- Viết về kinh Pháp Cú Hán Tạng
- Bài tựa Kinh Pháp Cú
- Kinh Quán Chiếu Vô Thường
- Kinh Học Hỏi và Thực Tập
- Kinh Mở Rộng Tầm Hiểu Biết
- Kinh Bồi Đắp Niềm Tin
- Kinh Nghiêm Trì Giới Luật
- Kinh Thực Tập Quán Niệm
- Kinh Nuôi Lớn Tình Thương
- Kinh Thực Tập Ái Ngữ
- Kinh Đối Chiếu
- Kinh Tinh Chuyên
- Kinh Điều Phục Tâm Ý
- Kinh Hoa Hương
- Kinh Người Ngu Muội
- Kinh Bậc Minh Triết
- Kinh Vị La Hán
- Kinh Vượt Thắng
- Kinh Quả Báo
- Kinh Bất Hại
- Kinh Tuổi Già
- Kinh Thương Thân
- Kinh Thoát Tục
- Kinh Phật Bảo
- Kinh An Lạc
- Kinh Luyến Ái
- Kinh Chế Ngự Phẫn Nộ
- Kinh Thanh Lọc Tâm Ý
- Kinh Phụng Trì
- Kinh Con Đường
- Kinh Tuyết Trên Đỉnh Núi
- Kinh Địa Ngục
- Kinh Điều Phục Chính Mình
- Kinh Chiếc Lưới Ái Ân
- Kinh Lợi Dưỡng
- Kinh Người Xuất Sĩ
- Kinh Rong Chơi Trời Phương Ngoại
- Kinh Thoát Vòng Sinh Tử
- Kinh Đời Sống Đạo Lý
- Kinh Vị Phạm Chí
- Kinh Điềm Lành Lớn Nhất
Thích Nhất Hạnh Việt dịch
Thể kệ: Nguyên Định (chữ đậm)
Kinh Chế Ngự Phẫn Nộ
Chế ngự được cơn giận thì cũng như thắng được cỗ xe khi nó đang bon bon tuột dốc. Chỉ có người lái xe giỏi mới làm được như thế. Làm được như thế thì ra khỏi được vùng tăm tối và đi được vào vùng ánh sáng.
Phẫn Nộ Phẩm Pháp Cú Kinh đệ nhị thập ngũ
忿怒品法句經第二十
Kinh Chế Ngự Phẫn Nộ
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán tạng
Phẩm thứ 25
Phẩm này có 26 bài kệ. Tiếng Pali, kodha là sự giận dữ. Kinh này cho ta thấy nhẫn nhục là sức mạnh lớn nhất, là sự chiến thắng vinh quang nhất, là quà tặng quý nhất. Khi một chiếc xe đang bon bon tuột dốc mà người lái xe làm cho xe dừng lại được, thì đó mới là một người lái xe giỏi. Chế ngự được cơn giận cũng như thế, đó là hình ảnh trong bài kệ thứ 3.
Các bài kệ thứ 7, 12, 13, 14 và 15 cho biết cần phải duy trì chánh niệm (sự tỉnh thức) để quán sát và bảo hộ thân, miệng và ý. Làm được như thế, ta có thể nhiếp phục được tâm mình và buông bỏ được hờn giận, chế tác được năng lượng nhẫn nhục rất hùng tráng.
Cái đam mê thường đi đôi với cái sân hận, cho nên ta phải biết đối trị cái si mê cùng lúc với cái sân hận. Cái hiểu và cái thương do chánh niệm đem lại có thể làm phát sinh năng lượng nhẫn nhục. Với nhẫn nhục, ta chiến thắng được cái giận trong ta và giúp được người kia. Bị giận mà không giận lại, đó là kẻ chiến thắng, chiến thắng bằng cái hiểu và cái thương. Cái im lặng của người chiến thắng là một thứ im lặng hào hùng. Đó là ý của hai bài kệ chót.
