DẪN NHẬP
A-TÌ-ĐẠT-MA TẬP DỊ MÔN TÚC LUẬN
ấn bản tháng 01/2019
Abhidharma Sangītiparyāya Pādaśāstra
阿毘達磨集異門足論
Phước Nguyên
Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế ISBN: 978-604-89-6649-2
Số xác nhận đăng ký xuất bản: 106-2019/CXBIPH/275-1/HĐ kí ngày 14/01/2019
Đã phát hành ngày 31/01/2019 tại Nhà sách Hà Nội
I. Tổng quan
1. Lục phần A-tì-đạt-ma
Theo nghiên cứu của các học giả Abhidharma hiện đại, đại biểu như Đại sư Ấn Thuận, sáu túc luận A-tì-đạt-ma lấy Phát trí luận làm bản luận[1]. Việc nhóm tập sáu túc luận thành một tổ hợp hay nhóm mục, sớm nhất phải kể đến luận Đại trí độ, trong đây khi Long Thọ đề cập đến “lục phần A-tì-đàm”[2], đồng thời nói đến “thân nghĩa tì-đàm”[3]. Thân: ở đây chỉ cho Phát trí luận[4], nghĩa này Đại Tì-bà-sa luận nói rằng, thời đại của ngài Long Thọ đã thường gọi Phát trí luận là thân, sáu túc luận kia là chi phần. Trong phần cuối căn kiền-độ của Bát-kiền-độ luận có phụ chú như sau: “Tám kiền-độ là thể vậy, biệt hữu có lục túc”[5]. Câu-xá luận ký của Phổ Quang nói: “Trước có lục túc, nghĩa môn hạn chế; một luận Phát trí, pháp môn rộng lớn”[6]. Nhưng xét kỹ mà nói việc gọi “thân” và “túc”, thực tế do luận sư Tì-bà-sa thuyết minh có ý thiên trọng Phát trí luận. Hệ thống A-tì-đạt-ma thuộc Thượng tọa bộ, như Xá-lợi-phất A-tì-đàm, phân làm bốn phần, mà kinh Tì-ni mẫu v.v… phân thành năm loại. Sáu luận được truyền thừa bởi hai truyền thống Bắc – Nam, đại thể lấy bốn phần hoặc năm loại, mà phân biệt thành một tổ chức độc lập, cho nên Long Thọ vẫn gọi là “lục phần”. Sáu phần là sáu bộ phận của A-tì-đạt-ma, vốn không phụ thuộc vào ý nghĩa của Phát trí luận. Tuy hệ thống tổ chức của Phát trí luận phát triển cao độ, nhưng sáu luận vẫn không mất đi sắc thái riêng biệt. Luận sư Tì-bà-sa đặc trọng Phát trí luận, lấy luận này thuyết minh chính yếu, giải thích hội thông sáu luận. Sáu phần vì vậy hình thành sự phụ thuộc vào Phát trí luận. Như vậy là khái lược vì sao gọi luận Phát trí là “thân”, sáu phần là “túc”.
2. Tác giả Tập dị môn luận
Ở đây không lập lại dài dòng, chỉ nói một cách vắn tắt về tác giả của Tập dị môn[7]:
1. Theo truyền thống Phạn và Tây tạng (Yaśomitra và Bu-ston)[8]: Ārya-Mahākauṣṭhila (Ma-ha Câu-thi-na)[9].
2. Theo các thư tịch Trung Quốc (Huyền Tráng và Phổ Quang): Ārya Śāriputra (Xá-lợi Tử).
Hai vị Tôn giả Ārya-Mahākauṣṭhila và Ārya Śāriputra đều là những vị đệ tử kiệt xuất của Phật, nên tác giả luận thư này là ai, vẫn còn là một vấn đề tranh luận.
