Chương Xi Khổ Đau Và Buông Xả

12/09/201312:00 SA(Xem: 15936)
Chương Xi Khổ Đau Và Buông Xả

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH
OPENING THE DOOR OF YOUR HEART
And Other Buddhist Tales Of Happiness
Ajahn Brahm
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2010

Chương XI KHỔ ĐAU VÀ BUÔNG XẢ

96. Nghĩ về chuyện giặc y

Con người trong thời đại ngày nay có quá nhiều suy tư. Nếu họ bớt suy nghĩ một chút, chắc họ sẽ sống thoải mái hơn.

Trong tự viện chúng tôi ở Thái, mỗi tuần chúng tôi bỏ ngủ một đêm để thiền từ chạng vạng tới rạng đông tại chánh điện. Thật tình không có gì gọi là khắc khổ lắm vì chúng tôi có thể ngủ bù vào sáng hôm sau.

Lần nọ, sau đêm thiền lúc chúng tôi chuẩn bị về cốc nghỉ ngơi, sư cả bảo vị tỳ kheo người Úc đem một ôm y đi giặt ngay, khiến ai ai cũng đều ngạc nhiên. Tập tục của chúng tôi là phải luôn luôn chăm lo cho sư cả trụ trì, như giặt y hay rửa bình bát của sư.

Đống y khá lớn và phải giặt tay. Theo truyền thống dạy, phải xách nước giếng, chẻ gỗ mít lấy dăm nấu với nước (làm xà bông), đặt y từng chiếc một trên cái máng, đổ nước sôi (màu nước nâu nâu vì mủ mít) lên y, và dùng tay vò y. Y sạch phải được phơi ngoài nắng và phải được trở đúng lúc để màu không phai y không bị lem luốc. Giặt một chiếc y theo cách truyền thống này đã là một việc rất công phu và đòi hỏi nhiều thời gian rồi, vậy mà sư gốc Brisbane (Thủ phủ của Queensland, một trong ba thành phố lớn nhất của Úc, nằm trên bờ biển Đông của châu Úc) kia phải giặt tới một đống y sau đêm thiền không ngủ. Thật đáng thương sư!

Tôi ra chòi giặt để phụ sư một tay. Tôi ngạc nhiên biết sư làm công phu theo truyền thống Brisbane hơn là truyền thống Phật giáo. Sư cằn nhằn sao sư cả không đợi qua hôm sau rồi hãy sai đi giặt? Sư cả có biết sư không ngủ suốt đêm qua không? Sư đi tu chớ đâu phải đi ở đợ! Đây không phải là nguyên văn sư nói nhưng ý sư là như vậy.

Qua những năm trải nghiệm cuộc đời là sư, tôi biết tâm trạng của sư đang giặt y này. Tôi bèn khuyên sư: “Nghĩ đến công việc mệt hơn là làm công việc ấy.”

Sư nhìn tôi, lặng thinh. Rồi sư trở lại giặt y và sau đó đi ngủ. Chiều, sư đến gặp tôi cám ơn tôi đã giúp sư giặt xong đống y một cách gọn hơ. Sư thú nhận rằng nghĩ là phần khó nhất. Lúc sư không còn nghĩ và cằn nhằn nữa, việc giặt y của sư trôi qua dễ dàng.

Phần khó nhất của bất cứ việc gì trong cuộc sống là suy nghĩ quá nhiều về công việc ấy.

 

97. Kinh nghiệm xe đất

Tôi học được bài học “nghĩ khổ hơn làm” lúc tôi theo tu học với Ajahn Chah ở Thái Lan.

Lúc bấy giờ Ajahn Chah đang xây cất chánh điện và tất cả các sư đều góp sức. Ajahn Chah thường thử chúng tôi bằng cách nói rằng công lao của một sư trong một ngày bằng hai chai nước ngọt Pepsi (đó là loại nước ngọt có khí hòa tan do hàng PepsiCo sản xuất. Thứ nước ngọt này được dược sĩ Caleb Bredlam ở New Bern, North Carolina Mỹ, chế tạo năm 1898 và trở thành thương hiệu năm 1903), rất rẻ so với lương trả cho công nhân mướn ở ngoài. Biết vậy, tôi nghĩ phải chỉ tôi lập một công đoàn sư trẻ!

Chánh điện được cất trên đồi do các sư khai phá. Cất xong, đất còn dư khá nhiều. Ajahn Chah bảo chúng tôi xe đất đi đổ. Chúng tôi hì hục trong ba ngày liền, xúc đất xe đi đổ chỗ được chỉ định. Công việc rất vất vả, nhưng xong rồi, ai nấy đều hoan hỷ.

Hôm sau lúc Ajahn Chah đi vắng, sư phó trụ trì gọi chúng tôi bảo phải dời đất đi chỗ khác. Tôi nhớ lại ba ngày làm việc không kịp thở dưới ánh nắng cháy da vừa qua mà ngán ngẩm rồi đâm ra bực dọc. Nhưng rất may, tôi tự chế được và bắt tay vô làm.

Công tác vừa xong, Ajahn Chah vừa về tới. Ngài gọi chúng tôi hỏi tại sao dời đất đi khỏi chỗ Ngài đã chỉ định. “Hãy dời đất trở lại” Ngài bảo. Tôi bắt đầu giận, giận tím gan. Tôi tự hỏi: “Sao các trưởng lão ấy không thảo luận để lấy thỏa thuận trước? Phật giáo là một đạo rất có quy củ, nhưng tự viện này thật không có tổ chức, chỉ có khối đất dư mà cũng không quyết định được phải đổ ở đâu. Thật quá đáng!”

Ba ngày cực khổ nữa đang chực chờ chúng tôi. Lúc còng lưng đẩy xe đất, tôi rất bất mãn; tôi rủa bằng tiếng Anh nên các sư Thái không hiểu. Tôi nghĩ chỉ thị của sư trưởng lão không hợp lý và thử hỏi cái không hợp lý này còn kéo dài tới bao lâu nữa!

Tôi có cảm tưởng tôi càng giận, xe đất càng nặng thêm. Thấy tôi vừa hì hục vừa lầm bầm, một sư bạn ngừng tay đến nói nhỏ với tôi rằng: “Vấn đề của sư là sư suy nghĩ nhiều quá!”

Nghe lời sư bạn, tôi không suy nghĩ và không than vãn nữa, tôi có cảm tưởng xe đất nhẹ ra và dễ đẩy hơn. Nghĩ đến việc xe đất khó hơn đẩy xe đất. Sư bạn tôi nói đúng và tôi học được chữ Nhẫn.

Giờ đây tôi nghĩ chắc hai sư trưởng lão của chúng tôi đã sắp đặt vậy ngay từ lúc đầu.

 

98. Buồn ta, vui họ!

Đời sống của sư trẻ ở Thái Lan xem chừng như không có gì có thể là công bằng hết. Sư lớn được ăn ngon, ngồi trên tọa cụ mềm và không phải đẩy xe bồ ệch (Âm của tiếng pháp Brouette, tức xe cút kít để chuyển đất, cây, cành, gạch, ngói v.v…). còn sư trẻ như tôi ăn những thứ chán phèo, dầu biết rằng bữa ăn ấy duy nhất trong ngày. Tôi ngồi hàng giờ dự lễ dưới sàn xi măng không phẳng phiu (vì dân quê làm gì biết cách tráng xi măng). Nhiều lúc tôi còn phải làm việc vất vả nữa. Buồn cho tôi, vui cho họ!

Tôi bỏ nhiều thì giờ lý luận nhưng rồi cũng không đến đâu, chỉ đến sự than thân trách phận. Sư lớn đã ít nhiều giác ngộ rồi thì đâu còn bận tâm tới món ngon vật lạ; sư trẻ chúng tôi mới cần ăn ngon. Sư lớn đã quen ngồi trên sàn cứng rồi, họ nên nhường gối mền cho chúng tôi. Hơn thế nữa sư lớn nào cũng mập lù, họ có “gối mỡ thiên nhiên” rồi. Sư lớn cứ bảo chúng tôi cố gắng làm việc cho họ chẳng động tới móng tay. Vậy làm sao họ biết cái nóng của nắng hay cái mệt của sự đẩy xe nặng? Vả lại mọi chương trình đều do họ hoạch định, họ phải ra tay chớ! Buồn cho tôi, vui cho họ!

Lúc tôi lên hàng sư lớn, tôi ăn ngon, ngồi trên gối mềm và ít khi làm lụng vất vả. Nhưng tôi lại thích đời sống sư trẻ. Tôi nghe tôi tự nói với mình rằng: “Tôi khỏi phải thuyết pháp cho đại chúng, phải giải quyết vấn đề của người khác, khỏi phải lo việc hành chánh nhức đầu.” Buồn cho tôi, vui cho họ!

Tôi nhận thức rằng sư trẻ có cái khổ của sư trẻ, sư lớn có cái khổ của sư lớn. Từ sư trẻ lên sư lớn tôi chỉ đổi từ cái khổ này qua cái khổ khác.

Cũng vậy, người độc thân mong được như người có gia đình và người có gia đình muốn được làm người độc thân. Giờ đây các bạn chắc đã hiểu rằng khi lập gia đình các bạn chỉ đổi “cái khổ của người độc thân” qua “cái khổ của người có gia đình”. Rồi khi bạn nào ly dị, bạn ấy chỉ đổi từ “cái khổ của người có gia đình” qua “cái khổ của người ly dị”.

Lúc nghèo chúng ta mong được giàu. Nhưng có nhiều người giàu muốn trở lại thời nghèo, lúc họ vui cái vui chân thật giữa bạn bè hay hưởng thú tự do muốn đi đâu thì đi (không sợ ai bắt cóc đòi chuộc mạng hoặc cà rà theo xin tiền). Họ chuyển từ “cái khổ của người nghèo” qua “cái khổ của người giàu”. Người về hưu bị bắt giảm lợi tức, họ chuyển từ “cái khổ của người giàu” qua “cái khổ của người nghèo” và câu chuyện “Buồn tôi, vui họ!” kéo dài bất tận.

Nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc khi được cái này hay cái khác là ảo tưởng. “Trở thành” là một hình thức chuyển đổi từ cái khổ này qua cái khổ khác mà thôi. Chỉ khi nào chúng ta mãn nguyện với cái mình hiện có, chúng ta mới thật sự hạnh phúc. Và chừng đó mới “Vui ta, buồn họ!”

 

99. Lời khuyên người bệnh

Tôi bị lên trái rạ lúc đang tu tại Thái Lan, tu năm thứ hai. Tôi bị hành nóng lạnh, phải nhập viện ở Ubon và được đưa vô nằm trong khu dành riêng cho tu sĩ. Vào giữa thập niên 70 Ubon còn là một vùng quê xa xôi hẻo lánh rất nghèo nàn.

Đến nơi tôi cảm thấy mệt nhoài, tay nhân bủn rủn và yếu hẳn người. nhưng phòng không có y tá trực; y tá trực ngày rời viện lúc 6:00 chiều rồi. Chừng nửa giờ sau không thấy có y tá khác thay thế, tôi hỏi sư nằm bên cạnh và được biết khu này không có y tá trực ban đêm. Sư ấy còn nói thêm rằng nếu có gì xảy ra cho sư nào thì đó là vì cái nghiệp của sư ấy vậy! Bệnh đã lo rồi, nghe sư này nói tôi cảm thấy sợ thêm!

Đúng là nghiệp của mình nó hành; tôi phải chịu trận nằm lại đây một tháng trường. Mỗi sáng và chiều tôi bị anh y tá, mạnh như trâu, lụi kim vô mông - chích cho thuốc kháng sinh. Là một cơ sở y tế nghèo trong vùng lạc hậu của một quốc gia thuộc thế giới thứ ba, bệnh viện tôi nằm phải dùng đi dùng lại kim và ống chích luộc trong nước sôi. Kim cũ rất lụt nên anh y tá phải ráng sức đâm mạnh làm tôi ê ẩm cả hai mông. Tôi sợ và ghét anh y tá trâu cổ này không thể tả!

Tôi đau đớn, tôi yếu người và tôi khổ sở vô cùng. Một chiều nọ Ajahn Chah đến, Ngài đến thăm tôi? Đúng, Ngài thăm tôi và các sư khác đang nằm tại đây. Tôi rất cảm kích và hãnh diện. Tôi rất vinh hạnhcảm thấy vui nhiều - cho đến khi Ngài lên tiếng:

“Sư phải ráng hết bệnh nếu không sư sẽ chết.”

(Ajahn Chah lặp lại câu nói này với mọi bệnh nhân Ngài đến thăm chiều hôm ấy, tôi biết được như vậy hồi sau này).

Lúc ngài ra về, tôi thất vọng ê chề; niềm vui được Ngài đến thăm viếng tan tành theo mây khói. Và cái đau buồn nhất của tôi là tôi không được nghi ngờ lời của một bậc trưởng lão như Ajahn Chah, vì điều gì Ngài nói ra đều là sự thật hết. Tôi phải ráng hết bệnh, nếu không tôi sẽ chết. Hai ngã đường sanh tử, ngã nào cũng xóa tan mọi đau khổ của bệnh tật cả.

Đó là sự thật. Và may cho tôi, tôi được đi qua “ngã sanh” nhờ bệnh thuyên giảm và hết luôn.

Ajahn Chah là một đại sư phụ!

 

100. Ngã bệnh là một cái tội?

Trong nhiều buổi nói chuyện tôi thường yêu cầu thính chúng giơ tay nếu họ đã từng bị bệnh. Hầu hết đưa tay lên (những người không giơ tay có thể đang ngủ gục hay đang mơ mộng chuyện gì đó). Đó cho thấy bệnh là chuyện bình thường. Hơn thế nữa, bạn sẽ bất bình thường nếu thỉnh thoảng bạn không bị bệnh. Như vậy tại sao khi gặp bác sĩ bạn lại khai sức khỏe tôi bình thường? Bạn không khi nào bị bệnh mới là chuyện bất thường, có phải không nào?

Lúc nào bạn nghĩ rằng đau ốm là “cái bất thường” bạn đã vô tình gây thêm phiền não vô ích cho bạn. Trong tiểu thuyết Erewhon (Erewhon là tiểu thuyết giả tưởng châm biếm thời nữ hoàng Alexandrina Victoria (1819 – 1910) trị vì Anh quốc) xuất bản năm 1872, tác giả Samuel Butler tưởng tượng một xã hội trong ấy bệnh tật được xem như cái tội đáng bị tù. Một bị cáo đang đứng trước vành móng ngựa bất chợt ho và nhảy mũi (ông đang bị bệnh à!) bị ông chánh án kết tội là người tái phạm nhiều lần. Đó không phải là lần đầu tiên ông ra tòa. Hơn thế nữa, đó là hậu quả của việc ăn uống bừa bãi trong môi trường đầy căng thẳng. Ông bị kết án nhiều năm tù giam!

Có ai trong chúng ta cảm thấy bị tội khi đau ốm?

Một vị sư bạn của tôi mang chứng bệnh không biết căn nguyên trong nhiều năm. Ông nằm gần như liệt giường tháng này qua tháng kia, không con sức đi đứng dầu chỉ đi ra khỏi cốc. Tự viện không tiếc tiền cũng như công sức để giúp sư điều trị bằng tây y cả đông y, nhưng không có hiệu quả. Nếu có, chỉ là hiệu quả tạm thời rồi đâu cũng vào đó. Ai cũng đinh ninh sư sẽ chết.

Lần nọ vị sư trụ trì quán chiếu vấn đề và tìm được một phương pháp. Ngài đến cốc thăm sư bệnh nhân và nói:

“Tôi đến đây, thay mặt cho toàn thể các tăng ni trong tự viện cũng như tất cả Phật tử hộ trì từng quý mến Sư, cho phép sư được chết. Sư không cần bình phục nữa.”

Sau khi nghe lời sư cả, sư bệnh khóc. Lâu nay ông đã cố gắng hết sức mình để mong hồi phục. Hơn thế nữa ông không thể phản bội các sư bạn đã từng đổ công sức giúp ông lành bệnh. Ông cảm thấy mình thất bại và tội lỗi nếu không ngồi dậy nổi. Lời của sư cả cho biết giờ đây ông tự do bệnh và chết cũng được. Ông không cần phải cố gắng để làm vui lòng thầy bạn nữa. Sự giải thoát làm ông chảy nước mắt.

Bạn nghĩ vị sư bệnh này có chết không? Không. Từ hôm ấy, sư thấy bệnh mình thuyên giảm và sau rốt sư hết bệnh.

 

101. Thăm bệnh

“Anh có khỏe không?” là câu trên đầu môi của người đi vô nhà thương thăm bệnh. Có phải vậy không các bạn?

Thật ngô nghê! Nếu khỏe thì anh ấy vô bệnh viện làm gì? Hơn thế nữa câu hỏi đó chỉ làm tinh thần người bệnh thêm căng thẳng. Anh sẽ cảm thấy mình không tế nhị nếu trả lời thật tình rằng mình đau chỗ này hay chỗ nọ. Anh cũng sẽ cảm thấy mình vô tâm nếu hé lộ sự thật có thể làm cho người đã bỏ công đến bệnh viện thăm mình đau buồn. Do đó, anh phải nói láo, “À tôi khá hơn hôm qua” để rồi sẽ ân hận là mình đã mang tội chưa khá mà nói khá và tội nói láo. Tiếc chưa? Người thăm bệnh đã vô tình làm bệnh nhân bệnh thêm!

Một ni người Úc thuộc dòng Tây tạng bị ung thư, đang chờ chết tại nhà chờ ở Perth. Tôi biết ni cô nhiều năm qua và thường đến thăm viếng bà. Một hôm bà gọi yêu cầu tôi đến thăm bà ngay trong nội nhật vì bà có cảm tưởng sẽ đi bất cứ giờ phút nào. Thế là tôi bỏ hết công việc nhờ xe chở đi bảy mươi cây số để gặp bà lần sau cùng. Đến nơi tôi được lễ tân cho biết ni cô đã dặn không cho ai thăm cả.

“Nhưng tôi đã đi bảy mươi cây số ngàn để chỉ thăm ni cô,” tôi nài nỉ.

“Rất tiếc” cô y tá nói “bà không muốn khách thăm và chúng tôi phải tôn trọng ý muốn của bà”

“Nhưng bà ấy gọi tôi cách đây một tiếng rưỡi yêu cầu tôi đến” tôi chống chế.

Cô y tá trưởng tò mò nhìn tôi rồi ra dấu mời tôi theo cô. Chúng tôi dừng lại trước cửa phòng của ni cô. Cô chỉ lên bảng dán trên tường, “Không tiếp khách” và nói, “Đó sư thấy không?”

Tôi đọc kỹ bảng viết và thấy thêm hàng chữ nhỏ “trừ Ajahn Brahm” bên dưới. Thế là tôi được vào.

Tôi hỏi sao ni cô cho viết bảng như vậy, bà đáp rằng tất cả khách thăm đều tỏ ra buồn rầu khi thấy bà sắp chết nên bà không chịu nổi.

“Chết vì ung thư đã khổ rồi, phải đối phó với tình cảm của khách thăm bệnh còn khổ hơn,” Ni cô giải thích.

Rồi bà nói tiếp rằng tôi là người duy nhất xem bà như người bình thường, chớ không phải người bệnh đáng thương. Tôi còn nói chuyện đùa để làm bà vui và chọc bà cười. Được mời, tôi kể chuyện cười suốt một tiếng đồng hồ. Đáp lại, bà dạy tôi cách giúp bệnh nhân sắp chết. Bài học tôi học là khi vào nhà thương ta nên nói chuyện thường với người thường và hãy để bác sĩ nói chuyện bệnh với bệnh nhân.

Ni cô qua đời hai ngày sau khi tôi đi thăm bà lần ấy.

