16 Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bản Sự

26/05/201012:00 SA(Xem: 8639)
16 Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bản Sự

ĐỀ CƯƠNG KINH PHÁP HOA
Hoà Thượng Thích Nhật Quang
Thiền Viện Thường Chiếu

 

Phẩm Dược Vương Bồ Tát Bản Sự

CHÁNH VĂN

Phẩm Dược Vương Bồ-tát Bản Sự là nhiếp phẩm trước. Đã vào căn Đại thừa này, hẳn phải lìa ngã ái pháp ái. Chớ ưa giao du với người, hãy bỏ các nơi ồn náo, nhiếp niệm ở chốn núi rừng, và phải hết lòng lắng nghe! Kinh Kim Cương có câu: “Pháp còn nên bỏ, huống nữa phi pháp”. 

Nên biết từ phẩm này trở về sau, đều chỉ rõ chỗ Văn Tư Tu ấy, để thứ lớp mà tiến vào, trục phá năm ấm, hiểu suốt ba không vậy. Nay từ phẩm này trước phá sắc ấm. Vì sắc ấm là lớp vọng tưởng bền chắc thứ nhất rất khó phá, nên phải phát tinh tấn lớn, chẳng tiếc thân mạng, mới có thể phá nổi. Như Bồ-tát Hỷ Kiến đốt thân cúng Phật. Đây nhằm bày tỏ vì đạo quên mình. Dù vào đống lửa lớn phiền não, mà cũng chẳng thoái thác

Lại cũng tượng trưng cho người mới vào căn này, trước được nhân không, là nhiếp động về tịnh, yên trụ trong cảnh tịnh. Sau đó tái sanh, là chứng tỏ chẳng đắm trước cảnh tịnh. Phải ở trong cảnh tịnh mà phát giác, chẳng rơi vào hầm tối hôn trầm, khiến cho tánh nghe thường rõ ràng, ánh sáng trí tuệ lặng lẽ chiếu soi, không như cái lặng lẽ của loài vô tình núi đá kia vậy. Thiền sư Hoàng Bá dạy:

Chớ chỉ quên mình với tử tâm,

Cái đó khó trị, bệnh rất thâm. 

Cần kíp mạnh mẽ cảnh tỉnh lấy! Thân sau lại bỏ hai cánh tay là chỉ cho động tịnh cả hai đều quên, nhân ngã cả hai đều bặt. Lập thệ hoàn phục như cũ, đấy để chứng minh là đã được hai cánh tay phước đức trí tuệ của Phật vậy. Kinh nói: “Do đây, Bồ-tát phước đức trí tuệ và đôn hậu đến thế ấy”. 

Nên biết rằng tiết này đồng với kinh Lăng Nghiêm chỗ thứ tự mở sáu gút của sáu căn.

Kệ rằng:

Nên biết không xưa nay chẳng kham, 
Công án tiền nhân cần phải tham,
Nhận kỹ, Dược Vương nhân việc trước,
Xét cùng, Hỷ Kiến hạnh cao thâm,
Nghe kinh được định, bày rạng đức,
Cảm nhận đốt thân bỏ ý tham,
Chứng tỏ nhân không lìa tướng ngã,
Người nghe mãnh tỉnh, kiếm tri âm.

GIẢNG

Phẩm Dược Vương Bồ-tát bản sự là nhiếp phẩm trước. Đã vào căn Đại thừa này, hẳn phải lìa ngã ái pháp ái. Chớ ưa giao du với người, hãy bỏ các nơi ồn náo, nhiếp niệm ở chốn núi rừng, và phải hết lòng lắng nghe! Kinh Kim Cương có câu: “Pháp còn nên bỏ, huống nữa phi pháp”. 

Chớ ưa giao du với người. Chúng ta kiểm lại xem mình đã có được hạnh này chưa, hay vẫn còn lăng xăng chạy đông chạy tây, giao thiệp chỗ này chỗ nọ v.v... Người muốn yên mà không tránh duyên thì khó yên lắm. Quí vị thường than tại sao tu hoài mà không định, không giác ngộ, không có trí tuệ. Trước nhất phải yên mới có định, định rồi mới sanh tuệ. Không có định mà muốn tuệ, việc này rất khó. Thành thử muốn được định phải lặng hết những lăng xăng bên ngoài. Nghĩa là thu thúc các căn khi tiếp xúc với trần cảnh. Chúng ta tỉnh táo buông bỏ, đừng cho vướng mắc các hiện tượng, các cảnh duyên bên ngoài. Thực hành được như vậy là hành Bát-nhã, nhất địnhtrí tuệ. Có định có tuệ thì việc giác ngộ giải thoát không còn mơ hồ, khó khăn nữa.

Có những hạnh rất thường, rất nhỏ nên chúng ta xem thường. Từ đó công phu tu hành không tiến. Chẳng hạn như việc tránh duyên, đâu có làm gì mà chúng ta không thực hiện được. Chừng nào mình là người lực lượng, trí tuệ tròn đầy, sống được với tánh giác, bấy giờ các hiện tượng bên ngoài không xoay chuyển chúng ta nổi thì mới tự do tiếp duyên. Còn bây giờ phải tránh duyên. Nếu mình yếu mà cứ lủi tới, thì không có lối thoát. Ban đầu sửa rất dễ mà chúng ta bỏ qua, không lưu tâm, về sau hỏng cả một đời tu.

Một cư sĩ học đạo rất nhiều năm, đến trình với Hòa thượng: Phật pháp con hiểu và cũng có thực hành, nhưng sao con không được an lạc? Hòa thượng hỏi cách thức tu, áp dụng Phật pháp như thế nào. Ông trả lời: Lúc một mình con tỉnh, nhưng khi tiếp duyên thì bị kéo lôi. Hòa thượng hỏi khi bị cảnh duyên kéo lôi làm sao? Vì cuộc sống nên khi cảnh duyên kéo lôi, con cứ để nó trôi luôn. Hòa thượng nói tu như thế dù một ngàn đời cũng vậy thôi. Mình yếu đuối thì phải tránh duyên, không tránh duyên làm sao được định tỉnh, làm sao không khỏi vướng mắc bởi cảnh duyên

Hãy bỏ những nơi ồn náo. Chúng ta xét lại xem mình có bỏ được những nơi ồn náo chưa, hay ở một mình cảm thấy buồn, cảm thấy cô đơn. Có hai ba người trao đổi việc này việc khác mình thích hơn, vui hơn. Thật ra người tu phải tránh chỗ ồn náo. Tại sao? Vì sự ồn náo thường làm ta động tâm, che khuất tánh giác. Chúng ta cứ sống với sự ồn náo, cuối cùng cả đời mình toàn là loạn động. Thành thử giai đoạn thứ hai của người tu theo tinh thần kinh Pháp Hoa là tránh chỗ ồn náo. Tránh ồn náo cũng là một cách để thiền sinh dễ được định, dễ nhiếp tâm.

Điều thứ ba là phải nhiếp niệm ở chốn núi rừng. Chữ “niệm” là nhớ tưởng. Ở chốn núi rừng xa thành thị, ở trên cao, không bận bịu phố thị xóm làng. Người ở núi lòng dễ bình yên. Điều này chúng ta có thể nghiệm được. Như nhà quí vị ở giữa thị thành, nào là âm nhạc, xe cộ, người qua kẻ lại nhộn nhịp, ồn ào. Nếu ở trên núi thì không có các cảnh tượng đó. Núi rừng không khi nào làm ồn mình. Cho nên tâm ta dễ an định, dễ trong lặng. Đây là nói áp dụng pháp tu với người bình thường. Đối với hạng phi thường thì ở đâu cũng tu, ở đâu cũng thiền, không cần phải nói núi rừng, không cần tránh xa sự ồn náo, không cần phải ngăn ngừa sự giao thiệp, tiếp cận với bên ngoài.

Thiền viện chúng ta không ở núi, nên có cổng rào, giờ giấc tập thể đã quy định, không phải muốn đi giờ nào thì đi. Tại sao phải như thế? Tại vì chúng ta tu còn dở, chưa thể bình yên trước tất cả sự việc. Chúng ta chưa phải là người đạt đạo. Bởi vậy việc tiếp cận cần cảnh giác, có khu vực, có giới luật đàng hoàng. Nhờ có thanh quy, có sự sắp đặt, có thời khóa tu hành, có bạn hữu tốt, có những duyên thuận, được sự hộ trì của Tam bảo, huynh đệ tu trong đạo tràng này, giữ gìn được đời sống phạm hạnh, có niềm tin với pháp tu của mình. Từ đó phấn chấn, phát triển, công phu tiến nhiều hơn nữa. 

Người nào vững niềm tin đối với Tam bảo, nắm chắc chủ trương đường lối tu hành, chịu khó dụng tâm liên tục, sẽ có lợi lạc ngay trong đời này. Trái lại, người chưa phải hạng phi thường mà bất cần giới luật, không tuân theo sự sắp đặt của thiền viện thì tuy mang hình thức người tu, nhưng nội tâm không an ổn, luôn bị bức xúc, bị kéo lôi bởi cảnh duyên bên ngoài. Người như vậy, ngay hiện tại không có lợi lạc, tương lai đời sau càng bất an khốn đốn hơn nữa.

Chúng ta thường bị những cái không thật, không cần thiết làm mất thì giờ. Lầm nhận nó là của mình, cả đời ôm đồm bảo bộc, gầy dựng, rồi mắc mứu tới chết. Cứ thế tiếp tục tăm tối tạo nghiệp, loay hoay lẩn quẩn trong vòng còn mất trả vay, kéo dài luân hồi sinh tử không có ngày cùng. Người tu thiền là người thấy được thực chất của các pháp, sống được với lẽ thực đó nên không còn bị những cái không thật quấy rầy nữa, mà không cần xua đuổi nó. Như đêm tối chúng ta ở trong nhà, thắp sáng đèn lên thì bóng tối tự nhiên tản mất, không cần đuổi nó đi đâu hết. Chủ yếu là mở được công tắc cho đèn sáng lên, thì mọi tăm tối đều tan hết. Nó lẫn đi đâu, mình không cần phải đặt vấn đề

Ở đây quan trọng là mỗi người phải thấy được lẽ thực của các pháp, nhận và hằng sống được với lẽ thực đó, gọi là sống với bản lai diện mục hay tánh giác của mình. Bấy giờ mọi lầm mê, tăm tối ngược xuôi không cần phải đặt định, phải gởi nó đi đâu, tự nhiên nó tan loãng hết. Chúng ta không cần dụng thêm công lực nào để trị nó nữa.

Tóm lại, ba điều kiện cần thiết của người tu, một là bớt giao du, hai là bỏ nơi ồn náo, ba là nhiếp niệm ở chốn núi rừng. Hết lòng tu hành, người đó sẽ được an lạc. Chúng ta không cần đặt vấn đề tu bao lâu, mà muốn an lạc phải qua những giai đoạn này. Nếu chúng ta không biết tất cả cảnh duyên bên ngoài là cái không thể giữ gìn, thì không khi nào mình yên tâm tu hành ở chốn núi rừng hay bất cứ nơi đâu. Nếu người còn tâm vướng mắc, chưa thấy được lẽ thực thì dù có lên núi cao, ở trong hang sâu, vọng tưởng cũng lôi họ ra, không khi nào yên được.

Có một câu chuyện vui. Hai Thầy trò nọ sống trên núi đã lâu. Người đệ tử từ nhỏ đã được nuôi dưỡng trong chốn thâm sơn nên chưa từng biết phố thị và một ai khác ngoài thầy chú. Hôm đó, hai thầy trò xuống núi. Trên đường chú thấy một cô gái, ngạc nhiên chú hỏi thầy: Con đó là con gì? Thầy đáp: Con cọp, đến gần nó cắn đó. Chú bước theo thầy mà cứ ngoáy nhìn lại con cọp. Về tới chùa, chú cứ nhớ con cọp, ăn ngủ không yên. Không chịu nổi nữa, chú đến bạch thầy: Cho con xuống núi tìm con cọp. Ông thầy biết không thể ngăn cản được nghiệp lực của người đệ tử nữa, nên đành chấp thuận thôi.

Rõ ràng khi lòng mình chưa yên, còn bị vướng mắc thì dù ở núi cao, cũng bị pháp trần lôi xuống như thường. Cho nên nói tránh duyên là phần bên ngoài, quan trọng phải thấy được thực chất của vấn đề, thấy rõ phần nội tại của mình. Giống như người chơi đồ cổ chuyên môn, nhìn qua họ liền biết cái nào thật, cái nào giả nên không bao giờ mua lầm. Còn người lờ mờ, không biết thật giả, dễ mua lầm, vì vậy nên bất an

Ở đây cũng vậy, nếu người nhận được ông chủ, dám buông vọng tưởng, người đó đảm bảo yên tu tới già tới chết, không bị cọp beo nào cõng đi. Ai lạng quạng nửa tỉnh nửa mơ, ngủ mê nói mớ, sớm muộn gì cũng lầm nhận giả là thật. Đã nhận giả là thật thì cuộc đời mình khốn đốn. Sở dĩ các pháp có sự hấp dẫn là tại mình chưa ổn, trí tuệ chưa hiện tiền. Cho nên chúng ta cố gắng tu tập, có đầy đủ sự tỉnh giác. Từ đó trí dụng sẽ hiện tiền. Phật nói chúng sanh có đầy đủ trí tuệ đức tướng Như Lai, nhưng bị những lăng xăng bên ngoài cuốn hút nên quên mất đó thôi. 

Người xưa dạy căn là căn, cảnh là cảnh, căn cảnh không tới nhau gọi là tâm cảnh như như. Giản dị như thế. Nhưng chúng ta muốn tâm không dong rủi ngược xuôi, không vướng mắc cảnh duyên, đòi hỏi phải có năng lực, có công phu. Điều này không phải nói là được, hành không đúng cũng không được. Người chưa quyết tâm, chưa hết lòng sống chết với công phu thì nó chưa hiện hình. Chúng ta không thể lìa thân mà tìm Phật, tìm Niết-bàn ở đâu, nhưng nếu mình cứ quay quần mắc mứu những cảnh duyên chung quanh, cũng không thể nào tìm Phật được. Ngay nơi thân này nhận, tỉnh thì sẽ thành tựu Niết-bàn tịch tĩnh an vui. Hồi trước chưa biết, ta lầm chạy theo, mê tưởng đảo điên nên ngược xuôi dong ruổi. Bây giờ biết rồi thì cắt đứt mê lầm, không ngược xuôi dính mắc bên ngoài nữa.

Kinh Kim Cương có câu: “Pháp còn nên bỏ, huống nữa phi pháp”. Người qua sông rồi, dù thuyền bè đẹp cở nào cũng phải bỏ lại. Thử tưởng tượng nếu họ vác chiếc thuyền trên lưng, chắc thiện hạ cười bể bụng. Giữa phố thị mà dính chiếc thuyền trên lưng, ai hỏi tại sao, nói thuyền của tôi đẹp quá không nỡ bỏ, mang làm kỷ niệm. Người này có lẽ không bình thường rồi. Cũng vậy, khi chúng ta đã thể nhập tri kiến Phật, đối với tất cả cảnh duyên không cần đặt vấn đề nữa, chỉ sống an ổn thôi.

Nên biết từ phẩm này trở về sau, đều chỉ rõ chỗ Văn Tư Tu ấy, để thứ lớp mà tiến vào, trục phá năm ấm, hiểu suốt ba không vậy. Nay từ phẩm này trước phá sắc ấm. Vì sắc ấm là lớp vọng tưởng bền chắc thứ nhất rất khó phá, nên phải phát tinh tấn lớn, chẳng tiếc thân mạng, mới có thể phá nổi. Như Bồ-tát Hỷ Kiến đốt thân cúng Phật. Đây nhằm bày tỏ vì đạo quên mình. Dù vào đống lửa lớn phiền não, mà cũng chẳng thoái thác