Học giả Takakusu đưa ra một nhận định thoáng hơn khi xác định vị thế bản luận này: Bất luận Sangītiparyāya, chính xác có phải là luận thư của một trong hai ngài này hay không, thì bản luận vẫn là một luận thư cổ điển, chiếm vị trí thống lãnh, bởi vì ngoại trừ Pháp uẩn túc luận là luận thư thường được Tập dị môn trích dẫn, đối với sáu luận còn lại hoàn toàn không có bằng chứng nào để nói rằng chúng xuất hiện trước Tập dị môn luận[10]. Đồng quan điểm này, Ấn Thuận kết luận Pháp uẩn túc luận xuất hiện trước Tập dị môn túc luận, vì luận này đã nhiều lần trích dẫn Pháp uẩn túc luận.
Theo dẫn chứng của Takakusu, có một văn bản ngoại sử về Tập dị môn luận, tường thuật sự kiện ngài Xá-lợi-phất vì có chút lo âu về biến cố xảy ra ở Pāvā, nên đã nhóm họp các vị Tôn giả đồng phạm hạnh trùng tuyên Phật ngôn, kết tập pháp tạng để phòng ngừa sự tranh cãi và bất đồng về các giáo nghĩa sau khi Như Lai khứ thế.
Nhân duyên này được lập lại vắn tắt trong phần mở đầu mỗi phẩm. Kết thúc Tập dị môn túc luận đức Thế Tôn tán thán ngài Xá-lợi-phất đã khéo léo kết tập Phật ngôn để giáo huấn các vị Thánh đệ tử. Đức Phật giáo huấn chư Tăng học tập cặn kẽ Tập dị môn túc luận này.
Với quan điểm như vậy, học giả Takakusu suy luận rằng, luận này có thể do ngài Mahākauṣṭhila biên soạn sau kỳ kết tập lần thứ hai tại Vaiśāli, nhưng sau đó ngài Mahākauṣṭhila vì kỉnh ý nên quy ngài Xá-lợi-phất là tác giả.
Bản kinh được ngài Xá-lợi-phất phụng hành Thánh giáo của Thế Tôn mà thuyết giảng, từ đây Đại sư Ấn Thuận suy đoán có thể từ nguyên nhân này mà truyền thuyết của Huyền Tráng nói là ngài Xá-lợi-phất tạo[11]. Theo nhận định của Đại sư Ấn Thuận, trong phả hệ học thuyết A-tì-đạt-ma, khó mà phân biệt được vị trí biện tài giáo nghĩa của hai ngài Xá-lợi-phất và Ma-ha Câu-thi-na.
3. Cương yếu tổ chức
Theo sắp xếp của Takakusu, Tập dị môn đứng ở vị trí đầu tiên trong sáu túc luận, như đã khái thuyết trong phần Tổng mục lục của Pháp uẩn, vị trí này không thống nhất trong các truyền thống Phạn, Tạng và Hán.
Về hình thức tổ chức của luận này có mối quan hệ với luận Puggalapaññattipāḷi (Nhân thi thiết luận) của Theravada, hoặc chung nguồn gốc, hoặc quan hệ láng giềng tương tác. Tập dị môn luận có cách sắp các hạng mục theo dạng tăng dần các chi, điều này cũng được Takakusu nhận định là liên hệ với cấu trúc sắp xếp của kinh Aṅguttaranikāya (Tăng chi bộ), nói rõ hơn tức là các hạng mục giáo nghĩa được tập thành từ ít đến nhiều theo số lượng pháp môn, mà Takakusu đề nghị phục nguyên Phạn văn là “Ekottara-dharmaparyāya” (= Pāli. Aṅguttara-dhammapariyāya) mà Huyền Tráng dịch là “Tăng nhất Pháp môn”, như được thấy trong phẩm Tán khuyến. Đồng thời, hình thức bản luận này mô phỏng hình thức kinh Chúng tập[12] của Trường A-hàm, tức tương đương với Saṅgīti-sutta (kinh Đẳng tụng) thuộc Dīghanikāya. Từ đây Takakusu đưa đến kết luận lý do tại sao luận này có tên là Sangītiparyāya. Kết luận có thể xác minh, khi bản Phạn của Saṅgītisūtra, tức kinh Chúng tập hoàn thiện nhất được phát hiện và công bố bởi học giả Ernst Waldschmidt năm 1955, in trong Die Einleitung des Saṅgītisūtra[13].
