Truyền Bình
神識指意識,概述神識小無內。所以佛說:“一杯水裏有八千萬衆生。”神識大無外,所以佛說“大千世界”。神識是衆生的心和識。普遍認爲指八識(眼、耳、鼻、舌、身、意、末那、阿賴耶等識)。
Thần thức là chỉ về ý thức. Nói khái quát thần thức nhỏ thì không có gì nhỏ hơn. Vì vậy Phật nói “Trong ly nước có 80 triệu chúng sinh” thần thức lớn thì không có gì lớn hơn, vì vậy Phật nói “Đại thiên thế giới” Thần thức là tâm và thức của chúng sinh, phổ biến là chỉ 8 thức (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, não, mạt-na, a-lại-da).
Đại thiên thế giới nói đủ là Tam thiên đại thiên thế giới tức là vũ trụ có 1000 lũy thừa 3 tức 1 tỷ thế giới. Ngày xưa một tỷ là nhiều vô lượng đến mức người ta không có danh từ để gọi nên mới tạm nói là Tam thiên đại thiên 三千大千 . Còn con số 80 triệu chúng sinh trong ly nước cũng chỉ là số ước chừng thôi.
Thần thức và linh hồn khác nhau thế nào ?
Theo pháp sư Tịnh Không thì khi mê gọi là linh hồn còn khi giác ngộ thì gọi là thần thức. Như vậy thì linh hồn và thần thức chỉ khác nhau về tên gọi chứ bản chất chỉ là một.
Đứng trên quan điểm vô phân biệt trí thì nói như vậy cũng không sai bởi vì tất cả chỉ là một.
Nhưng đứng trên quan điểm phân biệt của thức thì linh hồn và thần thức có sự khác nhau. Chúng ta cần nhớ rằng Tâm Trí là vô phân biệt còn Thức Mê là có phân biệt. Vậy thì sự phân biệt đó như thế nào ?
Khi chúng ta nói linh hồn thì luôn có hàm ý rằng đó là phần hồn của một chúng sinh. Một chúng sinh thì có bản ngã riêng biệt, có tập khí, có mang theo nghiệp. Và cái nghiệp đó quyết định lúc lâm chung sẽ đi theo con đường nào trong 6 đường, 4 loài, 3 cõi. Cái nghiệp đó cũng quyết định tương lai của chúng sinh đó như thế nào, giàu sang sung sướng, khỏe mạnh hay nghèo khổ đói rách bệnh tật.
Như vậy linh hồn của một chúng sinh thì có giới hạn, đó là một cá thể đơn nhất, nghiệp của chúng sinh đó cũng có giới hạn.
Còn khi nói thần thức 神識 thì nghĩa thế nào ? Thần là tinh thần, thức là a-lại-da thức là cái thức bao trùm nhất trong 8 thức. Thực tế là a-lại-da thức bao gồm cả 8 thức trong đó. Như đoạn trích đầu bài đã nói thần thức siêu việt lớn nhỏ. Về mặt nhỏ thì không có cái gì nhỏ hơn, về mặt lớn thì không có cái gì lớn hơn. Vậy thần thức là vô lượng vô biên không có số lượng.
Chính vì a-lại-da thức là vô lượng nên thần thức của một chúng sinh trong vô lượng kiếp cũng bằng với thần thức của vô lượng chúng sinh trong vô lượng kiếp.
Như vậy sự khác nhau rõ ràng giữa linh hồn và thần thức là :
-Linh hồn là phần tinh thần, thức (mạt-na thức) của một chúng sinh riêng biệt.
-Thần thức là tinh thần, thức (a-lại-da thức) của vô lượng chúng sinh trong tam giới.
Thần thức chứa vô lượng thông tin về nghiệp của vô lượng chúng sinh, nhưng khi đi đầu thai thì mỗi mạt-na thức chuyển hóa thành một kiếp sống mới của một chúng sinh trong một cảnh giới. Vô lượng mạt-na thức sẽ chuyển hóa thành vô lượng kiếp sống mới của vô lượng chúng sinh trong vô lượng cảnh giới. Do đó mới khái niệm về vũ trụ song song. Mỗi chúng sinh sống trong một của nhiều vũ trụ song song đó.
Chính vì vậy nên kinh điển Phật giáo nói vô lượng chúng sinh cũng chỉ từ một tâm mà ra. Một tâm biến hóa ra vô lượng chúng sinh.
