Phật Giáo Việt Nam Với Vấn Đề Thiết Lập Nền Độc Lập Tự Chủ Quốc Gia Đại Việt Thời Lý-trần

30/03/20201:35 SA(Xem: 3202)
Phật Giáo Việt Nam Với Vấn Đề Thiết Lập Nền Độc Lập Tự Chủ Quốc Gia Đại Việt Thời Lý-trần

PHẬT GIÁO VIỆT NAM
VỚI VẤN ĐỀ THIẾT LẬP
NỀN ĐỘC LẬP TỰ CHỦ QUỐC GIA ĐẠI VIỆT
THỜI LÝ-TRẦN

THÍCH MINH HIỂN

Mục Lục.
A.    Dẫn nhập.
B.    Nội dung.
I.     Quá trình du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam.
II.    Tình hình xã hội thời Lý-Trần.
III.  Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ Lý-Trần.
1.   Khái quát Phật giáo thời Lý-Trần.
2.   Vai trò, vị trí đạo Phật trong lòng dân tộc Đại Việt.
IV.    Phật giáo Việt Nam trong công cuộc thiết lập nền độc lập tự chủ.
C.    Tổng luận.



A.        Dẫn nhập.

            Phật giáo được định hình theo thời gian có chiều dài lịch sử khá lâu, một tôn giáo lớn có nhiều tín đồ, những vị chức sắc tu hành nhiều nhất tại Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện nay thì trên dưới 2000 năm, trải qua nhiều cột mốc thăng trầm của lịch sử, những sự thịnh suy của thế sự, dưới những sự áp bức, đồng hóa của chế độ Bắc thuộc 1000 năm, thì Phật giáo luôn sát cánh kề vai cùng với dân tộc Đại Việt. Trong từng giai đoạn và những cuộc chiến tranh thì Phật giáo song hành cùng dân tộc, có một sự tương quan mật thiết, sự khắn khít về văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội trong việc dựng nước và bảo vệ tổ quốc.

            Phật giáo xuất hiện trên cuộc đời này không ngoài mục đích là đêm những lời dạy minh triết do Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chứng ngộ được mà truyền trao đến nhân sinh, để mọi người có thế thấu rõ được con đường dẫn đến đau khổ và đoạn tận khổ đau. Trên tinh thần từ bi-hỷ xã, vô ngã-vị tha, đầy tính nhân văn thì khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam được người dân bản địa tiếp nhận như một liều thuốc tâm linh. Với những khế lý, khế cơ hợp tình thì dần dần Phật giáo có được một vị thế đứng trong lòng dân tộc, bằng những lời dạy vô cùng gần gũi và đầy ắp tinh thần yêu thương đến với mọi người thì Phật giáo nghiễm nhiên đã trở thành một tôn giáo có một vị thế lớn hòa quyện với lòng người như nước với sữa, được mọi tầng lớp trong xã hội đón nhận như một nền tảng tâm linh vững chắt để mọi người có thể gởi gấm niềm tin và sự cầu nguyện.

            Câu thơ: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông[1] đã toát lên được tầm quan trọng của Phật giáo Việt Nam trong vấn đề đồng hành cùng dân tộc Đại Việt. Thật vậy, mái chùa là tổ ấm và là linh hồn của dân tộc, là nơi nuôi dưỡng tâm linh làm nền tảng đạo đức cho con cháu của chúng ta khôn lớn. Người xưa đã có nếp sống cao đẹp như vậy từ bao đời, ngày nay chúng ta cũng phải biết tiếp nối sự nghiệp cao đẹp đó và gìn giữ những gì mà chư vị tiền bối đã gầy dựng. Vốn dĩ, cụm từ: “Đạo pháp-dân tộc, chủ nghĩa-xã hội[2] luôn được nhắc đến vì tầm quan trọng của đạo Phật luôn mang tầm ảnh hưởng, luôn có được sự tương quan mật thiết với vận nước qua từng triều đại[3]. Từ trước tới nay, không phải đơn thuần mà trong chúng ta có được sự nhận định như vậy, nhưng lý do trải qua từng giai đoạn thì Phật giáo đã thành tựu được nhiều vấn đề góp phần vào trong công cuộc bảo vệ đất nước; định hình được giá trị bằng những việc làm một cách chặt chẽ, keo sơn nhất, phục vụ cho chúng sanh một cách thiết thực không từ nan.

            Trải qua hàng ngàn năm thời kỳ lịch sử dân tộc, Phật giáo luôn đóng một vai trò, tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội; cho đến thời kỳ Lý-Trần, hai triều đại mà có thể gọi là quốc đạo. Bởi lẽ, trong hai thời kỳ này Phật giáo được một vị thế, chổ đứng rất cao trong lòng dân tộc Đại Việt. Thời kỳ Lý-Trần, một đế chế triều đại cực thịnhthái bình, người dân có được cơm no, áo mặc, luôn được sống trong cảnh yên ổn, hạnh phúc, dưới sự bảo hộ của triều đình không còn nhiều lo âu, sợ hãi. Nhiều học giả, những nhà nghiên cứu Phật học đã đưa ra nhận định này. Bởi vì, trong triều đại này những vị vua, quan đều am tường giáo lý nhà Phật, thấu hiểu được lòng dân, thương dân như con, những vị thiền sư đã tích cực dấn thân vào cuộc đời hoằng pháp lợi sinh, đóng vai trò, vị trí cao như làm Quốc Sư cho triều đình... Đem giáo lý phật giáo phổ cập nhân sinh, khuyến cáo người dân tu mười điều thiện, mọi người sống trong sự che chở của nhà nước, sống đối đãi với nhau dựa trên tinh thần từ bi nhà Phật. Để thấu rõ và có một cách nhìn sâu sắc về tầm ảnh hưởng Phật Giáo Việt Nam thời bấy giờ tác động mạnh mẽ đến đất nước ra sao thì người viết xin được tìm hiểugiới hạn trong đề tài: “Phật Giáo Việt Nam với vấn đề thiết lập nền độc lập tự chủ quốc gia Đại Việt thời Lý-Trần”.
B.   Nội dung.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni(Shakyamuni buddha)[4] bằng sự giác ngộ hoàn toàn về nội tâm, thấu rõ vạn pháp tại thế gian Ngài đã lan tỏa nguồn ánh sáng tuệ giác từ sự giác ngộ. Bằng trí tuệ tuyệt vời, những phương tiện, Ngài truyền trao những giáo lý nơi Ngài giác ngộ được cho chúng sanh trong suốt thời gian hành đạo. Cuộc đời, hành trạng Ngài là một tấm gương sáng về sự tĩnh thức, sự thấu rõ được vạn tượng tại thế gian là vô thường, khổ, vô ngã, đêm sự giác ngộ cho chúng sanh noi theo, từ đó mọi người có được sự nhận thức để nhìn nhận lại bản thân, quay về với bản lai diện mục tự thân, để đoạn tận khổ đau ngay hiện tại:“Ta ra đời là vì lợi íchan lạc cho số đông, cho chư thiênloài người[5]. Đức Phật ra đời là đại sự nhân duyên lớn, mở ra một con đường, một chân lý mà ngài khám phá, ánh sáng sự giác ngộ để truyền trao cho chúng sanhtrải qua hàng ngàn năm vẫn còn lưu dấu lại lời dạy đó. Giáo lý Ngài được truyền dạy qua hàng ngàn đời cho đến hiện nay, biên địa hay hạ tiện, nước nào hay quốc độ nào, thì khi đạo Phật được truyền vào thì được tiếp thu như là một nguồn năng lượng sống về mặt tâm linh. Cũng vậy, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng là một đất nước có sự du nhập từ đạo Phật rất sớm, trong lòng người dân đón nhận giáo lý nhà Phật như một liều thuốc, định hướng về tinh thần, tín ngưỡng tâm linh khi sống trong cuộc đời này, mà cõi trần gian tạm bợ này toàn là những thứ khiến con người khổ đau, nhấn chìm con người vào sanh tử, truân chuyển lục đạo. Thì đạo Phật được du nhập vào Việt Nam với những hình ảnh ban đầu được tiếp nhận một cách rất là đơn sơ, gần gũi. Sau đây, người viết xin đi vào những vấn đề sau để có được sự nhìn nhận về Phật giáo với những tín ngưỡng tâm linh thuở ban đầu.