Hiện nay, chỉ còn một số đoạn phiến thủ bản Sanskrit của luận này tồn tại. Hán dịch, Tập dị môn túc luận, Huyền Tráng thực hiện từ năm Hiển Khánh thứ năm, đến năm Long Sóc thứ ba thì hoàn thành (660-663 Tl.), gồm có 12 phẩm, 20 quyển, về đại thể bản luận giải thích kinh Tập dị môn của Trường A-hàm, mà Phật-đà-da-xá dịch thành kinh Chúng tập[14], tương đương với kinh 33 “Đẳng tụng” của Trường bộ[15]; đơn hành bản được thực hiện bởi Tống Thi Hộ, nhan đề: “Phật thuyết Đại tập pháp môn kinh”[16], mà Lương dịch Tì-bà-sa luận dẫn văn kinh này, gọi là Nhiếp pháp kinh[17] hay Tập pháp kinh[18]. Hình thức kết tập của Kinh này trở thành cơ sở thành lập giáo nghĩa Luận tạng. Kinh này cũng có thể xem là Pháp hội kết tập pháp tạng khi Thế Tôn còn trụ thế, một Toàn thư Pháp số đầu tiên của Phật giáo.
Kinh văn kết thành Pháp số theo hình thức “tăng nhất”, từ pháp số 1 đến pháp số 10, liệt kê mỗi số lượng Pháp như vậy tập thành một pháp, đầu tiên có phẩm Duyên khởi, mở đầu mỗi phẩm cũng có khái thuật duyên khởi kết tập, cuối cùng bản kinh là phần Tán khuyến: khen ngợi và khích lệ, vì vậy luận được bố trí thành 12 phẩm. Bản luận là thể loại giải thích kinh, luận thể là tiêu mục và thích nghĩa, được gọi là ma-đắc-lặc-già. Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ Tì-nại-da tạp sự, kết tập Ma-đắc-lặc-già, nói đến “pháp tập”, có thể chỉ cho luận này[19]. Tập dị môn túc luận phản ánh hình thái thích nghĩa cổ điển và giản yếu, được các luận sư Tì-bà-sa rất xem trọng. Về sau, trong Văn sở thành địa của Du-già-sư địa luận, bộ phận nội minh đã lấy kinh này để giải thuyết.
Trong Tập dị môn túc luận, có những đoạn ghi: “Như Pháp uẩn luận thuyết” mà các học giả liệt kê có 33 lần như vậy[20], như “ác ngôn”, “ác hữu” v.v… hoặc có những chỗ không nói nhưng được cho là thuộc về Pháp uẩn, vì nội dung hoàn toàn nhất trí với Pháp uẩn, như đoạn thuyết minh ba thiện tầm.
Tập dị môn túc luận xuất hiện những khái niệm như “hữu thuyết”, “hoặc tác thị thuyết”, có thể thấy luận nghĩa A-tì-đạt-ma đang tiến dần vào giai đoạn bộ phái dị thuyết.
Cộng thêm việc có những điểm tương đồng với Pháp uẩn trong việc viện dẫn 62 giới của kinh Đa giới thuộc Trung A-hàm[21].
Từ ba luận điểm này, Đại sư Ấn Thuận kết luận Tập dị môn túc luận thành lập sau Pháp uẩn túc luận. Nhưng Bhikkhu KL. Dhammajoti[22] thì cho rằng, rất có thể những phần này được biên nhập vào Tập dị môn trong một thời gian sau đó, tức nói rằng bản luận này đã trải qua một quá trình hình thành và chỉnh lý, Dhammajoti còn trích dẫn thứ tự được sắp xếp bởi Tăng-già-bạt-đà-la về thứ tự cổ điển của ba văn bản: Tập dị môn, Pháp uẩn, thứ ba là Thi thiết luận[23].