Đa số các vị sư thầy chỉ nói chung chung về lý thuyết Phật giáo như vậy thôi chứ đa số là không có chứng minh. Nhưng ngày nay khi khoa học đã phát triển tiệm cận với Phật giáo thì lý thuyết đó có thể chứng minh được và trong thực tế khoa học đã có chứng minh.
Khoa học phải chứng minh rằng vũ trụ vạn vật, không gian, thời gian, số lượng chỉ là khái niệm ảo tưởng chứ không phải hoàn toàn chân thật. Vậy khoa học chứng minh như thế nào ?
Chúng ta biết rằng vật chất cấu tạo bằng 18 loại hạt cơ bản. Con số 18 hình như có liên quan tới 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức) và Phật giáo có hình dung ra 18 vị La hán tương ứng với 18 giới đó.
Trong 18 hạt cơ bản này thì khoa học chỉ mới tận mắt nhìn thấy 17 hạt, còn hạt thứ 18 (graviton=hạt hấp dẫn) thì các nhà khoa học chưa thấy tận mắt nên họ chưa đưa vào Bảng mô hình vật lý hạt chuẩn (Standard model of particle physics table). Tuy nhiên năm 2016 các nhà khoa học đã phát hiện ra sóng hấp dẫn (gravitational waves). Sóng và hạt là hai hình thái vốn có của hạt, hễ có sóng thì ắt có hạt. Sẽ có ngày người ta tận mắt phát hiện ra hạt giaviton.
Standard model of particle physics table với 17 hạt cơ bản của vật chất
Thí nghiệm liên kết lượng tử (quantum entanglement)
Thí nghiệm này vô hình chung sẽ chứng minh khái niệm về 8 thức mà chủ yếu là a-lại-da thức là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Theo thí nghiệm của Nicolas Gisin và đồng sự tại Đại học Geneva Thụy Sĩ thực hiện năm 2008, họ tạo ra hai photon tách rời cách nhau 18 km, họ tác động lên photon này thì tức thời photon kia bị tác động theo, không mất chút thời gian nào. Năm 2012 Zeilinger có làm lại thí nghiệm quantum entanglement với khoảng cách xa hơn là 89 miles = 143 km. 89 dặm hay 143 km là khoảng cách của 2 photon liên kết trong thí nghiệm của Anton Zeilinger năm 2012, một hạt nằm trên đảo Santa Cruz de La Palma, hạt kia nằm trên đảo Tenerife, cả hai đảo nằm trong quần đảo Canary thuộc Đại Tây Dương ngoài khơi bờ biển phía tây bắc Phi Châu.
Zeilinger đã gởi một hạt photon từ đảo Santa Cruz (hạt A) đến đảo Tenerife cách xa 89 miles (hạt B), nhưng do 2 hạt photon ở hai đảo có sự liên kết nội tại, khi ông xoay hạt A muốn biết hạt B phản ứng như thế nào, ông không cần phải chờ tín hiệu của hạt B truyền qua 89 km biển mà chỉ cần xem hạt C ở kế bên hạt A bởi vì hạt C là một bản sao giống hệt hạt B nên có thể coi như hạt C thay thế cho hạt B. Giống như người thân của bạn gởi 1000USD từ Mỹ về VN, bạn không cần phải chờ số tiền đó đi qua hàng vạn km biển và đất liền, người ta có thể ngay tức thời đưa số tiền 1000USD có sẵn ở tại ngân hàng cho bạn bởi vì hai số tiền đó giống hệt nhau.
Hiện tượng này sẽ rất có ý nghĩa với những khoảng cách xa xôi trong vũ trụ. Thí dụ nếu ứng dụng được phương thức thông tin này thì để nhận tín hiệu từ Sao Mộc thay vì phải chờ 35 phút để tín hiệu vượt qua mấy trăm triệu km không gian, có thể nắm được tín hiệu tức thời không mất thời gian do liên kết lượng tử bởi vì nó không phải vượt qua bất cứ khoảng cách không gian nào.