         I.     Quá trình du nhập và phát triển Phật giáo tại Việt Nam.

            Phật giáo du nhập vào Việt Nam rất sớm, kể từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã sớm bén rễ trên mảnh đất này. Căn cứ các tài liệu theo nhiều học giả, giới nghiên cứu hầu hết đều đồng ý rằng Đạo Phật đã được truyền vào Việt Nam rất sớm, nhất là từ cuối thế kỷ thứ II đến đầu thế kỷ thứ III Tây Lịch.[6] Với một vị trí hết sức thuận lợi, Việt Nam nằm trong bán đảo Đông Dương, giữa Ấn Độ và Trung Hoa[7]. Vì địa thế của nước Việt Nam như thế, nên đã chịu ảnh hưởng nhiều của hai nền văn minh, riêng về Phật giáo thì sự du nhập vào Việt Nam bằng hai con đường là đường biển từ phía Nam lên và đường bộ từ phía Bắc xuống. Phật giáo du nhập qua con đường biển, xuất phát từ các hải cảng vùng Nam Ấn rồi qua ngã Srilanka, Indonesia, Việt Nam...Lợi dụng được luồng gió thổi định kỳ vào hai lần một năm phù hợp với hai mùa mưa nắng ở khu vực Đông Nam Á. Những thương nhân Ấn đã tới các vùng này để buôn bán bằng những con thuyền buồm. Trong các chuyến đi viễn dương này, các thương nhân thường cung thỉnh một hay hai vị tăng để cầu nguyện cho thủy thủ đoàn và các vị tăng này nhờ đó mà đến truyền bá Đạo Phật vào các dân tộc ở Đông Nam Á. Giao Châu tiêu biểu bấy giờ là trung tâm Luy Lâu[8], là nơi tụ điểm nghỉ chân giao lưu của các thương thuyền. Từ thế kỷ thứ nhất, xứ Giao Châu là một bến cảng cho các thương thuyền Ấn độ ghé qua buôn bán các sản phẩm tơ lụa, vải vóc, hồ tiêu và các gia vị khác… Trong diễn trình này, đạo Phật được biết đến ở nước ta qua những sinh hoạt hằng ngày của các tu sĩtín đồ thực hiện với mục đích mong cầu được bình an. Dần dần, các tu sĩ này được quần chúng tín nhiệm và cuộc sống tâm linh của dân ta trở nên phong phú[9]. Vậy là buổi đầu, Phật giáo đến với nước ta được định hình bằng một Phật giáo chức năng. Với một nội dung sinh hoạt buổi đầu như thế dường như nó phù hợp với tín ngưỡng bản địa văn hoá, tiến trình du nhập Phật giáo vào nước ta diễn ra một cách nhanh chóng, không có sự phản kháng nào, được cộng đồng người Việt tiếp biến và hội nhập một cách tự nhiên nó được đi vào trong đời sống tín ngưỡngđạo lý sống của người Việt. Phật giáo du nhập qua con đường bộ còn gọi là con đường tơ lụa con đường này nối liền Đông Tây, phát xuất từ vùng Đông Bắc Ấn Độ, Assam hoặc phía Trung Á, một nhánh của đường tơ lụa đi từ Châu Âu qua các vùng thảo nguyên và vùng sa mạc ở Trung Á tới Lạc Dương bằng phương tiện lạc đà.[10] Cũng có thể các thương nhân và tăng sĩ qua vùng Tây Tạng và các sông Mekong, sông Hồng, sông Đà mà vào Việt Nam. “Theo quyển “Lịch sử Phật Giáo Việt Nam” (Hà Nội, 1988) có nói rõ: "Các thương nhân xuất phát từ Trung Ấn có thể dùng tuyến đường bộ ngang qua đèo Ba Chùa và theo sông Kanburi mà xuống Châu Thổ Mênam, bằng tuyến đường hiện nay vẫn nối liền cảng Moulmein với thành phố Raheng, nằm trên một nhánh của con sông Mênam (…) chính tuyến đường này dẫn tới vùng Bassak ở trung lưu sông Mekong, địa bàn của vương quốc Kambijan. Vương quốc này có thể là do những di dân Ấn Độ thành lập trước công nguyên. Rất có thể các tăng sĩ Ấn Độ vào đầu công nguyên đã theo con đường này mà đến đất Lào, rồi từ đây vượt Trường Sơn sang Thanh Hóa hay Nghệ An[11] . Như vậy, Phật giáo thời kỳ này dừng lại ở sự thờ cúnglễ bái, vì bất đồng ngôn ngữ và chưa có chữ viết.

Phật giáo du nhập vào việt nam rất sớm và được phát triển qua các thời kì:

     -Thời kỳ truyền bá: Từ cuối thế kỷ thứ II đến cuối thế kỷ thứ VI ( nội thuộc nhà Hán - đến hết thời Nam - Bắc triều). Giai đoạn này Phật giáo còn rất mới, chưa có ấn tượng mạnh trong nhân dân.

     -Thời kỳ hưng thịnh: Cuối thế kỷ thứ VII đến cuối thế kỷ XIV ( nội thuộc nhà Tùy - đến cuối đời Trần). Giai đoạn này Phật Pháp có sự khởi sắc mạnh mẽ từ các dòng truyền thừa tông phái, do các nhà sư Ấn Độ và Trung Hoa truyền bá vào. Đạt những thành tựu như xây chùa, mở khoa thi cử, các vị vua có tâm với Phật pháp, hết lòng hộ trì Tam Bảo kể cả khi đã thoái vị. Có thể nói đây là giai đoạn Phật giáo cực thịnh[12].

 - Thời kỳ suy yếu: Từ thế kỷ XV ( bắt đầu thời Hậu Lê). Giai đoạn này Phật giáo bị Nho giáo công kích, dần dần mất đi sự tín trọng của vua, Tăng ni ít học bày các trò mê tín dị đoan, làm cho giáo lý của Phật ít người biết đến.[13] 

            Trải qua các giai đoạn lịch sử của triều đại, Phật giáo đã bao phen thăng trầm, lúc thịnh lúc suy. Vào thời đại nhà Lý và nhà Trần, Phật giáo phát triển cực thịnh, được coi là quốc đạo, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của người dân. Đến thời nhà Hậu Lê rồi Nguyễn Triều, Phật giáo đi vào thời kỳ suy thoái, nhường vị trí quốc giáo cho Nho giáo: “ Thực vậy, trong suốt một thời gian hơn hai trăm năm, từ khi nhà Trần bắt đầu suy đồi, đạo Phật không còn chỉ đạo được đường hướng văn hóa và chính trị nữa. Giới trí thức hướng về đạo Nho như phương châm cứu nước và dựng nước. Những vị cao tăng không thấy xuất hiện[14]. Đến khi người Pháp đặt nền đô hộ trên đất nước này, thì đạo Phật lại càng suy đồi, mất hết cả những gì thuần túy, cao siêu, mà chỉ còn như là một tôn giáo thờ thần, mà nhiệm vụ chính là lo việc cúng bái. Dù Phật giáo bị thăng trầm, truân chuyển theo vận nước, nhưng Phật giáo đã hoà vào lòng dân tộc, tạo nên một sắc thái đặc biệt của riêng Việt Nam. Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc, đã đồng cam cộng khổ với dân tộc, cùng dân tộc đi qua bao khúc quanh của lịch sử, chịu đựng bao nỗi thăng trầm của thời cuộc trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

