Sự im lặng đáng sợ

22/04/20195:13 CH(Xem: 7179)
Sự im lặng đáng sợ

SỰ IM LẶNG ĐÁNG SỢ
Nguyên Cẩn

 

Bạo lực học đường: chuyện dài không hồi kết

Trong báo VHPG số 312, chúng tôi đã đề cập một khía cạnh của vấn nạn bạo lực học đường trong bài “Tìm vùng trời bình yên cho tuổi nhỏ, trong đó nêu lên tình trạng giáo dục bằng roi vọt, hình phạt thể xác trong học đường hiện nay. Nhưng còn một vấn đề không kém phần nhức nhối là bạo lực giữa học sinh với nhau. Vào tháng 5-2014, người ta đã nghiên cứu đánh giá thực trạng bạo lực trường học với 3.000 học sinh tại 30 trường học ở Hà Nội và công bố con số 19% học sinh cho rằng đã từng bị quấy rối hoặc bắt nạt. Hàng năm, mỗi Sở báo cáo lên Bộ có vài chục vụ, tính ra cả nước chỉ vài trăm vụ nhưng khi ngành Công an vào cuộc thì số liệu rất lớn.

van-hoa-phat-giao-so-319-ngay-15-4-2019_Page_41
Tổng số vụ ghi nhận được là trên 2.000 vụ/năm, trong đó có đến 53% vụ xảy ra trong trường học. Ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Học sinh Sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói rằng, thời điểm này qua khảo sát cùng ngành Công an và nắm tình hình cho thấy bạo lực học đường (BLHĐ) đang diễn biến phức tạp, vì thế cần thiết phải trao đổi, bàn bạc với các địa phương, phối hợp với các ngành, các cấp cùng tìm các giải pháp phòng chống… Khảo sát từ năm 2011 đến 2018 thấy có chiều hướng gia tăng các vụ BLHĐ, rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chưa hạn chế được”.

Sự cố đang gây xôn xao dư luận suốt cả tuần qua từ 29/3 là clip ghi hình ảnh cháu Nguyễn Thị H.Y của trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi tỉnh Hưng Yên) bị các bạn (5 đứa) lột hết quần áo, đánh vào thân thể, vào đầu, rồi quay phim video phát tán trên mạng. Trận đòn khiến cháu bị sang chấn tâm lý phải nhập bệnh viện tâm thần. Xem video, người lớn cũng phải bàng hoàng!

Vì sao im lặng?

Nhưng nếu như không có clip tung lên mạng, người ta cũng không hình dung hết độ tàn nhẫn của những kẻ tham gia. Vì theo lời cô giáo chủ nhiệm và thầy hiệu trưởng là đã xử lý “ổn thỏa” nghĩa là phạt mỗi cháu bốn, năm ngày không được vào học và gọi gia đình đến xin lỗi em học sinh bị đánh.

Trong năm đứa tham gia đánh cháu Y., có hai đứa vừa cùng xóm, vừa là họ hàng. Theo báo Phụ Nữ, ông Đặng Đình Thuộc vừa là ông trẻ của cháu Y., cũng là chú của hai trong số những đứa đánh Y. bảo ở làng La Mát bao năm nay vẫn thế, con cái nhà này bắt nạt con cái nhà kia là bố mẹ đến xin lỗi, “con dại cái mang”. Chính lối hành xử theo kiểu nếp quê “đóng cửa dạy nhau”, sự im lặng của chính bà con, người thân, hàng  xóm mà nếu không nghiêm túc nhìn nhận, thì không biết sẽ còn bao nhiêu cháu Y. sẽ gánh chịu cực hình như thế nữa!

Ông bảo, đáng lên án nhất là sự im lặng, che đậy, giấu giếm của chính những người hằng ngày đứng trên bục giảng dạy dỗ các cháu. Khi sự việc vỡ lở, ông Hiệu trưởng còn nói nguyên do mọi chuyện là tại cháu Y. hiền lành quá(?). Ông Thuộc nói việc cánh cửa tương lai của cả sáu đứa trẻ có tì vết như ngày hôm nay đều đến từ sự im lặng đáng giận, đáng lên án của người lớn. Lúc biết có clip trên mạng, nhà trường đã yêu cầu nhóm học sinh đó phải gỡ xuống và… ỉm đi.

Điều này sau đó được giải thích một cách đau xót: vì em nữ sinh này đã bị đánh nhiều lần, và chắc những vụ đánh nhau đã không còn lạ trong lớp. Clip được phát tán trên mạng, nhưng cả tuần sau đó các cơ quan chức năng mới biết được. Giáo viên chủ nhiệm bắt các em giữ kín thông tin đến nỗi người nhà nạn nhân khi được mời đến trường làm việc cũng không hay biết về clip, chỉ được nghe nói lại và giải quyết như một vụ xích mích bình thường của trẻ con.

Nhưng còn những học sinh khác, tại sao chỉ thụ động nhìn và quay phim một cách lạnh lùng? Điều ấy mới đáng sợ khi các em tỏ ra vô cảm trước nỗi đau đồng loại, đồng bạn… Có người đề nghị kỷ luật luôn cả những em này, thiết nghĩ cũng là việc cần làm. Tìm đâu ra tình yêu thương, nói gì đến tinh thần hiệp sĩ, thượng võ?

Xã hội bàng hoàng đặt câu hỏi về vai trò của nhà trường, của thầy cô, còn nạn nhân đang hoảng loạn, tinh thần bất ổn.

Đành rằng kỷ luật là chuyện phải làm, nhưng sự “lạnh lùng” trong cách xử lý của giáo viên chủ nhiệm cũng như hiệu trưởng nhà trường, của học sinh trong lớp khi nhìn cảnh “tra tấn” một học sinh “yếu thế”, vốn cần nhiều yêu thương đùm bọc hơn những đứa trẻ khác là một vết sẹo trên gương mặt của ngành giáo dục. Có người nói nếu coi kỷ luật là một biện pháp tích cực để làm gương nhân rộng, thì ngành giáo dục đang tự đưa mình vào ngõ cụt. Trường học không còn là môi trường thân thiện nữa, khi ở đó nỗi sợ hãi trở nên phổ biến, sợ bị đánh, sợ bị kỷ luật. May sao chưa có một vụ Marion xảy ra tại VN!

Marion, mãi mãi tuổi 13

Dựa trên một câu chuyện có thật tại Pháp, hơn 200 trang sách “Marion, mãi mãi tuổi 13”1 đã tái hiện lại một câu chuyện đầy hoang mang và phẫn uất về cái chết của một học sinh 13 tuổi trong một vụ án quấy rối học đường. Nó khiến tất cả chúng ta không thể thờ ơ trước vấn nạn này được nữa. Marion Fraisse là cô bé 13 tuổi thông minh, xinh đẹp và chăm chỉ. Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi mỗi ngày cô bé đến trường bị chính những người bạn học lừa dối, lăng mạ và xâm phạm đến cơ thể. Nhà trường biết sự việc ấy, nhưng họ đã lựa chọn thái độ thờ ơ, giấu giếm, điều đó đã đẩy Marion vào sự trầm uất, tuyệt vọng và bất lực, cuối cùng cô bé đã tự sát. Cái chết của cô bé khiến bố mẹ và mọi người sững sờ. Chưa bao giờ mọi người nghe em phàn nàn hay than vãnbuồn chán bất hạnh, bị tổn thương hay kiệt sức. Cha mẹ cô đã đi tìm kiếm câu trả lời. Sau đó đã khám phá ra các tin nhắn trong điện thoại, một tài khoản facebook bí mật, những thông báo xúc phạm trên mạng xã hội cô bé dùng… Cô bé Marion Fraisse đã bị quấy rối cả ở học đường lẫn trên mạng xã hội, bị nhà trường và bạn bè bỏ mặc. Và mẹ cô đã kể lại câu chuyện ấy trong cuốn sách này. Bà viết:

“Mẹ viết cuốn sách này để tưởng nhớ con, để giãi bày nỗi buồn xa vắng bâng khuâng của mẹ về một khoảng đời trong tương lai mà mẹ con chúng mình sẽ không còn chung sống và chia sẻ cùng nhau nữa…

Mẹ viết cuốn sách này để mỗi người đều rút ra những bài học từ cái chết của con. Để giúp các bậc cha mẹ tránh cho con cái họ khỏi trở thành hoặc nạn nhân giống như con, hoặc những tên đao phủ giống như những đứa đã khiến con mông lung lạc hướng. Để cho các cấp có thẩm quyền trong bộ máy giáo dục nỗ lực cẩn trọng hơn nữa, nỗ lực lắng nghe và có thiện chí hơn nữa đối với trẻ em khi chúng phải chịu đau đớn. Mẹ viết cuốn sách này để người ta coi nạn quấy rối học đường là một việc quan trọng, cần phải lưu tâm. Mẹ viết cuốn sách này để không còn đứa trẻ nào muốn treo cổ cái điện thoại, lẫn kết thúc cuộc đời của nó nữa”.

