Chương 3 Bồ Tát Giới

20/05/201012:00 SA(Xem: 11039)
Chương 3 Bồ Tát Giới

THẮNG MAN GIẢNG LUẬN
Śrīmālā-siṃhanāda-sūtra-vyākhyā
Tuệ Sỹ dịch và giảng

 

CHƯƠNG III:
BỒ TÁT GIỚI

 

TIẾT 1: BỒ TÁT TÂM ĐỊA GIỚI 

I. CĂN BẢN BỒ TÁT GIỚI 

Chương này Hán văn gọi là «Thập đại thọ» hay «Bất tư nghị đại thọ», ý nghĩa của nó sẽ được nói sau. Ở đây, chúng ta hãy nói trước về căn bản của Bồ tát giới.

Luật Anh lạc,[35] trước khi thuyết minh ý nghĩaphương pháp thọ Bồ tát giới, nói: «Hết thảy chúng sanh khi mới bắt đầu vào biển Tam bảo lấy tín làm gốc; khi sống trong ngôi nhà của Phật, thì lấy giới làm gốc.»Trong giáo pháp của Phật Thích ca, mặc dù không có Bồ tát tăng riêng biệt,[36] nhưng vẫn có hệ thống học giới, đó là Thanh văn giới gồm luật nghi của bảy bộ chúng, và Bồ tát giới. Trong bảy chúng,[37] năm chúng thuộc hàng xuất gia, hai chúng thuộc tại gia.

Chức năng của giới là phòng hộ căn môn,[38] tức ngăn ngừa những pháp bất thiện khởi lên làm phương hại đến các phẩm tính thiện căn. Chức năng ấy được ví dụ như là sợi dây nối kết những đóa hoa không để bị gió cuốn bay mất. Những hiểu biết về Phật pháp, những gốc rễ thiện pháp, tất cả đều là những đóa hoa cần được xâu lại. Đối tượng phải phòng hộ tất nhiên là ý môn, hay tâm. Nhưng hoạt động của tâm luôn luôn nương tựa trên các hành vi của thân và miệng, do đó Thanh văn giới dựa trên những cấm chỉ hành động về thân và miệng. Và cũng do ý nghĩa đó, sự tồn tại của giới chỉ giới hạn trong sự tồn tại của thân và miệng. Thí dụ, khi cận sự nam hay cận sự nữ quy y và thọ năm giới cấm, hiệu lực phòng hộ của giới ấy sẽ tồn tại cho đến hết đời hoặc đến khi nào đương sự tuyên bố là không còn tin tưởng Tam bảo và không thọ trì các cấm giới ấy nữa. Hoặc như giới bát quan trai chỉ có hiệu lực trong khoảng một ngày một đêm. Qua thời gian ấy, dù có tuyên bố hay không, giới vẫn hết hiệu lực.[39]

Bồ tát giới thì trái lại, có phát nguyện thọ trì cũng có vấn đề vi phạm, nhưng không hề có vấn đề mất giới.[40] Bởi vì giới cấm của Bồ tát đặt căn cứ trên Bồ-đề tâm, lấy Phật làm mục tiêu hướng đến. Luật Anh lạc nói: «Hết thảy giới phàm thánh Bồ tát đều lấy tâm làm thể. Nếu tâm cùng tận thì giới cũng cùng tận. Nhưng vì tâm không cùng tận nên giới cũng không cùng tận.»[41] Do đó, giới cấm của Bồ tát cũng được nói là tâm địa giới.[42]

II. BA TỤ TỊNH GIỚI 

Lại nữa, khác với Thanh văn giới lấy sự thành tựu đạo đức cá nhân làm tiêu chuẩn, Bồ tát giới lấy sự thành tựu chúng sinh làm tiêu chuẩn cho nên chức năng của giới không chỉ là phòng hộ căn môn. Giới ấy có ba chức năng như luật Anh lạc[43] nói: «Nay vì hết thảy các Bồ tát mà kết căn bản của hết thảy giới, tức là ba thọ môn.[44] Là giới nhiếp thiện pháp, gồm tám vạn bốn ngàn pháp môn; là giới nhiếp chúng sinh, từ, bi, hỷ và xả, đem lại sự an lạc cho hết thảy chúng sinh; là giới nhiếp luật nghi, gồm mười ba-la-di.»

Ba thọ môn hay ba tịnh giới, như được liệt kê trên, được nhắc đến với một thứ tự khác, theo Du-già sư địa luận[45] như sau: 

Thứ nhất, nhiếp luật nghi giới. Như chúng ta đã biết, trong giáo pháp của Phật Thích-ca không có Bồ tát tăng riêng biệt, do đó trong sinh hoạt thường nhật Bồ tát vẫn phải thọ trì cấm giới theo luật nghi của bảy bộ chúng.[46] Nếu là Bồ tát tại gia, giới căn bản vẫn phải là cận sự luật nghi hay cận trụ luật nghi, năm giới và tám giới. Bởi vì, các luật nghi này ngoài chức năng phòng hộ căn môn ra, chúng còn là những điều kiện tạo thành một nhân cách đạo đức gương mẫu, nhờ vậy mà có thể gây tín tâm cho những người chưa hiểu biết Phật pháp. Vả lại, Bồ tát cũng cần có sự phòng hộ để có thể phát triển các môn thiền định, khai triển các phần tuệ học.

Thứ hai, nhiếp thiện pháp giới. Đây là phướng hướng thiện trong học giới của Bồ tát. Luận Du-già[47] nói: «Bồ tát sau khi thọ luật nghi giới, tất cả vì đại bồ-đề, do thân, miệng và ý mà tích tập các thiện căn. Gọi tổng quát là giới nhiếp thiện pháp.» Tức là Bồ tát thực hiện và tích tập các thiện pháp để hướng tới mục đích cứu cánhPhật thừa.

Thứ ba, nhiêu ích hữu tình giới. Ở Bồ tát hành động vì mưu cầu hạnh phúc cho chúng sanh, cho nên luôn luôn tu tập phát triển các vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả như luật Anh Lạc đã nói.

TIẾT 2: BẤT TƯ NGHỊ ĐẠI THỌ

I. MƯỜI ĐẠI THỌ

Các bản sớ giải đều hiểu «thọ» có nghĩa là «lãnh thọ.»[48] Ở đây chúng ta cũng có thể hiểu «thọ» ấy đồng nghĩa với «nhiếp» trong ba nhiếp pháp trên.[49] Bởi vì học giới Bồ tátThắng Man phu nhân tuyên thệ lãnh thọ này bao gồm (nhiếp) vô số điều học của Bồ tát cho nên được gọi là «đại thọ.» Nói là «bất tư nghị», vì học giới ấy lấy tâm làm thể cho nên không chỉ có hiệu lực trong một đời này mà còn đến vô lượng đời khác nữa.

Vì là Bồ tát giới, tất nhiên mười đại thọ này là những điều khoản cụ thể được quảng diễn từ ba tụ tịnh giới. Về sự phân tích mười đại thọ trên cơ sở ba tụ tịnh giới, các bản sớ giải trình bày với một số dị biệt như sau : 

l. Nghĩa ký của Tuệ Viễn.[50] Mười đại thọ được phân thành hai nhóm lớn. Nhóm thứ nhất gồm chín đại thọ đầu được gọi là «thế giáo giới» tức giới pháp để giáo dục thế gian, và một đại thọ cuối cùng được gọi là «Chánh pháp giới.» Rồi trong chín đại thọ đầu lại được bao gồm trong ba tụ tịnh giới

a. Nhiếp luật nghi giới: một đại thọ thứ nhất, không khởi tâm vi phạm các học giới đã thọ.

b. Nhiếp thiện pháp giới: bốn đại thọ tiếp theo, trừ kiêu mạn, trừ sân, trừ đố kị và trừ bỏn sẻn. Bốn điều này, trong Địa trì kinh, tức phẩm giới trong phần «Bồ tát địa trì» của Du-già sư điạ luận được gọi là bốn tha thắng xứ hay bốn ba-la-di[51] của Bồ tát

c. Nhiếp chúng sanh giới: hai thọ tiếp theo, thứ sáu và thứ bảy, là hạnh nhiếp thủ tức những hành vi đem lại lợi ích cho chúng sanh, không bao giờ rời bỏ chúng sanh, hai đại thọ tiếp theo nữa, thứ tám và thứ chín, là hạnh cứu bạt, tức những hành động quyết tâm đưa chúng sanh ra khỏi tội ác.

Phần Chánh pháp giới, một đại thọ cuối, là ý chí học hỏibảo vệ Chánh pháp, lần lượt trải qua các giai đoạn tu chứng trong quá trình Bồ tát đạo cho đến quả vị Phật. 

2. Bảo khốt của Cát Tạng,[52] trước hết đưa ra năm giải thích của các giảng sư đi trước, và chấp nhận giải thích thứ năm. Theo đó, năm đại thọ đầu là nhiếp luật nghi, bốn đại thọ kế là nhiếp chúng sanh và một đại thọ cuối là nhiếp thiện pháp. Quan điểm cũng đồng với Thuật ký của Khuy CơNghĩa sớ của Thánh Đức.

II. THA THẮNG XỨ

Ngoại trừ đại thọ thứ nhất, luật nghi tổng quát, không có gì cần nói nhiều, vì cũng như giải thích của Tuệ Viễn trên. Bốn đại thọ tiếp theo cũng được giải thích như Tuệ Viễn. Nhưng Bảo khốt sơ lược hơn. Thuật ký cũng giải thích theo luận Du-già như Tuệ Viễn nhưng chi tiết hơn một chút. Luận Du-già gọi bốn điều này là bốn tha thắng xứ. Thế nào là tha thắng xứ? Thuật ký[53] giải thích: «Ác pháp tổn hại mình gọi là tha thắng xứ. Thiện pháp ích lợi mình gọi là kỷ thắng xứ.» Về bốn tha thắng xứ, luận Du-già [54] nói: «Nếu các Bồ tát, do dục, tham cầu sự lợi dưỡngcung kính mà khen mình chê người, đó là pháp tha thắng xứ thứ nhất. Nếu Bồ tát, hiện có tư tài, nhưng do tánh bỏn sẻn tài sản, khi những kẻ bần cùng khốn khổ, không nơi nương tựa, đến trước mặt cầu xin tư tài, mà tâm không thương tưởng, không tu tập huệ thí; hoặc có người đến trước mặt cầu pháp, nhưng vì tánh bỏn sẻn đối với pháp nên dù có pháp mà không ban bố cho, đây là tha thắng xứ thứ hai. Nếu Bồ tát mãi ôm ấp các oán hận, do nguyên nhân ấy chẳng những phát ra lời thô bạo mà thôi, mà còn do oán hận che lấp nên dùng tay, chân, đất, đá, đao, gậy, đánh đập gây thương tích cho hữu tình, bên trong ôm giữ vui thích phẫn hận, nếu có làm sái mà người khác đến can ngăn lại chẳng chịu, chẳng nhận, không bỏ oán kết, đây là tha thắng xứ thứ ba. Nếu các Bồ tát báng bổ Bồ tát tạng, ưa thích tuyên thuyết, khai thị, thiết lập tương tợ pháp, đối với pháp tương tợ ấy hoặc tự mình tin và hiểu hoặc lôi cuốn bởi người khác, đây là tha thắng xứ thứ tư.»[55] 

Trong bốn tha thắng xứ vừa kể, Thuật ký kết hợp tha thắng xứ thứ tư, điều khoản về khởi đại tà kiến, với đại thọ thứ hai; tha thắng xứ thứ ba với đại thọ thứ ba, tha thắng xứ thứ nhất (Thuật ký liệt kê là thứ hai) với đại thọ thứ tư, và tha thắng xứ thứ hai (Thuật ký liệt kê thứ nhất) với đại thọ thứ năm.

Trong bốn tha thắng xứ này, luận Du-già nói, chỉ cần phạm phải một điều khoản cũng đủ mất tư cách Bồ tát chân thật, vì không thể giữ gìn tư lương Bồ-đề rộng lớn của Bồ tát. Nếu Bồ tát nhiều lần hiện hành bốn tha thắng xứ mà không hề tỏ ra hổ thẹn trái lại ưa thích và tưởng như vậy là công đức, đó là trường hợp thượng phẩm phạm, tức cực trọng. Với trường hợp này, Bồ tát được coi như tự động xả giới.

Theo đại bộ phận của Bồ tát giới, tha thắng xứ hay ba-la-di của Bồ tát cũng đồng với các ba-la-di của Thanh văn giới, người vi phạm sẽ bị diệt tẩn tức đuổi khỏi tăng chúng. Nhưng điểm dị biệt giữa Bồ tát giớiThanh văn giới ở chỗ, Bồ tát mặc dù vi phạm các tha thắng xứ hay ba-la-di nhưng không vì vậy mà mất hẳn Bồ tát giới nếu Bồ-đề tâm được xác nhận là chưa mất, do đó có thể thọ lại. Trong trường hợp mười đại thọ của Thắng Man, mặc dù xét theo nội dung thì có những điều khoản hệ trọng tương đương các tha thắng xứ, nhưng về mặt xử lý các trường hợp vi phạm thì không phân biệt. Nghĩa là, hoàn toàn không hề có vấn đề mất giới trong các trường hợp vi phạm.

TIẾT 3: GIẢI THÍCH CHI TIẾT

Dưới đây tổng hợp các bản sớ giải, chúng ta giải thích chi tiết riêng từng điều khoản một. 

Mỗi đại thọ đều bắt đầu bằng câu: «Bạch Thế Tôn, kể từ hôm nay cho đến lúc thành tựu đạo Bồ-đề…» Như đã nói ở trên, vì giới của Bồ táttâm địa giới nên sau khi tuyên thệ lãnh thọ thì hiệu lực của nó giới hạn không chỉ một đờiliên tục cho đến khi nào thành Phật

l. Giữ giới đã thọ: đối với hiện tại trong lúc Thắng Man phu nhân còn là một vương phi, thì giới đã thọ ở đây cố nhiên là năm giới tại gia của một cận sự nữ. Nhưng đối với các đời tương lai, tùy trường hợp, giới đã thọ ấy là một trong tám luật nghi của Thanh văn giới. Tuy nhiên, Thanh văn giới lấy các hành động của thân và ngữ làm tiêu chuẩn cho các trường hợp vi phạm, ở đây, trong tâm địa giới của Bồ tát, móng khởi tâm niệm muốn vi phạm cũng được coi là trường hợp đã vi phạm.

2. Giới không kiêu mạn: kính thuận các bậc tôn trưởng là phần đạo đức căn bản của người nữ. Huống chi, Thắng Man phu nhân đang ở địa vị cao cả, cảnh giác tâm kiêu mạn lại càng cần thiết. Tất nhiên, nhược điểm tâm tính của người nữ, không cứ gì ở địa vị Thắng Man, mà ở tất cả địa vị nào, kiêu mạntính chất dễ phát động. Do kiêu mạn thành khinh thường và sẽ đi đến chỗ tiết mạn, mất phẩm cách và trật tự nhân luân. Thuật ký hiểu «mạn» ở đây như là tăng thượng mạn, tức cố chấp những sở đắc thấp kém, không chịu học hỏi các điều sâu xa trong giáo pháp Đại thừa.

3. Giới không sân nhuế: đối với tôn trưởng thì không kiêu mạn, đối với những người thấp hơn thì không giận dữ, không ôm lòng thù nghịch, không có ý gây thiệt hại cho người. Nghĩa là, không lăng loàn đối với kẻ trên, không lấn lướt người dưới.

4. Giới không tật đố: không tật đố đối với người có sắc đẹp hơn mình, không ganh tức với người có nhiều tài sản hơn mình. Bởi vì đố kỵ cũng là một nhược điểm khác ở tâm tánh của người nữ. Ở đây, với Thuật ký, là trường hợp tự tán hủy tha, khen mình chê người, trong bốn tha thắng xứ tức bốn trọng cấm theo hệ Bồ tát giới của luận Du-già.

5. Giới không bỏn sẻn: không bỏn sẻn đối với các pháp nội và ngoại. «Các pháp nội và ngoại» chỉ cho bản thân và tài vật. Bồ tát tu tập vô lượng tâm về xả, vì lợi ích của Chánh pháp, của mọi người, không hề tiếc nuối thân mạngtài sản.

6. Giới không tích tụ tư hữu: không súc liễm tài vật vì ích lợi bản thân. Trong sinh hoạt thế tục, Bồ tát có bổn phận tích tụ tài sản để làm giàu, nhưng những gì Bồ tát làm ra đều phải hướng đến mục đích chẩn tế mọi người, do đó học giới của Bồ- tát không cấm chỉ việc tạo dựng tài vật. 

7. Thực hành bốn nhiếp sự[56] không vì tư lợi: bốn nhiếp sự là bốn nguyên tắc duy trì sự đoàn kết của đời sống tập thể, nhỏ thì giới hạn trong phạm vi gia đình, thân thuộc, lớn thì cho đến tất cả chúng sinh. Bằng bố thí, sẵn sàng cung cấp tất cả những gì mình có cho những ai thiếu thốn. Bằng ái ngữ, nói năng nhã nhặn, từ ái, gây tin tưởnghòa thuận giữa mọi người. Bằng lợi hành, thiết thực giúp đỡ mọi người tránh khỏi những thiệt hại về vật chấttinh thần, hướng dẫn những kẻ sống bằng ác pháp đến với thiện pháp, từ tà kiến đến với chánh kiến. Bằng đồng sự, hỗ trợ những ai muốn thành tựu mục đích cao thượng mà thiếu phương tiện vật chất hay năng lực ý chí, tinh thần. Bằng bốn nhiếp sự, bao dung, bình đẳng giữa những kẻ thù nghịch cũng như những người thân thuộc.

8. Giới phải san bằng nỗi khổ: Bồ tát không từ khó nhọc, không sợ nguy hiểm, không tránh xa những nơi mà chúng sanh bị đọa đày, bị áp bức, bần cùng, khốn nạn, yếu đuối không nơi nương tựa cậy nhờ.

9. Giới phải diệt trừ tội ác: Bồ tát biết rõ rằng tội ácnguyên nhân đưa đến nỗi khổ của thế gian cho nên cương quyết diệt trừ. Bồ tát không để cho các ác luật nghi hiện hành trong phạm viuy tínquyền lực của mình có thể chi phối. Ác luật nghi là hành động tội ác, gieo khốn khổ cho kẻ khác. Với những hành động ấy, có thể chiết phục bằng sự khuyến giáo. Nhưng trong trường hợp cần phải chiết phục bằng cưỡng bức, Bồ tát không từ chối việc sử dụng quyền lực thế gian. Thắng Man phu nhân nói: «Khi nào có đủ năng lực, gặp những chúng sanh như vậy, ở nơi này hay nơi kia, đối với hạng cần phải chiết phục con sẽ chiết phục; đối với hạng cần phải nhiếp thọ con sẽ nhiếp thọNăng lực được nói đến đó tức uy tín đạo đức của mình, hay sức mạnh thế tục mà mình có thể chi phối, như uy quyền của vương vị chẳng hạn. Với những chúng sanh ngoan cố cần phải cưỡng bức không để chúng thực hiện các ác luật nghi. Với hạng dễ bảo thì cần được nhiếp thọ, tức bảo vệ chúng tránh xa những ác luật nghi.

10. Giới nhiếp thọ chánh pháp: Bồ tát không bao giờ lãng quên việc hộ trìbảo vệ Chánh pháp. Hộ trì hay bảo vệ bằng thực học và thực chứng. Bảo khốt nêu lên hai giải thích về ý nghĩa này: «Có người nói, Chánh pháp tức lục độ vạn hạnh, nhiếp tức nhiếp lục độ… Lại có người nói, lý thật tướng của các pháp gọi là Chánh pháp, chứng pháp tại tâm gọi là nhiếp thọ.» Và Bảo khốt tổng hợp cả hai giải thích ấy dưới hai phương diện: lý và hành, tức học hỏithực hành. Thuật ký giải thích: «Nhiếp có nghĩa là bao hàm, tu tập thiện pháp của pháp giới. Thọ tức lãnh nạp, tu niệm các thiện phápÝ nghĩa của nhiếp thọ Chánh pháp sẽ được quảng diễn trở lại ở chương sau này.

