TRONG GIÁO THUYẾT PHẬT GIÁO
Thiện Phúc
TẠI GIA & XUẤT GIA BỒ TÁT TRONG GIÁO THUYẾT PHẬT GIÁO
Giọng đọc Việt
Trong giáo thuyết Phật giáo, Bồ Tát là một chúng sanh giác ngộ và nguyện chỉ đạt được đại giác một khi cứu độ hết thảy chúng sanh. Bồ Tát được xem như là một con người cũng với nghiệp của chính mình ở cõi đời này như những người khác, nhưng vị Bồ Tát bằng chính sự nỗ lực của mình, không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, tu tập theo phương pháp cụ thể và thực tế để vượt qua những xung đột bên trong chính mình bao gồm những nghiệp xấu và những khổ đau, cũng như những khủng hoảng bên ngoài như môi trường, tai họa... để có thể thay đổi trạng thái mất thăng bằng và để tất cả cùng sống với nhau trong một thế giới bình an, thịnh vượng và hạnh phúc. Bồ Tát Đạo dạy tu hành theo Lục độ Ba la mật để tự giác và giác tha (nhị lợi: tự lợi lợi tha). Mục đích chính là cứu độ chúng sanh và thành Phật quả. Vì mục đích của Bồ Tát thừa là đạt tới Phật tánh tối thượng. Nói cách khác, mục đích của một vị Bồ Tát là tự lợi, lợi tha, giác hạnh viên mãn; và thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.
Theo Phật giáo, Bồ Tát là người có ước vọng thành Phật và cũng là người hết lòng giúp đỡ người khác đạt được sự cứu độ. Những con người đầy lòng bi mẫn này được đề cao trong trường phái Đại Thừa; thật vậy, nét đặc trưng nổi bật nhất của Phật giáo Đại Thừa có thể là sự ủng hộ Bồ Tát Thừa như con đường giải thoát. Vị Bồ Tát đi theo con đường dài và gian khổ thường được mô tả có 10 giai đoạn (thập địa) và trải qua nhiều kiếp sống, cuối cùng vị này đạt được Phật quả. Bồ Tát không bao giờ được xem như là chư thiên hay thần thánh, hoặc một thực thể vĩnh viễn để thờ phượng. Nói về ý tưởng Bồ Tát, có lẽ đây chỉ là một tính chất tượng trưng của Phật pháp được các vị tổ sáng suốt tạo ra sau khi Đức Phật đã nhập diệt, nhằm thích ứng Phật giáo với những hoàn cảnh đặc biệt mà thôi. Khái niệm Bồ Tát đạo xuất hiện trong cả Phật giáo Nguyên Thủy lẫn Phật giáo Đại Thừa. Vì vậy ý tưởng Bồ Tát Đạo trong Phật giáo Đại Thừa không xa lạ với truyền thống Nguyên Thủy. Bồ Tát luôn tu tập theo “Bồ Đề Tâm,” “Lục Độ Ba La Mật,” “Tứ Nhiếp Pháp,” và “Tứ Vô Lượng Tâm.” Đặc biệt nhất là “Tứ Vô Lượng Tâm” vì bốn đức hạnh này không đứng riêng rẽ hoặc rời rạc nhau, trong đó lòng “Bi” có thể được coi là trung tâm, vì “Bi” là nền tảng của “Từ” tượng trưng cho tình thương, sự kính trọng và lòng quan tâm đến chúng sanh mọi loài.
Đối với Phật tử, mỗi Đức Phật đều đã từng nguyện làm một Bồ Tát trong một thời gian lâu dài trước khi giác ngộ. Nhưng tại sao Bồ Tát lại nguyện như vậy? Tại sao Ngài lại muốn đảm nhận một công việc không có ngằn mé như vậy? Vì lợi ích cho những kẻ khác, vì Ngài muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi cơn đại hồng thủy của khổ đau phiền não. Nhưng rồi đâu là lợi ích cá nhân mà Ngài tìm thấy trong lợi ích của chúng sanh? Đối với một vị Bồ Tát, lợi ích của chúng sanh chính là lợi ích cá nhân của Ngài, bởi vì Ngài muốn như vậy. Ai có thể tin được điều đó? Thực tình chỉ có những kẻ khô cạn hết lòng thương, những kẻ chỉ nghĩ đến mình, thì thấy khó tin được lòng vị tha của Bồ Tát. Nhưng những người có từ tâm thì có thể tin nó một cách dễ dàng. Nói tóm lại, Bồ Tát là một bậc giác giả trong hàng các chúng sanh. Vị ấy thường lập nguyện đem sự giác ngộ và trí tuệ mà mình đã mở bày ra nhằm giác ngộ tất cả các chúng sanh khác. Công việc của một vị Bồ Tát không dễ chút nào cả. Tuy không hy hữu như một vị Phật, nhưng cũng thật khó để có một vị Bồ Tát thị hiện và cũng thật khó cho phàm phu (người thường) gặp được một vị Bồ Tát thật.
Bài viết có tựa đề “Tại Gia & Xuất Gia Bồ Tát” này không phải là một nghiên cứu thâm sâu về giáo lý nhà Phật, mà nó chỉ đơn thuần vạch ra hạnh nguyện và con đường tu tập của chư Bồ Tát cho hai chúng Phật tử tại gia và xuất gia chúng ta noi theo. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng mục đích của người tu Phật là tự giác, nghĩa là tự giác hay tự quán sát bằng cái trí của chính mình chứ không dựa vào kẻ khác; giác tha (sau khi tự mình đã giác ngộ lại thuyết pháp để giác ngộ cho người khác, khiến họ được khai ngộ và giúp họ rời bỏ mọi mê lầm và khổ não trong vòng luân hồi) rồi cuối cùng mới đi đến giác hạnh viên mãn, thoát ra khỏi vòng luân hồi sanh tử, đó chính là Niết Bàn đạt được ngay trong kiếp này. Cuộc hành trình từ người lên Phật còn đòi hỏi nhiều cố gắng và hiểu biết liên tục. Chính vì thế mà mặc dù hiện tại đã có quá nhiều bài viết về Phật giáo, tôi cũng mạo muội biên soạn bài viết ngắn có nhan đề “Tại Gia & Xuất Gia Bồ Tát” song ngữ Việt Anh nhằm phổ biến giáo lý nhà Phật cho Phật tử ở mọi trình độ, đặc biệt là những người sơ cơ. Những mong sự đóng góp nhoi nầy sẽ mang lại lợi lạc cho những ai mong cầu có được cuộc sống an bình, tỉnh thức và hạnh phúc.
(A) Sơ Lược Về Bồ Tát
Trong Giáo Thuyết Phật Giáo
I. Nguồn Gốc Của Lý Tưởng Bồ Tát:
Đạo Phật không bao giờ tự tách mình ra khỏi đời sống thế tục. Ngược lại, Đức Phật luôn nhắc nhở tứ chúng, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, ưu bà tắc và ưu bà di, luôn sống đời cao đẹp đúng nghĩa nhất, luôn thụ hưởng những phần lợi lạc nhất trong đời. Tuy nhiên, những phần lợi lạc trong đời sống theo đạo Phật không nên được hiểu là khoái lạc vật chất, mà là hạnh phúc thanh thản và an vui trong tinh thần. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng quả thật chúng ta phải nghiên cứu giáo lý nhà Phật, nhưng việc chính yếu ở đây là chúng ta phải hằng sống với những giáo lý ấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Làm được như vậy, chúng ta đang thực sự là đệ tử của đạo Phật sống, ví bằng ngược lại, chúng ta chỉ ôm cái xác của đạo Phật chết mà thôi. Theo Kinh Hoa Nghiêm, có hai sắc thái của đời sống Phật tử. Mọi người đều hy vọng rằng một ngày nào đó những ước nguyện của họ sẽ được thành tựu. Hy vọng tự nó không có gì sai trái vì hy vọng giúp con người cố gắng vươn lên tới những hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Đối với người Phật tử, một cuộc sống xứng đáng, theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, không phải là chỉ trải qua một cuộc sống bình an, tỉnh lặng mà chính là sự sáng tạo một cái gì tốt đẹp. Khi một người nỗ lực trở thành một người tốt hơn do tu tập thì sự tận lực này là sự sáng tạo về điều tốt. Khi người ấy làm điều gì lợi ích của người khác thì đây là sự sáng tạo một tiêu chuẩn cao hơn của sự thiện lành. Các nghệ thuật là sự sáng tạo về cái đẹp, và tất cả các nghiệp vụ lương thiện đều là sự sáng tạo nhiều loại năng lực có ích lợi cho xã hội. Sự sáng tạo chắc chắn cũng mang theo với nó sự đau khổ, khó khăn. Tuy nhiên, người ta nhận thấy cuộc đời đáng sống khi người ta nỗ lực vì điều gì thiện lành. Một người nỗ lực để trở nên một người tốt hơn một chút và làm lợi ích cho người khác nhiều hơn một chút, nhờ sự nỗ lực tích cực như thế chúng ta có thể cảm thấy niềm vui sâu xa trong đời người.
Chính vì vậy mà khoảng 200 hay 300 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, một lý tưởng Phật giáo mới bắt đầu vươn lên. Không hài lòng với mục đích giới hạn của một vị A La Hán, cách nhìn mới này nhấn mạnh đến một vị Bồ Tát như là nguyện vọng cao nhất cho tất cả mọi người. Bồ Tát là người có ước vọng thành Phật và cũng là người hết lòng giúp đỡ người khác đạt được sự cứu độ. Những con người đầy lòng bi mẫn này được đề cao trong trường phái Đại Thừa; thật vậy, nét đặc trưng nổi bật nhất của Phật giáo Đại Thừa có thể là sự ủng hộ Bồ Tát Thừa như con đường giải thoát. Vị Bồ Tát đi theo con đường dài và gian khổ thường được mô tả có 10 giai đoạn (thập địa) và trải qua nhiều kiếp sống, cuối cùng vị này đạt được Phật quả. Như vậy Đại Thừa có thể coi như là một trường phái của các vị Bồ Tát, ở những giai đoạn khác nhau trên con đường, như là sự can thiệp vào cuộc sống của con người. Ví dụ, một vị Bồ Tát có thể tạo nên “những vùng đất Phật” mà con người có thể ước nguyện được tái sinh nhờ lòng thành mộ đạo và đức tin chính trực. Khái niệm Bồ Tát có khi được kết hợp với giáo lý “Tam Thân” của Đức Phật. Thuyết này cho rằng hình thức tối cao của tính Phật là bản chất thật của vạn vật, là Pháp Thân. Pháp thân được thể hiện bằng cách tiến đến hai thân khác: Thân Hưởng Thụ, một hình thức vi tế mà những người tiến bộ trên con đường mới có thể nhận thức, và “Biến Thân,” một hình thức vật lý rõ ràng đối với tất cả mọi người. Theo sự sắp xếp này, Đức Cồ Đàm chỉ là một sự Biến Thân của Tính Phật tối cao. Những vị Bồ Tát khác, những Hưởng Thụ Thân có thể truyền dạy giáo pháp và xen ở giữa sự biến thân và hiện thân. Các vị Bồ Tát quan trọng của của Đại Thừa gồm có Quán Thế Âm, Văn Thù Sư Lợi, người hiện thân của trí tuệ tối cao và thường được tượng trưng cầm một thanh gươm, ngài dùng nó để phá vỡ bức màn vô minh; Bồ Tát Di Lặc hay Từ Thị, sẽ là vị Phật trong tương lai, sau khi đạt thành Phật quả, ngài sẽ chuyển Biến Thân để truyền bá giáo pháp ở thế gian. Một số vị thầy cao cả khác đôi khi được xem như các vị Bồ Tát, hay sự tái sanh của họ. Một trong những vị này là ngài Long Thọ, ngài là viện trưởng viện Đại Học Na Lan Đà vào thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch. Long Thọ được xem như là người sáng lập ra tông phái Trung Quán, một trường phái triết học Phật giáo hoạt động trong nền Phật giáo Ấn Độ. Trường phái Trung Quán có ảnh hưởng lớn lao đến một vài truyền thống Phật giáo ở Nhật, chẳng hạn như Thiền tông, và ngày nay nó vẫn còn hưng thịnh ở Tây Tạng.
Trong ngôn ngữ Tây Tạng, danh từ Bồ Tát được dịch là “Đấng Trượng Phu.” Phẩm chất trượng phu của một vị Bồ Tát được nêu ra trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa như sau: “Giả sử có một đấng trượng phu với những thành tựu vĩ đại ra khỏi nhà với cha, mẹ, các con trai, và các con gái. Rồi gặp phải trạng huống đi lạc vào một cánh rừng hoang bao la. Người thiếu khôn ngoan trong nhóm họ sẽ hoảng sợ kinh khiếp. Nhưng người anh hùng nói với họ là đừng sợ hãi ‘Đừng sợ! Tôi sắp đưa các người ra khỏi cánh rừng hoang kinh khủng này một cách yên ổn.’ Vì không sợ hãi, dũng mãnh, dịu dàng rất mực, bi mẫn, can trường và đầy sức mạnh, ý nghĩ tìm cách ra khỏi rừng một mình và bỏ lại những người thân không bao giờ có với vị ấy. Trái lại với A La Hán, Phật giáo Đại Thừa chủ trương rằng chúng ta phải mang tất cả chúng sanh để cùng đi với chúng ta trên đường giác ngộ, chúng ta không được bỏ rơi chúng sanh, vì tất cả chúng sanh cũng gần chúng ta như những người thân của chúng ta vậy. Cái mà một người nên làm là không nên phân biệt giữa mình và những người khác, và phải giúp đỡ cho người khác vào Niết Bàn trước khi tự mình đi vào trong đó. Như vậy Phật giáo Đại Thừa cho rằng A La Hán có mục đích chưa đủ cao. Theo Phật giáo Đại Thừa, một con người lý tưởng, mục đích nỗ lực của Phật tử không phải là trở thành một vị A La Hán tự kỷ, lạnh lùng với đầu óc hẹp hòi, mà phải là một vị Bồ Tát có lòng bi mẫn, vị từ bỏ trần tục, nhưng không bỏ rơi chúng sanh ở đó. Với vị A La Hán thì trí tuệ được dạy là đức tính cao cả nhất, và từ bi chỉ là đức tính phụ mà thôi; nhưng với một vị Bồ Tát, từ bi đã vươn lên ngang hàng với trí tuệ. Trong khi trí tuệ của một vị A La Hán mang lại thành quả giải thoát cho chính vị ấy, nhưng lại khô cằn trên phương diện và trong phương tiện giúp đỡ người khác. Bồ Tát là người không những tự giải thoát, nhưng còn khéo léo trong cách mang lại mầm mống tiềm ẩn của chủng tử Bồ Đề nơi người khác nữa. Theo Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, Đức Phật dạy: “Người làm những việc khó làm là chư Bồ Tát, những đấng trượng phu đã đạt giác ngộ tối thượng. Chư vị không muốn đạt Niết Bàn. Ngược lại, chư vị lại chịu kinh qua những khổ đau vô vàn của trần thế mà không kinh sợ trước sanh tử. Chư vị lên đường vì lợi lạc và an vui của trần thế, vì thương xót trần thế. Chư vị thệ nguyện: ‘Chúng tôi quyết làm nơi an trú cho cả trần thế, nơi cho chúng sanh về nương, nơi an nghỉ cho trần gian, là niềm tin tối hậu của mọi người, là hải đảo, là ánh sáng, là người hướng dẫn, và là phương tiện cứu khổ chúng sanh.
Theo Phật giáo Đại Thừa, lý tưởng Bồ Tát một phần do áp lực xã hội trên Giáo hội, nhưng phần lớn lý tưởng này liên kết với sự tu tập những ‘Vô Lượng’ đã huấn luyện chư Tăng không được biện biệt mình với người khác. Như chúng ta đã thấy, Phật giáo có hai phương pháp nhằm giảm thiểu cảm thức chia ly nơi những cá nhân. Một là sự vun xới những cảm xúc xã hội, hay những tình cảm như từ và bi. Phương pháp kia bao gồm việc thủ đắc thói quen xem tất cả những điều người ta nghỉ, cảm hay làm như một hỗ tương tác dụng của những sức mạnh vô ngã, gọi là pháp, từ từ tháo gỡ những ý tưởng như ‘tôi’ hay ‘của tôi’ hay ‘ngã.’ Có sự mâu thuẫn giữa phương pháp trí tuệ, tức là phương pháp không cần thấy đến người nào cả, nhưng chỉ biết có vạn pháp, và phương pháp của “Vô Lượng” (hay tứ vô lượng tâm-từ-bi-hỷ-xả), mục đích vun xới những liên đới với những người được xem như những cá nhân. Sự tu tập thiền định trên các pháp làm tiêu tan tha nhân cũng như tự ngã trong một hợp khối của những pháp vô ngã và nhất thời. Nó làm giảm thiểu nhân tính của chúng ta thành 5 nhóm, thêm vào đó một thứ nhãn hiệu. Nếu trên trần gian này chẳng có gì ngoài những bó Pháp, nguội lạnh, vô ngã như những nguyên tử thành hoại trong chớp mắt, không có cái gì là từ bi tác dụng lên cả. Người ta không thể ao ước điều tốt lành cho Pháp, cũng như người ta không thể thương xót một cái gọi là Pháp, gọi là ‘pháp giới’ hay một; nhãn căn,’ hay một ‘nhĩ thức giới.’ Trong những đoàn thể Phật giáo nơi người ta tu tập phương pháp của các Pháp rộng rãi hơn những ‘Vô lượng tâm,’ sẽ dẫn tới sự khô khan tâm trí nào đó, tới sự xa cách, và thiếu hơi ấm nhân loại. Nhiệm vụ của Phật tử là thi hành cả hai phương pháp mâu thuẫn một lượt. Cũng như phương pháp của các pháp dẫn tới sự mâu thuẫn vô biên của tự ngã, bởi vì tất cả đều trở nên trống rỗng vì nó, cũng thế phương pháp của các ‘vô lượng tâm’ đưa tới sự trải rộng vô biên của tự ngã, bởi vì người ta ngày càng đồng hóa với chúng sanh. Cũng như phương pháp của trí tuệ chứng minh ý tưởng rằng không có bất cứ một cá nhân nào trên trần gian cả, cũng vậy phương pháp của ‘Vô Lượng’ lại mở rộng ý thức về những vấn đề cá nhân ngày càng liên quan tới nhiều người hơn nữa. Vậy Phật giáo Đại Thừa làm cách nào để giải quyết mối mâu thuẫn này? Những triết gia Phật giáo khác với những triết gia được nuôi dưỡng trong truyền thống Aristote ở chỗ họ không sợ, trái lại họ rất thích mâu thuẫn. Họ đề cập tới mâu thuẫn này, hay những mâu thuẫn khác, bằng cách chỉ phát biểu nó trong một hình thức ương ngạnh và rồi họ để nó ở đó. Theo Kinh Kim Cang: “Này Tu Bồ Đề! Một vị Bồ Tát phải nghĩ rằng, ‘Có bao nhiêu chúng sanh trong vũ trụ này, dầu họ thuộc loài noãn sanh, thai sanh, thấp sanh hay hóa sanh; dầu họ thuộc loài có sắc, hay không sắc; dầu họ thuộc loài có tri giác, hay không có tri giác, cho đến bất cứ chúng sanh nào trong vũ trụ mà mình có thể quan niệm được, tất cả đều phải được ta dẫn vào Niết Bàn, vào trong cảnh giới Niết Bàn không để lại chút dấu tích gì. Và mặc dù vô lượng chúng sanh đã được dẫn đến Niết Bàn như vậy, không có một chúng sanh nào được dẫn tới Niết Bàn cả. Tại sao vậy? Nếu một vị Bồ Tát còn thấy có ‘chúng sanh,’ Bồ tát đã không được gọi là người giác ngộ.
Nói tóm lại, lý tưởng Bồ Tát bắt nguồn từ Phật giáo Đại Thừa, nhưng từ Bồ Tát không chỉ hạn hẹp trong Phật giáo Đại Thừa. Theo truyền thống Theravada, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được coi như một vị Bồ Tát (Đại Sĩ) trong những tiền kiếp trong Kinh Bổn Sanh, trong suốt những tiền kiếp đó, người ta nói Ngài đã từ từ kiện toàn phẩm chất của một vị Phật. Tuy nhiên, trong Phật giáo Đại Thừa, khái niệm Bồ Tát là một sự chối bỏ rõ ràng lý tưởng A La Hán của Phật giáo Nguyên Thủy. Trong Đại Thừa A La Hán được xem như là hạn hẹp và ích kỷ, chỉ lo cho cho cá nhân giải thoát, ngược lại với một vị Bồ Tát, người làm việc cật lực vì chúng sanh mọi loài. Bắt đầu cuộc hành hoạt của một vị Bồ Tát được đánh dấu bằng “phát tâm giác ngộ” hay “Bồ Đề Tâm,” trong đó Bồ Tát nguyện thành Phật để làm lợi lạc chúng sanh. Trong kinh văn Đại Thừa, việc này thường theo sau một nghi lễ công khai nguyện đạt thành Phật quả để làm lợi lạc chúng sanh. Có nghĩa là: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” Đây là một trong những đại nguyện của một vị Bồ Tát. Sau đó thì vị Bồ Tát theo đuổi mục tiêu Phật quả bằng cách tiến tu từ Lục Ba La Mật hay Thập Ba La Mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, vân vân. Hai phẩm chất chính trong đó vị Bồ Tát tu tập là từ bi và trí tuệ, và khi mà các Ba La Mật đã được tu tập kiện toàn, và từ bi cũng như trí tuệ đã được phát triển đến mức độ cao nhất, thì vị Bồ Tát trở thành một vị Phật.
II. Bồ Tát Là Những Ai?:
Bồ Tát, một chúng sanh giác ngộ, và nguyện chỉ đạt được đại giác một khi cứu độ hết thảy chúng sanh. Từ Bắc Phạn có nghĩa là “Hữu tình giác,” hay “một chúng sanh giác ngộ,” hay “một chúng sanh mà bản chất là trí tuệ” hay “một chúng sanh khao khát giác ngộ.” Như vậy, Bồ Tát được xem như là một con người cũng với nghiệp của chính mình ở cõi đời này như những người khác, nhưng vị Bồ Tát bằng chính sự nỗ lực của mình, không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, tu tập theo phương pháp cụ thể và thực tế để vượt qua những xung đột bên trong chính mình bao gồm những nghiệp xấu và những khổ đau, cũng như những khủng hoảng bên ngoài như môi trường, tai họa... để có thể thay đổi trạng thái mất thăng bằng và để tất cả cùng sống với nhau trong một thế giới bình an, thịnh vượng và hạnh phúc. Đây là lý tưởng của Phật giáo Đại Thừa. Bắt đầu cuộc hành hoạt của một vị Bồ Tát được đánh dấu bằng “phát tâm giác ngộ” hay “Bồ Đề Tâm,” trong đó Bồ Tát nguyện thành Phật để làm lợi lạc chúng sanh. Trong kinh văn Đại Thừa, việc này thường theo sau một nghi lễ công khai nguyện đạt thành Phật quả để làm lợi lạc chúng sanh. Có nghĩa là: “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” Đây là một trong những đại nguyện của một vị Bồ Tát. Sau đó thì vị Bồ Tát theo đuổi mục tiêu Phật quả bằng cách tiến tu từ từ Lục Ba La Mật hay Thập Ba La Mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, vân vân. Hai phẩm chất chính trong đó vị Bồ Tát tu tập là từ bi và trí tuệ, và khi mà các Ba La Mật đã được tu tập kiện toàn, và từ bi cũng như trí tuệ đã được phát triển đến mức độ cao nhất, thì vị Bồ Tát trở thành một vị Phật. Bồ Tát đạo thường được chia làm 10 giai đoạn. Tuy nhiên từ Bồ Tát chỉ hạn hẹp trong Phật giáo Đại Thừa. Theo truyền thống Theravada, thì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được coi như một vị Bồ Tát (Đại Sĩ) trong những tiền kiếp trong Kinh Bổn Sanh, trong suốt những tiền kiếp đó, người ta nói Ngài đã từ từ kiện toàn phẩm chất của một vị Phật. Tuy nhiên, trong Phật giáo Đại Thừa, khái niệm Bồ Tát là một sự chối bỏ rõ ràng lý tưởng A La Hán của Phật giáo Nguyên Thủy. Trong Đại Thừa A La Hán được xem như là hạn hẹp và ích kỷ, chỉ lo cho cho cá nhân giải thoát, ngược lại với một vị Bồ Tát, người làm việc cật lực vì chúng sanh mọi loài. Như vậy từ “Bồ Tát” nói chung, có nghĩa là một chúng sanh giác ngộ, chúng sanh hướng đến giác ngộ hoàn toàn hay Phật quả. Theo Trường Bộ Kinh, nghĩa đen của “Bồ Tát” là người có trí, hoặc người quyết định hay nắm giữ con đường đi đến giác ngộ.
Vài thế kỷ sau khi Đức Phật nhập diệt, Bồ Tát là một trong những tư tưởng quan trọng nhất của Phật tử Đại Thừa. Tuy nhiên, khái niệm Bồ Tát không phải là sở hữu của riêng trường phái Đại Thừa. Từ “Bồ Tát” đã được nói đến trong kinh điển Pali và xuất phát từ Phật giáo Nguyên Thủy, được dùng riêng để chỉ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trước khi Ngài giác ngộ. Theo trường phái Thượng Tọa Bộ, Bồ Tát được định nghĩa như là một người chắc chắn sẽ thành Phật. Vị ấy là bậc sáng suốt được người trí bảo vệ và ủng hộ. Theo Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật, không có nghĩa nào thật cho từ Bồ Tát, bởi vì Bồ Tát tu tập không chấp thủ đối với tất cả các pháp. Vì Bồ Tát là bậc đã thức tỉnh không còn tham đắm, đã hiểu tất cả các pháp và giác ngộ là mục đích của Bồ Tát. Nói tóm lại, Bồ Tát là một bậc giác giả trong hàng các chúng sanh. Vị ấy thường lập nguyện đem sự giác ngộ và trí tuệ mà mình đã mở bày ra nhằm giác ngộ tất cả các chúng sanh khác. Công việc của một vị Bồ Tát không dễ chút nào cả. Tuy không hy hữu như một vị Phật, nhưng cũng thật khó để có một vị Bồ Tát thị hiện và cũng thật khó cho phàm phu (người thường) gặp được một vị Bồ Tát thật.
Bồ Tát là một “Ma ha Tát-đỏa”như được định nghĩa theo ngôn ngữ Bắc Phạn. ‘Maha’ nghĩa là ‘lớn’ và ‘sattva’ nghĩa là ‘chúng sanh’ hoặc ‘can đảm’. Ngài Long Thọ đã đưa ra một số nguyên nhân vì sao Bồ Tát được gọi là ‘Mahasattva.’ Bởi vì đại Bồ Tát đã đạt được phạm hạnh cao cả, thượng thủ giữa những Bồ Tát đức hạnh khác. Các đại Bồ Tát rất hoan hỷ, từ bi giúp đỡ vô số chúng sanh một cách tích cực không mỏi mệt. Người Tây Tạng dịch ‘Mahasattvas’ như là những ‘vị anh hùng với tinh thần vĩ đại’ và những nguyện vọng của đại Bồ Tát thật sự là tối thượng cao cả, hy sinh vì việc lớn. Các đại Bồ Tát đi hoằng pháp ở mọi nơi, phụng sự chúng sanh như cúng dường chư Phật và biến Ta bà thành cảnh Tịnh độ. Các đại Bồ Tát luôn thực hành tất cả những lời dạy của chư Phật, quán chiếu tất cả cảnh giới Tịnh độ, để hội tụ quần chúng ở mọi nơi về với Đức Phật bằng cách cảm hóa tư tưởng chúng sanh, loại bỏ phiền não và phát khởi những tiềm năng giải thoát của họ. Nói cách khác, Ma Ha Tát là Đại Bồ Tát, phẩm hạnh và công đức hơn một Bồ Tát bình thường. Ma Ha Tát là những vị có thể chuyển hóa tất cả nghiệp xấu và khổ đau của chính mình và sẽ chỉ ra con đường giải thoát cho tất cả chúng sanh bằng lòng từ bi hỷ xả vô lượng. Bồ Tát là một chúng sanh vĩ đại, một con người cao thượng hay một người dẫn dắt chúng sanh loài người. Tiếng gọi chung cho chư Thanh Văn, Bồ Tát hay Phật. Một bậc tự lợi lợi tha. Đại hữu tình, toàn thiện hơn bất cứ loài hữu tình nào ngoại trừ Đức Phật. Ma ha tát là vị có tâm đại bi và đại năng lực, người đem đến sự cứu độ cho tất cả chúng sanh. Trong phần bắt đầu của Kinh Bát Thiên Tụng Bát Nhã Ba La Mật, Đức Phật đã giải thích về ý nghĩa của ‘Ma Ha Tát’ khi ngài Tu Bồ Đề hỏi Đức Phật về điều nầy. Đức Phật trả lời rằng một Bồ Tát được gọi là Ma Ha Tát trong ý nghĩa bởi vị Bồ Tát ấy đã ban pháp thoại để chuyển hóa các chấp thủ, những quan điểm chấp thủ sai lầm như ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, hiện hữu, không hiện hữu, đoạn diệt, thường hằng, vân vân. Theo Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Ma Ha Tát có phẩm hạnh tốt và tu tập các Ba la mật như Bồ Tát và trồng căn lành nơi hàng trăm ngàn chư Phật.
Trong Phật giáo Nguyên Thủy, Bồ Tát là người tu tập đoạn trừ kiết sử, thanh tịnh tâm để trở thành bậc toàn thiện và giác ngộ. Chính những Bồ Tát như vậy xuất hiện trong kinh điển Pali. Thành tựu như vậy là Bồ Tát đã hoàn toàn thành lý tưởng phạm hạnh của mình. Nhưng lý tưởng Đại Thừa đã đưa Bồ Tát đến những nỗ lực lớn hơn dựa trên những hoạt động tích cực để giúp tất cả chúng sanh đau khổ đạt được hạnh phúc tối hậu mà trước đó Bồ Tát không quan tâm. Không thỏa mãn với những tu tập chỉ làm giảm thiểu tham, sân, si, tiêu trừ kiết sử và hoàn thành đời sống phạm hạnh cho chính mình, nên Bồ Tát chú tâm nỗ lực giúp tất cả chúng sanh vượt qua cuộc phấn đấu tìm an lạc giải thoát cho họ. Còn một chúng sanh nào chưa giải thoát thì Bồ Tát chưa giải thoát. Đó là lý tưởng của Bồ Tát. Trong khi đó, Đức Phật nhắc Mahamati về sự khác biệt giữa Bồ Tát và hàng Nhị Thừa trong Kinh Lăng Già như sau: “Này Mahamati, sự khác biệt giữa Bồ Tát và hàng Nhị Thừa như sau: Nhị Thừa không thể tiến qua địa thứ sáu và tại đó chư vị nhập Niết Bàn. Trong khi vị Bồ Tát ở địa thứ bảy, đi qua một kinh nghiệm tâm linh hoàn toàn mới, được gọi là anabhogacarya và có thể được dịch là một đời sống vô mục đích hay vô công dụng. Nhưng được hộ trì bởi thần lực chư Phật là cái năng lực nhập vào các đại nguyện mà vị Bồ Tát thiết lập đầu tiên khi ngài mới khởi đầu sự nghiệp của ngài và giờ đây ngài thiết định nhiều phương pháp cứu độ khác hẳn nhau nhằm lợi lạc cho chúng sanh u mê lầm lạc của ngài. Từ quan điểm tuyệt đối về chân lý tối hậu mà vị Bồ Tát đạt được, thì không có sự tiến bộ của tâm linh như thế trong đời sống của ngài, vì ở đây quả thực không có tầng bậc, không có sự thăng tiến tương tục mà riêng chân lý là không có tướng trạng và tách ly hoàn toàn với sự phân biệt.
Theo Đại Trí Độ Luận, chữ Bodhi có nghĩa là con đường hành đạo của chư Phật, chữ sattva là bản chất của thiện pháp. Bồ Tát là vị có tâm cứu giúp tất cả chúng sanh vượt qua dòng sông sanh diệt. Theo lối dịch cũ, Bồ Tát là một vị Đại Đạo Tâm Chúng Sanh. Theo lối dịch mới, Bồ Tát là một bậc Đại Giác Hữu Tình. Bồ Tát là bậc tầm cầu sự giác ngộ tối thượng, không phải chỉ cho chính mình mà cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát còn là người tu theo Đại Thừa, xuất gia hay tại gia, thượng cầu đại giác, hạ hóa chúng sanh (tự giác, giác tha). Bồ Tát là chúng sanh tu hành và xem lục độ Ba La Mật như là phương cách cứu độ và giác ngộ. Mục đích của Bồ Tát là cứu độ chúng sanh. Bốn bản chất vô lượng của Bồ Tát là Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng và Xả vô lượng. Một người, hoặc Tăng Ni, hay Phật tử tại gia đạt quả vị Niết bàn trong cương vị một Thanh văn, hay Duyên giác, nhưng vì lòng đại bi thương xót chúng sanh, nên không vào Niết bàn mà tiếp tục đi trong Ta Bà để cứu độ chúng sanh. Trong lòng của Bồ Tát luôn có Bồ Đề Tâm và nguyện lực. Bồ Đề tâm bao gồm trí tuệ siêu việt là lòng đại bi. Nguyện lực là sự quyết tâm kiên định để cứu thoát tất cả chúng sanh. Theo trường phái Đại Thừa, Bồ Tát từ chối nhập Niết Bàn cho đến khi nào thực hiện xong lời nguyện là cứu độ hết thảy chúng sanh. Ngoài ra, Bồ tát còn xem hết thảy chúng sanh như chính mình nên không nở ăn thịt. Bồ Tát là một chúng sanh đã có sẵn bản chất hoặc tiềm năng của trí tuệ siêu việt hoặc chánh giác tối thượng, là bậc đang đi trên con đường đạt tới trí tuệ siêu việt. Bồ Tát là một chúng sanh có khả năng thành Phật. Với sự tự tại, trí tuệ và từ bi, Bồ Tát biểu thị một thời kỳ cao của Phật quả, nhưng chưa phải là một vị Phật toàn giác. Sự nghiệp tu hành của bậc Bồ Tát kéo dài nhiều đời nhiều kiếp, mỗi đời Ngài đều thực hành lục độ và thập địa để cầu đắc quả chánh giác tối hậu, đồng thời lấy sự phấn đấu vĩ đại và tâm kiên nhẫn phi thường và không ngừng tự hy sinh để mưu cầu sự tốt đẹp cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát là người đã giác ngộ, tự hiến đời mình trợ giúp người khác đạt giải thoát. Với sự tự tại, trí huệ và từ bi, Bồ Tát biểu thị một giai đoạn cao của Phật quả nhưng chưa phải là một vị Phật giác ngộ vô thượng viên mãn hoàn toàn.
Theo Kinh Duy Ma Cật, Đức Phật bảo Ngài Di Lặc: “Ông phải biết, Bồ Tát có hai tướng. Sao gọi là hai? Một là những người ưa những câu văn hay đẹp, hai là những người không sợ nghĩa sâu xa, hiểu được đúng như thật. Như hạng ưa những câu văn hay đẹp, phải biết đó là Bồ Tát mới học. Nếu ở nơi kinh điển thậm thâm không nhiễm, không trước, không có chút sợ sệt và hiểu rõ được đó, nghe rồi tâm thanh tịnh thọ trì, đọc tụng đúng như lời nói mà tu hành, phải biết đó là hạng tu hành đã lâu. Nầy Di Lặc! Lại có hai pháp gọi là Bồ Tát mới học, không thể quyết định pháp thậm thâm. Hai pháp là chi? Một là những kinh điển thậm thâm chưa từng nghe nếu nghe thời sợ sệt sanh lòng nghi, không tùy thuận được, chê bai không tin rồi nói rằng: “Kinh nầy từ trước đến giờ ta chưa từng nghe, từ đâu đến đây?” Hai là nếu có người hộ trì giải nói những kinh sâu xa như thế, không chịu gần gũi, cúng dường cung kính, hoặc ở nơi đó nói lỗi xấu xa của người kia. Có hai pháp đấy, phải biết Bồ Tát mới học chỉ là tự tổn hại, chứ không thể ở nơi pháp thậm thâm mà điều phục được tâm mình” Nầy Di Lặc! Lại có hai pháp, Bồ Tát dầu tin hiểu thâm pháp, vẫn còn tự tổn hại chớ không thể chứng được vô sanh pháp nhẫn. Hai pháp là chi? Một là khinh dễ các Bồ Tát mới học mà không dạy bảo. Hai là tin hiểu thâm pháp mà lại chấp tướng phân biệt. Sau khi nghe Phật thuyết giảng, Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Thật chưa từng có! Như lời Thế Tôn đã nói, con quyết xa lìa các lỗi như thế, xin vâng giữ pháp Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác đã chứa nhóm từ vô lượng a tăng kỳ kiếp của Như Lai. Nếu vị lai có người thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào cầu pháp Đại thừa, con sẽ làm cho tay người đó được những kinh như thế và cho họ cái sức ghi nhớ để thọ trì đọc tụng, diễn nói cho người. Bạch Thế Tôn! Nếu đời sau có người thọ trì, đọc tụng, diễn nói kinh nầy cho người khác, đó chính là thần lực của Di Lặc lập nên.”
III. Sự Mâu Thuẫn Giữa Trí Tuệ Và Từ Bi:
Một vị Bồ Tát là một tổng hợp của hai lực mâu thuẫn là trí tuệ và từ bi. Trong trí tuệ của ngài, ngài không thấy người nào; trong từ bi của ngài, ngài quả quyết cứu vớt tất cả. Khả năng phối hợp những thái độ mâu thuẫn này là nguồn gốc của sự vĩ đại, và của khả năng tự độ và độ tha của vị Bồ Tát. Điều mà con người phải làm là không nên phân biệt giữa mình và những người khác và phải đợi cho đến khi mọi người đều được giúp đỡ trước khi nhập diệt. Vậy thì Đại Thừa cho rằng một vị A La Hán nhắm mục đích chưa đủ cao. Theo họ, mục đích nỗ lực của Phật giáo, con người lý tưởng không phải là con người vị kỷ, lạnh lùng với đầu óc hẹp hòi của một vị A La Hán, mà phải là một vị Bồ Tát với lòng từ bi bao la, người đã từ bỏ trần gian, nhưng không bỏ rơi chúng sanh ở đó. Trong khi trí tuệ được giảng dạy là cao tuyệt, và từ bi là đức tính phụ thuộc; thì trong Phật giáo Đại Thừa, từ bi bây giờ được đưa lên ngang hàng với trí tuệ. Trong khi trí tuệ của A La Hán là thành quả trong việc tự mình giải thoát cái phải giải thoát, thì nó có vẻ khô cằn trong những đường hướng liên quan đến việc giúp đỡ mọi người. Trong Phật giáo Đại Thừa, Bồ Tát không những là người tự mình giải thoát, mà còn khéo léo tìm cách tạo và làm nẩy mầm Bồ Đề nơi người khác nữa. Theo Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa: “Những người làm những việc khó khăn là chư Bồ Tát, những chúng sanh vĩ đại đã đạt được giác ngộ tối thượng, nhưng họ không muốn đạt đến Niết Bàn cho riêng mình. Trái lại, các ngài đã trải qua làm chúng sanh của trần gian đầy thống khổ, và tuy vậy, vẫn khao khát đạt được giác ngộ tối thượng, các vị không run sợ trước sanh tử. Vì thương xót trần gian mà các vị lên đường vì lợi ích và hạnh phúc của trần thế. Chư vị quyết định chúng tôi muốn trở thành một nơi an trú cho trần gian, một nơi về nương cho trần gian, một nghỉ ngơi cho trần gian, sự êm ấm cuối cùng của trần gian, hải đảo của trần gian, người hướng đạo cho trần gian, và những phương tiện giải thoát cho trần gian.”
IV. Bồ Tát Có Thể Được Xem Như Chư Thiên Hay Không?:
Chư thiên cư ngụ trong cõi trời, bên trên cõi người, nhưng vẫn chưa giác ngộ và hãy còn bị trói buộc vào luân hồi sanh tử. Thiên thể hay thần thánh là những chúng sanh nằm trong ba điều kiện tốt của sự tái sanh do những nghiệp lành đời trước; họ sống lâu dài trong một khung cảnh hạnh phúc trên cõi trời, tuy vẫn còn chịu chu kỳ tái sanh như các chúng sanh khác. Tuy nhiên, đây chính là những trở ngại chính cho bước đường tu tập của họ vì họ bị mải mê trong những hạnh phúc đó, nên không còn nhận chân ra sự thật khổ đau nữa. Chư thiên là những chúng sanh trú ngụ cõi cao nhất trong sáu đường sanh tử luân hồi. Dầu Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của một thượng đế toàn năng, nhưng có một số chư thiên được kể trong Phật giáo. Theo Phật giáo, chư thiên là những chúng sanh chỉ hưởng thụ những đam mê nhằm thỏa mãn giác quan do phước đức tu tập và gieo trồng ở kiếp trước của họ. Niềm vui của chư thiên được xem là vui hơn ở cõi người và những cảnh giới khổ đau khác, nhưng chư thiên không biết đến luật vô thường hay sự chấm dứt không thể tránh được của những phước báo tạm bợ và sau đó họ sẽ rơi vào các đường khổ của con người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, hay ngay cả địa ngục. Trong Phật giáo, đây chính là những trở ngại chính cho bước đường tu tập của họ vì họ bị mải mê trong những hạnh phúc đó, nên không còn nhận chân ra sự thật khổ đau nữa. Sau khi nghiệp lành cạn kiệt, họ lại phải tái sanh vào những đường dữ và chịu khổ. Chính vì thế mà chư thiên không phải là đối tượng để cầu nguyện hay tu tập và chư thiên không có chức năng gì quan trọng trong Phật giáo.
Bồ Tát không bao giờ được xem như là chư thiên hay thần thánh, hoặc một thực thể vĩnh viễn để thờ phượng. Ý tưởng Bồ Tát chỉ là một tính chất tượng trưng của Phật pháp được các vị tổ sáng suốt tạo ra sau khi Đức Phật đã nhập diệt, nhằm thích ứng Phật giáo với những hoàn cảnh đặc biệt mà thôi. Khái niệm Bồ Tát đạo xuất hiện trong cả Phật giáo Nguyên Thủy lẫn Phật giáo Đại Thừa. Vì vậy ý tưởng Bồ Tát Đạo trong Phật giáo Đại Thừa không xa lạ với truyền thống Nguyên Thủy. Theo giáo điển Phật giáo, cả hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại Thừa đều thừa kế ý tưởng Bồ Tát từ truyền thống trùng tụng xa xưa nhất, chứ không phải ai vay mượn của ai. Theo E. J. Thomas trong tác phẩm nhan đề “Phật Giáo,” không có trường phái Phật giáo nào cho là mình là người đầu tiên khởi xướng ra ý tưởng Bồ Tát, cũng không có bất kỳ tài liệu nào có thể xác nhận trường phái nào vay mượn khái niệm Bồ Tát cả. Theo Phật giáo Đại Thừa, Bồ Tát là những vị phát tâm Bồ Đề, tu tập các hạnh nguyện Ba La Mật để cuối cùng thành Phật. Sự phát Bồ Đề tâm đòi hỏi vị Bồ tát phải hy sinh bản thân trong nhiều đời và khi nào chúng sanh giải thoát hết thì mới đến vị ấy giải thoát. Vì rằng nếu chỉ giải thoát cho riêng mình trước người khác thì ý nghĩa của Bồ Đề tâm sẽ không được phát triển đầy đủ. Cũng theo Phật giáo Đại Thừa, Bồ Tát nhiều vô số không thể đếm được như số cát sông Hằng. Kỳ thật, về bản thể thì mỗi chúng sanh là một vị Bồ Tát, bởi nơi mỗi chúng sanh đều có tiềm năng, chủng tử, hay bản chất để thành Phật. Như vậy theo quan điểm Đại Thừa thì Bồ Tát có thể là một vị Tăng, một vị Ni, hay một người bình thường như chúng ta. Thật vậy, hầu hết các vị Bồ Tát trong lịch sử Phật giáo đều là cư sĩ tại gia. Sỡ dĩ như vậy là vì khi hành Bồ Tát đạo, vị Bồ Tát phải tiếp xúc với mọi người trong xã hội. Tuy nhiên, Phật giáo Nguyên Thủy chỉ tin có Đức Phật Cồ Đàm ở những kiếp trước là một vị Bồ Tát mà thôi.
V. Những Đặc Tính Của Chư Bồ Tát:
Bồ Tát là bậc tầm cầu sự giác ngộ tối thượng, không phải chỉ cho chính mình mà cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát là người tu theo Đại Thừa, xuất gia hay tại gia, thượng cầu đại giác, hạ hóa chúng sanh (tự giác, giác tha). Bồ Tát là một chúng sanh tu hành và xem lục độ Ba La Mật như là phương cách cứu độ và giác ngộ. Mục đích của Bồ Tát là cứu độ chúng sanh. Bốn bản chất vô lượng của Bồ Tát là Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng và Xả vô lượng. Một người, hoặc Tăng Ni, hay Phật tử tại gia đạt quả vị Niết bàn trong cương vị một Thanh Văn, hay Duyên Giác, nhưng vì lòng đại bi thương xót chúng sanh, nên không vào Niết bàn mà tiếp tục đi trong Ta Bà để cứu độ chúng sanh. Trong lòng của Bồ Tát luôn có Bồ Đề Tâm và nguyện lực. Bồ Đề tâm bao gồm trí tuệ siêu việt là lòng đại bi. Nguyện lực là sự quyết tâm kiên định để cứu thoát tất cả chúng sanh. Chư Bồ Tát có những đặc điểm sau đây:
Thứ Nhất, Chư Bồ Tát Luôn Có Ba Đặc Tính Chính: Thứ nhất, Bồ Tát hy vọng tái sanh lại cõi người nhiều lần để độ sanh, muốn như vậy thì Bồ Tát phải thị hiện lưu lại chủng tử tái sanh. Theo Duy Thức Luận, để được tái sanh trở lại làm người, Bồ Tát lưu lại các phiền não chướng để nguyện thọ sanh vào cõi Ta Bà. Tuy nhiên, vị Bồ Tát tái sanh với đầy đủ tâm và thức, biết nơi mà ngài chọn để tái sanh. Kỳ thật, Bồ Tát không bị phiền não chướng làm ô nhiễm, nhưng các ngài chỉ thị hiện lưu lại chủng tử để tạo nguyên nhân sanh trong vòng duyên khởi, gọi là trì giữ phiền não. Thứ nhì, một vị Bồ Tát luôn có đây đủ “Tứ Vô Lượng Tâm”. Bốn đức hạnh nầy không thể đứng riêng lẽ hoặc rời rạc nhau. Lòng từ có thể được coi như là trung tâm với ba hạnh khác tương quan nhau. Bi là nền tảng tượng trưng cho tình thương, kính trọng và quan tâm tới tất cả chúng sanh. Mạng sống quý giá đối với chúng sanh mọi loài, nên một vị Bồ Tát cũng yêu thương mọi loài như chính bản thân mình. Hỷ là niềm vui đồng cảm với việc thiện. Hỷ là niềm hạnh phúc trong tất cả các niềm hạnh phúc, nó chính là hệ quả của lòng từ. Xả là điều kiện tiên quyết của lòng từ, tượng trưng cho lòng từ đến với tất cả chúng sanh. Nó còn có nghĩa là tâm không thiên vị. Thứ ba, trên bước đường tu tập Bồ Tát Đạo, để phát triển Bồ Đề Tâm và viên mãn Bồ Tát Quả, chư Bồ Tát luôn thực hành hạnh Ba La Mật. Nói cách khác, con đường từ chúng sanh lên Bồ Tát và hiện thực toàn giác hay hoàn thành giác ngộ Bồ Đề, Bồ Tát phải nỗ lực và kiên trì thực hành tất cả các hạnh Ba La Mật.
Thứ Nhì, Chư Bồ Tát Còn Có Mười Đặc Tính Khác: Thứ nhất là Bồ Tát lưu chủng tử như một nguyên nhân cho các hạnh nghiệp Bồ Tát trong tương lai. Các ngài phải lưu chủng tử vì các ngài hy vọng sẽ tái sanh vào thế giới Ta Bà hóa độ chúng sanh trong cõi nước này. Theo Duy Thức Luận, ngài Long Thọ đã nhấn mạnh: “Một vị Bồ Tát lưu lại các phiền não chướng vì hạnh nguyện thọ sanh vào cõi Ta Bà.” Vì vậy, vị Bồ Tát tái sanh trong hoàn toàn tỉnh thức, ngài biết nơi mà ngài chọn để tái sanh. Thật ra Bồ Tát không bị nhiễm ô bởi các phiền não, nhưng chỉ thị hiện lưu chủng tử để tạo nguyên nhân tái sanh trong vòng duyên khởi, đây còn gọi là ‘trì giữ phiền não.’ Thứ nhì, Bồ Tát luôn tu tập theo “Tứ Vô Lượng Tâm.” Bốn đức hạnh này không đứng riêng rẽ hoặc rời rạc nhau, trong đó lòng “Bi” có thể được coi là trung tâm, vì “Bi” là nền tảng của “từ” tượng trưng cho tình thương, sự kính trọng và lòng quan tâm đến chúng sanh mọi loài. Thứ ba, Bồ Tát có những phẩm chất bất thối chuyển. Bồ Tát tìm cầu giác ngộ theo con đường Đại Thừa, chứ không theo bất cứ thừa nào khác. Vì với Đại Thừa Bồ Tát cần có niềm tin rộng lớn, bởi vì Phật pháp rộng lớn như biển cả và chỉ có thể bước vào biển pháp bao la này với lòng tín. Tín là mẹ của công đức và đức hạnh trong tu tập của Bồ Tát. Vì thế lòng tin bất thối chuyển trong Đại Thừa là một trong những đặc tánh quan trọng của Bồ Tát hạnh. Thứ tư, tư tưởng chư Bồ Tát bất thối chuyển. Tư tưởng của các bậc Bồ Tát luôn tỉnh thức bất thối trong tu tập Bồ Tát đạo, trong tu tập lục độ ba la mật và hàng ngàn công hạnh khác. Thứ năm, chư Bồ Tát luôn bất thối chuyển trong tu tập. Trong tu tập, các bậc Bồ Tát chỉ có tiến chứ không lùi. Vì vậy họ còn được gọi là Bất Thối Chuyển Bồ Tát. Thứ sáu, chư Bồ Tát luôn Chuyển Pháp Luân Bất Thối Chuyển. Chư Bồ Tát, vì lòng thương xót chúng sanh, mà chuyển Pháp luân bất thối chuyển để dạy dỗ và cảm hóa chúng sanh. Vì vậy, khi nào còn các vị Bồ Tát thì ‘Bánh Xe Pháp’ sẽ hằng chuyển mãi trong cõi Ta Bà này. Thứ bảy, chư Bồ Tát luôn trồng công đức thâm sâu. Trong nhiều đời nhiều kiếp, Bồ Tát đã vun trồng công đức thâm sâu. Những thiện căn này được gọi là “Cội công đức” và chúng chính là nguồn cội của mọi đức hạnh. Cội nguồn này vô hạn vô biên. Thứ tám, chư Bồ Tát luôn có đại trí tuệ. Trí tuệ là kết quả của tâm Bồ Đề rộng lớn. Do tâm Bồ Đề rộng lớn, nguyện độ hết thảy chúng sanh mà không thấy chúng sanh được độ, tức là các ngài không còn chấp trước với hình tướng nữa. Thứ chín, chư Bồ Tát luôn hiểu nguyên lý lớn về hết thảy chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật. Đây là nguyên lý chính, mỗi người chúng ta là một vị Phật. Cách hành sử của Thường Bất Khinh Bồ Tát là một thí dụ điển hình. Công đức đặc biệt của Thường Bất Khinh Bồ Tát là ngài luôn kính trọng mọi người. Bồ Tát trải đời mình du hành khắp nơi, tiếp xúc với tất cả chúng sanh, bất kể là Bồ Tát biết người đó hay không, ngài đều cung kính chấp tay trước họ mà nói: “Tôi không bao giờ dám khinh các ngài, vì các ngài rồi sẽ thành Phật.” Ngài không bao giờ buồn phiền khi bị người chưởi mắng hay sỉ nhục khi nghe ngài nói câu này. Ngài luôn bình thản thực hành hạnh nguyện kính trọng đó bởi vì ngài biết chắc rằng tất cả chúng sanh rồi sẽ thành Phật. Thứ mười, chư Bồ Tát luôn tu tập đại công hạnh. Bên cạnh tu tập sáu hay mười Ba La Mật, Bồ Tát còn tu tập Tứ Nhiếp Pháp.
