ĐỒNG VÀ BẤT ĐỒNG
Lê Huy Trứ
Lê Huy Trứ
Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải: Phật và chúng sinh thật ra vẫn đồng một thể tánh chơn tâm, nhưng chư Phật đã hoàn toàn giác ngộ được thể tánh ấy. Ngược lại, chúng sinh vì mê lầm thể tánh chơn tâm, chưa giác ngộ cho nên suốt đời sống trong điên đảo khổ đau và phải chịu trầm luân trong biển sanh tử luân hồi.
Kinh Phạm võng: Tất cả chúng sinh đều có sẵn Tánh Giác Ngộ nơi mình (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh). Nhờ có Tánh Giác Ngộ ấy mà chúng sanh mới thấu đạt lý nhân quả, hiểu cái thể tự nhiên của mình đồng với Phật.
Kinh Phạm võng: Tất cả chúng sinh đều có sẵn Tánh Giác Ngộ nơi mình (Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật Tánh). Nhờ có Tánh Giác Ngộ ấy mà chúng sanh mới thấu đạt lý nhân quả, hiểu cái thể tự nhiên của mình đồng với Phật.
Cái biết của phàm phu là cái kiến thức duyên sanh.
Cái biết của đạo Phật là cái kiến tánh trí huệ.
Cái đồng và bất đồng này xảy ra hàng ngày trong đời sống nhân sinh ở trong cõi ta bà này. Đa số nó tự nhiên đến nỗi không ai thèm phân tích, giải thích tại sao cho mất công. Vì chúng nhân sinh thường đồng so bì một cách rất tự nhiên mà không biết sao mình lại cứ so sánh là mình bất đồng với người.
Chẳng hạn trong chuyện cổ tích truyền khẩu, Ca Diếp vi tiếu, Phật Tổ niêm hoa.
Vi tiếu bất đồng với niêm hoa? Tâm Ca Diếp đồng tâm Phật Tổ?
Ca Diếp cười ruồi trước khi Phật Tổ phất hoa đuổi ruồi?
Cái chuyện nhỏ nhặt đập ruồi này đã là một rừng tranh luận giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa từ cả nhiều trăm năm rồi mà bây giờ cái đám đồ tổ đồ tôn vẫn cứ lôi ra để tranh luận với những lý luận bất đồng nhưng cùng đồng không đồng ý.
“Câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu nầy được xem là hột giống Thiền mà Đức Phật Thích Ca đã gieo vào Phật giáo lúc Phật còn sanh tiền.
Nhưng hột giống ấy không nẩy nở được ở đất nước Ấn Độ, phải chờ đợi đến đời Tổ Sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma, Ngài mới đem hột giống Thiền ấy gieo vào đất Trung Hoa thì nó mới nẩy nở và phát triển rực rỡ vào thời Lục Tổ Huệ Năng, và được truyền lại cho đến ngày nay.”
Dù thế nào đi nữa thì đại đa số những Phật Tử, nhất là những học giả, và thiện tri thức trên thế giới đều công nhận đây là một sự tích đầy triết lý rất cao siêu của Phật Giáo nói chung.
Đa số những người trên thế giới, và những người mới có nhân duyên với Phật Pháp, và ngay cả chính tôi lúc mới tập tễnh rị mọ, tự lần mò học phật pháp cũng đã chưa có một chút khái niệm, phân biệt, kỳ thị giữa đại thừa từ các Tổ Tàu phương Bắc xuống hay tiểu thừa từ Tây qua rồi ở riết nơi miền Nam Việt, tự nhận là Nam Tông, nguyên thủy từ gốc Ấn Độ chính cống qua nhưng không biết tại sao họ không thể nào Bắc tiến nỗi?
Đây là một điều đại xấu hổ trong Phật Giáo, nhất là trong hàng Phật Giáo Việt Nam thay vì hãnh diện, và nhớ ơn là Phật Giáo nước mình được may mắn hấp thụ được cả hai truyền thống văn minh tối cổ nhất thế giới. Vậy mà có những kẻ đầu óc tiểu nhân, đầy sân hận không biết hòa hợp hai nguồn trí tuệ đó để hoành dương phật pháp lại đi cấu xé lẫn nhau.
Nhân sinh, nhất là giới trẻ rất thông minh ngày nay không tìm tới Phật pháp với những cá tánh đầy sân hận vì ngu muội như những kẻ cuồng si, mê tín, dị đoan của những thế hệ trước như trên. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chúng ta vẫn thấy nhiều ma quỷ mặc áo cà sa lộng hành trong nhiều chùa chiền, dụ dổ tiền, và công của những đám tín đồ u mê tìm đến phật pháp vì mong được cứu độ.
Những lập luận quá khích, cuồng tín, chia rẽ của họ và tín đồ của họ không những khó thuyết phục được giới trẽ, trí thức mà còn làm cho những người khác trên thế giới coi thường phật giáo.
Tôi cũng tình cơ nhân duyên và đọc qua bài Im lặng sấm sét, kinh người bắt rắn chú giải của Thích Nhất Hạnh.
“Sư ông” Thích Nhất Hạnh nói, “Theo tôi thấy thì nguyên do sự hiểu lầm này nằm ở chỗ thầy Arittha nhầm lẫn an lạc với dục lạc.”
Theo tôi thấy thì có thể “sư cụ” hiểu lầm qua kinh nghiệm bản thân, suy bụng ta ra bụng người, chứ hai cái chữ an lạc và dục lạc đó ngay cả cái đứa đần nhất thế giới, “ngây thơ trong trắng,” giả bộ khờ như tôi muốn cố tình hiểu lầm cũng khó mà nhầm lẫn được huống hồ kẻ chân tu Arittha?
Trong kinh người bắt rắn nếu đọc, và để ý một tí thì thấy Phật dạy khôn, la rầy các tỳ kheo bất đồng ý kiến với tỳ kheo Arittha nhiều hơn là la rầy tỳ kheo Arittha đã dám tiết lộ cái bất đồng khó hiểu đó cho họ bị phân vân, chi phối, lo ra trở ngại cho sự tu hành.
Kinh nói, “Nghe đức Thế Tôn quở trách như thế, thầy Arittha cúi đầu im lặng, trong lòng lo buồn, không tìm ra được lời nào để đối đáp.”
Đây chả khác gì trường hợp của niêm hoa vi tiếu (zh:拈花微笑, j: nenge-mishō). Tỳ kheo Arittha cúi đầu im lặng (thực hành hạnh im lặng của sư tử hống), làm những người chung quanh tưởng lòng ngài lo buồn vì không tìm được lời nào để đối đáp. Chứ thật ra ngài đã đối chiếu với câu chất vấn thoại đầu của Phật rồi nên không có gì thêm nữa để đối đáp.
Sau đây là nguyên văn từ bài giảng Im lặng sấm sét, kinh người bắt rắn chú giải của Thích Nhất Hạnh. Nếu tôi không nhầm lẫn thì hình như đích thị từ kim khẩu của Đức Thế Tôn, Ngài đã đề cập đến kinh điển văn tự? Mà từ thời đó cho đến 400 năm sau khi Đức Phật tịch diệt, nhân loại mới khám phá ra chữ viết, văn tự, và giấy viết từ người Trung Hoa mà ra. Tuy là những mã tự, tranh vẽ, màu sắc rất nghệ thuật vừa mới được khám phá ở những hang động ở Âu Châu có thể lâu đời hơn 10000 năm về trước.
Không biết đây là tiểu thừa ngụy kinh từ Ấn Độ Tây qua, hay Đức Phật đã dài dòng văn tự, dùng toàn văn chương bác học của thời tương lai ngay cả đến bây giờ tôi cố gắng nhưng cũng chưa hiểu nổi huống gì nhiều người từ 2600 về trước?
Chẳng hạn như là tụng bản Pali chỉ nêu ra 9 thể tài. Tụng bản Hán có đủ 12 thể tài:
1. Chánh kinh (tức là trường hàng, satra);
2. Ca vịnh (tức trùng tụng, geya);
3. Ký thuyết (tức ký biệt, vyakarana);
4. Kệ tha (tức cô khởi hay phúng tụng, gatha);
5. Nhân duyên (nidana);
6. Tuyển lục (tức luận nghị, upadesa);
7. Bản khởi (tức bản sự, itivrttaka);
8. Thử thuyết (hay tự thuyết, udana);
9. Sinh xứ (tức bản sanh, jataka);
10. Quảng giải (tức phương quảng, vaipulya);
11. Vị tằng hữu (tức hy pháp, adbhuta dharma);
12. Thuyết nghĩa (tức thí dụ, avadana);
Tôi đồng ý với thầy Thích Nhất Hạnh là ta nên dùng chữ Bụt (đúng cách phát âm của người Ấn,) nghe đúng hơn là phiên dịch, thay vì phiên âm, chữ Phật từ Tàu. Chữ Bụt thông dụng từ lâu ở Bắc Việt còn chữ Phật thì thông dụng ở miền Nam.