TIẾT 4: CÁCH THỨC THỌ GIỚI

I. Ý NGHĨA NGHI THỨC THỌ GIỚI

Giới pháp của Bồ tát không đồng với Thanh văn cho nên hình thức trao truyền và lãnh thọ tất nhiên cũng khác. Thắng Man không nói đến cách thức thọ giới. Ở đây đơn giản chỉ có việc Thắng Man phu nhân đứng trước Phật mà tuyên thệ. Trong tất cả các nghi thức tuyên thệ, kể cả Thanh văn giớiBồ tát giới, đối diện trước Phật mà tuyên thệhình thức cao nhất, có hiệu lực nhất. Nhưng trong những trường hợp không có sự hiện diện của Phật, thì cả Thanh văn giớiBồ tát giới đều cần một số nghi thức. Các nghi thức này được quy định tùy theo bản chất của học giới. Loại giới nào chỉ liên hệ đến đạo đức cá nhân, nghĩa là nếu có vi phạm thì sự thiệt hại chỉ xảy ra cho bản thân, thì sự tuyên thệ được thực hiện trong phạm vi cá nhân, hoặc tự mình tuyên thệ, hay đối diện trước một người đã thọ trì học giới ấy. Loại học giới nào liên hệ đạo đức tập thể, nếu vi phạm thì làm thiệt hại uy tín của tập thể, học giới ấy cần phải đối trước tập thể mà tuyên thọ.

Tất cả học giới của Bồ tát đều gồm cả hai mặt, đạo đức cá nhân và tập thể. Nhưng bản chất của nó là tâm địa giới, cho nên sự tuyên thệ có thể tự mình, hoặc đối diện trước một người đã thọ, hay trước tập thể.[57]

Môi trường hành đạo của Bồ tát là ở ngay giữa lòng xã hội nhân sinh. Nhưng thế giới nhân sinh là tập hợp những cộng đồng vô cùng sai biệt. Khác nhau về chủng tộc; khác nhau về đẳng cấp xã hội; khác nhau về nghề nghiệp sinh sống. Vì vậy, hệ thống học giới của Bồ tát rất phức tạp, không giống như của Thanh văn. Mặc dầu luật của Thanh vănphân chia thành nhiều bộ phái khác nhau, nhưng các nguyên tắc thọ giới, nguyên lý trì phạm, tất cả đều có chung một nền tảng. Giới Bồ tát không phải vậy. Vì vậy, đối với luật Phạm võng, Bồ- tát có đến muời pháp ba-la-di, nhưng với Du-già sư địa, chỉ có bốn.

II. CÁC TRUYỀN BẢN THỌ GIỚI

Căn cứ trên các bản dịch Hán về Bồ tát giới được lưu truyền cho đến nay, hệ thống học giới của Bồ tát có thể phân loại thành ba nhóm, do sự khác nhau về các điều khoản ba-la-di: 

1. Luật Phạm võngAnh lạc. Luật Phạm võng được nói là do chính bản thân đức Lô-xá-na thuyết.[58] Phật Thích-ca kết tập Bồ tát giới ngay khi vừa mới thành đạo tại Bồ-đề đạo tràng. Luật Anh lạc không nói đến bản thân Lô-xá-na. Nhưng Bồ tát giới cũng được đức Thích-ca kết tập tại Bồ-đề đạo tràng. Tức là giới được kết tập vào thời Hoa-nghiêm. Hệ thống luật này thiết lập mười pháp ba-la-di của Bồ tát. Trong mười ba-la-di, bốn ba-la-di đầu đồng nhất với luật Tỳ-kheo. Xu hướng Phạm võng-Anh lạc là thiết lập một cộng đồng Bồ tát xuất gia, tuy bản chất không phải là Tăng đoàn.[59] Cộng đồng như vậy ràng buộc các thành viên của nó lại với nhau qua thọ giớitrì giới Bồ tát, cùng mỗi nửa tháng họp một lần để tụng giới, để kiểm thảo tư cách Bồ tát của mỗi thành viên căn cứ các điều khoản của giới bổn.

2. Luật Du-già. Phát xuất từ Du-già sư địa luận,[60] được nói là do đức Di-lặc thuyết. Luật Du-già chỉ có bốn ba-la-di. Luận quy định rằng, trước khi thọ Bồ tát giới, người cầu thọ giới phải là người đã thọ các giới Thanh văn, tức giới của bảy chúng đệ tử Phật.[61] Xu hướng của Du-già là không lập chúng Bồ tát thành một cộng đồng riêng biệt ngoài cộng đồng bốn chúng đệ tử. Bồ tát giới như vậy là phần hướng thượng, phát triển lên từ giới Thanh văn.

3. Luật Ưu-bà-tắc giới kinh. Luật quy định có sáu ba-la-di của Bồ tát. Trong đó, năm điều khoản đầu là năm giới của tại gia. Phổ thông, Phật tử tại gia hành đạo mang tính cách cá nhân. Thỉnh thoảng, ngay trong thời Phật, cũng có cư sỹ tổ chức thành một nhóm để cùng khích lệ nhau tu tập, như nhóm Thủ trưởng giả.[62] Họ vẫn giữa năm giới tại gia. Nhưng ràng buộc nhau bằng bốn nhiếp sự. Nay, luật Ưu-bà-tắc giới kinh nâng năm giới vốn có bản chất đạo đức cá nhân thành các điều khoản của cộng đồng. Đó là một cộng đồng sinh hoạt hoàn toàn theo thế tục, nhưng ngay trong sinh hoạt thế tục, các thành viên của nó thực hiện Bồ tát đạo. Ưu-ba-tắc giới kinh nói: «Giới này có khả năng làm căn bản cho Sa-di thập giới, Đại tỳ-kheo giới và Bồ tát giới, cho đến A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề.»[63]

Có hai điểm đặc biệt mà luật Ưu-bà-tắc giới kinh khác với các luật khác. Thứ nhất, luật này không hỏi «Ngươi đã phát bồ-đề tâm chưa?» trước khi truyền giới. Thứ hai, hỏi già nạn mà các luật khác không hề có. Già nạn tức các điều kiện được nêu lên để xác nhận tư cách người thọ giới. Nếu không thỏa mãn, không được phép thọ. Rõ ràng, Ưu-ba-tắc giới kinh muốn lập riêng một chúng tại gia, do đó qui định các tiêu chuẩn chọn lựa thành viên của nó. 

Nói tóm lại, thọ giới không chỉ có nghĩa phát nguyện thọ trì năm điều hay mười điều luật mà Phật đã thiết chế. Thọ giới, đó là sự tuyên thệ gia nhập cộng đồng; chấp nhận nghĩa vụ một thành viên của cộng đồng, để phục vụ cho lý tưởng của cộng đồng mà mình chấp nhận. Với ý nghĩa này, việc thọ giới rất quan trọng đối với Bồ tát. Bởi vì Bồ tát đạo không chỉ là lý tưởng hay nguyện của một cá nhân, mà là con đường phụng sự tập thể.

Trong ý nghĩa đó, việc thọ giới đối với Thắng Man phu nhân cũng không chỉ là phát nguyện của một cá nhân. Tuy rằng trong lịch sử truyền thừa, hệ thống Bồ tát giới theo Thắng Man không được phổ biến, nhưng không phải vì vậy mà không có. Hạn chế đó là tất yếu do lịch sử phát triển xã hội. Trong giai đoạn mà vai trò xã hội của người nữ chưa được thừa nhận, thì sự hình thành một cộng đồng Bồ tát gồm các thành viên nữ để phụng sự theo chức năng thiên bẩm của mình, là điều khó có thể chấp nhận. Cho nên, trong hàng Thanh văn xuất gia, có cộng đồng nữ là Tỳ-kheo-ni tăng. Nhưng trong hàng Bồ tát, không có cộng đồng Bồ tát-ni riêng biệt. 

Luật Phạm võng không đề cập đến nghi thức thọ giới, mà chỉ nói đến trường hợp đắc giới «Nếu thọ giới của Phật, thì hoặc quốc vương, vương tử, bách quan, tể tướng, tỳ-kheo, tỳ-kheo ni, mười tám Phạm thiên, lục dục thiên tử, thứ dân, huỳnh môn, dâm nam, dâm nữ, nô tì, tám bộ quỷ thần, kim cang thần, súc sinh, cho đến loài người biến hóa, hễ hiểu được tiếng nói của pháp sư là được thọ giới, đều được gọi là bậc đệ nhất thanh tịnh.»[64]

Luật Anh lạc nói đến ba trường hợp thọ giới khác nhau: đối diện trước Phật hay Bồ táttuyên thệ thì được giới thượng phẩm chân thật. Sau khi Phật hay Bồ tát đã diệt độ, trong khoảng một nghìn dặm có pháp sư đã thọ Bồ tát giới rồi thì thỉnh vị ấy truyền giới cho, đó là giới trung phẩm. Hoặc trường hợp sau khi Phật và Bồ tát đã diệt mà trong vòng một nghìn dặm cũng không có pháp sư thì có thể đối trước tượng PhậtBồ tát mà tự mình phát nguyện thọ giới, đó là giới hạ phẩm. Luật cũng nói rằng trong vòng lục thân quyến thuộc đều có thể làm pháp sư truyền giới cho nhau.[65]

Ngoài hai bộ luật nói trên, cũng nên nói thêm nghi thức thọ giới Bồ tát theo luận Du-già mà ngài Huyền Tráng đã dẫn yếu thành bộ Bồ tát giới yết ma văn.[66]

[35] Anh lạc, quyển hạ, tr. 1020b22.

[36] Đại trí độ, quyển 34, Đại 35, tr. 311c10: «Chư Phật phần nhiều chỉ có Thanh văn tăng, không lập riêng Bồ tát tăng. Bởi vì Phật Thích-ca không có Bồ-tát tăng riêng biệt, nên các Bồ-tát như Di-lặc, Văn-thù, khi vào chúng, được phân ngôi thứ theo thứ tự của Thanh văn tăng

[37] Đại trí độ, quyển 10, sđd., tr. 130b13: «Đệ tử của Phật có 7 chúng: Tỳ-kheo (Skt. Bhikṣu), Tỳ-kheo-ni (Bhikṣuni), Học giới ni (Śikṣamāṇā) Sa-di (Śrāmaṇera), Sa-di-ni (Śrāmaṇerikā), Ưu-bà-tắc (Upāsaka), Ưu-bà-di (Upāsikā).»

[38] Phòng hộ căn môn, hay căn luật nghi, Skt. indriya-saṃvara, hay Pāli: indriyesu guttadvāro, «canh chừng cánh cửa nơi các giác quan.» Cf. M.i. 269: So cakkhunà rūpaṃ disvā na nimittaggāhī hoti (…) rakkhati cakkhundriyaṃ, cakkhundriye saṃvaraṃ āpajjati. Sotena (…), «Vị tỳ-kheo ấy, khi nhìn thấy sắc, không nắm chặt các hình tướng (…), giữ gìn giác quan con mắt, canh chừng nơi giác quan con mắt.» Phòng hộ (Skt. saṃvara), Hán cũng dịch là luật nghi. Có ba loại luật nghi: căn luật nghi (Skt. indrya-saṃvara), phòng hộ các giác quan; biệt giải thoát luật nghi (Skt. prātimokṣa-saṃvara), phòng hộ bằng các điều học giới đã phát nguyện thọ; và vô lậu luật nghi (Skt. anāsrava-saṃvara), phòng hộ do chứng pháp vô lậu. Về bản chất, có ba loại luật nghi: 1. Biệt giải thoát luật nghi (prātimokṣa-saṃvara); 2. Tĩnh lự luật nghi (dhyānaja-saṃvara), năng lực phòng hộ phát sanh do thiền định; 3. Vô lậu luật nghi (anāsrava-saṃvara), phòng hộ tự nhiên vì không còn phiền não nhiễm ô.

[39] Quan điểm của Hữu bộ (Sarvāstivāda) về sự tồn tại của giới thể, xem Câu-xá, quyển 14, Đại 29, tr. 74cff.

[40] Anh lạc, quyển hạ, Đại 24, tr. 1021b: «Phật tử, sau khi thọ 10 vô tận giới, (…), từ đời này sang đời khác, giới này không mất, luôn luôn đi theo người đã thọ cho đến thành Phật. (…) Vì vậy, Bồ tát giớithọ pháp nhưng không có xả pháp…»

[41] Anh lạc, tr. 1021b20.

[42] Phạm võng, Đại 24, tr. 997c4: «Ta đã trải qua hằng trăm a-tăng-kỳ kiếp tu hành tâm địa, do nhân đó mới xả phàm phu thành Đẳng chánh giác.» Cf. Trí Khải Đại sư, Bồ-tát giới nghĩa sớ, Đại 40 tr. 563a: «Luật nghi của Bồ-tát phòng hộ khắp cả ba nghiệp. Tâm, ý và thức; tự thể là đồng nhất, nhưng tên gọi thì khác. Trong ba nghiệp, ý nghiệp là chủ, còn thân và ngữ là thứ yếu. Căn cứ vào sự trổi vượt, do đó (giới Bồ-tát) được gọi là tâm địa (giới).»

[43] Anh lạc, tr. 1020b29.

[44] Ba thọ môn, tức ba tụ tịnh giới (Skt. tri-vidhāni śīlāni): 1. Luật nghi giới (śīla-saṃvara-śīla), 2. Nhiếp thiện pháp giới (kuśaladharma-saṃgrāhaka-śīla), 3. Nhiêu ích hữu tình giới (sattvārtha-krīyā-śīla).

[45] Đại 30 , tr. 511a11.

[46] Liệt kê của Du-già nt: Bí-sô giới, tức giới của tỳ-kheo (bhikṣu). Bí-sô-ni giới tức giới của Tỳ-kheo-ni (bhikṣunī), Chánh học giới hay thức-xoa-ma-na (śikṣamāṇā), Cần sách nam giới tức giới của sa-di (śrāmaṇera), Cần sách nữ giới tức giới của sa-di-ni (śrāmaṇerī), Cận sự nam giới tức giới của cư sỹ nam (upāsaka), Cận sự nữ giới tức giới của cư sỹ nữ (upāsikā).

[47] Sđd., nt. tr. 511a.

[48] Cf. Tuệ Viễn, Thắng Man nghĩa ký (Vạn 30, tr. 568a): «Giới Bồ-tát rộng lớn, tinh thâm khó dò, nên nói là bất tư nghị. Không còn gì có thể thêm vào được, nên nói là đại. Được tiếp nhận bởi tâm, nên nói là thọ.» Cát Tạng, Bảo khốt, tr. 20b20): «Phức Pháp sư nói: Hư tâm kỉnh nạp, khắc kỷ phụng hành, nói là thọ.» Khuy Cơ, Thắng Man Thuật ký (Vạn 30, tr. 596a): «Đại, vì vượt qua Nhị thừa. Thể và dụng bao la rộng lớn, nên nói là đại. Sự dung nạp của cái đại, gọi là thọ.»

[49] Thọ (Skt. samādāna), có nghĩa là thọ giới, cũng có nghĩa thọ trì, thọ sanh, nhiếp thọ, nhiếp thủ, thệ nguyện. «Nhiếp thọ» trong Hán dịch thường do từ Skt. saṃgrāha, hoặc parisaṃgrāha.

[50] Vạn 30, tr. 0568ff.

[51] Ba-la-di (Skt. pārājika), nguyên thủy, chỉ nhóm tội cực trọng của luật Tỳ-kheo. Tứ phần, Đại 22, tr. 571c6): «Cũng như người đã bị chặt đầu không còn sống dậy được nữa. Tỳ-kheo cũng vậy. Phạm điều khoản này, không còn là tỳ-kheo nữa, nên gọi là ba-la-di.» Căn bản Tát-bà-đa bộ luật nhiếp (Đại, tr. 522c21): «Ba-la-thị-ca, có nghĩa là cực ác. Ai phạm tội này, cực kỳ đáng kinh tởm. Cũng có nghĩa là tha thắng. Vì kẻ phạm điều khoản này, bị các vị tịnh hạnh khác khinh thường, bị thua kém.» Đoạn sau, tr. 523b12, giải thích tiếp: «Kẻ phạm ba-la-thị-ca, như con của Pháp vương đã bị quân địch đánh bại, không còn được tôn kính nữa.» Cf. Bồ-tát địa trì kinh (Đại 30, tr. 913bff): ba-la-di xứ pháp; Du-già (Đại 30, tr. 515c): tha thắng xứ pháp.

[52] Đại 39, T. 1744, tr. 21cff.

[53] Khuy Cơ, Thuật ký (Vạn 30, tr. 597a).

[54] Du già, tr. 515b22.ff.

[55] Về các ba-la-di của Bồ-tát giới, luật Phạm võng và luật Anh lạc có 10; Du-già có 4; Bồ tát thiện giới kinh có 8; luật Ưu-bà-tắc giới kinh có 6.

[56] Nhiếp sự, hay cũng nói là nhiếp pháp; Skt. saṃgrāhavastu. Về 4 nhiếp sự của Bồ-tát, xem Du-già (Đại 30, tr. 529c.ff).

[57] Về nghi thức thọ Bồ tát giới lưu hành tại Trung quốc, trước sau có sáu truyền bản : 1. Phạm võng bản, y theo Phạm võng Bồ tát giới kinh, do Cưu-ma-la-thập truyền. 2. Địa trì kinh, do Đàm-vô-sấm truyền, theo bản dịch Bồ tát địa trì kinh, bản dịch khác của Du-già sư địa. 3. Bản Cao xương, do Đạo Tiến, vốn được truyền bởi Đàm-vô-sấm, nhưng Đạo Tiến tự thọ do lễ sám 7 ngày đêm mộng thấy Phật Thích-ca trực tiếp truyền; so với chính bản của Đàm-vô-sấm có ít nhiều canh cải. 4. Anh lạc bản, y theo Bồ tát Anh lạc bản nghiệp kinh. 5. Tân soạn bản, lưu hành đời Tùy do các luật sư Đại thừa thời bấy giờ tập thành. 6. Bản chùa Chế chỉ, do Cầu-na-bạt-ma truyền, Xem Trí Khải, Bồ tát giới nghĩa sớ, Đại 40, tr. 568a.ff.

[58] Lô-xá-na (Skt. Rocana), trong Hoa nghiêm tông, đồng nhất với Tỳ-lô-giá-na (Skt. Vairocana: Đại Nhật), danh hiệu chỉ Pháp thân Phật. Thiên thai tông phân biệt: Tỳ-lô-giá-na là danh hiệu chỉ Pháp thân (Dharma-kāya); Lô-xá-na chỉ Báo thân (Saṃbhoga-kāya); Thích-ca chỉ Hoá thân (Nirmāṇa-kāya).

[59] Cộng đồng Bồ tát, tiếng Skt. gọi là gaṇa, chứ không gọi là saṅgha, mặc dù cả hai từ đều có Hán dịch là chúng.

[60] Bồ-tát thiện giới kinh, tuy có 8 ba-la-di, nhưng cũng thuộc vào hệ này, vì cùng xuất xứ từ Du-già sư địa.

[61] Đại 30, tr. 514b14. Xem thêm, Bồ-tát giới yết-ma văn, Đại 24, tr 1104c.ff.

[62] Xem Trung, quyển 9, có hai kinh về Thủ trưởng giả; Đại 1, tr. 482ff. Theo tài liệu Pāli, A.i. 26, ông tên là Hatthaka, chứng quả A-na-hàm, hướng một tập thể tại gia gồm 500 người, bằng bốn nhiếp sự (catūhi vatthūhi parisaṃ saṇgaṅhantānaṃ).

[63] Đại 24, tr. 1047c27.

[64] Đại 24, T. 1484, tr. 1004b7.

[65] Đại 24, T. 1485, tr. 1020c.ff.

[66] Xem Thư mục tham khảo ở cuối sách.

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57236)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.