Thứ Ba, Chư Bồ Tát Còn Có Mười Đặc Tính Cơ Bản Khác: Thứ nhất, một vị Bồ Tát không chán ghét thứ gì trong bất cứ thế giới nào mà ngài bước vào, vì biết rằng hết thảy các pháp như ảnh tượng phản chiếu. Thứ nhì, một vị Bồ Tát không đam mê trong bất cứ con đường nào mà ngài bước đi, vì biết rằng tất cả chỉ là sự hóa hiện. Thứ ba, một vị Bồ Tát không thấy mỏi mệt trong bất cứ nỗ lực nào điều phục chúng sanh, vì biết rằng tất cả là vô ngã. Thứ tư, một vị Bồ Tát nhiếp hóa chúng sanh không hề mỏi mệt vì từ bi là tinh thể của ngài. Thứ năm, một vị Bồ Tát không sợ phải trải qua nhiều kiếp, vì thấy rõ rằng sinh tử và năm uẩn như ảo tượng. Thứ sáu, một vị Bồ Tát không hủy diệt bất cứ con đường hiện hữu nào, vì biết rằng hết thảy các giới (dhatu) và xứ (ayatana) đều là pháp giới (dharmadhatu). Thứ bảy, một vị Bồ Tát không có thiên chấp về các đạo vì biết rằng hết thảy tư tưởng đều như quáng nắng. Thứ tám, một vị Bồ Tát không bị ô nhiễm dù khi đang ở trong cõi của hàng chúng sanh xấu ác, vì biết rằng hết thảy các thân đều chỉ là những giả tượng. Thứ chín, một vị Bồ Tát không hề bị lôi cuốn bởi những tham dục, vì đã hoàn toàn chế ngự tất cả những gì được khải thị. Thứ mười, một vị Bồ Tát đi bất cứ ở đâu một cách vô cùng tự tại, vì đã hoàn toàn kiểm soát những giả tướng.
Thứ Tư, Năm Trăm Vị Bồ Tát Sinh Ra Từ Hạnh Nguyện Phổ Hiền Có Mười Đặc Tính Nổi Bật: Thứ nhất, công hạnh của các ngài không còn bị vướng mắc, vì có thể hiện thân khắp trong tất cả cõi Phật. Thứ nhì, họ hiển hiện vô số thân, vì có thể đi đến bất cứ nơi nào có Phật. Thứ ba, họ có nhãn quan thanh tịnh và vô ngại, vì họ có thể thấy được những thần biến của chư Phật. Thứ tư, họ có thể du hành bất cứ nơi đâu không bị giới hạn vào một xứ sở nào, vì họ hằng đến khắp tất cả những chỗ chư Phật thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Thứ năm, họ có ánh sáng không giới hạn, vì có thể soi tỏ biển Phật pháp bằng ánh sáng trí tuệ của mình. Thứ sáu, họ có khả năng biện tài không bao giờ cùng tận, vì ngôn ngữ của họ không ô nhiễm. Thứ bảy, họ an trụ nơi trí tuệ vô đẳng, biết rõ không cùng tận như hư không vì công hạnh của họ thanh tịnh vô cấu. Thứ tám, họ không cố định tại một nơi nào vì họ tự hiện thân tùy theo tâm niệm và nguyện vọng của hết thảy chúng sanh. Thứ chín, họ không bị mê muội vì họ biết rằng không có pháp và không có ngã trong thế giới của chúng sanh. Thứ mười, họ có siêu việt trí bao la như hư không, vì soi tỏ hết thảy Pháp giới bằng màn lưới quang minh của chính họ.
Thứ Năm Là Hai Mươi Sáu Đặc Tính Rất Đặc Biệt Của Chư Đại Bồ Tát: Trong chúng hội Hoa Nghiêm, chư Bồ Tát nầy còn có hai mươi sáu đặc tính: Thứ nhất là họ biết rằng chư pháp như huyễn. Thứ nhì là họ biết chư Phật như ảnh. Thứ ba là họ biết hết thảy loài thọ sinh như mộng. Thứ tư là họ biết hết thảy nghiệp báo như bóng trong gương. Thứ năm là họ biết hết thảy các pháp khởi lên như quáng nắng. Thứ sáu là họ biết hết thảy thế gian đều như hóa. Thứ bảy là họ đã thành tựu mười năng lực. Thứ tám là họ đã thành tựu trí huệ. Thứ chín là họ đã thành tựu tối thắng. Thứ mười là họ đã thành tựu quyết tín của Như Lai, khiến họ có thể cất tiếng rống của sư tử. Thứ mười một là họ đã vào sâu trong biển cả của biện tài vô tận. Thứ mười hai là họ đã chứng đắc tri kiến giảng thuyết chánh pháp cho hết thảy chúng sanh. Thứ mười ba là họ đã hoàn toàn tự tại đối với hành vi của mình nên có thể du hành khắp thế giới không trở ngại như đi giữa hư không. Thứ mười bốn là họ đã chứng đắc các năng lực kỳ diệu của một vị Bồ Tát. Thứ mười lăm là sự dũng mãnh và tinh tấn của họ có thể phá vỡ đội quân Ma vương. Thứ mười sáu là trí lực của họ quán triệt từ quá khứ, hiện tại đến vị lai. Thứ mười bảy là họ biết rằng tất cả các pháp đều như hư không, họ thực hành hạnh không chống đối, không chấp trước các pháp. Thứ mười tám là dù họ siêng năng không mệt mỏi vì lợi ích của mọi người, nhưng biết rằng khi dùng nhất thiết trí để quán sát, các pháp vốn không từ đâu đến. Thứ mười chín là dù họ nhận thấy có một thế giới khách quan, họ biết rằng hiện hữu của thế giới vốn là bất khả đắc. Thứ hai mươi là bằng trí tuệ tối thắng, họ tự hiện thân vô cùng tự tại. Thứ hai mươi mốt là họ thác sanh vào tất cả các thế giới, hóa hiện đủ loại hình tướng. Thứ hai mươi hai là trong tất cả thế giới, họ tự hiện thân vô cùng tự tại. Thứ hai mươi ba là họ biến đổi cảnh vi tế thành cảnh quảng đại, biến đổi cảnh rộng lớn thành cảnh vi tế. Thứ hai mươi bốn là ngay trong một niệm diện kiến hết thảy chư Phật. Thứ hai mươi lăm là họ được thần lực của chư Phật gia hộ. Thứ hai mươi sáu là trong chớp mắt họ thấy hết cả vũ trụ mà không chút lẫn lộn, và ngay trong một sát na; và họ có thể du hành khắp tất cả mọi thế giới.
Thứ Sáu Là Mười Đặc Điểm Của Bồ Đề Tâm Trong Sự Nghiệp Của Một Vị Bồ Tát: Bồ Tát Di Lặc trút hết biện tài của ngài để tán dương sự quan trọng của Bồ Đề tâm trong sự nghiệp của một vị Bồ Tát. Bởi vì nếu Thiện Tài Đồng Tử không in đậm sự kiện đó trong lòng, đã không dễ gì bước vào cung điện Tỳ Lô Giá Na. Cung điện đó tàng ẩn tất cả những bí mật trong đời sống tâm linh của người Phật tử cao tuyệt. Nếu đồng tử đó chưa được chọn kỹ để bắt đầu, những bí mật ấy không có nghĩa gì hết. Chúng có thể bị hiểu lầm nghiêm trọng và hậu quả cố nhiên là khốc hại. Vì lý do đó, Ngài Di Lặc chỉ cho Thiện Tài thấy đủ mọi góc cạnh đâu là ý nghĩa đích thực của Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm có mười đặc điểm sau đây: Thứ nhất là Bồ Đề tâm khởi lên từ tâm đại bi: Nếu không có đại bi tâm, chẳng thể là Phật pháp. Coi nặng đại bi tâm (Mahakaruna) là nét chính của Đại Thừa. Chúng ta có thể nói, toàn bộ tính chất của giáo thuyết đó quay quanh cái trụ chốt nầy. Nền triết lý viên dung được miêu tả rất gợi hình trong Hoa Nghiêm thực sự chính là cái bùng vỡ của công năng sinh động đó. Nếu chúng ta vẫn còn dây dưa trên bình diện trí năng, những giáo thuyết của Phật như Tánh Không (Sunyata),Vô Ngã (Anatmya), vân vân, dễ trở thành quá trừu tượng và mất hết sinh lực tâm linh vì không kích thích nổi ai cái cảm tình cuồng nhiệt. Điểm chính cần phải nhớ là, tất cả giáo thuyết của Phật đều là kết quả của một trái tím ấm áp hằng hướng tới tất cả các loại hữu tình; chứ không là một khối óc lạnh lùng muốn phủ kín những bí mật của đời sống bằng lý luận. Tức là, Phật pháp là kinh nghiệm cá nhân, không phải là triết học phi nhân. Thứ nhì là Phát Bồ Đề tâm không phải là biến cố trong một ngày: Phát Bồ Đề tâm đòi hỏi một cuộc chuẩn bị trường kỳ không phải trong một đời mà phải qua nhiều đời. Đối với những người chưa hề tích tập thiện căn, tâm vẫn đang ngủ vùi. Thiện căn phải được dồn lại để sau nầy gieo giống trở thành cây Bồ Đề tâm hợp bóng. Thuyết nghiệp báo có thể không phải là một lối trình bày có khoa học về các sự kiện, nhưng các Phật tử Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều tin tưởng tác động của nó nơi lãnh vực đạo đức trong đời sống của chúng ta. Nói rộng hơn, chừng nào tất cả chúng ta còn là những loài mang sử tính, chúng ta không trốn thoát cái nghiệp đi trước, dù đó có nghĩa là gì. Bất cứ ở đâu có khái niệm về thời gian, thì có sự tiếp nối của nghiệp. Nếu chấp nhận điều đó, Bồ Đề tâm không thể sinh trưởng từ mảnh đất chưa gieo trồng chắc chắn thiện căn. Thứ ba là Bồ Đề Tâm Phát Sinh Từ Thiện Căn: Nếu Bồ Đề tâm phát sinh từ thiện căn, chắc chắn nó phải là phì nhiêu đủ tất cả các điều tốt đẹp của chư Phật và chư Bồ Tát, và các loài cao đại. Đồng thời nó phải là tay cự phách diệt trừ các ác trược, bởi vì không thứ gì có thể đương đầu nổi sấm chớp kinh hoàng giáng xuống từ lưỡi tầm sét Đế Thích của Bồ Đề tâm. Thứ tư là Phát Bồ Đề tâm diễn ra từ chỗ uyên ảo của tự tánh, đó là một biến cố tôn giáo vĩ đại: Tính chất cao quý cố hữu của Bồ Đề tâm không hề bị hủy báng ngay dù nó ở giữa mọi thứ ô nhiễm, ô nhiễm của tri hay hành, hoặc phiền não. Biển lớn sinh tử nhận chìm tất cả mọi cái rơi vào đó. Nhất là các nhà triết học, họ thỏa mãn với những lối giải thích mà không kể đến bản thân của sự thực, những người đó hoàn toàn không thể dứt mình ra khỏi sự trói buộc của sống và chết, bởi vì họ chưa từng cắt đứt sợi dây vô hình của nghiệp và tri kiến đang kềm hãm họ và cõi đất nhị nguyên do óc duy trí của mình. Thứ năm là Bồ Đề tâm vượt ngoài vòng chinh phục của Ma vương: Trong Phật pháp, Ma vương tượng trưng cho nguyên lý thiên chấp. Chính nó là kẻ luôn mong cầu cơ hội tấn công lâu đài kiên cố của Trí (Prajna) và Bi (Karuna). Trước khi phát tâm Bồ Đề, linh hồn bị lôi kéo tới thiên chấp hữu và vô, và như thế là nằm ngoài ranh giới năng lực hộ trì của tất cả chư Phật và Bồ Tát, và các thiện hữu tri thức. Tuy nhiên, sự phát khởi đó đánh dấu một cuộc chuyển hướng quyết định, đoạn tuyệt dòng tư tưởng cố hữu. Bồ Tát bây giờ đã có con đường lớn thênh thang trước mắt, được canh chừng cẩn thận bởi ảnh hưởng đạo đức của tất cả các đấng hộ trì tuyệt diệu. Bồ Tát bước đi trên con đường thẳng tắp, những bước chân của ngài quả quyết, Ma vương không có cơ hội nào cản trở nổi bước đi vững chãi của ngài hướng tới giác ngộ viên mãn. Thứ sáu là khi Bồ Đề tâm được phát khởi, Bồ Tát được quyết định an trụ nơi nhất thiết trí: Bồ Đề tâm có nghĩa là làm trổi dậy khát vọng mong cầu giác ngộ tối thượng mà Phật đã thành tựu, để rồi sau đó Ngài làm bậc đạo sư của một phong trào tôn giáo, được gọi là đạo Phật. Giác ngộ tối thượng là nhất thiết trí (Sarvajnata), thường được nhắc nhở trong các kinh điển Đại Thừa. Nhất Thiết trí vốn là yếu tính của đạo Phật. Nó không có nghĩa rằng Phật biết hết mọi thứ, nhưng Ngài đã nắm vững nguyên lý căn bản của hiện hữu và Ngài đã vào sâu trong trọng tâm của tự tánh. Thứ bảy là phát Bồ Đề tâm đánh dấu đoạn mở đầu cho sự nghiệp của Bồ Tát: Trước khi phát Bồ Đề tâm, ý niệm về Bồ Tát chỉ là một lối trừu tượng. Có thể tất cả chúng ta đều là Bồ Tát, nhưng khái niệm đó không được ghi đậm trong tâm thức chúng ta, hình ảnh đó chưa đủ sống động để làm cho chúng ta cảm và sống sự thực. Tâm được phát khởi, và sự thực trở thành một biến cố riêng tư. Bồ Tát bấy giờ sống tràn lên như run lên. Bồ Tát và Bồ Đề tâm không thể tách riêng. Bồ Đề tâm ở đâu là Bồ Tát ở đó. Tâm quả thực là chìa khóa mở tất cả cửa bí mật của Phật pháp. Thứ tám là Bồ Đề tâm là giai đoạn thứ nhất trong hạnh nguyện của Bồ Tát: Trong Kinh Hoa Nghiêm, chủ đích đi cầu đạo của Thiện Tài là cốt nhìn ra đâu là hạnh và nguyện của Bồ Tát. Rồi nhờ Đức Di Lặc mà Thiện Tài trực nhận từ trong mình tất cả những gì mình săn đuổi giữa các minh sư, các đạo sĩ, các Thiên thần, vân vân. Cuối cùng được ngài Phổ Hiền ấn chứng, nhưng nếu không có giáo huấn của Đức Di Lặc về Bồ Đề tâm và được ngài dẫn vào lầu các Tỳ Lô, Thiện Tài hẳn là không mong gì thực sự bước lên sự nghiệp Bồ Tát đạo của mình. Hạnh và nguyện, xác chứng một Phật tử có tư cách là Đại Thừa chứ không phải là Tiểu Thừa, không thể không phát khởi Bồ Đề tâm trước tiên. Thứ chín là đặc chất của Bồ Tát sinh ra từ Bồ Đề tâm là không bao giờ biết đến mệt mỏi: Kinh Hoa Nghiêm mô tả Bồ Tát như là một người không hề mệt mỏi sống cuộc đời dâng hiến, để làm lợi ích hết thảy chúng sanh, về tinh thần cũng như vật chất. Đời sống của ngài trải rộng đến tận cùng thế giới, trong thời gian vô tận và không gian vô biên. Nếu ngài không làm xong công nghiệp của mình trong một đời hay nhiều đời, ngài sẳn sàng tái sinh trong thời gian vô số, cho đến bao giờ thời gian cùng tận. Mỗi trường hành động của ngài không chỉ giới hạn trong thế gian của chúng ta ở đây. Có vô số thế giới tràn ngập cả hư không biên tế, ngài cũng sẽ hiện thân khắp ở đó, cho đến khi nào đạt đến mức mà mọi chúng sanh với mọi căn cơ thảy đều thoát khỏi vô minh và ngã chấp. Thứ mười là khái niệm Bồ Đề tâm là một trong những tiêu chỉ quan trọng phân biệt Đại Thừa và Tiểu Thừa: Tính cách khép kín của tổ chức Tăng lữ làm tiêu hao sinh lực Phật pháp. Khi thế hệ đó ngự trị, Phật pháp hạn chế ích lợi của nó trong một nhóm khổ tu đặc biệt. Nói đến Tiểu Thừa, không phải chỉ chừng đó. Công kích nặng nhất mà nói, Tiểu thừa chận đứng sự sinh trưởng của hạt giống tâm linh được vun trồng trong tâm của mọi loài hữu tình; đáng lẽ phải sinh trưởng trong sự phát khởi Bồ Đề tâm. Tâm đó khát vọng không bao giờ bị khô héo vì sương giá lạnh lùng của cái giác ngộ trí năng. Khát vọng nầy kết chặt gốc rễ, và sự giác ngộ phải thỏa mãn những yêu sách của nó. Các hoạt động không hề mệt mỏi của Bồ Tát là kết quả của lòng ngưỡng vọng đó, và chính cái đó duy trì tinh thần của Đại Thừa vô cùng sống động.
Thứ Bảy Là Mười Điều Lành Mà Chư Bồ Tát Làm Lợi Ích Cho Chúng Sanh Ở Cõi Ta Bà: Theo Kinh Duy Ma Cật, Phẩm thứ Mười, Duy Ma Cật nói: “Bồ Tát ở cõi Ta Bà này đối với chúng sanh, lòng đại bi bền chắc thật đúng như lời các ngài đã ngợi khen. Mà Bồ Tát ở cõi nầy lợi ích cho chúng sanh trong một đời còn hơn trăm ngàn kiếp tu hành ở cõi nước khác. Vì sao? Vì cõi Ta Bà nầy có mười điều lành mà các Tịnh Độ khác không có: Một là dùng bố thí để nhiếp độ kẻ nghèo nàn. Hai là dùng tịnh giới để nhiếp độ người phá giới. Ba là dùng nhẫn nhục để nhiếp độ kẻ giận dữ. Bốn là dùng tinh tấn để nhiếp độ kẻ giải đãi. Năm là dùng thiền định để nhiếp độ kẻ loạn ý. Sáu là dùng trí tuệ để nhiếp độ kẻ ngu si. Bảy là nói pháp trừ nạn để độ kẻ bị tám nạn. Tám là dùng pháp đại thừa để độ kẻ ưa pháp tiểu thừa. Chín là dùng các pháp lành để cứu tế người không đức. Mười là thường dùng tứ nhiếp để thành tựu chúng sanh.”
Thứ Tám Là Mười Điều Tâm Niệm Của Bồ Tát: Thứ nhất là nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bịnh khổ, vì không bịnh khổ thì dục vọng dễ sinh. Thứ hai là ở đời thì đừng cầu không hoạn nạn, vì không hoạn nạn thì kiêu xa nổi dậy. Nếu như chúng ta cứ sống mãi trong cảnh thanh nhàn, như ý, không bị đời dằn vặt, lại chẳng bị vướng ít nhiều sự khổ não, ưu phiền, tất tâm sẽ sanh ra các niệm khinh mạn, kiêu sa; từ đó mà kết thành vô số tội lỗi. Phật tử chơn thuần phải nhân nơi hoạn nạn mà thức tỉnh cơn trường mộng và chiêm nghiệm được lời Phật dạy là đúng. Do đó mà phát tâm tinh chuyên tu hành cầu giải thoát. Thứ ba là cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu đáo. Thứ tư là xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng, vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường. Thứ năm là việc làm thì đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng hay khinh thường kiêu ngạo. Thứ sáu là giao tiếp thì đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đi đạo nghĩa. Thứ bảy là với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất kiêu căng. Thứ tám là thi ân thì đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân có mưu đồ. Thứ chín là thấy lợi thì đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì si mê phải động. Thứ mười là oan ức không cần biện bạch, vì còn biện bạch là nhân ngã chưa xả. Chính vì vậy mà đức Phật dạy trong Luận Bảo Vương Tam Muội: Lấy bịnh khổ làm thuốc thần. Lấy hoạn nạn làm giải thoát. Lấy khúc mắc làm thú vị. Lấy ma quân làm bạn đạo. Lấy khó khăn làm thích thú. Lấy kẻ tệ bạc làm người giúp đở. Lấy người chống đối làm nơi giao du. Coi thi ân như đôi dép bỏ. Lấy sự xả lợi làm vinh hoa. Lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.
Thứ Chín Là Mười Sinh Địa Đích Thực Của Chư Bồ Tát: Theo Thiền Sư D.T. Suzuki trong Thiền Luận Tập III, chư Bồ Tát có mười sinh địa đích thực: Thứ nhất là nơi nào có tâm Bồ Đề được phát khởi, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì tâm Bồ Đề là quyến thuộc của Bồ Tát. Thứ nhì là nơi nào có thâm tâm, nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì đó là nơi xuất sinh các thiện tri thức. Thứ ba là nơi nào có chứng nhập các trụ địa, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì đó là nơi sinh trưởng hết thảy các Ba La Mật. Thứ tư là nơi nào có phát đại nguyện, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì đó là nơi thi hành công hạnh. Thứ năm là nơi nào có đại từ, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì đó là nơi phát triển Tứ Nhiếp Pháp. Thứ sáu là nơi nào có chánh kiến, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi trí tuệ siêu việt trổi dậy. Thứ bảy là nơi nào Đại Thừa quảng bá, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi hết thảy các phương tiện thiện xảo được vận dụng. Thứ tám là nơi nào có giáo hóa chúng sanh, nơi đó là quốc độ của Bồ tát, vì là nơi hết thảy chư Phật giáng sinh. Thứ chín là nơi nào có phương tiện trí, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi nhận biết rằng hết thảy các pháp đều không sinh. Thứ mười là nơi nào có tu tập hết thảy các giáo thuyết của Phật, nơi đó là quốc độ của Bồ Tát, vì là nơi mà hết thảy chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai giáng sanh.
Thứ Mười Là Trên Bước Đường Tu Tập, Bồ Tát Có Hai Mươi Cha Mẹ Và Quyến Thuộc: Theo Thiền Sư D.T. Suzuki trong Thiền Luận Tập III, chư Bồ Tát có hai mươi cha mẹ và quyến thuộc: Thứ nhất, Bát Nhã là mẹ. Thứ nhì, phương tiện là cha. Thứ ba, bố thí là người nuôi nấng. Thứ tư, trì giới là người trông nom hộ trì. Thứ năm, nhẫn nhục là đồ trang sức. Thứ sáu, tinh tấn là người thủ hộ. Thứ bảy, thiền định là người tắm rữa. Thứ tám, thiện hữu tri thức là người dạy dỗ. Thứ chín, các Bồ Đề phần là bạn đồng hành. Thứ mười, chư Bồ Tát là anh em. Thứ mười một, Bồ Đề tâm là nhà cửa. Thứ mười hai, đi đúng theo chánh đạo là cách hành xử tại nhà. Thứ mười ba, các trụ địa là chỗ ở. Thứ mười bốn, các pháp nhẫn là gia tộc. Thứ mười lăm, các nguyện là gia giáo. Thứ mười sáu, thực hành công hạnh là gia nghiệp. Thứ mười bảy, khiến kẻ khác chấp nhận Đại Thừa là gia vụ. Thứ mười tám, được thọ ký trong một đời nữa là số phận của ngài như vị thái tử nối nghiệp trong vương quốc chánh pháp. Thứ mười chín, các Ba La Mật là con thuyền Bát Nhã đưa ngài đáo bỉ ngạn Giác Ngộ. Thứ hai mươi, thành tựu trí tuệ viên mãn của Như Lai là nền tảng của gia quyến thanh tịnh của ngài.
VI. Sự Tu Hành Của Chư Đại Bồ Tát:
Tổng Quan Về Sự Tu Hành Trong Phật Giáo: Trong tu tập Phật giáo, Phật tử thường có truyền thống tôn Phật kính Tăng, và bày tỏ lòng tôn kính với xá lợi Phật, những biểu tượng tôn giáo như hình ảnh, tịnh xá hay tự viện. Tuy nhiên, người Phật tử phải cố gắng tự tu tự chứng và chẳng bao giờ thờ ngẫu tượng. Tu hành trong Phật giáo có nghĩa là thực hành những giáo pháp của Đức Phật trên căn bản liên tục và đều đặn. Tu tập trong Phật giáo cũng có nghĩa là trưởng dưỡng Bồ Đề bằng cách tu tập giới, định, tuệ. Như vậy tu tập trong Phật giáo không chỉ thuần là ngồi thiền hay niệm Phật, mà nó bao gồm cả việc tu tập lục ba la mật, thập ba la mật, hay ba mươi bảy phẩm trợ đạo, vân vân. Đối với Phật tử, sự tu hành chân chánh không thể nào tự khinh mà không cố gắng hết mình. Theo Kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Nầy thiện tri thức! Nếu người tu hạnh bất động, chỉ khi thấy tất cả người, không thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người tức là tự tánh bất động. Nầy thiện tri thức! Người mê thân tuy bất động, mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người, tức là cùng đạo đã trái nhau, chấp tâm, chấp tịnh tức là chướng đạo.” Theo Phật giáo, vận mệnh của chúng ta hoàn toàn tùy thuộc vào hành động của chính chúng ta; nói cách khác, chúng ta chính là những nhà kiến trúc ngôi nhà nghiệp của chính chúng ta. Tu theo Phật là tự mình chuyển nghiệp. Chuyển nghiệp là chẳng những phải bỏ mọi tật xấu của chính mình, mà cũng đừng quan tâm đến những hành động xấu của người khác. Chúng ta không thể nào đổ lỗi cho ai khác về những khổ đau và bất hạnh của chính mình. Chúng ta phải đối diện với cuộc sống chứ không bỏ chạy, vì có chỗ nào trên quả đất nầy là chỗ cho chúng ta chạy trốn nghiệp của mình đâu. Vì thế chúng ta phải chuyển nghiệp bằng cách tu tập các hạnh lành để mang lại hạnh phúc cho chính mình, hơn là cầu xin hoặc sám hối. Chuyển nghiệp là thường nhớ tới nghiệp, phải dùng trí tuệ để phân biệt thiện ác, lành dữ, tự do và trói buộc để tránh nghiệp ác, làm nghiệp lành, hay không tạo nghiệp nào cả. Chuyển nghiệp còn là thanh lọc tự tâm hơn là cầu nguyện, nghi lễ cúng kiến hay tự hành xác. Ngoài ra, chuyển nghiệp còn là chuyển cái tâm hẹp hòi ích kỷ thành cái tâm mến thương rộng lớn và thành tựu tâm từ bi bằng cách thương xót chúng sanh mọi loài. Nói cách khác, chuyển nghiệp là thành tựu tứ vô lượng tâm, đặc biệt là hai tâm từ và bi. Phật tử chân thuần nên luôn nhớ rằng trong đời nầy ai cũng phải một lần chết, hoặc sớm hoặc muộn; khi chết, không ai mang theo được bất cứ thứ gì của trần tục, chỉ có nghiệp lành hay nghiệp dữ do mình tạo ra sẽ phải theo mình như hình với bóng mà thôi.
Sự Tu Hành Của Chư Đại Bồ Tát: Theo Phật giáo, chẳng những phàm nhân không thể thoát khỏi nhân quả, mà ngay cả chư Bồ Tát cũng chẳng thể tránh được. Tuy nhiên, chư Bồ Tát là những chúng hữu tình giác ngộ nên các ngài có cái nhìn xa. Trong tu tập, các ngài luôn biết chắc gieo nhân xấu sẽ phải gặt quả xấu, không sao tránh được. Chính vì thế mà Bồ Tát sợ quả ác về sau, cho nên chẳng những tránh gieo ác nhân trong hiện tại, mà còn tinh tấn tu hành cho nghiệp chướng chóng tiêu trừ, đầy đủ công đức để cuối cùng đạt thành Phật quả. Còn chúng sanh vì vô minh che mờ tâm tánh nên tranh nhau gây tạo lấy ác nhân, vì thế mà phải bị nhận lấy ác quả. Trong khi chịu quả, lại không biết ăn năn sám hối, nên chẳng những sanh tâm oán trách trời người, mà lại còn gây tạo thêm nhiều điều ác độc khác nữa để chống đối. Vì thế cho nên oan oan tương báo mãi không thôi. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng hễ trồng nhiều nhân tốt thì chắc chắn sau này mình sẽ có được quả tốt. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ nhìn vào những việc trước mắt, làm những việc bất nhân bất nghĩa, không chịu vun trồng thiện căn, không chịu tích tụ công đức, thì chắc chắn sẽ gánh lấy hậu quả tệ hại, không có ngoại lệ. Hành giả nên luôn nhớ rằng muôn sự trên đời nầy, khó nhất là lúc ban đầu, nhưng chuyến đi ngàn dặm cũng chỉ bắt đầu với một bước đi ngắn đầu tiên. Vì thế mà chúng ta phải bắt đầu ngay lúc này, ngay bây giờ, chứ đừng chờ đừng đợi, vì thời gian chẳng chờ chẳng đợi một ai! Chư Bồ Tát có rất nhiều pháp tu hành; tuy nhiên, trong khuôn khổ hạn hẹp của tập sách nhỏ này, chúng ta chỉ có thể đề cập đến một vài sự tu hành tiêu biểu của các ngài mà thôi. Theo Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, Có Mười Điều Tu Của Chư Đại Bồ Tát: Chư Bồ Tát an trụ trong pháp nầy thời tu được đạo quả vô thượng và đạt được tất cả các pháp. Mười điều tu nầy bao gồm: tu các môn Ba La Mật, tu học, tu huệ, tu nghĩa, tu pháp, tu thoát ly, tu thị hiện, tu siêng thực hành chẳng lười, tu thành chánh đẳng chánh giác, và tu chuyển chánh pháp luân. Bên cạnh đó, theo Kinh Hoa Nghiêm, phẩm 21 (Thập Hạnh), có mười hạnh Bồ Tát mà chư Phật đã tuyên thuyết trong tam thế. Mười hạnh tu nầy bao gồm hoan hỷ hạnh, nhiêu ích hạnh, vô vi nghịch hạnh, vô khuất nhiễu hạnh, vô si loạn hạnh, thiện hiện hạnh, vô trước hạnh, nan đắc hạnh, thiện pháp hạnh, và chơn thật hạnh. Theo Kinh Hoa Nghiêm, phẩm 38, có mười điều rời bỏ ma nghiệp của chư đại Bồ Tát. Chư Bồ Tát An Trụ Trong Mười Pháp Nầy Thời Có Thể Ra Khỏi Tất Cả Ma Đạo: Thứ nhất là gần thiện tri thức, cung kính cúng dường. Thứ nhì là chẳng tự cao tự đại, chẳng tự khen ngợi. Thứ ba là tin hiểu thâm pháp của Phật mà chẳng hủy báng. Thứ tư là chẳng bao giờ quên mất tâm nhứt thiết trí. Thứ năm là siêng tu diệu hạnh, hằng chẳng phóng dật. Thứ sáu là thường cầu tất cả pháp dành cho Bồ Tát. Thứ bảy là hằng diễn thuyết chánh pháp, tâm không nhàm mỏi. Điều rời bỏ ma nghiệp thứ tám bao gồm quy y tất cả chư Phật mười phương và nghĩ đến chư Phật như những vị cứu hộ. Thứ chín là tin thọ ức niệm tất cả chư Phật thần lực gia trì. Thứ mười là cùng tất cả Bồ Tát đồng gieo căn lành bình đẳng không hai. Hơn nữa, theo lời Phật dạy trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, Chư Bồ Tát Có Mười Thứ Hạnh Giúp Họ Được Đại Trí Huệ Vô Thượng Của Chư Như Lai: Thứ nhất là hạnh tu tập vì tất cả chúng sanh, vì nhờ đó mà làm cho khắp cả được thành thục. Thứ nhì là hạnh tu tập tất cả các pháp, vì nhờ đó mà tu học tất cả. Thứ ba là hạnh tu tập tất cả các thiện căn và khiến cho chúng tăng trưởng. Thứ tư là hạnh tu tập Tam muội vì nhờ đó mà được nhứt tâm bất loạn. Thứ năm là hạnh tu tập thực hành trí huệ vì nhờ đó mà không có chi là chẳng rõ chẳng biết. Thứ sáu là hạnh tu tập tất cả, do đó mà không chi là không tu được. Thứ bảy là hạnh tu tập nương nơi tất cả Phật sát (Phật độ hay Phật quốc), vì thảy đều trang nghiêm. Thứ tám là hạnh tu tập tôn trọng và hỗ trợ tất cả thiện hữu tri thức. Thứ chín là hạnh tu tập tôn kính và cúng dường chư Như Lai. Thứ mười là hạnh tu tập thần thông biến hóa, vì nhờ đó mà có thể biến hóa tự tại để hóa độ chúng sanh. Cũng theo Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, Có Mười Luật Nghi Của Chư Đại Bồ Tát: Chư Bồ Tát an trụ trong pháp nầy thời được luật nghi đại trí vô thượng. Thứ nhất là chẳng hủy báng Phật pháp. Thứ nhì là tín tâm nơi chư Phật chẳng hoại diệt. Thứ ba là tôn trọng cung kính tất cả Bồ Tát. Thứ tư là chẳng bỏ tâm mến thích tất cả thiện tri thức. Thứ năm là chẳng móng lòng ghi nhớ những Thanh Văn Độc Giác. Thứ sáu là xa lìa tất cả những thối chuyển Bồ Tát đạo. Thứ bảy là chẳng khởi tất cả tâm tổn hại chúng sanh. Thứ tám là tu tất cả thiện căn đều khiến rốt ráo. Thứ chín là có thể hàng phục chúng ma. Thứ mười là làm cho đầy đủ tất cả Ba-La-Mật. Lại cũng theo Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, có mười pháp tu hành của chư Đại Bồ Tát. Chư Bồ Tát An Trụ Trong Pháp Nầy Thời Được Pháp Tu Hành Vô Thượng Của Như Lai: Thứ nhaát là cung kính tôn trọng chư thiện tri thức. Thứ nhì là thường được chư Thiên cảnh giác. Thứ ba là trước chư Phật thường biết tàm quí. Thứ tư là thương xót chúng sanh và chẳng bỏ sanh tử. Thứ năm là thực hành công việc đến rốt ráo mà tâm không biến động. Pháp tu hành thứ sáu bao gồm chuyên niệm theo dõi chúng Bồ Tát, phát tâm đại thừa, và tinh cần tu học. Pháp tu hành thứ bảy bao gồm xa lìa tà kiến và siêng cầu chánh đạo. Thứ tám là dẹp phá chúng ma và nghiệp phiền não. Pháp tu hành thứ chín bao gồm biết căn tánh của chúng sanh và vì họ mà thuyết pháp cho họ được an trụ nơi Phật địa. Pháp tu hành thứ mười bao gồm an trụ trong pháp giới quảng đại vô biên và diệt trừ phiền não và thanh tịnh nơi thân.
VII.Bồ Tát Đạo:
Bồ Tát Đạo là con đường mà vị Bồ Tát phải đi qua. Đây là những giai đoạn mà một vị Bồ Tát kinh qua trên đường giác ngộ. Trên con đường này Bồ Tát hành tự lợi, lợi tha, để đi đến giác hạnh viên mãn. Nói cách khác, chư Bồ Tát hành thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh. Thứ Nhất Là Mười Đạo Của Chư Bồ Tát: Bồ Tát Đạo là một trong năm con đường dạy tu hành theo Lục độ Ba la mật để tự giác và giác tha (nhị lợi: tự lợi lợi tha). Mục đích chính là cứu độ chúng sanh và thành Phật quả. Vì mục đích của những người tu theo Bồ Tát Đạo là đạt tới Phật tánh tối thượng, nên Bồ Tát Đạo cũng còn được gọi là Phật Đạo hay Như Lai Đạo. Đây là con đường mà hành giả tu hành tự lợi, lợi tha, giác hạnh viên mãn, hoặc “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh.” Theo kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, có mười đạo của chư Đại Bồ Tát. Chư Bồ Tát an trụ trong mười đạo nầy thời được đạo phương tiện thiện xảo vô thượng của tất cả Như Lai. Nhứt Đạo là Bồ Tát đạo, vì chẳng bỏ Bồ Đề tâm độc nhứt. Nhị Đạo là Bồ Tát đạo, vì xuất sanh trí huệ và phương tiện. Tam Đạo là Bồ Tát đạo vì chư Bồ Tát thực hành những pháp sau đây: không, vô tướng, vô nguyện, và chẳng nhiễm trước tam giới. Tứ Hạnh là Bồ Tát đạo bao gồm sám trừ tội chướng không thôi nghỉ; tùy hỷ phước đức không thôi nghỉ; cung kính tôn trọng khuyến thỉnh Như Lai không thôi nghỉ; và thiện xảo hồi hướng không thôi nghỉ. Ngũ Căn là Bồ Tát đạo ba gồm an trụ tịnh tín; khởi đại tinh tấn, việc làm rốt ráo; một bề chánh niệm, không phan duyên khác lạ; khéo biết tam muội, nhập xuất phương tiện; và hay khéo phân biệt cảnh giới trí huệ. Lục Thông là Bồ Tát Đạo: Với gồm thiên nhãn thấy rõ những hình sắc của tất cả thế giới, biết các chúng sanh chết đây sanh kia; với thiên nhĩ nghe rõ chư Phật thuyết pháp, thọ trì ghi nhớ, rộng vi chúng sanh tùy căn cơ để khai diễn; với tha tâm thông hay biết tâm người tự tại vô ngại; với túc mạng thông, nhớ biết rõ tất cả kiếp số quá khứ, thêm lớn căn lành; với thần túc thông, tùy theo những chúng sanh đáng được hóa độ, vì họ mà biến hiện nhiều thứ cho họ thích mến chánh pháp; và với lậu tận trí hiện chứng thực tế khởi Bồ Tát hạnh chẳng đoạn diệt. Thất Niệm là Bồ Tát đạo: Chư Bồ Tát niệm Phật ở một lỗ lông thấy vô lượng Phật khai ngộ tất cả tâm chúng sanh. Chư Bồ Tát niệm Pháp, chẳng rời chúng hội của các Đức Như Lai. Chư Bồ Tát ở trong chúng hội của tất cả Như Lai, thân thừa diệu pháp, tùy căn tánh dục lạc của các chúng sanh mà diễn thuyết cho họ được ngộ nhập. Chư Bồ Tát niệm Tăng, luôn nối tiếp thấy không thôi dứt, nơi tất cả thế gian thấy Bồ Tát. Chư Bồ Tát niệm xả, biết rất rõ tất cả Bồ tát hạnh xả tăng trưởng, tâm bố thí rộng lớn. Chư Bồ Tát niệm giới, chẳng bỏ tâm Bồ Đề, đem tất cả thiện căn hồi hướng chúng sanh. Chư Bồ Tát niệm thiên, thường ghi nhớ Bồ Tát Nhứt Tâm Bổ Xứ tại Đâu Suất Thiên cung. Chư Bồ Tát niệm chúng sanh, trí huệ phương tiện giáo hóa điều phục đến khắp tất cả không gián đoạn. Tùy thuận Bồ Đề Bát Thánh Đạo là Bồ Tát đạo: Chư Đại Bồ Tát thực hành đạo Chánh kiến, xa lìa tất cả tà kiến. Chư Đại Bồ Tát khởi chánh tư duy, bỏ vọng phân biệt, tâm thường tùy thuận nhứt thiết trí. Chư Đại Bồ Tát thường thực hành chánh ngữ, rời lỗi ngữ nghiệp, tùy thuận Thánh ngôn. Chư Đại Bồ Tát hằng tu chánh nghiệp, giáo hóa chúng sanh, khiến cho họ được điều phục. Chư Đại Bồ Tát an trụ chánh mạng, đầu đà tri túc, oai nghi thẩm chánh, tùy thuận Bồ Đề, thực hành Thánh chủng, tất cả lỗi lầm đều rời hẳn. Chư Đại Bồ Tát khởi chánh tinh tấn, siêng tu tất cả khổ hạnh của Bồ Tát, nhập thập lực của Phật không chướng ngại. Chư Đại Bồ Tát tâm thường chánh niệm, đều có thể ghi nhớ tất cả những ngôn âm, trừ diệt tâm tán động của thế gian. Chư Đại Bồ Tát tâm thường chánh định, khéo nhập môn Bồ tát bất tư nghì giải thoát, ở trong một tam muội xuất sanh tất cả môn tam muội. Nhập Cửu Thứ Đệ Định là Bồ Tát đạo: Chư Đại Bồ Tát rời dục nhiễm sân hại mà dùng tất cả ngữ nghiệp thuyết pháp vô ngại. Chư Đại Bồ Tát diệt trừ tư duy (giác), mà dùng tất cả trí tư duy (giác) giáo hóa chúng sanh. Chư Đại Bồ Tát dầu trừ quán sát, mà dùng tất cả trí quán sát giáo hóa chúng sanh. Chư Đại Bồ Tát xả ly hỷ ái mà thấy tất cả chư Phật lòng rất hoan hỷ. Chư Đại Bồ Tát rời thế gian lạc mà tùy thuận Bồ Tát đạo xuất thế lạc. Chư Đại Bồ Tát nhập sắc định mà chẳng bỏ thọ sanh nơi dục giới. Chư Đại Bồ Tát nhập vô sắc định mà chẳng bỏ thọ sanh nơi dục giới và sắc giới. Chư Đại Bồ Tát dầu trụ trong diệt tưởng định, mà cũng chẳng dứt Bồ Tát hạnh. Chư Đại Bồ Tát dầu trụ trong diệt thọ định, mà cũng chẳng dứt Bồ Tát hạnh. Học Thập Phật Llực là Bồ Tát đạo: Trí của chư Đại Bồ Tát khéo biết thị xứ phi xứ. Trí của chư Đại Bồ Tát khéo biết nghiệp báo nhân quả, quá khứ, vị lai và hiện tại của tất cả chúng sanh. Trí của chư Đại Bồ Tát khéo biết căn cơ của tất cả chúng sanh chẳng đồng mà tùy nghi thuyết pháp. Trí của chư Đại Bồ Tát khéo biết tất cả chúng sanh có vô lượng tánh. Trí của chư Đại Bồ Tát khéo biết tất cả chúng sanh kiến giải sai biệt, mà làm cho họ nhập vào pháp phương tiện. Trí của chư Đại Bồ Tát biết khắp tất cả thế gian, tất cả cõi, tất cả tam thế, tất cả kiếp, hiện khắp hình tướng oai nghi của Như Lai, mà cũng chẳng bỏ việc làm của Bồ Tát. Trí của chư Đại Bồ Tát khéo biết tất cả thiền, giải thoát, và các tam muội, hoặc cấu hoặc tịnh, thời cùng phi thời, chỉ là những phương tiện xuất sanh cho Bồ Tát giải thoát môn. Trí của chư Đại Bồ Tát biết tất cả chúng sanh ở trong các loài chết đây sanh kia sai khác nhau. Trí của chư Đại Bồ Tát ở trong một niệm đều biết tam thế tất cả kiếp số. Trí của chư Đại Bồ Tát khéo biết tất cả chúng sanh lạc dục, phiền não, nghi hoặc, tập khí đều diệt hết, mà chẳng rời bỏ hạnh Bồ Tát.
Thứ Nhì Là Mười Đạo Ly Sanh Của Chư Đại Bồ Tát: Theo Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, có mười đạo ly sanh của chư Đại Bồ Tát. Chư Bồ Tát an trụ trong pháp nầy thời được pháp quyết định của Bồ Tát. Thứ nhất là xuất sanh Bát Nhã Ba La Mật, mà luôn quán sát tất cả chúng sanh. Thứ nhì là xa rời những kiến chấp mà độ thoát tất cả chúng sanh bị kiến chấp ràng buộc. Thứ ba là chẳng tưởng niệm tất cả tướng, mà chẳng bỏ tất cả chúng sanh chấp tướng. Thứ tư là siêu quá tam giới, mà thường ở tại tất cả thế giới. Thứ năm là rời hẳn phiền não, mà ở chung với tất cả chúng sanh. Thứ sáu là đắc pháp ly dục mà thường dùng đại bi thương xót tất cả chúng sanh nhiễm trước dục lạc. Thứ bảy là thường thích tịch tịnh, mà luôn thị hiện tất cả quyến thuộc. Thứ tám là rời sanh thế gian, mà chết đây sanh kia khởi hạnh Bồ Tát. Thứ chín là chẳng nhiễm tất cả pháp thế gian, mà chẳng dứt tất cả việc làm của thế gian. Thứ mười là chư Phật Bồ Đề đã thị hiện ra trước mà chẳng bỏ tất cả hạnh nguyện của Bồ Tát.
Thứ Ba Là Mười Đạo Trang Nghiêm Của Chư Đại Bồ Tát: Theo Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, có mười đạo trang nghiêm của chư Đại Bồ Tát. Chư Bồ Tát an trụ trong pháp nầy thời được đạo đại trang nghiêm vô thượng của Như Lai, cũng chẳng bỏ Bồ Tát Đạo. Thứ nhất là đại Bồ Tát chẳng rời dục giới mà nhập sắc giới, vô sắc giới thiền định, giải thoát và các tam muội, cũng chẳng nhơn đây mà thọ sanh. Thứ nhì là trí huệ hiện tiền nhập Thanh Văn đạo, nhưng chẳng do đạo nầy mà chứng lấy quả xuất ly. Thứ ba là trí huệ hiện tiền nhập Bích Chi Phật đạo, mà phát khởi đại bi chẳng thôi dứt. Thứ tư là dầu có quyến thuộc nhơn thiên vây quanh, trăm ngàn thể nữ ca múa hầu hạ, mà chưa từng tạm bỏ thiền định, giải thoát, và các tam muội. Thứ năm là cùng tất cả chúng sanh thọ những dục lạc, cùng nhau vui đùa, mà vẫn chưa từng tạm trong một niệm rời bỏ Bồ Tát bình đẳng tam muội. Thứ sáu là đã đến bỉ ngạn, không còn chấp trước thế gian pháp, mà cũng chẳng bỏ hạnh cứu độ chúng sanh. Thứ bảy là an trụ trong chánh đạo, chánh trí và chánh kiến, mà hay thị hiện vào tất cả tà đạo, chẳng lấy làm thiệt, chẳng chấp làm tịnh, làm cho chúng sanh đó xa rời tà pháp. Thứ tám là thường khéo hộ trì tịnh giới của Như Lai, ba nghiệp thân, khẩu, ý không lầm lỗi, vì muốn giáo hóa chúng sanh phạm giới nên thị hiện làm tất cả hạnh phàm phu. Dầu đã đầy đủ phước đức thanh tịnh trụ bực Bồ Tát, mà thị hiện sanh nơi tất cả địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, cùng những chỗ hiểm nạn bần cùng, làm cho những chúng sanh đó đều được giải thoát. Kỳ thật, Bồ Tát chẳng sanh vào những loài đó. Thứ chín là chẳng do người dạy mà được vô ngại biện, trí huệ quang minh, có thể chiếu rõ khắp cả Phật pháp, được thần lực của tất cả Như Lai hộ trì đồng một pháp thân với tất cả chư Phật, thành tựu tất cả pháp kiên cố, bí mật, minh tịnh của bực đại nhân, an trụ những thừa giải thoát bình đẳng, cảnh giới chư Phật đều hiện ra, đầy đủ tất cả thế trí quang minh, soi thấy tất cả chúng sanh giới, có thể vì chúng sanh mà làm tri pháp sư, thị hiện cầu chánh pháp không thôi dứt, dầu thật làm vô thượng sư cho chúng sanh mà thị hiện tôn kính a-xà-lê. Vì đại Bồ Tát thiện xảo phương tiện trụ Bồ Tát đạo, tùy theo sở nghi đều vì chúng sanh mà thị hiện. Đạo trang nghiêm thứ mười bao gồm thiện căn đầy đủ, công hạnh rốt ráo. Tất cả Như Lai cùng chung quán đảnh đến bỉ ngạn tất cả pháp tự tại; lụa pháp vô ngại dùng đội trên đầu. Thân hình đến khắp tất cả thế giới, hiện khắp thân vô ngại của Như Lai; nơi pháp tự tại rốt ráo tối thượng; chuyển pháp luân vô ngại thanh tịnh; tất cả pháp tự tại của Bồ Tát đều đã thành tựu. Nhưng vì chúng sanh nên thị hiện thọ sanh nơi tất cả các quốc độ. Đồng một cảnh với tất cả chư Phật trong ba đời mà vẫn chẳng phế hạnh Bồ Tát, chẳng bỏ pháp Bồ Tát, chẳng xao lãng nghiệp Bồ Tát, chẳng rời đạo Bồ Tát, chẳng lơi oai nghi Bồ Tát, chẳng dứt những chấp thủ của Bồ Tát, chẳng thôi phương tiện thiện xảo Bồ Tát, chẳng tuyệt việc làm của Bồ Tát, chẳng nhàm hoạt động phát triển của Bồ Tát, chẳng dừng sức trụ trì của Bồ tát. Tại sao? Vì Bồ Tát muốn mau chóng chứng vô thượng Bồ Đề nên quán môn nhứt thiết trí và tu hạnh Bồ tát không thôi nghỉ.
Thứ Tư Là Mười Đạo Xuất Sanh Phật Pháp Của Chư Đại Bồ Tát: Theo kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, có mười đạo xuất sanh. Chư Bồ Tát an trụ trong pháp nầy thời được mười danh hiệu đại trượng phu. Thứ nhất là tùy thuận thiện hữu là đạo xuất sanh Phật pháp, vì họ đồng gieo căn lành. Thứ nhì là thâm tâm tin hiểu là đạo xuất sanh Phật pháp, vì biết Phật tự tại. Thứ ba là phát thệ nguyện lớn là đạo xuất sanh Phật pháp, vì tâm họ rộng rãi. Thứ tư là nhẫn thọ thiện căn của mình là đạo xuất sanh Phật pháp, vì biết nghiệp chẳng mất. Thứ năm là tất cả kiếp tu hành không nhàm đủ là đạo xuất sanh Phật pháp, vì biết đến tột thuở vị lai. Thứ sáu là vô số thế giới đều thị hiện là đạo xuất sanh Phật pháp, vì thành thục chúng sanh. Thứ bảy là chẳng dứt Bồ Tát hạnh là đạo xuất sanh Phật pháp, vì tăng trưởng Đại bi. Thứ tám là vô lượng tâm là đạo xuất sanh Phật pháp, vì một niệm khắp tất cả hư không giới. Thứ chín là hạnh thù thắng là đạo xuất sanh Phật pháp, vì công hạnh đã tu không hư mất. Thứ mười là Như Lai chủng là đạo xuất sanh Phật pháp, vì làm cho tất cả chúng sanh thích phát tâm Bồ Đề dùng tất cả pháp lành giúp đỡ giữ gìn.
Thứ Năm Là Mười Vô Lượng Đạo Của Chư Đại Bồ Tát: Theo Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, có mười vô lượng đạo của chư Đại Bồ Tát. Thứ nhất là vì hư không vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Thứ nhì là vì pháp giới vô biên, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Thứ ba là vì chúng sanh giới vô tận, nên Bồ tát đạo cũng vô lượng. Thứ tư là vì thế giới vô tế, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Thứ năm là vì kiếp số bất khả tận, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Thứ sáu là vì pháp ngữ ngôn của tất cả chúng sanh vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Thứ bảy là vì Như Lai thân vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Thứ tám là vì Phật âm thanh vô lượng, nên Bồ tát đạo cũng vô lượng. Thứ chín là vì Như Lai lực vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng. Thứ mười là vì nhứt thiết chủng trí vô lượng, nên Bồ Tát đạo cũng vô lượng.
Thứ Sáu Là Mười Vô Lượng Đạo Hạnh Tu Tập Của Chư Đại Bồ Tát: Theo Kinh Hoa nghiêm, Phẩm 38, có mười vô lượng đạo hạnh tu tập của chư Đại Bồ Tát. Chư Bồ Tát an trụ trong pháp nầy thời được hạnh tu thiện xảo vô thượng nhứt thiết trí của chư Như Lai. Thứ nhất là Bất lai bất khứ, là hạnh tu của Bồ Tát, vì ba nghiệp thân, khẩu, ý đều không động tác. Thứ nhì là Phi hữu phi vô, là hạnh tu của Bồ tát, vì không tự tánh. Thứ ba là Bất tăng bất giảm là hạnh tu của Bồ Tát, vì như bổn tánh. Thứ tư là Như huyễn, như mộng, như ảnh, như hưởng, như bóng trong gương, như ánh nắng khi trời quá nóng, như mặt trăng trong nước, là hạnh tu của Bồ Tát, vì rời lìa tất cả chấp trước. Thứ năm là Không, vô tướng, vô nguyện, vô tác, là hạnh tu của Bồ Tát, vì thấy rõ ba cõi, mà tích chứa phước đức chẳng thôi dứt. Thứ sáu là Bất khả thuyết, vô ngôn thuyết, ly ngôn thuyết, là hạnh tu của Bồ Tát, vì xa rời mọi định nghĩa an lập. Thứ bảy là Bất hoại pháp giới là hạnh tu của Bồ Tát, vì trí huệ hiện biết tất cả pháp. Thứ tám là Bất hoại chơn như thực tế, là hạnh tu của Bồ Tát, vì vào khắp chơn như thực tế hư không tế. Thứ chín là Trí huệ quảng đại, là hạnh tu của Bồ Tát, vì bao nhiêu việc làm năng lực vô tận. Thứ mười là An trụ nơi thập lực, tứ vô úy của Như Lai, nhứt thiết chủng trí bình đẳng, là hạnh tu của Bồ Tát, vì hiện thấy tất cả pháp không nghi lầm.
Thứ Bảy Là Mười Vô Lượng Trợ Đạo Của Chư Bồ Tát: Theo Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm 38, có mười vô lượng trợ đạo của chư Đại Bồ Tát. Chư Bồ Tát an trụ trong pháp nầy thời được vô lượng trí huệ của Như Lai. Thứ nhất là như hư không giới vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô lượng. Thứ nhì là như pháp giới vô biên, Bồ tát tích tập trợ đạo cũng vô biên. Thứ ba là như chúng sanh giới vô tận Thứ tư là như thế giới vô tế. Thứ năm là như kiếp số thuyết bất khả tận. Thứ sáu là như pháp ngữ ngôn của chúng sanh vô lượng, Bồ Tát trợ đạo xuất sanh trí huệ biết pháp ngữ ngôn cũng vô lượng. Thứ bảy là như thân Như Lai vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo khắp tất cả chúng sanh, tất cả cõi, tất cả đời, tất cả kiếp cũng vô lượng. Thứ tám là như âm thanh của Phật vô lượng, Bồ tát phát một âm thanh cùng khắp pháp giới tất cả chúng sanh, không ai chẳng nghe biết, trợ đạo đã tích tập cũng vô lượng. Thứ chín là như Phật lực vô lượng, Bồ Tát thừa Như Lai lực tích tập trợ đạo cũng vô lượng. Thứ mười là như nhứt thiết chủng trí vô lượng, Bồ Tát tích tập trợ đạo cũng vô lượng như vậy.
VIII.Bồ Tát Thừa:
Tổng Quan Về Bồ Tát Thừa: Từ ngữ Thừa hay “cỗ xe” được phát triển từ buổi đầu của Phật giáo Tiểu Thừa. Cỗ xe là phương tiện được môn đồ xử dụng để đi đến con đường đại giác. Theo Kinh Pháp Hoa, có ba cỗ xe đưa chúng sanh vượt thoát Ta Bà để qua bờ giác ngộ là Thanh Văn Thừa, Duyên Giác Thừa, và Bồ Tát Thừa. Chữ “Thừa” ở đây tiêu biểu cho phương tiện chuyên chở và đưa chúng sanh đến giác ngộ. Đây chỉ là những phương tiện mà Phật đặt ra để tùy căn cơ mà giáo hóa chúng sanh. Trong Phật giáo, cũng có năm cỗ xe có thể đưa người tới quả vị Phật (giáo pháp của Phật từ cạn đến sâu chia ra năm trình độ, hành giả chỉ cần y theo mỗi giáo pháp thực hành, đều có thể đạt được thành quả tốt đẹp). Theo Đại Thừa: nhân thừa, thiên thừa, thanh văn thừa, duyên giác thừa, và Bồ Tát thừa. Theo Tiểu Thừa: Phật, thanh văn, duyên giác, chư thiên cõi trời Phạm Thiên, và chúng sanh trong cõi dục giới,Theo Tiểu Thừa: Phật, thanh văn, duyên giác, chư thiên cõi trời Phạm Thiên, và chúng sanh trong cõi dục giới. Theo Mật giáo: nhân (tương ứng với đất), thiên (tương ứng với nước), thanh văn (tương ứng với lửa), duyên giác (tương ứng với gió), và Bồ Tát (tương ứng với hư không). Bồ Tát Thừa là một trong ngũ thừa dạy tu hành theo Lục độ Ba la mật để tự giác và giác tha (nhị lợi: tự lợi lợi tha). Mục đích chính là cứu độ chúng sanh và thành Phật quả. Vì mục đích của Bồ Tát thừa là đạt tới Phật tánh tối thượng, nên Bồ Tát Thừa cũng còn được gọi là Phật Thừa hay Như Lai Thừa.
Tu Tập Lục Độ Ba La Mật Theo Bồ Tát Thừa: Ba La Mật, theo Phạn ngữ, có nghĩa là đáo bỉ ngạn. Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật đưa ra ba loại Ba La Mật: Thế gian Ba La Mật, Xuất thế gian Ba La Mật, Xuất thế gian thượng thượng Ba La Mật. Theo Phật giáo Nguyên Thủy, có Thập Độ Ba La Mật: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ, trạch pháp, dũng mãnh, phương tiện, phát bồ đề tâm. Tuy nhiên, trong Phật giáo Đại Thừa, lục độ Ba La Mật là Sáu Ba La Mật đưa chúng sanh qua biển sanh tử để đi đến Niết Bàn. Sáu giai đoạn hoàn thiện tinh thần của chư Bồ tát trong tiến trình thành Phật. Chẳng những Lục độ Ba La Mật là đặc trưng cho Phật Giáo Đại Thừa trong nhiều phương diện, mà chúng còn gồm những cơ bản đạo đức chung cho tất cả các tôn giáo. Lục độ bao gồm sự thực tập và sự phát triển khả dĩ cao nhất. Vì vậy, thực hành sáu Ba La Mật sẽ giúp hành giả vượt bờ mê qua đến bến giác. Phật tử thuần thành luôn biết Lục Độ Ba La Mật là sáu pháp tu hành căn bản của một người con Phật, nhưng lại không nỗ lực thực hành. Gặp ai và ở đâu mình cũng nói pháp “Lục Độ”, nhưng đến lúc gặp thử thách thì bố thí cũng không, trì giới cũng chẳng có, nhẫn nhục cũng tránh xa, tinh tấn đâu chẳng thấy chỉ thấy giải đãi, thiền định đâu không thấy chỉ thấy tán tâm loạn ý, kết quả là chúng ta không thể xử dụng được chân trí tuệ không trong hành xử hằng ngày. Như vậy thì hình tướng tu hành có lợi ích gì? Có người chẳng những không chịu bố thí, mà còn kêu người khác phải bố thí cho mình càng nhiều càng tốt. Những người nầy luôn tìm cách đạt được tiện nghi, chứ không chịu thua thiệt. Chúng ta ai cũng biết trì giới là giữ gìn giới luật Phật, nhưng đến lúc gặp thử thách, chẳng những mình không giữ giới mà còn phá giới nữa là khác. Mặc dù ai trong chúng ta cũng đều biết rằng nhẫn nhục có thể giúp đưa chúng ta sang bờ bên kia, nhưng khi gặp chuyện thì chúng ta chẳng bao giờ nhẫn nhục được. Ai cũng muốn tinh tấn, nhưng mà tinh tấn làm việc trần tục, chứ không phải tinh tấn tu hành. Ai cũng biết thực tập thiền định nhằm tập trung tư tưởng để phát sanh trí huệ, nhưng chỉ biết nói mà không chịu làm. Vì những lý do nầy mà Đức Phật nói pháp Ba La Mật. Bố thí tức là dùng tài sản vật chất hoặc Phật pháp để bố thí cho người khác, trì giới là tuân giữ giới luật Phật và thúc liễm thân tâm trong mọi hoàn cảnh, nhẫn nhục là thọ nhẫn những gì không như ý, tinh tấn là tinh tấn tu tập, thiền định là tập trung tư tưởng cho đến khi không còn một vọng tưởng nào, và trí tuệ là trí có khả năng đưa mình đến bờ bên kia và liễu sanh thoát tử. Có sáu điều giúp cho một vị Bồ tát giữ tròn lục Ba La Mật: Thứ nhất là cúng dường; cúng dường để thành tựu đàn độ. Thứ nhì là hành trì giới luật. Học và hành trì giới giới luật đề thành tựu giới độ. Thứ ba là Bi mẫn; bi mẫn để thành tựu nhẫn độ. Tư tưởng bi mẫn vì hạnh phúc của chúng sanh. Đức Phật hy sinh hạnh phúc riêng mình, cũng như để lại tam tạng kinh điển cho hậu thế tiếp tục phổ độ chúng sanh. Thứ tư là tinh tấn hành trì thiện pháp; siêng năng làm điều thiện để thành tựu tiến độ. Thứ năm là ở nơi cô liêu. Ở nơi cô liêu để thành tựu thiền độ. Thứ sáu là Pháp lạc. Vui học Phật pháp để thành tựu trí độ. Lục độ Ba La Mật là sáu phương pháp tu tập để đạt đến giác ngộ của chư Bồ Tát. Ba La Mật, theo Phạn ngữ, có nghĩa là đáo bỉ ngạn. Sáu Ba La Mật đưa chúng sanh qua biển sanh tử để đi đến Niết bàn. Sáu giai đoạn hoàn thiện tinh thần của chư Bồ tát trong tiến trình thành Phật. Chẳng những Lục độ Ba La Mật là đặc trưng cho Phật Giáo Đại Thừa trong nhiều phương diện, mà chúng còn gồm những cơ bản đạo đức chung cho tất cả các tôn giáo. Lục độ bao gồm sự thực tập và sự phát triển khả dĩ cao nhất. Vì vậy, thực hành sáu Ba La Mật sẽ giúp hành giả vượt bờ mê qua đến bến giác: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí huệ.
Lợi Lạc Cho Những Ai Thực Hành Hạnh Ba La Mật: Theo Sớ Giải Kinh Tập, những ai thực hành hạnh Ba La Mật không sanh vào những trạng thái xấu kém sau đây: Họ không bao giờ sanh ra mà bị mù; họ không bao giờ sanh ra mà bị điếc; họ không bao giờ bị mất trí; họ không bao giờ bị chảy nước dãi; họ không bao giờ sanh ra làm người man dã; họ không bao giờ sanh ra làm nô lệ; họ không bao giờ sanh ra trong gia đình theo dị giáo. Cho dù họ có luân hồi sanh tử bao nhiêu lần, họ sẽ không bao giờ đổi giới tính; họ không bao giờ phạm năm trọng tội; họ không bao giờ trở thành người cùi hủi; họ không bao giờ sanh ra làm súc sanh; họ không bao giờ sanh ra làm ngạ quỷ; họ không bao giờ sanh ra trong hàng a tu la; họ không bao giờ sanh vào địa ngục vô gián; họ không bao giờ sanh vào Biên Địa Địa Ngục (Biên Ngục); họ không bao giờ sanh ra làm ma Ba Tuần; họ không bao giờ sanh vào cảnh giới không có tình thức; họ không bao giờ sanh trong cõi vô nhiệt thiên; họ không bao giờ sanh ra trong cõi sắc giới; họ không bao giờ sanh ra trong tiểu thế giới. Tóm lại, những ai thực hành Ba La Mật là thực hành Bồ Tát Hạnh. Bồ Tát Hạnh theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa, một vị Bồ Tát muốn thực hành Bồ Tát Hạnh phải trước hết phát tâm Bồ Đề, đối với chúng hữu tình phải có đầy đủ tâm từ bi hỷ xả không ngằn mé. Ngoài ra, người ấy phải luôn thực hành hành nguyện độ tha với lục Ba La Mật. Cuối cùng vị ấy phải lấy Tứ Nhiếp Pháp trong công việc hoằng hóa của mình.
Bồ Tát Tu Tập Sáu Ba La Mật: Như trên đã nói, Bồ Tát, một chúng sanh giác ngộ, và nguyện chỉ đạt được đại giác một khi cứu độ hết thảy chúng sanh. Nếu muốn theo chân Bồ Tát, hành giả cũng phải cố gắng tu tập theo một số pháp tu tiêu biểu của chư Bồ Tát, đặc biệt là tu tập sáu pháp Ba La Mật. Như những giải thích chi tiết trong các chương trước, Ba La Mật, theo Phạn nhữ, có nghĩa là sự tích lũy năng lực của một cái tâm trong sạch. Mỗi khi tâm chúng ta không bị ảnh hưởng bởi tham, sân, si, nó sẽ có năng lực làm cho dòng tâm thức trở nên tinh khiết. Trên bước đường tu tập, nhất là tu thiền, chúng ta rất cần một chuỗi liên tục của dòng tâm thức tinh khiết để có thể vượt qua khỏi cảnh giới ta bà nầy. Đối với hành giả tu Phật, khi những yếu tố vô tham, vô sân và vô si được tích lũy đầy đủ, dòng tâm thức trở nên tinh khiết và trở thành sức mạnh sanh ra những quả hạnh phúc đủ loại, kể cả quả vị an lạc giải thoát cao tột nhất. Lục độ Ba La Mật là sáu giáo pháp đưa người vượt qua biển sanh tử. Ngoài ra, Lục Độ Ba La Mật còn có mục tiêu cứu độ hết thảy chúng sanh. Lục độ Ba La Mật hay sáu đức tính cốt yếu của Bồ Tát. Sáu Ba La Mật đưa chúng sanh qua biển sanh tử để đi đến Niết Bàn. Sáu giai đoạn hoàn thiện tinh thần của chư Bồ tát trong tiến trình thành Phật. Chẳng những Lục độ Ba La Mật là đặc trưng cho Phật Giáo Đại Thừa trong nhiều phương diện, mà chúng còn gồm những cơ bản đạo đức chung cho tất cả các tôn giáo. Lục độ bao gồm sự thực tập và sự phát triển khả dĩ cao nhất. Vì vậy, thực hành sáu Ba La Mật sẽ giúp hành giả vượt bờ mê qua đến bến giác. Tu tập “Ba La Mật” thông dụng cho cả Phật giáo Đại Thừa lẫn Nguyên Thủy. Tuy nhiên, trong khi trong Phật giáo Nguyên Thủy, hành giả tu tập mười Ba La Mật, thì trong Phật giáo Đại Thừa, hành giả tu tập sáu Ba La Mật. Thứ Nhất Là Tu Tập Bố Thí: Bố thí là cho vì ích lợi và hạnh phúc của tất cả chúng sanh bất cứ thứ gì và tất cả những gì ta có thể cho được: không những chỉ của cải vật chất, mà cả kiến thức , thề tục cũng như tôn giáo hay tâm linh. Chư Bồ Tát đều sẵn sàng bố thí ngay cả sinh mạng mình để cứu kẻ khác. Bố thí tài sản vật chất, nghĩa là cho người tiền bạc hay vật chất. Trên đời này, không ai là không thể thực hiện một hình thức bố thí nào đó. Dù cho một người bần cùng đến đâu, người ấy cũng có thể bố thí cho những người còn tệ hơn mình hay có thể giúp vào việc công ích bằng sự bố thí dù nhỏ nhặt, nếu người ấy muốn. Ngay cả một người hoàn toàn không thể làm được như thế, người ấy cũng có thể có ích cho người khác và cho xã hội bằng cách phục vụ. Bố thí Pháp, nghĩa là dạy dỗ người khác một cách đúng đắn. Một người có kiến thức hay trí tuệ về một lãnh vực nào đó, hẳn cũng có thể dạy người khác hay dẫn dắt họ ngay cả khi họ không có tiền hay bị trở ngại về thể chất. Dù cho một người có hoàn cảnh hạn hẹp cũng có thể thực hiện bố thí pháp. Nói lên kinh nghiệm của riêng mình làm lợi cho người khác cũng là bố thí pháp. Bố thí vô úy nghĩa là gỡ bỏ những ưu tư hay khổ đau của người khác bằng nỗ lực của chính mình. An ủi ai vượt qua lúc khó khăn cũng được xem như là “vô úy thí.” Đây không chỉ có nghĩa là cho đi thứ gì mà người ta có thừa; nó còn bao gồm cả việc thí xả thân mệnh mình cho chính nghĩa. Đàn na bao gồm tài thí, pháp thí và vô úy thí. Bố thí Ba la Mật được dùng để diệt trừ xan tham, bỏn xẻn. Thứ Nhì Là Tu Tập Trì Giới: Trì giới dạy chúng ta rằng chúng ta không thể cứu độ người khác nếu chúng ta không tự mình tháo gỡ những nhiễm trược của chúng ta bằng cách sống theo phạm hạnh và chánh trực. Tuy nhiên, cũng đừng nên nghĩ rằng chúng ta không thể dẫn dắt người khác vì chúng ta chưa được hoàn hảo. Trì giới còn là tấm gương tốt cho người khác noi theo nữa, đây là một hình thức giúp đỡ người khác. Trì giới hạnh thanh tịnh nghĩa là thực hành tất cả các giới răn của đạo Phật, hay tất cả những thiện hạnh dẫn tới chỗ toàn thiện đạo đức cho mình và cho tất cả mọi người. Trì giữ giới hạnh thanh tịnh. Trì giới Ba La Mật được dùng để diệt trừ phạm giới và hủy báng Phật Pháp. Giới luật còn có một ý nghĩa sâu xa hơn thế nữa đối với người tu thiền vì giới luật giải thoát tâm chúng ta ra khỏi mọi hối hận và lo âu. Hành giả nên luôn nhớ rằng mặc cảm tội lỗi về những chuyện trong quá khứ không mang lại lợi ích gì; chúng chỉ làm cho tâm chúng ta thêm lo buồn mà thôi. Hành giả phải cố gắng tạo dựng cho mình một căn bản trong sạch cho hành động trong giây phút hiện tại vì nó có thể giúp làm cho tâm mình an tĩnh và nhất tâm một cách dễ dàng hơn. Chính vì vậy mà nền tảng giới luật trở thành một căn bản vô cùng cần thiết cho việc phát triển tâm linh của hành giả. Thứ Ba Là Tu Tập Nhẫn Nhục: Nhẫn nhục là một trong những phẩm chất quan trọng nhất trong xã hội hôm nay. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật có tất cả những đức hạnh và thành Phật do sự kiên trì tu tập của Ngài. Tiểu sử của Ngài mà ta đọc được bất cứ ở đâu hay trong kinh điển, chưa có chỗ nào ghi rằng Đức Phật đã từng giận dữ. Dù Ngài bị ngược đãi nặng nề hay dù các đệ tử Ngài nhẫn tâm chống Ngài và bỏ đi, Ngài vẫn luôn luôn có thái độ cảm thông và từ bi. Là đệ tử của Ngài, chúng ta phải nên luôn nhớ rằng: “Không có hành động nào làm cho Đức Phật thất vọng hơn là khi chúng ta trở nên giận dữ về điều gì và trách mắng hay đổ thừa cho người khác vì sự sai lầm của chính chúng ta.” Tóm lại, một khi chúng ta kiên nhẫn theo sự tu tập của Bồ Tát, chúng ta không còn trở nên giận dữ hay trách mắng kẻ khác hay đối với mọi sự mọi vật trong vũ trụ. Chúng ta có thể than phiền về thời tiết khi trời mưa trời nắng và cằn nhằn về bụi bặm khi chúng ta gặp buổi đẹp trời. Tuy nhiên, nhờ nhẫn nhục, chúng ta sẽ có được một tâm trí bình lặng thanh thản, lúc đó chúng ta sẽ biết ơn cả mưa lẫn nắng. Rồi thì lòng chúng ta sẽ trở nên tự tại với mọi thay đổi trong mọi hoàn cảnh của chúng ta. “Nhẫn nhục,” thường được hiểu là chịu đựng những việc sỉ nhục một cách nhẫn nại, hay đúngg hơn là chịu đựng với lòng bình thản. Hay như Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử không buồn khi công việc hay tài năng của mình không được người khác biết đến.” Không người Phật tử nào lại cảm thấy tổn thương khi mình không được tán dương đầy đủ; không, ngay cả khi họ bị bỏ lơ một cách bất công. Họ cũng tiếp tục một cách nhẫn nại trong mọi nghịch cảnh. Nhẫn nhục đôi khi cũng được gọi là nhẫn nại, nhưng nhẫn nhục thì đúng nghĩa hơn. Vì rằng nó không chỉ là sự kiên nhẫn chịu những bệnh hoạn của xác thịt, mà nó là cảm giác về sự vô nghĩa, vô giới hạn, và xấu ác. Nói cách khác, nhẫn nhục là nín chịu mọi sự mắng nhục của các loài hữu tình, cũng như những nóng lạnh của thời tiết. Nhẫn nhục Ba la mật được dùng để diệt trừ nóng giận và sân hận. Thứ Tư Là Tu Tập Tinh Tấn: Tinh tấn có nghĩa là tiến thẳng lên một mục tiêu quan trọng mà không bị xao lãng vì những việc nhỏ nhặt. Chúng ta không thể bảo rằng chúng ta tinh tấn khi ý tưởng và cách hành sử của chúng ta không thanh sạch, dù cho chúng ta có nỗ lực tu tập giáo lý của Đức Phật. Ngay cả khi chúng ta nỗ lực tu tập, đôi khi chúng ta vẫn không đạt được kết quả tốt, mà ngược lại còn có thể lãnh lấy hậu quả xấu, trở ngại trong việc tu hành do bởi người khác; đó chỉ là những bóng ma, sẽ biến mất đi khi gió lặng. Do đó, một khi chúng ta đã quyết định tu Bồ Tát đạo, chúng ta cần phải giữ vững lòng kiên quyết tiến đến ý hướng của chúng ta mà không đi lệnh. Đó gọi là “tinh tấn.” Tinh tấn là kiên trì thể hiện động lực chí thiện. Đời sống của các vị tu theo Phật giáo Đại Thừa là một cuộc đời hăng say tột bực, không chỉ trong đời sống hiện tại mà cả trong đời sống tương lai và những cuộc đời kế tiếp không bao giờ cùng tận. Tinh tấn còn có nghĩa là luôn khích lệ thân tâm tiến tu năm Ba La Mật còn lại. Tinh tấn Ba la mật được dùng để diệt trừ các sự giải đãi. Thứ Năm Là Tu Tập Thiền Định: “Thiền định,” tiếng Phạn là “Dhyana” và tiếng Nhật là “Zenjo.” Zen có nghĩa là “cái tâm tĩnh lặng” hay “tinh thần bất khuất,” và Jo là trạng thái có được cái tâm tĩnh lặng, không dao động. Điều quan trọng là không những chúng ta phải nỗ lực thực hành giáo lý của đức Phật, mà chúng ta còn phải nhìn hết sự vật bằng cái tâm tĩnh lặng và suy nghĩ về sự vật bằng cái nhìn “như thị” (nghĩa là đúng như nó là). Được vậy chúng ta mới có thể thấy được khía cạnh chân thực của vạn hữu và tìm ra cách đúng đắn để đối phó với chúng. Từ “Thiền Định” là giữ trạng thái tâm bình lặng của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào, nghịch cũng như thuận, và không hề bị xao động hay lúng túng ngay cả khi nghịch cảnh đến tới tấp. Điều này đòi hỏi rất nhiều công phu tu tập. Thiền định có nghĩa là tư duy, nhựng không theo nghĩa tư duy về một phương diện đạo đức hay một cách ngôn triết học; nó là việc tu tập tĩnh tâm. Nói khác đi, thiền định là luôn tu theo pháp tư duy để đình chỉ sự tán loạn trong tâm. Thiền định Ba la mật được dùng để diệt trừ sự tán loạn và hôn trầm. Thứ Sáu Là Tu Tập Trí Tuệ: Trí tuệ là cách nhìn đúng về sự vật và năng lực nhận định các khía cạnh chân thân thật của vạn hữu. Trí tuệ là khả năng nhận biết những dị biệt giữa các sự vật, đồng thời thấy cái chân lý chung cho các sự vật ấy. Tóm lại, trí tuệ là cái khả năng nhận ra rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một vị Phật. Giáo lý của Đức Phật nhấn mạnh rằng chúng ta không thể nhận thức tất cả các sự vật trên đời một cách đúng đắn nếu chúng ta không có khả năng trọn vẹn hiểu biết sự dị biệt lẫn sự tương đồng. Chúng ta không thể cứu người khác nếu chúng ta không có trí tuệ, vì dù cho chúng ta muốn làm tốt cho kẻ khác để cứu giúp họ, nhưng không có đủ trí tuệ để biết nên làm như thế nào, cái gì nên làm và cái gì không nên làm, chúng ta có thể làm hại người khác chứ không làm được lợi ích gì cho họ. Không có chữ Anh nào tương đương với từ “Prajna” trong Phạn ngữ. Thật ra, không có ngôn ngữ Âu châu nào tương đương với nó, vì người Âu không có kinh nghiệm nào đặc biệt tương đương với chữ “prajna.” Prajna là cái kinh nghiệm một người có được khi người ấy cảm thấy cái toàn thể tính vô hạn của sự vật trong ý nghĩa căn bản nhất của nó, nghĩa là, nói theo tâm lý học, khi cái bản ngã hữu hạn đập vỡ cái vỏ cứng của nó, tìm đến với cái vô hạn bao trùm tất cả những cái hữu hạn do đó vô thường. Chúng ta có thể xem kinh nghiệm này giống với một trực giác toàn thể về một cái gì vượt qua tất cả những kinh nghiệm đặc thù riêng lẻ của chúng ta. Trong Phật giáo, Bát Nhã là trí tuệ siêu việt, yếu tố giác ngộ. Nó là trực giác thông đạt mọi pháp để chứng đạt chân lý, hay để nhìn vào chân lý cứu cánh của vạn hữu, nhờ đó mà người ta thoát ra ngoài triền phược của hiện hữu và trở thành tự chủ lấy mình. Bát Nhã hay Trí huệ Ba la mật được dùng để diệt trừ sự hôn ám ngu si. Nói tóm lại, trí tuệ là điểm cao tột nhất đối với hành giả tu Phật. Tuy nhiên, nó phải được bắt đầu bằng sự thực hành bố thí, trì giới và phát triển định lực. Từ căn bản trong sạch ấy, hành giả mới có khả năng phát sanh ra một trí tuệ có khả năng soi thấu được thực chất của thân và tâm. Bằng cách giữ chánh niệm hoàn toàn trong hiện tại, những gì huân tập trong tâm mình từ bấy lâu nay sẽ bắt đầu hiển lộ. Mọi tư tưởng, mọi tà ý, tham dục, luyến ái, vân vân, trong tâm sẽ được mang lên bình diện nhận thức. Và bằng sự thực hành chánh niệm, không dính mắc, không ghét bỏ, không nhận bất cứ đối tượng nào làm mình, tâm mình sẽ trở nên thư thái và tự tại.
- Lục Độ Ba La Mật Là Sáu Giai Đoạn Hoàn Thiện Tu Tập Của Bồ Tát: Ba La Mật có nghĩa là sự toàn hảo hay đáo bỉ ngạn (đạt tới bên kia bờ. Ở bên kia bến bờ của thế giới nhị nguyên hay thế giới của sự phân biệt và chấp trước). Ba La Mật, theo Phạn ngữ, có nghĩa là đáo bỉ ngạn. Ba La Mật có công năng đưa chúng sanh qua biển sanh tử để đi đến Niết bàn. Ba La Mật là những giai đoạn hoàn thiện tinh thần của chư Bồ tát trong tiến trình thành Phật. Chẳng những Ba La Mật là đặc trưng cho Phật Giáo Đại Thừa trong nhiều phương diện, mà chúng còn gồm những cơ bản đạo đức chung cho tất cả các tôn giáo. Ba La Mật bao gồm sự thực tập và sự phát triển khả dĩ cao nhất. Vì vậy, thực hành Ba La Mật sẽ giúp hành giả vượt bờ mê qua đến bến giác. Ba La Mật là những đức tính được Bồ Tát thực hiện trong đời tu hành của mình. Thuật ngữ “Paramita” đã được nhiều học giả diễn dịch khác nhau. Theo T.R. David và William Stede, “Paramita” có nghĩa là “hoàn hảo,” “hoàn thiện,” hay “tối thượng.” H.C. Warren dịch là sự toàn thiện. Và vài học giả Phật giáo khác lại dịch là đức hạnh siêu việt, hay đức hạnh hoàn hảo. Tiếng Phạn “Paramita” được chuyển dịch sang Hán ngữ là Ba-la-mật. “Ba la” có nghĩa trái thơm, còn “mật” có nghĩa là ngọt. Trong Phật giáo, tiếng Phạn “Paramita” (dịch cũ là Độ Vô Cực, dịch mới là Đáo Bỉ Ngạn) nghĩa là đến bờ bên kia, đưa qua bờ bên kia, hay cứu độ không có giới hạn. Đáo bỉ ngạn (đạt tới bên kia bờ. Ở bên kia bến bờ của thế giới nhị nguyên hay thế giới của sự phân biệt và chấp trước) cũng có nghĩa là sự toàn hảo hay hoàn thành những thứ cần hoàn thành. Ba La Mật cũng có nghĩa là thành tựu, hoàn tất, hay làm xong một cách hoàn toàn cái mà chúng ta cần làm. Thí dụ như nếu chúng ta quyết chí tu hành để làm Phật thì việc đạt được Phật quả chính là “Đáo được bỉ ngạn.” Đây cũng là những (sáu hay mười) đức tính được Bồ Tát thực hiện trong đời tu hành của mình. Từ “Ba La Mật” thông dụng cho cả Phật giáo Đại Thừa lẫn Nguyên Thủy. Ba La Mật, theo Phạn ngữ, có nghĩa là đáo bỉ ngạn. Có sáu Ba La Mật đưa chúng sanh qua biển sanh tử để đi đến Niết Bàn. Sáu giai đoạn hoàn thiện tinh thần của chư Bồ tát trong tiến trình thành Phật. Chẳng những Lục độ Ba La Mật là đặc trưng cho Phật Giáo Đại Thừa trong nhiều phương diện, mà chúng còn gồm những cơ bản đạo đức chung cho tất cả các tôn giáo. Lục độ bao gồm sự thực tập và sự phát triển khả dĩ cao nhất. Vì vậy, thực hành sáu Ba La Mật sẽ giúp hành giả vượt bờ mê qua đến bến giác. Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật đưa ra ba loại Ba La Mật: Xuất thế gian thượng thượng Ba La Mật, Xuất thế gian Ba La Mật, Thế gian Ba La Mật. Tuy nhiên, theo kinh Hoa Nghiêm thì chỉ có một Ba La Mật, đó là Giải Thoát Bát Nhã Ba La Mật.
- Sau khi giác ngộ, Đức Phật khám phá ra rằng mọi kiếp sống của tất cả chúng sanh đều có tương quan tương duyên với nhau, và Ngài cũng thấy thế gian nầy ngập tràn những khổ đau phiền não. Chúng sanh mọi loài, từ côn trùng nhỏ bé đến vua quan uy quyền tột đỉnh đều chạy theo thú vui dục lạc, và cuối cùng phải gặt lấy những khổ đau phiền não. Chính vì thương xót chúng sanh mọi loài mà Ngài đã xuất gia tu hành và tìm ra phương cách cứu độ chúng sanh. Sau sáu năm tu hành khổ hạnh, Ngài đã tìm ra những phương cách “Đáo Bỉ Ngạn,” còn gọi là “Ba La Mật Đa.” Theo đạo Phật, đáo bỉ ngạn hay vượt qua bờ sinh tử bên nầy để đến bờ bên kia, hay đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Nếu chúng ta dụng công tu hành và nhìn thấy rõ ràng chân lý như Ngài đã nhìn thấy thì cuối cùng chắc chắn chúng ta sẽ chấm dứt hết mọi khổ đau phiền não. Theo các kinh điển Đại Thừa, sáu giáo pháp đưa người vượt qua biển sanh tử. Ngoài ra, Lục Độ Ba La Mật còn có mục tiêu cứu độ hết thảy chúng sanh. Lục độ Ba La Mật còn là sáu đức tính cốt yếu của Bồ Tát. Ngoài ra, Lục Độ còn là pháp môn Bồ Tát tu hành. Bố thí được dùng để độ tánh bỏn xẻn và tham lam. Trì giới được dùng để độ việc hủy phạm. Nhẫn nhục thì độ sân hận và thù ghét. Tinh tấn được dùng để độ giải đãi, lười biếng. Thiền định được dùng để độ tâm tán loạn; trí tuệ được dùng để độ ngu si. Khi lục độ được tu tập viên mãn thì hành giả khai ngộ.
(B) Tại Gia Bồ Tát
I. Tổng Quan Về Tại Gia Bồ Tát:
Đạo Phật không bao giờ tự tách mình ra khỏi đời sống thế tục. Ngược lại, Đức Phật luôn nhắc nhở tứ chúng, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, ưu bà tắc và ưu bà di, luôn sống đời cao đẹp đúng nghĩa nhất, luôn thụ hưởng những phần lợi lạc nhất trong đời. Tuy nhiên, những phần lợi lạc trong đời sống theo đạo Phật không nên được hiểu là khoái lạc vật chất, mà là hạnh phúc thanh thản và an vui trong tinh thần. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng quả thật chúng ta phải nghiên cứu giáo lý nhà Phật, nhưng việc chính yếu ở đây là chúng ta phải hằng sống với những giáo lý ấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Làm được như vậy, chúng ta đang thực sự là đệ tử của đạo Phật sống, ví bằng ngược lại, chúng ta chỉ ôm cái xác của đạo Phật chết mà thôi. Theo Kinh Hoa Nghiêm, có hai sắc thái của đời sống Phật tử. Mọi người đều hy vọng rằng một ngày nào đó những ước nguyện của họ sẽ được thành tựu. Hy vọng tự nó không có gì sai trái vì hy vọng giúp con người cố gắng vươn lên tới những hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, khi con người bắt đầu mong muốn mọi việc đều được như ý mình, họ sẽ gặp phiền muộn khi sự việc không xảy ra đúng như ý họ muốn. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: “Cầu bất đắc khổ,” tức là những mong cầu không toại nguyện gây nên đau khổ, đây là một trong bát khổ. Và cũng chính vì vậy mà Đức Phật khuyên mọi người nên thiểu dục tri túc. Thiểu dục là có ít dục lạc; tri túc là biết đủ. Thiểu dục tri túc là ít ham muốn mà thường hay biết đủ. Tri túc là bằng lòng với những điều kiện sinh hoạt vật chất tạm đủ để sống mạnh khỏe tiến tu. Tri túc là một phương pháp hữu hiệu nhất để phá lưới tham dục, để đạt được sự thảnh thơi của thân tâm và hoàn thành mục tiêu tối hậu của sự nghiệp tu tập. Có một số người nhìn đời bằng bi quan thống khổ thì họ lại bỏ qua những cảm giác bất toại với cuộc đời, nhưng khi họ bắt đầu bỏ qua cuộc sống vô vọng này để thử tìm lối thoát cho mình bằng cách ép xác khổ hạnh, thì họ lại đáng kinh tởm hơn. Nhiều người cho rằng đạo Phật bi quan yếm thế vì quan điểm đặc sắc của nó cho rằng thế gian này không có gì ngoài sự đau khổ, cho đến hạnh phúc rồi cũng phải kết cuộc trong đau khổ. Thật là sai lầm khi nghĩ như vậy. Đạo Phật cho rằng cuộc sống hiện tại vừa có hạnh phúc vừa có khổ đau, vì nếu ai nghĩ rằng cuộc đời chỉ toàn là hạnh phúc thì kẻ đó sẽ phải khổ đau một khi cái gọi là hạnh phúc chấm dứt. Đức Phật cho rằng Hạnh phúc và khổ đau lồng nhau trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nếu ai không biết rằng hạnh phúc là mầm của đau khổ, kẻ đó sẽ vô cùng chán nản khi đau khổ hiện đến. Vì thế mà Đức Phật dạy rằng chúng ta nên nhận thức đau khổ là đau khổ, chấp nhận nó như thực kiến và tìm cách chống lại nó. Từ đó mà Ngài nhấn mạnh đến chuyên cần, tinh tấn và nhẫn nhục, mà nhẫn nhục là một trong lục độ Ba La Mật. Nói tóm lại, theo quan điểm Phật giáo, đời có khổ có vui, nhưng ta không được chán nản bi quan khi đau khổ ập đến, cũng như không được trụy lạc khi hạnh phúc đến tay. Cả hai thứ khổ vui đều phải được chúng ta đón nhận trong dè dặt vì hiểu rằng đau khổ nằm ngay trong hạnh phúc. Từ sự hiểu biết này, người con Phật chơn thuần quyết tinh tấn tu tập để biến khổ vui trần thế thành một niềm an lạc siêu việt và miên viễn, nghĩa là lúc nào chúng ta cũng thoát khỏi mọi hệ lụy của vui và khổ. Chúng đến rồi đi một cách tự nhiên. Chúng ta lúc nào cũng sống một cuộc sống không lo, không phiền, không não, vì chúng ta biết chắc rằng mọi việc rồi sẽ qua đi. Quan điểm của Phật giáo đối vời bi quan và lạc quan rất sáng tỏ: Phật giáo không bi quan mà cũng chẳng lạc quan về cuộc sống con người. Hai thái cực lạc quan và bi quan đều bị chận đứng bởi học thuyết trung đạo của Phật giáo. Đối với người Phật tử, một cuộc sống xứng đáng, theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, không phải là chỉ trải qua một cuộc sống bình an, tỉnh lặng mà chính là sự sáng tạo một cái gì tốt đẹp. Khi một người nỗ lực trở thành một người tốt hơn do tu tập thì sự tận lực này là sự sáng tạo về điều tốt. Khi người ấy làm điều gì lợi ích của người khác thì đây là sự sáng tạo một tiêu chuẩn cao hơn của sự thiện lành. Các nghệ thuật là sự sáng tạo về cái đẹp, và tất cả các nghiệp vụ lương thiện đều là sự sáng tạo nhiều loại năng lực có ích lợi cho xã hội. Sự sáng tạo chắc chắn cũng mang theo với nó sự đau khổ, khó khăn. Tuy nhiên, người ta nhận thấy cuộc đời đáng sống khi người ta nỗ lực vì điều gì thiện lành. Một người nỗ lực để trở nên một người tốt hơn một chút và làm lợi ích cho người khác nhiều hơn một chút, nhờ sự nỗ lực tích cực như thế chúng ta có thể cảm thấy niềm vui sâu xa trong đời người.
Ngay cả những người tại gia, nếu muốn theo chân Bồ Tát, hành giả cũng phải cố gắng tu tập theo một số pháp tu tiêu biểu của chư Bồ Tát. Tại gia Bồ Tát là những Phật tử thuần thành đang tu tập Bồ Tát Thừa, trong đó dạy tu hành theo Lục độ Ba la mật để tự giác và giác tha (nhị lợi: tự lợi lợi tha). Mục đích chính là cứu độ chúng sanh và thành Phật quả. Vì mục đích của Bồ Tát thừa là đạt tới Phật tánh tối thượng, nên Bồ Tát Thừa cũng còn được gọi là Phật Thừa hay Như Lai Thừa. Dầu hãy còn là Bồ Tát tại gia cũng nên có sự hiểu biết thâm sâu; nên có được trí tuệ biết tứ đế là nhất đế, và dùng nhất đế để hiểu thực tại. Trí tuệ Bồ Tát luôn bén nhạy nên họ luôn có được bi tâm quảng đại. Bồ Tát Hạnh theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa (một vị Bồ Tát muốn thực hành Bồ Tát Hạnh phải trước hết phát tâm Bồ Đề, đối với chúng hữu tình phải có đầy đủ tâm từ bi hỷ xả không ngằn mé. Ngoài ra, Bồ Tát phải luôn thực hành hành nguyện độ tha với lục Ba La Mật. Cuối cùng vị ấy phải lấy Tứ Nhiếp Pháp trong công việc hoằng hóa của mình). Ngoài ra, một vị Bồ Tát tại gia cũng phải học theo hạnh của một vị Bồ Tát là cần phải có bốn thứ không sợ hãi. Thứ nhất là tổng trì bất vong hay thuyết pháp vô úy. Bồ Tát có khả năng nghe hiểu giáo pháp và ghi nhớ các nghĩa mà chẳng quên, nên thuyết pháp không hề e sợ trước đại chúng. Thứ nhì là tận tri pháp dược cập chúng sanh căn dục tâm tính thuyết pháp vô úy. Bồ Tát biết cả thế gian và xuất thế gian pháp, cũng như căn dục của chúng sanh nên Bồ tát chẳng sợ khi thuyết pháp ở giữa đại chúng. Thứ ba là thiện năng vấn đáp thuyết pháp vô úy. Bồ Tát khéo biết hỏi đáp thuyết pháp chẳng sợ. Thứ tư là năng đoạn vật nghi thuyết pháp vô úy. Bồ Tát có khả năng dứt mối nghi ngờ cho chúng sanh nên thuyết pháp chẳng e sợ. Tại gia Bồ Tát là những Phật tử thuần thành, đã quy y Tam Bảo. Ngoài việc thọ trì năm giới căn bản, những tại gia Bồ Tát còn thọ trì thêm sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh.
II. Tại Gia Bồ Tát Giới:
Tổng Quan Về Giới Bồ Tát Cho Người Tại Gia: Đạo Phật không bao giờ tự tách mình ra khỏi đời sống thế tục. Ngược lại, Đức Phật luôn nhắc nhở tứ chúng, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, ưu bà tắc và ưu bà di, luôn sống đời cao đẹp đúng nghĩa nhất, luôn thụ hưởng những phần lợi lạc nhất trong đời. Tuy nhiên, những phần lợi lạc trong đời sống theo đạo Phật không nên được hiểu là khoái lạc vật chất, mà là hạnh phúc thanh thản và an vui trong tinh thần. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng quả thật chúng ta phải nghiên cứu giáo lý nhà Phật, nhưng việc chính yếu ở đây là chúng ta phải hằng sống với những giáo lý ấy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Làm được như vậy, chúng ta đang thực sự là đệ tử của đạo Phật sống, ví bằng ngược lại, chúng ta chỉ ôm cái xác của đạo Phật chết mà thôi. Theo Kinh Hoa Nghiêm, có hai sắc thái của đời sống Phật tử. Mọi người đều hy vọng rằng một ngày nào đó những ước nguyện của họ sẽ được thành tựu. Hy vọng tự nó không có gì sai trái vì hy vọng giúp con người cố gắng vươn lên tới những hoàn cảnh tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, khi con người bắt đầu mong muốn mọi việc đều được như ý mình, họ sẽ gặp phiền muộn khi sự việc không xãy ra đúng như ý họ muốn. Chính vì vậy mà Đức Phật dạy: “Cầu bất đắc khổ,” tức là những mong cầu không toại nguyện gây nên đau khổ, đây là một trong bát khổ. Và cũng chính vì vậy mà Đức Phật khuyên mọi người nên thiểu dục tri túc. Thiểu dục là có ít dục lạc; tri túc là biết đủ. Thiểu dục tri túc là ít ham muốn mà thường hay biết đủ. Tri túc là bằng lòng với những điều kiện sinh hoạt vật chất tạm đủ để sống mạnh khỏe tiến tu. Tri túc là một phương pháp hữu hiệu nhất để phá lưới tham dục, để đạt được sự thảnh thơi của thân tâm và hoàn thành mục tiêu tối hậu của sự nghiệp tu tập. Có một số người nhìn đời bằng bi quan thống khổ thì họ lại bỏ qua những cảm giác bất toại với cuộc đời, nhưng khi họ bắt đầu bỏ qua cuộc sống vô vọng này để thử tìm lối thoát cho mình bằng cách ép xác khổ hạnh, thì họ lại đáng kinh tởm hơn. Nhiều người cho rằng đạo Phật bi quan yếm thế vì quan điểm đặc sắc của nó cho rằng thế gian này không có gì ngoài sự đau khổ, cho đến hạnh phúc rồi cũng phải kết cuộc trong đau khổ. Thật là sai lầm khi nghĩ như vậy. Đạo Phật cho rằng cuộc sống hiện tại vừa có hạnh phúc vừa có khổ đau, vì nếu ai nghĩ rằng cuộc đời chỉ toàn là hạnh phúc thì kẻ đó sẽ phải khổ đau một khi cái gọi là hạnh phúc chấm dứt. Đức Phật cho rằng Hạnh phúc và khổ đau lồng nhau trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nếu ai không biết rằng hạnh phúc là mầm của đau khổ, kẻ đó sẽ vô cùng chán nản khi đau khổ hiện đến. Vì thế mà Đức Phật dạy rằng chúng ta nên nhận thức đau khổ là đau khổ, chấp nhận nó như thực kiến và tìm cách chống lại nó. Từ đó mà Ngài nhấn mạnh đến chuyên cần, tinh tấn và nhẫn nhục, mà nhẫn nhục là một trong lục độ Ba La Mật. Nói tóm lại, theo quan điểm Phật giáo, đời có khổ có vui, nhưng ta không được chán nản bi quan khi đau khổ ập đến, cũng như không được trụy lạc khi hạnh phúc đến tay. Cả hai thứ khổ vui đều phải được chúng ta đón nhận trong dè dặt vì hiểu rằng đau khổ nằm ngay trong hạnh phúc. Từ sự hiểu biết này, người con Phật chơn thuần quyết tinh tấn tu tập để biến khổ vui trần thế thành một niềm an lạc siêu việt và miên viễn, nghĩa là lúc nào chúng ta cũng thoát khỏi mọi hệ lụy của vui và khổ. Chúng đến rồi đi một cách tự nhiên. Chúng ta lúc nào cũng sống một cuộc sống không lo, không phiền, không não, vì chúng ta biết chắc rằng mọi việc rồi sẽ qua đi. Quan điểm của Phật giáo đối vời bi quan và lạc quan rất sáng tỏ: Phật giáo không bi quan mà cũng chẳng lạc quan về cuộc sống con người. Hai thái cực lạc quan và bi quan đều bị chận đứng bởi học thuyết trung đạo của Phật giáo. Đối với người Phật tử, một cuộc sống xứng đáng, theo quan điểm của Phật giáo Đại Thừa, không phải là chỉ trải qua một cuộc sống bình an, tỉnh lặng mà chính là sự sáng tạo một cái gì tốt đẹp. Khi một người nỗ lực trở thành một người tốt hơn do tu tập thì sự tận lực này là sự sáng tạo về điều tốt. Khi người ấy làm điều gì lợi ích của người khác thì đây là sự sáng tạo một tiêu chuẩn cao hơn của sự thiện lành. Các nghệ thuật là sự sáng tạo về cái đẹp, và tất cả các nghiệp vụ lương thiện đều là sự sáng tạo nhiều loại năng lực có ích lợi cho xã hội. Sự sáng tạo chắc chắn cũng mang theo với nó sự đau khổ, khó khăn. Tuy nhiên, người ta nhận thấy cuộc đời đáng sống khi người ta nỗ lực vì điều gì thiện lành. Một người nỗ lực để trở nên một người tốt hơn một chút và làm lợi ích cho người khác nhiều hơn một chút, nhờ sự nỗ lực tích cực như thế chúng ta có thể cảm thấy niềm vui sâu xa trong đời người.