Theo khảo sát sơ bộ, đánh giá của Dhammajoti có sức thuyết phục cao hơn, bởi vì hình thức tổ chức của Tập dị môn không hoàn toàn thống nhất, ví dụ ở phẩm Một pháp và Hai pháp, tất cả các pháp môn được liệt kê toàn bộ ở phần đầu tức tách biệt phần kinh văn, sau đó mới đến phần luận giải. Nhưng từ phẩm ba pháp - phẩm sáu pháp, tất cả kinh văn không được dẫn chung một lần, sau mỗi tụng tóm tắt chỉ nêu tên đề mục, phần kinh văn được tách biệt đi theo từng pháp, tức trước khi giải thích pháp nào thì phần kinh văn sẽ được trích dẫn ngay trước nó. Hơn nữa các giải thích có giới hạn ngắn, điều này thường thấy trong Xá-lợi-phất A-tì-đàm luận, cho thấy Tập dị môn được tổ chức theo hình thức A-tì-đạt-ma cổ điển, mà niên đại của nó khó mà thua kém Pháp uẩn.
II. Cơ sở giáo nghĩa
1. Kinh Chúng tập [Pāli: Saṇgītisutta, D 33]
Kinh này hiện đã tìm được Phạn bản, được phục hồi tương đối khá hoàn chỉnh, nhan đề: Saṅgītisūtra[24], cựu dịch là: Chúng tập kinh, Ấn Thuận dịch là: Tập dị môn kinh.
Duyên khởi của kinh này[25]: Xá-lợi-phất vâng lời Phật, thuyết pháp cho các Tỷ-kheo. Khi ấy, Ly hệ tử qua đời, nội bộ đồ chúng tự đấu tranh, chia rẽ. Trưởng lão Xá-lợi-phất cảnh giác Thích tử Tỷ-kheo trong tương lai sau khi Phật diệt độ không thể xảy ra những chuyện như vậy, vì vậy khi Phật còn trụ thế, nhóm họp Thánh đệ tử, kết tập Pháp số theo số thập tiến, từ nhóm một pháp đến nhóm mười pháp, để phòng ngừa tương lai biến cố.
Thuyết nhất thiết hữu bộ khai triển bản Kinh với luận giải chi tiết, trở thành Tập dị môn túc luận, phần lớn giáo nghĩa Phật dạy được tập thành khá đầy đủ trong Kinh này.
2. Kinh Thập thượng [Pāli: Dasuttarasutta, D 34]
Nhân ngày chư Tăng bố-tát, Phật dạy ngài Xá-lợi-phất tuyên thuyết kinh này cho chúng Tỷ-kheo. Đại thể, kinh này cũng như kinh Chúng tập, tổ chức theo với kết tập pháp số theo phân biệt thập tiến; nhưng trong kinh này có điểm khác là mỗi pháp số lại được phân thành mười hạng mục[26]:
1. Thành pháp, dhammo bahukāro (pháp đa sở tác), pháp dẫn đến nhiều nghĩa lợi;
2. Tu pháp, bhāvitabbo (ưng tu), cần phải phát triển;
3. Giác pháp, pariññeyyo (ưng biến tri), cần được thông tri toàn diện;
4. Diệt pháp, pahātabbo (ưng đoạn), cần phải đoạn trừ;
5. Thối pháp, hānabhāgiyo (thuận thối phần), dẫn đến sút giảm hay thoái hóa;
6. Tăng pháp, visesabhāgiyo (thắng tiến phần), dẫn đến sự hưng thịnh hay thăng tiến;
7. Nan giải pháp, duppaṭivijjho (nan giải), khó thông hiểu, khó thể hội, khó lý giải;
8. Sinh pháp, uppādetabbo (ưng sinh pháp), cần phải làm cho sinh khởi;
9. Tri pháp, abhiññeyyo (ưng thắng tri), cần được thắng tri, thông tuệ hay chứng tri;
10. Chứng pháp, sacchikātabbo (ưng tác chứng), cần được thể nghiệm hay chứng nghiệm.
Trong pháp số một: có một thành pháp, cho đến: có một chứng pháp; trong pháp hai: có từ hai thành pháp, cho đến: hai chứng pháp, v.v… đại loại như vậy, cho đến: pháp số mười: có mười thành pháp, cho đến: có mười chứng pháp.
III. Nội dung Tập dị môn luận
Ở đây có mấy điểm lưu ý trong nội dung:
Phẩm Duyên khởi và phẩm Tán khuyến của luận này chỉ dẫn nguyên văn kinh Chúng tập như là lời giới thiệu mở đầu và lời tán thán kết thúc.
Thông thường trước mỗi phẩm của luận này có phần tóm tắt duyên khởi trước khi dẫn giải các hạng mục pháp số, nhưng trong bản Pāli và Hán dịch Trường A-hàm, thì phần duyên khởi này nằm sau phần liệt kê các pháp số hoàn tất của mỗi chương.
Về trình tự sắp xếp các hạng mục trong từng nhóm pháp, bản Sanskrit và Hán dịch có sự tương đồng hơn cả. Như ở phẩm hai pháp, phẩm ba pháp chẳng hạn.
Theo bản Sanskrit hiện tại, nhiếp tụng (uddānam), tức tụng tóm tắt chỉ xuất hiện từ tụng thứ hai trong phẩm Ba pháp của bản Phạn và được đặt sau phần liệt kê các hạng mục của tụng, bản Hán thì nhiếp tụng được đặt trước phần liệt kê các pháp. Nhưng các nhiếp tụng trong Phạn bản xuất hiện không đều đặn.
1. Phẩm Duyên khởi
Ngài Xá-lợi-phất thừa hành ý chỉ của Phật, thuyết pháp cho chúng Bí-sô, duyên khởi cho sự kết tập Pháp tạng, theo pháp số thập tiến.
“Hôm nay chúng ta cần phải hòa hợp kết tập Pháp và Tì-nại-da, được nghe từ chính đức Thế Tôn khi còn trụ thế. Ngăn ngừa sau khi đức Như Lai nhập Niết-bàn, xảy ra việc đệ tử của Thế Tôn có điều tranh cãi, khiến cho pháp luật tùy thuận phạm hạnh được an trụ lâu dài mang lại lợi lạc cho vô lượng hữu tình; lại vì thương xót thế gian, chúng chư thiên và nhân loại, khiến cho họ được nghĩa lợi an lạc thù thắng".
2. Phẩm Một pháp
Tất cả hữu tình y chỉ thức ăn tồn tại.
Tất cả hữu tình y chỉ hành mà tồn tại.
Không phóng dật là thiện pháp đệ nhất.
3. Phẩm Hai pháp
Danh và Sắc; Nhập định thiện xảo và xuất định thiện xảo…
4. Phẩm Ba pháp
Ba bất thiện căn, ba thiện căn…
5. Phẩm bốn pháp
Bốn Thánh đế, bốn Sa-môn quả, bốn Vô lượng tâm...
6. Phẩm năm pháp
Năm uẩn, năm thủ uẩn, năm lực, năm căn…
7. Phẩm sáu pháp
Sáu thức thân, sáu xúc thân, sáu tưởng thân, sáu thọ thân…
8. Phẩm Bảy pháp
Bảy giác chi, bảy tùy miên…
9. Phẩm Tám pháp
Tám chi Thánh đạo, tám giải thoát…
10. Phẩm Chín pháp
Chín Hữu tịnh cư, chín triền pháp…
11. Phẩm Mười pháp
Mười pháp vô học…
12. Phẩm Tán khuyến
Phật tán thán ngài Xá-lợi-phất, ấn khả giáo nghĩa, khuyên dạy chúng Tăng nên học tập.