 


102. Làm vơi nỗi u sầu của tang chế

Làm sư tôi có nhiệm vụ cử hành tang lễ và thường trực diện với cái chết. Do đó tôi quen - quen khá thân với nhiều giám đốc nhà quàn. Họ luôn luôn nghiêm trang trong tang lễ nhưng rất hài hước trong đời tư.

Ví dụ có một giám đốc từng kể cho tôi nghe chuyện của cái nghĩa địa trong vùng đất sét trũng sâu ở miền Nam Úc. Hễ có hạ huyệt là có mưa lớn. Và trong lúc cha xứ làm lễ, quan tài từ từ nổi lên!

Một chuyện khác: trong lúc đọc kinh, cha sở ở Perth vô ý dựa vào hàng nút trên bục giảng khiến âm thanh bị tắt, nhạc kèn đám ma thổi bản Last Post (Last Post là bản nhạc dùng trong các tang lễ quân lực để tiễn người chiến sĩ ra đi vĩnh viễn. Sử dụng lần đầu tiên trong quân lực hoàng gia Anh. Thường thổi bằng kèn đồng bugle.) vang vang và quan tài lù lù chạy ra qua màn chắn. Chuyện xảy ra làm nhiều người dự đám tang nghĩ quấy rằng thân xác trong quan tài kia không thể nào là một người ôn hòa trong lúc sanh tiền!

Một giám đốc khác có tật nói giễu lúc cùng tôi đi trước xe tang trên đường từ nhà quàn tới nghĩa địa. Sau mỗi chuyện – mà chuyện nào cũng đáng cười hết – ông thúc cùi chỏ cho tôi cười. Tôi không sao không cười nhưng không dám cười ra tiếng. Biết vậy, tôi luôn luôn nhắc ông đừng giễu lúc tôi làm lễ; tôi cần bộ mặt nghiêm nghị. Yêu cầu của tôi chỉ làm ông giễu thêm.

Lâu rồi tôi học và biết phải làm gì để đám tang bớt u buồn. Lần nọ cách nay khá lâu, tôi bậm gan kể câu chuyện vui trong đám tang tôi chủ lễ. Sau khi tôi bắt đầu câu chuyện, ông giám đốc tang lễ đứng sau đám người đưa tang ra dấu cho tôi ngưng vì ông nghĩ không nên làm như vậy trong nhà quàn. Nhưng tôi cứ tiếp tục khiến mặt ông còn nhăn hơn mặt thân chủ của ông đang bật cười. Họ nói người quá cố chắc sẽ vui nhiều khi thấy thân thuộc đưa ông đi bằng nụ cười nở trên môi. Từ đó tôi bắt đầu kể chuyện vui trong đám tang nhằm mục đích làm vơi đi phần nào nỗi u sầu của thân quyến và các bạn bè đi đưa.

Tại sao không phải không các bạn? Và bạn có muốn tôi kể chuyện cười trong đám tang của bạn không? Mỗi lần tôi hỏi như vậy, thính chúng đều đồng thanh đáp, “Muốn!”

Vậy thì có gì mà phải lo! Và dưới đây là một chuyện:

Có hai ông bà nọ sống chung nhau rất lâu, cho đến già khụ. Lúc ông chết bà chết theo chỉ vài hôm sau đó. Cả hai đều lên thiên đường, họ được một tiên nữ duyên dáng đưa đến một biệt thự to trên ngọn đồi có sóng vỗ quanh năm, thứ biệt thự mà đại phú gia mới tạo nổi trên thế gian này. Tiên nữ trình rằng biệt thự này là phần thưởng tiên giới của hai ông bà.

Là người thực tế, ông vội nói: “Rất tuyệt nhưng chúng tôi làm sao đóng thuế nổi?” Tiên nữ mỉm cười, thưa rằng trên thiên đường không có thuế nhà đất. Nói xong, tiên nữ đưa ông bà đi một vòng xem biệt thự. Tất cả các phòng đều được trang hoàng bàn ghế, tủ giường hoặc cổ hoặc tân, rất đắt tiền. Đèn trần cái nào cái nấy đều lộng lẫy. Bồn rửa mặt, bàn cầu bằng vàng đặc. Truyền hình đầu máy thứ tối tân nhất thế giới. Sau khi xem qua hết rồi, tiên nữ trịnh trọng trình đó là quà tiên giới của ông bà. Nếu có món nào ông bà không vừa ý, xin báo cho biết là có người đến thay ngay.

Ông không che giấu sự e ngại và nói thẳng với tiên nữ rằng ông bà không đủ tiền đóng bảo hiểm cho các thứ quý hiếm như vậy. Cô tiên nữ đáp ngay rằng trên thiên đường không có trộm cắp nên không cần phải bảo kê.

Tiếp theo tiên nữ đưa ông bà ra nhà xe. Ba chiếc xe hiệu đang đậu chờ ông bà trong nhà xe ba gian rộng rãi này. Chiếc SUV (Viết tắt của chữ Sport Utility Venicle) đồ sộ, hai cầu, chạy luồn bốn bánh. Chiếc Touring Limousine Rolls – Royce sang trọng. Và không thấy lúc còn dưới thế. Tiên nữ xin ông bà cứ tự tiện thay đổi kiểu hay màu, chỉ cần báo là có liền. Đó là quà tiên cảnh của ông bà.

Ông lo lắng nói: “Dẫu chúng tôi có thể đóng thuế số xe, điều mà chúng tôi không thể, chúng tôi cũng không dám nhận xe, vì xe thể thao để làm gì, nếu không muốn nói là để bị phạt vì chạy quá tốc độ!”

Tiên nữ lắc đầu thưa rằng trên thiên đường không có thuế bảng số cũng như không có công an rình bấm tốc độ. Ông có thể lái Ferrari chạy mau chậm gì tùy ý. Rồi cô bấm nút mở cửa nhà xe. Bên kia đường là sân gôn mười tám lỗ. Tiên nữ thưa tuy ở trên thiên đường nhưng ai cũng biết ông thích chơi gôn nên đã nhờ Tiger Woods (Tiger Woods (1975 - ) là nhà vô địch thế giới về gôn hiện nay, từng đoạt nhiều giải quốc tế lớn hàng năm từ 1997. Cha ông là người Mỹ da đen và mẹ ông là người Thái) cố vấn thiết kế sân gôn tuyệt vời này.

“Sân gôn này ắt phải thâu hội phí rất đắt” ông nói, “tôi không nghĩ tôi có thể đóng nổi!”

Tiên nữ thưa: “Không có hội phí, nguyệt liễm trên thiên đường.” Cô nói thêm: “Vả lại trên sân này ông không phải cắm cơ mới đánh banh được. Banh biết tránh chướng ngại và luôn luôn về lỗ một cách chính xác. Đó là món quà tiên cảnh của ông bà.”

Sau khi tiên nữ xin cáo lui và ra về, ông la bà, la mắng một cách dữ dội. Ngạc nhiên, bà hỏi:

“Tại sao ông la rầy tôi? Chúng ta được một biệt thự sang trọng nguy nga, bàn ghế lộng lẫy, xe Ferrari mà ông từng mơ ước, và sân gôn tuyệt vời kế bên nhà. Ông còn muốn gì nữa chớ? Và tại sao ông giận tôi quá đáng như vậy?

“Tại bà hết,” ông chua chát nói, “tại dưới đó bà dọn cho tôi toàn món dinh dưỡng. Nếu không tôi đã lên đây từ lâu rồi!”

 

103. Sầu Muộn, Mất Mát và Mừng cho cuộc sống

Hễ có mất mát là có sầu muộn. Chúng đi chung với nhau như hình với bóng trong một số văn hóa, nhưng không hẳn là một hệ quả không có ngoại lệ.

Tôi có nhận xét trên sau tám năm tu học Phật tại miền Đông Bắc Thái Lan, nơi mà văn hóatư tưởng Tây Phương hầy như không được biết đến. Tự viện của tôi được dân làng sống chung quanh đó dùng làm nơi hỏa táng người quá cố, nên tôi có dịp chứng kiến hằng trăm đám tang trong cuối thập niên 70; mỗi tuần đều có ít nhất một đám. Tôi lấy làm lạ không thấy ai khóc trong đám tang. Thăm viếng và hỏi han, tôi được biết dân quê Thái tại vùng này không tỏ ra u buồn khi thân nhân họ ra đi; họ chấp nhận cái chết như chuyện thường tình vì đã thấm nhuần lời Phật dạy về sanh lão, bệnh, tử. Quan niệm của họ về cái chết và u sầu có nhiều khác biệt với quan niệm của phương Tây.

Ba tôi mất lúc tôi mới 16 tuổi. Đối với tôi ông là người cha tuyệt diệu. Chính ông đã dạy tôi, “Dầu con có làm gì trong đời con, tâm ba vẫn luôn luôn rộng mở.” Tôi quý ông vô cùng và thương ông yểu mệnh, nhưng tôi không khóc khi ông nhắm mắt lìa trần hay trong đám tang của ông và cả cho tới hôm nay. Tôi biết lý do tôi không khóc, và tôi xin kể câu chuyện sau để các bạn hiểu tại sao.

Lúc còn trong lứa tuổi thanh niên, tôi rất thích nhạc, từ nhạc rock đến cổ điển và jazz đến dân ca. Luân Đôn là thành phố mà ai đã yêu nhạc phải yêu Luân Đôn, nhất là trong hai thập niên 60 và 70. Tôi là một trong những người đầu tiên đi xem nhóm Led Xeppelin (nhóm nhạc rock thành lập năm 1968 bởi bốn nhạc sĩ Anh: John Bonham, Robert Plant, Jimmy Page, và John Paul Jones. Được gọi là “Ban nhạc lớn nhất thế giới” (1971 – 7) trình tấu tại hội quán nghèo Soho của thời bấy giờ. Tôi cũng tiên phong trong việc ủng hộ nhom rock của Rod Stewart (Roderick David “Rod” Stewart (1945-) nhà sáng tác nhạc rock và ca sĩ nổi tiếng của Anh Quốc từ 1960 đến nay) tại phòng tối tăm trên lầu của một quán rượu nhỏ ở phía Bắc thành phố. Tôi còn giữ rất nhiều kỷ niệm của âm nhạc Luân Đôn thời bấy giờ. Sau mỗi lần trình diễn tôi thường cùng chúng bạn bụm tay hét lớn, “Thêm, thêm nữa!” Họ chơi thêm chút nữa, nhưng rồi sau cùng họ cũng cuốn gói. Và tôi cũng ra theo. Tôi còn nhớ mỗi lần tôi đi nghe nhạc về là gặp mưa, thứ mưa phùn dai dẳng lạnh lẽo và ảm đạm. Nhưng tôi không tiếc rẻ dầu cảnh có buồn và dòng nhạc đã dứt.

Đó là tâm trạng tôi lúc Ba tôi ra đi. Cũng như buổi hòa nhạc hay tới hồi chấm dứt. Thế thôi! Nếu tôi có van cầu, có thể ông sẽ nuối lại một khoảnh khắc nữa rồi sau cùng ông cũng “cuốn gói” ra đi. Lúc tôi từ lò hỏa táng Mortlake trở về, tôi cũng đi trong mưa phùn, tôi cũng biết rằng Ba tôi – một người cha tuyệt vời – không còn nữa! Nhưng tôi không khóc vì tôi nhận chân được sự thật và tôi đã may mắn được sống với ông, được ông dạy dỗ, được làm con ông, ít ra là cũng có một thời gian mười sáu năm. Cám ơn, Ba!

U sầu chỉ đến khi nào chúng ta cảm thấy mình bị mất mát. Còn vinh danh cuộc sống là nhận biết chúng ta may mắn có được và thầm cám ơn cái mà chúng ta có được đó.

 

104. Lá Rụng

Có lẽ cái chết mà chúng ta khó chấp nhận nhất là cái chết của trẻ con. Tôi có nhiều dịp cử hành tang lễ cho các em, trai cũng như gái, chưa biết mùi đời. Một trong những nhiệm vụ khác của tôi là khuyên giải thân nhân của các em để họ vơi phần nào u sầumặc cảm tội lỗi. Câu hỏi, “Tại sao là con, là cháu của tôi?” thường được đặt ra. Thay vì trả lời, tôi thường kể cho họ nghe câu chuyện mà tôi học được ở Thái nhiều năm về trước.

Có một sư ẩn tu trong thảo am nằm sâu trong rừng già. Một đêm nọ mưa giông kéo đến. Gió mùa rú ghê rợn, sấm sét nổ vang trời và mưa như thác đổ. Càng về khuya mưa càng dữ dội. Tiếng cành rơi cây ngã nghe phát rợn người. Nhà sư ngồi trong am mà tâm không an vì am tranh có gì là an toàn, có thể tróc nóc hay bị cây cành đè bẹp bất cứ lúc nào. Mưa giông chỉ nhẹ hột vào lúc canh tư và dứt hẳn lúc sắp rạng đông. Đợi cho thái dương ló dạng, sư mới giở liếp bước ra quan sát sự tình.

Hai cây lớn trốc gốc. Một cây ngã cách am không đầy ba thước, thảo nào sư nghe một tiếng ầm long trời lở đất vào khoảng giữa khuya. Rủi mà may! Nhờ tàn cây này cản gió nên am sư còn đứng đó, dầu hơi xiêu vẹo và mái tranh có phần tả tơi. Cây kia nhỏ hơn và ngã xa hơn, trên mười thước. Cành khô và tươi rơi lỏng chỏng khắp mọi nơi. Lá rụng đầy rừng.

Sư bước nhẹ và chậm trên lớp lá ướt sũng nước mưa. Sư thấy đủ thứ lá rừng và đủ màu đủ sắc thiên nhiên: lớn, nhỏ, khô, ướt, nâu vàng đậm, vàng lợt, xanh đậm, xanh lợt và cả lá non mới nở nữa. Sư chợt hiểu bản chất của cái chết.

Để hiểu rõ hơn, sư nhìn lên cây và thấy là còn nhiều trên cành, nhưng hầu hết là lá xanh tươi và lá non. Dầu lá già vàng, khô rơi rụng nhiều nhưng không phải hết; trên cây vẫn còn chúng bám vào cành. Trên cành có nhiều lá non nhưng dưới đất cũng có với số lượng ít hơn. Bấy giờ sư biết tâm phân biệt của mình đã khiến mình nghĩ sai. Cơn mưa giông hồi hôm có lựa chọn cây nào, cành nào, hay lá nào để thải đâu. Cũng vậy, cái chết có thể xảy ra cho bất cứ ai, bất luận già trẻ, lớn, bé. Sư có thể mỉm cười và từ hôm ấy cái chết là cái chết và cái chết của em bé không hẳn là đáng buồn hay đáng trách hơn cái chết của ông lão.

Tâm phân biệt của sư không hoàn toàn sai nếu so sánh trước sau hay nhiều ít. Lúc cơn bão (tử thần) tới, lá “Nâu lốm đốm” (người già bệnh hoạn) thường rơi rụng trước và nhiều nhất, rồi tới lá vàng (cao niên), lá xanh đậm (trung niên), lá non (thiếu niên) và lá mới đâm chồi (sơ sanh); lá mới đâm chồi thường ít nhất.

Biết vậy, chúng ta có thể tạm kết luận rằng bản chất của tử thần trong cộng đồng không khác mấy bản chất của cơn bão trong rừng già.

Không cần phải trách cứ ai hoặc đặt trách nhiệm lên vai ai khi cái chết xảy đến, dầu là đến với trẻ con. Đó là bản chất của sự vật. Thử hỏi ai có thể trách móc cơn bão? Và câu chuyện giúp chúng ta trả lời câu hỏi tại sao trẻ con chết. Chúng cũng giống như lá non hay lá mới đâm chồi bị rơi rụng trong cơn bão tố.

 

105. Chết rồi, Đi lên hay đi xuống?

Lúc dễ gây xúc động nhất trong đám tang có lẽ là giây phút “hạ huyệt” để chôn hay hỏa táng. Bấy giờ ai cũng có cảm tưởng mình sẽ mất người thân thương vĩnh viễn và nước mắt ít khi cầm lại được.

Tôi có dịp chứng kiến nhiều lần “hạ huyệt” tại các lò hỏa táng ở Perth và được nghe nhiều người thân của kẻ quá cố thuật lại tâm trạng mình lúc họ bấm nút để quan tài tự động chìm dần xuống tầng dưới, nơi có lò thiêu. Họ nói người thân họ “đi xuống địa ngục!

Mất người thân là một cái khổ rồi, thấy người thân xuống địa ngục họ càng khổ hơn vì mặc cảm tội lỗi.

Tếu, tôi đề nghị rằng các lò hỏa táng nên thiết kế làm sao đó để khi bấm nút, quan tài từ từ đi lên thay vì đi xuống. Vấn đề không phải khó đối với kỹ thuật tối tân bây giờ. Rồi tôi vẽ cho hệ thống thang máy thủy động và dàn cảnh luôn. Tôi giải thích, lúc quan tài lên gần tới nóc, hơi nước đá khô (carbon dioxide đậm đặc) được xả ra làm thành đám mây bao quanh và nhạc êm dịu của thiên cảnh được bấm nút trổi lên đưa người quá cố qua cánh cửa nhỏ lên tầng lầu trên, nơi có lò hỏa táng. Cảm tưởng đưa người thân lên thiên đường biết đâu sẽ làm vơi nỗi u sầu của người đưa đám. Tôi kể tới đây, cử tọa cười ồ.

Nhưng có người phát biểu rằng tưởng tượng của tôi hay thì có hay, nhưng không ổn vì nếu người nằm trong quan tài là kẻ côn đồ thì sao? Tôi tiếp tục tưởng tượng thêm. Tôi đề nghị thiết kế ba nút bấm: nút “lên” cho quý vị thánh thiện, nút “xuống” cho kẻ bất thiện và nút giữa cho kẻ có tâm địa không rõ ràng. Tới giờ bấm nút, sẽ có cuộc bỏ phiếu bằng cách giơ tay, và thiểu số phải phục tùng đa số, nếu không sẽ có thêm đám tang mới (vì ẩu đả chết người)! Biết đâu hình thức bầu bán này sẽ thu hút số người đưa và đám tang sẽ hoành tráng hơn?

Chết rồi mà cũng chưa biết đi đâu. Lên hay xuống?

 

106. Người có bốn vợ

Ông nọ rất thành công trên đường đời nên cưới tới bốn vợ. Lúc sắp lìa trần, ông mời đến giường bệnh cô vợ thứ tư, trẻ nhất và đẹp nhất. Ông vuốt ve cô và âu yếm hỏi:

“Em à! Anh sẽ chết trong nay mai. Dưới suối vàng anh sẽ cô đơn biết bao nếu không có em. Em đi theo anh nha?”

“Sao được!” cô đáp gọn lỏn, “Em phải ở lại đây để tán dương Anh trong lễ tang chớ!” Nói chưa xong cô đã bỏ đi ra. Thái độlời nói lạnh lùng của cô không khác gì lưỡi dao găm đâm sâu vào tim ông. Lâu nay ông rất hãnh diện về cô và đi đám tiệc quan trọng nào ông cũng đều đưa cô cùng đi, cô làm ông hãnh diện lúc tuổi về chiều. Vậy mà cô không thương ông như ông từng thương cô. Thật ông không ngờ!

Nhưng chưa sao, vì ông còn ba bà nữa. Ông cho mời chị thứ ba mà ông cưới thời trung niên. Ông đã dày công mới đoạt được quả tim vàng này. Ông thương chị sâu đậm vì chị đã đem lại cho ông nhiều niềm vui khó quên. Chị rất duyên dáng được nhiều người dòm ngó nhưng một lòng chung thủy với ông. Hy vọng, ông nắm chặt tay chị và thỏ thẻ:

“Em à! Anh sẽ chết trong nay mai. Dưới suối vàng anh sẽ cô đơn biết bao nếu không có em. Em đi theo anh nha?”

