1. Định Luật Nghiệp Quả

17/10/20162:58 SA(Xem: 10330)
1. Định Luật Nghiệp Quả

VIỆN  NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP  TUYỂN LỜI   PHẬT   DẠY
TỪ  KINH TẠNG  PALI 

In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon

By
BHIKKHU  BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG  ĐỨC 2015

 

V

CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SANH TỐT ĐẸP

( The Way to a Fortunate Rebirth )

 

1. ĐỊNH LUẬT NGHIỆP QUẢ

          (1) Bốn Loại Nghiệp

            - Này các Tỷ-kheo, có bốn loại nghiệp đã được ta thuyết giảng sau khi ta tự mình chứng ngộ với thắng trí. Thế nào là bốn?

             Có nghiệp tối với những quả tối; có nghiệp sáng với những quả sáng; có nghiệp vừa tối vừa sáng với quả vừa tối vừa sáng, có nghiệp không tối không sáng với quả không tối không sáng; đưa đến đoạn diệt nghiệp.

             Này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp tối với quả tối? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người phát sinh những hành động cố ý gây tổn hại về thân, khẩu, ý. Sau khi đã làm như vậy, người ấy sẽ tái sinh vào một thế giới có nhiều tổn hại. Khi người ấy tái sinh vào thế giới có nhiều tổn hại, những cảm xúc tổn hại sẽ chạm đến người ấy. Khi bị cảm xúc tổn hại chạm đến, ngưới ấy trải nghiệm cảm xúc tổn hại, vô cùng đau đớn, ví dụ như những chúng sanh trong địa ngục. Đây gọi là nghiệp tối với quả tối.

             Và này các tỷ-kheo, thế nào là nghiệp sáng với những quả sáng? Ở đây, này các tỷ-kheo, có người phát sinh những hành động cố ý không gây tổn hại về thân, khẩu, ý. Sau khi đã làm như vậy, người ấy sẽ tái sinh vào một thế giới khôngtổn hại. Khi người ấy tái sinh vào thế giới không có tổn hại, những cảm xúc không tổn hại sẽ chạm đến người ấy. Khi những cảm xúc không tổn hại chạm đến, ngưới ấy trải nghiệm cảm xúc không tổn hại, vô cùng vui thích, ví dụ như chư thiên ở cõi Biến Tịnh Thiên. (9). Đây gọi là nghiệp sáng với quả sáng.

             Và này các tỷ-kheo, thế nào là nghiệp vừa tối vừa sáng với quả vừa tối vừa sáng? Ở đây, này các tỷ-kheo, có người phát sinh những hành động cố ý vừa gây tổn hại về thân, khẩu, ý và những hành động cố ý không gây tổn hại về thân, khẩu, ý. Sau khi đã làm như vậy, người ấy sẽ tái sinh vào một thế giới vừa có tổn hại vừa không có tổn hại. Khi người ấy tái sinh vào thế giới như thế, vừa có tổn hại vừa không có tổn hại , những cảm xúc vừa có tổn hại vừa không có tổn hại sẽ chạm đến người ấy. Khi bị chạm bởi những cảm xúc như vậy, người ấy trải nghiệm cảm xúc vừa tổn hại vừa không tổn hại, một sự pha trộn, xen lẫn lạc và khổ, như  loài người, một số chư thiên và một số chúng sinh ở các đọa xứ. Đây gọi là nghiệp vừa tối vừa sáng với quả vừa tối vừa sáng.

            Và này các tỷ-kheo, thế nào là nghiệp không tối không sáng với quả không tối không sáng đưa đến đoạn diệt nghiệp? Đó là người có ý chí đoạn trừ nghiệp tối với quả tối; đoạn trừ nghiệp sáng với những quả sáng; đoạn trừ nghiệp không tối không sáng với quả không tối không sáng – đây được gọi là nghiệp không tối không sáng với quả không tối không sáng đưa đến đoạn diệt nghiệp.”(10).