                  II.   Tình hình xã hội thời Lý-Trần.

            Thời Lý-Trần, thời kỳ vàng son của nước Việt, một đế chế mà chúng ta có thể nhìn nhận được sự thịnh hành và phát triển của xã hội, nhân dân được tận hưởng sự thái bình, thịnh trị. Để một đất nước có thể thịnh trị, sống trong hòa bình thì điều bắt buộc là nhà nước đó cần lập ra các tiêu chí về luật pháp, những hệ thống tín ngưỡng về tâm linh để người dân có thể tiếp thutuân thủ, đạt một mục tiêu là hướng con người trong quốc gia đó có được những kĩ cương và tuân thủ luật pháp. Năm 1005, Lê Hoàn mất, các con của Lê Hoàn huy động lực lượng trong các thái ấp của mình đánh lẫn nhau trong 8 tháng để tranh giành ngôi báu. Năm 1006, Lê Long Việt lên ngôi mới được 3 ngày, bị em là Long Đĩnh giết để cuớp ngôi. Long Đĩnh vừa tàn bạo vừa ham mê tửu, sắc, bị bệnh không ngồi được, nên khi coi chầu phải nằm, sử cũ gọi là vua Ngọa triều. Tình hình chính trị cuối triều Lê ngày càng thối nát, nhân dân oán giận. Năm 1009, Lê Long Đĩnh chết, triều thần chán ghét nhà Tiền Lê. Vì vậy, các sư tăng và đại thần, đứng đầu là sư Vạn Hạnh, tôn Điện tiền chỉ huy sứ tên là Lý Công Uẩn lên làm vua, mở đầu cho Vương triều nhà Lý (l010- 1225). Tiếp theo triều Lý là Vương triều Trần (1226-1400).[15]

            Năm 1010, Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế (Thái Tổ), đặt niên hiệu là Thuận Thiên, ông là một người có được sự nhìn nhận cao xa và có được sự kề cận, phò tá của những vị thiền sư nên ông nhận thấy được thiên thời, địa lợi, nhân hòa nên ông đã quyết định cho dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La: “Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại [2b] không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời…”[16] Sau đó đổi thành Thăng Long (rồng bay), chính thức gọi tên nước là Đại Việt. Từ đó, trải qua các triều vua, nhà Lý và nhà Trần ra sức xây dựng, làm hoàn thiện dần bộ máy nhà nuớc quân chủ trung ương tập quyền, xây dựng các bộ luật thành văn, cũng cố lực lượng quốc phòng vững mạnh, xây dựng và cũng cố khối đoàn kết dân tộc, lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm thắng lợi. Thì thời đại Lý- Trần đã làm được vấn đề đó bằng cách thiết lập một xã hội có những hiến chương, người dân thì có được sự bảo bọc từ các cấp chính quyền vua, quan. Thời kỳ Lý-Trần đã thực hiện các vấn đề để tạo nên được sự hùng mạnh của dân tộc như các việc làm:“Kinh tế, quốc phòng, ngoại giao, văn hóa, tổ chức chính quyền nhà nước và đời sống xã hội[17] Nhằm vào một mục đích chính đó là cũng cố lại các vấn đề của xã hội, phục vụ con người; vì các vua thời đại này đã nhận thức, có tầm nhìn lớn ra rằng khi người dân mà có được cuộc sống ổn định thì quốc gia mới phát triển và xã hội mới được thịnh trị: “Dĩ dân vi bản’ là lấy dân làm gốc là đầu mối, là suối nguồn của việc trị nước an dân của người Việt[18] Những vị vua đã tích cực thi hành những chính sách như chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, tổ chức chính quyền từ trung ương cho đến các làng xã. Trước triều đại Lý-Trần, thì lãnh thổ của nước ta luôn luôn giao động do chiến loạn liên miên với phương Bắc và nội loạn xảy ra. Nhưng đến cuối thời Tiền Lê, lãnh thổ đã được ổn định, kéo dài từ biên giới phía Bắc ngày nay cho đến vùng Quảng Bình, Quảng Trị. Lãnh thổ dần đi vào ổn định và bước qua giai đoạn xung đột văn hóa tộc người để chuẩn bị bước vào thời kỳ dung hòa văn hóa. Một khi lãnh thổ đã được xác lập rõ ràng thì triều đình cũng sẽ nắm rõ hơn về đặc tính các vùng miền để có thể đưa ra các chiến lược phát triển sao cho phù hợp với nhiều nhóm dân cư. Nếu chưa đạt được sự ổn định về lãnh thổ, dân di cư liên tục thì không thể hình thành phong tục tập quán, không có phong tục tập quán thì mọi chính sách đưa ra đều tạm bợ và dễ dàng bị nhóm dân cư mới làm cho thay đổi.

            Giai đoạn lịch sử của nhà Lý-Trần tương ứng với một trong hai giai đoạn yếu thế nhất của văn minh người Hán; triều Lý cùng thời kỳ với triều Tống, triều Trần cùng thời kỳ với triều Nguyên. Triều Tống là một triều đại yếu kém về lãnh thổ nên triều đình của người Hán chỉ tập trung chủ yếu ở 2 đồng bằng lớn là lưu vực Hoàng Hà và lưu vực Trường Giang. Lãnh thổ Trung Hoa thời bấy giờ bị các đám “man di mọi rợ” (nam man, đông di, tây mọi, bắc rợ trong quan điểm của người Hán) chia nhau lập thành các quốc gia Khiết Đan, Đại Kim, Tây Hạ, Thổ Phồn, Đại Lý…[19]Và đây là giai đoạn mà các nước bị Bắc thuộc trong đó có Việt Nam ta có được cơ hội vùng dậy, giành được sự độc lập sau một ngàn năm Bắc thuộc.

            Trong giai đoạn thời Lý-Trần thì những bộ luật về thể chế chính trị được thiết lậpáp dụng vào đời sống người dân để quản lý. Có thể nói, nếu nhà Lý mở đầu cho thời kỳ pháp luật thành văn, đưa pháp luật chính thức đi vào cuộc sống, thì nhà Trần đã kế thừa di sản tích cực đó, nâng cao hơn một bước để thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của đất nước, có tác dụng góp phần bảo vệ thành công nền độc lập, thống nhất quốc gia. Nét đặc sắc của pháp luật thời Lý-Trần là tinh thần pháp chế ngày càng được đề cao nhưng cái gốc của đạo trị nước là nhân và đức vẫn được chú trọng trong thực thi pháp luật, mặc dù tính giai cấp và đẳng cấp trong pháp luật vẫn rất đậm nét. Trong hai thời kỳ này, thì Phật giáo rất được phát triển, các vua tin theo đạo Phật vào được áp dụng vào trong đời sống cai trị dân chúng thời bấy giờ: “Lê Văn Hưu nói: Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể...”[20].

            Nhà Lý-Trần tích cực ngoại giao với các nước lân bang trên mối quan hệ hòa hảo nhưng rất là kiên quyết đấu tranh và chống lại các thế lực ngoại xâm khi có sự xâm lược, bảo vệ lãnh thổ một cách rất là tích cực, không bị nhu nhược với trước sự đàn áp, chấm dứt sự nô lệ bởi Trung Hoa. Tinh thần người dân và sự bảo hộ của các vua, quan đã thúc đẩy dân Việt ta một hào khí mạnh mẽ mà ta vẫn gọi đó là hào khí Đông A, một sức mạnh về tinh thần vô cùng to lớn, tình thần đoàn kết rất cao: “ Tinh thần đoàn kết là một yếu tố cần thiết, nhưng muốn được đoàn kết, nhà lãnh đạo phải có ý chí tự tin quyết đoán thì mới có tính thuyết phục được mọi người tin theo mệnh lệnh của mình[21]. Tinh thần đó được thể hiện qua các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại ba lần Mông-Nguyên xâm lược.

            Tóm lại, xã hội thời kỳ Lý-Trần là một xã hội vô cùng hưng thịnh tính từ khi dựng nước, chấm dứt một ngàn năm nô lệ bởi Trung Hoa, một thời kỳchúng ta có thể tự làm chủ được lãnh thổ của mình. Xã hội phồn thịnh, dân chúng thì sống trong cảnh thái bình, thịnh trị, không còn thấp thỏm lo sợ như trước nữa. Không còn bị lệ thuộc bởi những chế độ Bắc thuộc thì từ đây dân Việt có thể cách tân các hoạt động về đời sống bằng những hoạt động chế tác công nghiệp và nông nghiệp để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống: “Từ một đường lối kinh tế đúng đắn, hợp qui luật, đời sống người dân được cãi thiện hẳn. Tình trạng mù chữ trong dân được giảm bớt, trình độ văn hóa được nâng lên một bước mới. Đây là tiền đề cho một sự phát triển một cách huy hoàng của một quốc gia Đại Việt về sau với những chiến công đánh Tống bình Chiêm lừng lẫy, với một nền văn học mà một ngàn năm sau khi đọc lên, ta vẫn còn cảm thấy bồi hồi”.[22]Chính thức từ giai đoạn này mà người dân Việt có được một ý thức to lớn về vấn đề tự chủ của dân tộc luôn nung nấu trong một ngàn năm qua.

 

              III.   Phật giáo Việt Nam trong thời kì Lý-Trần.

            Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm mà mục trên người viết đã trình bày, với sự xuất hiện của trung tâm Phật giáo Luy Lâu là sự định hình cho Phật giáo thời kỳ đầu du nhập với một trung tâm đào tạo tăng và cũng là nơi dịch thuật kinh điển, không chỉ nằm ở đó mà trung tâm Luy Lâu còn là một nơi dạy học cho dân chúng, những nhà nghiên cứu, những trí thức thời bấy giờ. Trải qua các thời kỳ những thịnh suy đất nước thì Phật giáo luôn có một vị thế đứng cao trong lòng dân tộc góp phần vào công cuộc phát triển và bảo vệ tổ quốc ngay từ những buổi đầu của dân Việt. Trong từng thời kỳ thì Phật giáo đã chuyển mình một cách nhanh chóng để thể nhập vào cuộc đời này bằng những phương tiện quyền xảo, với một tinh thần từ bi - trí tuệ, thì Phật giáo đã được xem như là một tôn giáo không thể thiếu trong lòng dân tộc: “Phật giáo là một tôn giáo lớn trên thế giới sớm du nhập vào Việt Nam rồi trở thành một trong những tôn giáo truyền thống, tôn giáo dân tộc, và tới đỉnh cao là quốc giáo của Việt Nam trong thời kỳ Lý-Trần. Phật giáo đã cùng với dân tộc Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn lịch sử từ Lạc Việt, Đại Việt đến Việt Nam cận đạihiện đại, với biết bao thăng trầm lịch sử, và hôm nay đang cùng dân tộc Việt Nam bước vào thiên niên kỉ XXI với nhiều cơ hội và thách thức”.[23]Tuy trong thời kỳ Bắc thuộc thì Phật giáo không coi là quốc giáo nhưng với vai trò thì Phật giáo đã góp phần vào công cuộc bảo vệ văn hóa và chủ quyền của dân Việt; có thể nhận định rằng, Phật giáo thời kỳ Lý-Trần là quốc giáo. Bởi lẽ, chúng ta chiêm nghiệmnhận thức được rằng Phật giáo thời kỳ này được đưa lên một đỉnh cao của dân Việt bằng sự tích cực tham gia vào thể chế chính trị của những vị sư chẳng hạn như ngài Vạn Hạnh, ngài Pháp Thuận vv…Giai đoạn mà những vị sư có tiếng nói và sự cố vấn trong triều đình, có những vị được phong làm quốc sư, sự tin tưởng rất cao. Lấy tư tưởng, tinh thần nhà Phật để áp dụng vào dân chúng đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc bảo vệ đất nước và phát triển xã hội ngày một hùng cường và thịnh trị.
1.      Khái quát Phật giáo thời Lý-Trần.

            Phật giáo thời Lý-Trần, thời kỳ mà hầu hết các nhà nghiên cứu đều đưa ra những nhận định là một thời kỳ vàng son và cực kì phát triển với một đế chế mà lấy Phật giáo làm nòng cốt để phát huy, tinh thần nhà Phật được áp dụng một cách nhuần nhuyễn trong đời, những vị vua, quan tự xưng mình là một Phật tử thuận thành để hộ trì Phật Pháp và đưa Phật Pháp vào đời. Trong suốt quá trình phát triển lịch sử Phật giáo Việt Nam, Phật giáo đời Lý-Trần đã thể hiện sức sống tự lực, tự cường với tinh thần độc lập của dân tộc, nó đi đúng đường lối tu hành đạo Phật, dung hợp với bản sắc văn hóa dân tộc để tạo thành một nét đặc thù cho nền Thiền họcvăn học Việt Nam thời Lý Trần: “Phải lựa chọn thiền tông làm ý thức hệ tiêu biểu, nhưng cần phải thay đổi nội dung của các thiền phái[24]. Con đường này phù hợp với quy luật phát triển tâm thức để phát sinh tuệ giác, đưa con người đến chỗ giác ngộ giải thoát ngay trong hiện tại. Thời kỳ Lý-Trần với sự lãnh đạo tài ba một con người đức hạnh, sau khi xuất gia thì đã giác ngộthành Phật được tôn xưng là Phật Hoàng Trần Nhân Tông: “Nhân Tông tính hiền từ, thông minh, hiếu học, thông cả nội điển và ngoại thư[25]. Bằng sự tu hành và dung hợp ngài khai sáng ra một dòng thiền mới mẽ ra đời với tên gọi là Phật Giáo Nhất Tông Trúc Lâmvới sự dung nộp ba hệ thống tư tưởng của những dòng thiền thời bấy giờ là Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn ThôngThảo Đường’.[26] Tôn giáo là một lĩnh vực tinh thần, nó góp phần xây dựng nền đạo đức cho xã hội, đem lại sự bình an hạnh phúc cho con người. Cũng vậy, Phật giáo là một tôn giáo dạy con người tu trên nhân quả. Con đường tu theo đạo Phậtcon đường chuyển hóa nội tâm theo quy luật vận hành của vũ trụnhân sinh. Vì thế, người Phật tử đến với đạo Phật không chỉ với niềm tin mà đến để thấy, để sống, để khai mở tâm năng, từ đó nhận ra đươc sự thật của cuộc sống, những nguyên lý, những quy luật đang tác động chi phối cuộc sống, đó là luật nhân quả, luật vô thường và lý duyên sinh.

            Đối với đạo Phật muốn thay đổi cuộc sống từ khổ đau bất hạnh đến an vui, hạnh phúc thì không gì hơn phải chuyển hóa nội tâm của mình theo luật nhân quả, lý duyên sinh của vũ trụ để có đủ những duyên lành thay đổi cuộc sống ngày càng hướng thượng, ngày càng an lạc hạnh phúc ở hiện đời và đời sau. Mục đích cứu cánh của Phật giáo là dạy cho chúng sanh con đường khai mở tâm thức, phát triển trí tuệ trực giác, hướng đến giác ngộ giải thoát. Đạo Phật còn góp phần giáo dục con người; như chúng ta biết, nền giáo dục của nhân loại chỉ nhằm phát triển thể chất và phát triễn trí não (như qua sự giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, qua sách vở báo chí, truyền thông…)[27]. Kiến thức thế gian giúp cho chúng tatri thức về cuộc sống hiện đời, đem đến danh vị nghề nghiệp, có nếp sống văn minh, đưa đến sự thành đạt về công danh sự nghiệp tạm thời… Nhưng không dạy cho chúng ta nguyên nhân nào để thành đạt hay thất bại, nguyên nhân nào đem đến an vui hạnh phúc, hay bất hạnh… Như chúng ta đã thấy biết có rất nhiều người tài giỏi hơn chúng ta nhưng họ có thật sự hạnh phúc không? hay cuộc sống gia đình họ thiếu hạnh phúc, biết bao nhiêu người sanh ra trong gia đình giàu có nhưng lại tật nguyền, bất hạnh. Người đời thường cho đó là số mạng, hay do sự kém may mắn, hoặc do Thượng đế an bài… Điều này không đúng với giáo lý nhà Phật, đức Phật dạy: “Tất cả các pháp đều do duyên sinh mà cũng do duyên diệt”.[28]

            Đạo Phật vì lấy nhân quả để tu nên khi hành giả cãi rửa thân tâm, sống hướng thiện là góp phần xây dựng, cải tạo gia đình, xã hội, đem lại an vui hạnh phúc cho mọi người. Vì cá nhân có an vui thì gia đình, xã hội mới bình an. Phật giáo Lý-Trần đã góp phần xây dựng con người, xã hội như thế nào đã được chứng minh cụ thể qua hành động của các vị vua trong triều đại đó. Phật giáo Việt Nam, đặc biệtPhật giáo thời Lý-Trần đã đi đúng con đường này nên đã cống hiến cho dân tộc những danh tăng với trí tuệ minh triết, giúp vua, giúp nước thoát cảnh nông nô mà lịch sử còn ghi lại và thế hệ mai sau còn nhắc đến như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Thuận, đại sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Mãn Giác, Tuệ Trung Thương Sĩ Thiền sư Pháp Loa, Thiền sư Huyền Quang vv...[29] Hai triều đại Lý-Trần tồn tại gần 400 năm, có thể nói đây là triều đại cực thịnh của Phật giáo Việt Nam. Đất nước hoàn toàn thoát khỏi ách thống trị Bắc thuộc, tiến bước trên con đường xây dựng và phát triển xã hội. Có thể nói thời nhà Trần là triều đạiPhật giáo phát triển cực thịnh về mọi mặt kinh tế, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, quân sự. Quân sự hùng mạnh góp phần thắng lợi ba cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông. Bộ máy nhà nước đã có quy chế, nề nếp, đời sống người dân ổn định, và sau đây người viết sẽ đi từng mục để thấy được tiến trình đóng góp của Phật giáo.
2.      Vai trò, vị trí đạo Phật trong lòng dân tộc Đại Việt.