Trong phẩm này có dẫn Bồ-tát Hỷ Kiến. Ngài đã phát tâm đốt thân cúng dường Phật sau khi nhận ra chủ. Bởi một khi đã nhận được cái thật rồi, cái giả không quan trọng nữa. Để chứng tỏ chỗ thâm ngộ của mình, ngài nguyện đốt thân cúng dường. Chuyện này dễ làm không? Không dễ đâu. Chúng ta đau một chút chịu không nổi, nói gì đốt thân. Mấy huynh đệ nấu cơm, chừng một đốm lửa nhỏ bay vào da là đã thấy đau rồi, nói gì phát nguyện đứng đó chịu cháy để cúng dường

Nói cúng dường không phải cúng dường thân này, mà cúng dường lời nguyện của mình. Nguyện xả bỏ thân hư giả, tu hành nhận ra pháp thân chân thật, lấy tâm nguyện này cúng dường, mong chư Phật Bồ-tát chứng minh. Chứ đốt thân xông lên mùi hôi thối, có gì tốt đẹp để cúng dường? Cho nên quý trọngtinh thần. Tinh thần kim cương chắc thực nói được làm được. Ngoài ra việc đốt thân cúng dường cũng để chứng tỏ Bồ-tát đã phá được chấp thân, ngài phát nguyện giữa hư không: “Nếu việc làm này phát xuất từ tâm chân thật, không có niệm hối tiếc, thì xin cho thân tôi hoàn phục lại y như cũ”. Sau khi nói lời ấy rồi thân thể của ngài trở lại đầy đủ, các giác quan y như cũ. Đó là chứng tỏ tâm cúng dường của ngài chân thậtcông đức tu hành cũng gần viên mãn.

Đối với chúng ta, nội làm chủ thân này không phải chuyện đơn giản. Đau bệnh yếu đuối, bị người huỷ báng, hoặc được người ca ngợi v.v... chúng ta đều bị động. Người ta đưa lên mình thích thú cũng mất mình, người ta gièm pha chỉ trích mình bực bội cũng mất mình. Như thân này ta quí trọng, mà ai nói đồ bỏ mình đâu có vui. Quả thật chúng ta luôn bị cảnh duyên quấy rầy, làm trí tuệ mê tối, không thấy được chân lý

Vì vậy tu đến giai đoạn phá lầm chấp về thân, về cái ngã thật của chúng ta là rất đáng kể. Cho nên ở đây nói: Vì sắc ấm là lớp vọng tưởng bền chắc thứ nhất rất khó phá, nên phải phát tinh tấn lớn, chẳng tiếc thân mạng, mới có thể phá nổi. Đó là lớp chấp cứng chắc nhất của chúng sanh. Nếu mình không tinh tấn mãnh liệt, không phát tâm liều bỏ thân này thì không làm sao phá nổi.

Bây giờ nói tới phát tâm quyết liệt tu hành. Ở đây chúng ta chưa bị hoàn cảnh bức xúc như thiếu cơm thiếu gạo, thiếu những tiện nghi tối thiểu cho sự sống, nên tu hành bình thường. Bao giờ sống trong cảnh thiếu thốn, khó khăn mà vẫn tu được mới là người giỏi. Nếu sự thiếu thốn tăng lên nhiều quá, nghĩa là không có cơm ăn áo mặc, không có gì hết, có lẽ chùa sẽ trống trơn không còn ai. Đừng nói tới thiếu cơm thiếu gạo, huynh đệ lỡ nói lời gì xúc phạm, mình không gây gổ nhưng tự ái, nói: Mắc mớ gì, ngoài đời không sướng hơn sao, vô đây chi để bị như thế. Từ đó mình có lý do để bỏ đạo. Rất nhiều huynh đệ bị mặc cảm như thế.

huynh đệ hiểu đạo và hành đạo rất tốt, nhưng ngã kiến ngã chấp, ngã ái ngã mạn lại nhiều. Vì vậy đang khi công phu, có ai nói gì không vừa lòng, đôi khi chỉ là lời nói chơi, song tự ái liền. Nó thể hiện tức thì ra ngoài, khiến họ không giữ được công phu, không giữ được sự bình an, thậm chí đánh mất cả tình huynh đệ. Từ phiền não đó, tự nghĩ mình tu chùa nào không được, đâu nhất thiết phải ở chùa này, rồi dong ruổi ngược xuôi, mất hết khí thế tu hành, dần dần mất cả tâm xuất gia mãnh liệt ban đầu. Đó là kinh nghiệm, là bài học rất quí đối với người xuất gia chúng ta.

