Toàn Không
Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc có con gái tên Tu-Ma-Đề, nhan sắc đẹp đẽ, đoan chính, thùy mị, lễ phép, hiếm có trên đời; bấy giờ có Trưởng-giả Mãn-Tài tại thành Mãn-Phú là bạn với Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc, có chút việc đến thăm Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc. Sau khi trông thấy Tu-Ma-Đề, ông hỏi Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc: - Có phải cô gái vừa rồi là con gái ông không? Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc trả lời: - Phải, đó là con gái tôi đấy. - Cháu đã có nơi nào hỏi chưa? Tôi có con trai tới tuổi trưởng thành chưa có vợ, tôi có thể làm thông gia với ông được không? - Việc này không nên, mặc dù dòng họ và tài sản hai bên tương xứng, nhưng việc ông thờ thần và cúng tế thì khác với tôi. - Mỗi bên chúng ta sẽ thờ phụng riêng, con ông sẽ phụng sự riêng, tự do, tôi không thấy có gì trở ngại. - Nếu con gái tôi làm dâu nhà ông thì ông tốn tài sản rất nhiều, có thể nói là tới sáu vạn lạng vàng. Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc nói vậy với mục đích từ chối, không ngờ Trưởng-giả Mãn-Tài trả lời ngay không cần suy nghĩ: - Được, tôi hoàn toàn đồng ý như ông đã nói. - Tôi còn một điều nữa là cần đến hỏi đức Thế-Tôn hiện ở không xa đây, nếu Ngài có dạy điều gì tôi phải vâng làm và sẽ trả lời ông lần chót; vậy ông hãy chờ ở đây, không lâu tôi sẽ trở lại ngay. Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc sắp xếp mau chóng, đến chỗ Thế-Tôn cúi lạy rồi đứng qua một bên thưa: - Con gái Tu-Ma-Đề của con được Trưởng-giả Mãn-Tài bên thành Mãn-Phú cầu hôn cho con trai, xin Thế-Tôn chỉ dạy, con nên gả hay không? Phật bảo: - Nếu gả Tu-Ma-Đề sang nước đó sẽ có nhiêu lợi ích không thể đo lường. Nghe Phật nói thế, Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc vui mừng cúi lạy, nhiễu Phật ba vòng rồi trở về bảo Trưởng-giả Mãn-Tài: - Việc gả con gái tôi cho con trai ông đúng như những gì mà chúng ta đã nói. Vậy đúng 15 ngày ông đưa con trai với đầy đủ lễ vật để đón con gái tôi tại biên giới giữa hai nước.
1)- Tu-Ma-Đề về nhà chồng: Hai Trưởng-giả đều vui mừng phấn khởi rồi chia tay. Đúng 15 ngày, mọi việc sửa soạn xong, Trưởng-giả Mãn-Tài với con trai cùng sính lễ trên đoàn xe từ Mãn-Phú đi qua. Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc cũng đã chuẩn bị cho con gái quần áo, trang điểm diễm lệ cùng hành trang trên đoàn xe từ Xá-Vệ đi tới, hai bên gặp nhau ở biên giới hai nước. Họ gặp nhau làm thủ tục nghi thức cưới, rồi hai bên chia tay, bên đàng trai rước cô Dâu về thành Mãn-Phú. Bấy giờ tại thành Mãn-Phú có lệ là gả con gái hay cưới cho con trai người nước khác thì sẽ bị phạt bằng cách phải mời tất cả Phạm-chí ăn một bữa cơm với thịt lợn (heo), canh thịt lợn, và rượu. Trưởng-giả Mãn-Tài biết luật lệ này nên cho sửa soạn cơm thịt rượu, rồi mời hết thảy 6,000 (sáu