            Trong giai đoạn này phật giáo đóng một vị trívai trò vô cùng lớn là áp dụng được giáo lý nhà Phật vào các vấn đề như kinh tế, giáo dục, ngoại giao, mỹ thuật , văn hóa … Tạo nên một tiền đề lớn cho xã hội thời bấy giờ, các chùa được xây dựng: “vua Lý Thái Tổ(974-1028) đã có nhiều lệnh chỉ có lợi cho sự phát triển của Phật giáo, như làm chùa trong cả nước, độ dân làm sư, sai sứ sang Trung Quốc xin kinh Phật…”[30] Từ đây, tạo nên một bản sắc văn hóa dân tộc hùng cường, các vua thì thấu hiểu được giáo lý và đêm mười điều thiện áp dụng vào đời sống nhân dân khiến người người, nhà nhà đều được am tường giáo lý Phật Đà, con người được sống trong nếp sống từ bi, thương yêu lẫn nhau không mang tinh thần bạo động và từ đó có được một thể chế quốc gia hùng hậu. Các thiền trường và các ngôi chùa nhà trường như thế, ngoài chức năngnơi sinh hoạt đạo pháp, còn là nơi để đào tạo nhân tài phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Như vậy, vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp giáo dục nói riêng và trong quá trình phát triển toàn diện nói chung là rất quan trọng. Thời Lý-Trần, Phật Giáo cực thịnh, ảnh hưởng sâu sắc đến văn học, vì thế mà đã tồn tại bộ phận văn học Phật giáo. Văn học Phật giáo Lý-Trần là tinh hoa đỉnh cao của văn học Phật giáo Việt Nam: “ Các giá trị đạo đức Phật giáo chuyển từ văn học chức năng tôn giáo sang tác phẩm văn học nghệ thuật một cách sinh động, uyên nhã, góp phần duyên khởi giác ngộ Phật pháp và tồn dưỡng Phật đạo trong người đọc nước Việt[31]vai trò tiên phong trong công cuộc xây dựng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Lực lượng sáng tác có tên và khuyết danh thì văn học Phật giáo chiếm đến 87 tác giả trên tổng số 163 tác giả văn học.

            Trong giai đoạn từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV, Phật giáo được công nhậnQuốc giáo: “Mùa đông, tháng 10, mở hội La Hán ở Long Trì, đại xá thiên hạ, tha tội lưu, tội đồ và một nửa tiền thuế cho thiên hạ. Trước đây, vua sai thợ tạc hơn nghìn pho tượng Phật, vẽ hơn nghìn bức tranh Phật, làm bảo phướn hơn [29b] một vạn lá. Đến đây xong việc, làm lễ khánh thành[32]. Giai đoạn mà chính quyền nhà nước vô cùng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Phật giáo phát triển, nhiều nhà sư đã đóng góp những sách lược vào chiến lược phát triển lâu dài của đất nước với vai trò là những cố vấn chính trị cho các vị vua: “Mùa xuân, tháng giêng, phong nhà sư Khô Đầu làm Quốc sư (có thuyết nói là cho [12a] tiết việt, cùng với Tể tướng đứng trên điện, xét đoán công việc và đơn từ kiện tụng của thiên hạ, chưa chắc là có thể, có lẽ bấy giờ Nhân Tông sùng đạo Phật, phong làm Quốc sư để hỏi việc nước, cũng như Lê Đại Hành đối với Ngô Khuông Việt mà thôi). Dặt chức thư gia mười hỏa[33]. Tinh thần của một nhà sư tùy thờiứng hiện khác nhau, tùy duyên mà hoằng hóa lợi sanh, thùy thời mà khai diễn pháp môn riêng, không chấp nhất một việc như trong cuốn 50 năm(1920-1970) chấn hưng Phật Giáo Việt Nam có nói rằng: “ Phật giáo luôn luôn trung thành với quốc gia dân tộc Việt Nam. Cùng với dân tộc đồng an, đồng nguy. Khi nào nước nhà bị lầm than, dân chúng dồ thán, thì Phật giáo đứng ra chống ngoại xâm, cứu nước giúp dân… Phật giáo chỉ trung thành với quốc gia dân tộc, chỉ dựa trên căn bản dân tộc, sống chết với dân tộc mà thôi. Lịch sử Việt Nam từ Đinh, Lê, Lý, Trần đã chứng minh hùng hồn và cụ thể cho điều đó”.[34] Những vị thiền sư đã đêm lời Phật dạy vào việc trị nước và trên tinh thầnquốc sư dưới một người mà trên vạn người, nhưng các ngài tùy tục mà dấn thân vào làm việc, xong thì vẫn làm một nhà sư bình thường không mưu cầu danh lợi địa vị, ẩn dật sơn lâm, nhàn du cảnh tượng: “ Có nhiều lý do để các thiền sư thời lý tham dự chính sự( tham sự chính sự mà không tham sự chính quyền, bởi vì họ không nhận chức vụ trong nội các, chỉ tới giúp ý kiến và công việc, rồi về chùa) có ba ý kiến…”[35]

            Trước đó, Thiền sư Vạn Hạnh với một sự tu hành và có tầm nhìn cao xa, thương yêu chúng sanh bằng tâm từ bi nhà Phật đã có công lớn trong việc lập nên triều Lý với việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế: “Vạn Hạnh dung ba cõi, thật hiệp sấm lời xưa, quê hương tên Cổ Pháp, chống gậy trấn kinh vua[36]. Với vai trò là một Quốc sư, ngài đã dàn một mặt trận văn hóa bao la trong cả không gian lẫn thời gian mà không một tư trào văn hóa ngoại lai nào có thể khiến dân tộc Việt Nam quên mất để mà chạy theo. Sư Vạn Hạnh với những trận đánh thuộc lĩnh vực văn hóa là chiến công về chính trị đã gieo ảnh hưởng muôn đời về sau. Nhà văn Lê Văn Siêu, tác giả sách “ Văn Minh Đại Việt” đã viết về ngài Vạn Hạnh: “…Người ấy thì phải có công nghiệp, mà công nghiệp này nhất định có Người ấy mới làm nổi. Bởi Người thức cảm hơn ai hết, sự áp bức của nền văn hóa ngoại lai còn nguy hiểm gấp bội sự áp bức về chính trị, nên Người đã nêu cao ngọn cờ độc lập văn hóa để loại trừ sự áp bức chính trị của kẻ thù[37]. Đời sống nhân dân mà có ấm no hạnh phúc thì mới tạo một đất nước thái bình thịnh trị, những vị vua thời Lý-Trần đã hiểu được lòng dân, đi sâu vào lòng dân nên đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển kinh tế: “Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Thái Tông không phục lễ cổ, tự mình cày ruộng tịch điền để nêu gương cho thiên hạ [26a] trên để cúng tông miếu, dưới để nuôi muôn dân, công hiệu trị nước dẫn đến dân đông, của giàu, nên thay!”[38]. Khi con người mà trong trạng thái suy nhược về thể xác thì ý chí bị yếu nhược mà nếu ý chí yếu nhược thì sao có thể phát huy được giá trị thực tại. Bằng những cố vấn của những vị thiền sư, những người đã hiểu và thấu rỏ về bản chất con người nên đã đưa ra những chính sách bảo hộ dân chúng về mặt kinh tế để cũng cố lòng dân.

