108 câu vấn đáp Phật Pháp

07/08/20162:28 CH(Xem: 27241)
108 câu vấn đáp Phật Pháp

108 CÂU VẤN ĐÁP PHẬT PHÁP
ĐĐ. Thích Trúc Thái Minh
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2016

108 câu hỏi Phật PhápKính thưa quý độc giả!

Hiện nay tại chùa Ba Vàng phường Quang Trung thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh có trên 50 đạo tràng trong và ngoài tỉnh đang tu học dưới sự hướng dẫn của Thầy trụ trì Đại Đức Thích Trúc Thái Minh - Phó Ban Hoằng Pháp Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh Quảng Ninh. Mỗi tháng tại chùa tổ chức 2 thời khoá sám hốigiảng pháp vào các tối ngày 14, 29 hoặc 30 và một ngày tu bát quan trai giới định kỳ vào ngày mùng 8 Âm lịch với sự tham gia của hàng ngàn Phật tử. Trong các buổi giảng pháp trong cũng như ngoài bổn tự Thầy thường dành ra một khoảng thời gian để trả lời những thắc mắc cho quý Phật tử nhằm giúp quý Phật từ tìm được hướng giải quyết cho các vấn đề thực tế trong cuộc sống cũng như trong tu tập để an ổn gia đìnhtiến tu giải thoát.

Đó là những câu hỏi xoay quanh các vấn đề xấy cất nhà cửa, làm mồ mả, cúng bái, cầu an, cầu siêu thế nào cho đúng và được lợi ích. Về chuyện ân oán trong gia đình của chồng đối với vợ, con cái với cha mẹ cho đến việc giải oán kết oan gia trái chủ, giải trừ bệnh người âm báo oán, giải điện tứ phủ …. Và quan trọng hơn hết là các câu hỏi về tu tập như thờ Phật thế nào, làm sao để tròn bổn phận một Phật tử tại gia, khó khăn trong việc thọ trì Tam Quy giữ gìn cấm giới, tụng Kinh gì, thờ Phật nào, trì chú gì, niệm Phật như thế nào, tu như thế nào để được an tâm…

Ban biên tập nhận thấy những câu hỏi và câu trả lời ấy vô cùng thiết thực và hữu ích cho không chỉ Phật tử mà còn cho hết thảy mọi người vì thế mà quyết định kết tập chúng vào quyển sách nhỏ này. Hy vọng nó có thể giúp ích được cho những ai đang có nhu cầu tìm hiểu về những vấn trên được thoả mãn cũng như giúp cho quý Phật tử được mở mang trí tuệ ứng dụng Phật pháp vào cuộc sống làm lợi ích cho bản thân, gia đình, xã hội và khắp muôn loài chúng sinh.

Bạn là người đang có như cầu tìm hiểu Phật pháp và những vấn đề tâm linh đang xảy ra trong cuộc sống xung quanh mà chưa biết hỏi ai thì quyển sách này chính là món quà tuyệt vời dành cho bạn!

Với tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh báo đền ân Phật và Thầy Tổ, Ban biên tập đã rất cố gắng để hoàn thành quyển sách này nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót. Nguyện cầu chư Tôn Thiền Đức từ bi hoan hỷ chỉ dạy, kính mong quý độc giả đóng góp ý kiến để ấn bản “Phật Pháp Vấn Đáp” này được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản tiếp theo.

Xin thành tâm tri ân và nguyện hồi hướng công đức này đến khắp mười phương pháp giới chúng sinh, nguyện cho tất cả thường được an lạc và sớm ngày lên ngôi Vô thượng giác.

Nam Mô Công Đức Lâm Bồ Tát Ma Ha Tát !

Thầy Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng

 

108 CÂU HỎI PHẬT PHÁP

 

Câu 1: Con bạch thầy cho con hỏi: "Con đã quy y Tam bảo nhưng con đã có bát hương bản mệnh ở nhà vậy có ảnh hưởng gì không ạ?"

 

thich truc thai minhTrả lờiThầy cũng không hiểu ai đã bầy ra cái bát hương bản mệnh, bản mệnh là cái mệnh căn bản của mình, cái mạng sống của mình. Nhưng chúng ta học Phật cũng đã biết cái mạng sống, thọ mạng của mình chính mình tự quyết định nó. Trong Phật giáo có câu truyện: “ Có một thầy đắc quả Alahán quán thấy một chú tiểu bảy ngày nữa là mệnh chung, thầy cho về nhà thăm cha mẹ để mệnh chung tại đó, nhưng trên đường về khi đi qua suối thấy đàn kiến bị nước lũ cuốn trôi, chú quyết định lội xuống cứu đàn kiến, cứu xong chú mới về nhà”. Hết ngày thứ bảy chú trở về chùa, vị thầy thấy chú thay đổi tướng, tướng yểu mệnh đã biến mất thay vào đó là tướng thọ, thấy như vậy vị thầy hỏi: khi ở nhà con có làm được việc gì tốt không? Chú trả lời là hôm con về đi qua suối con có cứu được một đàn kiến,vị thầy nói chính là nhờ công đức cứu đàn kiến đó mà con được sống, không thì con chết rồi. Về sau chú tiểu đó sống được bảy, tám mươi tuổi.

  Ai mà có tướng yểu mệnh đó là tiền kiếp mình thường làm ác, tổn hại sinh linh nhiều, không có tâm nhân từ, hay sân hay si thì mệnh mình giảm, không được trường thọ. Còn ngược lại nếu mình chăm tu, làm phước sống nhân từ, bác ái, thương người cứu vật tự nhiên sẽ hiện ra tướng trường thọ, mạng mình sẽ được kéo dài.

  Vậy chính mình làm chủ bản mệnh của mình, chứ không phải thờ bát hương bản mệnh là có cái ông thần bản mệnh, hộ mệnh cho mình để kéo dai mạng sống cho mình đâu. Mình mà làm ác thì chư thiên thiện thần không ai ủng hộ, dù có thờ 10 bát hương đi chăng nữa mà vẫn tạo ác thì vẫn tổn mệnh như thường. Vì vậy không nên thờ bát hương bản mệnh, đó là việc không hợp đạo lý, nhất là Phật tử đã quy y Tam bảo rồi, nếu lỡ thì giải bỏ đi. Mà mình phải thờ cái bản mệnh tâm mình, kính thờ nơi tâm mình nhất tâm tu Phật.

 

Câu 2: Con bạch thầy! Con thấy nhiều địa phương có tín ngưỡng là khi bố mẹ mất rồi, thì phải chờ đợi bao giờ bốc mộ cho ông bà, bố mẹ lên rồi mới bốc mộ cho con cháu như vậy có đúng góc nhìn của đạo Phật không ạ?

 

Trả lờiThầy xin trả lời rằng: đây là một điều hoàn toàn sai lầm, không đúng đạo lý của Phật. Việc bốc mộ theo tinh thần của đạo Phật cũng không phải là đúng. Tất cả những cái đó là tâm lý của dân tộc mình, rất là thương cha mẹ. Chôn rồi còn phải đi tảo mộ, mấy năm sau còn phải đi bốc mộ sang nhà mới. Quý cha mẹ, quý đến cả xương cốt. Nhưng cái truyền thống đó là tốt, chúng ta nhớ đến ân cha mẹ. Như chúng ta thấy Phật còn lễ đống xương khô. Nhưng lễ như thế là phải nhớ đến cái ân nghĩa. Còn như đi bốc mộ cho cha mẹ, xong rồi về làm bừa làm bãi chẳng tin chẳng kính gì, mọi người bốc thì mình cũng bốc. Còn đối với bố mẹ thì bất hiếu, làm những việc ác, nghịch thì những việc làm đó đều vô nghĩa. Còn việc con mình mất trước ông bà, cha mẹ đến năm bốc thì mình cứ bốc, không hề có lỗi. Ngày xưa theo Nho giáo chồng chết vợ phải thờ chồng ba năm, không được trang điểm chau chuốt, không được đi đâu, tết không được sang nhà ai, muốn tái giá thì cũng phải ba năm, hay cha mẹ chết là phải lăn đường, xoã tóc chát tro chát trấu vào mặt, ra mộ là phải nhảy xuống hố. Nhưng cái đấy chỉ được một mặt về ý nghĩa thôi. Họ làm thế là muốn tận cái đạo hiếu, nhưng nó cản trở nhiều việc trong cuộc sống. Nên Phật tử mình không cần thiết.

 

Câu 3: Con bạch thầy! Con có mẹ già có khi tưởng chuẩn bị chết nhưng không chết được. Nhưng khi ngủ thường mơ thấy nhưng người chết trẻ con của cụ về lôi kéo rủ cụ đi cùng trêu ngẹo cụ. Mong thầy giải đáp cho con và làm cách nào để mẹ con được an ổn ạ?

 

Trả lờiTrong kinh Địa Tạng Phật nói: khi người già người chết không chết được sống không ra sống, thứ nhất đó là nghiệp nó đang giằng co, oan gia trái chủ đến đòi nợ. Thứ hai đó là người bình thường mạnh khoẻ thường, nằm mơ thân quyến của mình đã chết thấy họ khổ sở rách rưới đó là họ muốn nhờ mình cúng dường tụng kinh làm phúc hồi hướng cho họ. Còn người già cũng thế con cháu phải chăm sám hối, làm phúc hồi hướng cho người đó. Thỉnh chư Tăng đến khai thị cho các oan gia trái chủ, để họ xả bỏ những oán kết.

 

Câu 4: Con bạch thầy! Phật tử tại gia thọ giới Bồ tát tại gia rồi khi cúng cơm cho gia tiên, hoặc người thân cúng xong thì không được dùng cơm cúng đó có phải không ạ? Nếu chúng con cúng chay mà không được dùng thì cơm cúng đó phải bỏ đi ạ.

 

Trả lờiTrong giới Bồ tát không có giới nào cấm cúng xong là không được ăn, vậy chúng ta được phép ăn. Dù thọ Bồ tát giới hay Phật giới thì vẫn được ăn. Ngài Đại Ca Diếp còn xin ăn của bà bị hủi, ngón tay của bà còn rơi vào bát của ngài nhưng ngài vẫn ăn bình thường, không sao cả. Phật tử cứ ăn bình thường không có tội, cũng không phải ăn những thứ đó mà mình ngu si, kể cả đồ cúng của cô hồn cũng vẫn ăn được.

 

Câu 5: Con bạch thầy! Ở nhà con chỉ có bàn thờ gia tiên không có bàn thờ Phật. Vậy con có được tụng kinh niệm Phật không ạ?

 

Trả lờiCho dù không có ban thờ gia tiên đi chăng nữa vẫn tụng kinh niệm Phật được bình thường. Cái bàn thờ chỉ là cái để mình tưởng nhớ kết nối đến thế giới tâm linh, thế giới tâm linh gồm có gia tiên, thiện thần, chư Phật Bồ tát... có cái đó chúng ta cảm giác là dễ kết nối, có chỗ mình quy hướng, còn không có thì chư Phật vẫn hiện diện mười phương. Thắp nén hương ở ban gia tiên Phật vẫn chứng cho mình. Ngày xưa chư Tổ vào trong núi tu làm gì có ban thờ, không có hương để đốt, nhưng mà cái Ngài tu vẫn đắc đạo. Không có bàn thờ vẫn tụng kinh được, tụng kinh để hiểu lời Phật dạy để mình tu. Nhưng các Phật tử nên có ban thờ để tâm mình được an ổntrang nghiêm.

 

Câu 6: Con bạch thầy! Con ở tại gia đã theo Phật, nhưng hàng năm đều có lễ thanh minh, làm lễ tạ đất, tảo mồ mả ông bà. Vậy con đã theo Phật làm như vậy có lỗi không ạ?

 

Trả lờiViệc đó không có lỗi đấy là truyền thống tốt để cho con cháu tu cái đạo hiếu. Và cũng dạy cho các con biết về vô thường, ai rồi cũng như thế này. Cuộc đời ngắn ngủi các con hãy sống làm người tốt, để khi mình ra đi thì không có ân hận. Cái tục đó cũng làm cho tình người gần nhau hơn, đứng trước cái chết, cái mộ thì sẽ hỷ xả, dù giận đến mấy đi chăng nữa. Anh em cũng bớt giành giật, tranh đua, hơn thua nhau. Còn những cái gì là hủ tục thì mình lên bỏ. Chúng taPhật tửchánh kiến, chánh tín thấy cái gì hợp đạo lý thì mình làm, còn cái gì phi đạo lý thì mình không làm.

 

Câu 7: Con bạch thầy! Xin thầy hãy giảng nghĩa cho con câu: “ Thà chấp có hơn núi Tu di, còn chấp không bằng hạt cải ".

 

Trả lờiChúng ta biết giáo lý của Đạo Phật thì xoay quanh hai chữ có và không, hay là sắc và không. Sắc là có, còn không là không đây là hai cặp, giống như thế giới này có âm và dương. Đạo Phật của chúng ta nói bản thể của vạn pháp xưa nay là rỗng không, không có thực thể đó là chân lý. Nhưng mà duyên hợp giả huyễn hiện ra có cho nên gọi là huyễn có. Nhưng người phàm không thấy được lẽ này thường là thấy có, không bao giờ nghĩ là tất cả tổng quy đều không. Cho nên người ta nói sinh không tử lại hoàn không, nhưng đó chỉ là câu nói cấp một. Còn người thấu đạo người ta thấy ngay khi sinh cũng đã là không, chứ chẳng cần đợi đến lúc chết mới là không. Nhưng nếu ai học kinh Phật không hiểu lại bảo cái gì cũng không, không Phật, không Thánh, không nhân, không quả rồi bài bác mặc sức tạo tội, chơi bời thoải mái cái gì cũng không mà thì người này đoạ địa ngục nhanh như tên bắn. Vì vậy thà chấp có: có Phật, có Thánh, có nhân có quả, có địa ngục, có hết cái gì cũng có. Chấp như vậy nhưng người này biết sợ tội, biết tu. Làm ác sẽ đoạ địa ngục, làm tốt sẽ được tốt. Nhờ như vậy mà họ hướng thiện tu hành và thoát khổ. Bây giờ chúng ta tạm thời phải chấp như thế để mà tu. Còn đến lúc nào đạt trình độ mới thấy được cái không, chứng được cái không mới dám nói không. Người mà chấp không là họ đang mắc bệnh. Nếu bảo là không Phật, không Thánh... thì sao cứ phải đi uống rượu tại sao phải đi chơi bời. Cho nên Phật dạy đừng chấp không vội, chấp không chấp gì cũng sai. Chấp có, chấp không đều sai. Chỗ này rất cao về sau quý Phật tử sẽ được học.

 

Câu 8: Con bạch thầy! Con đi trợ niệm thấy các ban trợ niệm họ nói rằng người sau khi chết mà nóng trên đỉnh đầu như thế là họ được vãng sinh Cực lạc. Vậy có đúng không ạ?

Trả lờiThoại tướng mà nóng đỉnh đầu mà khẳng định vãng sinh Tây phương thì không chắc, nhưng có thể nói người đó không bị đoạ thôi. Bây giờ nhiều người còn làm theo phương pháp vật lý để mấy ngọn nến trên đầu, đá lạnh ở dưới chân như thế làm sao mà vãng sinh. Bây giờ muốn làm nóng đầu thì cho chân và bụng vào nước đá thì chắc là nóng đầu rồi, như vậy cũng là nóng đầu nhưng chưa chắc đã vãng sinh. Mà cái hay nhất là chúng ta xem lúc đấy người sống có thanh tịnh hay không khi chết họ an lạc không. Tướng mà khi chết tay chân co quắy, hoảng loạn người đó chắc chắn là đoạ. Còn khi chết họ nhẹ nhàng, không luyến ái một ai thì người đó không bị đoạ. Còn vãng sinh còn nhiều cái khác nữa.

 

Câu 9: Con bạch thầy! Nhà con có một cây hương trước cửa đã giải đi nhưng chẳng ai dám phá. Bây giờ muốn phá con có phải làm lễ nữa không ạ?

 

 Trả lờiNgày xưa chúng ta đã thờ nay muốn phá thì cũng nên có cái lễ. Vì bình thường cái gì chúng ta đã phụng thờ thì cũng có những vị họ chấp vào đấy. Cho dù một cục đất mà mình thờ thì một, hai năm sau cũng có vong nó chấp nó ghá vào đó, để nó nhận sự cúng thí. Hay là cái cây mình muốn chặt cũng phải khấn, nhất là cây to có những vị thần, quỷ thần lớn trú ngụ ở đấy. Chúng ta thắp nén hương, hay ra đấy nói cho chúng tôi xin cây này, để chúng tôi có việc. Nếu có vị thần nào ở đây xin đi chỗ khác, sau đó chúng ta mới chặt.

 

Câu 10: Con bạch thầy! Nguyên nhân nào là cho thân thể người chết từ đầu bị cứng nhưng sau khi trợ niệm lại mềm ra?

 

Trả lờiThứ nhất là thân thể chúng ta được cấu tạo từ tứ đại ( địa, thuỷ, phong, hoả ). Khi tứ đại tan hoại, đặc biệt là hoả đại phân dã thì hơi ấm của thân thể sẽ mất, thân thể sẽ lạnh. Thứ hai là khi thần thức thoát ra cũng mang theo nhiệt năng đi làm cho thân thể cũng lạnh. Cái gì nóng thì mềm, lạnh thì cứng. Cho nên cái chuyện nóng hay lạnh cứng hay mềm là thuộc về vật lý. Khi trợ niệm nó lại mềm ra mặc dù trước nó cứng. Đó chính là sự màu nhiệm của Phật pháp, có sự gia trì năng lực của chư Phật, chư thiên và của đại chúng nhất tâm. Hay đó chính là các oan gia trái chủ họ buông tha, không đòi nợ nữa.

 

Câu 11: Con bạch thầy! Con có một bé gái đang đi trên đường bị một vong linh nhập nó tự nhận là chồng của bé. Con đã mời các thầy về cúng nhưng không hết, chúng con mong thầy cho biết làm cách nào để hết ạ?

 

Trả lờiDạo này các trường hợp vong linh nhập là rất nhiều, đó là do dương suy. Con người suy đồi về đạo đức cho nên thế giới tà ma, quỷ quái họ mới quậy được cho nên ngườii ta gọi là âm thịnh dương suy. Nếu người trần gian này sống có đức hạnh, có giới luật thì những chuyện như thế ít xảy ra vì có chư thiên, chư thần bảo vệ. Bây giờ chúng ta thường hay sống buông tuồng, như thanh niên hiện nay, có khi ra đường gặp việc trái ý là chém nhau ngay, anh em cũng thế, có khi cha với con cũng vậy. Đó chính là biểu hiện đạo đức xã hội suy thoái. Chúng ta suy là suy ở chính cái đạo đức đó nên quỷ ma người ta mới tác quoái. Và đặc biệt hiện tượng nạo phá thai cũng nhiều, chính những tiểu quỷ đó quậy rất nhiều, rất dữ. Cho nên chính các vong đó nhập vào.