nghìn) Phạm-chí trong nước đến; khi các Phạm-chí đến, họ mặc hoặc áo da trắng hoặc có lông thú, nhưng khi vào nhà họ đều vắt lệch lên vai phải để lộ nửa người. Trưởng-giả Mãn-Tài qùy gối trước cửa nhà đón tiếp cung kính làm lễ, khi mọi người đã ngồi xong đâu đó, thì Trưởng-giả vào trong bảo Tu-Ma-Đề ra làm lễ các thầy, Tu-Ma-Đề từ chối nói: - Thôi, thôi, thưa cha, con không thể ngó thấy và làm lễ mấy người khỏa thân được. Trưởng-giả bảo: - Đây không phải người khỏa thân, không có gì phải hổ thẹn cả, đó là lối pháp phục của họ từ xưa đến nay là như thế đấy. Tu-Ma-Đề thưa: - Đây là những người không biết hổ thẹn nên mới bày thân thể ra ngoài, có dùng pháp phục gì đâu; xin cha nghe con, Thế-Tôn thường nói: “Có hai nhân duyên mà người đời qúy đó là hổ và thẹn. Nếu không có thì cha mẹ, anh em, dòng họ, thân tộc tôn ti cao thấp không thể phân biệt giống như loài vật như gà, chó, lợn, dê, lừa, ngựa”. Thật con không thể lễ bái họ được. Người chồng cũng đến bảo: - Nay cô nên ra làm lễ các thầy, vì các Ngài đều là Trời mà gia đình tôi phụng sự. Tu-Ma-Đề đáp: - Tôi không thể lễ những người khỏa thân không biết hổ thẹn giống như loài vật, tôi không thể lễ chó heo lừa được. Người chồng quát lên: - Ngậm miệng lại, không được nói bậy; đây chẳng phải dối gạt, cách mặc như thế chỉ là pháp phục. Bấy giờ Tu-Ma-Đề khóc òa lên, kể lể: - Thà cha mẹ, bà con tôi mất mạng, thân chặt ra năm mảnh, tôi trọn không nghe theo điều tà kiến. Các Phạm-chí đều nghe thấy những lời tranh cãi như thế, bèn lớn tiếng nói: - Thôi thôi, Trưởng-giả, vì sao để đứa tiện tỳ này chửi mắng như thế? Nếu thỉnh mời thì dọn thức ăn mau đi. Trưởng-giả, chồng Tu-Ma-Đề và các người phục dịch vội mang đầy đủ cơm rượu thịt tiếp đãi cung kính các Phạm-chí; họ ăn uống no say, bàn luận chút đỉnh, rồi đứng lên đi về. Chiều hôm ấy, có một Phạm-chí bạn thân trước kia với Trưởng-giả tên Tu-Bạt từ xa đến thăm. Khi gặp mặt thấy Trưởng-giả buồn rầu, Phạm-Chí hỏi: - Sao mà sầu lo đến thế, chẳng lẽ bị quan hạch tội, hay bị trộm cướp bệnh hoạn? - Chẳng có những việc ấy, nhưng trong nhà có việc không vừa lòng, đó là tôi cưới con gái Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc bên thành Xá-Vệ cho con trai tôi nên phạm luật nước, phải mời các thầy đến đông đủ dùng cơm; rồi tôi bảo con dâu tôi ra làm lễ các thầy, nhưng nó không vâng lời còn nói lời vô lễ đối với các thầy, nên tôi buồn khổ; rồi ông kể hết sự việc đã xảy ra cho Phạm-chí nghe. Phạm-chí Tu-Đạt nghe xong nói: - Trưởng-giả, thật lạ lùng, cô gái này còn có thể sống mà không cắn lưỡi tự sát hay nhảy từ lầu xuống tự tử thì thật là may mắn lắm đó, vì các Thầy mà cô gái này phụng sự đều là những người phạm hạnh chưa từng có. Trưởng-giả nói: - Nghe ông nói tức cười, ông là Phạm-chí dị học, sao lại khen ngợi Sa-môn; họ có oai đức thần biến gì hơn ông và 6,000 Phạm-chí ở thành này? Phạm-chí nói: - Trưởng-giả, muốn nghe thần đức của các Sa-môn, thầy của con dâu ông, tôi kể sơ để ông rõ. Có một lần tôi đến phía Bắc núi tuyết sơn đi khất thực trong nhân gian xong, bay đến suối A-Nậu-Đạt. - đó, Trời, Qủy, Thần từ xa thấy tôi đến, đều cầm khí giới đến bảo tôi: “Ông Tiên Tu-Đạt, chớ đến suối này, đừng làm dơ bẩn suối; nếu không nghe lời thì tính mạng ông sẽ bị cắt đứt”; tôi nghe họ nói thế, bèn bỏ đi khỏi suối đó đến chỗ không xa mà ngồi ăn. Khi tôi còn đang ăn, có một Sa-môn bay đến suối A-Nậu-Đạt tay cầm bát, tay cầm áo dơ bẩn. Khi ấy tôi thấy Trời, Qủy, Thần cho đến đại Thần suối A-Nậu-Đạt đều cung kính nghênh đón và nói: “Kính chào thầy của loài người, xin mời ngài đến đây ngồi”. Bấy giờ Sa-di ấy đem cái áo ngâm trong nước, rửa tay, sau đó mới ngồi ăn ngay giữa suối nước trên cái bàn bằng vàng. Sau khi ăn xong Sa-di rửa bát rồi ngồi kiết già trên bàn ấy mà nhập định. Sau khi xuất định, Sa-di ấy giặt áo dơ, tôi thấy Trời, Qủy, Thần hoặc kỳ cọ chỗ bẩn, hoặc lấy nước giội vào áo cho sạch; giặt xong, vị ấy phơi áo trên hư không và lại ngồi thiền định. Một giờ sau, vị ấy lấy áo, rồi đi ngang qua chỗ tôi ngồi thiền, tôi bèn chào hỏi mới biết là Sa-Di Quân-Đề là đệ tử nhỏ nhất. Trưởng-giả nên biết, thầy của con dâu ông, vị nhỏ nhất cũng có thần lực như thế, huống nữa là các đệ tử lớn hơn, có ai bì kịp; huống chi là vị thầy của tất cả, đó là Sa-nôn Cù-Đàm, đức Như-Lai.
2)- Đức Phật thị hiện thần lực: Nghe câu chuyện trên, Trưởng-giả hỏi Phạm-chí: - Chúng ta có thể thấy thầy của con dâu tôi không? Phạm-chí đáp: - Hãy hỏi con dâu ông. Trưởng-giả bèn cho gọi con dâu đến và nói: - Nay cha muốn được gặp thầy của con, con có thể thỉnh mời được không? Tu-Ma-Đề nghe nói, vui mừng nói: - Xin cha cho sửa soạn cơm chay cho đủ 1250 vị, ngày mai Như-Lai sẽ đến đây, có các đệ tử Tỳ-kheo đi theo Ngài. Con trách nhiệm trong việc mời thỉnh. Tu-Ma-Đề tay bưng lò hương lên lầu, chắp tay hướng về phiá Tịnh-xá Kỳ-Hoàn nước Xá-Vệ, nơi có Phật mà khấn nói: - Cúi mong Thế-Tôn khéo quán sát, không việc gì chẳng biết, không việc gì chẳng xét. Nay con là Tu-Ma-Đề, con gái Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc, lấy chồng về nước Mãn-Phú. Nay con đang ở chỗ nguy khốn, cúi mong Thế-tôn đoái tưởng mà đến đây vào sáng ngày mai. Rồi Tu-Ma-Đề nói kệ tán thán Phật đã từng hàng phục Qủy Thần, hàng phục kẻ sát nhân, hàng phục voi dữ, v.v... và xin Như-Lai đoái tưởng. Bấy giờ Tôn-giả A-Nan thấy hương khói bay trong Tịnh-xá , liền bạch Phật: - Hương khói ở đâu mà lan đến Tịnh-xá này? xin Thế-Tôn chỉ dạy. Phật bảo: - Khói hương này là do Tu-Ma-Đề, con gái Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc thỉnh Ta từ thành Mãn-Phú; Thầy hãy tập trung các Tỳ-kheo lại, phát thẻ cho các Tỳ-kheo A-La-Hán để ngày mai đến thành Mãn-Phú thọ thỉnh của Tu-Ma-Đề. Khi các đệ tử tề tựu đông đủ, Tôn-giả A-Nan phát thẻ rồi Thế-Tôn bảo một số Thánh Tăng ngày hôm sau đi trước rồi Ngài sẽ đến sau.
