện đã xảy ra, Tịnh Phạn tăng gấp đôi số lính canh và cố gắng làm sao nhãng con trai bằng những thú vui mới – nhưng vô ích. Trong hai dịp khác, chư thiên xuất hiện trước Cồ-đàm trong lốt một người bệnh nặng và một xác chết. Cuối cùng, Cồ-đàm và Xa-nặc lái xe ngang qua một vị thần mặc áo cà sa vàng của một nhà sư. Được thần linh cảm hóa, Xa-nặc nói với Cồ-đàm rằng đây là một người đã từ bỏ thế gian, và y tán dương đời sống khổ hạnh một cách cuồng nhiệt đến nỗi Cồ-đàm trở về nhà với tâm trạng vô cùng tư lự. Giữa khuya, Ngài thức dậy và chứng kiến bọn hát rong và nữ vũ công đã mua vui cho Ngài tối hôm đó đã ngủ quên. Xung quanh chiếc ghế dài, những cô gái xinh đẹp nằm ngổn ngang: “Một số cô thân thể lấm lem đờm dãi; một số thì nghiến răng, lẩm bẩm và nói mớ ú ớ trong giấc ngủ; số khác nằm há hốc mồm.” Một sự chuyển biến đã xảy ra trong quan điểm của Cồ-đàm về thế gian. Bây giờ Ngài đã nhận thức được sự khổ đau chực chờ mỗi một con người không có ngoại lệ, mọi thứ đều toát vẻ xấu xí – thậm chí là ghê tởm. Bức màn che giấu nỗi đau của cuộc đời đã bị xé toạc và vũ trụ dường như là một nhà tù của nỗi đau và sự vô nghĩa. “Thật ngột ngạt và nặng nề làm sao!” Cồ-đàm kêu lên. Ngài nhảy ra khỏi giường và quyết tâm “Ra đi” ngay trong đêm đó.
Việc cố gắng dập tắt nỗi khổ vốn là một phần không thể tránh khỏi của thân phận con người luôn luôn bị cám dỗ, nhưng một khi nó đã vượt qua những rào cản kiên cố mà chúng ta đã dựng lên để chống lại nó, thì chúng ta sẽ không bao giờ có thể nhìn thế giới theo cách cũ nữa. Cuộc sống dường như vô nghĩa, và một con người tiên phong của Thời đại Trục sẽ buộc phải thoát ra khỏi những khuôn mẫu cũ đã được chấp nhận và cố gắng tìm ra một cách thức mới để đối phó với nỗi đau này. Chỉ khi Ngài tìm thấy một thiên đường bình yên nội tâm thì cuộc sống mới có ý nghĩa và giá trị một lần nữa. Cồ-đàm đã để cảnh tượng đau khổ xâm chiếm cuộc đời mình và xé nát thế giới của mình. Ngài đã phá vỡ lớp vỏ cứng mà rất nhiều người trong chúng ta tự bọc lấy quanh mình để giữ nỗi buồn khổ cách xa ra. Nhưng một khi Ngài đã để cho đau khổ xâm nhập, nhiệm vụ của Ngài có thể bắt đầu. Trước khi rời khỏi cung điện, Ngài rón rén lên lầu để nhìn vợ con đang ngủ một lần cuối, nhưng không thể nói lời tạm biệt. Sau đó, Ngài lẻn ra khỏi cung điện, thắng yên ngựa Kanthaka (Kiền- trắc) và phi nhanh qua thành phố, với Xa-nặc bám vào đuôi ngựa trong một nỗ lực tuyệt vọng để ngăn cản Ngài ra đi. Chư thiên mở cổng thành để cho Ngài ra ngoài, và khi đến bên ngoài Ka-tỳ-la-vệ, Cồ-đàm cắt tóc và đắp y vàng. Sau đó, Ngài gửi Xa-nặc và Kiền-trắc trở về cung điện và, chúng ta được kể cho biết trong một truyền thuyết Phật giáo khác, chú ngựa Kiền-trắc chết vì vỡ tim, nhưng được tái sinh trên trời làm một vị thần, như một phần thưởng vị giác đã đóng góp vào thành tựu giác ngộ của Đức Phật.
Trước khi có thể bắt đầu cuộc hành trình của mình một cách nghiêm túc, Cồ-đàm phải trải qua một lần cám dỗ cuối cùng. Đột nhiên, Mara (Ma Vương), Chúa tể của thế gian, vị thần của tội lỗi, lòng tham và cái chết, xuất hiện đầy đe dọa trước mặt Ngài. “Đừng trở thành một nhà tu! Đừng từ bỏ thế gian!” Ma Vương cầu xin. Nếu Cồ-đàm nán lại nhà thêm một tuần nữa, Ngài sẽ trở thành một cakkavatti và thống trị toàn thế giới. Hãy nghĩ những gì tốt Ngài ấy có thể làm! Ngài ấy có thể chấm dứt cảnh ngộ đau khổ của dân chúng với chính quyền nhân từ của mình. Tuy nhiên, đây là một lựa chọn dễ dàng và là một ảo tưởng, bởi vì nỗi đau không bao giờ có thể chế ngự được bằng vũ lực. Đó là lời đề nghị của một chúng sinh chưa giác ngộ, và trong suốt cuộc đời của Cồ-đàm, Ma vương luôn nghĩ cách cản trở còn đường tinh tấn của Ngài và cám dỗ Ngài hạ thấp lý tưởng của mình. Đêm đó, Cồ-đàm có thể dễ dàng phớt lờ đề nghị của Ma Vương, nhưng vị ác thần giận dữ không chịu bỏ cuộc. “Ta sẽ tóm được ngươi,” ông ta lẩm bẩm với chính mình, “ngay khi ngươi nảy lên một ý nghĩ tham lam, ác độc hoặc xấu quấy.” Ông ta quanh quẩn đi theo Cồ-đàm “như một hiện thực tăm tối,” để gài bẫy Ngài trong một khoảnh khắc yếu lòng. Rất lâu sau khi Cồ-đàm đã đạt được giác ngộ tối thượng, Ngài vẫn phải đề phòng Ma vương, kẻ đại diện cho cái mà các nhà tâm lý học theo trường phái Jung, có lẽ, gọi là mặt tối của Ngài, mọi yếu tố vô thức trong tâm trí chống lại sự giải thoát của chúng ta. Giác ngộ không bao giờ là dễ dàng. Thật đáng sợ khi bỏ lại con người cũ của chúng ta, bởi vì đó là cách thức duy nhất chúng ta biết phải sống như thế nào. Ngay cả khi điều quen thuộc không làm ta vừa ý, chúng ta vẫn có xu hướng bám lấy nó vì chúng ta sợ điều chưa biết. Nhưng đời sống phạm hạnh mà Cồ-đàm đã thực hiện đòi hỏi Ngài phải bỏ lại đằng sau tất cả những gì Ngài yêu quý và tất cả những gì tạo nên nhân cách không thể tái sinh của Ngài. Ở mỗi lượt, Ngài phải đấu tranh với phần đó của chính mình (được tượng trưng bởi Ma Vương) bị thu nhỏ lại sau sự từ bỏ hoàn toàn bản thân này. Cồ-đàm đang tìm kiếm một cách sống hoàn toàn khác với tư cách là một con người, và để sinh ra con người mới này sẽ đòi hỏi một quá trình chuyển hóa khó khăn và lâu dài. Nó cũng đòi hỏi một kỹ năng phi thường, và Cồ-đàm lên đường tìm một vị thầy có thể hướng dẫn mình con đường dẫn đến Giác ngộ.