Hoa Nghiêm Kim Sư Tử Chương
Thích Nhất Hạnh
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2011
12.
Luận ngũ giáo
Luận bàn về năm giáo
______________________
Ngu pháp thanh văn giáo
Nhất, sư tử duy thị nhân duyên chi pháp, niệm niệm sinh diệt. Thật vô sư tử tướng khả đắc. Danh Ngu Pháp Thanh Văn Giáo.
Giáo thứ nhất: Ngu pháp thanh văn giáo
Sư tử tuy là một pháp
do nhân duyên sinh khởi và đi qua sinh diệt trong từng phút giây, nhưng
thật ra không có tướng sư tử để nắm bắt. Cái này tương đương với giáo lý (thiển cận) của thanh văn.
Con sư tử là một vật do nhân duyên làm phát hiện.
Nhân duyên chi pháp tức là một pháp của nhân duyên, do các nhân và các duyên làm biểu hiện ra.
Niệm niệm sinh diệt tức là thay đổi, biến chuyển trong từng giây. Thật ra thì không thể nắm bắt được tướng của nó, không có tướng sư tử có thể nắm bắt được. Đó gọi là giáo lý của hàng thanh văn đang còn chưa hiểu được bản chất các pháp. Ngu pháp thanh văn tức là hàng thanh văn còn chưa hiểu được bản chất các pháp.
Trường phái giáo lý này được đại diện bởi một bộ phái tên là Hữu Bộ. Hữu Bộ là một trong hai mươi bộ phái đạo Bụt được thành lập sau khi Bụt nhập diệt. Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt được khoảng một 140 năm, đạo Bụt chia ra thành nhiều phái. Từ hai phái phân ra thành hai mươi phái. Hữu Bộ là một trong những phái đó. Hữu Bộ hay nói cho đúng hơn là Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ chủ trương rằng tất cả đều có, nhất thiết hữu là tất cả đều có, tiếng Phạn là Sarvāstivada (vad là thuyết, asti là hữu, sarva là nhất thiết).
Tông phái này chủ trương một giáo lý có thể gọi là Thực tại luận (realism), chủ trương rằng "quá khứ có, hiện tại có, tương lai cũng có". Nhất thiết hữu tức là tất cả đều có (sarva là tất cả, asti là có, vad là chủ trương). Chúng ta biết Hữu Bộ phát sinh từ Thượng Tọa Bộ. Sau khi Bụt nhập diệt chừng 140 năm sau thì có sự phân phái, chia làm hai ngành: bảo thủ và tiến bộ. Ngành bảo thủ là Thượng Tọa Bộ, ngành tiến bộ là Đại Chúng Bộ. Đại Chúng Bộ (Mahāsānghika) đông hơn Thượng Tọa Bộ (Sthaviravāda). Hữu Bộ là hậu duệ của Thượng Tọa Bộ. Chúng ta biết sơ như vậy thôi, sau này chúng ta sẽ học tiếp.
Hữu Bộ chủ trương tất cả đều có, không phải có như một toàn thể mà tất cả có khắp nơi khắp chốn trong thời gian và không gian, cho nên có khi gọi là Phiếm thực tại luận (panrealism). Phiếm thực tại là một danh từ triết học dùng để mô tả giáo lý của Hữu Bộ. Phiếm là nhiều cái và bao trùm hết.
Hữu Bộ chủ trương tất cả đều do duyên sinh (điều đó đúng với truyền thống đạo Phật) và nó sinh diệt trong từng giây phút. Giáo lý của Hữu Bộ giữ rất vững giáo lý sát na sinh diệt tức là sinh và diệt trong từng giây phút. Nó có, nhưng sinh diệt trong từng giây phút cho nên giáo lý này rất trung thực với giáo lý vô thường, thay đổi từng giây, từng phút. Nó có, nhưng không có tính cách chắc thực. Các pháp đều do duyên sinh và sát na sinh diệt. Giáo lý này cũng chính thống, không phản lại giáo lý nguyên thỉ của đạo Bụt.
Sư tử thị nhân duyên chi pháp, niệm niệm sinh diệt. Thật vô sư tử tướng khả đắc: Sư tử tuy là một pháp do nhân duyên sinh khởi và đi qua sinh diệt trong từng phút giây nhưng thật ra không có tướng sư tử để nắm bắt. Đó là nói về vô ngã, cũng có ý nói không có tự tướng trong đó. Không có tự tướng có nghĩa là vô ngã. Những điểm chủ trương của Hũu Bộ phù hợp với giáo lý căn bản của đạo Bụt tức duyên sinh, vô thường, vô ngã. Nhưng Hữu Bộ chủ trương rằng “có”, tuy là có một cách duyên sinh, vô thường, vô ngã nhưng vẫn “có” nên tông Hoa Nghiêm cho rằng cái thấy của Hữu Bộ là cái thấy của thanh văn, chưa được sâu sắc lắm, chưa thấy được bản chất các pháp. Hữu Bộ vẫn dùng chữ hữu, tức là có, điều đó chưa đúng. Bản chất của các pháp là không.
Tiểu thừa là Thanh văn thừa, Đại thừa là Bồ tát thừa. Nói các pháp là có nhưng có với tính cách duyên sinh, vô thường, vô ngã là khá rồi. Nhưng tông Hoa Nghiêm cho đây là giáo lý thanh văn, chưa phải là giáo lý đại thừa nên kết luận đó là cái thấy đang còn cạn. Các vị thanh văn chưa thấy được bản chất các pháp, nên gọi là ngu pháp thanh văn. Ngu pháp là chưa hiểu thấu được các pháp.
Trong bản tiếng Việt, chúng ta sửa lại một chút:
Sư tử tuy là một pháp do nhân duyên sinh khởi và đi qua sinh diệt trong từng phút giây, nhưng thật ra không có tướng sư tử có thể nắm bắt. Cái này là cái thấy của các vị thanh văn chưa hiểu được thật sự bản chất của các pháp. Bản chất các pháp là không mà các thầy nói là có.
Đại thừa thỉ giáo
Nhị, tức thử duyên sinh chi pháp, danh vô tự tính, triệt để duy không, danh Đại Thừa Thỉ Giáo.
Giáo thứ hai: Đại thừa thỉ giáo
Các pháp do duyên sinh (mà có) ấy đều không có tự tính, triệt để là Không, đó là thỉ giáo đại thừa (giáo lý đại thừa lúc ban đầu, sơ kỳ đại thừa).
Đây nói về giáo lý của Bát nhã, giáo lý của Tam Luận Tông mà đặc trưng là duyên sinh, là vô tự tính, là không có sự có mặt riêng biệt (no self-nature). Chữ tự tính rắc rối, khó và trừu tượng. Tự tính là svabhāva (self-nature). Chúng ta đừng để bị lạc vào thế giới trừu tượng. Tự tính là sự có mặt riêng biệt.
Như hoa hồng do các duyên mà sinh ra, mà biểu hiện ra. Có hạt hoa hồng, có đất, có nước, có mặt trời, có phân, tất cả những điều kiện đó làm ra hoa hồng thì hoa hồng là do duyên sinh. Tất cả mọi người đều đồng ý là hoa hồng do duyên sinh.
Giáo thứ nhất nói hoa hồng tuy là do duyên sinh nhưng mà hoa hồng có. Giáo thứ hai nói hoa hồng vì do duyên sinh nên hoa không thể có mặt riêng biệt ngoài những duyên (they don’t have a separated, an independent existence). Ngoài duyên thì hoa không có, nên nói hoa không có tự tánh. Tự tánh là cái ta riêng. Bây giờ, mỗi khi nghe nói không có tự tánh thì chúng ta tạm hiểu là không thể có sự có mặt riêng biệt được.
Nhìn vào trong con người của chúng ta, chúng ta thấy tổ tiên, cha mẹ, ông bà, đất nước, cơm gạo, văn hóa, giáo dục... Ngoài những cái đó thì làm gì có ta? Ta là tất cả những cái đó. Nếu đi tìm ta ngoài những cái đó thì không có. Đó chẳng qua là cái hiểu sâu về vô ngã. Vô tự tính có nghĩa là vô ngã. Không có tự tánh là không có cái ta riêng ra ngoài. Mình chỉ là nhân duyên, tất cả nhân duyên làm ra mình. Mình không phải là cái gì có ngoài nhân duyên. Cái có đó là cái có giả, thật ra nó là không (chân không). Đây là sự phát triển đầu tiên của giáo lý Đại thừa: Các pháp không có tự tánh, các pháp là không. Nhưng Đại thừa này chỉ là Đại thừa buổi ban đầu, chưa sâu lắm cho nên chúng ta có giáo thứ ba.