Ở đây những người bị nhập như thế đa phần là do ân hoặc oán nên nó mới nhập vào chứ không phải là không có lý do mà chúng nhập vào người. Những người đó vì có nghiệp với chúng ma quỷ nên sẽ bị nhập. Trong đạo Phật thì cũng các giải quyết vấn đề này.

Một là nhờ các bậc oai đức đến khai thị họăc những vị tu theo mật tông trì chú mới có thể hoá giải được.

Ví dụ: Như Hoà Thượng Tuyên Hóa, Ngài có thể tới trói ma, nhốt lại. Nhưng sau Ngài bỏ cách đó vì làm như thế chúng sẽ oán hận, tốt nhất mình nên dùng kinh, lời dạy của Phật để giác ngộ cho vong linh đó để nó xả bỏ những oán kết, nội kết, ái kết với người này.

Còn trường hợp trên là vong linh đó có ái kết với bé này. Vậy chúng ta phải làm sao để cho vong linh này thấy ái là khổ, nên xả bỏ. Và nên sám hối, tụng kinh Địa Tạng làm phúc hồi hướng cho vong linh này, có khi có những vong thiếu phúc nó cũng không siêu thoát được, thiếu phúc trí của nó không mở ra được. Nó không thấy được lẽ thật, cho nên người ta gọi Phúc Trí thì tâm linh, khi phúc đến thì trí mở, linh thông thì mới giác ngộ được, mấu chốt của Đạo Phậtgiác ngộ, có giác ngộ thì mới có thể chuyển nghiệp được, kể cả gia đình nhà bé này cũng nên học Phật để giác ngộ cũng là giúp cho cái vong linh này giác ngộđặc biệt bản thân bé này khi mà nó tỉnh thì phải mạnh lên, dứt khoát. Chính tâm mình còn tơ vương thì nó mới nhập. Không nên mời mấy ông phù thuỷ đến họ lại sát sinh còn khổ nữa.

 

Câu 12: Con bạch thầy! con thấy một số người khi họ hấp hối họ đi quy y Tam bảo, quy xong thì họ được khoẻ mạnh sống giai như ông Lương Văn Hiền. Vậy có phải quy y là được sống không ạ? Nếu là được sống sao có những người khi quy y xong một hai ngày sau là họ chết. Nếu là không sao có người lại được sống ạ?

 

Trả lờiThầy chưa từng nói là quy y xong là được sống hay quy y xong là chết. Mà thầy nói quy y Tam bảo là tăng phước tiêu nghiệp. Đây là điều chắc chắn. Còn việc sống chết nghĩa là: cái người thọ mệnh của người ta còn mà phước của người ta mỏng cũng có thể chết. Thọ mệnh còn là do cái báo của đời trước còn nhưng phước hết, phước mỏng thì cũng chết. Ví dụ thọ mệnh như cái bấc đèn, cái bấc ngắn hay dài tuỳ theo phúc báu của mình tiền kiếp. Còn cái dầu đèn là phúc, ngọn lửa cháy được là phải nhờ bấc và dầu. Cái sống của chúng ta y hệt như ngọn lửa của cái đèn này. Ngọn lửa cháy lâu hay ít là nhờ vào cái bấc ngắn hay dài, hết bấc thì tắt mà hết dầu thì cũng tắt, thứ ba là bóng đèn vỡ gió thổi là tắt. Cái bấc nó là sẵn rồi khó thay đổi vì đây là tiền nghiệp của mình, nhưng có cái khác là dầu và bóng đèn. Kiếp này chăm tu, chăm làm phước, chăm sám hối thì giống như mình đổ thật đầy dầu, mặc dù bấc còn một đốt nhưng lúc nào cũng đầy ngập dầu thì bấc vẫn cháy không tắt. Ví dụ như ông Lương Văn Hiền tuổi thọ ông còn, bấc còn dài nhưng phước ông kém sau khi ông quy y Tam bảo phước ông tăng lên giống như đổ thêm dầu. Bấc hết dầu hết chắc chắn sẽ tắt, bấc còn dầu hết cũng tắt, dầu còn bấc còn bóng đèn vỡ cũng dễ tắt. Những người không chịu giữ giới, phá giới uống rượu say sưa, đi đường đánh võng đua xe đấy chính là tự mình phá bóng đèn của mình. Vậy chúng ta muốn giữ ngọn lửa này thì phải giữ cả, giữ bóng cho nó bền, dầu chăm đổ, bấc phải giữ. Nếu mà hết dầu thì vặn bấc lên đốn thị một lúc thì sẽ cháy hết bấc ngay. Quy y đều tăng phước đối với những người mạng hết phước đó trợ giúp họ ra đi nhẹ nhàng. Giống như chú bé người hầu trong phẩm Đao Lợi sau khi chết được tái sinh vào trong cung vua mặc dù chú chết trẻ. Chú ấy quy y Tam bảo hằng ngày chú tụng kinh niệm Phật, trung thành với vua chính nhờ phước đó chú thoát khỏi kiếp người hầu tái sinh được làm vua. Vậy cái chết đó đâu phải hết phước, đừng nghĩ chết là hết phước. Cái phước họ làm sẽ được hưởng trong kiếp sau. Quy y Tam bảo rồi sống thêm cũng quý mà chết sớm cũng quý.

 

Câu 13: Con bạch thầy! Trước đây con theo tứ phủ, có mở phủ và còn hầu bóng nữa. Nay con đã bỏ và đã quy y Tam Bảo cùng sinh hoạt đạo tràng sáu năm nay rồi. Nhưng con còn cảm thấy bất an vì con còn bộ quần áo hầu, con không biết xử lý như thế nào?

 

Trả lờiBộ quần áo hầu đó thì mang nên cho Chùa, cho thầy để tận dụng làm khăn lau. Hoặc là có bát hương bỏ, giường người chết nằm cũng mang lên chùa để cho người khác, mình cũng được phước. Ngày xưa chư Tăng không có quần áo mặc phải ra nghĩa địa nhặt vải quấn người chết về rửa sạch may vào làm áo mặc gọi là y bá nạp ( y trăm mảnh ghép lại ).

 

Câu 14: Con bạch thầy! Mẹ con mới mất được 49 ngày, gia đình con thỉnh thầy làm lễ nhưng đang làm lễ có một vong linh nhập vào em bé tự xưng là mẹ về, xong lại đòi ăn kêu đói khổ chúng con tưởng là ma mới đuổi ra ngoài. Xong mẹ con đứng dậy đánh con dâu rồi bảo tao về lại đuổi tao đi. Khi còn sống tính tình mẹ con không như thế, mà bây giờ tính lại như vậy. Mong thầy giải đáp cho con?

 

Trả lờiChuyện vong linh nhập vào người sống đấy là chuyện có thật. Trường hợp trên cũng có thể là vong linh người mẹ. Còn tính nết khác thường thì như chúng ta đã biết, chúng ta chưa đắc thiên nhãn thì không biết vong linh đó nó ra sao, biết là có vong linh nhập nhưng thầy không khẳng định được. Nhiều khi ma tà nó nhập chứ không phải người thân mình nhập. Có khi nhập lúc nói là bố mình, là mẫu, là bồ tát, rồi hút thuốc rồi nói linh tinh thì đó là ma tà. Những trường hợp như thế mình nhất tâm thỉnh Phật, thỉnh hộ pháp mình đủ lòng chân thành thì sẽ có sự gia trì. Nhiều khi có những ma tà rất quỷ quái nó nói trúng phóc những gì trong gia đình mình, sau đó dẫn dụ mình phải theo nó. Nếu mình không biết, không học Phật thì mình theo làm đồ đệ cho nó. Cho nên đối với ma mình không chiều, mình phải cứng nó bảo cái gì mà mình thấy đúng pháp, đúng lý, đúng đạo thì mình làm. Ngược lại mình là người học Phật mình phải dạy họ, chúng ta không được sợ.

Câu 15: Con bạch thầy! Phương pháp nào tụng kinh để có hiệu quả ?

 

Trả lờiTụng kinhhiệu quả là tu như thế nào để có sự thành tựu. Nghĩa là tụng kinh hay niệm Phật tâm phải thanh tịnh, chí thành, chí thiết đó là hiệu quả. Tụng kinhtâm tán loạn, không hiểu kinh. Ba nghiệp không thanh tịnh thì sự thâm nhập kinh không được tốt.

 

Câu 16: Con bạch thầy! Nên tụng kinh gì để cầu an, và tụng kinh gì để cầu siêu?

 

Trả lờiTừ trước đến nay trong chư kinh nhật tụng xếp kinh Phổ Môn để cầu an. Nhưng kinh Phật thì kinh nào cũng có thể cầu an được, miễn là mình thâm nhập được kinh tâm mình an thì tự nhiên mọi việc sẽ an. Các Phật tử phải nhớ gốc của cái an bên ngoài là cái an ở bên trong. Cho nên Phật dạy “ Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện ” nghĩa là giữ tâm mình an định một chỗ thì sự việc gì cũng tốt. Dù trong cảnh phong ba bão táp mà tâm an thì sự việc sẽ qua, sẽ tốt. Cho nên gọi là tâm an các pháp an, kinh nào tụng rồi giúp cho tâm mình an thì đều giúp cho mình cầu an. Chứ không phải chỉ một kinh Phổ Môn. Rồi kinh cầu siêu không nhất thiết là kinh Di Đà mà sự siêu độ của vong linh là sự giác ngộ, dù tụng bộ kinh cao như kinh Hoa Nghiêmvong linh không giác ngộ thì vong linh cũng không siêu độ được. Nhưng tại sao lại xếp kinh Di Đà vào kinh cầu siêu, vì kinh đó tả cảnh Tây Phương. Thế giới đó an lạc không có sự đau khổ, để chúng ta sinh tâm hân ngưỡng, muốn sinh về đó. Nhưng cốt lõi muốn siêu được vẫn là sự giác ngộ và xả ly chấp trước.

 

Câu 17: Con bạch thầy! Dân Việt Nam có tục lệ thờ ông thần tài để có tài lộc vậy có đúng với đạo Phật không ạ ?

 

Trả lờiVới tinh thần của đạo Phật thì không có một ông thần tài làm ra tiền của để cho mình. Phật đã dạy tất cả những tài lộc của mình là do phúc báo của mình. Trong ngũ phúc ( sức khoẻ, tài sản, nhan sắc, danh dự, trí tuệ ), thì phúc báo về tài sản là do mình từng cung kính Tam bảo, bố thí cúng dường, xả tham lam. Phúc của mình được mười đời thì sẽ sinh đứa con giữ được mười đời. Cho nên không có ông thần tài nào mang tài sản về cho mình. Vậy các Phật tử không nên thờ thần tài nữa. Trong kinh Tương Ưng Bộ, Phật có nói nguyên nhân nào buôn bán làm ăn lụn bại, hanh thông, và tấn phát. Phật nói ý thế này: "nếu người cư sĩ ấy đến gặp một thầy tu, bảo bạch thầy hôm này con sẽ cúng thầy 10 đồng, nhưng khi cúng chỉ cúng có 3 đồng. Thế thì người này công việc làm ăn ngày càng lụn bại. Còn người khác nói cúng 10 đồng thì cúng đúng 10 đồng, thì người này công việc thuận lợi. Còn người khác nói cúng 10 đồng nhưng lại cúng 20 đồng thì công việc buôn bán thịnh đạt". Nhưng đây chỉ là một trong những nhân mà thôi. Thế chúng ta mới biết đó là do phúc báo, có phúc báo thì để đâu cũng sống được, còn vô phúc thì đổ vàng vào người cũng không được hưởng. Vậy chúng taPhật tử đã học Phật thì nên chăm hành thiện tích phúc, chứ không phải thờ ông thần tài cầu ông đem tài sản về cho mình.

 

Câu 18: Con bạch thầy! Nhà con có điện thờ đã hơn 6 năm rồi, bây giờ con muốn giải đi thì nên làm như thế nào ạ?

 

Trả lờiMuốn giải trừ thì nên mời các Đại đức cao tăng, giới đức chân tu. Và cái giải trừ rất hay đó chính là mình phát tâm quy y Tam bảo, thọ giới của Phật. Vì khi mình quy y chân chính thọ giới của Phật thì sẽ có giới thần bảo hộ cho mình nên ma tà nó cũng sợ không dám ở đấy nữa. Kể cả khi mình trình đồng mở phủ rồi, thì khi quy y thọ giới tự nhiên những cái kia bị vô hiệu hoá, vì Phật là tối thượng.

 

Câu 19: Con bạch thầy! Con đã thọ giới của Phật, nhưng con ở quê vì thế con phải làm ruộng. Khi làm ruộng thì phải phun thuốc, nếu không phun thuốc thì sâu bọ côn trùng sẽ phá, còn nếu phun thuốc thì phạm giới của Phật. Vậy con phải làm sao ạ?

 

Trả lờiCác Phật tử đang làm nghề nông, nếu không phu thuốc thì côn trùng sẽ phá hoại hết cái này các thầy cũng không cấm được, chúng ta phun đừng có tâm giết hại là được. Nhưng nếu chúng nếu chúng tatâm từ lớn thì có thể giải trừ được sâu. Thầy khuyên quý Phật tử trước khi phun thuốc nên niệm Phật với tâm từ bi, không có ác tâm. Có một bài kinh nói như thế này: "khi đức Phậtđại chúng đi du hoá một thời gian trở về tinh xá, vì tinh xá để lâu nên trong nhà vệ sinh có rất nhiều côn trùng. Đức Phật mới sai ngài Anan đi dọn dẹp, nhưng khi ngài Anan vào trong nhà vệ sinh thấy nhiều côn trùng quá, nên ngài không dám dọn sợ làm chúng chết. Ngài mới bạch Phật: trong nhà vệ sinh rất nhiều con trùng con không dám giết, nhưng Phật nói: ta bảo ông dọn nhà vệ sinh chứ đâu bảo ông sát sinh. Ngài Anan hiểu ý Phật nên ngài vào làm bình thường". Như vậy chúng ta làm việc nhưng không có ác tâm, phun thuốc thì cứ phun không khởi ác tâm là phải giết nó là được.

 

Câu 20: Con bạch thầy! Khi lập đàn tràng nếu không có phướn ngũ sắc, hương bột, hương bôi vậy có được không ạ?

 

Trả lờiKhông có cũng được mà tâm thành là chính. Mình dùng hương của tâm mình đó là giới hương, định hương, tuệ hương, giải thoát, giải thoát tri kiến hương. Năm hương này chính là 5 màu của lá phướn. Cho nên chúng ta hiểu về sự như thế nhưng về lý phải hiểu ở tâm. Dù có phướn, có hương mà tâm mình không chân thành, cung kính thì cũng vô ích thôi. Các Phật tử nhớ rằng đạo Phật mình là nhất thiết nơi tâm, đó là căn bản. Cho nên tổng kết lại đức Phật dạy chúng ta tu tâm, chuyển tâm, nghiệp quả từ tâm, phước báo từ tâm. Tất cả đều quay về gốc ở tâm mình, chúng ta không đặt nặng cái bên ngoài. Tâm có thì mọi cái bên ngoài sẽ đủ, còn tâm không thì cái bên ngoài cũng không có gì. Mà Phật nói ngài chứng tâm chúng ta đâu phải chứng mấy cái bên ngoài, các Tổ ngày xưa ở trong núi sâu có hương, phướn gì đâu mà các ngài vẫn thành tựu.Vậy chúng ta phải hiểu sự bản chất của tu Phật, chính sự tu Phật này sẽ đưa chúng ta đến chỗ chân thật, còn nếu chấp vào hình tướng bên ngoài quá nhiều thì sẽ sai đi cái chân thật

 

Câu 21: Con bạch thầy! Khi một linh hồn nhập vào mình thì linh hồn của mình ra sao? Nó có ra ngoài thể xác hay nó vẫn tồn tại trong thể xác ấy?

 

Trả lờiĐối với đạo Phật thì không chấp nhận có linh hồn, vì linh hồn là cái gì đó trường cửu bất biến, linh hồn người chết đi vẫn làm người, linh hồn con vật chết đi vẫn làm con vật. Như vậy trong nhà Phật không gọi như thế mà nói là thần thức. Khi thần thức khác nhập vào mình thì có những trường hợp này xảy ra. Thứ nhất là nó có thể đoạt xác của mình đẩy thần thức mình ra ngoài, trường hợp này gọi là đoạt xá, nhưng chỉ có những loại quỷ dữ mới đủ năng lực để làm. Thứ hai là nó nhập vào nhưng thần thức của mình không ra ngoài vì nó mạnh hơn mình, khiến mình không thể làm chủ được mình. Tất nhiên là Thầy không chỉ được nó ở chỗ nào nhưng chỉ biết là nó bị ép, trường hợp này thì chỉ là những vong bình thường họ nhờ mình nói cái này, cái kia hay họ muốn quậy phá nhà mình.

 

Câu 22: Con bạch thầy! tu là chuyển nghiệp hay đổ nghiệp ?

 

Trả lờiỞ đây chúng ta phải hiểu chuyển nghiệp và đổ nghiệp là như thế nào. Tinh thần của Đạo Phật nói rất rõ: tu là chuyển nghiệp, còn Phật tử này quan điểm mình có nghiệp một đống như đống cát hay một rổ nghiệp, nếu tu thì nó đổ ra hết. Điều đó không phải, ví dụ mình có một rổ nghiệp toàn khoai lang, khoai tây thì tu rổ khoai lang, khoai tây sẽ chuyển thành loại khác tốt hơn. Trong tâm thức của chúng ta đã có sẵn những hạt giống chủng tử nghiệp, khi chúng ta tu tập thì năng lực của sự tu tập sẽ chuyển hoa tác động vào các hạt giống nghiệp đó và chuyển hoá đi. Có những cái nghiệp sẽ bị diệt, không thể trổ ra. Hoặc có những nghiệp xấu nó sẽ chuyển thành cái tốt hơn. Ví dụ như cái nghiệp dục là nghiệp của tất cả chúng sinh ai cũng có, nhưng nếu khéo tu tập thì cái năng lực dục nó sẽ chuyển hoá thành năng lực ý chí, trí tuệ. Và một điều này nữa khi chúng ta tu tập, ban đầu không có tính xấu này nhưng sau một thời gian tự nhiên mình có thì đó chính là những hạt giống cũ đang ngủ trong tâm thức của mình sẽ được trỗi dậy để chuyển hoá. Chứ không phải là đổ ra, tu hành không phải là đổ thêm nghiệp, không tu thì nghiệp của chúng ta vẫn như thế. Tu tinh tấn có thể chúng ta được trả nghiệp nhanh. Thế thì chúng ta phải hiểu cho rõ tu là chuyển nghiệp chứ không phải là đổ nghiệp.

 

 Câu 23: Con bạch thầy! Con đọc trong kinh A Di Đà Phật có nói là: " bên cõi Tây Phương có nước bát công đức khi tắm vào sẽ được tiêu trừ nghiệp chướng thân tâm được thanh tịnh. Con nghĩ rằng Chư Phật và chư Đại Bồ tát có đầy đủ oai lực thần thônglòng từ bi thương xót chúng sinh. Vậy sao các Ngài không mang nước đó cho chúng sinh để tắm cho thân tâm được thanh tịnh đỡ phải nhọc nhằn tu hành"?

