Thư Viện Hoa Sen

Giảng Văn Kinh 3 Sát Sanh

28/05/201012:00 SA(Xem: 12458)
Giảng Văn Kinh 3 Sát Sanh

KINH THẬP THIỆN GIẢNG GIẢI
Hoà Thượng Thích Thanh Từ
Thiền Viện Thường Chiếu 1997

 

SÁT SANH

ÂM:

Long vương! Nhược ly sát sanh, tức đắc thành tựu thập ly não pháp. Hà đẳng vi thập?

Nhất

:

Ư chư chúng sanh phổ thí vô úy.

Nhị

:

Thường ư chúng sanh khởi đại từ tâm.

Tam

:

Vĩnh đoạn nhất thiết sân nhuế tập khí.

Tứ

:

Thân thường vô bệnh.

Ngũ

:

Thọ mạng trường viễn.

Lục

:

Hằng vi phi nhân chi sở thủ hộ.

Thất

:

Thường vô ác mộng, tẩm giác khoái lạc.

Bát

:

Diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải.

Cửu

:

ác đạo bố.

Thập

:

Mạng chung sanh thiên.

Thị vi thập. Nhược năng hồi hướng A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề giả, hậu thành Phật thời, đắc Phật tùy tâm tự tại thọ mạng.

DỊCH:

Long vương! Nếu xa lìa sát sanh thì được thành tựu mười pháp không bức não. Những gì là mười?

1. Bố thí đức vô úy cùng khắp chúng sanh.

2. Thường khởi lòng từ bi đối với chúng sanh.

3. Dứt sạch tập khí giận hờn.

4. Thân thường không bệnh.

5. Mạng sống lâu dài.

6. Thường được phi nhân ủng hộ.

7. Thường không ác mộng, thức ngủ an vui.

8. Diệt trừ oán kết, oán hận tự giải.

9. Không sợ rơi vào đường dữ.

10. Khi chết sanh lên cõi trời.

Đó là mười. Nếu hướng về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sau khi thành Phật, được tùy tâm Phật, thọ mạng tự tại.

GIẢNG:

1. Ư chư chúng sanh phổ thí vô úy: Phàm sát sanh đi đôi với trộm cướp. Mọi người ai cũng trọng mạng sống mình, nếu có người muốn giết mình chết, mình tránh không cho họ giết, song họ vẫn tìm để giết. Như vậy mình không cho họ mạng sống mà họ vẫn tìm mình để giết. Đó là họ cướp mạng sống của mình. Loài vật cũng thế, khi người cầm dao muốn giết nó, nó không đưa cổ cho người giết, thế mà người dùng sức mạnh cột trói đè cổ nó để giết. Như vậy là người vừa sát sanh, vừa cướp mạng sống của loài vật. Nên nói sát sanh đi đôi với trộm cướp. Ngược lại không sát sanh thì không trộm cướp, lại còn bố thí đức vô úy cho mọi loài, khiến cho mọi loài được an ổn không sợ hãi. Người cũng như vật đều có mối giao cảm. Đối với người có tâm ác hay giết hại, thì người vật ở gần họ có cảm giác sợ sệt. Chẳng hạn như loài chim, thấy người cầm súng cầm cung là nó sợ bay đi nơi khác không dám tới gần. Còn với người có lòng từ không hại mạng nó thì nó không sợ mà tới gần đậu trên vai trên tay. Loài người cũng vậy, đối với những kẻ hay giết hại thì người đời kinh sợ tránh xa. Với người hiền đức thì lân la thân thiện. Cho nên nói không sát sanhbố thí đức vô úy (không sợ hãi) cho người.

2. Thường ư chúng sanh khởi đại từ tâm: Không sát sanh khởi lòng từ bi đối với chúng sanh bằng cách nào? Ví dụ có người đi đường thấy cá lóc lên bờ nằm. Người không giữ giới sát liền bắt cá đem về nhà kho nấu ăn cho ngon miệng. Đó là người sát sanh không có lòng từ bi đối với loài vật. Ngược lại, người giữ giới không sát sanh khi thấy cá mắc cạn, khởi lòng thương, sợ cá chết, bắt đem thả xuống ao hồ cho nó sống. Vì vậy mà nói do xa lìa nghiệp sát nên khởi lòng từ bi đối với chúng sanh.

3. Vĩnh đoạn nhất thiết sân nhuế tập khí: Do đoạn dứt nghiệp sát sanh nên dứt sạch tập khí sân giận nơi tâm (ý). Người còn muốn giết hại sanh mạng người vật là còn hung dữ, hung dữ là do nóng giận. Người không còn giết hại mạng sống người vật, lại khởi lòng thương là đã xa lìa được lòng nóng giận.

4. Thân thường vô bệnh: Người do không tạo nghiệp sát, nên được quả báo tốt không bệnh. Vậy ai hay đau yếu bệnh hoạn thì biết đời trước mình đã giết hại sanh vật nhiều, nên không than trách vì biết nhân mình đã tạo rồi giờ này thọ quả vậy.

5. Thọ mạng trường viễn: Do không sát sanh nên thọ mạng được lâu dài. Những người hiện đời sống lâu là do họ ít tạo nghiệp sát, do nhân không sát nên chiêu cảm được quả báo tốt.

6. Hằng vi phi nhân chi sở thủ hộ: Người không tạo nghiệp sát được phước báo, thường được phi nhân quỉ thần ủng hộ. Người này ở đâu cũng được bảo bọc gìn giữ an ổn không bị nhiễu hại.

7. Thường vô ác mộng, tẩm giác khoái lạc: Người nào ngủ chiêm bao thường thấy mộng dữ như cọp rượt, rắn cắn… thì biết đời trước tạo nhiều nghiệp sát. Người lúc thức thường được an vui, khi ngủ ít mộng mị, giấc ngủ yên lành thì biết đời trước thường xa lìa nghiệp sát sanh, nên mới được an lạc như vậy.

8. Diệt trừ oán kết, chúng oán tự giải: Người không tạo nghiệp sát hại, chẳng những hiện tại không kết thêm thù oán với người vật, mà những oan trái oán thù đời quá khứ lần lần cũng hết.

9. Vô ác đạo bố: Không tạo nghiệp sát hại, thường được quả báo an lành, có đủ lòng tin với chánh pháp nên không sợ rơi vào đường ác như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

10. Mạng chung sanh thiên: Như trước đã nói người tu mười nghiệp lành thì được phước báo mạng chung sanh lên cõi trời.

Đó là mười công đức của người giữ giới không sát sanh hại vật. Trong mười nghiệp lành, chỉ tu một nghiệp không sát sanh mà kết quả được sanh lên cõi trời. Nếu biết hướng về quả Phật, thì sau khi thành Phật thọ mạng muốn kéo dài bao lâu tùy theo sở nguyện, đó là Ứng thân ở trong cõi đời không bị nghiệp lực chi phối bức bách, đến đi do nguyện lực.

Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 59334)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: