11. Chuyển Hóa Bệnh Tật Thành Hạnh Phúc

27/04/201112:00 SA(Xem: 41377)
11. Chuyển Hóa Bệnh Tật Thành Hạnh Phúc

ĐIỀU TRỊ BỆNH TẬN GỐC
NĂNG LỰC CHỮA LÀNH CỦA TÂM BI MẪN
Lama Zopa Rinpoche
Nguyễn Văn Điều & Đỗ Thiết Lập dịch Việt
Nhà xuất bản Tôn Giáo, Hà Nội

PHẦN MỘT: TÂM LÝ ĐIỀU TRỊ BỆNH

11. CHUYỂN HÓA BỆNH TẬT THÀNH HẠNH PHÚC

Thiền định chính trong quá trình chuyển hóa tâm là làm sao thấy được mọi sự việc đều có tính tích cực chứ không phải tiêu cực, và chúng ta có được sự tự do rất lớn lao để làm điều này bởi vì mọi sự việc đều xuất phát từ tâm ta. Chúng ta cảm nhận hạnh phúc hay gánh chịu khổ đau, được khỏe mạnh hay bị đau ốm, tất cả đều được quyết định bởi tâm, bởi cách suy nghĩ của chúng ta.

Bằng việc chuyển hóa các vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, chúng ta sử dụng chính các vấn đề bất ổn để làm lợi lạc cho bản thân và cho tất cả chúng sinh hữu tình. Nói cách khác chúng ta sử dụng các vấn đề bất ổn để phát triển tâm mình và mang hạnh phúc niềm vui đến cho mọi người. Một khi chúng ta chuyển hóa được các vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, đặc biệtchuyển hóa thành con đường tu giác ngộ, thì sự chịu đựng bệnh tật tự nó có thể trở thành liều thuốc chữa bệnh. Và đây mới là thuốc chữa bệnh thực sự, vì nó không chỉ chấm dứt sự đau khổ mà còn loại bỏ các nguyên nhân của căn bệnh cũng như tất cả các đau khổ khác nữa – tức là các nghiệp bất thiện, các tâm mê lầmcác chủng tử bất thiện trong tâm ta. Yếu tố tâm lý của việc chuyển hóa suy nghĩhết sức quan trọng trong việc chữa lành bệnh, vì nó cho phép chúng ta có khả năng không chỉ chấm dứt tất cả khổ đau mà còn giúp chúng ta thành tựu giác ngộ.

Bằng việc luôn nhớ đến mục đích của cuộc đời ta, đó là nhận lấy trách nhiệm giải thoát tất cả chúng sinh hữu tình khỏi khổ đau và mang hạnh phúc đến cho họ, chúng ta sẽ trải qua mỗi vấn đề bất ổn xảy đến – dù đó là bệnh ung thư, AIDS hay thậm chí là cái chết – vì lợi lạc cho các chúng sinh hữu tình. Khi gặp phải một vấn đề bất ổn, chẳng hạn như một căn bệnh nào đó, chúng ta nên chịu đựng căn bệnh đó với ý niệm thay thế cho các chúng sinh khác đang cùng bị căn bệnh ấy, và thay thế cho cả những ai đang gặp phải nhiều vấn đề bất ổn tồi tệ hơn thế nữa. Chúng ta nên hồi hướng sự chịu đựng vấn đề bất ổn của mình đến việc giải thoát cho vô số chúng sinh khỏi mọi vấn đề bất ổn cũng như nhân của các vấn đề đó, và đưa họ đến hạnh phúc tối thượng.

Chịu đựng các vấn đề bất ổn của mình với ý niệm thay thế cho các chúng sinh khác không chỉ giúp tịnh hóa được nhân của các vấn đề mà còn đưa ta đến sự mãn nguyện. Chuyển hóa các vấn đề bất ổn của chúng ta vào con đường tu giác ngộ sẽ tịnh hóa được vô số các chướng ngạitích lũy công đức lớn lao. Bằng cách này, chúng ta sẽ thấy mãn nguyện cho dù đang phải chịu đựng bất kỳ vấn đề bất ổn nào. Ngay cả nếu như ta đang trải qua sự tuyệt vọng thì với thái độ nói trên ta vẫn có thể vui thích tâm trạng này. Thật ra thì sự tuyệt vọng sẽ tan biến một khi chúng ta tu tập chuyển hóa tâm.