Vậy chúng ta có thể hồ đồ kết luận Bắc Tông là nguyên thủy từ Tây qua vì gọi Phật bằng Bụt và Nam Tông là cải cách bị ảnh hưởng các tổ Tàu nên dám đổi tên Bụt thành Phật?
Dân Việt có khuynh hướng vọng ngoại nhưng sau khi nhập cảnh đồ ngoại trở thành nội hóa rồi thì phân biệt, kỳ thị lẫn nhau cho đồ người là đồ dởm. Dân Việt ta mới thật sự là tổ kỳ thị.
Hơn nữa, các cháu của tôi sinh tại Mỹ đã làm cho cô thầy ở trường mẫu giáo, một phen kinh dị khi hỏi nó: Con theo đạo gì? Nó trả lời : Phật! Cái âm tương tự như là chữ F... của Mỹ như ông bà, cha mẹ nó dạy nó vậy.
Khi chúng nó khôn lớn hơn một chút, theo cha mẹ lên chùa nghe thầy Việt giảng kinh, bây giờ chúng nó lại càng thêm kinh dị, ngạc nhiên hơn là tại sao ông sư này cứ mỗi câu giảng pháp là ông ta “phắc” lia lịa?
Tôi mạo muội trích từ bài giảng, Im lặng sấm sét, kinh người bắt rắn chú giải của Thích Nhất Hạnh để thấy là kinh người bắt rắn của nguyên thủy tuy bình dân giáo dục nhưng nếu dùng một chút trí tuệ mới thấy Đức Thế Tôn dạy luân lý cho đám đệ tử rất là thâm thúy.
Ngài đã dạy cho đệ tử phải có đầu óc cởi mở, sáng kiến, học phải hỏi, và nhất là phải có đầu óc độc lập với lối nhìn phiến diện không làm con mọt kệ, hay con két lập đi, lập lại nguyên văn, nhật tụng, chánh tín lời Phật dạy như là những lời phán tuyệt đối của thượng đế bất khả tư nghi, không hiểu mà lại vội mù quáng cả tin:
Bụt bảo: “Thầy Arittha, thầy đã nói rằng theo cái hiểu của thầy thì tôi không cho sự hành dục là một chướng ngại cho sự tu tập, có phải không?”
Thầy Arittha đáp:
“Thế Tôn, con thật sự nghĩ rằng theo tinh thần Thế Tôn dạy, hành dục không phải là chướng ngại cho sự tu tập.”
Đức Thế Tôn quở: “Thầy Arittha, bằng cách nào mà thầy lại cho rằng tôi đã nói pháp như thế? Từ miệng người nào mà thầy lại nghe điều đó? Thầy thật là dại dột. Điều mà tôi chưa từng nói, thầy lại cứ bảo tôi có nói. Nghe các vị khất sĩ anh em khuyên bảo, đáng lý thầy cũng đã phải theo pháp mà ứng đáp… Bây giờ đây để tôi hỏi các thầy khất sĩ khác xem sao.”
Nói tới đây, Bụt quay lại hỏi các vị khất sĩ:
“Các vị có từng nghe tôi dạy là hành dục không gây ra chướng ngại gì cho sự tu tập hay không?”
Các vị khất sĩ đáp:
“Bạch Thế Tôn, không. Chúng con không từng nghe như thế.”
Đức Thế Tôn hỏi:
“Vậy các thầy nghe tôi nói như thế nào?”
Các vị khất sĩ đáp:
“Chúng con đều từng nghe đức Thế Tôn dạy rằng dục lạc là chướng ngại cho sự tu tập. Thế Tôn thường dạy dục lạc là khúc xương trần, là miếng thịt sống, là bó đuốc rơm cầm ngược gió, là hố than hồng, là con rắn độc, là một giấc mộng, là của vay mượn, là cây sai trái…” [2]
Đức Thế Tôn bảo: “Đúng vậy, các vị khất sĩ. Tôi thường thuyết pháp như thế, quý vị đã nghe đúng. Vì sao? Dục lạc là chướng ngại. Dục lạc là khúc xương trần, là miếng thịt sống, là bó đuốc rơm, là hố than hồng, là con rắn độc, là một giấc mộng, là của vay mượn, là cây sai trái… Các thầy đã nghe đúng. Còn khất sĩ Arittha đây là người dại dột, đã hiểu lời tôi một cách đảo ngược, về văn cũng như về nghĩa, và như vậy đã vu khống bài báng tôi và cũng đã tự làm hại mình. Đây là một sự vi phạm, một sự lỗi lầm cho những bậc trí giả và phạm hạnh mất vui.”