IV. Về bản dịch Việt
Nguyên bản Hán dịch 阿毘達磨集異門足論 A-tì-đạt-ma Tập dị môn túc luận hiện tại, ấn hành trong Đại Chánh Tạng T 26, No. 1536, trang 367a3, gồm 20 quyển, 12 phẩm. Về đại thể, ý nghĩa văn kinh y theo bản Phạn, cú pháp phần lớn theo chuẩn Huyền Tráng.
Về xử lý văn bản trong khi phiên dịch, phần lớn căn cứ công trình hiệu đính và đối chiếu của Đại chánh. Ngoài ra, tham khảo thêm các công trình hiệu đính và đối chiếu khác, trong đó chủ yếu: Dogmatische Begriffsreihen im älteren Buddhismus II. Das Sangitisutra und sein Kommentar Sangitiparyaya, Stache-Rosen, Valentina (Berlin: Akademie-Verlag, 1968. 2 vols). Trong đây biên tập và hiệu đính Phạn bản Saṅgītisūtra và Sangītiparyāya, từ cơ sở này phiên dịch bản Hán Tập dị môn luận sang Đức ngữ.
- Nguồn tham chiếu thứ yếu là Sanskrit fragments of the Saṃgītiparyāya from Bāmiyān, Afghanistan, biên tập bởi Kazunobu Matsuda, phiên âm các đoạn phiến Sanskrit.
- Ngoài ra khi cần thiết, tham khảo thêm: Die Einleitung des Saṅgītisūtra, biên tập bởi Ernst Waldschmidt, trang 298–318.
Bản Hán dịch được phân thành 20 quyển. Bản dịch Việt không chia số quyển như vậy, nhưng sẽ ghi ở phần cước chú mỗi khi bắt đầu một quyển khác.
Trong ấn bản Đại Chánh, từ phẩm một pháp đến phẩm tám pháp, đầu mỗi nhóm kinh, có một bài kệ gọi là “Ốt-đà-nam” (uddānam), thường được dịch là “Nhiếp tụng”, tức kệ tóm tắt nội dung, và cũng được coi là tiêu đề của các pháp số sắp được quảng diễn. Nhưng từ phẩm chín pháp về sau, các “Ôt-đà-nam” không xuất hiện.
Toàn thể phần chánh kinh Tập dị môn (Saṅgītisutta) được dẫn trong Tập dị môn túc luận, tổng cộng phân thành 65 đoạn có đánh số thứ tự trong ngoặc đơn, các hạng mục kinh văn chi tiết được định dạng in đậm và canh lề trái vào bên trong để phân biệt với luận giải thích ở dưới.
Ngoài ra, những khác biệt trong các truyền bản của Hán dịch, thứ tự khoa mục, và thứ tự các pháp số so với bản Sanskrit và Pāli, đều được ghi ở phần cước chú, để các vị cần nghiên cứu sẽ dễ dàng tham khảo các tài liệu cần thiết.
Tuy nhiên, một ấn bản “Tổng mục lục” riêng biệt, với khoa mục cụ thể, mô tả Phạn bản, so sánh với Puggalapaññattipāḷi, các phụ bản đối chiếu, cũng rất cần thiết. Nhưng đó là công trình khác, sẽ được ấn hành khi có dịp thuận tiện.
PL. 2562,
Chùa Đa Bảo - Vô trụ xứ am,
Phật đản 2642 (2018).
[1] 說一切有部為主的論書與論師之研究, tr. 121.
[2] 《大智度論》卷2:「六分阿毘曇」(CBETA, T25, no. 1509, p. 70a6)
[3] 《大智度論》卷2:「毘曇身及義」(CBETA, T25, no. 1509, p. 70b8).