Bài kệ 1
Phẫn nộ bất kiến Pháp 忿 怒 不 見 法
Phẫn nộ bất tri đạo 忿 怒 不 知 道
Năng trừ phẫn nộ giả 能 除 忿 怒 者
Phước hỉ thường tùy thân 福 喜 常 隨 身
Phẫn nộ thì không thấy Pháp, không biết đạo
Trừ được phẫn nộ thì hạnh phúc và niềm vui sẽ đi theo ta.
Khi người phẫn nộ
Thì không thấy Pháp
Cũng không biết đạo;
Trừ được phẫn nộ
Hạnh phúc niềm vui
Sẽ đi theo ta.
Bài kệ 2
Tham dâm bất kiến Pháp 貪 婬 不 見 法
Ngu si ý diệc nhiên 愚 癡 意 亦 然
Trừ dâm khứ si giả 除 婬 去 癡 者
Kỳ phước đệ nhất tôn 其 福 第 一 尊
Tham dục thì không thấy Pháp, si mê cũng như thế. Trừ được tham và si, đó là phước đức lớn nhất.
Khi người tham dục
Thì không thấy Pháp
Si mê cũng thế
Trừ được tham si
Phước đức lớn nhất.
Bài kệ 3
Khuể năng tự chế 恚 能 自 制
Như chỉ bôn xa 如 止 奔 車
Thị vi thiện ngự 是 為 善 御
Khí minh nhập minh 棄 冥 入 明
Chế ngự được cơn giận thì cũng như thắng lại được cỗ xe khi nó đang bon bon tuột dốc. Chỉ có người lái xe giỏi mới làm được như thế. Làm được như thế thì ra khỏi được vùng tăm tối và đi được vào vùng ánh sáng.
Chế ngự cơn giận
Thắng xe tuột dốc;
Người giỏi làm được
Ra vùng tăm tối
Đi vào vùng sáng.
Bài kệ 4
Nhẫn nhục thắng khuể 忍 辱 勝 恚
Thiện thắng bất thiện 善 勝 不 善
Thắng giả năng thí 勝 者 能 施
Chí thành thắng khi 至 誠 勝 欺
Nhẫn nhục thắng được sân nhuế, cái lành thắng được cái dữ. Người thắng là kẻ có khả năng hiến tặng. Cái thành thật có thể thắng được cái lừa dối.
Nhẫn nhục thắng giận
Lành thắng điều ác;
Kẻ thắng hiến tặng
Thành thực thắng dối.
Bài kệ 5
Bất khi bất nộ 不 欺 不 怒
Ý bất đa cầu 意 不 多 求
Như thị tam sự 如 是 三 事
Tử tắc thượng thiên 死 則 上 天
Không lừa dối, không giận dữ, tâm ý không tham cầu. Có được ba cái ấy thì khi chết thế nào cũng được sinh lên các cõi trên.
Không lừa, không giận
Tâm không tham cầu
Có ba điều ấy
Sinh lên cõi trên.
Bài kệ 6
Thường tự nhiếp thân 常 自 攝 身
Từ tâm bất sát 慈 心 不 殺
Thị sanh thiên thượng 是 生 天 上
Đáo bỉ vô ưu 到 彼 無 憂
Thường tự nhiếp phục tự thân, có tâm từ bi không sát hại, thì sẽ được sinh lên các cõi trời và qua tới bờ vô ưu.
Nhiếp phục tự thân
Từ bi không hại
Sinh lên cõi trời
Tới bờ vô ưu.
Bài kệ 7
Ý thường giác ngụ 意 常 覺 寤
Minh mộ cần học 明 慕 勤 學
Lậu tận ý giải 漏 盡 意 解
Khả trí nê hoàn 可 致 泥 洹
Tâm ý thường tỉnh giác, mến chuộng ánh sáng, biết tinh cần tu học thì các lậu sẽ chấm dứt và đạt tới Niết bàn.
Tâm thường tỉnh giác
Mến chuộng ánh sáng
Tinh cần tu học
Chấm dứt các lậu
Đạt tới Níết bàn.