             Này các tỷ-kheo, đây là bốn loại nghiệp đã được ta thuyết giảng sau khi ta tự mình chứng ngộ với thắng trí.”

(Tăng Chi BK2 , Ch XXIV. Phẩm Nghiệp, tr 259 -262 )

 

          (2) Chúng sanh đi về đâu sau khi chết

            1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn đang du hành trong nước Kosala với đại chúng tỷ-kheo, và cuối cùng Ngài đi đến một làng của người Bà-la-môn thuộc Kosala tên là Sala.

            2. Các gia chủ Bà-la-môn ở Sala nghe rằng: “Người ta nói Sa-môn Gotama, con trai của bộ tộc Thích ca (Sakya) đã xuất gia, hiện đang du hành trong nước Kosala với một đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến Sala. Giờ đây tiếng đồn tốt đẹp về Tôn giả Gotama được truyền đi như sau: ‘Thế Tôn là bậc A-la-hán…(như trong Kinh Văn III, 2)… Ngài truyền dạy pháp hoàn toàn đầy đủ và thanh tịnh’. Lành thay nếu chúng ta yết kiến một bậc A-la-hán như vậy.”

            3. Rồi những gia chủ Bà-la-môn ở làng Sala đi đến Thế Tôn. Một số người đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên; một số trao đổi lời chào hỏi, sau khi chào hỏi và nói lời thân hữu xã giao, họ ngồi xuống một bên; một số cúi chào Ngài rất cung kính và ngồi xuống một bên; một vài người giữ im lặng rồi ngồi xuống một bên.

            4. Sau khi đã ngồi xuống, họ bạch Thế Tôn: “Thưa tôn giả Gotama, do nhân gì và duyên gì mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sinh vào  cõi khốn khổ,  cõi dữ, vào đọa xứ, địa ngục ? Và do nhân gì duyên gì mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào cõi tốt đẹp, thiên giới ?”

            5. -  Này các gia chủ, do nhân hành xử sai trái, không đúng với Chánh pháp, mà một số chúng sinh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sanh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục. Và do nhân hành xử chơn chánh, đúng với Chánh pháp, mà một số chúng sinh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sanh vào cõi tốt đẹp, thiên giới .

            6. - Chúng con không hiểu đầy đủ ý nghĩa của những lời Tôn giả Gotama thuyết giảng vắn tắtkhông giải thích chi tiết. Lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng Giáo pháp cho chúng con để chúng con có thể hiểu đầy đủ chi tiết của lời Ngài dạy.

            -  Vậy thì, này các gia chủ, hãy chú tâm lắng nghe kỹ những lời ta giảng.

            - Thưa vâng, Tôn giả.

             Các người Bà-la-môn vâng đáp Thế Tôn. Và Thế Tôn giảng như sau :

            7. - Này các gia chủ, có ba loại hành xử sai trái về thân, không dúng với Chánh pháp. Có bốn loại hành xử sai trái về lời, không đúng với Chánh pháp. Có ba cách hành xử sai trái về ý, không đúng với Chánh pháp.

            8. -  Và này các gia chủ, thế nào là ba loại loại hành xử sai trái về thân, không đúng với Chánh pháp? Ở đây, có người sát sanh; giết hại, tay vấy máu, đánh đấm và dùng bạo lực, tàn nhẫn đối với loài hữu tình. Người này lấy của không cho; trộm cắp tài sản của người khác trong làng hay trong rừng. Người ấy phạm tà dâm; giao hợp với những phụ nữ được cha mẹ, che chở, những người có mẹ, cha, anh, chị em hay bà con che chở, những người có chồng , được luật pháp bảo vệ, và thậm chí với cả những người đã đính hôn. Như vậy là ba loại hành xử sai trái thuộc về thân, không theo đúng Chánh pháp.