Nghe đức Thế Tôn quở trách như thế, thầy Arittha cúi đầu im lặng, trong lòng lo buồn, không tìm ra được lời nào để đối đáp.
Quở thầy Arittha xong, Bụt dạy các vị khất sĩ:
“Những giáo pháp tôi nói, các thầy phải tìm hiểu nghĩa lý một cách thật tường tận và đúng mức rồi mới nên đem ra hành trì. Nếu chưa tìm hiểu được nghĩa lý một cách tường tận và đúng mức thì trước hết hãy nên hỏi lại chính tôi hoặc hỏi lại các bậc trí giả và các bậc phạm hạnh đã. Tại sao? Có những người thiếu trí tuệ, vì có nhận thức sai lạc về văn và về nghĩa, đã hiểu ngược những điều đề cập đến trong các thể tài kinh điển như chánh kinh, ca vịnh, ký thuyết, kệ tụng nhân duyên soạn lục, bản khởi, thử thuyết, sinh xứ, quảng giải, vị tằng hữu pháp và thuyết nghị [3]. Những người ấy đã học với chủ ý tranh luận hơn thua mà không học vì mục đích tu tập giải thoát nên đã bị kẹt vào sự việc mà không tiếp nhận được chân nghĩa của kinh. Họ trải qua nhiều gian nan cực khổ mà không có lợi ích gì, rốt cùng chỉ thêm mệt mỏi. Cũng giống như người đi bắt rắn ở miền hoang dã, thấy rắn lớn liền lấy tay chụp vào mình nó cho nên bị rắn quay đầu lại mổ vào tay, vào chân hoặc vào một bộ phận nào khác của cơ thể. Bắt rắn như vậy thì không có ích lợi gì mà lại mang họa vào thân. Lý do là tại người ấy không biết thủ thuật bắt rắn. Người học kinh không thông minh cũng vậy: vì không biết cách học hỏi nên đã hiểu kinh một cách trái ngược.
Những kẻ khôn ngoan sẽ biết cách khéo léo tiếp nhận văn kinh và nghĩa kinh, do đó không có những kiến giải đảo lộn. Họ không học vì mục đích khoe khoang và tranh cãi. Họ học với mục đích tìm đường giải thoát. Vì vậy họ không hề cực khổ và lao nhọc. Họ cũng giống như người đi bắt rắn mà biết sử dụng một khúc cây có nạng sắt: khi đến vùng hoang dã, thấy rắn lớn, họ ấn nạng ngay xuống cổ con rắnvà lấy tay bắt ngay đầu rắn. Rắn kia tuy có thể quẫy đuôi, quấn tay, quấn chân hoặc một bộ phận khác của cơ thể người bắt rắn nhưng không thể nào mổ người ấy được. Bắt rắn như vậy không cực khổ mà cũng không lao nhọc, chỉ vì người ấy biết rõ thủ thuật bắt rắn. Người con trai hoặc con gái nhà lành khi học đến kinh điển phải biết khéo léo tiếp nhận văn và nghĩa kinh một cách không đảo lộn thì mới nắm được chánh pháp. Họ không học hỏi với mục đích ba hoa tranh cãi mà chỉ học với mục đích tìm cầu giải thoát. Họ không cần trải qua những cực khổ và nhọc nhằn.
Các vị khất sĩ, tôi đã nhiều lần nói với quý vị về ví dụ chiếc bè, và căn dặn quý vị phải biết buông bỏ chiếc bè mà đừng nắm giữ nó kỹ quá.
Ví dụ có một hôm nước trên núi tràn về thành dòng lớn ngập lụt và trôi giạt nhiều thứ. Có kẻ muốn qua bên kia bờ mà không có thuyền cũng không có cầu. Người ấy nghĩ: ta có việc cần phải qua bên kia, nhưng phải tìm phương thế an ổn để mà qua. Nghĩ như vậy rồi liền đi lượm cây cỏ kết lại thành một chiếc bè và dùng bè đó để vượt dòng sang bờ bên kia một cách an ổn. Qua bên kia rồi người ấy nghĩ: “Tamất bao nhiêu công phu và thì giờ mới kết được một chiếc bè và nhờ nó mà mới qua được bên này. Vậy ta không nên bỏ nó. Bây giờ ta phải khiêng nó lên vai hoặc đội nó lên đầu mà đi.” Người ấy nói rồi làm như thế. “Các vị khất sĩ! Các vị nghĩ người ấy làm như thế có ích lợi gì không?”
Các vị khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, không.”
Bụt nói:
“Kẻ kia làm thế nào để chiếc bè ấy tiếp tục có ích? Ông ta nên nghĩ rằng: “Chiếc bè này đã giúp ta vượt dòng sông qua đây an ổn, vậy ta nên thả chiếc bè lại xuống nước hoặc để nó bên bờ, như vậy người đến sau sẽ có được cơ hội dùng nó. Này các vị khất sĩ, nghĩ và làm như thế thì có ích lợi không?”
Các vị khất sĩ đáp: “Bạch đức Thế Tôn, có.”
Bụt dạy:
“Tôi đã nhiều lần nói với quý vị về ví dụ chiếc bè là vì thế. Pháp mà còn phải buông bỏ, huống hồ là cái không phải Pháp.
Đức Thế Tôn đã gián tiếp dạy chư tăng ni một bài học quý giá của hạnh bố thí, cái xả viên diệu.
Vậy thì ai dám bảo tỳ kheo Arittha hiểu nhầm lời Phật thuyết?
Tương tự như trường hợp của phú gia cư sĩ Duy Ma Cật tuy giàu sang, người hầu kẻ hạ, có gia đình vợ con vậy mà ngài “hành dục đâu có phải hoàn toàn là chướng ngại cho sự tu tập của chính ngài?”
Trái lại vì Bụt nhà đôi khi không thiên cho nên Duy Ma Cật đồng lòng giả bệnh và Phật đồng tâm viện cớ phái những đệ tử của mình tới vấn an Duy Ma Cật để nhờ ông ta dạy thêm cho những bài học của người bên ngoài nhìn vào bên trong giáo pháp với cái nhìn “trí tuệ nhị nguyên” thay vì cứ “quá cố chấp vào bất nhị” hơn nữa vì chánh tín, và quá tin tưởng tuyệt đối vào những gì Phật dạy mà không biết suy nghĩ cho viên mãn, và chiêm nghiệm cái chân lý tối thượng thay vì chấp phương tiện pháp, không biết tự lực, luôn ỷ lại vào Phật.
Nên nhớ là ngoài những đại đệ tử được Đức Phật cử đi thăm bệnh Duy Ma Cật còn có đa số đệ tử khác tình nguyện xin đi theo, tất cả đều rất phấn khởi, háo hức, mong muốn gặp Duy Ma Cật để được nghe giảng pháp. Những chuyến xuất ngoại, đi tu nghiệp, may mắn đầy nhân duyên hiếm có này đã giúp họ thăng tiến vượt bực hơn trong lúc tu hành.
Hay đúng ra nhờ Duy Ma Cật đồng thuận dòng với pháp của Đức Thế Tôn để giảng pháp tuy qua một lăng kính khác nhưng dễ dàng cho những kẻ chưa có trí tuệ cao thấm nhuận.
Rất tiếc, hồi đó họ đặt nhầm vấn đề với Arittha, và Arittha lại trả lời không rỏ ràng, càng thêm hiểu nhầm, với câu trả lời là hành dục không trở ngại cho việc tu hành.
Ông ta lại đã không chỉ đích danh là trở ngại đó cho ai? Cho ông ta?
Thay vì ông ta nên nói hành dục không liên quan đến ông ta cho nên không trở ngại cho việc tu hành của ông ta?
Hay ông ta đã là người tu hành rồi không thể hành dục được nữa cho nên đó không phải là câu hỏi chính đáng để ông ta bận tâm làm cản trở việc tu hành của ông ta?
Ai còn mơ tưởng tới hành dục mới nêu lên vấn đề vẫn còn canh cánh trong tâm cả tăng lẫn tục vì đây là vấn đề tối quan trọng cho việc tu hành mà chưa ai hoàn toàn buông bỏ được một cách dễ dàng.
Chưa ai hồi đó đi hỏi Duy Ma Cật câu hỏi hành dục có trở ngại cho việc tu tập của ông ta không? Vì Duy Ma Cật mới đủ tư cách cá nhân, và kinh nghiệm bản thân để trả lời câu hỏi đó.
Tôi bảo đảm câu trả lời của Duy Ma Cật sẽ được chúng tăng ni trân trọng lời ông ta như là khuông vàng thước ngọc, và không ai dám bất mãn đi “báo cáo” với Phật?
Ngược lại, cái trí tuệ bất đồng với phật thuyết của tỳ kheo Arittha, dĩ nhiên, đã không được đa số dễ dàng tin theo. Ngược lại, Arittha đã bị hầu hết tăng ni thời đó và hầu như tất cả phàm phu khi nghe đọc kinh này không đồng ý với câu trả lời của ông ta.
Có thể vì cá nhân ông xuất thân nghèo hèn, làm nghề nuôi chim trước khi theo phật làm khất sĩ tăng. Ông ta đi tu rồi nên phải tuân theo luật bất hành dục cho nên những điều ông ta kiến ngộ và tuyên bố về hành dục trong lúc tu hành chưa phải chứng tỏ qua kinh nghiệm bản thân vì họ tưởng là ông ta còn vô minh, còn chấp hành dục nên trông gà hóa cuốc, nghe một đường hiểu một nẻo?
Mà hình như đọc lui đọc lại Kinh người bắt rắn thì đa số chúng ta đồng nghe, thấy biết, hiểu lời kinh quá rõ ràng, minh bạch như vậy nhưng mà tại sao Arittha lại có thể hiểu nhầm, bất đồng tai hại như vậy?
Và tại sao những câu hỏi đáp của chúng tăng ni lại là một đề tài mới cho Đức Phật thuyết pháp, và dạy luân lý cho tất cả đệ tử?
Rồi nó trở thành kinh điển thay vì Đức Phật chỉ cần la rầy Arittha rồi thôi, Ngài đã dài dòng “văn tự,” tưởng như lạc đề, làm càng thêm khó hiểu, và dễ hiểu lầm hơn nữa?
Mới thoáng đọc qua Kinh người bắt rắn này đa số chúng ta đều thấy nó nhàm chán như là một câu chuyện luân lý ngụ ngôn không có gì hấp dẫn độc giả trí thức, và nhất là không có tầm vóc giá trị quốc tế. Mà quả đúng như vậy, cái kinh bắt rắn nguyên thủy này muôn đời cũng như vậy mà thôi, không bò đi đâu xa được.
Theo tôi thấy, Arittha đã giác ngộ khi tuyên bố xanh dờn, hành dục và tu hành là bất nhị đó. Ngài đã được Đức Thế Tôn gọi tới để để gián tiếp ấn chứng ngộ cho Ngài trước chúng tăng ni tuy đa số không hiểu nỗi ý Phật.
Đây mới thật sự là viên ngọc Mani ẩn tàng trong Kinh người bắt rắn nhưng vì nó không được các thiện tri thức có chút trí tuệ khám phá, và giải mã ý kinh qua lối suy luận bác học cho nên kinh này không được thông dụng, và thuyết phục được những học giả muốn nghiên cứu kinh điển phật giáo nguyên thủy.
Cứ đọc kỷ đoạn kinh người bắt rắn này thì thấy rõ ràng Đức Phật đã chứng ngộ cho Arittha tuy qua lối giảng, và lý lẽ đơn giản lẫn những ví dụ rất bình dân nhưng ngụ ý rất là hàn lâm đầy viên diệu:
Bụt dạy: “Nếu quả sáu đối tượng (sắc, thọ, tưởng, hành, thức và thế giới) ấy mà không thấy có cái ta và cái của ta, vị khất sĩ không bị vướng vào những ràng buộc của cuộc đời. Vì không bị vướng vào cho nên không hoảng sợ, không hoảng sợ cho nên đạt được niết bàn. Vị ấy biết luân hồi khổ đau đã chấm dứt, đời sống phạm hạnh đã hoàn tất điều cần làm đã làm, không còn bị sanh tử nữa, và nhận thức được chân lý thực tại. Một vị khất sĩ như thế đã lấp được thông hào, vượt được thông hào, phá được thành quách, mở tung được lề khóa, soi được vào gương thánh trí.
