Thiền Tập Chữa Bệnh Chậm Trí

16/04/20173:36 SA(Xem: 9753)
Thiền Tập Chữa Bệnh Chậm Trí

THIỀN TẬP CHỮA BỆNH CHẬM TRÍ
Nguyên Giác

Đó là một câu hỏi được nhiều chuyên gia y tế và giáo dục quan tâm: Thiền tập có thể chữa bệnh chậm trí?

Trong Kinh Phật đã ghi một trường hợp như thế.

Ngài Culapanthaka nổi tiếng chậm trí, không nhớ gì lời Đức Phật dạy trong khi người anh ruột cực kỳ thông tuệ, minh mẫn. Người anh rất phiền vì em mình không thể nhớ tới một bài kệ. Trong một lần Đức Phậtchư tăng được mời cúng dường trai tăng, người anh (Ngài Mahapanthaka) phụ trách phân công trong tăng đoàn, sợ em mình chậm trí, sẽ làm đủ thứ chuyện phiền nhiễu, nên bảo em ở lại giữ tu viện. Ngài Culapanthaka tủi thân, khởi tâm muốn về đời. Đức Phật nhận ra ý định đó, mới đưa mảnh vải và dạy nhà sư Culapanthaka rằng  “hễ thấy bụi, thì lau”… Trong vòng chưa hết buổi sáng, Ngài Culapanthaka chứng quả A La Hán, đắc thần túc thông. Đức Phật giải thích rằng vì trong thời Đức Phật Ca Diếp, tiền thân của Culapanthaka chế giễu một nhà sư chậm trí, nên Culapanthaka kiếp này chậm trí. Tích này ghi lại trong Kinh Pháp CúBài Kệ 25.

mindful
Một lớp thiền tập cho trẻ em (From the Child Mind Institute)

Nhưng còn bây giờ? Nhà văn Juliann Garey, cũng là một giáo sư ở đại học NYU, trong bài viết tựa đề  “The Power of Mindfulness: How a meditation practice can help kids become less anxious, more focused” (Sức Mạnh Chánh Niệm: Cách nào để thiền tập giúp trẻ em giảm lo lắng, tăng sức tập trung), nói về liệu pháp thiền tập MBSR của Jon Kabat-Zinn, phương pháp có thể nói cô đọng là “chú tâm vào giây phút hiện tại và không phán đoán.”

Garey nói rằng trong những năm gần đây, pháp này được dùng để chữa trị trẻ em và thiếu niên gặp nhiều hội chứng bệnh lý, từ ADHD tới lo lắng, tới hỗn loạn tự kỷ, tới trầm cảm và căng thẳng (from ADHD to anxiety, autism spectrum disorders, depression and stress). Và lợi ích thiền tập thấy rõ lớn vô cùng.

ADHD là viết tắt nhóm chữ “Attention deficit hyperactivity disorder” – là bệnh rối loạn tâm lý, khó tập trung tư tưởng, lo lắng, xung động… Khi đã có bệnh ADHD, sẽ tới 2/3 em mang bệnh này khi trưởng thành.

Vấn đề là, làm sao dạy thiền cho một em bé 5 tuổi?

Garey kể về phương pháp của Amy Saltzman, một bác sĩ và là người dạy thiền ở thị trấn Menlo Park, California, là chỉ mời gọi đứa trẻ đó phải kinh nghiệm trước – để tìm thấy các em ở “nơi lặng lẽ, im vắng” riêng của các em.

BS Saltzman giải thích: “Khởi sự là chú tâm vào hơi thở, cảm nhận hơi thở vào, cảm nhận sự lặng lẽ giữa hơi thở vào và hơi thở ra. Tôi mời các em an nghỉ nơi không gian giưa các hơi thở. Rồi tôi giải thích rằng nơi lặng lẽ im vắng này luôn luôn ở với chúng ta – khi chúng ta buồn, khi chúng ta giận dữ, hào hứng, hạnh phúc, bực dọc. Các em có thể cảm nhận nó trong cơ thể các em. Và nó trở thành một kinh nghiệm cảm nhận được về sự tỉnh thức. Các em có thể tâp quan sát các niệm và các cảm thọ, và điều lớn nhất đối với tôi là các em có thể khởi sự lựa chọn thái độ hành vi của các em.”

BS Saltzman nói rằng bà dạy trẻ em thiền tập để chữa các hội chứng ADHD, lo lắng, trầm cảm, tự kỷ (autism), ưa giận dữ. Và bà dạy riêng từng em.