“Không đâu anh”, chị trả lời với thái độ quả quyết của một nữ thương nhân, “Em cần ở lại đây để lo cho đám tang Anh thật hoành tráng, và sau đó em còn phải đi theo các con anh.”

Sự thiếu chung thủy của chị ba làm ông dao động mạnh. Ông biểu chị đi ra cho khuất mắt để ông còn cho mời bà thứ hai. Bà thứ hai là người ông tin cẩn nhất, từng giúp ông giải quyết mọi khó khăn và cho ông nhiều ý kiến quý giá. Nhìn thẳng vào đôi mắt tự tin của bà, ông hỏi:

“Em à! Anh sẽ chết trong nay mai. Dưới suối vàng anh sẽ cô đơn biết bao nếu không có em. Em đi theo anh nha?”

“Xin lỗi anh,” bà thưa với giọng hối tiếc, “Em sẽ đi theo anh đến tận nơi an nghỉ cuối cùng của anh, chớ không thể đi xa hơn.”

Ông như trên trời rớt xuống, hy vọng ông tan tành theo mây khói rồi. Ông bèn cho mời bà thứ nhất, người mà ông có vẻ hất hủi trong những tháng năm sau này lúc ông gặp chị ba quyến rũ và cô tư sắc nước hương trời. Nhưng bà nhất đây mới thật là người vợ mẫu mực luôn luôn đứng sau lưng ông. Ông hơi sượng sùng khi thấy bà bước vô với vẻ mặt hơi gầy và quần áo xốc xếch. Ông nói như khẩn cầu:

“Em à! Anh sẽ chết trong nay mai. Dưới suối vàng anh sẽ cô đơn biết bao nếu không có em. Em đi theo anh nha?”

“Dĩ nhiên, em sẽ theo Anh,” bà đáp với giọng thụ động, “Em sẽ theo Anh đời đời kiếp kiếp.”

Bà thứ nhất theo ông không rời vì bà ta là nghiệp. Bà hai là gia đình, chị ba có tên Tiền tài và cô tư được gọi là danh.

Bây giờ các bạn đã biết rõ bốn bà vợ là ai rồi, xin các bạn đọc lại câu chuyện một lần nữa. Và theo ý các bạn, ai trong bốn bà vợ cần được chăm sóc cẩn thận nhất? Còn ai khác hơn là bà nghiệp, phải không các bạn?

 

107. Đau mà cười

Năm đầu tiên tôi tu ở Thái Lan, tôi được di chuyển từ chùa này qua chùa khác bằng xe vận tải nhỏ. Sư lớn được ngồi phía trước gần tài xế còn sư trẻ chúng tôi phải chen chúc trên hai cái ghế cây dài trong thùng xe đằng sau. Thùng xe có mui vải bố trùm trên các thanh sắt chữ U lật ngược.

Lúc bấy giờ, lộ ở đây là những con đường đất không được tu bổ nên lồi lõm bất thường. Mỗi khi xe lọt xuống ổ voi chúng tôi nhảy vọt lên và đụng đầu vô sườn sắt nghe lốp cốp. Cái đầu trọc của tôi thật đáng tội và tôi không thể nào không chửi thề - dĩ nhiên chửi bằng tiếng Anh để các sư bạn không biết. Nhưng các sư Thái lại cười. Tôi không hiểu sao họ cười được khi bị đụng đầu đau điếng như vậy. Phải chăng đầu họ chai nên không đau? Hay họ cố cười để quên cái đau?

Vì óc tò mò của một thầy giáo dạy khoa học trước đây, tôi thử nghiệm một phen xem sao. Mỗi lần bị đụng đầu tôi cười. Cười, tôi cảm thấy ít đau hơn chửi. Cũng hay hay!

Cười giúp thảy ra máu chất endorphin có công dụng làm giảm đau và tăng sức đề kháng của cơ thể. Do đó cười làm dịu cơn đau. Nếu không tin xin các bạn thử sẽ biết liền.

Kinh nghiệm dạy rằng đời có mặt trái của nó với nhiều chuyện nực cười. Vậy chúng ta nên nhìn vào mặt trái này và cười lớn mỗi khi bị đời vùi dập. Cười nhiều, đau khổ sẽ ít đi.

 

108. Con trùn và đống phân

Nhiều người không chịu ở không. Khi có chút thoải mái rồi, họ tìm cách ôm lấy phiền toái của người khác. Ví dụ: họ thích mở truyền hình theo dõi tình tiết của các bộ phim dài lê thê để thương vay khóc mướn hoặc hồi hộp với các pha cao bồi bắn súng. Họ thích được lo âu và buồn khổ. Họ chẳng những không chọn hạnh phúc mà còn buộc cho mình vào khổ đau, thứ khổ đau mà đáng lẽ họ không cần phải gánh chịu.

Có hai nhà sư cùng tu trong một tự viện và thương nhau như anh em ruột thịt. Sau khi lìa đời, hai sư tái sanh theo hai nẻo duyên nghiệp riêng của mỗi người. Sư em tái sanh làm thiên tử sống tự tại trên cõi trời. Một hôm nhớ anh, sư em đi tìm. Sư tìm khắp mấy từng trời nhưng không thấy anh. Xuống cõi người sư cũng không thấy. Lục lạo thêm dưới các cõi ác để cầu may vì sư không tin anh mình đến đỗi bị đọa xuống đây. Nhưng sư em ngạc nhiên khi nhận ra anh đang làm con trùn sống trong đống phân.

Thương anh, vị thiên tử muốn cứu trùn ra khỏi cảnh khổ bất kể nghiệp của trùn. Ông đến đống phân gọi:

“Này trùn, huynh có nhận ra đệ không? Chúng ta từng là huynh đệ trong kiếp trước nè. Đệ đang làm thiên tử sống trên cõi trời và muốn đưa Huynh lên cùng sống trên đó. Huynh đi nha?”

“Cám ơn đệ,” trùn nói. “Có gì vui sướng trên cõi thiên mà đệ oang oang vậy? Huynh đang rất hạnh phúc trong đống phân tuyệt diệu này.”

“Huynh không biết đó chớ,” vị thiên tử đáp rồi bắt đầu mô tả những kỳ diệu của thiên cảnh.

“Trên đó có phân không, thưa đệ?” Trùn đặt thẳng vấn đề.

“Dĩ nhiên là không.” Vị thiên tử thật thà đáp.

“Vậy huynh xin được từ chối.” Vừa nói trùn vừa chui vô đống phân.

Nghĩ rằng trùn sẽ thích thú với thiên giới nếu được thấy tận mắt, vị thiên tử không nề hà đưa tay bới phân tìm trùn. Ông kéo trùn ra, nhưng trùn giãy giụa và la lớn:

“Xin buông huynh ra. Đừng bắt cóc trùn!” Rồi trùn trơn vuột khỏi tay vị thiên tử và chui trở vô đống phân. Vị thiên tử moi tìm lại và bắt được trùn lần thứ hai. Như lần trước trùn tiết chất nhờn trở thành trơn chùi, lọt khỏi kẽ tay và trốn dưới đống phân. Trì chí, vị thiên tử lập lại lần thứ ba, thứ tư… thứ một trăm lẻ tám. Nhưng trùn đã gắn bó quá sâu đậm với đống phân rồi nên không muốn bỏ đi. Sau cùng vị thiên tử đành trở về thiên cung, tay không.

Chuyện thứ một trăm lẻ tám vừa kể kết thúc quyển sách nhỏ này.



ajahn_brahmavamsoVề tác giả

Ajahn Brahmvamso Mahathera (thường được gọi là Ajahn Brahm), thế danh Peter Betts, sanh tại Luân Đôn, Anh Quốc ngày 7 tháng tám năm 1951. Tốt nghiệp ngành Vật lý thuyết tại Đại Học Cambridge, Anh quốc. Dạy trung học một năm. Sang Thái Lan tu Phật. Thọ giới Tỳ kheo tại Bangkok, Thái Lan lúc 23 tuổi. Theo tu thiền trong rừng trên miền Đông Bắc Thái Lan với Đại trưởng lão Ajahn Chah suốt chín năm dài. Hiện nay Ngài là Sư trụ trì Tự viện Bodhinyana tọa lạc tại Serpetine, Tây Úc. Ngoài ra, Ngài còn là Giám đốc tinh thần Hội Phật giáo Tây Úc (The Buddhist Society of South Australia), Cố vấn tinh thần Hội Phật giáo Victoria (The Buddhist Society of Victoria), Cố vấn tinh thần của Hội Phật giáo Nam Úc ( The Buddhist Society of south Australia), Bảo trợ tinh thần của Hội Ái Hữu Phật giáo Singapore ( The Buddhist Fellowship in Singapore) và Bảo trợ tinh thần của Trung tâm Bodhikusuma tại Sydney (The Bodhikusuma Center in Sydney)

Đã ấn tống: Opening The Door Of Your Heart: And Other Buddhist Tales Of Happiness hay Who Ordered This Truckload of Dung? Inpiring Stories For Welcoming Life’s Difficulties (2005); Mindfulness, Bliss, and Beyond: A Meditator’s Handbook (2006); Simply This Moment! A Collection Of Talks on Buddhist Practice (2007).

TU SĨ ẨN LÂM
PHỎNG VẤN THIỀN SƯ AJAHN BRAHMAVAMSO

Rachael Kohn
(Bình Anson trích dịch)

ajahn_brahmavamso_02Thiền sư Ajahn Brahmavamso là vị trụ trì tu viện Bodhinyana (Giác Minh), bang Tây Úc, Australia. Ngài cũng là vị cố vấn tinh thần của Hội Phật giáo Tây Úc. Ngài đã từng tu học tại Thái Lan, trong truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, dưới sự hướng dẫn của ngài Thiền sư Ajahn Chah. Sau đây là vài đoạn trích dịch từ một bài phỏng vấn của bà Rachael Kohn, phóng viên đài phát thanh Úc châu, vào tháng 3-2003.

* * *

Rachael Kohn (RK): Tìm sự an bình trong một thế giới vui chơi ồn ào quả thật là một điều hiếm có đối với một chàng trai trẻ. Sinh ra tại thủ đô London của Anh quốc, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Vật lý Lý thuyết tại Đại học Cambridge, Ajahn Brahmavamso trở thành một tu sĩ Phật giáo trong truyền thống Ẩn lâm của Thiền sư Ajahn Chah tại Thái Lan. Ngày nay, ngài là vị trụ trì Tu viện Bodhinyana, huyện Serpentine, bang Tây Úc, và là một giảng sư được nhiều nơi thỉnh mời, và nổi tiếng về tài kể các mẫu chuyện ngắn rất ý nghĩa.

Mặc dù sống đơn giảncăn bản của đời sống tu sĩ, nhất là trong khung cảnh núi rừng ở huyện Serpentine, nhưng có lẽ điểm chính yếu của tuệ quán Phật giáotìm thấy sự an bình trong thế giới loạn động. Và đó cũng tương tự với sự kiện lần đầu tiên khi tôi gặp Sư Brahmavamso tại Trung tâm Thiền Phật giáo Bodhikusuma tọa lạc trong khu nội thị ồn ào của thành phố Sydney, với các đoàn xe tải di chuyển rầm rộ ngay trước cửa.

Bạch Sư, ngài là tu sĩ từ nhiều năm qua, hình như ngài đi tu lúc 23 tuổi?

Ajahn Bramavamso (AB): Vâng, năm tôi 23 tuổi, tôi thấy đời sống thế tục không có gì hấp dẫn, và quyết định trở thành tu sĩ. Trước đó, tôi đi dạy, sau khi tốt nghiệp đại học. Trong thời gian làm giáo viên, tôi cảm thấy trong tâm có một cảm xúc rất mạnh mẽ về đời sống tu sĩ, hay một sự thôi thúc tâm linh nào đó. Hơn nữa, trong truyền thống Phật giáo Thái Lan, người ta có thông lệ xuất gia tu gieo duyên, nghĩa là đi tu chỉ trong một thời gian ngắn.

Vì thế, tôi quyết định xin nghỉ việc tạm thời trong vài năm, du hành sang Thái Lan, xuất gia đi tu, để thỏa mãn sự thôi thúc trong tâm, rồi sau đó, sẽ trở về đời sống thế tục. Nhưng một khi tôi trở thành tu sĩ, có cái gì đó đã xảy ra rất nhanh chóng làm cho tôi nhận thức được rằng đây chính là điều tôi hằng mong ước, và tôi cảm thấy rất thoải mái trong vai trò của một tu sĩ.

RK: Xin Sư nói rõ hơn, về lý do thật sự đã làm cho Sư có một quyết định thay đổi cuộc sống như thế?

AB: Điều làm tôi có một quyết định rốt ráo như thế là vì tôi nhận thức được rằng đối với tôi lúc ấy, có một cái gì đó trong đời sống thật sự quan trọng hơn là chỉ đi làm việc hay dính mắc vào tình cảm yêu đương. Có lẽ một trong những kinh nghiệm rung cảm nhất trong đời tôi là kinh nghiệm có được khi tôi tham dự các khóa thiền khi còn là cư sĩ. Tôi đạt được một mức độ an định rất thâm sâu, với nhiều hỷ lạc. Cảm giác đó không bao giờ rời khỏi tôi, và tôi muốn tìm hiểu ý nghĩa thật sự của nó, và vai trò của nó trong thế gian này. Sự an định trong thiền là những gì làm thay đổi cái nhìn của tôi về ý nghĩa của đời sống, và tôi muốn tìm hiểu sâu xa hơn về ý nghĩa đó. Điều này chỉ thực hiện được trong đời sống xuất gia.

RK: Thế nhưng qua những gì Sư đã từng kể cho biết, đời sống tu hành của Sư cũng không thoải mái lắm. Ý tôi muốn nói là Sư đã bỏ nhiều công sức xây dựng chùa chiền trong suốt 20 năm, trong hoàn cảnh rất khó khăn...

AB: Xây dựng tự viện quả thật rất cực nhọc, nhưng cũng đầy thú vị nếu chúng ta làm việc trong niềm hoan hỷ. Một trong những câu chuyện tôi thường kể là khi chúng tôi xây dựng chánh điện tại tu viện của thầy tôi, ngài thiền sư Ajahn Chah, ở Thái Lan. Một ngày nọ, ngài Ajahn Chah bảo chúng tôi phải dời một đống đất lớn từ nơi này sang một nơi khác, vì ngài cho rằng nếu để ở đây thì không đẹp mắt.

Chúng tôi làm việc cực khổ suốt 3 ngày, từ 9 giờ sáng đến 10 giờ đêm, không ngừng nghỉ, ngoại trừ lúc ăn. Mỗi ngày, chúng tôi chỉ ăn một bữa cơm, và chúng tôi làm việc trong thời tiết nóng bức của vùng nhiệt đới. Sau khi hoàn tất, chúng tôi rất vui mừng, nhưng lúc đó, ngài Ajahn Chah lại đi viếng một tu viện khác. Sáng hôm sau, vị sư phó trụ trì đến gặp chúng tôi, bảo rằng chúng tôi đã đổ đống đất đó nhầm chỗ và chúng tôi phải dời đống đất đi nơi khác. Thế là chúng tôi phải làm việc thêm 3 ngày nữa, và dĩ nhiên tôi rất vui sướng khi hoàn tất công việc ấy.

Tuy nhiên, ngày hôm sau, Ajahn Chah trở về, ngài gọi chúng tôi đến và bảo: "Tại sao các sư lại đem đổ đống đất ở chỗ đó? Tôi đã dặn các sư phải đổ đất tại chỗ này mà?!" Thế là chúng tôi lại phải ra sức lao động di dời đống đất thêm 3 ngày nữa. Dĩ nhiên là tôi phát cáu, nổi sân. Là người Tây phương duy nhất trong một tu việc châu Á, tôi có thể lầm bầm, càu nhàu bằng tiếng Anh, không sợ người khác biết. Nhưng các vị sư khác vẫn hiểu được, vì họ có thể đoán qua cử chỉ của tôi.

Và một sự kiện xảy ra làm tôi luôn luôn ghi nhớ. Một vị sư đến gần tôi và dịu dàng nói: "Đẩy xe cút kít rất dễ, nhưng càng suy nghĩ về nó lại càng tạo thêm khó khăn!" Chỉ một câu nói đó đã thay đổi cái nhìn của tôi về công việc tôi đang làm. Ngay khi tôi chấm dứt càu nhàu, than phiền, công việc đẩy xe cút kít đổ đất trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn. Đây là tôi đã học được một trong những bí quyết của đời sống tu sĩ. Cho dù ta đang làm bất cứ việc gì, ngồi hành thiền giờ này sang giờ khác trong tịnh thất hay phải lao động xây cất chùa chiền, chính sự đắn đo than trách làm cho công việc trở nên khó khăn, cực nhọc hơn.

RK: À, như thế có vẻ như một trong các bí quyết của đời sống tu sĩ là phải biết tuân lệnh. Phải chăng đó là một hình thức tra tấn, khổ nhục? Tuân lệnh làm một việc nầy, rồi đảo ngược lại, rồi làm lại như trước?

AB: Không hẳn thế. Cùng một sự kiện qua một góc nhìn này, ta thấy thế này, nhưng qua một góc nhìn kia, ta lại thấy khác. Ta có thể thấy việc gì cũng là một cực hình khổ sở, việc ăn uống có thể là một cực hình, bị phỏng vấn như thế này cũng là một cực hình, v.v. nhưng thái độ của ta đối với các công việc ấy như thế nào mới là điều quan trọng. Và một trong những bài học quý giá có được trong đời sống tu sĩ là cách thức ta xử lý một vấn đề nào đó. Thông thường ta có được sự lựa chọn. Nếu ta tiếp tục tuân theo đường lối ngu xuẩn quen thuộc để nhìn cuộc đời, ta sẽ bị khổ não. Nhưng nếu ta thật sự thay đổi cách nhìn của mình về đời sống, hay nói cách khác, khi ta có thêm trí tuệ, ta sẽ thấy vấn đề đó không còn khó khăn, khổ sở nữa.

RK: Phải chăng lúc nào Sư cũng quan tâm đến thái độ của Sư đối với mọi sự việc? Tôi có ý nói là dường như Sư lúc nào cũng là một người tìm sự toàn bích, tìm kiếm cái hạnh phúc tuyệt đối... Bởi vì đối với tôi, khi nghỉ đến hạnh phúc, tôi thường thấy thỏa mãn với những cái hạnh phúckhông hạnh phúc, vì đó là tổng hợp của những gì mà đời sống thường đem đến cho chúng ta. Nhưng Sư, hình như Sư lại nỗ lực tìm kiếm một giải pháp huyền diệu nào đó để thấy được hạnh phúc trong mọi sự việc.

AB: Vâng, đúng thế. Tôi luôn luôn nghĩ rằng việc tầm cầu hạnh phúcđộng lực chính của cuộc sống. Trong cuộc sống, bất cứ việc gì chúng ta làm trên thế gian này, luôn luôn là để tầm cầu một hạnh phúc nào đó. Riêng tôi, một trong những kinh nghiệm ban đầu về niềm hỷ lạc thâm sâu trong thiền định đã cho tôi thấy thế nào là hạnh phúc xuất thế. Và khi ta thưởng thức được điều đó, ta càng nỗ lực để tìm hiểu sâu xa hơn nữa về ý nghĩa đích thực của hạnh phúc.

