- Lời Giới Thiệu
- Phần 1: Tổng Luận Kinh Bốn Mươi Hai Chương
- Chương 1: Định Nghĩa Sa Môn Và Sa Môn Quả
- Chương 2: Đối Tượng Tu Tập (Bảo Sở Sa Môn, Định Nghĩa Đạo)
- Chương 3: Sa Môn Hạnh
- Chương 4: Thập Thiện - Thập Ác
- Chương 5: Lỗi Lầm Và Hối Quá
- Chương 6: Phỉ Báng Thiện Và Ác Quả Dị Thục
- Chương 7: Thái Độ Của Đức Phật Trước Lời Khiển Trách
- Chương 8: Ác Giả Ác Báo
- Chương 9: Giá Trị Tri Và Hành
- Chương 10: Phước Đức Tuỳ Hỷ Hạnh Bố Thí
- Chương 11: Đối Tượng Và Phước Đức Của Bố Thí
- Chương 12: 20 Điều Khó Của Kiếp Người
- Chương 13: Điều Kiện Chứng Túc Mạng Minh
- Chương 14: Định Nghĩa Thiện Và Vĩ Đại
- Chương 15: Nhẫn Nhục
- Chương 16: Điều Kiện Con Đường Đạt Đạo
- Chương 17: Ánh Sáng Người Đạt Đạo
- Chương 18: Cốt Tuỷ Của Đạo Phật
- Chương 19: Nguyên Lý Vô Thường Của Vạn Pháp
- Chương 20: Hữu Thể Con Người: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã
- Chương 21: Danh Vọng: Thú Vui Ít Giá Trị
- Chương 22: Tài Sắc: Ngọt Ít, Đắng Nhiều
- Chương 23: Ân Ái Là Tù Ngục
- Chương 24: Ái Dục Khổ Đệ Nhất (Cũng May Chỉ Có Một)
- Chương 25: Lửa Ái Cháy Tay
- Chương 26: Thiên Ma Dâng Ngọc Nữ
- Chương 27: Lại Nói Về Điều Kiện Đạt Đạo
- Chương 28: Không Nên Chủ Quan (Khi Chưa Phải Là A La Hán)
- Chương 29: Đoạn Trừ Tâm Ái Dục – Duy Trì Phạm Hạnh
- Chương 30: Tránh Dục Như Tránh Lửa
- Chương 31: Đoạn Âm Không Bằng Đoạn Tâm
- Chương 32: Diệt Ái Dục, Ly Sinh Tử
- Chương 33: Tỳ Kheo-chiến Sĩ Diệt Lậu Hoặc
- Chương 34: Độc Lộ Giải Thoát (Tinh Tấn Trung Đạo)
- Chương 35: Bỏ Cấu Nhiễm Tâm, Đạt Đạo Giải Thoát
- Chương 36: Lại Nói Về Cái Khó Của Con Người
- Chương 37: Chứng Đạo Phải Do Sự Tu Tập (Như Lai Chỉ Là Người Chỉ Đường)
- Chương 38: Mạng Sống Con Người Chỉ Trong Một Hơi Thở
- Chương 39: Chư Pháp Bình Đẳng, Vô Hữu Cao Hạ
- Chương 40: Thân Hành Đạo - Tâm Hành Đạo
- Chương 41: Tinh Tấn - Bỏ Tình Dục (Giải Thoát)
- Chương 42: Phương Tiện Tri Kiến, Như Thị Tri Kiến
- Phụ Lục
TÌM HIỂU KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG
Thích Nhật Từ
Nhà xuất bản Thời Đại 2010
Chương 6: Phỉ báng thiện và ác quả dị thục
I. DỊCH NGHĨA
Đức Phật dạy rằng: Người ác nghe ai làm điều thiện thường đến nhiễu loạn. Vì vậy, các anh em hãy xem như không có gì, không nên tỏ thái độ giận dữ, mắng trách lại. Kẻ nào mang ác đến sẽ hứng chịu điều ác đó.
II. LƯỢC GIẢI
Như chúng ta đã biết, thiện ác là một cặp phạm trù mang tính đạo đức. Chúng tương phản nhau, không dung chứa nhau. Một việc làm gọi là thiện, là vì nó đi ngược lại những mục đích xấu xa, tội lỗi. Một việc làm gọi là ác, vì nó chỉ củng cố cho sự lợi ích bất chính của một đối tượng nào đó mà đối tượng này luôn bị dư luận chân chính của xã hội lên án. Do đó, trên cơ bản, thiện và ác mâu thuẫn nhau, đối kháng nhau, để tranh giành vị trí tồn tại. Nhưng vì “vọng tình dị tập, chí đạo nan văn”, nên trong thực tế, những hiện tượng xấu xa, tồi tệ luôn có khuynh hướng chiếm lĩnh và thao túng phần lớn con người hơn là những hiện tượng đạo đức.
1.- Phần đông việc làm thiện là hiện tượng phổ biến tất yếu:
“Người ác nghe ai làm điều thiện thường đến nhiễu loạn”. Sự nhiễu loạn, cản phá điều thiện, người làm thiện của những phần tử xấu trong xã hội được xem như một hiện tượng mang tính quy luật. Bởi vì, kẻ ác luôn muốn mình chiếm vị trí độc tôn. Để thực hiện ước muốn này, nó phải hoạt động chống đối thiện, hủy hoại thiện. Ở các kinh, Đức Phật cho biết, nếu những nhà hoạt động đạo đức, truyền dạy chân lý, thiện hóa nhân tâm được sự đồng tình ủng hộ, tán thán từ các đối tượng tiến bộ, thì ngược lại, họ phải đương đầu, chạm trán và hứng chịu biết bao sự bất hạnh từ những phần tử xấu ác chống đối.
“Những người hay khuyên dạy
Ngăn người khác làm ác
Được người hiền kính yêu
Bị người ác không thích.”[1]
Bản thân Đức Phật có thể nói là điển hình nhất. Trong công cuộc hoằng hóa, chu du khắp xứ Ấn, Đức Phật đã phải hứng chịu tất cả sự chống trả, hiềm hại của những người ngoại đạo. Thậm chí, ngay cả Đề Bà Đạt Đa, vừa là em chú bác, vừa là đồ đệ của Ngài, vì ảo vọng thống trị Tăng đoàn đã bày mưu lập kế ám sát Ngài nhiều lần. Đặc biệt là các ngoại đạo Ni Kiền Tử, vì tật đố trước những thành quả trong công cuộc truyền đạo của Đức Phật, đã tổ chức nhiều cuộc mưu sát và vu khống Đức Phật nhưng vẫn không thành công. Những trở ngại duyên này được Đức Phật tự thuật trong kệ Pháp Cú như sau:
“Ta như voi giữa trận
Hứng chịu cung tên rơi
Chịu đựng mọi phỉ báng
Ác giới rất nhiều người.”
Rõ ràng, chúng ta thấy đối tượng chủ yếu chống phá Đức Phật, chống phá đạo đức là những kẻ Ác giới. Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật còn cho biết cụ thể hơn, đối tượng ác giới này là những phần tử độc ác, sân hận, hay sống với những lý tưởng với các đức tin tà kiến của họ:
“Này các Tỳ kheo, có hai hạng người phỉ báng chống đối Như Lai. Người độc ác với tâm đầy sân hận. Hay người sống với lòng tin tà kiến.”[2]
Nói chung, sự phỉ báng, chống phá thiện của những phần tử ác độc lại gây phản tác dụng làm cho chúng tự đưa chúng vào đường cùng ác độc và tội lỗi.
2.- Vượt lên trên thị phi, tán thán và khiển trách, thái độ của Đức Phật trong kinh là thái độ tuyệt vời nhất, dạy chúng ta khi đứng trước những dư luận bất chính, chống phá đạo đức là hãy nên bất chấp để vượt lên trên nó. Chống đối, đương đầu lại với sự chống đối tà vạy (dù là vì mục đích thiện), thông thường, không có lợi cho cả hai, bởi lẽ, “kẻ phản thiện chống đối”, khi bị chống đối lại sẽ càng chống phá thiện nhiều hơn. Hiểu rõ tâm lý phổ biến ấy, trong rất nhiều trường hợp gặp phải sự chống đối, Đức Phật vẫn giữ được thái độ bình thản, không chao động, ngay cả khi được khen cũng vậy: “Như tảng đá vững chắc, không lay động trước gió. Cũng vậy, người trí thản nhiên trước sự tán dương hay khiển trách.”[3] Do đó, không có gì phải dao động khi bị chỉ trích hay được tán dương.