Giải pháp nào khả dĩ giúp chúng ta - Xem lại các biện pháp trực tiếp

Có thể nói sau sự cố Phù Ủng (Hưng Yên) và những vụ bạo lực học đường vừa xảy ra tại Nghệ An hay Bà Rịa, không chỉ những trường nơi xảy ra mà các trường học khác đều cần phải xem lại tất cả phương pháp giáo dục đã hiệu quả hay chưa.

Sự việc ở Hưng Yên xảy ra ngay trong lớp học, trước sự chứng kiến của nhiều học sinh nhưng phản ứng của giáo viên chủ nhiệm, ban giám hiệu chậm, lại cố ý xuê xoa vì thành tích hay vì chưa đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng nên xử lý không thấu đáo, không sáng suốt, vô tình dung túng những hành vi sai phạm sau này.

Cần xử phạt nghiêm với hành vi đánh đập bạn để cảnh báo chung cho toàn trường, buộc các em học sinh khác phải đắn đo khi hành động và chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Ngoài ra gia đình phải chịu phạt bằng cách bồi thường cho người bị hại, hay học sinh phạm lỗi phải bị “cấm túc” (đến trường ngày chủ nhật ) học tập hoặc lao động công ích chứ không thể xin lỗi suông.

Ở Hoa Kỳ, theo Tiến sĩ Lê Nguyên Phương2 , tại bang California, phụ huynh hay người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự và thậm chí cả hình sự nếu con mình bắt nạt trẻ khác. Mỗi hành vi gây thương tích hoặc tử vong cho trẻ khác hay thậm chí chỉ tổn hại tài sản trẻ khác có thể bị phạt tiền đến 25.000 USD. Tháng 7 năm ngoái, tại bang Connecticut, phụ huynh Tim Wilcox đã kiện Học khu (có thể xem tương đương với Sở Giáo dục Đào tạo) Norwich ra tòa vì đã để cho con mình là Bryan Mossor, 14 tuổi, bị bắt nạt. Khi học khu đề nghị hòa giảibồi thường trước khi cuộc điều tra kết thúc, Wilcox đã yêu cầu ghi vào các điều khoản bồi thường việc yêu cầu giám đốc học khu từ chức, cả học khu phải tuyên bố công khai là đã phạm pháp vì không bảo vệ được học sinh của mình, và học khu phải thay đổi chính sách về phòng chống bắt nạt trong học khu của mình.

Về sự kiện ở trường THCS Phù Ủng, theo ông, việc đầu tiên là phải cho nữ sinh bị bạo hành được tham vấn tâm lý bởi người thực sự có khả năng chuyên môn về chấn thương tâm lý. Nhóm trẻ bắt nạt cần phải được trừng phạt không phải qua việc đình chỉ học tập tạm thời, mà phải dự các khóa hòa giải “phục hồi công lý” (restorative justice) và phải lao động phục vụ cộng đồng một thời gian.

Ngoài ra, sau khi kết thúc điều tra về trách nhiệm, vai trò của thầy cô và hiệu trưởng nhà trường, nếu có bằng chứng là nhà trường và địa phương đã bao che và dung dưỡng vấn đề này một thời gian dài, hiệu trưởng và những người liên quan phải bị ngưng chức và nếu cần thì bị truy tố dân sự về tội vô tình hay cố ý khiến cho một cá nhân trong trách nhiệm bảo vệ của mình bị tổn thương.

Người ta cũng nêu một khó khăn khách quan là lực lượng đảm bảo an ninh trật tự trong các trường học như giám thị, bảo vệ, tổ quản lý học sinh còn quá “mỏng”, khó đảm đương công việc an toàn trong các nhà trường. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang Nguyễn Phương Toàn cho hay, “… toàn tỉnh Tiền Giang cần khoảng 1.600 người với kinh phí chi trả khoảng 63 tỉ đồng/năm nhưng không được giao biên chế nên phải sử dụng ngân sách chi thường xuyên, do đó lực lượng rất ít vì các trường không có tiền thuê. Đáng lưu ý là có trường có đến 90 lớp, số lượng học sinh đông nên nguy cơ thiếu an toàn luôn chực chờ. Thật sự mà nói các trường đang bế tắc trong các vấn đề liên quan đến trật tự an toàn trong nhà trường”.

Xem lại môn giáo dục công dân và kỹ năng sống

Băn khoăn tình trạng BLHĐ trong học sinh, ông Võ Bình Thư, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang nói rằng: “Tôi biết Bộ GD&ĐT đang xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, dự kiến triển khai vào năm 2020 nhưng trước tình trạng BLHĐ như hiện nay, tôi nghĩ nên triển khai sớm hơn”. “Có trường hợp là khi có bạo lực xảy ra, hiệu trưởng điện thoại công an xã nhưng công an đến rất chậm, và đến là để lập biên bản khi sự việc đã rồi, vấn đề này gây bức xúc rất lớn ở các cơ sở giáo dục tại An Giang”.

Nhưng tại sao lại phải chờ đến 2020? Trong khi chúng ta có môn giáo dục công dân và kỹ năng sống, nhưng hình như chưa nói đến giá trị đạo đức trong đời sống. Học sinh lớp 9 như ở Phù Ủng mà chưa nhận ra được thế nào là tình yêu thương, sự tôn trọng bè bạn, như thế là đáng báo động.

Xin đừng quy kết cho những lý do khác vội. Có người cho rằng vì “xã hội xuống cấp, mặt trái kinh tế thị trường làm trượt dốc và suy thoái đạo đức”. Nhưng liệu chỉ như thế là cảm thấy yên tâm và phủi tay trách nhiệm của mình là cha mẹ (Mà thật ra kinh tế thị trường chẳng có lỗi gì! Vì TS Phương cho biết BLHĐ ở Virginia - Mỹ, một nước có nền kinh tế thị trường phát triển bậc nhất, càng ngày càng ít).

Chủ thể chính vẫn là gia đình. Giáo dục gia đình là nền tảng của mọi nền giáo dục. Một thực tế cho thấy: phần lớn các gia đình gia giáo, lễ nghĩa thì con cái ngoan ngoãn, hiền lành và ngược lại. Các em trong nhóm 5 em vừa rồi phần lớn từ những gia đình ly tán, hoặc cha mẹ ly dị hoặc đi làm xa. Giải pháp chính bắt đầu từ đây. Tuy vậy ngành giáo dục vẫn cần có sự đổi mới chương trình thiết thực với cuộc sống cho các môn học Giáo dục Công dân, Giáo dục Kỹ năng sống, tránh lý thuyết suông như lý tưởng, đạo đức xa vời mà gắn với những hành động hàng ngày như thưa gởi, lễ phép, yêu thương, tôn trọng bạn bè thầy cô…

Ngoài ra phải xây dựng môi trường giáo dục trong sạch, có kỷ cương, thầy ra thầy, trò ra trò, phụ huynh ra phụ huynh thì chăc chắn, nạn bạo lực học đường sẽ giảm bớt hoặc chúng ta sẽ phản ứng nhanh hơn và kịp thời với mọi sự cố!

Những biện pháp dài lâu

1.Kiểm soát truyền thông

Chúng tôi nhận thấy các nhà tâm lý đã chỉ ra một phần nguyên nhân của tội lỗi là do trò chơi trực tuyến và internet, hay phim ảnh bạo lực hoặc tâm lý “anh hùng bàn phím” trong giới trẻ: thích những clip bạo lực hay bêu riếu người khác để sỉ nhục.

“Bầu không khí xã hội bị những câu chuyện dã man phủ kín. Quá nhiều đòn roi quát mắng trong gia đình, quá nhiều thời lượng truyền thông dành cho tin tức tiêu cực…”. (TS Nguyễn Lệ Hằng- báo Văn Hóa Thể Thao)

2. Chú trọng nguyên lý Nhân - Quả Trong một bài viết, chúng tôi đã nhận định: “Chúng ta đang gặt hái những gì mình gieo trồng trong những năm qua. Một xã hội và một nền giáo dục thiếu vắng lòng từ bi. Học sinh đến trường chỉ biết làm “gà nhồi chữ” đóng tiền, trả công cho thầy cô và xem mọi quan hệ ở mức độ cho-nhận lạnh lùng. Thầy cô và kể cả cha mẹ cũng xem nhẹ giáo dục đạo đức, chỉ mong con mình đạt điểm cao, vào trường chuyên lớp chọn mà không hề hướng đến một con ngườiđức hạnh. Bản thân người lớn không đủ mẫu mực làm gương cho giới trẻ.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: Ru em là cánh nhạn Miệng ngậm hạt từ tâm.

