An Sĩ Toàn Thư

19/09/20143:33 SA(Xem: 49133)
An Sĩ Toàn Thư
Chu An Sĩ
AN SĨ TOÀN THƯ
Giảng rộng bài văn Âm chất
Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Lời Tựa Nhân Việc Khắc Bản In Lại Sách An Sĩ Toàn Thư

 

blankĐối với tất cả chúng sinh, hai nghiệp dâm dục và giết hại là căn bản của vòng luân hồi sinh tử. Khó dứt trừ nhất chính là dâm dục, mà dễ phạm vào nhất chính là giết hại. Trong 2 việc ấy, đối với dâm dục thì người có chút trí tuệ đều có thể tự xét mà kiềm chế không phạm vào. Tuy nhiên, muốn cho tâm ý thanh tịnh, hoàn toàn dứt sạch đến tận ngọn nguồn vi tế của dâm dục, thì chỉ có bậc A-la-hán đã trừ hết lậu hoặc, chứng đắc thể tánh chân thật mà thôi. Những ai chưa được như thế, hẳn đều đeo mang tập khí ái dục, cho dù có phần nặng nhẹ, nhiều ít khác nhau. Do đó mà ngày lại ngày qua tham dục càng kiên cố hơn trong tâm thức, đời này nối sang đời khác, không thể đạt đến sự giải thoát

Đối với sự giết hại, người đời đều xem là việc tất nhiên, lấy mạnh hiếp yếu, dùng máu thịt chúng sinh mà làm đầy bụng mình, chỉ biết được sự ngon miệng nhất thời mà chẳng ai tin chuyện phải đền trả trong muôn kiếp. Kinh Lăng nghiêm dạy rằng: “Người ăn thịt dê, dê chết lại sinh làm người, người chết lại sinh làm dê, cho đến hết thảy các loài chúng sinh cũng đều sinh tử xoay vòng như thế, ăn nuốt lẫn nhau, cùng tạo ác nghiệp mãi mãi không thôi!”
Bậc cổ đức dạy rằng:
Muốn cho thiên hạ thái bình
Phải ngưng ăn thịt chúng sinh các loài. 
Lại cũng dạy rằng:
Muốn biết vì sao thế gian
Triền miên binh lửa, ngút ngàn nạn tai, 
Hãy nghe vang vọng đêm dài, 
Tiếng kêu thảm thiết vạn loài sinh linh
Kìa trong lò mổ sát sinh
Muôn loài bỏ mạng vì mình đó thôi! 
An Sy Toan Thu 2Cho nên, đã tạo nhân như thế nào, ắt phải chịu quả như thế ấy. Nếu không suy nghĩ thì còn có thể phạm vào, bằng như đã có sự suy ngẫm, hẳn phải lấy làm kinh sợ mà không dám giết hại nữa!

Tiên sinh An Sĩ cung kính vâng theo lời Phật dạy, khởi tâm thương xót muôn người, soạn ra sách Dục hải hồi cuồng (欲海回狂) để khuyên ngăn sự tham dâm, sách Vạn thiện tiên tư (萬善先資) để khuyên ngăn việc giết hại. Trong đó dẫn chứng những việc có thật, chỉ rõ lẽ nhân quả, mong sao cho hết thảy người đời đều đối đãi với nhau như anh em một nhà cùng do trời đất sinh ra; người với muôn loài cũng một chân tâm, mãi mãi dứt trừ tâm xấu ác gây ra những chuyện tổn hại đạo lý, trái nghịch luân thường, ỷ mạnh hiếp yếu. Lại cũng muốn cùng với tất cả mọi người đều không phạm điều ác, siêng làm việc lành, nên lấy bài văn Âm chất (陰騭文) của Văn Xương Đế Quân mà thêm vào chú thích tường tận, gọi là Âm chất văn quảng nghĩa (陰騭文廣義), khiến người đời có thể noi theo đây mà trong hết thảy mọi việc làm hằng ngày đều giữ lòng lành khi ứng xử, ví như ở tầm vóc lớn lao thì có thể trị nước an dân, mà trong phạm vi nhỏ nhặt thì mỗi một lời nói, mỗi một ý nghĩ cũng đều có sự thận trọng suy xét, tương hợp với đạo lý

Từ những lời dạy của các bậc hiền thánh xưa như thế, phải hết sức cung kính thận trọng, đọc qua và suy ngẫm với tâm chân chánh, với ý chí thành, chẳng phải những kẻ chỉ bàn luận suông mà có thể hiểu được. 