Lúc sinh thời Einstein có biết hiện tượng này, nhưng ông rất bối rối không hiểu được, nên phát biểu rằng đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance). Hiện tượng này còn biểu lộ những tính chất rất lạ lùng mà Einstein không thể nào chấp nhận nổi : đó là vật không có tự tính, cụ thể là hạt photon không có số spin sẵn, mà đó chỉ là số đo do con người gán cho nó lúc đo đạc. Photon không có định xứ (nonlocality) tức vị trí nhất định, định xứ cũng là do con người gán cho. Số lượng hai photon cũng không thực có, con người thấy là hai nhưng thực tế không phải là hai. Gần đây Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau. Như vậy con số hai photon, 100.000 photon, hay vô cực photon là do con người tạo ra, cảm thấy. Số lượng là do ý thức của con người tạo ra. Mặt khác khái niệm về khoảng cách không gian (18 km trong thí nghiệm của Gisin, 143 km trong thí nghiệm của Zeilinger) hay thời gian (không mất thời gian hay mất bao lâu) đều là do con người tạo ra. Các nhà duy thức đã thấu hiểu tất cả những điều này nên họ mới tổng kết một câu xanh dờn trong Thành Duy Thức Luận : Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Họ biết tất cả những phân biệt về tánh tướng, về thiện ác đều chỉ là giả lập, là ảo chứ không phải thật (Liễu cảnh vi tánh tướng, Thiện, bất thiện câu phi 了境為性相,善不善俱非 hiểu rõ cảnh chỉ là tánh và tướng- thông tin- thiện và bất thiện đều không có thật).
Einstein đã cố chống lại thuyết lượng tử, năm 1935, ông cùng với Podolsky và Rosen đưa ra một giả thuyết để bác bỏ thuyết lượng tử mà sau này giới khoa học thường gọi là nghịch lý EPR (EPR paradox). Năm 1964, tức 11 năm sau khi Einstein qua đời, John Bell có sáng kiến lập ra bất đẳng thức mang tên ông, dựa theo các tính chất mà nhóm EPR cho là đúng, để kiểm chứng giả thuyết EPR. Tất cả các thí nghiệm đều cho thấy bất đẳng thức Bell bị vi phạm, điều đó chứng tỏ giả thuyết của nhóm Einstein là sai lầm.
Như vậy qua thí nghiệm liên kết lượng tử, khoa học đã chứng minh được 3 điều :
-Vật chất (hạt photon hay hạt electron…) là không có thật (non realism) chỉ là do tâm niệm tạo ra (thấy rõ qua thí nghiệm 2 khe hở)
-Không gian và thời gian đều không có thật do tính chất bất định xứ (non locality) của hạt. Hạt photon hay hạt electron ở dạng sóng thì ở khắp nơi không có vị trí nhất định.
-Số lượng không có thật (non quantity) tất cả các hạt đều là ảo vì một hạt photon cũng là 2 hạt, 100.000 hạt hay vô lượng hạt. Không có hạt nào là thật cả.
Như vậy thí nghiệm liên kết lượng tử (quantum entanglement) đã chứng tỏ thần thức tức a-lại-da thức là vô sở trụ (không có không gian, không có thời gian, không có số lượng, chỉ là ảo cảnh không có thật, bản chất của nó chỉ là thông tin vô định hình (chưa có phân biệt).
Thế nào là thông tin vô định hình ?
Thông tin ở dạng số nhị phân mà chúng ta hiện nay rất quen thuộc đều là thông tin vô định hình, chỉ là những con số vô nghĩa, chưa có phân biệt, chưa có nghĩa lý gì cả. Vậy khi nào thì thông tin đó mới được định hình, mới có nghĩa lý ?
Thông tin đó chỉ được định hình khi chúng ta gán ghép cho mỗi con số một đặc điểm, một ý nghĩa chủ quan nào đó. Nhưng để cho mọi người đều thấy như nhau, thì người ta phải đưa ra một quy ước thống nhất. Chẳng hạn chữ @ được gán cho số 0, chữ A được gán cho số 1, chữ B được gán cho số 2, dấu ! được gán cho số 33, dấu & được gán cho số 38 v.v…đó là bảng ký tự ASCII.
Sau khi được gán ghép thì cả dãy số nhị phân sẽ biến thành văn bản có ý nghĩa. Thí dụ :
010011100011111101101110011001110010000001101100001111110010000001101101001111110111010000100000011000110011111100100000011001110011111101101001001000000111100001101001011011100110100000100000001111110011111101110000
Trên đây là một dãy số nhị phân vô định hình, vô nghĩa. Nhưng khi gán ghép các ký tự của bảng mã ASCII vào thì nó trở nên có ý nghĩa. Ý nghĩa đó là :
Nàng là một cô gái xinh đẹp
Nhưng để chuyển đổi hàng hàng lớp lớp những con số nhị phân của một bài báo trong đó có chữ viết, có hình ảnh, âm thanh, video…thì phải cần một bộ vi xử lý (processor) cực nhanh, một giây có thể thay thế hàng tỷ đặc điểm cho hàng tỷ con số thì màn hình và loa mới hiện ra những văn bản, hình ảnh, âm thanh, video mà chúng ta thấy.