Ngay cả những người tại gia, nếu muốn theo chân Bồ Tát, hành giả cũng phải cố gắng tu tập theo một số pháp tu tiêu biểu của chư Bồ Tát. Như vậy, tại gia Bồ Tát là những Phật tử thuần thành, đã quy y Tam Bảo, và đang tu tập Bồ Tát Thừa, trong đó dạy tu hành theo Lục độ Ba la mật để tự giác và giác tha (nhị lợi: tự lợi lợi tha). Mục đích chính là cứu độ chúng sanh và thành Phật quả. Vì mục đích của Bồ Tát thừa là đạt tới Phật tánh tối thượng, nên Bồ Tát Thừa cũng còn được gọi là Phật Thừa hay Như Lai Thừa. Dầu hãy còn là Bồ Tát tại gia cũng nên có sự hiểu biết thâm sâu; nên có được trí tuệ biết tứ đế là nhất đế, và dùng nhất đế để hiểu thực tại. Trí tuệ Bồ Tát luôn bén nhạy nên họ luôn có được bi tâm quảng đại. Bồ Tát Hạnh theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa (một vị Bồ Tát muốn thực hành Bồ Tát Hạnh phải trước hết phát tâm Bồ Đề, đối với chúng hữu tình phải có đầy đủ tâm từ bi hỷ xả không ngằn mé. Ngoài ra, Bồ Tát phải luôn thực hành hành nguyện độ tha với lục Ba La Mật. Cuối cùng vị ấy phải lấy Tứ Nhiếp Pháp trong công việc hoằng hóa của mình). Ngoài ra, một vị Bồ Tát tại gia cũng phải học theo hạnh của một vị Bồ Tát là cần phải có bốn thứ không sợ hãi. Thứ nhất là tổng trì bất vong hay thuyết pháp vô úy. Bồ Tát có khả năng nghe hiểu giáo pháp và ghi nhớ các nghĩa mà chẳng quên, nên thuyết pháp không hề e sợ trước đại chúng. Thứ nhì là tận tri pháp dược cập chúng sanh căn dục tâm tính thuyết pháp vô úy. Bồ Tát biết cả thế gian và xuất thế gian pháp, cũng như căn dục của chúng sanh nên Bồ tát chẳng sợ khi thuyết pháp ở giữa đại chúng. Thứ ba là thiện năng vấn đáp thuyết pháp vô úy. Bồ Tát khéo biết hỏi đáp thuyết pháp chẳng sợ. Thứ tư là năng đoạn vật nghi thuyết pháp vô úy. Bồ Tát có khả năng dứt mối nghi ngờ cho chúng sanh nên thuyết pháp chẳng e sợ. Kinh Ưu Bà Tắc Giới gồm những điều dạy cho Phật tử tại gia tên Thiện Sanh, nói về những giới luật nên giữ gìn cho một nam Phật tử tại gia, cũng còn được gọi là “Thiện Sanh Kinh.” Kinh được Ngài Đàm Vô Sám dịch ra Hán tự. Như trên đã nói, người tại gia tu tập Bồ Tát Đạo phải trì giữ sáu giới trọng và hai mươi tám giới khinh.
Sáu Giới Trọng: Sáu giới trọng là sáu giới rất quan trọng của tại gia Bồ Tát vì nhờ trì giữ những giới nầy có thể giúp họ chứng được những Thánh quả. Thứ Nhất Là Giới Giết Hại: Chư phật tử! Sau khi thọ Bồ Tát tại gia, dù cho mất thân mạng, ngay đến loài trùng kiến, cũng không được giết hại. Nếu phạm giới giết hại, hoặc bảo người giết, hoặc tự mình giết, sẽ lập tức mất giới Bồ Tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là Thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ Tát phá giới, Bồ Tát xú uế, Bồ Tát cấu ô, Bồ Tát Chiên Đà La, Bồ Tát bị triền phược. Thứ Nhì Là Giới Trộm Cắp: Chư phật tử! Sau khi thọ Bồ Tát tại gia, dù cho mất thân mạng, ngay đến một đồng xu, cũng không được trộm cắp. Nếu phạm giới trộm cắp, hoặc bảo người trộm cắp, hoặc tự mình trộm cắp, sẽ lập tức mất giới Bồ Tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là Thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ Tát phá giới, Bồ Tát xú uế, Bồ Tát cấu ô, Bồ Tát Chiên Đà La, Bồ Tát bị triền phược. Thứ Ba Là Giới Vọng Ngữ: Chư phật tử! Sau khi thọ Bồ Tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được vọng ngữ: Tôi đã chứng được pháp quán bất tịnh,” hoặc “Tôi đã chứng được thánh quả A Na Hàm,” vân vân... Nếu phạm giới vọng ngữ, sẽ lập tức mất giới Bồ Tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là Thánh quả Tu đà hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm. Kẻ đó là Bồ Tát phá giới, Bồ Tát xú uế, Bồ Tát cấu ô, Bồ Tát Chiên Đà La, Bồ Tát bị triền phược. Thứ Tư Là Giới Tà Dâm: Chư phật tử! Sau khi thọ Bồ Tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được tà dâm. Nếu phạm giới tà dâm, sẽ lập tức mất giới Bồ Tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là Thánh quả Tu đà hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm. Kẻ đó là Bồ Tát phá giới, Bồ Tát xú uế, Bồ Tát cấu ô, Bồ Tát Chiên Đà La, Bồ Tát bị triền phược. Thứ Năm Là Giới Rao Nói Tội Lỗi Của Tứ Chúng: Chư phật tử! Sau khi thọ Bồ Tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không rao nói tội lỗi của tứ chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di. Nếu phạm giới rao nói lỗi của tứ chúng sẽ lập tức mất giới Bồ Tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là Thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ Tát phá giới, Bồ Tát xú uế, Bồ Tát cấu ô, Bồ Tát Chiên Đà La, Bồ Tát bị triền phược. Thứ Sáu Là Giới Bán Rượu: Chư phật tử! Sau khi thọ Bồ Tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được bán rượu. Nếu phạm giới bán rượu, sẽ lập tức mất giới Bồ Tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là Thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, và A na hàm. Kẻ đó là Bồ Tát phá giới, Bồ Tát xú uế, Bồ Tát cấu ô, Bồ Tát Chiên Đà La, Bồ Tát bị triền phược.
Hai Mươi Tám Giới Khinh: Bên cạnh sáu giới trọng còn có hai mươi tám giới khinh. Những giới nầy giúp cho chư Bồ Tát Tại Gia vun bồn giới hạnh trong cuộc tu hành hằng ngày. Thứ Nhất là giới không cúng dường cha mẹ và sư trưởng. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, không cúng dường cha mẹ và sư trưởng, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Nhì là giới uống rượu. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, ham mê uống rượu, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Ba là giới không chăm sóc người bệnh. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, gặp người bệnh khổ, sinh khởi ác tâm, bỏ phế không chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Tư là giới không bố thí cho người đến xin. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, thấy người đến xin, không tùy sức mình mà bố thí ít nhiều, để cho người đến xin ra về tay không, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Năm là giới không chào hỏi lễ lạy các bậc tôn trưởng. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, gặp các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, hoặc các vị Bồ Tát tại gia thọ giới trước, không đứng dậy tiếp đón lễ lạy, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Sáu là giới khinh mạn người phá giới. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, thấy tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc hay ưu bà di phạm giới, bèn sinh tâm kiêu mạn, cho rằng mình hơn họ, họ không bằng mình, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Bảy là giới không thọ sáu ngày bát quan trai giới mỗi tháng. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, không thọ sáu ngày bát quan trai giới mỗi tháng, không cúng dường Tam Bảo, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Tám là giới không đi nghe Pháp. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, trong vòng 12 cây số có chỗ giảng kinh thuyết pháp mà không đến nghe, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Chín là giới thọ dụng đồ dùng của chư Tăng. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, thọ dụng đồ dùng của chư Tăng như ngọa cụ, giường, ghế, v.v., thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười là giới uống nước có trùng. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, nghi nước có trùng mà vẫn cố ý uống, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Một là giới đi một mình trong chỗ nguy hiểm. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, đi một mình trong chỗ nguy hiểm, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Hai là giới một mình ngủ đêm tại chùa của chư Tăng Ni. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, một mình ngủ đêm tại chùa của chư Tăng Ni, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Ba là giới vì của đánh người. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, vì tiền của mà đánh đập hay chửi rủa tôi tớ, hoặc người ngoài, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Bốn là giới bố thí thức ăn thừa cho tứ chúng. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, đem thức ăn thừa bố thí cho tứ chúng, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Lăm là giới nuôi mèo và chồn. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi mèo và chồn, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Sáu là giới nuôi súc vật. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, hoặc cá loại súc vật khác, không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Bảy là giới không chứa sẵn ba y, bình bát, và tích trượng. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, không chứa sẵn ba y, bình bát, và tích trượng để cúng dường chúng Tăng, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Tám là giới không lựa chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề canh tác sinh sống, nếu không lựa chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Mười Chín là giới buôn bán không chân chánh. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề mua bán: lúc bán hàng, một khi đã đồng ý giá cả, không được lật lọng, đem bán cho kẻ trả giá cao hơn; lúc mua hàng, nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi. Nếu không làm như thế, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi là giới hành dâm không đúng thời đúng chỗ. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, hành dâm không đúng thời đúng chỗ, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi Mốt là giới gian lận thuế. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề thương mại, công nghiệp, v.v., không chịu nộp thuế, hoặc khai thuế gian lận, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi Hai là giới vi phạm luật pháp quốc gia. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, vi phạm luật pháp quốc gia, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi Ba là giới được thực phẩm mới mà không dâng cúng Tam Bảo trước. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, lức lúa, trái cây, rau cải được mùa, không dâng cúng Tam Bảo trước, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi Bốn là giới không được phép của Tăng già mà thuyết pháp. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, Tăng già không cho thuyết pháp mà vẫn cứ thuyết, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi Lăm là giới đi trước năm chúng xuất gia. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, ra đường đi trước các tỳ kheo, tỳ kheo ni, sa di và sa di ni, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi Sáu là giới phân phối thức ăn cho chư Tăng không đồng đều. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, trong lúc phân phối thức ăn cho chư Tăng, sinh tâm thiên vị, lựa những món ngon, nhiều hơn phần của người khác, để cúng dường thầy mình, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi Bảy là giới nuôi tằm. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi tằm lấy tơ, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. Thứ Hai Mươi Tám là giới đi đường gặp người bệnh không chăm sóc. Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ Tát tại gia, sau khi thọ giới, đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc gửi gắm cho người khác chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi.
(C) Xuất Gia Bồ Tát
I. Tổng Quan Về Xuất Gia Bồ Tát:
Chư Phật và chư Bồ Tát lấy đại bi làm sự nghiệp. Vậy người đã phát tâm Bồ Đề, nếu muốn cứu độ chúng sanh, chỉ nên nguyện sanh trong ba cõi, ở nơi đời ngũ trược, vào ba đường ác mà cứu khổ cho chúng hữu tình. Nếu đã phát tâm tu theo Phật mà lại xa rời chúng sanh, tự sống riêng một cuộc đời an ổn, e rằng thiếu lòng từ bi, chuyên lo tự lợi và trái với đạo Bồ Đề. Theo Đại Sư Trí Giả và Thiên Như trong Tịnh Độ Thập Nghi Hoặc Vấn Luận, Có Hai Hạng Bồ Tát: Thứ nhất là bậc tu Bồ Tát đạo đã lâu, đã chứng được Vô Sanh Pháp Nhẫn. Bậc nầy có thể nguyện sanh trong đời ác để cứu độ chúng sanh mà không sợ cùng chúng sanh đắm chìm trong biển sanh tử luân hồi. Luận Đại Trí Độ dạy: “Bậc Bồ Tát đã chứng Vô Sanh Nhẫn cũng ví như người có thân nhân bị nước lôi cuốn, mà có đủ đầy khả năng và phương tiện, người ấy tỉnh sáng lấy thuyền bơi ra cứu, nên cả hai đều không bị nạn trầm nịch.” Thứ nhì là bậc chưa chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn và hàng phàm phu mới phát tâm Bồ Tát. Những vị nầy cần phải thường không rời Phật mới có cơ thành tựu được nhẫn lực và có thể ở trong ba cõi, vào nơi đời ác để cứu độ chúng sanh. Cho nên Đại trí Độ Luận nói: “Hạng phàm phu còn đủ mọi sự ràng buộc, dù có lòng đại bi, nhưng vội muốn sanh trong đời ác để cứu độ chúng hữu tình khổ não, đó là điều không hợp lý. Tại sao thế? Vì trong cõi đời ác trược, nghiệp phiền não mạnh mẽ. Khi ấy mình đã không có nhẫn lực, tức tâm sẽ tùy cảnh mà chuyển, rồi bị sắc, thanh, danh, lợi trói buộc, sanh ra đủ nghiệp tham, sân, si. Chừng đó tự cứu đã không xong, nói chi là cứu độ chúng sanh? Giả sử được sanh trong cõi người thì cảnh xấu ác, kẻ tà ngoại dẫy đầy, nguời chánh chơn khó gặp, cho nên Phật pháp không dễ gì được nghe, Thánh đạo không dễ gì chứng được. Nếu là người do nhân bố thí, trì giới hay tu phước mà được làm bậc quyền quý, mấy ai không mê đắm cảnh giàu sang, buông lung trong trường dục lạc? Lúc đó dù có bậc thiện tri thức khuyên bảo, họ cũng không chịu tin làm theo, lại vì muốn thỏa mãn lòng tham dục của mình, nương quyền cậy thế sẳn có, gây ra thêm nhiều tội nghiệp. Đến khi chết rồi, bị đọa vào tam đồ trải qua vô lượng kiếp, khi khỏi tam đồ dầu có sanh được làm người cũng phải thọ thân bần tiện; nếu không gặp thiện tri thức lại mê lầm gây thêm tội ác thì lại bị đọa nữa. Từ trước đến nay chúng sanh luân hồi đều ở trong tình trạng ấy. Vì thế mà Kinh Duy Ma nói: “Chính bịnh của mình còn không tự cứu được, đâu có thể cứu được bịnh cho kẻ khác.” Luận Đại Trí Độ cũng nói: “Ví như hai người, mỗi kẻ đều có thân nhân bị nước lôi cuốn, một người tánh gấp nhảy ngay xuống nước để cứu vớt, nhưng vì thiếu khả năng và phương tiện nên cả hai đều bị đắm chìm.” Bậc Bồ Tát mới phát tâm vì chưa đủ nhẫn lực nên chẳng những không cứu được chúng sanh, mà còn hại đến chính bản thân mình. Thế nên Đại Trí Độ Luận dạy tiếp: “Bồ Tát sơ tâm như trẻ thơ không nên rời mẹ, nếu rời mẹ thì hoặc rơi vào hầm giếng, té xuống sông đầm, hoặc đói khát mà chết. Lại như chim non chưa đủ lông cánh, chỉ có thể nhảy chuyền theo cành cây; đợi chừng nào lông cánh đầy đủ, mới có thể bay xa, thong thả vô ngại. Phàm phu không nhẫn lực; chỉ nên chuyên niệm Phật A Di Đà cho được nhất tâm, đợi khi tịnh nghiệp thành tựu, lúc lâm chung sẽ được Phật tiếp dẫn vãng sanh, quyết định không nghi. Khi thấy Đức Phật A Di Đà và chứng quả Vô Sanh rồi, chừng ấy sẽ cỡi thuyền Pháp Nhẫn vào biển luân hồi cứu vớt chúng sanh, mặc ý làm vô biên Phật sự”
Chư Bồ Tát Xuất Gia Có Bốn Đức Vô Úy: Thứ nhất là tổng trì bất vong, thuyết pháp vô úy. Bồ Tát có khả năng nghe hiểu giáo pháp và ghi nhớ các nghĩa mà chẳng quên, nên thuyết pháp không hề e sợ trước đại chúng. Thứ nhì là tận tri pháp dược cập chúng sanh căn dục tâm tính thuyết pháp vô úy. Biết cả thế gian và xuất thế gian pháp, cũng như căn dục của chúng sanh nên Bồ tát chẳng sợ khi thuyết pháp ở giữa đại chúng. Thứ ba là thiện năng vấn đáp thuyết pháp vô úy. Khéo biết hỏi đáp thuyết pháp chẳng sợ. Thứ tư là năng đoạn vật nghi thuyết pháp vô úy. Có khả năng dứt mối nghi ngờ cho chúng sanh nên thuyết pháp chẳng e sợ. Ngoài ra, có năm điều thuận lợi cho những ai đã đạt được Bồ Tát quả. “Bồ Tát” là một chúng sanh giác ngộ, một vị Phật sẽ thành, hoặc một người mong đạt được giác ngộ, hay một người đang tìm cầu giác ngộ, bao gồm chư Phật, chư Bích Chi Phật, hay chư đệ tử của Đức Phật. Theo Các Nhà Nhất Thiết Hữu Bộ, Có Năm Điều Thuận Lợi Cho Những Ai Đã Đạt Được Bồ Tát Quả: Thứ nhất, không sanh nơi cõi ác, mà chỉ ở cõi người hoặc cõi trời. Thứ nhì, không sanh trong nhà nghèo hoặc giai cấp thấp. Thứ ba, sanh làm người nam đạo đức, chứ không phải là phụ nữ. Thứ tư, sáu căn hoàn hảo không thiếu kém. Thứ năm, nhớ những đời sống trước của chính mình mà không quên.
II. Xuất Gia Bồ Tát Giới:
Tổng Quan Về Bồ Tát Giới Cho Người Xuất Gia: Bồ Tát Giới hay giới luật của Bồ Tát Đại Thừa. Có mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Bất cứ ai cũng có thể thọ giới Bồ Tát vì thọ giới Bồ Tát không chỉ với quyết tâm thoát vòng luân hồi sanh tử, mà còn quyết tâm theo theo ý hướng đạt được quả vị Bồ Đề nhằm làm lợi lạc cho tất cả chúng sanh. Bồ Tát giới có tác dụng chế ngự tâm thái ích kỷ. Bồ Tát giới không chỉ điều chỉnh những hành động về thân hay khẩu, mà còn tác động tới tư tưởng và tâm thái nữa. Như vậy Bồ Tát giới khó hành trì hơn các giới phẩm nhằm giải thoát cho cá nhân khác. Bồ Tát giới chỉ có trong các xứ theo truyền thống Phật giáo Đại Thừa mà thôi. Cư sĩ, Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni đều có thể thọ Bồ Tát giới. Mặc dầu bản chất của giới phẩm Bồ Tát giới giống nhau nhưng số giới điều khác nhau giữa Phật giáo Trung Hoa và Tây Tạng. Khi đã thọ lãnh những giới phẩm này, chúng ta phải có quyết tâm tu tập cho đến khi nào thành đạt chánh quả. Việc thọ lãnh giới luật Bồ Tát là việc hoàn toàn tự nguyện. Để thọ giới chúng ta phải thông hiểu những lợi lạc của một đời sống có đạo đức. Có rất nhiều điều lợi lạc nhưng có thể nói tóm tắt là đời sống đạo đức đưa chúng ta đến giải thoát, giác ngộ và khiến cho chúng ta có thể làm lợi ích cho người khác. Một số người chần chừ trong việc thọ giới vì họ cảm thấy khó lòng mà giữ giới luật một cách hoàn toàn. Chúng ta không nên mong mỏi rằng chúng ta sẽ giữ tròn giới luật ngay từ phút đầu. Nếu có thể giữ gìn những giới luật một cách hoàn hảo thì chúng ta đâu cần phải thọ giới làm gì vì chúng ta đã là một vị A La Hán hay một vị Phật rồi còn gì. Phật tử thuần thành nên luôn nhớ rằng chúng ta thọ lãnh giới luật vì chúng ta chưa có thể tự tròn giữ chúng một cách hoàn hảo. Nhưng nhờ cố gắng mà thân, khẩu, ý của chúng ta được cải thiện. Ngược lại, chúng ta không nên thọ giới nếu chúng ta chưa sẵn sàng chịu giữ giới. Để giữ giới chúng ta cần phải chánh tâm và tỉnh thức. Nếu sai phạm, chúng ta có thể áp dụng bốn sức mạnh đối trị: sám hối, quy-y với chí hướng xả thân bố thí, lấy công chuộc tội và quyết chí không tái phạm... để thanh tịnh những dấu ấn xấu trong dòng chảy tâm thức của chúng ta. Với Phật tử thuần thành, giới luật phải được xem như là những món trang sức của một hành giả chân chánh. Trong Kinh Phạm Võng, Đức Phật dạy: “Nếu ai thọ giới mà không giữ, người đó không phải là Bồ Tát, người đó cũng không có chủng tử Phật. Ngay cả Phật mà còn Phải trì tụng những giới nầy. Tất cả chúng Bồ Tát đã học giới trong quá khứ, sẽ học trong tương lai, hay đang học trong lúc nầy. Ta đã giải thích những điểm chánh của Bồ Tát giới. Mấy ông phải học và hành Bồ tát giới trong chính tâm mình.”
Mười Giới Trọng Của Chư Bồ Tát Cho Người Xuất Gia: Trong Kinh Phạm Võng, đức Phật đã dạy chúng đệ tử rằng: “Có Mười giới trọng cho Bồ Tát: không sát, sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ, uống và bán rượu, giới rao lỗi của tứ chúng, giới tự khen mình và chê người, giới bỏn xẻn và lợi dụng người khác, giới giận hờn không nguôi, và giới hủy báng Tam Bảo. Nếu ai thọ giới mà không giữ, người đó không phải là Bồ tát, người đó cũng không có chủng tử Phật. Ngay cả Phật mà còn Phải trì tụng những giới nầy. Tất cả chúng Bồ tát đã học giới trong quá khứ, sẽ học trong tương lai, hay đang học trong lúc nầy. Ta đã giải thích những điểm chánh của Bồ Tát giới. Mấy ông phải học và hành Bồ tát giới trong chính tâm mình.” Trong tu tập Thiền, hành giả tham cứu "Thập trọng cấm giới" như một đề tài công án. Giới luật Phật giáo có thể được nhìn từ hai hướng. Thí dụ, giới thứ nhất "Không sát sinh" thường được hiểu như là một lời khuyến cáo có liên quan trực tiếp đến thái độ hành xử đúng đắn hay phù hợp với đạo đức. Trong khi lời giáo huấn như vậy là cần thiết, những hành giả tiếp tục Thiền tập và mở rộng sự xác chứng về thức ngộ của họ khi nhập cảnh giới hư không biết rằng, trong cảnh giới ấy, thật sự không có ai làm chuyện sát sanh mà cũng không có ai bị sát sanh. Từ quan điểm tối hậu ấy, "không sát sinh" cũng cảnh báo chúng ta đừng rơi vào quan điểm nhị nguyên sát sanh và không sát sanh. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi lý giải giới luật trên phương diện quan niệm tối hậu để biện minh cho những hành vi tội lỗi. Đối lại với thói quen thông thường về nhận thức sự vật dựa trên quan điểm tốt xấu, người Phật tử thấy thế giới với toàn bộ các mặt thiện ác như một thực tại nhất như, đúng như bản chất vốn có của nó. Về cơ bản mà nói, thế giới vốn không tốt cũng không xấu. Thiếu một cái nhìn chân thật, cái gọi là hành vi hoàn thiện về mặt đạo đức của con người đều lệch lạc và hời hợt. Chánh kiến (nhận thức chân chánh) không những chỉ đưa đến thực chứng rằng không có kẻ giết và người bị giết, mà nó còn đưa đến sự thực chứng rằng người ta không thể giết một ai hay một cái gì cả. Trong khi "không sát sanh" chỉ mang tánh giới điều, một dạng mệnh lệnh hay huấn thị, có lẽ không cần thiết để đưa đến thái độ giác ngộ, thì thực chứng "không thể sát sanh" chuyển biến tự nhiên ăn sâu vào ý niệm xác quyết "Ta sẽ không sát sanh." Tuy vậy, đường ranh chia cắt giữa "không sát sanh" (mệnh lệnh giới điều) và "không thể sát sanh" (nhận thức) dường như tan biến khi chúng ta thấy rằng chúng ta luôn hủy hoại cái gì đó. Chúng ta có thể quyết định không sát hại động vật để làm thức ăn, nhưng các loại rau cỏ thì sao? Vân vân và vân vân, với mọi thứ khác mà chúng ta hủy hoại và liệng bỏ. Nếu chúng ta tuân thủ mệnh lệnh giới điều "không sát sanh," chúng ta không được phép ăn uống, chúng ta sẽ phải nhịn đói nhịn khát đến chết, kết quả là chính sinh mạng của chúng ta bị hủy hoại. Làm sao để vượt qua tình trạng khó xử này? Khi nhu cầu thúc bách phải lấy đi sinh mạng hay sự sống, dầu là của sinh vật hay cây cỏ, hay vật vô tri giác, hành giả nên hết lòng an trụ tâm mình ở cảnh giới "Vô". Theo đó, cứ mỗi khoảnh khắc mà chúng ta lấy đi cuộc sống từ một hình thái sinh tồn khác có thể là một cơ hội để cho chúng ta nhận thức sâu sắc tánh nhất thể giữa con người và toàn bộ vũ trụ trong cảnh giới "Vô". Duy trì thái độ này là điểm then chốt của việc thọ trì Ngũ Giới, Thập Trọng Cấm Giới, cho đến 250 giới hay 348 giới. Những giới luật này không nhằm trói buộc hay nô dịch con người. Được áp dụng với kinh nghiệm nội kiến về "Vô," các giới luật ấy trở thành phương tiện giải thoát của con người. Thập Trọng Cấm Giới được sử dụng như một công án không chỉ có giá trị đơn thuần như những giới cấm, mà chúng còn tạo nên một bước tiến xa hơn trên con đường thực chứng hoàn toàn toàn cảnh giới của tánh nhất thể trong mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày. Sự chứng ngộ như vậy không hề phủ định hiệu lực của các giá trị tương đối; nó chỉ đơn thuần không cho phép những giá trị tương đối này làm mờ đi Phật tánh của chúng ta, hay ngăn trở sự tự tại bổn lai của con người.
Trong Kinh Phạm Võng, đức Phật đã dạy chúng đệ tử rằng: “Đối với mười giới trọng cho Bồ Tát. Nếu ai thọ giới mà không giữ, người đó không phải là Bồ tát, người đó cũng không có chủng tử Phật. Ngay cả Phật mà còn Phải trì tụng những giới nầy. Tất cả chúng Bồ tát đã học giới trong quá khứ, sẽ học trong tương lai, hay đang học trong lúc nầy. Ta đã giải thích những điểm chánh của Bồ Tát giới. Mấy ông phải học và hành Bồ tát giới trong chính tâm mình.” Thứ nhất là Giới Sát Sanh: Là Phật tử, không tự mình giết, không xúi người giết, không phương tiện hay khen tặng ai giết, không thấy giết mà tùy hỷ, không dùng bùa chú giết, không nhơn, duyên, hay cách thức mà giết, không nghiệp giết. Phàm tất cả loài hữu tình có mạng sống đều không được cố ý giết. Là Phật tử, phải luôn phát đại bi tâm và lòng hiếu thuận, lập thế cứu giúp tất cả chúng sanh, mà trái lại tự phóng tâm nỡ lòng sát sanh, Phậ tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ nhì là Giới Trộm Cướp: Là Phật tử, không tự mình trộm cướp, không bảo người trộm cướp, không phương tiện trộm cướp, nhẫn đến không dùng bùa chú mà trộm cướp; không nhơn trộm cướp, duyên trộm cướp, cách thức trộm cướp hay nghiệp trộm cướp. Tất cả tài vật, dù là của quỷ thần, từ cây kim ngọn cỏ đều có chủ, không đặng trộm cướp. Là Phật tử, phải luôn có lòng từ bi hiếu thuận thường giúp cho mọi người được phước đức an vui. Trái lại, lại sanh tâm trộm cướp tài vật của người, Phật tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ ba là Giới Dâm Dục: Là Phật tử, không tự mình dâm dục, không bảo người dâm dục, với tất cả phụ nữ, các loài cái, loài mái, cho đến thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ cùng phi đạo mà hành dâm; không nhơn dâm dục, duyên dâm dục, cách thức dâm dục, hay nghiệp dâm dục. Là Phật tử, đối với tất cả không được dâm dục, mà phải có lòng hiếu thuận cứu độ tất cả, phải đem pháp thanh tịnh mà khuyên dạy người. Dâm giới cũng là một trong ngũ giới cho Phật tử tại gia (một trong năm điều giới của hàng Phật tử tại gia là phải diệt trừ tà dâm. Một trong mười giới trọng của hàng xuất gia là phải hoàn toàn cắt đứt dâm dục). Trái lại nếu không có tâm từ, làm cho mọi người sanh việc dâm dục, không lựa súc sanh, cho đến hành dâm với mẹ, con, chị, em trong lục thân, Phật tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ tư là Giới Vọng Ngữ: Là Phật tử, không vọng ngữ, không bảo người vọng ngữ, không phương tiện vọng ngữ, không nhơn vọng ngữ, duyên vọng ngữ, cách thức vọng ngữ, nghiệp vọng ngữ. Nhẫn đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, hoặc thân vọng ngữ, tâm vọng ngữ. Là Phật tử, phải luôn luôn chánh ngữ chánh kiến, và cũng làm cho tất cả chúng sanh có chánh ngữ chánh kiến, mà trái lại làm cho mọi người tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp, Phật tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ năm là Giới Uống Rượu và Bán Rượu: Là Phật tử, không tự mình uống hay bán rượu, không bảo người uống hay bán, không duyên uống hay bán, không cách thức uống hay bán, không nghiệp uống hay bán rượu. Tất cả rượu đều không được uống hay bán vì rượu là nhơn duyên sanh tội lỗi. Là Phật tử phải làm cho tất cả chúng sanh có trí huệ sáng suốt, mà trái lại đem sự mê say điên đảo cho tất cả chúng sanh, Phật tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ sáu là Giới Rao Lỗi của Tứ Chúng: Là Phật tử, không tự mình rao lỗi của Bồ tát xuất gia, Bồ tát tại gia, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, không bảo người rao lỗi; không nhơn rao lỗi, duyên rao lỗi, cách thức rao lỗi, nghiệp rao lỗi. Là Phật tử, khi nghe kẻ ác, kẻ ngoại đạo, cùng kẻ nhị thừa nói những điều phi pháp trái luật, phải luôn có lòng từ bi giáo hóa những kẻ ấy, khiến cho họ sanh lòng lành với Đại thừa, mà trái lại Phật tử tự mình rao nói những lỗi trong Phật pháp, Phật tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ bảy là Giới Tự Khen Mình và Chê Người: Là Phật tử, không tự khen mình chê người, không bảo ai khen mình chê người; không nhơn chê người, không duyên chê người, không cách thức chê người, không nghiệp chê người. Là Phật tử, nên sẳn sàng nhận lấy những khinh chê cho tất cả chúng sanh và nhường tất cả việc tốt cho người, chứ không bao giờ tự phô trương tài đức của mình mà dìm điều hay tốt của người, nếu không Phật tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ tám là Giới Bỏn Xẻn và Lợi Dụng Người Khác: Là Phật tử, không tự mình bỏn xẻn hay lợi dụng người khác, không xúi người bỏn xẻn, không nhơn bỏn xẻn, duyên bỏn xẻn, cách thức bỏn xẻn, nghiệp bỏn xẻn. Là một Phật tử đã thọ Bồ Tát giới, khi thấy người bần cùng đến cầu xin, phải bằng mọi cách giúp đở theo nhu cầu của họ, chứ không đem lòng giận ghét không cho một mảy may; hoặc có người đến cầu học giáo pháp, đã chẳng nói một kệ một câu mà còn mắng đuổi, là phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ chín là Giới Giận Hờn Không Nguôi: Là Phật tử, không tự mình hờn giận, không bảo người hờn giận; không nhơn giận, duyên giận, cách thức giận, nghiệp giận. Ngược lại, phải luôn có lòng từ bi hiếu thuận, khiến giúp cho chúng sanh, cho đến loài phi chúng sanh luôn được lợi lạc. Nếu đối với tất cả các loài chúng sanh, cho đến trong loài phi chúng sanh mà đem lời ác mạ nhục, còn thêm dùng tay chân, dao gậy để đánh đập mà vẫn chưa hả dạ, cho đến nạn nhân kia lấy lời nhỏ nhẹ xin lỗi, cầu sám hối tạ tội, nhưng vẫn không hết giận, Phật tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.” Thứ mười là Giới Hủy Báng Tam Bảo: Là Phật tử, không bao giờ tự mình hủy báng Tam Bảo, không xúi ai hủy báng; không nhơn hủy báng, duyên hủy báng, cách thức hủy báng, nghiệp hủy báng. Là Phật tử thuần thành, một khi nghe ngoại đạo hay kẻ ác hủy báng Tam Bảo dù chỉ một lời, thì đau đớn chẳng khác chi trăm ngàn đao kiếm đâm vào tâm, huống là tự mình hủy báng? Là Phật tử chẳng những luôn đem lòng tôn kính Tam Bảo, mà còn khiến cho người người đều đem lòng tôn kính. Ngược lại, không có đức tin và lòng hiếu thuận đối với Tam Bảo, lại còn giúp sức cho những kẻ ác, kẻ tà kiến hủy báng nữa, Phật tử nầy phạm “Bồ Tát Ba La Di Tội.”
Bốn Mươi Tám Giới Khinh Cho Bồ Tát Xuất Gia: Bốn mươi tám giới khinh theo kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới: kính thầy bạn, không uống rượu, không ăn thịt, không ăn ngũ vị tân, không phát tâm dạy người sám hối, không cúng dường thỉnh pháp, không đi nghe pháp, phế bỏ Đại Thừa, không chăm sóc người bịnh, chứa chấp khí cụ sát sanh, đi sứ, buôn bán phi pháp, hủy báng Phật pháp, phóng hỏa, dạy giáo lý ngoài Đại Thừa, vì lợi mà giảng pháp lộn lạo, cậy thế lực để quyên góp tiền của, không thông hiểu mà làm thầy truyền giới, lưỡng thiệt, không phóng sanh, đem sân trả sân đem đánh trả đánh, kiêu mạn không thỉnh pháp, khinh ngạo không dạy Pháp cho những người đang cầu hiểu pháp giới, không tu tập giáo pháp Đại Thừa, tri chúng vụng về, riêng thọ lợi dưỡng (tất cả của cúng dường phải thuộc về Tăng già hay chùa viện, vì thế nhận cúng dường riêng là một hình thức ăn cắp của chùa viện), thọ biệt thỉnh (không được nhận cúng dường riêng dù được mời đặc biệt đến nhà Phật tử tại gia, vì làm như vậy cũng là một hình thức ăn cắp của Tăng già), biệt thỉnh Tăng, tà mạng nuôi sống (không được làm thương mại trong bất cứ hoàn cảnh nào), quản lý thương mại cho cư sĩ (bạch y), không mua chuộc lại hình tượng Phật (khi thấy kẻ gian lấy trộm và đem bán hình tượng Phật, Phật tử thuần thành phải bằng mọi cách mua lại), tổn hại chúng sanh (không mua bán dao, búa, gậy gộc; không lợi dụng địa vị để tịch thu tài sản của dân chúng, không nuôi chó mèo và các loại gia súc khác), tà nghiệp giác quán (không nhìn những hành động tà vạy như đánh lộn, bài bạc, hay nghe nhạc, nghe đàn, sáo, vân vân), tạm bỏ Bồ Đề tâm (tạm thời phế bỏ tâm Bồ đề là một giới khinh cho hàng phật tử, nhứt là chư Tăng Ni), không phát nguyện, không phát thệ (thà uống nước đồng sôi hay quấn mình trong lưới sắt nóng, hay nuốt banh sắt, nằm trên sắt nóng, hay nhảy vào vạc dầu sôi, hay chân cẳng bị đao búa nóng chặt đứt, hay mắt bị trăm ngàn đao kiếm đâm thủng, vân vân, chứ thệ quyết không phá giới), vào chỗ hiểm nạn, trái thứ tự tôn ti, không tu phước huệ, không bình đẳng truyền giới, vì tư lợi mà thuyết giảng, vì danh mà giảng giới cho kẻ ác, cố mống tâm phạm giới, không cúng dường kinh luật, không giáo hóa chúng sanh, thuyết pháp không đúng pháp (Phật tử thuần thành nhứt là chư Tăng Ni phải luôn phát đại bi tâm hóa độ chúng sanh), chế hạn phi pháp (lợi dụng chức vị trong Tăng đoàn mà chế hạn giới luật đi ngược với Phật pháp), vì danh lợi mà phá diệt Phật Pháp.
Bốn Mươi Tám Giới Khinh mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có thể được giải thích sơ lược như sau đây. Thứ nhất là Giới Không Kính Thầy Bạn: Nếu Phật tử lúc sắp lãnh ngôi Quốc Vương, ngôi Chuyển Luân Vương, hay sắp lãnh chức quan, trước nên thọ giới Bồ Tát. Như thế tất cả quỷ thần cứu hộ thân vua và thân các quan. Chư Phật đều hoan hỷ. Đã đắc giới rồi, Phật tử nên có lòng hiếu thuận và cung kính. Nếu thấy có bực Thượng Tọa, Hòa Thượng, A Xà Lê, những bực Đại Đức, đồng học, đồng kiến, đồng hạnh đến nhà, phải đứng dậy tiếp rước lạy chào, thăm hỏi. Mỗi sự đều đúng như Pháp mà cúng dường, hoặc tự bản thân cho đến quốc-thành con cái, cùng bảo bảy báu trăm vật để cung cấp các bực ấy. Nếu Phật tử lại sanh lòng kiêu mạn, sân hận, ngu si, không chịu tiếp rước lạy chào, cho đến không chịu y theo pháp mà cúng dường, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ nhì là Giới Uống Rượu: Nếu Phật tử cố uống rượu, mà rượu là thứ làm cho người uống hay sanh ra vô lượng tội lỗi. Nếu tự tay trao chén rượu cho người uống, sẽ mang ác báo năm trăm đời không tay, huống là tự uống. Cũng chẳng được bảo người và tất cả chúng sanh uống rượu, huống là tự mình uống! Tất cả các thứ rượu, Phật tử không được uống. Nếu mình cố uống và bảo người uống, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba là Giới Ăn Thịt: Nếu là Phật tử cố ăn thịt. Tất cả thịt của mọi loài chúng sanh đều không được ăn. Luận về người ăn thịt thời mất lòng đại từ bi, dứt giống Phật tánh; tất cả chúng sanh thảy đều tránh xa người nầy. Người ăn thịt mắc vô lượng tội lỗi. Vì thế nên tất cả Phật tử không được ăn thịt của tất cả mọi loài chúng sanh. Nếu cố ăn thịt, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ tư là Giới Ăn Ngũ Tân: Phật tử chẳng được ăn loại “ngũ tân” loại hành, hẹ, tỏi, nén và hưng cừ. Loại ngũ tân nầy thêm vào trong tất cả các thứ thực phẩm đều không được ăn. Nếu cố ăn, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ năm là Giới Không Dạy Người Sám Hối: Nếu là Phật tử khi thấy người khác phạm ngũ giới, bát giới, thập giới, phá giới, hay phạm thất nghịch, bát nạn tất cả tội phạm giới, vân vân, phải khuyên bảo người ấy sám hối. Nếu Phật tử chẳng khuyên bảo người phạm tội sám hối, lại cùng ở chung, đồng sống chung, đồng chúng bố tát, đồng thuyết giới, mà không cữ tội người ấy, không nhắc người ấy sám hối, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ sáu là Giới Không Cúng Dường Thỉnh Pháp: Nếu là Phật tử, thấy có vị Pháp Sư đại thừa, hay những bực đồng học, đồng kiến, đồng hạnh đại thừa, từ trăm dặm nghìn dặm đến nơi Tăng phường, nhà cửa, thành ấp, thời liền đứng dậy rước vào, đưa đi, lễ bái, cúng dường. Mỗi ngày ba cúng dường, trăm thức uống ăn, giường ghế, thuốc men, tất cả đồ cần dùng giá đáng ba lượng vàng đều phải cấp hộ cho Pháp Sư. Mỗi ngày sáng, trưa, chiều, thường thỉnh Pháp Sư thuyết pháp và đảnh lễ. Không hề có lòng sân hận buồn rầu. Luôn thỉnh pháp không mỏi nhàm, chỉ trọng pháp chớ không kể thân. Nếu Phật tử không như thế thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bảy là Giới Không Đi Nghe Pháp: Nếu là Phật tử, hàng tân học Bồ Tát, phàm nơi chốn nào có giảng kinh, luật, phải mang kinh luật đến chỗ Pháp Sư để nghe giảng và thưa hỏi. Hoặc nơi núi rừng, trong vườn cây, chùa, nhà, vân vân, tất cả chỗ thuyết pháp đều đến nghe học. Nếu Phật tử không đến nơi ấy để nghe pháp cùng thưa hỏi, thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ tám là Giới Trái Bỏ Đại Thừa: Nếu là Phật tử, có quan niệm trái bỏ kinh luật Đại Thừa thường trụ, cho rằng không phải của Phật nói mà đi thọ trì kinh luật tà kiến và tất cả cấm giới của hàng Thanh Văn nhị thừa cùng ngoại đạo ác kiến, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ chín là Giới Không Chăm Sóc Người Bệnh: Nếu là Phật tử, thấy tất cả người tật bệnh phải tận tâm cúng dường như cúng dường Phật. Trong tám phước điền, chăm sóc cho người bệnh là “phước điền thứ nhất.” Nếu như cha mẹ, Sư Tăng cùng đệ tử có bệnh, có tật, trăm thứ bệnh đau khổ, đều nên săn sóc cho được lành mạnh, Phật tử lại vì lòng hờn giận mà không chăm sóc, nhẫn đến thấy trong Tăng phường, thành ấp, nơi núi rừng, đồng nội, đường sá có người tật bệnh mà không lo cứu tế, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười là Giới Chứa Khí Cụ Sát Sanh: Nếu là Phật tử, không đặng cất chứa những binh khí như dao, gậy, cung, tên, bùa, giáo, vân vân, cùng những đồ sát sanh như chài, lưới, rập, bẫy, vân vân. Là Phật tử, dầu cho đến cha mẹ bị người giết, còn không báo thù, huống lại đi giết chúng sanh! Không được cất chứa những khí cụ sát sanh! Nếu cố cất chứa, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười một là Giới Đi Sưù: Nếu là Phật tử, chẳng đặng vì quyền lợi và ác tâm mà đi thông sứ mạng cho hai nước hiệp hội quân trận, đem binh đánh nhau làm cho vô lượng chúng sanh bị giết hại. Là Phật tử không được vào, cùng qua lại trong quân trận, huống lại cố làm môi giới chiến tranh. Nếu cố làm, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười hai là Giới Buôn Bán Phi Pháp: Nếu Phật tử cố bán người lành, tôi trai, tớ gái, lục súc, buôn bán quan tài, ván cây, đồ đựng thây chết, còn không được tự mình buôn bán các thứ ấy, huống lại bảo người. Nếu cố tự buôn bán hay bảo người buôn bán các thứ ấy, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười ba là Giới Hủy Báng: Nếu Phật tử, vì ác tâm, nơi người tốt, người lành, Pháp Sư, Sư Tăng, hoặc Quốc Vương và hàng quý nhơn, vốn vô sự mà hủy báng là phạm bảy tội nghịch, mười giới trọng. Với cha mẹ, anh, em, lục thân phải có lòng từ bi hiếu thuận, mà trở lại vu khống cho là phạm tội nghịch, đọa nơi ác đạo, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười bốn là Giới Phóng Hỏa: Nếu Phật tử, vì ác tâm, phóng hỏa đốt núi, rừng, đồng nội. Từ tháng tư đến tháng chín phóng hỏa. Hoặc cháy lan đến nhà cửa, thành ấp, Tăng phường, ruộng cây của người và cung điện tài vật của quỷ thần. Tất cả chỗ có sanh vật không được cố ý thiêu đốt. Nếu cố thiêu đốt, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười lăm là Giới Dạy Giáo Lý Ngoài Đại Thừa: Nếu Phật tử, từ Phật đệ tử, lục thân, tất cả thiện tri thức, đến ngoại đạo ác nhơn, đều phải khuyên bảo thọ trì kinh luật Đại thừa. Nên giảng cho hiểu nghĩa lý khiến phát Bồ Đề Tâm, Thập Phát Thú tâm, Thập Trưởng Dưỡng tâm, Thập Kim Cang tâm. Trong ba mươi tâm ấy, giảng cho họ hiểu pháp dụng tuần thứ của mỗi món. Nếu Phật tử vì ác tâm, sân tâm mà đem kinh luật của Thanh Văn Nhị thừa cùng các bộ luận của ngoại đạo tà kiến để dạy cho người, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười sáu là Giới Vì Lợi Mà Giảng Pháp Lộn Lạo: Nếu Phật tử, phải tận tâm học kinh luật oai nghi Đại thừa, thông hiểu nghĩa lý, khi thấy có hàng tân học Bồ Tát từ xa trăm dặm nghìn dặm đến cầu học kinh luật Đại thừa, nên đúng như pháp giảng giải tất cả khổ hạnh, hoặc đốt thân, đốt cánh tay, đốt ngón tay. Nếu không đốt thân hay cánh tay, ngón tay cúng dường chư Phật thời không phải là hàng Bồ Tát xuất gia. Nhẫn đến xả thịt nơi thân mình cùng tay chân mà bố thí cho tất cả những cọp, sói, sư tử đói, cùng tất cả loài quỷ đói. Rồi sau mới tuần tự theo căn cơ của mỗi người mà giảng chánh pháp cho hàng tân học ấy được mở thông tâm ý. Nếu Phật tử vì quyền lợi, đáng dạy mà không dạy, lại giảng kinh luật một cách điên đảo, văn tự lộn xộn không có thứ lớp trước sau, thuyết pháp có tính cách hủy báng Tam Bảo, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười bảy là Giới Cậy Thế Lực Quyên Góp Tiền Của: Nếu Phật tử, tự mình vì việc ăn uống tiền của, lợi dưỡng, danh dự mà thân cận quốc vương, hoàng tử cùng các quan, nương quyền cậy thế bức người để lấy tiền của, lại bảo người khác cũng cầu lợi như vậy. Tất cả sự cầu lợi ấy gọi là ác cầu, đa cầu, đều không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười tám là Giới Không Thông Hiểu Mà Làm Thầy Truyền Giới: Nếu Phật tử, phải học mười hai phần kinh, thường tụng giới. Mỗi ngày sáu thời, nghiêm trì Bồ Tát giới, hiểu rõ nghĩa lý tánh, Phật tánh của giới. Nếu Phật tử không hiểu một kệ một câu cùng nhơn duyên của giới luật, mà dối rằng thông hiểu, đó chính là dối gạt mình và cũng là dối gạt người khác. Không hiểu một pháp, không biết một luật mà lại đi làm Thầy Truyền Giới cho người, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ mười chín là Giới Lưỡng Thiệt: Nếu Phật tử, vì ác tâm, thấy Thầy Tỳ Kheo trì giới tay bưng lư hương, tu hạnh Bồ Tát, tự đi đâm thọc hai đầu, cho sanh sự bất hòa, khinh khi người hiền, tạo nhiều tội ác. Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi là Giới Không Phóng Sanh: Nếu là Phật tử, phải vì tâm từ bi mà làm việc phóng sanh. Người ấy phải luôn quán tưởng: “Tất cả nam tử là cha ta, tất cả nữ nhơn là mẹ ta. Từ nhiều đời ta đều thác sanh nơi đó.” Nếu giết chúng để ăn thịt, thì chính là giết cha mẹ ta, mà cũng là giết thân cũ của ta. Tất cả chất tứ đại đều là bổn thân bổn thể của ta, cho nên phải thường làm việc phóng sanh, và khuyên bảo người làm. Nếu lúc thấy người đời sát sanh, nên tìm cách cứu hộ cho chúng được thoát khỏi nạn khổ! Thường đem giới Bồ Tát giảng dạy để cứu độ chúng sanh. Nếu ngày cha mẹ hay anh em chết, nên thỉnh Pháp sư giảng kinh luật Bồ tát giới. Người chết nhờ phước đức ấy, hoặc được vãng sanh Tịnh Độ ra mắt chư Phật, hay thác sanh trong cõi trời người. Nếu không làm các điều trên đây, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi mốt là Giới đem Sân Báo Sân, đem Đánh Trả Đánh: Nếu Phật tử, không được đem giận trả giận, đem đánh trả đánh. Nếu cha mẹ anh em hay lục thân bị người giết cũng chẳng được báo thù, hoặc quốc chủ bị người thí chết cũng chẳng được báo thù. Giết sanh mạng để báo thù sanh mạng, đó là việc không thuận với hiếu đạo. Hãy còn không được chứa nuôi tôi tớ, rồi đánh đập mắng nhiếc chúng, mỗi ngày tam nghiệp tạo vô lượng tội, nhứt là khẩu nghiệp. Huống lại cố đi làm tội thất nghịch. Nếu xuất gia Bồ Tát không có lòng từ bi cố báo thù, nhẫn đến cố báo thù cho trong hàng lục thân, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi hai là Giới Không Kiêu Mạn Không Thỉnh Pháp: Nếu Phật tử, mới xuất gia chưa thông hiểu kinh luật, mà tự ỷ mình là trí thức thông minh, hoặc ỷ mình là cao quý, lớn tuổi, hoặc ỷ mình là giòng sang, con nhà quyền quý, hoặc ỷ mình học rộng, phước to, giàu lớn, vân vân, rồi sanh lòng kiêu mạn mà không chịu học hỏi kinh luật với các vị Pháp sư học đạo trước mình. Vị Pháp sư ấy hoặc giòng hèn, con nhà hạ tiện, tuổi trẻ, ngèo nàn, hèn hạ, hay có tật nguyền, nhưng lại thực có đức hạnh cùng thông hiểu nhiều kinh luật. Hàng tân học Bồ Tát không được nhìn vào dòng giống vị pháp sư mà không chịu đến học đạo lý Đại thừa với vị ấy. Phật tử nếu như vậy thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi ba là Giới Khinh Ngạo Không Tận Tâm Dạy: Nếu Phật tử, sau khi Phật nhập diệt, lúc có tâm tốt muốn thọ giới Bồ tát, thời đối trước tượng Phật, cùng tượng Bồ Tát mà tự nguyện thọ giới. Nên ở trước tượng Phật cùng tượng Bồ Tát sám hối trong bảy ngày, hễ được thấy hảo tướng là đắc giới. Như chưa thấy hảo tướng thời phải sám hối mười bốn ngày, hăm mốt ngày, hay đến cả năm, cầu thấy được hảo tướng. Khi được thấy hảo tướng rồi, thời được đối trước tượng Phật hay tượng Bồ Tát mà thọ giới. Như chưa thấy hảo tướng thời dầu có đối trước tượng Phật thọ giới, vẫn không gọi là đắc giới. Tuy nhiên, nếu đối trước vị Pháp sư mà thọ giới Bồ Tát, thời không cần thấy hảo tướng. Tại sao vậy? Vì vị Pháp sư ấy là chư sư truyền giới cho nhau, nên không cần hảo tướng. Hễ đối trước vị Pháp sư ấy mà thọ giới liền đắc giới, do vì hết lòng kính trọng nên đắc giới. Nếu ở trong nghìn dặm, mà không tìm được vị Pháp sư truyền giới, thời Phật tử được phép đối trước tượng Phật và Bồ Tát mà tự nguyện thọ giới Bồ Tát, nhưng cần phải thấy hảo tướng. Nếu các vị pháp sư ỷ mình thông kinh luật cùng giới pháp Đại thừa, kết giao với các nhà quyền quý, khi có hàng tân học Bồ tát đến cầu học nghĩa kinh luật, lại giận ghét, hay khinh ngạo, không chịu tận tâm chỉ bảo, vị nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi bốn là Giới Không Tập Học Đại Thừa: Nếu Phật tử, có kinh luật Đại thừa pháp, chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân, mà không chịu siêng học siêng tu, lại bỏ bảy của báu, trở lại học những sách luận tà kiến của nhị thừa, ngoại đạo, thế tục, đó là làm mất giống Phật, là nhơn duyên chướng đạo, chẳng phải thực hành đạo Bồ Tát. Nếu cố làm như vậy, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi lăm là Giới Tri Chúng Vụng Về: Nếu Phật tử, sau khi Phật nhập diệt, làm Pháp sư, Giảng Sư, Luật Sư, Thiền Sư, Thủ Tọa, Tri Sự, Tri Khách, phải có lòng từ bi khéo hòa giải trong chúng, khéo giữ gìn tài vật của Tam Bảo, chớ dùng vô độ như của riêng mình, mà trở lại khuấy chúng gây gỗ, kình chống, lung lòng xài của Tam Bảo, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi sáu là Giới Riêng Thọ Lợi Dưỡng: Nếu Phật tử, ở trước trong Tăng phường, lúc sau thấy có khách Bồ Tát Tỳ Kheo đến, hoặc nơi thành ấp nhà cửa của Tăng hay của Vua, nhân đến chỗ kiết hạ an cư cùng trong đại hội… Chư Tăng ở trước phải rước đến đưa đi, cung cấp cho những đồ uống ăn, đồ nằm, thuốc men, nhà, phòng, giường, ghế, vân vân. Nếu tự mình không có, thì phải bán thân, bán con cái, lóc thịt thân mình mà bán, để sắm đồ cung cấp cho những khách Tăng ấy. Nếu có thí chủ đến thỉnh chúng Tăng thọ trai, khách Tăng có dự phần, vị tri sự phải theo thứ tự phái khách Tăng đi thọ trai. Nếu chư Tăng ở trước riêng đi thọ trai mà không phái khách Tăng đi, thời vị tri sự mắc vô lượng tội, không đáng là hàng Sa Môn, không phải dòng Thích Tử, nào khác loài súc sanh. Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi bảy là Giới Thọ Biệt Thỉnh: Nếu Phật tử, tất cả chẳng được nhận của cúng dường dành riêng về mình. Của cúng dường nầy thuộc thập phương Tăng, nếu nhận riêng thời là lấy của thập phương Tăng đem về phần mình. Và của vật trong tám phước điền: chư Phật, Thánh nhơn, chư Tăng, cha, mẹ, và người bệnh, mà tự mình riêng nhận dùng. Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi tám là Giới Biệt Thỉnh Tăng: Nếu Phật tử, có những hàng Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia và tất cả đàn việt lúc muốn thỉnh Tăng để cúng dường cầu nguyện, nên vào Tăng phường thưa với vị Tri Sự. Vị Tri Sự bảo theo thứ tự mà thỉnh thời được thập phương Hiền Thánh Tăng. Mà người đời thỉnh riêng năm trăm vị A La hán Bồ Tát Tăng vẫn không bằng theo thứ tự thỉnh một phàm phu Tăng. Trong giáo pháp của bảy Đức Phật đều không có pháp thỉnh Tăng riêng. Nếu thỉnh Tăng riêng đó là pháp của ngoại đạo, là không thuận với hiếu đạo. Nếu Phật tử cố thỉnh riêng thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ hai mươi chín là Giới Tà Mạng Nuôi Sống: Nếu Phật tử dùng ác tâm vì lợi dưỡng buôn bán nam sắc, nữ sắc, tự tay làm đồ ăn, tự xay, tự giã xem tướng, bàn mộng, đoán sẽ sanh trai hay gái, bùa chú, pháp thuật, nghề nghiệp, phương pháp nuôi ó và chó săn, hòa hiệp trăm thứ thuốc độc, nghìn thứ thuốc độc, độc rắn, độc sanh kim, sanh ngân, độc sâu cổ, đều không có lòng từ bi, lòng hiếu thuận. Nếu cố làm các điều như thế, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi là Giới Quản Lý Cho Bạch Y: Nếu Phật tử vì ác tâm, tự mình hủy báng tam Bảo, giả tuồng kính mến, miệng thì nói không, mà hành vi lại có, làm quản lý cho hàng bạch y, vì hàng bạch y làm mai làm mối cho nam cho nữ giao hội dâm sắc, gây thành các nghiệp kiết phược; những ngày lục trai trong mỗi tháng, ba tháng trường trai trong mỗi năm, làm việc sát sanh, trộm cướp, phá trai, phạm giới. Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi mốt là Giới Không Mua hay Chuộc lại hình tượng Phật: Phật tử, sau khi Phật nhập diệt ở trong đời ác, thấy hàng ngoại đạo, bọn giặc cướp cùng tất cả người ác đem bán hình tượng Phật, Bồ Tát, cha mẹ, đem bán kinh luật, đem bán Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, cùng người hành đạo Bồ Tát, kẻ phát tâm Bồ Đề, để làm tay sai cho các quan hay làm tôi tớ cho mọi người. Phật tử thấy những sự như thế, nên có lòng từ bi tìm cách cứu vớt. Nếu không đủ sức, Phật tử phải đi quyên tiền các nơi để chuộc hình tượng Phật, Bồ Tát và tất cả kinh luật, chuộc Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, người tu hạnh Bồ tát, kẻ phát tâm Bồ Đề. Nếu không chuộc, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi hai là Giới Tổn Hại Chúng Sanh: Phật tử không được buôn bán dao, gậy, cung, tên, những khí giới sát sanh. Không được chứa cân non thước thiếu. Không được nương thế lực quan quyền mà lấy tài vật của người. Không được ác tâm trói buộc người, và phá hoại việc thành công của người. Không được nuôi mèo, chồn, heo, chó. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi ba là Giới Tà Nghiệp Giác Quán: Phật tử không được vì ác tâm đi xem tất cả nam nữ đánh nhau, hay quân trận binh tướng, giặc cướp, vân vân, đấu chiến với nhau. Cũng chẳng được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, đá cầu, đá bóng, vân vân, cho đến bói xủ. Chẳng được làm tay sai cho kẻ trộm cướp. Nếu cố làm các điều trên, Phật tử phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi bốn là Giới Tạm Bỏ Bồ Đề Tâm: Nếu Phật tử, ngày đêm sáu thời đọc tụng giới Bồ Tát nầy. Nên giữ gìn giới luật trong tất cả khi đi đứng nằm ngồi, vững chắc như kim cương, như đeo trái nổi để qua biển lớn, như Tỳ Kheo bị cột bằng dây cỏ. Thường có tín tâm lành đối với Đại thừa. Tự biết rằng mình là Phật chưa thành, còn chư Phật là Phật đã thành, rồi phát Bồ Đề Tâm và giữ vững không thối chuyển. Nếu có một tâm niệm xu hướng theo Nhị thừa hay ngoại đạo, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi lăm là Giới Không Phát Nguyện: Nếu Phật tử, nên phát những điều nguyện lớn: nguyện ăn ở hiếu thuận với cha mẹ, sư trưởng; nguyện được gặp Thầy tốt bạn hiền, để thường được học hỏi các kinh luật Đại thừa, được dạy về Thập Phát Thú, Thập Trưởng Dưỡng, Thập Kim Cang, Thập Địa; nguyện hiểu rõ để tu hành đúng chánh pháp; nguyện giữ vững giới luật nhà Phật: thà chết chớ không chịu phai lòng. Nếu tất cả Phật tử không phát những điều nguyện trên đây thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi sáu là Giới Không Phát Thệ: Nếu Phật tử, khi đã phát đại nguyện trên đây rồi, phải giữ gìn giới cấm của Phật. Phải tự thệ rằng: “Thà nhảy vào đống lửa, hố sâu, núi dao, quyết không cùng với tất cả người nữ làm điều bất tịnh để phạm điều cấm trong kinh luật của Tam Thế chư Phật. Lại thề rằng thà lấy lưới sắt quấn thân mình cả ngàn lớp, quyết không để thân nầy phá giới mà thọ những đồ phục của tín tâm đàn việt. Thà chịu nuốt hòn sắt cháy đỏ và uống nước đồng sôi mãi đến trăm nghìn kiếp, quyết không để miệng nầy phá giới mà ăn các thứ thực phẩm của tín tâm đàn việt. Thà nằm trên đống lửa lớn, trên tấm sắt nóng, quyết không để thân nầy phá giới mà nhận lấy các thứ giường ghế của tín tâm đàn việt. Thà trong một hai kiếp cho cả trăm gươm giáo đâm vào mình, quyết không để thân nầy phá giới mà thọ các thứ thuốc men của tín tâm đàn việt. Thà nhảy vào vạc dầu sôi trong trăm nghìn kiếp, quyết không để thân nầy phá giới mà lãnh những phòng nhà, ruộng vườn, đất đai của tín tâm đàn việt.” Lại phát thệ rằng: “Thà dùng chày sắt đập thân nầy từ đầu tới chân cho nát như tro bụi, quyết không để thân nầy phá giới mà thọ sự cung kính lễ bái của tín tâm đàn việt. Thà lấy trăm nghìn lưỡi gươm giáo khoét đôi mắt mình, quyết không đem tâm phá giới nầy mà nhìn xem sắc đẹp của người. Thà lấy trăm nghìn dùi sắt, đâm thủng lỗ tai mình trải trong một hai kiếp, quyết không đem tâm phá giới nầy mà nghe tiếng tốt giọng hay. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt bỏ lỗ mũi mình, quyết không đem tâm phá giới nầy mà ngửi các mùi thơm. Thà lấy trăm nghìn lưỡi dao cắt đứt lưỡi mình, quyết không đem tâm phá giới nầy mà ăn các thức tịnh thực của người. Thà lấy búa bén chặt chém thân thể mình, quyết không đem tâm phá giới nầy mà tham mặc đồ tốt.” Lại phát nguyện: nguyện cho tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật quả. Nếu Phật tử không phát những điều thệ nguyện nầy, thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi bảy là Giới Vào Chỗ Hiểm Nạn: Nếu Phật tử mỗi năm phải hai kỳ hành đầu đà, mùa đông mùa hạ thời ngồi thiền và an cư kiết hạ. Thường dùng nhành dương, nước tro, ba y, bát, bình, tọa cụ, tích trượng, hộp lư hương, đãy lọc nước, khăn tay, con dao, đá lửa, cái nhíp, giường dây, kinh, luật, tượng Phật, tượng Bồ Tát. Khi Phật tử hành đầu đà cùng lúc du phương đi lại trăm dặm ngàn dặm, mười tám món nầy luôn mang bên mình. Đây là hai kỳ hành đầu đà trong mỗi năm: từ rằm tháng giêng đến rằm tháng ba, và từ rằm tháng tám đến rằm tháng mười. Trong hai kỳ hành đầu đà, luôn mang theo mình 18 món ấy như chim mang hai cánh. Mỗi tháng hai lần, hàng tân học Phật tử, phải luôn tụng giới Bố Tát, tụng mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh. Lúc tụng giới, nên ở trước tượng Phật và Bồ Tát mà tụng. Nếu chỉ có một người bố tát thời một người tụng. Nếu có hai người, ba người, nhẫn đến trăm nghìn người, cũng chỉ một người tụng, còn bao nhiêu thời lắng nghe. Người tụng ngồi cao, người nghe ngồi thấp. Mỗi người đều đắp y hoại sắc cửu điều, thất điều và ngũ điều (chín, bảy hay năm mảnh). Trong lúc kiết hạ an cư mỗi mỗi đều phải đúng theo phép tắc. Lúc hành đầu đà chớ đi đến chỗ có tai nạn, cõi nước hiểm ác, nhà vua hung bạo, đất đai gập ghềnh, cỏ cây rậm rạp, chỗ có giống sư tử, cọp, sói, cùng nơi bị bão lụt, nạn cháy, giặc cướp, đường sá có rắn rít, vân vân. Tất cả những nơi hiểm nạn ấy đều không được đến. Chẳng những lúc hành đầu đà, mà lúc kiết hạ an cư cũng không được vào những chỗ hiểm nạn ấy. Nếu cố vào những nơi ấy, Phật tử này phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi tám là Giới Trái Thứ Tự Tôn Ty: Nếu Phật tử, phải theo thứ tự đúng pháp mà ngồi: người thọ giới trước thời ngồi trước, người thọ giới sau thời ngồi sau. Không luận già trẻ, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, người sang như Quốc Vương, Hoàng Tử, nhẫn đến kẻ hèn như huỳnh môn, tôi tớ, vân vân, tất cả đều nên theo thứ tự mà ngồi (người thọ giới trước ngồi trước, người thọ giới sau ngồi sau). Không được như hàng ngoại đạo, si mê, hoặc già, hoặc trẻ, ngồi trước sau lộn xộn không có thứ tự, không khác cách ngồi của bọn binh nô. Trong Phật pháp, hễ người thọ giới trước thời ngồi trước, còn người thọ giới sau thời ngồi sau. Nếu Phật tử không theo thứ tự đúng pháp mà ngồi, thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ ba mươi chín là Giới Không Tu Phước Huệ: Nếu Phật tử, thường phải khuyến hóa tất cả mọi người kiến tạo Tăng phường nơi núi rừng vườn ruộng, xây dựng Phật tháp, chỗ an cư, ngồi thiền trong mùa đông mùa hạ, tất cả những cơ sở hành đạo đều nên kiến lập. Người Phật tử phải giảng thuyết kinh luật Đại thừa cho tất cả chúng sanh. Lúc tật bệnh, nước có nạn có giặc, ngày cha mẹ, anh em, Hòa Thượng, A Xà Lê khuất tịch, và mỗi tuần thất, nhẫn đến bảy tuần thất, cũng nên giảng thuyết kinh luật Đại thừa. Tất cả những trai hội cầu nguyện, những lúc đi làm ăn, những khi có tai nạn bão lụt, hỏa hoạn, ghe thuyền trôi giạt nơi sông to biển lớn, gặp quỷ la sát, vân vân, đều cũng đọc tụng kinh luật Đại thừa. Nhẫn đến tất cả tội báo, tam ác, bát nạn, thất nghịch, gông cùm xiềng xích trói buộc tay chân, hoặc người nhiều dâm, nhiều sân, nhiều ngu si, nhiều tật bệnh, đều nên giảng kinh luật Đại thừa. Nếu hàng tân học Phật tử không thực hành như trên đây, thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi là Giới Không Bình Đẳng Truyền Giới: Nếu Phật tử, lúc cho người thọ giới không được lựa chọn. Tất cả hàng Quốc vương, Hoàng tử, các quan, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thiện nam, Tín nữ, Dâm nam, Dâm nữ, Phạm Thiên trong 18 cõi sắc, Thiên tử trong sáu cõi dục, người thiếu căn, hai căn, huỳnh môn, tôi tớ và tất cả quỷ thần đều được thọ giới. Tất cả y phục ngọa cụ nên bảo phải hòa màu: xanh, vàng, đỏ, đen, tím nhuộm thành hoại sắc cho hợp với đạo. Trong tất cả các quốc độ, nên theo y phục của người trong nước ấy mặc, y phục của Thầy Tỳ Kheo đều phải khác với y phục của người thế tục. Khi ai muốn thọ giới Bồ Tát, vị sư phải hỏi rằng: trong đời nầy ngươi có phạm tội thất nghịch chăng? Bồ Tát Pháp Sư không được cho người phạm tội thất nghịch thọ giới trong đời nầy. Đây là tội thất nghịch: Ác tâm làm thân Phật chảy máu; hại bậc Thánh nhân; giết cha; giết mẹ; giết Hòa Thượng; giết A Xà Lê; phá Yết Ma Tăng hay Chuyển Luân Tăng. Nếu phạm tội thất nghịch, thời hiện đời không đắc giới. Ngoài ra tất cả mọi người đều được thọ giới. Theo pháp của người xuất gia, không lạy quốc vương, cha mẹ, lục thân và quỷ thần. Phàm hễ ai nhận hiểu lời nói của Pháp Sư đều được thọ giới. Mà có người từ trăm dặm nghìn dặm đến cầu pháp, nếu Bồ Tát Pháp Sư vì ác tâm, sân tâm, mà không mau mắn truyền giới Bồ Tát cho người ấy, thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi mốt là Giới Vì Lợi Làm Thầy: Nếu Phật tử, giáo hóa người sanh lòng tin tưởng pháp Đại thừa, Bồ Tát làm pháp sư giáo giới cho người. Lúc thấy có người muốn thọ giới Bồ Tát, nên bảo người ấy thỉnh hai đại sư: Hòa Thượng và A Xà Lê. Phải hỏi người ấy có phạm tội thất nghịch không? Nếu người ấy hiện đời có phạm tội thất nghịch, thời Pháp Sư không được cho người ấy thọ giới. Như không phạm tội thất nghịch, thời cho thọ giới. Nếu có phạm trong mười giới trọng, phải bảo người ấy sám hối trước tượng Phật và Bồ Tát. Ngày đêm sáu thời tụng giới Bồ Tát tha thiết đảnh lễ Tam Thế Chư Phật, cho được thấy hảo tướng. Sám hối như thế trong bảy ngày, mười bốn ngày, hăm mốt ngày, nhẫn đến trọn năm, mãi đến chừng nào thấy được hảo tướng. Đây là hảo tướng: thấy Phật đến xoa đầu mình, hấy quang minh, thấy hoa báu, vân vân, các thứ cảnh tượng lạ. Thấy được những hảo tướng ấy là triệu chứng tội đã tiêu diệt. Nếu không được thấy hảo tướng, dầu có sám hối vẫn vô ích. Người nầy hiện đời cũng không đắc giới, nhưng đặng tăng-ích thọ giới. Nếu là người phạm trong bốn mươi tám điều giới khinh, “đối thú sám hối,” thời đặng tiêu diệt, không phải như tội thất nghịch. Vị Pháp Sư giáo giới ở trong những pháp nầy phải hiểu rõ. Nếu không hiểu kinh luật Đại thừa, những giới khinh, giới trọng, hành tướng phải, chẳng phải; không hiểu đệ nhứt nghĩa đế, thập chủng tánh, trưởng dưỡng tánh, tánh chủng tánh bất khả hoại tánh, đạo chủng tánh, chánh pháp tánh. Những quán hạnh đa thiểu, xuất nhập trong các pháp đó, cùng mười chi thiền, tất cả pháp hạnh, mỗi mỗi đều thông hiểu. Phật tử vì tài lợi, vì danh tiếng, cầu quấy, cầu nhiều, tham đệ tử đông nên giả tuồng là mình hiểu biết tất cả kinh luật, để được cúng dường, đó là tự dối mình mà cũng khi dối người khác. Nếu cố làm Giới Sư truyền giới cho người, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi hai là Giới Vì Người Ác Giảng Giới: Nếu Phật tử không được vì tài lợi mà đem đại giới của chư Phật nói với người chưa thọ giới Bồ Tát, hoặc với hàng ngoại đạo, những kẻ tà kiến, vân vân. Trừ Quốc vương, ngoài ra không được nói với tất cả hạng người ấy. Những hạng người chẳng thọ giới của Phật, gọi là súc sanh, đời đời sanh ra không gặp được Tam Bảo, như cây đá, không có tâm thức; gọi là ngoại đạo, bọn tà kiến, nào khác cây cối. Với những hạng người tà ác ấy, nếu Phật tử giảng nói giới pháp của chư Phật, thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi ba là Giới Cố Mống Tâm Phạm Giới: Nếu Phật tử, do đức tin mà xuất gia, thọ chánh giới của Phật, lại cố mống tâm hủy phạm giới pháp, thời không được thọ lãnh đồ cúng dường của tất cả đàn việt, cũng không được đi trên đất của quốc dân. Năm nghìn đại quỷ luôn đứng án trước mặt người đó mà gọi là “Gã bợm giặc.” Nếu khi đi vào trong phòng nhà, thành ấp, các quỷ thường theo chà quét dấu chân của người ấy. Tất cả mọi người đều mắng kẻ ấy là kẻ giặc trong Phật pháp. Hết thảy chúng sanh đều không muốn nhìn ngó người ấy. Người phạm giới, khác nào loài súc sanh, cây cỏ. Nếu cố phá hủy giới pháp của Phật, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi bốn là Giới Không Cúng Dường Kinh Luật: Nếu Phật tử, phải thường nhất tâm thọ trì đọc tụng kinh luật đại thừa, dùng giấy, vải, hàng, lụa, thẻ tre, vỏ cây, cho đến lột da làm giấy, chích máu làm mực, lấy tủy làm nước, chẻ xương làm viết, để biên chép kinh luật, dùng vàng bạc cùng hương hoa vô giá và tất cả châu báu làm hộp, rương, đựng những quyển kinh luật. Nếu không y theo pháp mà cúng dường kinh luật, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi lăm là Giới Không Giáo Hóa Chúng Sanh: Nếu Phật tử, nên có lòng đại bi, khi vào trong tất cả nhà cửa thành ấp, thấy những loài chúng sanh, phải xướng lên rằng: “Các người đều nên thọ tam quy và thập giới.” Nếu gặp trâu bò, chó, ngựa, heo, dê, vân vân, nên tâm nghĩ miệng nói: “Các ngươi là súc sanh phát Bồ Đề tâm.” Khi Phật tử đi đến núi, rừng, sông, nội cùng tất cả chỗ, đều làm cho hết thảy chúng sanh phát Bồ Đề tâm. Nếu Phật tử không phát tâm giáo hóa chúng sanh, thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi sáu là Giới Thuyết Pháp Không Đúng Pháp: Nếu Phật tử, thường nên có lòng đại bi phát tâm giáo hóa. Lúc vào nhà đàn việt sang giàu, cùng trong tất cả chúng hội, không được đứng thuyết pháp cho hàng bạch-y. Phải ngồi trên tòa cao trước chúng bạch-y. Vị Tỳ Kheo Pháp Sư không được đứng dưới đất thuyết pháp cho tứ chúng. Khi thuyết pháp, vị pháp sư ngồi tòa cao, dùng hương hoa cúng dường, còn tứ chúng, hàng thính giả, thời ngồi dưới. Đối với Pháp sư phải như là hiếu thuận mẹ cha, kính thuận Sư trưởng như Bà La Môn thờ lửa. Nếu Phật tử thuyết pháp mà không đúng như pháp thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi bảy là Giới Chế Hạn Phi Pháp: Nếu Phật tử, đều đã có lòng tin thọ giới của Phật, hoặc Quốc vương, Hoàng tử, các quan, bốn bộ đệ tử tự ỷ thế lực cao quý, phá diệt giới luật Phật pháp, lập ra điều luật chế, hạn chế bốn bộ đệ tử của Phật, không cho xuất gia hành đạo, cũng không cho tạo lập hình tượng Phật và Bồ Tát, cùng Tháp và Kinh Luật. Lại đặt ra chức quan đổng lý nhằm hạn chế tứ chúng, và lập sổ bộ ghi số Tăng. Tỳ Kheo Bồ Tát đứng dưới đất còn bạch y ngồi tòa cao, làm nhiều việc phi pháp như binh nô thờ chủ. Hàng Bồ Tát nầy chính nên được mọi người cúng dường, mà trở lại bắt làm tay sai của các quan chức, thế là phi pháp phi luật. Nếu quốc vương và các quan có lòng tốt thọ giới của Phật, chớ làm tội phá Tam Bảo ấy. Nếu cố làm thời phạm “Khinh Cấu Tội.” Thứ bốn mươi tám là Giới Phá Diệt Phật Pháp: Nếu Phật tử do lòng tốt mà xuất gia, lại vì danh tiếng cùng tài lợi, giảng thuyết giới của Phật cho Quốc vương và các quan, làm những sự gông trói các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, người thọ giới Bồ Tát như cách của ngục tù và binh nô. Như trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, chớ chẳng phải trùng ở ngoài đến ăn. Cũng thế, các Phật tử tự hủy phá Phật pháp, không phải ngoại đạo hay Thiên Ma phá được. Người đã thọ giới của Phật, nên hộ trì giới luật của Phật như ấp yêu con ruột, như kính thờ cha mẹ, không được hủy phá. Người Phật tử khi nghe ngoại đạo, người ác dùng lời xấu hủy báng giới pháp của Phật, thời đau đớn không khác nào cả ba trăm cây giáo nhọn đâm vào tim mình, hay cả nghìn lưỡi dao, cả vạn cây gậy đánh bổ vào thân mình. Thà tự cam vào ở địa ngục đến trăm kiếp, chớ không muốn nghe lời hủy báng giới pháp của Phật do bọn người ác. Huống là không lòng hiếu thuận, tự mình hủy phá giới pháp của Phật, hay làm nhơn duyên bảo người khác hủy phá. Nếu cố phá giới pháp, Phật tử nầy phạm “Khinh Cấu Tội.”
Lay & Monastic Bodhisattvas
In Buddhist Teachings
Thiện Phúc
In Buddhist teachings, a Bodhisattva is one whose beings or essence is bodhi whose wisdom is resulting from direct perception of Truth with the compassion awakened thereby. Enlightened being who is on the path to awakening, who vows to forego complete enlightenment until he or she helps other beings attain enlightenment. Bodhisattva is considered as a human being with his own karmas at his very birth as all other creatures, but he can be able to get rid of all his inner conflicts, including bad karmas and sufferings,; and external crises, including environments, calamities and other dilema, can change this unfortunate situation and can make a peaceful, prosperous and happy world for all to live in together by using his effort and determination in cultivating a realistic and practical way without depending on external powers. The Bodhisattva Way teaches the observance of the six paramitas the perfecting of the self and the benefits of others. The objective is the salvation of all beings and attaining of Buddhahood. The aim of Bodhisattvayana is the attainment of Supreme Buddhahood. In other words, the aim of a Bodhisattva is to benefit self and benefit others, leading to Buddhahood; and above to seek bodhi, below to transform all beings.
According to Buddhism, a Bodhisattva is a being who resolves to become a fully enlightened Buddha and who dedicates his efforts to helping other sentient beings to attain salvation. These compassionate beings figure predominantly in the Mahayana tradition; indeed, the most distinguishing feature of Mahayana Buddhism may be its advocacy of the Bodhisattva as the vehicle to liberation. The Bodhisattva follows a long and arduous path, often described as having ten stages and spanning many lives at the end of which he attains complete Buddhahood. Bodhisattvas should never be considered as heavenly gods or devas, or permanent entities for worship. Talking about the idea of Bodhisattva, Buddhists should always remember that the idea of Bodhisattva is only a symbolic method of Buddha-dhamra created by intellectual patriarchs after the Buddha’s parinirvana only to satisfy the religious need of followers and to adjust Buddhism in some special circumstances. The concept of Bodhisattvahood appears in both Theravada and Mahayana Buddhisms. So the idea of Bodhisattva in Mahayana Buddhism is in no way a strange idea to the Theravada Buddhism. Bodhisattvas always cultivate “the mind to bodhi (bodhicita),” “the six Paramitas,” “the four all-embracing virtues,” and “the Four Immeasurables.” Especially, “the Four Immeasurables” for these four characteristics cannot be viewed in discreteness or in isolation. Among them, “Compassionate” is the most essential, for “Karuna” or “Compassionate” is the basis of “Maitri” or “Loving-kindness” which stands for “love, respect and care for all living beings.”
For all Buddhists, each Buddha had been, for a long period before his enlightenment, vowed to be a Bodhisattva. But why does a Bodhisattva have such a vow? Why does he want to undertake such infinite labor? For the good of others, because they want to become capable of pulling others out of this great flood of sufferings and afflictions. But what personal benefit does he find in the benefit of others? To a Bodhisattva, the benefit of others is his own benefit, because he desires it that way. Who could believe that? It is true that people devoid of pity and who think only of themselves, find it hard to believe in the altruism of the Bodhisattva. But compassionate people can easily do so. In short, a Bodhisattva is an enlightener of sentient beings. He usually vows to take the enlightenment that he has been certified as having attained and the wisdom that he has uncovered to enlighten all other sentient beings. A Bodhisattva’s job is not easy at all. Though his appearance is not rare as that of a Buddha, but it is extremely difficult for a Bodhisattva to appear, and it is also extremely difficult for ordinary people to encounter a real Bodhisattva.
This little book titled “Lay & Monastic Bodhisattvas” is not a profound study of Buddhist teachings, but a book that simply points out Bodhisattvas' practices, vows and paths of cultivation for us, two classes of disciples of lay and monastic Buddhists, to follow. Devout Buddhists should always remember that entering the state of mind of a Nirvana as the Buddha taught does not mean to renounce the world and to enter into a temple as a monk or nun, but it means to enter into practicing well-being exercises that are linked to established daily life patterns, makes our lives more peaceful. Devout Buddhists should always remember the goal of any Buddhist cultivator is to achieve self-enlightening, that is examining with one’s own intelligence, and not depending upon another; enlightening or awakening of others, then achieve the final accomplishment, to go beyond the cycle of births and deaths, that is to reach the state of mind of a Nirvana right in this very life. The journey from man to Buddha still demands continuous efforts with right understanding and practice. Presently even with so many books available on Buddhism, I venture to compose this booklet titled “Lay & Monastic Bodhisattvas” in Vietnamese and English to spread basic things in Buddhism to all Vietnamese Buddhist followers, especially Buddhist beginners, hoping this little contribution will help Buddhists in different levels to understand on how to achieve and lead a life of peace, mindfulness and happiness.
(A) Summaries of Bodhisattvas
In Buddhist Teachings
I. The Origination of the Bodhisattva Ideal:
Buddhism never separates itself from the secular life. On the contrary, the Buddha always reminded his followers, monks, nuns, upasakas and upasikas, to live the best and highest life and to get the most out of life. However, the best joy in life according to Buddhism are not the pleasures and materials, but the light-hearted and joyful happiness at all time in mind. Sincere Buddhists should always remember that it is true that we must study the Buddha’s teachings, but the main thing is to live them in our daily life. If we can do this, we are truly Buddhists of a living Buddhism. If not, we are only embracing the corpse of a dead Buddhism. According to the Avatamsaka Sutra, there are two aspects of the Buddhist life. Everyone has hopes that his wishes will be fulfilled someday. Hope itself is not wrong, for hope will help people try to reach to better situations. To a Buddhist, a worthwhile life, according to Mahayana Buddhist point of view, does not consist in merely spending one’s life in peace and quiet but in creating something good for other beings. When one tries to become a better person through his practice, this endeavor is the creation of good. When he does something for the benefit of other people, this is the creation of a still higher standard of good. The various arts are the creation of beauty, and all honest professions are the creation of various kinds of energy that are beneficial to society. Creation is bound to bring with it pain and hardship. However, one finds life worth living when one makes a strenuous effort for the sake of something good. He endeavors to become a little better a person and to do just a little more for the good of other people, through such positive endeavor we are enabled to feel deep joy in our human lives.
Thus, around some 200 or 300 years after the Buddha’s death, a new variation of the Buddhist ideal began to emerge. Dissatisfied with the seemingly limited goal of the arhat, this new vision emphasized the Bodhisattva as the highest aspiration for all. A Bodhisattva is a being who resolves to become a fully enlightened Buddha and who dedicates his efforts to helping other sentient beings to attain salvation. These compassionate beings figure predominantly in the Mahayana tradition; indeed, the most distinguishing feature of Mahayana Buddhism may be its advocacy of the Bodhisattva as the vehicle to liberation. The Bodhisattva follows a long and arduous path, often described as having ten stages and spanning many lives at the end of which he attains complete Buddhahood. The Mahayana is thus able to consider a host of Bodhisattvas, at different stages along the path, as intervening in the lives of sentient beings. An advanced Bodhisattva, for example, can create “Buddha-Fields,” to which humans can aspire to be reborn by devotion and righteousness. The notion of the Bodhisattva is at times combined with the doctrine of the “Three Bodies” of the Buddha. This theory maintains that the ultimate form of Buddhahood and the true nature of things is the “Body of Dharma” itself (Dharmakaya). The Body of Dharma is revealed progressively by two other bodies: the “Enjoyment Body” (Sambhogakaya), a subtle form perceptible only to those advanced in the path, and the “Transformation Body” (Nirmanakaya), a physical form apparent to all. According to this scheme, Gautama was merely a Transformation Body, an apparition of ultimate Buddhahood. Other Bodhisattvas, who are Enjoyment Bodies, can also teach and intervene through transformation and apparition. Important Mahayana Bodhisattvas include Avalokitesvara; Manjusri, who personifies great wisdom and is often represented holding a sword, which he uses to cut through the veil of ignorance; and Maitreya, “The Kindly One,” who will be the next Buddha and who, after attaining Buddhahood, will send the next Transformation Body to teach on earth. Other great Buddhist teachers are sometimes associated with Bodhisattvas, and are even seen as their incarnations. One of these is Nagarjuna, who was an abbot at the Buddhist university of Nalanda in the second century A.D. Nagarjuna is considered the founder of the Madhyamaka, a school of Buddhist philosophy that was active in Buddhist India. Madhyamaka greatly influenced certain forms of Chinese and Japanese Buddhism, such as Zen, and still flourishes today in Tibet.
In Tibetan, Bodhisattva is translated as “Heroic Being.” The heroic quality of the Bodhisattva is brought out by the Prajnaparamita: “Suppose a hero, endowed with great accomplishments, had gone out with his mother, father, sons, and daughters. By some set of circumstances, they would get into a huge wild forest. The foolish among them would be greatly frightened. The hero would, however, fearlessly say to them ‘Do not be afraid! I will speedily take you out of this great and terrible jungle, and bring you to safety.’ Since he is fearless, vigorous, exceedingly tender, compassionate, courageous and resourceful, it does not occur to him to take himself alone out of the jungle, leaving his relatives behind. Against the Arhat, Mahayana Buddhism claimed that we must take the whole of the creation with us to enlightenment, that we cannot just abandon any beings, as all beings are as near to us as our relatives are. What a man should do is to make no discrimination between himself and others, and to wait until he had helped everybody into Nirvana before loosing himself into it. The Mahayanists thus claimed that the Arhat had not aimed high enough. According to the Mahayana Buddhism, the ideal man, the aim of the Buddhist effort, was not the rather self-centered, cold and narrow-minded Arhat, but the all compassionate Bodhisattva, who abandoned the world, but not the beings in it. Wisdom had been taught as the highest quality for an Arhat, and compassion as a subsidiary virtue; but to a Bodhisattva, compassion came to rank as equal with wisdom. While the wisdom of an Arhat had been fruitful in setting free in himself. What there was to be set free, it was rather sterile in ways and means of helping ordinary people. The Bodhisattva would be a man who does not only set himself free, but who is also skilful in devising means for bringing out and maturing the latent seeds of enlightenment in others. According to the Prajna-paramita-sutra, the Buddha taught: “Doers of what is hard are the Bodhisattvas, the great beings who have set out to win supreme enlightenment. They do not wish to attain their own private Nirvana. On the contrary, they have survey the highly painful world of being, but they do not tremble at birth-and-death. They have set out for the benefit of the world, for the peace and happiness of the world. They have resolved, and yet desirous to win supreme enlightenment, they do not tremble at birth and death. They have set out for the benefit of the world, for the ease of the world, out of pity for the world. They have resolved: ‘We will become a shelter for the world, a refuge for all beings, the world’s place of rest, the final belief of all beings, islands of the world, lights of the world, leaders of the world, the world’s means of salvation.
According to the Mahayana Buddhism, the ideal of the Bodhisattva was partly due to social pressure on the Order, but to a great extent it was inherent in the practice of the ‘Unlimited,’ which had trained the monks not to discriminate between themselves and others. As we saw, Buddhism has at its disposal two methods by which it reduces the sense of separateness on the part of individuals. The one is the culture of the social emotions, or sentiments, such as loving-kindness (friendliness) and compassion. The other consists in acquiring the habit of regarding whatever one thinks, feels or does as an interplay of impersonal forces, called ‘Dharmas,’ weaning oneself slowly from such ideas as ‘I’ or ‘mine’ or ‘self.’ There is a logical contradiction between the method of wisdom, which sees no persons at all, but only Dharmas, and the method of the ‘Unlimited’ which cultivates relations to people as persons. The meditation on Dharmas dissolves other people, as well as oneself, into a conglomeration of impersonal and instantaneous dharmas. It reduces our manhood into 5 heaps, or pieces, plus a label. If there is nothing in the world except bundles of Dharmas, as cold and as impersonal as atoms, instantaneously perishing all the time, there is nothing which friendliness and compassion could work on. One cannot wish well to a Dharma which is gone by the time one has come to wish it well, nor can one pity a Dharma, say a ‘mind-object,’ or a ‘sight-organ,’ or a ‘sound-consciousness.’ In those Buddhist circles where the method of Dharmas was practiced to a greater extent than the ‘Unlimited,’ it led to a certain dryness of mind, to aloofness, and to lack of human warmth. The true task of the Buddhist is to carry on with both contradictory methods at the same time. As the method of Dharmas leads to boundless expansion of the self, because one identifies oneself with more and more living beings. As the method of wisdom explodes the idea that there are any persons at all in the world, so the method of the ‘Unlimited’ increases the awareness of the personal problems of more and more persons. How then does the Mahayana resolve this contradiction? The Buddhist philosophers differs from philosophers bred in the Aristotelean tradition in that they are not frightened but delighted by a contradiction. They deal with this, as with other contradictions, by merely stating it in an uncompromising form, and then they leave it at that. According to the Diamond Sutra: “Here, oh! Subhuti! A Bodhisattva should think thus ‘As many beings as there are in the universe of beings, be they being egg-born, or from a womb, or moisture-born, or miraculously born; be they with form, or without; be they with perception, without perception, or with neither perception nor no-perception, as far as any conceivable universe of beings is conceived; all these should be led by me into Nirvana, into that realm of Nirvana which leaves nothing behind. And yet, although innumerable beings have thus been led to Nirvana, no being at all has been led to Nirvana. And why? If in a Bodhisattva the perception of a ‘being’ should take place, he would not be called an ‘enlightenment-being’ or a Bodhisattva.”
In short, the Bodhisattva ideal originated from Mahayana Buddhism, but the term Bodhisattva is not confined solely to Mahayana Buddhism. In Theravada, Sakyamuni Buddha is referred to as “Bodhisatta” (Bodhisattva) in the past lives described in the Jatakas, during which he is said to have gradually perfected the good qualities of a Buddha. In the Mahayana sense, however, the Bodhisattva concept is an explicit rejection of Nikaya Buddhism’s ideal religious paradigm, the Arhat. In Mahayana the Arhat is characterized as limited and selfish, concerned only with personal salvation, in contrast to the Bodhisattva, who works very hard for all sentient beings. The beginning of the bodhisattva’s career is marked by the dawning of the “mind of awakening” (Bodhi-citta), which is the resolve to become a Buddha in order to benefit others. So, Bodhisattva is considered as a human being with his own karmas at his very birth as all other creatures, but he can be able to get rid of all his inner conflicts, including bad karmas and sufferings, and external crises, including environments, calamities and other dilema, can change this unfortunate situation and can make a peaceful, prosperous and happy world for all to live in together by using his effort and determination in cultivating a realisitc and practical way without depending on external powers. In Mahayana literature, this is commonly followed by a public ceremony of a vow to attain Buddhahood (Pranidhana) in order to benefit other sentient beings. That is to say: “Above to seek bodhi, below to save (transform) beings.” This is one of the great vows of a Bodhisattva. After that point the bodhisattva pursues the goal of Buddhahood by progressively cultivating the six, sometimes ten, “perfections” (Paramita): generosity, ethics, patience, effort, concentration, and wisdom. The two primary qualities in which the Bodhisattva trains are compassion and wisdom, and when the perfections are fully cultivated and compassion and wisdom developed to their highest level, the Bodhisattva becomes a Buddha.
II. Who Are Bodhisattvas?:
Bodhisattva is a Sanskrit term for an Enlightened Being. This is the one whose essence is bodhi whose wisdom is resulting from direct perception of Truth with the compassion awakened thereby. Enlightened being who is on the path to awakening, who vows to forego complete enlightenment until he or she helps other beings attain enlightenment. A Sanskrit term which means “Awakening being” or a “being of enlightenment,” or “one whose essence is wisdom,” or “a being who aspires for enlightenment.” This is the ideal of Mahayana Buddhism. The beginning of the bodhisattva’s career is marked by the dawning of the “mind of awakening” (Bodhi-citta), which is the resolve to become a Buddha in order to benefit others. So, Bodhisattva is considered as a human being with his own karmas at his very birth as all other creatures, but he can be able to get rid of all his inner conflicts, including bad karmas and sufferings, and external crises, including environments, calamities and other dilema, can change this unfortunate situation and can make a peaceful, prosperous and happy world for all to live in together by using his effort and determination in cultivating a realisitc and practical way without depending on external powers. In Mahayana literature, this is commonly followed by a public ceremony of a vow to attain Buddhahood (Pranidhana) in order to benefit other sentient beings. That is to say: “Above to seek bodhi, below to save (transform) beings.” This is one of the great vows of a Bodhisattva. After that point the bodhisattva pursues the goal of Buddhahood by progressively cultivating the six, sometimes ten, “perfections” (Paramita): generosity, ethics, patience, effort, concentration, and wisdom. The two primary qualities in which the Bodhisattva trains are compassion and wisdom, and when the perfections are fully cultivated and compassion and wisdom developed to their highest level, the Bodhisattva becomes a Buddha. The Bodhisattva path is commonly divided into ten levels (Bhumi). The term Bodhisattva is not, however, confined solely to Mahayana Buddhism: in Theravada, Sakyamuni Buddha is referred to as “Bodhisatta” (Bodhisattva) in the past lives described in the Jatakas, during which he is said to have gradually perfected the good qualities of a Buddha. In the Mahayana sense, however, the Bodhisattva concept is an explicit rejection of Nikaya Buddhism’s ideal religious paradigm, the Arhat. In Mahayana the Arhat is characterized as limited and selfish, concerned only with personal salvation, in contrast to the Bodhisattva, who works very hard for all sentient beings. So the term”Bodhisattva” in general, means a “Bodhi being”. It denotes a being who is destined to obtain fullest Enlightenment or Buddhahood. According to the Digha Nikaya, literally, a “Bodhisattva” means one who is an intellectual, or one who is resolved or maintained only to the paths that lead to enlightenment.
Several centuries after the Buddha’s parinirvana, Bodhisattva is one of the most important ideas of Mahayana Buddhists. However, the concept was not a sole creation of the Mahayana. The term “Bodhisattva” had been mentioned in the Pali Canon and it stems from the original Pali Buddhism which is used more or less exclusively to designate Sakyamuni Buddha prior to His Enlightenment. According to Sarvastivada School, “Bodhisattva” is defined as a person who is certain to become a Buddha. He is a person who is born of wisdom and protected and served by the wise. According to the Astasahasrika Prajnaparamita, nothing real is meant by the word “Bodhisattva,” because a Bodhisattva trains himself in non-attachment to all dharmas. For the Bodhisattva, the great being awakes in non-attachment to full enlightenment in the sense that he understands all the dharmas, because he has enlightenment as his aim, an enlightened being. In short, a Bodhisattva is an enlightener of sentient beings. He usually vows to take the enlightenment that he has been certified as having attained and the wisdom that he has uncovered to enlighten all other sentient beings. A Bodhisattva’s job is not easy at all. Though his appearance is not rare as that of a Buddha, but it is extremely difficult for a Bodhisattva to appear, and it is also extremely difficult for ordinary people to encounter a real Bodhisattva.
A Bodhisattva is a Mahasattva as defined in Sanscrit language. ‘Maha’ means ‘great’ and ‘sattva’ means either ‘being’ or ‘courage’. Nagarjuna gives a number of reasons why Bodhisattvas are called ‘great beings’. It is because they achieve a great work, stand at the head of a great many beings, and activate great friendliness and great compassion, save a great number of beings. The Tibetans translate Mahasattvas as ‘great spiritual hero’ and their aspirations are truly on a heroic scale. They desire to discipline all beings everywhere, to serve and honor all the Buddhas everywhere. They want to retain firmly in their minds all the teachings of the Buddhas, to have a detailed knowledge of all the Buddha-fields to comprehend all the assemblies which anywhere gather around a Buddha, to plunge into the thoughts of all beings, to remove their defilements and to fathom their potentialities. In other words, Mahasattva is like Bodhisattva who will be able to eliminate all his bad karmas and sufferings and will show the emancipation way to all beings with all skills by his compassion. A Bodhisattva is the one who benefis himself to help others. A great creature, having a great or noble essence, or being. Mahasattva is a perfect bodhisattva, greater than any other being except a Buddha. Also great being is one with great compassion and energy, who brings salvation to all living beings. In the beginning of the Astasahasrika Prajna paramita, the Buddha explained the meaning of ‘Mahasattva’ (great being) when Subhuti asked about it. The Buddha says that a Bodhisattva is called ‘ a great being’ in the sense that he will demonstrate Dharma so that the great errors should be forsaken, such erronous views as the assumption of a self, a being, a living soul, a person, of becoming, of not becoming, of annihilation, of eternity, of individuality, etc. According to the Saddharmapundarika Sutra, Mahasattvas have good qualities and method of practice paramita and under many hundred thousands of Buddhas had planted the roots of goodness.
In the Theravada Buddhism, a Bodhisattva is a person in the school of the elders who is desirous of acquiring the characteristics of a perfect being, the enlightened one. It appears as such in the Pali Nikayas. The accomplishment of such a state makes him content. But the ideal of Mahayana induces him to greater effort based on dynamic activity to help other beings attain ultimate bliss; before that he does not lay ore to save beings from the state of suffering. Not satisfied with his own mitigation of desire some actions that make him subjected to malice and all kind of craving, he strives up on helping all other beings to overcome their afflictions. While the Buddha reminded Mahamati in the Lankavatara Sutra as follows: “Oh Mahamati, the distinction between the Bodhisattva and the Two Vehicles is emphasized, as the latter are unable to go up further than the sixth stage where they enter into Nirvana. At the seventh stage, the Bodhisattva goes through an altogether new spiritual experience known as anabhogacarya, which may be rendered “a purposeless life.” But, supported by the majestic power of the Buddhas, which enters into the great vows first made by the Bodhisattva as he started in his career, the latter now devises various methods of salvation for the sake of his ignorant and confused fellow-beings. But from the absolute point of view of the ultimate truth in the Lankavatara Sutra, attained by the Bodhisattva, there is no such graded course of spirituality in his life; for here is really no gradation (krama), no continuous ascension (kramanusandhi), but the truth (dharma) alone which is imageless (nirabhasa), and detached altogether from discrimination.
According to the Mahaprajnaparamita sastra, Bodhi means the way of all the Buddhas, and Sattva means the essence and character of the good dharma. Bodhisattvas are those who always have the mind to help every being to cross the stream of birth and death. According to old translation, Bodhisattvas are beings with mind for the truth. According to new translation, Bodhisattvas are conscious beings of or for the great intelligence, or enlightenment. The Bodhisattva seeks supreme enlightenment not for himself alone but for all sentient beings. Bodhisattva is a Mahayanist, whether monk or layman, above is to seek Buddhahood, below is to save sentient beings (he seeks enlightenment to enlighten others). Bodhisattva is one who makes the six paramitas (lục độ) their field of sacrificial saving work and of enlightenment. The objective is salvation of all beings with four infinite characteristics of a bodhisattva are kindness (từ), pity (bi), joy (hỷ), self-sacrifice (xả). A person, either a monk, a nun, a layman or a laywoman, who is in a position to attain Nirvana as a Sravaka or a Pratyekabuddha, but out of great compassion for the world, he or she renounces it and goes on suffering in samsara for the sake of others. He or she perfects himself or herself during an incalculable period of time and finally realizes and becomes a Samyaksambuddha, a fully enlightened Buddha. He or she discovers the Truth and declares it to the world. His or her capacity for service to others is unlimited. Bodhisattva has in him Bodhicitta and the inflexible resolve. There are two aspects of Bodhicitta: Transcendental wisdom (Prajna) and universal love (Karuna). The inflexible resolve means the resolve to save all sentient beings. According to the Mahayana schools, the bodhisattvas are beings who deny themselves final Nirvana until, accomplishing their vows, they have first saved all the living. An enlightened being who, deferring his own full Buddhahood, dedicates himself to helping others attain liberation. Besides, the Bodhisattva regards all beings as himself or herself ought not to eat meat. A Bodhisattva is one who has the essence or potentiality of transcendental wisdom or supreme enlightenment, who is on the way to the attainment of transcendental wisdom. He is a potential Buddha. In his self-mastery, wisdom, and compassion, a Bodhisattva represents a high stage of Buddhahood, but he is not yet a supremely enlightened, fully perfect Buddha. His career lasts for aeons of births in each of which he prepares himself for final Buddhahood by the practice of the six perfections (paramitas) and the stages of moral and spiritual discipline (dasabhumi) and lives a life of heroic struggle and unremitting self-sacrifice for the good of all sentient beings. Bodhisattva is an enlightening being who, defering his own full Buddhahood, dedicates himself to helping others attain liberation. In his self-mastery, wisdom, and compassion a Bodhisattva represents a high stage of Buddhahood, but he is not yet a supreme enlightened, fully perfected Buddha.
According to the Vimalakirti Sutra, the Buddha told Maitreya, “You should know that there are two categories of Bodhisattvas: those who prefer proud words and a racy style, and those who are not afraid (of digging out) the profound meanings which they can penetrate. Fondness of proud words and a racy style denotes the superficiality of a newly initiated Bodhisattva; but he who, after hearing about the freedom from infection and bondage as taught in profound sutras, is not afraid of their deep meanings which he strives to master, thereby developing a pure mind to receive, keep, read, recite and practise (the Dharma) as preached is a Bodhisattva who has trained for a long time. Maitreya, there are two classes of newly initiated Bodhisattvas who cannot understand very deep Dharmas: those who have not heard about profound sutras and who, giving way to fear and suspicion, cannot keep them but indulge in slandering them, saying: ‘I have never heard about them; where do they come from?’, and those who refuse to call on, respect and make offerings to the preachers of profound sutras or who find fault with the latter; these are two classes of newly initiated Bodhisattvas who cannot control their minds when hearing the deep Dharma, thereby harming themselves. Maitreya, further, there are two categories of Boshisattvas who harm themselves and fail to realize the patient endurance of the uncreate in spite of their belief and understanding of the deep Dharma: they are (firstly) those who belittle newly initiated Boshisattva and do not teach and guide them; and (secondly) those who, despite their faith in the deep Dharma, still give rise to discrimination between form and formlessness.” After hearing the Buddha expound the Dharma, Maitreya said: “World Honoured One, I have not heard all this before. As you have said, I shall keep from these evils and uphold the Dharma of supreme enlightenment which the Tathagata has collected during countless aeons. In future, if there are virtuous men and women who seek for Mahayana, I shall see to it that this sutra will be placed in their hands, and shall use transcendental power to make them remember it so that they can receive, keep, read, recite and proclaim it widely.
