Thích Nhuận Hải
Để có thể thực tập quán chiếu và nhìn sâu vào tự thân và hoàn cảnh xung quanh mình, chúng ta phải biết cách thức tu tập để khôi phục lại sự toàn vẹn của con người mình, biết cách thức để làm cho mình trở thành tươi mát, định tĩnh và chăm chú. Phương cách và nguồn năng lượng được sử dụng để làm công việc này là Chánh niệm. Chánh niệm (Right mindfulness) là một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo . Chánh niệm tức là sự ý thức, sụ có mặt của tâm ý một cách trọn vẹn, tự chủ và sáng tỏ ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây . Chánh niệm là khả năng giúp cho ta ý thức được những gì đang có mặt, đang xảy ra trong ta và quanh ta . Năng lượng của chánh niệm được ví như là ngồn điện năng chiếu rọi ánh sáng lên trên đối tượng thiền quán : như chiếu rọi vào một trí giác sai lầm, một cảm thọ bất an, một động tác, một phản ứng hoặc là một hiện tượng sinh lý hay vật lý, và làm cho đối tượng ấy trở nên sáng tỏ, tươi đẹp và linh động . Chánh niệm có khả năng giúp ta nhìn sâu và thấy rõ được tự tánh và gốc rễ của đối tượng mà ta quán chiếu . Thực tập chánh niệm không phải chỉ trong lúc ngồi thiền mà phải thực tập thường xuyên trong đời sống hàng ngày, trong lúc đi, đứng, nằm và ngồi ta đều phải ý thức rõ và làm chủ về mỗi động tác, mỗi cử chỉ và tâm ý của ta, không để cho bất cứ một hành động, một lời nói và ý nghĩa nào đi ra khỏi sự kiểm soát và giác tỉnh của tâm ý . Mọi động tác ngôn ngữ và tư duy đều đặt nó dưới ánh sáng của chánh niệm .
Người thực tập chánh niệm là người luôn làm chủ mình, không để cho tâm ý tán thất trôi lăn theo những loạn tưởng và bị lôi kéo bởi những âm thanh sắc tướng bên ngoài . Đức Phật sở dĩ được tôn xưng là một bậc "Điều ngự Trượng phu" bởi vì Ngài đã nắm được chủ quyền về thân tâm của Ngài và hoàn cảnh xung quanh một cách vững chãi và thường xuyên . Ngài luôn an trú trong chánh niệm, trong sự tỉnh thức trọn vẹn .
Thực tập chánh niệm giúp ta trở thành một con người tự chủ và tự do như là Đức Phật . Chánh niệm giúp ta tiếp xúc với sự sống, giúp ta sống sâu sắc và trọn vẹn mỗi giây phút, giúp ta thực tập quán chiếu để nhìn sâu, để thấy và để hiểu . Hoa trái của sự thực tập chánh niệm quán chiếu đó là sự kiến đạo, sự giác ngộ và giải thoát . Trong quá trình thực tập, những sợi dây ràng buộc (triền sử) từ từ được tháo mở, những nội kết khổ đau như sợ hãi, hận thù, giận dữ, nghi kỵ, đam mê v.v… từ từ được chuyển hoá, biên giới của sự chia cắt phân biệt từ từ được mở tung : và mối liên hệ giữa ta và người trở nên dễ dàng, sự an lạc và niềm vui sống tự nhiên xuất hiện, hành giả sẽ cảm thấy mình như một đoá hoa đang từ từ hé nở . Nguồn an lạc của thiền tập rất mầu nhiệm là thế .
Thực tập thiền là làm lắng yên và ngưng tất cả vọng niệm, loạn tưởng để cho tâm ý của chúng ta trở nên định tĩnh sáng tỏ . Sự thực tập và biểu hiện cụ thể của thiền đó là đời sống có ý thức và có năng lượng của chánh niệm . Khi đang làm gì ta có ý thức trọn vẹn về công việc ta đang làm, khi có ý thức, có tự chủ và có sự trầm tĩnh tức là chúng ta đang có chánh niệm, có sự tự chủ . Ngược lại, lúc làm mà chúng ta không biết là ta đang làm, lúc đi mà không biết mình đang đi v.v…tức là ta đang ở trong tình trạng thất niệm quên lãng vì tâm ý không có mặt một cách trọn vẹn với giây phút đang là . Chánh niệm là một nguồn năng lượng rất sáng đẹp và quý báu ; nếu không biết thực tập, không biết sống trọn vẹn với nguồn năng lượng ấy với mỗi phút giây hiện tại thì chúng ta sẽ không thể nào tạo nên nguồn an lạc, vững chãi và hạnh phúc chân thật được .
Chánh niệm là trái tim thiền tập trong đạo Phật, là nguồn năng lượng quán chiếu không thể thiếu của một thiền giả . Thực tập chánh niệm đưa đến định lực và tuệ giác . Thành tựu được định lực thì ta sẽ thành tựu được tuệ giác, và nhờ tuệ giác mà ta thấy được chân tướng của sự vật và của cuộc đời . Ta có thể xây dựng đời sống an vui và hạnh phúc cho chính mình và mọi người xung quanh .
(Nguyệt san Giác Ngộ số 49 )