Nghiệm cho cùng thân này là đồ bỏ, không món nào có thể bảo đảm còn hoài với chúng ta. Phật nói thân ngũ uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức không thật, tạm hợp rồi sẽ tan. Phần sắc được kết cấu bởi bốn thứ đất, nước, gió, lửa, gọi là tứ đại. Đất tượng trưng cho chất cứng trong người, nước là chất ướt, lửa là hơi nóng, gió là hơi thở. Bốn thứ thọ, tưởng, hành, thức thuộc phần tâm. Những cảm thọ, tưởng tượng, phân biệt, suy nghĩ v.v... Phật nói không thật.

Chúng ta thuộc bài kinh tứ đại, Phật nói không thật mình nói không thật theo, nhưng vẫn thấy thân là thật. Quái lạ vậy. Cho nên phiền não hoài. Đó là vì chúng ta chỉ thuộc kinh mà không có công phu để đến được chỗ chắc thực, buông bỏ năm uẩn không thật, thực chứng thực đạt tánh giác chân thật của mình. Chúng ta chỉ thuộc trên văn tự, nên bị phiền não si mê dẫn dắt thân tâm trôi nổi trong dòng trầm luân sanh tử không cùng. 

Con người sống không biết với bao nhiêu thứ phiền não. Sao mình dễ phiền não đến như vậy. Ăn không được phiền não, ngủ không được phiền não, người ta không thương phiền não, người ta thương cũng phiền não?! Phật nói tứ đại giống như bốn con rắn độc được nuôi chung một lồng. Đừng nói bốn, hai con thôi nó cũng cắn nhau tơi bời. Con này cắn con kia, không khi nào nó nằm yên. Hà huống bốn con nhốt chung một lồng. Thì thôi, chiến tranh vô kể, phiền não vô kể

Bây giờ nói tới thân mình. Thân cao thước bảy thước tám, nặng sáu mươi tám mươi ký, thân đẹp thân xấu, học giỏi học dở v.v… bất luận loại nào, một cơn gió độc thổi tới, không dành riêng cho ai, tất cả đều có thể ngã quỵ cả. Chúng ta vận dụng trí tuệ xét cho cùng về thân, thấy quả thật không có gì bảo đảm. Thế mà ai cũng sợ chết, bởi sợ chết nên luôn luôn bảo vệ thân. Từ đó mà tạo nghiệp. 

Tóm lại, năm uẩn gồm có hai phần: Sắc uẩn thuộc về thân. Bốn uẩn còn lại là thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm, tức phần tinh thần. Cả hai đều không thật, vô thường, luôn luôn bất ổn bất an, chống trái nhau.

Lại cũng tượng trưng cho người mới vào căn này, trước được nhân không, là nhiếp động về tịnh, yên trụ trong cảnh tịnh. Sau đó tái sanh, là chứng tỏ chẳng đắm trước cảnh tịnh. Phải ở trong cảnh tịnh mà phát giác, chẳng rơi vào hầm tối hôn trầm, khiến cho tánh nghe thường rõ ràng, ánh sáng trí tuệ lặng lẽ chiếu soi, không như cái lặng lẽ của loài vô tình núi đá kia vậy.