Bài kệ 8
Nhân tướng báng hủy 人 相 謗 毀
Tự cổ chí kim 自 古 至 今
Ký hủy đa ngôn 既 毀 多 言
Hựu hủy nột nhẫn 又 毀 訥 忍
Diệc hủy trung hòa 亦 毀 中 和
Thế vô bất hủy 世 無 不 毀
Từ xưa tới nay bao giờ cũng thế, người đời thường ưa chê trách và hủy báng nhau. Nói nhiều cũng bị chê trách, nói ít cũng bị chê trách, không nói cũng bị chê trách. Ở đời không ai là không bị chê bai.
Từ xưa tới nay
Người đời thường ưa
Chê trách, hủy báng
Nói nhiều bị chê
Nói ít bị chê
Không nói bị chê
Không ai khỏi bị.
Bài kệ 9
Dục ý phi Thánh 欲 意 非 聖
Bất năng chế trung 不 能 制 中
Nhất hủy nhất dự 一 毀 一 譽
Đãn vi lợi danh 但 為 利 名
Hễ còn dục ý thì chưa phải là Thánh nhân, không có khả năng tự chế ngự và cứ bị lên xuống hoặc theo lời khen chê của kẻ khác. Tất cả đều do tâm lợi danh mà sinh ra cả.
Hễ còn dục ý
Chưa là thánh nhân
Không tự chế ngự
Cứ bị lên xuống
Theo lời khen chê
Chỉ do lợi danh.
Bài kệ 10
Minh trí sở dự 明 智 所 譽
Duy xưng thị hiền 唯 稱 是 賢
Tuệ nhân thủ giới 慧 人 守 戒
Vô sở ky báng 無 所 譏 謗
Kẻ có trí tuệ thì biết giữ giới, biết ngợi khen các bậc minh triết, biết xưng tụng các bậc hiền giả, không nói những lời phỉ báng.
Kẻ trí giữ giới
Ngợi khen minh triết
Xưng tụng người hiền
Không phỉ báng ai.
Bài kệ 11
Như La hán tịnh 如 羅 漢 淨
Mạc nhi vu báng 莫 而 誣 謗
Chư nhân tư ta 諸 人 咨 嗟
Phạm Thích sở xưng 梵 釋 所 稱
Người trong sạch như bậc A la hán, đừng nên phỉ báng. Chính Chư Thiên, Phạm Vương và Đế Thích cũng còn xưng tán người ấy nữa là.
Đừng nên phỉ báng
Các bậc La hán
Chư thiên Phạm thích
Cũng còn xưng tán.
Bài kệ 12
Thường thủ thận thân 常 守 慎 身
Dĩ hộ sân khuể 以 護 瞋 恚
Trừ thân ác hành 除 身 惡 行
Tấn tu đức hạnh 進 修 德 行
Phải cẩn trọng giữ gìn hình hài của mình để có thể đối phó với tâm niệm sân hận của mình. Chấm dứt các ác hành của thân thì sẽ tiến tu được về mặt đức hạnh.
Giữ gìn hình hài
Đối phó tâm sân
Dứt các việc ác
Tiến tu đức hạnh.
Bài kệ 13
Thường thủ thận ngôn 常 守 慎 言
Dĩ hộ sân khuể 以 護 瞋 恚
Trừ khẩu ác ngôn 除 口 惡 言
Tụng tập Pháp ngôn 誦 習 法 言
Phải thận trọng giữ gìn lời nói của mình để có thể đối phó với tâm niệm sân hận của mình, chấm dứt được những ác hành của khẩu và khi nói năng chỉ sử dụng ngôn từ chánh pháp.
Giữ gìn lời nói
Đối phó tâm sân
Chấm dứt ác khẩu
Nói lời từ ái.
Bài kệ 14
Thường thủ thận tâm 常 守 慎 心
Dĩ hộ sân khuể 以 護 瞋 恚
Trừ tâm ác niệm 除 心 惡 念
Tư tánh niệm đạo 思 惟 念 道
Phải thận trọng giữ gìn tâm tư của mình để đối phó với tâm niệm sân hận của mình, chấm dứt được những ác niệm của tâm và thực tập tư duy, quán niệm về Đạo đế.