            9. - Và, này các gia chủ, thế nào là bốn cách hành xử sai trái về lời, không đúng với Chánh pháp ? Ở đây, có người nói láo; khi được gọi hầu tòa, hay dự một buổi họp,  hay đến chỗ có bà con thân quyến, hay đến các tổ hợp, hay đến trước mặt hoàng tộc, và được hỏi như một nhân chứng : ‘ Này hiền giả, hãy nói những gì ông biết ’, và mặc dù người ấy không biết, vẫn nói là ‘Tôi biết’; mặc dù có biết, người ấy nói :’’Tôi không biết ’; dù không thấy, người ấy nói : ‘Tôi thấy’, hoặc dù có thấy, người ấy nói: ‘ Tôi không thấy’, người ấy hoàn toàn biết rõ việc nói láo có chủ ý của mình, hay vì mục đích của người khác, hoặc vì một vài  quyền lợi nhỏ nhen nào đó. Người ấy nói hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này; nghe điều gì ở chỗ kia đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy, người ấy ly gián những người đang hòa hợp, là kẻ xúi giục ly gián, vui thú phá hòa hợp, ưa thích phá hòa hợp, khoái trá phá hòa hợp, là kẻ đưa ra những lời nói phá hòa hợp. Người ấy nói lời thô bạo; nói lời cộc cằn, nặng nề, làm tổn thương người khác, làm xúc phạm kẻ khác, đưa đến phẫn nộ, không đưa đến định tâm. Và người ấy nói những lời phù phiếm; nói vào thời điểm không thích hợp,, nói lời sai sự thật, nói lời vô nghĩa,  nói lời trái với Giáo phápGiới luật; vào thời điểm không thích hợp, người ấy nói những lời vô giá trị, vô lý, thái quá, không lợi ích. Như vậy là bốn cách hành xử sai trái về lời nói, không đúng với Chánh pháp.

            10. - Và, này các gia chủ ,thế nào là ba loại hành xử sai trái về ý , không theo đúng Chánh pháp ? Ở đây, có người tham lam; người ấy tham muốn tài sản của người khác và nghĩ rằng : ‘ Ôi, ước gì những tài sản của người khác trở thành của ta !’ Hoặc người ấy có tâm sân và những ý định hận thù như thế này:‘ Cầu mong những loài hữu tình này bị giết, bị sát hại, bị cắt đứt, bị tiêu diệt, không còn tồn tại !’  Hoặc người ấy có tà kiến, có ý tưởng điên đảo như thế này: “ Không có bố thí, không có kết quả bố thí, không có  tế lễ , không có kết quả tế lễ; không có kết quả các hành vi thiện ác; không có đời này, không có đời sau; không có mẹ , không có cha; không có các loài hóa sanh; không có các sa môn, Bà-la-môn trong đời này đã tự mình thành tựu thắng trí và tuyên bố cho đời này và đời sau’’. (11) Đó là ba loại hành xử sai trái về ý , không theo đúng Chánh pháp. Vì thế, này các gia chủ, chính vì cách hành xử sai trái về ý, không theo đúng Chánh pháp như vậy mà một số chúng sanh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, phải tái sinh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, vào đọa xứ, địa ngục.

            11. - Và, này các gia chủ , có ba loại hành xử chơn chánh về thân,  theo đúng Chánh pháp. Có bốn loại hành xử chơn chánh về lời, theo đúng Chánh pháp. Có bốn loại hành xử chơn chánh về ý, theo đúng Chánh pháp.

            12. - Và, này các gia chủ , thế nào là  ba loại hành xử chơn chánh về thân,  theo đúng Chánh pháp? Ở đây, có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ hủy hoại mạng sống, dẹp bỏ roi và vũ khí, có lương tâm, có lòng thương xót, sống có lòng từ với tất cả chúng sanh. Từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ trộm cắp tài sản của người khác trong làng hay trong rừng. Từ bỏ tà dâm, tránh xa tà hạnh trong các dục, không giao hợp với những phụ nữ được cha mẹ, che chở, những người có mẹ, cha, anh, chị em hay bà con che chở, những người có chồng , được luật pháp bảo vệ, và thậm chí với cả những người đã đính hôn. Như vậy là ba loại hành xử chơn chánh về thân,  theo đúng Chánh pháp.

