Nằm Mộng Thấy Bồ Tát Quán Thế Âm

19/07/20183:26 CH(Xem: 21366)
Nằm Mộng Thấy Bồ Tát Quán Thế Âm

NẰM MỘNG THẤY BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM
Tâm Trí

QuantheambotatHỏi: Gần đây tôi thường mộng thấy Bồ Tát Quán Thế Âm hào quan chói rực cưởi trên lưng một con rồng trắng. Sáng dậy tôi lại cảm thấy nhẹ nhàng bay bổng rất là an lạc. Chẳng biết đây có phải là điềm lành ứng mộng hay là do công phu thọ trì Bạch Y Thần chú của mình nay đã đến hồi thành tựu?

 

Đáp: Khi một vị thầy thuốc muốn trị “thân bệnh” thì cũng phải bắt mạch xem bệnh rồi mới dám cho thuốc. Muốn nói Pháp thì cũng cần phải “quán cơ” mới “đậu giáo”. Nghĩa là phải quán chiếu xem xét căn cơ của đối tượng nói Pháp xem là căn cơ trình độ ngang cỡ nào rồi lúc đó mới được nói Pháp. Nếu nói Pháp không đúng với căn cơ ngang bằng với trình độ của đối tượng thì liền bị chống đối hoặc là bị nạn vấn ngay. Tôi chưa có dịp trao đổi với đạo hữu nhiều nên đáng lý ra tôi không nên trả lời câu hỏi này ở đây. Nhưng thiết nghĩ đây cũng là cơ hội để giải đáp thắc mắc cho những người hữu duyên. Thôi thì như vậy nhé:

-    Nếu đạo hữu là một người mộ đạo, thích thờ cúng trong nhà (thờ Phật hay là thánh thần), có đọc tụng kinh điển nhưng không thích nghiên cứu đi sâu vào thâm nghĩa của kinh, khi nghe giảng kinh lại hay buồn ngủ (hoặc là không buồn ngủ nhưng không thích nghe hoặc là nghe không hiểu), không thích lý luận nhiều, thì xin chỉ xem trả lờiPhần 1.

-    Nếu đạo hữu là một người mộ đạo, thích nghe giảng kinh, thích tìm hiểunghiên cứu đi sâu vào thâm nghĩa của kinh, dám “Văn-Tư-Tu”. Nghĩa là dám học Kinh Văn, học xong rồi dám Tư Duy Quán Chiếu xem là lời Pháp có đúng hay không rồi sau đó mới Tu theo hay là Thực Hành theo lời Pháp, thì xin xem trả lờiPhần 2.

PHẦN 1:
Nằm mộng hay là ao ước được gặp được Phật và các vị Bồ Tát là chuyện bình thường của các Phật tử với tấm lòng mộ đạo. Tôi không dám lạm bàn đây là điềm lành ứng mộng hay là do công phu thọ trì Bạch Y Thần Chú của đạo hữu đã đến hồi thành tựu vì thật sự tôi không có khả năng này. “Hành tàn hư thật tại gia tri. Họa phúc nhân do cánh vấn thùy”. Nghĩa là có chứng đắc hay không chứng đắc thì tự mình mình biết không nên hỏi ai hết vì người ngoài không thể biết được. Họa hay phước thì cũng do nơi mình (chiếu theo luật Nhân Quả). Tuy nhiên, nếu nói về cái nhìn của khoa học thì khi cơ thể mình khỏe mạnh, tinh thần ổn định, không bị khủng hoảng tâm lý (stress) thì thường có được nhiều giấc ngủ an lành. Ngược lại, nếu tinh thần suy nhược, hay ưu tư sầu muộn, cơ thể bệnh hoạn thì lại hay bị mất ngủ và giấc ngủ thường gặp ác mộng. Nếu nằm nghiêng một bên làm tay bị tê hoặc là ngực bị đè ép thì cũng thường nằm thấy ác mộng. Những điều chúng ta nghe thấy và bị thâm nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày và được ghi lại vào A Lại Gia Thức hay cũng gọi là Tàng Thức thì tối đến chúng ta cũng thường nằm mơ thấy những sự việc này. Cũng ở điểm này, khoa học cũng đã chứng minh là thân không rời tâm và tâm không rời thân giống như cái nhìn của Phật Giáo.

