Chùa Minh Đức ở huyện Phú Ninh, Quảng Nam, theo như lược ghi trong phần lịch sử ngôi chùa từ bức thư của Thầy Viên Quán, không phải là ngôi chùa được xây trên núi. Nhưng tôi vẫn muốn gọi là "chùa núi", vì chùa nằm ở nơi đìu hiu hút gió, xa cách phố thị, mặt hướng kênh nước và hồ sen, lưng dựa núi đồi trầm mặc; với một địa danh xa lạ (Phú Thịnh, Phú Ninh) mà tôi mới nghe lần đầu. Một ngôi chùa, xây ở một địa phương tuốt trong vùng núi rừng như thế (trong nước bây giờ người ta gọi là "vùng sâu, vùng xa,") thì chẳng phải là chùa núi thì là gì. Đó là nói về địa thế, cảnh trí.
Còn về mặt tinh thần, chùa Minh Đức cũng đáng gọi là "chùa núi" trong cái nghĩa là sự kiên trì, nhẫn nại, vững chãi, của những người tạo dựng, bảo trì, tái lập, tu bổ ngôi chùa trong suốt những năm dài của đói khổ, loạn lạc, suy tàn và chướng nạn (từ hoàn cảnh chiến tranh cho đến những khó khăn bởi thiên tai, nhân họa) để giữ gìn cho ngôi Tam Bảo được tồn tại đến ngày hôm nay. Ngôi chùa đã có khi bị san bằng thành bình địa, nhưng rồi lại vươn lên, như một nụ sen nhỏ, giữa vùng núi rừng hoang sơ. Và điều quan trọng hơn cả, là có thể giữ được tín tâm, không để lung lay biến đổi trước mọi nghịch cảnh. Những người con Phật khốn khổ, nghèo cùng nơi phương ấy, trải bao giai đoạn suy vong của đất nước và của chính ngôi chùa, vẫn thiết tha lễ bái tu học, phấn đấu ngoi mình lên, để khẳng định niềm tin và ý chí của mình đối với Phật Pháp. Niềm tin kiên định của họ, còn vượt hơn cả núi đồi.
Nhìn những tấm hình đồng bào lam lũ xăn tay làm công quả, những đoàn sinh Gia Đình Phật Tử hồn nhiên vui chơi lửa trại bên ngôi chùa rêu phong, đổ nát, lòng không khỏi xót xa, cảm xúc vui và buồn lẫn lộn. Vui vì biết mình có những người bạn già và trẻ, ở tận những nơi xa xôi ấy, bền lòng kiên gan trước những khó khăn chướng ngại để gìn giữ đạo vàng; buồn vì sức mình có hạn, không trực tiếp chia sẻ với những người bạn ấy trong các sinh hoạt từ vật chất đến tâm linh. Tất nhiên ngoài chùa Minh Đức, còn có hàng ngàn ngôi chùa nghèo ở các vùng quê hẻo lánh của đất nước cần được tu bổ, sửa sang; hàng ngàn ngôi chùa cần thỉnh tượng, in kinh, đúc chuông, thực hiện các việc bố thí, từ thiện xã hội để góp phần làm giảm thiểu sự đói nghèo của đồng bào; nhưng cái duyên trước mắt là ở đây, qua lá thư của thầy trụ trì cùng những hình ảnh ghi lại vẻ cũ kỹ và chắp vá loang lổ của chùa Minh Đức. Thư của Thầy Viên Quán sẽ trình bày cặn kẽ những nhu cầu của chùa Minh Đức, xin được trích đăng như là chiếc cầu nối kết với những bạn đạo hữu duyên ở đâu đó trên đất nước, hay hải ngoại.
Hướng lòng về nơi ấy, cầu nguyện cho các phật sự của chùa sớm được thành tựu.
