- ● Quan Niệm Thời Gian Theo Kinh Pháp Hoa Ht.thích Trí Quảng
- ● Câu Chuyện Tầm Sư Học Đạo Kỳ Lạ Của Karma Dordji - Alexandra David Neel - Huỳnh Ngọc Chiến Dịch
- ● Bản Thể Luận & Đạo Đức Luận Của Phật Giáo Qua Pháp Môn "Bất Nhị" Hà Thúc Minh
- ● Lỗ Cây Và Con Rùa Mù A Lan Nhã
- ● Khái Niệm Thời Gian Trong Phật Giáo - Thích Hạnh Tuấn
- ● Sáu Thủ Thuật Làm Chủ Thời Gian Theo Lời Phật Dạy - Lama Surya Das - Minh Phú Dịch
- ● Hôm Qua Đã Không Còn - Chân Hiền Tâm
- ● Đạo Nghĩa Vợ Chồng Theo Quan Điểm Phật Giáo - Chúc Phú (Tiếp Theo Ns 187 & Hết)
- ● Cân Bằng Hai Nỗ Lực Michael Carrol Diệu Ngộ Mỹ Thanh Dịch
- ● Ta Ơi !
- ● Thời Gian Nghệ Thuật Trong Tác Phẩm "Khóa Hư Lục" - Thích Phước Đạt
- ● Biến Đổi Khí Hậu Vấn Nạn Thế Kỷ 21 - Ths. Bs. Phạm Văn Toại
- ● Về Bài Kệ Thị Tịch Của Thiền Sư Tịnh Giới - Đào Nguyên
- ● Hoàng Đế A Dục, Một Mẫu Người Dung Hòa Giữa Các Tôn Giáo Trong Thời Cổ Đại - Minh Nguyên Dịch
KHÁI NIỆM THỜI GIAN TRONG PHẬT GIÁO
Về bài kệ Thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới
ĐÀO NGUYÊN
Thiền sư Tịnh Giới (?-1207) họ Chu tên là Hải Ngung, người đất Giang Mão (?). Lúc nhỏ theo học Nho, năm 26 tuổi xuất gia, đắc pháp nơi Thiền sư Bảo Giác, chùa Viên Minh, là thế hệ thứ 10 của thiền phái Vô Ngôn Thông đời Lý(1). Tác phẩm hiện còn 2 bài kệ Thị tịch viết theo thể thất ngôn tứ tuyệt. Bài viết của chúng tôi ở đây chỉ xin đề cập đến bài thứ hai:
Thu lai lương khí sảng hung khâm
Bát đẩu tài cao đối nguyệt ngâm
Kham tiếu thiền gia si độn khách
Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm?
(Theo Thơ văn Lý Trần I, NXB.KHXH 1977, tr.535).
- Ngô Tất Tố (1894-1954) trong văn học đời Lý, chương XIX Tĩnh Giới Thiền sư: sau khi đằng tả phiên âm bài kệ trên, đã giải nghĩa: “Theo nghĩa đen, bài này có thể giải là: khi mùa thu đã tới, khí mát làm cho lòng dạ sáng sủa, những người giỏi thơ như Tào Thực có thể đối bóng trăng mà ngâm thơ. Chỉ cười cho mình là kẻ ngây độn ở cửa thiền, không biết nên lấy câu gì mà truyền đạo học lại cho học trò. Nhưng chưa rõ 2 câu thứ 1 thứ 2 tác giả muốn nói gì”.
Rồi dịch:
Êm dịu hơi thu mát cõi lòng
Bài thơ ngâm chọi
bóng trăng trong
Cửa thiền những thẹn
người si độn
Để lại câu gì nghĩ chửa thông.
(Văn học đời Lý, bản in 1960, tr.91)
Như vậy, theo Ngô Tất Tố thì “thiền gia si độn khách” ở đây là chính tác giả Tịnh Giới. Vị thiền sư tự cười cho mình là kẻ ngây độn ở cửa thiền vì chưa thể trao truyền gì cho đệ tử.
- Sách Thiền uyển tập anh do Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga dịch chú, phần dịch bài kệ trên đã sử dụng bản dịch của Ngô Tất Tố (Thiền uyển tập anh, 1990, tr.137). Vậy có thể cũng chia sẻ kiến giải của Ngô Tất Tố chăng.
- Sách Thơ văn Lý Trần I, phần dịch nghĩa bài kệ trên ghi:
Mùa thu đến mát rượi, sảng khoái trong lòng
Những nhà thơ tài cao tám đấu thì nhìn trăng mà ngâm vịnh
Đáng buồn cười cho kẻ ngớ ngẩn trong làng thiền
Cớ sao lại đem ngôn ngữ để truyền tâm cho người?
Phần dịch thơ do Đỗ Văn Hỷ dịch:
Thu về hơi mát dạ lâng lâng
Tử kiến tài cao vịnh dưới trăng
Sao lại truyền tâm
bằng mách bảo?
Si đần! cười chết
đám thiền Tăng(2).
(Thơ văn Lý Trần I, 1977, tr.536)
Như thế, theo Thơ văn Lý Trần I thì thiền gia si độn khách là những kẻ ngớ ngẩn trong làng thiền vì đã đem ngôn ngữ để truyền tâm.
- Lê Mạnh Thát trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, mục 30, Thiền sư Tịnh Giới, Bài kệ Thị tịch ấy được dịch:
Ngực áo thu về khí lạnh xâm
Tài ngang tám đấu
đối trăng ngâm
Cười bấy khách thiền ai dại dột
Sao đem lời lẽ để truyền tâm.
(Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, 1999, tr.231)
Như thế “thiền gia si độn khách” theo Lê Mạnh Thát là một số khách thiền khờ khạo đã đem lời lẽ để truyền tâm.
- Hà Văn Tấn, trong sách Lịch sử Phật giáo Việt Nam, chương VIII: Phật giáo thời Lý, mục: Phái thiền Vô Ngôn Thông thời Lý, đã viết về Thiền sư Tịnh Giới thông qua 2 câu kệ thứ ba thứ tư nơi Bài kệ Thị tịch kia: “Cũng chính vì phủ nhận khả năng dẫn dắt của ngôn ngữ mà Tịnh Giới, nhà sư thuộc thế hệ thứ 10 của phái này (Phái Vô Ngôn Thông) đã từng bực mình thốt lên:
Kham tiếu thiền gia si độn khách
Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm.
(Nực cười kẻ ngốc thiền gia
Sao đem ngôn ngữ để mà truyền tâm).
(Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB.KHXH, 1988, tr.170)
Viết như vậy, là không đúng.
* Thứ nhất: Tiểu sử cùng hành trạng của Thiền sư Tịnh Giới, như sách Thiền uyển tập anh đã ghi: “… Rồi sư trở về chùa cũ dạy dỗ học trò. Có vị Tăng hỏi sư về Phật lý, sư đáp… Lại thường nói…”(3). Dạy học trò. Đáp lại câu hỏi về Phật lý của người cầu đạo… Rồi chính sư đã có đến 2 bài kệ Thị tịch. Vậy sao bảo là “Phủ nhận khả năng dẫn dắt của ngôn ngữ”? Rõ ràng là ông HVT đã không đọc kỹ tiểu sử cùng hành trạng của sư Tịnh Giới trước khi đưa ra nhận định trên.
* Thứ hai: Thiền sư Tịnh Giới cũng như hầu hết các thiền sư đích thực xưa nay đều không hề phủ nhận khả năng dẫn dắt của ngôn ngữ. Bởi vì họ đều hiểu rõ ngôn ngữ là phương tiện của giao tiếp, phương tiện của giáo dục, phương tiện của trao truyền, của tham cứu… Nhưng họ lại cũng hiểu rõ về giới hạn của ngôn ngữ, vì luôn tâm niệm đến lời cảnh báo trong kinh Viên Giác: Toàn bộ giáo pháp thông qua ngôn thuyết rốt cuộc chỉ là “Ngón tay ngôn giáo” chứ không phải là “Mặt trăng chân lý”. Nhờ “Ngón tay ngôn giáo” chúng ta nhìn thấy “Mặt trăng chân lý”, nhưng đừng lầm cho “Ngón tay ngôn giáo” là “Mặt trăng chân lý”. Vấn đề là như thế chứ không phải là “phủ nhận khả năng dẫn dắt của ngôn ngữ” như HVT đã viết.
Tóm lại, qua những nêu dẫn trên, ngoại trừ Ngô Tất Tố, các bản dịch chú còn lại về Bài kệ Thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới, đều cho “Thiền gia si độn khách” là những kẻ si độn trong làng thiền, vì đã đem ngôn ngữ để truyền tâm.
Sự thật là như thế chăng? Chúng tôi xin lần lượt biện rõ như sau đây:
* Thứ nhất: Trong sinh hoạt Phật học, cũng như sinh hoạt Thiền học, thông thường luôn gồm có hai phần, là chủ và khách, thầy và trò, người giảng đạo khai thị và kẻ cầu đạo thỉnh vấn, lãnh hội. Người chủ, người thầy, người khai thị (thiền gia, thiền sư), toàn bộ đều trải qua giai đoạn cầu đạo, đã đắc pháp hoặc có những hiểu biết thấu đạt về Phật lý, sẽ tùy theo căn trí và hoàn cảnh của đối tượng để khai thị, dẫn dắt; kẻ khách, kẻ đệ tử, kẻ cầu đạo có thể tạm chia làm hai hạng: là thượng và hạ. Hạng thượng là những người lợi căn, thầy khai thị liền lãnh hội tức thì, hoặc chỉ trong thời gian ngắn tham cứu, quán chiếu là có thể tỏ ngộ. Hạng hạ là những kẻ độn căn, rất khó lãnh hội phần khai thị của thầy, phải trải qua thời gian lâu dài, kiên trì, tinh tấn mới có thể tỏ ngộ. Kinh, luận Phật giáo Bắc truyền, vẫn thường nhắc đến trường hợp Tỳ kheo Châu Lợi Bàn Đà thời Phật tại thế, tu học chỉ có hai chữ tảo – chửu (quét – chổi, dùng chổi để quét) mà vẫn không thuộc. Học chữ trước thì quên chữ sau. Học chữ sau lại quên chữ trước. Nhưng nhờ kiên trì, tinh tấn, sau cùng thì vị Tỳ kheo độn căn này cũng chứng ngộ Phật lý, đắc quả A la hán.
* Thứ hai: Như vậy, câu 3 của Bài kệ Thị tịch trên (thiền gia si độn khách: khách si độn của thiền gia) phải được hiểu theo hướng gồm hai phần trong sinh hoạt thiền học: chủ và khách, thầy và trò, người khai thị và kẻ cầu đạo. Khách si độn ở đây là những học Tăng hoặc kẻ cầu đạo thuộc loại độn căn, hoặc do tham cứu chưa thấu đáo, thiếu tinh tấn, hoặc tâm thức đầy ắp những kiến thức từ kinh giáo, sách vở, không còn chỗ cho tuệ giác bừng sáng. Những kẻ khách, kẻ cầu đạo thì có si độn, còn chư vị chủ (thiền gia, thiền sư) thì hoàn toàn không si độn. Vì sao? Vì như vừa nói ở trên: chư vị đều đã trải qua giai đoạn cầu đạo, tham cứu v.v… và đã chứng ngộ Phật lý.
* Thứ ba: Thế thì chư vị thiền sư, thiền gia có dùng ngôn ngữ để truyền tâm chăng? Để khiến cho là kẻ si độn theo cách hiểu của một số người đối với hai câu sau nơi Bài kệ Thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới? Theo chúng tôi, không hề có sự việc ấy. Không hề có sự việc chư vị thiền sư dùng ngôn ngữ để truyền tâm cho đệ tử hoặc người cầu đạo. Vì thật sự thì không có gì để truyền cả. Điều gọi là nối truyền ở đây chính là sự tu tập chứng ngộ Phật lý của những thế hệ người tu Phật trước sau (người trước chứng nhận cho người sau) để cho mạng mạch của Phật giáo được nối tiếp theo thời gian. Trong Thiền học Việt Nam: đọc những đoạn hỏi – đáp nơi Tiểu sử - Hành trạng của một số vị thiền sư đời Lý được ghi trong Thiền uyển tập anh, nhất là nơi tác phẩm Tham đồ hiển quyết của Thiền sư Viên Chiếu (999-1090)(4). Hoặc nơi thiền học đời Trần: đọc Phần Ngữ lục vấn đáp môn hạ trong Khóa hư lục của Trần Thái Tông (1218-1277)(5). Phần đối cơ trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ lục của Tuệ Trung (1230-1291)(6). Phần Khai đường của Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông (1258-1308) được ghi lại trong Tam tổ thực lục(7), chúng ta tất thấy rõ điều ấy. Ngôn ngữ ở đấy là ngôn ngữ khai thị chứ không phải là ngôn ngữ truyền tâm. Vì như vừa nêu trên, thật sự thì không có gì để truyền cả.
Nơi Thiền học Trung Hoa: Chúng tôi chưa đọc kỹ Cảnh đức truyền đăng lục, nhưng chúng tôi đã đọc kỹ và dịch xong bộ Phật Tổ đạo ảnh 4 tập do Đại lão Hòa thượng Hư Vân (1840-1959) bổ sung hoàn chỉnh (Tăng đính), trong ấy ghi chép tiểu sử cùng hành trạng và ảnh vẽ của khoảng 300 vị Tổ sư, Tổ truyền thừa thuộc Phật giáo Trung Quốc, gồm đủ các tông phái, nhiều nhất là thiền tông. Ngôn ngữ ở đây, xin nhấn mạnh lần nữa, đều là Ngôn ngữ khai thị, như nơi một số lời tán của sách ấy đã nói là “Chỉ Đông nói Tây, chỉ trời nói đất”, mục đích là nhằm làm lay động, xô đẩy tâm thức của đối tượng, giúp cho tuệ giác của họ bừng sáng. Đây chính là ý nghĩa của câu kệ Trực chỉ nhân tâm tương truyền là của Tổ Bồ đề Đạt Ma. Còn bất lập văn tự nên hiểu là phá vỡ những khái niệm cứng nhắc của văn tự để hội nhập chân lý, chứ không phải là chối bỏ văn tự, phủ nhận văn tự như có một ít người đã hiểu không đúng.
* Thứ tư: Như vậy, câu cuối nơi Bài kệ Thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới (Vi hà tương ngữ dĩ truyền tâm) nên hiểu là chỉ cho khách si độn. như đã nói ở trên, khách si độn ở đây là những học tăng hay kẻ cầu đạo thuộc loại độn căn, hoặc do tham cứu chưa thấu đáo, thiếu tinh tấn, hoặc tâm thức đầy ắp những kiến thức sách vở, chỉ biết cầu tìm giác ngộ nơi bên ngoài. Chính những khách si độn ấy đã luôn mong cầu chư vị thiền sư, những vị khai thị nên dùng ngôn ngữ để giảng giải: Thế nào là đạo? Thế nào là đại ý của Phật pháp? Thế nào là Tổ sư Tây lai ý? v.v… Đây là một thí dụ tiêu biểu: “Thiền sư Thiên Thai Đức Thiều (891-972) là Tổ thứ hai của Tông Pháp Nhãn, 15 tuổi xuất gia, 18 tuổi thọ giới cụ túc, từng tham vấn khắp 54 vị minh sư, sau đến Lâm Xuyên – Kim Lăng yết kiến Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích (885-958), thành đệ tử nối pháp của Pháp Nhãn. Buổi đầu gặp Pháp Nhãn, vừa trông thấy, Pháp Nhãn đã biết đây là hàng pháp khí. Thiền sư Pháp Nhãn thượng đường. Có vị Tăng hỏi: Thế nào là một giọt nước của nguồn Tào? Pháp Nhãn đáp: Là một giọt nước của nguồn Tào. Vị Tăng kia tỏ ra thất vọng. Nhưng sư Đức Thiều ở nơi dưới tòa thì đại ngộ”(9). Vị Tăng tỏ ra thất vọng vì muốn Tổ Pháp Nhãn dùng ngôn ngữ để giảng giải: Thế nào là một giọt nước của nguồn Tào Khê mênh mông kia. Trong khi thực chất là chính anh phải tự nếm lấy, tự uống lấy giọt nước ấy. Vì thế Tổ Pháp Nhãn đã đáp lại y như câu hỏi, và Thiền sư Đức Thiều đã đại ngộ. Vị Tăng nêu câu hỏi kia là hình ảnh tiêu biểu cho loại khách si độn của thiền gia(10).
Gút lại, Bài kệ Thị tịch của Thiền sư Tịnh Giới, theo chúng tôi phải được hiểu như thế thì mới hợp với sự thật và đúng với ý của tác giả(11).
(1) Theo Lê Mạnh Thát, trong Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh (Sđd, NXB. TP.HCM, 1999, tr.215). Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo Sử luận I thì ghi: Thiền sư Tịnh Giới thuộc thế hệ 11 của Thiền phái Vô Ngôn Thông (Sđd, 1992, tr.172).
(2) Ông Đỗ Văn Hỷ dùng chữ bọn: chúng tôi xin biên tập là chữ đám.
(3) Dẫn theo: Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát. Sđd, tr.231).
(4) Xem: Nghiên cứu về TUTA của Lê Mạnh Thát. Sđd. Về tác phẩm Tham đồ hiển quyết, xem Nghiên cứu về TUTA, sđ d, tr.186-194.
(5) Xem: Toàn tập Trần Thái Tông của Lê Mạnh Thát, NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2004, tr.385-387.
(6) Xem: Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, Lý Việt Dũng dịch giải, NXB. Mũi Cà Mau, 2003, tr.83-198.
(7) Xem: Tam Tổ thực lục, Thích Phước Sơn dịch, Viện Nghiên cứu Phật học VN xuất bản, 1995, tr.20-29.
(8) Phật tổ Đạo Ảnh, HT.Hư Vân tăng đính, Đào Nguyên Việt dịch, NXB. Phương Đông, 2011. Trong khi dịch, chúng tôi có tham khảo nơi Phật Quang ĐTĐ. Mà Phật Quang ĐTĐ, trong khi viết về tiểu sử, hành trạng của nhiều thiền sư thì đã tham khảo nơi Cảnh đức truyền đăng lục.
(9) Dịch từ Phật Tổ đạo ảnh, quyển III, đời thứ 43.
(10) Trong Thiền học Việt Nam, có thể xem phần tối cơ trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, đoạn 37: “Trong kinh giáo có nói: Không tức là sắc…”. Do Lý Việt Dũng dịch giải, NXB.Mũi Cà Mau, 2003, tr.189-192.
(11) Vậy bài kệ ấy có thể dịch là: Biên tập từ bản dịch của Ngô Tất Tố:
Êm dịu trời thu mát cõi lòng Bài thơ ngâm đối bóng trăng trong Cửa thiền cười bấy khách si độn Luôn cầu ngôn ngữ để truyền tâm.