Chương Thứ Mười Một - Phật Bảo Văn Thù So Sánh Chọn Căn Ưu Việt Nhất

24/03/201112:00 SA(Xem: 7490)
Chương Thứ Mười Một - Phật Bảo Văn Thù So Sánh Chọn Căn Ưu Việt Nhất

KINH THỦ LĂNG NGHIÊM GIẢNG GIẢI
SURAMGAMA SUTRA
Lê Sỹ Minh Tùng
Cuốn Hai

Chương Thứ Mười Một
PHẬT BẢO VĂN THÙ SO SÁNH CHỌN CĂN ƯU VIỆT NHẤT

Bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi trên tòa sư tử, ngũ thể đồng phóng ra ánh sáng báu soi sáng trên đảnh của thập phương Như Lai, các Pháp Vương Tử, các Bồ Tát như số vi trần. Chư Như Lai trong mười phương cũng phóng ánh sáng như vậy soi đến đảnh Phật Thích Ca và các Bồ Tát, các chúng Thanh Văn trong đại hội. Rừng cây ao hồ đều diễn ra tiếng pháp, ánh sáng của chư Phật giao xen như lưới tơ báu. Tất cả đại chúng được cái chưa từng có. Trời mưa hoa sen báu đủ màu: Xanh, vàng, đỏ, trắng xen lộn vào nhau. Thập phương hư không thành màu thất bảo. Cõi Ta bà bỗng nhiên không hiện chỉ còn thấy vi trần quốc độ trong mười phương hợp thành một cõi, tiếng ca ngâm thanh thoát tự nhiên dìu dặt nổi lên.


Đức Phật Thích Cachư Phật mười phương cùng phóng ra ánh sáng báu có nghĩa là tất cả chư Phật cùng nói lên Chân lý. Bởi vì đã là Chân lý thì Phật Thích Ca hay bất cứ vị Phật nào cũng đều nói y như vậy, không sai khác. Cái trí tuệ của bậc giác ngộ thì cao siêu vô cùng vô tận mà trên thế gian này không có thứ trí tuệ nào có thể sánh bằng. Chúng sinh thì cũng có cái trí tuệ này tức là có Phật tánh cũng như chư Phật, nhưng ở chúng sinh cái trí tuệ kia bị lu mờ, không sáng tỏ vì bị màn vô minh quá dày che lấp. Do đó ngày nào lau sạch bụi vô minh, khói phiền não thì chúng sinh sẽ phục hồi lại cái trí tuệ sáng suốt của mình. Con người sống trong thế gian phải đối diện với bao nỗi nghiệt ngã của vô thường, vô ngã, khổ và bất tịnh nên lúc nào cũng dính liền với phiền não, khổ đau. Kinh điển Phật giáo thường dùng chữ “Cõi Ta bà” để chỉ cho cái thế giới của chúng ta đang sống.

Vậy thế nào là cõi Ta bà? Cõi Ta bà được dịch từ Hán tự là “kham nhẫn” nghĩa là bất cứ chúng sinh nào sống trong cõi Ta bà là phải cam tâm nhẫn chịu biết bao tham, sân, si, mạn, nghi, hơn thua phải quấy, vui mừng hờn giận, tốt xấu, thật giả…ngay cả hài lòng hay không hài lòng cũng phải chấp nhận. Nhưng đoạn kinh trên dạy rằng “cõi Ta bà bỗng nhiên không hiện” có nghĩa là lúc bấy giờ thân tâman lạc, tâm hồn trong sáng thanh thoát tự tại, có khinh an nên tất cả những cảnh tượng buồn phiền đau khổ biến mất đâu còn. Nói cách khác khi cảnh phiền não khổ đau, bất toại ý không còn nữa thì cũng như cõi Ta bà biến mất chớ thật ra Đức Phật đâu có dùng thần thông làm biến mất trái đất này được. Khi chúng sinhtâm thanh tịnh, có khinh an tự tại thì ngay cảnh giới họ đang sống cũng y như cảnh giới an lạc Niết bàn của mười phương chư Phật. Đó chính là “Tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” tức là tâm an thì cảnh an, tâm bình thì thế giới bình.


Vì thế nếu chúng sinhtâm thanh tịnh, sống với bốn đức Thường, Lạc, Ngã , Tịnh và thể nhập bản giác tịnh minh thì họ nhìn đâu cũng là hoa thanh thoát dịu dàng và nghe gì cũng là nhạc êm đềm an lạc. Phật phóng ra thập phương hư không đủ màu thất bảo có nghĩa là trí tuệ giác của Phật là trí tuệ tuyệt trần vô thượng chẳng có thứ trí tuệ nào hơn được. Đừng nghĩ rằng thất bảo ở đây là vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, trân châu, san hô, mã não. Đây chỉ là “văn dĩ tải đạo” nghĩa là lời văn chỉ dùng để chuyên chở những ý nghĩa thâm sâu ở bên trong. Nên nhớ chư Phật, chư Bồ Tát không cần những thứ vật chất giả tạm, phù du đó cho nên thất bảo đối với các Ngài cũng như cỏ rác, chẳng có giá trị chi cả.


Phật bảo Bồ Tát Văn Thù rằng :


- Ông hãy xét nghiệm thành quả tu chứng “viên thông” của 25 vị Bồ TátThanh Văn vừa đã trình bày. Vẫn biết rằng lục căn, lục trần, lục thức, thất đại đều là những dữ kiện tu chứng viên thông, nhưng nay Như Lai muốn cho ông A Nan nghe và nhận xét để tự chọn một pháp môn tu thích hợp. Như Lai cũng cần một pháp môn phương tiện để dạy cho chúng sinh mạt thế cõi Ta bà, những người đại thừa cầu vô thượng đạo một phương pháp tu hành hiệu quả tốt, chóng thành công phổ biến cho mọi căn cơ sau khi Như Lai diệt độ.


Đức Phật là đấng toàn giác thì không lẽ Ngài không biết pháp môn nào là thù thắng, ưu việt giúp cho hàng căn cơ hạ liệt làm nhân địa tu chứng hay sao? Nhưng tinh thần dân chủ khách quan là một biểu tượng cao quý nhất của Phật giáo vì thế thay vì Ngài chọn cho ông A Nanđại chúng một pháp môn thù thắng để tu thì Ngài dành vai trò này cho Văn Thù Bồ Tát. Ngày nay các vị lãnh tụ trên thế giới cũng noi theo tinh thần khách quan này mà lắng nghe mọi khuynh hướng, tư tưởng trước khi đi đến quyết định sau cùng. Vì thế càng học Phật Pháp, chúng sinh càng phát huy tối đa tinh thần bình đẳng cao quý và khả năng nhận thức khách quan vô ngã vị tha cao thâm huyền diệu của đạo Phật. Sống trong thế giới tương đối, cùng một hiện tượng nhưng một người cho đó là đúng còn kẻ khác lại cho là sai, do đó, văn tự ngôn ngữ không đóng vai trò quan trọng trong Phật giáo. Cứu cánh cho người tu Phật là sự thực chứng, sự thấu biết tột cùng mà không có lời nói hay văn tự nào có thể diễn tả được. Vì vậy hễ có nói là có sai, còn chủ quan chấp trước nên Đức Phật không muốn nói mà chỉ yêu cầu Ngài Văn Thù đại diện cho mình mà giới thiệu pháp môn nào thích hợp nhất cho mọi căn cơ để tu tập.


Bồ Tát Văn Thù vâng từ chỉ của Phật cung kính chấp tay, nói bài kệ kính dâng lên Phật :


Biển giác tánh lặng trong


Vốn nhiệm mầu trong sáng


Tất cả mọi chúng sinh không phân biệt màu da chủng tộc đều có sẵn cái Phật tánh sáng suốt nhiệm mầu như nhau nên gọi là biển giác. Do đó nếu chúng sinh chỉ cần phát huy Phật tri kiến của mình tức thì mình là Phật chớ còn tìm Phật ở đâu. Do đó toàn bộ giáo lý Đức Phật không ngoài mục đích chỉ dạy chúng sinh hội nhập Phật tri kiến để thấy và sống với chơn tâm, Phật tánh của chính mình. Ngày nay trên khắp thế giới, người đệ tử Phật thay vì chú tâm tu học để thấy được Phật tâm, Phật tánh linh thiêng huyền diệu của mình thì họ lại chạy theo Phật tướng bên ngoài. Phật dạy : ”Phàm hữu sở tướng giai thị hư vọng” nghĩa là cái gì có hình tướng là giả tạo, vô thường, sinh diệt cho dù con người có gọi là Phật ngọc, Phật vàng thì cũng là sinh diệt, biến hoại. Chỉ có Phật tâm, Phật tánh của chính mình mới chính là tánh giác diệu minh trong sáng huyền diệu, bất sanh bất diệt mà thôi.

Phật năng thanh tịnh huyền diệu nhiệm mầu thì con người lại bỏ quên mà đi cầu Phật sở sinh diệt, vô tri vô giác bên ngoài. Nếu cục đá kia thật sự có linh thiêng như họ tin tưởng thì tự nó biến thành tượng Phật chớ đâu cần bàn tay con người đập, đẽo, chùi, mài. Đức Phật Thích Ca chỉ là một đấng toàn giác, là vị vô thượng đạo sư chớ Ngài không phải là đấng thần linh thì cục đá vô tri kia làm sao linh thiêng để phù hộ, gia bì cho ai được. Còn Phật ngọc linh thiêng mầu nhiệm nhất trên thế gian này thì lúc nào cũng ở trong tâm của mình mà mình lại bỏ quên để đi tìm Phật đá bên ngoài. Nếu Phật ngọc thật sự mang lại được hòa bình cho thế giới thì tại sao không thỉnh tượng Phật ngọc sang Iraq hay A Phú Hản để con người đừng giết hại lẫn nhau? Các vị Lạt Ma tin vào cầu nguyện thì tại sao các Ngài không cầu nguyện tượng Phật ngọc để Trung Cộng trả đất lại cho người dân Tây Tạng?

Chúng sinh kính ngưỡng hình tượng Đức Phật vì Ngài là biểu tượng cho từ bi trí tuệ, là vị thầy cao cả, là đấng vô thượng đạo sư, người đã đem ánh đạo vàng gieo khắp thế gian giúp cho nhân loại thoát khỏi khổ ách của phiền não vô minh mà đạt tới cứu cánh tột đỉnh là an lạc thanh tịnh Niết bàn. Theo tinh thần Phật giáo thì chính con người phải tự mình giải quyết những vấn đề như chiến tranh hay hòa bình, hạnh phúc hay khổ đau của chính mình. Chiến tranh hay hòa bình là do con người quyết định chớ không dính dấp gì tới Phật trời cả. Nếu con người biết sống khoan dung độ lượng để biết thương yêu nhau thì họ biến chiến tranh thành hòa bình, ngược lại nếu các nhà lãnh đạo chạy theo những tham vọng đen tối thì từ hòa bình thành chiến tranh giết chóc thế thôi.


Đức Phật Thích Ca đã khẳng định rằng Ngài chỉ là một đấng đạo sư, chứ không phải là đấng cứu thế, đấng thần linhthế đạo Phật là con đường giúp chúng sinh tự mình chứng ngộ chân lý, tự mình có được giải thoát giác ngộ chứ Phật không cứu rỗi, độ cho bất cứ ai. Bồ-đề, Niết bàn là do chúng sinh tự hóa giải hết vô minh phiền não mà có chứ không phải do Phật, Bồ-tát ban tặng. Bớt một phần vô minh thì có một phần Bồ-đề, hóa giải một phần phiền não thì có một phần an lạc Niết bàn. Đức Phật hy sinh cả cuộc đời vương giả, không ngại dầm mưa giải nắng, cực khổ gian lao để đi tìm chân lý. Đến khi thành đạo Ngài đã đem ánh đạo vàng gieo khắp các nơi, đem nước từ bi rưới xuống cứu độ chúng sinh để “lìa khổ được vui” không phân biệt là cung vua phủ chúa hay mái tranh nghèo của người nông phu vì thế không có nơi nào ở Ấn Độ mà không có dấu chân Phật. Nếu đây không phải là “Tha lực Phật” đã gia bị cho chúng sinh thì là gì? Nhưng trong Phật giáo không hề có việc ân sủng cứu rỗi vì nó đi ngược lại với quy luật nhân quả phát triển khách quan của tất cả vạn hữu trong vũ trụ.


Tánh bản minh chiếu ra như “sở”


Chấp tướng “sở” mất tánh bản minh


Cội nguồn của tất cả mọi vô minh phiền nãochúng sinh gánh lấy bắt đầu từ Năng và Sở. Nhưng trong tánh giác minh không hề có tướng “Năng” tướng “Sở”. Con người được cấu tạo bởi ngũ uẩn cho nên có sáu căn và phát ra cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết thì gọi là chủ thể phân biệt mà kinh này gọi là Năng phân biệt. Thí dụ con mắt thấy sắc tức là mắt thấy cái nhà, cái xe…thì đây là năng phân biệt của mắt. Rồi sau đó mới có phân biệt đẹp, xấu, lớn nhỏ…thì gọi là Sở phân biệt. Thí dụ tai nghe bản nhạc thì biết hay biết dở thì cái hay, dở này là sở phân biệt của căn tai. Vì có Năng có Sở nên phiền não vô minh dấy khởi bởi vì cái gì mình cảm tình, bằng lòng thì chấp thủ, bám lấy còn cái gì mình không hài lòng thì chán ghét…vì thế trong tâm chất đầy phải quấy, tốt xấu, hơn thua, lấy bỏ, thiện ác….Do đó, Năng, Sở là nguyên nhân gây ra sự u buồn đau khổ cho chúng sinh.


Vì thế mà phần Quán Tưởng đảnh lễ Phật trong kinh Nhật Tụng có câu :


“Năng lễ, sở lễ tánh không tịch


Cảm ứng đạo giao nan tư nghì”.


Nói về sự tướng thì chúng sinh là Năng lễ còn hình tượng của Phật là Sở lễ tức là chúng sinh lạy hình tượng Đức Phậtbiểu thị lòng tin của người Phật tử đối với đấng đạo sư vô thượng. Nhưng đứng về bản thể thì “Tánh không tịch” là lễ lạy mà coi như không lễ lạy bởi vì tuy người Phật tử (năng lễ) có lễ lạy hình tượng Đức Phật (sở lễ) bởi vì Phật là đấng giác ngộ, là ngọn đuốc tuệ giúp chúng sinh thoát ra khỏi vô minh khổ ách. Nhưng nếu chúng sinh quay về với thể tánh thanh tịnh tức là sống với Phật tâm, Phật tánh của chính mình thì tâm mình chính là tâm Phật rồi chớ còn lễ lạy ai nữa cho nên nói là lễ Phậtnhư khônglễ lạy gì hết. Do đó chỉ khi nào chúng sinh thấy được tánh không, sống được với chơn tâm, Phật tánh của chính mình thì lúc đó mới “cảm ứng đạo giao nan tư nghì” nghĩa là tâm chúng sinhtâm Phật trong mười phương pháp giới bây giờ hòa nhập mà trở thành một không thể diễn bày được. Đó là chơn tâm trùm khắp vậy.


Chấp tướng “sở” là thấy sắc chạy theo sắc, nghe thanh luyến theo thanh… nên mới khen chê, lấy bỏ nghĩa là con người không làm chủ được sáu căn của mình mà chạy theo sáu trần nên phiền não vô minh phát tác thì tánh bản minh trong sáng thanh tịnh dĩ nhiên biến mất, đâu còn.


Do phân biệt vọng thấy hư không


Tựa hư không hình thành thế giới


Vì có sự phân biệt năng sở nên thấy không mà cho là hư không, nhưng thật ra cái không này là chơn không diệu tánh thanh tịnh bản nhiên và cũng là cội nguồn để phát sinh ra tất cả vạn hữu vũ trụ. Đó chính là chơn không mà diệu hữu tức là bất biến tùy duyên nghĩa là từ cái chơn không vô hình vô tướng đó mà phát sinh ra cái thế giới hữu hình có sinh có diệt. Vì vậy Tâm Kinh có câu : ”Sắc tức là Không và Không chính là Sắc”. Hay nói theo kinh Lăng Nghiêm là “Tánh sắc chơn không, Tánh Không chơn Sắc” là vậy.


Chủng tử vô tri thành cõi nước


Sắc tâm minh liễu tức nhơn sinh


Do tánh đồng dị mà các chủng tử có hấp lực để tác tạo. Thí dụ như thế gian có các loài vô tình chúng sinh như mặt trời, mặt trăng, cỏ cây, hoa lá…và loài hữu tình chúng sinh như con người và các loài động vật khác. Nhưng tất cả cũng từ cái không mà duyên khởi tạo tác và sau đó cũng trở về với cái không thanh tịnh ban đầu. Nói tóm lại, chủng tử vô tri giác hợp lại thành ra thế giới và những chủng tử hữu tri giác thì kết tập tạo thành hữu tình chúng sinh.


Hư không sanh trong “Đại giác”


Như bong bóng nổi giữa đại dương


Đại giác là nói về tâm tánh của con người. Tuy cái bầu hư không to lớn bao la, nhưng cái tâm đại giác thì nó bao trùm hết cả cái bầu hư không đó một cách gọn ghẽ và trọn vẹn cũng giống như những bong bóng nổi giữa đại dương, không biết bao nhiêu mà kể. Thế thì cái tâm đại giác tức là chơn tâm, Phật tánh thì bao la vô cùng vô tận, vô bờ vô bến trùm khắp tất cả.


Có vị học giả chẳng những am tường tất cả những tư tưởng triết lý trên thế gian mà ngay cả Phật giáo ông cũng thấu hiểu rất uyên thâm. Một hôm đến tham vấn một thiền sư rằng :


- Bạch Hòa thượng! Tôi đã đọc rất nhiều lần mà vẫn chưa tỏ ngộ tại sao trong kinh Duy Ma Cật, ông Duy Ma Cật có thể đem ba mươi hai ngàn tòa sư tử vào trong cái tịnh thất của ông? Hoặc ông lấy núi Tu Di rộng lớn thế ấy mà để vào trong hạt cải được?


Thiền sư hỏi lại ông :


- Ông là bậc học giả uyên thâm thì chắc chắn ông đọc rất nhiều kinh sách có phải vậy không?


- Dạ đúng vậy.


- Vậy kinh sách ông đọc qua nhiều như cái thư viện mà thân ông cao chỉ khoảng hơn một thước rưỡi thế thì những kinh sách kia ông chứa ở đâu?


Vị học giả bấy giờ thức tỉnh lạy tạ lui ra.


Cái tâm của chúng sinh thì rộng lớn bao la vô cùng vô tận, không giới hạn cho nên tuy thế giới vũ trụ rộng lớn thế nào thì cái tâm rộng lớn như thế ấy. Vì thế ba mươi hai ngàn tòa sư tử hay núi Tu Di cũng ví như một hạt cát trong bải cát của sông Hằng, chẳng có gì là to lớn cả.


Cõi nước hữu lậu như vi trần


Sanh khởi trong bầu hư không ấy


Vì cái bầu hư không quá rộng lớn cho nên tất cả các thế giới hữu lậu tuy rất nhiều không kể xiết, nhưng vẫn nằm gọn trong cái bầu hư không ấy. Tại sao? Bởi vì cái có là từ cái không mà ra cho nên nếu không có cái chơn không thì làm sao diệu hữu một cách nhiệm mầu thành ra thế giới được. Nhắc lại tuy hư không có rộng lớn như thế, nhưng nó vẫn còn nằm gọn trong đại giác như những bong bóng nổi giữa đại dương. Vì thế cái tâm của con người tức là đại giác thì rộng lớn bao la vô cùng vô tận, trùm khắp cả hư không, không bờ không bến. Cái tâm nầy chính là Như Lai Tạng bản thể tức là tập khởi tâm (A lại da) để tích tập và duyên khởi tạo thành muôn sinh vạn vật. Còn cái tâm hằng ngày của chúng sinhvọng tâm sinh diệt, có đến có đi thuộc về loại khách trần phiền não biểu hiện qua vọng tâm chớ không phải là bản tâm, chơn tâm thanh tịnh. Vậy tâm và tánh khác nhau ở chỗ nào? Tâm là cái diệu dụng của tùy duyên còn tánh là cái bản thể của bất biến.

Thí dụ như tâm kếp tập duyên khởi tạo thành các loại chúng sinh từ vô tình đến hữu tình. Trong loài hữu tình chúng sinh thì loài người là có tánh linh tức là có ý thức phân biệt nên được xem là cao cả hơn hết. Tuy nhiên trong nhân loại cũng không đồng đều tùy theo căn nghiệp của họ cho nên có người thông minh mà cũng có người chậm hiểu, đó là cái dụng của tâm. Tuy căn nghiệp có chi phối, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ như thế nào đi chăng nữa thì trong tất cả mọi chúng sinh ai ai cũng đều có cùng Phật tánh cho nên mọi người đều có khả năng trở thành Phật. Đây là cái thể của bất biến. Vì thế nếu chúng sinhkiến tánh nghĩa là thấy được thật tánh của con người thì gọi là Phật tánh còn thấy được thật tánh của vạn pháp thì gọi là Pháp tánh.


Hư không chưa ví tày nước bể!


Thì sá chi ba cõi vốn bọt bèo


Hư không thì bao la vô cùng vô tận cũng như nước biển của đại dương. Thế mà cái hư không đó chẳng thể nào so sánh được với cái không cùng không tận của chơn tâm, Phật tánh. Cái tánh giác rộng lớn như thế thì ba cõi dục giới, sắc giớivô sắc giới ví cũng như bọt bèo trong biển. Vậy thế nào là ba cõi? Chúng sinh đừng hoài công ảo huyền mà nghĩ rằng trong vũ trụ bao la có cõi này cõi nọ mà thật ra ở bất cứ nơi nào có chúng sinh là có ngay ba cõi ở đó. Người nào còn tham dục, thực dụcdâm dục nhiều thì người đó đang ở trong cõi dục. Còn ai tự tại trước những vật chất mình đang thọ hưởng nghĩa là có mà như không, không dính mắc, không bị lôi cuốn thì họ đang sống trong cõi sắc.

Còn những ai tưởng tượng những chuyện ảo tưởng hoang đường, ngồi thiền để xuất hồn đi gặp ông này bà nọ, nói chuyện với Phật trời, với Quan Âm thì tuy họ đang ở thế gian, nhưng coi như đang ở cõi vô sắc. Họ cầu nguyện hồn ma bóng quế, lên đồng nhập cốt tức là tin tưởng vào một thế giới ảo huyền, không có thật tức là cõi vô sắc. Nói cách khác, nói tam giới, nhưng sự thật làm gì có tam giới mà chỉ có ở trong tâm của những người còn chạy theo tham đắm dục tình, chạy theo vô minh phiền não. Còn người biết giữ gìn Chánh Pháp, sống đúng với Chánh Pháp thì làm gì có tam giới. Ngày xưa chư Tổ dạy rằng nếu muốn có chánh định thì hành giả phải quay về những chỗ thanh vắng, yên tịnh để có nhiều thì giờ tư duy quán chiếu, thực hành thiền mà tỏ ngộ được tận nguồn chân lý. Có được như vậy mới đốn ngộ thẳng vào chánh nhân thành Phật được. Thực hiện được như vậy là đánh đổ cả tam giới và 25 cõi vì đối với người có tâm rỗng rang tự tại thì không có cõi gì cả. Nói cách khác khi đạt được đạo thì Pháp giớinhất chơn nên chẳng còn cái gì là tam giới, hay 25 cõi.


Về nguồn không hai đích


Phương tiện có nhiều đường


Tuy giáo pháp Như Lai có tới 84.000 phương tiện, nhưng tựu trung cũng nhắm thẳng vào một cứu cánh duy nhấtgiải thoát giác ngộ. Cũng như khi đứng trên đỉnh núi nhìn xuống thì có rất nhiều con đường dẫn lên núi, nhưng nếu bây giờ nhìn từ dưới đất nhìn lên thì chỉ có một đỉnh núi cao mà thôi. Vì thế phương tiện là nhân mà giải thoát giác ngộ mới là cứu cánh. Do đó chúng sinh tùy theo sở nguyện của mỗi người mà tu thiền, tu tịnh, tu mật, tu giáo, tu chùa, tu nhà, tu chợ, tu trong sở làm…nhưng cứu cánh vẫn là làm sao đạt được tâm thanh tịnh mà có giải thoát Niết bàn.


Quả chứng chẳng ngại nhau


Thuận nghịchphương tiện


Trong Phật giáo, không có gì là chứng đắc cả bởi vì cái mà con người gọi là chứng đắc chẳng qua là khả năng đoạn trừ vô minh phiền não để trở về sống với con người thật tức là bản lai diện mục của chính mình. Thật ra trước khi chứng đắc, chúng sinh đâu có vô minh phiền não, nhưng dần theo thời gian cái bụi trần bám víu mỗi ngày một chút nên con người sống xa dần với chân tánh, với chơn tâm Phật tánh sáng suốt nhiệm mầu của mình. Vì vậy tu hành thì nhà Phật gọi là hồi đầu thị ngạn tức là quay thuyền trở lại bến xưa chớ thật ra có tu hành gì đâu. Khi nào chúng sinh phủi sạch bụi vô minh, bặm phiền não thì tự tánh Bồ ĐềNiết Bàn hiển lộ. Vì thế Tâm Kinh dạy rằng : ”vô Trí diệc vô Đắc” là vậy. Thí dụ cũng như người vì nghe lời dụ dỗbỏ nhà đi hoang nên cuộc sống khổ cực lầm than, bây giờ thức tỉnh tìm đường quay về nhà cũ lối xưa. Lúc đó khổ cực không còn, lầm than biến mất mà có tự tại, an lành thì gọi là hạnh phúc. Nhưng nghĩ lại trước khi bỏ nhà đi thì họ đã có hạnh phúc viên mãn chớ đâu phải khi về trở lại thì mới có cái hạnh phúc này.


Sơ tâm vào tam muội


Mau chậm chẳng đồng nhau.


Con đường tiến về giải thoát giác ngộ tuy chỉ có một, nhưng căn tánh chúng sinh vốn bất đồng nên có kẻ ngộ nhanh, có người ngộ chậm. Lục Tổ mới nghe qua câu : ”Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” thì Ngài liền ngộ đạo, ngược lại Thiền sư Thần Tú thì nhìn “Thân như cội Bồ Đề”. Vì vậy nhanh hay chậm trong đạo Phật là không quan trọng, mà quan trong nhất là chúng sinh biết mình có đi đúng đường bởi vì có đi mới có đến. Thí dụ ngày nay có máy bay nên con người đi lại tương đối dễ dàng, nhưng ngày xưa bằng tàu thủy, con người vẫn có thể khám phá ra năm châu bốn bể như thường.

SO SÁNH SỰ ƯU KHUYẾT CỦA SÁU TRẦN, NĂM CĂN, SÁU THỨC VÀ BẢY ĐẠI

Sắc bị vọng tưởng tác động vào thanh trần làm mất đi cái hồn nhiên như thị khách quan của sự vật, khó mà tu chứng “viên thông”.


Sắc là nói cho tất cả những vật thể có hình tướng của thế giới hữu vi. Thí dụ như đóa hoa, cái nhà, cái xe, ngọn núi…Còn trần là biểu tượng của nhiễm ô, không trong sạch. Nếu một người tâm bất tịnh tức là còn nhìn đời bằng ánh mắt của tham đắm dục tình thì nhìn cái gì cũng mê cũng thích, cũng muốn chiếm lấy nên sắc bây giờ bị thanh trần làm nhiễm ô theo. Bởi vì chúng sinh nghĩ rằng trong cái sắc có sự quyến rũ hấp hẫn lòng người khiến con người hành động bất thiện. Nhưng nghĩ kỹ lại thì vật chấtvô tri vô giác, tự tánh thanh tịnh bản nhiên chớ có quyến rũ ai đâu. Cái mà con người gọi là hấp dẫn là bởi tại cái nhìn của họ có tham đắm si mê chớ vật thể tự nó đâu có tham đắm si mê. Vì vậy đối với những bậc đạo cao đức trọng thì sắc bây giờ không còn là trần nữa vì cái nhìn của họ đối với thế gian là huyễn nên chẳng có cái gì làm họ động tâm. Do đó đối với họ thì “Kiến sắc vi can sắc, Văn thanh bất thị thanh” nghĩa là tuy có thấy sắc nhưng con mắt không chạy theo sắc và tai nghe âm thanh mà cũng như không nghe gì hết, không bị lôi cuốn của âm thanh của nhạc điệu. Vì vậy nếu sắc không bị vọng tưởng tác động thì không thành “trần” cho nên người biết đạo thì sắc không thể gọi là trần được.


Thanh âm kết hợp bỡi ngữ ngôn, biểu hiệu cụ thể của âm thanhdanh ngôncú nghĩa. Tác dụng của âm thanh còn phiến diện khó mà tu chứng “viên thông”.


Tất cả vật thể trên thế gian chỉ là vật thể do duyên khởi tác tạc mà thành, nhưng con người lại đặt cho nó tên nầy tên nọ để gọi. Thí dụ, nhìn vào vườn hoa thì nào là hoa huệ, hoa cúc, hoa hồng, nhưng người Mỹ thì gọi là lily, mums hay rose thế thì cũng một loài hoa nhưng mỗi nước gọi khác nhau thì đâu có ngôn ngữ, lời nói nào là đúng hay đồng nhất? Con người thì có tên Minh, tên Hoàng, tên John, tên Susan. Nhà thì có nhà lầu, nhà trệt, nhà chọc trời, nhà tranh, nhà lá….Vì thế cái tên mà con người dùng để gọi chỉ là âm thanh, ngôn ngữ, là pháp sinh diệt chứ chẳng có gì là thật, là phản ảnh đúng hình tướng đó cả. Do đó nếu dựa vào âm thanh sắc tướng làm nhân địa tu hành thì khó mà chứng đắc được viên thông.

Hương có mùi hợp mới thành tác dụng, nếu để ly ra, dù hương có cũng như không. Hương trần không tương tục hiện hữu, khó mà tu chứng “viên thông”. Nếu mùi hương có tác dụng với mũi mới thành Tỷ thức mà có sự phân biệt. Nhưng mùi hương thì không phải lúc nào cũng có bởi vì bình thường thì tuy mũi có thở nhưng không ngửi mùi vị gì hết. Thí dụ khi đi ngang qua đống rác, chỉ cần nín thở vài phút thì đâu có ngửi mùi xú uế do vậy hương trần mà không tác động với mũi thì chẳng có phản ứng gì. Thêm nữa, hương trần không liên tục tác dụng vào Tỷ căn nên cảm nhận tương đối rất ít cho nên nếu lấy hương trần làm nhân địa tu hành thì khó chứng đắc viên thông.

Vị không phải đương nhiên tự có, cần phải nếm mới biết có vị. Đối với giác cũng không liên tục nên khó mà tu chứng “viên thông”. Ở đây vị giác cũng vậy. Nếu không cắn trái ớt thì làm sao biết trái ớt cay đến mức nào. Do đó vị cần phải nếm mới có giác mà con người hằng ngày chỉ ăn uống có mấy lần thì vị giác cũng chỉ phát hiện chừng ấy cho nên nếu lấy vị giác làm căn bản để tu thì cũng khó chứng đắc viên thông.

Xúc có vật chạm mới biết, nếu không cái biết xúc không thành. Xúc trong lúc hợp, chẳng xúc được lúc ly, nên khó mà tu chứng “viên thông”. Xúc tức là sự đụng chạm mà có. Thí dụ nếu không cầm cục nước đá thì tay đâu có biết lạnh. Tay không sờ cái áo lông thì không biết mềm. Nếu không có người đánh vào mặt thì mặt đâu có đau. Nhưng bình thường thì thân ít tiếp xúc với xúc trần nên thân thức cũng ít sanh khởi. Do đó nếu lấy xúc trần làm nhân địa tu hành thì khó chứng đắc được viên thông.

Pháp còn gọi là nội trần. Trần là đối tượng “Sở tri”. Năng, sở không là một, khó mà tu chứng “viên thông”. Những hình ảnh, âm thanh, nếm, xúc, biết đã xảy ra trong quá khứ khiến cho con người bây giờ nhớ lại để có thương ghét, hờn giận, tốt xấu, hơn thua, phải quấy, bằng lòng hay không bằng lòng thì gọi là pháp trần. Vậy pháp trầnbóng dáng của âm thanh, sắc tướng, nghe ngửi, nếm xúc biết của quá khứ mà bây giờ con người hồi tưởng lại chớ không phải những hiện tượng đó hiện tại đang xảy ra. Thí dụ như hiện tại mình đang ở Mỹ, nhưng nhớ lại mấy tháng trước những sinh hoạt với thân nhân bạn bè ở Sài Gòn. Trong Phật giáo, pháp trần được xem như là một trong những nguyên nhân chính phát sinh ra vọng tưởng khiến con người sống trong điên đảo. Vì thế Đức Phật dạy chúng sinh đừng quan tâm đến quá khứ tức là đừng khơi lại đống tro tàn của ký ức mà phiền não có cơ hội phát tác. Sau cuộc đổi đời năm 1975, rất nhiều vị có quyền cao chức trọng, giàu sang phú quý mà bây giờ cũng phải chạy cơm ngày hai bửa nên họ quay về sống với quá khứ để hồi tưởng lại những kỷ niệm êm đềm.

Càng nhớ càng lưu tâm về quá khứ thì càng luyến tiếc, càng ưu phiền chớ có ích lợi gì. Nhớ càng nhiều về sự nghiệp, tình yêu, thù hận thì càng ray rức, càng tê tái cõi lòng và dĩ nhiên càng có nhiều vọng tưởng thế thôi. Bất cứ ai cũng trải qua lứa tuổi đôi mươi thơ mộng, nhưng nó đã qua rồi thì cứ an vui ở bất cứ lứa tuổi nào vì nó chỉ đến có một lần. Quá khứ đã qua đi thì làm sao nắm bắt lại được cho nên muốn có hạnh phúc thì hãy sống với những giây phút hiện tại mình đang có ngay bây giờ. Trong sáu trần thì sắc, thanh, hương, vị, xúc là ngoại trần tức là những trần cấu ở bên ngoài tác tạo với nội căn để phát sinh ra vọng tưởng. Duy chỉ có pháp trầnnội trần vì nó phát hiện từ nội tâm nên nó rất tai hại bởi vì không cần đối tượng trước mặtcon người vẫn có buồn vui, sướng khổ, giận hờn như thường. Hễ có nhớ là còn khổ, còn luyến tiếc, còn vọng tưởng. Nhưng cái biết do ngoại cảnh nên gọi là “sở tri” để phát khởi cái biết tự trong tâm tức là “năng tri”. Một khi có năng có sở là có sự phân biệt nên chúng sinh khó lấy đó làm nhân địa tu hànhchứng đắc được viên thông.

2)NHƯỢC ĐIỂM CỦA NĂM CĂN :


Tánh thấy rỗng rang bao quát nhưng chỉ thấy được phía trước, chẳng thấy được phía sau. Bốn hướng tám phương mất đi một nữa, nên khó mà tu chứng “viên thông’.


Tuy mắt là một trong hai căn nhạy bén nhất, nhưng cái thấy của mắt bị ngăn ngại, không thông suốt. Mắt chỉ thấy phía trước mà không thấy được phía sau, thấy gần nhưng không thể thấy xa nên công dụng bớt đi mất phân nửa.


Mũi thở ra thở vào, chặng giữa không có thở, không dung thông, còn cách trở, khó mà tu chứng “viên thông”.


Hơi thở của mũi cũng không đều, có lúc thở ra có lúc hít vào, có lúc nín thở, có khi thở dài và cũng có khi thở ngắn. Người tâm định thì hơi thở rất bình thường đều đặn, khi tập thể dục hay chơi thể thao thì hơi thở rất mạnh và người đau yếu thì hơi thở thoi thóp. Thế thì hơi thở không nhất định, lúc cao lúc thấp, có lúc không nên khó dung thông.


Lưỡi không vị, tánh nếm không thành. Vị không phải lúc nào cũng sẵn có nên khó tu mà chứng “viên thông”.


Lưỡi bình thường thì không có vị. Bên ngoài của lưỡi được cấu tạo bởi rất nhiều tuyến để nhận biết, phân biệt mùi vị, nhưng tự thể những tuyến này là trung dung, không mùi vị. Nhưng con người đâu phải lúc nào cũng ăn uống cho nên lưỡi chỉ làm việc gián đoạn, không liên tục.


Thân biết xúc, nhưng phải có đối tượng. Năng sở xúc không thường liên tục thì khó mà tu chứng “viên thông”.


Thân có cảm xúc là do sự va chạm. Thí dụ cầm ly nước trà thì cảm thấy nóng, cầm cục nước đá thì thấy lạnh và tay sờ cái áo lông thì cảm thấy mềm mại êm đềm. Đi hay chạy bộ thì cảm thấy gió mát. Ai tát vào mặt thì xót xa đau đớn còn ai nựng vào má thì hạnh phúc yên vui. Nhưng nói chung thân có biết thì cần phải có xúc, nhưng hằng ngày sự tiếp xúc cũng giới hạn, gián đoạn nên cái biết của thân cũng không thường liên tục.


Ý căn thường xen với vọng tưởng. Loạn tưởng dừng thì chẳng thấy biết gì. Tưởng niệm không dễ gì dứt bỏ thì khó mà tu chứng “viên thông”. Khi thấy một người vào nhà thì biết có người vào thì cái biết này là nhãn thức, chưa có sự phân biệt. Nhưng nhìn kỹ thì đây là người đàn ông, ở tuổi ba mươi, là người bà con thì từ nhãn thức chuyển qua ý thức phân biệt rõ ràng. Vì thế ý căn là sự tiếp nạp những luồng tư tưởng từ năm căn gởi đến để phân biệt tạo thành vọng tưởng. Nếu không có những ý niệm từ các căn gởi đến thì ý căn tự nó không biết gì hết và chẳng có gì để phân biệt đối đãi. Mà ý tưởng thì tuôn chảy không ngừng, khó dứt cho nên vọng tưởng cũng vì thế mà sinh sôi nẩy nở mạnh trong tâm.

3) NHƯỢC ĐIỂM CỦA SÁU THỨC :

Cái thấy của mắt phải có căn trần. Cạn xét tột cùng nó không tự thể, không tự thể thì không nhất định nên khó mà tu chứng “viên thông”.


Muốn có cái thấy thì phải có mắt, có trần tức là có đối tượng để thấy và dĩ nhiên phải có tánh thấy. Nếu thiếu một thì cái thấy không thành tựu. Vì cái thấy tùy thuộc vào ba nhân duyên là mắt, trần và tánh thấy nên cái thấy không có tự thể cho nên cái thấy lúc có lúc không, không nhất định thành thử rất khó dựa vào đó mà tu chứng đắc viên thông.


Sử dụng cái nghe, nghe suốt mười phương, hạng sơ tâm không dễ dàng thực hiện nên khó mà tu chứng “viên thông”.


Tuy cái nghe có thể nghe suốt, không ngăn ngại và có ba đức tính là Viên, Thông và Thường. Thứ nhất “Viên” tức là viên mãn nghĩa là ở đâu mà có âm thanh thì tai có thể nghe được. Đức tính thứ hai của cái nghe là “Thông” tức là không bị ngăn bít. Thí dụ một người ca hát ở căn nhà kế bên mà chúng ta có thể nghe tiếng hát rất rõ ở trong nhà mình. Đức tính thứ ba là “Thường” tức là lúc nào cũng nghe. Tuy nhiên pháp tu “phản văn văn tự tánh” đòi hỏi hành giả phải vào thiền định nên những bậc sơ cơ khó thực hiện nếu không có sự hướng dẫn.


Quán điểm trắng ở tỷ căn đó chỉ là quyền phương tiện, nhằm thu nhiếp để trụ tâm. Trụ mà trở thành “sở trụ” thì khó mà tu chứng “viên thông”.


Đây là pháp tu thiền định mà hành giả ngồi ngay ngắn rồi nhìn thẳng vào điểm trắng ở sóng mũi của mình. Hành giả quán hơi thởchỉ định tâm nơi mũi thì có thể thu nhiếp vọng tưởng để quy tâm về một chỗ. Nhưng đối với người không thực hành thiền định lâu thì họ chấp nơi sóng mũi là “sở trụ” còn tâm của mình duyên ra sóng mũi thành ra “năng trụ”. Một khi có năng có sở thì rất khó mà tu chứng đắc viên thông. Thuyết pháp vận dụng âm thanh văn tự chỉ khai ngộ cho những ai Phật chủng đã trồng sâu. Danh cú, văn tự không phải là vô lậu thì khó mà tu chứng “viên thông”.


Trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng : ”vô pháp khả thuyết gọi là thuyết pháp” nghĩa là không có pháp để cho Như Lai thuyết bởi vì cái mà nói được thì nằm trong vòng lẩn quẩn tương đối, sinh diệt còn chân lý là pháp tuyệt đối, vô hình vô tướng, bất sinh bất diệt thì làm sao nói được. Dó đó “có “ hay “không” chỉ là phương tiện để đối trị với bệnh chấp của chúng sinh. Đức Phật chỉ dùng phương tiện để giúp chúng sinh tự mình thấy được chân lý chớ kinh điển, thuyết pháp không phải là chân lý. Vì thế khi nghe thuyết pháp thì người trí chỉ dựa vào âm thanh thuyết pháp để nghe cái gì chứa đựng bên trong. Ví như người nương theo ngón tay để thấy mặt trăng, còn nếu chấp ngón tay là mặt trăng thì cả đời cũng không bao giờ biết mặt trăng như thế nào.

Phật Phápbất định pháp nghĩa là có những bài thuyết pháp rất huyền diệu tuyệt vời, nhưng nó chỉ dành riêng cho một thành phần nào đó chớ không phải cho tất cả mọi người cho nên Phật mới nói cao, nói thấp và nói 84.000 bài thuyết là vậy. Do đó ngôn ngữ văn tự chỉ pháp là sinh diệt, là hữu lậu nên nếu chúng sinh không có chủng tử Phật thâm sâu mà chỉ nương theo tâm hữu lậu làm nhân địa tu hành thì không bao giờ đạt được pháp vô lậu thanh tịnh Niết bàn. Nói cách khác trong tất cả chúng sinh đã có sẵn chủng tử Phật Pháp, nhưng lý do họ không thấu hiểu là vì bị màn vô minh che lấp cho nên nếu mình có thể đánh tan màn vô minh hắc ám đó thì chủng tử Phật Pháp từ từ hiển lộ mà không cần Phật hay Bồ Tát thuyết. Màn vô minh càng vén thì Phật tánh càng hiển bày cũng như mây tan thì trời sáng tỏ. Đó là tại sao tuy Đức Phật thuyết pháp độ sanh suốt 49 năm ròng mà Ngài nói “Ta chưa hề nói một chữ” là vậy.

Giữ giới chỉ câu thúc cái thân, ngoài cái thân lấy gì câu thúc? Giới và thân vốn không cùng khắp thì khó mà tu chứng “viên thông”. Giữ giới là để câu thúc tức là kiềm chế cái thân. Thí dụ giữ giới sát sinh nên tay không giết hại súc vật. Hành động của thân thì có giới hạn nên có thể câu thúc được. Nhưng tâm ý thì tuôn chảy như dòng thác, liên tục bất tận thì làm sao câu thúc? Vì thế nhà Phật gọi giữ giới là “biệt biệt giải thoát” nghĩa là chúng sinh giữ được phần nào thì có giải thoát chừng ấy.

Giới là vì chúng sinh đi ngược lại với chơn tánh của mình, chớ nếu biết sống đúng với tánh giác diệu minh thì chẳng có giới gì để giữ cả. Thí dụ nhơn thừa thì có 5 giới và các vị Tỳ kheo thì có 250 giới. Con đường chúng sinh đi là Giới-Định-Tuệ nghĩa là có giới hạnh viên mãn thì tâm mới định và một khi tâm định thì chắc chắn trí tuệ sẽ sinh. Ngược lại các vị Bồ Tát hay chư Phật thì họ đã có trí tuệ viên mãn nên tâm hằng thanh tịnh. Mà tâm đã thường định thì chẳng thấy có giới gì để giữ. Tuy không giữ giới mà đây mới thật là giữ giới vẹn toàn. Vì giới và thân có giới hạn, không cùng khắp nên cái gì có giới hạn thì không phải là chơn tâm vô cùng vô tận nên đây không phải là pháp có thể nương tựa để chứng đắc viên thông.

Thần thông do tập nhân từ trước, không dính dáng với ý thức phân biệt pháp trần. Niệm lự, không rời sự vật thì khó mà tu chứng “viên thông”. Pháp trần luôn phát sinh những luồng tư tưởng của ký ức trong tiềm thức do đó mà ý thức hoạt động, tác tạo không ngừng khiến vọng tưởng cũng vì thế mà tăng trưởng. Thêm nữa, ý thức là do sự tổng hợp của nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thứcthân thức nên nếu không có đối tượng thì ý thức cũng không còn phân biệt được. Vì ý niệm phải cần có đối tượng nên ý thức lúc nào cũng dấy khởi, không ngừng nghĩ cho nên nếu dựa theo ý thức mà tu thì rất khó có được chứng đắc viên thông.

4) NHƯỢC ĐIỂM CỦA BẢY ĐẠI :


Đất, tánh của nó là ngăn ngại, nếu quán cái tánh của địa đại thì không thể thông suốt. Vả lại pháp hữu vi không là giác tánh thì khó mà tu chứng “viên thông”.


Tuy sáu căn, sáu trần, sáu thức và bảy đại đều là những dữ kiện để tu chứng đắc viên thông, nhưng tánh của đất là ngăn ngại, không thông suốt nên khó dựa theo đó mà tu chứng. Thêm nữa, đất là pháp hữu vi mà không có giác tánh nên đòi hỏi hành giả phải có định lực cao, công phu bền chắc thì mới có thể đạt đến trình độ như như bất động liễu liễu thường minh được.


Nước do quán mới thấy. Nếu quán thủy đại cần vận dụng nhiều quán trí. Đã là quán trí thì không phải là chơn, chưa đạt đến ”như như phi giác quán” thì khó mà tu chứng “viên thông”.


Trong đạo Phật có rất nhiều cách quán chẳng hạn như quán vô thường, quán khổ, quán vô ngã, quán bất tịnh, quán không… Ở đây nước là do quán mới thấy, nhưng muốn đạt đến trình độ đó thì hành giả đã thuộc vào hạng căn cơ cao, nội lực mạnh chớ hạng căn cơ hạ liệt chắc chắn không thể làm nổi. Đối với tất cả chúng sinh thì nên quán “Như huyễn Tam-ma-đề” để thấy biết rằng vạn pháp duyên sanh như huyễn thì cuộc đời sẽ dễ chịu, bớt tham cầu, giảm si mê bởi vì thế gian chẳng có cái gì là chân thật cả, thấy đó rồi mất đó nên tâm dễ hướng về cõi tự tại. Lý do chúng sinh không thấy “như huyển” là tại vì trong họ chấp ngã còn nặng nên thấy cái gì cũng thật, nhìn vật gì cũng si mê say đắm nên phải giữ gìn, chấp thủ.


Lửa đem so sánh với nỗi của dâm tâm, nếu quán hỏa đại để trừ lửa dâm ở nội tâm, đó chỉ là người chán cái khổ hoành hành, chưa phải là viễn ly chân thật. Đó là phương tiện không phải phát xuất bởi tâm ban đầu nên khó mà tu chứng “viên thông”.


Quán về lửa trong đoạn kinh này là lửa lòng, lửa dâm phát khởinội tâm để sai sử con người dấn thân vào vòng sa đọa. Do đó người có thể quán hỏa đại để biến thành lửa tam muội mà đốt cháy tâm dâm thì dĩ nhiên đây là hạng có nội lực cao. Ông Ô Sô Sắc Ma nhờ Đức Phật Không Vương Như Lai dạy cách quán hơi nóng trong cơ thể cùng khắp tứ chi để biến tâm háo dâm trở thành trí tuệ, sáng suốt. Ông Ô Sô Sắc Ma bị tâm dâm hành hạ, tâm trí bị dâm dục hoành hành nên rất đau khổ mà cái khổ của ông chỉ là một giọt nước trong biển khổ của thế nhân. Vì thế ý nghĩa chữ “diệt khổ” của nhà Phật là diệt tất cả chớ không phải chỉ một nỗi khổ nào bởi vì diệt được nỗi khổ này thì những nỗi khổ khác lại hiện ra.

Gió thì lúc động lúc yên, nếu quán cái tánh của phong đại thì đó chỉ là pháp đối đãi. Còn đối đãi thì không là tánh giác minh vô thượng, khó mà tu chứng viên thông. Gió thì không phải lúc nào cũng có, khi có khi không, lúc mạnh lúc yếu, không liên tục. Có khi gió thành cuồng phong bảo tố, có khi yên tĩnh như tờ nên gió là pháp đối đãi. Mà đã có năng có sở là có vọng tưởng chớ không phải là tánh giác chân thật.

Không thì rỗng suốt chẳng có gì, nếu quán cái tánh của không đại thì đồng như vô tri vô giác. Vô tri vô giác trái với Bồ Đề thì khó mà tu chứng “viên thông”. Không của hư không là cái không rỗng suốt chẳng có gì vì thế nếu người đệ tử Phật tu quán “vạn pháp giai không” để thấy thế gian rỗng không, chẳng còn cái gì hết thì hoàn toàn đi ngược lại với giáo lý nhà Phật. Càng tu theo lối này thì càng đi sâu vào vòng mê muội. Tại sao? Bởi vì chúng sinh chán cái khổ vì có mà mong mỏi đi tìm cho được cái không thì cũng khổ như nhau. Cảnh giới, danh xưng tuy có khác nhưng cái khổ đâu có khác cũng ví như sợ chết đuối mà lại chạy vào lửa thì có khác gì. Vì thế người tu thiền cố ngồi suy tư quán chiếu để biến tất cả thế gian thành ra không thì đây không phải là thiền của Phật giáo, càng tu càng khổ càng mê muội. Thế gian, nhà cửa, xe cộ, nam thanh nữ tú sờ sờ ở đó mà quán thành không, chẳng còn gì hết thì thế gian còn cái gì để sống, để tu.

Cái không của nhà Phật là “không chẳng khác sắc” nghĩa là “không là sắc và sắc là không”. Nói cách khác tất cả mọi vật thể trong thế gian này dù to lớn như mặt trời, mặt trăng hay nhỏ như hạt cát đều do duyên khởi tác tạo mà thành chớ không vật nào tự nó sinh khởi hay tồn tại được cho nên vật thể là vô ngã, không có tự thể nên tuy là có, là thấy sờ sờ ở đó nhưng một ngày nào đó nó sẽ bị biến hóa, tiêu hoại nên gọi là không. Vì thế cái không của Phật giáo là không tham đắm, si mê, không chấp thủ chạy theo hình sắc sinh diệt chớ không phải dùng thần thông hay quán làm biến đi tất cả. Ngày xưa Đức Phật cũng sống trong cái thế giới có đầy đủ vật chất như chúng ta hiện nay, nhưng dưới mắt của người giải thoát giác ngộ là tuy có nhưng tất cả đều là không nên Ngài không dính mắc vào bất cứ cái gì ngay cả Bồ Đề, Niết Bàn. Vì vậy chán cái khổ vì có nên cố tìm cầu cái không thì kết quả cũng khổ như nhau tức là vẫn còn chấp bên này bên kia, chưa tự tại.


Thức thì sanh diệt không thường, nếu quán cái tánh của không đại chỉ là quán sự phân biệt diệt sanh hư vọng, khó mà tu chứng “viên thông”.


Tuy Ngài Di Lặc Bồ Tát tu pháp quán duy thức mà tỏ ngộ được tất cả sự vật, nhưng thức là do phân biệt ứng hiện, không phải có không phải không nên thức có rất nhiều phân biệt hư vọng chớ không phải là vô phân biệt vì thế mà Ngài Văn Thù lựa bỏ pháp môn này, cho là không thích hợp.


Kiến là tánh thấy, kiến đại biểu hiện qua tưởng niệm. Tất cả các hành đều vô thường, tưởng niệm vốn trong vòng sanh diệt. Đem nhân sanh diệt, cầu được quả chân thường bất diệt, khó mà tu chứng “viên thông”.


Ngài Đại Thế Chí tu pháp niệm Phật, luôn luôn phát ra những tưởng niệm giác ngộ huân tập tự tâm nên Ngài mới chứng ngộ viên thông. Còn đối với hạng sơ cơ phát tâm tu về pháp môn này thì dễ dính mắc vào sự tướng, mắc vào các tưởng niệm sinh diệt vì họ không biết niệm cái vô niệm, niệm cái vô sinh diệt. Nói cách khác khi chúng sinh niệm hồng danh Phật A Di Đà thì tâm họ dính mắc nơi sáu chữ A Di Đà, miệng niệm mà tâm không niệm nên không thể có giải thoát được. Do đó nếu chúng sinh còn tu theo âm thanh sắc tướng nghĩa là lấy nhân sinh diệt mà tu thì sẽ khó mà đạt được quả chân thường bất diệt, vô vi thanh tịnh. Vì thế Chơn tâm thường trú không sinh diệt hư hoại nên gọi là “Thường” và thể tánh tịnh minh sáng suốt là “Quang” và tâm thanh tịnh vắng lặng là “Tịch”. Do đó cảnh “Thường, Tịch, Quang” Tịnh độ chỉ ở nơi chơn tâm ta chớ không đâu khác.


Thêm nữa, chơn tâm không hoại diệt là “Phật Vô Lượng Thọ”, chơn tâm chiếu soi vô tận là “Phật Vô Lượng Quang” và đó tức là “Thanh tịnh diệu Pháp thân” của Phật A Di Đà.


Vì vậy người niệm Phật đến khi hết vọng, ngộ nhập chơn tâm rồi thì Phật A Di Đà hay cảnh Tịnh độ cũng chỉ nơi tâm mình hiện ra, chớ không phải ở đâu xa. Vì thế nên kinh dạy rằng : ”Tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ” là vậy.

5) SỰ ƯU VIỆT CỦA NHĨ CĂN :

Tôi nay kính bạch Thế Tôn :


Phật ra đời ở cõi Ta bà
Trong cõi này giáo môn thích ứng
Hiệu quả tốt ở: Nói và Nghe
Muốn thành tựu được Tam ma đề
Phải vận dụng “tánh nghe” mà nhập


Chúng sinh sống trong thế giới Ta Bà thì phải cam tâm nhẫn chịu biết bao tham, sân, si, mạn, nghi, hơn thua phải quấy, vui mừng hờn giận, tốt xấu, thật giả…ngay cả hài lòng hay không hài lòng cũng phải chấp nhận. Vì thế sáu căn, sáu trần, sáu thức và bảy đại là những điều kiện để cho người đệ tử Phật dựa vào đó mà sửa trị, hóa giải tâm tánh của mình. Trong hai mươi lăm môn viên thông thì pháp môn nào cũng là bậc nhất. Cũng ví như mỗi người có mỗi căn bệnh khác nhau. Nếu thuốc nào trị được bệnh ấy thì là bậc nhất. Do đó con người có thể chọn lựa cho mình bất cứ pháp môn nào thích hợp nhất, hợp với khế cơ thì pháp môn ấy là bậc nhất bởi vì pháp môn chỉ là phương tiệngiải thoát giác ngộ mới là cứu cánh. Tuy có rất nhiều pháp môn để cùng đạt đến chỗ giải thoát giác ngộ viên thông, nhưng pháp môn uu việt nhất đối với người căn cơ thấp thì vẫn là “nhĩ căn viên thông” của Ngài Quán Thế Âm. Pháp tu phản văn văn tự tánh là xoay tánh nghe trở vào trong để nghe tiếng nói thanh tịnh của tâm mình mà chứng được chánh định.



Lìa khổ được giải thoát


Hay thay Quán Thế Âm
Kiếp số như cát sông Hằng
Vào cõi nước vi trần Phật độ
Sức tự tại không thể nghĩ lường
Vô úy bình đẳng thí chúng sinh


Quán Thế Âm Bồ Tát nhờ tu theo pháp môn này mà có được 14 thứ công đức vô úy không có nghĩa là Bồ Tát thành tựu 14 công đức vô úy rồi đem 14 thứ công đức đó mà cứu khổ cứu nạn chúng sinh. Mà huyền nghĩa của kinh là Bồ Tát nhờ tu theo pháp môn Văn huân Văn tu mà thành tựu 14 thứ công đức vô úy do đó nếu chúng sinh tu pháp môn này đến chỗ rốt ráo như Bồ Tát thì chính mình cũng có được 14 công đức vô úy như các Ngài. Vì sự diệu dụng đó mà Ngài thị hiện vào vô số cõi Phật để giúp chúng sinh thấy con đường giải thoát mà tu.


Quán Thế ÂmDiệu Âm
Quán Thế Âm tức Phạm Âm
Quán Thế Âm, Hải Triều Âm đó
Cứu thế vững an khang
Xuất thế hằng thường trú
Tôi kính bạch Như Lai


Thế nào là Quán Thế Âm? Quán là quán chiếu, suy tư. Thế là thường xuyên liên tục và Âm là âm thanh, âm ba trong tâm vọng lên chớ không phải âm thanh bên ngoài. Do đó Quán Thế Âm là lắng nghe những âm ba, âm thanh của lòng mình thường xuyên liên tục để nhắc nhở chúng sinh về Giới-Định-Tuệ giải thoát, giải thoát tri kiến trên con đường Bồ Đề Niết Bàn. Diệu Âm là những tiếng trong sáng mầu nhiệm. Khi chúng sinh ở những nơi rất yên tịnh rồi xoay cái nghe của mình vào trong thì có thể nghe biết bao âm thanh huyền diệu nhắc nhở mình trút bỏ vô minh, phiền não, dứt bỏ ái dục để tiến lên con đường giải thoát biểu hiện qua con đường đại từ, đại bi, đại hỷ, đại xã thì tiếng nói đó chính là Diệu Âm vậy. Vì thế Ngài thị hiện thành muôn hình vạn tướng trong tâm của tất cả chúng sinh chớ không nhất thiết chỉ là hình tướng của một phụ nữ. Đó là bất cứ chúng sinh ở bất cứ tầng lớp nào trong xã hội hay bất cứ ở nơi nào, giống dân nào mà tâm mình thiện để độ đời thì chính lúc ấy Đức Quán Thế Âm đang thị hiện trong tâm của ta rồi.


Quán Thế ÂmPhạm Âm nghĩa là những âm thanh, tiếng nói thánh thiện của lòng mình để khuyến khích chúng sinh làm lành, tích thiện cứu đời độ thế và sau cùng tiến thẳng về cứu cánh giải thoát giác ngộ. Quán Thế ÂmHải Triều Âm là tiếng Pháp huyền diệu cũng như tiếng sóng ào ạc đang thoi thóp nổi lên từ trong lòng của chúng sinh để nhắc nhở con người mở lòng từ bi, cứu độ chúng sinh.


Như lời Quán Âm nói
Ví như ngồi chỗ tĩnh
Mười phương cùng đánh trống
Mười hướng thảy đồng nghe
Đấy là “viên chơn thật”.
Cách vách nghe âm hưởng
Xa gần có thể nghe
Năm căn không sánh được
Thông chơn thật, nhĩ căn
Tiếng không, tánh nghe không diệt
Tiếng có, chẳng phải mới sanh
Có không, không quan hệ
Thường chơn thật của nhĩ căn.


Nhĩ căn có ba đức tính là Viên, Thông và Thường. Thứ nhất “Viên” tức là viên mãn nghĩa là ở đâu mà có âm thanh thì tai có thể nghe được. Đức tính thứ hai của tai là “Thông” tức là không bị ngăn bít. Thí dụ một người đang hát ở căn nhà kế bên mà chúng ta có thể nghe tiếng hát rất rõ ở trong nhà mình. Đức tính thứ ba là “Thường” tức là lúc nào cũng nghe. Thí dụ như có âm thanh thì nghe tiếng tức là nghe động. Còn không có âm thanh thì tai nghe tĩnh. Vì thế khi tham thiền nhập định, tuy rất yên lặng, không có tiếng động, nhưng hành giả vẫn có thể nghe rất xa và rất rõ những âm thanh huyền diệu mà được gọi là Diệu Âm. Khi có âm thanh thì nghe tiếng, còn lúc yên tịnh thì nghe tĩnh chớ không phải không nghe cái gì hết. Nhưng tánh nghe thì lúc nào cũng có, thường trụ cho dù có nghe tiếng hay hay nghe tĩnh. Vì thế chúng sinh có thể nghe những âm thanh huyền diệu trong lòng ta bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Đây là tánh thường chơn của tánh nghe.


Dù có đang say ngủ
Chẳng vì ngủ không nghe
Tánh nghe ngoài suy nghĩ
Thân ý chẳng so bằng
Hiện tại cõi Ta bà
Thanh Luận được biểu dương
Mê muội đối với tánh nghe
Bị thanh trần cuốn theo dòng lưu chuyển


Khi ngủ nếu có ai giơ tay tát vào mặt thì tánh thấy không phát hiện được. Ngược lại trong khi ngủ nếu có người gọi tên thì chúng ta thức giấc ngay vì thế tánh nghe thì lúc nào cũng có, cũng có thể nghe được. Vì sự nhạy bén đó cho nên nếu chúng sinh không tự chủ được nhĩ căn của mình thì sẽ bị thanh trần cuốn con người vào vọng trụy lạc khổ đau.


Dùng tánh nghe trú trì Phật Pháp
Hãy tự mình nghe lấy tánh nghe
Xoay tánh nghe thoát khỏi thanh trần
Tánh nghe ấy là tánh nghe thường trú
Một căn đã xoay về bản tánh
Thì năm căn sẽ được giải thoát theo
Sắc thanh…trần như bệnh lòa huyễn hóa
Ba cõi dường hoa đóm trong không


Khi xoay tánh nghe vào trong để nghe tiếng lòng thanh tịnh của mình thì thanh trần không còn ảnh hưởng nghĩa là cho dù tai có nghe tất cả nhưng mà như không nghe gì hết. Một căn đã thanh tịnh thì năm còn lại cũng thanh tịnh theo. Lúc ấy ngoại trần “sắc, thanh, hương, vị, xúc” và nội trần “pháp” tuy có mà như không, chẳng còn tác dụng làm con người đau khổ thì tâm sẽ được như như bất động, liễu liễu thường minh. Tâm thanh tịnh thì làm gì còn dục giới tức là cảnh giới của tham dục, thực dụcdâm dục. Tuy còn sống ăn ngủ trong thế gian, nhưng con người không còn lưu luyến, đam mê cái thế giới hữu hình này thì chúng ta đã lìa xa được cõi sắc rồi.

Sau cùng, nếu chúng sinh không gởi gấm tâm hồn mình vào nơi vô định, lên đồng nhập cốt, xuất hồn đi nơi này nơi khác, lo sợ âm ty địa ngụccon người đã vượt thoát cõi vô sắc. Phật giáo khẳng định là không bao giờ có âm ty địa ngục mà chỉ có địa ngục tự tâm nghĩa là chúng sinh tự đày mình vào thế giới âm u của địa ngục tham-sân-si để phải chịu cảnh khổ. Đức Phật Thích Ca và biết bao đệ tử của Ngài cũng sống trong thế giới này, nhưng các Ngài đã ra khỏi tam giới, không còn vướng bận nên tâm hằng trụ Niết bàn. Vì thế dục giới, sắc giớivô sắc giới đều từ tâm biến hiện. Thiên đàng, địa ngục cũng từ từ tâm cho nên nếu chúng sinh biết chuyển tâm để sống đúng với chân lý, đúng với chánh Pháp thì sẽ vượt thoát tam giới mà có giải thoát tự tại ngay trong đời này, thế giới này.


Xoay tánh nghe là trừ hết bệnh lòa
Trần tưởng diệt, giác tâm hiển hiện
Tột thanh tịnh trí quang thông suốt
Tịch như mặt trời chiếu tợ thái dương
Quay nhìn xem hiện tượng thế gian
Như vật sắc chiêm bao chẳng khác
Ma Đăng Già hà không là mộng huyễn
Thì còn ai quyến rũ! Hởi A Nan?


Nếu chúng sinh biết xoay tánh nghe để lắng nghe tiếng lòng thanh tịnh của mình thì những vọng tưởng sinh diệt không còn phát sinh. Những tư tưởng, ý niệm hơn thua, phải quấy, tốt xấu, lấy bỏ không còn dấy lên nữa thì lúc bấy giờ tánh giác thanh tịnh của mình bắt đầu hiển hiện. Khi tâm đã định thì trí quang bừng sáng cũng như vầng mây đen tan thì ánh sáng mặt trời chiếu sáng. Lúc ấy nhìn lại thế gian sinh sinh diệt diệt, có rồi lại không, hợp rồi lại tan chẳng khác nào như giấc chiêm bao chớ có chi là bền chắc. Khi đã quán chiếu để biết rằng thế gianhuyễn hóa, là do duyên khởi tạo thành nên thấy đó rồi mất đó thì lòng không còn tham đắm si mê. Tâm thanh tịnh thì phiền não không còn, tham-sân-si biến mất thì nàng Ma Đăng Già làm sao quyến rũ được. Đó chính là tâm chuyển vật. Ngược lại nếu tâm mình bất tịnh thì vật chuyển tâm khiến cho con người dễ rơi vào hố thẳm của tội lỗi đau thương.


Như các huyễn sư khéo tạo hình người
Giỏi trang điểm làm ra trai hay gái
Dù có căn cơ cử động rung rinh
Do cái máy dật dây điều khiển
Động cơ “nghỉ” tứ chi người “tê liệt”
Trò múa men đến lúc trở thành không
Tư duy kỹ, sáu căn người cũng thế
Phát xuất từ một thể tánh tịnh minh
Chia ra thành sáu thứ “hợp” “hòa”
Một đã tịch thì sáu căn đều thanh tịnh


Đối với tuệ nhãn của Bồ Tát thì thế gian này chẳng có cái gì là thật cả. Vì do nhân duyên hòa hợp nên con người mới được tạo tác mà có hình dáng, tiếng nói, giọng cười. Bởi do duyên khởi tạo thành nên con người là giả tạo, không bền không chắc. Tuy tay chân có hoạt động là bởi do thần thức điều khiển cũng bởi do các duyên giả hợp tạo thành. Khi duyên tan, thất đại tan rã thì con người cũng mất, mỗi đại về lại với bản thể của nó. Xét cho cùng tánh giác diệu minh khi tác động vào con người mà có tánh thấy, tánh nghe, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc và tánh biết vì thế nếu chúng sinh biết quán chiếu tu tập để có một căn thanh tịnh thì năm căn kia cũng đều thanh tịnh như nhau.


Trần cấu còn thì gọi là học vị
Giác tột cùng thì gọi đó Như Lai
Hởi A Nan! Và đại chúng hiện tiền
Hãy chỉ tức nghe thanh trần điên đảo
Xoay tánh nghe, nghe tự tánh của mình
Nghe tự tánh là thành Vô Thượng Giác
Xin đảnh lễ Như Lai Tạng tánh
Gia bị cho mạt thế chúng sinh
Đủ khả năng làm chủ lấy Nhĩ Căn
Giàu nghị lực sống với Viên, Thông, Thường ba chơn thật tánh.

Còn phiền não vô minh thì gọi là chúng sinh, hàng hữu học. Đến khi dứt hết trần cấu, điên đảo vô minh thì gọi là Như Lai tức là thành Phật. Do đó tu chứng là do chúng sinh nỗ lực để diệt trừ trần cấutrở về với tánh giác diệu minh vốn hằng có sẵn trong tâm của mình chớ không do ai trao tặng. Vậy tất cả chúng sinh hãy cố gắng chấm dứt nghe những âm thanh, tiếng nói điên đảo bên ngoài mà chú tâm lắng nghe tiếng nói thanh tịnh tự đáy lòng tức là nghe được tự tánh thanh tịnh bản nhiên thường có của mình thì tức khắc trở thành người giác ngộ.


Nếu đứng trên phương diện bản thể thì căn, trần, thức, đại đều là hiện tượng biểu hiện từ Như Lai Tạng nên tất cả đều là tự tánh thanh tịnh bản nhiên, không có gì là căn nguyên của tội lỗi xấu xa cả. Tuy nhiên, bây giờ nếu đứng về phía hiện tượng mà nói thì căn, trần, thức, đại mỗi thứ tác động qua lại khác nhau cho nên công dụng biểu hiện cũng không đồng mà từ đó mới có ưu, có khuyết. Người tu Phật phải biết rằng tuy căn, trần, thức, đại có khác nhau trên phương diện tu chứng viên thông nghĩa là căn cơ, bổn nguyện của chúng sinh có khác nên sự chọn lựa để thích hợp với căn cơ của họ cũng không giống nhau, nhưng cứu cánh vẫn là một, là giải thoát tự tại.


Sáu căn, sáu trần, sáu thức và bảy đại là những điều kiện để cho người đệ tử Phật dựa vào đó mà sửa trị, hóa giải tâm tánh của mình. Trong hai mươi lăm môn viên thông thì pháp môn nào cũng là bậc nhất. Cũng ví như mỗi người có mỗi căn bệnh khác nhau. Nếu thuốc nào trị được bệnh ấy thì là bậc nhất. Do đó con người có thể chọn lựa cho mình bất cứ pháp môn nào thích hợp nhất, hợp với khế cơ thì pháp môn ấy là bậc nhất. Nên nhớ rằng pháp môn chỉ là phương tiệngiải thoát giác ngộ mới là cứu cánh.


Nhưng sau khi phân tích rõ chỗ ưu khuyết của 25 pháp tu thì sau cùng Văn Thù Bồ Tát chọn Nhĩ Căn viên thông của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tátưu việt nhất để cho ông A Nanđại chúng đời sau nương theo đó làm nhân địa tu hành ngỏ hầu có được chứng đắc viên thông tự tại.

 

SỰ CHUYỂN BIẾN TỐT SAU KHI NGHE VÀ NHẬN THỨC TÁNH ƯU VIỆT CỦA NHĨ CĂN

Ông A Nanđại chúng được sự hướng dẫn rõ ràng của Bồ Tát Văn Thù, mọi người cảm thấy khinh an sảng khoái, tâm trí bừng sáng, nhận thức rõ : Rằng Bồ Đề Niết bàn Phậtgia bảo chung của tất cả chúng sinh, mọi người đều có quyền thừa hưởng. Từ lâu mình tự bỏ cha bỏ nhà đi hoang, biến mình thành những kẻ lạc loài cùng khổ, xa quê hương rời nguyên quán, đánh mất gia tài cự phú vô tận của cha ông. Nay đại chúng nhận rõ : Rằng dù họ chưa về nhưng đã biết đường về và tin ở khả năng trở về của họ. Họ xác định rõ cái quyền thừa hưởng của họ đối với sự nghiệp vĩ đại của ông cha mình.


Hàng hữu học vô học nhị thừa, hàng sơ phát tâm Bồ Tát đông như số cát mười sông Hằng, xa lìa trần cấu được pháp thân thanh tịnh. Vô lượng chúng sinh phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.


Đức Phật thị hiện giáo hóa chúng sinh, chuyển bánh xe pháp cũng không ngoài mục đích muốn chúng sinh ngộ nhập Phật Tri Kiến tức là thể nghiệm và sống được với chơn tâm của mình. Vì thế Phật mới dạy rằng : ”Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật” nghĩa là trong tất cả chúng sinh, ai ai cũng đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Nhưng nếu chúng sinh đều có Phật tánh thì tại sao đến nay chúng ta vẫn chưa thành Phật? Cũng chỉ vì tâm của chúng sinh chất đầy vọng tưởng, chấp trước. Vậy chúng ta chấp cái gì? Chấp “cái ta” tức là bản ngã và cái “của ta” tức là ngã sở hữu cho nên không buông bỏ được những hưởng thụ vật chất trong thế gian.

Con người luôn níu kéo, nắm bắt mãi, càng có thì càng chấp trước thêm và ham thích hưởng thụ nên chưa thể thành Phật. Cho nên Đức Phật mới dạy rằng : “Do vọng tưởngchấp trước mà tất cả chúng sinh không thể chứng đắc, không thể thành Phật”. Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh như nhau tức là có khả năng thành Phật cho nên trong kinh Pháp Hoa Đức Phật thọ ký chẳng những cho hàng vô học, chứng thánh quả mà Ngài còn thọ ký cho tất cả chúng sinh ngay cả những người chưa từng quy y Tam Bảo. Do đó Bồ Đề Niết bàn là có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh chớ không phải do Phật hay Bồ Tát ban tặng cho nên nếu chúng sinh hóa giải một phần vô minh thì có một phần Bồ Đề, hóa giải một phần phiền não thì có một phần Niết bàn cho đến khi hóa giải hoàn toàn vô minh phiền não thì thành Phật.


Trí tuệ của chúng sinhthật tánh để có khả năng trực nhận chân lýTự tánh thanh tịnh hay Phật Tánh là có sẵn trong tất cả mọi người. Tự tánh luôn vắng lặng thanh tịnh thì cần gì phải chứng đắc Niết bàn. Bồ-đề, Phật Tánh là có sẳn chớ đâu phải tu hành đắc đạo mới có. Khi mê vọng điên đảo thì không biết mìnhPhật Tánh thanh tịnh. Lúc thức tỉnh thì nó hiện ra cũng như trong túi luôn có viên ngọc quý Ma ni mà không biết, chỉ cần thò tay vô lấy thì sẽ hết nghèo đói, điên đảo khổ đau ngay. Trong tánh Không tức là Tự Tánh thanh tịnh bản nhiên thì không có trí tuệ hay chứng đắc gì cả. Vì thế Tâm Kinh mới có câu : ”Vô trí diệc vô đắc” và “Dĩ vô sở đắc cố” là vậy. Trong Chân Không Diệu Tánh, Phật Tánh thì luôn sẳn có cho nên chứng đắc chỉ là cách nói, là giả danh để tìm thấy được con người thật tức là Bản Lai Diện Mục của mình mà thôi.


Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật Thích Ca dạy rằng “Như Lai không chứng đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác gì cả”. Sở dĩ Ngài không chứng mà thế gian đều tôn trọng Ngài là vì Như Lai không có tướng ngã, không có tướng nhơn, không có tướng chúng sinh và cũng không có tướng thọ giả. Như Lai nhìn vạn pháp đều bình đẳng không thương, không ghét, không giận không hờn, không thiên không vị. Và Như Lai luôn sống trong thiện pháp chớ không lọt vào trong qũy đạo của ác pháp cho nên người đời gọi Như Lai chứng quả Vô thượng Bồ-đề chớ thật ra Như Laichứng đắc gì đâu. Tuy Như Lai nói không chứng đắc mà thật ra Như Laichứng đắc.

Cái chứng đắc nầy là vô thực và vô hư tức là không phải thật và cũng không phải là không. Tại sao không là thật? Bởi vì cái mà Như Lai chứng đắc thì không có hình tướng, không có màu sắc, không có kích thước, nặng nhẹ, không có văn tự ngôn ngữ để diễn tả. Thế thì cái mà Như lai chứng đắckhông thật có. Nhưng nếu không thật thì phải là hư. Vậy mà cái quả chứng đắc của Như Lai lại là vô hư. Tại sao? Là vì Như Lai có đầy đủ trí tuệ để nhận thức chân lý hoàn toàn đúng, đúng theo tự tánh Bồ-đề và tự tánh thanh tịnh Niết bàn của sự vật hiện tượng, đúng theo Thật Tánh của con người, đúng theo Pháp Tánh của vạn pháp cho nên Như Lai không bao giờ có vô minh phiền não khổ đau, tâm luôn thường trụ Niết bàn. Thế thì quả chứng đắc chính là vô hư tức là không phải là không có. Cho nên Tâm Kinh mới có câu : ”Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” có nghĩa là Có tức là Không và Không mới chính là Có vậy.


Tu hành trong Phật giáo thì gọi là hồi đầu thị ngạn. Vì sao? Phật ví như người đã ở trên bờ còn phàm phu chúng sinh thì vốn cũng đã ở trên bờ như Phật nhưng họ vì sự tham đắm sắc dụcvô minh che lấp trí tuệ nên đã lên thuyền vượt ra biển cả mênh mông mà phải bị sóng dập gió biển trùng trùng. Bây giờ nếu nghe lời Phật dạy, nương theo chánh pháp mà chịu quay thuyền trở lại thì cũng có thể lên bờ và được an vui tự tại như Phật. Đó chính là hồi đầu thị ngạn tức là có hồi thuyền mới có ngày đến bến. Người học Phật nếu thấu hiểu đạo lý nầy để cảm nhận được chân lý huyền diệu của Thế Tôn mà không rơi vào mê tín dị đoan. Tuy Phật và Bồ-tát thương tất cả chúng sinh như con một của các Ngài, nhưng chính chúng sinh phải tự mình thức tỉnh và biết áp dụng những chân lý nhiệm mầu của Phật.

Đó chính là ba từng kinh điển giáo pháp. Đừng hiểu lầm chỉ đường để chúng sinh quay về bờ không có nghĩa là Phật ra biển đưa chúng sinh về bờ mà chúng sinh phải tự mình chèo lái dựa theo tấm hải đồ mà Đức Phật đã ban cho. Nói một cách khác là Phật không độ hiểu theo nghĩa cầu nguyện, cúng lạy cho ai hết mà Phật chỉ độ hiểu theo nghĩa y giáo phụng hành mà thôi. Chèo nhanh, chèo chậm là tùy theo căn cơ, sở nguyện của chúng sinh, nhưng hễ có chèo là có ngày đến bến. Tóm lại quả vị vô thượng Bồ-đề không phải dành riêng cho Như Lai, nếu tất cả chúng sinh chịu hướng về với tự tánh thanh tịnh tức là Phật tánh của mình thì sẽ có Bồ-đề ngay.


Vì thế tất cả trăm vạn phương tiện của Phật giáo cũng không ngoài mục đích giúp chúng sinh hồi đầu thị ngạn để quay thuyền trở lại bến xưa mà thấy được chơn tâm thường trú và thể tánh tịnh minh vĩnh hằng trong ta. Thuyền về lại bến xưa thì chơn tâm hiển bày, Phật tánh biểu lộ và từ đây chúng sinh sẽ sống rất sáng suốt thanh tịnh an bình đầy phúc lạc.

HẾT QUYỂN SÁU DỰA THEO HÁN KINH THỦ LĂNG NGHIÊM

 

Hồi Hướng Chúng Sinh Vô Biên Thệ Nguyện Độ,
Phiền Não Vô Tận Thệ Nguyện Đoạn,
Pháp Môn Vô Biên Thệ Nguyện Học,
Vô Thượng Phật Đạo Thệ Nguyện Thành
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
14/06/2010(Xem: 57236)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.