III. A Contradictory of Wisdom and Compassion:
A Bodhisattva is a being compounded of the two contradictory forces of wisdom and compassion. In his wisdom, he sees no persons; in his compassion he is resolved to save them. His ability to combine these contradictory attitudes is the source of his greatness, and of his ability to save himself and others. What a man should do is to make no discrimination between himself and others, and to wait until he had helped everybody into Nirvana before losing himself into it. The Mahayanists thus claimed that the Arhat had not aimed high enough. The ideal man, the aim of the Buddhist effort, was, according to them, not the rather self-centered, cold and narrow-minded Arhat, but the all-compassionate Bodhisattva, who abandoned the world, but not the beings in it. Whereas in Theravada tradition, wisdom had been taught as the highest, and compassion as a subsidiary virtue; in Mahayana, compassion now came to rank as equal with wisdom. While the wisdom of the Arhat had been fruitful in setting free in himself what there was to be set free, it was rather sterile in ways and means of helping ordinary people. In Mahayana Buddhism, the Bodhisattva would be a man who does not only set himself free, but who is also skilful in devising means for bringing out and maturing the latent seeds of enlightenment in others. According to the Prajnaparamita Sutra, “Doers of what is hard are the Bodhisattvas, the great beings who have set out to win supreme enlightenment, but they do not wish to attain their own private Nirvana. On the contrary, they have surveyed the highly painful world of being, and yet, desirous to win supreme enlightenment, they do not tremble at birth-and-death. They have set out for the benefit of the world, for the ease of the world, out of pity for the world. They have resolved: ‘We will become a shelter for the world, a refuge for the world, the world’s place of rest, the final relief of the world, islands of the world, leaders of the world, the world’s means of salvation.’”
IV. Should Bodhisattvas Be Considered As Heavenly Gods?:
Heavenly beings are believed to inhabit the heavens above the human realm, but are still unenlightened and still bound to Samsara (luân hồi) and subject to birth and death. Celestial beings or gods, one of the three good modes of existence as a reward for their previous good deeds. Devas allotted a very long, happy life in the Deva although they are still subject to the cycle of rebirth. However, this happiness may constitute a substantial hindrance on their path to liberation for they cannot recognize the truth of suffering. Gods are beings that inhabit the highest of the six destinies (gati) within cyclic existence (samsara). Although Buddhism denies the existence of an almighty god, but there are a number of mentioned gods in Buddhist literature. According to Buddhism, gods are living beings who can only enjoy various kinds of pleasure to satisfy their senses brought back as the result of effort and cultivation of their past lives. Their pleasure is considered to be better than human’s and other suffering realms, but they are not aware of the law of impermanence or the inevitable end of such temporary bliss, then after that they will fall down to the suffering worlds of human, asura, hungry ghost, animal or even hell. In Buddhism, this happiness may constitute a substantial hindrance on their path to liberation for they cannot recognize the truth of suffering, and after their good karma is exhausted, they will be reborn in one of the lower realms and experience suffering. Therefore, in Buddhism, gods are not objects of prayers or religious cultivation, and they have no important role in Buddhism.
Bodhisattvas should never be considered as heavenly gods or devas, or permanent entities for worship. Buddhists should always remember that the Idea of Bodhisattva is only a symbolic method of Buddha-dhamra created by intellectual patriarchs after the Buddha’s parinirvana only to satisfy the religious need of followers and to adjust Buddhism in some special circumstances. The concept of Bodhisattvahood appears in both Theravada and Mahayana Buddhisms. So the idea of Bodhisattva in Mahayana Buddhism is in no way a strange idea to the Theravada Buddhism. According to the Buddhist canon, both Theravada and Mahayana Buddhisms inherited the idea of Bodhisattva from the oldest oral tradition rather than borrowed from one another. According to E. J. Thomas in a book titled “Buddhism,” no school of Buddhism may be called as the originator of the concept of Bodhisattva, nor any document can be justified which school borrowed the idea from the others. According to Mahayana Buddhism, Bodhisattvas are those who develop Bodhicitta, fulfill the paramitas, to eventually become a Buddha. The development of the Bodhicitta requires that the adept must dedicate himself in his several lives to the services of others, and should not desire his own emancipation unless and until all others have attained it, because seeking one’s own emancipation before that of others would mean that he has not developed the virtue of self-sacrifice to the fullest extent. Also according to Mahayana Buddhism, Bodhisattvas are unnumerable as sand particles in the Ganges. In fact, ontologically speaking, every human being is a Bodhisattva as he or she has the potentiality to become a Buddha in this very life or in lives to come. Thus, according to Mahayana Buddhism, a Bodhisattva can be a monk, a nun, or an ordinary person like we are. As a matter of fact, most of the Bodhisattvas in Buddhist history were laity. This is so because to do the deeds a Bodhisattva ought to do, the Bodhisattva should be in close contact with the people in a community. However, Theravada Buddhism believes that only Gotama Buddha was born as Bodhisattva in his previous existences.
V. Bodhisattvas’ Characteristics:
The Bodhisattva seeks supreme enlightenment not for himself alone but for all sentient beings. A Bodhisattva is a Mahayanist, whether monk or layman, above is to seek Buddhahood, below is to save sentient beings (he seeks enlightenment to enlighten others). Bodhisattva is the person who makes the six paramitas (lục độ) their field of sacrificial saving work and of enlightenment. The objective is salvation of all beings. Four infinite characteristics of a bodhisattva are kindness (từ), pity (bi), joy (hỷ), self-sacrifice (xả). Bodhisattva is a person, either a monk, a nun, a layman or a laywoman, who is in a position to attain Nirvana as a Sravaka or a Pratyekabuddha, but out of great compassion for the world, he or she renounces it and goes on suffering in samsara for the sake of others. He or she perfects himself or herself during an incalculable period of time and finally realizes and becomes a Samyaksambuddha, a fully enlightened Buddha. He or she discovers the Truth and declares it to the world. His or her capacity for service to others is unlimited. Bodhisattva has in him Bodhicitta and the inflexible resolve. There are two aspects of Bodhicitta: Transcendental wisdom (Prajna) and universal love (Karuna). The inflexible resolve means the resolve to save all sentient beings. Bodhisattvas have the following characteristics:
First, Bodhisattvas Always Have Three Main Characteristics: First, Bodhisattvas who hope to be reborn to help sentient beings must retain the seed of existence. According to the Vijnaptimatratasiddhi Sastra, a Bodhisttva retains the obstacle of defilement to sustain his vow to be reborn into the samsara world. However, he is reborn, fully mindful and conscious of whatever place where he chooses to be reborn. In fact, he is not contaminated by the defilements owing to the fact that he has stayed with the view of pratityasanutpada for a long time, there is the “guarding of defilements”. Second, a Bodhisattva always has the “Four Immeasurable Minds” known as maitri, karuna, mudita and upeksa, which are not to be viewed in discreteness or in isolation. Maitri is the center of the others, and the remaining three are its corelation. Maitri is the basis of Karuna. It stands for love, respect and care for all lives. It is concreteness of loving kindness based on the feeling that just as our life is precious to us, so also is the life of others. Mudita is altrustic sympathetic joy. It is happiness in the happiness of all. It is a consequence of Karuna. Upeksa is the prerequisite of Karuna. It stands for compassion to all beings. It also means equanimity of mind apart from partiality. Third, on the Bodhisattva’s Path, with the development of Bodhicitta, Bodhisattvas always practice the paramitas. In other words, the Path from sentient beings to Bodhisattvas and the realization of complete fulfillment of Enlightenment, Bodhisattvas must always try to practice all the paramitas.
Second, Bodhisattvas Still Have Ten Characteristics: First, Bodhisattvas’ keeping the seed of existence as a course for Bodhisattva’s future compassionate activities. They must retain the seed of existence all hope to be reborn in the samsara to help people in this world. According to the Vijnaptimatrasiddhi-sastra, Nagarjuna emphasized: “A Bodhisattva retains the obstacle of defilement to sustain his vow to be reborn into Samsara.” Therefore, a Bodhisattva is reborn, fully mindful and conscious of whatever place where he chooses to be reborn. Because he is not contaminated by the defilements owing to the fact that he has stayed with the view of causation (Pratityasamutpada) for a long time, there is a ‘guarding of defilement.’ Second, a Bodhisattva always has the “Four Immeasurable Minds” known as maitri, karuna, mudita and upeksa, which are not to be viewed in discreteness or in isolation. Maitri is the center of the others, and the remaining three are its corelation. Maitri is the basis of Karuna. It stands for love, respect and care for all lives. It is concreteness of loving kindness based on the feeling that just as our life is precious to us, so also is the life of others. Mudita is altrustic sympathetic joy. It is happiness in the happiness of all. It is a consequence of Karuna. Upeksa is the prerequisite of Karuna. It stands for compassion to all beings. It also means equanimity of mind apart from partiality. Third, Bodhisattvas have irreversible qualities. A Bodhisattva seeks after the Enlightenment in Mahayana way and no other. For with the Great Vehicle, practitioners need a heart full of faith because the Buddha-dharma is as vast as the sea and can be entered only by means of faith. Faith is the mother of all merit and virtue of a Bodhisattva’s cultivation. Therefore, belief in the Great Dharma is one of the characteristics of Mahasattvas. Great Bodhisattvas believe in all the great dharma. Fourth, Bodhisattvas have irreversibility of thought. Bodhisattvas are ever mindful in their practice of the Bodhisattva way, in the practice of the six perfections and thousands of conducts. Fifth, Bodhisattvas always have irreversibility of Practice. Bodhisattvas only go forward, they do not retreat. They also should be known by the attributes, tokens and signs of a Bodhisattva who is irreversible from Full Enlightenment. Sixth, Bodhisattvas always have irreversibility of Dharma Wheel. Bodhisattvas turn the wheel of dharma to teach and convert living beings. Therefore, once there exist Bodhisattvas, the Dharma Wheel forever turns in the Samsara. Seventh, Bodhisattvas always nurture deep and great roots of goodness. For many lives and throughout many kalpas, they have set down and nurtured roots of goodness which are extremely deep. Good roots are called “roots of virtue” and they are the basis of the way of virtue. They have sent down the roots of the virtuous nature. The roots which are limitless and boundless. Eighth, Bodhisattvas always possess great wisdom. The wisdom came as a result of having brought forth the great bodhi-heart. Bringing forth the great bodhi-heart, the resolve to take across all living beings and they are not attached to the mark of having made them crossed over. Ninth, Bodhisattvas always understand the great principle of Buddha-nature in all living beings. All living beings basically have Buddha-nature and can become Buddha. This is the great principle of the identity of all beings in principle with the Buddha. In principle, every one of us is a Buddha. The conducts of Bodhisattva Never Disparaging is one typical example. His particular merit is that he respects every one. He spends his life wandering round the earth, approaching all kinds of people, whether he knew them or not to bow to them, he always says: “I would never dare disparage you, because you are all certain to attain Buddhahood.” He never feels bad when people abuse or insult him because of his statement. But he continues unperturbed because he considers that all these people observe the course of duty of Bodhisattvas and are to become Buddhas. Tenth, Bodhisattvas always cultivate great conducts. Besides practicing the six or ten paramitas, Bodhisattvas also cultivate the four all- embracing virtues of Bodhisattvas.
Third, Bodhisattvas Have Ten Other Basic Characteristics: First, a Bodhisattva does not detest anything in whatever world he may enter, for he knows (praijna) that all things are like reflected images. Second, a Bodhisattva are not defiled in whatever path he may walk, for he knows that all is a transformation. Third, he feels no fatigue whatever in his endeavor to mature all beings, for he knows that there is nothing to be designated as an ego-soul. Fourth, he is never tired of receiving all beings, for he is essentially love and compassion. Fifth, he has not fear in going through all kalpas, for he understands (adhimukta) that birth-and-death and all the skandhas are like a vision. Sixth, he does not destroy any path of existence, for he knows that all the Dhatus and Ayatanas are the Dharmadhatu. Seventh, he has no perverted view of the paths, for he knows that all thoughts are like a mirage. Eighth, he is not defiled even when he is in the realm of evil beings, for he knows that all bodies are mere appearances. Ninth, he is never enticed by any of the evil passions, for he has become a perfect master over things revealed. Tenth, he goes anywhere with perfect freedom, for he had full control over all appearances.
Fourth, Bodhisattvas Are Said to Have Issued From the Life and Vows of Samantabhadra Bodhisattva, and Have Ten Outstanding Qualifications: First, they are unattached in their conduct because they are able to expand themselves in all the Buddha-lands. Second, they manifest innumerable bodies because they can go over wherever there are Buddhas. Third, they are in possession of an unimpeded and unspoiled eyesight because they can perceive the miraculous transformations of all the Buddhas. Fourth, they are able to visit anywhere without being bound to any one locality because they never neglect appearing in all places where the Buddhas attain to their enlightenment. Fifth, they are in possession of a limitless light because they can illumine the ocean of all the Buddha-truths with the light of their knowledge. Sixth, they have an inexhaustible power of eloquence through eternity because their speech has no taint. Seventh, they abide in the highest wisdom which knows no limits like space because their conduct is pure and free from taints. Eighth, they have no fixed abode because they reveal themselves personally in accordance with the thoughts and desires of all beings. Ninth, they are free from obscurities because they know that there are rally no beings, no soul-substances in the world of being. Tenth, they are in possession of transcendental knowledge which is as vast as space because they illumine all the Dharmadhatus with their nets of light.
Fifth, Great Bodhisattvas' Twenty-Six Very Special Characteristics: In the Gandavyuha Assembly, these Bodhisattvas also have twenty six characteristics: First, they know that all dharmas are like Maya. Second, they know that all Buddhas are like shadows. Third, they know that all existence with its rise and fall is like a dream. Fourth, they know that all forms of karma are like images in a mirror. Fifth, they know that the rising of all things is like fata-morgana. Sixth, they know that the worlds are mere transformations. Seventh, they are all endowed with the ten powers. Eighth, they are all endowed with knowledge. Ninth, they are all endowed with dignity. Tenth, they are all endowed with faith of the Tathagata, which enable them to roar like lions. Eleventh, they have deeply delved into the ocean of inexhaustible eloquence. Twelfth, they all have acquired the knowledge of how to explain the truths for all beings. Thirteenth, they are complete masters of their conduct so that they move about in the world as freely as in space. Fourteenth, they are in possession of all the miraculous powers belonging to a Bodhisattva. Fifteenth, their strength and energy will crush the army of Mara. Sixteenth, their knowledge power penetrates into the past, present, and future. Seventeenth, they know that all things are like space, they practice non-resistance, and are not attached to them. Eighteenth, though they work indefatigably for others, thay know that when things are observed from the point of view of all-knowledge, nobody knows whence they come. Nineteenth, though they recognize an objective world, they know that its existence is something unobtainable. Twentieth, they enter into all the worlds by means of incorruptible knowledge. Twenty-first, they are born in all the worlds, take all forms. Twenty-second, in all the worlds they reveal themselves with the utmost freedom. Twenty-third, they transform a small area into an extended tract of land, and the latter again into a small area. Twenty-fourth, all the Buddhas are revealed in one single moment of their thought. Twenty-fifth, the powers of all the Buddhas are added on to them. Twenty-sixth, they survey the entire universe in one glance and are not all confused; and they are able to visit all the worlds in one moment.
Sixth, Ten Characters of Bodhicitta in the Career of a Bodhisattva: Evidently Maitreya exhausted his power of speech in order to extol the importance of the Bodhicitta in the career of a Bodhisattva, for without this being dully impressed on the mind of the young Buddhist pilgrim Sudhana, he could not have been led into the interior of the Tower of Vairocana. The Tower harbors all the secrets that belong to the spiritual life of the highest Buddhist. If the novice were not quite fully prepared for the initiation, the secrets would have no signification whatever. They may even be grossly misunderstood, and the result will be calamitous indeed. For this reason, Maitreya left not a stone unturned to show Sudhana what the Bodhicitta really meant. There are ten characteristics of the Bodhicitta (Essays in Zen Zen Buddhism, vol. III): First, The Bodhicitta rises from a great compassionate heart: Without the compassionate heart there will be no Buddhism. This emphasis on Mahakaruna is characteristic of the Mahayana. We can say that the whole panorama of its teachings revolves on this pivot. The philosophy of Interpenetration so pictorially depicted in the Avatamsaka Sutra is in fact no more than the outburst of this life-energy. As long as we tarry on the plane of intellection, such Buddhist doctrines as Emptiness (sunyata), Egolessness (anatmya), etc., may sound so abstract and devoid of spiritual force as not to excite anyone to fanatic enthusiasm. Thus main point is to remember that all the Buddhist teachings are the outcome of a warm heart cherished towards all sentient beings and not of a cold intellect which tries to unveil the secrets of existence by logic. That is to say, Buddhism is personal experience and not impersonal philosophy. Second, the raising of the Bodhicitta is not an event of one day: The raising of the Bodhicitta requires a long preparation, not of one life but of many lives. The Citta will remain dormant in those souls where there is no stock of merit ever accumulated. Moral merit must be stored up in order to germinate later into the great overshadowing tree of the Bodhicitta. The doctrine of karma may not be a very scientific statement of facts, but all Buddhists, Mahayana and Hinayana, believe in its working in the moral realm of our lives. Broadly stated, as long as we are all historical beings we cannot escape the karma that proceded us, whatever this may mean. Whenever there is the notion of time, there is a continuity of karma. When this is admitted, the Bodhicitta could not grow from the soil where no nourishing stock of goodness had ever been secured. Third, Bodhicitta Comes Out of a Stock of Good Merit: If the Bodhicitta comes out of a stock of merit, it cannot fail to be productive of all the good things that belong to the Buddhas and Bodhisattvas and other great beings. At the same time it must also be the great crusher of evils, for nothing can withstand the terrible blow inflicted by the thunderbolt of the Citta-Indra. Fourth, The awakening of the Bodhicitta which takes place in the depths of one’s being, is a great religious event: The intrinsic nobility of the Bodhicitta can never be defamed even when it is found among defilements of every description, whether they belong to knowledge or deeds or passions. The great ocean of transmigration drowns every body that goes into it. Especially the philosophers, who are satisfied with interpretations and not with facts themselves, are utterly unable to extricate themselves from the bondage of birth and death, because they never cut asunder the invisible tie of karma and knowledge that securely keeps them down to the earth of dualities because of their intellectualism. Fifth, Bodhicitta is beyond the assault of Mara the Evil One: In Buddhism, Mara represents the principle of dualism. It is he who is always looking for his chance to throw himself against the solid stronghold of Prajna and Karuna. Before the awakening of the Bodhicitta the soul is inclined towards the dualism of being and non-being, and is thus necessarily outside the pale of the sustaining power of all Buddhas, Bodhisattvas, and good friends. The awakening, however, makrs a decisive turning-away from the old line of thought. The Bodhisattva has now an open highway before him, which is well guarded by the moral influence of all his good protectors. He walks on straightway, his footsteps are firm, and the Evil One has no chance to tempt him away from his steady progress towards perfect enlightenment. Sixth, when the Bodhicitta is aroused, the Bodhisattva’s hold on all-knowledge is definite and firm: The Bodhicitta means the awakening of the desire for supreme enlightenment which was attained by the Buddha, enabling him to become the leader of the religious movement known as Buddhism. Supreme enlightenment is no other than all-knowledge, sarvajnata, to which reference is constantly made in all the Mahayana texts. All-knowledge is what constitutes the essence of Buddhahood. It does not mean that the Buddha knows every individual thing, but that he has grasped the fundamental principle of existence and that he has penetrated deep down into the center of his own being. Seventh, the rise of Bodhicitta marks the beginning of the career of a Bodhisattva: Before the rise of the Bodhicitta, the idea of a Bodhisattva was no more than an abstration. We are perhaps all Bodhisattvas, but the notion has not been brought home to our consciousness, the image has not been vivid enough to make us feel and live the fact. The Citta is aroused and the fact becomes a personal event. The Bodhicitta is now quivering with life. The Bodhisattva and the Bodhicitta are inseparable; where the one is there the other is. The Citta indeed is the key that opens all the secret doors of Buddhism. Eighth, The Bodhicitta is the first stage of the Bodhisattva’s life of devotion and vow: In the Avatamsaka Sutra, the chief object of Sudhana’s quest consists in finding out what is the Bodhisattva’s life of devotion and vow. It was through Maitreya that the young Buddhist pilgrim came to realize within himself all that he had been searching for among the various teachers, philosophers, gods, etc. The final confirmation comes from Samantabhadra, but without Maitreya’s instruction in the Bodhicitta and is admision into the Tower of Vairocana, Sudhana could not expect to start really on his career of Bodhisattvahood. The life of devotion and vows which stamps a Buddhist as Mahayanist and not as Hinayanist is impossible without first arousing the Bodhicitta. Ninth, the characteristic of Bodhisattvahood born of the Bodhicitta is that He never know what exhaustion means: The Avatamsaka Sutra describes the Bodhisattva as one who never becomes tired of living a life of devotion in order to benefit all beings spiritually as well as materially. His life lasts till the end of the world spatially and temporarily. If he cannot finish his work in one life or in many lives, he is ready to be reborn a countless number of times when time itself comes to an end. Nor is his field of action confined to this world of ours. As there are innumerable worlds filling up an infinite expanse of space, he will manifest himself there, until he can reach every being that has any value at all to be delivered from ignorance and egotism. Tenth, the notion of Bodhicitta is one of the most important marks which label the Mahayana as distinct from the Hinayana: The exclusiveness of the monastic organization is a death to Buddhism. As long as this system rules, Buddhism limits its usefulness to a specific group of ascetics. Nor is this the last word one can say about the Hinayana; the weightiest objection is that it stops the growth of the spiritual germ nursed in the depths of every sentient being, which consists in the arousing of the Bodhicitta. The Citta has its desire never to be nipped by the cold frost of intellectual enlightenment. This desire is too deep-seated, and the enlightenment itself must yield to its dictates. The Bodhisattva’s untiring activities are the outcome of this desire, and this is what keeps the spirit of the Mahayana very much alive.
Seventh, Ten Bodhisattvas’ Excellent Deeds in the Saha World: According to the Vimalakirti, Chapter Tenth, Vimalakirti said: “As you have said, the Bodhisattvas of this world have strong compassion and their lifelong works of salvation for all living beings surpass those done in other pure lands during hundreds and thousands of aeons. Why? Because they achieved ten excellent deeds which are not required in other pure lands: First, charity (dana) to succour the poor. Second, precept-keeping (sila) to help those who have broken the commandments. Third, patient endurance (ksanti) to subdue their anger. Fourth, zeal and devotion (virya) to cure their remissness. Fifth, serenity (dhyana) to stop their confused thoughts. Sixth, wisdom (prajna) to wipe out ignorance. Seventh, putting an end to the eight distressful conditions for those suffering from them. Eighth, teaching Mahayana to those who cling to Hinayana. Ninth, cultivation of good roots for those in want of merits. Tenth, the four Bodhisattva winning devices for the purpose of leading all living beings to their goals (in Bodhisattva development).”
Eighth, Ten Bodhisattvas' Non-Seeking Practices: First, we should not wish (yearn) that our bodies be always free of diseases, because a disease-free body is prone to desire and lust (because with a disease-free body, one tends to be tempted with desire and lust). This will lead to precept-breaking and retrogression. Second, we should not wish that our lives be free of all misfortune, adversity, or accident because without them, we will be easily prone to pride and arrogance. This will lead us to be disdainful and overbearing towards everyone else. If people’s lives are perfect, everything is just as they always dreamed, without encountering heartaches, worries, afflictions, or any pains and sufferings, then this can easily give way to conceit, arrogance, etc.; thus, becoming the breeding ground for countless transgressions and offenses. Sincere Buddhists should always use misfortunes as the opportunity to awaken from being mesmerized by success, fame, fortune, wealth, etc. and realize the Buddha’s teachings are true and accurate, and then use this realization to develop a cultivated mind seeking enlightenment. Third, we should not wish that our mind cultivation be free of all obstacles because without obstacles, we would not have opportunities to excell our mind. This will lead to the transgression of thinking that we have awakened, when in fact we have not. Fourth, we should not wish that our cultivation be free of demonic obstacles, because our vows would not be then firm and enduring. This leads to the transgression of thinking that we have attained, when in fact we have not. Fifth, we should not wish that our plans and activities meet with easy success, for we will then be inclined to thoughts of contempt and disrespect. This leads to the transgression of pride and conceit, thinking ourselves to be filled with virtues and talent. Sixth, we should not wish for gain in our social relations. This will lead us to violate moral principles and see only mistakes of others. Seventh, we should not wish that everyone, at all times, be on good terms and in harmony with us. This leads to pride and conceit and seeing only our own side of every issue. Eighth, we should not wish to be repaid for our good deeds, lest we develop a calculating mind. This leads to greed for fame and fortune. Ninth, we should not wish to share in opportunities for profit, lest the mind of illusion arise. This leads us to lose our good name and reputation for the sake of unwholesome gain. Tenth, when subject to injustice and wrong, we should not necessarily seek the ability to refute and rebut, as doing so indicates that the mind of self-and-others has not been severed. This will certainly lead to more resentment and hatred. Thus, the Buddha advised all of us to consider: Turn suffering and disease into good medicine (consider diseases and sufferings as miraculous medicine). Turn misfortune and calamity into liberation (take misfortune and adversity as means of liberation). Turn obstacles or high stakes into freedom and ease (take obstacles as enjoyable ways to cultivate ourselves). Turn demons or haunting spirits into Dharma friends (take demonic obstacles as our good spiritual advisors). Turn trying events into peace and joy (consider difficulties as our joy of gaining experiences or life enjoyments). Turn bad friends into helpful associates (treat ungrateful people as our helpful aids). Turn opponents into “fields of flowers” (consider opponents as our good relationships). Treat ingratitude as worn-out shoes to be discarded (consider merits or services to others as ragged slippers). Turn frugality into power and wealth (take frugality as our honor). Turn injustice and wrong into conditions for progress along the Way (consider injustice or false accusations as our virtuous gate to enlightenment).
Ninth, Bodhisattvas' Ten Real Native Countries: According to Zen Master D.T. Suzuki in Essays in Zen Buddhism, Bodhisattvas have ten real native countries: First, wherever thee is awakening of the Bodhicitta there is the Bodhisattva’s native land, because it belongs to the Bodhisattva-family. Second, wherever there is deep-heartedness, there is the Bodhisattva’s native land, because it is where the family of good friends rises. Third, wherever there is the experience of the Bhumis, there is the Bodhisattva’s native land, because it is where all the Paramitas grow. Fourth, wherever the great vows are made, there is the Bodhisattva’s native land, because it is where deeds of devotion are carried on. Fifth, wherever there is a great all-embracing love, there is the Bodhisattva’s native land, because it is where the four ways of acceptance developed. Sixth, wherever there is the right way of viewing things, there is the Bodhisattva’s native land, because it is where transcendental knowledge takes its rise. Seventh, wherever the Mahayana thrives well, there is the Bodhisattva’s native land, because it is where all the skilful means unfold. Eighth, wherever there is the training of all beings, there is the Bodhisattva’s native land, because it is where the Buddhas are born. Ninth, wherever there are means born of transcendental knowledge, there is the Bodhisatva’s native land, because it is where the recognition obtains that all things are unborn. Tenth, wherever there is the practicing of all the Buddha-teachings, there is the Bodhisattva’s native land, because it is where all the Buddhas of past, present, and future are born.
Tenth, On the Path of Cultivation, Bodhisattvas Have Twenty Parents and Relatives: According to Zen Master D.T. Suzuki in Essays in Zen Buddhism, Book III, Bodhisattvas have twenty parents and relatives: First, prajna (wisdom) is his mother. Second, upaya (skilful means) is his father. Third, dana (charity) is his wet nurse. Fourth, sila (morality) is his supporter. Fifth, ksanti (patience) is his decoration. Sixth, virya (strenuousness or energy) is his nurse. Seventh, dhyana (meditation) is his cleaner. Eighth, good friends are his instructors. Ninth, all factors of enlightenment are his companions. Tenth, all Bodhisattvas are his brothers. Eleventh, the Bodhicitta is his home. Twelfth, to conduct himself in accordance with the truth is his family manners. Thirteenth, the Bhumis are his residence. Fourteenth, the Kshantis are his family members. Fifteenth, the vows are his family motto. Sixteenth, to promote deeds of devotion is his family legacy. Seventeenth, to make others accept Mahayana is his family business. Eighteenth, to be anointed after being bound for one more birth is his destiny as crown prince in the kingdom of Dharma. Nineteenth, paramitas are the Prajna Boat which conveys him to another shore of Enlightenment. Twentieth, to arrive at the full knowledge of Tathagatahood forms the foundation of his pure family relationship.
VI. Great Bodhisattvas' Cultivations:
An Overview of Cultivation in Buddhism: In Buddhist cultivation, it is traditional for Buddhists to honour the Buddha, to respect the Sangha and to pay homage the religious objects of veneration such as the relics of the Buddha, Buddha images, monastery, pagoda, and personal articles used by the Buddha. However, Buddhists should try to cultivate and attain a self-realization, and never pray to idols. To lead a religious life or cultivation in Buddhism is to put the Buddha’s teachings into practice on a continued and regular basis. Cultivation in Buddhism also means to nourish the seeds of Bodhi by practicing and developing precepts, dhyana, and wisdom. Thus, cultivation in Buddhism is not soly practicing Buddha recitation or sitting meditation, it also includes cultivation of six paramitas, ten paramitas, thirty-seven aids to Enlightenment, etc. For Buddhists, to cultivate earnestly we cannot look down on ourselves and not to exert enough efforts. According to the Platform Sutra of the Sixth Patriarch’s Dharma Treasure, the Sixth Patriarch, Hui-Neng, taught: Good Knowing Advisors, one who cultivates non-movement does not notice whether other people are right or wrong, good or bad, or whether they have other faults. That is the non-movement of the self-nature. Good Knowing Advisors, although the body of the confused person may not move, as soon as he opens his mouth he speaks of what is right and wrong about others, of their good points and shortcomings and so, he turns his back on the way. Attachment to the mind and attachment to purity are obstructions to the Way.” According to Buddhism, our fate depends entirely on our deeds; in other words, we are the architects of our karma. Cultivating in accordance with the Buddha’s Teachings means we change the karma of ourselves; changing our karmas by not only giving up our bad actions or misdeeds, but also forgiving offences directed against us by others. We cannot blame anyone else for our miseries and misfortunes. We have to face life as it is and not run away from it, because there is no place on earth to hide from karma. Performing good deeds is indispensable for our own happiness; there is no need of imploring favors from deities or simply showing repentance. Changing karma also means remembrance of karma and using wisdom to distinguish virtue from evil and freedom from constraint so that we are able to avoid evil deeds, to do meritorious deeds, or not to create any deeds at all. Changing karma also means to purify our minds rather than praying, performing rites, or torturing our bodies. Changing karma also means to change your narrow-minded heart into a heart full of love and compassion and accomplish the four boundless hearts, especially the hearts of loving-kindness and compassion. True Buddhists should always remember that sooner or later everyone has to die once. After death, what can we bring with us? We cannot bring with us any worldly possessions; only our bad or good karma will follow us like a shadow of our own.
Great Bodhisattvas' Cultivations: According to Buddhism, it is not only ordinary people cannot escape cause and effect, even the Bodhisattvas cannot avoid them. However, Bodhisattvas are enlightening beings who have far-ranging vision. In cultivation, they always know bad causes will surely end up in bad results. Thus, Bodhisattvas are afraid of bad consequences in the future, not only they avoid planting evil-causes or evil karma in the present, but they also diligently cultivate to gradually diminish their karmic obstructions; at the same time to accumulate their virtues and merits, and ultimately to attain Buddhahood. However, sentient beings complete constantly to gather evil-causes; therefore, they must suffer evil effect. When ending the effect of their actions, they are not remorseful or willing to repent. Not only do they blame Heaven and other people, but they continue to create more evil karma in opposition and retaliation. Therefore, enemies and vengeance will continue to exist forever in this vicious cycle. Sincere Buddhists should always remember that by planting more good causes, we will surely reap good consequences in the future. In the contrary, if we only see the present, and engage in immoral practices by not planting good roots and accumulating merits and virtues, we will surely bear bad consequences, without any exception. Practitioners should always remember that in any undertaking, the most difficult part is right at the start, but a thousand-mile journey begins with just one first step. So, we should start our cultivation right at this very time, this very moment, and not wait for any time in the future because the time is not waiting for anyone! Great Enlightening Beings have many ways of cultivation; however, in the limitation of this little book, we can only mention some typical ones. According to the Flower Adornment Sutra, there are ten kinds of cultivation of Great Enlightening Beings: Enlightening beings who abide by these can achieve the supreme cultivation and practice all truths. These ten methods of cultivation include cultivation of the ways of transcendence, learning, wisdom, purpose, righteousness, emancipation, manifestation, diligence, accomplishment of true awakening, and operation of right teaching. Besides, according to the Flower Adornment Sutra, Chapter 21, there are ten kinds of practices, which are expounded by the Buddhas of past, present and future: They are the practice of giving joy, beneficial practice, practice of nonopposition, practice of indomitability, practice of nonconfusion, practice of good manifestation, practice of nonattachment, practice of that which is difficult to attain, practice of good teachings, and practice of truth. According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten ways of getting rid of demons’ actions of Great Enlightening Beings. Enlightening Beings Who Abide by These Can Escape All Demonic Ways: First, associating with the wise and honoring and serving them. Second, not elevating themselves or praising themselves. Third, believing in the profound teaching of Buddha without repudiating it. Fourth, never ever forgetting the determination for omniscience. Fifth, diligently cultivating refined practices, never being lax. Sixth, always seeking all the teachings for enlightening beings. Seventh, always expounding the truth tirelessly. The eighth way of getting rid of demons’ actions includes taking refuge with all the Buddhas in the ten directions and thinking of them as saviors and protectors. Ninth, faithfully accepting and remembering the support of the spiritual power of the Buddhas. Tenth, equally planting the same roots of goodness with all enlightening beings. Furthermore, according to the Buddha in The Flower Adornment Sutra, Chapter 38, Great Enlightening Beings Have Ten Kinds of Practice Which Help Them Attain the Practice of the Unexcelled Knowledge and Wisdom of Buddhas: First, the practice dealing with all sentient beings, to develop them all to maturity. Second, the practice seeking all truths, to learn them all. Third, the practice of all roots of goodness, to cause them all to grow. Fourth, the practice of all concentration, to be single-minded, without distraction. Fifth, the practice of all knowledge, to know everything. Sixth, the practice of all cultivations, to be able to cultivate them all. Seventh, the practice dealing with all Buddha-lands, to adorn them all. Eighth, the practice dealing with all good companions, respecting and supporting them. Ninth, the practice dealing with all Buddhas, honoring and serving them. Tenth, the practice all supernatural powers, to be able to transform anywhere, anytime to help sentient beings. Also According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, There Are Ten Kinds of Rules of Behavior of Great Enlightening Beings: Enlightening beings who abide by these can attain the supreme discipline of great knowledge. First, Bodhisattvas should not slander any enlightening teachings. Second, Bodhisattvas’ faith in the Buddhas should be indestructible. Third, Bodhisattvas should honor and respect all enlightening beings. Fourth, Bodhisattvas should never give up their friendship with wise people. Fifth, Bodhisattvas should not think of those who seek individual salvation. Sixth, Bodhisattvas should avoid all regression on the path of enlightening beings. Seventh, Bodhisattvas should not give rise to any malice toward sentient beings. Eighth, Bodhisattvas should cultivate all roots of goodness to perfection. Ninth, Bodhisattvas should be able to conquer all demons. Tenth, Bodhisattvas should fulfill all the ways of transcendence. Also according to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten norms of practice of Great Enlightening Beings. Enlightening Beings Who Abide by These Can Attain the Buddhas’ Supreme Method of Practice: First, honoring the wise. Second, always being alerted by the celestial spirits. Third, always having shame and conscience before the Buddhas. The fourth norm of practice includes having pity for sentient beings and not abandoning birth and death. Fifth, carrying tasks through consummation without change of mind. The sixth norm of practice includes single-mindedly following the enlightening beings, aspiring to universal enlightenment, and diligently learning. The seventh norm of practice includes getting rid of wrong views and earnestly seeking the right Path. Eighth, destroying demons and the actions of afflictions. The ninth norm of practice includes knowing the different faculties and temperaments of sentient beings and teaching them and enable them to live in the state of Buddhahood. The tenth norm of practice includes abiding in the infinitely vast cosmos of reality and removing the afflictions and purifying the body.
VII.Bodhisattva Path:
Bodhisattva path, or the way or discipline of the bodhisattvas. These are stages Bodhisattvas go through to reach enlightenment. On this path, Bodhisattvas practice to benefit self and benefit others, in order to lead to Buddhahood. In other words, Bodhisattvas practice above to seek bodhi, and below to transform all beings. First, Ten Kinds of Path of Great Enlightening Beings: Bodhisattva way is one of the five ways which teaches the observance of the six paramitas the perfecting of the self and the benefits of others. The objective is the salvation of all beings and attaining of Buddhahood. The aim of Bodhisattvas is the attainment of Supreme Buddhahood. Therefore, Bodhsattva Way is also called the Buddha-Way or Tathagata-Way. This is the way in which practitioners seek “to benefit self and benefit others, leading to Buddhahood,” or “Above to seek bodhi, below to transform all beings”. According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten kinds of path of Great Enlightening Beings. Enlightening Beings who abide by these ten paths can attain the path of unexcelled skill in means of all Buddhas. One Path is a Path of Enlightening Beings because they do not give up the sole determination for enlightenment. Two Paths are a Path of Enlightening Beings because they develop wisdom and skill in means. Three Paths are a Path of Enlightening Beings because they practice the following dharmas: emptiness, signlessness, wishlessness, and not being attached to the three worlds. Four Practices are a Path of Enlightening Beings include ceaselessly removing the barriers of wrongdoing by repentance; ceaselessly rejoicing in virtue; ceaselessly honoring the enlightened and request them to teach; and skillfully practicing dedication ceaselessly. The Five Faculties are a Path of Enlightening Beings: they rest on pure faith, steadfast and imperturbable (bất động); they generate great energy, finishing their tasks; they are single-minded in right collection, without wandering attention; they know the techniques for entering and emerging from concentration; and they are able to distinguish spheres of knowledge. The Six Psychic Powers are a Path of Enlightening Beings: with celestial eye they see all forms in all worlds and know where sentient beings die and are born; with the celestial ear they hear all Buddhas teaching, absorb and remember their teachings, and expound them widely to sentient beings according to their faculties; with telepathic knowledge they are able to know the minds of others freely, without interference; with recollection of past life they are able to remember all ages of the past and increase roots of goodness; with the power of psychic travel they are able to appear variously to beings capable of being enlightened, to induce them to delight in truth; and with knowledge of extinction of contamination they actually realize the ultimate truth, while carrying out the deeds of enlightening beings without ceases. Seven Remembrances are a Path of Enlightening Beings: They remember Buddhas because they see infinite Buddhas in a single pore opening the minds of all sentient beings. They remember the Teaching because they do not leave the assemblies of all Buddhas. They personally receive the sublime Teachings in the asemblies of all Buddhas and expounded to sentient beings according to their faculties, temperaments and inclinations, to enlighten them. They remember the harmonious Community because they continually see enlightening beings in all worlds. They remember relinquishment because they know all enlightening beings’ practices of relinquishment increase magnanimous generosity. They remember precepts because they do not give up the aspiration for enlightenment, and dedicate all roots of goodness to sentient beings. They remember heaven because they always keep in mind the enlightening beings in the heaven of happiness who are to become Buddhas in the next lifetime. They remember sentient beings because they teach and tame them with wisdom and skill in means, reaching them all, without interruption. Following the Holy Eightfold Path to Enlightenment is a Path of Great Enlightening Beings: They travel the path of right insight, getting rid of all false views. They exercise right thought, abandoning arbitrary conceptions, their minds always follow universal knowledge. They always practice right speech, getting rid of faults of speech and following the words of sages. They always cultivate right action, teaching sentient beings to make them peaceful and harmonious. They abide by right livelihood, being frugal and content, careful and correct in behavior, eating, dressing, sleeping, eliminating evil, and practicing good, all in accord with enlightenment, forever getting rid of all faults. They arouse right energy, diligently cultivating all difficult practices of enlightening beings, entering the ten powers of Buddhas without hindrances. Great Enlightening Beings' minds always recollect correctly, able to remember all messages, eliminating all mundane distraction. Their minds are always correctly concentrated, they enter the door of inconceivable liberation of enlightening beings, and in one concentration they produce all concentrations. Entering the Nine Successive Concentrations is a Path of Great Enlightening Beings: They detach from craving and ill-will, and expound the truth without inhibition in all they say. They extinguish thought and reflection, yet teach sentient beings with the thought and reflection of omniscience. They extinguish reflection, yet teach sentient beings with the reflection of omniscience. They give up joy and emotion, yet they are most joyful when they see all Buddhas. They give up worldly enjoyments and follow the transcendent enjoyment of the Path of enlightening beings. They enter concentration in the realm of form, yet without abandoning life in the realm of desire. They are unshakable and enter formless concentration, yet without abandoning life in the realms of desire and form. Though they abide in concentration in which all perceptions are extinguished, they do not stop the activity of enlightening beings. Though they abide in concentration in which all sensations are extinguished, they do not stop the activity of enlightening beings. Learning the Ten Powers is a Path of Great Enlightening Beings: Great Bodhisattvas' knowledge of what is so and what is not so. Great Bodhisattvas' knowledge of the causes and effects, deeds and consequences, past, future, and present, of all sentient beings. Great Bodhisattvas' knowledge of the differences in faculties of all sentient beings and explaining the truth to them as is appropriate. Great Bodhisattvas' knowledge of infinite different natures of sentient beings. Great Bodhisattvas' knowledge of differences in weak, middling, and superior understanding of all sentient beings, and means of introducing them to truth. Great Bodhisattvas' knowledge of manifesting the appearance and conduct of Buddha throughout all worlds, all lands, all times, all ages, without abandoning the pactics of enlightening beings. Great Bodhisattvas' knowledge of all meditations, liberations, and concentrations, whether defiled or pure, timely or not, expediently producing door of liberation for enlightening beings. Great Bodhisattvas' knowledge of distinctions in all sentient beings’s death in one place and birth in another in the various states of existence. Great Bodhisattvas' instantaneous knowledge of all ages in past, present and future. Great Bodhisattvas' knowledge of extinction of all sentient beings’ deisres, compulsions, delusions, and habits, without abandoning the practices of Enlightening Beings.
Second, Ten Paths of Emancipation of Great Enlightening Beings: According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten Paths of Emancipation of Great Enlightening Beings. Enlightening Beings who abide by these will attain qualities of certainty of Enlightening Beings. First, evoking transcendent wisdom, yet always observing all sentient beings. Second, detaching from all views, yet liberating all sentient beings bound by views. Third, not minding any appearances, yet not abandoning sentient beings attached to appearances. Fourth, transcending the triple world, yet always being in all worlds. Fifth, forever leaving afflictions, yet living together with all sentient beings. Sixth, attaining desirelessness, yet always most compassionately pitying all sentient beings attached to desires. Seventh, always enjoying tranquility and serenity, yet always appearing to be in company. Eighth, being free from birth in the world, yet dying in one place and being reborn in another, carrying on the activities of enlightening beings. Ninth, not being affected by any worldly things, yet not stopping work in the world. Tenth, actually realizing full enlightenment, yet not abandoning the vows and practices of Enlightening Beings.
Third, Ten Kinds of Way of Adornment of Great Enlightening Beings: According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten kinds of way of adornment of Great Enlightening Beings. Enlightening Beings who abide by these can attain the supreme way of great adornment of Buddhas, without leaving the Ways of Enlightening Beings. First, without leaving the realm of desire, they enter the meditations, liberations, and trances of the realms of form and formlessness, yet they are not thereby born in those realms. Second, their knowledge appears to enter the path of personally liberated saints, yet they do not take emancipation by this route. Third, their knowledge appears to enter the path of individual illumination, yet they do not cease to generate great compassion. Fourth, though they have human and celestial retinues surrounding them, hundreds and thousands of concubines and troupes of singers and dancers, they never for a moment leave meditation, liberation, and concentration. Fifth, they take part in amusements and expeirence pleasure and happiness with all sentient beings, but they never for a moment leave the concentration of equanimity of Enlightening Beings. Sixth, they have already transcended all worlds and have no attachments to anything, yet they do not abandon efforts to liberate sentient beings. Seventh, they live by the right path, right knowledge, and right insight, yet they can appear to enter false paths, without taking them to be true or pure, to cause the sentient beings involved in them to abandon false principles. Eighth, they always maintain the Buddha’s pure precepts, and their thoughts, words, and deeds are faultless, but because they want to edify immoral sentient beings, they appear to perform the acts of ordinary ignorant people; though they are already filled with pure virtues and abide in the course of Enlightening Beings, yet they appear to live in such realms as hells, animality, ghosthood, and in difficulty and poverty, in order to enable the beings therein to gain liberation; really the Enlightening Beings are not born in those states. Ninth, without being taught by another, they attain unhindered intellect and the light of knowledge, are able to illumine and understand all Buddha teachings, are sustained by the spiritual power of all Buddhas, are one of the same body of reality with all Buddhas, accomplish all incorruptible mystic states of clarity and purity of great people, abide in all equal vehicles of liberation, are aware of all spheres of Buddhahood, are endowed with the light of all worldly knowledge, and clearly see all realms of sentient beings; they are able to be truth-knowing teachers for sentient beings, yet they make the appearance of ceaseless search for truth; though they are actually unexcelled teachers of sentient beings, they show respect to preceptors and religious mentors, because great enlightening beings, by skillful expedients, abide in the path of enlightening beings, yet manifest whatever is necessary. The tenth way of adornment includes their roots of goodness are sufficient, their practices are completed. They are coronated by all Buddhas together, reach the furthest extent of mastery of all the teachings; their heads crowned with the turban of the state of nonobstruction.Their bodies reach all worlds and everywhere they show the body of Buddha that has no resistance; masters of the teachings, they attain supreme fulfillment; turn the unimpeded pure wheel of teaching; they have already accomplished all manner of freedom of enlightening beings. But for the sake of sentient beings they appear to be born in all lands. They are in the same realm as all Buddhas, yet they do not abandon the practices of Enlightening Beings, yet they do not give up the principles of Enlightening Beings, yet they do not neglect the works of enlightening beings, yet they do not leave the path of Enlightening Beings, yet they do not slacken the conduct of Enlightening Beings, yet they do not cut off the grasping of Enlightening Beings, yet they do not cease the skillful methods of Enlightening Beings, yet they do not stop doing the tasks of enlightening beings, yet they do not tire of the developmental activities of Enlightening Beings, yet they do not put an end to sustaining power of Enlightening Beings. Why? Because Enlightening Beings want to quickly realize unexcelled, complete perfect enlightenment, so they examine the ways of access to omniscience and cultivate the practices of Enlightening Beings unceasingly.
Fourth, Ten Ways of Generating the Qualities of Buddhahood of Great Enlightening Beings: According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten ways of generating the qualities of Buddhahood. Great Enlightening Beings who abide by these will gain ten appellations of greatness. First, following good friends is a way of generating qualities of Buddhahood, because they plant roots of goodness together. Second, profound devotion is a way of generating qualities of Buddhahood, because they know the masteries of Buddhas. Third, making great vows is a way of generating qualities of Buddhahood, because their minds become broad. Fourth, recognizing their own roots of goodness is a way of generating qualities of Buddhahood, because they know their action is not wrong. Fifth, tirelessly cultivating practice in all ages is a way of generating qualities of Buddhahood, because it comprehends the future. Sixth, appearing in countless worlds is a way of generating qualities of Buddhahood, by maturing sentient beings. Seventh, not stopping the practices of enlightening beings is a way of generating qualities of Buddhahood, by increasing great compassion. Eighth, infinite awareness is a way of generating qualities of Buddhahood, by pervading all of space in a single moment of thought. Ninth, excellent action is a way of generating qualities of Buddhahood, because what has been put into practice is not lost. Tenth, the potential of enlightenment is a way of generating qualities of Buddhahood, causing all sentient beings to gladly set their minds on enlightenment and sustain this will by all virtues.
Fifth, Great Bodhisattvas' Ten Kinds of Infinite Path: According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten kinds of infinite path of Great Enlightening Beings. First, because space is infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Second, because the cosmos is infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Third, because the realms of sentient beings are infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Fourth, because the worlds are infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Fifth, because time is infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Sixth, because the languages of all sentient beings are infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Seventh, because the embodiments of Buddha are infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Eighth, because the uterances of Buddha are infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Ninth, because the power of Buddha is infinite, so are the paths of Enlightening Beings. Tenth, because omniscience is infinite, so are the paths of Enlightening Beings.
Sixth, Great Bodhisattvas' Ten Kinds of Infinite Path of Cultivation: According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten kinds of infinite path of cultivation of Great Enlightening Beings. Enlightening Beings who abide by these ten elements can accomplish the supremely skillful cultivation of omniscience of Buddhas. First, cultivation without coming or going, because their physical, verbal, and mental doings have no actions. Second, neither existent nor nonexistent cultivation, there being no inherent nature. Third, cultivation without increase or decrease, being in accord with fundamental essence. Fourth, cultivation like an illusion, a dream, a shadow, an echo, an image in a mirror, a mirage in the heat, the moon’s image in the water, being free from all clinging. Fifth, empty, signless, wishless, nondoing cultivation, clearly seeing the triple world, yet ceaselessly accumulating virtues. Sixth, inexplicable, inexpressible cultivation beyond speech, apart from all definitions and constructions. Seventh, cultivation of the indestructible realm of reality, directly knowing all phenomena. Eighth, cultivation of the ultimate reality of True Thusness, entering the space of ultimate reality of True Thusness. Ninth, cultivation of vast wisdom, the power of their deeds being inexhaustible. Tenth, equal cultivation of the ten powers, four fearlessnesses, and omniscience of Buddha, directly seeing all things without doubt or confusion.
Seventh, Great Bodhisattvas' Ten Kinds of Infinite Aids to Enlightenment: According to the Flower Adornment Sutra, Chapter 38, there are ten kinds of infinite aids to enlightenment of Great Enlightening Beings. Enlightening Beings who abide by these can attain the infinite knowledge of Buddhas. First, as space is infinite, so is Enlightening Beings’ development of aids to enlightenment. Second, as the cosmos is infinite, so is Enlightening Beings’ development of aids to enlightenment. Third, as the realms of sentient beings are infinite. Fourth, as worlds are infinite. Fifth, as number of eons can never be fully told. Sixth, as the languages of sentient beings are infinite, so is Enlightening Beings’ development of aids to enlightenment, producing knowledge to comprehend ways of speaking. Seventh, as the embodiment of Buddha is infinite, so is Enlightening Beings’ aids to enlightenment, extending to all sentient beings, all lands, all worlds, and all times. Eighth, as the utterances of Buddha are infinite, Enlightening Beings utter one word pervading the cosmos, heard by all sentient beings, so the aids to enlightenment they develop also are Infinite. Ninth, as the power of Buddha is infinite, the aids to enlightenment accumulated by Enlightening Beings through the power of Buddha are infinite too. Tenth, as the omniscience is infinite, so is Enlightening Beings’ aids to enlightenment.