[4] Jñānaprasthāna, 阿毘達磨發智論 A-tì-đạt-ma Phát trí luận, Tôn giả Ca-đa-diễn-ni Tử (Kātyāyanīputra) tạo, Huyền Tráng dịch, 20 quyển. T26 No. 1544. Phát trí luận có thể được coi là điểm phát triển cao nhất của hệ thống A-tì-đạt-ma. Toàn bộ vấn đề được phân thành tám bộ phận, gọi là grantha, mà cựu phiên âm là kiền-độ; Huyền Tráng dịch là uẩn. Bản dịch khác: 阿毘曇八犍度論 A-tì-đàm Bát kiền-độ luận, Tăng-già-đề-bà (Saṅghadeva) và Trúc Phật Niệm đồng dịch. T26 No. 1543.
[5] 《阿毘曇八犍度論》卷24:「八犍度是體耳,別有六足」(CBETA, T26, no. 1543, p. 887a21-22).
[6] 《俱舍論記》卷1〈1 分別界品〉:「前之六論義門稍少。發智一論法門最廣。」(CBETA, T41, no. 1821, p. 8c9-10).
[7] Về các đoạn kinh luận liên hệ đến tác giả Tập dị môn túc luận đã được trích dẫn trong Tổng mục lục Pháp uẩn (2018).
[8] Vy, 19; Bu-ston, I, 49.
[9] Xem Abhid-k-vy(W) 11, 27-28; và Bu-ston, History of Buddhism (Chos hbyung), dịch bởi E. Obermiller, Heidelberg 1931 (Materialien zur Kunde des Buddhismus, H. 18), 1 49.
[10] On the abhidharma literature of the sarvāstivādins, J. Takakusu, Journal of the Pali Text Society, 1904-1905, London, p. 99-103.
[11] 說一切有部為主的論書與論師之研究, tr. 133.
[12] Theo Đại sư Ấn Thuận, tên kinh này dịch là 集異門經 Tập dị môn kinh, xem 說一切有部為主的論書與論師之研究, tr. 133.
[13] Waldschmidt, Ernst 1955b. Die Einleitung des Saṅgītisūtra. Zeitschrift der deutschen morgenländischen Gesellschaft 105: 298–318.
[14] 《長阿含經》卷8:「眾集經」(CBETA, T01, No. 1, p. 49b26).
[15] DN 33 Saṅgīti (PTS, DN iii 207).
[16] 《大集法門經》CBETA, T01, No. 12, p. 226c3.
[17] 《阿毘曇毘婆沙論》卷14:「攝法經」(CBETA, T28, No. 1546, p. 104a21).
[18] 《阿毘曇毘婆沙論》卷26:「集法經」(CBETA, T28, No. 1546, p. 194a3).
[19] 《根本說一切有部毘奈耶雜事》卷40:「,及世俗智苫摩他毘鉢舍那法集法蘊,如是總名摩窒里迦」(CBETA, T24, no. 1451, p. 408b10-11)
[20] Dogmatische Begriffsreihen im älteren Buddhismus II (Berlin, 1968), tr. 200.
[21]《中阿含經》卷47, 多界經 (CBETA, T01, no. 26, p. 723a8).
[22] Sarvāstivāda Abhidharma, DOI: 10.1007/978-94-024-0852-2_43, tr. 106.
[23] Dẫn theo Dhammajoti, ibid., tr. 106.
[24] Dogmatische Begriffsreihen im älteren Buddhismus II. Berlin: Akademie-Verlag, 1968. 2 vols.
[25] Dẫn Toát yếu kinh Trường A-hàm, TT. Tuệ Sỹ biên soạn.
[26] Dẫn Toát yếu kinh Trường A-hàm, TT. Tuệ Sỹ biên soạn.
- Từ khóa :
- A-tì-đạt-ma
- ,
- Tập Dị Môn Túc Luận
- ,
- Tập dị môn luận