Thư Viện Hoa Sen

Kinh Bất Hại

13/06/20143:26 SA(Xem: 7369)
Kinh Bất Hại
KINH PHÁP CÚ HÁN TẠNG
Thích Nhất Hạnh Việt dịch
Thể kệ: Nguyên Định (chữ đậm)
 
Kinh Bất Hại

Ai cũng sợ chết, không ai không sợ đau đớn do vũ khí gây ra. Hãy quán sát để thấy người ta ai cũng có cái sợ như mình, để ngừng lại sự bất hạibuông bỏ ý tưởng trừng phạt.

 

Đao Trượng Phẩm Pháp Cú Kinh đệ thập bá
刀杖品法句經第十八
Kinh Bất Hại
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng
Phẩm thứ 18

 

Phẩm này có 12 bài kệ. Đao trượng là vũ khí, là bạo lực, tiếng Pali là danda. Kinh này nói về sự thực tập bất bạo động, bất hại (ahimsa). Ba bài kệ đầu nói về tâm lý bất hại: Thấy được cái khổ của người khác thì mình có thể buông bỏ được ý muốn trừng phạt. Ba bài kệ kế tiếp nói về lời nói bất hại. Những bài sau nói về hành động bất hại. Các bài thứ 9 và 10 cho ta biết muốn nuôi dưỡng tâm từ bi và thực tập bất hại, thì phải có tâm tàm quý, biết hổ thẹn, phải có đức tin, phải hành trì giới luật, thiền tậptinh cần. Bài 12 kết luận: Thực tập bất hại sẽ không có kẻ thù.

 

Bài kệ 1

Nhất thiết giai cụ tử                       一  切  皆  懼  死

Mạc bất úy trượng thống               莫  不  畏  杖  痛

Thứ kỷ khả vi thí                            恕  己  可  為  譬

Vật sát vật hành trượng                 勿  殺  勿  行  杖

 Ai cũng sợ chết, không ai không sợ cái đau đớn do vũ khí gây ra. Hãy quán sát để thấy người ta ai cũng có cái sợ như mình, để có thể ngừng lại sự sát hạibuông bỏ ý tưởng trừng phạt.

Ai cũng sợ chết

Cùng sợ đau đớn

Do vũ khí gây

Hãy quan sát thấy

Ai cũng như mình

Nên ngừng sát hại

Bỏ ý trừng phạt.

 

 

 

 

Bài kệ 2

Năng thường an quần sanh                能  常  安  群  生

Bất gia chư sở độc                           不  加  諸  楚  毒

Hiện thế bất phùng hại                       現  世  不  逢  害

Hậu thế trường an ẩn                        後  世  長  安  隱

 Hãy luôn luôn có ý muốn đem tới sự an lành cho quần sinh, mà đừng đem tới thêm cho họ những tổn hại của bạo động. Để cho trong hiện tại không ai bị tàn hại và để cho sau này ai cũng được sống an ổn lâu dài.

Luôn có ý muốn

Đem tới an lành

Cho mọi  chúng sinh

Thay vì gây hại

Để cho sau này

Ai cũng được sống

An ổn lâu dài.

 

 

 

 

Bài kệ 3

Bất đương thô ngôn                       不  當  麤  言

Ngôn đương úy báo                       言  當  畏  報

Ác vãng họa lai                              惡  往  禍  來

Đao trượng quy khu                      刀  杖  歸  軀

 Đừng nói lời thô ác với ai. Khi nói phải thấy được hậu quả của lời nói mình. Lời nói ác nào được phát ra cũng sẽ đem tai họa tới, và gươm giáo sẽ trở về hủy hoại chính thân thể mình.

Không nói lời thô

Phải thấy hậu quả

Lời ác đem họa

Gươm giáo quay lại

Hại chính thân mình.

 

Bài kệ 4

Xuất ngôn dĩ thiện                           出  言  以  善

Như khấu chung khánh                     如  叩  鐘  磬

Thân vô luận nghị                            身  無  論  議

Độ thế tắc dị                                   度  世  則  易

 

Khi nói chỉ nên sử dụng những lời lành. Như một cái chuông câm, nên chấm dứt mọi tranh luận. Như thế ta sẽ độ đời dễ dàng hơn.

 

Nên nói lời lành

Như một chuông câm

Chấm dứt tranh luận

Độ đời dễ hơn.

 

Bài kệ 5

Âu trượng lương thiện                      歐  杖  良  善

Vọng sàm vô tội                               妄  讒  無  罪

Kỳ ương thập bội                             其  殃  十  倍

Tai tấn vô xá                                    災  迅  無  赦

Sát hại người hiền lương, dèm pha kẻ vô tội, tai ương sẽ trở về với mình mười lần lớn hơn, và khi quả báo về tới, không có cách gì tránh thoát hay giải cứu.

 

Sát hại người hiền

Dèm pha người khác

Tai ương trở về

Mười lần lớn hơn

Khi quả báo tới

Không gì cứu được.

 

 

Bài kệ 6

Sanh thọ khốc thống                      生  受  酷  痛

Hình thể hủy chiết                          形  體  毀  折

Tự nhiên não bệnh                         自  然  惱  病

Thất ý hoảng hốt                            失  意  恍  惚

Nhân sở vu cữu                             人  所  誣  咎

Hoặc huyền quan ách                     或  縣  官  厄

Tài sản háo tận                               財  產  耗  盡

Thân thích ly biệt                            親  戚  離  別

Xá trạch sở hữu                              舍  宅  所  有

Tai hỏa phần thiêu                          災  火  焚  燒

Tử nhập địa ngục                           死  入  地  獄

Như thị vi thập                                如  是  為  十

 Người hành xử bạo động thì kiếp sau khi sinh ra sẽ gánh chịu mười thứ hoạn nạn: đau nhức dữ dội, hình hài tật nguyền, đột nhiên mà bị khổ bệnh, quên lãng, hoảng hốt, bị người ta vu cáo oan ức, bị giam cầm tù đày, tài sản tiêu tán, nhà cửa và gia sản tan nát, thân thích biệt ly, đi tiêu chảy và khi chết thì đi vào địa ngục.

Người dùng vũ khí

Hại người sẽ gánh

Mười thứ hoạn nạn:

Đau nhức dữ dội

Hình hài tật nguyền

Đột nhiên khổ bệnh

Hay quên, hoảng hốt

Vu cáo oan ức

Giam cầm tù đày

Tài sản tiêu tán

Gia sản tan nát

Thân thích biệt ly

Hay đi tiêu chảy

Chết vào địa ngục.

 

 

 

 

Bài kệ 7

Tuy khỏa tiễn phát                           雖  倮  剪  髮

Trường phục thảo y                         長  服  草  衣

Mộc dục cứ thạch                           沐  浴  踞  石

Nại si kết hà                                    奈  癡  結  何

 Dù có bện tóc, dù chỉ mặc áo cỏ suốt ngày, dù có ngồi xẩm trên tảng đá, hoặc đi tắm gội mỗi ngày (dưới sông Hằng) cũng không thể nào diệt trừ được những khối si mê của mình.

Dù có bện tóc

Chỉ mặc áo cỏ

Ngồi xẩm tảng đá

Tắm gội mỗi ngày

Không thể diệt trừ

Khối si mê được.

 

 

 

Bài kệ 8

Bất phạt sát thiêu                           不  伐  殺  燒

Diệc bất cầu thắng                         亦  不  求  勝 

Nhân ái thiên hạ                             人  愛  天  下

Sở thích vô oán                              所  適  無  怨

 Không trừng phạt, không giết hại, không đốt cháy, cũng không mong cầu vượt thắng kẻ khác, biết thương yêu mọi người thì sẽ cảm thấy thoải mái không còn oán hận.

Không trừng phạt ai

Không giết đốt cháy

Mong thắng kẻ khác

Thương yêu mọi người

Sẽ thấy thoải mái

Không còn oán hận.

 

 

Bài kệ 9

Thế đảng hữu nhân                        世  黨  有  人

Năng tri tàm quý                            能  知  慚  愧

Thị danh dụ tấn                             是  名  誘  進

Như sách lương mã                       如  策  良  馬

 Trên đời có những người biết tàm biết quý: những người ấy có cơ hội được khuyên bảo và sách tấn dễ dàng, giống như con ngựa giỏi khi có cây roi chạm nhẹ vào.

Người biết tàm quý

Có thể khuyên bảo

Sách tấn dễ dàng

Như con ngựa giỏi

Khi cây roi chạm.

 

 

Bài kệ 10

Như sách thiện mã                         如  策  善  馬

Tiến đạo năng viễn                       進  道  能  遠

Nhân hữu tín giới                           人  有  信  戒

Định ý tinh tấn                               定  意  精  進

Thọ đạo tuệ thành                         受  道  慧  成

Tiện diệt chúng khổ                       便  滅  眾  苦

 Như chạm nhẹ cây roi vào con ngựa giỏi có thể làm cho nó đi tới, đi xa. Kẻ nào có tín, có giới, có định, có tinh cần, thì sẽ học tập và thành tựu tuệ giác dễ dàng, sẽ có khả năng diệt trừ được mọi khổ não.

 

Chạm nhẹ cây roi

Vào con ngựa giỏi

Làm cho đi tới;

Kẻ nào có tín

Có giới có định

Có thêm tinh cần

Thì sẽ học tập

Thành tựu tuệ giác

Diệt trừ khổ não.

 

 

 

 

Bài kệ 11

Tự nghiêm dĩ  tu pháp                    自  嚴  以  修  法

Diệt tổn thọ tịnh hạnh                     滅  損  受  淨  行

Trượng bất gia quần sanh              杖  不  加  群  生

Thị  sa môn đạo nhân                     是  沙  門  道  人

 Lấy sự thực tập để làm đẹp cho chính mình, không làm tổn hại đến sinh mạng của ai, sống đời tịnh hạnh, không hành xử bạo động đối với các loài chúng sinh, đó đích thực là bậc sa môn đạo nhân.

Tự tu cho mình

Không làm hại ai

Sống đời tịnh hạnh

Không bạo động ai

Sa môn đạo nhân.

 

Bài kệ 12

Vô hại ư thiên hạ                              無  害  於  天  下

Chung thân bất ngộ hại                     終  身  不  遇  害

Thường từ ư nhất thiết                     常  慈  於  一  切

Thục năng dữ vi oán                         孰  能  與  為  怨

 Thường biết thực tập phép bất hại, thì suốt đời mình sẽ không bị hại. Nếu cứ tiếp tục hành xử với lòng từ bi đối với tất cả, thì không còn có ai sẽ là kẻ thù của mình.

Thực tập bất hại

Sẽ không bị hại

Từ bi tất cả

Không ai là thù.






Tạo bài viết
14/05/2010(Xem: 473806)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: