Thư Viện Hoa Sen

Chương 13: Tịnh Tâm Thủ Chí

12/06/201012:00 SA(Xem: 15326)
Chương 13: Tịnh Tâm Thủ Chí

KINH BỐN MƯƠI HAI CHƯƠNG 
Thích Phước Tịnh Giảng Giải

CHƯƠNG XIII
TỊNH TÂM THỦ CHÍ

Thưa đại chúng,
Hôm nay chúng ta sẽ đi vào chương mười ba với đoạn Kinh ngắn mang tên Tịnh Tâm Thủ Chí.

A. CHÁNH VĂN.

Sa Môn vấn Phật: “Dĩ hà nhân duyên đắc tri túc mạng, hội kỳ chí đạo?”

Phật ngôn: “Tịnh tâm thủ chí khả hội chí đạo. Thí như ma kính, cấu khử minh tồn, đoạn dục vô cầu, đương đắc túc mạng.”

Có một vị Sa môn hỏi Phật: “Do nguyên nhân gì mà biết được đời trước và đạt được sự cao tột của Đạo?”

Đức Phật dạy: “Đoạn trừ tham dục, lòng không mong cầu thì sẽ có khả năng biết được đời trước. Thanh tịnh tâm tư, giữ vững ý chí thì có thể đạt được chỗ cao tột của Đạo, như lau gương hết bụi thì ánh sáng hiển lộ.”

B. ĐẠI Ý.

Đoạn Kinh nầy Đức Phật dạy người biết giữ lòng trong sạch, không còn tham đắm mong cầu, thì thể hội Đạo đắc được túc mạng. Chứng được Túc mạng minh tức biết được mạng sống trong nhiều kiếp về trước.

C. NỘI DUNG.

1. Tam Minh tự hữu.

Ở đây, chữ “túc mạng” được dịch: “Biết được đời trước” không lột được hết nghĩa để chúng ta có thể hiểu rõ từ “túc mạng” nầy. Túc mạng cũng được gọi là Túc mạng minh hay Túc mạng thông. Đây là một trong những thần thôngĐức Thế Tôn chứng được sau khi thành đạo. Ngoài ra còn có một thần thông nữa là Thiên nhãn thông và một thần thông đặc biệtLậu tận thông. Lậu tận thông hay Lậu tận minh đều có cùng một nghĩa giống nhau.

Văn học Phật giáo giải thích có ba thứ minh và sáu thần thông. (Tam minhlục thông.) Nhưng ở chương Kinh nầy, chúng ta sẽ học vào ba thứ minh.

Hai câu hỏi từ vị Sa môn: “Do nhân duyên gì mà đắc được Túc mạng minh và hội kỳ chí Đạo.” cũng có nghĩa là đạt đến lậu tận thông.

Túc mạng minhthần thôngnăng lực thấy suốt nhiều kiếp quá khứ của chính mình và của tất cả chúng sinh. Và với tuệ giác Đức Thế Tôn khi cần Ngài có thể nhìn thấy được căn cơ, nghiệp thức của chúng sinh đã trải qua bao nhiêu kiếp, gây thiện nghiệp gì và ác nghiệp gì, đã từng sinh ra nơi đâu mà hiện thời lại có mặt nơi nầy. Thiện căn của họ nhiều hay ít, trong tương lai bao nhiêu kiếp nữa thì họ có thể thành tựu Niết Bàn.

Thấy cùng tột như vậy nơi chính mình và người gọi là chứng Túc mạng minh. Khi nói đến Túc mạng minh nầy có thể khó tin. Chúng ta nghĩ làm thế nào mà người thường lại có khả năng nhìn thấu suốt được vô số kiếp về trước, vô số kiếp về sau của người và của chính mình. Nhưng với ví dụ nhỏ, đơn giản sau đây sẽ cho chúng ta thấy thứ thần thông nầy không có gì đáng nghi ngờ, không có gì là khó hiểu cả: trong cuộc sống có những lúc mà tâm thức ta lặng yên, nếu cần nhớ đến quá khứ của tuổi mười, mười lăm chúng ta nhớ rất dễ. Nhưng nếu chúng ta luôn bận rộn, luôn sống trong lo âu, lăng xăng, bất an, xao động mà muốn tìm về quá khứ thời ấu thơ thì hình ảnh cũ nhạt nhòa không cách gì ta nhớ nổi. Từ điều nầy quí vị có thể tin chắc là khi tâm thức ta yên lắng đến một mức độ nào đó thì chúng ta có khả năng nhìn thấy được chính mình và người không phải khó.

Thưa đại chúng, đời sống con người ghi dấu trên dung mạo, trên tâm thức không bao giờ bị mất. Vật chất tán ra sẽ thành năng lượng, và năng lượng kết tụ lại thành vật chất. Thế nên những vận động tư duy của con người là một dạng năng lượng tác động vào không gian sẽ không bao giờ mất cả. Những việc ta làm, những điều ta nói, những gì ta suy nghĩ đều ảnh hưởng vào môi trường chung quanh và quan trọng nhất là ghi lại dấu ấn rất đậm trong chính mình. Nếu có một chút sâu sắc trong kinh nghiệm tu tập, quí vị có thể nhận ra người kia đang tu giỏi hay không, có thực tập an trú trong chánh niệm hay không.

Chỉ ở mức độ cạn mà chúng ta có thể kiểm nhận được dễ dàng, huống hồ với tuệ giác sáng ngời của Đức Thế Tôn thì Ngài thấy được quá khứ, vị lai, hiện tiền, kiếp luân hồi là chuyện hẳn nhiên. Cho nên thần thông đầu tiên là Túc mạng minh không có gì khó tin, khó hiểu.

Trong mỗi con người chúng ta có đến mười ba tỉ tế bào thần kinh não, nhưng một người cho dù cực kỳ thông minh cũng chỉ xử dụng nhiều lắm khoảng sáu tỉ tế bào nầy thôi, phần còn lại vẫn ngủ vùi, chưa thức giấc. Các nhà bác học tuy chỉ làm thức giấc phân nửa hệ thần kinh não mà họ đã có cái nhìn xa tới cả trăm năm về hướng tương lai. Họ đã xử dụng nó để cho ra đời những phát minh vượt bực về khoa học, cung hiến cho con người một nền văn minh vật chất phát triển vĩ đại như hiện tại.

Còn người tu tập giỏi, với năng lực chánh niệm tỉnh giác sẽ có khả năng làm thức giấc toàn bộ vùng nhận biết trực giác của hệ thần kinh não, nên năng lực của họ rất kỳ diệu.

Thực chất chưa cần đi vào chiều sâu tâm thức. Ở mặt cạn của vật lý, con ngườimột sinh vật cực kỳ thông minh vì có một kho tàng đồ sộ, vô giá trong tự thân là hệ thống thần kinh não. Nhưng chúng ta không biết cách xử dụng hay chưa xử dụng hết khả năng vô cùng xảo diệu của nó.

Chúng ta đã để nó ngủ yên đến hai phần ba, chỉ làm cho một phần ba hoạt động. Nếu được đánh thức dậy toàn bộ thì năng lực kỳ diệu ta có là Túc mạng minh, Thiên nhãn minh; và năng lực tột cùng kỳ diệu chứng đắc được nơi tâm là Lậu tận minh. Đây là những điều rõ ràng, dễ hiểu được chứng minh qua những thách thức đối với khoa học của các nhà thực tập Yoga có năng lực. (họ vẫn sống sau khi uống những chất acid cực độc, hay có thể sống trong một tháng ở điều kiện ngưng tim, tắt hơi thở khi bị đóng vào hòm thủy tinh...) Cho nên con ngườimột sinh vật kỳ diệu hơn chúng ta tưởng mà chúng ta bỏ quên. Bỏ quên không đánh thức được năng lực tuyệt hảo đó của chính mình.

Tu là một cách đánh thức dậy năng lực tự hữu. Nếu chúng ta tu có định lực, mặc dù không phải trong truyền thống đạo Phật như truyền thống Yoga, hay truyền thống của các tôn giáo khác chúng ta cũng có thể đạt tới các loại thần thông cạn tùy mức độ của định lực.

Trong tất cả thần thông của Đức Phật thì Lậu tận minh hay Lậu tận thông rất quan trọng. Lậu tận minhthần thông đặc biệt duy nhất chỉ có đạo Phật tặng cho con người. Lậu tận minh là đã sạch hết lậu hoặc của tâm thức. Những hạt giống phiền não, ái nhiễm, ngã chấp làm cho ta có mặt trong cuộc đời, cho ta nổi chìm trong sinh tử. Chấm dứt, sạch nhẵn mê lầm thì có mặt Lậu tận minh. Ta không còn khả năng rơi rớt lại chốn nhân gian nầy nữa, không còn khởi phiền não để sinh trở lại, luân hồi gọi là chứng đắc được Lậu tận minh.

Đặc biệt trong văn học Thiền tông Lậu tận minh được triển khai rất hay:

Có một ngoại đạo đạt được ngũ thông tức có được năm thần thông đầu giống như Đức Phật, nhưng Lậu tận minh tức lậu tận thông thì chưa, nên ông hỏi Đức Thế Tôn: “Năm thứ thần thông trên thì con biết, nhưng Lậu tận minhthần thông gì xin Ngài chỉ bày cho con.” Đức Thế Tôn liền cất tiếng gọi: “Bà La Môn Hữu kiến” Vị ngoại đạo liền: “Dạ.” Đức Phật bảo: “Lậu tận minh của ta đó.”

Đây là câu chuyện Thế Tôn muốn diễn bày cho ta về thể ngộ Lậu tận minh như thế nào. Có thể chuyện hơi khó hiểu, chúng ta sẽ có cơ hội trở lại phần nầy để thấy sự cao quí của Lậu tận minh trong đạo Phật.

Thưa đại chúng. Ta hãy đọc lại đoạn Kinh của chương mười ba nầy và nghe Đức Phật trả lời khi vị Sa môn hỏi Ngài:

“Nhân duyên nào để đắc được túc mạng và thể hội được đạo?” “Hãy giữ lòng cho trong sạch, giữ được chí nguyện tu tập thì sẽ đạt đến chỗ tuyệt vời của Đạo, ví như mài gương loại trừ hết cáu bẩn thì gương sẽ sáng lên. Đoạn dục vô cầu thì chứng được túc mạng.” Chúng ta có thể mở rộng thêm đoạn nầy như sau: Gạt hết lòng ham muốn, sự tham đắm không còn nữa thì có thể đắc được túc mạng, và chứng được Túc mạng minh, hẳn sẽ đạt được thần thông tương đối.

2. Một bước nhảy.

Ở đoạn Kinh nầy chúng ta nghe Đức Phật nhắc tới hai chữ “đoạn dục”. Dục nầy có rất nhiều tầng; tầng cạn, tầng vừa và tầng thâm sâu tinh tế tùy theo trình độ tâm thức của con ngườiđam mê, ham muốn được nâng cấp dần dần.

Ví dụ trong cuộc sống bình thường, những người tham đắm tiền tài, ngũ dục là những người đang chìm vào đam mê của thế tục, gọi là dục ở mức độ cạn.

Ở mức độ trung bình là khi người ta đã no đầy về đời sống ngũ dục, sự tham đắm năm món dục thế gian như vật chất, dục lạc, sắc hương vơi đi thì tham đắm danh trở thành sâu nặng.

Chúng ta nên nhớ một điều đam mê bóng sắc, hương vị là loại đam mê thô, dễ chán. Như khi ta thèm ăn, nếu được ăn no ta không còn thèm nữa. Nếu ham muốn sắc dục và được thỏa mãn khi lao vào con đường nầy thì sau đó cũng chán, chẳng còn gì thích thú nữa. Cho nên tất cả những đam mê thuộc về lãnh vực thô của vật lý đều rất dễ làm cho ta chán, có thể khước từ, chối bỏ không khó.

Nhưng niềm đam mê không thuộc về vật lý như đam mê danh rất khó bỏ. Danh không bóng hình, không sắc màu nhưng lại dẫn con người say trong cảm giác hưng phấn của thỏa mãn bản ngã cao ngạo. Và càng đi vào đam mê của tâm thức, của danh thì mức độ cuốn hút của nó mạnh vô cùng, không chán được. Không một người nào đam mê danh mà chán cả.