BS Saltzman cũng thực hiện một cuộc nghiên cứu liên kết với các nhà nghiên cứu ở Stanford University cho thấy rằng sau 8 tuần tập thiền chánh niệm, các em lớp 4 tới lớp 6 trong cuộc nghiên cứu giảm được lo lắng, và tăng sức chú ý. Các em bớt phản ứng bộc khởi, và trở nên trầm tĩnh hơn.

Ghi nhận rằng, nếu trong gia đình bạn có một con em bệnh tự kỷ, chậm trí… sẽ không mấy gia đình có thể có điều kiện tài chánh để đưa con vào chữa trị ở các chuyên gia y tế nổi tiếng. Điều tốt nhất là, tất cả các bậc ba mẹ đều nên thiền tập để mỗi ngày dạy và cùng thiền tập với con mình.

Những cuộc nghiên cứu của các chuyên gia y tế Hoa Kỳ có kết quả ra sao? Nơi trang U.S. National Library of Medicine (Thư Viện Y Khoa Quốc Gia Hoa Kỳ --  https://www.nlm.nih.gov/chúng ta có thể tìm thấy một số bản phúc trình về dạy thiền tập cho trẻ em và người thành niên chậm trí.

Trong đó, có ít nhất 4 cuộc nghiên cứu chữa trị người thành niên chậm trí có thái độ hung hăng giận dữ bằng phương pháp “Thiền tập về Dưới Bàn Chân” (Meditation on the Soles of the Feet).

Cuộc nghiên cứu tháng 5 và tháng 6/2003 ghi trên trang này có tựa đề “Soles of the Feet: a mindfulness-based self-control intervention for aggression by an individual with mild mental retardation and mental illness” (Để Tâm Phía Dưới Bàn Chân: một phương pháp tỉnh thức đối trị sự phẫn nộ hung hăng giành cho người bệnh chậm trí nhẹ và bệnh tâm thần) thực hiện bởi một nhóm giáo sư N.N. Singh, R.G.Wahler, A.D. Adkins AD, R.E. Myers từ các đại học, bệnh viện.

Người thành niên chậm trí này vì tính dễ nóng giận, nên bị buộc vào bệnh viện, yêu cầu phải có 6 tháng không có hành vi giận dữ mới được cho ra đời thường. Các nhà nghiên cứu dùng phương pháp thiền này dạy cho người thành niên chậm trí, yêu cầu người này đối trị tâm giận dữ bằng việc chú tâm vào dưới đáy bàn chân (the soles of his feet) bất cứ khi nào thấy nóng giận. Trong 6 tháng không giận dữ, người này được cho về đời thường, và vẫn được theo dõi: kết quả, trong một năm ở đời thường, không có trường hợp nóng giận nào xảy ra với người này.

Nghiên cứu này (lưu hồ sơ ở https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/12742385)  đưa ra kết luận, pháp Thiền này có thể dùng chữa trị các thách thức về hành vi thái độ nơi trẻ em và người lớn bị chậm trí nhẹ.

Một cuộc nghiên cứu khác vào năm 2008, cũng lưu hồ sơ ở Thư Viện Y Khoa Quốc Gia Hoa Kỳ, cho thấy một kết quả đáng chú ý.

Một nhóm 6 người chậm trí nhẹ bị kết tội hành động hung hăng phải cần chữa trị, đã được dạy phương pháp Thiền Tập Dưới Đáy Bàn Chân. Phương pháp này tiết kiệm chi phí trị liệu nhiều vô cùng tận: Trong 12 tháng trước khi tập và trong 12 tháng sau khi tập cho thấy giảm 95.7% chi phí tốn kém. Kết quả rất lớn: họ không cần uống thuốc an thần, không cần bị trói lại, bản thân họ cũng không đánh ai bị thương tích.

Tới đây, thêm một trường hợp tuyệt vời bất ngờ: một người chậm trí sau khi học xong Thiền pháp này và tự chữa trị bệnh hung hăng xong đã dạy cho các bạn chậm trí khác.

Nghiên cứu này ghi trong hồ sơ ngày 7/7/2011 trên trang Thư Viện Y Khoa Quốc Gia Hoa Kỳ, tựa đề “Peer with intellectual disabilities as a mindfulness-based anger and aggression management therapist” (Một người thiểu năng trí tuệ trở thành người trị  liệu bằng phương pháp chánh niệm kiểm soát nóng giận).

Một thanh niên vừa bệnh thiểu trí vừa bệnh tâm thần, trước đó được dạy phương pháp Thiền Dưới Đáy Bàn Chân, đã dạy pháp này cho các bạn chậm trí của anh. Không hề được huấn luyện đề làm người chữa bệnh, nhưng khi được các bạn đồng bệnh yêu cầu, anh này bắt đầu dạy cho các bệnh nhân kia phương pháp chữa trị nóng giận hung hăng.