Chính vì vậy chúng ta mới cần những con chip cực mạnh, mỗi milimét vuông chứa hàng tỷ transitors để xử lý thông tin. Điện thoại di động là một loại thiết bị rất nhỏ gọn có thể nằm trọn trong lòng bàn tay nhưng có khả năng rất lớn. Chính vì không gian của chiếc điện thoại di động rất giới hạn mà cần khả năng xử lý rất lớn nên đòi hỏi con chip phải rất nhỏ để không tốn chỗ mà phải rất mạnh. Chip mạnh nhất hiện nay đã thương mại hóa là Snapdragon 8+Gen1 của hãng Qualcomm Mỹ thiết kế, với tiến trình 4nm do hãng TSMC Đài Loan sản xuất.
Hãng SMIC của TQ thì lạc hậu hơn hãng TSMC chỉ mới sản xuất được con chip với tiến trình 7nm với tên tạm gọi là SMIC’s N+2 chip. Chỉ số nm càng nhỏ thì càng khó sản xuất nhưng càng hiệu quả, càng nhanh và ít tốn pin.
Kết luận
Chúng ta đọc thấy trong kinh điển nói rằng khi một người mới chết thì thần thức chưa đầu thai tái sinh ngay trong một thân thể khác, trong một cảnh giới khác mà còn ở giai đoạn thân trung ấm. Bộ máy cơ thể đã ngừng hoạt động, tim ngừng đập, não ngừng xử lý thông tin, nhưng đó chỉ mới có sắc uẩn ngừng hoạt động, các uẩn còn lại là thọ, tưởng, hành, thức, vẫn tiếp tục hoạt động và vẫn còn dính dáng với thân ngũ ấm nên gọi là thân trung ấm.
Những người có tập khí nghiệp thiện ác rõ ràng phân minh có thể sớm đầu thai qua thân ngũ ấm mới, cảnh giới mới. Còn người nghiệp thiện ác gần bằng nhau nửa thiện nửa ác thì phân vân lâu hơn, lâu nhất là 49 ngày mới đi qua cảnh giới mới.
Thế nhân gọi là linh hồn đi đầu thai, nhưng Phật pháp gọi là thần thức, nó cũng tức là a-lại-da thức chứa đủ mọi chủng tử của vô lượng chúng sinh nhưng đều là tâm (vô phân biệt) hay thức (có phân biệt). Tâm là thông tin vô định hình, còn thức là thông tin đã định hình tức là đã gán ghép các đặc điểm, đặc tính vào tâm. Sự gán ghép này là do tập khí tức thói quen quyết định.
Thí nghiệm hai khe hở đã chứng minh rằng chính tâm niệm của người quan sát đã làm sụp đổ sóng tiềm năng và biến sóng thành hạt cơ bản. Điều đó cũng có nghĩa là tâm thức đã tạo ra vật chất. Vật chất như hạt photon, hạt electron hay các hạt cơ bản khác, bản chất cũng chỉ là thông tin. Thông tin đó chứa trong a-lại-da thức và khi một chúng sinh lâm chung còn trong tình trạng thân trung ấm, khi sắc thân đã ngừng hoạt động nhưng thức chưa chuyển sang một kiếp sống mới thì gọi là thần thức.
Dân gian gọi nó là linh hồn hàm ý rằng nó có bản ngã, cái ta riêng biệt và cái ta đó mãi trôi lăn sinh tử trong lục đạo luân hồi. Người chấp cho rằng linh hồn có thật, linh hồn đi đầu thai thì sẽ không bao giờ giác ngộ vì chấp ngã và chấp pháp. Hễ chấp là tà kiến, người chấp đi theo tà đạo.
Còn Kinh điển gọi nó là thần thức, nó vô ngã vì bao gồm tất cả chúng sinh, thông tin chứa trong đó vô cùng lớn vì là thông tin của vô lượng chúng sinh trong vô lượng kiếp nên gọi là a-lại-da thức hay tàng thức, nhưng thông tin hay chủng tử quyết định của thần thức hay thân trung ấm đương cơ lại do mạt-na thức tức là thức chấp ngã quyết định. Mạt-na thức trong thần thức mới thực sự tương ứng với linh hồn theo quan niệm dân gian. Mà hễ chấp ngã thì tất nhiên là phải trôi lăn trong lục đạo luân hồi. Phá ngã chấp và pháp chấp mới đúng là tu hành chân chính theo Phật pháp.