ĐẠO PHẬT NGÀY NAY
MỘT DIỄN DỊCH MỚI VỀ BA BỘ
KINH PHÁP HOA
Tác Giả: Nikkyò Niwano - Anh dịch: Kòjirò Miyasaka - Bản Dịch Anh ngữ: Buddhism
For Today: A modern Interpretation Of The Threefold Lotus Sutra, Kose
Publishing Co. Tokyo - Việt dịch Cư Sĩ Trần Tuấn Mẫn, Viện Nghiên Cứu Phật Học
Việt Nam TP. HCM ấn hành 1997
PHẦN BA
KINH QUÁN PHỔ HIỀN BỒ-TÁT
CHỈ RIÊNG ĐỨC PHẬT THÍCH-CA-MÂU-NI GIẢNG PHÁP.
Một biểu cú rất quan trọng xuất hiện trong đoạn trên: “Trong những giấc mơ, người ấy sẽ luôn nhìn thấy bảy vị Phật của quá khứ, trong đó chỉ riêng đức Phật Thích-ca-mâu-ni sẽ giảng pháp cho người ấy”. Quả thực rằng tất cả chư Phật đời quá khứ đều tối cao, nhưng trong chư vị chỉ riêng đức Phật Thích-ca-mâu-ni thuyết giảng giáo lý của Ngài cho chúng ta ở thế giới Ta-bà này. Nhờ giáo lý này, chúng ta có thể biết cái chân lý đã tồn tại bất biến từ thời quá khứ vô thỉ. Do đó, chúng ta chỉ quy y đức Phật Thích-ca-mâu-ni; qua đó, chúng ta cũng quy y chư Phật khác (những biểu hiện khác nhau của chân lý).
Nhìn thấy đức Phật trong những giấc mơ của mình nghĩa là người ta đạt được một ý thức mơ hồ về sự hiện hữu cùng với chư Phật, người ta còn cảm thấy lòng hoan hỷ nhiều hơn và bái lạy chư Phật ở khắp mười phương. Thế rồi Bồ-tát Phổ Hiền sẽ hiện ra trước mặt hành giả và sẽ bảo với người ấy rằng người ấy đã có thể nhìn thấy chư Phật nhờ tất cả các nhiệp và duyên trong các đời trước và sẽ khiến người ấy phát lộ các tội lỗi của mình. Thế có nghĩa là tín giả biết rõ các tội lỗi của chính mình nhờ Bồ-tát Phổ Hiền. Đây là sự sám hối mà người ta thể hiện trước chư Phật. Biểu cú “Người ấy cần phải tự miệng mình phát lộ các tội lỗi của mình” trỏ sự sám hối mà người ấy thể hiện trong tâm thức.
Đức Phật dạy tiếp: “Sau khi đã phát lộ tội lỗi
của mình, người ấy sẽ đạt được tam-muội Chư Phật hiện tiền(1). Đạt tam-muội này
xong, người ấy sẽ nhìn thấy đức Phật A-súc (Akshobhya) và quốc độ Diệu Hỷ của
Ngài ở phương Đông một cách rõ ràng, tinh tường. Cũng như thế, người ấy sẽ nhìn
thấy rõ ràng, tinh tường các quốc độ kỳ diệu của chư Phật ở mười phương. Sau
khi đã nhìn thấy chư Phật ở mười phương, người ấy sẽ nằm mơ thất rằng: một
vị Kim cang cỡi trên đầu voi dùng chày kim cang trỏ
vào sáu căn (sáu quan năng). Trỏ vào sáu căn xong, Bồ-tát Phổ Hiền sẽ giảng cho
hành giả cách sám hối để có được sự thanh tịnh của sáu căn. Vị ấy sám hối như
vậy trong một ngày hoặc ba lần bảy ngày. Sau đó, nhờ sức tam-muội Chư Phật hiện
tiền và nhờ sự trang nghiêm của sự việc Bồ-tát Phổ Hiền thuyết pháp, tai của hành
giả dần dần nghe được các âm thanh mà không bị chướng ngại, và
mũi sẽ dần dần ngửi được các mùi mà không bị chướng
ngại. Đây được giảng rộng như ở kinh Diệu Pháp Liên Hoa(1). Sau khi đạt được sự
thanh tịnh của sáu căn, người ấy có được sự hoan hỷ về thân và tâm, không có
các tướng xấu ác, tâm thuần Pháp này, tương hợp với Pháp này. Người ấy lại sẽ
đạt thêm trăm ngàn vạn ức đà-la-ni Triền và sẽ được rộng thấy trăm ngàn vạn ức
vô lượng chư Phật. Các đức Thế Tôn này đều dùng tay phải mà xoa đầu hành giả và
dạy rằng: "Hay thay ! Hay thay ! Ông là một hành giả của Đại thừa, một
người phát tâm đại trang nghiêm và là một người trì giữ Đại thừa trong tâm.