 

Trả lờiĐúng là sức thần của Phật là vô lượng vô biên, nhưng mà định nghiệp của chúng sinh cũng không thể nào chuyển được. Đức Phật của chúng tatoàn giác toàn tri, nhưng không phải là toàn năng. Có những việc Đức Phật cũng không thể làm được. Chúng ta phải về Tây Phương mới tắm được nước đó, Đức Phật dù có mang nước đó về cho mình thì nước đó sẽ biến thành những nước linh tinh. Như bà Thanh Đề được ngài Mục Liên mang bát cơm cõi trần xuống, nhưng do nghiệp lực bát cơm liền biến thành than. Vậy là do nghiệp của chúng ta, ở cõi này chúng ta không được hưởng nước bát công đức đó. Khi nào chúng ta phước đức tương ưng thì chúng ta sẽ được hưởng nước đó. Hay có Phật tử hỏi sao Phật không dời cõi Tây Phương về đây để mình đi một lúc là đến. Nhưng không thể như thế được, do nghiệp của chúng sinhan vị cõi giới khác nhau, cõi Tây Phương phải cách xa chúng ta 10 vạn ức cõi Phật. Chư Phật và chư Bồ tát cũng không làm trái nhân quả được, vậy chúng ta phải nên nghe theo lời Phật dạy tôn trọng nhân quả để tu hành. Chuyển nhân là sẽ chuyển quả, đầy đủ thiện căn phước đức về Tây Phươngchúng ta sẽ được tắm nước bát công đức. Có khi có thể ngay ở cõi này chúng ta cũng được tắm nước bát công đức nếu đủ nhân duyên tương ưng. Cho nên các vị Tổ sư nói khi các ngài tu hành tâm các ngài thanh tịnh tự các ngài thấy Tây Phương và thấy Phật Di Đà

 

Câu 24: Con bạch thầy! Nhà đình con làm giỗ cho cha mẹ con thì làm chay còn anh con thì làm mặn, vậy những vong linh đó có lợi gì không ạ?

 

Trả lờiỞ đây hỏi có được lợi gì không là hương linh có được thụ hưởng gì không. Theo đúng tinh thần kinh Phật thì những hương linh họ thích phần chay tịnh, còn họ cúng mặn thì vong linh không được thọ. Thế giới tâm linh họ ăn khác chúng ta, mình cúng mà cúng tương ưng, tương ưng nghĩa là phải phù hợp với họ thì họ mới thọ nhận được. Ví dụ như mình ốm thì mình hợp với cháo hay mình là người miền nam thì mình có thể ăn sầu riêng còn người miền Bắc có cho thì họ cũng không ăn được.

 

Câu 25: Con bạch thầy! Hồi nhỏ mẹ con bán con vào chùa vẫn chưa được chuộc ra nay con muốn quy y Tam Bảo vậy có được không ạ?

 

Trả lờiDù được chuộc hay chưa được chuộc và không cần chuộc thì vẫn có thể quy y Tam bảo. Việc bán con vào chùa đó là phương tiện của các Tổ muốn cho mình được kết duyên với Tam bảo, bắt đầu biết hướng thiện làm lành. Đương nhiên việc đó sẽ có sự gia hộ của chư Hộ pháp, thiện thần.

 

 Câu 26: Con bạch thầy! Ở nhà sau khi con tụng kinh xong con có nên tắt đèn, nết ở trên bàn thờ hay là để nguyên ạ?

 

Trả lờiBuổi đêm chúng ta nên để một ngọn đèn, đây là muốn thể hiện ý nghĩa Đức Phật lúc nào cũng quang minh, trí tuệ thường giác tỉnh đấy cũng là thể lòng tôn kính của mình đối với Phật. Nhưng nếu nhà mình không có thì thôi Phật cũng không trách. Còn khi tụng kinh xong chúng ta tắt đi cũng được không sao cả. Mà Phật muốn chúng ta phải đốt ngọn đuốc trí tuệ ở chính mình cái đó là quan trọng nhất. Và quý Phật tử phải nhớ khi tắt đèn hay nến hoặc hoa bị bụi ở trên ban Phật không được dùng miệng để thổi vì hơi miệng mình hôi, nên dùng tay phẩy để chúng ta thêm lòng tôn kính Phật.

 

Câu 27: Con bạch thầy! Những người Phật tử thì tay họ lúc nào cũng đeo tràng hạt và vòng cổ có hình Phật vậy khi họ lâm chung mình nên bỏ ra hay là để nguyên chôn theo ạ?

Trả lờiKhi lâm chung thì đặc biệt ảnh Phật không được cho vào quan tài, pháp khí của nhà Phật kể cả điệp quy y hay tràng hạt cũng thế. Nhiều người khi chết chôn theo cả vàng bạc nữa cái đó không cần thiết, những cái đó nên để cúng dường, bố thí cho người nghèo cho có phước.

 

Câu 28: Con bạch thầy! Tánh của các pháp vốn không vậy tại sao mình phải giữ giới?

 

Trả lờiĐây là câu hỏi cao trong Phật pháp nhưng ở đây thầy trích dẫn câu của cụ Tổ: “ Thực tế lý địa bất thọ nhất trần, vạn hạnh môn trung bất xả nhất pháp ”. Nghĩa là chỗ chân lý chân thực không có một mảy may, một pháp nào, nhưng tất cả thiện hạnh không bỏ một pháp. Lý không của Đạo Phật không phải là ngoan không, là không có gì. Mà lý không này là Chân Không Diệu Hữu, cho nên ai thâm nhập được cái không này mới dám nói đến cái không này, lúc đó lại là khác. Bây giờ bảo vạn pháp là không cho nên tôi không cần giữ giới, nhưng không cần giữ giới thì cũng đừng phạm giới phá giới. Không giữ giới lại phá giới đấy là có chứ đâu phải là không. Vạn pháp là không tôi cứ đi ăn thịt uống rượu, vậy là có chứ vì thấy có miếng thịt ngon để ăn chứ. Chỗ này rất sâu xa, chúng ta biết xưa nay thể tính của vạn pháp vốn không, nhưng tất cả các thiện pháp không bỏ một pháp nào. Muốn tu thành quả Phật phải như thế, chứ đừng nói chuyện học Bát nhã rồi nói các pháp là giai không tôi mặc kệ tôi không làm gì cả, nhưng đó lại là chấp, chấp không làm gì đấy cũng gọi là chấp đó gọi là chấp có. Chỗ chấp này rất phức tạp, chấp không cũng là có, đấy là chấp có cái không. Đúng là tất cả xưa nay vốn không nhưng vẫn phải tu trì, vẫn phải giữ giới.

 

Câu 29: Con bạch thầy! Trong kinh Vu Lan nói sắm sửa thức ăn trăm món, trái cây năm màu để cúng dường chư Tăng nhưng nhà con nghèo màu không thể làm như thế được, vậy con phải làm như thế nào ạ?

 

Trả lờiỞ đây trong kinh nói như vậy là đối với gia đình Ngài Mục Liên, gia đình ngài là gia đình giàu có nên có thể làm như vậy được. Còn gia đình nghèo thì mình cố gắng nhất tâm cúng dường với khả năng của mình là được. Đương nhiên là quả phước mỗi người mỗi khác, tâm lượng của mình, đối tượng nhận có thanh tịnh không, vật phẩm mình như thế nào. Rồi vong linh được hưởng như thế nào cũng tuỳ theo những việc như thế đó. Vậy quý Phật tử cứ làm theo sức của mình.

 

Câu 30: Con bạch Thầy! Con là Phật tử tại gia, gia duyên bận rộn nhưng con vẫn cố gắng lên thời khóa một ngày sáu thời. Nhưng có khi con chỉ lên được 2, 3 thời, thời gian con không lên thời khóa con mở máy tụng kinh, niệm Phật vậy con có công đức không ạ?

 

Trả lời: Ở đây mình không trực tiếp tu hành, không niệm Phật tụng kinh thì mình không được công đức do niệm Phật tụng kinh. Nhưng mình có tâm thiện muốn mở kinh cho mọi người nghe thì mình được công đức tùy hỷ với thiện Pháp. Còn tu thì mình phải trực tiếp mình tu hành  thì mình mới có công đức nơi công phu của mình.

 

Câu 31: Con bạch Thầy! Con có nghe các bạn hữu tu Tịnh độ nói nên tụng kinh Di Đà, còn các bạn tu Thiền thì nói nên tụng kinh Thiền. Con thì là Phật tử tu Tịnh Độ, buổi tối thì con tụng kinh Di Đà, buổi sáng thì con có nên tụng kinh Thiền ( sám hối 6 căn ) không ạ?

 

Trả lời: Mục đích Phật tử tu Tịnh độ là để vãng sinh. Nhưng muốn vãng sinh Tịnh độ cần phải đầy đủ công đức, phước báo, thiện căn. Trong mười nguyện của Đức Phổ Hiền có lời nguyệnsám hối nghiệp chướng. Chúng ta phải xét nếu mình còn nhiều lỗi lầm thì mình phải sám hối. Chúng ta không nên bị chướng ngại, phân biệt nơi đó, tất cả đều là tu tâm. Nếu Phật tử cảm thấy có thể lên được thời khóa sám hối thì lên. Tu Tịnh độ không phải là không có sám hối. Ví dụ như: Ngũ Bách Danh, Hồng Danh, Từ Bi Thủy sám đều là pháp môn của pháp tu Tịnh độ. Sám hốiăn năn lỗi trước chừa bỏ lỗi sau, làm cho tâm mình được thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh thì mới vãng sinh Tịnh độ được. Mà Phật tử cũng không nên phân biệt đây là Thiền, đây là của Tịnh độ. Các Phật tử cứ tu hành bình thường tu theo 10 hạnh nguyện của Đức Phổ Hiền để vãng sinh Tịnh độ

 

Câu 32: Con bạch Thầy, xin Thầy giải thích cho con thế nào là thôi miên. Thôi miên liệu có bắt ma được không? Con nghe nói có một thầy, thầy ấy dùng một viên đá bằng ngọc đọc chú thôi miên để bắt ma gá vào người. Xin Thầy giảng dạy cho chúng con?

 

Trả lờiCái thuật, cái phép thôi miên nó không phải mới có mà đã có từ lâu lắm rồi, người thôi miên phải có năng lực thì họ mới thôi miên được. Chữ miên ở đây có nghĩa là làm cho người ta mê mờ đi. Miên có nghĩa là ngủ, làm cho người ta mơ mơ ngủ đi mất không biết gì nữa. Thôi có nghĩa là luyện, là đẩy cái lực của mình làm cho họ mê mờ đi. Đó gọi là thôi miên. Rồi họ theo sự chỉ dẫn của người thôi miên đó, cái người làm chủ đó. Thì gọi là phép thôi miên. Quả thật thôi miên nó có tác dụng, nó cũng làm cho người ta tê liệt cái hệ thống thần kinh đi, rồi theo sự chỉ dẫn của người chủ thôi miên này. Trong y học người ta có thể dùng thuật thôi miên này để chữa một số bệnh, rồi bây giờ người ta cũng dùng thôi miên để làm nhiều thứ lắm. Nhưng nghe nói ở đây thôi miên để bắt ma thì Thầy cũng chưa nghe cái chuyện này bao giờ. Còn nói về vị sư này thì Thầy không có bàn, nghe không? Thầy này Thầy ấy dùng viên đá thôi miên bắt ma nhốt vào viên đá ấy. Thầy chưa thấy Thầy ấy làm như thế. Nhưng những cái gì nó lôi thôi như thế này thì thôi đừng đi theo. Mình chưa biết nó như thế nào mà đi theo thì nó nhiều chuyện lắm.

 

Câu 33: Con bạch Thầy! Hằng ngày con tụng kinh Di Đàkinh Vô Lượng Thọ, ngày nào con cũng duy trì như vậy. Nhưng khi có lễ cầu an hoặc cầu siêu thì hôm đó con không tụng kinh được chỉ làm lễ cầu an, cầu siêu thôi. Vậy con làm như vậy có phải là con tu tạp không ạ?

 

Trả lời Tạp hay không là ở nơi tâm, chứ không phải là ở nơi thân. Người mà đã nhất tâm dù làm trăm công nghìn việc cũng không gọi là tu tạp. Các tổ sư ngày xưa đâu chỉ ngồi yên một chỗ, các Ngài đi đây đi đó để giáo hóa chúng sinh. Nếu Phật tử cầu an hay cầu siêu mà nhất tâm thanh tịnh hướng Phật, thì không gọi là tu tạp. Mà đây là hành Bồ tát đạo vì tu không phải chỉ cầu an cho riêng mình mà còn cầu cho quốc thái, trong cho chúng sinh. Như vậy thế là tốt chứ không phải tu tạp.

 

Câu 34: Con bạch Thầy! Có một Thầy dạy con trong khi ngồi niệm Phậthôn trầm thì đấy là nghiệp còn nặng, vậy nên trì chú để tiêu bớt nghiệp. Nhưng một thầy khác lại bảo con là tham. Vậy mong thầy giải thích cho con chỗ này ạ?

 

Trả lời: Trên bước đường tu hành nếu mình bị chướng ngại thì đều là nghiệp chướng. Như vị Thầy trên dạy trì chú cũng là một cách diệt trừ nghiệp chướng, hoặc sám hối, làm phước cũng vậy. Hay là khi nghiệp chướng hết mình càng tinh tấn thì nghiệp chướng cũng bị diệt trừ. Nếu Phật tử ngồi niệm Phậthôn trầm thì đi niệm Phật, ngồi niệm Phậtbuồn ngủ thì đi niệm Phật. Đối với việc tìm phương pháp để diệt trừ nghiệp chướng thì không gọi là tham. Phật chỉ quở việc tham đắm ngũ dục thôi, còn tham tu thì tốt cái này gọi là Dục như ý túc. Chứ không phải đạo Phật là bỏ hết tham, nếu không tham tu thì ai thành Phật được. Nhưng nếu tham tu mà thái quá thì cũng không được. Vậy Phật tử nên hiểu rõ chỗ này.

 

Câu 35: Con bạch Thầy! Con tu Phật được biết việc vãng sinhvô cùng quan trọng, con muốn thỉnh tượng Phật Di Đà về thờ nhưng trước con đã thờ Phật Thích Ca. Vậy bây giờ con phải làm sao ạ?

 

Trả lời: Phật tử chúng ta hay bị chấp mắc chỗ này, như trong Kinh Phật nói Phật Phật tâm đồng, mười phương chư Phật đều như nhau. Đức Thích Ca tán thán Phật Di Đà là để chúng ta tu tâm cho được chuyên nhất, tâm chúng ta hay miên man nên Phật nói như vậy, chứ không phải là ngài khen Phật Di Đà hơn các Phật khác. Nếu Phật tử ở nhà bị điều kiện bàn thờ không thể thờ thêm tượng hoặc ảnh Phật Di Đà thì cũng không sao. Phật tử cứ thờ Phật Thích Caniệm Phật Di Đà. Hay là thờ Bồ tát Quan Âm cũng vậy. Khi đủ công đức thì Phật tử cũng sẽ về được với Phật Di Đà.

 

Câu 36: Con bạch Thầy! Người mất có nên cho gạo, muối, vàng, bạc, tiền, bộ tam cúc, lá đào vào trong áo quan không ạ?

 

Trả lời: Đấy là tục lệ của người xưa, người ta lo cho người mất sang thế giới bên kia không có gì để tiêu. Xét về chính lý thì tục lệ này không đúng. Người khi chết rồi không thể sử dụng những thứ đó. Nhưng xét góc độ khác thì đó là biểu hiện tình cảm thì cũng có thể chấp nhận được. Nhưng những ai đã là Phật tử thì không nên làm như vậy, những thứ đó chúng ta nên để lại làm từ thiện, cúng dường hồi hướng phước cho vong linh thì tốt hơn nhiều. Còn cho lá đào vào áo quan thì cũng có một số tác dụng như là làm giảm mùi hôi từ thi thể... Hay là nải chuối xanh, lá xoan.. cũng có tác dụng như thế. Các Phật tử hiểu được như thế rồi thì nên làm như vậy.

 

Câu 37: Con bạch Thầy! Con là Phật tử tại gia đã thọ 5 giới của Phật, nhưng vì gia duyên nên con phải băm thịt chúng sinh. Vậy con có phạm giới không ạ?

 

Trả lời: Nếu Phật tử băm thịt chúng sinhchúng sinh đó đã chết thì không phạm giới. Phật tử nên mua những con cá, tôm, cua chết mà bán chứ không nên trực tiếp sát sinh để tránh quả báo sau này.

 

Câu 38: Con bạch Thầy! Trước kia con có đi hầu đồng, hầu bóng, tứ phủ nhưng bây giờ con muốn quay về quy y Phật, vậy con phải làm sao ạ?

 

Trả lời: Thầy xin nói rằng từ khi quý Phật tử chính thức quy y Tam Bảo thì tất cả những cái trên đều được giải. Có một số trước cũng đi như vậy, rồi nói con quy y Phật rồi nhưng con vẫn phải sang kia để trình báo không thôi họ sẽ theo bám không tha cho con. Nhưng Thầy bảo khi đã quy y Tam bảo thì lập tức các vị kia phải buông tha. Giống như lệnh vua để ra thì tất cả các vị dưới không ai dám làn gì. Đức Phật của chúng ta là vua của tất cả các bậc Thánh, quý Phật tử quy y thì làm con của Phật thì các Thánh kia không ai có thể làm gì mình được. Vậy quý Phật tử cứ yên tâm không phải đến chỗ đó để giải đi nữa.

 

Câu 39: Con bạch Thầy! Bây giờ có những quyển kinh không đúng chánh pháp của Phật, như kinh Địa Mẫu, Thiên Địa Bát Dương... chúng con biết nên đã không tụng đọc, vậy chúng con nên xử lý với những quyển Kinh này ạ?

 

Trả lời: Những quyển kinh như thế thì quý Phật tử nên hủy đi, đừng có truyền bá rộng rãi. Nếu quý Phật tử truyền bá tà kinh thì sẽ tổn phước, còn truyền chính kinh thì sẽ được tăng phước báu. Quý phật tử nên làm như vậy.

 

Câu 40: Con bạch Thầy! Con có một người bạn thân chưa được ngộ Phật pháp lắm, cho nên con hay mang đĩa đến cho bạn ấy xem. Lúc đầu thì bạn ấy xem, nhưng sau bạn ấy bảo: Đức Phật ru ngủ con người, nhụt mất ý chí đấu tranh, không phân giải được sự phải trái đúng sai khiến người ta luôn bằng lòng những gì hiện có, không phấn đấu, bỏ dục làm mất hạnh phúc con người, và lý gì người ta làm hại con mà con không giận. Còn về mặt kinh tế, người ta nợ mình tiền, lừa mình tiền kiếp này mà lại đợi đến muôn lượng kiếp sau thì kiếp này đói khổ chịu sao cho nổi. Kính bạch Thầy giải thích để con nói với bạn con cho bạn con được hiểu ạ?

 

 Trả lời: Đúng là Đức Phật dạy người đệ tử Phật không tranh đua, hơn thua, được mất... Phật tử này bảo là nhụt ý chí, không có sự tiến lên. Nhưng bên trong phải giữ được cái đức chính niệm tu hành, bên ngoài giữ đức không tranh đấu. Người đệ tử Phật không tranh đấu, giành giật thì không xứng đáng. Cho nên các Tổ dạy: " Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tranh chi đức " Mặc dù là như thế, nhưng người đệ tử Phật không phải là người nhụt ý chí mà là một người chiến sĩ trên chiến trường chiến đấu với Ma quân nơi chính mình, chứ không phải chiến đấu với người ngoài. Phật dạy người ngoài là cha, mẹ, anh, em quyến thuộc của mình vì sao chúng ta lại tranh đấu với họ. Nếu nói về dũng sĩ thì người Phật tửdũng sĩ bậc nhất. Cho nên trong Kinh Pháp Cú Phật có dạy rằng: " Dẫu tại bãi chiến trường, thắng vạn ngàn quân địch, không bằng tự thắng mình, ấy chiến thắng tối thượng". Có những ông tướng tuy chiến thắng ngoài trận, nhưng lại ngục ngã trước những cám dỗ của ngũ dục. Vì thế nói làm người tu hành còn khó hơn làm ông tướng gấp vạn lần. Vậy Đức Phật không ru ngủ, dạy Phật tử trở thành người yếu đuối, mà người Phật tử là người đầy đủ hùng lực, dũng khí. Người mà biết nhẫn nhục làm chủ được mình đấy mới là người dũng mãnh, tu Đạo Phật phải là người ý chí còn người yếu đuối không thể tu đạo Phật được. Không những thế người Phật tử còn mang lại hạnh phúc cho mọi người, cho nên người ta gọi Đạo Phật là đạo hộ quốc an dân.

- Còn người ta nợ mình mà không trả thì Phật nói đó là tiền kiếp mình nợ họ. Hay nếu mà cao hơn thì mình nghĩ người ta dùng cũng như mình dùng, thế thì quý hóa quá. Nghĩ như vậy thì mình sẽ không khổ và sẽ không sinh oán thù để hại nhau. Vì thế đạo Phật gọi là đạo diệt khổ làm cho chúng ta được an vui. Phật tử chúng ta nên hiểu chỗ này.

 

Câu 41: Con bạch Thầy! Con có một người bạn khi đi chùa tập ngồi thiền nhưng về bỗng dưng bị điên, vị Thầy ở chùa đó bảo là anh này có căn đồng phải mở phủ thì mới khỏi điên rồ. Như vậy có đúng không ạ?

 

Trả lời: Trước tiên xem anh này có phải vì ngồi thiền mà bị điên không. Tu thiền mà không có Thầy hướng dẫn, hoặc có Thầy mà vị Thầy đó không phải là vị tu hành chân chính hoặc là không có kinh nghiệm tu hành thì cũng rất dễ bị điên. Còn vị Thầy nào mà dạy Phật tử trình đồng mở phủ thì sai hoàn toàn. Mình là Phật tử phải kiên quyết rõ ràng không theo bất kì vị Thầy nào dạy như vậy, đấy là tà kiến không đúng Chánh Pháp của Phật. 

 

Câu 42: Con bạch Thầy! Ở xóm con có miếu hàng tháng vào ngày mùng một, ba mươi con ra đó để tụng kinh, bái sám. Con là Phật tử làm như vậy có đúng không ạ?

 

Trả lờiNếu có chùa thì quý Phật tử nên ra chùa, ở chùa có tượng Phật, Bồ tát, Thánh Tăng nơi đó trang nghiêm và đúng pháp hơn. Tuy nhiên nếu tâm mình thành kính, cung kính, thanh tịnh thì vào những chỗ không hợp lý cũng không có tội gì cả. Nhưng tâm mình còn kém nên vào những chỗ trang nghiêm để cho tâm mình cũng trang nghiêm theo. Bất đắc dĩ không có chùa thì ra miếu tụng cũng được, nhưng phải giữ tâm mình cho thanh tịnh.

 

Câu 43: Con bạch Thầy! Con đi quy y có mua áo Hải Hội khi chết có được mặc không ạ?

 

Trả lời: Bây giờ chuyện mặc áo Hải Hội, Lục thù thì Phật tử còn bị dính mắc rất nhiều. Có nhiều người bảo chết không có áo Lục thù, Hải Hội thì chắc chắn bị Diêm vương bắt, còn mặc cái áo này vào thì che mờ mắt Diêm Vương, quỷ sứ không thấy. Quan điểm trên hoàn toàn không đúng, nếu mình sống không tu nhân tích đức, không hành trì giới luật của Phật, không chăm tu thì dù có mặc áo Lục thù hay là vô số thù thì vẫn bị đọa như thường. Kể cả lấy y của các Thầy vẫn đọa như thường. Nhiều sư thầy khi sống phá giới, chết có đắp y nhưng vẫn bị đọa. Ngài Anan nằm mộng thấy thời mạt pháp Tăng, Ni đi dưới cầu còn Phật tử đi trên cầu nghĩa là Tăng, Ni thì đọa còn Phật tử thì không đọa không. Quý Phật tử phải nên hiểu thế nào gọi là áo của nhà Phật, Phật dạy: áo Như Lai là áo nhu hòa nhẫn nhục, mà nhẫn là trì được giới. Vì sao nhẫn là trì được giới? Tâm phạm giới mà mình nhịn được nó không cho nó phát khởi thì mình không phạm giới. Quý Phật tử phát nguyện tu hành, giới luật trang nghiêm chết chắc chắn sẽ không đọa. Chứ không phải là do mấy cái áo mà làm mình không đọa.

 

Câu 44: Con bạch Thầy! Tại quê nhà con có một cô y sĩ bị bà chúa trại chầu nhập vào, bị điên rồ đập đầu xuống nền nhà chùa. Cuối cùng phải mua đồ lễ để giải thì cô này khỏi bệnh, việc này phải giải thích về phía tâm linh như thế nào ạ?

 

Trả lời: Bệnh của chúng ta có rất nhiều nhân duyên, tứ đạibất hòa thì ra 404 bệnh, rồi bệnh do thời tiết, bệnh hoang tưởng là do mình không làm chủ được vọng tưởng. Còn một bệnh nữa là do quỷ mỵ dựa nhập. Vị y sĩ này là bị ma quỷ dựa nhập làm cho mình bệnh, hay là cô y sĩ này làm chuyện gì đó phạm lỗi với cái miếu này những quỷ thần ở đó phạt, khi lễ sám hối thì hết đó là chuyện bình thường. Nếu đã là Phật tử thì nên tránh không nên đến những miếu, phủ đó để tránh những chuyện không hay.   

 

Câu 45: Con bạch Thầy! Ngày 15-10 con có anh họ mất vào 2 giờ đêm, gia đình con xem giờ thì thầy pháp bảo mất vào giờ trùng phải lấy bùa yểm vào trong quan tài và phải đến điện của Thầy làm lễ lấy bùa đem về yểm vào mộ và yểm vào các gia đình anh em. Con bạch Thầy như vậy có đúng không ạ?

 

Trả lời: Thầy khẳng định là không có ông thần trùng, trong một gia đình hôm nay người này chết, cách mấy hôm người kia chết thì đây gọi là cộng nghiệp. Quý Phật tử tuyệt đối không đi theo những Thầy bùa, Thầy đã thấy nhiều gia đình sau khi yểm bùa rồi thì nhà sinh ra càng lắm chuyện. Thường các vong linh sau khi chết họ cũng lai đáo về, yểm bùa là không cho vong linh ấy về nhà làm họ rất buồn khổ. Làm như vậy chỉ họa chứ không phúc. Quý Phật tử nên y theo Kinh Địa Tạng mà làm thì sẽ được lợi ích

 

Câu 46: Bạch Thầy! Con nghe bây giờ có Thầy dạy là phải niệm A Mi Đà Phật mới được vãng sinh, còn niệm A Di Đà Phật là sai. Vậy Thầy giảng cho con biết là như thế nào ạ?

Trả lờiQuan điểm trên là sai lầm, danh hiệu Phật A Di Đà mỗi đất nước họ phiên dịch một cách khác nhau. Việt Nam gọi là A Di Đà Phật, đúng ra chữ Phật không phải là của nước Việt NamViệt Nam gọi là Bụt. Còn Trung Quốc họ gọi là A Mi tou fo, Tây Tạng họ niệm kiểu khác, rồi các nước trên thế giới mỗi nước một kiểu. Thế thì danh hiệu nào mới đúng, chẳng lẽ mỗi A Mi Đà Phật của Việt Nam mới vãng sinh còn niệm theo kiểu những nước khác không được vãng sinh à? Cho nên Phật dạy đó là mình chấp vào danh. Có câu chuyện một vị sư dạy một tín nữ dạy niệm câu “ Án ma ni bát minh hồng ” nhưng bà nghe nhầm thành “ Án ma ni bát minh khuya ”. Nhưng mà bà tin rồi nhất tâm niệm cuối cùng trên bàn thờ của bà phát quang. Một thời gian sau vị sư đó đến thăm bà thấy trên bàn thờ phát quang, vào thì thấy bà đang niệm “ Án ma ni bát minh khuya ” vị ấy gọi bà ra và bảo: bà lão ơi tôi nói thật là bà niệm sai rồi. “ Án ma ni bát minh hồng ” chứ không phải “ Án ma ni bát minh khuya ”. Thế là bà lão nói: Thầy ơi chết con rồi mười mấy năm con toàn niệm sai thôi, vị sư bảo bà phải niệm lại đi, rồi bà lão vào niệm “ Án ma ni bát minh hồng…” nhưng tâm tư bà chán nản, công phu bao nhiêu năm của mình đều đổ xuống sông xuống biển hết. Vị sư đứng sau thấy hào quang trên ban thờ không có nữa, vị ấy nghĩ là chính mình sai chứ không phải bà lão sai. Rồi vị sư gọi bà lão ra rồi bảo: Cụ ơi! Tôi thử lòng cụ đấy, chứ cụ niệm “ Án ma ni bát minh khuya ” là đúng rồi đấy, công lao không mất tí nào đâu. Bà lão bảo: thế hả thầy, không thôi con uổng phí công lao mười mấy năm của con. Rồi bà đi vào bà niệm “ Án mani bát minh khuya ” một lúc là trên ban thờ lại phát hào quang.

Vậy chúng ta thấy quan trọng là cái Nhất tâm, cái danh không quan trọng. Người bị ngọng làm sao niệm ra được chữ A Di Đà Phật được, có khi niệm ra chữ gì đấy. Nhưng nếu mà nhất tâm thì vẫn được vãng sinh. Vì thế ai bảo niệm A Mi Đà Phật đó là chấp danh, không đúng. Cho nên Phật tử chúng ta không rơi vào quan điểm sai lầm như thế. Cứ A Di Đà Phật niệm bình thường.

 

Câu 47: Con bạch Thầy! Con niệm Phật mỗi ngày 200 tràng rất nhất tâm nhưng sao con không được gặp Phật, nhưng những người bạn đồng tu của con nói là tối nào cũng được gặp Phật. Vậy là như thế nào ạ?

 

Trả lờiNgười tu Tịnh độ nếu niệm Phật cứ mong ngóng được gặp Phật thì không tốt đâu. Tâm mong cầu ấy rất nguy hiểm, nếu không cẩn thận thì sẽ bị ma nhiếp tâm mình. Niệm Phật chỉ biết là nhớ nghĩ Phật thôi chứ lại mong cầu Phật hiện ra phóng hào quang xoa đầu cho con thì ma nó ra nhiếp mình thì sẽ bị dính vào ma cảnh. Vậy phải nhất tâm niệm Phật, niệm không quên, chuyên chú, nhớ rõ từng câu. Còn ai nói gặp Phật thôi mình không quan tâm. Mà phải quan tâm mình có diệt được phiền não hay không đó mới là điều quan trọng nhất.

 

Câu 48: Con bạch Thầy! Con đọc trong kinh Niệm Phật Ba La Mật Phật có nói: “Tình và Tưởng ”. Vậy xin Thầy giải thích cho con được biết “ Tình là gì và Tưởng là gì ”?

Trả lờiTrong Kinh Phật nói Tình nhiều Tưởng ít, Tình mà nặng quá thì vào địa ngục, nhẹ hơn một chút thì làm ngạ quỷ, nhẹ hơn nữa thì làm súc sinh. Tưởng nhiều mà tình ít thì sinh về cõi trời hoặc sinh về cõi Phật. Cái này xuất phát từ Kinh Lăng Nghiêm khi đức Phật nói về các nghiệp của chúng sinh. Trong tâm chúng ta nếu mà phân ra thì người ta nói là Âm và Dương hoặc Tình và Tưởng. Tưởng là thuộc về Trí, Tình thuộc về Ái. Tình thì giống như nước nó trược nặng, chìm xuống. Còn Tưởng thì guống như lửa nó nhẹ, bay lên. Tình nhiều thì ít Tưởng, cho nên ai Tình nặng hơn Tưởng thì ngu si hôn ám, chấp thủ nhiều. Còn người Tưởng nhiều thì lòng dục của người ta ít, họ thường sáng suốt nhẹ nhàng. Cho nên chúng ta tu Phật thì phải làm sao cho Tình bớt đi, Phật dạy: Ái tận thì Niết Bàn. Vậy chúng ta tu theo lời Phật dạy thì sẽ được sinh về những cõi thanh tịnh.

 

Câu 49: Con bạch Thầy! Ở quê con có ngôi chùa có 6 ngôi tháp cổ từ thời nhà Mạc. Năm 2012 thì rời tháp vào lăng mới, sau 3 tháng chuyển tháp thì trong dân làng xảy ra rất nhiều chuyện, nhiều người bị chết cùng một căn bệnh, nhiều người bị ốm. Vậy mong Thầy giải thích cho con chuyện này là sao ạ?

 

Trả lời: Chuyện này thì Thầy xin nói như thế này: các Tháp của chư Tăng hay là mộ của dân khi xây dựng lên những vong linh họ còn chấp trước vào mộ mả thì khi chúng ta chuyển mộ đối với họ cũng có vấn đề. Tự nhiên mình đến đào mộ của họ mà không khấn, không thưa thì họ cũng gây cấn với mình. Trong luật của Phật khi chư Tăng muốn chặt một cái cây nào đó, đặc biệt là cây lớn thì cũng phải bạch với họ trước một tuần chứ không được tự tiện cứ thế mà chặt, huống hồ là mồ mả mà có những vong linh ở đó. Vậy chúng ta muốn chuyển mộ của họ thì phải sắm lễ, mời những vị có oai đức xuống và khai thị cho vong linh để cho họ hiểu và họ đi. Còn đối với Tháp của chư Tăng, chư Tăng có vị tu liễu đạo có vị không liễu đạo. Người không liễu đạo thì vẫn chấp như thường, còn những Tháp của những vị Thánh Tăng nếu chúng ta làm tổn hại thì sẽ bị những điều không tốt. Không phải là các vị Thánh Tăng về xử phạt mà là quỷ thần, hộ pháp ở đó họ phạt. Tháp của chư Tăng chúng ta chuyển thì cả một vấn đề không phải tự ý được. Dân làng trên khi chuyển Tháp Thầy không biết là có chu đáo, cẩn thận không mà để xảy ra chuyện như thế thì nên xem xét việc làm của mình. Đương nhiên có những chùa khi xây dựng thì vẫn phải di chuyển Tháp, thì phải làm lễ rất cẩn thận đúng pháp không thôi sẽ xảy ra những chuyện bất như ý.

 

Câu 50: Con bạch Thầy! Ở nhà con có thờ Phật, vậy khi cúng gia tiên con có nên cúng Phật xong mới cúng gia tiên không ạ?

 

Trả lờiChúng tađệ tử Phật thì nên cúng Phật trước xong mới cúng gia tiên. Nhưng không nên cứng nhắc có thể là cúng chúng sinh hay cúng gia tiên trước rồi cúng Phật cũng được. Phật cũng không trách là sao lại cho chúng sinh ăn trước. Cũng giống như ở nhà, đến bữa mà trẻ con đói thì cũng phải cho ăn trước ông bà cũng phải ăn sau. Nhưng mà thường thì cúng Phật trước rồi cúng chúng sinh, để chúng ta thêm lòng cung kính với Phật.

 

Câu 51: Con bạch Thầy! Chúng con có tụng một bộ kinh dài nhưng trong một ngày tụng không hết, chúng con để đến ngày mai tụng tiếp. Vậy khi tụng tiếp thì phải như thế nào cho đúng ạ?

 

Trả lời: Khi muốn tụng tiếp thì cũng phải dâng hương, lễ Tam bảo, khai Kinh như thường. Khai kinh xong thì mình tụng tiếp phần mình còn dang dở. Chứ không phải vào xong là đọc ngay mà không có nghi thức ban đầu thì thiếu sự trang nghiêm.

 

Câu 52: Con bạch Thầy! Khi đang lần tràng niệm Phật mà bị đứt thì có sao không ạ?

Trả lời: Đứt là chuyện bình thường vì nó theo quy luật vô thường, trừ khi mình lười không niệm thì nó lâu đứt. Nếu nó bị đứt thì mua dây mới về xâu lại rồi niệm Phật tiếp, chứ không có vấn đề gì cả.

 

Câu 53: Con bạch Thầy! Con có con trai ba tuổi vào 12 giờ đêm của tháng bảy âm lịch năm trước cháu khóc rất dữ dội, hoảng hốt sợ sệt ba đêm liền. Rồi vào ngày âm lịch hàng tháng cứ vào 12 giờ đêm cháu lại như vậy xin Thầy chỉ dạy giúp con là cháu bị làm sao ạ?

Trả lời: Lý do trẻ con khóc thì cũng có nhiều. Ví dụ như là thân thể nó đau nhức, đói nó khóc hay là tâm không an nó cũng khóc. Thường thì cháu bé vía nó yếu, nếu nhà mình hay nơi đất nhà mình mà có những vong linh yêu tà thì cũng có thể làm cho các cháu sợ hãi. Vì các cháu nhỏ linh cảm tốt hơn còn người lớn thì tạp nhiễm khó linh cảm được. Thì chuyện đó liên quan đến người âm. Vậy chúng tabiện pháp để giải quyết, biện pháp thì có nhiều hoặc là mình tụng giới luật của Phật, thỉnh các vị hộ Pháp họ đến thì có thể là đỡ, hoặc là tụng Kinh Phật hay là trì chú. Nhưng mà phải ở công đức của mình, mình phải định tâm, phải có giới chứ không phải mình làm được ngay. Hay là mình có năng lực thì khai thị cho họ, hoặc là làm lễ cho những oan gia trái chủ của mình, tác phước cho họ để họ không quấy mình nữa và để về sau sẽ không xảy ra nhiều chuyện.

 

Câu 54: Con bạch Thầy! Con bị một vong nhập vào người và hay bị quấy nhiễu, nằm mộng thường tạo ác nghiệp ý nghĩ dâm loạn, ngủ thường quay mặt vào bờ tường. Bây giờ con phải làm sao ạ, người này theo con lâu rồi mong Thầy chỉ đường dẫn lối cho con?

 

Trả lời: Có những người có nợ nần ân oán từ tiền kiếp rồi họ theo đuổi nhau. Hòa thượng Tuyên Hóa có kể câu chuyện có một cô gái này bị một con quỷ theo rồi nó ái như vợ chồng, gia đình cô rất sợ hãi. Về sau HT phải đấu phép với nó, mà con quỷ này không phải hạng vừa. Những trường hợp như thế này cũng phải tùy mà giải quyết. Xem nó là ân hay oán hay là chuyện ái tình, nên đến các bậc cao đức thỉnh lời chỉ dạy.

  

Câu 55: Con bạch Thầy! Vì công việc gia đình nên việc tu tập của con còn rất yếu kém, nếu đến những nghĩa trang cầu siêu thì ở đó có rất nhiều hương linh, con phải tu tập như thế nào để khi đến những nơi đó được thành tựu cho hương linh. Và khi đến những nơi đó chúng con còn non yếu thì có ảnh hưởng gì đến thân tâm không ạ. Kính mong Thầy giảng cho chúng con?

 

Trả lời: Việc cầu siêu hay là trợ niệm đó là việc rất tốt. Nhưng những người chết họ thuộc phần âm thì những người mà yếu quá cũng không nên gần. Nhưng không phải thế mà chúng tatrách nhiệm mà bỏ hết, khi nào cảm thấy mình yếu thì nghỉ còn khi nào khỏe thì đi, còn ảnh hưởng thì cũng không phải là nhiều. Các Phật tử muốn các hương linh đó được thành tựu thì mình nên tu tập cho thật tốt để mình có lực thì có thể chuyển hóa được cho họ, khiến cho họ được siêu thoát.

 

Câu 56: Con bạch Thầy! Gia đình con chuẩn bị làm giỗ anh con năm thứ ba cũng gọi là giỗ đoạn tang vậy gia đình con phải làm như thế nào ạ?

 

Trả lời: Theo phong tục xưa người mất thì họ để thờ ba năm, đến ngày đó thôi không phải để tang nữa. Nhưng đối với tinh thần đạo Phật thì đến 49 ngày là xong, vong linh đã chuyển kiếp. Việc để tang như xưa đối với bây giờ thì không hợp nữa. Còn những gia đình nào để tang có để nhưng không đeo thì Thầy không bắt cái đó thì tùy, nhưng đối với đạo Phật thì không quan tâm chuyện đó.

 

Câu 57: Con bạch Thầy! Gần đây con đọc được một quyển sách lý giải về hiện tượng ngoại cảm, con thắc mắc tại sao những người được gọi là ngoại cảm lại có khả năng nói chuyện, nhìn thấy người âm phải chăng là khoa học hay thiên về tâm linh nhiều hơn ạ?

 

Trả lời: Những năm tháng qua có xuất hiện những nhà ngoại cảm khi dân chúng có nhu cầu tìm mộ liệt sĩ, nhiều khi có những chuyện rất lạ. Khi mà toàn dân khao khát cái gì thì sẽ ứng ra cái đó, trong chiến tranh thì không thấy xuất hiện nhà ngoại cảm nào cả. Chiến tranh kết thúc chúng ta nghĩ đến anh, em những người thân của mình khao khát tìm mộ của họ thì tự nhiên xuất hiện những nhà ngoại cảm. Khả năng đặc biệt thì có những trường hợp sau có thể phát sinh: thứ nhất là do cấu trúc cơ thể có những đột biến, thứ hai là do công năng tu tập, thứ ba là do phúc báo tiền kiếp, tiền kiếp họ có tu tập có thể hồi bé họ chưa phát sinh nhưng đủ nhân duyên thì nó gợi ra, thứ nữa là do ma tà quỷ quái ám nhập ví dụ như những vị hầu đồng có những ma quỷ nhập vào nói việc này, việc kia rất chính xác. Và cũng có thể là do chư thiên họ mách bảo. Còn các nhà ngoại cảm Thầy không biết khả năng của họ là do đâu mà có được, nếu mà do tu tập thì sẽ không mất, còn nếu mà do ma tà ám nhập thì lúc được lúc mất cúng lễ cho nó tốt thì nó giúp cho nếu không thì không được. Còn phúc báo tiền kiếp nếu tu hành tiếp thì nó được duy trì, không tu mà lạm dụng nó, hay dính mắc vào danh lợi thì nó sẽ mất. Chuyện ngoại cảm là phải thuộc về tâm linh, mà tâm linh cũng là khoa học. Khoa học là một môn gì đó chính xác thực tại được gọi là khoa học, tâm linh thì rất chính xác rất thực tại nên cũng gọi là khoa học. Vì thế tâm linhsự thật không thể phủ nhận được. 

 

Câu 58: Con bạch Thầy! Ngôi nhà con đang ở đã xuống cấp, được chính quyền, anh em động viên xây lại mong cải thiện cuộc sống. Con muốn làm lễ động thổ để xây nhà mới vậy con phải làm như thế nào ạ?      

 

Trả lời: Xây nhà xây cửa thì nên làm lễ cúng dường Phật, tụng kinh Địa Tạng vì Ngài có năng lực rất lớn. Trong kinh Địa Tạng có nói đến lợi ích cho kẻ còn người mất, ở đâu tụng kinh thì ở đó đều được tốt. Và thỉnh ngài Kiên Lao Địa Thần là chủ quản hết tất cả các vị thần thổ địa đến để cúng dường và cáo các thổ địa ở đó, rồi cúng chúng sinh xong rồi mình xây cất bình thường.

 

Câu 59: Con bạch Thầy! Có điều con chưa rõ là hôm 30 âm lịch con lên chùa sám hối có một Phật tử nam đưa cho con một quyển sách có tựa đề là Mẹ Hiền Quan Âm. Con nghĩ là kinh hoặc sách Phật nên thọ nhận, con về xem thấy có 14 điều răn của Phật và mấy bài thơ về Mẹ Quan Âm rất hay. Tuy nhiên ở cuối quyển sách đó lại có tựa đề là “ gửi người may mắn ” nói với các độc giả là khi đọc cuốn sách này xong phải sao chép bằng cách chép tay hay photo ra làm 27 quyển rồi gửi đi khắp nơi, trong đó còn nói gửi thì được may mắn như trúng xổ số hay nhặn được đôla. Con không tin đó là sự thật vì theo Phật dạy phước báu là do mình đã gieo nhân lành từ trước thì bây giờ mình được quả lành chứ không phải do may mắn hay xúi quẩy, nhưng con băn khoăn liệu đây có phải là cách thức truyền bá mê tín nương danh theo đạo Phật hay các Phật tử vẫn có những quan điểm sai lầm về Phật Pháp. Kính mong Thầy chỉ dạy cho con? 

 

Trả lời: Bây giờ có xuất hiện những tờ rơi hay quyển sách như thế, Phật tử đọc xong thì rất sợ. Ví dụ như có người nói là ở Trung Quốc có một ngọn núi nổ rồi bay ra một quyển sách ai mà nhặn được thì phải làm như sách dạy nếu không làm theo thì sẽ bị nhiều chuyện. Các Phật tử phải khẳng định rằng tất cả những dạng sách như vậy đều là tà đạo là ma tà. Không có kinh Phật nào dạy mình như thế cả, kể cả kinh Phật mình không in mình cũng không có tội gì cả. Kinh Phật là quý nhất trên đời, là từ kim khẩu Phật nói ra mình thích đọc thì đọc không đọc thì thôi chứ Phật đâu bắt mình phải in kinh Phật. Đức Phật chỉ khuyến khích nếu thấy hay thì in ra cho thập phương cùng xem, chứ Phật không có dọa không in kinh Phật là chết. Vậy tất cả những tờ rơi, sách vở linh tinh đó các Phật tử gặp là hủy ngay, không lưu truyền những cái tà kiến đấy. 

 

Câu 60: Con bạch Thầy! Con thấy những người đi lễ họ cứ xoa tượng rồi nhét tiền vào trong tay tượng vậy họ làm như vậy có đúng không ạ?

 

Trả lời: Nếu chúng ta xoa thân các ngài với tâm tôn kính thì không có lỗi gì cả, mà còn được phước. Còn nhét tiền vào tay vào người tôn tượng thì không nên là như vậy. Bởi vì đồng tiền qua tay người này người kia rồi để những chỗ lung tung không được trong sạch thì không nên nhét lên tượng. Ở chùa có hòm công đức thì các Phật tử nên để vào hòm là tốt nhất, chứ không phải là nhét lên tượng các Ngài mới chứng, các Ngài chứng là chứng nơi tâm chứ không phải là mình cho các Ngài xem các Ngài mới chứng.

 

Câu 61: Con bạch Thầy! Có người nói bây giờ tu Tịnh độ chỉ có niệm Phật thôi không phải học hành gì cả, vậy như vậy có đúng không ạ. Kính trên Thầy giải thích cho con?

Trả lờiQuan điểm trên không đúng, ngay trong kinh Vô Lượng Thọ một trong tam kinh của Tịnh độ Phật dạy là phải đọc tụng kinh điển Đại thừa. Thầy khuyên là ai có điều kiện đọc thì cố gắng đọc, ai có điều kiện có thể đi nghe pháp thì nên đi. Nghe, tụng kinh Phật khiến cho mình mở trí tuệ, khi trí tuệ mình mở thì lòng tin của mình sẽ sâu hơn, mình niệm Phật sẽ thiết tha hơn. Chứ niệm Phật mà không biết Phật có thật hay không, chẳng biết Tây Phương ở chỗ nào, thế thì như thế làm sao mà được vãng sinh. Vậy quan điểm của chúng ta phải nhất quán như thế.

 

Câu 62: Con bạch Thầy! Con là Phật tử đã quy y, con có chồng đã đi ngoại tình mười năm nay. Con hiểu đây là luật nhân quả nên con đã làm lễ cầu siêu cho oan gia trái chủ cho chồng con. Nhưng chồng con vẫn không thay đổi dù rằng con đã khuyên anh nhiều và nhẫn nhịn tất cả để yên vui gia đình. Nay con xin Thầy giải đáp cho con là phải tu tập như thế nào để hồi hướng cho chồng con nghĩ lại để cho gia đình cho con hạnh phúc?

 

Trả lời: Như chúng ta đã biết, chuyện vợ chồng trăm nhà thì đâu có được cả trăm nhà hạnh phúc. Có những khi vợ chồng là cái nợ, có những cặp vợ chồng là cái duyên nó có thể là tốt nhưng khi sống với nhau không tu dưỡng tốt thì lại là khổ. Còn mắc nợ nhau thì đến với nhau là đã khổ rồi và suốt cả đời hành khổ nhau. Vợ chồng thường là có những duyên nghiệp với nhau từ đời trước, gặp nhau là liền mến nhau ngay mà người ta thường gọi là “tiếng sét ái tình”. Thầy biết một cô Phật tử ở Hà Nội có một cậu con trai đi nước ngoài học nhưng lại yêu một cô nông thôn rất là xấu. Không biết như thế nào về cứ nằng nặc bắt bố mẹ phải cưới bằng được, bố mẹ tìm hiểu gốc gác của cô gái này biết là không môn đăng hậu đối với nhà mình nên kiên quyết không cho cưới. Cậu con trai thì khăng khăng nếu không cho con cưới thì sẽ tự vẫn, cuối cùng đành phải cưới. Cưới được mấy tháng thì không biết tại sao lại khăng khăng đòi bỏ. Chúng ta thấy vợ chồng đúng là duyên nợ. Có những cặp vợ chồng nợ nhau chưa trả hết nợ suốt ngày đánh nhau, chửi nhau mấy trận thế nhưng bỏ nhau không được. Chỗ này còn có một cái nữa đó là mắc oan gia trái chủ. Oan gia trái chủ tức là đối tượng bên ngoài oán kết với vợ chồng mình nó đến để phá hạnh phúc gia đình. Và ngay cả những vong thai nhi của mình nó cũng phá hạnh phúc của mình. Một đằng là oan gia trái chủ nếu mà giải được thì nó hết. Còn một đằng là do nghiệp duyên thì phải tu tập, phải nhẫn nhục nhưng nếu định nghiệp nặng. Ví dụ như trong tiền kiếp mình đi cướp chồng của người khác làm cho chồng con họ tan nát thì kiếp sau định nghiệp với mình cũng phải như thế chồng mình sẽ bị mất sẽ bỏ mình, cái đó thật khó chuyển vậy mình phải nhẫn chịu thôi. Thưa các Phật tử đức Phật Ngài có nói: Ta cũng không chuyển được định nghiệp của chúng sinh. Có những người lên chùa kêu với Thầy là con khổ lắm Thầy cũng rất thương nhưng Thầy biết làm sao bây giờ vì tiền kiếp làm khổ người bây giờ quả báo đến thì mình phải chịu thôi. Chứ nói rằng ngày xưa con làm khổ người nhưng bây giờ con đi theo Phật được một tí thì con hết khổ ngay thì không còn nhân quả nữa, nhân quả là rất công bằng. Trong Kinh Phật có kể một câu chuyện như thế này: Ở Ấn Độ có một ông vua đã lâu rồi mà không có con, ông thiết tha lập một trai đàn rất lớn cầu sinh con. Ông thỉnh Phậtchúng Tăng đến cung, ông nguyện nếu Phật mà dẵm lên tấm thảm bằng vàng này thì nhất khoát con sẽ có con. Rồi ông cho sứ giả vào thỉnh Phậtchúng Tăng vào thọ trai nhưng Phật quán thì biết nghiệp duyên của ông vua này như thế nào. Khi Phật vào hoàng cung đến tấm thảm đó thì Ngài đứng lại, ông ra thiết tha lạy Phật và thỉnh Ngài bước lên tấm thảm này, ông thỉnh ba lần nhưng Phật vẫn đứng im. Rồi Ngài nói: Ta không thể bước lên tấm thảm này vì bệ hạ có thầm nguyện nếu Phật bước lên tấm thảm này thì bệ hạ sẽ sinh con trai. Nhưng định nghiệp của bệ hạ không thể có con được. Và câu chuyện ông vua Lưu Ly đem quân sang đánh dòng họ Thích Ca, đức Phật ba lần hiện thân ra ngăn cản nhưng đến lần thứ ba Ngài biết đây là định nghiệp không thể tránh. Ngài Mục Liên thương quá nên dùng thần thông đưa một số người vào bình bát của mình bay lên hư không rồi bạch Phật con đã cứu một số người của giòng họ Thích an toàn. Nhưng Phật nói: ông thử mở bát ra xem thử, khi mở ra thì chỉ còn lại một bát máu. Vậy thì trong vô lượng kiếp luân hồi mình đã lỡ gây ra những định nghiệp xấu, ác những nhân khổ thì kiếp này mình phải chấp nhận phải trả. Lấy khổ đấy để tu chứ Phật cũng muốn mình không khổ. Phật tử trên đã làm lễ giải oan kết rồi mà vẫn không hết thì biết đây là nghiệp duyên. Anh ấy không chung tình với mình thì thôi, mình có Phật rồi thì tu đi vương vấn làm gì cho khổ.­­

 

Câu 63: Con bạch Thầy! Phật dạy: nghiệp của ai thì người ấy phải chịu, nhưng Phật cũng dạy làm phước để hồi hướng phước ấy không phải do mình tự làm được mà vẫn có thể được nhận được hưởng. Vậy nghĩa là như thế nào ạ?

 

Trả lờiĐúng trong Kinh Phật có dạy như thế, ai tạo nghiệp thì người ấy chịu. Tập thể đồng gây nhân thì tập thể đồng phải chịu. Còn mình không làm phước nếu có người hồi hướng mình vẫn có thể được hưởng, nhưng mình với người hồi hướng cũng phải có nhân duyên. Phật dạy đệ tử Phật dù làm phước lớn hay nhỏ đều nên hồi hướng. Người làm phước mở được tâm rộng lớn, để dẹp cái ngã, ích kỷ của mình. Tu để đến chỗ giác ngộ giải thoát là phải xả được cái nhỏ hẹp. Phước là một cái năng lực, năng lực này hướng đến ai thì người đó được hưởng. Nhưng còn được hưởng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào người nhận nữa và trong các cõi. Như trong kinh Địa Tạng nói: làm phước được bảy phần thì người sống hưởng sáu phần hồi hướng cho người chết chỉ được hưởng một phần. Đấy là cái năng lực đặc biệt của phước báu.

 

Câu 64: Con bạch Thầy! Người chân thật xuất gia cứu được bảy đời cha mẹ, nhưng ngài Mục Liên đã chứng quả A La Hán sao mẹ Ngài vẫn bị đọa. Mong Thầy giải thích cho con?

 

Trả lời: Phật nói: Người con chân thật xuất gia cứu độ được bảy đời cha mẹ. Cứu độ chứ không phải là xuất gia xong là bảy đời cha mẹ hết đọa ngay. Mình xuất gia mà bố, mẹ ở nhà cứ đi ăn trộm, ăn cắp thì làm sao mà không đọa. Bảy đời cha mẹ không chỉ là có bảy đời mà là rất nhiều kiếp trước. Người con chân thật xuất gia sẽ giáo hóa cha mẹ mình rất rất nhiều kiếp trước, mình đủ năng lực thì sẽ cứu độ được cha mẹ. Ngài Mục Liên đi xuất gia nhưng mẹ Ngài ở nhà vẫn tạo ác thì bà vẫn phải đọa đó là luật nhân quả. Chứ không phải đi tu rồi mẹ mặc sức tạo ác không bị làm sao cả, đó là mê tín. Ví dụ như bây giờ các Phật tử có ai đi tu rồi mình và bạn đạo về sẽ cảm hóa được cha mẹ. Cha mẹ sẽ nghĩ bây giờ mình có người con đi tu mình mà làm điều tội lỗi xấu xa thì không được sẽ mang tiếng, thì cha mẹ sẽ chuyển tâm đấy cũng là cái mình độ. Ngài Mục Liên đã phát nguyện nhiều kiếp đi theo bà Thanh Đề để độ bà đến kiếp này Ngài mới độ được là nhờ Ngài xuất gia và nhờ đức của chúng Tăng không thôi thì cũng không thể độ.

 

Câu 65: Con bạch Thầy! Con được học là buổi sáng là chư thiên ăn, buổi trưa là Phật ăn còn buổi tối là ngạ quỷ ăn. Nhưng tại sao khi lập đàn tràng lại cúng Phật vào buổi tối ạ?

 

Trả lời: Buổi sáng là chư thiên ăn, buổi trưa là Phật ăn còn buổi tối là ngạ quỷ ăn đó là thông lệ của họ. Cúng Phật thường thì cúng buổi trưa nhưng có những đàn lễ lại cúng Phật buổi tối, tuy nhiên cúng Phật thì cúng giờ nào cũng được vì thật ra Phật có thọ thực đâu, dù mình có cúng đúng giờ ngọ Phật cũng không thọ thực, Ngài chỉ chứng tâm thôi. Thầy không có thời gian, một số lễ Thầy phải làm buổi tối nhưng Thầy có bạch Phật rằng: dẫu không phải là thời nhưng thỉnh Phật chứng lòng thành của tín chủ. Vậy thì cúng sáng cũng được mà cúng tối cũng được Phật 12 giờ đêm cúng thì Phật cũng được. Lòng mình thành mới là quan trọng nhất.