Đoạn này nói chúng ta chấp bên nào cũng không an lạc giải thoát. Một bề chấp không, hoặc một bề chấp tịnh đều không được. Hiện thời chưa công phu, chúng ta còn kẹt chấp, nhưng khi hiểu và quyết tâm tu hành, nhất định sẽ chuyển hóa, từ từ bớt cố chấp cho đến hết chấp luôn. Chúng ta có sẵn nguồn trí tuệ mà không chịu tu, không chịu buông, cứ ngồi đó mong cho thành Phật, làm sao thành được. Trí tuệ bên ngoài không phải của mình. Những thứ ngoại nhập tai hại lắm, nó khiến ta không phát huy được cái sẵn có của mình. Cho nên người tu hành phải thông suốt, quán triệt, nỗ lực phát huy nguồn tuệ giác sẵn có. Chúng ta áp dụng tu tập như thế nào để đừng vướng mắc, đừng khựng lại chỗ nào hết. Tu cho tới tâm hoàn toàn sáng suốt, được an ổn thực sự, tám gió lợi, xuy, hủy, dự, xưng, cơ, khổ, lạc không làm gì mình được, chừng đó mới bảo đảm bình yên. 

Thiền sư Hoàng Bá dạy:

Chớ chỉ quên mình với tử tâm,

Cái đó khó trị, bệnh rất thâm. 

Đã chấp cứng vào một cái gì thì rất khó trị. Nó là bệnh trầm trọng, trị khó và lâu. Cần kíp mạnh mẽ cảnh tỉnh lấy! Do đó phải quyết tâm, tha thiết, nỗ lực tu tập, chứ không dừng ở chỗ nào hết. Phát huy đại thệ, đại nguyện tu hành cho tới thành tựu viên mãn Phật đạo mới thôi. Nên nhớ việc này ai cũng thực hiện được, không nên tự ti mặc cảmtrở thành yếu đuối khiếp nhược, đánh mất khả năng tác Phật của mình. Ở đây nói mãnh tỉnh là mạnh mẽ. Phát nguyện mạnh mẽ tu hành thành Phật mới vừa lòng con. Chưa thành Phật cứ tu, không nói năm năm mười năm, đời này đời khác. Chưa xong phải làm cho xong. 

Người nào đã qua sông, đề nghị bỏ lại thuyền, phẩy tay mà đi cho thống khoái, tự tại. Người nào chưa qua sông thì phải chuẩn bị, nếu không có thuyền phải biết lội. Không biết lội nữa, ít ra có bè chuối bám đỡ, chứ chưa qua sông mà bỏ hết các phương tiện thì chỉ có chết chìm. Người tu không chấp nhận chết chìm, cũng không đeo mang chiếc thuyền ngông nghênh quái lạ cho thiên hạ chê cười. Đã như vậy chúng ta phải có công phu, biết tránh duyên, nhiếp tâmthực hiện đúng lời Phật dạy.

Thân sau lại bỏ hai cánh tay là chỉ cho động tịnh cả hai đều quên, nhân ngã cả hai đều bặt. Lập thệ hoàn phục như cũ, đấy để chứng minh là đã được hai cánh tay phước đức trí tuệ của Phật vậy. Kinh nói: “Do đây, Bồ-tát phước đức trí tuệ và đôn hậu đến thế ấy”. Nên biết rằng tiết này đồng với kinh Lăng Nghiêm chỗ thứ tự mở sáu gút của sáu căn.

Nhận được ý chỉ kinh Pháp Hoa rồi, chúng ta buông bỏ hết hai bên, không còn nhân ngã bỉ thử, không kẹt chấp bên nào nữa. Bấy giờ mới thành tựu phước đức trí tuệ của Như Lai, thật sự bước vào ngôi nhà xưa nay, chấm dứt kiếp cùng tử lang thang. Ý phẩm này cùng với lời Phật dạy trong kinh Lăng Nghiêm giống nhau. Chúng ta từ nơi sáu căn mà trôi dạt theo cảnh duyên bên ngoài, thì bây giờ cũng từ sáu căn tu tập trở về, nhận ra tánh giác chân thật của mình. Không thể lìa thân tâm huyễn mộng tìm kiếm Niết-bàn, cũng không thể nhận thân tâm hư giả là thật. Đây chính là chỗ trọng yếu trong công phu tu tập của chúng ta.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57132)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.