VIII.Bodhisattva-Vehicle:
An Overview of Bodhisattva-Vehicle: The term Vehicle or “yana” was developed in Hinayana Buddhism. Yana means a vehicle in which the practitioner travels on the way to enlightenment. According to the Lotus Sutra, there are three Vehicles, or conveyances, or three divisions of Buddha’s Teachings, which carry living beings across samsara or mortality (births-and-deaths). They are Hearer-Yana, Pratyeka-Buddha-Yana, and Bodhisattva-Yana. The word “Vehicle” symbolizes carrying and transporting sentient beings to enlightenment. Three Yanas are only expedient means that Buddha had taught based on the capacity of his disciples or hearers. In Buddhism, there are also five vehicles conveying to the karma-reward which differs according to the vehicle. They are summed up as: According to the Mahayana: Narayana, Devayana, Arava-kayanam, Pratyeka-Buddhayanam, and Bodhisattva-yanam. According to the Hinayana: Buddha, Sravakas, Pratyeka-buddhas, the gods of the brahma-heavens, and those of desire realm. According to the Esoteric cult: men, corresponding with earth; devas, corresponding with water, sravakas, corresponding with fire; pratyeka-buddhas, corresponding with wind; and Bodhisattvas, corresponding with the “void.” Bodhisattvayana or Bodhisattva Vehicle or Bodhisattva way is one of the five vehicles which teaches the observance of the six paramitas the perfecting of the self and the benefits of others. The objective is the salvation of all beings and attaining of Buddhahood. The aim of Bodhisattvayana is the attainment of Supreme Buddhahood. Therefore, it is also called the Buddhayana or Tathagatayana.
Cultivation of the Six Paramitas in Bodhisattva-Vehicle: According to the Sanskrit language, Paramita means crossing-over. In The Lankavatara Sutra, the Buddha gave three kinds of Paramitas or methods of perfection: The Paramitas of people in general relating to this world, Paramitas of Sravakas and Pratyeka-buddhas relating to the future life for themselves, Paramitas of the supreme one of bodhisattvas, relating to the future life for all. According to Theravadan Buddhism, there are ten perfections: charity, moral conduct, patience, correct energy, contemplation, knowledge, investigation or choosing of the law, strength, use of expedient or porper means, and vow for Bodhicitta and helpfulness. However, in Mahayana Buddhism, six Paramitas mean the six things that ferry one beyond the sea of mortality to nirvana. Six stages of spiritual perfection followed by the Bodhisattva in his progress to Buddhahood. The six virtues of perfection are not only characteristic of Mahayana Buddhism in many ways, they also contain virtues commonly held up as cardinal by all religious systems. They consist of the practice and highest possible development. Thus, practicing the six paramitas will lead the practitioner to cross over from the shore of the unenlightened to the dock of enlightenment. Devout Buddhists always know that the Six Paramitas are the basic methods of cultivation for a Buddhist, but we do not try to practice them. To meet anyone at anywhere we always talk about the Six Perfections, but when the situation comes, we do not want to practice giving, we do not keep the precepts, we cannot tolerate any circumstances, we are not vigorous, we do not set aside time to practice meditation, and as a result, we can not use real wisdom to conduct our daily activities. So, what is the use of the cultivation of outside appearance? There are people who do not want to give out a cent; on the contrary, they demand others to give to them, the more the better. They always want to gain the advantage and not take a loss. We all know that holding precepts means keeping the precepts that the Buddha taught, but when states come, we break the precepts instead of keeping them. Although we all know that patience can take us to the other shore, but when we meet a difficult situation, we can never be patient. Everyone wants to be vigorous, but only vigorous in worldly businesses, not in cultivation. We all know that we should meditate to concentrate our mind so that wisdom can manifest, but we only talk and never practice. For these reasons, the Buddha taught the Six Perfections: giving means to give wealth or Buddhadharma to others, holding precepts means to keep the precepts that the Buddha taught and to refrain from wrong-doings, patience means to patiently endure the things that do not turn out the way we wish them to, vigor means to be vigorous in cultivation, meditation means to concentrate our mind until there are no more idle thoughts, and wisdom enables us to reach the other shore and end birth and death. There are six things which enable a Bodhisattva to keep perfectly the six paramitas: First, worshipful offerings. Second, to study and practice the moral duties. Third, pity, pitying thought for the happiness of all creatures. The Buddha died at 80 instead of 100. He left 20 years of his own happiness to his disciples, and also the Tripitaka for universal salvation. Fourth, zeal in goodness. Fifth, stay in isolation. Sixth, delight in the law. Six Paramitas are six kinds of practices by which Bodhisattvas reach enlightenment. According to the Sanskrit language, Paramita means crossing-over. Six Paramitas mean the six things that ferry one beyond the sea of mortality to nirvana. Six stages of spiritual perfection followed by the Bodhisattva in his progress to Buddhahood. The six virtues of perfection are not only characteristic of Mahayana Buddhism in many ways, they also contain virtues commonly held up as cardinal by all religious systems. They consist of the practice and highest possible development. Thus, practicing the six paramitas will lead the practitioner to cross over from the shore of the unenlightened to the dock of enlightenment: charity (dana-paramita), discipline (sila-paramita), patience (ksanti-paramita), devotion (virya-paramita), meditation (dhyana-paramita), and wisdom (prajna-paramita).
Benefits for Those Who Practice “Paramitas”: According to the Sutta Nipata Commentary, those who practice “Paramitas” will escape from being born in the following inauspicious states: They are never born blind; they are never born deaf; they never become insane; they are never slobbery or rippled; they are never born among savages; they are never born from the womb of a slave; they are never born in a heretic family; they never change their sex no matter how many births and deaths they have been through; they are never guilty of any of the five grave sins (anantarika-kammas); they never become a leper; they are never born as an animal; they are never born as a hungry ghost; they are never born among different classes of asuras; they are never born in the Avici; they are never born in the side hells (Lokantarika-Nirayas); they are never born as a mara; they are never born in the world where there is no perception; they are never born in a heatless heaven (Anavatapta); they are never born in the rupa world; they are never born in a small world. In short, those who practice Paramitas is practicing Bodhisattvas' practice. According to the tradition of Northern Buddhism, Bodhisattva practice (Bodhisattva’s practising) comprises of to vow to devote the mind to bodhi (bodhicita); to practise the four immeasurables. Besides, that person must also practise the six Paramitas, and practise the four all-embracing virtues.
Enlightening Beings Cultivate Six Paramitas: As mentioned above, Bodhisattva is one whose beings or essence is bodhi whose wisdom is resulting from direct perception of Truth with the compassion awakened thereby. Enlightened being who is on the path to awakening, who vows to forego complete enlightenment until he or she helps other beings attain enlightenment. If practitioners want to follow in the foosteps of Bodhisattvas, we should try to cultivate some typical methods of Bodhisattvas' ways of cultivation, especially the cultivation of the six paramitas. As detailed explanations in previous chapters, according to the Sanskrit language, Paramita means the accumulated force of purity within the mind. Each time our mind is free of greed, hatred and delusion, it has a certain purifying force in the flow of consciousness. On our path of cultivation, especially practicing of meditation, we need a continuous flow of consciousness so that we can cross-over the samsara world. For Buddhist practitioners, when there is a great accumulation of the factors of non-greed, non-hatred, and non-delusion, the “Paramita” become forceful and result in all kinds of happiness including the highest happiness of enlightenment. The six paramitas are six things that ferry one beyond the sea of birth and death. In addition, the Six Paramitas are also the doctrine of saving all living beings. The six paramitas are also sometimes called the cardinal virtues of a Bodhisattva. Six Paramitas mean the six things that ferry one beyond the sea of mortality to nirvana. Six stages of spiritual perfection followed by the Bodhisattva in his progress to Buddhahood. The six virtues of perfection are not only characteristic of Mahayana Buddhism in many ways, they also contain virtues commonly held up as cardinal by all religious systems. They consist of the practice and highest possible development. Thus, practicing the six paramitas will lead the practitioner to cross over from the shore of the unenlightened to the dock of enlightenment. The cultivation of Paramita is popular for both Mahayana and Theravada Buddhism. However, while in Theravada Buddhism, practitioners usually cultivate ten paramitas, in Mahayana Buddhism, practitioners cultivate six paramitas. First, Cultivation on Charity: Charity or giving, is to give away for the benefit and welfare of all beings anything and everything one is capable of giving: not only material goods, but knowledge, worldly as well as religious or spiritual (or knowledge belonging to the Dharma, the ultimate truth). The Bodhisattvas were all ready to give up even their lives to save others. Giving of material goods, that is, to give others money or goods. In this world, there is no one who is unable to perform some form of giving. No matter how impoverished one is, he should be able to give alms to those who are worst off than he or to support a public work with however small a donation, if he has the will to do so. Even if there is someone who absolutely cannot afford to do so, he can be useful to others and to society by offering his services. Giving of law means to teach others rightly. A person who has knowledge or wisdom in some field should be able to teach others or guide them even if he has no money or is physically handicapped. Even a person of humble circumstances can perform giving of the Law. To speak of his own experience in order to benefit others can be his giving of the Law. Giving of fearlessness means to remove the anxieties or sufferings of others through one’s own effort. To comfort others in order to help them overcome their difficult time can be considered as “giving of fearlessness.” Charity does not merely mean to give away what one has in abundance, but it involves even the giving-up of one’s whole being for a cause. Charity, or giving, including the bestowing of the truth and courage giving on others. Giving Paramita is used to destroy greed, selfishness, and stinginess. Second, Cultivation on Observing Precepts: Keeping precepts teaches us that we cannot truly save others unless we remove our own cankers by living a moral and upright life. However, we must not think that we cannot guide others just because we are not perfect ourselves. Keeping precepts is also a good example for others to follow, this is another form of helping others. Sila-paramita or pure observance of precepts (keeping the commandments, upholding the precepts, the path of keeping precepts, or moral conduct, etc) is the practicing of all the Buddhist precepts, or all the virtuous deeds that are conducive to the moral welfare of oneself and that of others. Maintaining Precept Paramita is used to destroy violating precepts and degrading the Buddha-Dharma. For practitioners, the precepts have an even more profound meaning because they free our minds of remorse and anxiety. Practitioners should always remember that guilt about past actions is not very helpful; it only keeps our minds more agitated. Practitioners should try to establish basic purity of action in the present moment for it can help our minds becomes tranquil and one-pointed easier. Therefore, the foundation in morality becomes the basis of spritual development for practitioners. Third, Cultivation on Patience: Endurance is one of the most important qualities in nowadays society. Sakyamuni Buddha was endowed with all the virtues and became the Buddha through his constant practice. No matter what biography of Sakyamuni Buddha we read or which of the sutras, we find that nowhere is it recorded that the Buddha ever became angry. However severely he was persecuted and however coldly his disciples turned against him and departed from him, he was always sympathetic and compassionate. As Buddhists, we should always remember that: “No action that makes Sakyamuni Buddha more disappointed than when we become agry about something and we reproach others or when we blame others for our own wrongs.” In short, if we are able to practice the “endurance” of the Bodhisattvas, we cease to become angry or reproachful toward others, or toward anything in the universe. We are apt to complain about the weather when it rains or when it shines, and to grumble about the dust when we have a day with fine weather. However, when through “endurance” we attain a calm and untroubled mind, we become thankful for both the rain and the sun. Then our minds become free from changes in our circumstances. “Patience,” really means patiently, or rather with equanimity, to go through deeds of humiliation. Or as Confucius says, “The superior man would cherish no ill-feeling even when his work or merit is not recognized by others.” No Buddhist devotees would feel humiliated when they were not fully appreciated, no, even when they were unjustly ignored. They would also go on patiently under all unfavorable conditions. Patience-paramita or humility is sometomes rendered patience, but humility is more to the point. Rather than merely enduring all sorts of ills of the body, it is the feeling of unworthiness, limitlessness, and sinfulness. In other words, humility or patience, or forebearance under insult of other beings as well hot and cold weather. Tolerance Paramita is used to destroy anger and hatred. Fourth, Cultivation on Right Effort: “Making right efforts.” means to proceed straight torward an important target without being distracted by trivial things. We cannot say we are assiduous when our ideas and conduct are impure, even if we devoted ourselves to the study and practice of the Buddha’s teachings. Even when we devote ourselves to study and practice, we sometimes do not meet with good results or may even obtain adverse effects, or we may be hindered in our religious practice by others. But such matters are like waves rippling on the surface of the ocean; they are only phantoms, which will disappear when the wind dies down. Therefore, once we have determined to practice the bodhisattva-way, we should advance single-mindedly toward our destination without turning aside. This is “making right efforts.” Devotion or Striving means a constant application of oneself to the promotion of good. The Mahayanists’ life is one of utmost strenuousness not only in this life, but in the lives to come, and the lives to come may have no end. Virya also means energy or zeal (earnestness, diligence, vigour, the path of endeavor) and progress in practicing the other five paramitas. Vigor Paramita is used to destroy laziness and procrastination. Fifth, Cultivation on Concentration: “Meditation,” “dhyana” in Sanskrit and “Zenjo” in Japanese. “Zen” means “a quiet mind” or “an unbending spirit,” and “jo” indicates the state of having a calm, unagitated mind. It is important for us not only to devote ourselves to the practice of the Buddha’s teachings but also to view things thoroughly with a calm mind and to think them over well. Then we can see the true aspect of all things and discover the right way to cope with them. Dhyana is retaining one’s tranquil state of mind in any circumstance, unfavorable as well as favorable, and not being at all disturbed or frustrated even when adverse situations present themselves one after another. This requires a great deal of training. Dhyana means meditation, not in the sense of meditating on a moral maxim or a philosophical saying, but the disciplining of oneself in tranquillization. In other words, Dhyana (meditation, contemplation, quiet thoughts, abstraction, serenity) means the path of concentration of mind to stop the scattered mind. Meditation Paramita is used to destroy chaos and drowsiness. Sixth, Cultivation on Wisdom: Wisdom means the right way of seeing things and the power of discerning the true aspects of all things. Wisdom is the ability both to discern the differences among all things and to see the truth common to them. In short, wisdom is the ability to realize that anybody can become a Buddha. The Buddha’s teachings stress that we cannot discern all things in the world correctly until we are completely endowed with the ability to know both distinction and equality. We cannot save others without having wisdom, because even though we want to do good to others but we don’t have adequate knowledge on what should be done and what should not be done, we may end up doing some harm to others. There is no corresponding English word for prajna, in fact, no European word, for it, for European people have no experience specifically equivalent to prajna. Prajna is the experience a man has when he feels in its most fundamental sense the infinite totality of things, that is, psychologically speaking, when the finite ego, breaking its hard crust, refers itself to the infinite which envelops everything that is finite and limited and therefore transitory. We may take this experience as being somewhat akin to a totalistic intuition of something that transcends all our particularized, specified experiences. In Buddhism, Prajna (the path of wisdom) means transcendental knowledge. This is what constitutes enlightenment; it is an intuition into the power to discern reality or truth, or into the ultimate truth of things, by gaining which one is released from the bondage of existence, and becomes master of one’s self. Wisdom Paramita is used to destroy ignorance and stupidity. In short, wisdom is the culmination of the spiritual path for Buddhist practitioners. However, we must start from the practice of generosity, moral restraint, and the development of concentration. From that base of purity comes penetrating insight into the nature of the mind and body. By being perfectly aware in the moment, all that has been accumulated in our minds begins to surface. All the thoughts and emotions, all the ill will, greed and desire, all the lust and attachment in our minds begins to be brought to the conscious level. And through the practice of mindfulness, of not clinging, not condemning, not identifying with anything, the mind becomes lighter and free.
- Six Paramitas Are Six Stages of Spiritual Perfection Followed by the Bodhisattva in His Progress to Buddhahood: Paramitas means perfected, traversed, perfection, or crossed over, or gone to the opposite shore (reaching the other shore). According to the Sanskrit language, Paramitas mean crossing-over. Paramitas also mean the things that ferry beings beyond the sea of mortality to nirvana. Paramitas mean stages of spiritual perfection followed by the Bodhisattva in his progress to Buddhahood. Paramitas, the virtues of perfection are not only characteristic of Mahayana Buddhism in many ways, they also contain virtues commonly held up as cardinal by all religious systems. They consist of the practice and highest possible development. Thus, practicing the paramitas will lead the practitioner to cross over from the shore of the unenlightened to the dock of enlightenment. The term “Paramita” has been interpreted differently. T. Rhys Davids and William Stede give the meanings: completeness, perfection, highest state. H.C. Warren translates it as perfection. And some other Buddhist scholars translate “Paramita” as transcendental virtue or perfect virtue. The Sanskrit term “Paramita” is transliterated into Chinese as “Po-luo-mi.” “Po-luo” is Chinese for “pineapple”, and “mi” means “honey.” In Buddhism, “Paramita” means to arrive at the other shore, to ferry across, or save, without limit. Paramita also means perfection, or crossed over, or gone to the opposite shore (reaching the other shore). Crossing from Samsara to Nirvana or crossing over from this shore of births and deaths to the other shore. Practice which leads to Nirvana. Paramita also means to achieve, finish, or accomplish completely whatever we do. For instance, if we decide to cultivate to become a Buddha, then the realization of Buddhahood is “Paramita.” The (six) practices of the Bodhisattva who has attained the enlightened mind. The term “Paramita” is popular for both Mahayana and Theravada Buddhism. According to the Sanskrit language, Paramita means crossing-over. There are six Paramitas or six things that ferry one beyond the sea of mortality to nirvana. Six stages of spiritual perfection followed by the Bodhisattva in his progress to Buddhahood. The six virtues of perfection are not only characteristic of Mahayana Buddhism in many ways, they also contain virtues commonly held up as cardinal by all religious systems. They consist of the practice and highest possible development. Thus, practicing the six paramitas will lead the practitioner to cross over from the shore of the unenlightened to the dock of enlightenment. In the Lankavatara Sutra, the Buddha gave three kinds of Paramitas: Super-worldly paramita in the highest sense for Bodhisattvas, Super-worldly paramita for Sravakas and PratyekabuddhasWorldly paramita. However, according to the Avatamsaka Sutra, there is only one Paramita, that is the Prajna-Paramita Emancipation.
- After the Buddha’s Great Enlightenment, He discovered that all life is linked together by causes and conditions, and He also saw all the sufferings and afflictions of the world. He saw every sentient beings, from the smallest insect to the greatest king, ran after pleasure, only to end up with sufferings and afflictions. Out of great compassion for all sentient beings, the Buddha renounced the world to become a monk to cultivate to find ways to save beings. After six years of ascetic practices, He finally discovered the Way to cross over from this shore, which is also called “Paramita”. According to Buddhism, “Paramita” means to cross over from this shore of births and deaths to the other shore, or nirvana. If we try to cultivate and can see the truth clearly as the Buddha Himself had seen, eventually, we would be able to end all sufferings and afflictions. According to most Mahayana Sutras, the six things that ferry one beyond the sea of birth and death. In addition, the Six Paramitas are also the doctrine of saving all living beings. The six paramitas are also sometimes called the cardinal virtues of a Bodhisattva. Besides, Bodhisattvas use the Six Paramitas as their method of cultivation. Giving that takes stinginess across; moral precepts that takes across transgressions; patience that takes across anger and hatred; vigor that takes across laxness and laziness; meditation that takes across scatterness; and wisdom that takes across stupidity. When these six paramitas have been cultivated to perfection, one can become enlightened.
(B) Lay Bodhisattvas
I. An Overview of Lay Bodhisattvas:
Buddhism never separates itself from the secular life. On the contrary, the Buddha always reminded his followers, monks, nuns, upasakas and upasikas, to live the best and highest life and to get the most out of life. However, the best joy in life according to Buddhism are not the pleasures and materials, but the light-hearted and joyful happiness at all time in mind. Sincere Buddhists should always remember that it is true that we must study the Buddha’s teachings, but the main thing is to live them in our daily life. If we can do this, we are truly Buddhists of a living Buddhism. If not, we are only embracing the corpse of a dead Buddhism. According to the Avatamsaka Sutra, there are two aspects of the Buddhist life. Everyone has hopes that his wishes will be fulfilled someday. Hope itself is not wrong, for hope will help people try to reach to better situations. However, when a person begins to expect things have to happen the way he or she wishes, he or she begins to have trouble with disappointment. Thus, the Buddha taught: “Suffering of frustrated desire,” or unfulfilled wishes cause suffering (suffering due to unfulfilled wishes), or cannot get what one wants causes suffering. The pain which results from not receiving what one seeks, from disappointed hope or unrewarded effort, one of the eight sorrows. And therefore, the Buddha advised his disciples “content with few desires.” “Content with few desires” means having few desires; “knowing how to feel satisfied” means being content. Knowing how to feel satisfied with few possessions means being content with material conditions that allow us to be healthy and strong enough to practice the Way. “Knowing how to feel satisfied and being content with material conditions” is an effective way to cut through the net of passions and desires, attain a peaceful state of body and mind and accomplish our supreme goal of cultivation. There are some people who regard this life as a life of suffering or pessimists may be tolerated as long as they are simply feeling dissatisfied with this life, but when they begin to give up this life as hopeless and try to escape to a better life by practicing austerities or self-mortifications, then they are to be abhorred. Some people believe that Buddhism is pessimistic because its significant viewpoint on the idea that there is nothing but hardship in this world, even pleasures end in hardship. It is totally wrong thinking that way. Buddhism believes that in this present life, there are both pleasures and hardships. He who regards life as entirely pleasure will suffer when the so-called “happiness” ceases to exist. The Buddha believes that happiness and sufferings intertwine in our daily life. If one is ignorant of the fact that pleasures can cause hardships, one will be disappointed when that fact presents itself. Thus the Buddha teaches that one should regard hardship as hardship, accepting it as a fact and finding way to oppose it. Hence his emphasis on perserverance, fortitude, and forebearance, the latter being one of the six Perfections. In short, according to the Buddhist view, there are both pleasures and hardships in life, but one must not be discouraged when hardship comes, or lose oneself in rapture of joy when pleasure comes. Both pleasures and hardships must be taken alike with caution for we know that pleasures end in hardship. From this understanding, sincere Buddhists will be determined to cultivate diligently to turn both worldly pleasures and hardships to an eternally transcendental joy. It is to say that we are not bound to both worldly pleasures and hardships at all times. They come and go naturally. We are always live a life without worries, without afflictions because we know for sure that everything will pass. The Buddhist point of view on both optimism and pessimism is very clear: Buddhism is not optimistic nor pessimistic on human life. Two extremes of both optimism and pessimism are prevented by the moderate doctrine of Buddhism. To a Buddhist, a worthwhile life, according to Mahayana Buddhist point of view, does not consist in merely spending one’s life in peace and quiet but in creating something good for other beings. When one tries to become a better person through his practice, this endeavor is the creation of good. When he does something for the benefit of other people, this is the creation of a still higher standard of good. The various arts are the creation of beauty, and all honest professions are the creation of various kinds of energy that are beneficial to society. Creation is bound to bring with it pain and hardship. However, one finds life worth living when one makes a strenuous effort for the sake of something good. He endeavors to become a little better a person and to do just a little more for the good of other people, through such positive endeavor we are enabled to feel deep joy in our human lives.
Even lay practitioners who want to follow in the foosteps of Bodhisattvas, we should try to cultivate some typical methods of Bodhisattvas' ways of cultivation. The Lay Bodhisattvas are devout Buddhists who follow Bodhisattva-yana which teaches the observance of the six paramitas the perfecting of the self and the benefits of others. The objective is the salvation of all beings and attaining of Buddhahood. The aim of Bodhisattvayana is the attainment of Supreme Buddhahood. Therefore, it is also called the Buddhayana or Tathagatayana. Though still a lay Bodhisattvas, he or she should have a profound understanding; they should have the insight that the four noble truths to understand the true aspects of reality. Bodhisattvas use the one truth to understand the true aspects of reality. The wisdom of the Bodhisattva is always acute, so they often have a broad compassionate mind. According to the tradition of Northern Buddhism, a Bodhisattva wants to practice Bodhisattva’s practising must first vow to devote the mind to bodhi (bodhicita). He or she must have loving-kindness to all living beings. He or she must always practise the six Paramitas. Finally, he or she must practise the four all-embracing virtues. Besides, a lay Bodhisattva should also learn Bodhisattva's four kinds of fearlessnesse. First, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of memory and ability to preach without fear. Second, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of moral diagnosis and application of the remedy. Third, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of ratiocination. Fourth, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of solving doubts. The Lay Bodhisattvas are devout Buddhists who already took refuge in the Triple Gem. Besides keeping the five basic precepts, they also keep the six grave sins and the twenty-eight faults.
II. Lay Bodhisattvas’ Precepts:
An Overview of Bodhisattvas' Precepts For Lay People: Buddhism never separates itself from the secular life. On the contrary, the Buddha always reminded his followers, monks, nuns, upasakas and upasikas, to live the best and highest life and to get the most out of life. However, the best joy in life according to Buddhism are not the pleasures and materials, but the light-hearted and joyful happiness at all time in mind. Sincere Buddhists should always remember that it is true that we must study the Buddha’s teachings, but the main thing is to live them in our daily life. If we can do this, we are truly Buddhists of a living Buddhism. If not, we are only embracing the corpse of a dead Buddhism. According to the Avatamsaka Sutra, there are two aspects of the Buddhist life. Everyone has hopes that his wishes will be fulfilled someday. Hope itself is not wrong, for hope will help people try to reach to better situations. However, when a person begins to expect things have to happen the way he or she wishes, he or she begins to have trouble with disappointment. Thus, the Buddha taught: “Suffering of frustrated desire,” or unfulfilled wishes cause suffering (suffering due to unfulfilled wishes), or cannot get what one wants causes suffering. The pain which results from not receiving what one seeks, from disappointed hope or unrewarded effort, one of the eight sorrows. And therefore, the Buddha advised his disciples “content with few desires.” “Content with few desires” means having few desires; “knowing how to feel satisfied” means being content. Knowing how to feel satisfied with few possessions means being content with material conditions that allow us to be healthy and strong enough to practice the Way. “Knowing how to feel satisfied and being content with material conditions” is an effective way to cut through the net of passions and desires, attain a peaceful state of body and mind and accomplish our supreme goal of cultivation. There are some people who regard this life as a life of suffering or pessimists may be tolerated as long as they are simply feeling dissatisfied with this life, but when they begin to give up this life as hopeless and try to escape to a better life by practicing austerities or self-mortifications, then they are to be abhorred. Some people believe that Buddhism is pessimistic because its significant viewpoint on the idea that there is nothing but hardship in this world, even pleasures end in hardship. It is totally wrong thinking that way. Buddhism believes that in this present life, there are both pleasures and hardships. He who regards life as entirely pleasure will suffer when the so-called “happiness” ceases to exist. The Buddha believes that happiness and sufferings intertwine in our daily life. If one is ignorant of the fact that pleasures can cause hardships, one will be disappointed when that fact presents itself. Thus the Buddha teaches that one should regard hardship as hardship, accepting it as a fact and finding way to oppose it. Hence his emphasis on perserverance, fortitude, and forebearance, the latter being one of the six Perfections. In short, according to the Buddhist view, there are both pleasures and hardships in life, but one must not be discouraged when hardship comes, or lose oneself in rapture of joy when pleasure comes. Both pleasures and hardships must be taken alike with caution for we know that pleasures end in hardship. From this understanding, sincere Buddhists will be determined to cultivate diligently to turn both worldly pleasures and hardships to an eternally transcendental joy. It is to say that we are not bound to both worldly pleasures and hardships at all times. They come and go naturally. We are always live a life without worries, without afflictions because we know for sure that everything will pass. The Buddhist point of view on both optimism and pessimism is very clear: Buddhism is not optimistic nor pessimistic on human life. Two extremes of both optimism and pessimism are prevented by the moderate doctrine of Buddhism. To a Buddhist, a worthwhile life, according to Mahayana Buddhist point of view, does not consist in merely spending one’s life in peace and quiet but in creating something good for other beings. When one tries to become a better person through his practice, this endeavor is the creation of good. When he does something for the benefit of other people, this is the creation of a still higher standard of good. The various arts are the creation of beauty, and all honest professions are the creation of various kinds of energy that are beneficial to society. Creation is bound to bring with it pain and hardship. However, one finds life worth living when one makes a strenuous effort for the sake of something good. He endeavors to become a little better a person and to do just a little more for the good of other people, through such positive endeavor we are enabled to feel deep joy in our human lives.
Even lay practitioners who want to follow in the foosteps of Bodhisattvas, we should try to cultivate some typical methods of Bodhisattvas' ways of cultivation. So, the Lay Bodhisattvas are devout Buddhists who take refuge in the Triple Gem and follow Bodhisattva-yana which teaches the observance of the six paramitas the perfecting of the self and the benefits of others. The objective is the salvation of all beings and attaining of Buddhahood. The aim of Bodhisattvayana is the attainment of Supreme Buddhahood. Therefore, it is also called the Buddhayana or Tathagatayana. Though still a lay Bodhisattvas, he or she should have a profound understanding; they should have the insight that the four noble truths to understand the true aspects of reality. Bodhisattvas use the one truth to understand the true aspects of reality. The wisdom of the Bodhisattva is always acute, so they often have a broad compassionate mind. According to the tradition of Northern Buddhism, a Bodhisattva wants to practice Bodhisattva’s practising must first vow to devote the mind to bodhi (bodhicita). He or she must have loving-kindness to all living beings. He or she must always practise the six Paramitas. Finally, he or she must practise the four all-embracing virtues. Besides, a lay Bodhisattva should also learn Bodhisattva's four kinds of fearlessnesse. First, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of memory and ability to preach without fear. Second, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of moral diagnosis and application of the remedy. Third, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of ratiocination. Fourth, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of solving doubts. The Upasaka Sutra contains Buddha’s teachings for Sujata, mentioned precepts observed by a layman. The Sujuta-Sutra is also called Good Birth Sutra or Good Life Sutra and was translated into Chinese by T’an-Wu-Ch’an. As mentioned above, besides keeping the five basic precepts, lay people who cultivate on the Bodhisattvas' Path should always keep six grave sins and the twenty-eight faults in the Sujuta-Sutra.
Six Major Precepts: The six grave sins are extremely important for lay Bodhisattvas, for keeping these precepts will help them attain the Holy fruitions. The First Major Precept Is the Precept of Killing: Followers of the Buddha! After an upasaka or an upasika takes the precepts, even if he or she has to sacrifice his or her life, he or she should not kill any being, even if it is an ant. After taking the precepts, if he or she instructs others to kill or if he or she, himself or herself kills, he or she loses the upasaka or upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth, let alone the fruition of a stream-enterer or a non-returner. He or she is called a precept-breaking upasak or upasika, a stinking upasaka or upasika, an outcast upasaka or upasika, a defiled upasaka or upasika, and an afflicted upasaka or upasika. The Second Major Precept Is the Precept of Stealing: Followers of the Buddha! After an upasaka or an upasika takes the precepts, even if he or she has to sacrifice his or her life, he or she should not steal, even as little as a penny. After taking the precepts, if he or she breaks the precept, he or she loses the upasaka or upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth, let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He or she is called a precept-breaking upasak or upasika, a stinking upasaka or upasika, an outcast upasaka or upasika, a defiled upasaka or upasika, and an afflicted upasaka or upasika. The Third Major Precept Is the Precept of Lying: Followers of the Buddha! After an upasaka or an upasika takes the precepts, even if he or she has to sacrifice his or her life, he or she should not lie that he or she has mastered the contemplation of impurity or attained the fruition of a non-returner. After taking the precepts, if he or she breaks the precept, he or she loses the upasaka or upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth, let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He or she is called a precept-breaking upasak or upasika, a stinking upasaka or upasika, an outcast upasaka or upasika, a defiled Upasaka or upasika, and an afflicted upasaka or upasika. The Fourth Major Precept Is the Precept of Sexual Misconduct: Followers of the Buddha! After an upasaka or an upasika takes the precepts, even if he or she has to sacrifice his or her life, he or she should not engage in any sexual misconduct. After taking the precepts, if he or she breaks this precept, he or she loses the upasaka or upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth, let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He or she is called a precept-breaking upasak or upasika, a stinking upasaka or upasika, an outcast upasaka or upasika, a defiled upasaka or upasika, and an afflicted upasaka or upasika. The Fifth Major Precept Is the Precept of Talking About the Wrong Deeds of the Four Categories of Buddha’s Disciples: Followers of the Buddha! After an upasaka or an upasika takes the precepts, even if he or she has to sacrifice his or her life, he or she should not speak of the faults of the bhikkhus, bhikkhunis, upasakas, and upasikas. After taking the precepts, if he or she breaks this precept, he or she loses the upasaka or upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth, let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He or she is called a precept-breaking upasak or upasika, a stinking upasaka or upasika, an outcast upasaka or upasika, a defiled upasaka or upasika, and an afflicted upasaka or upasika. The Sixth Major Precept Is the Precept of Selling Alcohol: Followers of the Buddha! After an upasaka or an upasika takes the precepts, even if he or she has to sacrifice his or her life, he or she should not sell intoxicants. After taking the precepts, if he or she breaks this precept, he or she loses the upasaka or upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth, let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He or she is called a precept-breaking upasak or upasika, a stinking upasaka or upasika, an outcast upasaka or upasika, a defiled upasaka or upasika, and an afflicted upasaka or upasika.
Twenty-Eight Secondary Precepts: Besides the six major precepts, there are also twenty-eight secondary precepts or faults. These precepts help Lay Bodhisattvas nurture their morality on their daily cultivation. The First Secondary Precept is the precept of not making offering to one’s parents and teachers. Followers of the Buddha! As the Buddha has said, If an upasaka or upasika, after taking the precept, does not make offerings to his or her parents and teachers, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Second Secondary Precept is the precept of indulging in intoxicants. If an upasaka or upasika, after taking the precept, indulges in intoxicants, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Third Secondary Precept is the precept of not visiting and looking after the sick. If an upasaka or upasika, after taking the precept, does not look after those who are sick, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Fourth Secondary Precept is the precept of ignoring one’s begging. If an upasaka or upasika, after taking the precept, upon seeing supplicants, does not give away whatever he or she can, but rather send them away empty-handed, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Fifth Secondary Precept is the precept of not paying respect to the elderly among the four categories of Buddha’s disicples. If an upasaka or upasika, after taking the precept, upon seeing bhikkhus, bhikkhunis, elder upasakas or elder upasikas, does not get up to greet and bow to them, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Sixth Secondary Precept is the precept of pride when seeing the four categories of Buddha’s disciples break the precepts. If an upasaka or upasika, after taking the precept, arouses this arrogant thought upon seeing bhikkhus, bhikkhunis, upasakas, and upasikas who violate the precepts, “I am superior to them, for they are not as good as I,” he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Seventh Secondary Precept is the precept of not fulfilling the precept of not eating after midday during the six days of a month. If an upasaka or upasika, after taking the precept, does not keep the eight precepts and makes offerings to the Triple Gem for six days each month, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Eighth Secondary Precept is the precept of not listening to the Dharma. If an upasaka or upasika, after taking the precept, does not attend the Dharma lectures held within 12 kilometers, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Ninth Secondary Precept is the precept of using the Sangha’s furniture and utensils. If an upasaka or upasika, after taking the precept, makes use of the Sangha’s beds, chairs and utensils, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Tenth Secondary Precept is the precept of drinking water that contains insects. If an upasaka or upasika, after taking the precept, suspects that there are living organisms in the water and drink it anyway, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Eleventh Secondary Precept is the precept of walking alone in dangerous places. If an upasaka or upasika, after taking the precept, travels alone in places that are considered dangerous, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twelfth Secondary Precept is the precept of staying alone in the bhikkhu’s or bhikkhuni’s vihara. If an upasaka or upasika, after taking the precept, stays overnight alone in a bhikkhu’s or bhikkhuni’s vihara, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Thirteenth Secondary Precept is the precept of fighting for the sake of wealth. If an upasaka or upasika, after taking the precept, for the sake of wealth, beats and scolds his or her slaves, servants or other people, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Fourteenth Secondary Precept is the precept of giving leftover food to the four categories of Buddha’s disciples. If an upasaka or upasika, after taking the precept, offers leftover food to bhikkhus, bhikkhunis, upasakas, upasikas, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Fifteenth Secondary Precept is the precept of keeping cats or foxes. If an upasaka or upasika, after taking the precept, raises cats or foxes, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Sixteenth Secondary Precept is the precept of rearing animals and not giving them away to those who have not taken the precepts. If an upasaka or upasika, after taking the precept, raises elephants, horses, cows, goats, camels, donkeys, or any other animals, and does not give them to those who have not taken the precepts, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Seventeenth Secondary Precept is the precept of not keeping the three outfits, bowls and walking sticks. If an upasaka or upasika, after taking the precept, does not keep the sanghati clothes, bowls, and walking sticks (the daily necessities of the Sangha), he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Eighteenth Secondary Precept is the precept of not ensuring that the irrigation water of rice farm is insect free, and to carry out farming on land. If an upasaka or upasika, after taking the precept, needs to farm for a living, but does not ensure that the irrigation water of rice farm is insect free, and to carries out farming on land, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Nineteenth Secondary Precept is the precept of using an unjust scale in business. If an upasaka or upasika, after taking the precept, engages in business for a living, that uses a balance or scale to sell goods, then after having made a deal, he or she should not call off a previous deal for a more profitable one. When buying from others, he or she should advise the seller if he or she is trying to be dishonest in using his or her balance or scale. If an upasaka or upasika does not do so, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twentieth Secondary Precept is the precept of having sexual encounter at the wrong time and place. If an upasaka or upasika, after taking the precept, has sexual intercourse in improper places and improper times, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twenty-First Secondary Precept is the precept of evading government taxes while doing business. If an upasaka or upasika, after taking the precept, evades government taxes while doing business or reports dishonestly, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twenty-Second Secondary Precept is the precept of not obeying the country’s law. If an upasaka or upasika, after taking the precept, does not obey the country’s law, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twenty-Third Secondary Precept is the precept of not making offering to the Triple Gem when obtaining new food. If an upasaka or upasika, after taking the precept, does not offer the newly harvested grain, fruits, and vegetables first to the Triple Gem, but consumes them first himself or herself, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twenty-Fourth Secondary Precept is the precept of not giving dharma lectures without the Sangha’s permission. If an upasaka or upasika, after taking the precept, gives Dharma talks without the Sangha’s permission, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twenty-Fifth Secondary Precept is the precept of walking in front of the five categories of Buddha’s disciples. If an upasaka or upasika, after taking the precept, walks in front of a bhikkhu, bhikkhuni, siksamana, sramanera, sramanerika, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twenty-Sixth Secondary Precept is the precept of not distributing the Sangha food equally. If an upasaka or upasika, after taking the precept of distributing the Sangha food equally, but does not distribute equally, meanwhile offering better food in excessive amount to his or her own master, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twenty-Seventh Secondary Precept is the precept of rearing silk worms. If an upasaka or upasika, after taking the precept, raise silk worms, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death. The Twenty-Eighth Secondary Precept is the precept of ignoring the sick on the road. If an upasaka or upasika, after taking the precept, come across a sick person on the road, if this upasaka or upasika does not look after and arrange a place for this sick person, but rather deserts him or her, he or she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he or she does not have the mind of repentance, he or she will deteriorate. He or she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death.
(C) Monastic Bodhisattvas
I. An Overview of Monastic Bodhisattvas:
Great Compassion is the life calling of Buddhas and Bodhisattvas. Thus, those who have developed the Bodhi Mind, wishing to rescue and ferry other sentient beings across, should simply vow to be reborn in the Triple Realm, among the five turbidities and the three evil paths. If we abandon sentient beings to lead a selfish life of tranquility, we lack compassion. A preoccupation with egoistic needs contrary to the path of enlightenment. According to Masters Chih-I and T'ien-Ju in The Pure Land Buddhism, there are two types of Bodhisattvas: First, those who have followed the Bodhisattva path for a long time and attained the Tolerance of Non-Birth or insight into the non-origination of phenomena. These Bodhisattvas can vow to be reborn in this evil realm to rescue sentient beings without fear of being drown in the sea of Birth and Death with sentient beings. The Perfection of Wisdom Treatise states: “Take the case of the person who watches a relative drowning in the river, a person, more intelligent and resourceful, hurries off to fetch a boat and sails to rescue his relative. Thus both persons escape drowning. This is similar to the case of a Bodhisattva who has attained Tolerance of Non-Birth, has adequate skills and means to save sentient beings.” Second, Bodhisattvas who have not attained the Tolerance of Non-Birth, as well as ordinary people who have just developed the Bodhi Mind. If these Bodhisattvas aspire to perfect that Tolerance and enter the evil life of the Triple Realm to save sentient beings, they should always remain close to the Buddhas and Good Advisors. The Perfection of Wisdom Treatise states: “It is unwise for human beings who are still bound by all kinds of afflictions, even if they possess a great compassionate Mind, to seek a premature rebirth in this evil realm to rescue sentient beings. Why is this so? It is because this evil, defiled world, afflictions are powerful and widespread. Those who lack the power of Tolerance of Non-Birth are bound to be swayed by external circumstances. They then become slaves to form and sound, fame and fortune, with the resulting karma of greed, anger and delusion. Once this occurs, they cannot even save themselves, how can they save others?” If, for example, they are born in the human realm, in this evil environment full of non-believers and externalists, it is difficult to encounter genuine sages. Therefore, it is not easy to hear the Buddha Dharma nor achieve the goals of the sages. Of those who planted the seeds of generosity, morality and blessings in previous lives and are thus now enjoying power and fame, how many are not infatuated with a life of wealth and honor, allowing in endless greed and lust? Therefore, even when they are counselled by enlightened teachers, they do not believe them nor act accordingly. Moreover, to satisfy their passions, they take advantage of their existing power and influence, creating a great deal of bad karma. Thus, when their present life comes to an end, they descend upon the three evil paths for countless eons. After that, they are reborn as humans of low social and economic status. If they do not then meet good spiritual advisors, they will continue to be deluded, creating more bad karma and descending once again into the lower more realms. From time immemorial, sentient beings caught in the cycles of Birth and Death have been in this predicament. The Vimalakirti Sutra also states: “If you cannot even cure your own illness, how can you cure the illnesses of others?” The Perfection of Wisdom Treatise further states: “Take the case of two persons, each of whom watches a relative drowning in the river. The first person, acting on impulse, hastily jumps into the water. However, because he lacks capabilities and the necessary means, in the end, both of them drown.” Thus newly aspiring Bodhisattvas are like the first individual, who still lacks the power of Tolerance of Non-Birth and cannot save sentient beings. The Perfection of Wisdom Treatise further teaches: “This is not unlike a young child he should not leave his mother, lest he fall into a well, drown in the river or die of starvation; or a young bird whose wings are not fully developed. It must bide its time, hopping from branch to branch, until it can fly afar, leisurely and unimpeded. In the same manner, ordinary people who lack the Tolerance of Non-Birth should limit themselves to Buddha Recitation, to achieve one-pointedness of Mind. Once that goal is reached, at the time of death, they will certainly be reborn in the Pure Land. Having seen Amitabha Buddha and reached the Tolerance of Non-Birth, they can steer the boat of that Tolerance into the sea of Birth and Death, to ferry sentient beings across and accomplish countless Buddha deeds at will.”
All monastic Bodhisattva have four fearlessnesses: First, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of memory and ability to preach without fear. Second, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of moral diagnosis and application of the remedy. Third, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of ratiocination. Fourth, Bodhisattva-fearlessness arises from powers of solving doubts. Besides, there are five advantages for those who attain the Bodhisattvahood. “Bodhisattva” means an enlightened being (bodhi-being), or a Buddha-to-be, or a being who desires to attain enlightenment, or a being who seeks enlightenment, including Buddhas, Pratyeka-buddhas, or any disciples of the Buddhas. According to Sarvastivadis, there are five advantages for those who attain the Bodhisattvahood: First, they are not born in woeful states, but only among gods and men. Second, they are no more reborn in a poor or a low class family. Third, they are, by virtue, a man and not a woman. Fourth, they are born in perfection free from physical defects. Fifth, they can remember the previous lives of their own and never forget them.
II. A Summary of Monastic Bodhisattva Precepts:
An Overview of Monastic Bodhisattva Precepts: The precepts of a Mahayana Bodhisattva. There are ten major and 48 minor. Any people can take the Bodhisattva ordination. This is does not only with the determination to be free from cyclic existence, but also with the motivation of attaining enlightenment in order to benefit all beings. The Bodhisattva vows work particularly to subdue the selfish attitude. They deal not only with our physical and verbal actions, but also with our thoughts and attitudes. Thus, they’re more difficult to keep than the vows for individual liberation. The Bodhisattva ordination is found only in the Mahayana traditions. It may be taken by lay people, monks, and nuns. Although the essence is the same, the enumeration of the precepts varies in the Tibetan and Chinese versions. When taking these precepts, we determine to keep them until attaining enlightenment. To take Bodhisattva vows is entirely voluntary. To take them, we must first understand the advantages of living ethically. There are innumerable benefits, but they may be subsumed by saying that living ethically leads us to libaration and enlightenment and enables us to make our lives useful for others. Some people hesitate to take Bodhisattva precepts because they feel they can’t keep them purely. But we shouldn’t expect ourselves to be perfect from the outset. If we could protect our precepts without one blemish, we needn’t take them, because we’d already be an arhat or a Buddha. Devout Buddhists should always remember that precepts are taken because we can’t keep them perfectly. But through trying to, our actions, speech and attitudes will improve. On the contrary, we should not take precepts if we feel we are not ready or incapable of maintaining them. To keep our precepts, we need to be very conscientious and mindful. Should we transgress them, we can employ the four opponent powers: regret, refuge with the altruistic intention, remedial action and the determination not to repeat the negative action... to purify the imprints left on our mindstreams. To devout Buddhists, precepts should be regarded as the ornaments of a sincere practitioner. The Ten Major Precepts or the ten weighty prohibitions. In the Brahma-Net Sutra, the Buddha said to his disciples, “If one receives the precepts but fails to keep (observe/practice) them, he is not a bodhisattva, nor he is a seed of Buddhahood. I, too, recite these precepts. All Bodhisattvas have studied them in the past, will study in the future, and are studying them now. I have explained the main characteristics of the Bodhisattva precepts. You should study and observe them with all your heart.”
The Ten Monastic Bodhisattvas' Major Precepts: In the Brahma-Net Sutra, the Buddha said to his disciples, “There are ten major Bodhisattva precepts or the ten weighty prohibitions: not killing, not stealing, precept on sexual misconduct (not to lust), precept on lying and false speech, precept on drinking or selling alcohol beverages, precept on broadcasting the faults of the assembly (not to discuss the faults of other Buddhists), precept on prasing oneself and disparaging others (not to praise onself and disparage others), precept on stinginess and abuse of others, precept on anger and resentment (not to get angry), and precept on slandering the Triple Jewel (not to insult the Three Treasures). If one receives the precepts but fails to keep (observe/practice) them, he or she is not a bodhisattva, nor he or she is a seed of Buddhahood. I, too, recite these precepts. All Bodhisattvas have studied them in the past, will study in the future, and are studying them now. I have explained the main characteristics of the Bodhisattva precepts. You should study and observe them with all your heart.” In Zen training, Zen practitioners see the Ten Cardinal Precepts as koan practice. These Buddhist precepts can be seen from two perspectives. For example, the first precepts, "Do not kill," gives the impression that it just concerns right behavior or morality. While such teaching is needed, those who continue Zen practice and further clarity their insight into emptiness know that, actually, there is no one to do the killing and no one to be killed. From the ultimate standpoint, "Do not kill" also warns us not to fall into the dualistic view of killing versus not killing. However, it would be a misinterpretation to use this view of the precepts as a pretext for immoral transgression or excess. In contrast to the conventional habit of viewing things from the standpoint of good and bad, the Buddhist sees the world, with all its good and evil, just as it is. Fundamentally, the world is neither good nor bad. Without genuine insight, so-called moral perfection is uninformed and hollow. True insight not only leads to the realization that there is no killers and no one to be killed, it also results in the realization that one simply cannot "kill." Whereas "do not" is an injunction, which may not necessarily lead to enlightened behavior, the "cannot" realization naturally evolves into the deeply rooted stance of "I won't kill." Yet the line separating "do not" (injunction) and "cannot" (realization) seems to dissolve when we see that we are always killing something. We may decide not to kill animals for food, but what about vegetables? And so on with everything else we destroy and discard. If we obeyed the injunction "do not kill" literally, we could not eat, we would starve to death, thus ending up by taking life anyway. How can we overcome this dilemma? When the need arises to take life or destroy, whether it be animal, vegetable, or inanimate object, one should just dwell on "Mu" with all one's heart. Thus each moment we are taking life from some form of existence can be an occasion to be deeply aware of our oneness with the universe in "Mu." Maintaining this attitude is the key point of the Five, Ten, Two Hundred Fifty or Three hundred forty-eight moral precepts. These precepts are not meant to bind or enslave us. Applied with "Mu" insight, they can be a means to emancipation. The Ten Precepts as koan study are no longer just moral injunctions, but constitute a further step on the road toward the complete realization of oneness in our everyday actions. Such realization does not negate the validity of relative values; it simply does not allow relative values to obscure our original freedom, our Buddha-nature.