Sáng sớm hôm sau, người cận sự của chúng Tăng tên Càn-Trà vác một cái chảo to lớn, bay lên hư không đến thành kia, đi ba vòng, rồi xuống nhà trưởng-giả, nhiều người trong thành trông thấy, Trưởng-giả hỏi Tu-Ma-Đề: - Đây có phải là thầy con không? Tu-Ma-Đề đáp: - Đây là Cư-sĩ giúp chúng Tăng trong việc cơm nước, vị này có đủ ngũ thông. Sau đó lại có Sa-di Quân đề Tu-Bạt là đệ tử của Tôn-giả Xá-Lợi-Phất, hóa hiện ra rất nhiều loại cây bông hoa, bay trên không, tới thành Mãn-Phú bay ba vòng quanh thành, rồi hạ xuống nhà Trưởng-giả, Trưởng-giả thấy thế hỏi: - Đây có phải là thầy con không? - Không phải, người đó là đệ tử của đệ tử của Phật. Rồi Tôn-giả Bàn-Đặc mặc áo xanh, hóa hiện ra năm trăm Trâu xanh, ngồi kiết già trên mình trâu đi trên hư không đến nhà thì đàn trâu biến mất, Trưởng-giả liền hỏi: - Đây có phải thầy con không? Con dâu trả lời: - Không phải, đây là đệ tử Phật. Tiếp đến, Tôn-giả La-Vân hóa hiện ra năm trăm chim Khổng-tước, đủ màu sắc sặc sỡ đẹp đẽ, ngồi kiết già trên lưng chim bay đến nhà, Trưởng-giả trông thấy hỏi: - Đây chắc là thầy con? Con dâu thưa: - Không phải, đây chính là con ruột của Phật. Tiếp đến, Tôn-giả Ca-Thất-Na hóa hiện năm trăm chim Cánh vàng dũng mãnh, ngồi kiết già trên mình chim bay rợp trời đến nhà. Từ xa thấy, Trưởng giả hỏi: - Đây có phải là thầy con không? - Không phải, đây là đệ tử của Phật. Sau nữa, Tôn-giả Ưu-tỳ Ca-Diếp hóa hiện 500 Rồng đều có bảy đầu, ngồi kiết già trên mình Rồng cuốn vút như gió đến nhà. Trưởng-giả lại hỏi: - Đây hẳn là thầy con? Tu-Ma-Đề thưa: - Chẳng phải, Tôn-giả này cũng là đệ tử của Phật và có hàng nghìn đệ tử. Tiếp theo là Tôn-giả Tu-Bồ-Đề, hóa hiện núi Tu-Di Lưu ly trong vắt, ngồi kiết già trong hang, núi bay lơ lửng đến trên thành. Trưởng giả thấy thế hỏi: - Đây phải thầy con không? Con dâu đáp: - Không phải, đây là Tôn-giả Tu-Bồ-Đề, đệ tử Phật. Lại đến Tôn-giả Ca-Chiên-Diên hóa hiện năm trăm Ngỗng trắng, ngồi kiết già trên lưng ngỗng bay rợp trời đến. Trưởng giả thấy hỏi: - Đây là thầy con chăng? Con dâu đáp: - Chẳng phải thầy con, đó là Tôn-giả Đại-Ca Chiên-Diên. Rồi Tôn-giả Việt-Ly hóa hiện ra năm trăm con mãnh Hổ (Cọp), cưỡi trên lưng hổ trên hư không chạy đến. Trưởng-giả trông thấy lại hỏi: - Đây có phải là thầy con không? Tu-Ma-Đề đáp: - Không phải, đấy là Tôn-giả Việt-Ly, là đệ tử Phật. Kế đến Tôn-giả A-Na-Luật hóa hiện năm trăm Sư-tử rống vang, cưỡi trên mình Sư-tử chạy như bay trên không đến, Trưởng-giả hỏi: - Đây chẳng phải thầy con sao? Tu-Ma-Đề đáp: - Đó là Tôn-giả A-Na-Luật là đệ tử Phật, vị này không thấy đường mà có Thiên nhãn. Tiếp đến Tôn-giả Đại-Ca-Diếp hóa hiện ra năm trăm con Ngựa vàng, cổ đeo nhạc, hý vang, có lông đuôi đỏ chói, ngồi trên mình ngựa, chạy trên không như bay, có hoa trời rải khắp mà đến. Trưởng-giả thấy thế hỏi: - Chắc đây là thầy con? Tu-Ma-Đề thưa: - Cũng không phải, đây là Tôn-giả Đại-Ca-Diếp, đệ tử nối pháp của Phật. Rồi đến Tôn-giả Đại Mục-Kiền-Liên hóa hiện ra năm trăm Voi trắng lớn có sáu ngà trang sức vàng bạc, ngồi trên mình voi, phóng ánh sáng chói lòa cùng khắp, đi trong hư không, có âm nhạc trời với phướn lọng trong hư không rất kỳ diệu mà đến. Thấy thế, Trưởng-giả lại hỏi: - Chắc hẳn đây là thầy con? Tu-Ma-Đề đáp: - Không phải là Thế-Tôn, đây là đệ tử của Phật, thần túc bậc nhất, tên là Đại Mục-Kiền-Liên. Mỗi vị vừa kể đều đi 3 vòng trên thành Mãn-Phú, rồi xả thần biến khi xuống nhà Trưởng-giả; lúc này, Thế-Tôn biết đã đến giờ, Ngài khoác áo Tăng-già-lê, đi trên hư không cách bẩy nhẫn (?) Tôn-giả A-Nhã-Câu-Lân hóa hiện làm Nguyệt Thiên ở bên trái, Tôn-giả Xá-Lợi-Phất hoá hiện làm Nhật-Thiên ở bên phải, Tôn-giả A-Nan nương oai thần của Phật đứng phiá sau tay cầm Phất trần. Hơn 1,200 đệ tử vừa Thánh vừa phàm nương oai thần của Phật vây quanh trên hư không vùng Tịnh-xá Kỳ-hoàn như thế; lúc ấy cũng có Phạm-Thiên Vương tới đứng phiá bên phải của Phật, Đế-Thích tay cầm Phất tử đứng phiá bên trái, Lực-sĩ Kim-Cang Mật-Tích ở phiá sau tay cầm Chày Kim-cang, Tỳ-Sa-môn Thiên-Vương tay cầm Lọng bảy báu lớn che cho Phật. Bàn-giá-Tuần và các Thiên Thần, kẻ hoà nhạc, kẻ xướng ca công đức vô biên của Phật. Chư Thiên rải muôn hoa muôn màu trên Phật và chúng Tỳ-kheo. Bấy giờ Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc, Vua Ba-Tư-Nặc, và nhân dân thành Xá-Vệ đều thấy cảnh ấy tán thán không ngớt, trong khi đó, Phật đem các Tỳ-kheo cùng chư Thiên Thần vô số kể đi như chim Phượng-hoàng trong hư không đến thành Mãn-Phú. Dân chúng cả thành đều thấy những cảnh tượng thù thắng như thế suốt từ sáng cho đến giờ phút ấy. Bấy giờ Trưởng-giả Mãn-Tài nói kệ để hỏi con dâu: Đây là ánh trời chăng, Chưa hề thấy vẻ này, Mấy nghìn vạn ức tia, Không dám nhìn chăm chú. Tu-Ma-Đề gật đầu, rồi qùy xuống, chắp tay hướng về Phật nói kệ đáp: Chẳng trời, không chẳng trời, Thường phóng nghìn thứ sáng, Vì tất