Ý nghĩa của hạnh phúcý nghĩa của đời sống. Đó không phải chỉ đơn thuầný nghĩa hạnh phúc trong thiền định, mà còn là ý nghĩa hạnh phúc của bất cứ công việc nào ta đang thực hiện. Ngay cả khi thân thể của ta ra lệnh cho ta: “Bây giờ bạn phải đi ngủ”, hay “Bây giờ bạn phải bị bệnh”, hay “Bạn không thể làm được điều bạn mong muốn”. Không có vấn đề chi, nếu có sự việc nào đó trong đời sống ngăn cản, không cho chúng ta làm những gì chúng ta muốn làm. Cũng như thể đó là các mệnh lệnh của đời sống, lúc ấy, ta có cơ hội để buông xả, không bám víu vào đó, khi ta không thể làm gì khác hơn, và ta nên có thái độ thỏa lòng với hoàn cảnh hiện tại. Và đó là một trong những điều kỳ diệu mà tôi đã tìm thấy khi thực hành Phật pháp. Ta có thể an vui, hạnh phúc, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

RK: Tôi còn nhớ Sư đã từng kể một câu chuyện khi Sư đến thăm viếng trại tù và thuyết giảng cho các tù nhân. Khi Sư nói cho họ biết về đời sống tu sĩ, hình như họ rất ngạc nhiên, và họ nói: "Trời! Thế là khổ quá! Quý Sư hãy đến đây sống với chúng tôi, đời sống ở đây dễ chịu hơn là đời sống tu sĩ!” Đó là một trong những câu chuyện Sư thường kể để chuyển tải một thông điệp nào đó…

AB: Ta hiểu rõ đời sống qua các câu chuyện, hơn là qua các ý tưởng. Các ý tưởng tựa hồ như thể một bản báo cáo xưa cũ về những gì thật sự xảy ra trong cuộc sống. Nếu chúng ta kể các mẫu chuyện về đời sống chung quanh ta và lồng trong đó các ý nghĩa mà ta muốn truyền tải, người nghe sẽ dễ thông hiểu và hấp thu. Vì thế, tôi thích kể các câu chuyện ý nhị đó.

Trở lại câu chuyện Bà vừa nêu ra, đó là khi chúng tôi đến viếng một trại tù gần tu viện, và một vị tu sĩ trong đoàn thuyết pháp cho các trại viên. Sau thời pháp, một tù nhân có hỏi về đời sống của một tu viện Phật giáo ở phương Tây. Chúng tôi cho ông ấy biết là tại tu viện, chúng tôi thức dậy rất sớm, khoảng 3 giờ sáng, rồi cùng nhau tụ tập tại ngôi chánh điện lạnh lẽo, ngồi xếp chân trên mặt đất, hành thiền, và sau đó, tụng kinh công phu sáng. Đến khoảng 6.30 sáng, chúng tôi uống trà hoặc cà phê, rồi làm các công việc lao động bảo quản chùa, thường rất nặng nhọc trong 3-4 giờ, trước khi ăn trưa. Bữa ăn trưa cũng không được chọn lựa, có chi ăn nấy, do sự cúng dường của các cư sĩ, và các loại thức ăn được trộn lẫn lộn với nhau trong một bình bát của mỗi tu sĩ. Như thế, hương vị thức ăn cũng không có gì hấp dẫn. Sau khi nghỉ trưa, chúng tôi lại phải chấp tác lao động nữa, vì lúc đó, tu việc có nhiều công trình xây dựng. Chúng tôi không xem ti vi, vì chùa không có máy ti vi mà cũng không có máy radio, nên không ai xem thể thao, không ai được phép chơi thể thao, không được phép đánh đàn hay nghe nhạc, v.v. Vào buổi chiều, chúng tôi không có xi nê phim ảnh giải trí, mà cũng không được ăn buổi chiều. Chúng tôi lại tụ tập nơi chánh điện, ngồi xếp chân hành thiền hằng giờ trên nền đất buốt lạnh, và sau buổi thiền, mỗi tu sĩ trở về liêu cốc riêng, sống một mình, và nằm ngủ trên nền đất, lạnh lẽo.

Khi nghe chúng tôi trình bày như thế, các trại viên rất sửng sốt, ngạc nhiên, vì họ không ngờ chúng tôi lại có một đời sống như thế. Cho nên, một trại viên, có lẽ ông ta đã quên rằng ông đang sống trong tù, phát biểu: "Ghê quá! Đời sống như thế là quá khắc khổ! Tại sao các Sư không vào đây mà sống với chúng tôi, trong trại này, sung sướng hơn?!" Thật là điên rồ và khôi hài, vì ông ta đã quên rằng ông đang bị giam trong tù! Điểm quan trọng trong câu chuyện này là: lý do chính mà các vị tu sĩ và các vị cưthiền sinh khi đến viếng tu viện đều muốn ở lại đó, vì họ cảm thấy an lạc, thỏa mãn. Họ không xem tu viện như là tù giam, bởi vì họ tự nguyện, thật lòng muốn đến tu học tại đó, cho dù cuộc sống có phần khắc khổ. Trong khi ấy, các trại viên tội nhân bị chính quyền giam vào một nơi mà họ không muốn ở, cho nên đối với họ, nơi đó là một nhà tù.

RK: Bạch Sư, như thế, đó là sự tự do, phải không? Đó là quan kiến của chúng ta về sự tự do, về những gì tạo ra tự do. Tôi có ý muốn nói về những gì tạo ra sự tự do là sự lựa chọn, không gò bó, không trói buộc. Còn ý của ngài thì sao?

AB: Thật ra, chúng ta có hai loại tự do: tự do ham muốntự do khỏi ham muốn. Đa số người ta trên thế gian này chỉ biết đến loại tự do của ham muốn, tự do của chọn lựa. Trong đạo Phật, nhất là trong hành thiền, chúng tôi nhắm đến loại tự do thứ hai, đó là tự do khi thoát khỏi sự ham muốn, tự do khi thoát khỏi sự chọn lựa.

Cho nên, khi ta bằng lòng ngay trong hiện tại, khi tâm ta an bình, các sự ham muốn sẽ không xảy ra. Ta được tự do, thoát khỏi áp lực của những sự ham muốn vốn có khuynh hướng áp đảo chúng tasai khiến ta phải làm theo mệnh lệnh của chúng. Đó là những mệnh lệnh trong nội tâm của mỗi người chúng ta, ra lệnh chúng ta phải làm sao cho vượt trội hơn người khác, phải làm sao để xua đuổi cơn đau, phải làm sao để đạt được một mục đích nào đó, cho dù chúng ta cũng không biết tại sao cần phải làm như thế, … Khi hành thiền, dần dần chúng ta sẽ đạt được sự tự do thoát khỏi các mệnh lệnh đó.

RK:phải chăng Sư lúc nào cũng biết được lý do để đạt mục đíchtrở thành một tu sĩ Phật giáo, và một vị trụ trì tu viện?

AB: Không hẳn thế. Trở thành vị trụ trì chỉ là vì hoàn cảnh đưa đẩy. Còn trở thành một tu sĩ Phật giáo là điều tôi mơ ước từ khi còn trẻ. Lúc ấy, chung quanh tôi, tôi thấy có nhiều người có rất nhiều của cải tài sảndanh vọng. Hình như họ có cơ hội để sống với ước mơ của họ, nhưng sự mong muốn của họ không bao giờ ngưng. Họ không bao giờ thoát khỏi lòng mong muốn, lúc nào cũng nỗ lực để thoả mãn sự mong muốn, thèm khát điều này, rồi lại điều kia, như là những người đói khát, thật là khổ tâm. Đôi khi chúng ta cũng thế, chúng ta muốn chấm dứt cảm giác đói khát trong nội tâm, muốn được thỏa mãn vĩnh viễn, nhưng hình như điều đó không bao giờ đạt được… Có rất nhiều người giàu cóthành công trên đời này, được nhiều người ca tụng và bắt chước, nhưng nếu ta hỏi họ: "Ông Bà có thật sự tự do không?" Nếu họ thành thật, có lẽ ta sẽ nhận được các câu trả lời rất lý thú!

Rồi tôi gặp được vài vị tu sĩ Phật giáo, và họ là những người an lạc nhất mà tôi đã từng thấy trên đời này. Mặc dù sống trong tu viện với nhiều giới luật nghiêm khắc, trong một đời sống rất đạm bạcđơn giản, nhưng ta có thể cảm nhận được sự an lạc, thảnh thơi, tự do của các vị tu sĩ đó. Từ đó, ta mới hiểu được sự khác biệt của hai loại tự do: tự do của ham muốntự do thoát khỏi ham muốn. Trong thế giới ngày nay, chúng ta có quá nhiều phương tiện để theo đuổithỏa mãn các ham muốn của chúng ta, hầu như ta có thể làm được những gì ta muốn. Nhưng có mấy ai thật sự cảm thấy tự do?

RK: Tất cả đều tùy thuộc chúng ta mong muốn gì từ cuộc sống. Tôi biết thông điệp của Sư thông thường là về sự hạnh phúc, như thể để chuyển tải câu: “Đừng lo âu. Hãy an vui", liên quan đến việc thay đổi thái độ của chúng ta, chứ không phải để thay đổi thế gian. Thế nhưng, chắc Sư cũng biết, thái độ đó cũng có thể phát sinh một thái độ thờ ơ đối với cuộc đời.

AB: Không hẳn thế đâu. Tôi không nghĩ điều đó có liên hệ gì đến sự thờ ơ lãnh đạm, bởi vì khi có nhiều người thay đổi thái độ sống thì thế gian sẽ thay đổi theo.

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên ghi nhận rằng ngày nay, thay vì phải giải quyết các vấn đề trong đời sống với một thái độ an vui, người ta giải quyết chúng với một tâm sân hận, giống như thái độ của một chuyên viên diệt trừ sâu bọ. Thay vì cố gắng tìm hiểu và chung sống hòa hợp với thiên nhiên, ta lúc nào cũng muốn khống chế và tiêu diệt tất cả những gì đã và đang tạo ra vấn đề khó khăn cho chúng ta, và những thứ đó có thể bao gồm cả những người thân hoặc một loại thù địch nào đó mà ta xem như là sâu bọ. Nhưng ắt hẳn chúng ta cũng biết rằng ta không thể nào diệt trừ tất cả các loài sâu bọ trên thế giới, mà ta cũng không thể diệt trừ tất cả các sâu bọ trong thân thể của chính mình, như ung thư và các loại bệnh tật khác. Đôi khi, chúng ta phải dành thì giờ để học cách sống an bình và hài hòa với thiên nhiên.

RK: Đạo Phật có dạy chúng ta phải đối kháng những điều nguy hiểm, xấu ác, quỷ quyệt không?

AB: Vâng. Chúng tôi giảng dạy về sự đối kháng tâm sân hận, về sự đối kháng tâm đố kỵ, về sự đối kháng tâm ngu si. Đó là những điều chúng ta phải thật sự đối kháng, đó là những gì liên quan đến lòng sân hậncảm giác muốn trả thù, liên quan đến sự đau đớn dằn vặt trong tâm, sự ưu sầu, cảm giác tội lỗi, v.v, tất cả những cảm tính tiêu cực của đời sống. Đó là những gì chúng ta muốn đối kháng, muốn hiểu rõ, để vượt qua, bằng cách buông xả. Khi ấy, chúng không còn hiện hữu nữa.

RK: Tôi thích câu chuyện Sư thường kể về một vị giảng viên vào trong lớp học và mang theo một lọ chứa đầy các viên sỏi… Ngài có thể kể ra đây không?

AB: Vâng. Thật ra, đó là một câu chuyện tôi học được từ một vị Phật tử, có quảng bá trên Internet. Cho nên, có lẽ nhiều thính giả của đài phát thanh đã từng biết qua, nhưng đó là một câu chuyện hay.

Một ngày nọ, một vị giảng viên đại học đến lớp giảng, thay vì đọc và dạy những gì ghi trong sách như thường lệ, ông ấy mang theo một lọ thủy tinh to, và đặt nó trên bàn viết. Trong khi các sinh viên thắc mắc không biết ông ấy có ý định gì, ông bắt đầu mở một cái túi và lấy ra các viên sỏi to và bỏ từng viên vào lọ cho đến khi không còn bỏ thêm được viên nào nữa. Ông hỏi cả lớp: "Lọ này đã đầy chưa?”, và mọi người trả lời: "Vâng, đầy rồi”.

Ông mỉm cười, rồi lấy ra một túi khác, chứa các viên sỏi nhỏ, và bỏ từng viên sỏi nhỏ vào lọ, vào trong các khe giữa các viên sỏi lớn, đến khi không còn bỏ thêm được viên nào. Rồi ông hỏi: "Đầy lọ chưa?”. Bây giờ, có lẽ đoán được ý ông, cả lớp lắc đầu và trả lời: "Dạ, chưa đầy”. Họ cười vang, thích thú theo dõi các động tác của ông. Ông mỉm cười, lấy ra một túi khác chứa đầy cát mịn, từ từ đổ cát vào lọ, vừa đổ vừa lắc lọ để các hạt cát mịn chảy vào các khe trống trong lọ, cho đến khi không còn đổ cát thêm được nữa. Rồi ông lại hỏi: “Đã đầy chưa?” và cả lớp trả lời: "Dạ chưa". Lần này, ông nhờ sinh viên mang đến một chai nước và từ từ đổ nước vào lọ cho đến khi đầy tràn. Rồi ông hỏi cả lớp: "Những gì tôi làm hôm nay có ý nghĩa gì?"

Đây là lớp học về quản lý kinh doanh, cho nên, một sinh viên nhanh nhẩu đưa tay đứng lên phát biểu: "Thưa Thầy, việc này có ý nghĩa là cho dù chúng ta có bận rộn như thế nào, chúng ta vẫn có thể thu xếp để đảm nhận thêm vài việc khác nữa". Nhưng vị giáo viên nói: "Không hẳn thế. Đấy không phải là ý nghĩa điều tôi muốn diễn tả. Điều mà tôi muốn trình bày ở đây là nếu các em muốn bỏ vào lọ các viên sỏi to thì các em phải bỏ chúng vào trước tiên. Đừng đợi đến lúc cuối, vì như thế, các em sẽ không bao giờ bỏ chúng vào trong lọ được.” Đây là một câu chuyện về thứ tự ưu tiên, về những gì ta phải dành ưu tiên trong lịch làm việc của mình, của cuộc đời mình.

Cũng vậy, có những sự việc chúng ta đều biết chúng quý giá như những viên đá quý, những viên sỏi to của cuộc đời, như gia đình ta, như sự liên hệ giữa ta và những người thân thương, như sự an bình trong tâm thức, v.v., nhưng nhiều khi, ta lại xếp chúng sang một bên, xếp vào thứ bậc cuối cùng của lịch làm việc trong ngày, trong tuần, trong cuộc đời của ta, để rồi sẽ không bao giờ có được cơ hội thực hiện những điều ấy. Đó là một trong những lý do làm chúng ta không tìm được hạnh phúc. Chúng ta không đặt đúng thứ tự ưu tiên những gì cần phải thực hiện cho cuộc đời mình. Chúng ta phải luôn luôn nhớ đến câu chuyện bỏ đá vào lọ của vị giảng viên đại học kia, và thu xếp thực hiện những việc thật sự quan trọng nhất trong cuộc đời chúng ta. Chúng ta vẫn luôn luôn có cơ hội để làm thêm các việc khác, kém quan trọng hơn, về sau này.

RJ: Bạch Sư, có còn những gì khác mà Sư muốn đặt thêm vào lọ của Sư không?

AB: Bỏ vào lọ của tôi? Đó là sự an bìnhhạnh phúc cho tôi và cho người khác. Rốt cuộc, điều quan trọng nhất trong đời tôi là làm thế nào để mang lại hạnh phúc cho tôi và cho người khác. Tuy nhiên, sau nhiều năm trong đời tu sĩ, tôi thấy không thể nào tách rời hạnh phúc của riêng tôi và hạnh phúc của người khác. Vì thế, tôi sẵn sàng đi đây đi đó để phục vụ mọi người, càng nhiều càng tốt, thuyết giảng, và kể nhiều câu chuyện vui nhưng có ý nghĩa, để mọi người vui vẻ đón nhận và thông hiểu.

RK: Bạch Sư, chúng ta đang ngồi đây, bên cạnh một bàn thờ rất truyền thống, trên đó có một tượng Phật và chung quanh có các đóa hoa sen. Câu hỏi cuối cùng của buổi phỏng vấn hôm nay là: các biểu tượng này có ý nghĩa như thế nào?

AB: Vâng. Chúng ta nhìn vào bàn thờ, bắt đầu từ vị trí cao nhất, tượng Đức Phật trong tư thế hành thiền, mắt khép lại, miệng mỉm cười, rõ ràng đó là biểu tượng của sự an bình. Khi ta nhìn những hình ảnh như thế, lòng ta cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng, từ bi. Hai bên tượng Phật là các cây nến, đó là biểu tượng của trí tuệ, vì ta thắp nến là để mang ánh sáng, xua tan sự tối tăm, mê ám. Qua nhiều thế kỷ trong lịch sử, đó là biểu tượng cho sự giác ngộ. Trí tuệ hiện hữu, không ai thật sự sở hữu trí tuệ, nhưng chúng ta cần có cây nến để thắp sáng, để tự mình thấy rõ ràng mọi sự việc.

Rồi ta thấy các đóa hoa sen trên bàn thờ. Hoa sen là một biểu tượng quan trọng trong đạo Phật. Hoa sen có nhiều lá, và nhiều cánh hoa, hằng ngàn cánh hoa, và đây là một trong những đề mục hành thiền ưa thích nhất của tôi. Trong thiên nhiên, muốn mở các cánh hoa sen, mặt trời phải duy trì đầy đủ các tia nắng ấm liên tục trên ngàn cánh hoa, từ cánh hoa thứ nhất ở ngoài cùng cho đến cánh hoa thứ một ngàn nằm sâu bên trong.

Phần trong cùng của hoa sen là phần thơm ngát nhất, tế nhị nhất và mỹ lệ nhất. Nếu ta may mắn, và nếu mặt trời vẫn duy trì được các tia nắng ấm trong suốt thời gian nở hoa, lúc ấy, nụ sen sẽ mở ra, và ta sẽ thấy được phần quan trọng nhất, được gọi là viên ngọc của hoa sen. Đây là biểu tượng của hành thiền, vì chúng ta phải duy trì chánh niệm liên tục, không ngừng nghỉ, không gián đoạn trong suốt thời gian lâu dài, để mở ra cánh sen thứ một ngàn nằm sâu bên trong, như thế, ta mới thấy được thật sự những gì ở bên trong, viên ngọc ở trong tâm chúng ta.

RK: Ngài Thiền sư Ajahn Brahm, chúng tôi kính tri ân Ngài đã tham dự buổi phỏng vấn hôm nay.

AB: Không có chi. Xin cám ơn Bà.

Bình Anson trích dịch,
Tây Úc, tháng 9-2007


(Nguồn: http://buddhanet.net/budsas/uni/u-vbud/vbpha664.htm)


Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
16/08/2013(Xem: 14673)
05/01/2018(Xem: 13181)
21/10/2013(Xem: 16373)
Hãy cẩn trọng với giọng nói, video và hình ảnh làm từ trí tuệ nhân tạo AI: một số người hoặc đùa giỡn, hoặc ác ý đã làm ra một số sản phẩm tạo hình giả mạo liên hệ tới các tu sĩ Phật giáo. Những chuyện này đã được nhiều báo Thái Lan và Cam Bốt loan tin. Trong khi chính phủ Thái Lan xem các hình ảnh giả mạo tu sĩ là bất kính, cần phải ngăn chận ngay từ mạng xã hội, nhiều nước khác, như tại Hoa Kỳ, chuyện này không được chính phủ can thiệp, vì xem như chỉ là chuyện đùa giỡn của một số người ưa giỡn. Bởi vì rất nhiều người trong chúng ta không phải là chuyên gia về trí tuệ nhân tạo để phân biệt hình giả và hình thật, nên thái độ phán đoán cần được giữ cho dè dặt, cẩn trọng.
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?