Chúng ta có thể chuyển hóa mọi vấn đề bất ổn thành hạnh phúc, hạnh phúc trong đời này và vượt khỏi đời này. Chúng ta có thể chuyển hóa mọi thất bại của mình, cho đù đó là trong kinh doanh, trong việc học hỏi hay tu tập tâm linh. Chúng ta có thể chuyển hóa cả sự chê bai, tiếng xấu, – thậm chí cả cái chết, điều mà từ khi sinh ra đời ta đã luôn cố gắng tránh né. Thay vì từ chối cái chết, nhiều hành giả Mật tông đã vui vẻ chấp nhậnsử dụng nó như một phương tiện thiện xảo để phát sinh các thực chứng của con đường tu giác ngộtái sinh trong cõi tịnh độ của bậc giác ngộ viên mãn. Nhiều thiền giả cầu nguyện suốt đời để được sinh vào cõi tịnh độ như thế và sử dụng cái chết như một phương tiện để đạt được mục đích, vì đó là một cách thức nhanh chóng để thành tựu giác ngộ. Một cõi tịnh độ, nơi không có khổ đau, cũng giống như một xã hội hoàn toàn lý tưởng (utopia). Trong nhiều năm, tôi đã nhầm lẫn giữa hai từ “utopia” và “Ethiopia”. Tôi tưởng rằng Utopia là xứ sở của hạn hán, chiến tranh và nhiều vấn đề bất ổn khác. Tôi đã nhìn một cõi tịnh độ như địa ngục và nhìn địa ngục như là tịnh độ!

Chúng ta có thể chuyển hóa bất kỳ vấn đề nào, thậm chí cả cái chết, thành ra hạnh phúc. Điểm chính không nằm ở chỗ ngăn chặn sự chịu đựng các vấn đề bất ổn, mà là ngăn không cho các điều kiệnchúng ta gọi là “các vấn đề bất ổn” đó làm rối loạn tâm chúng ta, và thay vào đó, ta sử dụng chúng để hỗ trợ con đường tâm linh mà ta đang tu tập. Mục đích chính của chúng ta là không để các vấn đề bất ổn trở thành chướng ngại của quá trình phát triển tâm trên con đường đưa tới giác ngộ viên mãn.

Học cách không ghét bỏ các bất ổn



Khi có một vấn đề bất ổn, để chuyển hóa nó thành hạnh phúc, chúng ta phải làm hai việc. Trước tiên, chúng ta phải loại bỏ tư tưởng xem tình huống đó là một vấn đề bất ổn và rồi nổi lên ý nghĩ không ưa thích nó. Thứ hai, chúng ta phải phát sinh tư tưởng xem vấn đề đó có tính cách tích cực và xác lập ý nghĩ ưa thích nó. Khi chúng ta có khả năng xem các vấn đề bất ổn như suối nguồn của hạnh phúc thì tư tưởng ưa thích chúng sẽ tự nhiên phát sinh.

Bằng cách nào chúng ta loại bỏ được tư tưởng xem một tình huống là vấn đề bất ổn và không ưa thích nó? Chúng ta phải nhận ra rằng, nếu chúng ta chú tâm vào tư tưởng này thì tâm sẽ trở nên quen với việc xem các tình huống là vấn đề bất ổn, cho đến khi chúng ta thấy hầu hết các việc xảy đến cho chúng ta đều là bất ổn cả. Một khi chúng ta quen xem các điều kiện không mong muốn như là các vấn đề bất ổn và không ưa thích chúng thì ngay cả những việc rất nhỏ nhặt cũng sẽ trở nên vấn đề to tát đối với chúng ta. Theo cách này thì những cảm xúc lo âu, sợ hãiđau đớn của chúng ta sẽ gia tăng, và chúng ta rất khó cảm nhận được hạnh phúc hay sự thanh thản.