 

Câu 66: Con bạch Thầy! Ở các chùa thường thỉnh chuông vào buổi sáng và buổi chiều mà không phải lúc khác, vậy có ý nghĩa như thế nào ạ?

 

Trả lời: Buổi sáng thỉnh chuông mang ý nghĩa thức tỉnh chúng sinh còn đang chìm trong giấc ngủ. Còn buổi chiều cũng là để thức tỉnh chúng sinh ở các cõi họ nghe. Trong bài hô chuông có câu là:

Nguyện thử chung thinh siêu pháp giới,

Thiết vi u ám tất giai văn,

Văn trần thanh tịnh chứng viên thông,

Nhứt thiết chúng sanh thành Chánh giác.

Nghĩa là:

Nguyện tiếng chuông này siêu pháp giới

Núi Thiết Vi u ám đều được nghe

Nghe rồi thanh tịnh chứng viên thông

Tất cả chúng sinh thành chính giác.

 

Trong Lương Hoàng sám có nói nếu tiếng chuông này thấu xuống địa ngục chúng sinh trong ấy nghe được thì có thể tạm ngừng tra tấn. Đấy là nói về mặt sự tướng, còn về ý nghĩa thì rất sâu xa. Khi lòng mình đang đầy phiền não đấy chính là địa ngục, là tâm thức mình đang trong địa ngục chợt nghe thấy tiếng chuông tự nhiên lòng mình nhẹ nhàng. Cho nên nói là “ nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ” mình nghe chuông mình tỉnh ra thì lòng mình nhẹ đi thì đấy là chúng sinh trong địa ngục được nghỉ. Cho nên ở chùa thường thỉnh chuông để thức tỉnh chúng sinh quay về bản tâm đấy là ý nghĩa của việc thỉnh chuông.

 

Câu 67: Con bạch Thầy! Nhà con có 3 tầng, nhưng con muốn đặt bàn thờ ở tầng một có được không ạ?

 

Trả lời: Việc thờ phụng chúng ta cứ xét chỗ nào mà tâm mình cung kính là được. Nhưng bàn thờ Phật không được để quay về những chỗ bất tịnh tối tăm như là nhà xí, nhà tắm, chuồng lợn, chuồng gà, nhà bếp …hay là đặt trong phòng ngủ của vợ chồng. Hoặc tầng trên là nhà vệ sinh tầng dưới chỗ mình thờ ở ngay dưới nhà vệ sinh cũng không được. Thế còn nhà mình nhiều tầng mà Phật tử tuổi cao vẫn thiết tha muốn lễ bái thì đặt ở tầng một cũng được nhưng đặt chếch đi đừng để dưới nhà vệ sinh thì không có lỗi gì cả. Như những nhà trung cư mình mà muốn thờ Phật thì cứ thờ không sao cả, làm sao tâm mình thấy TỊNH là được.

 

Câu 68: Con bạch Thầy! Trong năm giới cấm của nhà Phật có giới không được nghiện bất kì một cái gì mà làm mất trí tuệ gây ra những nghiệp ác. Gia đình con có em trai nghiện hút nhưng khi chết được làm theo nghi thức của nhà Phật gia đình con có thỉnh sư Tăng về nhập quan, di quan. Trong bảy tuần có các Phật tử về tụng kinh và đến tuần thứ ba thì làm lễ cầu siêu tại chùa, vậy hương linh của em con có được sinh về cõi lành không ạ?

 

Trả lời: Những người phạm giới hay phá giới thì khi chết rất dễ bị đọa, nếu không có các phước báu nâng đỡ thì chắc chắn bị đọa. Nhưng nếu người tu hành tốt họ lỡ phạm một giới gì đó như ăn cắp hay nói vọng ngữ nhưng sau đó họ sám hối thì có thể họ không bị đọa. Vấn đề đọa hay không còn căn cứ rất nhiều thứ, nếu người này không tu tập gì chỉ thuần phạm giới thì chắc chắn sẽ đọa. Còn nếu phạm rồi biết ăn năm, sám hối nghiệp chướng tích phước báu thì sẽ không đọa. Nhưng sám hối phải có phương pháp, tội nhẹ sám hối một, hai lần có thể hết còn tội nặng thì rất khó còn những tội cực nặng thì sám hối không được. Vậy quý Phật tử phải chăm sám hối, theo cái thấy của Phật hôm nay mình phạm tội mà không sám hối để qua ngày hôm sau thì tội mình thêm lên. Còn em trai của Phật tử trên không biết có tạo tội nặng hay không nhưng nếu được chư Tăng làm lễ rồi gia đình hồi hướng phước cho thì cũng được bớt phần nào.

 

Câu 69: Con bạch Thầy! Con có một người bạn đồng tu có mẹ mới mất, gia đình mời một ông Thầy pháp đến ông ta bấm và nói là chết giờ trùng cần phải yểm mộ. Như vậy mẹ chị đó có về nhà được không, con cái tụng kinh, niệm Phật làm phước hồi hướng cầu siêu cho mẹ cụ có được hưởng phước gì không? Xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho chúng con được biết?

 

Trả lời: Với tinh thần của đạo Phật thì không có quan niệm chết trùng mà là do cộng nghiệp với nhau. Còn ông Thầy pháp nếu mà họ có âm binh thì khi yểm vào mộ thì những âm binh đó sẽ giữ vong linh nhà mình không cho họ về nhà. Còn việc làm phước cho vong linh nhà mình thì phước đó vong linh vẫn được hưởng, cái bùa không thể ngăn cản được. Bùa có thể căn vong linh nhà mình chứ không cản được phước. Quý Phật tử theo Phật đừng bao giờ yểm bùa sẽ làm cho vong linh nhà mình rất khổ lại sinh ra hận con cháu.

 

Câu 70: Con bạch Thầy! Con thấy bây giờ có một phái tu gọi là “Đàn tràng tu gia Bác Hồ” viết những bài thơ của Bác Hồ rồi vào phổ biến cho những người trong đạo tràng và họ tôn Bác Hồ là Phật của Việt Nam và con thấy những bài thơ ấy được gọi là Kinh. Con không hiểu chỗ này, con mong Thầy giải đáp cho con?

 

Trả lờiBây giờ có xuất hiện một Đạo mà người ta gọi là Đạo Ngọc Phật hay gọi là Đạo Bác Hồ, rồi cũng có lúc biến thái gọi là Đạo Long Hoa. Nguồn gốc của Đạo này là xuất phát từ một số vị họ lập lên, tu hành thì không có giáo lý gì. Họ tự viết ra những bài thơ rồi tuyên truyền linh tinh. Ban Tôn Giáo Chính Phủ họ cũng điều tra biết đây không phải chính thốngTôn giáo. Còn bảo là Bác Hồ là Phật thì không phải, trong Kinh Đức Phật nói một kiếp thì chỉ có một xuất hiện một Đức Phật. Ở Việt Nam chúng ta gọi Ngài Trần Nhân Tông là Phật Hoàng đó là chúng ta tôn kính Ngài chứ Ngài chưa dám nhận Ngài là Phật. Giáo pháp của Phật Thích Ca vẫn còn thì không thể có vị Phật thứ hai xuất hiện. Bao giờ con người có tuổi thọ lên đến  84000 tuổi thì Đức Phật Di Lặc mới hạ sinh tu hành Phật rồi đem Phật pháp giáo hóa chúng sinh. Từ khi Đức Phật Thích Ca nhập diệt thì không ai được phép sinh làm Phật, các Bồ tát thì có chứ Phật thì không có hai. Bác Hồ với tâm lượng lớn thì có thể gọi Bác là một vị Bồ tát chứ không thể gọi là Phật được. Chúng ta phải rõ rãng chỗ này.

 

Câu 71: Con bạch Thầy! Ông nội và bố của con mất cách đây 6 năm, anh trai và con trai con cũng đã mất 4 năm. Tới đây gia đình con sẽ bốc tất cả ngôi mộ này vào cùng một ngày. Thế nhưng gia đình con có đi xem bói thì ông Thầy bói nói rằng không làm cùng được một lúc. Nếu làm cả bốn ngôi mộ cùng một lúc thì sẽ phạm vào chữ “TỨ”, chữ TỨ có nghĩa là “ TỬ ”, nếu làm vào 3 ngôi mộ thì phạm vào KIM LÂU. Thế nên con không biết thế nào đúng. Vậy con xin bạch với Thầy cho con một lời khuyên để cho lợi lạc cả người sống và người chết?

 

Trả lời: Việc bốc mộ đến ngày bốc thì cứ bốc, bốc bao nhiêu mộ một lúc thì cũng không sao. Lại có người nói là con không được bốc trước mẹ đợi khi nào mẹ chết rồi mới đến lượt con. Bây giờ mẹ sống hơn 100 tuổi thế thì phải để cái mộ đó mấy chục năm nữa. Quan điểm đó không đúng mà là hủ tục. Đến ngày là bốc, đó là chánh kiến các Phật tử không phải lo sẽ xảy ra vấn đề gì. Thứ nữa là việc bốc mộ người ta quy định là phải bốc ban đêm, không được bốc ban ngày nếu bốc ban ngày thì bị thế này, bị thế kia. Nhưng không phải như thế, họ làm như vậy để giữ cho những người thân hình ảnh đẹp về người cha người mẹ của họ. Nếu ban ngày bốc thì thấy toàn là xương họ nhìn thấy sẽ ghớm, ấn tượng đẹp về người mẹ của họ sẽ không còn được như xưa nữa. Chứ không phải mấy chuyện ma quái, rồi linh hồn mẹ mình bị ánh sáng chiếu làm cho hồn bay phách tán. Nếu mà không có vấn đề gì thì cứ bốc ban ngày cũng được, chứ các Phật tử đừng nghe mấy ông Thầy bói. 

 

Câu 72: Con bạch Thầy! Con năm nay 27 tuổi, con đã lấy chồng và có con 3 tuổi. Nhưng không hiểu tại sao gần đây chồng con cứ lẩn thẩn, khờ dại đi vài hôm lại về. Bây giờ con phải làm như thế nào, con mong Thầy chỉ giáo giúp con?

 

Trả lời: Chồng Phật tử trên tự nhiên đi lang thang, lẩn thẩn thì có nhiều vấn đề. Khi một người mắc bệnh thì Phật nói có rất nhiều nhân duyên, một là thân bệnh tự trong thân ăn uống không điều hòa mà sinh ra bệnh, thứ hai là sinh hoạt không điều hòa, thứ ba là do thời tiết khí hậu, thứ tư là ôn dịch, thứ năm là quỷ thần dựa nhập, thứ sáu là nghiệp báođặc biệt đối với bị Bồ tát là do nghiệp chúng sinh mà có bệnh. Chúng ta xem một người mắc bệnh mà không phải do thời tiết, khí hậu… thì có thể là do ma quỷ. Bây giờ dạng bệnh ma quỷ thì rất nhiều, những bệnh về ma quỷ thì phải dùng pháp nhà Phật nhưng xem loại ma quỷ này thuộc loại gì thì mới có thể giải quyết được.

 

Câu 73: Con bạch Thầy! Trong Kinh Báo Hiếu Mẹ Cha có nói là: muốn báo đền công ơn cha mẹ thì nên in chép Kinh này rồi cho mọi người cùng tụng. Thời đại bây giờ đã có máy Photocopy nên việc sao in rất dễ, thay vì chép Kinh con mang ra quán Photocopy thì có được công đức như là chép Kinh không ạ?

 

Trả lời: Thật ra công đức của chép Kinh lớn hơn là Photo, Photo là máy chép thay mình, mình có tiền mình có thể photo nhưng công đức không lớn bằng tự tay mình chép. Chép tay là bản thân mình chép, từng câu từng chữ nhập vào trong tâm mình. Ý của Phật hay nữa là không chỉ in quyển Kinh đấy không, mà chúng ta phải giúp cho tất cả mọi người có được tâm hiếu hạnh, tâm hiếu hạnh đó chính là Kinh Báo Hiếu Mẹ Cha. Từ một người hiếu hạnh chép sang người thứ hai hiếu hạnh rồi thứ ba, thứ tư… chép cái tâm ấy sang, đấy mới là chép Kinh thật thì công đức ấy mới thật là công đức đúng nghĩa trong Kinh chứ không hẳn mình in ra một đống Kinh rồi để đấy. Đúng là ấn tống Kinh điển có phước báu nhưng phải nắm được cái cốt yếu, nhà Phật gọi là tâm truyền tâm. Bây giờ mình muốn chép cho người khác là mình phải có Kinh, có cái tâm hiếu hạnh trước đã, mình phải sống thật hiếu với cha mẹ người khác nhìn vào mình không bảo họ chép thì họ cũng tự chép. Vậy các Phật tử đọc Kinh Phật phải biết quay về TÂM trong tâm mình có Kinh nhưng là bài Kinh sống, rồi chép cho người khác đấy mới đúng lời Phật dạy

 

Câu 74: Con bạch Thầy! Trong Kinh nhân quả Phật nói: “ Kiếp xưa đánh đập mẹ cha, hung hăng bất hiếu như là sài lang. Đời nay dị tật phải mang, chân tay co quắp rõ ràng thảm thương ”. Thưa Thầy lúc mới sinh ra chân tay con bình thường, nhưng từ năm con 40 tuổi đến nay con bị bệnh gút và khớp nhưng con ăn uống lại không biết khiêng. Đến nay con 50 tuổi thì các ngón tay và ngón chân co quắp lại đeo giầy dép rất khó khăn. Vậy con xin Thầy giải thích cho con đó là hiện tượng nhân quả hay là do con ăn uống quá độ mà ra ạ?

 

Trả lời: Đúng là đánh cha đánh mẹ bị chân tay co quắp, nhưng trói buộc chúng sinh cũng bị như thế. Bởi vì chúng sinhcha mẹ kiếp trước của mình, chứ không phải chỉ trói cha, mẹ kiếp này của mình. Quả báo chân tay co quắp thì có nhiều nguyên nhân chứ không phải một nhân là đánh cha trói mẹ. Còn ăn uống quá độ rồi bị khèo chân, khèo tay đấy là do nhân ăn uống. Sinh ra mà chân tay co quắp ngay từ bé thì đó là quả báo tiền kiếp, còn từ bé mình không bị rồi do quá trình mình sống buông thả rồi sinh ra bệnh tật thì là báo của kiếp này chứ không phải là do quả báo đời trước.

 

Câu 75: Con bạch Thầy! Con có một đứa con suốt ngày cờ bạc, con phải đi hết chỗ này chỗ kia để trả nợ nhưng vẫn không hết. Con xin Thầy cho con một lời khuyên?

Trả lời: Trước tiên là phải xem việc giáo dục của mình. Bây giờ các cặp vợ chồng không có sinh nhiều con cho nên thường là chiều con. Rồi mải đi làm kinh tế bỏ bẵng các con không săn sóc và môi trường xã hội bây giờ cũng xấu đấy là cái nguyên nhân trước mắt. Còn nói về nhân quả trong tiền kiếp hay là các phần âm thì lại khác, nếu mà do phần âm thì nên làm lễ cầu siêu cho họ. Nhưng bây giờ chúng ta biết giáo dục con cái, chọn môi trường tốt rồi giáo dục tốt thì con mình cũng sẽ tốt những nghiệp xấu ấy cũng có thể chuyển.

 

Câu 76: Con bạch Thầy! Con năm nay 30 tuổi nhưng chưa có vợ, mặc dù trước con đã yêu nhiều người. Con đi xem bói thì họ bảo là con có duyên âm theo. Con đã làm lễ cắt duyên âm nhưng vẫn chưa thấy thay đổi, đêm nằm ngủ thì đầu óc cứ nghĩ vơ nghĩ vẩn nên thân thể sinh ra bệnh tật. Con mong Thầy chỉ dạy cho con?

 

Trả lời: Chuyện duyên âm là có chứ không phải không, có duyên nợ với nhau thì họ theo rồi họ cản trở. Muốn giải đi thì mình cũng phải làm cái lễ nhà chùa gọi là lễ giải oán kết. Thì chủ yếu là phải Khai thị, làm phước cho vong linh ấy để cho họ hiểu ra và họ sẽ tha cho mình. Còn nữa là do nghiệp của mình, bị lận đận trong chuyện vợ con. Nếu mà như thế thì Thầy nghĩ nên đi tu cho nhàn, chứ vợ con làm gì cho khổ.

 

Câu 77: Con bạch Thầy! Con là Phật tử mới tu vậy con phải tụng Kinh gì để diệt trừ phiền não ạ?

 

Trả lời: Đã là Kinh Phật thì Kinh nào cũng có thể diệt trừ được phiền não, nhưng mình phải thâm nhập được phải hiểu được rồi ứng dụng tu hành thì mới có thể giải được phiền não. Ví dụ như mình đang khổ mà tụng được Kinh nhân quả hiểu được nhân quả thì mình bớt khổ, bớt trách người trách trời trách đất. Hay tụng Kinh Thập Thiện, Bát Đại Nhân Giác… cũng trừ được phiền não. Điều cốt yếu là phải hiểu Kinh chứ không phải tụng ào ào mà không biết Kinh nói gì thì có tụng mãi thì phiền não vẫn hoàn phiền não. Về sau các Phật tử học cao thì nên đọc kinh Kim Cang, Kinh Lăng Nghiêm là những bộ Kinh diệt phiền não rất nhanh và sẽ giúp mình thành tựu trên con đường tu hành.

 

Câu 78: Con bạch Thầy! Thế nào thì được mới gọi là Kinh ạ?

 

Trả lời: Kinh là phải do Đức Phật thuyết ra. Nhưng có những bài Kinh không phải là do Đức Phật thuyết mà do chư thiên hay đệ tử Phật nói phù hợp với đạo lýPhật ấn chứng rồi thì cũng gọi là Kinh. Sau này có Lục Tổ Huệ Năng thuyết ra bộ Pháp Bảo Đàn, Tổ Quy Sơn nói ra bài Cảnh Sách cũng được gọi là Kinh, bên Tiểu thừa thì cũng có một bộ là Kinh Mi Tiên Vấn Đáp họ cũng gọi là Kinh. Cốt yếu là nội dung phải phù hợp với chân lý thì mới được gọi là Kinh.

 

Câu 79: Con bạch Thầy! Tụng chú như thế nào mới được thành tựu ạ?

 

Trả lời: Muốn tụng chú mà được thành tựu thì phải Tam Mật gia trì, thân mật, khẩu mậtý mật. Tam nghiệp đều mật, đều thanh tịnh. Tụng chú cũng là một phương pháp để định tâm, tất cả những pháp tu của Phật giáo đều đưa đến chỗ an định tâm. Cho nên trong Bát Chánh đạo từ Chính Kiến rồi đến Chánh Định, tu gì thì tu tâm mà chưa an định thì chưa thành công. Niệm Phật, tụng chú cũng thế cũng phải đưa tâm về nơi an định, nhất tâm bất loạn thì sẽ thành tựu.