            13. - Và, này các gia chủ, thế nào là bốn loại hành xử chơn chánh về lời, theo đúng Chánh pháp ? Ở đây, có người từ bỏ  nói láo; không nói lời vọng ngữ;  khi được gọi hầu tòa, hay dự một buổi họp,  hay đến chỗ có bà con thân quyến, hay đến các tổ hợp, hay đến trước mặt hoàng tộc, và được hỏi như một nhân chứng : ‘ Này hiền giả, hãy nói những gì ông biết ’, và  vì  không biết, người ấy  nói là ‘Tôi không biết’; và vì  có biết, người ấy nói :’’Tôi có  biết ’; vì không thấy, người ấy nói : ‘Tôi không thấy’, hoặc vì có thấy, người ấy nói: ‘ Tôi có thấy’, người ấy hoàn toàn không biết nói láo vì mục đích riêng mình, hay vì mục đích của người khác, hoặc vì một vài  quyền lợi nhỏ nhen nào đó. Người ấy từ bỏ nói hai lưỡi; không nói  hai lưỡi; nghe điều gì ở chỗ này không  đến nói ở chỗ kia để gây chia rẽ những người này; nghe điều gì ở chỗ kia không đến nói ở chỗ này để gây chia rẽ những người kia; như vậy, người ấy hòa hợp  những người đang chia rẽ, là kẻ khuyến khích tình thân hữu, là người  ưa thích hòa hợp, vui mừng trước sự hòa hợp, vung sướng trước sự hòa hợp, là kẻ đưa  ra những lời nói cổ động cho sự  hòa hợp. Người ấy từ bỏ nói  lời thô bạo; không nói lời cộc cằn;  người ấy nói những lời dịu dàng, êm tai, dễ thương, thấm tận trái tim, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người vui lòng. Và người ấy từ bỏ nói lời phù phiếm; nói đúng thời điểm thích hợp, nói lời đúng sự thật, nói lời tốt đẹpnói đúng với Giáo phápGiới luật; vào thời điểm thích hợp, người ấy nói những lời đáng ghi nhận, hợp lý, dung hòa, và lợi ích. Như vậy là bốn cách hành xử chơn chánh về lời nói, đúng với Chánh pháp.

            14. - Và, này các gia chủ, thế nào là  ba loại hành xử chơn chánh về ý,  theo đúng Chánh pháp? Ở đây, có người không tham lam; người ấy không tham muốn tài sản của người khác và không nghĩ rằng : ‘ Ôi, ước gì những tài sản của người khác trở thành của ta !’ Người ấy không có tâm sân và không có những ý định hận thù, người ấy nghĩ như thế này:‘ Cầu mong những loài hữu tình này sống không thù hận, khổ đau, và lo âu. Cầu mong tất cả được sống hạnh phúc !’ Người ấy có chánh kiến, có ý tưởng đúng đắn  như thế này: “ Có bố thí, có kết quả bố thí, có tế lễ ,  có kết quả  tế lễ; có kết quả  các hành vi thiện ác; có đời này, có đời sau; có mẹ, có cha; có các loài hóa sanh; có các sa môn, Bà-la-môn trong đời này đã tự mình thành tựu thắng trí và tuyên bố cho đời này và đời sau’’. (11) Đó là ba loại hành xử chơn chánh về ý , theo đúng Chánh pháp. Vì thế, này các gia chủ, chính vì cách hành xử chơn chánh  về ý, theo đúng Chánh pháp như vậy mà một số chúng sinh ở đây, sau khi thân hoại mạng chung, được tái sinh vào cõi tốt đẹp,  thậm chí còn được tái sanh vào thiên giới.

            15. - Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh , theo đúng Chánh pháp, mong ước : ‘ Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được sanh vào gia đình giàu có sang trọng!’ Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy được sanh vào gia đình  giàu có sang trọng. Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

            16 - 17. - Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh , theo đúng Chánh pháp, mong ước  : ‘ Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được sanh vào gia đình Bà-la-môn đại phú!... vào gia đình các đại phú  gia!’ Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy được sanh vào gia đình Bà-la-môn đại phú!... vào gia đình các đại phú  gia!’ . Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

            18 - 42 . - Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp, mong ước : ‘ Ôi, cầu mong rằng sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tôi được làm bạn với chư thiên trong cõi Trời Tứ Thiên Vương!... chư thiên trong cõi Trời Đao Lợi,…chư thiên cõi Trời Dạ Ma…, chư thiên cõi Trời Đâu Suất…, chư thiên cõi Hóa Lạc, chư thiên cõi Tha Hóa Tự Tại,…chư thiên cõi Phạm Chúng,…, chư thiên cõi Quang Minh Thiên, (12)…chư thiên cõi Thiểu Quang Thiên, …chư thiên cõi Vô Lượng Quang Thiên, …chư thiên cõi Quang Âm Thiên,… chư thiên cõi Tịnh Thiên,…chư thiên cõi Thiểu Tịnh Thiên, …chư thiên cõi Vô Lượng Tịnh Thiên,…chư thiên cõi Biến Tịnh Thiên,…, chư thiên cõi Quảng Quả Thiên,…chư thiên cõi Vô Phiền Thiên,…chư thiên cõi Vô Nhiệt Thiên,…chư thiên cõi Thiện Hiện Thiên, …chư thiên cõi Thiện Kiến Thiên,…chư thiên cõi Sắc Cứu Cánh Thiên, …chư thiên cõi Không Vô Biên Xứ  Thiên,… Chư thiên cõi Thức Vô Biên Xứ Thiên, …chư thiên cõi Vô Sở Hữu Xứ Thiên, …chư thiên cõi Phi Tưởng Phi Phi Phi Tưởng Xứ Thiên ! Điều có thể xảy ra là, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ được tái sanh và làm bạn với  chư thiên cõi Phi Tưởng Phi Phi Phi Tưởng Xứ Thiên. Vì sao vậy ? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.

            43. - Này các gia chủ, nếu một người luôn hành xử chơn chánh , theo đúng Chánh pháp, mong ước : ‘ Ôi, bằng cách tự mình thực chứng với thắng trí, cầu mong ngay trong đời này, tôi được an trú trong tâm giải thoáttuệ giải thoát, không còn các lậu hoặc, với sự đoạn diệt các lậu hoặc!’ Điều có thể xảy ra là, bằng cách tự mình thực chứng với thắng trí, ngay trong đời này, người ấy được an trú trong tâm giải thoát, tuệ giải thoát, không còn các lậu hoặc, với sự đoạn diệt các lậu hoặc. Vì sao vậy? Bởi vì người ấy luôn hành xử chơn chánh, theo đúng Chánh pháp.(13)

            44. Khi nghe Thế Tôn nói như vậy, các gia chủ Bà-la-môn bạch Thế Tôn :” Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!  Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Tôn giả Gotama đã làm sáng tỏ Chánh pháp bằng nhiều phương tiện, như thể Ngài đã dựng đứng lại những gì đã bị ngã xuống, phơi bày những gì bị che dấu, chỉ đường cho kẻ bị lạc đường, giơ cao ngọn đèn trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Nay chúng con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn Giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử tại gia, từ nay cho đến mạng chung , chúng con xin trọn đời quy y theo Ngài. ”

                                    ( Trung Bộ Kinh I, Kinh số 41, Kinh Saleyyaka, tr 623-633 )

 

 

 

          (3) Nghiệp và Quả

            1. Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn ngụ ở thành Xá Vệ ( Savatthi ) tại Rừng Kỳ-Đà (Jeta’s Grove ) trong Vườn Cấp-Cô-Độc ( Anāthapindika ).

            2. Rồi thanh niên Bà-la-môn Subba, con trai của Todeyya, đi đến Thế Tôntrao đổi lời chào hỏi với Ngài. Sau khi nói những lời xã giao thân hữu đã xong, anh ngồi xuống một bên và bạch Thế Tôn :

            3. - Thưa Tôn giả Gotama, do nhân duyên gì mà chúng ta thấy loài người có kẻ cao sang, người hạ liệt? Chúng ta thấy có những người yểu mạng, có người trường thọ, người nhiều bệnh, kẻ ít bệnh, người xấu xí, kẻ xinh đẹp, người không có quyền lực, kẻ có nhiều quyền lực, người nghèo khó, kẻ giàu sang, người sinh ra trong gia đình cao quý, kẻ sinh vào nơi hạ tiện, người thông minh, kẻ ngu dốt. Thưa Tôn giả Gotama, do nhân duyên gì mà chúng ta thấy loài người có kẻ cao sang, người hạ liệt ?

            4. -  Này thanh niên, chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là những kẻ thừa kế nghiệp,  xuất phát từ nghiệp, ràng buộc với nghiệp, nghiệp là nơi nương tựa của họ. Chính là nghiệp đã phân biệt chúng sanh thành kẻ cao sang, người hạ liệt.

            - Con không hiểu đầy đủ ý nghĩa của những lời Tôn giả Gotama thuyết giảng vắn tắtkhông giải thích chi tiết. Lành thay nếu Tôn giả Gotama thuyết giảng Giáo pháp cho con để  con có thể hiểu đầy đủ chi tiết của lời Ngài dạy.

            - Vậy thì, này thanh niên, hãy chú tâm lắng nghe kỹ những lời ta giảng.

            -  Dạ vâng, thưa Tôn giả.

             Subha vâng đáp Thế Tôn. Và Thế Tôn giảng như sau:

            5. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  sát sanh; giết hại, tay vấy máu, đánh đấm và dùng bạo lực, tàn nhẫn đối với loài hữu tình. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục. Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy không tái sinh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục, thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ bị yểu mạng.(14) Này thanh niên, đây là con đường đưa đến yểu mạng, tức là sát sanh, giết hại, tay vấy máu, đánh đấm và dùng bạo lực, tàn nhẫn đối với loài hữu tình.

            6. - Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  từ bỏ sát sanh, từ bỏ hủy hoại mạng sống, dẹp bỏ roi và vũ khí; có lòng thương xót, sống có lòng từ với tất cả chúng sanh. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp, vào thiên giới. Nhưng nếu sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy không tái sinh vào cõi tốt đẹp, vào thiên giới, thay vào đó sanh lại vào cõi người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy được trường thọ.(15) Này thanh niên, đây là con đường đưa đến trường thọ, tức là từ bỏ sát sanh, từ bỏ hủy hoại mạng sống, dẹp bỏ roi và vũ khí; có lương tâm, có lòng thương xót, sống có lòng từ với tất cả chúng sanh.

            7. -  Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  đã làm tổn hại chúng sanh bằng tay, với hòn đất, với gậy, hay với dao. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ, cõi dữ, đọa xứ, địa ngục…Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ bị bệnh hoạn, tức là người đã làm tổn hại chúng sanh bằng tay, với hòn đất, với gậy, hay với dao.

            8.-  Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không làm tổn hại chúng sanh bằng tay, với hòn đất, với gậy, hay với dao. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ luôn được khỏe mạnh, tức là người đã không làm tổn hại chúng sanh bằng tay, với hòn đất, với gậy, hay với dao.

            9. -  Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  tánh tình khó chịu, hay nóng giận; thậm chí khi bị chỉ trích một chút  đã bất bình, nổi giận, muốn gây hấn, phẫn nộ, và bày tỏ sự tức giận, thù nghịch, cay cú… Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ… Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ bị xấu xí. Này thanh niên, đây là con đường đưa đến dung sắc xấu xí, tức là, người tánh tình nóng nảy, dễ nổi giận… và bày tỏ sự tức giân, thù nghịch, cay cú.