“Thế nào là lấp được thông hào? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của vô minh; vô minh đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.
“Thế nào là vượt được thông hào? Nghĩa là vị ấy biết hết và thấy rõ bản chất của hữu và ái; hữu và ái đã bị nhổ tận gốc rễ và phát cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.
“Thế nào là phá cho tan thành quách? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của sinh tử luân hồi; sinh tử luân hồi đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.
“Thế nào là mở tung lề khóa? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của năm thứ độn sử; độn sử đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.
“Thế nào là soi được vào gương thánh trí? Nghĩa là vị ấy đã biết hết và thấy rõ bản chất của ngã mạn; ngã mạn đã bị nhổ tận gốc rễ và phá cho tan nát nên không còn phát sinh được nữa.
Trong số đó chỉ có một vài người sư đệ, và sư muội cảm được trí tuệ của sư huynh Arittha vì theo Thích Nhất Hạnh, “thầy là một người mà ý kiến cũng như nhân cách có thể ảnh hưởng tới các thầy và các sư cô khác.”
Điều này cho thấy Arittha không phải là một khất sĩ với đạo hạnh, tư cách, và trí tuệ tầm thường mà ngược lại Ngài là người tu hành đúng theo tôn chỉ, và tinh thần bi trí dũng của Đức Phật.
Đó chính là lý do mà những tăng ni đó đã kín đáo tìm đến thân cận để học hỏi Arittha nhưng rồi họ cũng bị phạt biệt lập cùng Arittha. Những người này trong thời gian bị kỷ luật đó qua thiền định mà cũng đạt được giác ngộ nhờ nhân duyên đã kết quả, và cũng được Đức Phật chứng ngộ cho.
“Đọc luật Nam truyền, ta thấy thầy Arittha, sau khi được các thầy khác khuyến cáo ba lần mà không chịu bỏ quan điểm của mình, đã bị tăng đoàn ở Chabbaggiya kết tội ba dật đề (Pacittaya) và khép vào kỷ luật biệt trú (Ukkepaniyakamma) (Vinaya II,25-8). Ta cũng thấy trong thời gian thầy Arittha bị biệt trú, đã có một số thầy bất chấp, cứ gần gũi thầy Arittha và vì vậy các thầy này cũng bị tăng đoàn khép luôn vào tội biệt trú (Vinaya IV,135). Sư cô Thullanandā, vì thân cận với thầy Arittha sau thời gian thầy bị biệt trú cũng đã bị Bụt nhắc nhở (Vinaya IV,137).”
Tóm lại kẻ giàu sang quyền quý, thành công trên đời như Duy Ma Cật dù có phóng thí thối cở nào cũng thiếu gì kẻ khen thơm. Còn cái tên bần cố nông, xuất thân từ giai cấp hạ lưu làm nghề hèn mọn nuôi chim rồi vì nghèo khổ mà đi tu làm khất sĩ thì dù có giác ngộ cở nào cũng vẫn không mất được chim. Vẫn luôn luôn là cái thằng khất thực, bần hàn, ti tiện nuôi chim, tiểu nhân ngày trước.
Đức Thế Tôn quở Arittha, mà không chất vấn Duy Ma Cật về hành dục lạc vì Duy Ma Cật không công bố cái sướng riêng tư của mình. Bản thân ông ta chơi thì bản ngã ông ta sướng, ngu gì phổ biến. Hơn nữa làm sao mà ông ta có thể khoa trương, mô tả được cho ai sướng dùm.
Vì Duy Ma Cật là dân chơi thứ thiệt đã từng vào Casino, tới cao lâu, kỹ viện, ôm mỹ nữ chân dài, và nhất là tổ sư bắt rắn trong hang sâu cho nên dù ông ta cầm đuôi rắn, thì rắn chỉ còn có nước, gồng mình, chui vào mà không thể quay đầu lại mổ tay cầm rắn của ông được?
Còn Arittha, khố rách áo đơm, trên răng dưới dế, dân ngu cu đen cho dù ông ta có nói đều ngay thật, đúng chân lý đi nữa thì không những chúng nó ngu muội không tin ông ta mà chúng lại còn xúm nhau ném đá, bề hội đồng ông ta nữa.
Cho nên, có thể Đức Phật quở Arittha trước mặt tất cả chúng tăng ni là vì muốn bảo vệ an toàn cho ông ta.
Trên đời, và ngay cả trong đạo có những điều dù là chân lý, sự thật nhưng đôi khi cũng phải thuận nhân duyên, tùy cơ, tùy lúc, tùy thời, tùy người, và nhất là từ tư thế, uy tín, công lực của mình mà nói ra thể thu phục thiên hạ.
Nếu không thì trước là hại ngay chính mình vì chúng ganh ghét hay không hiểu tới nên không tin rồi hãm hại mình. Hay dù chúng nó vì tin phục mà làm theo nhưng nhưng vì trí tuệ, kiến thức còn thấp kém nên noi theo một cách cực đoan, và sai lầm sẽ phương hại cho chính chúng nó lẫn chúng sinh cùng xã hội.
Như trường hợp của Huệ Năng lúc bí mật gặp Ngũ Tổ để được truyền pháp, và sau khi được truyền tâm ấn phải bỏ trốn xuống Nam, ẩn thân trong đám thợ săn 16 năm chờ lúc tai qua nạn khỏi, nhân duyên đã chính quả mới xuất hiện làm Lục Tổ truyền phật pháp cho chúng sinh.
Tóm lại, mục đích chính của đạo Phật là giác ngộ chứ không phải là trường chuyên môn dạy về đạo đức, luân lý, tâm lý, tâm linh mặc dù đây là những yếu tố nhân duyên bất khả phân của nhân sinh.
Tuy Đức Phật không trực tiếp đề cập đến đều này nhưng theo tôi nghĩ thì lý bất nhị của đạo phật, và cũng là của vũ trụ, tự nó không thiện không ác, không xấu không tốt, không ái dục không an lạc, ... Tất cả đều là vô quái ngại trước giác ngộ.
Tuy lối nhìn của tôi có thể khác với cách trì kinh phật thuyết của Nguyên Thủy vì tôi đã hàn lâm hóa Kinh người bắt rắn (Alagaddūpamasutta) nhưng xin đừng bắt quàng là tôi cố tình cải cách, đại thừa ngụy biện ý phật. Vì tôi thuộc thừa ở chính giữa.
Đại thừa hay Tiểu thừa chỉ là hai cánh tay trái phải, song thủ hổ bác, là phương tiện nhị nguyên, vô thường, tạm bợ không nên cố chấp sở trụ vào đó mà trở ngại cho việc tu hành.
Như đã đề cập ở trên, cái hiểu biết của duyên sanh dường như đồng phương tiện nhưng bất đồng cứu cánh với chính pháp.
Hay nói theo Phật Giáo: Chúng sinh tuy đồng thể tánh nhưng căn tánh bất đồng.
Không đồng tánh khác với khác tánh cũng như bất nhị khác với vô nhị.
Đó chính thị là ý nghĩa rốt ráo của tuy khác tánh nhưng đồng căn.
Tuy nhiên, ta cũng thường nghe ý kinh:
Khác căn nhưng đồng Phật tánh.
Chú thích
[1]. Người huấn luyện chim ưng: nêu lên nghề nghiệp trước khi đi xuất gia để người nghe tên không lẫn lộn thầy Arittha này với
những thầy khác cùng tên, chứ không phải để kỳ thị giai cấp
[2]. Trong tụng bản Pali có thêm hai ví dụ khác: đống gươm giáo và lò sát sanh.
[3]. Tụng bản Pali chỉ nêu ra 9 thể tài. Tụng bản Hán có đủ 12 thể tài:
1. Chánh kinh (tức là trường hàng, satra);
2. Ca vịnh (tức trùng tụng, geya);
3. Ký thuyết (tức ký biệt, vyakarana);
4. Kệ tha (tức cô khởi hay phúng tụng, gatha);
5. Nhân duyên (nidana);
6. Tuyển lục (tức luận nghị, upadesa);
7. Bản khởi (tức bản sự, itivrttaka);
8. Thử thuyết (hay tự thuyết, udana);
9. Sinh xứ (tức bản sanh, jataka);
10. Quảng giải (tức phương quảng, vaipulya);
11. Vị tằng hữu (tức hy pháp, adbhuta dharma);
12. Thuyết nghĩa (tức thí dụ, avadana);
[4]. Kiến xứ: nền tảng của kiến chấp (drati sthana, pali: ditthi tthana).
- Từ khóa :
- Đồng và Bất Đồng