            Không phải chỉ bắt đầu từ đời nhà Lý, Phật giáo mới cố vấn chỉ đạo guồng máy chính quyền. Phật giáo đã làm việc này từ đời nhà Đinh nhưng các thiền sư không bao giờ lai vãng chốn triều đình phiền toái. Chỉ khi nào các vị vua cần điều gì minh giải mà quần thần không làm nổi thì lúc bấy giờ mới phái sứ giả đến thiền môn cung thỉnh các ngài lai triều góp ý kiến giải quyết cho, xong rồi thì việc ai nấy làm: “ Triết học hành động của Vạn Hạnh tiêu biểu cho thái độ chung của các thiền sư: Làm thì làm, nhưng không mắc kẹt vào công việc, không nương tựa vào hữu vi, đó là triết lý vô trụ[39] đó là một trong những tinh thần không bám víu vào thế tục được thể hiện qua câu “ tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên[40]. Các ngài thấu rõ được sự hưu ảo, giả tạm của thế nhân nên không còn tham cầu đến địa vị, danh lợi, không tranh giành những thứ phù phiếm ở đời.

            Dưới thời Trần tư tưởng giáo lý Phật giáo đã ảnh hưởng mạnh mẽ trong cách hành sử của nhà Vua. Chúng ta nên nhớ rằng : Giữa lúc cả thế giới đang chìm ngập trong tư trào của thời đại quân chủ, vua là trên hết, vua thay trời trị dân…Mà riêng ở góc trời Nam với sự khuyến cáo của Quốc Sư Phù Vân với Trần Thái Tông như sau:“ thiên hạ chi dục vi dục” (Lấy ý thiên hạ làm ý mình)…”[41]. Phàm là bậc minh quân thì lấy ý thiên hạ làm ý của mình, lấy việc làm của thiên hạ là việc của mình thì quốc gia mới thịnh trị, nhân dân mới thái bình. Trên tinh thần đã cho thấy sự thấm nhuần giáo lý từ bi, trí tuệ, bình đẳng, giải thoáttự chủ trong đạo Phật của vua Trần Nhân Tông về sau. Phật Giáo mất dần vai trò của mình vào cuối đời Trần Hiển Tông (1326-1369). Từ đó đất nước dần dần suy yếu và đến đời Trần Thiếu Đế (1398-1400) thì bị Hồ Quy Ly cướp ngôi lập ra nhà Hồ (1400-1407). Sau đó nước Đại Việt ta, suốt hai mươi năm trời bị nội thuộc nhà Minh…

            Dưới thời vua Trần Nhân Tông thì Phật giáo càng trở nên thịnh hành và đất nước càng trở nên thịnh trị, thái bình hơn. Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tại núi Yên Tử. Vì vấn đề xã tắc nên ngài vẫn lo nghĩ cho muôn dân cho thiên hạ bách tính, phải chăng lúc đó đang là thời kỳ mà các giặc ngoại xâm lấn chiếm bờ cõi nên ngài chọn núi Yên Tử để tu nhằm những mục đích sau: “ Có ba nhận định: Thứ nhất, Yên Tử là “linh địa”, là nơi có vị trí đặc biệt,với dòng họ nhà Trần, với vua - Phật Nhân Tông. Thứ hai, vua Trần Nhân Tông về Yên Tử bởi nơi này trước đó đã được coi là nơi tu hành đạt đạo của tiền nhân. Thứ ba, Yên Tử có đủ những điều kiện để giúp cho những bậc tu hành đắc đạo, không kém gì xứ sở của Phật Đà Già La(Nairanjana) của Đức Phật Thích Ca”.[42] Vì thế, cho nên ngài chọn núi Yên Tử để tìm cầu sự giải thoát tự thân. Xuất gia bằng sự nổ lực và tinh cần nên ngài đã đạt tới sự giải thoát cho tự thân. Lúc này đây, thì Phật giáo đã dung hợp tất cả các thiền phái và đặc trưng nhất là mang một dấu ấn của dân Việt không còn bị lệ thuộc bởi những văn hóa nô dịch Trung Hoa nữa mà mang đậm bản sắc của dân Đại Việt ta. Với sự ra đời của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử thì Phật giáo đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc, bằng những tính chất cũng như những vấn đề cốt lõi tinh thể thì đạo Phật mang lại một lần nữa đã khẳng định được một chủ quyền về văn hóa, về một tôn giáo mà mà trong đó Phật giáo dấn thân vào đời với chủ trường ‘hòa quang đồng trần’. Mang trong mình một trách nhiệm đó là nhập thế vào đời, một chủ trương không tìm cầu bên ngoài mà ngay trong thân thể này con người có thể khai phóng được luồn năng lượng đó chính là tuệ giác bằng thiền định, tìm thấy Phật trong tâm hay nom na gọi là ‘Phật tại tậm’: “ Mày ngang mũi dọc cũng như nhau, Phật với chúng sanh không khác mặt[43]. Nên khi cố gắng dụng công phu tu tập thì ai ai cũng có thể thành Phật được và đạt được sự giác ngộ ngay trong hiện đời này. Thì thiền phái Trúc Lâm đã đánh dấu một bước ngoặc mới của thời cuộc, khuyến cáo mọi người tu theo thập thiện một phần giúp cho dân Việt định hình cuộc sống tránh điều ác mà làm việc lành thì một quốc gia có thể hùng cường được. Mặc khác, trong ngàn năm Bắc thuộc thì dân tộc Việt bị phương Bắc đô hộ bằng những tục lệ văn hóa thì từ nay dân Việt với chủ trương độc lập thì đã tách khỏi được chế độ nô lệ về mặt bản sắc văn hóa dân tộc; hoàn thiện được một bộ mặt đất nước mà trong đó thì Phật giáo là một tôn giáo đứng đầu trong công cuộc bảo vệ phát huy những tinh hoa và cốt tủy của nền văn hóa Việt.

               IV.   Phật giáo Việt Nam trong công cuộc thiết lập nền độc lập tự chủ.

            Thời Lý-Trần luôn kiên trì và hướng tới mục tiêu bảo vệ nền độc lậptoàn vẹn lãnh thổ. Tuy phải tiến hành không ít cuộc kháng chiến chống lại các thế lực lớn: Hai lần chống quân Tống và ba lần chiến đấu chống quân Nguyên, nhưng nền độc lập của triều đại Lý-Trần vẫn vững bền. Bởi triều đình đã có được đường lối kháng chiến phù hợp và sự trợ giúp đắc lực từ Phật giáo. Phật giáo đã trở thành vũ khí tinh thần giúp triều đại liên kết nhân tâm, thống nhất các lực lượng trong xã hội để tập trung vào mục tiêu chung, góp phần tạo nên ý chíquyết không chịu khuất phục[44] trước bất cứ kẻ thù nào. Cũng chính bản lĩnh này, đã tạo nên sức mạnh giúp người Việt thời Lý-Trần sẵn sàng đương đầu với những kẻ thù hùng mạnh. Trong cuộc chiến chống Tống ở triều Lý, nhân dân tham gia rất đông đảo. Sang thời Trần, nhân dân cũng hết lòng ủng hộ và hưởng ứng lời kêu gọi của triều đình. Có được những thành quả này là nhờ công sức của các vua quan, thiền sư: “Hồi ban đầu lập quốc các vị thiền sư đã mở các cuộc vận động gây ý thức quốc gia, đã sử dụng các môn học phong thủy và sấm vĩ trong các cuộc vận động ấy, đã trực tiếp thiết lập kế hoạch, thảo văn thư, tiếp ngoại giao đoàn, bàn luận về các vấn đề quân sự[45]. Phật tử Lý-Trần đã kiên trì vun đắp từ những năm tháng hòa bình, khi giặc ngoại xâm đến, tinh thần ấy được khơi dậy và phát huy cao độ, để rồi lần lượt giành được những thắng lợi vang dội.