 

Câu 80: Con bạch Thầy! Con nghe có người nói bây giờ người tu Tịnh Độ thì chỉ tụng Kinh Vô Lượng Thọ còn những Kinh khác không tụng, nếu mà tụng nhiều Kinh thì gọi là tu tạp. Vậy có đúng không ạ?

 

Trả lờiNếu mà chỉ tụng một bộ Kinh Vô Lượng Thọ thì cũng gọi là tu tạp, vì trong trong Vô Lượng Thọ cũng rất nhiều chương nhiều phẩm chứ không phải là nhất. Các Phật tử nếu hiểu như trên thì là sai, ngay trong Kinh Tịnh độ Phật dạy là phải đọc tụng Kinh điển Đại thừa, vì Kinh điển Đại thừa chỉ rõ tâm tính, thấy được bản thể của tâm chứ không phải chỉ riêng Kinh Vô Lượng Thọ. Nếu mà nói tạp nữa thì sáu chứ Nam mô A Di Đà Phật cũng là tạp rồi, Nam khác mô, mô khác Di, Di khác Đà. Hay ngay cả chữ Phật cũng là tạp, chữ ‘P’ chữ ‘h’ chữ ‘’ chữ ‘t’ ghép lại mới thành chữ Phật, vậy không là tạp còn gì. Thế chữ TẠP này hiểu không đúng, nếu tâm mình mà tạp thì tụng một chữ Phật cũng là tạp. Còn tâm mình thanh tịnh, nhất như thì tụng hết 84000 Kinh điển thì cũng không có tạp. Tất cả tạp hay không tạp thì phải quy về tâm, cho nên Phật dạy: "vạn Pháp quy tâm". Một bộ Kinh tâm này thì không bao giờ tạp, tụng Kinh Địa Tạng cũng xoay về tâm, tụng Kinh Nhân Quả cũng xoay về tâm, tụng Kinh Bát Đại Nhân Giác cũng xoay về tâm, tụng Kinh Pháp Hoa cũng xoay về tâm… thế là không tạp. Kinh Phật bộ Kinh nào cũng để chỉ chân tâm, cho nên Phật dạy giáo pháp của Phật như “ ngón tay chỉ mặt trăng” duy nhất mặt trăng ấy là không tạp. Vậy chữ tạp này Phật tử phải phân tích cho rõ, các Phật tử vẫn tụng các Kinh điển, kinh điển để chỉ tâm tính, tâm tính này không tạp các Phật tử vọng tưởng nhiều thì đấy là tạp. Còn các Phật tử có duyên với bộ Kinh nào thì tụng bộ Kinh đó, tụng để hiểu nghĩa Kinh ứng dụng tu hành. Cứ bộ Kinh nào mình tụng mà phiền não mình diệt trí tuệ mình sáng thì cứ tụng chứ không phải là tu tạp.

 

Câu 81: Con bạch Thầy! Có người nói họ nằm mơ thấy người thân của mình hiện về đòi đốt vàng mã cho họ, vậy việc đốt vàng mã là đúng hay sai ạ?

 

Trả lời: Chính tín đạo Phật là không có đốt vàng mã, mà cũng không vong linh nào mặc quần áo vàng mã cả. Nhiều khi có những tin họ đồn là có những gia đình vong linh về báo mộng cần vàng mã nhưng đó có thể là tin của những người bán vàng mã họ tung ra để họ bán cho đắt hàng. Còn đúng chính Kinh Phật dạy muốn cho vong linh nhà mình không bị đói khát, khổ sở thì phải làm phước cho họ như là cúng dường, bố thí. Vong linh nhà mình không có quần áo thì mua vải vóc cúng dường cho Tam bảo hồi hướng phước ấy thì vong linh nhà mình tự nhiên có đủ quần áo. Cúng dường ẩm thực thì vong linh sẽ hết đói khát. Đói với thế giới tâm linh họ cần ở phước báu, khi phước báu có đủ thì tự nhiên họ đầy đủ. Chứ không phải là mấy đồ vàng mã.

 

Câu 82: Con bạch Thầy! Từ ngày con học pháp ở chùa Ba Vàng con hiểu được Pháp môn Tịnh độ vô cùng quan trọng và lợi lạc, nhất là con đường về Tây Phương lại càng quan trọng biết chừng nào. Theo con hiểu để khỏi bị đọa lạc duy nhất chỉ có thờ Ngài Phật Di Đà. Kính bạch Thầy cách đây nhiều năm con có thỉnh một sư Thầy bốc bát hương và thờ Ngài Quan Âm Bồ tát. Nhưng bây giờ con muốn thờ Ngài Di Đà thì con phải làm như thế nào ạ. Mong Thầy chỉ dạy cho con?

 

Trả lời: Các Phật tử chỗ này hay bị chấp mắc. Trong Kinh Phật nói: Phật Phật tâm đồng, Đức Thích Ca tán thán Phật Di Đà là để chúng ta chuyên nhất, chứ không phải Ngài có dụng ý khen Phật Di Đà hơn các Phật khác. Nếu bàn thờ các Phật tử đã thờ Phật Thích Ca hay thờ Quan Âm Bồ tát rồi mà không có chỗ để thờ thêm thì cũng không sao cả. Thờ Phật Thích Ca hay Bồ tát Quan Âmniệm Phật Di Đà nếu đủ thiện căn phước đức, nhân duyên thì vẫn vãng sinh Tịnh độ. Nếu Phật tửđiều kiện thờ thêm thì thờ. Tranh hay tượng Phật Di Đà để trên còn Ngài Quan Âm để dưới.

 

Câu 83: Con bạch Thầy! Khi làm lễ cầu an nhiều nơi họ có viết sớ thế đúng hay là sai ạ?

 

Trả lời: Việc viết sớ cũng không phải là sai, không có tội lỗi gì nhưng cũng không cần thiết lắm. Trừ khi trong những nghi lễ trang trọng thì có những lá sớ sẽ làm cho buổi lễ trang nghiêm hơn, còn Phật tử đến chùa thì chỉ cần lễ Phật rồi khấn Phật chứ không phải có lá sớ Đức Phật mới biết. Các vị ngày xưa nói: tâm xuất Phật biết, nếu đợi sớ Phật mới biết thì Đức Phật là người Ấn Độ mà mình lại viết sớ Trung Quốc thì Đức Phật đâu có biết chữ Trung Quốc vì Ngài không học. Nếu đã tin Phật cái gì cũng biết thì không viết sớ thì Phật cũng biết. Đức Phật là bậc toàn tri ngay khi chúng ta chưa khởi tâm Ngài cũng đã biết, không cần chúng ta phải dài dòng viết sớ. Vậy cái sớ không cần thiết cho lắm.

 

Câu 84: Con bạch Thầy! Bây giờ mọi người làm nhà, cưới xin… đều trọn ngày giờ, xem giờ nào tốt giờ nào xấu. Theo tinh thần của Đạo Phật có ngày giờ tốt hay xấu không ạ, mong Thầy giải thích cho con?

 

Trả lời: Ngày giờ là do con người ta đặt ra, ví dụ như năm nay không phải là năm nhuận, nhưng năm sau con người ta định ra năm nhuận thì năm đó là năm nhuận. Bản chất thời gian là không có tốt xấu, vì thời gianvô tính. Tốt xấu là ở người mà ra, vạn sự là ở người mà người là tâm mà ra. Tâm mình tốt hay xấu thì chiêu cảm quả của mình như thế. Vạn sự trên đời tuần tự mà làm, đủ nhân đủ duyên thì cứ thế làm. Còn tất cả những đại sự muốn thành tựu thì trong Kinh Anan vấn Phật sự cát hung Phật có nói: nên sắm sửa lễ cúng dường lên Tam bảo để lấy phước, rồi bạch Phật sự việc của mình cầu Phật, chư long thiên gia hộ rồi mình làm chứ không cần xem ngày xem giờ làm gì. Thầy có biết một chuyện là hai vợ chồng chuẩn bị cưới, chồng thì ở Hải Dương vợ thì ở Bắc Giang đi xem ông Thầy bói xem giờ rước dâu. Nhưng đến lúc đi gấp quá để kịp giờ cuối cùng thì bị tai nạn rồi chết. Đấy là chúng ta bị phụ thuộc vào ngày giờ. Cho nên Phật dạy: làm việc gì mà tâm mình thấy AN là việc ấy tốt. Phật không dạy chúng ta xử lý chuyện ngày giờ, mà Phật dạy chúng ta xử lý tâm, giữ tâm cho an thì mọi việc an. Trong Kinh Đức Phật dạy một câu thần chú rất hay đó là “ Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện ”, nghĩa là giữ tâm một chỗ cho yên, thì mọi sự đều có thể thành tựu, tốt đẹp. Còn tâm mình rối loạn thì ngày gì, giờ gì thì cũng không tốt. Cho nên tất cả vạn sự trong đời lấy tâm mình làm gốc, tâm sinh thì vạn pháp sinh chứ không phải là do ngày giờ.

 

Câu 85: Con bạch Thầy! Con đi xem bói thì ông Thầy bói nói con rất đúng và khuyên con nên phóng sinh, bố thí. Con nghe các Thầy nói không nên tin mấy ông Thầy bói vậy con có nên tin Thầy bói đó không ạ?

 

Trả lời: Ai mà nói đúng thì mình làm theo lời nói đúng của họ, cho nên nhà Phật gọi là “y Pháp bất y nhân”. Ông Thầy bói hay ông Thầy Pháp khuyên mình đi phóng sinh, cúng dường thì việc đó đúng Chánh pháp thì mình nên làm. Còn ông đi cúng đi bái thì mình không đi theo. Cứ đúng thì mình theo, kể cả con ngạ quỷ nếu nó nói đúng Chánh pháp thì mình cũng phải nghe. Còn các Phật tử đã phát nguyện theo Phật rồi thì thôi đừng đi theo mấy ông Thầy bói đó nữa, họ làm vì cơm vì áo chứ không phải làm vì Phật pháp nên con đường của họ sẽ sai, các Phật tử chỉ một lòng tin Phật nhất tâm tin vào Tam bảo thì các Phật tử mới không lạc đường.

 

Câu 86: Con bạch Thầy! Con thấy mọi người lên chùa đặc biệt là khi Tết đến thì thường hái lộc để cho gia đình được may mắn, làm ăn tấn tới. Nên khi hết Tết cây cối của chùa đều chụi, con không biết là họ làm như vậy thì có được lộc thật không. Con mong Thầy giải thích cho con được hiểu?

 

Trả lời: Nếu ra chùa mà bẻ lộc kiểu ấy thì mình không được một chút lộc nào cả. Phong tục hái lộc như thế thì không đúng lý, muốn đầu xuân có lộc thì khi đến chùa chúng ta nên cúng dường, hoặc là đi từ thiện. Chắc chắn trong năm ấy chúng ta sẽ hưởng được phước lộc ấy, chứ không phải là đi bẻ cây, bẻ cành của chùa mà bẻ cây của chùa ngược lại là mất lộc chứ không được lộc một chút lộc gì.

 

Câu 87: Con bạch Thầy! Đầu năm mọi người thường có lễ dâng sao giải hạn để cầu an cho mình và cho gia đình. Theo tinh thần của Đạo Phật thì có đúng không ạ. Con mong Thầy giảng để cho con được hiểu?

 

Trả lời: Thường thì các Phật tử xem năm nay mình sao gì, sao La Hầu hay Kế Đô hay là Thái Bạch. Xin thưa các Phật tử, con người thì có vận có hạn, sông có khúc người có lúc. Người ta thống kê ở tuổi 49, 53 hay sinh ra hạn, cho nên nói là 49 chưa qua 53 đã tới. Đấy là quy luật phát triển về tâm lý, sinh lý của con người đến chu kỳ thời điểm đó hội tụ nhiều yếu tố cho nên thường xảy ra rất nhiều sự kiện nên hay có những nạn vào những năm đó. Thế chúng ta muốn tránh được những nạn đó thì thường các Phật tử sắm sanh lễ vật ra chùa dâng sao giải hạn, về mặt ý nghĩa thì không có gì là xấu. Nhưng về việc làm để cho thật sự được bớt hạn thì có khi mình làm chưa đúng. Nhiều nơi họ bầy ra việc cắt sao rồi bảo thế là giải hạn xong, nhưng mà vẫn không hết hạn. Vậy việc cầu an giải hạn đối với tinh thần Đạo Phật như thế nào? Phật dạy: chúng ta gieo nhân gì chúng ta sẽ gặt quả đó. Ví dụ sang năm mình 49 thì năm mình 47,48 thì mình nên tu phúc, mà mình nên làm những việc phúc lớn thì chắc chắn đến năm 49 mình sẽ ít bị hạn, vì mình được phúc che chở. Thứ nữa là mình ra chùa tụng Kinh, sám hối, niệm Phật tu tập thì cũng giúp cho mình giải hạn, cho nên Phật dạy tu là chuyển nghiệp. Chứ không phải đầu năm ra chùa dâng mỗi cái sớ giải hạn là mình được hết hạn đâu. Phải làm phúc nhiều, phải tu tập nhiều mới được.

 

Câu 88: Con bạch Thầy! Có người nói là sao năm nào cũng phả độ gia tiên, cầu siêu một lần thôi chứ cầu nhiều làm gì vì ông bà cha mẹ mình chỉ có mấy người cùng lắm thì cầu 3,4 lần thôi chứ đâu nhất thiết năm nào cũng cầu. Kính bạch Thầy xin Thầy giải thích cho chúng con để chúng con được hiểu thêm ạ?

 

Trả lời: Chúng ta nên biết các gia tiên tiền tổ nhà mình nhiều lắm, có người nghiệp cũng rất nặng không phải lễ một lần là hết được đâu. Mình là bổn phận làm con cháu nên làm phước hồi hướng cho họ, ai có đủ phước thì họ siêu trước ai chưa đủ thì để lần sau chứ không phải mỗi một cái lễ là siêu được hết . Giống như chúng ta có người thân ở trong tù, có người đến hạn này được ra, nhưng có người chưa hết hạn thì vẫn chưa được ra. Thì vong linh cũng vậy, nghiệp nhẹ thì ra trước nghệp nặng thì ra sau, vì thế chúng ta nên đi cầu siêu cho họ để cho họ thêm phước mà siêu thoát. Họ càng siêu nhiều thì chúng ta càng được thảnh thơi nhiều. Các Phật tử nên hiểu chỗ này.

 

Câu 89: Con bạch Thầy! Hằng năm đến ngày thanh minh tất cả mọi người đi ra mộ sắp lễ mặn rồi ngựa, xe để tạ thần linh chỗ mình gửi mộ thì có đúng không ạ?

 

Trả lời: Tục lệ thanh minh thực ra là không phải của Đạo Phật, mà tục lệ này ở bên Nho gia. Chứ các nước khác không có tục lệ này. Nhưng tại sao lại có tục thanh minh, là vì mùa xuân là mùa người ta nhớ về cội nguồn, tết xong mình mình đi chơi rồi bây giờ nghĩ đến cha mẹ cho nên lên mộ để thăm, nhớ về cái gốc của mình. Cho nên từ đó có tết thanh minh, không phải vì thanh minhvong linh nhà mình được siêu thoát, mà ngày đó mang một ý nghĩa đó là để giáo dục người còn sống nhớ cội nhớ nguồn, nhớ về ông bà tiên tổ. Thế còn nhân ngày thanh minh mình lên đó bầy lễ mặn, sắp voi, sắp ngựa ra mà cúng thì càng không đúng tinh thần của Đạo Phật. Mặc dù chắc chắn mỗi một nghĩa địa đều có một ông thần cai giữa nghĩa địa đó. Nếu ở nghĩa địa mà có miếu thờ ông thần linh ở đó thì mình nên đến đó khấn các ông hay có thể cúng các ông một chút, nhưng phải cúng chay chứ cũng không phải voi ngựa gì cả.

 

Câu 90: Con bạch Thầy! Đến ngày giỗ của vong linh thì phải lên mộ thắp hương mời vong linh về thì có phải không ạ?

 

Trả lời: Việc này không cần thiết, nếu người đức lớn thì thỉnh ở nhà họ vẫn về được vì sự cảm ứng bất khả tư nghì. Tất nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt, có những vong linh họ cố chấp nơi họ mất, thân xác của họ ở đấy thì mình đến mình thỉnh. Nhưng thường thì các vong linh khi thân xác họ tan hoại thì họ theo gió nghiệp đi đây, đi đó chứ họ không ở một chỗ. Cho nên việc lên mộ thỉnh là thể hiện ý nghĩa chứ sự thật cũng không nhất thiết.

 

Câu 91: Con bạch Thầy! Con phát tâm ăn chay trường đã nửa năm nay, nhưng hiện giờ con đang mang thai gia đình con thì không muốn con ăn chay để cho cháu bé đủ dưỡng chất. Con có tham khảo một số sách nói về ăn chay, con cũng không biết ăn chay có đủ chất hay không. Con đã ăn chay trường rồi thì không muốn ăn mặn nữa, bây giờ con phải làm như thế nào để vẹn cả đôi đường ạ?

 

Trả lời: Chúng ta biết những năm tháng cách đây mấy chục năm mình đều ăn chay cả, lấy đâu ra thịt cá mà ăn nhiều. Mà ăn chay ngày xưa còn khổ hơn mình, gạo thì gạo mốc rồi mấy củ khoai thức ăn thì trường kỳ ăn rau lang. Tất nhiên thời nào thì thời nào thì nó phải như thế, cơ thể con người cũng tự phải thích nghi, tự tổng hợp các chất dinh dưỡng cho cơ thể. 

 

Câu 92: Con bạch Thầy! Gia đình con có 4 người, con gần như là người lao động chính. Ngoài giờ làm con thường theo đạo tràng đi đọc Kinh nên con có ít thời gian để chăm sóc cha mẹ, chỉ thỉnh thoảng rẽ vào hỏi thăm rồi lại đi ngay. Con có tụng Kinh Vu Lan đến đoạn: “mặc cho cha mẹ đêm ngày thở than” con cảm thấy hổ thẹn với mình. Con thưa Thầy như vậy con có phải là bất hiếu không ạ. Kính mong Thầy từ bi, hoan hỷ cho con biết? 

 

Trả lời: Kinh Vu lan Phật dạy chúng ta phải tu hiếu đạo, nhưng tu hiếu đạo không phải suốt ngày quanh quẩn bên cha mẹ trừ khi ốm đau, bệnh tật. Mình đi tụng Kinh cho các nhà có đại sự nhưng đâu có phải mình làm riêng cho mình, mà mình làm việc đó để hồi hướng phước báu cho cha mẹ. Cái hiếu này không phải lúc nào cũng kè kè bên cha mẹ mà chính là mình tu tậphành thiện hồi hướng phước báu cho cha mẹcăn bản. Khi đi làm Phật sự thì các Phật tử cứ tâm tâm niệm niệm: con nguyện hồi hướng phúc lành này cho cha mẹ của con đấy là mình hiếu. Hiếu hay không không phải là ở gần mà là ở cái tâm của mình.

 

        Câu 93:  Con bạch Thầy! Kinh Kỳ Cầu có phải là do Phật thuyết không ạ?

 

        Trả lờiMặc dù Thầy chưa tra trong Tam Tạng Kinh điển nhưng Thầy biết Kinh Kỳ Cầu là không phải do Phật nói. Bây giờ người ta có thể sáng tác ra cả Kinh Phật như bộ Kinh rất là hay như Kinh Bát Dương nhưng không phải là Kinh Phật hay như Kinh Địa Mẫu càng không phải là Kinh Phật. Ngoại đạo họ cũng chế Kinh rồi cho vào Đạo Phật vì vậy Kinh Kỳ Cầu không phải là Kinh Phật mà có thể là của đạo khác.

 

         Câu 94: Con bạch Thầy! Có người nói: Đình làng chúng con quay hướng cửa không đúng, cho nên dân làng hay gặp chuyện không may, gia đình lủng củng làm quan không thăng tiến. Nhưng cũng có người nói rằng: trong Kinh Phật dạy tất cả mọi sự ở đời xảy ra với con người đều do tâm mỗi người ăn ở thiện ác. Theo như con biết người Phương Tây họ không có Đình, đền, miếu để cúng bái đâu sao họ lại giàu có, sung sướng thế. Xin Thầy giảng rõ điều này để dân làng chúng con biết làm thế nào làm ăn may mắn, gia đình hạnh phúc an vui?

 

         Trả lờiThưa các Phật tử! Đạo Phật có chia ra Y báoChính báo. Con ngườichính báo còn cảnh là Y báo của mình. Mình là lõi còn cảnh là vỏ. Đức Phật dạy: tất cả Y báo đều theo Chánh báo, Chánh báo lại bị ảnh hưởng bởi Y Báo. Nhưng yếu tố chính phải là Chính báo, Chính báo mới là điều quyết định. Cũng giống như trong Triết học họ nói: mâu thuẫn nội tại là cái chính để thúc đẩy sự vật phát triển. Vậy Đình, Miếu… hay môi trường hoàn toàn ảnh hưởng tới Chính báo của dân làng. Cho nên Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy: nếu một dân tộc này thiếu phúc, ác nghiệp nhiều thì dân tộc ấy nhìn lên trời tự nhiên thấy sao chổi, thấy những hiện tượng xấu xuất hiện. Nhưng nước bên cạnh họ có phúc, tạo nhiều thiện nghiệp thì họ lại không thấy chuyện đó. Đấy là Y báo theo Chính báo. Còn Phật tử trên hỏi về hướng của Đình thì đó là về phong thủy địa lý. Nhưng đối với tinh thần Đạo Phật thì không có xem nặng chuyện đó. Chúng ta bảo đây là hướng Đông, đây là hướng Tây, nhưng Đông Tây không phải là nhất định. Ví dụ như người ở Nhật Bản nói Việt Namhướng Tây, nhưng người ở nước Mỹ thì lại nói Việt Nam là hướng Đông. Vì thế về hướng đối với Phật pháp không phải là vấn đề, nó chỉ là tương đối. Vậy việc đặt hướng của Đình làng không đặt nặng phải hướng này, hướng kia mà Phật đặt nặng là ở phúc của mình. Có phúc thì ít họa, bạc phúc thì có họa. Lẽ phúc họađời xưa nay vẫn thế, người có phúc thì họ làm việc ấy tốt, vô phúc thì làm việc ấy thành xấu. Không phải do hướng Đình mà mình lủng củng, làm ăn không may. Mà cái Đình phải là nơi trung tâm văn hóa, xây dựng nếp sống đạo đức tốt đẹp cho dân làng thì cái Đình đó sinh phúc lành, mọi người sẽ được hạnh phúc.

 

        Câu 95: Con bạch Thầy! Con vừa học pháp, vừa tụng chú, vừa tu thiền vậy không nhập Đạo tràng có được không ạ?

 

         Trả lờiViệc nhập Đạo tràng thì không ai bắt mình cả, mà cũng không ai bảo mình không được nhập Đạo tràng. Nhưng các cụ ngày xưa nói: Cơm có canh, tu hành có bạn. Cơm mà có canh thì dễ nuốt, tu hành có bạn thì dễ tu. Có người bạn tu cùng thì mình thêm tinh tấn, mình mà lười biếng thì họ sách tấn mình hay là mình có lầm lỗi thì họ chỉ cho mình. Đạo tràng lập ra là để có lực, đông người lúc nào cũng có lực hơn là một mình. Vậy Thầy khuyên Phật tử nên gia nhập Đạo tràng để tiến tu.

 

         Câu 96: Con bạch Thầy! Xin Thầy giải thích cho con hai chữ “ tùy duyên”?

 

         Trả lờiThưa các Phật tử, hai chữ " tùy duyên” trong đạo Phật rất là khó. Người ta có câu: tùy duyên bất biến, tùy duyên mà bị biến thì không phải là tùy duyên. Vậy đến trình độ nào mình mới tùy duyên được, người chưa có đủ bản lĩnh thì không tùy duyên được. Bây giờ mình đi qua quán rượu thấy mấy đứa bạn rủ vào nhậu một chút, mình bảo tùy duyên một chút xong rồi say xỉn về chửi cha chửi mẹ. Hay đi trợ niệm dọc đường thấy quán cờ bạc vào chơi một tí để tùy duyên, như thế sao gọi là tùy duyên. Lòng mình phải đạt được BẤT ĐỘNG mới nói hai chữ tùy duyên, chúng ta hơi lạm dụng hai chữ tùy duyên, nói là chiều theo thôi vì mình không làm chủ, không cưỡng lại được chứ chưa được hai chữ tùy duyên đâu. 

 

Trong bài thơ Cư Trần Lạc Đạo, Tổ Trần Nhân Tông cũng có nói hai chữ tùy duyên, nhưng Ngài đã đạt được " đối cảnh vô tâm” Ngài mới nói như thế. Còn chúng ta là bị duyên chuyển chứ chưa tùy duyên được.

 

           Câu 97: Con bạch Thầy! Có điều này con chưa hiểu mong Thầy giảng giải dùm con. Tại sao lại phải cúng thất lai tuần?

 

           Trả lờiViệc cúng hàng tuần thường là từ Phật giáo Tây Tạng, qua kinh nghiệm các Ngài thấy vong linh sau 7 ngày thức tâm của họ tái hiện lại cảnh họ chết hoặc sau mỗi một tuần thì tán đi một phần vía, phần phách. Thế cho nên sau những ngày đó thức tâm của vong linh bị dao động thì chúng ta nên tụng kinh, lễ Phật trợ duyên cho vong linh thì họ được an ổn. Nhưng tất nhiên không phải đúng 7 ngày như thế, có những vong linh 5 ngày, 6 ngày, 8 ngày họ bị như thế. Vậy việc cúng tuần nếu đủ duyên thì chúng ta cứ làm đúng tuần, còn nhỡ có việc gì bận thì chúng ta có thể làm trước hoặc sau 1 ngày cũng không có ảnh hưởng gì cả.

 

            Câu 98: Con bạch Thầy! Việc đi học mở Luân Xa đúng hay sai?

 

            Trả lờiThầy xin trả lời dứt khoát là tất cả Kinh điển Phật không có chỗ nào dạy chúng ta mở Luân Xa và tất cả các phái Thiền chính thống Phật giáo cũng không dạy mở Luân Xa. Mà tất cả các Phật tử phải " Phản quan tự kỷ, bất tùng tha đắc” quay lại tâm mình, tìm lại chính mình không chạy theo bên ngoài, cầu những gì bên ngoài đem vào trong mình là sai với Chính đạo. Vì thế Thầy khuyên các Phật tử không nên đi học mở Luân Xa vì không đúng với tinh thần của Đạo Phật.

 

         Câu 99: Con bạch Thầy! Chồng con có cho người ta vay tiền nhưng bây giờ họ không trả. Con xin Thầy dạy cho con trì chú gì để họ trả tiền cho gia đình con?

 

         Trả lờiThầy đã đọc qua các bộ chú nhưng chưa thấy chú nào Phật dạy để đòi tiền cả. Nhưng xét về mặt nhân quả, nếu mà chủ nhân cho vay mắc nợ vị kia thì họ đến đòi. Còn nếu họ không mắc nợ mình thì họ đang tạo nghiệp thì họ mắc nợ mình. Và cũng ở do mình nữa khi mình cho vay không cân nhắc, không xem xét kỹ càng, đấy là mình không có trí tuệ.

 

         Câu 100: Con bạch Thầy! Con có người bạn đồng tu chia sẻ là khi đức Phật Di Đà nhập Niết Bàn thì Bồ tát Quan Âm tiếp nối hiệu là Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai thọ mạng vô lượng kiếp, cõi Cực Lạc đổi tên thành Nhất Thiết Chân Bảo Sở Thành Tựu. Bạch Thầy điều này có đúng không ạ? Nếu đúng thì sao lại như vậy hả Thầy? Mong Thầy giải đáp cho con?

 

         Trả lời: Đúng là điều này trong Kinh Phật có nói. Mặc dù kinh nói đức Phật Di Đà tuổi thọ vô lượng, có nghĩa là thọ mạng Ngài rất lâu,nhưng cũng có ngày Phật Di Đà nhập Niết Bàn. Thì khi đó Quan Âm Bồ tát lên làm Phật. Chỉ có Pháp thân Phậtkhông sinh diệt, Di Đà tự tánh thì mới vô sinh. Còn báo thân Phật Di Đà thì vẫn có ngày nhập Niết bàn.

 

         Câu 101: Con bạch Thầy! Vợ chồng con đã ly hôn, nhưng con vẫn thờ tổ tiên bên nội chồng con thì có bị ảnh hưởng gì không ạ?

 

         Trả lời: Không có ảnh hưởng gì cả. Việc thờ cúng gia tiên, tiền tổ mặc dù mình với chồng đã ly hôn, nhưng con của mình vẫn có tổ tiên của nó. Việc thờ đó là để nó nhớ về cội nguồn ông bà, tiên tổ. Vậy việc thờ như vậy không có ảnh hưởng gì cả. 

 

         Câu 102: Con bạch Thầy! Có phải trẻ con sinh ra khó nuôi thì sau khi bán vào cửa chùa thì dễ nuôi phải không ạ?

 

         Trả lời: Bán trẻ con vào chùa dân gian thường gọi là bán khoán. Bố mẹ mang con mình đến bạch Phật xin sự gia trì của Tam Bảo cho các cháu nên cũng được tốt, các loài ác quỷ thì cũng bớt đi. Tất nhiên cũng phải tùy theo nghiệp và phước của mình. Nếu oan gia trái chủ của cháu bé quá nhiều thì không phải đến bán khoán là hết được đâu. Mà phải tác phước cho họ. Việc bán khoán chủ yếu là để gieo duyên, gieo căn lành tạo phước đức cho gia đình, cho cháu bé được bình an hơn. Nhưng đương nhiên không phải như thế là khoán hết cho Phật rồi chẳng cần dạy dỗ gì cháu cả. Rồi sau nó hư lại đổ lỗi cho Phật. Mà mình cũng phải có trách nhiệm giáo dục con của mình.

 

          Câu 103: Con bạch Thầy! “5 thứ cay nồng” là gì ạ? Là Phật tử thì có nên ăn những thứ như thế không ạ?

 

          Trả lời: Trong giới luật Phật thì không cấm ăn các chất cay. Nhưng trong Kinh Lăng Nghiêm thì đức Phật có dạy: “ người muốn tu Chính định thì không nên ăn những chất cay nồng, đó là: hành, hẹ, tỏi, kiệu và hương cừ. Nếu 5 thứ này mà chúng ta ăn sống thì sinh ra tính nóng nảy. Còn ăn chín thì kích thích lòng dục, vì thế Phật khuyến khích ai muốn tu Chính định thì không nên ăn những thứ này.

 

          Câu 104: Con bạch Thầy! Nhà con nghèo lắm không có bát hương để thờ Phật vậy con lấy cái cốc để là bát hương có được không ạ?

 

          Trả lời: Nếu nhà Phật tử nghèo quá không mua được bát hương để thờ Phật thì lấy cốc thờ cũng được, không sao cả miễn là tâm mình thành kính Phật là được.

 

          Câu 105: Con bạch Thầy! Vợ chồng con cưới nhau đã lâu rồi mà chưa có con. Con đi xem Thầy tứ phủ thì bảo con là "căn cao số nặng", nặng về phần âm phải làm lễ cưới lại, tôi bát nhang thì mới có con. Bạch Thầy con rất lo lắng việc này, xin Thầy chỉ dạy giúp con phải làm thế nào ạ?

 

          Trả lời: Thầy xin trả lời rằng tất cả mấy chuyện mà ông Thầy tứ phủ nói đều là mê tín dị đoan, không đúng với tinh thần của Đạo Phật. Việc có con muộn không phải là không có lý do, trước tiên Phật tử này nên về kiểm tra lại sức khỏe. Nhưng cũng có những chuyện do nghiệp báo phải muộn con và cũng có do nghiệp báo không có con. Nếu như vậy thì Phật tử nên làm phước như bố thí, cúng dường, sám hối, phóng sinh... thì khi đủ phước sẽ có con. Như trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn, ông Viên Liễu Phàm đi xem bói là trong kiếp này không có con. Nhưng ông phát nguyện làm bao nhiêu việc thiện thì sau đó ông vẫn có con. Vậy Phật tử nên làm phước, những phước đó sẽ trợ duyên cho mình để có con.

 

         Câu 106: Con bạch Thầy! Khi cúng giỗ phải có hoa tươi, vì hoa tươi là nơi ngự của các vong linh, hương linh hưởng thụ các vị thức ăn của hoa tươi nên thức ăn chóng nhạt nhẽo và hoa chóng tàn. Điều này có đúng không ạ? Mong Thầy giải đáp cho con.

 

          Trả lời: Chúng sinh trong cõi vô hình đặc biệt là chúng ngã quỷ cô hồn, khi chúng ta cúng cấp họ về thụ hưởng bằng mùi hương của các thực phẩm, họ đi qua các mùi hương thì họ được no đủ. Nhưng họ phải nhờ từ lực của Tam Bảo và sự chú nguyện của chư Tăng.

 

          Câu 107: Con bạch Thầy, chồng bạn con đã mất, lúc tang gia bối rối mọi việc bộn bề mỗi người một việc, nên anh chồng của bạn con đã đi làm bia mộ. Anh ấy làm sai ngày sinh thường ngày của chồng bạn con vẫn sử dụng. Hỏi ra thì anh ấy bảo ngày sinh của chồng bạn con anh ấy lấy là đúng. Bạn con hỏi như thế có làm sao không ạ? Con có trả lời là nếu hương linh họ mà còn chấp như thế thì không được, đến khi bốc mộ phải lấy lại đúng ngày sinh của anh ấy vẫn dùng thường ngày lúc anh còn sống. Con xin sám hối với Tam Bảo ,với Thầy, con trả lời như thế có đúng không ? 

 

          Trả lờiTức là vị này có một người bạn lấy bia mộ cho một người đã chết, lấy theo cái ngày không đúng trong giấy khai sinh thì có làm sao không? Thì đúng như thế, người chết nếu mà cái vong linh đó được học Phật pháp họ không chấp thì không có gì cả, kể cả việc mình đốt mình thiêu, mình chặt mình băm ra cũng không sao đối với cái xác của mình. Còn cái chuyện chấp ngày chấp giờ thì cái này là đúng. Nếu họ còn chấp ngày chấp giờ thì họ cũng không vui. Thế nhưng cái này thì tìm cho nó rõ. Nếu mình khai thị được cho cái vong này họ không chấp vào chuyện ngày giờ, ngày sinh tháng đẻ, thì không sao.

 

          Câu 108: Con bạch Thầy! Mấy ngày nay con rất bồn chồn vì trong gia đình một người thân có người bố mấy ngày qua có những hiện tượng khác thường. Con biết đó là nghiệp nhưng con không biết làm thế nào để giúp người đó. Con có khuyên gia đình họ niệm Phật để hồi hướng cho các oan gia trái chủ như họ vẫn chưa tin. Người bố ấy có những biểu hiện bất bình thường như đêm đến tắt hết điện, tháo hết quạt rồi lền giường nằm hoặc tắt hết điện rồi đêm quần áo vào nhà tắm giặt giũ sạch sẽ đâu vào đấy, lấy thuốc cho vào nồi nấu canh, lấy mì chính hoà vời bột canh hoà với nhau để nấu canh, người trông rất mệt, sợ nghe tiếng nói to, nghe tiếng nói to ở đâu là bảo là họ cãi nhau. Người vợ ông thì mơ thấy ông nội bảo là cúng ông không đến nơi đến chốn. Xin Thầy từ bi chỉ dạy để con về khuyên lại họ?

 

          Trả lờiNgười bố đó đã xuất hiện những biểu hiện bất thường trong mấy ngày gần đây. Nếu trước đó là bình thường thì đúng là bất thường. Vậy thì phải xem lại nguyên nhân thứ nhất về mặt sinh lý cơ thế, thần kinh của ông có vấn đề gì không. Có thể ông bị tai nạn, bị cảm, bị chó cắn hay là bị cái gì đó, làm chuyển hoá các mô mạch thần kinh gây ra bệnh. Nên cần phải khám bệnh cho ông trước. Thứ hai là ông có thể bị phần âm người ta ám mình. Có thể là vong linh nới đất ở, oan gia trái chủ quậy phá sinh chuyện. Kinh nghiệm của Thầy đã giải quyết nhiều trường hợp như thế này. Nên Thầy nghi chắc là ông lão bị phần âm người ta phá. Con về nói cho gia đình người ta lập một đàn tràng để thỉnh Phật, thỉnh chư Tăng đến triệu các vong linh đến tụng kinh sám hối cùng với họ. Sau đó  làm lễ tác phúc như trong kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện chỉ dạy rồi hồi hướng cho họ được siêu độ.  Không phải là sinh lên tịnh độ mà là thoát được cái kiếp Ngã quỷ. Đa phần ngày nay Ngã quỷ - Cô hồn người ta hay quậy phá. Chúng ta nhớ là trong thế giới vô hình có nhiều thứ mà ta không thấy được như chư Thiên , chư Thần, Ngạ quỷ - trong đó có Cô hồn, cõi Địa ngục. Mình chỉ thấy được cõi ngườisúc sinh - mà  sinh vật nhỏ quá cũng không thấy được. Trường hợp bị quấy phá như thế thường là cõi ngã quỷ - uỷ mị vọng lượng, vong linh thai nhi nhiều thứ. Thầy đã giải quyết nhiều trường hợp vong linh thai nhi về quấy phá cha mẹ gây chuyện lục đục trong nhà, làm cho các anh em trở nên hư hỏng phá nhà phá cửa. Thầy nghi ông lão này bị  như thế. Nói gia đình lập đàn thỉnh vị chân tugiới đức về khai thị, tác phúc thì sẽ chuyển được.

 






Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/09/2023(Xem: 1490)
01/04/2023(Xem: 3177)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.