California, ngày 17.10.2010,
Vĩnh Hảo
- oOo -
Sau đây là nguyên văn bức thư và hình ảnh sinh hoạt của chùa Minh Đức do Đại Đức Thích Viên Quán gửi Vĩnh Hảo:
"Quảng Nam, ngày 29 tháng 9, năm 2010,
Kính gửi Vĩnh Hảo,
Thầy là trụ trì chùa Chùa Minh Đức, tọa lạc tại thôn Thạnh Đức, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Có thể nói là Thầy chưa biết Vĩnh Hảo và Vĩnh Hảo cũng chưa biết Thầy, nhưng Thầy được biết Vĩnh Hảo qua một số tác phẩm và nay thầy có một Phật sự kính nhờ Vĩnh Hảo trợ duyên, mong Vĩnh Hảo hoan hỷ. Sau đây là tiểu sử Chùa Minh Đức và nhu cầu phật sự của chùa:
Chùa Minh Đức, tọa lạc tại thôn Thạnh Đức, xã Tam Vinh, (nay là khối phố Thạnh Đức, thị trấn Phú Thịnh) huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, cách Tam Kỳ khoảng 14 km về hướng Tây (hay cách Hội An khoảng 80 km về hướng Nam). Ngôi chùa nhìn về hướng Tây Bắc, có phong cảnh hữu tình, bên trái là kênh nước Phú Ninh, phía trước là hồ sen, phía sau là đồi núi.
Chùa Minh Đức, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam
Ngày xưa, các Phật tử làng Thạnh Đức Tam Cẩm đều tu học tại chùa Quang Minh, mãi đến năm 1957 vì để thuận duyên tu học một số đạo hữu đã đứng ra tập hợp xây dựng ngôi chùa tại đây tiêu biểu như các vị: Dương Tài, Nguyễn Viễn, Nguyễn Pháp, Nguyễn Tình (Ổng Miến), Võ Luyến, Nguyễn Mại, Nguyễn Tiển, Nguyễn Thưởng, Dương Đình Tùng, v.v... Vì để lưu dấu của thời sinh hoạt chung, nên khi thành lập mới ngôi chùa này các vị lấy tên ngôi trường và địa danh của xứ sở mà đặt tên chùa Minh Đức. Trong những buổi đầu lấy nhà đạo hữu Nguyễn Viễn làm Niệm Phật Đường. Lúc bấy giờ cung thỉnh Đại đức Thích An Hòa (trụ trì Hội Quán Bồ Đề, nay là chùa Hòa An) chứng minh, an vị Phật và đạo hữu Nguyễn Viễn làm Khuôn hội trưởng, đạo hữu Dương Tài làm Khuôn hội phó. Từ ngày có Niệm Phật Đường này đã quy tu rất nhiều thiện tín phát tâm quy y và có một số vị xin hiến đất xây dựng chùa gồm: Nguyễn Soạn, Dương Liễu, Dương Khoan, Nguyễn Mại, Nguyễn Sư, v.v...
Năm 1959 chùa chính thức được tiến hành xây dựng do Thầy Thích Thiện Duyên đặt đá và đạo hữu Đặng Xiêm làm Khuôn hội trưởng, đạo hữu Nguyễn Viễn làm Khuôn hội phó, đạo hữu Dương Tài làm nghi lễ, đạo hữu Võ Luyến, Nguyễn Ngọ làm thư ký, đạo hữu Dương Ân, Nguyễn Thơ làm ban kiến thiết và khánh thành vào năm 1960.
Thế rồi, chưa đầy 4 năm thì quê hương chống chọi với cảnh chiến tranh khốc liệt, nhà tan cửa nát, mọi người ly tán khắp nơi, ngôi chùa cũng đồng chung số phận với quê nhà và chỉ còn lại một vài đạo hữu trụ bám như đạo hữu Trần Lưu quê Nghệ Tĩnh, đến khi đạo hữu Trần Lưu mất thì đạo hữu Dương Tài chỉ về thắp hương vào ngày Sóc, Vọng mà thôi.
Đến năm 1967 thì bom đạn chiến tranh đã đổ xuống mảnh đất này ngày càng kinh hoàng, chùa Minh Đức trở thành bình địa, chỉ còn lầu chuông, lầu trống đầy vết tích đạn bom.