Ngày xưa khi chúng ta phát tâm Bồ-đề, chúng ta cũng giống như Ông vậy, chuyên
cần, không bỏ bê. Do đã thực hành Đại thừa trong các đời trước nên nay chúng ta
thành tựu thân thanh tịnh chánh biến tri. Nay Ông hãy chăm chỉ tu tập, chơù
biếng lười. Các kinh Đại thừa này là kho báu của chư
Phật, là mắt của chư Phật ở mười phương trong quá
khứ, hiện tại và tương lai và cũng là hạt giống sản sinh ra chư Phật trong ba
đời ấy. Người trì các kinh này chính là trì thân của Phật, làm việc của Phật.
Nên biết rằng người ấy chính là sứ đồ của chư Phật, được khoác áo của chư Phật,
chư Thế Tôn, là pháp tử quý của chư Phật, chư Thế Tôn. Ông hãy thực hành Đại
thừa và chớ cắt đứt hạt giống Pháp. Nay Ông hãy quán kỹ chư Phật ở phương Đông
!"“
“Khi chư Phật dạy như thế, hành giả liền thấy tất cả vô lượng thế giới ở phương Đông, đất bằng phẳng như bàn tay, không có gò, đồi hay gai góc, trái lại, đất bằng lưu ly và đường lát vàng. Các thế giới ở mười phương cũng lại như thế. Sau khi đã chứng kiến sự việc này, hành giả sẽ nhìn thấy một cây báu, cây cao quý, kỳ diệu, cao năm ngàn do- tuần. Cây này luôn sản sinh vàng ròng và ngọc trắng và sẽ được trang hoàng bằng bảy báu; dưới cây tự nhiên có một tòa sư tử, tòa sư tử ấy cao hai ngàn do-tuần và trên tòa phát ra ánh sáng của trăm thứ báu. Cũng như vậy, từ tất cả các cây đều có các tòa báu và mỗi tòa báu đều có phát ra ánh sáng của trăm thứ báu. Cũng như vậy, từ tất cả các cây, có các tòa báu khác và mỗi tòa báu sẽ lộ ra năm trăm con voi trắng trên đó tất cả Bồ-tát Phổ Hiền ngồi cỡi”.
Chày kim cang là một loại vũ khí vốn được dùng ở Ấn Độ cổ. Trong Phật giáo, nó được xem là một biểu tượng của tâm Bồ-đề vì nó có thể đoạn diệt tất cả các lậu hoặc và tà kiến. Do đó, cú ngữ “trỏ chày kim cang vào sáu căn” trỏ cái năng lực của tín giả nhằm đoạn trừ sự ô nhiễm của sáu căn của người ấy, nó minh chứng sự kiện tâm người ấy chuyển đến sự sám hối. Biểu cú “Bồ-tát Phổ Hiền sẽ giảng cho hành giả, cách sám hối để có được sự thanh tịnh của sáu căn” có nghĩa là thông qua sự thực hành sám hối, hành giả có thể biết mình được thanh tịnh về thân và tâm.
Một biểu cú đáng chú ý khác là: “Khi chư Phật dạy như thế, hành giả liền thấy tất cả vô lượng thế giới ở phương Đông...” Đây muốn bảo rằng nếu ai thâm hiểu Thánh tính của Phật pháp và việc giảng Phật pháp (cây báu và đài báu), và nếu Phật pháp được giảng rộng khắp thì tất cả mọi người, xã hội và toàn thế giới sẽ trở nên đẹp đẽ.
