LƯỢC GIẢNG
KINH PHÁP BẢO ĐÀN
Hoà Thượng Tuyên Hoá Giảng tại Vạn Phật Thánh Thành Hoa Kỳ
Phẩm Sám Hối Đệ Lục
Lúc kia Đại sư thấy các quan dân ở Quảng Châu, Thiều châu và bốn phương đồng kéo nhau tụ tập trong núi đặng nghe pháp, thì Ngài lên tòa giảng mà bảo chúng rằng:
"Chư Thiện tri thức, hãy lại gần đây. Việc nầy phải do trong tánh mình mà khởi ra. Trong cả thảy thời gian, niệm niệm mình phải lóng sạch tâm mình, mình phải trau sửa nết hạnh của mình, mình phải thấy Pháp thân của mình, mình phải thấy Phật tâm của mình, mình phải độ và răn lấy mình, thì đến đây mới là hữu ích, chẳng uổng phí công lao. Các ngươi đã từ phương xa mà đến, đồng hội hiệp tại chỗ nầy, ấy là các ngươi đều có duyên với nhau. Vậy bây giờ các ngươi cả thảy quỳ xuống. Trước ta truyền năm phần Chơn hương của Pháp thân trong Bổn tánh mình, kế ta truyền pháp Sám hối không tướng.
Cả thảy
đồng quỳ.
Giảng:
Vào lúc đó, Lục Tổ Đại sư đang ở Chùa Nam Hoa nhìn thấy dân chúng cùng dân sĩ trí thức ở Quảng Châu, Thiều Châu (tức Khúc Giang) và mọi nơi, cùng nhau vân tập vào trong núi thỉnh pháp. Vì thế Lục Tổ thăng tòa thuyết pháp:
–Đến đây, quý vị Thiện tri thức! Tu pháp môn tâm địa tọa thiền cần phải từ trong tự tánh khởi tu. Bất luận lúc nào, niệm niệm đều phải giữ gìn chánh niệm, không chứa chấp tà niệm, có chánh niệm tức là tự tịnh kỳ tâm. Pháp môn này đòi hỏi quý vị tự tu tự hành, người khác không thể thay thế, cần phải nhìn thấy Pháp thân của chính mình – tức tự tánh, quý vị cần phải nhìn thấy Đức Phật chân chánh trong tâm mình, tự mình độ thoát mình, tự mình giữ gìn giới luật như thế mới xứng đáng công phu quý vị từ ngàn dặm xa xôi đến núi này.
Quý vị đã từ
xa xôi đến đây, vân tập tại chỗ này, chúng ta đều có duyên với nhau, đều là từ
nhiều kiếp nhiều đời vun trồng thiện căn, kiếp này mới hội tụ tại một chỗ. Nay
quý vị mỗi người đều hồ quỳ (tức chân phải quỳ xuống). Trước tôi sẽ truyền cho
các ông Ngũ phần hương Pháp thân tự tánh, sau đó sẽ truyền thọ Sám hối vô
tướng.
Sư nói rằng: "Một là giới hương, nghĩa là tâm mình không tưởng điều quấy, không toan việc dữ, không sanh ghen ghét, không sanh tham lam giận hờn, không mong cướp của hại người. Ấy gọi là Giới hương.
Hai là Định hương, nghĩa là thấy các cảnh tướng lành dữ mà tâm mình chẳng tán loạn. Ấy gọi là Định hương.
Ba là Huệ
hương, nghĩa là tâm mình không bị ngăn lấp, mình lấy trí huệ mà quán chiếu tánh
mình và chẳng tạo các điều dữ. Tuy mình tu các hạnh lành mà tâm không chấp
trước, thường kính người trên tưởng kẻ dưới, hay xót thương những kẻ côi cút
nghèo nàn. Ấy gọi là Huệ hương.
Giảng:
Thứ nhất giới hương, chính là tâm mình không có một chút thị phi, không có tất cả thiện ác, không có tâm tật đố. Quý vị muốn trì giới, thì không nên có tâm tật đố, không có tham tâm, sân tâm, không cướp hại, và cũng không có những việc cướp bóc giết hại người, đó chính là giới hương.
Thứ hai định hương, chính là nhìn thấy tất cả cảnh giới thiện ác mà trong tâm không dao động, đó là định hương.
Thứ ba trí
huệ hương, tức là tự mình không làm chướng ngại mình, không nên tự mình làm
khó khăn cho mình, cần phải thường dùng trí huệ phá vô minh, quán chiếu tự
tánh, các việc ác không làm. Cần phải làm các điều thiện, mà tâm không chấp
trước. Giống như Lương Võ Đế hỏi Tổ sư Đạt Ma: "Trẫm tạo tự, độ Tăng, bố
thí cúng dường có công đức gì?" đây chính là có chỗ chấp trước, nhà vua
chấp vào công đức đã làm. Nếu quý vị làm việc tốt, thì khi làm xong nên quên nó
đi, không nên nói: "Tôi bố thí năm trăm đồng, một ngàn đồng…" Cảm
thấy công đức mình rất lớn, lớn còn hơn phước đức của chư thiên nữa, dường như
đã đến cõi Trời Đao Lợi. Nếu quý vị có những tư tưởng như thế thì không có trí
huệ, giống như Lương Võ Đế vậy. Đối với Cha Mẹ, Sư Trưởng, bậc trên mình, cần phải
cung kính, đối với người dưới phải từ bi, thương xót cứu tế giúp đỡ cô nhi, quả
phụ v.v.. Đó chính là trí huệ hương.
Bốn là Giải thoát hương, nghĩa là tâm không đeo níu vào một cảnh vật nào, mình chẳng nghĩ điều lành, không tưởng việc dữ, thông thả suốt thông (tự tại vô ngại). Ấy gọi là Giải thoát hương.
Năm là Giải thoát tri kiến hương, nghĩa là tâm mình tuy đã không đeo níu vào một cảnh vật nào, mình chẳng nghĩ điều lành, không tưởng việc dữ, nhưng chẳng nên "trầm không thủ tịch." Phải học rộng nghe nhiều, phải biết Bổn tâm mình, phải rõ thông đạo lý của chư Phật, phải xen lẫn trong thế gian mà cứu nhơn lợi vật (hòa quang tiếp vật), không phải nhơn ngã, mà thẳng đến Bồ đề – cái Chơn tánh không thay đổi. Ấy gọi là Giải thoát tri kiến hương.
Chư Thiện
tri thức! Chơn hương nầy, mỗi phần tự có cái chất xông thơm ở bên trong, đừng
tìm kiếm bên ngoài.
Giảng:
Thứ tư giải thoát hương, chính là không có tâm phan duyên (tâm bám víu, dính vương), nếu có chỗ phan duyên thì không buông xả được, thường hay tưởng nhớ đến một sự việc nào, đó chính là tà niệm, thì không thể giải thoát được. Không nghĩ thiện, cũng không nghĩ ác, hoàn toàn tự tại, không có chỗ chướng ngại, đó chính là giải thoát hương.
Thứ năm là giải thoát tri kiến hương, tức không phan duyên điều thiện, cũng không phan duyên điều ác, nhưng cũng không chấp trước vào không mà trầm không trệ tịch. Không nên nói: "Tôi ngồi ở đây, cái gì cũng không học, đó chính là không." Kỳ thực đó là ngoan không, không có một chỗ dụng, giống như trong quả banh cũng là không nhưng cái không đó không có cái dụng nào. Cảnh giới trầm không trệ tịch này, cũng giống như cái không trong quả banh. Đó là ngoan không, tuy cùng là không, nhưng nó không giống với cái không của hư không. Đây biểu thị một người suốt ngày ngồi chết tại một chỗ, trăm vật không nghĩ, cái gì cũng không nhớ đến, đến giờ ăn cơm thì ăn cơm, giờ ngủ thì ngủ, cái gì cũng không làm, thời gian trôi qua vô ích; quý vị xem thế có đáng thương xót hay không?
Như vậy cần phải làm sao? Cần phải quảng học đa văn. Nay chúng ta nghe Kinh, học tập Phật pháp, cần phải nghe nhiều học rộng. Có người muốn học Phật pháp nhưng lại không nghe Kinh, cũng không học Phật pháp, đối với Phật pháp một chút cũng không biết, lại nói cái gì cũng hiểu rõ sáng suốt, đây là loại người trầm không trệ tịch.
Cần phải nhận thức bổn tâm chính mình, thông đạt tất cả nghĩa lý Kinh Phật, hòa quang tiếp vật. Cái gì là hòa quang? Như ở đây có cái đèn, ở kia cũng có cái đèn, đèn đều có ánh sáng, quý vị xem có khi nào đèn cùng đèn đánh lộn, hoặc khởi lên sự xung đột mà nói: "Ánh sáng của ngươi sáng hơn ta, không được như vậy, ngươi lập tức đem ánh sáng của ngươi thâu trở về!" hoặc nói: "Ánh sáng của ngươi nhỏ quá, sáng một chút nữa được không; nếu không, ngươi không được cùng ta tỏa ánh sáng trong phòng này!" Điều đó không bao giờ có. Chính là mọi người trong thế giới này, quý vị hành đạo của quý vị, tôi hành đạo của tôi, mỗi người thực hành đạo của mình mà không chướng ngại nhau. Quý vị không làm chướng ngại tôi, tôi cũng không làm chướng ngại quý vị, đó chính là hòa quang. Quang chính là ánh sáng quang minh, không thể nói danh dự của quý vị tương đối cao, cần phải đánh đổ quý vị xuống mà đưa cái danh dự của tôi lên. Quý vị làm việc của quý vị, tôi làm việc của tôi, như có người ganh tỵ tôi, thì có thể, nhưng tôi không được tật đố người. Quý vị giỏi hơn tôi, tôi càng vui vẻ; quý vị càng thành công tôi càng hoan hỷ, như thế sẽ không còn tâm tật đố. Có người nói:
–Tôi cùng với anh ta hòa quang, nhưng anh ta không có hòa quang với tôi.
