Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận

10/10/201012:00 SA(Xem: 25672)
Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận

ĐẠI THỪA TẬP BỒ TÁT HỌC LUẬN 
Siksasamuccaya) 
Thích Như Điển dịch

Lời Tựa

Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh ( Taisho Shinshù Daijòkyo) là một bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán, được ấn hành ở Nhật và ở Đài Loan gồm 100 tập. Mỗi tập có độ dày khác nhau từ 500 trang đến hơn 1000 trang khổ giấy A4. Đây là một bộ Đại Tạng đã được nhiều học giả và các nhà nghiên cứu về Phật Học chọn làm bộ Đại Tạng tiêu biểu so với những bộ khác như: Càn Long Đại Tạng hay Đại Tạng thời nhà Minh v.v... Ngày nay Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ như Anh, Pháp, Đức và trong đó có cả tiếng Việt. Đây là một duyên lành cho những ai sau nầy không rành chữ Hán, chữ Nhật , có thể tra cứu thẳng bằng tiếng Việt và những ngoại ngữ khác.

Chư Tôn Hòa Thượng Việt Nam chúng ta trong quá khứ và ngay cả hiện tại đa phần các Ngài chọn những bộ kinh thông dụng như: Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Bảo Tích v.v... để dịch. Vì lẽ có nhiều người trì tụng. Một số quý Ngài khác dịch Luật. Riêng cá nhân chúng tôi chọn những bộ Luận để dịch., vì thấy việc này ít có người làm. Chúng tôi đã chọn quyển thứ 32 của Đại Chánh Tân Tu thuộc Luận Tập Bộ Toàn để dịch. Quyển này dày 790 trang. Mỗi trang như thế nếu dịch và đánh máy sang tiếng Việt thành 6 trang khổ A5. Như vậy nếu 790 trang ấy nhân lên 6 lần tức có khoảng 4.740 trang. Đó chỉ là một tập. Mỗi ngày tôi dịch được từ 2 đến 5 trang. Như vậy để xong tập nầy phải cần thời gian ít nhất là hơn 200 ngày. Đó là chưa kể đến những ngày trái gió trở trời và những đoạn khó phải tra cứu nhiều. Như vậy trung bình dịch suốt năm chỉ được một tập.

Được duyên may là mỗi năm chúng tôi có ba tháng an cư kiết hạ tại Đức và cũng mỗi năm ba tháng tôi nhập thất tại Tu Viện Đa Bảo Úc Đại Lợi để phiên dịch và tịnh tu. Như vậy, trên thực tế mỗi năm tôi chỉ có được sáu tháng như thế.

Sau khi dịch xong “Nhơn Minh Chánh Lý Môn Luận”. Bổn của ngài Đại Vực Long Thọ Bồ Tát, do ngài Huyền Trang dịch sang chữ Hán và “Nhơn Minh Chánh Lý Môn Luận” cũng của ngài Đại Vực Long Thọ Bồ Tát nhưng do ngài Nghĩa Tịnh đời Đường dịch sang Hán văn, chúng tôi cố gắng dịch thật kỹ ra Việt văn, nhưng dịch xong rồi đọc lại chẳng hiểu gì cả. Lại tiếp tục dịch “ Nhơn Minh Chánh Lý Luận” của ngài Thương Yết La Chủ Bồ Tát tạo và ngài Huyền Trang dịch ra Hán văn, chúng tôi cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Việt nhưng cũng chẳng hiểu nghĩa rõ. Không lẽ tiếng Việt mình yếu, chữ Hán không thông. Tự hỏi như thế! Nhưng chắc không phải vậy, vì chữ ít mà nghĩa nhiều, nên dịch ra tiếng Việt hơi tối nghĩa, nên chúng tôi phải đọc thêm sách giải thích về Nhân Minh của ngài Thiện Hoa và ngài Thiện Siêu thì rõ thêm phần nào, nhưng ba luận trên đã dịch xong mà chưa cho xuất bản, vì nghĩa , ý, từ còn nhiều chỗ uẩn khúc lắm.

Trong quyển 32 này có: Phương Tiện Tâm Luận, Như Thật Luận, Nhập Đại Thừa Luận, Đại Thừa Bảo Yếu Nghĩa Luận, Tập Đại Thừa Tướng Luận, Bồ Đề Tư Lương Luận, Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận, Bồ Đề Tâm Ly Tướng Luận, Bồ Đề Hành Kinh, Bồ Đề Tâm Quán Thích , Quảng Thích Bồ Đề Tâm Luận, Kim Cang Đảnh Du Già Trung Phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm Luận..., là những bộ luận chúng tôi đã dịch xong và mỗi năm chúng tôi cũng đã cho in một tập để hướng dẫn cho Tăng Ni và quý Phật Tử tu học trong khóa giáo lý Âu Châu, để có tài liệu học hỏitham khảo.

Năm nay nhân kỳ nhập thất tại Tu Viện Đa Bảo Úc Đại Lợi lần thứ hai, tôi chọn dịch quyển “Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận” gồm 25 quyển từ trang 75 đến trang 145. chỉ trong 70 trang thôi mà chúng tôi đã dịch thành 230 trang đánh máy khổ A4. Nếu in thành A5 sẽ lên đến 400 trang. Luận này do Ngài Pháp Xứng Bồ Tát tạo. Ngài Pháp Xứng, tiếng Phạn là Santideva và tiếng Hoa dịch là Tịch Thiên. Còn tiêu đề Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận tiếng Phạn gọi là Siksasamuccaya. Có nơi dịch là “Giáo Tập Yếu” nhưng chúng tôi dịch nguyên văn như bản Hán văn bên trên để dễ tra cứu.

Tương truyền Ngài Santideva có soạn ba quyển sách quan trọng. Đó là Siksasamuccaya ( Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận) và quyển Bodhicaryavatara ( Bồ Tát Hạnh) và quyển Sutrasamuccaya (Kinh Tập Yếu). Quyển Bồ Tát hạnh đã được Thầy Thích Trí Siêu đệ tử của Hoà Thượng Thích Huyền Vi ở Pháp căn cứ vào bản tiếng Tây Tạng, tiếng Anh và tiếng Pháp đã dịch sang tiếng Việt vào tháng 7 năm 1990. Còn bản kinh Tập Yếu đã được Hòa Thượng Thích Huyền Vi dịch từ Hán văn sanh Việt văn năm 1985 với tựa đề là Yếu Nghĩa Phật Phápđặc biệt còn một tên nữa là luận Đại Thừa Bảo Yếu, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đã dịch. Lần nầy chúng tôi cho dịch bộ Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận nầy nữa là đủ 3 quyển . Như vậy quý độc giả và quý Phật Tử có cơ hội để tra cứu bằng tiếng Việt thoải mái, không phải bận tâm về những ngoại ngữ khác nữa.

Tiện đây, cũng xin phép Thầy Trí Siêu là chúng tôi đã trích Tiểu Sử của Ngài Santideva do Thầy soạn dịch rất công phu và đã đăng trong quyển Bồ Tát Hạnh xuất bản năm 1990 tại Pháp, để đăng vào trong quyển Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận này, mà tác giả là Ngài Santideva. Xin đa tạ Thầy trước.

Ví dụ trong tập thứ 32 nầy có “Thành Thật Luận” đã có vị dịch sang tiếng Việt rồi, chúng tôi không phải dịch lại nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng dịch những luận nào mà lâu nay chưa có bản tiếng Việt mới dịch , để quý Phật Tử tham khảodĩ nhiên phải cố gắng để dịch cho xong bộ luận trong thời gian giới hạn của tuổi đời.

Từ quyển 1 cho đến quyển thứ 12 của Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận nầy do tôi đọc và dịch từ bản chữ Hán sang tiếng Việt và chú Thiện Tánh đánh máy. Từ quyển 13 đến quyển thứ 25 do Thầy Đồng Văn cùng phiên dịch và đánh máy tiếng Việt. Sau khi in ra lần đầu, tôi đã giảo chính lại một lầnKế tiếp là nhờ Hòa Thượng Thích Bảo Lạc xem và giảo chính lại một lần nữa. Sau đó đem layout và trước khi in thành sách sẽ giảo chính lại một lần cuối cùng. Tuy đọc, sửa và chỉnh lời, chỉnh ý nhiều lần như vậy, nhưng chắc chắn còn rất nhiều thiếu sót vì lẽ ngôn ngữ thì vô cùng mà ý kinh, luận thì vô tận. Khi đọc kính mong quý Ngài và quý vị góp ý thêm. Xin chân thành đa tạ.

Năm 2003 vừa qua chúng tôi đã dịch tác phẩm “Đại Đường Tây Vức Ký” do Ngài Huyền Trang người Trung Hoa biên soạn và đã được chùa Pháp Bảo tại Úc cho ấn tống vào dịp lễ Phật Thành Đạo năm nay 2004 là 1000 cuốn . Đồng thời , chùa Phật Bảo ở Illinois và quý Phật tử tại Hoa Kỳ ấn tống nhân mùa Vu Lan Báo Hiếu năm nầy (2004) 4000 cuốn. Kế tiếp là ở Đức chúng tôi đã cho ấn tống 1000 cuốn nữa. Đặc biệtViệt Nam cũng đã được in ra bằng cách sao chép trên bản lụa, thành nhiều ngàn bản. Như thế nhiều người sẽ được lợi lạc khi tham khảo dịch phẩm ấy.

Năm nay (2004) nhân kỳ nhập thất lần thứ 2 ở đây, chúng tôi dịch tác phẩm nầy của Ngài Santideva, người Ấn Độ và có nhân duyên hoằng hoá Phật Pháp nơi Tây TạngPhật Tử cũng như chư Tăng Tây Tạng rất có duyên với Ngài. Hy vọng cũng sẽ được các nơi kêu gọi ấn tống như thế trong năm tới, quả là tốt đẹp biết bao và sẽ lợi lạc cho nhiều người.

Cuối cùng xin được cảm ơn Hoà Thương Thích Bảo Lạc, Viện chủ chùa Pháp Bảo, Thầy Phổ Huân, Cô Giác Trí, Cô Giác Thủy, Cô Giác Duyên, Cô Giác Anh và tất cả quý Phật tử chùa Pháp Bảo hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp đã hỗ trợ cho Thầy trò của chúng tôi nhập thất lần thứ hai trên vùng núi đồi của Tu Viện Đa Bảo nầy được an tâm tu học cũng như thực hiện được một vài công việc có lợi ích cho đời sau trong công việc phiên dịch. Kính xin hồi hướng tất cả phước báo nầy lên Tam BảoCầu nguyện cho quý vị được thành tựu trí tuệ siêu việt trong cuộc sống của ngày hôm nay và mai hậu.

Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát

Dịch giả kính nguyện
Thích Như Điển
Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi
Mùa nhập thất lần thứ 2.
Ngày 12 tháng 12 năm 2004

 

Tiểu Sử Tôn Giả Santideva


Theo truyền thuyết, tôn giả Santideva sinh ở miền Nam Ấn, vùng Sri Nagara vào khoảng thế kỷ thứ 7. Ngài là Thái tử con vua Surastra.

Từ những kiếp quá khứ, Ngài đã cúng dường phụng thờ nhiều đức Phật và đã tích tụ nhiều căn lành đưa đến giải thoát. Nhờ phước đức ấy nên ngay từ lúc ấu thơ, Ngài đã nhiều lần chiêm bao thấy Văn Thù Bồ Tát. Lớn lên, đến tuổi sắp được vua cha truyền ngôi, một hôm Ngài nằm mộng thấy hai vị Bồ Tát: Văn Thù và Tara 1[1]. Bồ Tát Văn Thù ngồi trên ngai vàng, bảo Ngài rằng: “Ở đây không có chỗ cho hai người”, Bồ Tát Tara tưới nước nóng trên đầu Ngài nói rằng: “ Vương quyền chính là nước sôi bỏng của địa ngục. Ta đang tấn phong cho ngươi với nước này đây”.

Tỉnh dậy, Ngài hiểu rằng đó là sự khuyến cáo của hai vị Bồ Tát nên đêm hôm trước ngày lên ngôi, Ngài rời bỏ cung thành trốn vào rừng sâu. Sau 21 ngày lang thang trong rừng, vừa khát vừa đói, Ngài gặp được một con suối, sắp sửa định uống thì có một thiếu nữ xuất hiện bảo Ngài đừng uống vì đó là nước độc. Sau đó thiếu nữ dâng cho Ngài một thứ nước thơm như cam lồ. Giải khát xong, Ngài hỏi thiếu nữ: “Cô ở đâu đến?”.

-Thiếu nữ trả lời: “Ở giữa khu rừng mênh mông này là nơi Thầy tôi ở, Ngài rất đạo đức, từ bi và đã thành tựu phép tam muội của Văn Thù Kim Cang Sư Lợi (Sri Manjuvajra). Tôi từ đó đến đây”. Vừa nghe . như thế, tôn giả Santideva mừng rỡ như kẻ nghèo bắt được vàng, yêu cầu thiếu nữ dẫn Ngài đến gặp vị Thầy kia. Đến nơi Ngài thấy đó là một hành giả Du Già (Yogi) sống trong một chòi lá. Ngài liền đảnh lễ, xưng tán cúng dườngcầu xin được truyền phép tam muội của Văn Thù Bồ Tát.

Sau 12 năm ở đó tu tập, Ngài chứng được phép tam muội trên, thấy được vị Thầy kia chính là Văn Thùthiếu nữ kia chính là Tara.

Kể từ đó, Ngài luôn luôn được thấy Văn Thù Bồ Tát. Sau đó Ngài đi về phương đông, xin vào làm việc trong triều của vua Pancamasimha. Nhờ tài giỏi và thông minh nên Ngài được vua trọng vọng cho làm Thừa Tướng . Để tỏ lòng thành kính nhớ ơn vị thần linh thủ hộ của mình, tức Văn Thù Bồ Tát, Ngài luôn đeo trên mình một thanh kiếm gỗ.[2]

Ngài giúp vua trị vì đúng theo Phật pháp và truyền dạy nhiều kỹ nghệ mới lạ. Điều đó khiến các vị đại thần khác ganh tức, tìm cách gièm pha và hãm hại Ngài. Họ bảo vua rằng: “Thừa Tướng là một người gian xảo, luôn đeo trên mình một thanh kiếm mà không bao giờ rút ra cho ai xem cả. Chúng tôi biết thanh kiếm ấy làm bằng gỗ. Gặp lúc nguy biến làm sao Thừa Tướng có thể cứu nguy cho Bệ hạ được? Xin Bệ hạ hãy khám nghiệm lại.” Vua tin lời, cho triệu Thừa Tướng vào bắt phải rút kiếm ra khỏi vỏ cho vua xem. Thừa Tướng nói: “ Kiếm của tôi, Bệ hạ không thể nhìn được, nếu không Bệ hạ sẽ hối hận”. Nghe vậy, vua càng nghi ngờ nhất quyết đòi xem. Cuối cùng Thừa Tướng tâu: “Nếu Bệ hạ nhất quyết muốn xem thì hãy theo tôi đến chỗ vắng, lấy tay che mắt phải lại, chỉ nhìn bằng mắt trái thôi”. Vua chấp thuận và Thừa Tướng rút kiếm ra, hào quang lóe lên quá mạnh khiến con mắt trái của Vua rơi xuống đất. Vua liền ăn năn hối hận, biết Ngài là một người đắc đạo, một Đại thành tựu giả [3]  nên cầu xin sám hối. Biết vua đã ăn năn, Thừa Tướng nhặt mắt trái của vua bỏ vào tròng lại khiến vua khỏi mù.

Sau đó tôn giả từ bỏ chức Thừa Tướng, tìm đến Tu viện Nalanda, xuất gia thọ giới, được đặt tên là Santideva. Sau khi nghe hết 3 tạng kinh điển, tôn giả thầm biên soạn 3 bộ luận: Siksasamuccaya, Sutrasamuccaya và Bodhicaryavatara. Ngài tu mật hạnh, học trực tiếp với Văn Thù Bồ Tát trong thiền định. Tất cả thời ăn, ngủ, đi, đứng, Ngài đều thiền quán về Thanh Quang ( Eussel, Clear Light). Tuy vậy chúng tăng bên ngoài thấy Ngài chỉ ăn với ngủ không chịu văn, tư, tu gì cả. Thấy thế, một số Thượng Tọa học giả họp nhau lại định tống khứ Ngài ra khỏi tu viện. Có người cho ý kiến: “Nếu chúng ta họp lại, bắt mỗi người phải tuần tự trùng tuyên lại Kinh Luận, chắc chắn y sẽ phải tự động rút lui, rời bỏ Tu việny chỉ ăn với ngủ đâu có bao giờ tu học gì”. Thế rồi đến phiên tôn giả Santideva phải trùng tuyên lại Kinh Luận, ban đầu Ngài từ chối, nói rằng không biết gì. Chúng tăng muốn làm nhục Ngài nên làm bộ nài nỉ, cuối cùng Ngài nói: “Nếu vậy phải làm cho tôi một toà sư tử [4]  tôi mới trùng tuyên”. Nghe vậy có vài người đâm ra nghi ngờ, nhưng đa số chấp thuận vì tin rằng Ngài không thể trùng tuyên Kinh Luận gì được.

Sau khi lên ngồi toà sư tử. Ngài hỏi:” Các vị muốn tôi tụng lại Kinh Luận đã có từ trước hay những sáng tác mới sau này?”. Vì muốn chế giễu Ngài nên đại chúng nói: “Những sáng tác mới sau này”. Thế là Ngài bắt đầu tụng lên Bồ Tát Hạnh (Bodhisattva-carya-vatara). Khi tụng đến câu: “Khi Có và Không, không còn khởi lên trong tâm...” thì Ngài bay lên hư không rồi từ từ biến mất, nhưng tiếng của Ngài còn vọng lại cho đến câu kệ cuối cùng của Bồ Tát Hạnh. Không thấy Ngài nữa, tăng chúng hối hận trở về phòng Ngài tìm kiếm, thấy trên bàn để lại 3 quyển : Sutrasamuccaya, Siksacamuccaya và Bodhicaryavatara. [5] 


XEM TOÀN BỘ NỘI DUNG: Đại Thừa Tập Bồ Tát Học Luận PDF


[1] Tara là hóa thân hình nữ của Quán Thế Âm, trong Phật Giáo Ấn ĐộTây Tạng được nói đến rất nhiều. Quán Thế Âm, khi nhìn thấy chúng sinh đau khổ, Ngài nhỏ lệ từ bi và giọt lệ này rơi xuống hóa thành Tara.

[2] Văn Thù Bồ Tát, thường hiện thân, tay phải cầm kiếm trí tuệ, tay trái cầm kinh Bát Nhã.

[3] Mahasiddha: Người tu hành đắc đạothần thông.

[4] Simhasana: Tòa ngồi chỉ dành cho những hàng Tỳ Kheo Trưởng Lão Pháp Sư.

[5] Hai tập Siksasamuccaya (Giáo Tập Yếu) và Bodhicaryavatara (Bồ Tát Hạnh) chắc chắn tác giả là ngài Santideva, riêng tập Sutrasamuccaya, đa số các học giả đều công nhận tác giả là Ngài Long Thọ (Nagarjuna). Tiểu sử này tôi rút tỉa từ hai tài liệu History of Buddhism in India của Taranatha và La Légende de Santideva trong Indo-Iranian Journal Volume Xvi. Trong tạng luận của Tây Tạng có nói đến bộ Mdo.sde.sna.tshogs.kyi.mdo. btus.pa mà học giả Marcelle Lalou đã chuyển sang Sanskrit là Visvasutrasamuccaya, tập này ngày nay đã bị mật tích. Theo học giả J.W. Dejong thì có lẽ hai tập này tương tựa nhau nên các sử gia Tây Tạngluận gia Ấn Độ cùng cho tác giả cu/a Kinh Tập Yếu (Sutrasamuccaya) là Ngài Santideva. Kinh Tập Yếu đã được Hòa Thượng Linh Son thượng Huyền hạ Vi dịch từ Hán văn ra Việt Văn năm 1985 với tựa đề là Yếu Nghĩa Phật Pháp

 

 


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/06/2014(Xem: 38285)
03/09/2014(Xem: 25867)
24/11/2016(Xem: 15474)
29/05/2016(Xem: 7679)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.