Đại thừa chung giáo
Tam, tuy phục triệt để duy không bất ngại, hữu huyễn uyển nhiên. Duyên sinh giả hữu, nhị tướng song tồn. Danh Đại Thừa Chung Giáo.
Giáo thứ ba: Đại thừa chung giáo
Tuy các pháp triệt để là Không nhưng điều đó không làm trở ngại cho các pháp như huyễn. Hai tướng duyên sinh và giả hữu vẫn có thể có mặt song hành với nhau. Cái đó gọi là chung giáo Đại thừa.
Tuy các pháp là không nhưng các pháp vẫn có. Nếu bỏ những cái mình cho là không thì không còn gì nữa. Không, không có nghĩa là hoàn toàn không có gì. Không đây không phải là đoạn không. Không có nghĩa là không có tự tánh riêng biệt.
Ở đây đi thêm một bước nữa: Tuy các pháp triệt để là không nhưng điều đó không làm trở ngại cho các pháp như huyễn. Hai tướng duyên sinh và giả hữu vẫn có thể có mặt song hành với nhau. Các pháp là duyên sinh nhưng các pháp là có, và chúng ta chỉ cần nhớ là nó có một cách hư giả. Nếu nói các pháp hoàn toàn là không là không đúng. Bông hoa có chứ không phải không, nhưng nó không có ngoài những duyên sinh ra nó. Nhớ được như vậy thì thấy được tính cách giả hữu của bông hoa và ta không bị vướng vào đó.
Hai tướng duyên sinh và giả hữu vẫn có mặt song hành với nhau, không chống đối nhau. Trước đó thì nói là không để đối với hữu, bây giờ không với hữu hòa giải với nhau. Đó là Đại thừa chung giáo (Đại thừa lúc kết cuộc), mà đại diện là kinh Lăng Già, Luận Khởi Tín, và tư tưởng Như Lai Tạng.
Ban đầu nói các pháp là có, bước thứ hai nói các pháp là không, tới giai đoạn thứ ba nói tuy các pháp là không nhưng không phải là trống rỗng. Không này vượt thoát có và không thường tình. Cái không này vẫn đi đôi tuyệt hảo với cái giả hữu. Ngoài giả hữu, đi tìm không không được! Ngoài tướng sư tử, đi tìm vàng không được! Tuy sư tử là giả nhưng sư tử đồng thời là vàng. Đây là sư tử vàng, nếu bỏ sư tử đi thì chúng ta bỏ vàng luôn. Đèn nến này làm bằng sáp. Hình tướng nến là giả hữu mà sáp là có thật. Bỏ đèn cầy đi thì cũng không có sáp, bỏ sáp đi cũng không có đèn cầy. Hai cái đó không chống nhau, nó có thể đi đôi với nhau. Ở đây có sự hòa giải giữa hữu và không.
Duyên sinh giả hữu nhị tướng song tồn: Hai tướng duyên sinh và giả hữu tồn tại bên nhau được.
Tuy phục triệt để duy không bất ngại, hữu huyễn uyển nhiên: Tuy các pháp triệt để là không nhưng nó không ngăn ngại ta thấy các huyễn hữu đang có mặt.
Các pháp là có, nhưng có một cách giả tạo, gọi là huyễn hữu.
Đại thừa đốn giáo
Tứ, tức thử nhị tướng, hỗ đoạt lưỡng vong. Tình ngụy bất tồn, các vô hữu lực. Không hữu song mẫn, danh ngôn tuyệt lộ. Thê tâm vô ký, danh Đại Thừa Đốn Giáo.
Giáo thứ tư: Đại thừa đốn giáo
Hai tướng duyên sinh và giả hữu ấy tương đoạt và tương vong (trừ khử nhau và tiêu diệt nhau) làm cho cả tình thức và ngụy tướng không cái nào còn lại. Cả hai đều mất hết năng lực, cả Không và hữu đều tiêu vong, con đường danh từ và ngôn thuyết bị cắt đứt, tâm không còn nơi nương tựa và nắm bắt. Đó là đốn giáo đại thừa (giáo lý đại thừa đốn ngộ).
Đốn là con đường tắt, đi rất mau, không trải qua nhiều thời gian. Đoạn này nhắm tới Thiền. Hai tướng duyên sinh và giả hữu tương ấy đoạt và tương vong (trừ khử nhau và tiêu diệt nhau). Hai tướng đó đi đôi với nhau. Nhưng nhìn vào cái này mình không thấy cái kia và nhìn vào cái kia mình không thấy cái này. Duyên sinh tức là không và không tức là giả hữu. Những danh từ và ý niệm đó có thể trở thành chướng ngại. Nếu chúng ta bị kẹt vào danh từ thì ta cứ quanh quẩn mãi không ra được. Cho nên phải có con đường siêu việt danh từ và trực tiếp kinh nghiệm thực tế thì chúng ta mới vượt thoát được tình thức và ngụy tướng.
Tình thức là những nhận thức sai lầm, mang nặng những vọng tình của con người. Chúng ta đem tình thức nhìn thế gian nên không thấy được thế gian. Còn chư Bụt và chư tổ sư không đem tình thức mà đem tuệ giác để nhìn thế gian cho nên thấy được thế gian. Đem tình thức mà nhìn thì những cái mà ta thấy là những ngụy tướng, không phải là sự thật. Ngụy tướng là những tướng giả dối. Biết được như vậy thì ta vượt thoát được cả tình thức và ngụy tướng. Lúc đó, ta không kẹt vào danh từ có cũng không kẹt vào danh từ không (hữu vô nhị vong). Vì vậy cho nên con đường danh từ và ngôn thuyết bị cắt đứt (ngôn ngữ đạo đoạn).
Ta nên biết rằng trong thời đại của thầy Pháp Tạng, Thiền tông đang được thịnh hành rất lớn. Thiền tông chủ trương: Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt, tức là con đường ngôn ngữ bị cắt đứt, không nói được nữa. Những danh từ như là có, không, diệu hữu, chân không và những ý niệm như là có-không không còn có năng lực bó buộc. Cả không và hữu đều tiêu vong (hữu vô nhị vong). Thiền là trực tiếp tâm truyền tâm. Đường đi nẻo về của ý thức không còn nữa (tâm hành xứ diệt). Giống như xe lửa chạy trên đường rầy, bây giờ lấy đường rầy ra thì xe lửa hết đi được. Con đường của ngôn ngữ, của ý niệm bị cắt đứt rồi! Đó là chủ trương của Thiền.
Thiền nói: Các anh nói có rồi nói không. Nói vừa có vừa không rồi nói không có cũng không không. Tôi muốn vượt ra khỏi mọi cái đó ! Đó là gọi là Đại thừa đốn giáo. Đốn có nghĩa là không phải đi qua con đường của trạch pháp (investigation of dharmas).
Nhất thừa viên giáo
Ngũ, tức thử tình tận thể lộ chi pháp, hỗn thành nhất khối. Phồn hưng đại dụng, khởi tất toàn chân. Vạn tượng phân nhiên, xâm nhi bất tạp. Nhất thiết tức nhất, nhất tức nhất thiết. Nhân quả lịch nhiên, lực dụng tương thâu. Quyền thư tự tại, danh Nhất thừa viên giáo.
Giáo thứ năm: Nhất thừa viên giáo
Khi tình thức không còn và thể tính đã hiển lộ thì tất cả trở thành một khối hỗn độn bất phân. Đại dụng được trưng bày (với tất cả những chi tiết mầu nhiệm của nó) và nơi nào đại dụng được trưng bày như thế thì cái toàn chân cũng được hiển lộ. Muôn vàn hiện tượng được trình bày một cách giàu có, các hiện tượng tham dự vào nhau mà vẫn không đánh mất cá tính của chúng. Cái tất cả cũng là cái một (cái tất cả nằm trong cái một), cả hai đều là vô tính. Cái một cũng là cái tất cả (cái một nằm trong cái tất cả), nhân quả hiển nhiên (rõ ràng). Lực và dụng của cái này và cái kia thu nhiếp nhau, và sự co duỗi (contraction and expansion) của chúng xảy ra một cách tự tại. Đó gọi là viên giáo của nhất thừa (giáo lý tròn đầy của Phật thừa).
Viên giáo tức là giáo lý tròn đầy, không thể đi xa hơn được nữa (the Rounded Doctrine). Những ý nói trong phần năm này chúng ta đã học rồi như tương tức, tương nhập, châu biến hàm dung v.v...
Hoa Nghiêm Tông thừa hưởng giáo lý và sự thực tập của các tông phái khác như là Tam Luận Tông và Thiên Thai Tông. Tam Luận Tông là một tông phái được thành lập trên cơ bản của ba bộ luận là Trung Luận, Bách Luận và Thập Nhị Môn Luận. Thiên Thai Tông được thành lập căn cứ trên giáo lý Bát Nhã rất nhiều và cũng có giáo lý của Pháp Hoa. Nói đến Thiên Thai Tông thì phải nhớ đến Trung Luận và kinh Pháp Hoa. Phương pháp của Thiên Thai Tông với ba phép quán: quán Không, quán Giả và quán Trung. Chúng ta sẽ có cơ hội đi sâu vào ba phép quán đó. Ba phép quán đó viên dung, tức là cái này nằm trong cái kia chứ không phải là bước thứ nhất rồi tới bước thứ hai, bước thứ ba.
Ngoài sự ảnh hưởng của Tam Luận Tông, Thiên Thai Tông và Thiền Tông, Hoa Nghiêm Tông cũng bị ảnh hưởng rất nhiều của Pháp Tướng Tông (Duy Thức Tông). Chúng ta biết thầy Huyền Trang qua Ấn Độ và ở đó tới mười lăm năm. Ngài đã học được rất nhiều kinh điển và thu thập được rất nhiều giáo lý Duy Thức. Khi về nước, ngài có sáng tác một bộ sách gọi là Thành Duy Thức Luận. Ngài dịch rất nhiều kinh và nhiều bộ luận. Chữ Thành có nghĩa là Tập đại thành tức là gom lại hết. Trong khi ngài ở tu viện Nalanda, tiểu bang Bihar thì một trong mười vị đại luận sư của Duy Thức còn sống, đó là thầy Giới Hiền (Sīlabhadra). Thầy Giới Hiền lúc đó cả trăm tuổi rồi. Thầy Huyền Trang được trực tiếp học với thầy Giới Hiền. Thầy Giới Hiền kể lại những luận chứng, những giáo lý và quan điểm của những đại luận sư khác của Duy Thức. Các vị đó có nhận xét riêng, cái thấy riêng về Duy Thức.
Trong Thành Duy Thức Luận, thầy Huyền Trang có ghi lại ý kiến của mười vị đại luận sư. Tuy nói là ý của mười vị đại luận sư nhưng ý của thầy Hộ Pháp (trước thầy Giới Hiền) bao trùm rất nhiều. Tác phẩm Thành Duy Thức bây giờ vẫn còn và đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Việt, chúng ta có thể tham cứu. Có nhiều bản giải thích Thành Duy Thức Luận như bản Thành Duy Thức Luận thuật ký.
Thầy Huyền Trang có một người đệ tử rất giỏi là thầy Khuy Cơ. Chính thầy Khuy Cơ đứng lên thành lập một tông phái mới gọi là Duy Thức Tông hay Pháp Tướng Duy Thức Tông. Thầy Khuy Cơ có đưa ra một tài liệu trình bày, liệt kê diễn tiến của tư tưởng Phật giáo. Thay vì đưa ra danh sách năm giáo thì thầy đưa ra danh sách tám giáo, tám khuynh hướng giáo lý trong lịch sử tư tưởng đạo Bụt.
Thầy Pháp Tạng đã nghiên cứu tư liệu của thầy Khuy Cơ và đưa ra năm giáo cho vắn tắt. Nhưng Hoa Nghiêm Tông cũng có trình bày mười giáo. Chúng ta đã học năm giáo, bây giờ chúng ta học mười giáo của tông Hoa Nghiêm.