Thậm chí một sự việc không đáng kể như tìm thấy trong phòng mấy con chuột hay những côn trùng nhỏ bé – vài con muỗi hay bọ chét – cũng có thể trở thành vấn đề rắc rối lớn trong tâm ta. Chúng ta không thể chịu đựng được điều đó và phải dọn đi chỗ khác. Nếu thức ăn của ta bị nguội hay không được nấu đúng theo cách ta thích, chuyện nhỏ nhặt này cũng trở thành vấn đề to tát và làm ta rất giận dữ. [Nói chung], những chuyện rất nhỏ nhặt cũng có thể khiến ta nổi khùng lên.

Khi chúng ta quen với cung cách sống như thế, chúng ta sẽ dễ dàng bị quấy nhiễu bởi hầu hết những gì chúng ta trông thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ chạm. Hầu hết các sự việc chúng ta gặp phải đều trở thành vấn đề và khiến ta khởi lên các suy nghĩ tiêu cực và rồi hành động một cách tiêu cực. Chúng ta thấy mọi sự xuất hiện trước ta có vẻ như là kẻ thù của ta. Như vậy sẽ rất khó để chúng ta tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời.

Chúng ta phải nhận ra rằng tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống đều xuất phát từ tâm chúng ta. Có hai cách để nhìn vào bất kỳ tình huống nào, kể cả bệnh tật. Một tình huống có thể là vấn đề bất ổn nhưng cũng có thể khôngvấn đề. Với cách nhận thức này, chúng ta thấy nó là vấn đề bất ổn, nhưng với một cách nhận thức khác chúng ta không thấy nó là vấn đề. Khi chúng ta không ưa thích một tình huống nào đó, chúng ta xem nó là vấn đề bất ổn, gán đặt cho nó nhãn hiệu “vấn đề”, và rồi ta thấy nó như là một vấn đề. Một khi chúng ta đã gán đặt nhãn hiệu “vấn đề” thì vấn đề liền hiện ra trước mắt chúng ta. Nhưng nếu chúng ta không gán đặt nhãn hiệu vấn đề cho sự việc xảy ra, chúng ta sẽ không thấy nó như là một vấn đề.

Khi có nhận thức về các yếu tố bên ngoài, chúng ta thường trải qua những cảm xúc như hài lòng, không hài lòng, hoặc thờ ơ không quan tâm – nhưng chúng ta cần phải biết rằng ngay cả các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng đến cảm xúc cũng đều xuất phát từ tâm ta. Khi chúng ta gặp được một tình huống đang ao ước, chúng ta xem nó là hài lòng; rồi thì trước mặt chúng ta nó trông ưng ý, và chúng ta khởi lên một suy nghĩ ưa thích tình huống đó, và chúng ta tận hưởng sự thỏa mãn, hạnh phúc. Nhưng khi chúng ta phải xa lìa tình huống hay đối tượng ao ước đó, các cảm xúc của chúng ta thay đổi, chuyển từ sự hài lòng sang không hài lòng. Chúng ta coi sự xa cách đối tượng đó là tồi tệchúng ta khởi tâm không ưa thích sự việc đó. Chúng ta cũng trải qua những cảm giác không hài lòng khi gặp các đối tượng không ưa thích. Cái gì làm nên kinh nghiệm không ưa thích? [Đó là vì] chúng ta xem tình huống đó là xấu, là tồi tệ, gán đặt cho nó nhãn hiệu “xấu” và rồi khởi lên suy nghĩ không ưa thích nó.

Hãy lấy thí dụ về một người mà chúng ta xem là kẻ thù. Chúng ta sẽ không tức giận một con người nếu chúng ta không nghĩ rằng: “Ông ta xấu, bởi vì ông ta không ưa thích tôi và ông ta đang cố hãm hại tôi.” Như vậy rõ ràng là, không phải bản thân con người đó mà chính nhận thức của ta về con người đó mới gây khó chịu cho ta. Chúng ta tạo ra một khái niệm và rồi khái niệm đó làm cho chúng ta khó chịu.

Khi chúng ta gặp gỡ người mà chúng ta xem là kẻ thù, chúng ta không hề nghĩ đến những phẩm tính tích cực của người ấy, chúng ta cũng không nghĩ đến những lợi lạcchúng ta có thể có được từ con người đó. Lẽ ra, chúng ta đã có thể học được nhiều điều về bản chất tâm của chúng ta nhờ vào việc người đó đã không ưu ái chúng ta, làm ngược lại những ước muốn của tâm tham lam ích kỷ của ta. [Người mà chúng ta xem là] kẻ thù đó có thể giúp ta phát triển tâm nhẫn nhục, tâm từ, tâm bi mẫn, trí tuệ, và còn nhiều phẩm tính quí báu nữa của tâm ta. Họ có thể giúp ta phát triển con đường tu giác ngộ.