Kết hợp với cái nhìn của khoa học và của Phật Giáo, tôi chỉ xin có lời khuyên như vậy:

 -   Thường nằm mộng thấy Phật, thấy Bồ Tát nghĩa là có được giấc ngủ an lành, không bị ác mộng là một điều tốt. Tuy nhiên, nếu đạo hữu chỉ thấy Bồ Tát Quán Thế Âm giống như hình vẽ của họa sĩ thì xin không nên tự đắc về vấn đề này vì đó cũng có thể là sự nhập nhiễm khi mình nhìn hình tượng quá lâu, ví như khi ta xem một bộ phim với ấn tượng sâu đậm rồi đêm về nằm mộng đến bộ phim này. Nói vậy không phải là tôi bác bỏ công phu tu tập của đạo hữu. Nhưng tôi chỉ gợi ý cái nhìn của sự việc ở một góc độ khác.

 -   Theo như trong kinh Thủ Lăng Nghiêm thì khi hành giả có sự công phu tu tập cao, khi thiền định bỗng thấy Phật Tỳ Lô Giá Na ngồi trên đài Thiên Quang có ngàn đức Phật vây quanh, hay có thể thấy mình ở trong hoa sen báu, hay là có thể thấy được cảnh giới toàn là vàng ròng vv.v.. Nếu hành giả không tham đắm trong những cảnh giới này thì không sao, mỗi ngày sự tu tập lại càng tăng tiến. Bằng ngược lại nếu hành giả tham đắm những cảnh giới đó, cho là mình đã chứng bậc thánh liền bị đọa lạc vào đường ma.

Như vậy cho dù nằm mộng là do bị nhập nhiễm thì xin đạo hữu cũng đừng thối thất trên con đường tu học của mình. Mà nếu nằm mộng do công phu thật sự của mình thì cũng xin đừng nên khoe khoang tự đắc về điều này. Vì Ma Vương sẽ nương vào đó mà phá hoại đường tu của đạo hữu.

PHẦN 2:

Nếu đạo hữu là một người dám “Văn-Tư-Tu”, nêu ra thắc mắc với mục đích vấn đạo chứ không phải là để được khen, thì dám hỏi theo như trong giấc mộng Bồ Tát hiện ra với hình tướng như thế nào và Bồ Tát nói gì với đạo hữu? Nếu đạo hữu nói là Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn giống như các hình tượng hay là các tranh vẽ trong bộ áo Hồng Kông tha thướt, không nói gì mà chỉ bay lượng vòng vòng thì cho phép tôi được hỏi thêm một câu nữa là theo sự hiểu biết của đạo hữu thì Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiệncõi Ta Bà của chúng ta như thế nào? Hình dáng của Bồ Tát Quán Thế Âm ra sao? Nếu câu trả lời là chỉ biết Bồ Tát qua các hình tượng ở các chùa thì cho phép tôi được nói thẳng, dù là sự thật mất lòng, là đạo hữu chưa hề biết đến Bồ Tát Quán Thế Âm. Mà nếu chưa biết đến Bồ Tát thì làm sao dám chắc đó là Bồ Tát? Chắc chắn khi nói đến đây thì đạo hữu lòng đang hậm hực vì nó đang đụng chạm đến tín tâm của mình. Nhưng xin đạo hữu hãy bình tâm và cùng nhau tham cứu thêm về giáo lý nhà Phật nhé:

 -   Khi đạo Phật được truyền sang các nước, tùy theo quốc độ mà các tổ và các nghệ nhân hay họa sĩ phát họa hình tượng của chư Phật và Bồ Tát. Ví dụ điển hình là các hình tượng của Phật ở các nước như là Trung Quốc, Nepal, Thailand, Myanmar, Sri Lanka, Cambodia, điều có nét đặc trưng văn hóa riêng của nước đó. Thế nên các hình tượng nhìn không đồng nhất. Phật Giáo Việt Nam được truyền từ Trung Hoa cho nên trang phục của các vị Phật, Bồ Tát hay là Hộ Pháp điều mang nét văn hóa của Trung Hoa. Ví dụ như ngài Di Lạc, Quán Âm, Thế Chí, Địa Tạng, Vi Đà hộ pháp, Tiêu Diện hộ pháp vv.v.. Nhìn thấy Bồ Tát qua bộ áo Hồng Kông rồi nằm mơ thấy Bồ Tát trong bộ áo Hồng Kông, tại sao đạo hữu không nằm mơ thấy Bồ Tát trong bộ áo của Việt Nam, Nepal hay là của các nước khác? Chỉ riêng ở điểm này, thì đã không lấy gì làm chắc chắnđạo hữu đã thấy được Bồ Tát.