“Bấy giờ hành giả lễ bái tất cả chư Phổ Hiền và nên bảo rằng: "Con có tội lỗi gì mà chỉ thấy được đất báu, đài báu và cây báu nhưng không thấy được chư Phật ?"“
Trong đoạn trước đây có cú ngữ sau: “Do tư duy linh lợi, vị ấy sẽ nhìn thấy tất cả chư Phật ở khắp mười phương”. Người đọc có thể nghĩ rằng ở đây mâu thuẫn với câu: “Con có tội lỗi gì .... không thấy được chư Phật ?”, nhưng thật ra cả hai chỗ không phải là không nhất quán. Dù cho một người nhận thức mạnh mẽ được rằng mình hiện hữu cùng với đức Phật, nhưng nếu người ấy chưa đạt được cấp độ tâm thức của một vị Bồ-tát thì nhận thức này sẽ phai mờ ngay khi có cái gì đó xâm chiếm sự chú tâm của người ấy và làm người ấy xao lãng.
“Khi tác bạch như thế xong, hành giả sẽ thấy rằng trên mỗi tòa báu đều có một đức Thế Tôn đang ngồi đoan nghiêm, vi diệu. Nhìn thấy chư Phật xong, hành giả sẽ rất vui mừng, lại càng tụng đọc và tu tập các kinh điển Đại thừa. Do năng lực của Đại thừa, từ không trung có tiếng ca ngợi rằng: "Hay thay ! Hay thay ! Thiện nam tử ! Do công đức thực hành Đại thừa nên Ông có thể nhìn thấy được chư Phật. Nay tuy Ông đã có thể nhìn thấy chư Phật, Thế Tôn, nhưng Ông chưa thể nhìn thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni, chưa thể nhìn thấy chư Phật phân thân từ Ngài và tháp của đức Phật Đa Bảo." Sau khi nghe tiếng ấy từ không trung phát ra, hành giả sẽ lại càng tụng đọc và tu tập các kinh điển Đại thừa. Do tụng đọc và tu tập các kinh Đại thừa phương quảng nên ngay cả trong các giấc mơ, người ấy cũng sẽ thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni đang ở tại núi Kỳ-xà-quật cùng với đại chúng, thuyết giảng kinh Pháp Hoa, diễn giải ý nghĩa của cái chân thật duy nhất. Sau khi nghe giảng về sám hối và khát khao mong mỏi được nhìn thấy đức Phật, người ấy cần chắp tay, quỳ xuống hướng về núi Kỳ-xà-quật và tác bạch: "Bạch đức Như Lai, đấng Đại hùng của thế gian, thường tại thế gian ! Xin rũ lòng thương xót con mà hiện thân cho con được trông thấy"“.
Độc giả có thể tự hỏi tại sao hành giả lại bảo
“Xin... hiện thân cho con được trông thấy” dù đã có sự tuyên bố rằng:
“Ngay cả trong các giấc mơ, người ấy cũng sẽ thấy
đức Phật Thích-ca-mâu-ni đang ở tại núi Kỳ-xà-quật”. Sở dĩ như thế là vì hành
giả muốn nắm chắc cái ý định thực sự của đức Phật rõ ràng và thâm sâu hơn. Khi
suy nghĩ như thế và hình dung núi Kỳ-xà-quật cho mình, người ấy có thể thấy
cảnh đẹp sau đây:
“Tác bạch như thế xong, người ấy sẽ thấy núi Kỳ-xà-quật được trang hoàng bằng bảy thứ báu và đầy cả vô số Tỳ-kheo, Thanh văn và một đại chúng; nơi này có các cây báu xếp thành hàng và đất báu thì bằng phẳng, có một tòa sư tử quý báu và vi diệu. Trên tòa có đức Phật Thích-ca-mâu-ni phóng ánh sáng giữa đôi mày chiếu sáng khắp suốt mọi thế giới ở mười phương và xuyên suốt vô lượng thế giới ở mười phương. Chư Phật phân thân từ đức Phật Thích-ca-mâu-ni ở mười phương mà ánh sáng ấy chiếu đến vân tập lại cùng một lúc và rộng giảng Diệu pháp như được nêu trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa(1). Mỗi vị Phật Phân thân này có thân vàng ròng, thân hình lớn vô biên, ngồi trên tòa sư tử được trăm ức vô lượng đại Bồ-tát làm quyến thuộc. Các vị Bồ-tát này có hạnh giống như hạnh của ngài Phổ Hiền. Quyến thuộc của vô lượng chư Phật, chư Bồ-tát ở mười phương cũng như vậy. Khi đại chúng đã vân tập, chư vị sẽ thấy đức Phật Thích-ca-mâu-ni phóng các tia sáng có màu của vàng từ các lỗ chân lông trên toàn thân Ngài; trong mỗi tia sáng này đều có một trăm ức Hóa Phật. Chư Phật Phân thân sẽ phóng các tia sáng từ chòm lông trắng, tướng của bậc Đại nhân; các tia này lưu chuyển vào đỉnh đầu đức Phật Thích-ca-mâu-ni. Chứng kiến cảnh trạng này, chư Phật Phân thân cũng sẽ phóng các tia sáng có màu sắc của vàng từ các lỗ chân lông trên thân chư vị; trong mỗi tia sáng có các vị Hóa Phật nhiều như bụi cát sông Hằng”.