Cả 3 tập sách nói trên, văn chương ý thú đều thông suốt việc xưa nay, ích đời lợi người, đó là nhờ tiên sinh đã vận dụng tài năng trác tuyệt, kết hợp với sự thấu triệt sâu mầu, nắm hiểu được tâm pháp của chư Phật Tổ, Thánh hiền rồi dùng bút mực mà truyền đạt chân thật đến người đời, phát huy được những điều đã hiểu. 

Tuy nhiên, cho dù có thể tiết chế sự dâm dục, từ bỏ nghiệp giết hại, điều ác không phạm, lại siêng làm việc thiện, nhưng nếu chưa đạt đến sự giải thoát rốt ráo khỏi vòng sinh tử thì làm sao tránh khỏi phải tái sinh đời đời kiếp kiếp? Chỉ có thể cố gắng giữ gìn không buông thả, ắt sẽ thường được sinh vào những cảnh giới tốt lành, rộng tu trí huệ, không rơi vào những cảnh giới xấu ác. Được như thế cũng đã chẳng mấy người, nói gì đến chuyện thấu triệt lẽ tử sinh, vượt thoát luân hồi, phải đâu là chuyện dễ nói được sao? Chỉ có thể nhờ vào sức tu định tuệ, dứt trừ lậu hoặc, chứng đắc chân tánh mới có thể đạt đến sự tự do, giải thoát rốt ráo mà thôi. Hết thảy những ai chưa được như thế, chỉ nhờ phước báu mà có thể sinh làm vua các cõi trời, cao đến như cõi trời Phi phi tưởng, được hưởng phước báu và sống thọ đến 80. 000 đại kiếp, nhưng dù vậy thì tất cả cũng đều bị trói buộc trong vòng nghiệp lực, tùy theo các nghiệp thiện ác mà phải mãi mãi thọ sanh lưu chuyển trong luân hồi

Do vậy, y theo pháp mônđức Như Lai đã dạy, rằng nương sức từ bi của Phật thì dẫu nghiệp lực chưa dứt vẫn có thể được vãng sanh, tiên sinh An Sĩ liền rút lấy những ý nghĩa cốt yếu trong các kinh, luận về Tịnh độkết hợp soạn thành một bộ sách, lấy tên là Tây quy trực chỉ (西歸直指). Như ai có thể một lần đọc qua sách ấy ắt khởi lòng tin sâu vững, dứt sạch nghi ngờ. Nếu khởi tâm tin tưởng, phát nguyện cầu sinh về cõi Tây phương, cho dù căn cơ lanh lợi hay chậm lụt, tội nghiệp đã tạo nặng hay nhẹ, công phu tu tập sâu hay cạn, chỉ cần có đủ lòng tin, phát nguyện thật chân thành chí thiết, trì niệm danh hiệu Phật, thì chắc chắn đến lúc lâm chung sẽ nương sức từ bi tiếp dẫn của đức Phật mà được vãng sanh

Khi được vãng sanh rồi, tất nhiên đã bỏ phàm lên thánh, thấu triệt lẽ tử sinh, giải thoát luân hồi, ngay trong một niệm tỏ ngộ tự tâm, việc chứng quả Chánh giác ắt là sắp đến. Những ý nghĩa lợi ích như thế, chỉ ai đã thực sự chứng đắc rồi mới biết, không thể miêu tả hình dung bằng văn chương ngôn ngữ

Yếu chỉ của pháp môn này dùng sự tin sâu phát nguyện của tự thân hành giả cảm ứng giao hòa với tâm từ bi của đức Phật, nhờ đó mà được sự lợi ích lớn lao vô cùng như thế. Nếu so với việc tự dùng sức mình để dứt trừ lậu hoặc, chứng đắc chân tánh, thấu triệt lẽ sinh tử, vượt thoát luân hồi, thì mức độ khó dễ quả thật chênh nhau như trời với đất!

Hiện nay trên thế giới có những quốc gia chiến tranh kéo dài liên miên, người trong nước [Trung Hoa] thì khởi sinh từ sự bất đồng ý kiến mà phân chia thành nam bắc, công kích lẫn nhau. Lại thêm trong nhiều năm gần đây thường xảy ra thiên tai bão lụt, hạn hán, động đất, giặc cướp, dịch bệnh... Thường nghe những tin tức thống kê số thương vong trong ngoài không dưới vạn vạn người, khiến trong lòng đau đớn khôn cùng chẳng biết làm sao, hận mình bất tài kém trí, lạm đứng vào hàng tăng chúng mà chưa chứng đắc đạo quả, chỉ có tấm lòng thương đời thương người, thật không chút sức lực để ra tay cứu vớt. 

Có người đồng hương ở Cần Phố là tiên sinh Lưu Tại Tiêu, vốn là kẻ sĩ trong hàng thanh bạch, gia thế nhiều đời nối truyền đạo đức, lại tin sâu Phật pháp. Mùa hè năm nay, tiên sinh tìm lên núi xin gặp mặt hỏi đạo. Khi cùng nhau bàn luận đến tình cảnh hiện nay ở trong nước cũng như ngoài nước, tiên sinh bỗng lo lắng hỏi: “Bạch thầy, liệu có phương pháp nhiệm mầu nào có thể cứu giúp được chăng?”

Tôi đáp: “Đó là nghiệp quả khổ đau, mà quả khổ đau ấy ắt phải có nguyên nhân. Nếu muốn cứu khổ thì phải dứt trừ nhân của khổ. Nhân đã dứt trừ thì quả sẽ không do đâu mà sinh ra. Cho nên kinh Phật dạy rằng: ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả.’”

Nhân đó liền đưa sách An Sĩ toàn thư cho tiên sinh xem, mong được khắc bản lưu truyền rộng rãi, khiến cho người người xem qua đều được vượt thoát luân hồi, thẳng đến bến bờ giác ngộ. Tiên sinh không kiềm được nỗi vui mừng, lập tức gọi người cháu là Triệu Bộ Vân lấy ra 700 đồng tiền, mong tôi lo giúp việc khắc in. Tôi nhớ lại hồi năm Mậu Thân (1908) đã từng khuyên Lý Thiên Quế khắc in sách này ở đất Thục, ông ấy liền nhờ tôi viết cho lời tựa, nhưng rồi sau không đủ nhân duyên nên cuối cùng việc lại không thành. 

Nay nhờ có Lưu tiên sinh quyết lòng giúp vào, thật là thuận duyên lớn lao, tôi liền thêm vào các bản văn sau để cùng khắc in:

- Sách Liễu Phàm tứ huấn (了凡四訓) của Viên Liễu Phàm, là những lời hay ý đẹp khuyên việc bỏ ác làm lành. 
- Một quyển thuật ký của Du Tịnh Ý, lời lẽ hết sức chí thành, thấu suốt chỗ sâu xa tốt đẹp trong trời đất, phát huy nghĩa lý mọi việc, khuyên người kiên trì nỗ lực công phu, chính là chỗ trang nghiêm đẹp đẽ thuần khiết bậc nhất, tỏ rõ tường tận. 

Hai quyển này được thêm vào sau quyển hạ của phần Âm chất văn quảng nghĩa

- Bài văn Giới sát phóng sinh (戒殺放生文) của Đại sư Liên Trì, có thể xem là bậc chủ sư từ bi diệt trừ ma quân tàn độc, nay thêm vào sau sách Vạn thiện tiên tư. 

- Các bài tụng trong tập Bất tịnh quán (不淨觀) của Pháp sư Tỉnh Am, có thể xem là vị dũng tướng tịnh hạnh diệt trừ ma quân tham dục, nay thêm vào sau sách Dục hải hồi cuồng. 

- Bài văn Khuyên phát tâm Bồ-đề (勸發菩提心文) cũng của ngài Tỉnh Am, có thể xem là con thuyền từ cứu vớt chúng sinh trong biển khổ luân hồi, nay thêm vào sau sách Tây quy trực chỉ

Ba tập sách của tiên sinh An Sĩ lại được thêm vào các phần như thế, thật chẳng khác nào như trên gấm đẹp lại thêu hoa, như đèn sáng đặt cạnh gương soi, ánh sáng màu hoa càng thêm rực rỡ xán lạn, khiến lòng người thảy đều hoan hỷ. Quả thật, với người khéo đọc sách này ắt những tâm niệm gian dối tàn độc sẽ tức thời tan biến, mà những tâm nguyện tự lợi lợi tha sẽ tự nhiên mạnh mẽ sinh khởi, từ chỗ suy ngẫm mà từng bước dần dần hướng thiện, ngày càng tiến bộ sâu xa hơn, dẫu không lưu tâm đến mà tự nhiên tâm trần tục cũng chuyển dần thành trí tuệ thánh nhân, gần như có thể đạt đến chỗ thấu triệt lẽ sinh tử, vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, được đối diện kính lễ đức Phật A-di-đà, tự mình được Phật ban lời thọ ký

Kính cẩn đọc qua sách này rồi, hân hoan có lời tụng rằng:

Từ lâu chìm trong biển nghiệp
Bỗng nhiên gặp chiếc thuyền từ. 
Xin vâng theo đạo từ bi, 
Quay về nương Đấng Giác ngộ.
Lòng tin sâu, nguyện chí thiết, 
Tham chấp, luyến ái đều buông, 
Giao hòa cảm ứng đạo mầu, 
Phật A-di-đà kề cận. 
Ngoài ra xin đọc thêm ở bài tựa viết năm Mậu Thân (1908), nay không chép lại rườm rà
Năm Dân quốc thứ 7 (1918), Mậu Ngọ, ngày 19 tháng 6. 
Cổ Tân Thích Ấn Quang kính cẩn ghi . 

Lời tựa viết năm Mậu Thân (1908)

(Viết theo lời thỉnh cầu của vị cư sĩ đất Thục là Lý Thiên Quế)
Lớn lao thay! Bản tâm ta vốn đầy đủ chánh đạo!
Mầu nhiệm thay! Bản tâm ta vốn sẵn có diệu pháp!

Xưa nay lặng lẽ chiếu soi không phân biệt; đường chân nẻo tục thảy viên dung. Lìa tất cả niệm, dứt hết thảy tình; không sinh cũng không diệt. Nói là có đó mà không phải có; nhưng không có mà lại có. Nói là không đó mà chẳng phải không; tuy chẳng phải không mà lại không. Các vị Phật sống đều từ đó xuất sanh, bậc thánh kẻ phàm đều không thể gọi tên. Như gương sáng xưa nay không một vật, nhưng hiện ra muôn cảnh Hán, Hồ. Như hư không mênh mông xa lìa mọi hình tướng, ngại gì lúc mặt trời chiếu sáng hoặc mây che. Đó chính là thực tại rốt ráo, không vướng một mảy bụi trần; ngay trong tâm chưa giác ngộ này đã trọn gồm đủ các pháp như chỗ chứng đắc giác ngộ vô thượng của chư Phật, cũng như chỗ mê muội không nhận biết chân tâm thường trụ của chúng sinh

Các bậc thánh nhân trong Tam giáo đều y theo một tâm tánh này mà rủ lòng thương xót dạy dỗ, dẫn dắt bao chúng sinh mê muội. Do ý nghĩa này mà Khổng Phu tử đề xướng thuyết “thành minh”, chọn lấy sự chí thành sáng suốt làm chỗ uyên áo, từ đó đưa ra những giềng mối tu sửa trị an; Lão tử nói ra sách Đạo Đức kinh, giảng dạy phép sống lâu an ổn. Đấng Đại giác Thế Tôn nêu rõ tánh pháp giới, chỉ bày tâm chân như, dạy đạo chân thật buông bỏ phàm trần quay về Chánh giác, lập nên tông chỉ bất sanh bất diệt. Tuy chỗ cạn sâu lớn nhỏ không đồng, giữa thế gian với xuất thế gian có điều khác biệt, nhưng thảy đều không ra ngoài lẽ chung là ngay trong tâm này của chúng ta đã đủ đầy muôn pháp. Phát huy giảng rộng pháp này đến hết thảy chúng sinh hữu tình, từ nơi tự tánh mà khởi tu, chính là nhằm hiển lộ tự tánh, dứt sạch vọng niệm huyễn ảo, quay về tự tánh chân thật vốn có, vĩnh viễn ra khỏi đường mê, thẳng một đường lên bến giác. 


Đức Văn Xương Đế Quân là người trong nhiều đời thường giữ theo năm mối luân thường, cung kính vâng lời dạy trong Tam giáo, lấy công hạnh của chính mình để giáo hóa người khác, chỉ một lòng muốn vươn lên chí thiện; công cao đức sáng, chấp chưởng quyền hành, thường lo cho những kẻ ít học vô trí, mê muội không biết đến bản tánh xưa nay thường trụ, nên nhân đó viết ra bài văn Âm chất (陰騭文), trong đó nói rõ ngài đã “trải qua mười bảy đời đều sinh làm kẻ sĩ có quyền thế”. Bài văn ấy nghĩa lý nhiệm mầu không cùng tận, liệu ai có thể đo lường được chỗ cội nguồn uyên áo? Tuy qua nhiều năm đã có rất nhiều người chú giải, nhưng vẫn chưa có ai thấu rõ được hết chỗ sâu xa thâm áo, khiến cho từ trước đến nay, kẻ dạy người học văn này đều còn có chỗ vướng mắc phân vân, không thể nào hài lòng thấu triệt

Tiên sinh An Sĩ là bậc nhiều đời trồng sâu cội phúc, theo nguyện lành tái sinh cõi này, thông hiểu đến chỗ tột cùng của sách vở thế gian, thâm nhập sâu xa vào Kinh tạng Phật giáo, đem chỗ sở học ấy mà dạy dỗ dắt dẫn người đời, khiến cho ai nấy đều tin nhận. Tiên sinh dấn thân vào chốn thế tục để làm khuôn mẫu tốt đẹp cho người đời, dùng chỗ học hiểu am tường, chứng đắc mầu nhiệm để nắm lấy tinh yếu trong Phật pháp cũng như trong Lão học, thuận theo bài văn giảng pháp tùy căn cơ của Đế Quân, đưa vào những chú giải so sánh tường tận dễ hiểu cho tất cả mọi người, đạo lý căn bản chẳng lìa bản tâmvăn từ đạt được chỗ tinh yếu, trưng dẫn những chuyện có thật, xua tan mây đen ngờ vực phủ che tâm ý, nêu rõ được tôn chỉ nghĩa lý, giương cao mặt trời trí tuệ chiếu soi giữa bầu trời chân tánh, khiến người đọc qua rồi thì mỗi mỗi sự việc đều có chỗ học theo, mỗi mỗi tâm niệm đều có chỗ tự răn ngừa, cải hối; ấy là trực tiếp tương giao với tấm lòng từ bi thương người của Đế Quân, giảng giải thấu triệt, bày rõ ngọn nguồn, khiến cho hết thảy trong thiên hạ, kẻ dạy người học văn này ngày nay đều có thể hiểu rõ mọi điều, không còn một chút gì phân vân vướng mắc

Nhưng tâm bi mẫn như thế dường chưa đủ, đại nguyện từ ái vẫn khôn cùng, tiên sinh còn muốn cho người người đều phát triển lòng chân thật khoan thứ, đối với nhau như anh em một nhà, dứt binh đao cùng an ổn hưởng trọn tuổi trời, dùng lễ nghĩa làm giềng mối luật tắc, yêu đức tốt mà xa lìa sắc dục, nên liền viết ra một quyển sách để ngăn việc sát sinh hại vật, lấy tên là “Vạn thiện tiên tư” (萬善先資), và một quyển khác để ngăn việc đam mê dâm dục, lấy tên là “Dục hải hồi cuồng” (欲海回狂). Chỉ do người đời vốn tạo nghiệp giết hại quá nhiều, lại gặp chuyện dâm dục thì rất dễ phạm vào, nên tiên sinh thương xót chẳng ngại nhọc nhằn lao khổ, không ngớt lời răn dạy. 

Nhưng việc làm thiện của thế gian dẫu sao cũng chỉ được phước báo trong hai cõi trời, người. Hưởng tận phước rồi ắt phải đọa lạc vào những cõi thấp kém, khổ não độc hại biết làm sao dứt được? Vì thế nên tiên sinh đã tìm đọc qua các Kinh luận của tông Tịnh độ, chọn lấy những lời thích hợp mà soạn thành một tập sách lấy tên là “Tây quy trực chỉ” (西歸直指), truyền rộng để giúp cho muôn người, dù thuộc hàng phú quý cũng như hạ tiện, dù già trẻ nam nữ, dù kẻ trí người ngu, hàng xuất gia cũng như kẻ tại gia, hết thảy đều đồng niệm Phật A-di-đà, cầu sinh về thế giới Cực Lạc, vượt thoát luân hồi, thẳng lên địa vị không còn thối chuyển; dứt nỗi khổ của vọng nghiệp hư huyễn, hưởng niềm vui của bản tâm thường tại. 

Ba pho sách được kể trước, tuy là giảng rõ pháp tu hành thiện nghiệp thế gian, nhưng đồng thời cũng có đủ pháp thấu triệt sinh tử. Một quyển sau cùng tuy giảng rõ pháp thấu triệt sinh tử, nhưng đồng thời cũng dạy phải tu tập thiện nghiệp thế gian. Cho đến những việc như thuận đạo lý ắt hưởng quả lành, nghịch đạo lý ắt gặp tai ương, mỗi mỗi đều phân tích chi ly, biện giải rành mạch, dứt điều nghi hoặc, làm rõ chỗ vướng mắc, lý lẽ thật trọn vẹn thuyết phục, ngôn từ lại hay lạ tuyệt diệu, có thể khai mở tâm tư người ngu độn hôn muội, đủ sức mạnh mẽ như vớt người chết đuối, cứu kẻ bị lửa thiêu. Chỗ chí thành có thể thấu suốt, hợp với lý lẽ trong trời đất; phân biện việc quỷ thần, có thể dứt sạch sự hoài nghi, càng thêm thanh thế Lục kinh, giúp định rõ kỷ cương trên dưới, quả thật là một quyển kỳ thư khuyến thiện bậc nhất trong thiên hạ, nếu so với những quyển sách khuyến thiện tầm thường khác, há có thể sánh cùng được sao? Lòng tôi vẫn tin chắc rằng tiên sinh hẳn là bậc Bồ Tát theo bản nguyệnhiện thân cư sĩ để thuyết pháp độ sinh

Tôi vốn người kém trí, thuở thiếu thời tuy có đọc sách Nho nhưng không rõ được chỗ tinh yếu truyền lại của Khổng Mạnh. Lại theo học Phật pháp đã lâu nhưng vẫn chưa chứng ngộ được thể tánh Như Lai. Thời gian thấm thoát, nay sắp bước vào tuổi “tri thiên mệnh” nhưng kiến thức nông cạn, chỉ có tấm lòng ưa thích việc lành, thật không chút sức lực làm lợi lạc cho người khác. Muốn đem quyển sách quý này khắc bản rộng truyền nhưng chẳng biết làm sao, phận nghèo không đất cắm dùi, lại thêm lười nhác trong việc hô hào quyên góp, nên trải qua nhiều năm vẫn chưa thành tựu tâm nguyện

vị cư sĩ người đất Tây Thục là Lý Thiên Quế, vốn sẵn căn lành, siêng tu thiện hạnh, mong đạt được pháp Phật cao trổi, nhân tìm đến lễ bái nơi chùa Pháp Vũ trên núi Phổ Đà nên tình cờ gặp gỡ. Quả thật là:

Nếu không tiền định nhân duyên
Cớ sao không hẹn, cửa thiền gặp nhau?

Vị ấy liền cung kính thưa hỏi, mong được chỉ bày chỗ tinh yếu của pháp môn vượt thoát luân hồi. Tôi nhân đó khuyên ông trước hết phải nỗ lực giữ theo giềng mối luân thường, chuyên cần tu tập tịnh nghiệp, thường làm những việc lợi mình lợi người, noi theo đó là chỗ thiết yếu nhất. Nếu có thể tự mình kiên trì thực hành như thế không gián đoạn, ắt rồi sẽ có thể cảm hóa mọi người chung quanh. Bằng như chỗ thực hành của tự thân không phù hợp với lời nói ra, thì việc truyền pháp sẽ ngược lại hóa thành hủy hoại giáo pháp. Công đức thế gian nếu chẳng tu tập bồi đắp, thì thiện tâm chẳng do đâu được chuyển biến. Công đức không tu, thiện tâm không chuyển, ấy đều là do không gặp được những bậc thầy hay bạn tốt để làm gương sáng cho mình noi theo. 

Nhân đó liền mang sách An Sĩ toàn thư này ra tặng cho một bản, khuyên vị ấy hãy đọc qua trọn vẹn, chú ý nơi nhất cử nhất động hằng ngày đều y theo những lời khuyên dạy trong sách, thảy thảy đều tương hợp, không chút sai lệch, hẳn có thể xem là thành tựu. Người ấy hân hoan như được báu vật, vui mừng không dứt, liền phát nguyện khắc bản in lại để rộng truyền khắp nơi, lại thỉnh cầu tôi viết cho lời tựa để công bố với mọi người.

Vì thế, tôi không ngại chỗ học kém cỏi, lược viết ra đây nguyên do sự việc, lòng muốn đem sự lợi lạc đến cho muôn người, tu sửa tự thân, xây dựng gia đình, dạy dỗ cháu con theo gương các bậc thánh hiền, nhận biết chân tâm bản tánh, thấu triệt lẽ tử sinh. Nếu ai đọc kỹ rồi ra sức làm theo, ắt sẽ thấy đúng như lời tôi nói, không chút sai dối. 

Lời tựa của Trương Thủ Ân
Nhân dịp khắc bản in lại vào năm Quang Tự thứ 7 (1881)

Tôi lúc trước chưa từng học Phật. Ngày ấy, nhân có người khách đến chơi mang bộ Toàn thư của tiên sinh Chu An Sĩ đưa cho xem. Tôi mở sách xem qua mấy phần, lập tức lộ vẻ bực dọc, không muốn xem nữa. Khách ngạc nhiên gặn hỏi: “Ông vì sao lại có thái độ như vậy?” Tôi đáp: “Những gì tiên sinh An Sĩ nói ở đây hoàn toàn trái ngược với lời một vị tiên sinh tôi đã biết. Ông cho rằng những lời của tiên sinh An Sĩ là đúng, hẳn những lời vị tiên sinh kia là sai chăng?”

Vị khách ấy cười nói: “Tính khí ông thật nóng nảy quá! Đây nào phải chuyện tranh đấu thắng thua? Chỗ lập luận của vị tiên sinh kia với tiên sinh An Sĩ, thật không phải chỗ mà những người như bọn tôi với ông có thể theo kịp. Tôi đây không dám lấy sức con phù du để cố làm lung lay đại thụ, còn như ông lại muốn lấy chút lửa đom đóm để thiêu rụi núi Tu-di được sao? Chuyện đúng sai thôi hãy khoan bàn kỹ, nay ví như có người không hề biết đến đời sau, không tin chuyện nhân quả nên hùng hổ làm nhiều việc ác. Lại ví như một người khác thực sự biết có đời sau, tin có nhân quả, nên năng nổ làm nhiều việc thiện. Vậy trong hai người ấy, theo ông thì ai hơn ai kém?”

Tôi cũng cười, đáp lại rằng: “Ông xem tôi kém cỏi đến thế sao? Nếu trong việc này mà không phân được ai hơn ai kém, thì khác nào như có mũi mà không nhận biết được mùi hương?”

Vị khách liền hỏi: “Nếu đã là như vậy, cớ sao ông lại hoài nghi sách Toàn thư của tiên sinh An Sĩ?”

Tôi đáp: “Ông tuy giỏi biện luận, nhưng những chuyện như thuận đạo lý thì được tốt lành, làm việc trái nghịch ắt gặp việc dữ, hoặc nhà làm việc thiện ắt có niềm vui, nhà làm nhiều việc ác ắt gặp tai ương... thì nhà Nho chúng tôi đã nói quá nhiều rồi, cần chi phải viện dẫn đến kinh Phật?”

Vị khách nói: “Ấy là ông vẫn còn chưa suy xét kỹ đó thôi. Nói về lý nhân quả báo ứng, nếu không xét đến cả 3 đời quá khứ, hiện tạivị lai, ắt không thể nào trọn vẹn thuyết phục. Nhưng có thể giảng giải rõ ràng tường tận về nhân quả trong ba đời như thế, duy nhất chỉ có Phật mà thôi. Vì thế, tiên sinh An Sĩ chẳng ngại có người hiềm khích ganh ghét, hết lời răn nhắc cảnh tỉnh, khiến cho người mê phải tỉnh. Như thế cũng là cùng một tấm lòng như vị tiên sinh kia khi viết sách truyền lại cho hậu thế đó thôi.”

Khi ấy, trong lòng tôi đã dần bình tĩnh lại, liền cũng cười đáp: “Ấy là ông chỉ tự riêng mình suy đoán chủ quan nói ra, quả nhiên là giấu đầu mà lại lòi đuôi.” 

Khách liền nghiêm sắc mặt mà nói: “Những gì vị tiên sinh kia viết ra chính là pháp của thế gian, còn những điều tiên sinh An Sĩ viết ra lại là pháp thế gian, suốt thông cùng pháp xuất thế gian, mỗi câu mỗi chữ đều là lời tâm huyết, ý thiết tha, như dùng kim vàng khơi mắt giúp người mù thấy được ánh sáng, thật hết sức nhọc nhằn, quyết lòng răn nhắc, cho dẫu là những bậc cha anh yêu thương dạy dỗ con em mình cũng không dốc lòng hơn thế được. Nay sách Toàn thư đang sẵn có đây, nếu ông quay lại tìm đọc trong đó ắt gặp được thầy, đâu cần tôi phải lắm lời biện giải lôi thôi dài dòng như thế này.”

Vị khách nói rồi để tập sách lại tặng cho tôi. Tôi kính cẩn nhận lấy, một lần nữa lại mở ra đọc. Ban đầu còn phải dò tìm manh mối theo văn chương câu cú, dần dần về sau mới thể hội được tông chỉ ý thú, hốt nhiên bừng tỉnh thấu triệt thông suốt. Khi ấy buồn vui lẫn lộn, như người lạc lối gặp kẻ dẫn đường, như khi bệnh nặng gặp phương thuốc hay, như giữa giao lộ tối tăm được bó đuốc sáng soi, như giữa biển khổ mênh mông được gặp con thuyền từ cứu vớt, bất chợt không kiềm được tiếng thở dài mà than rằng: “Than ôi! Nếu không may mắn được đọc sách này, ắt một đời ta đã phải luống trôi qua vô ích!”

Như vậy, nếu không gặp được bạn hiền như vị khách ngày xưa, ắt hẳn hết một đời này tôi cũng không biết được rằng còn có đời sau, cũng không tin được là có nhân có quả. 

Hỡi ôi! Được làm người là khó, được nghe pháp Phật lại càng khó hơn. Chúng sinh chịu khổ trong ba đường dữ, thử hỏi do ai là người gây ra như thế? Xưa có người nói rằng: “Ai đã từng trôi giạt lang thang, hẳn mới biết cảm thông mà thương người lưu lạc!”

Nhân viết ra đây nhân duyên được đọc sách, nhắn gửi với những ai về sau có duyên may gặp được sách này. 








Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
11/11/2010(Xem: 188948)
01/04/2012(Xem: 34455)
08/11/2018(Xem: 13373)
08/02/2015(Xem: 51500)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.