In the Brahma-Net Sutra, the Buddha said to his disciples, “As for the ten major Bodhisattva precepts, if one receives the precepts but fails to keep (observe/practice) them, he is not a bodhisattva, nor is he a seed of Buddhahood. I, too, recite these precepts. All Bodhisattvas have studied them in the past, will study in the future, and are studying them now. I have explained the main characteristics of the Bodhisattva precepts. You should study and observe them with all your heart.” First, Major Precept on Killing: A disciple of the Buddha shall not himself kill, encourage others to kill, kill by expedient means, praise killing, rejoice at witnessing killing, or kill through incantation or deviant mantras. He must not create the causes, conditions, methods, or karma of killing, and shall not intentionally kill any living creature. As a Buddha’s disciple, he ought to nuture a mind of compassion and filial piety, always divising expedient means to rescue and protect all beings. If instead, he fails to restrain himself and kills sentient beings without mercy, he commits a Parajika offense. Second, Major Precept on Stealing: A disciple of the Buddha must not himself steal or encourage others to steal, steal by expedient means, steal by means of incantation or deviant mantras. He should not create the causes, conditions, methods, or karma of stealing. No valuables or possessions, even those belonging to ghosts and spirits or thieves and robbers, be they as small as a needle or a blade of grass, may be stolen. As a Buddha’s disciples, he ought to have a mind of mercy, compassion, and filial piety, always helping other people to earn merits and achieve happiness. If instead, he steals the posessions of others, he commits a Parajika offense. Third, Major Precept on Sexual Misconduct (not to lust): A disciple of the Buddha must not engage in licentious acts or encourage others to do so. He (a monk) should not have sexual relations with any female; be she a human, animal, deity or spirit, nor create the causes, conditions, methods, or karma of such misconduct. Indeed, he must not engage in improper sexual misconduct with anyone. A Buddha’s disciple ought to have a mind of filial piety, rescuing all sentient beings and instructing them in the Dharma of purity and chastity. Sexual misconduct is also one of the five basic precepts for householders. If instead, he lacks compassion and encourages others to engage in sexual relations promiscuously, including with animals and even their mothers, daughters, sisters, or other close relatives, he commits a Parajika offense. Fourth, Major Precept on Lying and False Speech: A disciple of the Buddha must not himself use false words and speech, or encourage others to lie or lie by expedient means. He should not involve himself in the causes, conditions, methods, or karma of lying, saying that he has seen what he has not seen or vice-versa, or lying implicitly through physical or mental means. As a Buddha’s disciple, he ought to maintain Right Speech and Right Views always, and lead all others to maintain them as well. If instead, he causes wrong speech, wrong views or evil karma in others, he commits a Parajika offense. Fifth, Major Precept on Drinking or Selling Alcohol Beverages: A disciple of the Buddha must not drink or trade in alcohol beverages or encourage others to do so. He should not create the causes, conditions, methods or karma of drinking or selling any intoxicant wnatsoever, for intoxicants are the causes and conditions of all kinds of offenses. As a Buddha’s disciple, he ought to help all sentient beings achieve clear wisdom. If instead, he causes them to have upside-down, topsy-turvy thinking, he commits a Parajika offense. Sixth, Major Precept on Broadcasting the Faults of the Assembly: Also called not to discuss the faults of other Buddhists. A disciple of the Buddha must not himself broadcast the misdeeds or infractions of Bodhisattva-clerics or Bodhisattva-laypersons, or of ordinary monks and nuns, nor encourage others to do so. He must not create the causes, conditions, methods, or karma of discussing the offenses of the Assembly. As a Buddha’s disciple, whenever he hears evil persons, externalists or followers of the Two Vehicles speak of practices contrary to the Dharma or contrary to the precepts within the Buddhist community, he should instruct them with a compassionate mind and lead them to develop wholesome faith in the Mahayana. If instead, he discusses the faults and misdeeds that occur within the assembly, he commits a Parajika offense. Seventh, Major Precept on Prasing Oneself and Disparaging Others: Also called not to praise onself and disparage others. A disciple of the Buddha shall not praise himself and speak ill of others, or encourage others to do so. He must not create the causes, conditions, methods, or karma of praising himself and disparaging others. As a disciple of the Buddha, he should be willing to stand in for all sentient beings and endure humiliation and slander, accepting blame and letting sentient beings have all the glory. He should never display his own virutes and conceal the good points of others, thus causing them suffer slander, he commits a Parajika offense. Eighth, Major Precept on Stinginess and Abuse of others: A disciple of the Buddha must not be stingy or encourage others to be stingy. He should not create the causes, conditions, methods, or karma of stinginess. As a Bodhisattva, whenever a destitute person comes for help, he should try his best to help, not to refuse. Besides, he must try to help others understand and practice Dharma. If instead, out of anger and resentment, he denies all assistance, refusing to help even a penny, a needle, a blade of grass, even a single sentence or verse or a phrase of Dharma, but instead scolds and abuses that person, he commits a Parajika offense. Ninth, Major Precept on Anger and Resentment: Also called not to get angry. A disciple of the Buddha shall not harbor anger or encourage others to be angery. He should not create the causes, conditions, methods, or karma of anger. In the contrary, As a disciple of the Buddha, he ought to be compassionate and filial, helping all sentient beings, or even transformation beings (deities and spirits) be happy at all times. If instead, he insults and abuses sentient beings, or even transformation beings such as dieties and spirits, with harsh words, hitting them with his fists or feet, or attacking them with a knife or club, or harbors grudges even when the victim confesses his mistakes and humbly seeks forgiveness in a soft, conciliatory voice, the disciple commits a Parajika offense. Tenth, Major Precept on Slandering the Triple Jewel: Also called not to insult the Three Treasures. A Buddha’s disciple shall not himself speak ill of the Triple Jewel or encourage others to do so. He must not create the causes, conditions, methods, or karma of slandering. As a devoted Buddhist, when hearing a single word of slander against the Triple Jewel from externalists or evil beings, he experiences a pain similar to that of hundreds of thousands of spears piercing his heart. How then could he possibly slander the Triple Jewel himself? As a disciple of the Buddha, we are not only always revere the Triple Jewel ourselves, but we also help others understand and revere the Triple Jewel. On the contrary, if a disciple lacks faith and filial piety towards the Triple Jewel, and even assists evil persons or those of wrong views to slander the Triple Jewel, he commits a Parajika offense.
Forty Eight Secondary or Lighter Precepts for MOnastic Bodhisattvas: Forty-eight precepts which the Buddha taught all Bodhisattvas in the Brahma-Net Sutra: respect toward Teachers and Friends, not to Drink Intoxicant Substances, not to Deliberately Eat Meat, not to eat the Five Pungent Herbs (tỏi: garlic, hẹ: chives, kiệu: leeks, hành: onions, hưng cừ: càri—asafoetida), not to Be Willing to Teach Repentence, not to Fail to Request the Dharma or Make Offerings, not to Fail to Attend Dharma Lectures, not to Deliberately Turn Away from the Mahayana, failing to Care for the Sick (both physical and mental), not to Store Deadly Weapons, not to Serve as an Emissary, not to Do Unlawful Businesses, not to Slander the Buddha Dharma, not to Start Wildfire, not to Teach Non-Mahayana Dharma, not to Expound External Theories for Own Gaining, not to Rely on Others’ Powers such as Officials to raise funds, not to serve as a Dharma Transmission Teacher while not understanding sufficiently the Dharma and the Moral Codes, not to Speak with Double-Tongued Speech, fail to Liberate Sentient Beings, not to Return Anger for Anger, Blow for Blow, being Arrogant (Refuse instructions on the sutras and moral codes from Dharma Master on account of his own intelligence) and Refuse to request the Dharma, not to Arrogantly refuse to Answer Dharma Law to Those Who Seek the meaning of Sutras and Moral Codes, fail to Practice Mahayana Teachings, to Serve as an Unskilled Abbot or Unskilled Leadership of the Assembly, not to Accept Personal Offerings. All offerings should belong to the Sangha or monasteries. Therefore, to accept personal offerings is a form of stealing the possessions of the Sangha, not to Accept any offerings from Personal Invitations because to do so is also to steal the possessions of the Sangha, laypersons not to Issue Discriminatory Invitations, not to Persue Improper Livelihoods such as engaging in the worldly businesses under any circumstances, not to Handle any Business Affairs for the Laity, when Seeing Evil People Steal and Sell Statues or Paintings of Buddhas, Devoted Buddhist must try to repurchase (Buy Back) Clerics Along with Sacred Objects, not to Harm Sentient Beings (selling knives, clubs, bows, arrows, Abusing governmental position to confiscate people’s possessions, rasing cats, dogs, or any animals), not to Watch Improper Activities such as fighting, gambling or to listen to sounds of conch shells, drum, horns, guitars, flutes, songs or other music, etc, it is a Secondary Offense for a Buddhist to Temporary Abandoning of Bodhi Mind, especially monks and nuns, fail to Make Great Vows, fail to Take Solemn Oaths (would rather jump into a raging blaze, wrap self a thousand times with red-hot iron net, swallow red-hot iron pellets and drink molten iron, lie on a bonfire or burning iron, be impaled for eons by hundred of spears, jump into a caudron of boiling oil and roast for hundreds of thousands of eons, be pulverized from head to toe by an iron sledge hammer, have both eyes blinded by hundreds of thousands of swords, etc., should never break the precepts), not to Travel in Dangerous Areas, not to Sit in the Improper Order Within the Assembly, fail to Cultivate Merits and Wisdom, discrimination in Conferring the Precepts, teaching for the Sake of Personal Profits, reciting the Precepts to Evil Persons with a greed of fame, thoughts of Violating the Precepts, fail to Honor the Sutras and Moral Codes, fail to Teach Sentient Beings, preaching in an Inappropriate Manner. A devoted Buddhist, especially monks and nuns, should always have a mind of Great Compassion to teach and transform sentient beings, abuse high official position in the Order to undetermine the moral code of the Buddhas and set Regulations against the Dharma, to destroy the Dharma for Fame or Profit.
Forty Eight Secondary or Lighter Precepts which the Buddha taught all Bodhisattvas in the Brahma-Net Sutra can be summarily explained as follows. The First Secondary Precept on Disrespect toward Teachers and Friends: A disciple of the Buddha who is destined to become an emperor, a Wheel-Turning King, or high official should first receive the Bodhisattva precepts. He will then be under the protection of all guardians, dieties and spirits, and the Buddhas will be pleased. Once he has received the precepts, the disciple should develop a mind of filial piety and respect. Whenever he meets an Elder Master, a monk, or a fellow cultivator of like views and like conduct, he should rise and greet him with respect. He must then respectfully make offerings to the guest-monks, in accord with the Dharma. He should be willing to pledge himself, his family, as well as his kingdom, cities, jewels and other possessions. If instead, he should develop conceit or arrogance, delusion or anger, refusing to rise and greet guest-monks and make offerings to them respectfully, in accordance with the Dharma, he commits a secondary offense. The Second Secondary Precept on Consuming Alcoholic Beverages: A disciple of the Buddha should not intentionally consume alcoholic beverages, as they are the source of countless offenses. If he but offers a glass of wine to another person, his retribution will be to have no hands for five hundred lifetimes. How could he then consume liquor himself! Indeed, a Bodhisattva should not encourage any person of any other sentient being to consume alcoholic, much less take any alcoholic beverages himself. A disciple should not drink any alcoholic beverages whatsoever. If instead, he deliberately does so or encourage others to do so, he commits a secondary offense. The Third Secondary Precept on Eating Meat: A disciple of the Buddha must not deliberately eat meat. He should not eat the flesh of any sentient being. The meat-eater forfeits the seed of Great Compassion, severs the seed of the Buddha Nature and causes animals and transcendental beings to avoid him. Those who do so are guilty of countless offenses. Therefore, Bodhisattvas should not eat flesh of any sentient beings whatsoever. If instead, he deliberately eats meat, he commits a secondary offense. The Fourth Secondary Precept on Five Pungent Herbs: A disciple of the Buddha should not eat the five pungent herbs: garlic, chives, leeks, onions, and asafoetida. This is so even if they are added as flavoring to the main dishes. Hence, if he deliberately does so, he commits a secondary offense. The Fifth Secondary Precept on Not Teaching Repentance: Should a disciple of the Buddha see any being violate the Five Precepts, the Eight Precepts, the Ten Precepts, other prohibitions, or commit any of the Seven Cardinal Sins or any offense which leads to the Eight Adversities, any violations of the precepts whatever, he should counsel the offender to repent and reform. Hence, if a Bodhisattva does not do so and furthermore continues to live together in the assembly with the offender, share in the offerings of the laity, participate in the same Uposatha ceremony and recite the precepts, while failing to bring up that person’s offense, enjoining himself to reprent, the disciple commits a secondary offense. The Sixth Secondary Precept on Failing to Request the Dharma or Make Offerings: Should an Elder Master, a Mahayana monk or fellow cultivator of like views and practice, come from far away to the temple, residence, city or village of a disciple of the Buddha, the disciple should respectfully welcome him and see him off. He should minister to his needs at all times, though doing so may cost as much as three ounces of gold! Moreover, the disciple of the Buddha should respectfully request the guest-master to preach the Dharma three times a day by bowing to him without a single thought of resentment or weariness. He should be willing to sacrifice imself for the Dharma and never be lax in requesting it. If he does not act in this manner, he commits a secondary offense. The Seventh Secondary Precept on Failing to Attend Dharma Lectures: A disciple of the Buddha, who has just begun Bodhisattva training should take copies of the appropriate sutras or precept codes to any place where such sutras or moral codes are being explained, to listen, study, and inquire about the Dharma. He should go to wherever there is a Dharma Master lecturing, be it in a house, beneath a tree, in a temple, in the forests or mountains, or elsewhere. If he fails to do so, he commits a secondary offense. The Eighth Secondary Precept on Turning Away from the Mahayana: If a disciple of the Buddha denies the eternal Mahayana sutras and moral codes, declaring that they were not actually taught by the Buddha, and instead follows and observes those of the Two Vehicles and deluded externalists, he commits a secondary offense. The Ninth Secondary Precept on Failure to Care for the Sick: Should a disciple of the Buddha see anyone who is sick, he is constantly to provide for that person’s needs just as he would for a Buddha. Of the eight Fields of Blessings, looking after the sick is the most important. A Buddha’s disciple should take care of his father, mother, Dharma teacher or disciple, regardless of whether he or she is disabled or suffering from various kinds of diseases. If instead, he becomes angry and resentful and fails to do so, or refuses to rescue the sick or disabled in the temple, cities and towns, forests and mountains, or along the road, he commits a secondary offense. The Tenth Secondary Precept on Storing Deathly Weapons: A disciple of the Buddha should not store weapons such as knives, clubs, bows, arrows, spears, axes or any other weapons, nor may he keep nets, traps or any such devices used in destroying life. As a disciple of the Buddha, he must not even avenge the death of his parents, let alone kill sentient beings! He should not store any weapons or devices that can be used to kill sentient beings. If he deliberately does so, he commits a secondary offense. The Eleventh Secondary Precept on Serving as an Emissary: A disciple of the Buddha shall not, out of personal benefit or evil intentions, act as a country emissary to foster military confrontation and war causing the slaughter of countless sentient beings. As a disciple of the Buddha, he should not be involved in military affairs, or serve as a courier between armies, much less act as a willing catalyst for war. If he deliberately does so, he commits a secondary offense. The Twelfth Secondary Precept on Unlawful Business Undertakings: A disciple of the Buddha must not deliberately trade in slaves or sell anyone into servitude, nor should he trade in domestic animals, coffins or wood for caskets. He cannot engage in these types of business himself much less encourage others to do so. Otherwise, he commits a secondary offense. The Thirteenth Secondary Precept on Slander and Libel: A disciple of the Buddha must not, without cause and with evil intentions, slander virtuous people, such as Elder Masters, monks or nuns, kings, princes or other upright persons, saying that they have committed the Seven Cardinal Sins or broken the Ten Major Bodhisattva Precepts. He should be compassionate and filial and treat all virtuous people as if they were his father, mother, siblings or other close relatives. If instead, he slanders and harms them, he commits a secondary offense. The Fourteenth Secondary Precept on Starting Wildfire: A disciple of the Buddha shall not, out of evil intentions, start wildfires to clear forests and burn vegetation on mountains and plains, during the fourth to the ninth months of the lunar year. Such fires are particularly injurious to animals during that period and may spread to people’s homes, towns and villages, temples and monasteries, fields and groves, as weel as the unseen dwellings and possessions of deities and ghosts. He must not intentionally set fire to any place where there is life. If he deliberately does so, he commits a secondary offense. The Fifteenth Secondary Precept on Teaching Non-Mahayana Dharma: A disciple of the Buddha must teach one and all, from fellow disciples, relatives and spiritual friends to externalists and evil beings, how to receive and observe the Mahayana sutras and moral codes. He should teach the Mahayana principles to them and then develop the Bodhi Mind, as well as the ten Dwellings, the Ten Practices and the Ten Dedications, explaining the order and function of each of these Thirty Minds or levels. If instead, the disciple, with evil, hateful intentions, perversely teaches them the sutras and moral codes of the Two Vehicle tradition as well as the commentaries of deluded externalists, he thereby commits a secondary offense. The Sixteenth Secondary Precept on Unsound Explanation of the Dharma: A Bodhisattva Dharma Master must first, with a wholesome mind, study the rules of deportment, as well as sutras and moral codes of the Mahayana tradition, and understand their meanings in depth. Then, whenever novices come from afar to seek instruction, he should explain, in conformity with the Dharma, all the Bodhisattva renunciation practices, such as burning one’s body, arm, or finger as the ultimate act in the quest for Supreme Enlightenement. If a novice is not prepared to follow these practices as an offering to the Buddhas, he is not a Bodhisattva monk. Moreover, a Bodhisattva monk should be willing to sacrifice his body and limbs for starving beasts and hungry ghosts as the ultimate act of compassion in rescuing sentient beings. After these explanations, the Bodhisattva Dharma Master should teach the novices in an orderly way, to awaken their minds. If instead, for personal gain, he refuses to teach or teaches in a confused manner, quoting passages out of order and context, or teaches in a manner that disparages the Triple Jewel, he commits a secondary offense. The Seventeenth Secondary Precept on Exacting Donations: A disciple of the Buddha must not, for the sake of food, drink, money, possessions or fame, approach and befriend kings, princes, or high officials and on the strength of such relationships, raise funds, or obtain other advantages. Nor may he encourage others to do so. These actions are called untoward, excessive demands and lack compassion and filial piety. Such a disciple commits a secondary offense. The Eighteenth Secondary Precept on Serving as an Inadequate Master: A disciple of the Buddha should study the Twelve Divisions of the Dharma and recite the Bodhisattva Precepts frequently. He should strictly observe these precepts in the Six Periods of the day and night and fully understand their meaning and principles as well as the essence of their Buddha Nature. If instead, the disciple of the Buddha fails to understand even a sentence or a verse of the moral code or the causes and conditions related to the precepts, but pretends to understand them, he is deceiving both himself and others. A disciple who understands othing of the Dharma, yet acts as a teacher transmitting the precepts, comits a secondary offense. The Nineteenth Secondary Precept on Double-Tongue Speech: A disciple of the Buddha must not, with malicious intent gossip or spread rumors and slander, create discord and disdain for virtuous people. An example is disparaging a monk who observes the Bodhisattva precepts, as he makes offerings to the Buddha by holding an incense burner to his forehead. A disciple of the Buddha who does so commits a secondary offense. The Twentieth Secondary Precept on Failure to Liberate Sentient Beings: A disciple of the Buddha should have a mind of compassion and cultivate the practice of liberating sentient beings. He must reflect thus: “Throughout the eons of time, all male sentient beings have been my father, all female sentient beings my mother. I was born of them.” I now slaughter them, I would be slaughtering my parents as well as eating flesh that was once my own. This is so because all elemental earth, water, fire and air, the four constituents of all life, have previously been part of my body, part of my substance. I must therefore always cultivate the practice of liberating sentient beings and enjoin others to do likewise, as sentient beings are forever reborn, again and again, lifetime after lifetime. If a Bodhisattva sees an animal on the verge of being killed, he must devise a way to rescue and protect it, helping it to escape suffering and death. The disciple should always teach the Boddhisattva precepts to rescue and deliver sentient beings. On the day of his father, mother, and siblings die, he should invite Dharma Master to explain the Bodhisattva sutras and precepts. This will generate merits and virtues and help the deceased either to achieve rebirth in the Pure Land and meet the Buddhas or to secure rebirth in the human or celestial realms. If instead, a disciple fals to do so, he commits a secondary offense. The Twenty-first Secondary Precept on Violence and Vengefulness: A disciple of the Buddha must not return anger for anger, blow for blow. He should not seek revenge, even if his father, mother, siblings, or close relatives are killed, nor should he do so if the ruler or king of his country is murdered. To take the life of one being in order to avenge the killing of another is contrary to filial piety as we are all related through eons of birth and rebirth. Furthermore, he should not keep others in servitude, much less beat or abuse them, creating evil karma of mind, speech and body day after day, particularly the offenses of speech. How much less should he deliberately commit the Seven Cardinal Sins. Therefore, if a Bodhisattva-monk lacks compassion and deliberately seeks revenge, even for an injustice done to his close relatives, he commits a secondary offense. The Twenty-second Secondary Precept on Arrogance and Failure to Request the Dharma: A disciple of the Buddha who has only recently become a monk and is still a novice in the Dharma should not be conceited. He must not refuse instruction on the sutras and moral codes from Dharma Masters on account of his own intelligence, worldly learning, high position, advanced age, noble lineage, vast understanding, great merits, extensive wealth and possessions, etc. Although these Masters may be of humble birth, young in age, poor, or suffering physical disabilities, they may still have genuine virtue and deep understanding of sutras and moral codes. The novice Bodhisattva should not judge Dharma Masters on the basis of their family background and refuse to seek instructions on the Mahayana truths from them. If he does so, he commits a secondary offense. The Twenty-third Secondary Precept on Teaching the Dharma Grudgingly: After my passing, should a disciple, with a wholesome mind, wish to receive the Bodhisattva precepts, he may make a vow to do so before the images of Buddhas and Bodhisattvas and practice repentance before these images fro seven days. If he then experienced a vision, he has received the pecepts. If he does not, he should continue doing so for fourteen days, twenty-one days, or even a whole year, seeking to witness an auspicious sign. After witnessing such a sign, he could, in front of images of Buddhas and Bodhisatvas, formally receive the precepts. If he has not witnessed such a sign, although he may have accepted the precepts before the Buddha images, he has not actually received the precepts. However, the witnessing of auspicious signs is not necessary if the disciple receive the preceptss directly from a Dharma Master who has himself received the precepts. Why is this so? It is because this is a case of transmission from Master to Master and therefore all that is required is a mind of utter sincerity and respect on the part of the disciple. If, within a radius of some thousand miles, a disciple cannot find a Master capable of conferring the Bodhisattva precepts, he may seek to receive them in front of Buddha or Bodhisattva images. However, he must witness an auspicious sign. If a Dharma Master, on account of his extensive knowledge of sutras and Mahayana moral codes as well as his close relationship with kings, princes, and high officials, refuses to give appropriate answer to student-Bodhisattvas seeking the meaning of sutras and moral codes, or does so grudgingly, with resentment and arrogance, he commits a secondary offense. The Twenty-fourth Secondary Precept on Failure to Practice Mahayana Teaching: If a disciple of the Buddha fails to study Mahayana sutras and moral codes assduously and cultivate correct views, correct nature and correct Dharma Body, it is like abandoning the Seven Precious Jewels for mere stones: worldly texts and the Two Vehicle or externalist commentaries. To do so is to create the causes and conditions that obstruct the Pah to Enlightenment and cut himself off from his Buddha Nature. It is a failure to follow the Bodhisattva path. If a disciple intentionally acts in such a manner, he commits a secondary offense. The Twenty-fifth Secondary Precept on Unskilled Leadership of the Assembly: After my pasing, should a disciple serve as an abbot, elder Master, Precept Master, Meditation Master, or Guest Prefect, he must develop a compassionate mind and peacefully settle differences within the Assembly, skillfully administering the resources of the Three Jewels, spending frugally and not treating them as his own property. If instead, he were to create disorder, provoke quarrels and disputes or squander the resources of the Assembly, he would commit a secondary offense. The Twenty-sixth Secondary Precept on Accepting Personal Offerings: Once a disciple of the Buddha has settled down in a temple, if visiting Bodhisattva Bhikshu should arrive at the temple precints, the guest quarters established by the king, or even the summer retreat quarters, or the quarters of the Great Assembly, the disciple should welcome the visiting monks and see them off. He should provide them with such essentials as food and drink, a place to live, beds, chairs, and the like. If the host does not have the necessary means, he should be willing to pawn himself or cut off and sell his own flesh. Whenever there are meal offerings and ceremonies at a layman's home, visiting monks should be given a fair share of the offerings. The abbot should send the monks, whether residents or guests, to the donor’s place in turn according to their sacerdotal age or merits and virtues. If only resident monks are allowed to accept invitations and not visiting monks, the abbot is committing a grievous offense and is behaving no differently than an animal. He is unworthy of being a monk or a son of the Buddha, and is guilty of a secondary offense. The Twenty-seventh Secondary Precept on Accepting Discriminatory Invitation: A disciple of the Buddha must not accept personal invitations nor appropriate the offerings for himself. Such offerings rightly belong to the Sangha, the whole community of monks and nuns of the Ten Directions. To accept personal offerings is to steal the possessions of the Sangha of the Ten Directions. It is tantamount to stealing what belongs to the Eight Fields of Blessings: Buddhas, Sages, Dharma Masters, Precept Masters, Monks/Nuns, mothers, fathers, and the sick. Such a disciple commits a secondary offense. The Twenty-eighth Secondary Precept on Issuing Discriminatory Invitation: A disciple of the Buddha, be he a Bodhisattva monk, lay Bodhisattva, or other donor, should, when inviting monks or nuns to conduct a prayer session, come to the temple and inform the monk in charge. The monk will then tell him: “Inviting members of the Sangha according to the proper order is tantamount to inviting the arhats of the Ten Directions. To offer a discriminatory special invitation to such a worthy group as five hundred Arhats or Bodhisattva-monks will not generate as much merit as inviting one ordinary monk, if it is his turn. There is no provision in the teachings of the Seven Buddhas for discriminatory invitations. To do so is to follow externalist practices and to contradict filial toward all sentient beings. If a disciple deliberately issues a discriminatory invitation, he commits a secondary offense. The Twenty-ninth Secondary Precept on Improper Livelihood: A disciple of the Buddha should not, for the sake of gain or with evil intentions, engage in the business of prostitution, selling the wiles and charms of men and women. He must also not cook for himself, milling and pounding grain. Neither may he act as a fortune-teller predicting the gender of children, reading dreams and the like. Nor shall he practice sorcery, work as a trainer of falcons or hunting dogs, nor make a living concocting hundreds and thousands of poisons from deadly snakes, insects, or from gold and silver. Such occupations lack mercy, compassion, and filial piety toward sentient beings. Therefore, if a Bodhisattva intentionally engages in these occupations, he commits a secondary offense. The Thirtieth Secondary Precept on Handling Business Affairs for the Laity: A disciple of the Buddha must not, with evil intentions, slander the Triple Jewel while pretending to be their close adherent, preaching the Truth of Emptiness while his actions are in the realm of Existence. Thus, he must not handle worldly affairs for the laity, acting as a go-between or matchmaker, creating the karma of attachment. Moreover, during the six days of fasting each month and the three months of fasting each year, a disciple should strictly observe all precepts, particularly those against kiling, stealing and the rules against breaking the fast. Otherwise, the disciple commits a secondary offense. The Thirty-first Secondary Precept on Rescuing Clerics Along with Sacred Objects: After my passing, in the evil periods that will follow, there will be externalists, evil persons, thieves and robbers who steal and sell statues and paintings of Buddhas, Bodhisattvas and those to whom respect is due such as their parents. They may even peddle copies of sutras and moral codes, or sell monks, nuns or those who follow the Bodhisattva Path or have developed the Bodhi Mind to serve as retainers or servants to officials and others. A disicple of the Buddha, upon witnessing such pitiful events, must develop a mind of compassion and find ways to rescue and protect all persons and valuables, raising funds wherever he can for this purpose. If a Bodhisattva does not act in this manner, he commits a secondary offense. The Thirty-second Secondary Precept on Harming Sentient Beings: A disciple of the Buddha must not sell knives, clubs, bows, arrows, other life-taking devices, nor keep altred scales or measuring devices. He should not abuse his governmental position to confiscate people’s possessions, nor should he, with malice at heart, restrain or imprison others or sabotage their success. In addition, he should not raise cats, dogs, foxes, pigs and other such animals. If he intentionally does such things, he commits a secondary offense. The Thirty-third Secondary Precept on Watching Improper Activities: A disciple of the Buddha must not, with evil intentions, watch people fighting or battling of armies, rebels, gangs and the like. He should not listen to the sounds of conch shells, drums, horns, guitars, flutes, songs or other music, nor should he be party to any form of gambling, whether dice, checkers, or the like. Furthermore, he should not practice fortune-telling or divination nor should he be an accomplice to thieves and bandits. He must not participate in any of these activities. If instead, he intentionally does so, he commits a secondary offense. The Thirty-fourth Secondary Precept on Temporary Abandoning of the Bodhi Mind: A disciple of the Buddha should observe the Bodhisattva precepts at all times, whether walking, standing, reclining or seated, reading and reciting them day and night. He should be resolute in keeping the precepts, as strong as a diamond, as desperate as a shipwrecked person clinging to a small log while attempting to cross the ocean, or as principled as the Bhiksu bound by reeds. Furthermore, he should always have a wholesome faith in the teachings of the Mahayana. Conscious that sentient beings are Buddhas-to-be while the Buddhas are realized Buddhas, he should develop the Bodhi Mind and maintain it in each and every thought, without retrogression. If a Bodhisattva has but a single thought in the direction of the Two Vehicles or externalist teachings, he commits a secondary offense. The Thirty-fifth Secondary Precept on Failure to Make Great Vows: A Bodhisattva must make many great vows, to be filial to his parents and Dharma teachers, to meet good spiritual advisors, friends, and colleagues who will keep teaching him the Mahayana sutras and moral codes as well as the Stages of Bodhisattva Practice, the Ten Dwellings, the Ten Practices, the Ten Dedications, and the Ten Grounds. He should further vow to understand these teachings clearly so that he can practice according to the Dharma while resolutely keeping the precepts of the Buddhas. If necessary, he should lay down his life rather than abandon this resolve. If any Bodhisattva does not make such vows, he commits a secondary offense. The Thirty-sixth Secondary Precept on Failure to Take Solemn Oaths: Once a Bodhisattva has made these great vows, he should strictly keep the precepts of the Buddhas and take the following oaths: “I would rather jump into a raging blaze, a deep abyss, or into a mountain of knives, than engage in impure actions with any woman, thus violating the sutras and moral codes of the Buddhas of the Three Periods of Time. I would rather wrap myself a thousand times with a red-hot iron net, than let this body, should it break the precepts, wear clothing provided by the faithful. I would rather swallow red hot iron pellets and drink molten iron for hundreds of thousands of eons, than let this mouth, should it break the precepts, consume food and drink provided by the faithful. I would rather lie on a bonfire or burning iron net than let this body, should it break the precepts, rest on bedding, blankets and mats supplied by the faithful. I would rather be impaled for eons by hundreds of spears, than let this body, should it break the precepts, receive medications from the faithful. I would rather jump into a cauldron of boiling oil and roast for hundreds of thousands of eons, than let this body, should it break the precepts, receive shelter, groves, gardens, or fields from the faithful.” He should also take the following oaths: “I would rather be pulverized from head to toe by an iron sledge hammer, than let this body, should it break the precepts, accept respect and reverence from the faithful. I would rather have both eyes blinded by hundreds of thousands of swords and spears, than break the precepts by looking at beautiful forms. In the same vein, I shall keep my mind from being sullied by exquisite sounds, fragrances, food and sensations.” He further vows that all sentient beings will achieve Buddhahood. If a disciple of the Buddha does not make the preceding great resolutions, he commits a secondary offense. The Thirty-seventh Secondary Precept on Traveling in Dangerous Areas: As a cleric, a disciple of the Buddha should engage in ascetic practices twice each year. He should sit in meditation, winter and summer, and observe the summer retreat. During those periods, he should always carry eighteen essentials such as a willow branch for a toothbrush, ash-water for soap, the traditional three clerical robes, an incense burner, a begging bowl, a sitting mat, a water filter, bedding, copies of sutras and moral codes as well as statues of Buddhas and Bodhisattvas. When praticing austerities and when travelling, be it for thirty miles or three hundred miles, a disciple of the Buddha should always have the eighteen essentials with him. The two periods of austerities are from the 15th of the first lunar month to the 15th of the third lunar month, and from the 15th of the eighth lunar month to the 15th of the tenth lunar month. During the periods of austerities, he requires these eighteen essentials just as a bird needs its two wings. Twice each month, the novice Bodhisattva should attend the Uposatha ceremony and recite the Ten Major and Forty-Eight Secondary Precepts. Such recitations should be done before images of the Buddhas and Bodhisattvas. If only one person attends the ceremony, then he should do the reciting. If two, three, or even hundreds of thousands attend the ceremony, still only one person should recite. Everyone else should listen in silence. The one reciting should sit on a higher level than the audience, and everyone should be dressed in clerical robes. During the summer retreat, each and every activity should be managed in accordance with the Dharma. When practicing the austerities, the Buddhist disciple should avoid dangerous areas, unstable kingdoms, countries ruled by evil kings, precipitousterrains, remote wildernesses, regions inhabited by bandits, thieves, or lions, tigers, wolves, poisonous snakes, or areas subject to hurricanes, floods and fires. The disciple should avoid all such dangerous areas when practicing austerities and also when observing the summer retreat. Otherwise, he commits a secondary offense. The Thirty-eighth Secondary Precept on Order of Seating within the Assembly: A disciple of the Buddha should sit in the proper order when in the Assembly. Those who rceived the Bodhisattva precepts first sit first, those who received the precepts afterwards should sit behind. Whether old or young, a Bhiksu or Bhiksuni, a person of status, a king, a prince, a eunuch, or a servant, etc., each should sit according to the order in which he received the precepts. Disciples of the Buddha should not be like externalists or deluded people who base their order on age or sit without any order at all, in barbarian fashion. In my Dharma, the order of sitting is based on seniority of ordination. Therefore, if a Bodhisattva does not follow the order of sitting according to the Dharma, he commits a secondary offense. The Thirty-ninth Secondary Precept on Failure to Cultivate Merits and Wisdom: A disciple of the Buddha should constantly counsel and teach all people to establish monasteries, temples and pagodas in mountains and forests, gardens and fields. He should also construct stupas for the Buddhas and buildings for winter and summer retreats. All facilities required for the practice of the Dharma should be established. Moreover, a disciple of the Buddha should explain Mahayana sutras and the Bodhisattva precepts to all sentient beings. In times of sickness, national calamities, impending warfare or upon the death of one’s parents, brothers and sisters, Dharma Masters and Precept Masters, a Bodhisattva should lecture and explain Mahayana sutras and the Bodhisattva precepts weekly for up to seven weeks. The disciple should read, recite, and explain the Mahayana sutras and the Bodhisattva precepts in all prayer gatherings, in his business undertakings and during periods of calamities, fire, floods, storms, ship lost at sea in turbulent waters or stalked by demons, etc. In the same vein, he should do so in order to transcend evil karma, the Three Evil Realms, the Eight Difficulties, the Seven Cardinal Sins, all forms of imprisonment, or excessive sexual desire, anger, delusion, and illness. If a novice Bodhisattva fails to act as indicated, he commits a secondary offense. The Fortieth Secondary Precept on Discrimination in Conferring the Precepts: A disciple of the Buddha should not be selective and show preference in conferring the Bodhisattva precepts. Each and every person can receive the precepts, kings, princes, high officials, Bhiksus, Bhksunis, laymen, laywomen, libertines, prostitudes, the gods in the eighteen Brahma Heavens or the six Desire Heavens, asexual persons, bisexual persons, eunuchs, slaves, or demons and ghosts of all types. Buddhist disciples should be instructed to wear robes and sleep on cloth of a neutral color, formed by blending blue, yellow, red, black and purple dyes all together. The clothing of monks and nuns should, in all countries, be different from those worn by ordinary persons. Before someone is allowed to receive the Bodhisattva precepts, he should be asked: “have you committed any Cardinal Sins?” The Precept Master should not allow those who have committed such sins to receive the precepts. Here are the Seven Cardinal Sins: Shedding the Buddha’s blood, murdering a sage, killing one’s father, one’s mother, murdering a DharmaTeacher, mudering a Precept Master or disrupting the harmony of the Sangha. Except for those who have committed the Cardinal Sins, everyone can receive the Bodhisattva precepts. The Dharma rules of the Buddhist Order prohibit monks and nuns from bowing down before rulers, parents, relatives, demons and ghosts. Anyone who understands the explanations of the Precept Master can receive the Bodhisattva precepts. Therefore, if a person were to come from thirty to three hundred miles away seeking the Dharma and Precept Master, out of meanness and anger, does not promptly confer these precepts, he commits a secondary offense. The Forty-first Secondary Precept on Teaching for the Sake of Profit: If a disciple of the Buddha, when teaching others and developing their faith in the Mahayana, should discover that a particular person wishes to receive the Bodhisattva precepts, he should act as a teaching master and instruct that person to seek out two Masters, a Dharma Master and a Precept Master. These two Masters should ask the Precept candidate whether he has committed any of the Seven Cardinal Sins in this life. If he has, he cannot receive the precepts. If not, he may receive the precepts. If he has broken any of the Ten Major Precepts, he should be instructed to repent befoe the statues of Buddhas and Bodhiattvas. He sould do so six times a day and recite the Ten Major and Forty-Eight Minor Precepts, paying respect with utter sincerity to the Buddhas of the Three Periods of Time. He should continue in this manner until he receives an auspicious response, which could occur after seven days, fourteen days, twenty-one days, or even a year. Examples of auspicious signs include: experiencing the Buddhas rub the crown of one’s head, or seeing lights, halos, flowers and other such rare phenomena. The witnessing of an auspicious sign indicates that the candidate’s karma has been dissipated. Othewise, although he has repented, it was of no avail. He still has not received the precepts. However, the merits accrued will increase his chances of receiving the precepts in a future lifetime. Unlike the case of a major Bodhisattva precept, if a candidate has violated any of the Forty-Eight Secondary Precepts, he can confess his infraction and sincerely repent before Bodhisattva-monks or nuns. After that, his offense will be eradicated. The officiating Master, however, must fully understand the Mahayana sutras and moral codes, the secondary as well as the major Bodhisattva precepts, what constitutes an offense and what does not, the truth of Primary Meaning, as well as he various Bodhisattva cultivation stages, the Ten Dwellings, the Ten Practices, the Ten Dedications, the Ten Grounds, and Equal and Wonderful Enlightenment. He should also know the type and degree of contemplation required for entering and exiting these stages and be familiar with the Ten Limbs of Enlightenment as well as a variety of other contemplations. If he is not familiar with the above and, out of greed for fame, disciples or offerings, he makes a pretense of understanding the sutras and moral codes, he is deceiving himself as well as others. Hence, if he intentionally acts as Precept Master, transmitting the precepts to others, he commits a secondary offense. The Forty-second Secondary Precept on Reciting the Precepts to Evil Persons: A disciple of the Buddha should not, with a greedy motive, expound the great precepts of the Buddhas before those who have not received them, externalists or persons with heterodox views. Except in the case of kings or supreme rulers, he may not expound the precepts before any such persons. Persons who hold heterodox views and do not accept the precepts of the Buddhas are animalistic in nature. They will not, lifetime after lifetime, encounter the Triple Jewel. They are as senseless as trees and stones; they are no different from wooden stumps. Hence, if a disciple of the Buddha expounds the precepts of the Seven Buddhas before such persons, he commits a secondary offense. The Forty-third Secondary Precept on Thoughts of Violating the Precepts: If a disciple of the Buddha joins the Order out of pure faith, receives the correct precepts of the Buddhas, but then develops thoughts of violating the precepts, he is unworthy of receiving any offerings from the faithful, unworthy of walking on the ground of his motherland, unworthy of drinking its water. Five thousand guardians spirits constantly block his way, calling him “Evil thief!” These spirits always follow him into people’s homes, villages and towns, sweeping away his very footsprints. Everyone curses such a disciple, calling him a “Thief within the Dharma.” All sentient beings avert their eyes, not wishing to see him. A disciple of the Buddha who breaks the precepts is no different from an animal or a wooden stump. Hence, if a disciple intentionally violates the correct precepts, he commits a secondary offense. The Forty-fourth Secondary Precept on Failure to Honor the Sutras and Moral Codes: A disciple of the Buddha should always singlemindedly receive, observe, read and recite the Mahayana sutras and moral codes. He should copy the sutras and moral codes onto bark, paper, fine cloth, or bamboo clats and not hesitate to use his own skin as paper, draw his own blood for ink and his marrow for ink solvent, or split his bones for use as pens. He should use precious gems, priceless incense and flowers and other precious things to make and adorn covers and cases to store the sutras and codes. Hence, if he does not make offerings to the sutras and moral codes, in accordance with the Dharma, he commits a secondary offense. The Forty-fifth Secondary Precept on Failure to Teach Sentient Beings: A disciple of the Buddha should develop a mind of Great Compassion. Whenever he enters people’s homes, villages, cities or towns, and sees sentient beings, he should say aloud, “You sentient beings should all take the Three Refuges and receive the Ten Major Bodhisattva Precepts.” Should he come across cows, pigs, horses, sheep and other kinds of animals, he should concentrate and say aloud “You are now animals; you should develop the Bodhi Mind.” A Bodhisattva, wherever he goes, be it climbing a mountain, entering a forest, crossing a river, or walking through a field should help all sentient beings develop the Bodhi Mind. If a disciple of the Buddha does not wholeheartedly teach and rescue sentient beings in such a manner, he commits a secondary offense. The Forty-sixth Secondary Precept on Preaching in an Inappropriate Manner: A disciple of the Buddha should always have a mind of Great Compassion to teach and transform sentient beings. Whether visiting wealthy and aristocratic donors or addressing Dharma gatherings, he should not remain standing while explaining the Dharma to laymen, but should occupy a raised seat in front of the lay assembly. A Bhiksu serving as Dharma instructor must not be standing while lecturing to the Fourfold Assembly. During such lectures, the Dharma Master should sit on a raised seat amidst flowers and incense, while the Fourfold Assembly must listen from lower seats. The Assembly must respect and follow the Master like filial sons following their parents or Brahmans worshipping fire. If a Dharma Master does not follow these rules while preaching the Dharma, he commits a secondary offense. The Forty-seventh Secondary Precept on Regulations against the Dharma: A disciple of the Buddha who has accepted the precepts of the Buddhas with a faithful mind, must not use his high official position as a king, prince, official, etc. to undermine the moral code of the Buddhas. He may not establish rules and regulations preventing the four kinds of lay disciples from joining the Order and practicing the Way, nor may he prohibit the making of Buddha or Bodhisattva images, statues and stupas, or the printing and distribution of sutras and codes. Likewise, he must not establish rules and regulations placing controls on the Fourfold Assembly. If highly placed lay disciples engage in actions contrary to the Dharma, they are no different from vassals in the service of illegitimate rulers. A Bodhisattva should rightfully receive respect and offerings from all. If instead, he is forced to defer to officials, this is contrary to the Dharma, contrary to the moral code. Hence, if a king or official has received the Bodhisattva precepts with a wholesome mind, he should avoid offenses that harm the Three Jewels. If instead, he intentionally commits such acts, he is guilty of a secondary offense. The Forty-eighth Secondary Precept on Destroying the Dharma: A disciple of the Buddha who becomes a monk with wholesome intentions must not, for fame or profit, explain the precepts to kings or officials in such a way as to cause monks, nuns or laymen who have received the Bodhisattva precepts to be tied up, thrown into prison, conscripted or enslaved. If a Bodhisattva acts in such a manner, he is no different from a worm in a lion’s body, eating away at the lion’s flesh. Tis is not something a worm living outside the lion can do. Likewise, only disciples of the Buddhas can bring down the Dharma, no externalist or celestial demon can do so. Those who have received the precepts of the Buddha should protect and observe them just as a mother would care for her only child or a filial son his parents. They must not bring down the Dharma. If a Bodhisattva hears externalists or evil-minded persons speak ill of, or disparage, the precepts of the Buddhas, he should feel as though his heart were pierced by three hundred spears, or his body stabbed with a thousand knives or thrashed with a thousand clubs. He would rather suffer in the hells himself for a hundred eons than hear evil beings disparage the precepts of the Buddha. How much worse it would be if the disciple were to break the precepts himself or incite others to do so! This is indeed an unfilial mind! Hence, if he violates the precepts intentionally, he commits a secondary offense.
Tài Liệu Tham Khảo
References
1. Bodh Gaya, Shanti Swaroop Bauddh, New Delhi, 2005.
2. The books of The Discipline (Vinaya Pitaka), translated by I.B. Horner: 1997.
3. Brahma-Net Sutra, New Delhi, India 1975.
4. Buddha, Dr. Hermann Oldenberg, New Delhi, 1997.
5. The Buddha’s Ancient Path, Piyadassi Thera, 1964.
6. The Buddha Eye, Frederick Franck, 1982.
7. The Buddha and His Dharma, Dr. B.R. Ambedkar, Delhi, 1997.
8. The Buddha and His Teachings, Narada: 1973.
9. Buddhism, Ed. Manan Sharma, New Delhi, 2002.
10. Buddhist Ethics, Hammalawa Saddhatissa, 1970.
11. The Buddhist Handbook, John Snelling, 1991.
12. Buddhist Images of Human Perfection, Nathan Katz, India 1982.
13. Buddhist Logic, 2 Vols., Th. Stcherbatsky, 1962.
14. Buddhist Sects in India, Nalinaksha Dutt, 1978.
15. Buddhist Shrines in India, D.C. Ahir, New Delhi, 1986.
16. Buddhist Thought in India, Edward Conze, 1962.
17. The Chinese Madhyama Agama and the Pali Majjhima Nikaya, Bhikkhu Thích Minh Châu, India 1991.
18. A Compendium of Chief Kagyu Master, Dr. C.T. Dorji, New Dehli, 2005.
19. A Comprehensive Manual of Abhidharma, Bhikkhu Bodhi, Sri Lanka 1993.
20. The Concept of Personality Revealed Through The Pancanikaya, Thích Chơn Thiện, New Delhi, 1996.
21. The Connected Discourses of the Buddha, translated from Pali by Bhikkhu Bodhi, 2000.
22. The Conquest of Suffering, P.J. Saher, Delhi 1977.
23. The Dhammapada, Narada, 1963.
24. Duy Thức Học, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, 1958.
25. Đạo Phật An Lạc và Tỉnh Thức, Thiện Phúc, USA, 1996.
26. Đạo Phật Trong Đời Sống, 10 volumes, Thiện Phúc, USA, 1994.
27. English-Vietnamese Buddhist Dictionary, 10 volumes, Thiện Phúc, USA, 2007.
28. Essential of Buddhism, Gnanarama, Singapore, 2000.
29. Essentials of Buddhism, Kogen Mizuno, Tokyo, 1972.
30. The Flower Ornament Scripture, Shambhala: 1987.
31. Gems of Buddhist Wisdom, many authors, Kular Lumpur, 1983.
32. The Great Buddhist Emperor of Asia, Ven. Dr. Medhankar, Nagpur, India, 2000.
33. The Heart of Wisdom, Dr. C.T. Dorji, New Dehli, 2005.
34. History of Theravada Buddhism in South East Asia, Kanai Lal Hazra, New Dehli, 1981.
35. The Holy Teaching of Vimalakirti, Robert A.F. Thurman: 1976.
36. An Index to the Lankavatara Sutra, Daisetz Teitaro Suzuki, London, 1934.
37. Kim Cang Giảng Giải, Hòa Thượng Thích Thanh Từ, 1992.
38. Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết, Hòa Thượng Thích Huệ Hưng, 1951.
39. Kinh Đại Bát Niết Bàn, dịch giả Hòa Thượng Thích Trí Tịnh: 1990.
40. Kinh Pháp Bảo Đàn, Hòa Thượng Thích Thanh Từ, 1992.
41. Kinh Tâm Địa Quán, Hòa Thượng Thích Tâm Châu, 1959.
42. Kinh Trường Bộ, Hòa Thượng Thích Minh Châu: 1991.
43. Kinh Trường Bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1991.
44. Kinh Trung Bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1992.
45. Kinh Tương Ưng Bộ, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1993.
46. Kinh Tăng Chi Bộ, Viện Nghiên Cứu Phât Học Việt Nam: 1996.
47. Kinh Tạp A Hàm, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1993.
48. Kinh Trung A Hàm, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1992.
49. Kinh Trường A Hàm, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1991.
50. Kinh Ưu Bà Tắc Giới, Sa Môn Thích Quảng Minh, 1957.
51. Linguistic Approach to Buddhism Thought, Genjun H. Sasaki, Delhi 1986.
52. The Long Discourses of the Buddha, translated from the Pali by Maurice Walshe, 1987.
53. A Manual of Abhidharma, Most Venerable Narada, Kuala Lumpur, 1956.
54. A Manual of Buddhism, Most Venerable Narada, Kuala Lumpur, 1992.
55. The Method of Zen, Eugen Herrigel, 1960.
56. The Middle Length Discourses of the Buddha, translated from the Pali by Bhikkhu Nanamoli, edited and revised by Bhikkhu Bodhi, 1995.
57. Nagarjuna’s Philosophy, K. Venkata Ramanan, Delhi 1975.
58. Những Đóa Hoa Vô Ưu, 3 tập, Thiện Phúc, USA, 2012.
59. Niệm Phật Thập Yếu, Hòa Thượng Thích Thiền Tâm, 1950.
60. Pen Portraits Ninety Three Eminent Disciples of the Buddha, C. de Saram, Singapore, 1966.
61. Phật Giáo và Triết Học Tây Phương, H.T. Thích Quảng Liên, 1996.
62. Phật Pháp Căn Bản (Việt-Anh)—Basic Buddhist Doctrines, 08 volumes, Thiện Phúc, USA, 2009.
63. The Pioneers of Buddhist Revival in India, D.C. Ahir, New Delhi 1989.
64. Rajagraha, Jugal Kishore Bauddh, New Delhi, 2005.
65. A Record of Buddhist Kingdoms, Fa-Hsien, English translator James Legge, 1965.
66. Sarnath, Shanti Swaroop Bauddh, New Delhi, 2003.
67. Seven Works of Vasubandhu, Stefan Anacker, Delhi 1984.
68. The Spectrum of Buddhism, Mahathera Piyadassi, Sri Lanka, 1991.
69. Studies in Ch’an and Hua-Yen, Robert M. Gimello and Peter N. Gregory, Honolulu, 1983.
70. Studies in the Lankavatara Sutra, Daisetz Teitaro Suzuki, London, 1930.
71. Tài Liệu Nghiên Cứu Và Diễn Giảng, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, 1957.
72. Thiên Trúc Tiểu Du Ký, Thiện Phúc, USA, 2006.
73. Thiền Sư, Thiện Phúc, USA, 2007.
74. Thiền Sư Trung Hoa, Hòa Thượng Thích Thanh Từ: 1995.
75. Thiền Trong Đạo Phật, 3 tập, Thiện Phúc, USA, 2012.
76. Thiền Trong Đời Sống, 1 tập, Thiện Phúc, USA, 2012.
77. Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Tâm Minh Lê Đình Thám, 1961.
78. Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Trí Độ và Tuệ Quang, 1964.
79. Trung A Hàm Kinh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1992.
80. Trung Bộ Kinh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1992.
81. Trường A Hàm Kinh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1991.
82. Trường Bộ Kinh, Hòa Thượng Thích Minh Châu: 1991.
83. Trường Bộ Kinh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1991.
84. Tương Ưng Bộ Kinh, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam: 1993.
85. Từ Điển Phật Học Anh-Việt—English-Vietnamese Buddhist Dictionary, 10 volumes, Thiện Phúc, USA, 2007.
86. Từ Điển Phật Học Việt-Anh—Vietnamese-English Buddhist Dictionary, 6 volumes, Thiện Phúc, USA, 2005.
87. Từ Điển Thiền & Thuật Ngữ Phật Giáo Việt-Anh Anh-Việt—Vietnamese-English English-Vietnamese Dictionary of Zen & Buddhist Terms, 12 volumes, Thiện Phúc, USA, 2016.
88. The Vimalakirti Nirdesa Sutra, Charles Luk, 1972.
89. Walking with the Buddha, India Dept. of Tourism, New Delhi, 2004.