Cũng giống như việc sử dụng chất độc làm dược phẩm, chúng ta có thể gặt hái được vô vàn lợi lạc từ kẻ thù nếu chúng ta sử dụng họ làm đối tượng thiền định theo cách tích cực này. Nếu chúng ta dùng cách tiêu cực, xem kẻ thùkẻ thù, chúng ta chỉ nhận được những kết quả tiêu cực. Ngược lại, khi chúng ta sử dụng người [mà ta xem là kẻ thù] đó theo cách tích cực thì chúng ta sẽ nhận được chỉ những kết quả tích cực mà thôi. Điều đó tùy thuộc chúng ta, hoàn toàn tùy thuộc vào cách thức chúng ta nhìn kẻ thùsử dụng họ như thế nào.

Chúng ta phải thấy biết rằng các vấn đề của chúng ta hoàn toàn chỉ là sự nhận thức của ta về các tình huống, nếu không chúng ta sẽ luôn đổ lỗi cho người khác, hoặc thời tiết hay một yếu tố bên ngoài nào khác, xem đó là nguyên nhân gây ra bất kỳ vấn đề nào chúng ta gặp phải. Ảo tưởng của chúng ta về nguyên nhân của các vấn đề sẽ bùng phát mạnh lên giống như ngọn lửa và làm gia tăng các vấn đề bất ổn trong cuộc sống của ta. Và rồi thì, các suy nghĩhành vi bất thiện của chúng ta sẽ thổi cho ngọn lửa ấy bùng lên cao hơn nữa.


Hãy xem xét trường hợp những người mắc bệnh hoang tưởng, họ nghe và thấy những điều lạ lùng mà người bình thường không nghe thấy. Chẳng hạn như, họ nghe có người ở phòng bên nói xấu họ, mà thực ra không có ai ở đó cả. Họ tạo dựng một thực tại riêng của họ và rồi tự hành hạ mình với lòng tin vào thực tại đó. Nỗi sợ hãi lo âu mà họ đang phải gánh chịu có thể gây ra nhiều vấn đề cho họ, có thể khiến họ giết người hay tự tử. Thay vì mù quáng tin vào nhận thức riêng của mình, lẽ ra họ phải tức thời kiểm tra xem các nhận thức đó đúng hay sai. Nếu họ chịu đứng dậy đi đến phòng kế cận xem xét và thấy không có ai cả, điều đó sẽ khiến họ nhận ra rằng nhận thức vừa nổi lên trong tâm của họ là không đúng; và như vậy vào các lần khác, họ sẽ dễ dàng không tin vào các nhận thức của họ. Trong tương lai, họ sẽ biết cách nghi vấn những gì thực tế họ đang trải nghiệm. Kinh nghiệm ban đầu này sẽ giúp họ nhận ra rằng những gì mà họ nghĩ đang xảy ra chỉ là ảo tưởng. Họ sẽ hiểu được tình huống thực sự chỉ khi nào họ không tin hoàn toàn vào nhận thức của họ. Cho nên, sự tin tưởng hoàn toàn vào nhận thức của mình đã che lấp, ngăn cản họ không có cơ hội để thấy biết được điều gì đang thực sự xảy ra.

Tâm chúng ta giống như một đứa trẻ con, và chúng ta giống như cha mẹ phải che chở đứa bé khỏi hiểm nguy. Vấn đề chính của người bị bệnh hoang tưởng là họ không có trách nhiệm đối với tâm của họ; họ không canh chừng tâm, không phân tích các suy nghĩ của tâm, họ chỉ mù quáng tin vào tâm và làm theo những gì mà tâm sai khiến. Chúng ta không thể mù quáng làm theo những thôi thúc bốc đồng của tâm. Chúng ta phải xem tâm như một đứa bé và thường xuyên kiểm tra xem nó đang làm gì. Chúng ta lắng nghe và làm theo khi tâm muốn làm những gì có lợi lạc, nhưng chúng ta không nghe theo khi nó muốn làm những gì có hại hay không hợp lý. Sẽ rất nguy hiểm khi nhất nhất làm theo những gì tâm sai khiến. Trước khi hành động theo các ý tưởng, chúng ta phải phân tích cẩn thận. Sự phân tích của chúng ta phải đưa đến kết quả: chúng ta gạt bỏ đi những ý tưởng khiến phát sinh các vấn đề, và chúng ta sẽ hành động theo những ý tưởng làm phát sinh lợi lạc cho ta và cho những người khác.

Bệnh hoang tưởng cũng thường có ở phương Đông. Theo y học Tây Tạng, bệnh hoang tưởng được liệt vào nhóm bệnh khí (lung), hay thuộc về gió (phong), mặc dù có rất nhiều loại bệnh khác cũng được xem là bệnh khí. Bệnh thần kinh căng thẳng – stress – cũng là bệnh về khí, và bị stress nặng có thể đưa đến bệnh hoang tưởng. Có một số bệnh thường thấy ở phương Tây, nhưng không thường thấy ở phương Đông, riêng các bệnh thuộc về khí thì thường thấy ở cả phương Tây và phương Đông. Theo triết lý phương Đông, bệnh hoang tưởng rất dễ giải thích dựa theo nguyên lý nhân ở bên trong và duyên ở bên ngoài. Nhân chính là: một mê lầm mãnh liệt như vô minh, sân hận hay tham lam kích hoạt thực hiện một hành vi bất thiện, nó gây tổn thương cho các chúng sinh hữu tình khác hay cho các đấng thiêng liêng. Rồi người đó sợ hãi hậu quả họ đã làm; họ lo sợ vì họ cảm giác như là đang gặp hiểm nguy sẽ bị khiển trách hay bị tổn thương thân thể họ.

Thực hiện một hành vi bất thiện là mở cửa cho chúng sinh khác – người hay phi nhân – gây hại cho mình. Người đã làm việc bất thiện sẽ trở thành mục tiêu cho chúng sinh khác gây hại. Bệnh hoang tưởng được tạo ra khi nhân bên trong của nghiệp bất thiện và các mê lầm làm cầu nối với các sinh linh là duyên bên ngoài. Các sinh linh bên ngoài chỉ có thể hãm hại chúng ta sau khi chúng ta đã tạo ra các hành vi bất thiện do bị thúc đẩy bởi mê lầm. Nếu không có các sai lầm này thì chúng ta sẽ không thể nào bị hãm hại bởi các chúng sinh khác. Điều này đã được thể hiện trong câu chuyện kể về sự thành tựu giác ngộ của Đức Phật ở Bồ-đề Đạo Tràng, Ấn Độ.

Vào buổi sáng ngày Đức Phật thành tựu giác ngộ, có mười triệu phi nhân tấn công Ngài bằng sấm sét cùng đủ loại vũ khí với nỗ lực ngăn cản sự giác ngộ của Ngài. Tuy nhiên, khi tiếp cận với Ngài, các vũ khí hóa thành hoa rơi xuống như mưa quanh thân thể linh thiêng của Ngài. Khi tâm của chúng ta thanh tịnh thì không có lý do gì để người khác hãm hại chúng ta.

Có lần tôi xem một chương trình tivi với cảnh một nhà tập thể có những người bị bệnh hoang tưởng sống với nhau. Một người đàn bà đang khóc yêu cầu giúp đỡ, bà ta nói rằng bác sĩ đã không giải thích cho bà ta biết về nguyên nhân bệnh hoang tưởng cũng như phương pháp chữa bệnh đó. Tôi chợt nghĩ rằng ở phương Tây một số phương pháp chữa bệnh như giải phẫu chẳng hạn rất tiến bộ, trong khi ở phương Đông, con người đã có cách trị bệnh hoang tưởng tốt hơn. Đạo Phật đã cung cấp nhiều cách chữa bệnh hoang tưởng.

Chuyển hóa tư tưởngthực hành tịnh hóa là những giải pháp tốt nhất, vì có thể giúp bệnh nhân tẩy sạch các suy nghĩ và hành động bất thiện, nhân của bệnh này. Tốt nhất là chính các bệnh nhân bị hoang tưởng tự mình thực hành, tuy nhiên các hành giả chứng đắc cao cũng nên được mời đến để cử hành các lễ puja hay thiền định để khống chế các phi nhân gây bệnh. Một số lễ puja trong đó có liên quan đến việc ra lệnh cho các phi nhân rời khỏi thân bệnh nhân, đừng gây hại nữa.

Nhiều vị Lama đang ở phương Tây có đủ tư cách và khả năng thực hiện những nghi quỹ để chữa bệnh hoang tưởng. Dù không thực hiện các lễ puja hỗ trợ, nhưng chỉ với những thời tu tập thiền định và cầu nguyện hằng ngày, các vị Lama cũng giúp được cho các bệnh nhân. Chữa bệnh cho người bị ma nhập thường cần sở đắc nhiều yêu cầu khác cao hơn sự hiểu biết về mật chú hay thiền định tương ứng, và những vị sở đắc nhiều phẩm chất như vậy thì hiếm có. Ví dụ, một người sống một cuộc sống giới hạnh thanh tịnh sẽ có năng lực lớn lao để chữa bệnh và khống chế phi nhân. Khi các hành giảgiới hạnh thanh tịnh đó khẩn cầu các đấng giác ngộ và các vị hộ pháp giúp đỡ, thì nhờ vào giới hạnh thanh tịnh, các hành giả mời được các đấng giác ngộ và các vị hộ pháp hỗ trợ cho họ. Các hành giả đó cùng hợp tác với các vị thánh linh nói trên để khống chế các phi nhân.

Việc điều trị khỏi bệnh hoang tưởng cần đến nhiều yếu tố khác nhau, kể cả mức độ của nhân gây bệnh. Nếu do nghiệp bất thiện nặng gây ra thì cần sự đối trị quyết liệt. Không phải bất kỳ người bệnh nào cũng sẽ được chữa lành theo cách tôi vừa nêu ra, nhưng kinh nghiệm thông thường ở phương Đông là một số người nào đó có thể được chữa khỏi.

Điểm chính cần phải hiểu ở đây là: mọi sự mà ta thấy, nghe đều xuất phát từ tâm chúng ta. Nếu ta nhận ra điều này thì bất kỳ những gì lạ lùng mà chúng ta thấy hay nghe đều không thể gây hại hay làm cho ta phiền muộn. Nếu chúng ta nhận thức rằng những điều lạ lùng đó là do các bệnh thuộc về khí gây ra thì chúng ta đừng tin vào chúng. Và khi chúng ta không tin mà nhận biết đó chỉ là các ảo tưởng, thì chúng sẽ không làm ta bận tâm. Nhưng nếu chúng ta không biết chúng có quan hệ với tâm của ta và chỉ tin rằng chúng xuất phát từ nguồn gốc bên ngoài thì chúng ta sẽ hoảng sợ và thậm chí điều đó có thể làm ta hóa điên.

Chấp nhận các vấn đề



Khi gặp phải một tình huống khó chịu, chúng ta phải tự nhắc nhủ mình rằng chẳng có lợi ích gì khi xem nó như một vấn đề và rồi tự mình tạo ra sự lo sợ hay phiền muộn. Trong quyển Nhập Bồ Tát Hạnh, vị Đại Bồ Tát Tịch Thiên (Shantideva) có lời khuyên rằng: “Nếu một vấn đề có thể giải quyết được thì đâu cần phải lo âu bực bội làm gì.” Nếu có cách giải quyết vấn đề thì, đơn giản là bạn hãy áp dụng cách giải quyết đó. Thật buồn cười khi bực bội lo âu trong khi chúng ta có cách giải quyết. Nếu có cách thì hãy làm đi. Chỉ có một việc là: Hãy làm đi!

Ngài Tịch Thiên cũng dạy thêm rằng, nếu một vấn đề không thể giải quyết được, thì có ích lợi gì khi lo âu phiền muộn? Chúng ta đã cố tình giải quyết mà không được, thì đâu cần phải không vui, phải khó chịu vì nó. Chẳng hạn, nếu chúng ta không thể biến cái nhà thành ra vàng hay biến bầu trời thành ra mặt đất, thì việc bực bội khó chịu cũng chẳng giúp được gì. Có một số vấn đềchúng ta không thể tránh được, chẳng hạn một bệnh nan y hay sự gãy đổ một mối quan hệ không thể đảo ngược. Trong trường hợp phải chịu đựng một vấn đề không thể tránh né được như thế thì sự buồn phiền đâu có giúp được gì. Chúng ta nên chấp nhận hơn là từ chối nó.