            10. - Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không có tánh tình khó chịu, hay nóng giận; thậm chí khi bị chỉ trích một chút không tỏ ra bất bình, không nổi giận, không gây hấn, hay  phẫn nộ, và  khôngbày tỏ sự tức giận, thù nghịch, cay cú… Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp… Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ được xinh đẹp. Này thanh niên, đây là con đường đưa đến dung sắc xinh đẹp, tức là, người có tánh tình không nóng nảy, không dễ nổi giận… và không bày tỏ sự tức giân, thù nghịch, cay cú .

            11. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  tánh tình đố kỵ, là người thường ganh ghét đố kỵ trước sự thành đạt, vinh dự, kính trọng, tôn kính, đảnh lễ mà người khác nhận được. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ là kẻ không có quyền lực. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến không có quyền lực, tức là, người có tánh tình hay ganh ghét, đố kỵ trước sự thành đạt, vinh dự, kính trọng, tôn kính, đảnh lễ mà người khác nhận được.

            12.  Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không có tánh ganh ghét đố kỵ trước sự thành đạt, vinh dự, kính trọng, tôn kính, đảnh lễ mà người khác nhận được. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ có quyền lực. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến  có quyền lực, tức là, người có tánh tình không ganh ghét, đố kỵ trước sự thành đạt, vinh dự, kính trọng, tôn kính, đảnh lễ mà người khác nhận được.

            13. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không bố thí thực phẩm, nước uống, y phục, xe cộ, tràng hoa, hương liệu, sáp thoa da, giường, chỗ ở, đèn đuốc cho Sa môn hay Bà-la-môn. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ nghèo khó. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến nghèo khó, tức là, người không bố thí….và đèn đuốc cho Sa môn hay Bà-la-môn.

            14. - Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  bố thí thực phẩm, nước uống, y phục, xe cộ, tràng hoa, hương liệu, sáp thoa da, giường, chỗ ở, đèn đuốc cho Sa môn hay Bà-la-môn. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ giàu có . Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến giàu có, tức là, người biết bố thí….và đèn đuốc cho Sa môn hay Bà-la-môn.

            15. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  tính tình bướng bĩnh, kiêu căng, không đảnh lễ người xứng đáng được đảnh lễ, không đứng dậy trước đáng đứng dậy, không mời ngồi cho người đáng được mời ngồi, không nhường lối đi cho người đáng được nhường lối đi, và không tôn vinh, kính trọng, cung kính, và đảnh lễ người đáng tôn vinh, kính trong, cung kính, đảnh lễ. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ sinh vào gia dình hạ liệt. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến tái sinh vào gia đình hạ liệt, tức là, người có  tính tình bướng bĩnh, kiêu căng… không tôn vinh, kính trọng, cung kính, và đảnh lễ người đáng tôn vinh, kính trọng, đảnh lễ.

            16.- Nhưng ở đây, này thanh niên, có người đàn ông hay đàn bà không có tính tình bướng bĩnh, kiêu căng; đảnh lễ người xứng đáng được đảnh lễđứng dậy trước đáng đứng dậy,  mời ngồi cho người đáng được mời ngồi, nhường lối đi cho người đáng được nhường lối đi, và tôn vinh, kính trọng, cung kính, và đảnh lễ người đáng tôn vinh, kính trong, cung kính, đảnh lễ. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ sinh vào gia dình cao sang. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến tái sinh vào gia đình cao sang, tức là, người không có  tính tình bướng bĩnh, kiêu căng… biết tôn vinh, kính trọng, cung kính, và đảnh lễ người đáng tôn vinh, kính trọng, đảnh lễ.

            17. - Ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  không đi đến thăm viếng Sa môn hay Bà-la-môn và hỏi : ‘Thưa tôn giả, thế nào là thiện ? Thế nào là bất thiện ? Thế nào là đáng chê trách ? Thế nào là không đáng chê trách ?  Cái gì cần phải trau dồi ? Cái gì không nên trau dồi ? Hành động nào đưa đến tổn hạiđau khổ lâu dài cho tôi ? Hành động nào đưa đến an vui và hạnh phúc lâu dài cho tôi ?’. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi khốn khổ…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ là người ngu dốt. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến tái sinh thành kẻ ngu dốt, tức là, không đi đến thăm viếng Sa môn hay Bà-la-môn và đặt nhưng câu hỏi như thế.

            18. “ Nhưng ở đây, này thanh niên, có người nam hay nữ  đi đến thăm viếng Sa môn hay Bà-la-môn và hỏi :’ Thưa tôn giả, thế nào là thiện ? Thế nào là bất thiện ? Thế nào là đáng chê trách ? Thế nào là không đáng chê trách ?  Cái gì cần phải trau dồi ? Cái gì không nên trau dồi ? Hành động nào đưa đến tổn hạiđau khổ lâu dài cho tôi ? Hành động nào đưa đến an vui và hạnh phúc lâu dài cho tôi ?’. Do thực hiện những hành động ấy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sinh vào cõi tốt đẹp…. Nhưng nếu thay vào đó lại được trở lại làm người, thì bất cứ nơi nào người ấy sinh ra, người ấy sẽ là người có trí tuệ. Này thanh niên, đây là con đường đưa  đến tái sinh thành người có trí tuệ, tức là, đi đến thăm viếng Sa môn hay Bà-la-môn và đặt nhưng câu hỏi như thế.

            19. – Như vậy, này thanh niên, con đường  đưa đến yểu mạng làm cho con người yểu mạng, con đường đưa đến trường thọ làm cho con người trường thọ; con đường đưa đến bệnh hoạn làm cho con người nhiều bệnh, con đường đưa đến sức khỏe làm cho con người khỏe mạnh; con đường đưa đến dung sắc xấu xí làm cho con người có dung sắc xấu xí, con đường đưa đến dung sắc xinh đẹp làm cho con người có dung sắc xinh đẹp; con đường đưa đến không có quyền lực làm cho con người không có quyền lực, con đường đưa đến quyền lực làm cho con người nhiều quyền lực; con đường đưa đến nghèo khó làm cho con người nghèo khó, con đường đưa đến giàu có làm cho con người giàu có; con đường đưa đến tái sinh vào chỗ hạ liệt làm cho con người tái sinh vào gia đình hạ liệt, con đường đưa đến tái sinh cao sang làm cho con người được tái sinh vào chỗ cao sang; con đường đưa đến ngu dốt làm cho con người tái sinh thành kẻ ngu dốt, con đường đưa đến trí tuệ làm cho con người tái sinh thành kẻ có trí tuệ.

            20. - Chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa kế nghiệp; xuất phát từ nghiệp, ràng buộc với nghiệp, nghiệp là nơi nương tựa của họ. Chính là nghiệp đã phân biệt chúng sanh thành kẻ cao sang, người hạ liệt.”

            21.  Khi nghe Thế Tôn nói như vậy, thanh niên Subha, con của Todeyya, bạch Thế Tôn : “Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!  Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Tôn giả Gotama đã làm sáng tỏ Chánh pháp bằng nhiều phương tiện, như thể Ngài đã dựng đứng lại những gì đã bị ngã xuống, phơi bày những gì bị che dấu, chỉ đường cho kẻ bị lạc đường, giơ cao ngọn đèn trong bóng tối để cho những ai có mắt có thể thấy sắc. Nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y Tăng. Mong Tôn Giả Gotama nhận con làm đệ tử tại gia, từ nay cho đến mạng chung , chúng con xin trọn đời quy y theo Ngài. ”

                        ( Trung Bộ Kinh, Kinh số 135 : KInh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, tr 473- 481 )

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
26/01/2011(Xem: 38698)
27/10/2022(Xem: 4817)
21/02/2023(Xem: 16790)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.