Thưa đại chúng, chúng ta rời danh lợi thế gian đi vào đạo, nhiều lúc chúng ta lập lại y những điều ở thế gianngày xưa chúng ta đã từng đam mê vậy. Người rời bỏ cuộc đời thường đến với đạo là đã phát nguyện đi trên con đường phát triển chiều hướng tâm linh. Thế nhưng khi bước vào chốn già lam, có duyên may và phước lành sống trong đời sống tiện nghi, vật chất đầy đủ do Phật tử, tín đồ quý trọng cung hiến, nhiều khi làm ta đắm chìm trong đó. Những gì mà ta đã nguyện rời bỏ thì bây giờ bắt đầu tái hiện trong tâm thức ta. Dần dần ta thành người tham tiền của nặng nề còn hơn khi chưa vào đạo. Đây là điều có thật.

Khi tuổi của chúng ta lớn đến một chừng mức nào đó thì những điều kiện vật chất không còn sức hút bao nhiêu, nhưng bấy giờ mãnh lực cuốn hút ta quay cuồng nhất là danh.

Ai mà chạm đến uy tín mình, đụng đến tôn giáo mình, trường phái tu của mình là chúng ta không chấp nhận được. Đây chỉ là mức độ trung bình.

Ở mức độ sâu hơn, tham rất là vi tế. Vi tế đi vào đến chữ tu. Tu mà ham muốn mau thành đạt cũng là một loại tham.

Có một vị Phật tử hỏi tôi sao ở trong pháp đường con nghe Thầy dạy, con rất là thích. Con có cảm tưởng tu rất là dễ. Nhưng khi học xong, ra về con có cảm tưởng đâu cũng vào đấy. Lòng con vẫn lao xao, vẫn bất an. Tôi bảo là do mình khởi tâm tham nên mình thấy tu rất khó. Vị Phật tử rất ngạc nhiên. Nhưng thưa quí vị, nếu bình tâm lại thì chúng ta thấy điều nầy rất rõ. Khi chưa từng biết đạo, tâm thức chúng ta thường lao vào hướng của phiền não, lo âu, bất an... nhưng khi hiểu biết chút ít đạo lý, chúng ta nghĩ phải làm thế nào để tải trọng tâm thức mau nhẹ cho sự phục hồi năng lượng chánh niệm của mình có mặt ngay. Thế là chúng ta vội vàng tìm cách làm thế nào để chuyển tải, loại trừ những lo âu, phiền não, bất an... đang đè nặng trên tâm thức để ta được thảnh thơi, nhẹ nhàng... Nhưng khi chúng ta khởi ý mong muốn đó, là khơi động thêm một đối lực rất mạnh từ bên trong sống dậy, tạo thành sự đánh phá làm xao động tâm thức mình hơn. Và mình càng bất an hơn. Rõ ràng là do tâm tham của chúng ta mà thôi.

Tâm thức chúng ta lúc nào cũng có khuynh hướng dễ sinh khởi tâm tham. Cái gì cũng bận tâm, cái gì cũng muốn ôm vào cho đầy nên khi muốn cho kho trống không phải dễ. Cả một chiều dài từ thủa bé cho đến giờ, chúng ta trầm mình trong đòi hỏi, trong ham muốn vật chất, lao vào ngũ dục thế gian; khi biết đạo thì muốn quay lại một trăm tám mươi độ, muốn làm cho xong ngay. Điều nầy không thể được dù trên bình diện rất cạn của chân lý đời thường. Ví dụ như trên mặt biển cuồn cuộn nỗi ba đào vì gió. Mặc dù gió đã ngừng nhưng cũng phải cần thời gian sóng mới dịu dần; từ đợt sóng lớn trở thành nhỏ rồi đến những lượn sóng lăn tăn... và cuối cùng mặt biển mới trở lại yên bình. Làm sao có chuyện gió dừng thì sóng lặng liền được! Cái gì cũng đòi hỏi thời gian của nó.

Thưa đại chúng giai đoạn đạt được Lậu tận minh chứng được tam minh, tứ trí là quá trình của một bước nhảy. Từ bờ bên nầy tử sinh bước một cái vèo qua bờ bên kia. Đây là một bước nhảy vọt; bước nhảy thời gian ngắn hơn chớp mắt, không phải chuyện bước lần lần. Thế nhưng, quá trình của bước nhảy là cả một chuỗi dài của sự thực tập.

Ví dụ như khi ta nấu nước, muốn nước sôi phải qua quá trình đun nóng từ ba đến năm độ, hai mươi độ lên đến một trăm độ. Đến đúng một trăm độ thì mới có bước nhảy xảy ra. Bước nhảy từ thể lỏng thành thể hơi. Nếu chưa đến một trăm độ thì không thể có được bước nhảy. Và chứng nghiệm được Lậu tận minh gọi là một bước nhảy lượng tử. Đó là nguyên tắc.

Cho nên thưa quí vị, đoạn dục là dứt tham muốn từ vật chất rất thô cạn đến chỗ cực kỳ vi tế của tâm thức chứ không phải chỉ đoạn cái tham ở mặt cạn. Tôi chia xẻ như thế để quí vị qui chiếu lại là công phu tu tập có những chặng đường từ lúc mới thực tập cho đến thực tập giỏi, và tới lúc thực tập cực giỏi.

3. Từ cạn đi vào tinh tế.

Thông thường, mới thực tập chúng tathói quen rất mạnh tay với chính mình. Nhưng về lâu tâm thức càng thuần thì sự thực tập càng nhẹ đi. Nhẹ đến độ sự thực tập của ta như có như không, thênh thang như mây trời; lúc bấy giờ sự thực tập của ta đã khá thuần thục. Ví dụ lúc ban đầu chúng ta lập chí thực sâu, nhất định phải thực tập ngày đêm làm sao an trú được trong chánh niệm, hay hứa với mình là phải ngồi cho thẳng, rồi gồng người lên, nắm tay lại thật chắc... Tất cả những sự cố gắng đều làm cho ta mỏi mệt và không phải là điều tự nhiên của cơ thể bình thường.

Bước ban đầu, sự thực tập của mỗi người trong chúng ta hay làm giống nhau như thế, nhưng dần dần quí vị sẽ thay đổi, quí vị sẽ thông minh hơn, sẽ tự học ngay nơi thân tâm mình. Rồi tự mình sẽ có phương pháp thực tập của riêng mình, sẽ biết làm thế nào để cách thực tập vừa nhẹ nhàng, vừa hiệu quả. Đây là kinh nghiệm rất ư là cá nhân của những con người thực tập. Không một ai có thể truyền đạt một cách thế nào đó để mọi người có thể thực tập cho nhẹ nhàng, có hiệu quả cả.

Trên con đường tu, chúng ta phải biết cách thực tập thế nào để ngày càng đi đến trạng thái nhẹ nhàng hơn, cho đến lúc sự thực tập của mình trở thành tự nhiên như hơi thở, thì lúc bấy giờ sự thực tập thành công. Đây là cả một tiến trình thực tập đòi hỏi thời gian dài. Khi công phu thực tập của chúng ta đã tới mức độ nhuần nhuyễn thì bấy giờ chúng ta không cần đặt chú ý nhiều đến hơi thở nữa, nhưng tự nhiên hơi thở lỏng dần ra, nhẹ dần đi. Và trong từng hơi thở, không có hơi thở nào mà không có chánh niệm soi sáng cả.

Đến mức sâu sắc nhất của sự thực tập là lúc dụng công ta không còn vận dụng ý chí gì mà tự nhiên công phu tu tập, sự thực tập của mình trôi chảy miên man, liên tục thì lúc bấy giờ niệm ham muốn vi tế mới sạch nhẵn. Nhưng trong giai đoạn thực tập chúng ta còn dụng công, vận dụng ý chí thì chắc chắn vẫn còn niệm ham muốn.

Đây là những gì tôi chia xẻ từ mức độ cạn đến mức độ vi tế nhất, để quí vị nắm được, đi vào.

4. Tịnh tâm thủ chí.

“Tịnh tâm thủ chí” có nghĩa là lắng lòng, giữ vững được ý chí.

Trong cuộc đời con người để thành đạt lợi danh rất dễ, nhưng giữ vững niềm tiný chí để tu là điều rất khó. Tại sao khó? Thưa, nếu chúng ta giữ vững ý chí, niềm tin để thành đạt công danh, thành đạt vật chấtthành đạt những điều rất dễ thấy, dễ kiểm soát và cũng dễ giữ vững ý chí. Hơn nữa, con đường thế gian hướng ngoại để thành đạt công danh nầy nọ tặng cho ta niềm tin, tự hào về bản ngã, cho nên không hiếm gì con người lập chí vươn mình đứng dậy để làm giàu dù cuộc đời bị vùi dập nhiều lần. Và cũng không thiếu người đầu tư mười năm, hai mươi năm để có được một mảnh bằng, đầu tư cuộc đờichông gai để có được địa vị cao sang trong lãnh vực lợi danh. Tuy khó khăn nhưng người ta vẫn giữ ý chí, đeo đuổi niềm đam mê không mỏi mệt. Nhưng trên con đường tu, giữ được niềm đam mê cho sự tu tập từ đầu đến cuối khó vô cùng.

– Điều khó thứ nhất, con đường tu bắt chúng ta phải loại trừ bản ngã của mình. Những gì nuôi lớn lòng kiêu ngạo, tự hào, ta phải loại trừ. Cho nên đi vào con đường tu là từ cái có chúng ta đi dần vào cái không; mà từ đang có đi dần vào không thì tự bản thân con đường tu là sự đối nghịch với đời sống của ta, chứ không thể thuận với ta bao giờ.

Thưa quí vị, chúng ta đã khổ cực vô cùng để có được cuộc sống đầy đủ, có được địa vị, có được tri thức, có niềm tự hào như hiện tại nhưng đối với Đạo Phật thì những thứ đó là những trở ngại. Càng đi vào đường tu thì chúng ta phải là người vô ngã, không có gì để tự hào cả nên khi mới bước vào ta có cảm tưởng con đường nầy dễ đi, và sẽ giữ được chí tu bền bỉ. Nhưng thưa không, càng đi sâu vào rồi chúng ta thấy như mình bị mất mát. Đó là điều khó thứ nhất cho người thủ chí.

– Cái khó thứ hai là những thành đạt bên ngoài ta còn kiểm tra được, còn sự thành đạt của con đường tu ta không kiểm tra được. Tâm thức chúng ta đạt được chừng mực nào đó chỉ chúng ta là người nhận biết, không ai biết cả. Học hànhthế gian cực nhọc nhưng còn có những kỳ thi, còn có những lớp để mình bước qua, có bằng cấp cho mình biết được sự thành đạt của cái học. Con đường tu không có lớp để bước qua, không ai chứng cho chúng ta là đã đạt được tam thiền, tứ thiền... gì cả. Chỉ có ta chứng biết lấy trình độ đời sống tâm linh của ta. Do vậy chúng ta rất dễ chán. Đó là yếu tố thứ hai khó thủ chí cho việc tu.

– Điều thứ ba càng khó khăn hơn nữa là chí nguyện của ta phải là chí nguyện lâu dài. Chí của người tu không phải là một việc làm để được nghỉ ngơi. Tuy không cần nôn nóng, vội vàng, bừng bừng như lửa cháy nhưng nó phải có mặt luôn trong đời mình, dìu dịu như lửa than không tắt giây phút nào cả.

Người ta có thể hy sinh đốt một ngón tay, đốt chín nốt hương trên đầu, hay chặt ngón tay cúng dường Phật rất dễ nhưng nuôi được chí nguyện từ ngày nầy qua ngày khác suốt cuộc đời, giờ đầu cũng như giờ cuối là chuyện không dễ.

Người ta có thể làm việc cực nhọc được nhưng phải có lúc nghỉ ngơi, nếu cứ phải làm mãi hoài, đều đều như thế thì khó ai có thể làm được. Nhưng con đường tu là con đường như vậy.

Người tu không cần nôn nóng, không cần vội vàng, cứ đều từng bước thực tập chánh niệm mà bước hoài không ngưng nghĩ. Đó là thủ chí.

Vấn đề kế tiếptịnh tâm. Tịnh tâm là lắng được lòng. Tuy là từ rất đơn giản nhưng lắng được lòng phải có hai trạng thái lặng và chiếu cùng một lúc có mặt thì chúng ta mới có thể đạt được Đạo. Con đường của đạo Phậtcon đường của Định và Tuệ. Lòng ta có an tịnh, thanh thản nhưng nếu không có ánh sáng chánh niệm đi vào thì ta chìm vào hôn mê, chìm vào buồn ngủ. Thiền ngữ gọi là “Nước chết không chứa được rồng” hay “Chìm vào hang quỷ”. Nếu để ý, người thiền tập lâu những thời thiền tọa, công phu chúng ta hay đi vào con đường nầy. Dù khi lòng yên lắng nhưng năng lượng của tuệ không có mặt tức sự tỉnh sáng không có thì chúng ta sẽ lạc hoặc là lặn vào trạng thái vô ký mà không biết, lững đững lờ đờ như sắp chìm vào giấc ngủ. Hay sâu hơn là chìm vào giấc ngủ trong lúc lặng nầy. Cho nên Định và Tuệ hai trạng thái của tâm phải cân bằng và luôn cùng một lúc có mặt. Lục Tổ gọi là “Định huệ đẳng dụng” hay “Định huệ tương tức” khi công phu.

5. Sự hỗ tương của hai bước công phu.

Thưa. Tôi xin chia xẻ để quí vị lưu ý. Chúng ta có hai loại công phu tức hai loại thực tập:

Loại thực tập nghiêm túc có thời khóa được quy định như ngồi thiền, thiền lạy, thiền hành. Đó là loại thực tập trong tịnh, trong yên lặng.

Loại thực tập thứ hai là thực tập trong động, tức là thực tập trong những sinh hoạt hằng ngày. Hai điều nầy hỗ tương cho công phu tu tập của chúng ta.

Trong lúc bình thường sinh hoạt như khi ăn, khi làm việc, khi đọc sách, khi ngồi chơi, khi leo núi, khi nằm nghĩ... mà ta không vận dụng sự thực tập thì năng lượng chánh niệm của chúng ta, lúc cần phải khó nhọc vô cùng mới làm cho tâm yên tịnh lại.

Nếu ta vận dụng được công phu thực tập, làm mọi việc trong chánh niệm tỉnh sáng thì lúc ngồi trên bồ đoàn tu rất dễ, một giờ tọa thiền đi ngang qua rất là nhẹ. Và trong thời thiền tọa khi đã an trú trong trạng thái chánh niệm thì năng lượng của một thời tu đó sẽ giúp chúng ta mọi lúc, mọi nơi và trong tất cả mọi hoạt động.

Và tôi xin nhắc lại, điều đặc biệt quan trọng trong sinh hoạt tu tập của chúng ta, hai yếu tố phải có mặt là tĩnh lặng và sáng tỏ. Sự lặng lẽ tỉnh sáng nầy dễ thực tập lúc bình thường hơn khi thực tập theo thời khóa. Ví dụ khi quí vị đang ngồi đây nghe lời tôi nói từng tiếng một rõ ràng vang lên đồng thời cũng đang nghe tiếng quí thầy dịch bên tai. Quí vị nghe mà không cần khởi ý niệm suy nghĩ gì cả; đó là lúc ta đang an trụ trong trạng thái của Định. Nghe mà biết từng lời rõ ràng là ta đang có mặt Tuệ. Định và Tuệ cùng có mặt khi ta đang ngồi, đang nghe.

Một điều đặc biệt nữa là khi thân động tâm ta dễ an. Khi thân an thì tâm ta lại dễ xao động. Hai điều nầy cũng dễ có mặt. Do vậy, nếu thông minh chúng ta hãy vận dụng mọi thời khắc trong ngày để thực tập. Thong dong đi thiền hành, quét nhà, rửa chén... đó là những điều kiện rất tuyệt vời để chúng ta thực tập mời gọi năng lượng chánh niệm về ngự lại trong thân tâm mình. Bất cứ việc gì trong mọi sinh hoạt của tu viện, chúng ta đều có thể lợi dụng trọn vẹn thì giờ đó để thực tập chánh niệm. Đừng chờ đợi đến thời khóa mới làm được việc ấy là chúng ta biết sống xứng đáng từng ngày. Tóm lại, sự hỗ tương của hai bước công phu rất rõ ràng, chúng ta cần phải hết lòng thực tập.

6. Tiếng “dạ” nhiệm mầu.

Cuối cùng, để tổng kết chương, chúng ta hãy trở lại câu hỏi Lậu tận minh của ngoại đạo.

Ngoại đạo hỏi Đức Thế Tôn thế nào là Lậu tận minh? Đức Phật gọi: Bà la môn Hữu kiến. Ngoại đạo: “Dạ”. Thế Tôn bảo; “Ấy là Lậu tận minh.”

Thưa đại chúng, Lậu tận minhthần thông tuyệt vời nhất mà năng lực của nó khi có mặt cắt đứt luôn sinh tử trong nhiều kiếp của một đời người. Dòng sinh mạng của chúng ta đã trải qua từ vô thỉ đến hiện tại. Có khi nó biểu hiện rõ như một dòng suối chảy ra ngoài cho ta thấy, khi không biểu hiện nó chảy thầm lặng dưới cát, dưới đá và hình hài của chúng ta cũng chỉ là một giai đoạn biểu hiện của dòng sinh mạng dài vô tận nầy.

Tôi lấy ví dụ đời sống của loài ve. Chúng ta chỉ nhìn thấy nó vào khoảng mỗi mùa hè. Nhưng đời sống của chúng không phải giới hạn ở đó. Chúng đã có cuộc sống dài hơn mười năm ẩn mình sâu trong lòng đất, và từ những ấu trùng bé tí nằm chờ thay hình đổi dạng, qua nhiều đợt chuyển mình lớn dần, lớn dần thay vỏ, lột xác để một sớm tình cờ trèo lên thân cây cất tiếng hát có mặt với đời.

Chúng ta cũng thế, kiếp nầy may mắn được biểu hiện làm con người là đã từng trải qua dòng sinh mạng chảy dài bao nhiêu kiếp tử sinh. Nếu là người có duyên đạo rất lớn, thông minh thì ngay trong một kiếp nầy ta nắm được pháp môn thực tập, ta cắt được dòng chảy tử sinh; không còn phải trở lại làm con ấu trùng như những con ve chìm trong lòng đất cả mười năm. Và nếu ta tu tập giỏi, thì chứng được Lậu tận minh như Đức Thế Tôn đã dạy. Lậu tận minh quan trọng do vì trong dòng chảy tử sinh liên tiếp, chứng nghiệm được nó chúng ta cắt ngang được luân hồi ngay đây chứ không cho tiếp nối nữa. Và cắt ngang ngay đây có nghĩa là từ một chúng sanh đang nổi chìm trong sanh tử, thoát kiếp con người trở thành một bậc giác ngộ.

Trở lại tiếng: “Dạ” của Bà La Môn khi Đức Thế Tôn gọi.

Thưa quí vị, khi bất chợt bật lên tiếng “Dạ” thật tình cờ, ngay lúc đó không có một ý niệm gì khởi lên bên trong tâm thức người ngoại đạo cả và phút giây đó Định, và Tuệ cùng có mặt. Tức khắc sự nhận biết tỉnh sáng có mặt. Sự nhận biết trong sáng, tĩnh lặng, không tiếng nói thì thầm là cái ta nguyên sơ của mình. Là cái thật nhất của mình. Là năng lượng giác ngộ tỏa sáng từ bên trong vị Phật của ta hiển hiện. Chúng ta chỉ làm một việc rất dễ là nắm lấy sát na tỉnh sáng bất động hiện tiền để thực tập liên tục thì chứng được Lậu tận minh. Lậu tận minhcon đường chấm dứt sinh tử. Thế thôi.

Tạo bài viết
15/10/2010(Xem: 48850)
Vào năm 2015 ngôi chùa Linh Thứu tại thủ đô Berlin của xứ Đức, đã đảm nhận trọng trách tổ chức một khóa An Cư Kiết Đông cho hơn 100 vị Chư Tăng Ni đến từ các nơi, chủ yếu là Âu Châu. Gần mười năm sau, Chùa lại được hân hạnh đón tiếp lần thứ hai gần 100 Vị đến tu tập những 10 ngày từ mùng 9 đến 18 tháng 12 năm 2024, đó là khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 12, nếu không trừ ra vài khóa vắng bóng thời Cô-Vít ngày nào!
Ngày 3/1, ngày thứ tư kể từ khi đặt chân tới đất Thái Lan, đoàn của sư Minh Tuệ đang đi bộ dọc đường 217 trên khu vực thuộc huyện Phibun Mangsahan, tỉnh Ubon Ratchathani ở miền đông bắc Thái Lan.
Thay mặt Ủy ban Quốc gia Đại lễ Vesak LHQ 2025, xin trân trọng kính mời quý cư sĩ học giả tham gia viết bài và trình bày tại Hội thảo Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, diễn ra từ ngày 6 đến 8 tháng 5 năm 2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo năm nay với chủ đề chính: “Hợp nhất và Bao dung vì Nhân phẩm Con người: Tuệ giác Phật giáo cho Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững” cùng các tiểu chủ đề mang tính thời sự như: