Đi Vào Bản Nguyện Dược Sư

31/10/20164:04 SA(Xem: 13219)
Đi Vào Bản Nguyện Dược Sư

ĐI VÀO BẢN NGUYỆN DƯỢC SƯ
Phước Nguyên


Duc Phat Duoc Su1/Phẩm cách Dược sư

Thế gian luôn bị nhận chìm trong sự nguy hiểm, con người luôn bị phủ vây bởi những căn bệnh trầm kha, thấp hèn và đê tiện của cuộc đời, cho nên hình ảnh một vị Phật lý tưởng, một phẩm tính phổ quát có năng lực chữa lành những căn bệnh hiểm nghèo, vớt thế gian ra khỏi lầy sinh tử, cần được xuất hiệnvì thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho phần đông, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiênnhân loại”. Đó là phẩm cách Dược Sư, lý tưởng chữa lành nỗi khổ niềm đau cho nhân loại.

Dược Sư, là danh hiệu đọc theo tiếng Hán, nguyên ngữ Sanskrit gọi là Bhaiṣajya-guru-vaiḍūrya-prabhā-rāja, hay ngắn gọn hơn: Bhaiṣajyaguru, chúng ta có thể tìm hiểu về ngữ học của danh hiệu này như sau:

Từ Bhaiṣajyai: có nghĩa là thuốc chữa bệnh, có năng lực trị bệnh; khi dùng như động từ có nghĩa chữa bệnh, hay chữa lành vết thương, v.v.. tiếng Anh dịch là curativeness, healing efficacy; Guru: đạo sư, bậc Thầy, vị hướng dẫn; vaiḍūrya: tên một loại ngọc quý, Hán dịch là lưu ly để chỉ cho thể tính trong suốt, không váy bẩn của loại ngọc này; prabhā: do thành lập từ động từ căn pra-√bhā: chiếu rọi, soi sáng, rực rỡ… Cho nên prabhā: tinh diệu, sáng tỏ, huy hoàng, ánh sáng chói lọi, v.v.. Anh dịch là  light, splendour, radiance; Và rāja: có nghiã vua, chúa tể, thủ lãnh, quốc vương, Anh dịch là Kings. Vậy thì, Bhaiṣajya-guru-vaiḍūrya-prabhā-rāja có nghĩa là ‘Vị vua của các thầy thuốc và phẩm tính tinh diệu như ngọc lưu ly’ hay khác hơn “Vị thầy có năng lực chữa lành vết thương và chứng nghiệm thể tính sáng trong như ngọc lưu ly’, Hán dịch là ‘Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai’, Anh dịch là ‘King of Medicine Master and Lapis Lazuli Light’.

Hình ảnh của đức Phật Dược Sư thường được thể hiện dưới hình thức một vị Phật như kinh điển mô tả: tay cầm một lọ nhỏ chứa thuốc cam lồ, và trong một số truyền bản, ngài còn được nói là có làn da màu xanh. Mặc dù ngài cũng được xem là một vị thượng thủ của phương Đông, nhưng trong hầu hết các kinh điển đức Phật Akshobhya (A-súc-bệ) mới là người giữ vị trí thượng thủ đó. Cho nên, ở đây điều này thuộc vào trường hợp đặc biệt cần nên lưu ý.


2/ Văn bản kinh Dược Sư

Danh hiệu Sanskrit này, hiện nay vẫn còn đọc được ở trong nguyên bản Sanskrit của kinh Dược Sư, nhan đề là: Bhaiṣajyaguruvaidūryaprabharājasūtram, được lưu giữ trong Buddhist Sanskrit Texts No. 17, Mahāyāna-sūtra-saṁgrahaḥ (part 1)[1]; bản Sanskrit này cũng được tìm thấy ở trong Gilgit Manuscript do Dutta và Nalinaksa biên tập[2].

Bản Sanskrit thứ 2 của kinh Dược Sư, nhan đề là Bhaiṣajyagrurvaiḍūryaprabhātathāgata-sūtra, trong bản này pha tạp nhiều thổ ngữ sogdian, thường được gọi là tiếng Xôcđiana, được sử dụng bởi người Iran, và một bận phận người Xôcđiana ở Trung á; bản này do Benveniste biên tập, xuất bản lần đầu năm 1940[3], có tham khảo tư liệu của David A. Utz[4].