 -   Theo như trong kinh Pháp Hoakinh Thủ Lăng Nghiêm thì Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiệncõi ta bà qua 32-ứng-hóa-thân. Nếu cần thân Người, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Dà, nhân cùng phi nhân vv.v..  để độ thoát, ngài liền hiện ra mà vì đó nói pháp. Thế chẳng lẽ với bao nhiêu thân tướng, Bồ Tát lại hiện hoài một thân phụ nữ trong giấc mộng với bộ áo Hồng Kông hay sao? Nếu chỉ biết Bồ Tát bằng hình dáng của một người phụ nữ trong bộ áo của Hồng Kông thì xem nhưđạo hữu chưa thật sự biết đến Bồ Tát vậy.

 -   Bồ Tát Quán Thế Âm thì thường được nhiều người nhắc đến vì lòng đại từ đại bi của ngài. Thế nên đa số các hình tượng được tạo tạc thành một người phụ nữ để ví ngài như là một người mẹ hiền thương chúng sanh như là thương con một. Tuy nhiên, đạo Phật là Bi-Trí-Dũng, chứ nào phải chỉ có Từ-Bi. Nếu cần thể hiện sự Uy-Dũng để độ cho chúng sanh khó điều khó phục thì ngài liền hiện ra các thân tướng hung dữ như là đại tướng Dạ Xoa để độ cho các chúng sanh này. Ở các chùa thường có hình tượng của Tiệu Diện hộ pháp mặt đen với lưỡi dài cả thướt, đầu có sừng, miệng có răng nanh, tay cầm binh khí. Đạo hữu có biết đấy là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm hay không? Hình tượng Tiêu Diện là để thể hiện sự Uy-Dũng của Bồ Tát. Có bao giờ đạo hữu nằm mơ thấy Bồ Tát qua hình dáng của ông Tiêu Diện hay không?

 -   Trong kinh Kim Cang Phật dạy rằng: “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thinh cầu ngã. Thị nhơn hành tà đạo. Bất năng kiến Như Lai”. Nghĩa là nếu có kẻ tìm cầu mong được thấy Phật bằng âm thanh hay sắc tướng, qua 32 tướng tốt, 80 vẽ đẹp, muốn đến chiêm ngưỡng lễ bái ông Phật bằng xương bằng thịt, biết đi, biết đứng, biết nói biết cười, thì kẻ đó đang làm việc tà đạo, không bao giờ biết được thật tướng của Như Lai. Như vậy, đi tìm cầu gặp ông Phật bằng xương bằng thịt ở ngoài đời, Phật còn rầy những kẻ đó là làm chuyện tà đạo nói gì là trong giấc mơ.

 -   Kinh Bát Nhã nói rằng: “Dĩ vô sở đắc cố, Bồ Đề Tát Đỏa y Bát Nhã ba La Mật Đa cố tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh niết bàn tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” - Ở đoạn này ý nói là một Bồ Tát phải xa lìa các mộng tưởng điên đảo thì mới có được cứu cánh niết bàn. Ba đời 10 phương chư Phật nương vào Bát Nhã Ba La Mật Đa mà có được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Cái mà chúng ta thấy trong giấc ngủ gọi là “Mộng”. Cái mà chúng ta thấy lúc thức tỉnh gọi là “Tưởng”. Cả mộng và tưởng điều là không thật vì tất cả điều do Vọng Tâm sanh khởi chứ không phải là của Chơn Tâm. Chúng ta đem cái giả, cái hư ảo mà cho là thật vậy chẳng phải là điên đảo hay sao?

 

Đến đây thì tôi tin chắcđạo hữu cũng đã có câu trả lời cho mình rồi. Tôi xin mượn lời Phật dạy trong kinh Thủ Lăng Nghiêm để kết thúc phần trả lời này: “A-nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền-định như thế, đều do Sắc-ấm và tâm công-dụng giao-xen, nên hiện những việc đó; chúng sanh ngu mê, không biết suy xét tự lượng, gặp nhân duyên ấy, mê không tự biết, bảo là lên bậc thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào ngục Vô Gián. Sau khi Như Lai diệt-độ rồi, các ông nên nương theo lời dạy, khai thị nghĩa nầy trong đời mạt pháp, không để thiên ma được dịp khuấy phá; giữ gìn che chở cho chúng sinh thành đạo vô thượng.”



Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
07/09/2023(Xem: 1490)
01/04/2023(Xem: 3177)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.