            Nhiều nhà chính trị Lý - Trần cũng tu thiền(Lý Thường  Kiệt, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông…), để rèn luyện thân thểtâm tính, mang lại cho họ bản lĩnh vững vàng nơi trận mạc và sự sáng suốt để lãnh đạo đất nước trải qua nguy khốn. Trong thời kỳ này người dân được tuyển chọn để cho đi xuất gia: “Năm 1016, hơn 1000 người ở kinh đô Thăng Long được tuyển chọn để xuất gia làm tăng sĩ và đạo sĩ. Năm 1019, lại một lần nữa độ dân làm tăng sĩ…”[46] Cũng nhờ phương pháp tu luyện, thiền đã mang lại sự gắn kết giữa tướng và quân lính, mối quan hệ giữa họ trở nên rất đoàn kết. Vì vậy, đã tập hợp và xây dựng được một đội quân tinh nhuệ, góp phần tạo nên những kỳ tích trongchiến trận.

            Tinh thần bình đẳng, bác ái trong triết lý nhân sinh Phật giáo đã giúp lòng yêu nước của nhân dân thời Lý-Trần phát triển lên một bước mới. Điều này được thể hiện rõ nét ở niềm tự hào dân tộc, ý thức cao độ về quyền độc lập tự chủ của đất nước. Các nhà chính trị thời kỳ này luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích của bản thân. Bởi bên cạnh vai trò của một vị thiền sư họ còn là một nhà chính trị, có trách nhiệm với vận mệnh đất nước. Tuy là Phật tử, song họ sẵn sàng thân chinh cầm quân đánh giặc, bởi theo họ đánh giặc để cứu dân, cứu nước. Thời Lý-Trần, việc trấn áp các thế lực chống đối không phải lúc nào cũng kết thúc bằng “máu”, mà lại bằng hình phạt rất khoan dung, nhân đạo. Có thể thấy, nhân sinh quan Phật giáo cũng ảnh hưởng mạnh mẽ trong lối ứng xử của các nhà chính trị(Thái Tử Phật Mã thời Lý; thời Trần có vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông...) với những kẻ chống đối. Không chỉ khoan hồng cho anh em thân tộc, vua cũng thực hiện chính sách miễn-giảm tội cho quan lại có ý đồ phản trắc, nhằm lấy sự khoan dung, nhân để cảm phục lòng người mà từ bỏ đi ý nghĩ xấu. Cũng nhờ tinh thần ấy, ở triều đại Lý và Trần đều không xảy ra bạo động lớn, không thường xuyên có cảnh tranh cướp ngôi vua, anh em trong hoàng tộc chém giết lẫn nhau. Để phát triển đất nước, giai cấp thống trị thời Lý-Trần rất chú trọng tới nông nghiệp. Vua còn trực tiếp xuống cày ruộng với dân, phạt nặng những người trộm trâu, giết bò, gây khốn đốn cho việc cày cấy của nông dân. Các chính sách xã hội dưới thời Lý - Trần cũng thấm đượm tinh thần nhân văn của Phật giáo. Đối với người dân nghèo, triều đình cũng có những chính sách để giảm bớt khó khăn: phát chẩn; chế thuốc phát cho người bệnh; miễn thuế hoặc giảm thuế khi mất mùa, sau khi đánh trận và cả khi được mùa; giảm tội cho tù nhân cải tạo tốt. Đây đúng là một cung cách ứng xử của một đấng minh quân đã thấm nhuần triết lý từ bi, hỷ xả của Phật giáo. Có thể thấy, triều đại Lý - Trần đã lựa chọn được hệ tư tưởngnhân dân yêu mến và triển khai nó trong các chủ trương, đường lối trị nước. Khi lựa chọn được hệ tư tưởng phù hợp, bản thân các nhà chính trị Lý-Trần đã chuyên tâm học tập và thực hành tư tưởng đó trong thực tiễn, khiến cho người dân tin tưởnghết lòng ủng hộ triều đình, giúp công cuộc ổn định và phát triển đất nước ngày càng hiệu quả.
C.    Tổng luận.

            Đạo Phật Việt Nam trong thời kỳ Lý-Trần là một bước ngoặc mới của dân tộc đánh dấu một bước tiến mới trên mọi lĩnh vực khi các vị vua là những vị Phật tử thuận thành tiếp thu những nền móng triết lý Phật Đà để thể nhập vào đời sống người dân một cách rộng rãi; mọi người đều được am tường giáo lý, Phật giáo cực thịnhbảo tồn được giá trị văn hóa của một đất nước.

            Phật giáo trong giai đoạn Lý-Trần có thể nói là quốc giáo. Trong hai giai đoạn này Phật giáo đóng một vai trò rất quan trọng trong các mặt, cũng như nền giáo lýtín ngưỡng được áp dụng một cách rộng rãi trong văn học, kiến trúc xây dựng, nghi lễ tín ngưỡng văn hóaĐặc biệt, trong văn học có các bài thơ của những vị Thiền sư nỗi tiếng như thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Pháp Thuận, thiền sư Không Lộ, thiền sư Mãn Giác, Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ … Để lại cho muôn đời sau những giá trị cốt lõi và những bài học quý giá, tạo nên trang sử mới cho dân tộc Việt.

            Phật giáo Lý-Trần là một yếu tố bất ly của cuộc sống, có những đấng Quốc Vương quy y theo chánh pháp và nguyện sống đời mình theo Phật giáo, đưa quốc gia đền thái bình, thịnh vượng. Đạo Phật chi phối tất cả mọi sinh hoạt con người thời ấy; thời ấy cũng là giai đoạn Phật giáo mang tư tưởng nhập thế, được thực hành, áp dụng rất thành công. Đạo Phật trong giai đoạn này, đưa con người Việt Nam đến bờ an lạc hạnh phúc, làm cho họ có chiều sâu về tâm linh nội tâm, đình hình được nếp sống con người được thể hiện qua đó.

            Từ một nền Phật giáo quyền năng, do nhu cầu của lịch sử, Phật giáo của giai đoạn này biến thành một nền Phật giáo chống ngoại xâm. Đây phải nói là một trong những thành tựuý nghĩa nhất của giai đoạn phát triển này của Phật Giáo. Tham gia vào phong trào vận động độc lập với một lý luận vận động hết sức rõ nét. Những người Phật giáo không phân biệt tại gia hay xuất gia đã cùng nhau đoàn kết qua nhiều lần diễn tập, cuối cùng thành công giành lại độc lập cho tổ quốc và thống nhất đất nước về một mối, đặt nền móng cho kỷ nguyên văn minh Đại Việt phát triển rực rỡ, huy hoàng trong nhiều thế kỷ.



[1] HT. Thích Mãn Giác( 1929-2006), bài thơ  “ Nhớ Chùa

[2]Đạo pháp-dân tộc, chủ nghĩa-xã hội”: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, các pháp môn tu học theo truyền thống hệ phái vẫn được tiếp tục duy trìhoạt động theo một phương châm.

 

[3] Xem thêm: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Hội Đồng Trị Sự(2012), Kỷ Yếu Hội Thảo Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Tr. 41-49

[4] Đức Phật Thích Ca Mâu Ni(Shakyamuni Buddha): Người sáng lập ra Phật giáoThái Tử Cồ Đàm Tất Đạt Đa( Gautama Siddhattha) sinh khoảng năm 563-TCN, con vua Tịnh Phạn( Shuddhodana) thuộc bộ tộc Thích Ca( Sakya), trị vì vương quốc Ca Tỳ La Vệ( Kapilavastu) ở vùng trung lưu Sông Hằng( Ganga). Thái tử Cồ Đàm Tất Đạt Đa đã bỏ cuộc sống nhung lụa nơi hoàng cung để tu hànhcuối cùng ông tuyên bố đã tìm ra được chân lý, hiểu được bản chất của sự tồn tại, nguồn gốc của khổ đau phiền não của con ngườicon đường cứu vớt chúng sanh. Từ đó ông được gọi là Người Giác Ngộ( Buddha- dịch qua hán là Phật Đà, gọi tắt là Phật) và được tôn là bậc thánh của dòng họ Thích Ca- Sakyamuni( Thích Ca Mâu Ni). Sau khi tuyên bố giác ngộ, Phật Thích Ca đi truyền bá các lý thuyết của mình để sau này trở thành tôn giáo lớn: Phật Giáo.