Bản dịch tương đương bằng tiếng Tây Tạng của kinh Dược sư, tựa đề là: འཕགས་པ་བཅོམ་ལྡན་འདས་སྨན་གྱི་བླ་བེེ་ཌཱུརྱའི་འོད་ཀྱི་སྔོན་གྱི་སྨོན་ལམ་གྱི་ཁྱད་པར་རྒྱས་པ་ཞེས་བྱ་བ་ཐེག་པ་ཆེན་པོའི་མདོ Ḥphags-pa bcom-ldan-ḥdas sman-gyi bla-bai-ḍūryaḥi ḥod-kyi sṅon-gyi smon-lam-gyi khyad-par rgyas-pa shes-bya-ba theg-pa chen-poḥi mdo: Thánh Bạc-già-phạm Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Sai Biệt Quảng Đại Đại Thừa Kinh (聖薄伽梵藥師毗琉璃光本願差別廣大大乘經), được lưu trữ trong Đại Tạng Kinh Tây Tạng, thông trật đệ 87Da, No.504, trang 274a1-283b7[5]. Được dịch bởi dịch sư Tây Tạng: Ye-śes sde  và  các dịch sư Ấn độ: Jinamitra, Dānasīla, và Śīlendrabodhi. Căn cứ theo đề kinh trong bản dịch Tây Tạng, có thể khôi phục đề kinh Sanskrit như sau: ‘Ārya-bhagavato bhaiṣajyaguruvaiḍūryaprabhasya pūrvapraṇidhānaviśeṣavistāra-nāma-mahāyānasūtra’.

Hán văn của Kinh Dược Sư, hiện còn bảo tồn trong Taishō Tripiṭaka (Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh), hiện có bốn bản dịch:

- Taisho14, số hiệu 449: Phật thuyết Dược Sư Như Lai Bổn Nguyện kinh 佛說藥師如來本願經, đời Tuỳ, ngài Dharmagupta (Đạt-ma Cấp-đa) dịch năm 615 Tây lịch[6].

-Taisho 14, số hiệu 450: Phật thuyết Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai Bổn Nguyện Công Đức kinh藥師琉璃光如來本願功德經, Đại Đường, Huyền Trang dịch năm 650 Tây lịch[7].

- Taisho 14, số hiệu 451: Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Bổn Nguyện Công Đức kinh 藥師琉璃光七佛本願功德經, 2 quyển, Đại Đường, Nghĩa Tịnh dịch vào năm 707, tại nội tự Phật Quang[8].

-Taisho 21, số hiệu 1331: Phật thuyết Quán Đảnh Bạt Trừ Quá Tội Sanh Tử Đắc Độ Kinh quyển đệ thập nhị 佛說灌頂拔除過罪 生死得度經卷第十 二 , Đông Tấn, Thiên Trúc Tam Tạng Bạch-thi-lê-mật-đa-la dịch, tức quyển thứ 12 của Phật thuyết Quán Đảnh kinh 佛說灌頂經.[9]

Kinh Dược Sư, cũng được dịch qua tiếng Anh và tiếng Pháp. Có thể thấy các bản dịch tiếng Anh như sau:

- Liebenthal, Walter dịch từ bản Hán của Huyền Trang (T14n0450), tựa đề: The Sutra of the Lord of Healing (Bhaishajyaguru Vaiduryaprabha Tathagata): Kinh Chúa tể chữa lành vết thương[10].

- Sen, S. dịch tựa đề: Two medical texts in Chinese translations, Hai văn bản Dược Sư Trong các bản dịch Trung Quốc[11].

- Birnbaum, Raoul, nhan đề: The Lapis Lazuli Radiance Buddha, Master of Healing: A Study in Iconography and Meaning, Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, Vị Thầy Chữa Bệnh: Một nghiên cứu mô tả bằng tranh vẽ và ý nghĩa. Luận án Ph.D. (tiến sĩ) của Columbia University (New York), 1976. Trong luận án đó dịch đầy đủ các bản T14n0450, T14n0451, T20n1161 và Tự phần của T14n0449 sau đó được xuất bản với tựa đề Birnbaum, Raoul:The Healing Buddha, Shambala, 1979. (Luận văn này cũng được dịch sang tiếng Đức: Birnbaum, Raoul: Der heilende Buddha - Heilung und Selbstheilung im Buddhismus. Bern/München/Wien: Otto Wilhelm Barth, 1982.)

- Hsing Yun, tựa đề: The Sutra of the Medicine Buddha with an Introduction, Comments and Prayers, Kinh đức Phật Dược Sư, giới thiệu, chú giảicầu nguyện[12].

- Bản dịch tiếp theo được hiệu đính bởi Shen Shou-Liang, dịch bởi các vị: Chow Su-Chia, v.v.. tựa đề: The Sutra of the Master of Healing.

-Bản dịch được chú ý hơn hết, vì dịch từ nguyên bản Sanskrit, là bản dịch của Dutt, Nalinaksha (ed.), tồn trữ trong Gilgit Manuscripts. Vol. I.[13]

Ngoài ra hiện tìm thấy một bản dịch tiếng Pháp có thể là duy nhất và sớm nhất của Kinh Dược Sư, tựa đề: Le Bhaiṣajyaguru, dịch bởi Pelliot, Paul[14].


3/ Bản nguyện Dược Sư

a/Xuất xứ đại nguyện

Phật Dược Sư được giới thiệumô tả trong kinh Bhaiṣajyagrurvaiḍūryaprabhātathāgata, mà chúng ta có thể đọc được nguyên bản Sanskrit hiện còn đầy đủ, hay đọc qua bản Hán dịch của Huyền Trang, thường được gọi là Kinh Dược Sư. Khi ngài còn là một vị Bồ-tát, đã phát lập 12 đại nguyện.

Khi ngài chứng nghiệm sự cao tuyệt của giác ngộ viên mãn, ngài đã trở thành đức Phật thượng thủ của tịnh độ đông phương, với thể tínhVaiḍūryanirbhāsa”: “Sáng trong không váy bẩn như ngọc lưu ly[15]. Tại quốc độ đó, ngài có hai vị Bồ-tát ‘chỉ còn bị trói buộc bởi một lần tái sinh’ (Nhất sinh sở hệ= Nhất sinh bổ xứ), tượng trưng cho ánh sáng của mặt trời và ánh sáng của mặt trăng:

Một là, Bồ-tát Suryaprabha: Sự soi chiếu cùng khắp như ánh sáng của mặt trời, Hán dịch là Nhật Quang Biến Chiếu.

Hai là, Bồ-tát Candraprabha: Sự soi chiếu cùng khắp như ánh sáng của mặt trăng, Hán dịch là Nguyệt Quang Biến Chiếu.

Thủ bản Sanskrit của kinh Bhaiṣajyagrurvaiḍūryaprabhātathāgata đã được phát hiện, là một trong những văn bản chứng thực sự phổ biến của tín ngưỡng Phật Dược Sư tại vùng tây bắc Ấn Độ, mà xưa kia là Gandhāra[16]. Thủ bản này, được xác định niên đại hình thành vào khoảng trước thế kỷ thứ VII Tây lịch, và được viết trên các trụ đá Gupta[17].

Huyền Trang, một nhà hành giảchiêm báivô tiền khoáng hậu” của Phật giáo Trung Quốc, đã đến thăm một tu viện thuộc hệ phái Mahāsāṃghika (Đại chúng bộ) tại Bamiyan, Afghanistan, vào khoảng thế kỷ thứ 7, hiện nay vị trí chính xác của tu viện này đã được phát hiển bởi nhà khảo cổ học[18]. Nhiều thủ bản kinh điển Đại thừa được viết trên các đoạn phiến trên vỏ cây bu-lô (Birchbark) đã được phát hiện tại khu vực này, bao gồm cả thủ bản Sanskrit của kinh Dược Sư: Bhaiṣajyagrurvaiḍūryaprabhātathāgata-sūtra (MS 2385)[19].

b/Toát yếu 12 lời nguyện theo bản Sanskrit

1.Chiếu sáng vô số quốc độ với sự rạng ngời của ngài, và nhiếp hộ cho bất cứ ai muốn trở thành một vị Phật giống như ngài.

2. Đánh thức tâm trí của chúng sinh thông qua ánh sáng như ngọc lưu ly của ngài.

3. Cung cấp cho chúng sanh bất cứ phẩm vật gì mà họ cần phải có.

4. Chỉ rõ và chuyển hoá những quan điểm sai lầm, hay nhận thức chủ quan và khơi nguồn cảm hứng cho chúng sinh về chí hướng khởi hành trên con đường Bồ-tát.