Giữ gìn tâm tư
Đối phó tâm sân
Chấm dứt ác niệm
Thực tập tư duy
Quán niệm Đạo đế.
Bài kệ 15
Tiết thân thận ngôn 節 身 慎 言
Thủ nhiếp kỳ tâm 守 攝 其 心
Xả khuể hành đạo 捨 恚 行 道
Nhẫn nhục tối cường 忍 辱 最 強
Để có khả năng chế ngự được hình hài, để biết thận trọng khi nói năng, nhiếp phục tâm mình, buông bỏ sân hận và hành đạo, thì nhẫn nhục là phương pháp hùng tráng nhất.
Chế ngự hình hài
Thận trọng lời nói
Nhiếp phục tâm mình
Buông bỏ sân hận
Kiên trì hành đạo
Nhẫn nhục bật nhất.
Bài kệ 16
Xả khuể ly mạn 捨 恚 離 慢
Tị chư ái hội 避 諸 愛 會
Bất trước danh sắc 不 著 名 色
Vô vi diệt khổ 無 為 滅 苦
Buông bỏ sân hận, lìa xa kiêu mạn, tránh xa tham ái, không vướng vào danh và vào sắc thì có thể đạt tới vô vi diệt khổ.
Buông bỏ sân hận
Lìa xa kiêu mạn
Tránh xa tham ái
Không vướng danh sắc
Vô vi diệt khổ.
Bài kệ 17
Khởi nhi giải nộ 起 而 解 怒
Dâm sanh tự cấm 婬 生 自 禁
Xả bất minh kiện 捨 不 明 健
Tư giai đắc an 斯 皆 得 安
Cởi bỏ được phẫn nộ, chận đường được tham dục, buông bỏ được si mê, những cái ấy đưa mình tới an ổn.
Cởi bỏ phẫn nộ
Chận đường tham dục
Buông bỏ si mê
Đưa tới an ổn.
Bài kệ 18
Sân đoạn ngọa an 瞋 斷 臥 安
Khuể diệt dâm ưu 恚 滅 婬 憂
Nộ vi độc bổn 怒 為 毒 本
Nhuyễn ý Phạm chí 軟 意 梵 志
Ngôn thiện đắc dự 言 善 得 譽
Đoạn vi vô hoạn 斷 為 無 患
Diệt trừ được sân hận sẽ có giấc ngủ an lành. Sân hận diệt trừ thì không còn lo lắng. Sân hận là gốc rễ của mọi độc hại. Người tu thì luôn mềm mỏng dễ thương. Nói lời lành thì luôn luôn được khen ngợi và sẽ không bao giờ đem lại tai họa.
Diệt trừ sân hận
Giấc ngủ an lành
Không còn lo lắng;
Sân hận rễ độc
Người tu mềm mỏng
Lời lành được khen
Không đem tai họa.
Bài kệ 19
Đồng chí tướng cận 同 志 相 近
Tường vi tác ác 詳 為 作 惡
Hậu biệt dư khuể 後 別 餘 恚
Hỏa tự thiêu não 火 自 燒 惱
Những người cùng có chí hướng thì cảm thấy gần nhau. Họ biết rõ ràng rằng làm việc thất đức thì thế nào sau này cũng gây ra hận thù, và cái lửa hận thù đó sẽ trở lại thiêu đốt tự thân mình.
Người cùng chí hướng
Cảm thấy gần nhau
Thất đức gây hận
Lửa hận đốt thân.
Bài kệ 20
Bất tri tàm quý 不 知 慚 愧
Vô giới hữu nộ 無 戒 有 怒
Vi nộ sở khiên 為 怒 所 牽
Bất yếm hữu vụ 不 厭 有 務
Kẻ không biết hổ thẹn và không trì giới thì khi cơn giận nổi lên sẽ kéo họ đi theo, bị nó sai sử, như đi trong đêm mà mất cây đèn soi.