Sau năm 1975, những người còn sót lại mới lần lượt trở về quê hương. Trước cảnh hoang tàn của ngôi chùa bị bom đạn chiến tranh, tượng Phật không còn, đạo hữu Võ Thoại đã gom góp những gì còn sót lại bán đi để mua xi-măng và thuê người xây một Niệm Phật Đường kế bên, nhưng ý nguyện đó dừng lại khi công trình hoàn thành được một phần, vì thiếu kinh phí và rồi công trình ấy cũng theo thời gian biến mất, ngôi chùa vẫn hoang tàn, hiu quạnh. Giữa lúc ngôi chùa như vậy, thì nhân duyên lại đến, Sa di Nguyên Trí, thế danh Nguyễn Mỹ Tánh vì nuôi dưỡng song thân tuổi già nên hoàn tục trở về quê hương. Với lòng thâm tín Tam Bảo, đạo hữu Nguyễn Mỹ Tánh đã cùng với một số đạo hữu như Nguyễn Thơm, Đặng Cảnh, Nguyễn Thị Lựu, Nguyễn Cượng, Phạm Nhứt, Nguyễn Thị Trưng, Phạm Thị Quới, v.v... lên núi cắt tranh, xin tre về lợp phần trong chánh điện và thỉnh tượng Phật bằng giấy thờ để tạm có nơi lễ Phật. Sau đó, bầu đạo hữu Đặng Cảnh làm Khuôn trưởng, đạo hữu Nguyễn Mỹ Tánh trợ giúp Khuôn trưởng. Lúc bấy giờ ngôi chùa có diện tích là 2000 m2 và đất canh tác là 1700 m2.
Năm 1979 Hợp Tác Xã nông nghiệp ra đời, đất đai thuộc sở hữu của nhà nước nên lấy làm đường đi, ao cá, nhà đội (hiện nay là Trường Mẫu Giáo, thôn 6) và một phần do dân sử dụng, chùa chỉ còn lại nền chánh điện và sân trước tổng diện tích 450 m2. Trong năm này, đạo hữu Đặng Cảnh đã qua đời và đạo hữu Nguyễn Mỹ Tánh thay thế đảm trách. Thời điểm này là giai đoạn gặp không ít khó khăn, bởi nhiều lý do khách quan, nhưng rồi cơ duyên cũng đến, Thầy Giải Đăng (vị tu sĩ vì hoàn cảnh gia đình và giòng họ đã hoàn tục) cọng tác phát tâm quyên góp, hiến cúng xây tường, lợp tôn và Hòa thượng Thích Chơn Ngộ, viện chủ chùa Tịnh Độ - Tam Kỳ cúng dường pho tượng Quan Thế Âm cao 1m5. Ngôi chùa chỉ mới trùng tu lợp tôn đơn sơ, nhưng đạo tình gắn bó, thiện tín quy y ngày càng đông.
Năm 1980, Đại đức Thích Phước Chấn và Thầy Giải Đăng đã tạo một pho tượng cốt Bổn Sư cúng dường chùa Minh Đức và tượng Quán Thế Âm được chuyển về chùa Hang – Núi Chúa. Tháng 12/1979 đạo hữu Nguyễn Mỹ Tánh làm Chánh đại diện, đạo hữu Đặng Việt làm phó đại diện, đạo hữu Dương Đình Tùng làm thư ký. Từ đây, có được pháp nhân pháp lý Ban đại diện mới tổ chức tu Bát Quan Trai, những ngày lễ trọng của Phật giáo trang nghiêm.
Đến tháng 11/1992 đạo hữu Nguyễn Mỹ Tánh chánh đại diện, đạo hữu Nguyễn Cượng phó đại diện, đạo hữu Phạm Nhứt phó đại diện, đạo hữu Nguyễn Tiển thư ký. Thời gian này, sinh hoạt của chùa cũng đã đi vào nề nếp với hơn 60 đạo hữu. Vì để có nơi sinh hoạt ổn định nên chùa đã đệ đơn xin lại đất và tu bổ lại chánh điện, nhưng nhà nước chưa chấp thuận cho lại đất, chỉ được địa phương cho phép tu bổ chùa trên hiện trạng cũ, lợp lại bằng ngoái đất, mè tre. Trong 3 năm tu bổ ngôi chùa, với hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành vào ngày 30/3 và mồng 01/4 Ất Hợi (29,30/4/1995). Từ sau ngày này, đạo hữu sinh hoạt, tu học ngày càng phát triển. Gia đình Phật tử đã ổn định sinh hoạt và đi vào nề nếp, hình thành hủ gạo từ thiện để giúp người nghèo, xây dựng thêm nhà thờ Linh. Đến năm 2001, Thượng tọa Thích Thiện Phương đã xin về cúng dường chùa pho tượng Bổn Sư, hiện đang tôn trí tại chánh điện.
Đại lễ Vu Lan với tường xiêu mái đổ
Thuyết pháp nhân dịp Lễ Vu Lan
Gia Đình Phật Tử Minh Đức và sinh hoạt lửa trại
Bữa tiệc đạm bạc nhưng đầy đạo tình của nhiều thế hệ phật-tử địa phương
Thầy trụ trì Thích Viên Quán và chú tiểu Chùa Minh Đức
Đến năm 2005 Đại đức Thích Viên Quán bổ nhiệm về trụ trì. Đến giữa năm 2005, Thầy trụ trì và đạo hữu đã xin phép chính quyền địa phương lợp lại ngói và củng cố hiên chánh điện để sinh hoạt, đồng thời xin mở rộng để xây dựng lại chùa đáp ứng nhu cầu tu học, bởi sau ngày tôn tạo lại đến nay diện tích đất chùa cũng là diện tích chánh điện, không có công trình nên tất cả sinh hoạt đều tại ngôi chánh điện.
Sau hơn 4 năm liên hệ mở rộng, đền bù tổng chi phí 87 triệu đồng, đến nay chùa đã được mở rộng và cấp phép xây dựng lại gồm 8 hạng mục: Chánh điện, nhà Tổ, nhà Tăng, nhà Sinh hoạt, nhà Bếp, lầu chuông và lầu trống. Với tổng chi phí hơn 1 tỉ đồng.
SST |
Hạng mục |
Diện tích xây dựng |
Đơn giá (đ/m2) |
Thành tiền |
Ghi chú |
01 |
San nền |
1,933 m2 |
5000 |
9,665,000 đ |
|
02 |
Chánh điện |
286,4 m2 |
2,000,000 |
572,800,000 đ |
|
03 |
Nhà Sinh hoạt |
121,1 m2 |
1,500,000 |
181,650,000 đ |
|
04 |
Nhà Tăng |
110,2 m2 |
1,500,000 |
165,300,000 đ |
|
05 |
Nhà Tổ |
108,8 m2 |
1,500,000 |
163,200,000 đ |
|
06 |
Nhà Bếp |
59,8 m2 |
1,500,000 |
89,700,000 đ |
|
07 |
Lầu chuông, trống |
33,4 m2 |
1,500,000 |
50,100,000 đ |
|
08 |
Tường rào, cổng ngõ |
185 md |
500,000 |
92,500,000 đ |
|
Tổng cộng |
|
|
1,324,915,000 đ |
|
Xây dựng Tổ đường, các cụ lão cũng xăn tay công quả
Từ người già đến em bé, tận lực khuân vác, vận chuyển, để xây Tổ đường
Đây là vùng nông thôn vừa được chia tách từ Thị xã Tam Kỳ; dân địa phương chủ yếu làm nghề nông.
Do kinh tế khó khăn, nên hơn 4 năm nhờ thập phương bá tánh chùa mới đền bù xong số tiền đất là 87 triệu. Sau khi đền bù xong, được phép xây dựng. Bắt tay vào giải phóng mặt bằng, nhưng ở đây không có xe cơ giới nên toàn làm bằng sức người. Do vậy mà gần một năm mới dọn xong cây cối (vì đây là rừng), và với tấm lòng của tín đồ hằng đêm chở đất làm mặt bằng, hiện nay đang tiến hành công trình làm nhà Tổ vì xét thấy chánh điện đã xuống cấp nên làm công trình này để chuyển qua làm lễ tạm lấy mặt bằng khởi công chánh điện, rồi đến chuông trống, bờ thành… chi phí theo bảng kèm trên.
Gần 8 tháng qua nhưng chỉ mới kiến tạo được phần kiến trúc nhà Tổ (nơi đây tạm dùng để làm chánh điện) nhưng vì nguồn vốn khó khăn nên sợ không hoàn thành trong năm nay. Trước sự việc này, tuy rất ngại là vốn chưa quen biết, nhưng chẳng biết cách nào nên tùy duyên viết vài lời đến Vĩnh Hảo.
Rất mong được sự quan tâm của Vĩnh Hảo để thiện nguyện này sớm được thành tựu, tạo điều kiện cho Phật tử vùng sâu tu học.
Kính chúc Vĩnh Hảo An lành và thành tựu ý nguyện.
Kính
Đại đức Thích Viên Quán"
- oOo -
Mọi đóng góp, ủng hộ, xin liên lạc:
Đại Đức Thích Viên Quán
(Phan Văn Lại)
Chùa Minh Đức
Khối phố Thạnh Đức, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, Việt Nam
Điện thoại chùa: 0510.3958101
Điện thọai di động: 0905776605
Từ Mỹ gọi về, xin bấm:
011.84.510.3958101
hoặc:
011.84.905776605