Thư Viện Hoa Sen

Bàn Về Pháp Bảo Đàn Kinh | Trần Tuấn Mẫn

14/07/20254:59 SA(Xem: 132)
Bàn Về Pháp Bảo Đàn Kinh | Trần Tuấn Mẫn

BÀN VỀ PHÁP BẢO ĐÀN KINH

Trần Tuấn Mẫn

 

phap bao dan kinhHầu như ai cũng công nhận rằng kinh sách cổ xưa đã trải qua nhiều đời và phải chịu sự sửa đổi, thêm bớt, hoặc hoàn toàn do ngụy tạo. Trong kinh Pháp Bảo Đàn có nhiều chỗ không phải do Lục tổ Huệ Năng thuyết giảng. Có khá nhiều bản kinh Pháp Bảo Đàn khác nhau và bản khá thông dụng hiện nay (Hòa thượng Thích Thanh Từ Việt dịch từ bản này) được ghi là do Thiền sư Pháp Hải, đệ tử của Lục tổ, trụ trì chùa Pháp Lâm ghi lại. Kinh có nhiều chi tiết đáng nghi là không thực. Ví dụ: Tổ bảo không biết chữ nhưng Tổ lại trích dẫn các bộ kinh lớn như Đại Bát Nhã, Duy-Ma-Cật, Pháp Hoa, Kim Cương, Bồ-Tát Giới… Tổ còn dặn các đệ tử phải ghi chép lại đầy đủ lời Tổ dạy thật kỹ để tạo thành kinh gọi là Pháp Bảo Đàn, lưu truyền cho hậu thế để cứu đời. Trong Phật giáo, được gọi là kinh phải là tập hợp những lời giảng của chính Đức Phật thuyết, Lục tổ không bao giờ có sự tự tôn như vậy. Lại nữa, có khá nhiều những chi tiết vô lý trong bản kinh: sự việc Ngũ tổ Hoằng Nhẫn bí mật trao y bát cho Lục tổ, gõ vào cối ba tiếng, ý bảo Lục Tổ hãy mau chạy về phương Nam, rồi sau đó lại bảo với chúng đệ tử rằng y bát đã về phương Nam, khiến cả trăm đồ chúng (?!) đuổi theo giành y bát. Sự việc Ngũ Tổ tuyên bố ai làm thơ hay sẽ được truyền y bát: Ôi! Có vị Thiền sư nào lại cho mở cuộc thi như thế? Vân vân… và còn rất nhiều chi tiết vô lý nữa. Thật khó mà tin những ghi chép hoặc truyền miệng về hành trạng, ứng xử của Ngũ tổ. Lục tổ, Thần Tú, các ngữ lục liên hệ, sự tranh chấp của các tông đồ Nam phái Huệ Năng và Bắc phái Thần Tú có vẻ như những đồn đãi ngày càng làm vẩn đục Thiền môn!

Để xác minh sự thiếu trung thực của Kinh Pháp Bảo Đàn do Pháp Hải ghi chép và được thông dụng lâu nay, tôi xin trích dẫn một số nghiên cứu của các học giả cận đại. Hiện nay   có cả chục bản Kinh Pháp Bảo Đàn có nội dung không hoàn toàn giống nhau và độ dài khác nhau, nhưng có bốn bản được xem là quan trọng nhất: 1/ Bản được tìm thấy ở động Đôn Hoàng vào năm 1900, được xem là bản xưa nhất, khoảng 150 năm sau khi Lục tổ viên tịch, có tên là Nam Tông Đốn Giáo Tối Thượng Đại Thừa Ma-Ha Bát-Nhã Ba- La-Mật Kinh Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Đại Phạm Tự Thí Pháp Đàn Kinh, gồm 57 chi tiết, 24.000 chữ, rất khó xem vì chữ nghĩa chất phác, trình bày thiếu mạch lạc; 2/ Bản do Huệ Hân soạn vào đời Tống, năm 967, có tên là Lục Tổ Đàn Kinh, gồm 2 quyển, 11 môn, 1.400 chữ; 3/ Bản do Khế Tung soạn vào đời Tống, thế kỷ XI, có tên là Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh Tào Khê Nguyên Bản, gồm 1 quyển, 10 phẩm, 20.000 chữ; và 4/ Bản do Tông Bảo soạn vào đời Nguyên, năm 1291, là bản được soạn lại, có so sánh, đối chiếu với 3 bản kia. Hiện nay bản này được lưu truyền nhiều nhất.

Những nghiên cứu mang tính khoa học của các học giả thời nay càng gây nghi ngờ về tính trung thực của Pháp Bảo Đàn Kinh. Giáo sư Ui Hakuji (Đại học Hoàng gia Tokyo và nhiều học giả khác trong số đó có Đại sư D.T.Suzuki, cho rằng bản Đôn Hoàng (được tìm thấy cùng nhiều văn bản của vị đệ tử xuất sắc của Lục TổThần Hội) vốn do ngài Pháp Hải ghi chép nhưng đã được Thần Hội thêm bớt, sửa đổi, nhằm phê phán Bắc phái của ngài Thần Tú. Theo Ui Hakuji, Thần Hội đã thêm vào khoảng 40% toàn bộ cuốn kinh, gồm phần phê phán tiệm ngộ, phần định nghĩa tam học… và đặc biệt là bài thơ kệ “Bồ-đề…” Học giả Hồ Thích còn mạnh dạn hơn, sau những nghiên cứu của mình đã tuyên bố rằng hầu như Thần Hội là người sáng lập Nam phái, chống lại Bắc phái, đã tự tạo Kinh Pháp Bảo Đàn và Pháp Hải không hề ghi chép kinh này…

Sự thực là như vậy. Nhưng chắc chắn Kinh Pháp Bảo Đàn đã gồm nhiều thuyết giảng rất đáng học tập của Lục Tổ Huệ Năng.

Bồ-đề bổn vô thọ:

Hai bài kệ dưới đây trích trong Lục Tổ Đàn Kinh rất nổi tiếng trong giới Thiền học, được phổ biến, giảng luận không biết bao nhiêu là giấy mực ở khắp nơi từ hơn một thế kỷ qua. Nhưng do có nhiều học giả nêu nghi án về người ghi chép kinh và nội dung kinh, hai bài kệ ấy cũng đáng nghi ngờ:

Bài của Thượng tọa Thần Tú:

Thân thị bồ-đề thọ

Tâm như minh kính đài

Thời thời cần phất thức

Vật sử nhạ trần ai.

身 是 菩 提 樹

心 如 明 鏡 臺

時 時 勤 拂 拭

勿 使 惹 塵 埃

(Thân là cây bồ-đề - Tâm như đài gương sáng

- Phải luôn lau chùi sạch - Chớ để bụi trần bám).

Bài của Lục tổ Huệ Năng:

Bồ-đề bổn vô thọ

Minh kính diệc phi đài

Bổn lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai?

菩 提 本 無 樹

明 鏡 亦 非 臺

本 來 無 一 物

何 處 惹 塵 埃

(Bồ-đề vốn chẳng cây - Gương sáng cũng không đài

- Xưa nay không một vật - Bụi trần bám vào đâu?).

          Duyên khởi hai bài kệ này là do Ngũ tổ Hoàng Nhẫn bảo đồ chúng mỗi người hãy làm một bài kệ trình cho ngài, nếu bài nào tốt nhất, chứng tỏ được sự kiến tánh thì Tổ sẽ truyền y bát, công nhận là Tổ thứ sáu kế tiếp ngài.Trong lịch sử Phật giáo, nhất là trong lịch sử Thiền, chưa từng có vị Tổ, vị thầy nào lại bảo các đồ đệ thi đua làm kệ để được cho làm Trụ trì hay làm Tổ kế vị cả! Lý do khiến Thượng tọa Thần Tú viết bài kệ của mình lên vách chùa cũng là lạ! Thượng tọa làm xong bài kệ thì đắn đo suy nghĩ, rằng trình kệ mà mong làm Tổ kế tiếp thì không tốt, nhưng không trình thì không được Ngũ tổ nhận ra tâm tánh mình mà dạy dỗ thêm. Làm kệ xong đã bốn ngày, mười ba bận định vào trình Tổ, mỗi bận sợ đến toát mồ hôi mà không dám trình (Làm sao Lục tổ biết được ý nghĩ của Thượng tọa Thần Tútình trạng lo ngại của ngài trong lúc ấy và cả sau khi viết kệ lên vách?). Cuối cùng, bài kệ được viết lên vách chùa thì cũng là trình Ngũ Tổ bài kệ mà thôi!