Trong thời gian nhập thất ở Adelaide (Australia), tôi thường nghe đài phát thanh vào mỗi buổi chiều. Vào một chương trình phát buổi chiều có chủ đề về bệnh trầm cảm, khách mời là một nhà tâm lý học nữ, đã từng viết một số sách về chủ đề này. Bà ta dường như có một quan điểm tâm lý dễ gây tranh cãi, khác biệt với hầu hết các nhà tâm lý khác. Lời khuyên chủ yếu của bà ta đối với những người bệnh trầm cảm là: họ nên chấp nhận trạng thái trầm cảm hơn là từ chối nó. Bà ta khuyên những người tuyệt vọng hãy tự nói với mình: “Tôi đáng phải chịu đựng trạng thái trầm cảm này vì tôi là một con người yếu đuối.”

Lời khuyên của bà ta rất sáng suốt. Dường như bà ta đã cứu xét kỹ các phương pháp khác giải quyết bệnh trầm cảm và thấy các phương pháp đó không thỏa đáng; trong khi, nếu chấp nhận trạng thái trầm cảm thì người bệnh sẽ ngay lập tức giảm được các xúc cảm lo sợ vốn đã kết nối với trạng thái trầm cảm đó, và như vậy họ sẽ được bình an. Khuyến cáo của bà “chấp nhận bệnh trầm cảm hơn là từ chối nó” rất dễ gây tranh cãi, vì nó hoàn toàn đi ngược lại cách suy nghĩ thông thường của chúng ta. Tâm vị kỷ của chúng ta thường muốn thoát khỏi bệnh trầm cảm chứ không phải chấp nhận nó. Kết luận mà bà ta đạt đến cho thấy một một sự thay đổi cốt lõi về mặt khái niệm, nhưng điều đó lại phù hợp với pháp chuyển hóa tâm.

Tuy thế, lời khuyên của nhà tâm lý học này không đề cập đến việc giải quyết trạng thái trầm cảm về lâu dài. Chúng ta chấp nhận trạng thái trầm cảm của ngày hôm nay, của tháng này, năm này, nhưng chúng ta phải làm gì với tất cả những cơn trầm cảm trong tương lai? Có hay không có một giải pháp để bảo đảm rằng trạng thái trầm cảm sẽ không bao giờ trở lại với chúng ta? Ý tưởng ban đầu của bà ta là rất tốt, nhưng bà ta đã thiếu mất một giải pháp rốt ráo [để giải quyết tận gốc vấn đề].

Rõ ràng là, sẽ có nhiều bất lợi khi chúng ta xem các tình huống đều như là những vấn đề bất ổn, và nếu chúng ta quen với cách suy nghĩ này, chúng ta sẽ thấy các sự việc khó chịu nhỏ nhặt như những vấn đề to tát. Chúng ta phải lưu tâm đến những thiếu sót này và chúng ta phải có một quyết tâm rằng: khi một điều gì không ưng ý xảy đến cho ta thì ta đừng xem đó như là một vấn đề; thay vì vậy, chúng ta đón chào nó như là một điều vui thích. Chúng ta phải can đảm và phải xác định một cách mãnh liệt là sẽ làm như vậy ngay từ lúc sáng sớm của mỗi ngày. Khi nào chúng ta ngưng diễn dịch sai các tình huống bất hạnh như là vấn đề bất ổn, và thay vào đó ta xem chúng như những điều vui thích, thì ngay cả những thảm họa kinh khủng cũng trở nên tầm thường không đáng kể và ta cảm thấy chúng nhẹ như bông.

Bước kế tiếp, chúng ta sẽ cứu xét làm sao để xem các vấn đề như là điều vui thú, vì một khi làm được như vậy thì ý tưởng ưa thích sẽ tự nhiên khởi lên theo. Để thấy được các vấn đề bất ổn là điều vui thú và ưa thích chúng, ta phải thiền quán về lợi lạc của các vấn đề bất ổn.
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.