Đoạn trên chứa đựng bốn sự miêu tả quan trọng. Thứ nhất, chư Phật hóa thân từ đức Phật Thích-ca-mâu-ni được nhìn thấy qua một tia sáng phát ta từ đôi mày của đức Phật. Như thế nghĩa là nếu một người quy y Phật pháp, tâm người ấy sẽ thông hội với tâm của tất cả chư Phật; nói một cách khác, nếu người ấy lĩnh hội chân lý mà đức Phật Thích-ca-mâu-ni dạy thì người ấy sẽ hiểu được ý nghĩa chân thực của mọi giáo lý. Thứ hai, chư Phật hóa thân từ đức Phật Thích-ca-mâu-ni giảng cùng một Pháp như Pháp được giảng trong kinh Pháp Hoa. Điều này chứng tỏ rằng hết thảy mọi giáo lý đều thống nhất vào kinh Pháp Hoa. Thứ ba, sự tu tập của mỗi vị trong vô lượng trăm ức đại Bồ-tát đều giống như sự tu tập của Bồ-tát Phổ Hiền. Điều này nghĩa là Thánh tính của một vị Bồ-tát vốn có trước mọi thứ trong sự tu tập của ngài. Thứ tư, khi những tia sáng phát ra từ những đôi mày của chư Phật Phân thân lưu chuyển vào đỉnh đầu của đức Phật Thích-ca-mâu-ni, chư Phật Phân thân phóng các tia sáng từ khắp các lỗ chân lông của chư vị và trong mỗi tia sáng có vô số chư Hóa Phật. Điều này có nghĩa là Phật pháp quảng bá không giới hạn. Ánh sáng của chân lý chiếu đến mọi nơi, và tất cả những gì phù hợp với chân lý sáng ngời lên do ánh sáng phản chiếu của chân lý. Nhưng những gì bao phủ chân lý bằng ảo tưởng và tội lỗi sẽ không sáng lên dù cho những thứ này có nhận ánh sáng phản chiếu của chân lý. Do đó khi nào một người gỡ bỏ các ảo tưởng và tội lỗi khỏi tâm mình nhờ thực hành sám hối thì khi ấy người ấy vẫn còn căn bản tâm linh.
“Bấy giờ Bồ-tát Phổ Hiền sẽ lại phóng ánh sáng, tướng của bậc Đại nhân, từ giữa đôi mày ngài, đưa vào tâm của hành giả. Sau khi ánh sáng này vào tâm hành giả, người này sẽ nhớ lại trong thời của vô lượng trăm ngàn đức Phật trong quá khứ, người ấy đã thọ trì, tụng đọc kinh Đại thừa và người ấy sẽ thấy rõ ràng tinh tường các đời trước của mình, chẳng khác gì người ấy đã có các thần thông như túc mạng thông(1) Khoát nhiên đại ngộ, người ấy sẽ đắc đà-la-ni Triền và trăm ngàn vạn ức đà-la-ni”.
“Khoát nhiên đại ngộ”, không có nghĩa là chúng ta có thể chấm dứt ngay việc thực hành sám hối. Không gì có thể vượt xa hơn chân lý. Dù cho chúng ta có tự tin rằng mình đã chứng ngộ, cũng vẫn có sự khác biệt rất lớn giữa sự chứng ngộ của đức Phật và sự chứng ngộ của chúng ta. Do đó, chúng ta không được bỏ qua sự thực hành đánh bóng Phật tính của chúng ta chừng nào chúng ta còn sống.
(1) Túc mạng thông: một trong sáu thần thông. Đây là những năng lực kỳ diệu của đức Phật và các A-la-hán, đạt được do Thiền định và trí tuệ.