Không biết hổ thẹn
Không trì giới luật
Cơn giận nổi lên
Sẽ kéo đi theo
Lại bị sai sử
Như đi trong đêm
Mất cây đèn soi.
Bài kệ 21
Hữu lực cận binh 有 力 近 兵
Vô lực cận nhuyễn 無 力 近 軟
Phu nhẫn vi thượng 夫 忍 為 上
Nghi thường nhẫn luy 宜 常 忍 羸
Có sức thì ưa sử dụng binh khí, không có sức thì cần tới sự mềm dẻo. Nhẫn nhục là trên hết, vì vậy phải học nhẫn nại.
Người có sức mạnh
Ưa dùng binh khí
Không có sức thì
Cần sự mềm dẻo
Nhẫn nhục trên hết
Phải học nhẫn nại.
Bài kệ 22
Cử chúng khinh chi 舉 眾 輕 之
Hữu lực giả nhẫn 有 力 者 忍
Phu nhẫn vi thượng 夫 忍 為 上
Nghi thường nhẫn luy 宜 常 忍 羸
Nâng lên một vật nặng mà vẫn thấy nhẹ, người đã có sức mạnh mà lại có nhẫn lực nữa thì thấy nhẫn nhục là không có gì cao hơn. Vì vậy, phải biết thường xuyên nhẫn nại.
Nâng một vật nặng
Mà vẫn thấy nhẹ
Đã mạnh lại nhẫn
Không gì cao hơn
Nên thường nhẫn nại.
Bài kệ 23
Tự ngã dữ bỉ 自 我 與 彼
Đại úy hữu tam 大 畏 有 三
Như tri bỉ tác 如 知 彼 作
Nghi diệt kỷ trung 宜 滅 己 中
Giữa ta và người kia có ba cái sợ lớn: hoặc mình, hoặc người kia, hoặc cả hai sẽ bị tổn thất bởi cái giận. Do đó, nếu ta biết được là người kia đang giận thì ta phải dập tắt cái giận trong ta. Tuy bị thiên hạ coi nhẹ, bậc có nhẫn là người có thực lực. Có nhẫn là không ai hơn được. Do đó, phải luôn luôn thực tập nhẫn hay hơn nữa để mà chiến thắng.
Giữ ta và người
Ba cái sợ lớn:
Hoặc mình, hoặc người
Đều thua vì giận;
Người giận, ta không
Không giận, kẻ mạnh
Luôn tập nhẫn nại.
Bài kệ 24
Câu lưỡng hành nghĩa 俱 兩 行 義
Ngã vi bỉ giáo 我 為 彼 教
Như tri bỉ tác 如 知 彼 作
Nghi diệt kỷ trung 宜 滅 己 中
Nếu cả hai bên đều thực tập được như thế, thì là người thực tập ta giúp được người kia, nếu ta biết được người kia đang giận thì ta phải dập tắt cái giận trong ta trước đã.
Cả hai tập nhẫn
Ta giúp người kia
Biết người đang giận
Ta dập giận trước.
Bài kệ 25
Khổ trí thắng ngu 苦 智 勝 愚
Thô ngôn ác thuyết 麤 言 惡 說
Dục thường thắng giả 欲 常 勝 者
Ư ngôn nghi mặc 於 言 宜 默
Người ngu nghĩ có thể thắng người trí bằng những lời thô ác của mình. Nếu mình muốn thắng kẻ ấy thì cách hay nhất là mình im lặng.
Người ngu nghĩ thắng
Bằng lời thô ác
Đối lại hay nhất
Mình hãy im lặng.
Bài kệ 26
Phu vi ác giả 夫 為 惡 者
Nộ hữu nộ báo 怒 有 怒 報
Nộ bất báo nộ 怒 不 報 怒
Thắng bỉ đấu phụ 勝 彼 鬪 負
Thường thì kẻ vũ phu khi bị giận thì giận trở lại. Cái giận này đem tới cái giận kia. Bị giận mà không giận lại thì mình là kẻ thắng.
Vũ phu bị giận
Thì giận trở lại
Giận đem giận lại
Không giận mình thắng.