Xem thêm: Nguyễn Cao Thanh(2008), Khái Lược Phật Giáo Việt Nam An Outline Of Buddhism In Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Tr. 7-11

[5] Thích Minh Châu, Tăng Chi Bộ Kinh, Tập 1, VNCPHVN.

[6] Đào Duy Anh, (1992), Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

[7] Lê Mạnh Thát(1999), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 1, Nxb. Thuận Hóa, Tr. 18-19

[8] Trung tâm Luy Lâu: “Luy Lâu là trị sở bấy giờ của Giao Chỉ, hiện nay thuộc Phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh”.

Xem thêm: Nguyễn Lang(2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I-II-III, Nxb. Phương Đông, Tr. 15-19

[9] Thích Phước Đạt, 2007, Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam (tài liệu giảng dạy), Học Viện Phật Giáo Việt Nam.

[10] Sđd, Tr. 13-15

[11] Thích Nguyên Tạng(1996),  Phật Giáo Tại Việt Nam, Phần A.

[12] Trần Văn Giáp soạn, Tuệ Sỹ dịch(1968), “Phật Giáo Việt Nam từ khởi nguyên đến thế kỷ XIII”, Nxb. Ban Tu Thư Viện Đại Học Vạn Hạnh, Tr. 145-147.

[13] https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%E1%BA%ADt_gi%C3%A1o

[14] Nguyễn Lang(2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập I-II-III, Nxb. Phương Đông, Tr. 393-395

[15] Khuyết Danh biên soạn, Nguyễn Gia Tường dịch, Nguyễn Khắc Thuần hiệu đính(1993), Đại Việt Sử Lược, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, Tr. 109-122

[16] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển II. Tr. 81

[17] Thích Phước Đạt(2012), Giáo Trình Lịch Sử Văn Học Việt Nam, tr. 34.

[18] Thượng Tọa, Ts. Thích Thanh Quyết - Ts. Nguyễn Quốc Tuấn (Đồng Chủ Biên)( 2013), Phật Hoàng Trần Nhân Tông(1285-1308) Con NgườiSự Nghiệp, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Tr. 375.

[19] https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/tai-sao-hai-trieu-dai-ly-tran-lai-dat-duoc-su-thinh-vuong.html

[20] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển II, tr. 81

[21] Ban Phật Giáo Việt Nam, ban Phật Học chuyên môn(1995), Thiền Học Đời Trần, Nxb. Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tr. 230

[22] Lê Mạnh Thát(1999), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Tr. 604

[23] TS. Hoàng Thị Thơ, Phật giáo với trách nhiệm dân tộc trong lịch sử và hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 2/2010, tr. 15

[24] Nguyễn Duy Hinh(1999), Tư Tưởng Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

[25] Thích Phước Sơn dịch và chú (1995), Tam Tổ Thực Lục, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, Tr. 18.

[26] Thượng Tọa, Ts. Thích Thanh Quyết - Ts. Nguyễn Quốc Tuấn (Đồng Chủ Biên)( 2013), Phật Hoàng Trần Nhân Tông(1285-1308) Con NgườiSự Nghiệp, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Tr. 739-754.

[27] Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Ban Giáo Dục Tăng Ni Trung Ương(2012), Giáo Dục Phật Giáo Việt Nam Định Hướng Và Phát Triển, Nxb. Tôn Giáo, Tr. 76-87

[28] Kinh Phật Tự Thuyết (Kinh Tiểu Bộ tập I): Cố Hoà Thượng Thích Minh Châu dịch.

[29] Nguyễn Khắc Thuần(2000), Nước Đại Việt thời Lý Trần, Nxb. Thanh Niên.

[30] Thượng Tọa, TS. Thích Thanh Quyết- PGS. TS. Trịnh Khắc Mạnh( đồng chủ biên)(2018), Trúc Lâm Yên Tử Phật Học Tùng Thư, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Tr. 18.

[31] Nghiên Cứu Văn Học, tạp chí nghiên cứu lý luận, phê bìnhlịch sử văn học, 05-2019, Viện Văn Học-Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, tr. 57-67.

[32] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển II, tr. 97

[33] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển III, tr. 113.

[34] Sa Môn Thích Thiện Hoa(1970), 50 năm( 1920-1970) chấn hưng Phật Giáo Việt Nam hay là ghi ơn tiền bối, tr. 128- 130

[35] Nguyễn Lang(2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1-2-3, Nxb. Phương Đông, Tr.146-149.

[36] Lê Mạnh Thát(1999), Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam, Tập 2, Nxb. Thuận Hóa, Tr. 557.

[37]Văn Siêu, Văn Minh Đại Việt.

[38] Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Bản Kỷ - Quyển II, tr. 96.

[39] Nguyễn Lang(2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1-2-3, Nxb. Phương Đông, Tr. 149

[40]Tùy Duyên”: Theo từ điển Phật học, từ vựng “tùy duyên bất biến” có nghĩa là tuỳ theo cơ duyên mà duyên với ngàn sai muôn khác nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi bởi vận hành từ Lý Duyên Sanh. Cũng có nghĩa như là “thường tùy Phật học” trong mười đại nguyện của ngài Phổ Hiền. BẤT BIẾN: Nghĩa là tùy theo duyên mà hiện vạn hửu nhưng bản thể của nó vẫn không thay đổi bởi tùy thuận chúng sanh thực hành như chánh pháp, như Phật pháp.Qua hai định nghĩa trên cho ta thấy hai chử tùy duyêntùy theo nhân duyên, còn bất biếnbản thể không thay đổi.

[41] TT.TS. Thích Phướt Đạt(2019), Trần Thái Tông Và Khóa Hư Lục Nhìn Từ Góc Độ Văn Học, Nxb. Hồng Đức, Tr. 38-39.

[42] Thượng Tọa, Ts. Thích Thanh Quyết - Ts. Nguyễn Quốc Tuấn (Đồng Chủ Biên)( 2013), Phật Hoàng Trần Nhân Tông(1285-1308) Con NgườiSự Nghiệp, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Tr. 463-471.

[43] HT. Thích Thanh Từ(2016), Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải, Nxb. Văn Hóa-Văn Nghệ, Tr . 334.

[44] Một tinh thần đoàn kết dân tộc, hào khí Đông A thời Trần, tinh thần dũng cảm đầy trí tuệ không chịu kham mình cúi đầu trước những thế lực, thù địch mạnh, nền tảng của ý chí kiên cường.

[45] Nguyễn Lang(2012), Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Tập 1-2-3, Nxb. Phương Đông, Tr. 148-149.

[46] Sđd, Tr. 158-159.

 
___________________________________________________________
 
THƯ GÓP Ý CỦA ĐỘC GIẢ:


Nhân đọc bài: Phật Giáo Việt Nam Với Vấn Đề Thiết Lập Nền Độc Lập Tự Chủ Quốc Gia Đại Việt Thời Lý-trần của tác gỉa: Minh Hiển

Trong đó có đề cập đếu câu châm ngôn: “Đạo pháp-dân tộc, chủ nghĩa-xã hội” mà tác giả bảo rằng đã có bàn đến trong tập:

Kỷ Yếu Hội Thảo Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Nxb. Tôn Giáo, Tr. 41-49. Tuy nhiên tôi vào google tìm không ra được tài liệu kỷ yếu đó.

Do đó tôi muốn liên lạc với tác giả để xin được cung cấp nguồn của tập kỷ yếu để tham khảo.  Để biết rõ ràng Chư Tăng của Giáo Hội PGVN đã hội thảo như thế nào để thay đổi Phương Châm "Đạo Pháp - Dân Tộc" đã có từ bao đời để thay bằng phương châm mới?

Có thật Chư Tăng chúng ta muốn như vậy?  Hay là chuyện này do sự bắt ép của nhà cầm quyền CS muốn Phật giáo phải "quy y" thêm chủ nghĩa Marx Lenin?

Tôi không biết quí đạo hữu có thể vui lòng cho tôi xin email của tác giả Minh Hiển hay không?  Nếu ngại thì xin cung cấp email của tôi, vietnam.dauyeu@yahoo.com, cho tác giả, cùng cho tác giả biết lý do tại sao tôi muốn liên lạc với tác giả.

Chân thành cảm ơn sự giúp đỡ kết nối Phật tử của các hiền hữu



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.