cả chúng-sanh, Đây đúng thật Thầy con, Trời Người khen Như-Lai, Qủy Thần sợ oai Phật, Nay sẽ được qủa lớn, Cần siêng cúng dường Ngài. Trưởng-giả Mãn-Tài liền qùy gối phải, chắp tay ngước lên, dùng kệ tán thán Phật là bậc tối thắng đẹp hơn Thiên-Đế, sáng hơn mặt trời, tôn qúy bậc nhất trong trời đất, không có loài hữu hình vô hình nào sánh cùng Phật, và xin được tự quy y mạng với bậc chí tôn. Lúc ấy Phật đưa các đệ tử xuống khoảng đất trống, rồi bỏ thần túc, bình thường đi vào nhà Trưởng-giả; khi Ngài vừa bước tới cửa thì trời đất rung động mạnh, nhân dân hoảng sợ, Ngài bảo:“Đừng sợ, trời đất chấn động là do Như-Lai đây thị hiện thần lực mà ra”. Mọi người thấy dung mạo Ngài các căn tịch tĩnh, 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp trang nghiêm, nên đều tự nói: “Tại sao chúng ta lại không biết vị thượng tôn cực diệu như thế này, mà đi thờ những Phạm-chí kém cỏi không thể sánh được như thế ấy?” Thế là họ nói từngười này qua người kia, họ cùng tới để chiêm ngưỡng Phật và chúng Tỳ-kheo. Số người đến mỗi phút mỗi đông hơn, thấy vậy, Thế-Tôn hóa hiện nhà Trưởng-giả thành lưu ly trong suốt, trong ngoài đều thấy hết, để cho nhân dân được lợi lạc chiêm ngưỡng. Khi ấy Tu-Ma-Đề đến trước Phật qùy lạy và nói điều cảm tạ Phật đã đáp lời khấn của cô mà đến, nhưng không hiểu vì ác duyên nào mà cô chịu khổ ở nơi đây, xin Phật dứt nghi cho. Phật trả lời là do lời thệ nguyện cứu chúng-sanh trước kia mà Tu-Ma-Đề đến nơi này, và cũng vì vậy mà được trí tuệ sáng suốt và khiến Trời, Người thấy được Tu-Ma-Đề như một hạt châu sáng, không có gì phải buồn lo cả; Tu-Ma-Đề nghe Phật nói vô cùng mừng rỡ. Lúc ấy Trưởng-giả thấy Phật và chư Tỳ-kheo đã an tọa xong, ông cùng các người hầu bưng thức ăn đủ món dâng lên cúng dàng đầy đủ. Khi ông thấy Thế-Tôn và chư Tăng đã thọ trai xong, ông cho dọn dẹp sạch sẽ, rồi cùng Tu-Ma-Đề và thân quyến ngồi ngay trước măt Thế-Tôn. Lúc ấy cũng có vô số kể nhân dân ngồi chung quanh xa gần mà nghe. Thế-Tôn nói giới luận, thí luận, luận sinh Thiên, dục là bất tịnh, lậu là dơ xấu, xuất gia là cần yếu; Thế-Tôn thấy Trưởng-giả, Tu-Ma-Đề, và 84,000 (vô số) nhân dân tâm ý khai mở, Ngài liền thuyết các pháp khổ, nguyên nhân gây ra khổ, cách diệt khổ, và con đường tiến tới đạo. Khi ấy, mọi người đều sạch hết trần cấu, được pháp nhãn thanh tịnh, không còn hồ nghi, được sự không sợ hãi, mọi người đều xin quy y Tam-Bảo, thụ trì ngũ giới, Phật chấp thuận hết thảy. Trước Phật, Tu-Ma-Đề nói kệ: Như-Lai tai trong suốt, Nghe con gặp nạn này, Giáng thần đến đây xong, Mọi người được pháp nhãn. Thế-Tôn thuyết pháp xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên cùng các Tỳ-kheo dùng thần thông y như lúc tới để trở về Tịnh-xá Kỳ-Hoàn; mọi người đều qùy gối, ngước lên trời mà vái Phật và chúng Tăng đang xa dần bầu trời thành Mãn-Phú. Bấy giờ các Phạm-chí bảo nhau: “Chúng ta không thể sánh kịp với Sa-môn Cù-Đàm, nhân dân trong nước này đã bị Sa-môn Cù-Đàm hàng phục rồi, chúng ta không nên ở đây nữa, mà nên đi đến nước khác”, thế rồi họ lần lượt bỏ nước Mãn-Phú mà đi. Ví như Sư-tử chúa của các loài thú, có oai thần, khi rống lên các loài thú đều sợ hãi bay chạy mất hoặc nép phục ẩn núp, hoặc bỏ đi; các Phạm-chí đối với Thế-Tôn có đại oai lực cũng như vậy.
Hôm sau, khi các Tỳ-kheo tụ tập ở giảng đường, có một Tỳ-kheo bạch Phật: - Xưa cô Tu-Ma-Đề tạo nhân gì mà là con Trưởng-giả Cấp-Cô-Độc và lại đọa vào nhà tà kiến? Và vì lý do gì cô được pháp nhãn thanh tịnh và lại tạo cho vô số nhân dân cũng được pháp nhãn thanh tịnh như thế, xin Thế-Tôn giải thích cho chúng con. Phật bảo: - Trong quá khứ của Hiền kiếp này, lúc đó có Phật Ca-Diếp, Ngài ở tại nước Ba-La-Nại, du hóa cùng 20,000 đại chúng Tỳ-kheo. Bấy giờ vua Ái-Mẫn có con gái tên Tu-Ma-Na, cô này có tâm cung kính Phật, vâng giữ giới cấm, hằng ưa bố thí, ái Kinh, lợi người và đồng lợi. Cô thường ở trước Phật tụng pháp cú (Câu Phật nói) và phát nguyện rộng lớn rằng: “Con hằng có pháp tứ ái và ở trước Như-Lai tụng pháp cú, nếu con có chút phúc nào, con cầu khi sinh ra không rơi vào ba đường ác (Địa-ngục, Súc-sinh, Ngạ-qủy), cũng không vào nhà nghèo, đời vị lai cũng gặp Phật ra đời, cho con chẳng chuyển sang thân Nam mà được pháp nhãn thanh tịnh”. Nhân dân trong nước nghe được Vương nữ thệ nguyện sâu rộng như thế, vô số người đến gặp, ca tụng công đức Vương nữ đã phát nguyện, nhân dân cũng muốn được đồng lợi như thế. Bấy giờ Vương nữ bảo: - Tôi đem công đức này cùng thí hết thảy nhân dân các người, nếu về sau gặp được Như-Lai thuyết pháp, tất cả đều đồng được độ. Các thầy chớ có nghi, vua Ai-Mẫn lúc ấy, nay là Trưởng-giả CẤp-Cô-Độc, Vương nữ lúc ấy nay là Tu-Ma-Đề, nhân dân lúc ấy, nay là nhân dân nước Mãn-Phú. Do lời thệ nguyện trước kia nay gặp Ta, nghe pháp được độ, và được pháp nhãn thanh tịnh, là vì nhân duyên ấy., .
Toàn Không |
T