5. Hướng dẫn dìu dắt chúng sinh làm theo các điều khoản phẩm cách đạo đức, thậm chí nếu họ đã huỷ phạm trước đó.

6. Chữa lành cho những chúng sinh đã sinh ra mà bị dị tật, bệnh hoạn, hoặc những khổ đau khác về thể xác.

7. Xoa dịu, an ủi vỗ về những người khốn khổ, những người bị bệnh tật phủ vây.

8. Giúp đỡ những người phụ nữ có ước muốn được chuyển sinh làm đàn ông, để họ đạt được sự chuyển sinh như mong muốn.

9. Chữa lành những phiền não nhiễm ô, các ảo tưởng, hay những ‘tri giác bị lộn ngược’.

10. Giúp đỡ những người bị áp bức được tự do, thoát khỏi đau khổ.

11. Làm giảm thiểu những người bị nạn đói khủng khiếp và những cơn khát cháy bỏng.

12. Hỗ trợ y phục cho những người nghèo hèn túng khổ, bị lạnh buốt và muỗi mòng cắn đốt.


c/ Dharani và Mantra

Trong kinh Bhaiṣajyagrurvaiḍūryaprabhātathāgata, đức Phật Dược Sư, được mô tả là thể nghiệm vào trạng thái thiền định gọi là "loại trừ tất cả những đau khổphiền não của chúng sinh." Từ trạng thái thiền định này, ngài công bố dharani:

Nguyên văn Sanskrit:

namo bhagavate bhaiṣajyaguru vaiḍūryaprabharājāya

tathāgatāya arahate samyaksambuddhāya tadyathā:

oṃ bhaiṣajye bhaiṣajye bhaiṣajya-samudgate svāhā[20].

Dịch:

“Kính lễ Đức Thế Tôn DƯỢC SƯ LƯU LY QUANG VƯƠNG Như Lai, bậc A-la-hán, bậc trực tiếp giác ngộ viên mãn đích thực - Như vậy liền nói chú rằng:

Xin Ngài hãy ban cho con thuốc phòng ngừa bệnh tật, thuốc chữa lành vết thương, thuốc diệt trừ mọi thương tật, và thuốc để cho con mau chóng phát sinh được đạo quả Bồ-đề cao tuyệt.”

Dòng cuối cùng của Dharani này: “oṃ bhaiṣajye bhaiṣajye bhaiṣajya-samudgate svāhā”, mới đích thực là thần chú của đức Phật Dược Sư, còn lại các câu ở trên chỉ là phần xưng tán đức Dược Sư chứ không phải thần chú.

Ngoài ra, còn có một số thần chú khác thuộc về đức Phật Dược Sư được sử dụng trong các hệ phái Mật tôngPhật giáo Kim Cương thừa.


d/ Bản nguyện biểu hiện qua hình tượng

Phật Dược Sư thường được miêu tả trong tư thế ngồi kiết già, khoát ba y của tu sĩ Phật giáo, tay trái cầm một bình lưu ly chứa thuốc cam lồ (bất tử) và bàn tay phải đặt trên đầu gối phải; hoặc có khi tay giữ cuống quả Aruna hoặc Myrobalan giữa ngón tay cái và ngón trỏ.

Trong kinh, ngài cũng được miêu tả có ánh sáng chiếu soi giống như ánh sáng của ngọc lưu ly. Trong miêu tả theo truyền thống Trung Quốc, ngài có một ngôi tháp, tượng trưng cho mười ngàn vị Phật của ba thời kỳ.

Hình tượng của ngài cũng được khắc trên đá, cùng với hai vị Bồ-tát Suryaprabha và Candraprabha, và có khắc thêm bảy vị Phật Dược Sư khác ở bên trong vòng hào quang của ngài. Bức tranh khắc trên đá này, có niên đại được xác định vào thời Bắc Ngụy, khoảng năm 500 Tây lịch, hiện bia đá đặt tại Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan.

4. Tiểu kết

Trong Phật giáo nói chung, và Phật giáoTây Tạng nói riêng, việc hành trì phương pháp phát triển theo đức Phật Dược Sư, đấng chúa tể chữa lành mọi vết thương, không chỉ là một phương pháp rất mạnh mẽ để chữa lành bệnh tật và tăng cường phòng bệnh cho cả bản thân và những người khác, mà còn điều phục những căn bệnh trầm kha, trong sự trói buộc của phiền não, hận thù, sự thấp kém, sự đê tiện và thiếu hiểu biết. Do đó, sự chiêm nghiệmhành trì theo đức Phật Dược Sư có thể giúp giảm thiểu bệnh tật về thể xác và khổ đau về tinh thần.

Câu thần chú đức Phật Dược Sư, có mãnh lực là vô cùng cho việc chữa lành bệnh thể chất và nhổ sạch các tập nghiệp xấu ác. Một hình thức thực hành theo đức Phật Dược Sư được thực hiện khi bị những bệnh tật phủ vây, đó là bệnh nhân trì tụng chú này 108 lần vào một ly nước tinh sạch. Ngữ âm của thần chú sẽ là công cụ hướng dẫn chúng ta vượt qua những giai đoạn hiểm nghèo của cuộc đời, là phương thuốc chữa lành mọi bệnh tật, ta có thể xem nó như thần chú thật với đầy phép lạ cũng được, hoặc coi nó không phải thần chú, cũng không có phép lạ gì hết cũng chẳng sao, quan trọng là tụng đọc nó bằng tất cả tâm tư, đọc như nước chảy mây trôi, để rồi mọi sự sẽ vận hành một cách đều đặn, mọi sự trôi đi một cách an toàn, như cây trôi giữa dòng không bị dính mắc đúng như cái lẽ huyền vi của sự sống:  “Gate, gate…..”.


Đồi Tiêu Dao, Am Tâm Không,

PL.2560. Chiều gió lộng, 30.9. Nhâm Thân.

Ngày vía đức Dược Sư, vị chữa lành vết thương cho nhân loại.

Phước Nguyên



[1] Vaidya, Dr. P.L ed., Darbhanga: The Mithila Institute, 1961;

[2] Dutta, Nalinaksa ed., Gilgit Manuscript, Vol I. Delhi : Sri Satguru Publication, 1984, 1-32.

[3] Benveniste, Texts sogdiens, Mission Pelliot en Asie centrale: Série in-Quarto, 3. Paris, 1940, 82-92

[4] David A. Utz, A Survey of Buddhist Sogdian Studies (Bibliographia Philologica Buddhica Series Minor III), Tokyo: The reiyukai Library 1980.

[5] Cf. Trong các bộ ĐTK.TT., Peking: Rgyud (da)255b- 263a; Nại-đường bản: Rgyud (tha)470a- 484a; Dege bản:Rgyud- ḥbum (da) 274a-283b; Lasa bản:Rgyud (ta)419a- 433b; Trác-ni bản:Rgyad (da)304a- 315b

[6] T14n0449, tr. 401b04: 佛說藥師如來本願經隋天竺三藏達摩笈多譯.

[7] T14n0450, tr. 0404c15: 藥師琉璃光如來本願功德經 大唐、三藏法師玄奘奉 詔譯.

[8] T14n0451, tr. 0409a08: 藥師琉璃光七佛本願功德經, 大唐三藏沙門義淨於佛光內寺譯.

[9] T21n1331_012, tr. 0532b11: 佛說灌頂經 第12卷, 佛說灌頂拔除過罪生死得度經卷第十二 , 東晉天竺三藏帛尸梨蜜多羅譯.

[10] Peking: The Society of Chinese Buddhists, Nien Hua Szŭ (Sales Agent: The French Bookstore), 1936.

[11] Visva-Bharati Annals no.1 (1945), 70-95.

[12] Buddha’s Light Publishing, 2002. 192 pgs.

[13] Srinagar-Kashmir: 1939. 51-57.

[14] Bulletin de l'École Francaise d'Extrême-Orient. 3 (1903), 33-37.

[15] Birnbaum, Raoul (2003). The Healing Buddha. p. 64.

[16] Bakshi, S.R. Kashmir: History and People. 1998. p. 194

[17] ibid., p.194.

[18] "Schøyen Collection: Buddhism". Retrieved 23 June 2012.

[19] "Schøyen Collection: Buddhism". Retrieved 23 June 2012.

[20] Dutta, Nalinaksa ed., Gilgit Manuscript,Vol I. Delhi : Sri Satguru Publication, 1984, 1-32.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
01/06/2014(Xem: 38285)
03/09/2014(Xem: 25867)
24/11/2016(Xem: 15474)
29/05/2016(Xem: 7679)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.