TÂM Ở ĐÂU?
Tỳ Kheo Thích Phước Thái Hỏi: Kính bạch thầy, trong lúc chúng con bàn bạc nói về tâm, thì một bà bạn hỏi con, chị nói tâm mà chị có biết tâm ở đâu không? Con đành ngậm miệng nín thinh không biết phải trả lời ra sao. Vậy kính xin thầy giải đáp cho chúng con được rõ.Đáp: Phật tử nín thinh không trả lời cũng phải. Bởi vì ngay câu hỏi của bà bạn đó đã sai rồi. Nếu Phật tử có trả lời thì Phật tử cũng sai luôn. Thí như có người hỏi Phật tử: không khí ở đâu? Hỏi thế, thì Phật tử làm sao trả lời. Biết không khí ở đâu mà trả lời. Tâm của chúng ta cũng giống như không khí. Nói giống là vì không khí, không có hình tướng chỗ nơi. Nó bàng bạc trùm khắp tất cả. Tâm ta cũng thế. Nhưng tâm có khác hơn không khí là ở chỗ không khí thì vô tri, nhưng tâm lại là hữu tri, nghĩa là có cái “Biết” rõ ràng. Chính vì cái biết không hình tướng, nên nó không có chỗ nơi cố định. Nhưng, người hỏi thì muốn biết chỗ trú ngụ của nó, cũng như muốn biết chỗ trú ngụ của không khí. Mà tâm hay không khí làm gì có nơi chốn để trú ngụ. Tuy nhiên, đứng về mặt học thuật trao đổi tìm hiểu, thì chúng tôi cũng xin tạm giải thích đôi điều. Kỳ thật, thì câu hỏi đó đã sai rồi. Nếu đặt câu hỏi: thế nào là tâm vọng? và thế nào là tâm chơn? Hỏi như thế, thì chúng ta còn có thể dễ trao đổi bàn bạc với nhau hơn. Trong Kinh Lăng Nghiêm, Tôn giả A nan đã hỏi Phật bảy lần về chỗ trú ngụ nơi chốn của tâm, tất cả đều bị Phật bác hết. Vì Ngài A nan cũng muốn biết cái tâm nó ở chỗ nào. Nên bảy lần Ngài nêu ra bảy nơi: “Tâm ở trong thân, ở ngoài thân, tâm ẩn trong con mắt, trở lại cho tâm ở trong thân, tâm tùy chỗ hòa hợp, tâm ở chính giữa, cuối cùng, Ngài cho chỗ không dính mắc đó là tâm. Cứ mỗi lần Ngài nêu ra mỗi nơi, tất cả đều bị Phật bác hết”. Sau đó, Ngài hốt hoảng kinh sợ không lẽ mình không có tâm. Mà nếu không có tâm thì làm sao biết tu hành thành Phật? Đó là chỗ hoang mang thật khó hiểu. ( Nên nhớ, Ngài A nan chỉ là đại diện cho chúng sanh để thưa hỏi thôi, chớ không phải Ngài dốt nát như chúng ta ). Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh, chuyên thuyết minh giải bày cặn kẽ về chân tâm và vọng tâm. Muốn biết chân tâm, thì chỉ cần hết vọng thì chân hiện. Thí như vẹt hết mây mù thì ánh trăng sáng hiện ra. Như vậy, tu hành ta không cần phải tìm cầu chân tâm, vì có ý niệm tìm cầu là đã sai rồi. Ngài Tú Tài Trương Chuyết nói: “Đoạn trừ phiền não trùng tăng bệnh, thú hướng chân như tổng thị tà” . Nghĩa là, có ý niệm đoạn trừ phiền não, thì đó là càng thêm bệnh. Vì phiền não tự tánh vốn không. Đã không, thì đoạn trừ cái gì? Chính cái ý niệm khởi lên muốn đoạn trừ, đó là bệnh rồi. Còn có khởi ý niệm tìm cầu chân như thì đó cũng là tà ngoại. Vì sao? Vì tánh giác không phải là đối tượng để mong cầu. Vừa khởi ý niệm là đã trái với tánh giác rồi. Như vậy, chơn tâm là một thực thể thanh tịnh sáng suốt hằng hữu. Vì nó vốn không có hình tướng, giống như hư không, nên bất sanh bất diệt… Một thực thể trùm khắp pháp giới như vậy, thì làm gì có chỗ nơi mà tìm cầu. Tuy nhiên, tâm vọng khi dấy khởi thì nó có bóng dáng hình tướng. Đó là do vì, nó duyên với sáu trần mà có ra hình bóng, rồi chúng ta lại lầm chấp những cái bóng dáng đó cho là tâm thật của chính mình. Còn cái thể chơn tâm vắng lặng rỗng suốt hằng hữu thì chúng ta lại quên mất. Do đó, nên Phật thường quở trách chúng ta là những kẽ si mê tăm tối. Chúng ta vọng nhận cái tâm giả dối dấy lên từng chập, từng hồi, thì lại cho đó là tâm mình. Vì vọng chấp như thế, nên chúng ta mới theo nó mà tạo nghiệp luân hồi thọ khổ. Nói rõ hơn, cùng là cái thấy biết, nhưng nó có hai phương diện, giống như đồng tiền cắc có hai mặt ( tạm dụ như thế): cái biết do theo cảnh phân biệt thương ghét, phải trái, tốt xấu, hay dở v.v… thì đó là cái biết vọng. Còn cái biết mà không theo vọng duyên phân biệt, nhưng vẫn thường hằng chiếu liễu, thì gọi đó là cái biết chơn, tức vô phân biệt. Kinh Lăng Nghiêm có đoạn Phật dạy Tôn giả A nan: “Nhược ly tiền trần hữu phân biệt tánh, tức chơn nhữ tâm”. Nghĩa là, nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái “suy nghĩ phân biệt” nầy vẫn còn, thì mới thật là chơn tâm của ông. Trong kinh thường gọi là chơn tâm hay chơn như. Tuy biết mà không có bóng dáng hình tướng, tự thể làu làu trong sáng vắng lặng vậy. Cái biết nầy khác hơn cái biết vọng là ở chỗ phân biệt và vô phân biệt. Tuy nhiên, ta nên lưu ý, nó không phải là hai thực thể riêng biệt. Nói một là sai mà nói hai thì không đúng. Như sóng và nước không thể tách rời ra. Nhưng khi sóng nổi lên, thì ta không thể nói sóng là nước. Nhưng khi sóng lặng thì toàn thể tánh nước hiện bày. Cũng thế, khi cái biết dấy khởi lên phân biệt cảnh duyên, thì nó là hiện tượng giả dối, tạm gọi nó là vọng tâm. Cái biết nầy giống như hiện tượng của sóng. Khi cái biết nầy lặng xuống, thì cái biết “không phân biệt” nói gọn là “Tánh không”, toàn thể hiện bày. Như sóng tan thì nước hiện, mây tan thì trăng hiện. Vì thế, trong kinh thường nói: “phiền não tức Bồ đề, hay sanh tử tức Niết bàn” chính là ý nầy. Một thực thể không hình, không tướng, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch v.v… nghĩa là vượt ra ngoài đối đãi nhị nguyên như thế, thì làm gì có nơi chốn mà hỏi tâm ở đâu. |