Các nhà nghiên cứu quan sát về thái độ hung hăng của ba người trong số các bệnh nhân được anh này dạy, và quan sát về cách anh này dạy có đúng phương pháp hay không. Hồ sơ quan sát của các nhà nghiên cứu và của bệnh viện cho thấy 3 người giảm dần nóng giận tới mức thấp nhất trong vòng 5 tháng tập pháp này, và thái độ trầm tĩnh giữ được suốt 2 năm sau đó qua những dữ kiện theo dõi không chính thức.

Như thế cho thấy, người chậm trí học pháp này xong, sẽ có thể dạy cho các bạn chậm trí phương pháp này để kiểm soát thái độ hung hăng, tới mức có thể được cho về đời thường. Kết quả nghiên cứu này lưu ở đây: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/21741206 .

Phương pháp Thiền Tập Dưới Bàn Chân có thể xem trực tiếp qua một băng hình dài 2 phút 15 giây đồng hồ ở YouTube (https://www.youtube.com/watch?v=cj3nS5y8TD4), thực hiện  bởi Thomas Jefferson University & Jefferson Health. Tóm lược là lời hướng dẫn sau:

Phương pháp đơn giản đê sử dụng khi căng thẳng. Nếu đang đứng, hãy đặt 2 bàn chân vững vàng trên mặt đất, có thể hơi cong đầu gối cũng được, 2 cánh tay buông thỏng 2 bên để 2 vai thư giãn. Nếu đang ngồi trên ghế, hãy đặt 2 bàn chân trên sàn nhà, đặt hai bàn tay trên đùi. Hãy chú tâm vào hơi thở ra vào thoải mái, ghi nhận cảm thọ, ghi nhận các niệm đang nghĩ ngợi; không cần phải xua đuổi hay thay đổi các thọ hay xua đuổi niệm. Chỉ giữ lòng từ bi ghi nhận khoảnh khắc hiện tại đó. Rồi chú ý phía dưới bàn chân, hãy nhận ra cảm thọ bàn chân chạm với giày, cảm thọ nơi gót bàn chân, nơi lõm của bàn chân, nơi ức bàn chân, nơi đầu các ngón chân; có thể nhúc nhích các ngón chân cái để nhận rõ cảm thọ. Hãy cảm thọ hơi ấm trong giày, hay hơi mát trong giày, hay bất kỳ cảm thọ gì nơi chân. Rồi cảm thọ trên toàn thân như một thể. Hãy chú ý tới các niệm khởi trong tâm, các cảm thọ, không nên phán đoán gì, chỉ ghi nhận thôi…

Băng hình tóm lược lời hướng dẫn chỉ dài hơn 2 phút, nhưng thời lượng thiền tập thực sự có thể là 15 phút hay nhiều hơn mỗi buổi.

Hy vọng rằng tất cả các bậc ba mẹ, tất cả các giáo viên có thể dùng phương pháp này để giúp các em giảm tính nóng giận, tăng sức tập trung, và chữa bệnh chậm trí cho con em, nếu có.

Phương pháp này cũng nên dạy ở các trường học ở Việt Nam, nơi đang xảy ra rất nhiều trường hợp học sinh đánh nhau… Đơn giản, nhưng hiệu quả

 

 

Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Gủi hàng từ MỸ về VIỆT NAM
Tạo bài viết
21/10/2013(Xem: 16158)
Bài viết này chỉ là những suy nghĩ rời. Nói theo ngôn ngữ thường dùng là viết theo thể văn tản mạn. Nghĩa là, không phải sắp xếp, lý luận theo một hệ thống. Bài viết khởi lên từ cuộc nói chuyện rời trong khi ngồi trên xe của nhạc sĩ Tâm Nhuận Phúc Doãn Quốc Hưng từ Quận Cam tới tham dự một Phật sự tại Riverside, California.
Có rất nhiều thông tin trái ngược nhau về đậu nành: Nó có tốt cho sức khỏe không? Nó có nguy hiểm không? Và nếu ăn được thì tại sao một số người lại nói là không?
Là Phật tử, ai cũng muốn tìm hiểu Đạo Phật để thực hành cho đúng đắn ; nhưng Phật Giáo thật mênh mông, như lá cây trong rừng : học cái chi đây ? bắt đầu từ đâu ? Cả đời người chắc cũng không học hết được. Mỗi người tùy theo phương tiện, chí hướng, ý thích, điều kiện, mà đặt trọng tâm trên một hay vài địa hạt nghiên cứu.