Người đời đã từng ta thán:
“Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê”
“Béo chê béo trục, béo tròn,
Gầy chê xương sống, xương sườn lòi ra”.
Và cái tính chúng sinh đó, Đức Phật càng thấy rõ hơn:
“Xưa vậy nay cũng vậy
Ngồi im bị người chê
Nói nhiều bị người chê
Nói vừa cũng bị chê
Làm người không bị chê
Khó tìm được ở đời.”[4]
Chính vì phỉ báng hay tán dương đều là những hiện tượng khó tránh khỏi cho nên người học không nên nao núng, chao động khi gặp phải chướng ngại duyên: “Vì vậy, các anh em hãy xem như là không có gì, không nên tỏ thái độ giận dữ hay mắng trách lại”. Ở lời dạy này, ta thấy ngời sáng thuật xử thế lợi ích cho cả hai. Một là người bị chỉ trích vẫn cảm thấy bình thản vì biết cách vô hiệu hóa mọi cuộc tấn công của đối phương. Hai là bản thân kẻ xấu sẽ cảm thấy trơ trẽn, cụt hứng mà phản tỉnh, ăn năn. Thái độ xử trí như vậy có hiệu quả giáo dục cao, rất đáng trân trọng.
Cũng thế, lời dạy trên còn hàm ý giáo dục chúng ta vô hiệu hóa cả những lời tán dương, vì những lời tán dương chưa hẳn có lợi cho ta về mặt tu tập, diệt trừ sự ngạo mạn:
“Khác thay duyên thế lợi
Khác thay đường Niết bàn
Tỳ kheo đệ tử Phật
Hãy như vậy thắng tri
Chớ ưa thích khen ngợi
Hãy tu hạnh viễn ly.”[5]
Ở các kinh, lập trường trước sau của Đức Phật vẫn là đề cao trí tuệ. Đức Phật không màng đến hư danh, vì nó không có lợi cho giải thoát. Câu kim ngôn này cho ta thấy điều đó: “Ít có giá trị, này các Tỳ kheo, là tăng trưởng danh vọng, tăng trưởng lời khen.”[6] Chỉ có trí tuệ mới là đáng kể chớ không phải là hư danh. Chính vì thế, mất mát trí tuệ mới là đáng tiếc: “Ít có giá trị, này các Tỳ kheo, là mất mát danh tiếng. Cái này là khốn cùng giữa các mất mát tức là mất mát trí tuệ.”[7]
Ở một lần khác, Đức Phật bảo kẻ nào tham muốn danh vọng sẽ bị chỉ trích: “Ưa muốn được tán thán, này các Tỳ kheo, sẽ không được các đồng phạm hạnh ái mộ nhưng chỉ là phê bình, chỉ trích”.
Thế nên, trong công tác thiện ích hay trong công cuộc xây dựng đạo đức, người làm thiện phải có cái nhìn vô hiệu hóa tất cả những lời chê bai lẫn những lời tán tụng. Vì chê bai hay tán dương đều là tâm lý chung của hạng phàm phu, phát xuất từ nhận định chủ quan, thành kiến, không phản ánh chính xác chân tướng của ta, không thể đối trị được với cái bệnh ngã chấp nặng nề của chúng sinh. Do đó, chúng ta không nên để cho chúng tác động được đến ta. Hơn thế nữa, chúng ta cần nhận chân rằng, làm người thì không tránh khỏi thị phi, không ai vừa lòng ai một cách hoàn toàn, cũng không có ai bị chỉ trích mọi mặt.
Dưới lăng kính nhận thức, con người là một hợp thể gồm một mảng sự tán thán và mảng còn lại là sự khiển trách. Nhận chân như vậy, chúng ta hãy mạnh dạn vượt lên trên thị phi của thế tục:
“Xưa, vị lai và nay
Đâu có sự kiện này
Người hoàn toàn bị chê
Người trọn vẹn được khen.”[8]
3.- Câu cuối của lời dạy này: “Kẻ nào mang ác đến sẽ hứng chịu điều ác đó”, cho thấy tính chính xác của nhân quả báo ứng và sự nghiêm minh, vô tư của luật nhân quả sẽ trừng phạt thích đáng những kẻ nhiễu loạn người làm thiện. Chính đây là cơ sở nền tảng để người làm thiện an tâm hành thiện mà không phản kháng lại những kẻ ác, hay những lời chỉ trích, dèm pha. Chính bản thân cái xấu của kẻ ác sẽ nguyền rủa, lên án kẻ ác như kẻ thù ghê tởm, mà kinh thường gọi là mất nhân cách hay phi chân nhân:
“Này các Tỳ kheo, mất nhân cách hay phi chân nhân là người dầu không hỏi, nói lên lời cực đoan chỉ trích người khác, còn nói gì nếu được hỏi.”[9]
Rồi một lần khác, Đức Phật còn phân tích tỉ mỉ những tác hại đem đến cho “kẻ ác nghe ai làm điều thiện đến quấy nhiễu, phỉ báng” là ngu si, vụng về, phạm tội và bị mọi người chỉ trích: “Không suy tư, không thẩm sát, tán thán người, không xứng đáng được tán thán. Và chỉ trích người xứng đáng được tán thán. Do thành tựu hai pháp này, này các Tỳ kheo, kẻ ngu, vụng về, không phải chân nhân, tự mình xử sự như một vật mất gốc, bị thương tích, phạm tội, bị người trí quở trách và tạo nên nhiều điều vô phước.”[10]
Đề cập đến tác hại lâu dài của ác nghiệp “phỉ báng bậc hiền lương”, chống đối đạo đức con người, Đức Phật còn khẳng định, ác nghiệp này sẽ dẫn kẻ ác tái sinh vào tam ác đạo để chịu khổ quả dị thục nhiều đời:
“Không suy xét, không thẩm sát, tán thán người không đáng tán thán, chỉ trích người đáng được tán thán, đặt lòng tin vào những chỗ không đáng để tịnh tín… thành tựu các pháp này, kẻ như vậy, tương xứng bị sinh vào các ác đạo.”[11]
Lời khẳng định này hoàn toàn phù hợp với Kinh Pháp Cú:
“Nay than, đời sau than
Làm ác hai đời than
Nó than “ta làm ác”
Đọa cõi dữ, than hơn.”[12]
Nói tóm lại, toàn văn của chương này tuy ngắn gọn, chưa đầy 50 chữ, mà lại chứa đựng cả một cẩm nang hoằng hóa và xử thế. Bố cục lời dạy trên rất rõ ràng, mạch lạc, liên kết từng ý, từng lời với nhau. Đầu tiên, Đức Phật cho biết tính tất yếu như một quy luật về hiện tượng “chống phá lại việc làm thiện” bởi những phần tử thoái hóa, biến chất trong xã hội. Kế đến, Đức Phật khuyên chúng ta không nên có thái độ đối kháng, chống trả lại những phần tử như vậy mà hãy nêu cao lập trường chân chính của mình. Sau cùng, Đức Phật cho biết, nhân quả báo ứng là cán cân công lý, tự nó trừng phạt đích đáng những phần tử phản động thiện. Và chính cán cân nhân quả này mới là bài học hữu hiệu để giáo dục người ta từ bỏ điều ác, làm điều lành.
Nhìn chung nội dung của kinh văn, Đức Phật dạy chúng ta cần phải có thái độ bình thản, không dao động trước những lời tán dương hay khiển trách của những kẻ ác. Hãy vô hiệu hóa sự thị phi để củng cố lập trường đạo đức, không phản kháng, chống trả, mắng chửi kẻ ác, vì điều ác sẽ tự trừng phạt kẻ ác độc.
[1] Dhp.77.
[2] Tăng Chi I, tr. 72.
[3] Dhp.81.
[4] Dhp.227.
[5] Dhp.75.
[6] Tăng Chi II, tr. 437.
7 Kinh đã dẫn.
[8] Dhp.228.
[9] Tăng Chi I, tr. 445.
[10] Kinh đã dẫn, tr. 103, 351.
[11] Tăng Chi II, tr. 147.
[12] Dhp.17.