Chương 6: Hành Đạo, Độ Sinh -07

23/05/20235:56 SA(Xem: 1019)
Chương 6: Hành Đạo, Độ Sinh -07

HƯ VÂN NIÊN PHỔ
THƠM NGÁT HƯƠNG LAN
Kiến Châu – Như Thủy – Hạnh Đoan dịch

 

Chương 6
HÀNH ĐẠO, ĐỘ SINH

(TT)

DÂN QUỐC 38 (1949) KỶ SỬU – 110 TUỔI

Sau Giới đàn mùa xuân, tôi về Vân Môn để sửa sang lại các Thánh tượng trong chùa. Tính tất cả tượng lớn nhỏ có hơn tám mươi pho. Phết áo vàng và sơn Bảo tọa cho tượng phải hơn một năm mới xong. Đến nay, Điện vũ, Tăng đường, Liêu phòng, mười phần đã hoàn thành được chín.

Do cư sĩ Phương Dưỡng Thu ở Hương Cảng mời tôi đến khai quang Phật Đường và giảng Kinh tại Tịnh Xá Bát Nhã, tôi  lại Hương Cảng một tháng rồi mới về núi, dặn sầm Học Lữ lo biên chép Vân Môn Sơn Chí.

Ghi rõ thêm về việc:

TRÙNG HƯNG VÂN MÔN

Sư đến Vân Môn cùng với Tỳ kheo Minh Không đảm đương công việc, bất kỳ sự việc lớn nhỏ nào cũng đích thân kiểm, dốc hết lòng lo. ngày đêm gian nan ra sức. Lúc này, gặp quân kháng chiến nổi dậy, giặc Nhật xâm lăng, binh lửa lan tràn khắp chốn, tài lực bị giới hạn, vật chất thiếu thôn, nhân sự rối ren, việc kiến thiết gian nan gắp mười gấp trăm lần ở Nam Hoa. Nhưng Sư vẫn điềm tĩnh không nao núng, cứ tiến hành những gì đã hoạch định. Ngày qua tháng lại, cuối cùng rồi cũng xong. Tóm tắt các công việc của Sư như sau:

Sửa lại hướng núi:

Lúc Tổ còn sinh tiền, hướng núi của ngôi chùa này ra sao thì chưa rõ. nhưng chùa cũ tọa Tây Bắc, hướng Đông Nam, núi càn hướng Tôn, Tam môn của Đại điện nằm đối diện với đỉnh Lôi Công, xét về phong thủy, các mặt… thảy đều bất lợi. Bên tả lưng núi nghiêng về ngọn Thọ Sơn, xung sát với dòng Sa Khê. Còn mặt tiền bên hữu bị núi Bạch hổ lấn át, mặt tiền bên tả chẳng hiện đỉnh Thanh Long nên không xứng hợp với cục diện chính đường.

Mấy trăm năm trở lại đây, chùa ngày càng suy vi. Tuy bảo: “Người tính chẳng được, song việc xây dựng, an hướng núi cho đạt cách rất có lợi trong việc an chúng”. Sư khảo sát hình thế núi sông; nghiền ngẫm lợi hại của phong thủy, rồi cho sửa hướng núi chánh tọa Tây Bắc hướng Đông Nam, thủ ở thế Tân, quay về hướng At, sắp Tam Môn của Đại Điện đối diện với ngọn Quán Âm. Sửa như thế được bốn điều lợi:

1. Toàn chùa dựa vào hướng núi chánh, không tựa nghiêng lệch, tránh được lưng bên tả núi nghiêng vào khí xung sát.

2. Sửa ngọn Thanh Long cao hơn núi Bạch Hổ, loại bỏ sự lấn át phía bên hữu mặt tiền.

3. Hướng chánh đối với ngọn Quan Âm, sắp xếp như vậy núi đẹp hơn, biến các đỉnh kỳ sơn lớn nhỏ nằm la liệt lân cận, thành thế quí nhân chầu quanh, hộ vệ.

4. An trí toàn cảnh Già-lam thanh tịnh xứng hợp với phong thuỷ thiên nhiên, mặt sau ở thế tựa vững vàng, mặt trước khai triển rộng, thành thế “tả ủng hữu hộ”, loại hết hung sát, khiến các hướng đều tốt đẹp.

Từ lúc Sư trùng hưng đến nay, mặc dù thời cuộc hỗn loạn, địa phương chưa được an ninh, nhưng tăng chúng Vân Môn vẫn ở an hành đạo, đổi hiềm thành yên. Tăng, tục mười phương khắp nơi tìm đến, sống an hòa cùng lo việc hoằng pháp. Tông phong Tổ nhờ đây được chấn hưng, khí thế như mặt trời lên. Những việc này là do đạo đức của Sư chiêu cảm, song việc tu bổ chùa, chỉnh hình thế theo cung cách tốt cũng rất can hệ vậy.

Trang nghiêm pháp tướng:

Sư cho sơn phết, đắp lại các tượng Phật, Bồ tát, Chư Thiên, Già lam… tính các tượng lớn nhỏ tổng cộng hơn tám mươi pho, được phết vàng rực rỡ, đặt tại các ngôi điện đường vô cùng trang nghiêm. Thiện nam tín nữ gần xa đua nhau đến chùa chiêm lễ, hoan hỷ tán thán cùng gieo thiện căn. Mấy năm gần đây, trước sau thỉnh được các bộ Kinh, Luật, Luận đều nhờ các vị như: Tỳ kheo Diệu Vân cúng dường bộ Nhật Bản Đại Chính Tạng Kinh’, Trần Khoan Bồi, Hà Khoan Trí cúng dường các bộ Tích Sa Tạng, Tục Tạng Kinh; Diệp Hà Am cúng dường bộ Đại Tạng Di Trân v.v… tất cả đều cất trong Tàng Kinh Các, để mọi người tha hồ nghiên cứu

Ngoài ra còn có đủ pháp khí Phật cụ linh tinh khác, tất cả đều được trưng bày tề chỉnh trang nghiêm.

Cứu tế nông thôn

Cổ đức nói: ‘Núi có ngọc thì cỏ cây xanh tốt, suối có rồng thì nước chẳng cạn khô, chỗ ở có Tam Bảo thì thiện căn tăng trưởng”.

Sư trùng hưng Vân Môn, thiệu long Phật tổ, hoằng pháp lợi sinh, âm thầm giúp quốc gia cai trị và cảm hóa dân, lợi ích khắp cõi dương lẫn âm, từ quá khứ đến hiện tại. Không thể dùng lời mà nói hết được. Việc cứu tế nông thôn là một bằng chứng rõ ràng xác thực vào thời ấy.

Lúc trùng tu đạo tràng, công trình xây cất hoành tráng này thực hiện mất tám năm ròng, ngoại trừ các vị có kỹ thuật chuyên môn về, số thợ phổ thông có khoảng từ một đến hai trăm, phần đông là những người thất nghiệp trong làng, nhờ công trình xây cất này mà có công ăn việc làm, kiếm được tiền. Trước đây do cảnh nhà đông nhân khẩu, muốn sinh tồn, họ phải vào núi sâu kiếm củi, xẻ đá… sống lây lất qua ngày. Bây giờ dân xóm núi được tuyển làm thợ phụ xây cất Vân Môn, kinh tế không lo thiếu thốnđời sống khởi sắc lên nhiều. Các thôn làng phụ cận cũng hưởng ké theo, vì những thôn làng này thường gặp nhiều ách nạn, may nhờ có Hoà thượng ra tay cứu giúp, có thể kể sơ lược vài việc như sau:

1. Ngày nọ, nhằm tháng chạp năm Dân Quốc 33 (1944), Quan, binh Vận Thu Bộ Tư Lệnh Cao Cấp, đi trên Quốc Lộ 16 đến Nhũ Nguyên thì bị bọn phỉ cướp, giết. Quân Chính phủ nổi lôi đình, hạ lệnh truy quét hết sào huyệt bọn phỉ, cho bao vây lục soát mấy chục thôn lân cận Vân Môn, bắt giam mấy chục người, tài sản súc vật thảy đều bị tịch thu. Đa số dân làng đều chạy vào chùa trốn, nhờ Sư ba lần đi lên huyện thương lượng, khuyên giải chính quyền, họ mới khoan hồng, chịu thả tù nhân, trả lại súc vật. Nhờ vậy dân làng: nam nữ già trẻ đều có thể về nhà an cư, không còn phải lo sợ nữa.

2. Vào tháng hai năm Dân Quốc 34 (1945), giặc Nhật xâm lăng Nhũ Nguyên, kỵ binh tràn đến, bắt dân làm sưu, cướp lương thực súc vật, hãm hiếp phụ nữ, hủy nhục tàn nhẫn. Nhưng khi thủ lĩnh quân địch vào chùa gặp Sư, bị đức độ Ngài thu phục khiến họ sinh tâm cung kính lễ bái. Nhân đó Sư khuyên họ hãy nghiêm dạy thuộc hạ không nên quấy nhiễu lương dân, nhắc nhở họ ra yết thị, dán thông báo khắp các thôn làng… Nhờ vậy mà an ninh được vãn hồi, dân chúng không còn bị quấy nhiễu.

3. Ngoài ramỗi khi dân chúng gặp thiên tai hay nhân họa, bất kỳ ai gặp phải ách nạn gì, đều được Sư thương xót cứu, giúp cho an toàn, việc này khó mà kể cho hết. còn những việc bố thí thuốc men, chữa lành cho người bệnh là chuyện rất thường.

4. Mùa thu năm Canh dần, Sư thấy dân chúng quá khổ, nên nguyện đem thân mình gánh thay, do vậy mà Sư bị bệnh nặng suốt hai tháng ròng.

Ngày 16 tháng 8, các bô lão, thân sĩ… nghe tin sư bệnh, họ đại diện cho các thôn làng phụ cận Vân Môn, đồng đến chùa vấn an Sư, nghẹn ngào thưa:

– Người dân địa phương chúng con, từ lớn tới nhỏ… nghe tin Hòa thượng lâm bệnh, thảy đều chấn động. Chúng con ai cũng cầu mong bệnh của Hòa thượng sớm được lành. Bởi vì từ lúc Hòa thượng đến Vân Môn tới nay, địa phương này được hưởng nhờ ơn đức bao la của Ngài, dân làng có gặp nạn dữ cũng hóa lành, đời sống được an ổn, từ người đến vật đều không bị thiên tai ôn dịch… hoàn toàn khác hẳn với cuộc sống thống khổ trước đây…

Lược kể nhiêu đây cũng đủ để hiểu đức hạnh cao dày của Sư đã cảm hóa, gây xúc động lòng người như thế nào rồi.

Tăng gia sản xuất

nghiên cứu Bách Trượng Thanh Quy, xem xét tình hình thời cuộc lúc ấy và hiểu sâu sắc rằng, muốn Phật giáo sau này không bị đào thải thì kinh tế chùa phải nhờ vào tự túc, tự lao động sản xuất. Có thế mới mong tồn sinh. Vì theo đà biến đổi của chính trị thì cần phải cải cách đường lối kinh tế, chùa mới có thể phát triển và đứng vững trong xã hội. Kinh tế chùa ngày xưa dựa vào ruộng cho thuê, và tiền hóa duyên. Song việc đám sám… giờ đã không hợp thời, chỉ có lao động sản xuất mới thích ứngchấp nhận được.

Thế là, tại Vân Môn, Sư thành lập Nông Trường Đại Giác, mọi người ở trong chùa đều phải khẩn hoang trồng trọt. Nông cụ, hạt giống đều do chùa cung cấp. Đến mùa thu hoạch, chia hưởng đồng đều. Sư khởi xướng việc xây dựng Xưởng Dệt ở chùa Đại Giám đất Thiều Quang cho tứ chúng

Phật tử, để họ ngoài việc tu hành học đạo còn có chỗ để công tác. Các nghành nghề nông, công… theo đây cũng được tăng gia sản xuất, khai mở nguồn kinh tế giúp chùa kịp thích nghi với thời cuộc, hoàn cảnh mới, xứng hợp với bối cảnh chính trị xã hội sau này.

Phụ lục:

CẢM ỨNG CƯA CÂY CHƯƠNG

Vào tháng 6 năm Dân Quốc 33 (1944), Sư cho đắp nền khởi sự xây Điện Thiên Vương. Lúc ấy, bên hữu của Trai Đường (hiện nay), có một cây Chương cổ thụ, rễ đâm chằng chịt ăn sâu vào lòng đất. Chu vi ước hơn năm thước rưỡi (16m Tàu), cây cao chót vót, cành lá um tùm che rợp đến nửa mẫu đất. Thân cây rất to và nặng… lại nghiêng về phía Điện Tổ. Nếu chừa cây lại thì bất tiện cho các công trình xây cất mới, mà đốn nó thì e sẽ gây tổn hại không nhỏ. Bởi phía Tây Bắc cây là Điện Tổ cũ, phía Đông Bắc là Tăng Đường, phía Tây Nam là Chánh Điện cũ cùng cổng Tam Quan. Chỉ có hướng Đông Nam là không bị trở ngại. Nhưng toàn bộ trọng lực và hướng nghiêng của cây lại không nghiêng vào chỗ trống mà lại ngả về phía tai hại ngược lại.

Cây to đến nỗi muốn chặt nó phải mất nửa tháng ròng. Mà càng đốn, nó càng nghiêng tợn về hướng Tây Bắc, (là nơi có Tổ Điện, Đại Điện)… cứ đà này tình hình sẽ rất nguy. Mọi người đều lo lắng, xôn xao bàn cách cứu vãn. Người thì đề nghị dùng dây cáp kéo nó về phía Đông Nam, người thì hiến kế nên đóng cọc chống ở phía Tây Bắc, kẻ lại bảo phải tháo dở cái nhà cũ trước đã… Sư nghe bàn tán râm ran, chỉ mĩm cười bảo:

– Cứ chặt tiếp đi! Đừng lo lắng thái quá!..

Mỗi ngày, trước khi mặt trời lặn, Sư tự tay cầm búa chặt vài rìu. Lâu ngày, cây càng nghiêng dữ về hướng Tây Bắc, Tổ điện, Phật Điện càng bị đe dọa trầm trọng.

Một hôm, sau giờ ngọ trai, như thường lệ Sư dẫn hết tăng tục lên Điện Tổ niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm. Mới nhiễu Phật xong, Sư ngồi kiết già trên chiếc ghế dài đặt ở mặt tiền hướng Đông Tây, thì trời bỗng nổi trận cuồng phong, âm vang chấn động làm rung chuyển cả mái ngói. Đại chúng nghĩ thể nào cây đại thụ cũng đổ, họ ngay ngáy lo là sẽ bị nó đè. Nhưng liếc nhìn qua thấy Sư thần sắc chẳng chút dao động, cứ điềm nhiên tĩnh tọa như không có chuyện gì, họ chỉ còn biết phó thác niềm tin vào Sư, thầm cầu mong chuyện sẽ không đến nỗi nào. Phút chốc, bỗng nghe tiếng ầm ầm nổi lên, đất động nhà xiêu, cát bụi bay mù mịt, rồi không còn nhìn rõ gì nữa. Lát sau, mọi người mới biết là cây đại thọ đã ngã rồi, nhưng Tổ Điện vẫn chưa bị đè sập, bấy giờ họ mới hoàn hồn, xúm nhau đi ra ngoài xem. Thật lạ, cây đại thọ đã ngã về hướng đất trống Đông Nam, hoàn toàn trái ngược với hướng nghiêng thường ngày của nó và không gây chút tổn hại gì. Đại chúng xúc động bàn tán xôn xao, ai cũng cho là Hòa thượnguy đức thần lực không thể nghĩ lường. Lúc bấy giờ Biên giả cùng cư sĩ Hoàng Nhật Quang cũng có mặt tại hiện trường, được tận mắt chứng kiến sự thật này.

8 giờ sáng, ngày 27 tháng 6 năm Dân Quốc 34 (1945), Tăng chúng cả chùa đều mới niệm Phật ở nhà Tổ xong, đang lục tục trở về liêu, bỗng nghe sấm chớp rền vang rồi có tiếng sét đánh, cây xà vuông làm bằng gỗ giẻ, các xà ngói trên Điện Tổ, toàn bộ đều nghiêng rã. Lư, án, bàn, ghế… đều bị nghiền nát, toàn điện biến thành một đông ngói gạch, chỉ có chân thân của Tổ Văn Yển là vẫn ngồi an nhiên như cũ. Nhờ mọi người vừa mới ra khỏi điện, nên không ai bị tổn hại.

Phụ lục:

XÂY LẠI CÁC NGÔI ĐIỆN VŨ Ở VÂN MÔN

Cuối đời Thanh tuy có trùng tu chùa ở Vân Môn nhưng kích cở kiến trúc rất nhỏ, các ngôi Điện vũ không nhiều. Đến thời Dân Quốc, do trải qua mấy mươi năm, vì lâu ngày nên cảnh xưa đà mục nát: nhà đổ tường hư, tất cả chìm trong hoang tàn, cỏ dại dây leo phủ kín. Lũ chồn hoang và thú rừng chọn nơi này làm hang ổ, cảnh tiêu sơ khó mà diễn tả hết. Hòa thượng Hư Vânđại lực đại nguyện, dốc hết sức bình sinh ra trùng hưng, kiến tạo lại Tổ đình và chấn chỉnh Tông phong.

Tháng 12, năm Dân Quốc 32 (1943), Ngài từ Tào Khê chống gậy xuống Vân Môn, quyết tâm trùng hưng ngôi Đại Giác Thiền Tự, khôi phục tông Vân Môn. Vì vậy, ngày đêm lao khổ miệt mài, Ngài soạn thảo kế hoạch, tiến hành thực hiện những công trình hùng vĩ, từ việc lớn đến việc nhỏ Ngài đều đích thân làm. Ngài nhìn xa trông rộng, khảo sát kỹ cuộc đất, lấy đây làm căn bản để sắp xếp cho hợp với hình thể núi sông, theo đúng lý âm dương phong thủy. Ngài cho sửa hướng núi, đắp lại nền chùa, phát sạch bụi rậm hoang vu, trồng thêm cây rừng, cất thêm các ngôi Điện vũ hoành tráng… trải qua chín năm mới xây xong Điện, Đường, Lầu các, Liêu phòng, Đại sảnh, Nhà kho, Tháp…Tổng cộng hơn 180 ngôi. Tính luôn Ao Phóng Sinh, Nhà Giã Gạo, Tháp Hải Hội… tất cả chiếm một diện tích khoảng hơn hai mươi mẫu. Lầu cao, gác đẹp, nhà rộng nhiều tầng, bảo tướng trang nghiêm, khu Già lam thanh tịnh thảy đều do cao đức của Ngài chuyển hóa.

Ngài tùy cơ thuyết pháp, mở gút tháo chốt, gỡ hết rối rắm, chỉ thẳng bản tâm cho người. Thế nên hàng sĩ thứ đến chiêm lễ, mười phương đều tụ hội. Tuy nói Thánh địa đạo tràng này được xếp vào bậc nhì (so với Tào Khê), nhưng tông phong hưng thịnh và lực cảm hóa vẫn trùm hết thiên hạ.

Về kiến trúc, kết cấu, bài trí của công trình đại trùng hưng này thì ngôi Đại Hùng Bảo Điện được xem nhưtrung tâm, chủ tọa Tây Bắc hướng Đông Nam, núi Tân hướng Ât. Trước và sau Đại Điện là hai hàng Phạm Vũ, bên tả và hữu của Phạm Vũ, mỗi bên đều có hai đường, Sự phân bô’ bài trí này, xin thuật rõ như sau:

Đại Hùng Bảo Điện là trung tâm điểm của chùa, cao chừng 5 trượng1, rộng 36 trượng vuông, phía trước có Nguyệt Đài, dưới Nguyệt Đài có thềm Đan Trì. Phía sau có giếng Đại Thiên, hai bên tả hữu có giếng Trường Thiên, hành lang chạy dài bốn phía, ăn thông với những con đường ở hai bên tả hữu của Phạm Vũ.

Bên trong Chánh Điện, chính giữa thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Dược Sư, Phật Di ĐàPhía sau thờ Tây Phương Tam Thánh cùng hai vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền. Hai gian tả hữu thờ 18 vi La hán, chư Thiên và 24 vị Thánh.

Phía trước tòa Phạm Vũ, phân làm ba viện: chính giữa và hai bên tả hữu.

-Viện giữa phía đầu Sơn Môn, gồm Điện Thiên Vương, Điện Vi Đà, thờ Bồ Tát Di Lặc giữa, hai bên tả hữu thờ 4 vị Đại Thiên Vương. Phía sau thờ Bồ tát Vi Đà, tướng hảo trang nghiêm, sầm Học Lữ ở Thuận Đức (Quảng Đông) để liễn nơi Sơn Môn:

Vân phú đại thiên giới

Môn truyền bất nhị tông

(Mây che cõi đại thiên

Cửa truyền tông bất nhị)

-Dãy bên tả có tên chung là Húc Nhật Lâu, là ngôi lầu 2 tầng, có Đại sảnh, Tiểu sảnh đường, đình, liêu cùng hiên phòng… tổng cộng 18 gian. Phía trong tựa vào Điện Thiên Vương, bên tả phía dưới có gian Báo Ần Đường, dành để thờ phụng thờ Tôn thân phụ mẫu các Sư trưởng của bổn tự.

-Tòa bên hữu gọi là Minh Nguyệt Lâu. cũng xây hai tầng. Tính Đại sảnh, Tiểu sảnh đường, đình, liêu cùng hiên phòng… tổng cộng 16 gian, phía trong tựa vào Điện Thiên Vương, dưới đất có một gian là Tây Quy Đường, dùng để thờ chư Tổ khai sơn chùa và chư vị trùng hưng kế tiếp, các vị Trụ trì, chư Tổ, quý Đại Lão hòa thượng… cùng bài vị giác linh các vị khai sơn trùng hưng chùa, những bậc quá cố từ trước tới nay.

Ở trong hai tòa Lầu Húc Nhật và Minh Nguyệtsáng sớm hay hoàng hôn gì đều thấy núi ánh sắc mây, bốn mùa biến hóa, có thể lặng ngắm vầng trăng tỏa sáng, chiêm ngưỡng dãy ngân hà rạng rỡ lấp lánh trong đêm thâu và thầm cảm nhận một cõi pháp giới chơn thật, thường hằng đang hiển hiện.

Phía sau Phạm Vũ cũng phân làm ba:

– Dãy giữa là tòa lầu hai tầng, gồm Pháp Đường, Giới Đàn, Tàng Kinh Các. Tầng trệt là ngôi kiến trúc rộng lớn có Pháp Đường và Giới Đường. Chính giữa là tòa Sư tử, trên thờ Đức Thích Ca Ngọc Phật. Tầng trên là Tàng Kinh Các, phân ra 6 gian, trên có ba chữ Vũ Hoa Đài.

– Dãy bên tả là Tổ Đường, thờ chân thân Thiền sư Văn Yển, vị Tồ đầu tiên của tông Vân Môn cùng bia của chư Tổ nối tiếp trải qua các đời của bổn tông. Đây là toà lầu hai tầng, trên dưới tổng cộng 20 gian.

– Dãy bên hữu là Phương Trượng, cũng là láu hai tầng, tính chung các sảnh đường, liêu, hiên, phòng trên lẫn dưới… tất cả là 20 gian. Bên trong thờ tượng của Bồ tát Quán Thế Ẩm có đôi liễn:

– Thùy vân hữu đạo hữu thiền, nhậm nhữ vũ bảo di không tổng thi quỷ gia hoạt kế.

(Ai bảo: có đạo có thiền, mặc người mưa báu đầy trời, đều là kế sống nhà quỷ).

Giá lý vô bổng vô hát, bất phòng niêm thảo tác dược tọa linh thiên hạ thái bình.

(Trong đây không gậy không hét, chẳng ngại trao cỏ làm thuốc, ngồi giúp thiền hạ thái bình).

Hòa thượng Hư Vân tự tay viết đôi liễn:

– Lưỡng thủ tương sơn hà đại địa, niết biến tha viên, kháp toái liễu biến tát hư không, hỗn vô sắc tướng.

(Hai tay nắm sơn hà đại địa, bóp dẹp vo tròn, nghiền nát xong tung khắp hư không, vận (chuyển) vô sắc tướng.

Nhất bổngthiên cổ nghiệp ma, đả tử cứu hoạt hoán tỉnh lai phóng nhập vi trần, cộng tác đạo tràng.

(Một gậy đem nghiệp ma thiên cổ, đánh cếêt cứu sống, gọi tỉnh lại, thả vào vi trần, cùng lập đạo tràng.)

Bên tả Nhât Lộ Phạm Vũ chia làm ba dãy lớn:

Dãy thứ nhất là Khách Đường, giữa là Sảnh Đường. Hai bên là bốn gian Liêu, Phòng. Khách Đường ở tầng một, giữa là Sảnh Đường hai bên bốn gian Liêu, Phòng. Tầng thứ hai là Lầu Chuông (Chung Lâu), có treo một đại hồng chung lớn, khi đánh âm thanh vang xa mười mấy dặm. Có thể cảnh tỉnh người sâu sắc.

Dãy thứ hai là Điện Già Lam, giữa thờ Trưởng giả Cấp Cô Độc, hai bên có bốn gian Liêu, Phòng. Trên lầu Điện Già Lam có Đại, Tiểu Sảnh, Liêu, tổng cộng 5 gian.

Dãy thứ ba là Vân Thủy Đường, trên lầu, dưới lầu, Sảnh Đường, Liêu Phòng hơn 10 gian.

Bên tả Nhị Lộ Phạm Vũ cũng chia làm ba dãy:

Một là Bếp Hương Tích, bên trong đắp 5 lò to lẫn nhỏ, có một cái hồ lớn bằng đá dùng để chứa nước. Phàm nước ăn uống hay tiêu xài, đều dùng ống sắt dẫn vào hồ này. Ngôi kiến trúc này có 5 gian, dành cho các vị Điển Tòa, Phạn Đầu v.v… ở. Phía trên có khám thờ Bồ tát giám Trai.

Hai là Trai Đường, trên cửa có biên đôi liễn trích trong sách cũ của Tô Đông Pha:

“Chúc khứ phạn lai, mạc bả quang âm giá diện mục.

(Cháo đi cơm lại, chớ để tháng ngày che diện mục)

Chung minh bản hưởng thường tương sinh tử quải tâm đầu?”

(Chuông khua bảng dội, thường đem sinh tử mắc nơi tâm).

Ba là Khố Phòng (nhà kho), trên lầu dưới lầu cũng giống như bên Trai Đường, có đại sảnh, tiểu sảnh, phòng ốc… Tổng cộng hơn 10 gian.

Bên hữu Nhất Lộ Phạm Vũ, cũng có ba dãy kiến trúc:

Một là Công Đức Đường: Thờ bài vị các hộ pháp đàn na của bổn tự đã vãng sanh cùng Lộc Vị Trường Sanh2 gồm một dãy liền nhau nơi tầng lầu thứ nhất, tính Sảnh Đường, Liêu Phòng tổng cộng 10 gian, tạm dùng làm Thượng Khách Đường. Tầng thứ hai là Cổ Lâu (Lầu trống), có đặt một cái trống lớn, nằm đối với Chung Lâu (lầu chuông).

Hai là Điện Tổ Sư: Thờ Sơ Tổ Đạt Ma, Thiền Sư Bách Trượng, Luật Sư Đạo Tuyên, tầng lầu trên, tính Đại Sảnh, Tiểu Sảnh, Phòng Ôc…. tổng cộng 10 gian.

Ba là Thiền Đường: trên lầu dưới đất Đại Sảnh, Tiểu Sảnh 12 gian, Phiên Ngung Thang Anh đề đôi liễn nơi Thiền Đường:

“Chiếu cố thoại đầu, bất quản tha Trường Khánh (1) quyển liêm, Hương Nghiêm kích trúc.

(Chiếu cố thoại đầu, chẳng quản chi Trường Khánh cuốn rèm, Hương Nghiêm kích trúc).

Viễn ly vọng tưởng, hứa hội đắc Hòa Sơn đả cổ, Tuyết Phong côn cầu.”

(Xa lìa vọng tưởng, mới hiểu được Hòa Sơn đánh trống, Tuyết Phong đá cầu).

Bên hữu đầu đường Nhất Lộ thông tới cửa Phương Trượng có treo đôi liễn cổ:

“Nhập thử môn, bất hứa nễ thất điên bát đảo”. (Vào cửa này, không cho ông thât điên bát đảo).

“Đáo giá lý, mạc quản tha ngũ uẩn lục thông”.

(Đến trong đây, bất kể anh ngũ uẩn, lục thông).

Bên hữu Nhị Lộ Phạm Vũ, có ba dãy:

-Công Nhân Liêu: gồm ba gian, mái bằng.

-Như ý Liêu: cũng ba gian, nóc bằng.

-Thanh Sở: nóc bằng, ba gian.

Nhà Xay Gạo (Niễn Mễ Phòng) có hai tầng: trên, dưới. Các gian lớn nhỏ có năm ngôi, dùng sức nước để xay gạo. Ngoài những lúc xay gạo cho chùa, cũng cho dân chúng quanh vùng đến xay nhờ.

Ngoài Sơn Môn có đào ao phóng sinh, rộng một mẫu, sâu một trượng, nước đầy cá lội, sóng gợn lăn tăn, ao vàng liễu biếc, điện quế tỏa hương. Du khách đến đây, như bước vào cảnh giới thanh lương.

Tháp Hải Hội xây cách chùa khoảng một cây số nằm về phía Tây, trên dưới hai tầng, khoảng chừng mười gian, có tường thấp bao quanh, trồng đủ kỳ hoa dị thảo.

Di cốt của thất chúng được đặt vào đây, đêm ngày nghe tiếng niệm Phật, hai cõi U-Minh đều được lợi.

(Sư tự thuật Niên Phổ đến mùa đông năm Kỷ Sửu thì ngừng lại. Năm này, Sư đã được 110 tuổi. Công trìnhVân Môn coi như đã xong mà chưa xong, Lúc bấy giờ, Tăng chúng tụ hội cả nghìn vị, cày ruộng mà ăn, đều nương vào Sư, không chịu đi nơi khác).

NĂM CANH DẦN (1950) 111 TUỔI

Mùa xuân năm này, Sư vẫn về Nam Hoa truyền giới, mở thiền thất trường kỳ nơi thiền đường. Trong số tham dự có người khai ngộ. Xong, Sư bèn trở về Vân Môn tính việc chỉnh lý niên lịch trong bản thảo, giao phó việc biên tập; nhưng ghi lại sự việc hơn một trăm mấy chục năm cho chính xác trong một lúc không phải là chuyện dễ.

Ghi thêm:

Trong giới đàn kỳ này, cư sĩ Vương Khuynh Tây thọ giới cụ túc, pháp danh là Khoan Mộ. Khoảng 20 năm trước, ông đã từng theo Sư cất am tranh ở Cổ Sơn có chỗ tĩnh sáng. Sau khi xuất gia, ông dốc lòng tu tịnh nghiệp.

Phụ ghi:

TÔI HAI LẦN THÂN CẬN HÒA THƯỢNG

Pháp sư Long Tuyền

Hòa thượng Hư Vân danh vang khắp thiên hạ.

Lần đầu tôi được thân cận Ngài là năm Dân Quốc 20, vào kỳ truyền giới mùa xuân nơi chùa Dũng Tuyền, Cổ Sơn Phúc Châu. Ngài là Phương Trượng. Còn tôi lúc đó đang ngụ tại chùa Thiên Đồng, Lão pháp sư ứng Từ gởi thư sang, bảo tôi nên đến chỗ Hòa thượng Hư Vân học hỏi, thân cận…

Được thư, lòng tôi hoan hỉ lạ thường. Tôi lập tức rời chùa Thiên Đồng, đến chỗ pháp sư ứng Từ nơi chùa Sùng Pháp (Thượng Hải). Ngày mùng 5 tôi cùng với ba người bạn đồng học theo Lão pháp sư ứng Từ đáp thuyền đi Phúc Kiến. Thuyền nhỏ hẹp, nửa đêm gió nổi sóng to. Hôm sau chúng tôi đến Mã Trì và nghỉ đêm tại chùa Trấn Hải. Sáng sớm ngồi kiệu lên núi, mới dừng lại ở Y Đình thì đã nghe trong chùa đốt pháo mừng đón. Đến cổng sơn môn, chùa cũng đốt pháo ba lần và chuông trống đồng loạt gióng lên nghênh đón. Hoà thượng Hư Vân bước ra (trước hai hàng đại chúng đang đứng dàn sẵn ngoài Điện Thiên Vương) nhiệt liệt đón chào Lão pháp sư ứng Từ, rước Ngài vào Phương Trượng nghỉ ngơi. Chư sư Thủ lĩnh đảnh lễ chúc mừng, còn chúng tôi được sư Tri khách Minh Quan lo việc chiêu đãi sắp xếp chỗ nghỉ. Hôm sau, khi giảng Kinh Phạm Võng, nghi thức Đại tòa được cử hành. Chùa nổi bảng tập hợp chúng tại Phương Trượng. Hai vị Đại lão nhân đều đắp Đại Hồng Tổ Y quỳ thắp hương trước Pháp tọa. Đầu tiên ngài Hư Vân niêm hương cúng dường Lão pháp sư. Chúc từ xong Ngài cắm vào lò. Tiếp đến Lão pháp sư niêm hương hồi kính ngài Hư Vân, chúc từ xong thì cũng cắm hương vào lò. Làm như thế ba lần. Rồi sư Duy na hô: “Mạt hậu tiên hành” (đằng cuối đi trước), sau đó lên Đại điện xướng tán hương rồi cầm phất tử ra Pháp Đường phía sau, Hoà thượng Hư Vân trịnh trọng hộ tống Lão pháp sư an vị. Lão pháp sư lại hồi tiễn Hoà thượng Hư Vân rời Pháp Đường, sau đó xướng Tán Hương, thăng tòa giảng kinh.

Trong giới kỳ, ngài Hư Vân thuyết giới, Pháp sư ứng Từ làm Yết-ma, Thủ tọa Giả Minh làm Giáo thọ, pháp sư Tông Cảnh làm Đại sư Khai đường.

Tiết thanh minh, có lễ Thái Sơn Giới, (tức Lễ Đạp Sơn) đây là quy củ thường trụ, mỗi năm một lần. Hòa thượng Hư Vân hướng dẫn đại chúng hành sự. Thắt lưng Ngài buộc một sợi dây rơm, tay cầm cái cuốc, dẫn đầu toàn thể Tăng chúng hơn ba trăm người, rầm rộ leo núi, nhưng hễ mọi người vừa leo được lên núi thì đã thấy Vân công đã ở tít trên đỉnh cao kêu: “Các vị mau tới đây”. Đại chúng nghe gọi cảm thấy xấu hổ thầm, vì mình leo núi mà bị rớt lại sau nên cố hết sức đi lên, thế nhưng dù có ráng bước đến toàn thân xuất hạn dầm dề cũng chẳng thể nào theo kịp Lão nhân. Thân thủ Ngài sao mà nhanh thoăn thắt, nhẹ nhàng đến lạ. Khiến chúng tôi càng cảm thấy mình sao mà quá nặng nề chậm chạp… mọi người còn đang nhìn sững ngài Hư Vân đi và cùng bàn tán với nhau về điều này thì Ngài đã lướt qua đến đỉnh núi thứ hai và kêu chúng tôi rồi… Cứ thế, trải qua bốn năm đỉnh núi cao, không ai có thể theo kịp Ngài. Gần ngọ, ngài Hư Vân về chùa thọ trai. Còn đại chúng, lúc về được tới chùa thì đã hơn một giờ trưa. Trong phòng Lão nhân chỉ có cái bàn nhỏ, cái giường, và giá móc trên tường, ngoài ra chẳng còn vật gì khác. Đồ cúng dường Ngài đều phân chia cho đại chúng cùng hưởng. Lúc chúng tôi thỉnh khai thị. Ngài nói:

– Lão pháp sư Ứng Từ, Tông và Thuyết đều thông, cùng tôi pháp môn bất nhị. Chúng tôi quyết định phát tâm thân cận mãi mãi, tương lai hành bồ tát đạo, hoằng pháp lợi sinh, thiệu long phật chủng..

Theo sắp xếp, Lão pháp sư Ứng Từ giảng kinh Phạm Võng quyển thượng, đến Thập Hồi Hướng thì tôi sẽ lên tòa thuyết thay. Tôi đem kinh văn ngày mai ra xem suốt cả buổi tối đến hơn 12 giờ khuya mới ngủ. Hôm sau, gần ngọ tôi đắp y trải tọa cụ hướng hai vị Lão nhân đảnh lê. Pháp sư ứng Từ dạy:

– Sau ngọ ít nằm, đoan tọa hành phép quán. Nên thắp hương cầu nguyện từ quang mười phương Tam bảo, Hộ Pháp Long Thiên gia bị cho … thì tự nhiên ung dung vô úy, như vào chốn không người.

Sau khi thăng tòa, Vân lão niệm hương, lễ phật trước. Rồi đến Lão pháp sư Ứng Từ dâng hương lễ phật. Tôi cũng không biết hai vị Lão nhân đều ở phía sau nghe giảng. Trong đời, đây là lần đầu tôi giảng Đại tòa. Giảng xong, lúc hạ toà nghỉ ngơi, Vân công khen tôi mấy câu. Còn Lão pháp sư Ứng Từ nói:

– Tổ y là Như Lai gia nghiệp, đắp vào tâm tư thương xót chúng sinh thống khổ. Nếu còn giữ chút tâm danh lợi, tương lai sẽ đoạ lạc tam đồ.

Ngày nọ, Vân công nhóm bếp nhỏ luộc rau dền Hồ Nam, đãi Pháp sư Ứng Từ. Ngài lịnh thị giả đến khố phòng mua dầu. Tiền không đủ, thị giả phải về xin hoà thượng đưa thêm hai đồng. Mới biết Ngài công tư phân minh, chế độ quy củ thập phương Tùng lâm nghiêm nhặt như thế. Chúng tôi mỗi tối vào Thiền Đường tọa hương, nghe lão hòa thượng Hư Vân khai thị, giảng Kinh Phạm Võng, giảng một ngày là xong.

Hôm sau lại thỉnh Lão pháp sư Ứng Từ giảng Đại Thừa Khởi Tín Luận Giảng Đường. Lúc giảng xong, chùa Thiên Đồng Ninh Ba thỉnh Ngài đến đó giảng Kinh Phạm Võng. Tôi vào Phương Trượng hướng Hư Vân lão nhân đảnh lễ từ biệt, lúc này có các vị khác như Hoà thượng Linh Tuyền chùa Đại Giác Cơ Long và chư vị thập phương cũng hướng Hòa thượng Hư vân đảnh lễ từ giã, xin theo Lão pháp sư Ứng Từ nghe pháp. Vân công nhất nhất chuẩn, hứa và dặn dò tất cả hãy tinh tấn tu học. Đây là lần đầu tôi trải qua kinh nghiệm thân cận Hoà thượng Hư Vân.

Tháng mười năm Dân Quốc 39, tôi nhận được thư pháp sư Linh Nguyên từ Hương Cảng gởi đến, báo tin:

“Mùa xuân sang năm hoà thượng Hư Vân truyền thọ Ngàn Phật Đại GiớiVân Môn, Ngài mời ông làm Đại Sư Khai Đường”.

Thế là tôi liền lên đường đến Vân Môn.

Trong Thiền Đường Dưỡng Tức Hương lúc gần khai tịnh, Sư Tri khách hô: – “Hưu tức tại Khách Đường”. Những người tham dự được lãnh ba cái bánh nhỏ (gọi là bánh Vân Môn). Theo truyền thuyết, vào thời tổ sư Văn Yển Vân Môn, lúc ăn bánh này người người khai ngộ. Nay ngài Hư Vân phỏng theo đó, cho phép tạm lót lòng. Do trong chùa đại chúng quá ngọ không ăn, đây chỉ là phương tiện trong thất kỳ. Chúng tôi sau khi dùng bánh xong, vào Điện Tọa Hương nghe khai thị.

Sáng hôm sau tôi đắp y trải tọa cụ, đem lễ vật, thư chúc thọ của lão sư Ứng Từ  Thượng Hải và các đệ tử Gia Nghĩa gởi Hoà thượng, nhất tề dâng lên.

Đảnh lễ Ngài xong, Vân công nói:

Đường xa diệu viễn, các ông đến đây thật không dễ, hi vọng ở đây càng thêm phát tâm. Lễ xong thì về liêu nghỉ ngơi.

Tôi vào Điện Tọa Hương, lúc này thất kỳ đã được gần nửa. Lão nhân lên Điện, giao tôi đánh hương bảng cảnh sách, ngồi ghế Đường Chủ, luân lưu khai thị. Người tham dự đông nghẹt. Lão nhân khai thị âm thanh thật là hòa nhã.

Thất kỳ viên mãn. Lúc tôi đảnh lễ từ biệt, Ngài nắm tay tôi nói:

– Các ông đợi năm tới hãy sang Hương Cảng. Hôm nay ra đi rồi, có muốn quay về lại e cũng khó.

Rời chùa hơn trăm bước, tôi ngoái đầu lại nhìn, thấy Hòa Thượng vẫn còn đứng trước Điện Thiên Vương chắp tay tiễn biệt. Tôi quay lại đảnh lễ Ngài, xin Ngài hãy đi vào. Rồi tôi quay đi, bước được vài bước, ngoái nhìn lại vẫn thấy Lão nhân đứng đó chắp tay đưa tiễn. Đây là lần thứ hai tôi thân cận Ngài Hư Vân.

Sầm Học Lữ giải thích: (Bản thảo này là khi Hòa thượng Hư Vân viên tịch rồi pháp sư Long Tuyền mới gởi đến làm kỷ niệm. Nhân có liên quan đến Cổ SơnVân Môn nên tôi cho phụ biên vào đậy).

NĂM TÂN MÃO (1951) 112 TUỔI

Vào giới kỳ mùa xuân, Vân Môn xảy ra biến sự.

Nhớ lại mùa hạ năm Kỷ Sửu (1949), Hòa thượng nhận lời mời của họ Phương, từ Vân Môn đến Hương Cảng. Một hôm, hòa thượng hỏi Sầm Học Lữ về chuyện người nhà mưu phản. Đàm luận xong, Sầm thưa:

Thời cuộc biến đổi như thế này, con nên về đâu ở mới hợp và an?

trầm ngâm một lúc bảo:

– Người học đạo đi đến đâu cũng là quê hương, buông hết thì là đạo tràng, cư sĩ hãy khéo an tâm.

Sầm hỏi tiếp:

– Các chùa viện Đại Lục khó tránh được bất ổn, sao Hòa thượng không tạm lưu lại Hương Cảng cho dễ bề hoằng pháp độ sinh?

Sư đáp:

– Việc hoằng pháp đã có người lo, phần tôi còn có trách nhiệm riêng, về bản thân tôi thì chuyện đi  đâu có gì đáng để bận lòng, song nghĩ đến các Tự viện, Am thất… ở nội địa đang lâm nguy. Nếu tôi ở lại Hương Cảng thì mấy vạn Tăng, Ni bên đó, ai sẽ hộ trì chở che cho họ? E là họ sẽ càng thống khổ khốn đốn hơn. Bởi vậy lòng tôi rất lo. Tôi cần phải trở về…

Sầm không dám nói gì thêm nữa. Thế là Sư về Vân Môn.

BIẾN SỰ THẢM KHỐCVÂN MÔN

Mùa xuân, năm Tân Mão (1951), trong lúc mở Giới đàn, tứ chúng vân tập, lúc này Tăng trong chùa có hơn 120 vị.

Thứ bảy, ngày 24/2/1951 ÂL bỗng có hơn trăm người đến bao vây chùa, cấm không cho ai ra vào. Đầu tiên, họ bắt Hòa thượng Hư Vân nhốt trong Phương Trượng, cắt vài người canh gác rồi đem Tăng chúng nhốt vào các nơi như Thiền Đường, Pháp Đường, và tiến hành khám xét toàn chùa. Họ lục soát rất kỹ, từ mái ngói đến nền gạch, các Tôn tượng Phật, Tổ cho đến pháp khí, Kinh Tạng… họ đều lật kiếm tỉ mỉ. Họ huy động hết toàn bộ thuộc hạ có đến cả trăm người, xúm nhau lục lọi trong chùa Vân Môn ngót hai ngày trời mà không thu được gì. Thế là họ bắt Giám viện Minh Không và các sư trong Ban chức sự như: Duy Tâm, Ngộ Huệ, Chân Không, Duy Chương… giải đi. Họ còn quơ hết sổ sách, sổ bộ, thư từ qua lại cùng các pháp ngữ, văn tự, kinh điển… (chú giải cả trăm năm của Hòa thượng Hư Vân), dồn vào bao chở đi hết, sau khi đã gán cho Ngài một mớ tội lỗi lớn… vì họ nghĩ là Hòa thượng đang cất giấu nhiều của cải kếch xù, hẳn Ngài phải có nhiều tiền mới xây được chùa (đây chính là mục đích chính kiếm tìm của họ).

Mấy ngày sau đó, họ bắt thêm 26 vị Tăng nữa, dùng đủ cực hình tra tấn tàn độc, buộc chư Tăng phải khai chỗ Hòa thượng giấu vàng. Nhưng tất cả chư Tăng đều nói không biết nên họ tiếp tục tra khảo, đánh đập…

Sư Diệu Vân bị họ đánh chết.

(Lược ghi tiểu sử Sư Diệu Vân:

Sư họ Trương, tốt nghiệp Đại Học Hồ Nam, từng giữ chức Bộ Tài Chính. Ngoài ba mươi vẫn chưa cưới vợ, 38 tuổi theo Hòa thượng xuất gia. Hòa thượng trước đây thấy pháp mạch Vân Môn không người nối tiếp rất lấy làm tiếc, nên khi trùng hưng Vân Môn Ngài đã độ hơn 40 người để dành kế thừa pháp mạch Vân Môn. Lúc nhận Sư vào tu, Ngài đã kỳ vọng Sư sẽ chấn hưng đạo tràng Vân Môn, nên mới đặt cho pháp danh Diệu Vân, pháp hiệu Thiệu Môn (Mà không hề lấy chữ Khoan đứng đầu như các đệ tử khác). Diệu Vân xuất gia rồi rất siêng năng tinh tấn, không phụ lòng kỳ vọng của Tôn sư. Lúc Vân Môn xảy ra biến sự, Sư bị đánh đến chết, thật tiếc và buồn biết bao).

Sư Ngộ Vân bị đánh gãy chân, sư Thể Trí… bị đánh gãy tay. Ngoài ra còn có một số Tăng bị mất tích. Họ tra tấn, lục soát ngót mười ngày mà không tìm ra được gì, thế là họ trút hết thinh nộ vào Hòa thượng Hư Vân.

Thứ sáu, ngày 1/3/1951 ÂL, họ bắt Sư nhốt vào thất kín, truyền đóng hết các cửa cái và cửa sổ lại, bỏ đói Ngài, và cấm không cho ra ngoài đại tiểu tiện dù ngày hay đêm, chỉ cho để một ngọn đèn lù mù, giống như cảnh địa ngục.

Hai ngày sau (tức chủ nhật mồng 3/3/1951 ÂL), hơn 10 người lực lưỡng kéo vào thất, ép buộc Sư phải giao nộp vàng, bạc, súng ống cho chúng. Sư bảo là không có. Họ bèn thẳng tay đánh đập, ban đầu thì dùng gậy, sau dùng côn sắt, họ quất tới tấp vào đầu, cổ, khắp thân thể Sư. Vừa đánh vừa nạt nộ tra hỏi. Tiếng dùi cui và cây sắt bổ xuống nghe rầm rầm. Sư lỗ đầu, chảy máu, gãy xương sườn… nhưng Ngài cứ nhắm mắt, ngậm miệng làm thinh giống như nhập định. Hôm ấy, bọn chúng lôi Sư xuống đất tra khảo, đánh đập dã man tới bốn lần. Đến khi thấy tình trạng Sư quá nguy kịch, chỉ còn chờ chết, chúng mới kéo nhau đi. Đợi đêm xuống, vị Tăng thị giả lẻn vào thất, đỡ Sư lên giường.

Thứ ba, ngày mồng 5, nghe tin Sư vẫn chưa chết, chúng bèn xông vào thất, thấy Sư vẫn ngồi nhập định như cũ, chúng càng căm tức, tiếp tục dùng gậy gộc, côn sắt đánh đập và lôi Sư xuống đất. Cả chục tên mang giày đinh, leo lên người Sư mặc sức giày xéo, giẫm đạp… Tai, mắt, mũi, miệng Sư đều xuất huyết. Sư nằm dài trên đất, không nhúc nhích. Chắc mẫm là Sư đã chết, chúng bèn bỏ đi. Đêm xuống, vị Tăng thị giả lại đỡ Sư lên giường, Sư ngồi ngay ngắn như cũ.

Sáng chủ nhật, mồng 10/3 ÂL, Sư từ từ nằm xuống theo thế Cát tường (giống như tượng Phật nhập Niết-bàn). Trải qua một ngày một đêm, không thấy động tĩnh, thầy thị giả bèn lấy đèn cầy đưa trước mũi Sư, thấy ánh lửa không dao động, nghi là Sư đã viên tịch, nhưng thấy cơ thể Sư còn ấm, nhan sắc vẫn tươi tốt như thường nên hai vị thị giả đứng bên canh chừng.

Đến sáng sớm thứ hai, 11/3 năm Tân Mão (tức 16/4/1951 Dương lịch), nghe Sư cất tiếng rên nho nhỏ, thị giả vội đỡ Sư ngồi dậy rồi trình Ngài rõ thời gian đã qua. Sư nói:

– Ta có cảm tưởng như mới vài phút thôi.

Rồi Sư chậm rãi nói với thị giả Pháp Vân:

-Thần thức Thầy đi lên cung trời Đao Lợi nghe pháp. Thật là cảnh giới thiền định sâu xa, khổ vui đều xả! Thuở xưa, lúc ngài Hám Sơn (Tử Bá) thọ hình cũng thấy cảnh giới tương tự thế này, những ai chưa chứng ngộ không thể diễn tả hay nói thay được…

Im lặng một chút Sư nói tiếp:

– Con mau cầm bút ghi lại lời ta, chớ khinh suất nói cho người biết, e họ sẽ không tin và sẽ hủy báng.

Xong, Sư thong thả kể:

– Ta nằm mộng thấy mình đến Nội viện của cung trời Đâu Suất, nhìn rất trang nghiêm tráng lệ, thế gian tuyệt chẳng có nơi nào sánh được. Lúc này Bồ Tát Di Lặc đang ngồi trên tòa thuyết pháp. Thính chúng rất đông, trong số đó có hơn mười người ta từng quen biết như: Hòa thượng Chí Thiện chùa Hải Hội tỉnh Giang TâySư Dung Kính ở núi Thiên ThaiNgài Hằng Chí Công Kỳ Sơn, Hòa thượng Bảo Ngộ ở Cung Bách Tuế, Hòa thượng Thánh Tâm Bảo Hoa sơn, Luật Sư Độc Thể, Hòa thượng Quán Tâm chùa Kim Sơn và Tôn giả Tử Bá (Hám Sơn) ta cung kính chắp tay vái chào, các vị ấy chỉ ta ngồi vào tòa trống thứ ba, hàng đầu bên phía Đông, sát bên Tôn giả A Nan (lúc này đang làm Duy na). Bồ Tát Di Lặc đang giảng về ‘Duy Tâm Thức Định”. Ta chưa nghe hết thì Bồ-tát bỗng chỉ vào ta bảo: “Hãy trở về đi!” Ta thưa: “Đệ tử nghiệp chướng sâu nặng, chẳng muốn quay về”. Bồ-tát bảo: “Ông nghiệp duyên chưa hết, hãy về đi, ngày sau sẽ lên đây lại”. Rồi Ngài đọc bài kệ:

“Thức trí hà phân
Ba thủy nhất cá
Mạc muội bình bồn
Kim vô hậu bạc
Tánh lượng tam, tam
Ma thằng oa giác
Nghi thành cung ảnh
Bệnh duy khử hoặc
Phàm thân mộng trạch
Huyễn vô sở trước
Tri huyễn tức ly
Ly huyễn tức giác
Đại giác viên minh
Kính giám sum la
Không hoa phàm thánh
Thiện ác an lạc
Bi nguyện độ sinh
Mộng cảnh tư tác
Kiếp nghiệp đương đầu
Cảnh thích phổ giác
Khổ hải từ hàng
Vô sinh thoái khước
Liên khai nê thủy
Đoan tọa Phật đà.

Thức trí nào phân
Sóng nước đồng thể
Chớ lầm bình bồn
Vàng đâu dày mỏng
Tánh lượng ba ba
Sừng ốc dây thừng
Ngờ là bóng cung
Bệnh, cần trừ mê
Nhà mộng, thân phàm
Huyễn – không chỗ chấp
Biết huyễn tức ly
Ly huyễn tức giác
Đại giác sáng tròn
Soi khắp sum la
Không hoa, thánh phàm
Thiện ác an lạc
Bi nguyện độ sinh
Cảnh mộng này tạo
Kiếp nghiệp đương đầu
Cảnh giác, giác khắp
Thuyền từ biền khổ
Chớ sinh thối bước
Bùn nhơ sen trổ
Phật đà đoan tọa.

Đoạn sau còn rất nhiều nhưng ta chẳng nhớ hết. Ngài còn khai thị riêng nhưng ta không thể nói ra.

Vài ngày sau, những người từng hành hung Sư đến, cũng cảm thấy là Ngài quá lạ lùng, trong lòng ho bắt đầu dao độnglo lắng nên cứ xì xầm với nhau.

Một tên có vẻ là thủ lĩnh, chất vấn các vị Tăng:

– Này, lão già đó vì sao đánh mãi mà vẫn không chết vậy?

Chư Tăng đáp:

Hòa thượngchúng sinh chịu khổ, do không muốn các ông bị nạn nên Ngài cam bị đánh đập mà không chết. Sau này, các ông sẽ hiểu…

Nghe nói vậy họ rất sợ, từ đó không còn dám ra tay tàn độc với Hòa thượng nữa. Nhưng chuyện đã bị lộ và đồn lan khắp nơi. Mưu ác chưa đạt, vàng bạc chưa lấy được, thêm bị tiếng xấu đồn vang, do vậy, họ càng khẩn trương bao vây chùa, gấp rút lùng sục tra xét. Đối với Tăng sĩ, họ cấm không cho trò chuyện, ra vào. Việc ăn uống cũng bị hạn chế, giám sát. Tình trạng này kéo dài hơn một tháng. Lúc này, những vết thương trên mình Sư đều làm độc, bệnh tình Ngài mỗi ngày một nặng, mắt không còn thấy, tai chẳng nghe rõ. Các đệ tử lo xảy ra chuyện bất trắc nên nài nỉ xin Sư thuật sơ chuyện bình sinh của Ngài, thế là bản thảo Niên Phổ Tự Thuật của Sư được ghi ra kể từ giây phút đó.

Khoảng tháng tư âm lịch, biến cố tại Vân Môn dần dần được đồn tới Thiều Châu. Trước tiên, Tăng chúng ở chùa Đại Giám, Khúc Giang báo tin cho chư đệ tử của Sư tại Bắc Kinh và các bạn đồng môn nơi hải ngoại, thế là họ liên lạc nhau, khẩn trương tìm cách cứu viện. Chính quyền Bắc Kinh đánh điện xuống yêu cầu chính phủ địa phương phải thẩm tra nghiêm xét việc này. Nhờ vậy bọn người dữ bao vây chùa mới chịu nới lõng vòng vây, nhưng lương thực, y vật… đều bị chúng cướp mang đi hết. Sư từ khi bị trọng thương về sau, chẳng thể ăn cơm cháo, mỗi ngày chỉ uống nước trong. Biết chùa đã hết lương thực, Sư bảo với chúng Tăng rằng:

– Lão đây nghiệp nặng, làm lụy đến các vị. Việc đã đến nước này, các vị hãy chia ra đi ở các nơi khác để bảo toàn tánh mạng.

Nhưng Tăng chúng chẳng ai chịu bỏ Sư ra đi. Họ hợp nhau ra sau núi đốn củi, tùy sức mình mà lao động và gánh hàng ra chợ bán, lấy tiền mua gạo đem về nấu cháo cho cả chùa cùng ăn, sớm hôm vẫn giữ đúng thời khóa tụng niệm tọa thiền.

Khoảng thượng tuần tháng 5, chính phủ Bắc Kinh phái một số chuyên viên đến Quảng Đông, hợp cùng nhân viên chính phủ tỉnh Quảng Đông. Ngày 22 tháng 5 phái đoàn đến huyện Nhũ Nguyên. Ngày 23 (tức 28/6/1951 dương lịch), họ tới chùa Vân Môn để điều tra sự thật, mang theo nhân viên kỹ thuật, máy ghi âm, máy chụp hình… Trước hết họ an ủi, hỏi thăm pháp thể Sư có được khinh an không?

Lúc này, Sư đang nằm trên giường bệnh, tai điếc mắt mờ, không hề biết chính phủ Trung ương Bắc Kinh và Quảng Đông cử người đến điều tra, nhìn thấy cảnh sát địa phương, Sư càng không muốn nói.

Phái đoàn hỏi: – “Sư có bị ngược đãi không? Tài vật có bị mất mát gì không? Sư đều đáp: “Không”. Mãi đến sau này khi các quan giải thích rõ về thân phận địa vị mình, Sư mới lên tiếng: – “Mời các vị cứ điều tra sự thực rồi về kinh đô báo cáo”. Các quan an ủi nhiều lần, rồi truyền lệnh cho Ty hữu trách địa phương phải điều tra minh bạch. Việc trước nhất là họ phóng thích các vị Tăng đang bị giam.

Tính ra, chùa Vân Môn bị nạn gần ba tháng (từ ngày 24 tháng 2 đến ngày 23 tháng 5) mới được giải vây, thoát khổ.

Trong thời gian này, tình hình phức tạp lắc léo khó mà biết hết được.

Từ mùa thu đến sang đông, sau khi bị trọng thương, bệnh nặng; Sư phải nghĩ ngơi dưỡng bệnh. Tăng chúng khoảng trăm người cũng chỉ đốn củi, trồng trọt cùng làm các nghề thủ công sinh sống qua ngày. 110 thôn làng ở vùng phụ cận nghe tin Vân Môn đã được giải vây, đều kéo đến vấn an Hòa thượng. Các đệ tử của Sư ở kinh đô, trong và ngoài nước cũng lo tìm đủ cách để đưa Sư rời khỏi Vân Môn. Lúc này có nhiều thư và điện tín gởi đến Ty hữu trách địa phương, ân cần khuyến khích an ủi Sư. Biến sự xảy ra  Vân Môn đến đây xem như chấm dứt.

Chú thích của Sầm Học Lữ:

Tập Niên Phổ đầu tiên, mới ghi đến tháng 3 năm Tân Mão (1951), thì hoà thượng Hư Vân bệnh nặng nên đình lại. Năm Nhâm Thìn Biên tập, năm Quí Tỵ (1953) ấn hành, tính đến nay (1958) đã được năm năm. Sau biến cố xảy ra ở Vân Môn, đường đi nghẽn lối, thư từ bặt tin. Trong thời gian đó, có biết được tin gì cũng không rõ ràng, vì xuất phát từ các lời đồn đãi khác nhau, do vậy mà tôi không dám ghi lại. Nhiều năm đã trôi qua, sự thật đã rõ, các nhân sĩ trong và ngoài nước đều rất quan tâm đến hành trạng của Hòa thượng Hư Vân. Vì vậy nên tôi mới lược thuật bổ túc thêm, song cũng chỉ nói được những gì có thể nói mà thôi.

Phụ lục:

VÂN MÔN SƠN CHÍ TỰA

Sầm Học Lữ ghi

Năm nay, Hòa thượng Hư Vân 112 tuổi. Tháng 3, Ngài đem bản thảo Vân Môn Sơn Chí từ Nam về trao cho tôi, bảo hãy biên tậphiệu đính. Tôi xem bản thảo (đã được quý Thầy Thích Duy Tâm, Thích Diệu Vân, Trừng Viên phân loại, chia phần, lập chương, đề tựa)…, so với bản Sơn Chí của các vị trước thì có khác. Khi họp lại bàn luận với nhau, xét thấy không cần phải giống với các bản Sơn Chí kia. Chỉ cần hiệu đính thêm bớt chút, sáp lại theo thứ lớp là được.

Nhớ lại, từ khi tổ Văn Yển đến khai sơn Vân Môn, tới nay đã hơn nghìn năm. Thuở tổ Văn Yển còn sinh tiền, Ngài hoằng hóa rất rộng. Đệ tử đạt yếu chỉ, nối pháp có đến 76 vị, Những vị truyền tông sau này tính tu sĩ lẫn cư sĩ… có đến mấy trăm người. Đạo phong hưng thịnh, rộng truyền khắp nơi.

Từ đời Nguyên, Minh về sau, vận mệnh đạo pháp héo tàn như lá thu. Ngoại trừ Tông Lâm tế, Tào Động còn có người tiếp nối hương lửa, các tông Vân Môn, Quy Sơn, Pháp Nhãn thì bị tuyệt từ lâu…

Xét đạo tràng Vân Môn mà nói thì, lúc Tổ Văn Yển chưa đến nơi đây là một vùng núi hoang, rồi bỗng nhiên mà hiện các ngôi điện vũ thanh tịnh, vạn người vây quanh… Rồi thoắt cái, ngôi cổ tự lại tắt lịm ánh sáng, quỷ núi nhảy reo… Rồi thoáng chốc bỗng nhường cho kinh điển Lão, Nho ngang dọc… Có thể nói là biết bao đổi thay, biến hóa cùng cực. Nhưng, tổ Văn Yển vẫn điềm nhiên ngồi nơi đây, chờ Hòa thượng Hư Vân đến. Hòa thượng đã bỏ mười năm tâm huyết để trùng tu, kiến lập Nam Hoa, rồi thêm mười năm tâm lực nữa để trùng hưng Vân Môn.

Nay, các ngôi Điện vũ lầu các đều được xây cất hoành tráng tôn nghiêm, tất cả đã vào nền nếp, quy cũ. Việc tu bổ núi, chấn chỉnh đạo tràng, giữ gìn các Học Viện Giới, Luật… Người tìm đến, tụ tập vây quanh có tới cả ngàn. Thời đã đến thì được thế thôi… nào có lạ gì? Hẳn tổ Văn Yển ở chốn Thường Tịch Quang sẽ nói rằng: “Như thế, Như thế!”

Hòa thượng sợ để lâu ngày sẽ bị mai một, nên dặn dò tôi biên thuật quyển Sơn Chí cho người sau đọc, hiểu được nguồn gốc của danh sơn. Điều trọng yếu nhất là ở Chương hai, Thiên thứ năm trong Chí Thư này có ghi lại các pháp ngữ của Hòa thượng như: “Tham thiền pháp yếu, Tọa thiền nên biết, Dụng tâm khó và dễ”…

Các bài giảng tâm huyết này là kim chỉ nam quý giá cho người tu Thiền, là con mắt tuệ sáng soi cho trời, là lời vàng dộ thế. Thầm mong người xem sẽ khai mở trí tuệ. Tôi thẹn mình là hàng môn đồ chưa quên tri giải, đành nương vào sự hiểu biết cạn cợt, cầm bút ghi ra, căn cứ vào những gì đã thấy nghe mà thuật lại, chỉ mong người sau giữ được niềm tin, hầu không thẹn với sự dẫn dắt của Sư phụ.

Tiết Đoan Dương, Tân Mão, Sầm Học Lữ ghi.

Phần chú thích về tuổi tác của sư:

Sư bình sinh khổ tu, ai cũng thấy, song mật hạnh Ngài khó mà đoán biết được, về tuổi tác của mình, Sư chẳng nói với ai, sợ họ chẳng tin mà hủy báng. Năm Tân Mão (1951), khi tôi biên bài tựa trong Vân Môn Sơn Chí, đoán là Sư đã được 106 tuổi. Nhưng khi in xong, Sư tự tay thẩm định, chỉnh lại trong Niên phổ, bảo rằng tính đến năm này Ngài đã 112 tuổi. Vậy tôi xin phụ chú vào đây để khỏi lầm về các năm tuổi trong bài tựa Sơn Chí.

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
25/07/2011(Xem: 109892)
10/10/2010(Xem: 106079)
10/10/2010(Xem: 108492)
10/08/2010(Xem: 111397)
08/08/2010(Xem: 116979)
21/03/2015(Xem: 21766)
27/10/2012(Xem: 64996)
09/09/2017(Xem: 10791)
02/09/2019(Xem: 7673)
09/04/2016(Xem: 13750)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.