Lục tổ Huệ Năng cũng không có lý do gì chính đáng để nhờ viết bài kệ đối đáp của mình lên vách, cạnh bài kệ của Thượng tọa Thần Tú. Bài kệ này nếu mang ý nghĩa bày tỏ sự kiến tánh thì cũng mang ý nghĩa phê phán tác giả bài kệ thứ nhất là Thượng tọa Thần Túđồng thời đáp ứng việc thi đua làm kệ, tức là mong được làm Tổ kế vị. Sự việc này há có thể gán cho Lục tổ được sao?

Bây giờ chúng ta hãy thử xét qua nội dung của hai bài kệ:

Bài Thượng tọa Thần Tú: Một khi đã quyết định tu tập, quyết định xuất gia, đem tâm mình, thân phận mình, để dấn thân vào con đường tìm về giải thoát tối hậu thì thân này, thân mạng này cũng vững chãi, kiên cố như cây bồ-đề, cái tâm này phải giữ cho trong sạch, sáng láng như tấm gương sáng. Do đó, phải luôn luôn giữ cho thân này, cho tâm này đừng bị phiền não, dục vọng, nói chung là các lậu hoặc xâm chiếm, ví như luôn lau chùi tấm gương, giữ cho gương sáng, không để cho bụi bặm bám vào. Đây là tâm niệm, là sự nhắc nhở cho người tu, nhờ đó mà tinh tấn, có trí tuệ sáng suốt, thấy được tâm tánh mình.

Bài của Lục Tổ Huệ Năng: Cây bồ-đề vốn không có, đài gương sáng cũng không có, xưa nay không có vật gì cả thì bụi trần không bám vào đâu được. Đã bảo xưa nay không có gì cả thì sao lại nhắc đến bụi trần? Không có gì cả nhưng lại có bụi trần ư? “Vô nhất vật” hay “Không” của bài kệ không có gì mới lạ! Giáo lý Không của Đức Phật đã được thuyết giảng từ 11 thế kỷ trước và được kinh điển Đại thừa triển khai từ hơn 5 thế kỷ trước thời Lục Tổ đến độ hầu như ai biết đến Phật giáo cũng đều biết qua ý nghĩa Không. Đặc biệt, người tu Phật, tu Thiền hẳn ai cũng biết kinh Kim Cương dạy rằng các pháp hữu vi đều như mộng, như sương, như ánh chớp… và rằng hễ những gì có hình tướng thì đều là hư vọng… Bốn câu kệ nói về Không ấy bị gán cho Lục Tổ thực chẳng chứng tỏ gì cho cái tâm chứng ngộ!

Từ các suy luận trên, ta có thể tin rằng bài kệ của Thượng tọa Thần Tú, bấy giờ là vị Giáo thọ được tôn kính, nhằm khuyến dạy đồ chúng hoặc ít ra là để tự khuyến dụ mình. chúng ta có thể khẳng định rằng: Không hề có việc thi đua làm kệ và không hề có bài kệ nào được viết lên vách chùa cả. Từ đó, dĩ nhiên không hề có bài kệ đối đáp, Lục tổ không hề có bài kệ như thế, chỉ do người sau vì vụng về muốn tâng bốc Lục tổ và hạ uy tín của Thượng tọa Thần Tú mà thôi!

          Khi ghi chép Pháp Bảo Đàn kinh, Thiền sư Pháp Hải, đệ tử của Lục tổ (hoặc có ai đó về sau thêm bớt một số chi tiết), tưởng rằng như thế sẽ làm tăng phẩm chất cao đẹp, trí tuệ tuyệt vời của Lục tổ, nhưng thật ra, nội dung cuốn kinh có vẻ như một cuốn tiểu thuyết viết vụng về hay một bản tường thuật sai lạc. Nhiều chi tiết trong kinh này khiến người ta khó tin là thật, như: sự việc Lục tổ không biết chữ mà lại trích dẫn nhiều kinh Phật đúng vanh vách, lại giảng nghĩa cả những từ Phạn ngữ; sự việc Tổ đang hàng ngày bán củi nuôi mẹ bỗng có người cho mười lạng bạc, về trao cho mẹ (có lẽ chỉ dùng được trong một năm) rồi ra đi biền biệt, không cần biết mẹ đau ốm, sống chết thế nào; sự việc Ngũ tổ gõ ba tiếng vào cối để ngầm hẹn gặp Lục tổ vào canh ba (nhà chùa mà có tai vách mạch rừng đến thế ư? Sao không ghé tai mà dặn?); sự việc Ngũ tổ giấu việc trao y pháp cho Lục tổ, bảo phải bí mật rời chùa ngay, thế mà sau đó lại bảo với chúng rằng y bát đã về phương Nam, khiến hàng trăm (?) đồ chúng rượt theo Lục tổ để giành y và Thượng tọa Huệ Minh đã bắt kịp trước tiên; sự việc Lục tổ chê bai pháp môn của Thượng tọa Thần Tú; sự việc Lục tổ bảo chép hành trạngpháp ngữ của ngài thành kinh, lấy tên là Pháp Bảo Đàn Kinh (Trong Phật giáo, chỉ có lời Phật thuyết giảng được ghi lại thì mới được gọi là kinh), bảo là để cứu đời (Lục tổ đâu có kiêu mạn như vậy?)…; và nhiều chi tiết có vẻ thần bí, khó có thể tin là thật.

Phần lớn pháp ngữ (ngoại trừ một số bị chép thiếu sót hoặc do người sau thêm thắt vào) của Lục tổ được ghi chép lại trong Pháp Bảo Đàn Kinhvô cùng quý giá, xứng đáng là Thiền ngữ của vị Tổ đã mở ra một chân trời mới, một không khí mới của Thiền, phổ biến khắp đất nước Trung Hoa và lan truyền khắp Thiền giới của rất nhiều quốc gia. Sự chứng ngộđịa vị cao vời, xán lạn của Lục tổ trong Thiền giới thì không ai dám nghi ngờ. Sự phát triển Tổ sư Thiền khởi từ ngài với Thiền công án, thoại đầu… và nền văn học Thiền rất phong phú, qua hai vị Đại đệ tử của ngài là Thanh Nguyên Hành TưNam Nhạc Hoài Nhượng, từ đó các dòng Thiền với ngài Thạch Đầu, khởi xuất dòng Vân Môn, Tào Động, Pháp Nhãn và với ngài Mã Tổ, ngài Bách Trượng, khởi xuất dòng Quy Ngưỡng, Lâm Tế. Đặc biệt, dòng Lâm TếTào Động phát triển mạnh ở nước ta cho đến ngày nay.

Tôi nghĩ rằng trong khi thiền Nguyên thủy cụ thể, rõ ràng, lợi ích như thế thì thiền Tổ sư của Trung Quốc vốn đã lan rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới, đầy cả rối rắm, bịa đặt qua cái không khí tự do, thong dong, hấp dẫn hàng triệu con tim đang mệt mỏi vì thế sự! Xưa nayViệt Nam chúng ta có không biết bao nhiêu sách vở, bài giảng ca ngợi Pháp Bảo Đàn Kinh, rồi ca ngợi bài họa của Lục tổ, đến nỗi hễ ai nói về Thiền là phải nói về kinh này và bài kệ này! Hiển nhiên, Pháp Bảo Đàn Kinh đã được sao chép sai lạc, được thêm bớt rất nhiều chỗ không đúng ý của Lục tổ Huệ Năng. Vậy thì những trích dẫn kinh này và những lời ca ngợi Lục tổ chẳng dính dáng vào đâu cả. Thật hoài công!

 

                              ----xxxOOOxxx----

Tạo bài viết
26/05/2015(Xem: 14906)
08/01/2017(Xem: 11547)
free website cloud based tv menu online azimenu
Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng sống lưu vong, tuyên bố ông sẽ có người kế nhiệm sau khi ông qua đời, dập tắt mọi đồn đoán về việc liệu thể chế 600 năm tuổi này có kết thúc khi ông viên tịch hay không.
Tòa án Tối cao phán quyết rằng một nữ tu Phật giáo đã thọ giới đầy đủ phải được chính thức công nhận là một tỳ kheo ni—lần đầu tiên tòa án tối cao của Sri Lanka phán quyết rằng nhà nước có nghĩa vụ theo hiến pháp phải đối xử với một tỳ kheo ni ngang bằng như với một tỳ kheo.
Thầy Chân Pháp Từ, người xuất thân từ Làng Mai của thiền sư Nhất Hạnh, đang trụ trì đạo tràng Tâm Kim Cương, Hawaii, trao đổi với Nguyễn Hòa, tại chùa Phổ Giác, Novato, California. Ngày 25/5/2025.