Ông muốn tuổi trẻ vào đời với lời nói thiện ý xuất phát từ thiện tâm. Vì giáo dục đạo đức là dạy nguời ta biết suy nghĩ dựa trên đạo đức về hành vi mà mình muốn làm, truớc khi làm việc gì đó…

Phật dạy: “Một hành động khi làm với lòng thù hận, sinh ra từ lòng thù hận, gây ra bởi lòng thù hận, phát sinh ra từ lòng thù hận, sẽ chín muồi bất cứ nơi nào người này tái sinh; và bất cứ khi nào hành động chín muồi, người này nhận lấy kết quả của hành động, ở trong đời này, hoặc là trong đời sau, hoặc là trong những đời kế tiếp sau đó. …

Này các Tỳ-kheo, giống như những hạt giống không bị hư hại, không bị hư thối, không bị hư hỏng bởi gió và mặt trời, hạt có khả năng nẩy mầm, khi chúng được gieo trồng đúng đắn vào trong một thửa ruộng tốt, cắm hạt sâu vào một mảnh đất màu mỡ; và nếu chúng được tưới tẩm đầy đủ bởi mưa gió, những hạt giống này sẽ tăng trưởng, cao vụt lên, và phát triển dồi dào.

Này các Tỳ-kheo, đấy là ba nguyên nhân bắt nguồn của hành động”.

Thế hệ trẻ đang khát nguồn nước đạo đức chân chính từ cha anh, thầy cô và những người lãnh đạo quần chúng…

Chỉ khi nào cả xã hội hiểu được tại sao cần phải thực hành thiện nghiệp và biết sợ hậu quả tai hại của việc làm ác, chừng đó từng người sẽ làm điều lành một cách tự nguyện tự giác. Cộng đồng nơi ta sống lúc đó sẽ ngập tràn an lạc….”3 .

Trong tinh thần xây dựng cộng nghiệp phúc lạc ấy, chúng ta hãy chung tay “gieo hạt từ tâm” vào lòng thế hệ trẻ hôm nay!

Chú thích:
1. Marion Mãi Mãi Tuổi 13 - Nora Fraisse và Jacqueline Remy - Hiệu Constant dịch - Nxb Thế Giới.
2. TS Lê Nguyên Phương là chuyên gia tâm lý học đường của Học khu Long Beach và giảng viên của chương trình cao học bộ môn tâm lý học đường tại ĐH Chapman.
3. Gieo lại hạt từ tâm - Nguyên Cẩn - http. www. thuvien hoasen.org; nguồn Giác Ngộ nguyệt san.

 

Nguyên Cẩn

Văn Hóa Phật Giáo Số 319 ngày 15-4-2-19

Thư Viện Hoa Sen


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
19/04/2014(Xem: 24519)
30/01/2014(Xem: 11275)
11/12/2014(Xem: 18219)
05/02/2013(Xem: 16003)
02/10/2022(Xem: 2738)
09/09/2012(Xem: 23799)
Hiện tượng của thầy Thích Pháp Hòa là hợp với logic của cuộc sống bất cứ thời nào. Bên cạnh ma quỷ luôn có thánh thần, bên cạnh ác tăng luôn có những cao tăng kềm chế. Nếu kẻ lợi dụng mảnh áo cà sa để hướng dẫn Phật tử vào chốn u minh nhằm bóc lột tiền tài, công sức của họ, bằng cúng dường bằng tà thuyết phải cúng Phật mới được siêu sinh thì thầy Pháp Hòa mở ra từng pháp thoại có khả năng giác ngộ người nghe thầy thuyết giảng. Thầy khẳng định những điều đơn giản nhưng hiếm người hiểu rõ, đó là: “Phật Giáo là một triết lý, một lối sống để tìm đến sự an lạc trong tâm hồn, không phải là một tôn giáo vì Phật không phải là đấng toàn năng để có thể ban phước lộc cho người này hay trừng phạt người kia.”
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.