Nếu quý vị hòa quang với ông ta thì sẽ không biết ông ta không hòa quang với quý vị, nếu biết ông ta không hòa quang với quý vị, đó biểu thị quý vị chưa có hòa quang với ông ta. Nếu ông ta không hòa quang đó là việc của ông ta, không nên chú ý đến, chỉ cần quý vị hòa quang với ông ta là được rồi.
Cái gì gọi là tiếp vật? Tức tiếp dẫn chúng sanh, tiếp dẫn tùy theo căn cơ chúng sanh. Ông thích Đại thừa Phật pháp, tôi liền giảng Phật giáo đại thừa; ông thích Phật giáo Tiểu thừa, tôi giảng pháp Tứ đế của Tiểu thừa, ông thích hành Bồ Tát đạo, tôi giảng Lục độ vạn hạnh; ông thích pháp Bích Chi Phật, tôi giảng Mười hai nhân duyên. Đó chính là hòa quang tiếp vật, tùy theo căn cơ chúng sanh mà thuyết pháp độ sanh, tiếp dẫn chúng sanh khiến chúng sanh thoát khổ được vui.
Cần phải vô ngã vô nhân mới có thể hòa quang tiếp vật, quý vị không nên tiếp độ một người liền tính toán rằng mình đã độ được một chúng sanh, công đức rất lớn. Không nên cho rằng: "Tôi nay độ ba vị Tỳ kheo, hai cô Tỳ kheo ni xuất gia, công đức của tôi rất lớn!" Người có tư tưởng này, ngay một chút vi trần công đức cũng không có. Vậy thì phải làm sao? Cần phải vô nhân vô ngã, hành sở vô sự, cho đến độ người thành Phật cũng không chấp trước công đức độ chúng sanh. Cho nên Kinh Kim Cang nói: "Diệt độ tất cả chúng sanh rồi, mà không có một chúng sanh thực sự diệt độ." Chớ nên sáng niệm Kinh Kim Cang, tối cũng niệm Kinh Kim Cang, niệm hoài niệm mãi mà không hiểu nghĩa lý Kinh Kim Cang, lại tự cao ngã mạn nói: "Ông xem tôi như thế nào!" lại có một cái "ngã," bất cứ cái gì cũng đem ngã bày ra trước. Vậy ông tụng niệm Kinh Kim Cang gì vậy? Điều mà Kinh Kim Cang xiển thuật là: Vô nhân, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả, nhứt thiết chư pháp không tướng. Cho nên cần phải hiểu rõ chân nghĩa, trực chỉ Bồ đề. Chân tánh không thay đổi – chân tánh cũng không biến dị, đó gọi là giải thoát tri kiến hương. Ngay tri kiến cũng giải thoát, không có chỗ chấp trước,
"Vô nhân vô ngã Quán Tự Tại,
Phi không phi sắc kiến Như Lai"
Ai có thể vô nhân vô ngã, chính là Bồ Tát Quán Tự Tại. Không chấp không, cũng không chấp có (sắc chính là có sắc tướng), không lạc vào không cũng không lạc vào có, thì sẽ nhìn thấy Phật.
Quý vị Thiện
tri thức! Ngũ phần hương Pháp thân này ở trong Pháp thân mỗi người, cho nên cần
phải ứng dụng hương Pháp thân này, xông đốt trong tự tánh, không nên giong ruổi
bên ngoài tìm cầu.
Bây giờ ta
truyền cho các ngươi pháp Sám hối không tướng, pháp này tiêu diệt hết các tội
trong ba đời, khiến cho ba nghiệp đều được trong sạch.
Giảng:
Nay tôi
truyền thọ cho các ông Vô tướng sám hối. Cái gì gọi là sám? Tức
sám kỳ tiền khiên (sám những lỗi về trước); cái gì gọi là hối? Tức hối
kỳ hậu tội (hối những lỗi về sau). Sám hối có thể diệt tội lỗi ba đời, tội lỗi
trong đời hiện tại, đời quá khứ, đời vị lai đều có thể tiêu diệt. Nhưng quý vị cần
phải thanh tịnh kỳ tâm mà sám hối, khiến cho tam nghiệp thân, khẩu, ý của quý
vị đều thanh tịnh.
Chư Thiện tri thức! Hãy đồng xướng lên một lượt và nói theo ta.
Chúng đệ
tử, từ niệm trước, niệm nay đến niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm sự ngu mê. Các
tội do nghiệp ác ngu mê đã tạo ra từ trước thảy đều ăn năn, nguyện dứt hết một
lần, hằng chẳng gây lại nữa.
Giảng:
–Quý vị Thiện tri thức! Các ông nói theo tôi, đồng thời mỗi người tự xưng pháp danh.
Lúc này Lục Tổ Đại sư truyền Tam quy, sám hối và phát Tứ hoằng thệ nguyện cho các thiện nam, tín nữ.
Niệm quá khứ,
niệm hiện tại và niệm tương lai, mỗi niệm không bị ngu si xoay chuyển, niệm
niệm đều sanh trí huệ. Các tội lỗi ngu mê ác nghiệp mà con đã gây tạo từ trước,
như mười điều ác: sát sanh, trộm cắp, tà dâm, tham sân si..., nay con xin thành
tâm hối cải, và cầu nguyện trong thời gian một sát-na đều tiêu diệt không còn,
từ nay về sau con không còn tái phạm các tội lỗi ngu mê này nữa.
Chúng đệ
tử, từ niệm trước, niệm nay đến niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm sự ngạo dối.
Các tội do nghiệp ác ngạo dối đã tạo ra từ trước thảy đều ăn năn, nguyện dứt hết
một lần, hằng chẳng gây lại nữa.
Giảng:
Kiêu chính
là kiêu căng ngã mạn, chỉ biết có mình mà không biết người khác, trong mắt
không tất cả, trên trời dưới đất duy ngã độc tôn. Cuống là cuống vọng tự đại,
cũng có thể là vọng ngữ, cảm thấy mình không ai sánh kịp, khắp toàn thế giới ta
là nhân vật số một, là vĩ đại nhất, thậm chí các lãnh tụ các nước trên thế
giới, cũng không ai lớn bằng ta, như thế gọi là kiêu cuống. Niệm niệm không bị
kiêu cuống làm nhiễm, không bị kiêu cuống xoay chuyển. Từ trước đã phạm những
tội lỗi kiêu mạn cuống ngữ, thảy đều xin sám hối, nguyện trong thời gian một
sát-na đều tiêu diệt, không bao giờ khởi lại.
Chúng đệ tử, từ niệm trước, niệm nay đến niệm sau, niệm niệm chẳng nhiễm sự ghen ghét. Các tội do nghiệp ác ghen ghét đã tạo ra từ trước đều ăn năn, nguyện dứt hết một lần, hằng chẳng gây lại nữa.
Chư Thiện
tri thức! nhẫn lên là pháp Sám hối không tướng.
Giảng:
Ở trên sám hối ngu mê, kiêu cuống; nay sám hối tật đố. Tật đố là thứ tệ hại nhất. Người người tu đạo đều bị tật đố làm chướng ngại. Thấy người giỏi hơn mình, liền sanh lòng tật đố; thấy người thông minh hơn mình, liền sanh lòng tật đố; thấy người học cái gì cũng nhanh hơn mình, liền sanh lòng tật đố; thấy người tu đạo ngồi thiền, ngồi như như bất động, cũng sanh lòng tật đố; thấy người ăn cơm nhiều cũng sanh lòng tật đố; thấy người ngủ nhiều một chút cũng sanh lòng tật đố, Tóm lại thấy người ta có cái gì mà mình làm không được liền sanh lòng tật đố, thậm chí thấy người ta bệnh rất lâu, cũng sanh lòng tật đố, nói: "Tại sao tôi không mắc bệnh?" Vì thế tật đố là thứ tệ hại nhất, cho nên quý vị không nên để tật đố xoay chuyển. Từ trước đã phạm những tội nghiệp tật đố, nay đều xin sám hối tất cả, nguyện trong một sát-na đều tiêu diệt hết, không bao giờ khởi lại.
Quý vị Thiện
tri thức! Những điều tôi nói ở trên chính là pháp môn Vô tướng sám hối.
Sao gọi là Sám? Sao gọi là Hối?
Sám nghĩa là ăn năn các tội trước của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ghen ghét, đã tạo ra từ trước, tất cả đều ăn năn, hằng chẳng gây lại nữa. Ấy gọi là Sám.
Hối nghĩa là ăn năn các lỗi sau của mình. Những tội do các nghiệp ác ngu mê, ngạo dối, ghen ghét tạo ra, nay đã giác ngộ rồi, tất cả đều dứt bỏ đời đời, ngày sau chẳng gây ra nữa. Ấy gọi là Hối. Cho nên kêu là Sám hối.
Các người
phàm phu ngu muội chỉ biết ăn năn tội trước của mình, mà chẳng biết ăn năn lỗi
sau. Bởi chẳng ăn năn, nên tội trước chẳng dứt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng
dứt, lỗi sau lại sanh, thì sao gọi là Sám hối được?
Giảng:
Cái gì gọi là
sám? Cái gì gọi là hối? Sám chính là sửa đổi những tội
nghiệp về trước. Từ trước đã tạo những ác nghiệp, ngu mê, kiêu cuống, tật đố,
tất cả đều xin sám hối, không bao giờ khởi lại, đó gọi là sám. Hối là
hối những lỗi lầm sẽ phạm về sau, từ nay trở về sau, tất cả những ác nghiệp,
ngu mê, kiêu cuống, tật đố... con đều hiểu rõ, và vĩnh viễn đoạn trừ nó, không
bao giờ làm những việc sai lầm đó nữa, đó gọi là hối. Tóm lại, đó gọi là
sám hối. Phàm phu vì quá ngu si, chỉ biết làm sai xong mới biết sửa đổi sai
lầm, mà không biết sửa lỗi từ trong tâm, về sau không dám tái phạm. Vì họ không
hối lỗi, cho nên những tội lỗi đã tạo từ trước đã không tiêu diệt, mà những tội
lỗi về sau lại phát sanh. Cho nên tội trước đã không diệt, mà lỗi sau lại tiếp
tục tăng gia, vậy thì càng tạo càng nhiều, càng chứa càng sâu, như thế làm sao
có thể gọi là sám hối?
Chư Thiện tri thức! Đã sám hối rồi, bây giờ ta cho các ngươi lập Bốn điều thề nguyền lớn (tứ hoằng thệ nguyện). Mỗi người phải dùng tâm chơn chánh mà nghe ta dạy:
Cả thảy chúng sanh không giới hạn trong tâm mình đều thề nguyền hóa độ.
Cả thảy các điều phiền não chẳng xiết kể trong tâm mình đều thề dứt bỏ.
Cả thảy các pháp môn kể trong tánh mình đều thề nguyện học cả.
Đạo Phật cao hơn hết trong tánh mình thề nguyền tu đến thành công.
Chư Thiện
tri thức! Cả thảy chúng ngươi há chẳng nói: "Cả thảy chúng sanh không giới
hạn, mà tự mình đều thề nguyền hóa độ, thế thì chẳng phải Sư Huệ Năng độ!"
Giảng:
Quý vị Thiện
tri thức! Quý vị đã biết thế nào là sám hối, nay tôi cùng quý vị phát tứ hoằng
thệ nguyện. Quý vị mỗi người cần phải chánh tâm thành ý nghe: Một, chúng sanh
vô biên trong tâm mình cần phát nguyện độ. Hai, tự tâm phiền não vô lượng cần
phát nguyện đoạn. Ba, tự tánh pháp môn vô tận thệ nguyện học. Bốn, tự tánh vô
thượng Phật đạo, mỗi người đều phải phát nguyện thành tựu. Mỗi vị đều là người
có trí huệ, quý vị không phải đã phát nguyện chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
hay sao? Làm sao để độ chúng sanh? Đây không phải Huệ Năng tôi độ mỗi vị chúng
sanh của quý vị, mà là quý vị tự tánh tự độ.
Chư Thiện
tri thức! Chúng sanh trong tâm mình tức là: lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất
thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm nầy đều gọi là chúng sanh. Mỗi
người phải dùng tánh mình mà độ lấy mình, mới gọi là thiệt độ.
Giảng:
Chúng sanh trong tâm mình, có thiện, có ác. Chúng sanh thiện tự biết cầu Vô thượng đạo, phát Bồ đề tâm, nhưng chúng sanh ác thì nương vào quý vị độ nó. Cho nên cần phải phát nguyện độ chúng sanh trong tâm mình. Giảng đến đây, chúng ta mỗi người đều nên hồi quang phản chiếu, tự mình phản tỉnh quan sát một chút: " Chúng sanh trong tự tâm tôi đã độ chưa? Tư tưởng của tôi có thuần chân không? Hành vi có cao thượng không? Tôi có tâm tật đố, tâm chướng ngại, và muôn vàn tâm vô minh không?" Chúng sanh trong tâm mình vốn vô lượng, vô biên, nay đưa ra những điểm quan trọng: chúng sanh tà mê cần phải dùng trí huệ chân chánh độ. Cần dùng tâm khiêm cung, tâm chân thật độ chúng sanh cuống vọng, kiêu mạn. Cần dùng tâm thiện độ chúng sanh có tâm ác. Cần dùng tâm cung kính độ tâm tật đố. Nếu tật đố người này hay giỏi hơn tôi, thì cần phải dùng tâm cung kính hóa giải. Tâm ác độc, ở đây đưa ra ví dụ, giống như Bồ Đề Lưu Chi dùng thuốc độc đầu độc sát hại Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma, đó là tâm ác độc. Quý vị nghe kinh cần phải hồi quang phản chiếu, tự hỏi mình có những tật xấu này không. Kinh nói độ chúng sanh, vậy trong tâm tôi có những chúng sanh này không? Nếu có thì tìm cách độ nó. Nếu quý vị không độ nó, nó liền kéo quý vị xuống địa ngục, mà chịu khổ vô cùng không ra khỏi được.
Trên đây đã
giảng các loại tâm, đó là chúng sanh, quý vị mỗi người cần phải độ những chúng
sanh này đến lúc rốt ráo mới được ngừng nghỉ, không nên đã biết mà vẫn cố phạm,
đó mới là chân độ chúng sanh.
Sao gọi
dùng tánh mình mà độ lấy mình (tự tánh tự độ)? Nghĩa là các chúng sanh trong
tâm là tà kiến, phiền não, ngu si, phải đem chánh kiến mà hóa độ các tánh xấu
ấy. Đã có sẵn chánh kiến thì phải dùng trí Bát nhã để đánh dẹp các chúng sanh
ngu si, mê vọng. Mỗi mỗi mình phải độ lấy mình: Tà đến lấy chánh độ; mê lại,
dùng ngộ mà độ; ngu đến, lấy trí mà độ; dữ lại dùng lành mà độ. Độ như thế, mới
gọi là thiệt độ.
Giảng:
Cái gì gọi là tự tánh tự độ? Tức những chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si trong tâm mình, quý vị cần phải dùng chánh kiến giáo hóa chúng nó. Quý vị đã có chánh kiến, thì dùng Bát nhã trí huệ đánh chết những chúng sanh mê vọng, ngu si.
Có người nói:
–Đánh chết chúng sanh không phải phạm giới sao?
Phạm giới này, một chút xíu cũng không quan trọng. Lúc không nên phạm giới thì quý vị không sợ phạm, lúc không phạm giới thì quý vị nói đã phạm – Loại người như quý vị thật khó giáo hóa! Những chúng sanh xấu xa trong tự tánh quý vị, cần phải trừ đi. Trừ đi những chúng sanh xấu, những chúng sanh tốt sẽ được an lạc, cho nên có thể giết, có thể đánh chết nó.
Quý vị mỗi
một người cần phải tự tánh tự độ. Lúc chúng sanh tà đến, cần dùng chúng sanh
chánh độ nó. Chúng sanh mê lại thì dùng chúng sanh ngộ độ. Chúng sanh ngu si
đến, quý vị dùng trí huệ độ, chúng sanh ác đến thì dùng chúng sanh thiện độ. Độ
chúng sanh như thế, mới gọi là chân chánh độ chúng sanh.
Tất cả các điều phiền não chẳng xiết kể đều thề nguyền dứt bỏ, nghĩa là đem Trí Bát nhã của tánh mình mà dứt bỏ lòng nghĩ tưởng giả dối. Thế mới gọi là thiệt độ.
Tất cả các pháp môn kể không hết đều thề nguyền học cả, nghĩa là tự mình phải thấy tánh, thường thực hành các chánh pháp. Thế mới gọi là thiệt học.
Đạo Phật cao hơn hết thề nguyền tu đến thành công, nghĩa là đã thường hạ được cái tâm (giữ hạnh khiêm cung), làm việc chơn chánh, lìa mê lìa giác, thường sanh Bát nhã, bỏ chơn trừ vọng, tức khắc thấy tánh Phật. Ấy là nghe nói pháp rồi, liền thành Phật đạo.
Thường thường
tưởng đến việc tu hành là cái chánh pháp tạo nên mạnh của thệ nguyện (nguyện
lực) vậy.
Giảng:
Phiền não thì không có lúc cùng tận, nhưng quý vị cần đoạn nó, nói là đoạn nhưng thực ra là biến, làm sao biến? Tức biến phiền não thành Bồ đề, vì phiền não tức Bồ đề, nếu đoạn phiền não, cũng chính là đoạn luôn Bồ đề, cho nên không nên đoạn tận, cần lưu lại chút chút. Nếu đoạn tận phiền não cũng là thành Phật, nay vì không muốn thành Phật nhanh như vậy, bèn lưu lại một chút ít phiền não như sợi lông cọng tóc, mà biến những phiền não còn lại thành Bồ đề. Lúc Bồ đề nhiều rồi thì có thể đem những phiền não chút chút đó biến thành Bồ đề luôn. Cái gì gọi là đoạn phiền não? Tức dùng trí huệ tự tánh chân chánh, trừ đi những tư tưởng hư vọng – vọng tưởng, cũng chính là tà niệm, vô minh của quý vị. Trừ vô minh, chính là đoạn phiền não.
Cái gì gọi là pháp môn vô tận thệ nguyện học? Quý vị cần phải nhận thức bổn tâm của chính mình, nhìn thấy bổn tánh của mình, thường y theo chánh pháp tu hành, không nên hành tà pháp, đó chính là chân chánh học Phật pháp. Nếu quý vị chỉ học mà không hành, học Phật pháp rất nhiều, nhưng trên thực tế không ứng dụng thực hành, đó không phải là chân học Phật pháp. Người chân học cần phải thực hành, giống như có một vài người, đến Phật Giáo Giảng Đường học Phật pháp, lúc chưa học thì hút thuốc, uống rượu, ma túy, tật xấu nào cũng có, nhưng sau khi học Phật pháp, thuốc cũng không hút, rượu cũng không uống, thịt cũng không ăn, ma túy thì không cần nói đến. Lại nữa, lúc trước rất làm biếng, từ sớm ngủ đến tối, không có việc làm liền đi ngủ, nhưng nay nếu không xem Kinh thì đánh máy, nghe Kinh, ngồi thiền. Nếu không phải chân học, thì không làm những việc nhọc nhằn như thế.
Tứ hoằng thệ
nguyện chính là những nguyện mà Bồ Tát cần phải phát.
Thường hành hạ tâm, chính là Kinh Địa Tạng nói, nếu có quốc vương, tể tướng, đại thần, bá quan dân chúng, hoặc là trưởng giả, cư sĩ, bà la môn, sát đế lợi, gặp những người bần cùng khốn khổ, tàn tật câm điếc, năng tự tay mình bố thí, tươi cười, lời nói hiền hòa an ủi, khiến cho họ có cảm giác an lạc, công đức này giống như cúng dường hằng hà sa số Phật. Cho nên muốn Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành, thì phải giống như tòa lầu cao trăm trượng từ đất khởi.
Có một người sau khi trở về Hương Cảng nói những lời không hợp lôgích, ông ta nói: "Những nhà trọc trời ở Nữu Ước không phải từ mặt đất xây dựng lên, mà xây nền móng trong không trung." Ông ta phao ra những lời đồn nhảm nhí như thế, chỉ có thể mê hoặc một số người ngu muội mà thôi.
Lại có người đưa ra một lời đồn khác: "Nước Mỹ thật là đẹp a! Cầu vòng ở nước Mỹ không giống cầu vòng ở Trung Quốc, nó rất sặc sỡ màu gì cũng có." Lại nói: "Mặt trăng ở nước Mỹ không phải hình tròn mà là hình tam giác, mặt trời ở nước Mỹ hình vuông." Ông có tin những lời này không? Cho nên thành Phật cần phải có tâm khiêm hạ khiêm cung, không nên cống cao ngã mạn, nói: các anh xem tôi như thế như thế..., mà cần phải êm đềm lời nói, diệu hòa sắc mặt, hành chân pháp, hành chánh pháp, hành pháp chân chánh, ly khai mê, ly khai giác. Giác này là chỉ giác của giác quan, là ác giác chứ không phải chánh giác. Giác có sự phân biệt giữa chánh giác và tà giác. Tà giác giống như có một số người, quý vị kêu họ học chánh pháp, họ học hoài học mãi cũng không thông, nhưng vừa học bàng môn tả đạo thì học rất nhanh. Giống như đánh bài, họ vừa nhìn là biết chơi liền, không cần phải dạy. Những thứ không chánh đáng thì học rất nhanh, đó gọi là ác giác. Người tu học đạo, cần phải ly khai ác giác.
Như thế nào
là ly khai ác giác? Cần phải thường sanh Bát nhã, Bát nhã chính là trí huệ, trí
huệ tức là sáng suốt hiểu rõ, sáng suốt chính là giác.
Trừ chân
trừ vọng, chân này là chỉ cái chân đối đãi của chân và vọng, không phải là chân
của chân chánh. Nếu trừ đi cái chân, cũng trừ luôn cái vọng, thì đó là tự tánh Chân
như bổn lai của chính mình. Tự tánh Chân như không phải chân hoặc vọng, vì có
chân nên có vọng, có vọng nên có chân, nếu không có vọng thì cũng không có
chân, cho nên tự tánh Chân như không vọng cũng không chân. Kinh Lăng Nghiêm
nói: Vọng hiển chư chân, vọng chân đồng thị. Vọng chính là để hiển chân, vọng
và chân đều là vọng, cần biết chân chân thì không có đối đãi, không có một cái
chân cũng không có một cái giả. Cho nên chân cần phải trừ, vọng cũng cần phải
trừ. Nên nói: "Chân bất lập, vọng bổn không, hữu vô cụ di bất không
không." Chân cũng không lập, vọng cũng vốn không, có và không đều không
cần đến, lúc đó bất không cũng là không. Quý vị được như thế, thì có thể nhìn
thấy Phật tánh của chính mình, lập tức thành tựu Phật đạo. Thường niệm niệm tu
hành, thường tu tứ hoằng thệ nguyện. Có nguyện có thệ, mới có thể có tu có
hành.
Chư Thiện tri thức! Nay đã bốn điều thề nguyền lớn rồi, ta lại truyền cho các ngươi Tam Vô tướng quy y (Vô tướng tam quy y giới).
Chư Thiện tri thức! Phải quy y ba pháp nầy:
1. Hãy quy y cái Diệu Giác của tánh mình, là Lưỡng Túc Tôn.
2. Hãy quy y cái Chánh Pháp của tánh mình, là Ly Dục Tôn.
3. Hãy quy y cái Thể Thanh Tịnh của tánh mình, là Chúng Trung Tôn.
Giảng:
Quý vị đã
nghe xong tứ hoằng thệ nguyện, tôi lại vì quý vị truyền thọ Vô tướng tam quy y.
Quy y Giác, Lưỡng Túc Tôn. Giác chính là Phật, Phật chính là giác. Tại
sao gọi là Lưỡng Túc Tôn? Tức là phước đức và trí huệ viên mãn.
Quy y
Chánh, Ly Dục Tôn. Chánh cũng là Pháp, Pháp cũng là chánh; chánh pháp, pháp
chánh. Cần phải quy y chân chánh Phật pháp, không nên quy y tà pháp, pháp thiên
ma ngoại đạo. Ly Dục Tôn, mọi người ai cũng có một loại dục, mà loại dục này
thiệt làm hại chết người. Tại sao người không thành Phật? Chính vì có cái dục
này, có dục thì có tham tâm, sân tâm, si tâm. Mà người học Phật pháp cần phải
ly dục, đoạn dục khử ái, không có tham dục, cho nên gọi là Ly Dục Tôn.
Quy y Tịnh, Chúng Trung Tôn. Tịnh cũng là Tăng, Tăng cũng là Tịnh. Quy y Tăng vì Tăng là thanh tịnh phước điền Tăng, thanh tịnh chính là không ô nhiễm. Người chân chánh học đạo cần phải trì giới không giữ tiền bạc. Trên người không có tiền đó chính là tịnh, có tiền thì không trong sạch, không thanh tịnh. Cho nên người chân chánh tu đạo cần phải ly khai tiền bạc. Nhưng ngược lại, không có tiền tài thì không dưỡng được đạo, nếu không có tiền mà muốn tu hành thì cũng không thể sanh tồn, vì thế cũng cần có tiền. Nhưng cũng không nên chấp trước vào tiền bạc, không nên từ sáng đến tối phan duyên, cầu cạnh, nói ai đó trong ngân hàng có mấy trăm vạn, ta đến hóa duyên ông ta một số tiền để xây chùa, xây trường học, thỉnh một bộ Đại Tạng Kinh. Đây tuy đều là công đức, nhưng lại quên đi đó chính là phan duyên, tiền là vật không thanh tịnh.
Giảng đến đây, tôi chợt nhớ đến lúc tôi ở Mãn Châu, đã có một thời gian tay không đụng đến tiền bạc. Tại sao lúc đó tôi giữ giới không giữ tiền? Vì khi đó ngôi chùa mà tôi xuất gia có bốn năm chục Tăng sĩ, lúc tôi xuất gia Hòa Thượng Phương Trượng không ở chùa mà đã đi hóa duyên phương xa, còn những người khác lại không biết tôi. Ở trong chùa xuất gia cần phải làm công quả khổ hạnh. Công quả của tôi cùng với quý vị không giống nhau, nay quý vị đánh máy, tụng Kinh, hoặc là làm những công việc khác, còn ngôi chùa của tôi xuất gia thì là một ngôi chùa lớn ở nông thôn, ngay việc quét sân cũng mất cả tiếng đồng hồ. Tôi ở trong chùa quét dọn nhà vệ sinh, đó là công tác đầu tiên của tôi. Nhà vệ sinh đó không giống như nhà vệ sinh hiện đại hóa của quý vị bây giờ, mà là hầm phân, cho nên cần phải gánh phân đi đổ chỗ khác, nếu không thì rất là thơm, mà người học đạo không thích ngửi mùi thơm. Quý Thầy giao cho tôi việc này vì người mới phát tâm đối với hương trần chưa có đoạn được. Vì thế tôi ngày ngày dọn dẹp vệ sinh, tuy nhiên cũng không chán ghét lắm. Ngoài việc này ra còn phải quét sân và nhiều việc nữa. Lúc trời rơi tuyết, hai giờ sáng tôi phải thức dậy quét đường sạch sẽ để cho đại chúng lên chánh điện tụng Kinh khuya. Cứ như thế trôi qua một thời gian, Hòa Thượng Phương Trượng trở về, nhìn thấy tôi liền nói:
–Ô! Ông đã đến rồi.
Tôi trả lời:
–Da! Con đã đến.
Sau đó Hòa Thượng Phương Trượng và mọi người họp lại để tuyển chọn thầy Thủ Tọa của Chùa. Thủ Tọa là chức vụ thấp hơn Hòa Thượng Phương Trượng, lúc Hòa Thượng Phương Trượng thoái vị, Thủ Tọa sẽ lên đảm trách chức vụ Phương Trượng. Trong chùa có rất nhiều Tăng sĩ, ai Ngài cũng không tuyển mà lại tuyển tôi, hỏi ý kiến mọi người thế nào? Mọi người đều phản đối:
–Ông ta mới xuất gia, làm sao có thể làm Thủ Tọa được?
Hòa Thượng Phương Trượng nói:
–Vậy chúng ta để tên của mọi người trong ống thăm, đến trước Bồ Tát Vi Đà bắt thăm.
Lắc ba lần,
thật kỳ lạ, tên của tôi đều văng ra ngoài, cho nên mọi người không phản đối
nữa, vì đây là sự sắp đặt của Bồ Tát Vi Đà, cho nên tôi được lưu lại Chùa làm
thủ tọa. Sau đó Hòa Thượng Phương Trượng lại muốn kêu tôi làm trụ trì, tôi nghĩ
điều này rất phiền phức vì giữ giới không giữ tiền, tôi nói với Hòa Thượng:
"Con không cầm tiền làm sao có thể trụ trì. Con đến chỗ nào cũng không cầm
tiền, với điều kiện này tôi mới chấp nhận trụ trì." Như thế mà tôi trì
giới không giữ tiền bạc. Lúc muốn ngồi xe lửa cần phải mua vé, tôi bèn đứng đó
đợi, có người quen đến thì giúp tôi mua vé, nếu không có người quen tôi cứ đứng
đó đợi. Nhưng thật lạ kỳ mỗi lần tôi đến ga chờ xe, nhất định có người đến hỏi
tôi đi đâu, sau đó mua vé cho tôi. Đây là giảng một chữ "tịnh." Nếu
quý vị không cầm tiền, đó là chân chánh tịnh, nếu có một xu tiền cũng
không tịnh. Cho nên quy y tịnh, chính là quy y Tăng. Tại sao nói tịnh chính là Tăng?
Tăng chính là thanh tịnh, Tăng chính là người tôn quý nhất, cao thượng nhất
trong chúng nhân, cho nên nói Chúng Trung Tôn.
Từ nay sắp sau, hãy xưng Giác làm Thầy, chẳng nên nương theo tà ma ngoại đạo. Hãy lấy Tam bảo của tánh mình mà thường tự chứng tỏ các công đức của mình. Ta khuyên chư Thiện tri thức phải nương theo Tam bảo của tánh mình là:
1. Phật nghĩa là Giác (tánh Giác ngộ).
2. Pháp nghĩa là Chánh (tánh Chơn chánh).
3. Tăng nghĩa là Tịnh (tánh Thanh tịnh).
Tâm mình nương theo tánh Giác, thì tà mê chẳng sanh. Lại ít có sự ham muốn, thường biết đủ (thiểu dục tri túc), lìa được của tiền sắc dục, gọi là Lưỡng Túc Tôn.
Tâm mình nương theo tánh Chánh, thì niệm niệm không sanh tà kiến. Bởi không tà kiến, nên không lòng nhơn ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Ly Dục Tôn.
Tâm mình
nương theo tánh Tịnh, thì cả thảy các cảnh giới trần lao, ái dục, tâm mình
chẳng nhiễm chẳng vương, gọi là Chúng Trung Tôn.
Giảng:
Từ ngày nay
bắt đầu xưng Giác là thầy, không còn quy y thiên ma ngoại đạo, không làm
đồ chúng của bàng môn ngoại đạo. Thường chứng minh mình có tự tánh Tam bảo. Nay
khuyên các vị Thiện tri thức, quy y tự tánh Phật bảo, quy y tự tánh Pháp bảo,
quy y tự tánh Tăng bảo. Phật tức là giác, Pháp chính là chánh, Tăng chính là
tịnh, quý vị quy y giác, thì không nên sanh tâm tà mê, nên thiểu dục tri túc.
Người không phải không ăn thịt là thiểu dục, không phải xem nhiều Kinh một chút
là thiểu dục, thiểu dục chính là cần phải đoạn lìa tâm dâm dục. Kinh
Lăng Nghiêm nói như thế này: "Dâm tâm bất trừ, trần bất khả xuất,"
lòng dâm dục không trừ mà muốn ra khỏi tam giới, đó là điều không thể được. Tri
túc chính là không có lòng tham, nghèo chết cũng không tham, đói chết cũng
không tham, bất luận khó khăn như thế nào cũng không sanh lòng tham. Không tham
tài, không tham sắc, không tham danh, đó là Lưỡng Túc Tôn – phước đức và trí
huệ đầy đủ. Tự tâm quy y chánh pháp, niệm niệm không nên có tà tâm, tà kiến.
Bởi vì không có tà kiến, cho nên không có sự phân biệt của nhân ngã, cống cao
ngã mạn, tham, ái và chấp trước. Nếu quý vị có thể như vậy, đó gọi là Ly Dục
Tôn, ly khai tất cả dục. Tự tâm quy y thanh tịnh, thì đối diện với tất cả trần lao
– tất cả cảnh giới của xã hội, không bị lòng dục xoay chuyển, không bị trào lưu
xã hội làm cho hủ hóa thối nát. Quý vị nên giáo hóa xã hội, giáo hóa chúng sanh
mà không bị chúng sanh giáo hóa. Giống như lúc trước có người ở đây học Phật
pháp, tôi thấy cô ta cùng với người bạn trai nói chuyện hơn một giờ đồng hồ, cô
ta nói cô ta muốn độ anh ta tin Phật. Tôi hỏi: "Anh ấy tin đạo gì?"
Cô ta nói: "Ảnh tin Thiên Chúa giáo." Lúc đó tôi nói: "Cô không bị
anh ta độ mà tin theo Thiên Chúa giáo đó là đã tốt rồi, cô còn muốn độ anh ta
tin Phật à? Cô nên cẩn thận!" Quả nhiên sau đó không bao lâu, cô ấy bỏ đi
chỗ khác, không biết cô ta độ người hay là bị người độ rồi. Tự tánh không bị
nhiễm trước, đó gọi là Chúng Trung Tôn – người cao quý nhất trong chúng sanh.
Vì chúng sanh đều bị nhiễm trước, nếu muốn vượt lên trên hết thảy, không giống với
chúng thì cần phải ly dục. Không còn dục niệm, đó mới là đại trượng phu chân
chánh, chân chánh học Phật pháp. Nếu tật xấu không trừ, chỉ biết nói vài câu
pháp, thì một chỗ dụng cũng không có.
Tu các hạnh nầy, ấy là tự quy y (mình quy y Bổn tánh của mình). Các người phàm phu từ ngày tới đêm nói rằng thọ Tam quy giới, mà chẳng hiểu lý quy y. Nếu nói quy y Phật, thì Phật ở xứ nào? Bằng không thấy Phật, thì quy y chỗ nào? Nói thế thành ra giả dối.
Chư Thiện
tri thức! Mỗi người hãy tự xem xét, chớ lầm dùng tâm ý. Kinh văn nói rõ quy y
Phật ở tánh mình, chớ chẳng nói quy y Phật nơi nào khác. Phật ở tánh mình mà
chẳng quy y, thì không có chỗ nào mà quy y vậy.
Giảng:
Nếu y theo
đây tu hành, đó chính là ý nghĩa tự quy y. Những người phàm phu không hiểu rõ
đạo lý quy y, từ sáng đến tối thọ tam quy giới. Nếu quý vị nói quy y Phật, vậy
Phật ở đâu? Nếu quý vị không thấy Phật, quý vị dựa vào cái gì quy y? Nếu quý vị
nói: Tôi đã thấy Phật rồi. Đó là vọng ngữ. Chư Thiện tri thức! Quý vị cần phải
tự mình thâm nhập quán sát, không nên dụng sai tâm ý. Kinh Hoa Nghiêm nói rất
rõ ràng, muốn quý vị tự quy y Phật, không phải kêu quý vị quy y Phật nào khác.
Tự tánh Phật vốn đã có, nhưng vì không có Thiện tri thức chỉ điểm, cho nên quý
vị không biết. Nay quý vị đã quy y, thì nên tưï quy y Phật, không nên
quy y tha Phật. Phật của chính mình quý vị không quy y, vậy thì quý vị quy y
vào cái gì? Quý vị quy y bên ngoài, đó đều là giong ruổi tìm cầu bên ngoài.
Nay các ngươi đã tự ngộ, thì mỗi người phải quy y Tam bảo ở tâm mình. Trong phải điều phục tâm tánh, ngoài phải cung kính mọi người, tức là mình quy y tâm mình vậy.
Chư Thiện tri thức! Đã quy y Tam bảo của tánh mình rồi, các ngươi hãy chí tâm, ta nói cho mà rõ nhất thể tam thân tự tánh Phật (Phật một thể ba thân trong tánh mình), khiến cho các ngươi thấy ba thân, rõ ràng tự mình tỏ sáng tánh mình. Tất cả hãy đồng nói theo ta:
Từ sắc thân mình quy y Thanh tịnh Pháp thân Phật.
Từ sắc thân mình quy y Viên mãn Báo thân Phật.
Từ sắc
thân mình quy y Thiên bá ức Hóa thân Phật.
Giảng:
Nay quý vị cần nên hiểu rõ, cần tự mình quy y tự tánh Tam bảo – quy y giác, quy y chánh, quy y tịnh. Quy y giác, thì không nên làm những việc mê muội sai lầm. Quy y chánh, thì không nên làm những việc tà. Quy y tịnh, thì không nên làm những việc bẩn thỉu nhơ nhớp. Trong cần phải điều phục tâm tánh, cần phải giác ngộ, bên ngoài cung kính mọi người. Người chân chánh hiểu rõ Phật pháp, không những đối với bạn bè thân thích có lòng cung kính mà đối với người không quen biết cũng đối đãi hòa ái. Không nên khó chịu, nhăn nhó, nhất là đối với những người xấu xa nhất, quý vị nên đối với họ tốt nhất, đó mới là bản sắc của người chân chánh học Phật. Cóù vị nói:
–Tôi đối với thầy không tốt; vậy thì, tôi làm sao mà không thấy thầy đối với tôi tốt?
Ông vốn không tốt đối với tôi, vậy thì tôi làm sao xấu với ông được? Ông xem có vi diệu không!
Sau khi quy y
tự tánh Tam bảo, mọi người đều phải thành tâm. Tôi lại vì quý vị nói nhất thể
tam thân tự tánh Phật khiến cho quý vị hiểu rõ ràng, chân thực nhìn thấy tam
thân Phật. Quý vị mỗi người cần phải giác ngộ tự tánh. Nay quý vị đọc theo tôi:
"Nơi tự sắc thân quy y Thanh Tịnh Pháp Thân Phật, nơi tự sắc thân quy y
Viên Mãn Báo Thân Phật, nơi tự sắc thân quy y Thiên Bách Ức Hóa Thân
Phật."
Chư Thiện tri thức! Sắc thân là quán xá, không thể nói quy y được. Phải dòm ngó Phật ba thân trong tánh mình. Người thế gian đều có Phật ba thân. Bởi tâm mình mê muội, nên không thấy thể sáng suốt trong tánh mình. Người ta cứ tìm Phật ba thân ở ngoài, mà chẳng thấy Phật ba thân ở trong thân mình. Các ngươi nghe ta nói, khiến cho các ngươi ngó trong thân mình và thấy Bổn tánh mình có Phật ba thân. Phật ba thân nầy do tánh mình mà sanh, chớ chẳng phải do nơi ngoài mà tìm đặng.
Sao gọi là
Thanh tịnh Pháp thân Phật? Bổn tánh của người thế gian vốn trong sạch. Muôn
pháp đều do nơi Bổn tánh mình mà sanh: Nghĩ tính các điều dữ, liền sanh hạnh
dữ. Nghĩ tính các việc lành, liền sanh hạnh lành. Thế thì các pháp trong tánh
mình, ví như trời thường trong, mặt nhựt mặt nguyệt thường sáng, nhưng vì bị
mây che nên trên sáng dưới tối. Thình lình gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều
sáng, thì muôn hình ngàn tượng đều hiện ra. Tánh con người thế gian thường phù
du cũng như mây trên trời kia vậy.
Giảng:
Sắc thân giống như cái nhà, không phải kêu quý vị quy y sắc thân mà cần phải quy y tự tánh của quý vị. Tam thân Phật mà tôi nói đây, ở trong tự tánh của mỗi quý vị, nhưng nó tạm thời trú trong sắc thân của quý vị mà thôi! Tất cả người đời đều có tam thân Phật này, chỉ vì không nhận thức, quên đi, vì tự tâm mê muội, cho nên không nhìn thấy tự tánh vốn có này, mà hướng ra ngoài tìm Thanh Tịnh Pháp Thân Phật, Viên Mãn Báo Thân Phật và Thiên Bách Ức Hóa Thân Phật, mà không biết tam thân Phật vốn có trong tự thân. Nay quý vị sau khi nghe tôi giảng cần biết trong sắc thân vốn có của quý vị có thể nhìn thấy bản tánh tam thân Phật. Cần biết tam thân Phật, từ trong tự tánh sanh, mà không phải từ bên ngoài mà được.
Cái gì gọi là
Thanh Tịnh Pháp Thân Phật? Tức là nói tất cả người đời, tự tánh của họ bản lai
là thanh tịnh, tất cả vạn pháp đều từ trong bổn tánh mình sanh ra. Lúc quý vị
nghĩ đến những việc ác, thì có một loại hành vi ác xuất hiện. Nếu trong tâm quý
vị suy nghĩ điều lành, thì có hành vi thiện biểu hiện ra. Cho nên tất cả thiện
ác chư pháp đều từ trong tự tánh ông sanh, đó giống như trời thường trong
thanh, mặt trời mặt trăng thường chiếu sáng. Nhưng vì trong hư không có mây
trôi, che khuất ánh thái dương, cho nên ở trên sáng ở dưới tối. Nếu gặp phải
một luồng gió thổi tan đám mây, khiến cho trên dưới đều sáng, và tất cả mọi sự
mọi vật đều hiện ra rõ ràng. Tánh người thường phù du, như mây trên trời.
Chư Thiện
tri thức! Trí như mặt nhựt, Huệ như mặt nguyệt. Trí huệ thường sáng, nhưng bởi
tâm dính níu cảnh vật ở ngoài, rồi bị mây vọng niệm của mình che án tánh mình, nên
trí huệ chẳng đặng tỏ sáng. Nếu gặp Thiện tri thức, nghe người giảng chánh
pháp, rồi tự mình dứt các điều mê vọng, trong ngoài sáng thấu, thì trong tánh
muôn pháp đều hiện ra rõ ràng. Người thấy tánh cũng giống như thế. Ấy gọi là
Thanh tịnh Pháp thân Phật.
Giảng:
Nếu quý vị có
trí thì giống như có thái dương, có huệ giống như trăng sáng. Tuy trí huệ Bát
nhã thường thường chiếu sáng, nhưng nếu chấp trước cảnh giới bên ngoài thì bị phù
vân vọng niệm che phủ tự tánh, trở thành ngu si mà không đắc được đại trí huệ.
Nếu quý vị gặp được vị Thiện tri thức mắt sáng (Minh nhãn), nghe được pháp chân
chánh, mà trừ đi những vô minh phiền não và mê vọng của chính mình, thì trong
ngoài đều sáng suốt giống như lưu ly, vạn pháp trong tự tánh vốn trong sáng.
Quý vị nhận biết bổn tâm của mình, thấy được bổn tánh, thì cũng giống như trời
xanh không mây, cho nên nói: "Tâm bình bách nạn tán, ý định vạn sự
kiết." Nếu tâm bình thì nạn tai nào cũng không có, ý nếu định thì việc gì
cũng kiết tường. Lại nữa, tâm thanh tịnh hiện tiền giống như trời xanh không mây:
"Tâm thanh thủy hiện, ý định thiên vô vân." Lại nói: "Tâm chỉ
niệm tuyệt chân phú quý, tư dục đoạn tận chân phước điền." Tâm vọng tưởng
của quý vị đã ngừng lại, niệm tham cũng dứt tuyệt, đó mới là người phú quý,
người có lòng tham chính là người nghèo, dù ông ta có tiền nhưng không biết tri
túc, cho nên sanh lòng tham. Tư dục chính là lòng tự tư tự lợi và dục niệm, nếu
không có lòng tư dục chính là chân chánh phước điền, nếu quý vị được như vậy
chính là Thanh Tịnh Pháp Thân Phật.
Chư Thiện tri thức! Tâm mình quy y tánh mình. Ấy là quy y Chơn Phật. Tự quy y, nghĩa là dứt hết các tật xấu trong tâm mình là: lòng chẳng lành, lòng ghen ghét, lòng tà vạy, lòng vị ngã, lòng giả dối, lòng khi người, lòng nhạo người, lòng tà kiến, lòng cống cao, cùng các hạnh bất thiện trong cả thảy thời gian, lại thường thấy lỗi mình, chẳng nói việc tốt xấu của người. Ấy là tự quy y tánh mình vậy.
Thường hạ
tâm mình, cung kính mọi người, thấy tánh sáng suốt, không ngưng trệ. Ấy là tự
quy y tánh mình.
Giảng:
Quý vị Thiện
tri thức! Tự tâm quy y tự tánh, tự mình năng hồi quang phản chiếu, đó là quy y
chân Phật. Cái gì gọi là tự quy y? Chính là không nên trong tự tánh chứa đựng
những tâm bất chánh. Gì gọi là bất thiện tâm? Chính là ác tâm, tật đố tâm.
Luôn luôn ghi nhớ không nên tật đố người khác. Tại sao quý vị ngu si ? Vì quý
vị đời đời kiếp kiếp tật đố người ta thông minh, cho nên bây giờ mình không được
sáng suốt. Tật đố người có tài năng, cho nên mình năng lực gì cũng không có,
không bằng người. Siểm khúc tâm: Không nên có tâm tự đại cuống vọng. Khinh
nhân tâm, mạn tha tâm: Tức là tâm coi thường người khác và tâm kiêu mạn. Tà
kiến tâm: Tức bất luận nhìn thấy cảnh giới gì, không suy nghĩ đến chỗ chánh
đáng, mà nghĩ đến chỗ bất chánh. Cống cao tâm: Tức thường thấy
rằng mình cao hơn hay hơn người khác, có tâm này cần phải trừ sạch. Cùng với
tất cả những hành vi bất thiện đều cần phải dứt bỏ. Cần biết mình có sai lầm,
không nói thị phi thiện ác của người khác, được như thế chính là tự quy y. Lại
nữa, thường phải có lòng khiêm hạ, đối với bất cứ người nào đều phải
cung kính, đó là kiến tánh thông đạt vô ngại và cũng chính là tự quy y.
Sao gọi là Viên Mãn Báo Thân? Tỷ như một cái đèn có thể trừ được chỗ tối đã có từ ngàn năm, một cái trí có thể diệt được sự ngu đã nhiễm từ muôn thuở. Đừng nghĩ đến việc trước; việc qua rồi không thể được (bất khả đắc). Thường nghĩ đến việc về sau, niệm niệm hoàn toàn sáng suốt và tự mình thấy Bổn tánh mình. Điều lành điều dữ tuy là khác nhau, chớ cái Bổn tánh không hai. Cái tánh không hai gọi là Thật Tánh. Trong cái Thật Tánh chẳng nhiễm điều lành điều dữ, ấy gọi là Viên mãn Báo thân Phật.
Tánh mình
khởi một niệm dữ, thì tiêu hết muôn kiếp hột giống lành. Tánh mình sanh một
niệm lành, thì hằng sa tội dữ đều diệt hết. Thẳng đến quả vị Vô thượng Bồ đề,
niệm niệm mình thấy tánh mình, chẳng mất bổn lai chân niệm của mình. Ấy gọi là
Báo thân.
Giảng:
Cái gì gọi là Viên Mãn Báo Thân Phật? Ví dụ nói: "Chỉ cần có một cây đèn thì có thể phá trừ bóng tối ngàn năm, chỉ cần ông có trí huệ, thì có thể diệt trừ ngu si ngàn năm." Quý vị không nên có tâm quá khứ, vì tâm quá khứ bất khả đắc, không nên hồi ức về những chuyện quá khứ, cũng không nên truy đuổi những việc tương lai.
–Vậy thì, tương lai cần phải như thế nào?
Tương lai ông trồng nhân thiện thì kết trái thiện, trồng nhân ác thì kết quả ác, không có cái khác. Cho nên nói niệm niệm viên minh, quý vị nên có chánh niệm, cần phải có tâm niệm xán lạn viên minh, niệm niệm quang minh lỗi lạc, không nên có tà tri tà kiến, tự tư tự lợi, tật đố chướng ngại, chỉ sợ người khác giỏi hơn mình.
Trong tự tánh
người tuy có thiện tánh, ác tánh, tánh thiện ác thì không giống nhau, sanh
thiện thì có thiện tánh, sanh ác thì có ác tánh. Nhưng tánh bổn lai vốn không
có thiện không có ác, tánh vốn không hai. Tánh không hai này gọi là Thực
tánh, cũng chính là Chân như tự tánh. Giống như Chứng Đạo Ca nói: "Vô
minh thực tánh tức Phật tánh, Huyễn hóa không thân thị Pháp thân," trong
Thực tánh bổn lai không có thiện cũng không có ác, nó là thuần viên độc diệu, viên
mãn sáng suốt. Cái này chính là Viên Mãn Báo Thân Phật. Trong tự tánh quý vị
nếu sanh ra một niệm ác, tức độc hại tâm, thì có thể diệt nhân thiện trong vạn
kiếp. Nhưng nếu tự tánh khởi lên một niệm thiện, thì có thể diệt trừ hằng hà sa
ác. Cho nên nói: "Một niệm thiện là nhân thành Phật, một niệm ác là hột
giống đọa địa ngục." Quý vị muốn thành Phật hay đọa địa ngục, thì xem quý vị
sanh ra cái tâm gì. Niệm niệm cần phải rõ bổn tâm mình, thấy bổn tánh mình, chớ
làm mất đi chân niệm chân tánh bổn lai của mình, đó chính là Viên Mãn Báo Thân
Phật.
Sao gọi là Thiên Bách Ức Hóa Thân? Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp, thì tánh vốn như hư không. Một niệm nghĩ tính, gọi là biến hóa: Nghĩ tính điều dữ, hóa làm địa ngục. Nghĩ tính việc lành, hóa làm thiên đường. Lòng độc hại hóa ra rồng rắn. Lòng từ bi hóa ra Bồ Tát. Lòng trí huệ hóa làm thượng giới. Lòng ngu si hóa làm hạ phương. Cái tánh mình biến hóa rất nhiều. Người mê, không tỉnh giác được, nên niệm niệm gây ra việc dữ, thường thường theo đường dữ. Nếu trở lại khởi một niệm lành, thì trí huệ liền sanh. Ấy gọi là Tự tánh Hóa thân Phật.
Chư Thiện tri thức! Cái Pháp thân vốn là đầy đủ. Niệm niệm tánh mình tự nhiên hiện ra tỏ sáng, tức là Báo thân Phật. Do cái Báo thân nghĩ tính, tức là Hóa thân Phật.
Mình tự ngộ tự tu các công đức trong tánh mình, mới thiệt là quy y. Chớ da thịt là sắc thân, sắc thân là quán xá, không thể nói là quy y được. Nếu mình hiểu rõ ba thân trong tánh mình, tức là mình biết Phật trong tánh mình vậy.
Ta có một
bài tụng Vô Tướng. Nếu năng trì tụng, thì khi dứt lời, các tội ngu mê của các
ngươi chất chứa trong muôn kiếp trước đồng nhất loạt tiêu diệt hết.
Giảng:
Viên Mãn Báo Thân, viên mãn tức là không thiếu không dư, không được không mất, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, không nam không nữ, không thiện không ác, viên mãn Bồ đề là ý nương tựa vào chỗ vô sở đắc. Cái gì gọi là Thiên Bách Ức Thân Phật? Làm sao một thân mà có thiên bách ức hóa thân? Nói Phật có thiên bách ức hóa thân, nhưng điều này có quan hệ gì với tôi và thầy không? Trả lời: không có quan hệ gì hết. Thiên bách ức hóa thân chính là tư tưởng, suy tưởng thiên bách ức vạn. Thiên Bách Ức Hóa Thân Phật, có thể hóa thân thành Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn, cũng có thể hóa thân làm trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Ngài không chỗ nào mà không hiện thân, cho nên nói có thiên bách ức vạn hóa thân. Đó là một cách giảng. Lại có một cách giảng khác, tức là tôi có thiên bách ức hóa thân, quý vị cũng có thiên bách ức hóa thân. Tôi thâu thiên bách ức đồ đệ, mỗi đứa đồ đệ đều học theo sư phụ tu hành, như sư phụ ngày ăn một bữa, đồ đệ cũng học theo ăn một ngày một bữa, đó là hóa thân của tôi. Sư phụ không phan duyên, đệ tử cũng không phan duyên, cho nên tôi cũng có một vài hóa thân. Tóm lại, ai theo quý vị học Phật pháp, sau này sẽ là hóa thân của quý vị. Nay quý vị là hóa thân của tôi, tương lai quý vị cũng có hóa thân của quý vị, cho nên quý vị cũng có thiên bách ức hóa thân. Tóm lại, quý vị là một tấm gương tốt người khác theo đó mà học, đó chính là hóa thân tốt của quý vị, nếu quý vị có điều xấu, giống như ma quỷ, người khác nếu theo quý vị học cách của quỷ ma thì đó là hóa thân xấu.
Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp, nếu cái gì cũng không nghĩ, thì
"Nhứt niệm bất sanh, toàn thể hiện."
Một niệm không sanh, Phật tánh bổn lai liền hiển hiện. Nhưng quý vị có thể "không sanh" không? Quý vị có thể không có vọng tưởng không? Nếu quý vị có thể không có vọng tưởng, đó chính là Phật. Nhưng nếu chưa đạt đến cảnh giới này, thì cần phải tu hành. Nếu không tu hành thì người vẫn là người, chó vẫn là chó.
"Lục căn hốt động bị vân giá."
Lục căn, lục trần, lục thức vừa động thì bị mây che phủ.
Quý vị có tư lượng (suy nghĩ) thì có hóa thân, hóa thành cái gì? Vừa nghĩ việc ác, ví dụ dùng cách nào để được danh, được lợi, hoặc là cướp của, đốt nhà, giết người đó đều là ác, đó chính là địa ngục. Nếu quý vị suy tuởng đến việc thiện muốn giúp đỡ người đó chính là tạo thiên đường.
Quý vị có tâm độc hại, đó chính là rồng, là rắn. Nếu quý vị phát tâm từ bi, đó chính là Bồ Tát. Quý vị thông minh trí huệ, thì hướng lên trên, nếu quý vị ngu si đến cực điểm sẽ rớt xuống dưới, đó gọi là "Quân tử thượng đạt, tiểu nhân hạ đạt." Tự tánh biến hóa rất nhiều, đều là thiên bách ức hóa thân. Người mê không tự biết phản tỉnh giác ngộ, cho nên niệm niệm đều là ác, giống như Đại sư Thần Tú nghĩ đủ mọi cách phá hoại Lục Tổ Đại sư, thường thường phái người đi giết Lục Tổ, đó chính là thường hành ác đạo. Nếu quý vị có thể hồi quang phản chiếu sanh một niệm thiện, trí huệ liền sanh ra, đó chính là tự tánh Hóa Thân Phật.
Pháp thân thì tự mình vốn có, chỉ cần niệm niệm đều thức tự bổn tâm, kiến tự bổn tánh, tức là Viên Mãn Báo Thân Phật. Từ báo thân lại có tư lượng (những suy tưởng, thoughts), liền có biến hóa thân, đó chính là Hóa Thân Phật. Quý vị nên giác ngộ tự mình cần phải tu hành, lấy mình làm mẫu mực nguyên tắc, mà không nên chỉ nói khẩu đầu thiền, cho nên nói: "Thuyết một trượng, không bằng hành một thước." Quý vị nghe tôi giảng Kinh không nên xem tôi giảng hay hoặc dở, mà nên xem tôi mỗi ngày có gạt quý vị không.
Tự tánh công
đức của mình có thể hiểu rõ chân chánh đó chính là chân quy y. Tự mình quy y
mình, không phải là quy y cái thân thể này, bằng không thì chính là đầu thượng
an đầu. Thịt da này là sắc thân có hình có sắc, mà sắc thân này chỉ là chỗ ở
của tự tánh không phải là chủ nhân ông, cho nên không nên cho rằng cái thân này
chính là mình. Thân này không phải là quý vị mà là của quý vị. Quý vị ở trong
căn phòng này, căn phòng này tuy là của quý vị, nhưng không nên nói căn phòng
này chính laø quý vị. Cho nên quy y không phải quy y sắc thân
mình, mà là quy y tự tánh. Nếu nhận thức được tự tánh Phật thì đầy đủ tam thân
Phật. Lục Tổ Đại sư nói: "Tôi có một bài kệ Vô Tướng. Nếu các ông
mọi người có thể tụng niệm làu thông và thuộc nó, lúc tôi nói xong thì có thể
khiến cho các ông từ trong vô lượng kiếp, vô thủy kiếp, nhiều kiếp nhiều đời
cho đến hôm nay tích chứa những mê tội, liền lập tức tiêu diệt không còn."
Tụng rằng:
Mê nhân tu phúc bất tu đạo,
Chỉ ngôn tu phúc tiện thị đạo,
Bố thí cúng dường phúc vô biên,
Tâm trung tam ác nguyên lai tạo,
Nghĩ tương tu phúc dục diệt tội,
Hậu thế đắc phúc tội hoàn tại,
Đản hướng tâm trung trừ tội duyên,
Các tự tánh trung chân sám hối,
Trừ tà hành chánh tức vô tội,
Học đạo thường ư tự tánh quán,
Tức dữ chư Phật đồng nhất loại,
Ngô Tổ duy truyền thử đốn pháp,
Phổ nguyện kiến tánh đồng nhất thể,
Nhược dục đương lai mích Pháp thân,
Ly chư pháp tướng tâm trung tẩy,
Nỗ lực tự kiến mạc du du,
Hậu niệm hốt tuyệt nhất thế hưu,
Nhược ngộ Đại thừa đắc kiến tánh,
Kiền thành
hiệp chưởng chí tâm cầu.
Người mê muội phước cầu, Đạo phế,
Tu phước điền dối kể Đạo mầu.
Thí cúng nhiều, phước được trùng thâu,
Nhưng ba ác tâm đầu sanh mãi.
Tưởng tu phước, tội trừ phước cải,
Sau phước dành, tội lại còn sanh.
Ngó trong tâm gốc lỗi trừ thanh,
Tự tánh phải chơn thành sám hối.
Pháp sám hối Đại thừa lãnh hội,
Cải tà quy chánh, tội không sanh.
Học Đạo thường xem tánh tịnh thanh,
Tức cùng Phật cũng thành nhứt loại.
Pháp Đốn giáo Tổ ta truyền dạy,
Nguyện chúng đồng đặng thấy tâm nguyên.
Pháp thân nay mong đặt thấy liền,
Lìa pháp tướng, tâm điền trong lặng.
Gắng thấy tánh, đừng lòng xao lãng,
Niệm sau lìa đời hẳn phế vong.
Hiểu Đại thừa, thấy đặng tánh thông,
Phải cung
kính hết lòng cầu học.
Giảng:
Mê nhân tu
phúc bất tu đạo: Tu phước đức mà không tu đạo. Giống như chúng ta nay cử
hành lớp hè, mọi người đều không sợ khổ, không sợ khó khăn, không sợ chân nhức,
không sợ lưng đau, dù toàn thân đau nhức cũng không sợ, bằng cách nào cũng muốn
tu hành, chí nguyện này thật là khó được, khiến tôi rất vui mừng.
Chỉ ngôn
tu phúc tiện thị đạo: Giống như Lương Võ Đế nói: "Ông xem tôi độ tăng, tạo
tự, bố thí, công đức này lớn biết bao nhiêu! Sợ rằng còn lớn hơn Đức Phật Thích
Ca Mâu Ni nữa."
Bố thí
cúng dường phúc vô biên: Đúng vậy, bố thí cúng dường là cầu phúc.
Tâm trung tam ác nguyên lai tạo: Tam độc trong tâm tức là tham, sân, si. Chỉ biết tu phúc không biết tu huệ, thật là ngu si. Ngay thức ăn cũng không buông bỏ được, mà lại nói cần phải hành khổ hạnh, ông xem có đáng thương hay không?
Tu phước để tiêu diệt tội lỗi đó là điều không có thể. Nay trồng phước thì tương lai sẽ được phước, nhưng nó không thể trừ đi tội lỗi. Quý vị cần phải từ trong tâm của quý vị trừ đi tội duyên – tật đố, chướng ngại, tham tâm, sân tâm, ngô ngã cống cao tâm, siểm khúc tâm, độc hại tâm, tà tâm, bất thiện tâm. Quý vị nói:
–Vậy thì làm sao có thể được! Chúng nó đều là bạn thân của tôi, trải qua ngàn vạn đại kiếp, theo tôi lâu như vậy, tôi làm sao có thể bỏ nó được?
Nếu không xả bỏ thì cùng đi theo nó xuống địa ngục, không có cách nào khác.
Quý vị mỗi người cần phải trong tâm mình sanh tâm sám hối. Quý vị hốt nhiên liễu ngộ Phật pháp Đại thừa mà chân chánh sám hối, lại trừ đi tà tâm mà hành con đường chánh đạo quang minh thì không còn tội lỗi nữa. Người học đạo thường phải hồi quang phản chiếu, tự hỏi mình đã làm được gì, làm việc người? hay làm việc ma quỷ? hay làm việc súc sanh? Quý vị làm việc gì thì thành tựu việc đó, quý vị làm việc Phật thì thành Phật, làm việc người thì làm người. Việc Phật là gì? Tức là từ bi hỷ xả. Đối với mọi người đều từ bi. Thật sự từ bi, không phải giả từ bi, không phải chân từ bi lại có tạp niệm tham tâm, mưu tính, thả con tép bắt con tôm. Người học đạo thường phải hồi quang phản chiếu, tự hỏi mình có cái tâm gì? Tâm ma vương hay tâm Phật? Tâm ích kỷ tự lợi hay là tâm chí công vô tư ? Nếu quý vị có thể chí công vô tư thì giống như Chư Phật. Nhưng cần phải làm việc Phật mới có thể thành Phật, chỉ làm những việc quỷ thì làm sau thành Phật được? Tổ sư Bồ đề Đạt Ma chỉ truyền pháp môn bất nhị này. Phổ nguyện mọi người đều thấy Phật tánh, đồng thành Phật đạo!
Nếu quý vị
muốn tương lai đắc được Pháp thân, thì cần phải ly nhất thiết pháp tướng, không
nên chấp trước mà sanh tật đố chướng ngại, vô minh phiền não, mà cảm thấy mình trên
trời dưới đất chỉ có ta là một. Cần phải ly nhất thiết tướng – không có pháp
chấp và ngã chấp, cần nên rửa sạch tà tâm tạp niệm. Cần phải nỗ lực dụng công, dũng
mãnh tinh tấn, không nên làm biếng, nói đợi một lúc sẽ dịch bài, hoặc ngày mai
sẽ đánh máy, cái gì cũng là đợi chờ, đợi cho đến chết thì không theo ý mình
được đâu. Hậu niệm hốt tuyệt, chính là lúc chết, đợi đến lúc niệm sau
cùng đoạn, một cuộc đời chấm dứt. Lúc đó danh cũng không, lợi cũng không, cái
gì cũng phải buông bỏ. Nếu quý vị hiểu rõ pháp môn Đại thừa kiến tánh, thì nên
kiền thành cung kính chấp tay cầu đạo vô thượng.
Sư nói: "Chư Thiện tri thức! Cả thảy phải tụng bài kệ này, và y theo lời dạy đó mà tu hành. Tụng rồi phải liền thấy tánh. Được như thế, tuy cách ta ngàn dặm, cũng như thường ở bên ta. Còn tụng rồi mà tâm không giác ngộ, thì dầu ở trước mặt ta, cũng như cách xa ngàn dặm. Há cần từ phương xa mà đến đây! Khá trân trọng và đi an vui."
Đại chúng
nghe Pháp, tâm tánh đều mở mang tỏ sáng. Cả thảy đồng vui vẻ vâng làm theo lời
dạy.
Giảng:
Tôi tin rằng Lục Tổ Đại sư là người nhạo thuyết biện tài, cho nên đã thuyết ra bộ Đàn Kinh. Nếu không, Kinh gì cũng không có.
Lục Tổ Đại sư nói tiếp:
–Các vị đều là người thông minh, người có thiện căn! Các ông cùng với tôi nhiều đời nhiều kiếp đã từng gieo trồng thiện căn cho nên hôm nay chúng ta mới có thể tụ hội một nơi.
Lúc đó không có người ngoại quốc, tất cả đều là người Trung Quốc. Tôi nay gặp quý vị đều là người Tây phương, thì càng có duyên hơn.
Quý vị cần phải học thuộc lòng bài tụng Vô Tướng này, và y theo đó mà tu hành. Quý vị vừa tụng liền hiểu rõ, nếu quý vị có thể hiểu rõ Trừ tà hành chánh tức vô tội, đó chính là trừ tà, là hạnh chánh, vậy thì tội nghiệp của quý vị sẽ tiêu diệt. Nếu quý vị minh tâm kiến tánh, hiểu rõ bài kệ này, tuy xa tôi ngàn dặm, cũng giống như bên cạnh tôi. Mà đồ đệ của tôi nếu hiểu rõ Kinh điển tôi nói, hiểu rõ ý nghĩa tôi thuyết, mà không khắp nơi phan duyên, tật đố chướng ngại, thì không có uổng công học đạo. Nếu quý vị không hiểu rõ bài tụng này, dù có đối diện tôi, cũng giống như xa tôi ngàn dặm. Nếu quý vị tin tưởng tôi, giống như đối diện với tôi vậy; nếu không tin tôi, thì giống như cách xa ngàn dặm. Nếu quý vị tin tưởng tôi, dù cách xa ngàn dặm, cũng như đối diện tôi vậy.
–Có phải Thầy kêu gọi mọi người tin tưởng Thầy không?
Tôi không thích người tin tưởng tôi. Tại sao vậy? Tại sao quý vị phải tin tưởng tôi? Tin tưởng chính quý vị còn tốt hơn tin tưởng tôi. Bởi vì quý vị hành đạo do chính quý vị hành, mà không phải thay thế cho tôi hành đạo. Tu hành thì do tự quý vị tu, mà không phải thế tôi tu hành. Ăn cơm thì chính quý vị no, không phải quý vị ăn cơm mà tôi no, nay tôi chỉ giảng phương pháp tu hành cho quý vị mà thôi.
Các vị từ xa xôi đến đây, không hiểu rõ bài kệ tụng này thì giống như cách tôi ngàn dặm. Cho nên quý vị cần phải trân trọng, tự mình phải xem trọng mình, không nên xem thường mình nói: tôi không thể tu hành. Không nên xem mình thành ra một con chó, mà nên xem mình là người. Trân trọng ra đi an vui, đến nơi tốt đẹp, không nên đến những chỗ xấu. Mọi người nghe pháp phải đều được khai ngộ. Nhưng chỉ có mình tôi chưa khai ngộ, cho nên đến hôm nay vẫn còn theo quý vị.
Mọi người nghe xong đều vui vẻ tôn kính thực hành.